Wednesday, August 25, 2010

Nhà "Ba Gian Hai Chái".

Nói đến nhà "ba gian hai chái" tức là nói đến đặc điểm cái nhà trên đất nước Việt Nam, Quê hương của Đồ tôi và của Quý vị. Hôm nay tự dưng "hứng thú" Đồ tôi lại nghĩ đến chuyện nầy; hay là Đồ tôi nhớ những ngày còn bé được mẹ dẫn về Ngoại, Nội: "Đi ăn đám giỗ".
Không biết tự bao giờ và với lý do như thế nào mà Ông Cha ta đã cất nhà kiểu cách như thế đó. Tất nhiên, cái nhà kiểu nầy nó không thoát thai từ hình thức của hang động thời "ăn lông ở lổ", mà cũng không phải là những hình "ống tròn" có nắp như của các sắc dân Phi châu, hoặc những trại lều của những người du mục, hay những "Igloo" của người "Eskimo". Đồ tôi chưa đi đến xứ Tàu để thấy kiểu nhà của Ta và của Tàu có khác nhau làm sao. Có thể sẽ có giống nhau chút ít, hoặc giống khá nhiều nhưng vẫn có những điểm riêng biệt. Sự giao lưu văn hóa là một điều "tất yếu" và "phải có". Vả lại, nước Tàu đã đô hộ nước ta hơn cả ngàn năm, với ý đồ "đồng hóa" dân tộc ta, đã tàn phá tất cả những gì là thuần túy của dân tộc Việt, thì "cái còn lại" giống Tàu cũng không có gì là đáng nói. Điều đáng nói là một "Tinh thần dân tộc Việt" hãy còn tồn tại và "đứng vững", không những "vững" mà lại còn "kiêu hùng" là đàng khác! Đồ tôi rất hãnh diện về Tổ Tiên ta đã đánh bại kẻ thù xăm lăng hung hãn từng xâm lăng từ Á sang Âu những ba lần; trong khi Đế quốc phong kiến phương Bắc bị "vương" vào vòng nô lệ mà lại là một nước lớn.
Không biết ý Quý vị như thế nào? Nhưng, riêng Đồ tôi thì Đồ tôi cũng nên hãnh diện chứ! Một "Tinh thần dân tộc" mà!
Cái nhà được kết tinh từ nhiều yếu tố: Từ cái mỹ quan (quan niệm về cái đẹp), tiện ích, cho đến thích hợp với khí hậu, thời tiết địa phương lẫn sắc thái pha trộn với nền văn minh, văn hóa của một dân tộc.
Cái nhà "ba gian hai chái" gần như được coi là "đặc trưng" của dân tộc Việt. Từ thôn quê cho đến thành thị. Từ khi, người Tây phương đến có những thay đổi khác nhưng dù "nhà tô", nhà gạch, nhà tường kiểu "nhà trước, nhà sau" hay "nhà trên nhà dưới" hoặc kiểu "mẹ bồng con" vẫn thường là ba gian. Còn "nhà Tây", villa, biệt thự, nhà hộp, nhà lầu mặc dù theo kiểu Tây, nhưng vẫn có những nơi cũng là "ba gian". Tại sao lại là "ba gian"?
Đồ tôi lúc nhỏ khi về Nội hay Ngoại, Đồ tôi thích lắm! Nhưng nếu nói về khung cảnh thì Đồ tôi lại thích về Ngoại. Ở nhà Ngoại cái nhà thấy ưa nhìn hơn. Đồ tôi cảm thấy nó cân đối, mát mẻ, mà đi chơi cũng thoải mái. Muốn qua bên chái nằm võng thì nằm, muốn qua chái bên kia dòm trâu bò thì dòm. Nếu "buồn ngủ" thì lên trên bộ ván của gian bên trái hay bên phải hoặc bộ ván ở nhà dưới mà ngủ. Trước nhà có sân rộng để phơi lúa hay đậu được quét sạch mỗi ngày. Chung quanh sân, nhà là vuông trồng cây ăn trái đủ các loại: Xoài, ổi, mít, sa-pô-chê, vú sửa, lê-ki-ma, khế, bưởi, dừa... hoặc trồng bông: dâm bụt, mười giờ, móng tay, mồng gà, hoa dừa, cúc, thọ nhất là bông điệp hoặc bông trang là loại được dùng để chưng cúng vào những ngày rằm, mồng một hay những ngày cúng, lễ lộc, đám giỗ... Phía trước sân là cái vùng đất thấp có trồng vài cây cao với những dây trầu cho bà Ngoại hoặc là đãi khách "ăn trầu".
Thuở ấy, Đồ tôi thấy hơi lạ lạ thích thích, chứ chưa hiểu được. Đến những năm học ở Tiểu học, thỉnh thoảng có bài Tập đọc đề cập đến nhà trong thôn quê trong chủ đề nhà cửa hoặc thôn quê nói đến nhà "ba gian hai chái". Qua thời gian Trung học, với sự phát triển trí óc của mình và trình độ cũng được khá hơn, nhưng Đồ tôi vẫn chưa chú ý đến "cái nhà". Cho mãi đến khi vào Thành phố thấy những tòa nhà lầu hình hộp mà người ta gọi là kiểu Mỹ Đồ tôi mới nhìn lại để phân biệt kiểu của Tây (Pháp), của Mỹ, của Tàu và của Ta. Thế là cái nhà ở thôn quê được Đồ tôi lưu ý mà vẫn chưa hiểu được vì sao lại là như thế? Rồi cái nhà "ba gian hai chái" cứ ám ảnh đầu óc Đồ tôi mãi. Đến bây giờ, mới trình bày với Quý vị những ý nghĩ mà Đồ tôi "gom góp" để Quý vị xem chơi!
Thật tình mà nói: Dù trước kia, Đồ tôi có chú ý đến cái nhà "ba gian hai chái" nhưng tri thức Đồ tôi bị hạn hẹp trong khung cảnh đồng quê và một vài nơi mà Đồ tôi lang thang bước tới. Vả lại, chỉ là trong đất nước mình nên Đồ tôi cũng không thể so sánh hoặc tìm hi‹ể được rộng rãi hơn. Từ khi vượt biên đến xứ Úc, nhờ xem truyền hình cùng những chương trình chiếu về xứ nầy xứ kia, Đồ tôi mới lưu ý tìm hiểu, phân tích một cách kỹ lưỡng hơn.
Nhà ở, nó là một phương tiện cư trú. Tùy theo từng thời kỳ, thời tiết, nơi chốn, ý thích mà nhà có những cách khác nhau. Ở xứ có tuyết, nóc nhà không thể tương đối không có độ cao vì khi tuyết rơi nhiều đọng trên đó làm sập nhà. Ở xứ nóng, không thể cất với những bức tường kín đáo chung quanh. Người Eskimo phải có cái nhà thích hợp với nơi ở của họ. Nhà thành phố khác với nhà ở thôn quê. Nhà kiểu Tàu khác với nhà của Tây vì những kiểu cách, hoa văn tùy theo nền văn minh của dân tộc ấy.
Nói như vậy, có nghĩa là cái nhà nó phải thích hợp với thời tiết, địa lý là trước tiên. Sau đó đến tiện ích và cuối cùng là đặc trưng của nền văn hóa, thể hiện cái "văn minh" của dân tộc. Thế thì, tại sao dân tộc ta có cái nhà "ba gian, hai chái"?
Đồ tôi thì chỉ có những suy luận "ngông", nếu trình bày sai, hoặc không "ổn" chút nào, thì xin Quý vị tha thứ hay góp ý để Đồ tôi sửa chữa. Thành thật cảm ơn!
Dân tộc ta là một dân tộc nông nghiệp tự lâu đời. Cái nhà để ở nó phải phù hợp với cung cách sinh hoạt nông nghiệp. Có thể khởi đầu, người ta chôn cột cất nhà "một gian" nhưng không đủ chỗ để sinh hoạt, yên nghĩ; nên sau đó cất thành hai gian vẫn không đủ. Rồi người ta tiến đến ba gian, thì thấy cái nhà có nét hài hòa đẹp và cân đối hay "bắt mắt", vững chắc hơn. Sinh hoạt được khá thoải mái. Nhưng vì thời tiết mưa, bão nhiều, nước mưa có thể "tạt vào" ngấm hư hay "làm sập" các vách nên người ta làm "hai chái" để bảo vệ hai vách bên hông. Luôn tiện để những dụng cụ nông nghiệp được rộng rãi, ngăn nắp. Một bên có thể để cuốc, rựa, thúng giống, những đồ lặt vặt. Bên kia thì để các "ổ gà" mái đẻ, hay các thứ khác. Nhưng còn nấu nướng thì thế nào? Không lẽ nấu ở nhà trên. Khói củi lâu ngày sẽ làm nhà dơ và đen mái nhà đi. Thế cho nên, nhà dưới hay nhà sau thành hình. Gọi là nhà sau là khi nhà nhỏ phía sau có nền tương đối không chênh lệch về độ cao nhiều so với nhà trước. Và gọi là nhà dưới vì độ cao nền có cách biệt. Nhà nhỏ ở phía sau ấy có một công dụng khác nữa là "bảo vệ" được vách tường gạch đất ở phía sau của cái nhà khỏi bị sập vì mưa hay gió. Nhà sau cũng là nơi nấu nướng ăn cơm, sinh hoạt chính của gia đình để khi có khách, khách sẽ không cười hoặc thấy. Nhà trên trở nên nơi để tiếp khách "đến nhà chơi", và trở thành nơi trang trọng.
Đó là cái nhà đã trở thành "ba gian, hai chái" có cả nhà trước nhà sau hay là nhà trên nhà dưới. Đến khi nghề nung gạch phát triển, người ta xài đến gạch tạo dựng nhà chắc chắn hơn, và sử dụng xi-măng tô mặt ngoài của tường để tránh nước ngấm vào thì trở thành nhà tô. Đến nhà "tô" thì không cần đến "hai chái" nữa; và lúc nầy nhà xe, chuồng trâu bò được cất riêng ra hơi xa cái nhà một chút để tránh "hôi thối". Thế là vị trí nhà trên nhà dưới có khác nhau trên cách xếp đặt. Có thể như cũ, nhưng cũng có thể nằm "cặp" một bên hông "nhà mẹ", giống như "mẹ đang bồng con": Kiểu nhà "mẹ bồng con" ra đời.
Ấy là "cái chuyện" tiến trình phát triển cái nhà qua các giai đoạn. Nhưng cái quan trọng "cái nhà của dân tộc ta" không phải là ở chỗ đó. Mà chính là "chuyện" ở bên trong.
Chuyện bên trong nó có rất nhiều phức tạp đến đổi một vị Linh mục rất có danh, dạy Đại học Văn khoa trước kia chuyên về Triết Đông đã nghiên cứu tỉ mĩ. Nhưng rất tiếc, Đồ tôi không đủ khả năng để hiểu vì thế Đồ tôi lúc xưa đọc sơ qua thấy mình giống như "thằng ngáo" đi chợ, đành thôi! Đến bây giờ chắc không có thì giờ để nghiền ngẫm nữa rồi! Đó là "Linh mục Lương-Kim-Định với Triết lý Gia Tiên". Quý vị nào nếu có thể thì nên tìm đọc để hiểu và biết. Còn ở đây, Đồ tôi chỉ nhân chút ít thì giờ rỗi rãnh để "tán dóc" với Quý vị mà thôi!
Lúc nhỏ, Đồ tôi được "mẹ dẫn" hay "ba chở" về Nội hoặc Ngoại ăn giỗ. Nói đến đám giỗ, Đồ con nít tôi mừng lắm! Vì được ăn bánh "đã nư", ăn bánh bò, bánh thuẩn, bánh cắp, bánh cúng, bánh ích, bánh tét, bánh da lợn, bánh qui...Và đồ ăn thì "ê hề". Khung cảnh vui lắm vì là ngày hội họp của họ hàng, mặc dù là ngày cúng kỵ Ông Bà, Tổ Tiên. Đồ tôi chơi với các anh, các chị và lắm lúc lại "làm oai" với các em con của mấy cô, còn bên ngoại thì Đồ tôi "lép vế" vì mẹ Đồ tôi là nhỏ hơn hết. Ăn đám giỗ thì mừng, nhưng sau đám giỗ thì Đồ tôi ghét lắm! Khi ra về phải khoanh tay hỏi hết người nầy đến người kia. Hỏi đông quá đến mỏi cả hơi! Mà Đồ tôi lại nhỏ con, đứng dưới "đất cái" hỏi "vói" lên mà các cô, cậu, dì hay dượng mắc nói chuyện cũng không "để ý" đến, cho con được nhờ.
Càng ngày càng lớn lên, Đồ tôi mới khám phá về ý nghĩa của cái đám giỗ. Cái "đám giỗ" nó chứng tỏ sự "Uống nước nhớ nguồn" của mọi người trong dân tộc, là ngày tưởng nhớ đến "một người" trong Tổ Tiên, ngày mà mọi người trong dòng họ họp lại nhau: Trước là để cúng kiến, tưởng nhớ Ông hay Bà như là một điều hiếu thảo, không quên nguồn cội. Sau con cháu thường xuyên gặp nhau nên dù họ hàng nhau rất "xa xôi đến mấy đời" cũng hãy còn biết đến nhau. Một tập thể cùng nhau đóng góp, cùng nhau làm và cùng nhau hưởng, thật là vui! "Đám giỗ" cũng còn mang tính chất khác là sự giao du thường xuyên với xóm giềng "bà con xa, không qua láng giềng gần". Một sự hỗ tương giúp đỡ, chia vui, san sẻ nỗi buồn của nhau, hay "trả nợ miệng". Ấy là cái tinh thần và mục đích của đám giỗ. Còn sao gọi là "Tinh thần, văn hóa, Triết lý gia tiên", lại thể hiện trong cái nhà "ba gian, hai chái"?
