Saturday, March 23, 2024

*Những Khung Trời Kỷ Niệm! (28)

 

Sau khi, tìm được địa điểm mình dự thi, To đưa tôi về nhà người quen ở khu nhà bên trong Đường Nguyễn Thiện Thuật, gần chợ Bàn Cờ để nói với vợ chồng anh Tư Hoa cho chúng tôi ở đỡ trong những ngày thi. Anh chị vui lòng sẵn sàng cho ở, thế là chúng tôi an lòng với mọi chuyện về thi cử. Hai đứa cuỡi xe ra đến bến xe, nhờ chất xe đạp lên xe đò và đi về Bình Dương để trở về nhà. Cuộc học thi ráo riết cho đến gần ngày đi thi, có khi phải thức suốt đêm để học bài. Đối với tôi học bài lâu nhớ thì lại vất vả hơn nhiều, nhưng vẫn đành phải cố gắng thôi. Tôi không dám uống nước trà đậm để thức như vài bạn đã làm vì mình vốn thường xuyên mất ngủ, mà cũng không nấu bí rợ với đường ăn cho bổ óc. Chính có lẽ do thức khuya học bài nhiều ngày mà sĩ tử nào cũng xanh xao, vàng vọt, ốm đi ngó thấy. Thế rồi trước ngày thi đôi ba ngày, tất cả đều mệt mỏi, phải gát lại mọi bài để nghỉ ngơi, lấy sức cho ngày thi. Đa số đều chỉ coi lại những gì cần thiết mà họ cho là những điều quan trọng. Có bạn thì đến nhờ các thầy bói xem khoa nầy mình như thế nào. Cũng có bạn còn cần đến các người khuất mặt bằng những “con cơ” tức là cầu cơ. Thôi thì đành liều cho số mạng “Học tài thi phận” vậy!

Ngày chuẩn bị đi thi, tôi dự trù đến trưa lên nhà To rồi hai đứa cưỡi xe đạp lên Bình Dương đón xe đò để đi xuống Sài Gòn. Nhưng không ngờ mới sáng sớm không biết có chuyện gì mà người dưới chợ có vẽ nhốn nháo, khiến Ông Nội tôi hối thúc tôi soạn đi nhanh nhanh lên để rủi có chuyện gì xảy ra mà đi không được. Thấy tình hình báo động tôi soạn vội sách vở đem theo cùng những hành trang chuẩn bị, xách tụng đệm chứa đồ vội cưỡi xe đạp, giã từ Ông Nội rồi lên nhà To trên Vĩnh Trường. Lên đến nơi thì To chưa chuẩn bị gì hết vì chưa tới giờ để đi, tại tôi đi lên sớm thôi! Nói vậy, chứ To cũng bắt đầu khăn gói, sách vở cần thiết đem theo, rồi tắm rửa, ăn chút gì trước khi đi. Hai đứa khởi hành cưỡi xe đạp xuyên qua sân máy bay, đi lên Bình Quới. Vừa tới bìa xóm Bình Thoại thì có tiếng súng nổ từ phía dưới hố` trũng dưới kia bắn lên. To vội vàng kêu tôi bỏ xe nằm xuống đất. Vừa bỏ xe dự định nằm xuống thì To nghĩ sao vội la lên: “Không được! không được, thôi lấy xe đạp chạy nhanh đi mầy, không khéo hai bên đụng độ thì mình kẹt bây giờ”! Thế là tôi đành nghe theo lời nó, vội dựng xe dậy rồi nhảy thót lên yên. Hai đứa đạp chạy có cờ! To nói: “Mấy chả bắn sẻ đó mầy”! Hú vía, vì đạn rớt cách nơi hai đứa không xa lắm! Không biết kỳ thi nầy như thế nào, chứ mới vừa xuất hành đã gặp nhiều điều không may lắm! Thôi thì cứ kệ nó đi! Suy nghĩ nhiều mệt quá! Đến bến xe Bình Dương, hai đứa chất xe đạp lên xe đò để đi Sài gòn. Tới ngã Bảy đường Phan Thanh Giản chúng tôi xuống xe, cưỡi xe đạp đi về nhà anh Tư Hoa. Sau khi sắp xếp chỗ nghỉ ngơi xong, tôi và To nói với anh chị Tư đi xuống trường thi ở Cầu Muối xem có gì thay đổi không. Mọi việc không có gì thay đổi, giờ giấc được quy định hẳn hòi theo lịch trình thông báo ở trước Trường. Chúng tôi đi về, ăn uống và nghỉ ngơi, nhưng đêm đến vẫn nghe khó ngủ: Một phần vì lạ nhà, hai là trong lòng vẫn có nhiều lo âu! Tuy nhiên cuối cùng thì chúng tôi cũng ngủ được chút ít.

Sáng thức dậy sớm nhưng nhà anh chị Tư cũng thức rồi vì nhà anh chị may nhiều thứ đồ, quần áo lẫn đồ lót để bán. Chúng tôi thi cả ngày, nên trưa kiếm ăn ở các tiệm ăn chung quanh trường. Ngày đầu chúng tôi thi môn thi chính của Ban mình, tức là Ban A thì chúng tôi sẽ thi môn Vạn Vật và môn phụ; còn Ban B thì thi môn Toán trước. Ngày sau thi môn Giảng Văn và môn phụ khác. Đó là những môn của Vòng 1. Và các ngày kế tiếp chúng tôi Ban A sẽ thi môn Toán cộng với môn phụ khác, và ngày sau nữa thì có Lý Hóa và môn phụ (những môn phụ thi kèm theo môn chính như là Anh Văn, Sử Địa, Pháp Văn, Công Dân) Đó là các môn thi của Vòng 2. Sở dĩ có Vòng 1 và Vòng 2 là vì: Nếu thí sinh nào đậu được Vòng 1, thì các bài của Vòng 2 được chấm tiếp để quyết định “Đậu hay Rớt”. Nhưng trong Kỳ thi Tú Tài I nầy sẽ được tổ chức thi hai lần trong kỳ Hè. Nếu Lần 1 rớt thì có thể tham dự lại kỳ thi sau tức là lần 2 cách sau kết quả Lần 1 không lâu. Xong các ngày thi, tôi có hỏi phụ tiền chi phí ăn ở với anh chị Tư, nhưng anh chị không lấy tiền mà chỉ giúp cho tôi và To không thôi, vì To cũng rất thân tình với anh chị. Xong cuộc thi rồi, chúng tôi thấy tương đối nhẹ nhõm người ra, nhưng cũng hãy còn chưa yên, mà còn phải xem lại bài lần nữa để phòng hờ bị rớt ở chặng nào và phải thi lại phần đó nữa. Tuy nhiên, việc học không còn nặng nề như lần trước. Tôi thường kiểm điểm lại các bài làm của mình, và tùy theo điểm số quy định từng câu hỏi và bài làm mà tự mình đánh giá bài đã làm xem như thế nào. Tôi lượng ước gắt gao nhất thì số điểm của tôi có thể vượt được điểm để đậu chút ít nhưng không thể tới thứ hạng “Bình Thứ”: Nếu được đậu cũng là may lắm rồi! Trong hoàn cảnh trong những năm qua mà không bị rớt là sự cố gắng vượt bực, nên tôi không thể đòi hỏi gì nhiều hơn.

