Thursday, November 18, 2010

Đạo Phật 3- Đạo Phật là Đạo của Tâm Thức

Chúng ta phải khẳng định rằng: Trong tất cả những tôn giáo hiện có trên thế gian không có một tôn giáo nào lấy con người làm trung tâm như Đạo Phật. Từ con người, con người (Đức Phật) đã suy tư, đi tìm chân lý giải thoát cho chính mình và để phục vụ cho nhân loại, chúng sinh với một giáo lý “toàn thiện”, không hề có một ác ý hay một hành động lừa đảo, kích động, hoặc khiến người khác phải giết hại lẫn nhau, mặc dù những hành động ấy đem lại sự phát triển tôn giáo của mình. Đạo Phật không hề chủ trương như thế!
Ngoài ra, Đạo Phật còn hướng đến một “Chủ Nghĩa đại đồng” trong muôn loài và cả trong vũ trụ, tất cả đều đồng qui về một cõi Phật: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh an vui.
Nhiều người đã xem đạo Phật như là một Triết lý: Nghiên cứu và phục vụ cho đời sống con người; nhưng họ đã sai lầm, không những đạo Phật giống như là một Triết thuyết nhưng đồng thời đạo Phật “cũng là” một “giáo lý Tôn giáo” không khác. Vì Đạo Phật có đầy đủ tính chất giải thích “sáng thế” và “chết sẽ đi về đâu?”. Không những vậy, Đạo Phật còn hướng dẫn con người “Làm thế nào để tự mình giải thoát được cho chính mình một cách thông minh và trí tuệ”: Điều này, không một tôn giáo nào khác có thể chủ trương hay làm được. Đó là những ưu điểm mà tự thân Đạo Phật nó đã có.
Đạo Phật vốn khởi sinh từ nhận thức của con người (Đức Phật) đối với đời sống tràn đầy những đau khổ mà con người phải nhận chịu từ lúc sinh ra đời. Và chính những đau khổ đó đã khiến con người “mơ ước” đến một tương lai, hay một đời sống nào đó được sung sướng hơn, hạnh phúc hơn. Rồi thêm những hiện tượng về Siêu hình hay những tưởng tượng trong đời sống, người ta đã thêu dệt thành những câu chuyện Thần thoại, thi vị hóa cuộc đời để thỏa mãn những mơ ước của mình. Có những con người lợi dụng Đức Tin ấy và biến các câu chuyện Thần thoại đó trở thành những tôn giáo với đầy đủ hận thù để thực hiện tham vọng khống chế thế gian bằng những quyền lực của giáo hội hay những giáo điều mà giáo hội đã đặt ra.
Còn Đức Phật (một con người) khởi đầu với những suy tư về một cuộc đời, một cuộc sống đầy đau khổ: Tại sao có sinh ra? Tại sao có lớn lên? Tại sao có cuộc đời bệnh hoạn? Tại sao già rồi lại chết? Và tại sao người ta tranh giành, giết hại lẫn nhau? Những vấn đề ấy khiến cho Thái Tử Siddhattha rời bỏ hoàng cung, từ giã vợ đẹp con thơ, cuộc sống giàu sang sung sướng để đi tìm đạo. Siddattha đã không thỏa mãn với những điều học được với những vị thầy, Ngài lại phải thay đổi cách tu tập và hành trì nhiều lần. Cuối cùng sau sáu năm, Ngài tìm được đạo. Ngài tìm được đạo là nhờ vào Tâm thức của Ngài. Đó là sự giác ngộ của Tâm thức. Giác ngộ ấy là Phật; Tâm thức ấy là Phật tánh. Sau khi thành đạo Ngài đã hướng dẫn con người, chúng sinh thoát khổ bằng con đường đạo mà Ngài đã nhận thức được trong hành trình đi tìm: Đó là Đạo Phật!