Vấn đề ấy với Đồ tôi thì quá lớn! Nếu đứng về phương diện nghiên cứu thì Đồ tôi xin chào thua! Nhưng nếu đứng về phương diện "tào lao" thì Đồ tôi có thể "nói được" và có thể trình bày với Quý vị để coi chơi!
Nếu nói về Đạo Phật thì chữ hiếu rất là nặng đối với bậc sanh thành, nó mang tính chất "tinh thần" hơn chữ hiếu trong đạo Khổng vì Đức Phật đã diễn tả trong Kinh "Đại Báo Hiếu Phụ Mẫu Trọng Ân": "Một vai cõng mẹ, một vai cõng cha, bước quanh núi Tu Di trong nhiều kiếp vẫn chưa đáp đền được ân trọng của cha mẹ", và trong cái "đám giỗ" sự cúng kiến ấy đều mang cả hai ý nghĩa của Đạo Phật và Đạo Khổng: Vừa tin tưởng linh hồn người chết vẫn tồn tại; đồng thời con cháu tưởng nhớ, kính cẩn, cung phụng người chết như thuở còn sống. Chính vì sự tôn trọng, vinh danh, nhớ đến nguồn cội, "Tổ" của "Gia phả" mà "Bàn thờ Gia Tiên" hay "Tổ Đường" được đặt ở vị trí "gian giữa", nơi đó trên vách treo "biểng" đề chữ "Tổ Đường", phía dưới là bàn để bày biện những đồ cúng dâng lên người chết trong ngày "kỵ cơm". Phiá trước là tủ thờ tương đối có giá trị tùy theo hoàn cảnh, tài chánh của gia đình. Nó có thể đơn giản, cũng có thể được cẩn xa cừ để tăng thêm phần trang trọng hay chứng tỏ "khí thế" của gia đình. Trên đầu tủ thờ, được trang trí bằng bộ lư ở chính giữa, hai chưng đèn ở hai bên. Lại có bình bông, dĩa lớn để đựng trái cây "đông bình, tây quả" và lư nhang, chung cúng nước. Trong ngày giỗ "đèn, bông, trái cây, nhang, nước lạnh tráng miệng, nước trà uống sau khi ăn" được cung phụng đầy đủ. "Người chết thoải mái hưởng cảnh vui vầy, sum họp, kính cẩn lạy, cung phụng của bầy con cháu đông đảo cùng sự chứng kiến của xóm giềng".
Đó là chuyện trên Bàn thờ Gia tiên, cúng kiến. Còn, cũng ở gian chính giữa được kê cái bàn dài, có hai hàng ghế hai bên. Đó là nơi trang trọng mà người lớn, người già nói chuyện, hoặc tiếp khách. Trong ngày đám giỗ các vị bô lão trong Tộc, khách quý, người già mới ngồi ở đó, mà chỉ có "đàn ông" thôi nha! Đàn bà dù trẻ hay già vẫn phải ngồi trên bộ ván kê gian bên phải (từ ngoài cửa nhìn vô). Còn con nít như Đồ tôi phải ăn ở nhà dưới. Ở nhà trên là của người lớn, không được lộn xộn (theo kiểu Khổng Tử dạy).
Trước cái bàn đó, người ta đặt "cái gì" mà Đồ tôi quên tên gọi của nó. Nó là một cái bàn vuông, hình dáng giống như cái ghế lớn bằng khổ của cái bàn dài bên trong, cao hơn cái bàn khoảng độ bốn tấc. Thường để khai rượu, trầu thuốc hay bình nước trà. Đó là "cái bộ" để gọi là đầy đủ trong gian nhà giữa. Có nhà thì đóng thêm hai cái "trang" ở trên cao, phía trên tủ thờ. Một trang ông, một trang bà theo tinh thần đạo Lão vậy mà! Còn ngay gian chính giữa, bên ngoài sân là "Bàn Thiên" có bốn chữ "Thiên Quân tứ phước" hay nôm na gọi là "bàn Trời", nơi để cúng nước trái cây tạ ơn hay cầu nguyện Trời, Phật trong cuộc sống nầy. Cái chính Văn hóa của ta là ở gian nhà chính giữa đó. Còn các gian hai bên, nếu từ bàn thờ nhìn ra ngoài cửa thì gian bên phải dành cho đàn ông, bên đó cũng có bàn thờ cho các ông đã chết, cũng trang bị giống như vậy nhưng đơn giản hơn nhiều. Bên ngoài kê một bộ ván để các ông, con trai nằm ngủ, nghỉ ngơi có chiếu gối được xếp lại gọn ghẽ vào ban ngày. Gian bên trái thì cho các bà, con gái và cũng là nơi cúng kiến cho những người nữ đã chết. Và cũng có một bộ ván dành riêng cho các bà hoặc phái nữ ngủ hoặc nghỉ ngơi. Lúc xưa, khi Đồ tôi còn nhỏ tí thì cạnh bộ ván, đầu ngoài người ta kê thêm một cái ghế cao như gian giữa, bên phía mấy ông thì để thuốc, giấy. Còn bên các bà thì có khai trầu, thuốc "xỉa" (một loại thuốc rê, thuốc vấn xấu, rẽ tiền để xỉa thuốc đi kèm với ăn trầu). Chỗ cái ghế trầu hay ghế thuốc đó là nơi tiếp khách thường, không quan trọng. Ngày Đồ tôi còn nhỏ thấy bà ngoại ngồi một bên ghế trầu, bà khách một bên trên bộ ván căn bên trái; vừa ăn trầu vừa xỉa thuốc, vừa nói chuyện.
Thế là căn nhà ba gian được sắp xếp theo một thứ tự quy củ hẳn hoi. Có nhà trên nhà dưới, hai chái có chuồng trâu, chuồng bò, nhà xe, nhà kho hai bên sân lớn ở phía trước. Cộng với vùng trồng cây trái, hoa lá trong vòng rào trồng tre tạo thành một vuông. Nhiều vuông tạo thành xóm, làng mạc có đình làng, nhà hội... Đã cấu thành nông thôn Việt Nam với nền văn hóa tự trong nhà. Còn đến làng mạc, quốc gia thì ra sao?
Đồ tôi vốn không phải là một nhà nghiên cứu về Văn hóa hay tìm hiểu, tìm tòi gì cả mà chỉ là một người viết "tào lao". Cho nên vấn đề nầy trở thành quá lớn với Đồ tôi. Tuy nhiên, Đồ tôi cũng nhận thấy có vài "vẻ", vài "nét" mà ta có thể để ý được. Vì Đồ tôi được sinh ra, và lớn lên tự nơi thôn dã cho nên "gắn liền" với "cái đình" của xóm làng là một sự đương nhiên. Ngày nhỏ đến "lệ đình" thì Đồ tôi theo mẹ, theo cha đến để chơi, coi người ta cúng, rồi ăn xôi, thịt và chơi với mấy "thằng nhỏ" khác. Đến những ngày lớn hơn, Đồ tôi mới tìm hiểu thêm được chút ít về cái "lệ đình". Lệ đình thường có hai kỳ trong năm: Kỳ tháng hai và kỳ tháng tám đều tính theo âm lịch. Có nơi nào tổ chức khác thời gian không, Đồ tôi không biết! Nhưng những nơi có đình và Đồ tôi có dịp dự thì không khác, chỉ khác nhau về cái ngày tổ chức chút ít mà thôi! Lệ đầu, tổ chức vào ngày 16 tháng hai gọi là "Rước nước" cầu Thánh, Thần, Trời, Phật cho "mưa thuận gió hòa", cùng "Quốc thái dân an" để chuẩn bị một "Vụ mùa" mới trong năm, với mùa mưa sắp tới.
Còn lệ tháng tám cũng ngày 16 thì thường được gọi là "đưa nước", lệ cúng nầy được coi là tiễn nước đi, sắp chấm dứt mùa mưa, khí trời dần khô ráo, lúa trổ bông, chín rồi được gặt hái vào tháng 11 âm lịch. Vụ gặt hoàn tất trước thời gian Tết. Rồi sau đó, thời gian chuẩn bị "Ăn Tết", hội hè vào Tháng Chạp đầu tháng Giêng.
Trong các "lệ" cúng ở đình thì Đồ tôi không chú ý đến nhiều lắm! Vả lại trong thời chiến tranh đình ở "ấp" Đồ tôi bị tàn phá, còn ở các đình khác Đồ tôi lại không có tham gia, nên không biết gì nhiều. Nhưng Đồ tôi chỉ nhớ đại khái: Đình thường cấu trúc theo hình "tam cấp": Căn ngoài cùng thì thấp hơn, căn giữa mái cao hơn chút ít, và căn trong cùng thì cao hơn cả. Phía bên trong cũng là ba gian. Gian chính giữa trong cùng là bàn thờ "Sắc phong" của vị Thần của đình hay làng xóm. Cũng có bàn để đồ cúng. Phía ngoài có bàn thờ để các chưng đèn, dĩa trái cây, bình bông. Đó là nơi tế tự cho vị "Thành hoàng". Còn phía trước chỗ căn giữa có bàn thờ làm nơi cúng bái. Người ta cúng heo "hình như" là ở chỗ nầy. Ở hai gian hai bên có các bàn thờ mà Đồ tôi không biết thờ ai? Chỉ biết là "Tả, Hữu.." gì đó vì Đồ tôi không đọc được chữ Hán.
Trước đình ngoài sân có trụ cờ để hành lễ. Có bàn thờ "Chiến sĩ trận vong". Ngoài trước nữa có tấm "bia" lớn đắp lên hình "Ông Cọp", chắc theo ý nghĩa "Bùa nêu, ông hổ" cũng nên: Để trừ ma quỷ. Nếu như thế thì lại theo hình thức của Đạo giáo sao?
Cuộc hành lễ, dâng lễ chính lại theo kiểu của "Khổng giáo", sử dụng đến "Học trò lễ". Tức là sử dụng những "học sinh" của nhà Lễ Nghĩa Khổng Tử để hành lễ. Đồ tôi thì thích coi "học trò đi lễ, dâng cúng, xướng lên" chứ thật tình không hiểu gì hết, vì thường những câu "xướng" lên đều bằng âm "Hán Việt". Rõ thiệt là bị đô hộ cả ngàn năm! Đồ tôi chỉ nhớ gì là "bái, hương, bình thân". Thế thôi!
Những người tham dự cuộc "tế tự" của đình làng thường là những vị chức sắc trong làng, hay những vị bô lão, có thế, uy tín trong xã ấp. Và họ cũng được trân trọng ngồi vào "chiếu trên" hay "ăn trên, ngồi trước" trong tinh thần "Kính lão đắc thọ" hoặc "kính trọng người có vai, có vế". Thế nhưng lâu ngày, vì tâm tính con người thích tỏ vẻ "cái Ta" quan trọng, cái Ta phải được nhiều người "oai khiếp, nễ sợ"; hoặc với "ý đồ" kinh doanh bằng "vị thế" nên đã đưa đến tình trạng "đút lót, mua chức tước" để dễ làm giàu bằng hình thức "đòi" hay "ăn hối lộ" hoặc "tham nhũng công quỹ". Đó là chuyện ngoài lề!
Có tham dự vào "lệ cúng đình" mới thấy tinh thần cộng đồng của xóm làng. Mọi người đều có tinh thần sốt sắng với việc chung vì ngày ấy là ngày cúng "vị Thần" chung của làng, vị Thần ấy sẽ ban phước, hoặc đem lại gió hòa mưa thuận, công việc làm ăn trong năm được thuận lợi. Cầu mong được như thế! Cho nên sự "đồng tâm nhất trí" hợp lực ở đây rất dễ dàng.
Cái độc đáo của "cái đình" trong xóm làng không đơn giản ở chỗ đó, mà lại là cái "Tinh thần đoàn kết" của xóm làng qua "cái đình". Đồ tôi đã được chứng kiến những nỗi buồn hay tiếc nuối, những oán hận của những người trong xóm khi cái đình đã bị sập vì bom trong thời gian chiến tranh. Hoặc những nổi bất mãn của mọi người khi đình làng bị trưng dụng làm nơi chứa hàng hóa. Đụng tới cái đình là đụng đến "danh dự, tự ái" của cả làng xóm.
Từ trong đơn vị nhỏ gia đình, dòng tộc đã trân trọng "tinh thần Gia Tiên" cộng với "mồ mã Ông bà" đã tạo được sự "đoàn kết dòng họ". Ở đơn vị lớn hơn, với làng xóm đã có "đình làng" gắn liền với mọi kỹ niệm ấu thơ hay làng mạc, hun đúc tinh thần "nơi chôn nhau, cắt rún". Và xa hơn nữa là "Quê cha, đất Tổ" với ngày "Giổ Tổ Hùng Vương", "trải Hội đền Hùng" đã trở thành một truyền thống độc đáo trong Văn hóa Việt Nam. Dân tộc Việt nam đã đứng vững và đứng vững trong tất cả mọi cuộc xâm lăng, chiến tranh, hay đô hộ cũng nhờ vào chất keo độc đáo đó. Tuy vậy, bao giờ "Ta cũng phải cảnh giác với tất cả mọi kẻ thù. Nhất là kẻ thù phương Bắc".
Ấy là "Chuyện Tào Lao" về cái nhà "ba gian, hai chái". Cái "đặc điểm trong văn hóa" của một dân tộc mà Đồ tôi có thể nói được.