Thế rồi ngày có kết quả cũng đến, chúng tôi lần lượt xuống Sài Gòn đến những trung tâm và trường mình thi hôm trước để xem kết quả. Tất nhiên là tôi phải đến Trường Trung Học Cô Giang ở chợ Cầu Muối để xem. To mắc bận ngày ấy không đi được, tôi phải đi một mình. Ở bảng có kết quả khá đông người vì là những ngày đầu, nên sự chen lấn không thể tránh khỏi. Người tốt ngưòi xấu xen lẫn nhau, mà thành ra có vài câu tiếng qua tiếng lại, nhưng rồi cũng yên đi để nhường lại cho những kết quả hồi hộp, lo âu, vui mừng hay buồn bã. Khi đến gần được bảng danh sách kết quả thì theo bản năng là mình lo tìm đến mẫu tự tên mình trước. Sự vui mừng không thể tả khi mình đã có tên trong danh sách đậu hẳn, kế đến là tên của Thạch cũng gần với tên tôi, thế là Thạch cũng đậu rồi. Tôi tìm đến tên của To, nhưng xem đi xem lại cũng không có tên của nó. Vậy là To rớt! Dù biết như vậy tôi cũng không dám xác định kết quả ấy mà chỉ để To xác nhận lại về sau thôi. Trong kỳ thi ấy Son chỉ đậu được vòng 1, như vậy là trong kỳ thi thứ hai nó phải thi lại các môn của vòng 2, lúc đó mới quyết định là nó đậu hay rớt. Còn To phải ôn lại bài để thi tất cả các môn trong cả hai vòng. Tính ra ở Tân Khánh trong năm đó chúng tôi đậu được cũng tương đối khá như Thái văn Tâm, Nguyễn Văn Nghĩa, Lưu Văn Hòa và tôi; và bạn bè có Nguyễn Văn Huệ cùng Trần Tấn Lực, Trần văn Riếng, Bùi Văn Cư. Tính ra Riếng rất giỏi, nó học nhảy lớp mà vẫn vượt qua được các kỳ thi. Theo bạn bè kể thì nó bỏ học lớp Đệ Ngũ nhảy lên học Lớp Đệ Tứ rồi thi đậu kỳ thi Trung Học, rồi bỏ năm Đệ Tam, học Đệ Nhị, bây giờ đậu luôn bằng Tú Tài I, quả là giỏi thật! Rồi lại tới thời gian thi đợt 2 To vẫn không vượt qua được, và Son cũng bị rớt ở Vòng 2 lần nữa. Thế là qua một đợt thi thì nhóm chúng tôi học ở trên Tân Uyên bị rơi rụng từ từ. Lúc đầu lên trên ấy đậu được khá đông, qua một thời gian thì nghỉ học vài đứa, xong vài người thoát ly đi vào bên trong thêm vài mạng như anh Năm, chị Thay, anh Sợi chỉ còn lại có 5 đứa vào năm Đệ Tứ là Thạch A, Lực, Tôi, Son, Huệ. Qua kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp anh Chi bị rớt. Thạch A, Lực chuyển về học ở Trường Trịnh Hoài Đức vì lúc đó Lực chuyển nhà về ở Bình Nhâm, và Thạch A về ở Búng. Riêng bộ ba tôi, Huệ, Son xin chuyển về Trường An Mỹ. Bộ ba nầy gắn kết từ cuối năm học lớp Đệ Ngũ trên mọi khoảng đường, mà trong đó tôi là thằng lùn, Son cao khoảng thước 65 hay hơn, còn Huệ thì quá cao khoảng 1 mét 78. Như vậy bộ ba nầy chẳng cân xứng theo thước tấc chút nào. Bây giờ Son bị rớt trong kỳ thi Tú Tài I nầy chỉ còn tôi với Huệ. Tôi thật sự không ngờ Son nó còn yếu Toán, Lý Hóa hơn tôi. Nó rất có khiếu về văn chương nên vòng 1 nó vượt qua được, nhưng khi đến Vòng 2 có các bộ môn Toán, Lý Hóa thì nó không vượt qua được. Còn To ngày trước nó học rất giỏi, nhưng từ khi tôi về An Mỹ và thân với nó, thì có lẽ do nó có nhiều vấn đề mà việc học bị trở ngại đến đỗi bây giờ bị rớt chăng? Tôi không ngờ To lại là anh em họ với Lực nhân một ngày tôi gặp chị của Lực trên nhà To. Và qua mùa Hè, tôi và Huệ được chuyển về Trường Trung Học Trịnh Hoài Đức (vì Trường An Mỹ chưa có thể mở được lớp Đệ Nhất) là ngôi trường mà 6 năm trước tôi đã ước mơ được vào để học, nhưng rồi bị rớt để sau thời gian chạy vòng quanh lên Tân Uyên, An Mỹ và cuối cùng cũng về được nơi mình mơ ước, mặc dù chỉ có một năm để gọi là an ủi, vá víu những kỷ niệm thời còn đi học.

 

Nguyên Thảo,

24/03/2024.

 


Sunday, February 11, 2024

*Khung Trời Kỷ Niệm! (27)

 

Tôi không biết Băng Tâm về học bên Trường tư An Mỹ tự lúc nào mà cũng không nghe Son nói đến. Một ngày thấy Tâm trên đường về tôi hỏi Son mới biết, chứ trước kia nghe Tâm học ngoài Trường Nguyễn Trải ở Thủ với chị Liêu Tuyết. Thế rồi một ngày tình cờ trên đường về gần đến sân bay thì thấy Tâm cũng đi một mình. Tôi muốn chạy lên hỏi chuyện cùng Tâm, nhưng Tâm đã vội vàng đạp nhanh đi, tôi đạp xe theo, rồi Tâm lại đạp càng nhanh hơn. Thấy Tâm không thích nói chuyện với mình nên thôi không theo nữa. Thú thật từ những trò chơi của các bạn ngày xưa đã khiến cho lòng tôi trở nên hồi hộp mỗi khi gặp Tâm dù thời ấy còn rất nhỏ. Có thể đó không là tình yêu đầu đời, nhưng cũng đã khiến cho lòng tôi xao xuyến, rung động và một chút luyến lưu nào đó chẳng khác gì là của một tình yêu. Không biết Tâm có tình trạng giống tôi không, mà Tâm không muốn nói chuyện với tôi dù trong một khoảnh khắc nhỏ nhoi nào? Cô nàng luôn trốn tránh mỗi khi tôi đến nhà bảo sanh chơi với Son, và ngay cả trong lúc nầy. Thôi thì nàng đã không muốn thì tôi cũng không nên theo đuổi để làm gì, cho nên từ đó tôi không hề quan tâm đến cô nàng bạn học ngày xưa nữa; Vả lại, hoàn cảnh của tôi trong những năm trở lại đây không cho phép tôi phải vấn vương và tôi phải cố gắng đi tìm lấy tương lai của chính mình!