Đức Phật kể lại những cảnh giới trong các Kinh điển là qua cái nhìn thấy của mắt Phật (Phật nhãn), chứ không là những tưởng tượng cho nên những chi tiết không có những mâu thuẫn, hay những điều không hợp lý như ở những câu chuyện thần thoại hay bịa đặt khác; những câu chuyện, cảnh giới mà Ngài đã kể, chúng đều có tính “nhất quán” và tính giải thích, minh chứng một cách hùng hồn. Ngài cũng khẳng định nếu ai tu tập được như Ngài thì cũng sẽ nhận thức và thấy được như Ngài. Ngài đã giác ngộ thì người khác cũng giác ngộ. Ngài có Phật tánh thì người khác cũng có Phật tánh, cho nên: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”.
Nhờ sự “dấn thân” và “hi sinh” của Đức Phật mà chúng ta có được “giáo lý và con đường giải thoát khỏi đau khổ” cho đến ngày hôm nay. Trong đó chân lý “Tứ Diệu Đế” là bất di bất dịch.
Chỉ trong Khổ đế không thôi, Đức Phật đã phân tích, chỉ rõ những gì là nguyên nhân sự khổ của con người trong cuộc đời này. Là con người, dù có là Thánh nhân hay đại diện cho một Đấng Tối Cao nào chăng nữa, con người đó vẫn không thể thoát khỏi sanh, lão, bệnh, tử. Đôi khi họ phải “chứng tỏ” cái bệnh của họ trước hàng tỉ cặp mắt con người trên thế giới về cái bệnh đó để chứng minh cho chân lý mà Đức Phật đã tìm ra. Những chân lý ấy là sản phẩm, là kết tinh trong muôn đời về đời sống của con người.
Giả sử thời “mạt pháp” có đến, đạo Phật có mất đi, không còn hiện diện trên thế gian này nữa. Nhưng nếu còn có con người, hay bất cứ một chúng sinh thông minh nào đó nắm giữ nền văn minh trên thế gian thì vẫn còn có Đạo Phật, chỉ trừ khi họ không có tâm thức thì Đạo Phật không có hiện diện. Vì, một lúc nào đó chúng sinh ngồi tỉnh lặng suy tư và khám phá ra rằng: Cuộc đời này sao lắm khổ! Rồi họ truy tìm đến nguyên nhân cái khổ; rồi họ tự hỏi tại sao lại khổ? Làm sao cho hết khổ? Và tránh khổ phải làm như thế nào? Thì lúc đó chân lý của “Đạo Phật” cũng lại hiện ra. Người đó cũng lại là một Đức Phật. Với lòng Từ Bi, Đức Phật ấy cũng du hành thuyết pháp để hóa độ chúng sinh. Đạo Phật thêm một lần khởi đầu. Thế cho nên Đức Phật đã tuyên bố rằng: “Hằng hà sa số Phật; Phật trong thời quá khứ, Phật trong thời hiện tại và Phật trong thời tương lai”. Phật đã thành, đang thành và sẽ thành lần lượt “phóng lên” không trung nở rộ như những pháo hoa trong một ngày hội. Điều ấy chỉ có những con người “mê muội” chưa nhận thức được mà thôi! Thành ra, Đạo Phật vốn tiềm ẩn tự trong Tâm thức của con người, chúng sinh.
Có nhiều tôn giáo chủ trương một Đấng Tối Cao “sáng thế” và vận hành mọi việc, mọi cá nhân, mọi loài. Nhưng rồi, những câu chuyện “thần thoại” ấy theo từng thời gian không thể thích ứng với sự tiến triển của nhận thức con người hay khoa học chứng minh là sai lầm, thì những tôn giáo ấy dần dần biến đổi quan niệm: Từ Đấng Sáng Thế ở trên các tầng mây, rồi Đấng Sáng Thế được đưa ra ngoài vũ trụ. Đến khi phi thuyền vũ trụ ra ngoài không gian thì họ lại cho rằng Đấng Sáng Thế ở trong Tâm. Họ chẳng đi vào Chân Lý của Đạo Phật đó chăng?