Đồ Ngông,
20-04-03.

Thơ Nguyên Thảo

*Thân Cát Bụi!

Thân ta
Là những hạt bụi trần,
Được kết tụ dưới trời mưa bão
Cơn lốc mê lầm của tầng cõi tâm tư
Gió mây qua
Từng cơn xoáy động,
Thân nầy về
Trong cuộc sống trăm năm.
Lửa thiêu đốt
Cho hình hài trỗi dậy
Kiếp ăn năn đau đớn những thù hằn
Chìm đắm mãi
Trong vùng nước mênh mông.
Nhìn thoáng lên
Nóng bỏng trời hồng
Tiếng la hét muôn loài thú dữ.
Ta sa đọa
Vì thân ta huyễn hoặc
Ta tưởng rằng lại chính thân ta
Trìu mến, yêu thương
Ta kết tủa trang hoàng
Để tiếc nuối một mai khi mất.
Đường dậm xa vượt thoát,
Nhưng cũng rất là gần.
Nhìn kỹ lại
Ngay trong ta từng khoảnh khắc..!

Nguyên-Thảo,
20-09-02.


*Về Nơi Ấy!

Mai tôi về nơi ấy
Vùng trống vắng xa xôi,
Nhưng tâm hồn thoải mái
Luân lưu, cách hẳn rồi.

Mai tôi về nơi ấy
Bạn có bước đi cùng,
Nhanh chân lên bạn nhé!
Ta sẽ có đường chung.

Đường đi không nghĩ khó
Bước ta cũng chẳng sờn,
Đôi chân dù bé nhỏ
Ghi đậm nét lòng son.

Đường xa muôn ức dặm
Khác biệt ở cõi lòng..
Mai tôi về nơi ấy,
Bạn có muốn đi cùng?

Nguyên-Thảo,
30-07-01.

*Nếu Tôi Là...!

Nếu tôi là ác quỷ,
Tôi sẽ khiến thế gian nầy
Trở thành nơi ăn chơi vĩ đại
Với đầy đủ phương tiện,
Thỏa mãn nhu cầu cho tất cả những gì
mà người ta mơ ước.
Có casino sang trọng, có nhà hàng lộng lẫy;
Với từng đàn thiếu nữ đẹp như tiên,
Bày thân thể như mơ, như mộng;
Chuốc thêm rượu
Nếu cần, tôi có sẵn
Bàn đèn, bạch phiến, cần sa,...
Anh muốn chích, muốn hút, muốn phê, tôi kính tặng
Để làm quà, đưa anh về cõi tiên du.
Nếu anh thấy,
Thế còn chưa đủ
Cần vũ khí: tôi sẵn lòng cho anh mượn
Nào gươm, nào dao, nào súng
Cả xe tăng, đại bác, phi đạn, vi trùng...
Nếu anh muốn
Thứ nào tôi cho anh thứ đó
Để anh giết, anh đánh, anh đâm, anh chém...
Máu thành sông, Thần Chết đỡ nhọc lòng
Mà tôi cũng chẳng phải ra tay
Vì tôi vốn là ác quỷ!

Nguyên-Thảo,
06-09-2000.

*Nếu một mai...!

Nếu một mai
Tôi trở về với đất
Tôi cũng ngậm cười vì nhiệm vụ tôi xong
Đời cống hiến cho tôi
Tôi đã được hài lòng
Tôi đóng góp
Với tất cả những gì tôi có thể...
Tôi thỏa mãn
Sống cuộc đời nhân thế
Không làm buồn cha mẹ, anh em
Không hổ ngươi khi gặp những bạn bè
Với vợ, với con tôi chu toàn bổn phận.
Tôi sống cuộc đời
Tuy gặp nhiều lận đận
Nhưng không hằn thù
Đổ trút giận kẻ chung quanh
Tôi nhìn tôi trong gương chiếu tâm hồn,
Tôi sung sướng
Khi một mai về với đất.

Nguyên-Thảo,
07-09-2000.

Thơ Đó, Thơ Đây!

*Thành Nội. (Huế)

Đi vào Thành Nội để xem qua
Cung điện ngày xưa cũng đã là
Vững chắc uy nghi thành lũy đó
Kiên bền bề thế lắm công đa!


*Lễ Hội Festival! (Huế)

Cứ mỗi hai năm thì đáo lệ
Mọi người xúm nhau đi xem lễ
Cung đình vua chúa thời xưa ở
Sân khấu dân quan nay lại kể.
Kèn trống thanh âm nghệ sĩ “diễn”
Đèn hoa xe cộ nữ nam “mế”! (mê quá đỗi!)
Dập dìu du khách tha hồ ngắm
Đô hội vui vầy, ta với lễ!


*Sông Hương. (Huế)

Cái sông “con gái” thật là “thơm”
Duyên dáng mà em cứ đợi chồng
Qua lại thuyền đi xuôi với ngược
Cứ chờ, cứ đợi ngóng cùng mong!

Em nhé! Đừng chi vội lấy chồng
Đừng đi xứ khác để buồn trông
Dòng sông thơ mộng luôn con gái
Lại hát lại hò luôn nhớ mong!


*Tháp Chùa Thiên Mụ. (Huế)

Bên tháp của chùa Thiên Mụ xưa
Dưới tàng phượng vĩ gió đong đưa
Ngồi nghe gió thoảng từ sông tới
Nghe tiếng ve kêu,... hè cũng vừa!

Dòng nước sông Hương trôi lửng lờ
Thuyền xuôi, thuyền ngược buông hững hờ
Biết bao bến đợi thuyền không đỗ
Người nhớ nhung nhiều lại dệt thơ!


*Thuyền Đêm Trên Sông Hương. (Huế)

Đêm thuyền trên sông Hương
Ôi! Sao mà dễ thương!
Lặng nghe trong tiếng nhạc
Giọng hò đầy vấn vương!

Thuyền qua cầu Trường Tiền
Sáu nhịp đều đưa duyên
Đèn thay màu từng lúc
Như tâm sự hàn huyên.

Thơ Đồ Ngông (tt)

*Vì Sao?

Vì sao anh chẳng để tâm
Vì sao anh lại trầm ngâm lãng nhìn
Giấy tờ không đúng? Hay hình?
Hay tiền không có, mà anh chẳng vừa
Chẳng tiền thì lại chẳng ưa
Có tiền đút lót mới vừa lòng quan
Làm quan ăn khắp xóm làng
Quan chi quan lạ! Gọi là giúp dân!

Đồ Ngông,
11/08/10.



*Tiến Sĩ Giả!

Giả người, giả nghĩa, giả văn bằng
Tiến sĩ hàng ngàn, tiến sĩ ngang
Mua bán chạy lo bằng tiến sĩ
Giữ vai, giữ chức, sĩ hàng hàng!

Nghe qua tiến sĩ, bỗng buồn cười!
Tiến sĩ ra lò? Tiến sĩ chui?
Chui đã, chui ra ông tiến sĩ
Nghĩ là tiến sĩ: Đáng buồn cười!

Đồ Ngông,
11/08/10.


* Bán Hàng!

Thật, nực cười cô ả bán hàng
Gay go, quạu quọ, nói ngang ngang
Tưởng chừng xách mé mang xe xúc
Xúc đi khối khách đến xem hàng!

Bán hàng mặt mẹt cũng ra đây
Khách cóc thèm mua, thứ mặt dầy
Đem hết về đi, ăn cố hết
Khách đi nơi khác, chỗ vui vầy!

Đồ Ngông,
11/08/10.


*Cô Chiêu Đãi.

Này đấy, đây cô chiêu đãi ơi!
Sao cô lại nỡ thiếu nụ cười
Cười vui lên chứ, đâu là khó
Cứ thử cười xem, cho khách vui!

Nụ cười vui vẻ, cười giao lưu
Có chết gì đâu chỉ nụ cười
Vui khách, vừa lòng, thêm giá trị
Khách còn tới mãi, chỉ cười tươi!

Đồ Ngông,
11/08/10.