Tình hình chiến sự trong khoảng thời gian nầy lại gia tăng khá nhiều, những trận đánh lớn liên tục xảy ra. Ở Sài Gòn thì luôn biến động. Sự thay đổi người lãnh đạo trong Chính Quyền cũng tiếp nối, không ổn định. Trong lớp đã có vài bạn bỏ học đi vào bên trong, an ninh ở các xã ấp thiếu an toàn mặc dù quân đội Đồng Minh có tăng quân số vào Việt Nam. Nghe nói trường đang hỏi mượn cơ sở của Trường Bán Công Châu Thành để dời về ngoài tỉnh cho an toàn hơn, còn bên Trường Tư An Mỹ của Ông Trần Văn Trai thì tôi không được biết là Trường ấy có dời hay không. Nếu trường dời đi thì tôi chắc chắn sẽ từ giã Băng Tâm và không hề có dịp gặp nữa, dù cô nàng có cố tình lẫn tránh tôi hoặc là không!

Quả thật, không bao lâu thì bọn học sinh chúng tôi được thông báo chuyển Trường, tất cả đều ra cơ sở Trường Bán Công Châu Thành nằm gần Ngã Ba Cây Sao Quỳ, kế bên Cơ quan Hành Chánh Quận Châu Thành mà học. Từ giã xã An Mỹ với con đường đá đỏ rộng lớn có hai hàng sao hai bên và cái nền đình làng cao mú chưa xây dựng cùng những hàng tầm vông rợp mát. Thế là con đường qua sân bay chúng tôi không còn đi nữa. Lần này đi thẳng đường ra Tỉnh, đường sẽ nhộn nhịp, vang ồn tiếng học trò hơn lên. Từ đây, tôi cũng xa rời cô bạn học ngày nao mà mỗi lần thấy nhau là lòng tôi lại xao xuyến, nôn nao. Tôi cảm thấy giận bạn bè cùng lớp đã nạp “chúng tôi” quá mạnh với trò chơi “đầy man dại”, khiến tâm hồn non nớt của chúng tôi bị tổn thương nặng nề, mà mỗi khi gặp nhau gần như lẫn trốn “cho” nhau!

Thế là, sau vài tháng bắt đầu cho một năm học mới (vào lớp Đệ Nhị) chúng tôi thực sự chuyển ra học ở gần Quận lỵ Châu Thành ở Ngã Ba Cây Sao Quỳ. Đường đi bây giờ khá đông vui, vì khu rừng từ Phú Lợi chạy dài ra đến Chợ Đình được phá đi để xây cất Trại Gia Binh cho gia đình của những người lính thuộc Sư Đoàn 5 ở, có cả ngôi chợ có tên là Nguyễn Văn Hùng để cho cả vùng buôn bán. Đối diện với phía bên nây đường, Nhà Thờ Vinh Sơn cũng được dựng lên song song với những dãy Trại Gia Binh khác. Và gần đó là Bệnh Viện 4 Dã Chiến để điều trị cho những người lính bệnh hay bị thương. Như vậy khu rừng chồi từ Phú Hòa, Phú Thuận, Ngã Ba Cây Sao Quỳ chạy dài ra tới Gò Đậu đều bị phá đi để xây dựng thành khu gia cư và những phương tiện cần thiết. Người đi đường không còn phải sợ sệt, lo âu như ngày trước nữa.

Vì do điều kiện hoàn cảnh gia đình mà năm Đệ Tam tôi bị mất hoàn toàn căn bản về Toán cho nên trong năm nầy tôi không dám chọn ban B, mà đành phải đi Ban A, tức là Ban Khoa Học Thực Nghiệm có môn Vạn Vật là chính. Huệ chọn Ban B; tôi, To và Son theo Ban A. Học thuộc lòng hay để nhớ đối với tôi vất vả vô cùng, nhưng tôi không thể làm khác hơn. Môn Vạn Vật trong năm nầy Cô Nguyễn Thị Điền dạy qua cuốn sách của Ông Bà Phùng Trung Ngân, phần lớn học về thực vật nên cũng không khó lắm! Do trường chỉ có một lớp Đệ Nhị thành ra các môn khác vẫn học chung, đến khi học môn Toán thì tách ra và ngay cả các môn Pháp, lẫn Anh Văn. Thời gian nầy đã có một số bạn bè trong lớp “thoát ly” đi vào bên trong, bỏ ngang sự học, họ không chuyển ra học ở ngoài cơ sở của Trường Bán Công Châu Thành. Ra đây, với những ngày học đến buổi chiều tôi thường theo Nguyễn Thanh Minh về nhà của nó nghỉ trưa, ở phía trước Chùa Hội Khánh. Một hôm trong giờ Anh Văn của Thầy Hoàng thì có một thằng lính người Tân Tây Lan đứng bên ngoài nhìn vào, vì đội của nó đang làm ở phía trước trường. Mấy bạn cứ kháo Thầy ra trò chuyện với nó. Đến lúc nầy chúng tôi mới thấy mình học Sinh Ngữ gần như để biết chứ không dám thực hành, vì không mấy đứa dám nói chuyện với thằng lính ấy vào giờ ra chơi, kể cả các bạn đang học Anh Văn là Sinh Ngữ chính hay là Sinh Ngữ I.

Chiến sự thì càng tăng tiến hơn, và nhất là tình hình ở Sài Gòn thì luôn bất ổn sau mấy cuộc đảo chánh. Các cuộc biểu tình liên miên; ở các Tỉnh, các miền thì luôn sôi động. Riêng ở Tân Khánh thì khi tỉnh, khi động. Khi nào tương đối yên ổn thì tôi ngủ ở nhà với Ông Nội, nếu có những ngày chẳng yên thì tôi lên ngủ trên nhà của To ở xóm Vĩnh Trường trên, gần sân bay để tránh các các trận phóng lựu hoặc moọc-chê do trong đồn bắn ra, hay cà-nông từ trên Tỉnh hoặc Phú Lợi bắn xuống. Thường thì ban ngày không có gì chỉ sợ ban đêm thôi. Do vậy, tôi ở chung với Ông Nội thường xuyên nhất là năm Đệ Tam, còn trong năm Đệ Nhị nầy thì không thường cho lắm. Nhưng rồi năm học cũng qua đi sau vài tháng Trường chuyển ra học ngoài cơ sở của Trương Bán Công Châu Thành. Lúc nầy, tình hình chiến sự cũng bớt sôi động vì quân lính Đồng Minh vào Việt Nam tương đối khá đông, nên tôi ở nhà Ông Nội để lo học bài thi, lẫn có những ngày học chung với bạn bè được thuận tiện hơn, không phải gặp trở ngại nào.