Sunday, August 1, 2010

Lá Thư Kết Thúc

Con yêu dấu,
Cuộc đời rồi ai cũng sẽ đi qua! Ba đã đi trước trên con đường. Bây giờ rút kinh nghiệm, thay vì hướng dẫn cho các con với mọi hành trang, tư lương mà Ba đã thu lượm được. Nhưng hoàn cảnh có khác đi, Ba lẫn con không có nhiều thì giờ cùng nhau trao đổi, còn Ba thì chẳng biết ngày nào "trở về với đất". Cũng may, nhờ "duyên" đã đến thì Ba tập tành để viết: Viết những điều cho con và các Thanh, thiếu niên đang lớn trong xã hội đầy nhiễu nhương của thế giới hiện nay nầy. Âu đó cũng là điều hay, giúp cho Ba có điều kiện cống hiến lại cho xã hội. Ba không biết Ba nên cám ơn xã hội như thế nào? Ba chỉ hi vọng những điều Ba viết tự đáy lòng, tự trong dòng tri thức mà Ba đã tiếp thụ của xã hội từ lúc còn ấu thơ; và với tình thương yêu Ba dành cho con, Ba đã nói lên những gì thực tế, từ trong vấp ngã của cuộc đời, từ kinh nghiệm sống gian nan của mình, và của một số người trong xã hội sẽ giúp ý cho con hầu con chuẩn bị thật xứng cho một cuộc sống xứng đáng ở cõi đời nầy. Để kết thúc loạt bài, Ba viết lại câu mà Ba đã viết trong bài trước: "Sao cho con có một cuộc sống xứng đáng, xứng đáng trong một kiếp người: Khi con ngẫng đầu lên con thấy mình hãnh diện, mà khi con nhìn xuống con chẳng thấy thẹn lòng". Con có suy nghĩ gì không? Hỡi con yêu..!

Ba của con,
Nguyên Thảo.

Viết Cho Con: 17- Chính Trị Và Tôn Giáo


Đây là hai vấn đề rất tế nhị trong cuộc đời nầy. Đúng ra, Ba chưa đủ khả năng và trình độ để viết cho con hiểu. Nhưng vì tính cách phức tạp của nó, nên Ba tận dụng những kiến thức của mình gom góp lại nhằm giúp con một số vốn căn bản nào đó để làm tư liệu cho những nhận định về sau nầy.

Con ạ! Nếu con người có thể xác và tinh thần, thì sự mưu cầu ấm no, an ổn, hạnh phúc, thoải mái cho cả hai đều là cần thiết. Mưu cầu thân xác được an ổn, đời sống được đầy đủ, cùng đem lại sự giàu có, của cải vật chất phong phú cho con người, xã hội là cách thức của Chính trị. Còn đem lại an lạc cho tâm hồn, làm dịu bớt sự đau khổ, xây dựng niềm tin là nhiệm vụ của Tôn giáo. Ba đề cập vấn đề liên quan đến thân xác trước: Chính trị, rồi sau đó sẽ đi vào Tôn giáo.

Con yêu dấu,
Nói đến chính trị, chắc con sẽ nghĩ hay liên tưởng đến hội đoàn nầy, hội đoàn kia; mặt trận nầy, mặt trận nọ; chế độ nầy, chế độ kia vân..vân... Đó là những “hình thức tổ chức” để thể hiện những nét sinh hoạt của chính trị. Chứ thực ra chính trị chỉ là phương cách chính đáng, ngay thẳng, đúng đắn để cai trị, điều khiển một tổ chức, một địa phương hay một nước nhằm mưu cầu, đáp ứng về vật chất cho con người sao cho được phong phú, đầy đủ để con người, người dân được thoải mái về thể xác rồi tâm hồn cũng được an lạc hơn.

Ở bài "Học là con đường ngắn nhất tiến tới tương lai xán lạn" Ba đã phát họa tiến trình của con người trong việc thành hình xã hội từ nhóm, đàn, bộ tộc đến dân tộc và quốc gia. Thì cũng vậy, dù lớn nhỏ các tổ chức đều cần có phương pháp, cách thức để vận hành, sinh hoạt, làm việc kể cả kỷ luật nhằm giành lấy, đem lại kết quả cao nhất cho tổ chức hay những thành viên của tổ chức ấy. Nếu một tổ chức không có người lãnh đạo, không có cách thức sinh hoạt, không có nội quy, không có kỷ luật thì chỉ là một khối hỗn loạn và dễ dàng đưa đến sự tan rã. Và nếu không có sự thay đổi người lãnh đạo khi cần thiết, dễ dàng đưa đến độc tài dù đó là sự lãnh đạo của một người hay của một nhóm người. Điều ấy chỉ không xảy ra ở loài vật: Loài mối, loài kiến và loài ong. Các giống vật nầy, tạo hóa đã sinh ra nó, ban bố cho chúng một tổ chức chặt chẽ có vai trò thứ lớp hẳn hoi. Ba không hiểu chúng không tranh giành, không độc tài, không gây rối loạn là vì do bản năng của chúng, hay là vì lý do chúng không có trí tuệ hoặc lòng tham.

Sự hình thành đường lối chính trị khởi nguồn từ những nhu cầu cần có người chỉ huy, điều khiển của đám đông người. Rồi tiếp theo là các vấn đề khác: Bảo vệ giềng mối của tổ chức, phương hướng hoạt động sao cho có hiệu quả. Chính vì vậy mà hiện nay ta có nhiều cách khác nhau. Ví dụ có tổ chức thì bầu người có công tài giỏi lên lãnh đạo, rồi ngôi vị đó cha truyền con nối như chế độ Quân chủ. Còn có tổ chức bầu người giỏi lãnh đạo trong thời gian bao lâu sẽ bầu người khác thay thế: Đó là hình thức dân chủ, cộng hòa phát sinh từ xã hội Hi Lạp xa xưa. Sau nầy ta còn có Quốc Hội Chế, Tổng Thống Chế và Quân Chủ Lập Hiến (vừa có vua, vừa có quốc hội).

Nhưng con ạ! Ba lấy làm lạ là trong quá trình thành hình chế độ hay sự cai trị đều có sự hiện diện của những nhà tư tưởng hoặc triết gia. Nếu hoàn cảnh nhiễu nhương thời Xuân Thu Chiến Quốc của Trung Hoa đã khiến cho Lão Tử suy tư, ngộ đạo bèn thốt ra câu "Thiên hạ vô sự" rồi bỏ vào núi đi tu và mất luôn. Còn Khổng Tử thì nhập vào cuộc đời viết sách, san định lại các tài liệu xưa cũ để viết thành các bộ Kinh trong Ngũ Kinh (Thi, Thư, Dịch, Lễ Ký, Xuân Thu), và các sách nầy cùng với các sách trong Tứ Thư gồm có Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ và Mạnh Tử giúp Nho gia lấy đó làm căn bản để sống và tham chính; cũng như là nền tảng làm giềng mối củng cố cho chế độ Quân chủ, nhằm tạo sự ổn định xã hội. Còn phương thức cai trị thì có các cách: Pháp trị (cai trị bằng Pháp chế), Đức trị (trên căn bản tình thương, đạo đức), và Bá trị (có thể là trấn áp, quyền lực, miễn sao đạt được kết quả). Nói chung lại, Chính trị là một phương sách cai trị, điều khiển, vận hành của một tổ chức, một quốc gia nhằm đem lại sự ấm no, cường thịnh, hạnh phúc, thoải mái, an lạc cho mọi người. Nếu khi nào con thấy ở đâu đó có sự đấu tranh thì nơi đó đang có sự áp bức đúng như câu nói của Karl Marx: "Nơi nào có áp bức là nơi đó có đấu tranh".

Ba hi vọng với sự giúp đỡ nhỏ nhoi của Ba, con cũng có thể nhận định được chút nào về khía cạnh chính trị và nếu con thích tìm hiểu thêm thì Ba nghĩ rằng điều ấy không khó với con đâu vì sách vở đã viết rất nhiều. Và bây giờ Ba sẽ nói đến phần thứ hai: là Tôn giáo.

Con yêu dấu,
Tôn giáo không phải là vấn đề đơn giản, vì đó là vấn đề Tâm linh: Vấn đề sâu kín trong con người. Tâm linh không có chỗ tựa nhất định, nó bàng bạc mông lung trong con, đôi khi ngoài thân xác con nữa. Con chỉ ý thức được nó thôi, con không thể nắm bắt hay soi rọi xem nó đang ở đâu. Trong Triết học người ta chia tri thức (sự nhận biết) của con người thành ba phần: Ý thức, Tiềm thức và Vô thức. Nếu phần ý thức là phần mà người ta có thể nhận biết một cách tương đối rõ ràng về những việc làm hoặc những suy nghĩ của mình; Thì Tiềm thức chỉ là vùng mà người ta biết mơ hồ, không rõ và không biết ở đâu, đôi khi sự nhớ của nó lại hiện ra trong giấc mơ. Và vùng thứ ba ta không thể cảm nhận, ý thức được gì hết, là vùng của siêu hình gọi là vô ý thức hay vô thức. Diễn tả một cách nôm na để cho con dễ hiểu, và con hãy tưởng tượng "Tri thức" ấy giống như một hồ bơi mà người ta phân chia thành ba phần: Phần trên, phần giữa và phần đáy. Những con người tầm thường như chúng ta chỉ "lội" được ở trên mặt hồ mà thôi. Những nhà khoa học, bác học, tư tưởng, triết gia họ lặn được sâu vào đến phần giữa của hồ cho nên họ khám phá được nhiều điều mà người thường không thể làm được. Tiềm thức của họ hoạt động mạnh hơn chúng ta và họ khám phá sự kiện, sự vật bằng tiềm thức đó. Nhưng họ vẫn chưa "lặn" xuống được phần đáy của hồ. Còn một nhà tôn giáo “ngộ được đạo” họ lặn rất sâu vào vùng vô thức: "Phần đáy của hồ", lặn càng sâu thì sự giảng giải của họ càng rõ ràng, sâu sắc hơn về mọi sự kiện. Điều ấy tùy theo cơ duyên và cái quá khứ tiền kiếp của họ.

Nhưng một điều kiện cần thiết để một nhà "Tôn giáo" có thể đi sâu vào tầng "vô thức, siêu hình" là "Tĩnh lặng". Yên lặng để "khám phá" mà thế gian gọi là "Thiền định". Chính vì vậy mà các nhà tôn giáo cần có thời gian để định tâm hay thiền định. Làm cho tâm yên giống như ta làm cho mặt hồ nước thật yên tĩnh; mặt hồ yên, nước lại trong thì tất nhiên ta sẽ nhìn thấy được tới đáy hồ. Còn mặt hồ không yên giống như tâm ta luôn khuấy động (tâm viên, ý mã) thì ta không thể thấy được đáy hồ; hay rõ ra ta không thể nhìn được vào được vô thức hoặc siêu hình. Do đó Sít-Đạt-Ta phải mất 49 ngày, Mahomed tốn một thời gian ở núi Hira, còn Jesus với 40 ngày đêm nơi đồng vắng. Sự biết đạo cũng có thể đến từ ngoài vào như là một hiện tượng nhập thể, nhưng thường thì từ trong ra: Từ thân thể, tâm linh câu thông với vũ trụ, siêu hình để hiểu pháp và nói pháp. Vậy thì những vị ngộ đạo đã đi đến cùng một nơi, một gốc; nhưng tại sao có các tôn giáo khác nhau? Vì do nơi phong tục, tập quán, ngôn ngữ, địa phương khác nhau và cách cứu độ khác nhau. Lại nữa, trong các tôn giáo cũng có sự tranh giành “ảnh hưởng, bêu xấu”, đó là do những người theo đạo rất ư là trần tục đó thôi! Như bài trước Ba đã nói đến cái Ta, cái Ngã to tát là nguyên nhân lớn của nhiều vấn đề "thảm hại" trên thế gian nầy. Đó là Ba chưa nói đến những người “Tĩnh Lặng” nhưng trong sự “Tĩnh Lặng” đó đã có mầm mống của “Cái Ta”, “Cái Ngã” to lớn chi phối cho nên họ mới tự xưng “Ta là Đấng...”, “Đạo của Ta...” v..v... Đó là hiện tượng “Tẩu Hỏa Nhập Ma” mà Đức Phật đã có đề cập đến, tức là “Đạo ấy” đã đi vào con đường Ma. Vì vậy, Đức Phật mới chứng minh bằng sự “Vô Ngã”, chỉ với vô ngã chúng sinh mới diệt được tâm “phân biệt và vọng tưởng” (tức là Vô Minh) để trở về với “Chơn Tâm” hòa mình cùng với đại thể mà thôi! Hoặc có những tư tưởng tham vọng biến truyền thuyết, thần thoại để thành tôn giáo; hay những môn phái tà đạo, bán tà đạo và trá hình mà họ đã thành hình những tôn giáo giống như là để “Cứu rỗi con người”. Họ không phải vì "cứu rỗi" loài người, không phải vì "phổ độ chúng sinh" mà có thể vì danh vọng, vì lợi lộc, đôi khi vì đã bị sai đường hay đúng hơn là bị quỷ ám, bị tẩu hỏa nhập ma hoặc là Satan hay quỷ vương đang đùa giỡn với họ mà nên.

Con yêu dấu,
Ba chỉ viết đại khái, chứ về phương diện chính trị, tôn giáo đã có biết bao nhiêu là sách báo, bài viết đề cập đến từ xưa tới nay; nhưng vẫn hãy còn chưa đủ và các nhà chuyên môn, nghiên cứu tiếp tục sáng tác, đào sâu thì chuyện Ba nói với con chẳng thấm vào đâu. Ba chỉ muốn giúp con hiểu được chút ít của vấn đề nhằm hổ trợ con "thêm tí gia vị" vào món ăn của cuộc đời, thế thôi!

Nguyên Thảo.

Viết Cho Con: 16- Tinh Thần Vị Tha

Con yêu dấu,
Mỗi một khi con làm vấn đề gì hay một chuyện gì mà con bảo là "để cho con", hoặc con giành lấy quyền lợi về cho mình ấy là vị kỷ. Vị là vì, kỷ là mình; vị kỷ tức là vì mình. Khi đối tượng chính yếu "để đem về" là mình, con cứ coi đó là vị kỷ. Trong cuộc đời nầy "vị kỷ" không phải là xấu. Ai cũng cần sống thì phải đi tìm thức ăn, thức uống để sống. Nhu cầu cần có quần áo mặc thì phải kiếm. Do đó sự làm việc là điều cần thiết để đáp ứng các nhu cầu chính yếu mà cơ thể, đời sống của mình đòi hỏi. Vị kỷ là nguyên nhân, là động lực đầu tiên để mình có ý thức và làm việc.

Nhưng cái ý muốn "vị kỷ" bằng sự lợi dụng công sức, hoặc công lao của người khác đó mới là điều xấu. Còn khi mình nhờ và trả thù lao ấy là sự trao đổi, tương đối cũng gọi được là công bình, là một sự qua lại. Chỉ khi nào con muốn người ta làm nhiều cho mình mà con trả lại cho họ ít là con đang tạo sự bất công. Và nếu con dùng quyền lực bắt họ phải làm nhiều cho con, đó là con dần đi vào phạm vi bốc lột.

Con ạ! Hầu hết con người ai cũng đặt "mình" là trung tâm chính yếu. Mọi hoạt động, suy nghĩ, ý muốn phần lớn đều khởi niệm từ cái "ta", cái "ngã" trước hết. Khi còn nhỏ ta đòi bú, đòi quà, đòi đồ chơi: "Ta khóc". Lớn lên ta muốn, ta cần, cho ta thì "ta mới làm"; hoặc có ích cho ta, làm cho ta đầy đủ thì "ta giành, ta lấy". Bao nhiêu sự xung đột, đấu tranh, chiếm giữ, bảo vệ đều cũng do nơi cái ‘"ta" hoặc là "chúng ta". Sự mở rộng "vị kỷ" càng lớn bao nhiêu, thì đem lại cho cuộc đời nầy "khổ ải" bấy nhiêu. Nếu ta nghĩ dân tộc của ta là dân tộc của Đấng Tạo Hóa, của Đức Chúa Trời tạo nên để cai trị loài người thì sự kiêu hãnh ấy làm cho ta khinh thường dân tộc khác. Đôi khi sự khinh thường ấy tạo nên thảm họa lớn cho mình và cho mọi người. Nếu ta coi Đạo của ta là chính giáo, tôn giáo khác là tà đạo thì chỉ là nguồn gốc của chiến tranh tôn giáo. Cái "Ta" đã làm cho ta mờ mắt, không nhìn thấy rõ vấn đề. Giống như con, khi suy nghĩ, nhìn về một người nào đó, con nghĩ họ xấu rồi con đặt một "thành kiến" về họ, thì dù họ làm những cử chỉ tốt, cử chỉ đẹp con vẫn cứ xem họ là kẻ xấu hoặc là giả dối mà thôi.

Những cái rơi rớt đôi khi lại là bổ ích. Nếu trong đám người tốt có một vài kẻ xấu và trong đám kẻ xấu cũng có một vài người tốt, thì sự rơi rớt một số người "không vị kỷ" trong nhân loại đã đem đến các nguồn an ủi lớn lao cho những ai bị đau khổ. Họ là những kẻ biết quên mình để nghĩ tới người, đã nhìn ra được sự thật của cuộc sống và biết nơi nào mình cần thiết phải hòa mình vào. Họ có những tâm hồn thật vĩ đại. Trái tim của họ rung động mãnh liệt với những rung động nhẹ nhàng của nhiều người đau khổ. Họ là những kẻ mà chúng ta phải cúi đầu khâm phục, là những kẻ hoàn toàn vị tha. Thoạt đầu họ cũng chỉ là những kẻ tầm thường như mọi người, thế rồi với sự cố gắng của chính mình họ dần ngoi lên trong lãnh vực học tập, khoa bảng, kỹ thuật, kinh tế hay y khoa, khoa học lẫn tâm linh... Trong vài năm tiếp xúc với nghề nghiệp, con người khiến tâm hồn họ càng ngày càng lớn ra, mở rộng phạm trù hoạt động hơn lên và dần đưa họ vào "Sự cống hiến không đòi hỏi, vô vị lợi" cho nhân loại.

Con ạ! Bây giờ con đã chẳng xa lạ gì với hoạt động của các hội từ thiện, của Hội Chữ thập đỏ, Trăng Lưỡi liềm đỏ với bao người tình nguyện là chiến sĩ vô danh. Họ đem bàn tay, trái tim mình để xoa dịu nỗi đau thương của nhân loại. Hội Các Y sĩ không biên giới (Médecins sans frontier) đem những người lương y đến gần con bệnh như những người mẹ hiền (từ mẫu). Hay các giải Nobel hàng năm nhắc nhở cho mọi người nghĩ đến lòng "vị tha". Chắc hình ảnh một Công nương Diana xinh đẹp đang đi trên cánh đồng "mìn", hoặc thăm người cùi, bồng đứa bé Phi châu, hoặc đấu giá y phục của mình làm cho người ta cũng phải khó quên. Nữ Hoàng của trái tim (Queen of Heart) không phải là vinh hạnh, cao cả hơn sao? Những tư tưởng, hành động vĩ đại từ những con người có đầu óc xã hội, nhân loại đã đem lại những cơn mưa mát mẻ tưới vào sa mạc khô khan, nóng cháy của lòng người. Ít ra cũng có được tác dụng một phần nào!

Nhưng chưa đâu con ạ! Lại có những sự cao cả rất ư là cao cả mà chỉ khi nào con cảm nhận được hết con mới thấy nó vô bờ: Như Phật Thích Ca vì muốn “Tìm Con Đường Thoát Khổ” mà phải bỏ hoàng cung lẫn cuộc sống sung sướng để khổ hạnh khoảng 6 năm; và muốn "Chỉ Con Đường Giải Thoát" cho con người, chúng sinh trong Thế giới Ta-Bà mà Ngài đã nói Pháp trong hơn 45 năm ròng rã, không quản ngại gian lao.

Con yêu dấu,
Làm con người vị kỷ đã là hạn hẹp lắm rồi, mà ích kỷ thì lại càng tệ hại hơn thêm! Cho nên để hài hòa cùng với mọi người trong xã hội, con hãy tìm lấy cho mình một hướng đi, một con đường theo lý tưởng. Sao cho con có một cuộc sống xứng đáng, xứng đáng trong một kiếp người: Khi con ngẫng đầu lên con thấy mình hãnh diện, mà khi con nhìn xuống con chẳng thấy thẹn lòng!

Nguyên Thảo.

Viết Cho Con: 15- Tinh Thần Dân Tộc

Con yêu dấu,
Như Ba nói với con là "Tinh thần dân tộc", thì nó có vẻ cục diện quá đi thôi! Nếu mình coi trọng dân tộc của mình thì đối với dân tộc của người không lẽ ta phải coi khinh ư? Điều ấy Ba không muốn! Ta phải trở thành người cao thượng hơn chút ít chứ! Con có biết? Có một vài dân tộc qua truyền thuyết cứ nghĩ dân tộc của mình được khai sinh từ đấng Tạo hóa cho nên lưu lạc bao năm trên xứ người vẫn không hề muốn hội nhập vào xã hội địa phương. Có vài cá nhân nộ khí xung thiên vì hiện tượng chủng tộc mà muốn tiêu diệt dân tộc khác; biến sự xung đột từ quan niệm, ý thức trở thành thực tế. Và trong bao nhiêu cuộc chiến tranh giữa nước nầy với nước kia cũng từ trong ý niệm dân tộc hạn hẹp đó mà ra. Tức là lúc nào cũng muốn dân tộc mình phải mạnh lên, phát triển thêm ra, đất nước phải được rộng lớn, phải dẫn đầu các nước, các dân tộc nhỏ khác. Hoặc là nền văn minh của xứ sở, dân tộc mình phải được tràn khắp. Hiện nay, các nước dần lấn chiếm biên giới, đất đai, hải đảo cũng nhằm trong tư tưởng ấy mà thôi!

Điều Ba muốn nói về "Tinh thần dân tộc" ở đây với con không có cái nghĩa quá lớn như ở trên, mà chỉ là một "ý thức nhỏ" con có thể làm được, và làm rất dễ dàng nếu con có ý chí, quyết tâm.

Con ạ! Mọi con người khi sinh ra được gắn liền với cha mẹ, và có những nét đặc điểm hoặc ngôn ngữ của địa phương vùng mình sống gọi là sắc dân hay dân tộc. Mình không thể lựa chọn khác hơn! Dù sao ta cũng được nâng niu, đùm bọc, nuôi nấng, lớn lên theo với dân tộc ấy. Vì vậy trong tâm tính, tư tưởng, tinh thần của con vẫn có nhiều nét nhớ nhung, quyến luyến đất nước quê hương, con người mà người ta gọi là "Tình tự quê hương, dân tộc"; nhất là dân tộc của chúng ta. Dân tộc ta có nhiều đau thương, trên xứ sở đầy dẫy thiên tai, đất đai khô cằn sỏi đá nhưng lòng vẫn nẩy mầm những vần thơ, khúc nhạc. Quê hương của ta là xứ nhạc và thơ. Thơ, nhạc đi liền với em bé từ lúc hãy còn trong nôi. Con cũng đã hưởng được một thời gian giống như vậy. Còn bây giờ thì có khác đi, vì con ở trên xứ người; và những nét, hình ảnh của một quê hương trong quá khứ dần dần sẽ được thay thế hoặc sẽ nhạt nhòa!

Tuy nhiên, trên một đất nước có nhiều dân tộc, nhiều sắc dân khác cũng là một điều hay. Vì ta có thể hiểu, có thể biết được văn hóa, con người, cách sinh hoạt của mỗi giống người. Vừa mở mang kiến thức, vừa học hỏi được những điểm đặc trưng của sắc dân ấy. Thì ngược lại, những sai lầm, những khuyết điểm của một vài cá nhân đôi khi lại bị đánh giá như là của một tập thể cộng đồng, của một sắc dân. Phàm, làm con người ai cũng có điều hay, điều dở; xấu có, tốt có. Nhưng điều xấu khiến người ta dễ nhớ hơn, Chính vì vậy cái cảnh "con sâu làm sầu nồi canh" ở quê nhà nó không rõ rang cho lắm, nhưng ở trên xứ người nó sẽ hiện rõ ra mồn một. Do đó, sự cố gắng của mỗi cá nhân phát triển điều tốt, giới hạn cái xấu là một cách thức bảo vệ được tính cách tốt đẹp cho dân tộc vậy.