Do nơi những lần trước khi tôi học rất khá, nhưng với các cuộc thi tôi đều bị rớt trong khi Thầy Cô kỳ vọng nơi mình khá nhiều; Từ đó tôi không thấy mình cần học giỏi để làm gì, do vậy tôi không cố gắng từ những năm bước vào bậc Trung học. Tuy nhiên, không ngờ hoàn cảnh không may lại đến với mình từ cuối năm Đệ Ngũ kéo dài đến năm nầy, tôi không có nhiều điều kiện để học cho đúng nghĩa, nhất là Năm Đệ Tam. Tôi cố gắng vượt qua tới giờ nầy đã là quá lắm rồi! Đó cũng chính là nguyên nhân tôi phải chọn đi Ban A thay vì ước muốn của mình là Ban B (nó sẽ thích hợp với mình hơn). Ngoài những ngày học môn ở nhà, chúng tôi còn tập hợp ở nhà của Tâm một ngày để lo học về môn Toán, mặc dù Tâm lẫn Huệ làm Toán của Ban B. Tôi và Son chỉ là học ké mà thôi!

Thế rồi ngày thi cũng sắp đến, chúng tôi phải lấy Số Báo Danh để biết mình thi ở Trung Tâm nào và Trường nào mình phải đến đó để dự vào kỳ thi. Số Báo Danh do Văn Phòng Trường lo, chúng tôi chỉ đến Văn Phòng để nhận theo ngày quy định, nhưng còn biết địa điểm, phòng thi là chuyện của chúng tôi. Ngày ấy, thi không phải ở Trường hay ở Tỉnh của mình mà phải về mãi tận ở Sài Gòn với bao nhiêu thí sinh ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định và nhiều Tỉnh khác cũng đổ xô về đó mà thi. Ngay cả trong Kỳ thi Trung Học thuở trước, học sinh Trường Phước Thành chúng tôi phải về Tỉnh Biên Hòa để thi, nay Kỳ thi Tú Tài I nầy ở cấp bậc cao hơn nên phải tập hợp về Sài Gòn mà thi. Ngày nhận được Số Báo Danh thì mấy đứa chúng tôi phải đi kiếm cái trường là nơi địa điểm mình dự thi, rồi phải tìm một cái địa chỉ người quen để nhờ ở trọ trong những ngày ấy. Sự tìm địa điểm không khó vì các Trường lúc đó đang là kỳ nghỉ Hè nên trống vắng. Tìm được trường, xong phải tìm đến cái phòng mình sẽ ngồi thi, theo số Báo Danh của mình được niêm yết trên một tờ danh sách thí sinh dán ở trước cửa phòng thi. Tôi và To thi cùng trường, cũng như đa số bạn học ở Trường An Mỹ thì thi ở Trường Trung Học Cô Giang gần chợ Cầu Muối, cách không xa với trường Nguyễn Thái Học ở đầu đường Nguyễn Thái Học với đường lớn Trần Hưng Đạo của Thành phố Sài Gòn.


Nguyên Thảo,

11/02/2024.




 

Kính Chúc Quý Độc Giả Một Năm Giáp Thìn được:

An Khang, Thịnh Vượng, và Vạn Sự Như Ý!


Tuesday, January 23, 2024

*Những Khung Trời Kỷ Niệm! (26)


Sau thời gian hơn tháng đã có người lần về Tân Khánh trước thấy tương đối yên ổn nên số người về càng nhiều hơn. Tuy nhiên, số người cất nhà trên đường Yersin từ Quận đổ về Nhà Thương thì vẫn tiếp tục, họ để hờ đó hoặc cho con cái ở để tiện việc đi học, cũng như trừ trường hợp khó khăn sẽ trở ra ở mà lánh nạn chiến tranh. Gia đình tôi lại trở về Tân Khánh sau, tôi vẫn ở với Ông Nội, nhưng ban đêm thì lại chạy sang Tân Hóa ngủ ở nhà của Son, Huệ hoặc nhà của mấy đứa bạn để tránh việc hai bên khuấy động mà súng đạn lại nổ cùng nhau. Cái tha la cao để lính canh gác, nhìn ra xa đã bị phá xuống không còn hiện diện trong đồn nữa. Thời gian nầy dù khó khăn, phải đi ngủ dạo nhưng cũng là thời gian vui nhất trong thời mới lớn vì nguyên một đám choai choai được tập hợp nhau vào ban đêm cùng vui đùa, kể chuyện trao đổi về chuyện học võ, học đàn và luôn cả tập hút thuốc, thổi ra làm thành chữ O có nhiều chuyện rất tức cười. Có đêm nghe tiếng rắn lục hút gió đâu đây, mấy đứa hút gió dụ rắn lục đến, còn mấy đứa thủ sẵn cây, gậy nhưng có lẽ rắn lục sợ quá mà không dám tới chăng!