Dù muốn dù không, ta đã sinh ra gắn liền với một sắc dân, ít ra cùng với cha mẹ, họ hàng thì ta nên vui lòng chấp nhận với tinh thần dân tộc ấy. Sự phát triển nét đẹp, tính tốt, học giỏi, làm hay của con chính là đem lại vinh hạnh cho dân tộc. Ấy là sự đền ơn của con rồi đó.

Con ạ! Dân tộc nào cũng có tự ái. Mỗi khi bị khinh thường hay bị chê bai, bêu xấu đều làm cho lòng mình se thắt lại, mặt có khi nóng bừng lên hay phải tái đi. Nhưng không phải vì vậy mà bạo động; sự bạo động chỉ minh chứng những cái "tệ" của mình hơn thêm. Sự ôn tồn, nhã nhặn, đối đãi tử tế, hành động "rất ư" là lịch sự, trí thức, đó mới làm thay đổi quan niệm, thành kiến của người khác được.

Thế hệ ra đi của Ba là thế hệ tương đối phức tạp. Vả lại trong cách sống còn có những nét sống "thật là ở quê nhà". Cho nên có nhiều việc, nhiều hành động chưa thể đáp ứng được với tình hình, hoàn cảnh hiện tại trên xứ người. Vì vậy hãy chưa chiếm được thật nhiều cảm tình của người cho lắm! Hi vọng thế hệ con sẽ giảm thiểu các khuyết điểm và với sự hội nhập, thích ứng hoàn cảnh mới, con sẽ đóng góp vào xã hội những công ích đáng kể. Đồng thời, ít ra cũng gây được một vài tiếng vang hãnh diện cho cộng đồng và của một sắc dân. Ba biết chắc điều ấy không khó, vì các con hãy còn thừa hưởng được sự kiên lòng, bền chí, cần mẫn trong việc làm, cũng như trong học hành thì tương lai con với sự thành công không hẳn là cách xa. Vì ích lợi của chính con và vì tình thương yêu dân tộc, con hãy gắng lên, con nhé!

Con ạ! Ba muốn con có một cái nhìn xa hơn vào các dân tộc khác để từ đó con sẽ có được một vài ý niệm “tinh thần dân tộc” của mình. Một dân tộc Trung Hoa luôn hãnh diện về nền văn hóa và văn minh của họ. Nền văn minh, văn hóa đó đã ảnh hưởng nhiều vào các sắc dân, các quốc gia ở vùng lân cận. Một dân tộc Do Thái khi đã được lập quốc trở lại trên ngay vùng đất của mình trước kia, họ đã không từ nan những sức mạnh nào để giữ vững sự độc lập và quốc gia của mình dù là dân trong nước hay ở hải ngoại. Người ở ngoài yễm trợ tối đa cho những nhu cầu trong nước, họ không “từ nan” để nhằm giữ một nước Do Thái “hãy còn tồn tại”. Một dân tộc Phù Tang thúc đẩy tính chất dân tộc của mình càng ngày càng lên cao hơn bằng những hình thức văn hóa và văn minh: Uống trà thành Trà Đạo; Võ thuật thành Võ Sĩ Đạo; cắm hoa thành Nghệ Thuật Cắm Hoa; Thiền thành Thiền Zen một thời đã được phổ biến trên thế giới; hoặc là phong trào “Gạo lức muối mè”; nghệ thuật Bonsai; xếp giấy thành những con vật v.v... nhất là Tinh Thần Yêu Nước, vì Tổ Quốc Hi Sinh của những người Võ Sĩ Đạo hay những đội Thần Phong trong trận Đệ Nhị Thế Chiến mà chúng ta cần nhiều học hỏi. Cho nên, những cách thức nâng cao giá trị của bản thân mình, của một nhóm người, của nhiều nhóm, của một địa phương, của cả nước tức là đã là “nâng cao giá trị tinh thần dân tộc” của chính mình. Một dân tộc hơn ngàn năm nô lệ đã tự mình đứng lên để dành lại được độc lập; và trong hơn ngàn năm độc lập đã tạo được những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm “thần kỳ” để giữ vững tự chủ và tự do; thì không thể nào không vượt lên được mọi khó khăn, chèn ép của người khác, hay nước khác để thể hiện sự cao quý, đẹp đẽ, cùng sự tự chủ, ý muốn độc lập, tự do cùng đoàn kết của dân tộc mình.

Điều ấy chính là điều mà thế hệ của con và của những thế hệ nối tiếp về sau phải có nhiều suy ngẫm! Ba hi vọng các con và thế hệ sau sẽ có cách để làm cho đất nước, dân tộc giữ vững được sự hãnh diện của mình: Ta là người Việt Nam và Tổ Quốc của ta là Việt Nam! Và ta vẫn mãi hãnh diện “Đã là người Việt Nam”!

Nguyên Thảo.

Mẹ Chồng, Nàng Dâu.

Đồ tôi thắc mắc tự lâu lắm về vấn đề nầy khi bắt đầu được học về "Đoạn Tuyệt" của nhà văn Nhất Linh thuở còn ở trường Trung học. Nhưng lúc ấy, Đồ tôi không thể tìm hiểu được lý do vì sao? Vì thuở ấy mình không có kinh nghiệm. Và mới đây, trong một sự tình cờ, đồng thời lưu tâm đến những biến chuyển tâm lý, sự việc; Đồ tôi mới khám phá được chút ít vấn đề. Nay viết ra để trao đổi, cùng lý sự với Quý vị xem chơi; đồng thời để chúng ta có thể có những "cái cách" thông hiểu, mà đáp ứng được "hạnh phúc" thay vì bằng sự xung đột giữa những "mẹ chồng, nàng dâu".

Phải nói chúng ta là những người may mắn được ra xứ ngoài nên có tinh thần phóng khoáng hơn, không phải bị cái "lễ nghĩa Nho gia" ràng buộc một cách nặng nề. Hoặc cái "tôn ti trật tự, phép tắc" gò bó một cách chật cứng như bao ngàn năm. Nhân phẩm và nhân vị con người cũng được hiểu thêm, nên cách hành xử có khác đi. Nói thế, không có nghĩa là Đồ tôi lên án tập tục của chúng ta. Không khéo một số vị "vội vàng nóng tánh" vội vã cho Đồ tôi chống lại "phong tục ngàn xưa" thì cũng "kẹt" cho Đồ tôi lắm!

Nếu nói đến "hệ lụy" mẹ chồng, nàng dâu mà không nói về "tập tục lễ giáo Nho gia" thì không thể tìm ra được nguyên nhân của sự xung đột bao ngàn năm qua; đồng thời, một lý do khác nữa mà chỉ có thể lấy triết lý trong "Đạo Phật" hay đúng hơn là "Đạo Giác Ngộ" mới "giác ngộ" được mà thôi! Còn đem vấn đề nhân bản, nhân vị con người hay hiện sinh chỉ là "ngoài da" chứ chưa phải là "hiểu được đến ngọn ngành". Đồ tôi không vọng ngữ đâu? Đồ tôi sẽ ráng trình bày cùng Quý vị, và chúng ta có thể cùng nhau "mổ xẻ" vấn đề nầy "Nếu Quý vị cảm thấy hứng thú!".

Thú thật với Quý vị, Đồ tôi rất nhạy cảm và dễ rơi nước mắt trước những cảnh "mủi lòng" ngay cả trên những phim, tuồng hát. Đồ tôi lái xe trên đường về vùng "pham" cam xa xôi, lần nào cũng phải bắt băng tuồng "Lá sầu riêng" hay "Bao công tra án Quách Hòe" để tránh được buồn ngủ trong lúc lái xe; đồng thời để nghe lòng mình đầy "những cảm xúc" với những giọt nước mắt chảy dài. Cảm xúc ấy để chia xẻ với những khung cảnh ngoài đời trên đất nước mình và "để dành riêng" cho những đứa trẻ mồ côi, bị bỏ rơi hay hất hủi, thiếu đi tình thương, thiếu sự trìu mến từ mẹ hay cha. Khổ thay, Đồ tôi lại thích nghe và cũng lại thích như vậy. Nghe ở tuồng hát và "nghe trong lòng của chính mình". Nước mắt bên ngoài và nước mắt bên trong!

Vì trong đạo Nho, người phụ nữ chỉ còn là "những phụ thuộc" là thành phần "thập nữ viết vô", "nữ sanh ngoại tộc", chỉ biết phục tùng "Tại gia tùng phụ, xuất giá tùng phu, phu tử tùng tử", trong nhà thì chăm sóc con cái, bếp núc, thêu thùa. Cái nếp "tam cương, ngũ thường", cái "lễ nghĩa Nho gia" trói buộc người đàn bà, con gái rất là khắc nghiệt. Có lẽ chính vì vậy mà quyển tiểu thuyết "Đoạn Tuyệt" của Văn hào Nhất Linh đã vang danh từ cả hai phía "chống" và "bênh".

Có một lúc, khi mới đến xứ Úc nầy, Đồ tôi cùng bạn bè xim phim "Cao bồi". Xem các phim ấy Đồ tôi thấy các phụ nữ rất được quý trọng dù thành phần của họ "không là tốt đẹp" trong xã hội. Nhưng thử hỏi: Trong đám bao nhiêu đàn ông hung hăng đó có mấy người đàn bà. Đàn bà để tô điểm cuộc đời. Đàn bà là "những đoá hoa hồng trong sa mạc" ấy không được nuông chìu thì lấy ai mà làm cho cuộc đời các "yêng hùng" đó trở nên có ý nghĩa. Từ đó, Đồ tôi nghĩ không lẽ tục quý mến người phụ nữ phương Tây phát xuất từ khung cảnh ấy ư? Mặc dù trong thời nào, mà Đồ tôi không nhớ rõ, trong quyển sách "Văn minh Tây phương" có đề cập đến việc trọng phụ nữ ngay thời thịnh hành của những chàng "Hiệp sĩ". Thế cho nên khi ở đảo tị nạn, người ta kháo nhau: Ở phương Tây "Nhất đàn bà, nhì trẻ con, thứ ba cây cỏ, thứ tư chó mèo, thứ năm đàn ông" cũng không có gì là lạ! Và cũng chính tinh thần giải phóng người phụ nữ theo phương Tây ấy mà xã hội Việt nam ta đã có sự xung đột giữa "Mới" và "Cũ" là Chủ đề "Đoạn Tuyệt" của Nhất Linh.

Tuy nhiên, sự hài hòa bao giờ cũng là "đẹp đẽ" cả. Được anh được tôi. Vừa anh vừa tôi. Có em có anh. Không ai là nô lệ của ai. Không ai làm "mọi" cho ai. Bình đẳng tương giao. Đẹp anh, đẹp tôi. Tương nhượng với nhau một chút để vui vẻ thì "cũng chẳng chết thằng tây nào". Nhưng đừng quá lắm, thiên hạ chê cười, cười cho "nhà ngươi" đó, chứ không phải cười ta đâu? Phong tục cũ hay mới không thành vấn đề. "Bình đẳng tương giao và hạnh phúc", con cái hỉ hả mừng vui là chẳng quý lắm sao?

Tại sao Đồ tôi lại cho rằng "Lễ giáo Nho gia" tạo nên khung cảnh "mẹ chồng, nàng dâu" trong xã hội ta tự bao nhiêu đời?

Vì trong thời Xuân Thu Chiến Quốc thiên hạ nhiễu nhương, loạn lạc. Những rối loạn trong xã hội đã tạo nên rối loạn trong gia đình và những giềng mối ràng buộc bị lỏng lẽo, rơi rớt cho nên Ngài Khổng Tử "nhập thế", thu thập những gì có trước kia san định trở lại, lập thành cái khung bắt "ai về vị trí nấy" thì sẽ yên vị. Còn Ông Lão Tử thấy không phải ở chỗ đó mà là ở chỗ "lòng con người" và là "ý trời" nên Ông ta bảo "Thiên địa bất nhân", hoặc "Thiên hạ vô sự" rồi "Xuất thế" trở về sống phóng khoáng với thiên nhiên; mặc cho thiên hạ tranh giành, chém giết gì đó thì làm!

Chính vì những cương thường, những phong tục phải theo đó đã đào tạo cho người đàn bà những mẫu mực, làm khác đi là "ngỗ nghịch", "chống đối", không làm theo lời dạy bảo là không hiếu thảo, rồi cho nàng dâu "cứng đầu, khó dạy". Từ đó sanh tâm "thành kiến". Khi "thành kiến" xuất hiện thì tất cả mọi việc đều được nhìn qua lăng kính thành kiến ấy. Không những mẹ chồng, rồi đến em chồng cũng nghĩ chị dâu "bất tuân, chống với mẹ mình" nhảy vào "ăn có, xỉ xỏ, nặng nhẹ, nói xa nói gần"... Xa hơn nữa, lần lần "rêu rao" khắp trong họ để lôi cuốn đông người, cùng nhau "khinh bỉ nó cho bỏ ghét". Cuối cùng chỉ là để hại hạnh phúc của con mình, và khiến cho cháu mình phải khổ tâm, lớn lên trong khung cảnh "đầy cay đắng". Đồ tôi cũng từng được nghe, từng được chứng kiến khá nhiều từ lúc còn thuở ấu thơ. Nhưng đến bây giờ mới đúc kết lại những nhận xét nhờ duyên "hội ngộ" các chi tiết.

Thói thường, người nào sống trong gia đình nghiêm khắc thì trước sau gì họ cũng có nghiêm khắc dù ít hay nhiều. Ít hay nhiều là tùy theo cá tính của họ biết "điều ấy tốt hay xấu", nên theo hay là không nên. Còn đại đa số cứ "bổn cũ soạn lại", "trước bày nay theo", cứ đạp lên vết xe cũ một cách máy móc, không sáng tạo chút nào. Điều ấy cũng còn đi theo trình độ học vấn nữa. Có nhận thức, biết suy xét, thông hiểu, biết xét vào trong hoàn cảnh thì cũng "đỡ" hơn nhiều. Cho nên đến hiện nay trên quê hương ta chưa hẳn là đã hết "tình trạng mẹ chồng nàng dâu" hoặc "nàng dâu" cùng "chị, hay em chồng". Và Đồ tôi cũng dám xác quyết điều ấy "hãy còn" khi con người chưa "giác ngộ" dù trong thời kỳ nào, bất kỳ ở đâu? Tại sao?

Vì khi con người "nhập thế" trong thế gian nầy với đầy đủ thân xác, đầy đủ "lục căn", đầy đủ lòng ham muốn, sân hận; với cái "Ngã" (cái "Ta") quá lớn, lòng "ái, dục" bao la. Khi không thỏa mãn ước muốn của mình thì trở nên sân hận, ganh ghét, tìm đủ mọi cách để triệt hạ cho được những cái gì "chống báng" với mình. Bắt người khác "phải theo mình, ý mình muốn" mà không nghĩ "mình phải theo ý của người khác". Chính vì "cái ngã" ấy mà người ta không chịu "đặt mình vào vị trí của người", bắt người "phải như mình", "làm giống như mình" hay "Phải thay đổi theo ý mình". Thật là lạ lùng thay! Con chúng ta nuôi ngay từ thuở mới sanh ra. Nuôi trong mười mấy, hai mươi năm còn có những lúc không nói được thay, hay chúng làm "tự ý"; mà mình lại muốn bắt "con của người khác" một sớm một chiều phải thay đổi như ý mình. Quả là một "điều nghịch lý" vô cùng to lớn! Và "nàng dâu" là "cho mình" hay là "cho con"? Vậy vì "hạnh phúc của con" thì ta hãy "hiểu" để cho con tìm thấy được hạnh phúc. Còn muốn "xây dựng" như thế nào, tất phải có thời gian. Người xưa đã khó, bây giờ ta cũng lại khó nữa sao?

Đồ tôi thì nghĩ vậy! Còn ý của Quý vị thì thế nào? Nhất là ý của Quý Bà? Đồ tôi xin lắng nghe!
Xin chào trân trọng!

Đồ Ngông,
15-04-03.

"Trang Chu" Và "Hồ Điệp".

Thật tình mà nói với Quý độc giả, Đồ tôi chẳng biết gì nhiều về chữ Hán cả. Nhưng, ở đây, Đồ tôi lại thích cái tên "Trang Chu" để gọi cho Ngài Trang Tử của chúng ta xa xưa; đồng thời cái âm "Hồ Điệp" nghe nó mơ mộng làm sao ấy. Vì thế mà Đồ tôi dùng hồ điệp để gọi cho con bướm, và cũng để nhớ đến người Nữ nghệ sĩ "ngâm thơ" Hồ Điệp đã một thời vang danh ở miền Nam qua các lần trình diễn, nhất là trong chương trình "Thơ Nhạc Giao Duyên Tao Đàn" của Thục Vũ.

Nói đến Trang Chu và Hồ Điệp, Đồ tôi phải lui về quá khứ, "chui" vào cái lớp học của Trường Trung Học xa xôi nơi quê hương nhà văn Bình Nguyên Lộc. Trường Trung học ấy nhỏ lắm, được sanh sau đẻ muộn; chỉ có hai lớp: lớp Đệ Thất và lớp Đệ Lục. Đồ tôi thuộc lớp đầu đàn. Thầy cô cũng ít. Chỉ có ba thầy và Ông Tổng Giám Thị kiêm dạy Pháp Văn. Tuy nhiên, vì ít và đều cùng trong hoàn cảnh đi xa, nên thầy trò mến nhau lắm.

Chính như vậy mà mấy Thầy thường truyền đạt những gì mình biết được cho trò với tất cả nhiệt tình và lương tâm của một Thầy giáo, hay là một người đàn anh hướng dẫn lại cho đàn em.

Trong tinh thần đó, Đồ tôi cùng các bạn được biết chút ít về Triết lý Lão Trang trong Cổ văn. Trang tử đã nằm mơ thấy mình hóa bướm, tức "Trang Chu" mơ thấy mình hóa thành "Hồ Điệp". Khi tỉnh dậy, Trang Tử đành "dụi mắt" không biết "Trang Chu hóa bướm" hay bây giờ "con bướm đã hóa thành Trang Chu".

Lúc ấy, khi nghe thầy kể, bọn học trò Đồ tôi chỉ thấy câu chuyện "ngộ ngộ" mà thích thú cái tinh thần phóng khoáng, hư hư thực thực trong Đạo Lão; Và nhất là âm điệu của chữ "Trang Chu", "Hồ Điệp". Nghe nó mơ mộng làm sao!

Làm con người ai cũng từng đi qua mơ mộng. Người ta chẳng bảo "mơ mộng về tương lai", "mơ mộng về tình ái" là gì? Đã có một danh nhân nói mà Đồ tôi chỉ nhớ đại khái như sau: "Khi còn trẻ con người hướng về tương lai; khi trưởng thành người ta sống về hiện tại; và khi về già người ta sống về quá khứ". Điều ấy sau mấy mươi năm, Đồ tôi công nhận là đúng! Còn Quý vị ra sao Đồ tôi không biết được!

Con người khi còn trẻ, lớn lên đầy sức sống, trong đầu óc chưa có gì. Khi bắt đầu chuẩn bị vào đời đã phát họa tương lai, lý tưởng của mình: Từ người mình yêu cho đến nghề nghiệp, người vợ, con cái sau nầy với sự chưa từng trải, kinh nghiệm cuộc đời. Nhưng, vẫn là một định hướng tương lai. Rồi lớn lên, người ta thực hiện những lý tưởng đó, có cái thực hiện được, có cái không. Rút ra những kinh nghiệm thực tế để rồi người ta sống thực tế hơn, không còn mơ mộng như xưa. Đời có nhiều cay đắng, lọc lừa, gian dối, tham lam... Cố tranh giành để làm khổ, giết hại lẫn nhau mà người ta vẫn cảm thấy sung sướng, thỏa mãn mặc dù đôi lúc cảm thấy ê chề, chán chường giống như những cầu thủ đá banh trên sân cỏ. Trong cuộc chơi người ta cố sức tranh giành quả bóng, đôi khi chơi xấu với nhau để nhằm đạt được thắng lợi. Họ không cảm thấy mệt mỏi, không cảm thấy tội lỗi, không biết mình đã bỉ ổi như thế nào. Nhưng đến khi tàn cuộc mới suy nghĩ lại có những điều mình không phải, không đúng; hoặc còn ấm ức hay tiếc nuối những gì mình đã chưa làm được. Có khi mơ mộng những thời oanh liệt đã qua. Thế là người ta về già! Với tuổi già để ôn lại những kỷ niệm trong thời quá khứ.

Sự ôn lại quá khứ, mỗi người cũng chẳng giống nhau tùy theo tâm tính, tùy theo cơ thể, hệ thần kinh mà biến chuyển. Người thì sẽ trầm tính lại, ôn thời quá khứ oai hùng, vang danh để thấy được những điều gọi là "ác nhơn" không thiện để họ tu tâm dưỡng tánh, hoặc vốn trước kia họ đã hiền lành nay lại nhận thức được cuộc đời hơn thêm. Họ lại càng sống thêm đạo hạnh để xứng đáng với một kiếp người. Có người thì chưa thỏa mãn với những gì mình đã gặt hái, họ lại tiếp tục "háo danh", gây những điều để được nổi giữa chốn đông người, nhằm mọi người chú ý đến ta, một mai khi chết "được để tiếng" ở đời. Có người đam mê quá, quên đi mình đã già khiến mấy đứa trẻ bảo rằng: "Già mà không nên nết", hoặc "già mà ham!"... Thật là cuộc đời có nhiều phức tạp! Đồ tôi thì cuộc sống chẳng bằng ai. Cuộc đời cũng không từng trải, chỉ quanh quẩn, lủi thủi với những gì mình có; nhưng nhờ được lắng nghe, học hỏi từ những người khác, hoặc chú ý và thắc mắc nên cũng tìm được một ít nguyên nhân để bây giờ "có duyên" viết.

Đồ tôi được cái may mắn đến xứ người, lúc đầu trong hoàn cảnh cô đơn, nhiều mặc cảm. Nên rồi đôi lúc lại nghĩ đến thân phận của mình. Rồi tưởng tượng đến những thế hệ di dân của người Tàu. Họ rời quê hương của họ qua quá nhiều thế hệ, nên họ có nhiều kinh nghiệm. Bởi thế cho nên bây giờ từ công việc làm ăn, cho đến đoàn kết, thống nhất tổ chức để làm một cộng đồng sắc tộc mạnh trên xứ người cũng không có gì là lạ. Còn với sắc tộc của ta thì quá mới, vả lại tánh khí của dân ta "không ai chịu nhường ai", người nào cũng muốn làm anh hùng, muốn "nổi", đồng thời được chiến tranh "hun đúc" nên tình trạng phân hóa hiện nay là một sự thường tình. Tuy nhiên, điều ấy không phải là không có cơ hội để thay đổi, nhưng quan trọng vẫn là "ở trong ý thức": Vì cộng đồng, vì mọi người, vì danh dự dân tộc và ý "có muốn" làm cho cộng đồng trở nên tốt hay không mà thôi! Một người muốn phá thì ngàn người xây dựng cũng như không! Đó là chưa kể đến những người không ý thức, chỉ biết có tiền, cần tiền để thỏa mãn nhu cầu, thú vui tiêu khiển của mình mà không "nề" (sợ) đến sự phạm pháp, gây tiếng xấu cho cộng đồng. Hoặc vì lợi lộc đã tiếp sức đem "độc dược" hại đến cả thế hệ con em chúng ta. Rồi thế hệ lớn "lôi cuốn, dụ dỗ, rồ quến" thế hệ sau. Cuối cùng, sắc tộc ta bị coi như là "Một thứ rác rưởi" của xã hội, cùng với "tất cả những bậc cha mẹ đau khổ" đang có con lâm vào tình trạng nghiện xì ke, ma túy.