Tình hình an ninh trong Hè sôi động hơn, lần nầy Tỉnh quyết định ổn định lại tình hình an ninh khu vực, do đó Tỉnh đã mở chiến dịch lớn, Quân số Sư Đoàn 5 Bộ Binh đã tung ra cuộc hành quân lớn và gom dân trong xã về khu vực bên Trường học và gò mã. Hôm nầy có Ông Tướng Thuần, Tư lệnh Sư Đoàn nói chuyện trước dân chúng rồi dặn dò vài điều. Xong đàn bà, ông già bà lão thì cho về nhà trước, còn nữ, nam, đàn ông thì phải trải qua cuộc thanh lọc. Cuộc thanh lọc nầy không phải làm tại xã hay là tại nơi, mà là xe nhà binh chở cả đám lên Ty Cảnh Sát ở trên Tỉnh cho ngủ lều để sưu tra ý lịch. Nằm chờ đến hai ba ngày để nhân viên cảnh sát làm lại giấy tờ kê khai lý lịch, chụp hình, lấy dấu tay và với giấy tờ căn cước mới cho những người lớn rồi họ mới được ra về từng đợt. Còn những đứa nhỏ như chúng tôi cũng được làm lại lý lịch và vì chưa tới tuổi nên không làm thẻ căn cước, mà vẫn sử dụng Thẻ Học Sinh do trường cung cấp. Và đợt nhỏ chúng tôi là đợt được rời Ty Cảnh Sát Quốc Gia Bình Dương sau cùng. Nhưng khi ra khỏi Ty thì trời đã chiều tối, do vậy phải tá túc trên nhà người quen ở xóm mới phía trên nhà thương do nhiều người Tân Khánh đã ra xây cất trong đợt tản cư vừa qua. Sáng hôm sau vì các xe bị cấm nên không có xe lam hay xe đò gì cả, mà người thì muốn về nên kéo nhau đi bộ để về Tân Khánh. Khi đến Tiểu Khu trên Phú Lợi thì bị cản lại không cho đi, bắt phải đi vòng không được đi thẳng, nhưng lại là lính Mỹ nên không ai nói gì được, cuối cùng mọi người phải nhờ đến anh Liêu An, con Ông Năm Mứt người biết khá Tiếng Anh để xin đi qua, nhưng lính Mỹ cũng không chịu cho qua. Cả đoàn đành phải chịu đi vòng quanh qua khỏi trường Tiểu học Phú Hòa tới con đường đất nhỏ ra đường Hòa Thạnh, rồi trở lên khu vườn xoài ra ngã ba Bình Thoại dài thêm hơn cây số để đi về. Xong cuộc sưu tra đối với người dân Tân Khánh, Bình Hòa thì bắt đầu cho cuộc đào hào làm Ấp Chiến Lược. Mỗi người dân phải đi làm sâu đào hào, đắp lũy trong một tuần và nộp một số chông tre nào đó. Nếu nhà nào không có nhân lực thì có thể thuê mướn ai đó để đi làm thế. Có một số giáo viên nơi khác đến công tác mà người ta gọi là Cán Bộ Công Dân Vụ. Tất nhiên trong thời gian ấy có lính nằm vòng ngoài để giữ gìn an ninh. Do vậy mà trong mùa Hè năm nầy tôi cũng phải đi làm xâu trong một thời gian và còn làm mướn cho người ta để kiếm thêm chút ít tiền phụ Ông Nội mua mắm ăn cơm. Phải công nhận từ ngày dồn dân lập ấp nầy đã khiến cho người nông dân phải tính toán đến chuyện giữ trâu bò đi cày, và những đứa con không phải chăn bò nữa; Chúng được đi học nên trường học phát triển nhanh chóng, số đứa không được đi học còn rất ít, số giáo viên cũng bắt đầu cần có đủ do đó giáo viên ấp được ra đời, thành hình. Giáo viên ấp được tuyển chọn từ những người đã học qua lớp Đệ Tứ hay có bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp được đào tạo trong thời gian ngắn hạn rồi ra lãnh dạy ở các trường Sơ cấp hoặc Tiểu Học. Và cũng trong thời gian nầy, Son phải tản cư ra Tân Khánh ở chứ không ở trong Hóa Nhựt, lúc đầu Son ở dưới xóm chùa, nhưng sau nầy lên ở trên Nhà Bảo Sanh của cô Mụ Ba là người bà con với Son, nơi đây má của Băng Tâm làm mụ từ khi nhà bảo sanh nầy bắt đầu thành lập và chính vì lý do đó mà Băng Tâm mới theo gia đình về đây học. Tôi thì không biết ba của cô nàng và cũng chưa có lần gặp, còn má Băng Tâm thì có vài lần tôi đã gặp nhưng không để ý gì cho lắm, nên tôi không nhớ rõ.  Từ ngày xa rời, sau khi thi Đệ Thất cho đến nay cũng ít khi gặp Băng Tâm. Có những lần tôi đến chơi với Son thì Băng Tâm cũng né tránh, do đó sự gặp gỡ nhau vẫn chưa hề có, chứ nói chi đến trò chuyện hay tâm tình.

Rồi mùa Hè qua đi, ngày tựu trường lại đến, chúng tôi lại đạp xe đạp đến trường (niên học 1964-1965). Lúc nầy bọn học trò chúng tôi ngày nào nay tương đối chững chạc trưởng thành sau thời gian bể tiếng, nhổ giò; cái phong cách thanh niên thể hiện rõ trong thái độ, lời ăn tiếng nói, lẫn tập tành trong cuộc sống. Trên đường đi học có nhiều nhóm đi chung và có những cặp nói chuyện riêng mà những bạn khác muốn để họ nói chuyện tự do, thoải mái nên không đi cùng với họ. Bây giờ không còn những câu chuyện ồn ào, vang rân như hồi xưa nữa! Trong đó có Huệ và Son, còn riêng tôi thì đi theo những nhóm bạn trai cần không khí sôi nổi hơn. Năm nay là năm học để thi mà hoàn cảnh của tôi trong năm rồi có khá nhiều khó khăn, mất căn bản nên năm nầy đối với tôi có rất nhiều gay go, nhất là tôi không dám đi ban B, mà phải theo học Ban A là ban mà môn học môn chính là Vạn Vật tức là môn cần có nhiều trí nhớ, nhưng trí nhớ của tôi thật quá tồi tệ, không thể nhớ dễ dàng như người ta, và học thộc lòng là môn mà tôi sợ nhất từ xưa đến giờ trong các môn học. Năm nầy có nhiều thay đổi về Thầy, Cô. Vạn Vật do Cô Điền, Toán có Thầy Nhiên, Giảng Văn là Thầy Trần Thế Xương, Pháp văn là Thầy lão làng Trần Văn Khuê, Anh Văn là Thầy Trần Kim Hoàng (cháu của Ông Trần Văn Trai, cũng đang học về ngành Luật), Lý Hóa là thầy Thạc mà mấy năm trước Thầy cũng dạy trên Tân Uyên khi tôi còn học bên đó, nay Thầy đổi về ở đây. Tình hình an ninh thì tương đối, chứ không yên ổn lắm, có hôm sáng đến trường thấy có những khẩu hiệu được viết trên tường khiến trường phải báo lính dân vệ giữ an ninh xã đến xóa đi. Có hôm nghe bạn bè nói lại xe của thầy Hiệu Trưởng Bùi Ngọc Ấn bị du kích đón trên đường đến trường, nhưng chuyện đó chỉ được loan truyền thoáng qua, không biết là chuyện không có hay là chuyện được giữ kín đáo để không khiến cho mọi người phải sợ. Còn bên trường tư của Ông Trai năm nầy có Ông Thầy Trịnh Vân Thanh nào đó cũng có tiếng tăm về giảng dạy môn Giảng Văn, bạn bè biết quyển sách của ông biên soạn đem đến trường để cho mấy bạn biết, thấy cuốn sách dày quá chừng khiến chúng tôi nễ phục Ông thật nhiều. Năm nầy có chuyện buồn cười nhưng cũng thật thương tâm, câu chuyện nầy khiến cho tôi suy nghĩ thật nhiều chắc trong suốt cuộc đời của mình cũng không hề quên. Vốn Trần văn Minh học Anh Văn là Sinh Ngữ chính, tức là Sinh Ngữ I, năm Đệ Tam bọn học sinh chúng tôi được học thêm một ngoại ngữ nữa, đó là Sinh Ngữ II. Nếu trước kia học Pháp Văn là Sinh ngữ I thì nay học thêm Anh Văn là Sinh ngữ II, hay là Sinh ngữ phụ ít giờ hơn Sinh ngữ I. Trái lại nếu trước kia học Anh Văn là chính thì nay học thêm Sinh ngữ phụ là Pháp Văn. Minh thuộc diện sau tức là học Pháp Văn là Sinh ngữ phụ. Nhưng không biết Minh thích Pháp Văn như thế nào đó, hoặc tức tối vì mấy bạn trêu ghẹo không biết giống đực, giống cái trong Tiếng Pháp, mà sang năm Đệ Nhị nầy anh bạn đến trường cứ đố nhau về chuyện giống đực, giống cái trong Tiếng Pháp, nhất là những chữ có chữ “l’ “ thay thế “le” hoặc “la”. Ngay cả chúng tôi là những đứa học Tiếng Pháp mà cũng ngờ ngợ hiểu không rõ ràng, thế mà anh chàng học Tiếng Anh là Sinh ngữ chính lại quá quan tâm đến. Có lẽ chính vì vậy mà Minh trong kỳ nghỉ Hè vừa rồi đã từng ôm quyển Tự Điển LaRousse mà nghiên cứu để đến giờ nầy tâm thần thiếu ổn định, cứ nói ra là khiến bạn bè phải cười, trêu ghẹo là “khùng”. Tuy nhiên, thỉnh thoảng Minh làm những việc rất là dễ thương. Một hôm mưa nhiều, đường đi bên sân banh trước Trường tư nhiều nước. Minh sắn quần lên, mượn cuốc đắp con đường cho mọi người đi, không nệ hà, khiến bạn bè cảm thương cho Minh.

 

Nguyên Thảo,

24/01/2024.

 

 

Monday, January 1, 2024

 

Happy New Year 2024.


Friday, December 29, 2023

*Những Khung Trời Kỷ Niệm! (25)


Vì trường nằm trong một xã cũng tương đối là hẻo lánh, dù nó không bị ảnh hưởng từ những biến động tình hình ở Thành Phố hay Tỉnh, nhưng nó cũng không thể không ảnh hưởng theo tình trạng mất an ninh của khu vực. Do vậy vào một ngày nọ, tôi vừa đến trường thì gặp ngay To ngồi trên băng đá đầu của hàng điệp Tây phía ngoài cổng. To kêu tôi lại và nói: “Đừng vô”. Tôi không biết chuyện gì thì nó vội nói: “Đừng vô, ở trổng có kẹo đó”! Thì ra trong lớp học có truyền đơn được ngụy trang giống như những cục kẹo dừa, nên tôi dựng xe đạp rồi ngồi trò chuyện với nó, đợi cho lính dân vệ ngoài đồn vào thu hết những viên kẹo đó thì chúng tôi mới vào. Trong giờ ra chơi, Khiêm nói với tôi: “Hồi sáng tao vô sớm lắm, nhưng tao đâu thấy có gì đâu, rồi tao ra ngoài thì một chút lại nghe tụi nó nói có kẹo, không lẽ…”, rồi nó ngưng ngang không nói nữa, làm tôi cũng chẳng biết ra sao? Thôi thì, dù gì thì chuyện cũng êm xuôi rồi, buổi học vẫn được tiếp tục dù hơi trễ một chút. Mấy Thầy Cô ra vẽ có chiều ái ngại vì đây là lần đầu tiên trường xảy ra trường hợp nầy! Nói chung lại tình hình nhiều năm nay vẫn đều đều như vậy, đất nước trong thời buổi chiến tranh mà. Bên nào cũng ra sức tuyên truyền để giành phần “chính nghĩa” về mình. Và sự xung đột trên chiến trường càng ngày càng nhiều và tăng tiến hơn thêm, xui rủi ai thì nấy chịu thôi, chứ biết làm sao hơn. Mọi sự sinh hoạt vẫn tiếp tục sau các biến cố dù là nhỏ hay lớn.

Trong năm nầy tôi lên ở chung với Ông Nội, vì Ông Nội ở chỉ có một mình sau khi chị Nhiếm, con Bác Tư đi may ở ngoài sông phía nhà Cô Ba thuộc Dư Khánh xã Phước Thành gần Tân Ba. Ông Nội thích chơi kiểng như nhiều người già khác cũng như Ông Hai ở bên kia đường. Ngoài kiểng ra, ông lại hay về suối cái ngoài khu nhà cũ ở Phước Lương câu cá lăng để nấu canh chua lá giang, đó là sở thích của ông. Vì ông già cả nên chuyện đi lại của ông không bị ai làm khó dễ dù là lính bên nầy hay người của bên kia bởi ông đi thăm ruộng luôn mà! Tôi cũng phải nhiều lần đạp xe đạp lên chợ Thủ mua cá lòng tong về để ông làm mồi câu cá. Ở với Ông, tôi mới hiểu được vài tâm trạng của người già khi họ trở về già. Ông Nội thường hay ngủ sớm, thường là cỡ chừng 9 giờ là ông đi ngủ rồi, nhưng khoảng 3 giờ sáng là ông đã thức dậy, nấu nước pha trà ngồi uống một mình. Nhưng hồi lâu sau thì ông Bảy kế bên cũng thức dậy sang chơi; sau đó thì ông Hai của tôi ở bên kia đường cũng sang, mấy ông ngồi nói chuyện đời xưa, kể chuyện xưa cũ đâu trong thời còn trẻ mà mấy ông từng chứng kiến. Có hôm có Dưọng Hai Đố nhà kế bên sang nữa. Từ đó tôi mới hiểu người già thường ngủ rất ít, ngủ sớm dậy sớm, ngồi để ôn lại những chuyện trong quá khứ mà họ trải qua. Trong khoảng thời gian nầy, nhà cửa đều dồn vào trong Ấp Chiến Lược, nhưng vòng bao chưa có nên chuyện an ninh cũng chưa là chắc chắn lắm, do đó chuyện cửa nẽo còn cẩn thận hơn. Một hôm, tôi vừa mở cửa sau ra ngoài làm ít công việc, khi trở vào bỗng có một chú du kích nào đó dã lẻn vô nhà hồi nào rồi. Chú ngồi nói chuyện với tôi, chú cho biết theo vai thứ tôi kêu chú bằng chú. Nói chuyện với tôi một chút thì chú cứ đến bên mấy tấm bảng vách che lên thay mấy cánh cửa và thò súng qua khe hở chỉa lên vọng gác của cái tha la (vọng gác xây cao lên, để quan sát được xa) cao trong xã như muốn nhắm bắn lính trên đó. Tôi hoảng hồn năn nỉ chú, nhưng chú không nói gì mà chú cứ mãi làm như vậy nhiều lần. Tôi càng năn nỉ chú nhiều hơn. Cuối cùng chắc thấy không có cơ hội để bắn tỉa được nên chú đành bỏ đi. Từ đó tôi không dám hớ hênh về cửa nẻo nữa, nhất là cánh cửa phía sau. Ngày ấy mà chú chỉ cần bắn vài tiếng súng lên tha la thì có lẽ tôi sẽ bị bắt, bị tra tấn và đi tù, không còn là một đứa học trò nữa và chẳng biết tương lai mình sẽ thế nào.