Nhân nhớ lại câu chuyện "Trang Chu" hoá thành "Hồ Điệp", hay "Hồ Điệp" hóa thành "Trang Chu", Đồ tôi cảm hứng viết về một vấn đề: Chỉ mong chúng ta là những người con dân Việt suy nghĩ lại, để rồi gát bỏ mọi tị hiềm vì cá nhân hay vì âm mưu của một số người, tổ chức nào đó, mà đã gây nên rối rắm dù họ không cố ý nhưng đã vô tình, chỉ vì muốn tranh giành ảnh hưởng với nhau, và cùng nhau "nhìn" lại danh dự của một dân tộc. Không lẽ ta đến xứ người để "bêu xấu" dân tộc của mình hay sao?

Đó là một "sự mơ ước" của Đồ tôi, mặc dù Đồ tôi bây giờ cũng đang tiến vào "hàng già". Đáng lẽ ra, Đồ tôi phải sống về quá khứ mới gọi là đúng hơn!


Đồ Ngông,
14-04-03.

Thơ Nguyên Thảo

Những Lời Tặng Cho Con.
(Nhân ngày Thành Hôn)

Từ lúc lọt lòng mẹ
con ra đời
Ba đã đặt: hoài bão,
niềm tin,
ước mơ,
hi vọng,
Khi lớn lên con sẽ được nên người,
thành danh, và "thành nhân chi mỹ".

Rồi từ đó,
Ba vào đời với những bước dấn thân,
không quản ngại,
gian lao hay cản trở
Chỉ mưu cầu đem lại
sung sướng,
ấm no,
hạnh phúc,
tạo đủ điều kiện cho con.
Mẹ, đã biết bao
từng đêm hôm sớm
săn sóc con mà quên cả thân mình
Những âu lo,
vui sướng,
đều vương vấn cùng con.
Mỗi bước con lớn lên,
Từng bước con đi,
Ba với Mẹ
đã bị cuốn hút
theo từng giai đoạn con trưởng thành.
Con cố gắng học hành,
vâng lời, chăm chỉ,
Ấy là con tặng những niềm vui.
Nếu con chơi bời,
lêu lỏng,
bê tha,
ngỗ nghịch,
đó là con đem lại
cho Ba Mẹ hàng bao tóc bạc,
nét nhăn nheo xếp nếp mặt con người,
với bao nỗi buồn thổn thức.

Con trưởng thành,
con sung sướng nên danh,
Ba, Mẹ cũng chúc mừng cho con đó.

Và hôm nay,
Con thật sự vào đời
với bắt đầu "Hạnh phúc lứa đôi"
Một gia đình mới
hiển hiện,
khởi đầu
trong một đại gia đình dòng tộc.

Cũng từ hôm nay
Hạnh phúc ở tay con:
Thương yêu,
nương nhau,
thông hiểu,
thỏa thuận,
hợp tác,
nhường nhịn và cùng nhau,...

Ấy là những từ ngữ
mà con nên hiểu và phải làm
để tìm đến một "Chân Hạnh Phúc".

Trên đường đời
lắm nẻo chông gai,
mưu mô,
lường lọc,
lừa dối,
gian tham,...
với đầy dẫy biết bao là cạm bẫy
cùng tất cả
sanh, bệnh, lão, tử của kiếp người...
Những lúc ấy
chồng đỡ, vợ nâng
cùng nhau tiến tới,
Ngẫng đầu lên,
can đảm,
vững chí,
bền lòng,
Con cứ tới, đừng bao giờ chùn bước
Miễn làm sao
"Sống xứng với con người!".
Sống có ích
cho mình,
gia đình,
xã hội,
Tổ quốc,
nhân quần,
Ấy là cuộc đời "Nên và đáng sống".

Đó là những lời,
Ba, Mẹ tặng cho con
làm hành trang trong cuộc sống
để một mai
về già
đến khi nằm xuống
ta có thể mĩm cười thỏa mãn
vì đã sống,
"Được một kiếp người đáng sống!"

Nguyên Thảo,
30-11-02.


Hãy Nhanh Lên!

Quê hương tôi bé nhỏ
bên bờ biển Đông
thân gầy, hình cong như chữ S.
Viên đá khổng lồ
đội trên đầu
Mẹ oằn lưng, chùn gối
cả ngàn năm chịu đựng với Bắc phương. (1)
Mẹ gắng sức
kêu đàn con chống giặc
đánh bật cả những quân thù hung hãn,
ngẫng đầu lên
ngước mặt với vầng dương...!


Đồng bằng đầy sỏi đá
cũng có bát cơm đầy
Sông nước lủ
có con đê chiều lộng gió
tà áo bay
em cất tiếng hát chiều nay!
Cánh đồng làng
dạt dào xanh sóng lúa
hẹn ngày mai nặng trĩu những cành bông...


Em ơi! Quê hương ta còn đó
Máu ngàn năm
dân tộc thấm thêm vào.
Em làm gì?
Để tiếp nối mai sau
đi những bước
"rung trời chuyển đất"
Đánh bại những loài quân cướp nước,
Đẩy lui đi
Những phường giặc xâm lăng.
Em ơi!
Hãy gắng lên nhanh!
Đem tài trí
đắp bồi dân tộc.
Xóa tan hết
những người cản bước
lủ ù lì, mê muội, quỳ gối, cúi đầu.
Tiến tới trước
với tấm lòng dũng cảm
sự hiên ngang, kiêu hãnh của thuở nào,
Làm sống lại
Bắc Bình Vương - Hưng Đạo
Đưa núi thêm cao, sông nước chập chùng!
Ta phải tiến,
với dòng giống Việt
mấy ngàn năm
đứng vững giữa đất trời.
Ta cùng nhau
Vang hát Việt Nam ơi!

Nguyên-Thảo,
19-03-03.




(1) Trên bản đồ thế giới: Nước việt Nam giống hình dạng của một người già đội nón lá đội trên đầu "tảng đá khổng lồ Trung quốc" đến đổi phải cong người, oằn lưng.




*Như Giọt Nước!

Những dòng nước nhỏ
hợp thành con sông lớn
chảy về biển cả:
Đại dương sóng dậy cả muôn trùng.
Em ơi!
Đứng trên bờ, em đã thấy hay không?
Bài ca ấy
là bài ca vô tận...
Nước trong ta,
nước trên trời,
nước đại dương,
nước trong lòng đất.
Nước kết đoàn và ở khắp mọi nơi,
Nước thùy mị
nhưng cũng muôn vàn khủng khiếp!
Em hãy làm
như giọt nước mưa qua.
Vừa tươi mát,
êm đềm,
đoàn kết,
cuốn tung đi được cả núi đồi...
Để mai về
Em dựng lại quê hương
Trên đỉnh núi,
nhìn mặt trời rựng sáng...!

Nguyên-Thảo,
19-03-03.




*Tôi Nguyện!

Tôi nguyện làm hải đăng
Đứng trên bờ biển cả,
Dẫn đường con tàu nhỏ
Vượt bóng tối muôn trùng.


Tôi nguyện làm sao mai,
Cho người đời định hướng
Lướt trùng dương dậy sóng
Đi về tới bến bờ.


Tôi nguyện làm mặt trăng
Sáng soi người cầm đuốc
Trên đường xa rộn bước,
Mau tới đích sau cùng.

Nguyên-Thảo,
03-08-01.

Thơ Đó, Thơ Đây!

*Sông Côn Mùa Cạn. (Quy Nhơn)

Sông Côn những bãi cát bồi
Đem từ trên núi về tô nơi nầy
Mùa khô ít nước hiền thay
Những ngày mưa bão lại hay dập dồn
Từng cơn nỗi loạn như tuôn
Nước dâng dâng tới, người luôn phập phồng!

*Đền Vua Quang Trung. (Quy Nhơn)

Đã đến nơi rồi xã Phú Phong
Đền vua lừng lẫy nhất: Quang Trung
Anh em khởi nghĩa từ dân giả
Chiến tích oai hùng dậy núi sông!

Một Tết vùng lên tiêu thế giặc
Giành về độc lập, giữ non sông
Giặc Xiêm, giặc Bắc điều tan tác
Thống nhất giang sơn thỏa ước mong.


*Tượng Vua Quang Trung. (Quy Nhơn)

Khen ai khéo tạc dáng nhà vua
Lẫm lẫm oai phong, uy có thừa
Khiển tướng ba quân đang sẵn thế
Điều binh phá giặc... thoáng đong đưa!


*Nhạc Võ Tây Sơn. (Quy Nhơn)

Tiếng trống “tung tùng” điều ra trận
Kiếm, đao vun vút thử tung hoành
Sân khấu nữ nam đang biểu diễn
Người xem tán thưởng vẻ hùng anh!

*Gành Ráng. (Quy Nhơn)

Qua “Gành” cố “Ráng” tới nơi
Ngồi ngắm mây trôi với khoảng trời
Bán đảo Phương Mai lồng lộng gió
Vào Đầm Thị Nại nhởn nhơ chơi!

*Sân Bay Phù Cát. (Quy Nhơn)

Bước xuống sân bay Phù Cát ư?
Chẳng nghe nói phải hoặc hay ừ!
Năm xưa “Bạch Mã” (sư đoàn BM của Đại Hàn) xem ghê tợn
Cũng phải bỏ về, thế đã hư!

Đồ Ngông.

Thơ Đồ Ngông (tt)

*Đợi!

Đợi mãi, đợi hoài chẳng thấy đâu
Mắt trông xa tít dạ u sầu
Nhóng lên, ngồi xuống lòng như đốt
Ngoáy thấp, nhìn cao dạ ước cầu
Từng phút từng giờ mà chẳng thấy
Mỗi giây mỗi khắc cứ mong sao
Đợi chờ hun hút, chờ chờ mãi
Cứ thế mà chờ, đợi gặp nhau!

Đồ Ngông,
21/01/10.




*Lênh Đênh!

Chòng chành như chiếc lá
Lướt thướt mặt biển khơi
Xa xăm khung trời lạ
Chỉ thấy nước với trời!


Vầng dương lên khỏi biển
Lại rớt về biển khơi
Chập chờn nghe sóng vỗ
Lòng nghĩ một phương trời!


Mây vần vũ trên cao
Ta đi về phương nào?
Trăm nỗi buồn lo lắng
Lạc lối, một vì sao?

Đồ Ngông.



*Nóng!

Cái nóng nóng chi nóng lạ lùng
Nóng thì hừng hực giống như nung
Không mây, xanh thẩm trời cao vút
Lại gió gay gay bụi mịt mùng.
Lửa hạ ngập tràn, người khó thở
Gió hè lồng lộng, chó chui.. chun.
Nóng nầy già cả không kham nỗi
Từ giả bạn bè, chắc mệnh chung!

Đồ Ngông,
02/03/10.



*Nắng!

Nắng đã lên rồi, nắng chói chang
Những tia ửng chiếu, rực hanh vàng
Ngàn cây nhuộm sắc chìm trong nắng
Nắng trải khắp cùng, nắng chói chang!

Đồ Ngông,
01/04/10.




*Vào Thu Nghe Ve Kêu!

Lạ quái, mùa thu nghe ve kêu!
Rừng mây khuất lấp khắp muôn chiều
Tiếng ve lại đến nơi miền lạ
Nơi miền nhiệt đới (Tropical fruit- NSW) có ve kêu!

Đồ Ngông,
01/04/10.




*Sóng Biển.

Nằm nghe sóng biển trên cao (tầng 28 khách sạn Beachcomber- Gold Coast QLD)
Gió lồng tiếng biển rào rào biến tan
Thoảng như tiếng rít trên ngàn
Mây chiều vần vũ, ngổn ngang nỗi lòng!

Đồ Ngông,
01/04/10.