Đường đi học thì trống trải tương đối an ninh, nhưng vào một buổi sáng nọ khi đến đầu dốc vườn Bà Đôn kế sân bay có một nhóm người du kích đón mọi học sinh đi đến đứng lại và giao cho mỗi đứa hoặc là cờ xanh, đỏ với sao vàng hoặc tờ truyền đơn, nhưng tất cả vừa ra khỏi khu vực đến sân bay đều bỏ hết không dám mang theo trong mình, khéo mà mang họa vào thân. Làm học trò trong một đất nước chiến tranh thường phải trải qua hoàn cảnh như vậy mà mình không thể nào tránh được, nhất là hai phe đang quyết liệt để tranh hơn thua, bắn giết lẫn nhau. Và rồi theo cái tình hình không ổn định ở Sài Gòn thì tình hình chiến sự, hoạt động của bên trong cũng tăng dần theo. Vào một đêm nọ có tiếng nổ lớn, rồi sau đó có tiếng kèn cùng súng nổ lên dữ dội, tôi với Ông Nội chun xuống hầm núp đạn, bom. Sáng ra mới biết là bên trong đã tấn công vào đồn, có một nhóm khói còn tỏa lên. Cái tha la bị bắn thủng một lổ lớn ở chỗ lỗ châu mai khoảng giữa chừng. Coi như là đồn đã bị phá tình hình an ninh ở xã bây giờ coi như là không được ổn định. Tùy mỗi gia đình mà người ta quyết định đi đâu và như thế nào. Từ đây có nhiều gia đình bỏ sang Biên Hòa, ở những vùng yên ổn; hay họ dời lên trên Bình Dương, khai phá vùng đất dọc hai bên đường từ gần Ngã Ba Cây Sao Quỳ trở xuống gần Nhà Thương mà cất nhà để cuộc sống được bình yên hơn. Tuy vậy họ vẫn đi về trong Tân Khánh. Còn riêng gia đình tôi thì ba má quyết định gia đình đi ra Phú Lợi lên ở tạm trên nhà của Dì Dượng Năm một thời gian rồi tính sau. Thế là từ đó tôi đi học từ xã Phú Hòa băng lên Phú Thuận, rồi lên Phú Hữu mới vô An Mỹ tương đối gần hơn nhiều. Tôi thường đi với anh Hạnh con Dì Năm. Trên đoạn đường nầy tôi thích nhất là đoạn đường mà Ông Trai làm từ Ngã Ba đi vô trường, nó rộng thênh thang, mà hai bên trồng toàn là cây sao vừa có bóng mát, vừa nghe tiếng lao xao của lá khua nhau mỗi khi gió thoảng qua, Nó thơ mộng làm sao, mặc dù chưa được tráng nhựa, mà chỉ là con đường đất đỏ. Những buổi trưa ở lại trường để chiều học tiếp thêm mấy giờ, chúng tôi tập hợp ra ngoài nền đình cao so với đất bằng cả mấy thước mà Ông Trai đã cho ủi đất từ phía ngoài vào để sau nầy cất Đình; vì ở đó có nhiều cây sao lẫn dầu có nhiều bóng mát, mà lại rộng rãi nữa tha hồ nằm hay ngồi nghỉ hoặc nói chuyện to tiếng vẫn không phiền hà đến hàng xóm.

Từ ngày chuyện mấy anh bên Trường Tư tấn công vào Thầy Giám Thị Nguyễn Văn Phụng thì trong các giờ Giảng Văn thầy Hiệu Trưởng cho chúng tôi học bài “Dĩ Hòa Vi Quý” của nhà thơ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm hơi nhiều vì trong lớp Đệ Tam nầy có học về thơ của nhà thơ ấy trong các giờ Cổ Văn. Thầy cho biết Thầy dạy tạm để đợi chờ một Thầy khác về và sẽ dạy môn Giảng Văn cho chúng tôi (đó là Thầy Trần Quốc Vị). Gần đến Tết Thầy Trần Văn Ngà dạy Anh Văn, Sinh Ngữ hai phụ trách về Khối Báo Chí phát động viết bài nộp về để Thầy tuyển chọn in vào tập san Tất Niên Tết của Trường. Tôi cũng nổi hứng viết một câu chuyện, nhưng câu chuyện ấy chẳng được thành công chút nào vì ý tưởng của mình hãy còn quá non nớt, còn thơ thì chưa biết làm! Công nhận Thầy Ngà có khiếu về thơ văn, Thầy thuộc rất nhiều thơ và Thầy thường đọc hay ngâm cho chúng tôi nghe sau những giờ rỗi rảnh làm cho chúng tôi trở nên ghiền và say mê dù mình chẳng có khiếu chút nào! Trong chương trình Văn Nghệ có nhóm hợp ca lại được Thầy Bé Tám từ dưới Trường Trịnh Hoài Đức lên luyện tập cho đám hợp xướng đó, chứ không phải là Cô Đức. Năm nầy cũng định hướng cho tôi phải chọn ban A thay vì chọn ban B là ban mình thích và thích hợp hơn, nhưng không thể làm khác được do điều kiện khó khăn của gia đình ảnh hưởng đến quyết định sau cùng. Thế là chỉ có Huệ là đi Ban B còn tôi, Son, To cùng Ban A, tức Ban lấy môn Vạn Vật là chính mà trí nhớ tôi tương đối là yếu kém từ xưa tới giờ, nên có khá nhiều trở ngại. Thời gian ngắn sau thì có Thầy Trần Quốc Vị về thay thế môn Giảng Văn của Thầy Hiệu Trưởng. Thầy Vị có vẽ thích về hướng Triết lý khiến chúng tôi cũng ảnh hưởng ít nhiều. Đường đi học từ Phú Lợi về An Mỹ ngắn và vui hơn mà lại đông học trò, tấp nập khiến mình khó cảm thấy mệt nhọc dù trong những buổi Hè nắng cháy; nhưng thời gian nầy vẫn là tạm thôi vì chúng tôi vẫn đợi chờ trong quê yên ổn hơn để trở về. Không nơi nào thoải mái, đáng yêu bằng quê hương và nhà của mình.

 

Nguyên Thảo,

30/12/2023.


 

Wednesday, November 15, 2023

*Những Khung Trời Kỷ Niệm! (24)

 

Ngoài bài thơ nầy, bạn bè còn truyền nhau, hoặc đi tìm bài hát “Em là vì sao sáng” của nhạc sĩ Nguyễn Hiền để tưởng nhớ đến một nữ sinh trẻ tuổi của Trường Trung Học Trường Sơn là Quách Thị Trang bị bắn chết trong cuộc biểu tình ở tại bùng binh trước chợ Bến Thành (Sài Gòn):

 

“Trang hỡi Trang, em là vì sao sáng

Giữa khung trời mây trắng với trăng thanh

Rồi một sớm có bao nhiêu đầu xanh

Xiết tay nhau, giục giã em lên đường

Tôi với em không hề quen biết

Xót xa nhiều khi viết đến tên em

Vì đại nghĩa, máu em đã hòa thêm

thắm tô lên trên tà áo trinh nguyên

Nhưng hôm nay tưng bừng,

Non sông đang vui mừng

Đâu bóng hình em giữa trời quê hương

Những mái tóc chấm vai,

Sân trường tìm đâu thấy

Em thơ đùa trong ánh nắng ban mai

Tôi khóc em trong chiều nay mây tím

Nén hương lòng tôi thắp nhớ tên em

Hình hài mất, nét tinh anh còn đấy

Giữa muôn tim, em còn mãi không phai”.

 

Trong năm học nầy mới đầu mà đã có nhiều chuyện xảy ra với hiện tình đất nước, may là nơi tỉnh lẽ và trong quê cũng không ảnh hưởng gì nhiều, chứ trên báo chí đăng nhiều tin biểu tình khắp Sài Gòn, Chợ Lớn cùng các Tỉnh khác, nhất là ở Miền Trung. Đối với Trường An Mỹ vẫn là các chuyện bàn tán, xôn xao thôi, cùng trao đổi cho nhau nghe những điều mà đồn đoán, hoặc là nghe được. Mấy đề tài ấy khỏa lấp mất cái tình hình chiến sự đang xảy ra. Rồi không bao lâu thì lại xảy ra chuyện Đảo Chánh lật đổ Triều Đại Ngô Đình Diệm, mà người ta gọi là Chế độ Gia Đình Trị, đàn áp Tôn Giáo do nhiều Tướng lãnh mà ông Tướng Dương Văn Minh cầm đầu vào ngày 1/11/1963. Và không bao lâu sau, chỉ mười ngày có cuộc đảo chánh khác của Tướng Nguyễn Khánh được gọi là Cuộc Chỉnh Lý vào ngày 11/11. Tưởng đâu sau các cuộc đảo chánh tình hình chính trị Miền Nam yên ổn hơn; nhưng không, tình hình càng rối rắm thêm ra, không được ổn định, có nhiều bấp bênh.

Trở lại lớp học của chúng tôi cũng có vài thay đổi, không hiểu Cô dạy Pháp Văn có lẽ do đi đường xa, trong quê hoặc sợ hay sao, hoặc là cô muốn đi học tiếp lên cao hơn nữa mà cô nghỉ, rồi Thầy Lã Huy Quý cũng ra đi khiến Thầy Trần Văn Khuê lãnh môn Pháp Văn, và Thầy Hiệu Trưởng Bùi Ngọc Ấn tạm thời kiêm môn Giảng Văn, sau đến Thầy Trần quốc Vị đảm nhiệm cho đến cuối năm. Trong khi đó thì Thầy Huỳnh Hữu Kim Sang tức Nhạc sĩ Anh Việt Thu cũng rời Trường, cô Đức thế chỗ. Toán thì Thầy Phấn thay thế bằng Thầy Nhiên. Thực ra, đối với những Giáo Sư dạy giờ, mà tôi được nghe nói, thì họ không phải là chánh ngạch nên họ thấy được thì dạy, không thì thôi vì đường vào trong xã An Mỹ nầy có nhiều trắc trở hơn là ở ngoài thành phố, nên có nhiều người e dè, sợ sệt mà không dám đi nữa. Chứ đối với những người địa phương thì cũng chẳng đến đỗi nào. Tính ra trong lớp Đệ Tam đầu đàn của Trường Trung Học Công Lập An Mỹ nầy nếu tính ra ở Tân Khánh và Tân Hóa thì chỉ có tôi, To, Huệ, Son, Lập, Đức, chị Ánh, chị Hồng, chị Khởi và chị Mới. Còn bên Bến Cỏ có Phan Thanh Diệp, hình như anh Nguyễn văn Bọ nữa thì phải. Phần lớn ở ngoài Thủ và Bưng Cầu (Tương Bình Hiệp), Bến Thế (Tân An Xã) thì nhiều như chị Hương, Chi, Thê, Thảo, Cẩm Tú. Bên nam có Khánh, Bình, Lượng, Huỳnh Minh Đẩu, Nguyễn Văn Ba, Trương công Minh (Minh sún), Nguyễn Văn Minh, và Nguyễn Thanh Minh, Khiêm, Mão, Nai, Ngơi, Điểu, Bùi Văn Cư, Lễ, Thọ, Tài, Phụ, Lê Văn Anh, Nguyễn Văn Hừng, Nguyễn Văn Năm,… và hai anh em Hùng người Bắc từ Bình Long chuyển về. Năm nầy anh Huỳnh Minh Đẩu ứng cử làm Trưởng ban Đại Diện Trường. Phía sau dãy phòng học là nhà của chú thiếm Vĩnh, lao công của trường. Nhà chỉ là nhà tranh đơn sơ, nhưng cũng là nơi mà nhiều học sinh nghỉ ngơi hoặc cần nước uống, chú thiếm rất dễ nên mọi người ra vào tự nhiên giống như là nhà của mình. Lúc trước tôi thường nghe nói những người học trường tư thường hay không thích những người học ở trường công, điều đó tôi không tin, nhưng bây giờ hai trường Trung học Công, Tư An Mỹ nằm kế bên nhau tôi mới thấy rõ điều ấy. Thực sự, điều đó có xảy ra, mặc dù chúng tôi không có gì gọi là khi dễ hay tỏ vẽ khinh thường gì các anh chị bên đó; ngoại trừ những bạn bè thân thiết phải học ở hai trường. Có bạn giải thích: “Sở dĩ như vậy vì khi thi đậu mới được vào trường công, còn học trường tư là vì không đủ sức để thi đậu vào trường công, vì vậy mà họ có sự mặc cảm nên thường có sự hiểu lầm nếu lời nói sơ sẩy không cẩn thận”! Điều ấy đã xảy ra một chuyện rất là bất ngờ khi hai trường công, tư An Mỹ nầy tổ chức một buổi đá banh giao hữu mà trọng tài lại là Thầy Giám Thị Nguyễn Văn Phụng. Trong cuộc đấu không hiểu Thầy Phụng thổi còi như thế nào đó mà bên đội của trường tư xem đó là sự thiên vị, xử ép; nên khi mãn trận đấu các anh chị lớn bên Trường Tư đi theo Thầy Phụng gây sự. Nghe nói có người chụp vai Thầy Phụng như thế nào đó mà Thầy Phụng đã phản ứng quá mạnh khiến những anh lớn ấy tấn công Thầy, Thầy chạy vội về Văn Phòng, thế mà họ ùa vào tấn công cực gắt. Sau hồi hòa giải từ Thầy Hiệu Trưởng họ mới ra về Trường bên kia mà có nhiều ấm ức, hậm hực. Từ đó khiến chúng tôi ít dám héo lánh nhiều đến khuôn viên Trường Tư nữa.

 

Nguyên Thảo.