Đạo Phật phải hãnh diện là Đạo ở vào trung tâm điểm của cái gọi là “Tôn giáo”, vì Chân (chân lý): Những giáo lý của Đạo Phật đúng thật là những chân lý chắc thật như Tứ Diệu Đế; hành trình tu tập giải thoát là do chính mình giải thoát cho mình chứ không một ai giải thoát cho mình được; chỉ trong giáo lý đạo Phật mới giải thích được thỏa đáng tại sao những con người có hình dáng hay tâm tính khác nhau, cùng những hiện tượng bên ngoài cũng như siêu hình liên quan đến đời sống con người; và càng ngày khoa học lại thấy càng gần gũi với những nhận thức của Đạo Phật hơn. Còn Thiện (nhân từ, hiền lành) thì không tôn giáo nào hơn được Đạo Phật: Đạo Phật không hề chủ trương áp bức, bạo động, hà hiếp hoặc giết hại từ đồng loại cho đến muôn loài, không gây đau khổ cho chúng sinh với đầy đủ lòng Đại Từ, Đại Bi, Đại Hỉ, Đại Xả. Đã không những thế mà còn dứt trừ Sát, Đạo, Dâm, Vọng; hòa mình cùng với mọi chúng sinh không phân biệt Ta, Người, Chúng sinh, lại không phải trong một thời gian nhất định nào đó mà phải là mãi mãi (tức là Thọ Mạng Tướng) để luôn luôn hợp nhất với Vạn vật, vũ trụ trong một cõi “Bất Nhị” (không hai). Với chủ trương như thế, hành trình tu tập nhân ái như vậy thì cuộc đời sao lại chẳng được đẹp hơn! Đẹp cho người mà đẹp lẫn cho ta (Mỹ)! Chúng ta hãy nhìn lại các tôn giáo để thấy được ở nơi nào tính Chân, Thiện, Mỹ mà một tôn giáo cần có, để phân biệt được “giả” và “chân”. Và đâu là con đường đúng để mà đi; nếu không, ma quỷ (Thiên Ma Ba Tuần) cứ dẫn ta đi vòng vòng vào những con đường hào nhoáng, đẹp đẽ, dễ dàng nhưng chỉ là hư ảo để lừa con người, chúng sinh không thoát được luân hồi, và chẳng bao giờ thoát được sự kiềm tỏa của chúng. Nhưng “có được thân người rất khó” (nhân thân nan đắc), vì có thân con người mới có thể tu tập, hành trì tiến đến giải thoát được; ngay cả đến chúng sinh ở cõi trời muốn thành Phật cũng phải trở lại làm thân người của cõi Ta Bà mới có thể tu hành giải thoát. Cho nên được thân con người, tức là chúng ta đang đứng tại “cửa ngõ” giải thoát. Còn có muốn thoát ra hay không, tùy thuộc vào nhận định và ước muốn của chính mình. Nếu muốn, ta cứ việc “thấp đuốc lên mà đi”!

Nguyên-Thảo,
09/ 04/ 08.

Thời "Hung Hăng".

Ai cũng trải qua "thời hung hăng". Nói đến thời hung hăng là Đồ tôi nhớ đến cái thời mới lớn và cái thời thanh niên kéo dài cho tới tuổi trung niên. Tính ra "thời hung hăng" trên dướị ba mươi lăm năm. Nói thế, chứ nó còn tùy thuộc vào cá tính cá nhân hay nghề nghiệp sinh hoạt của cá nhân đó. Ôi! Thời hung hăng là thời oanh liệt, thời bốc đồng, nẫy lửa, cái thời không biết ngán ai, hay sợ thằng nào. Thời dễ tức khí, nóng nảy, muốn nhào ra sân để đánh lộn. Nhưng, thời ấy lại là thời có nhiều kỹ niệm, thời để về già ngồi uống nước trà mà nhớ lại.
Nhắc đến thời hung hăng Đồ tôi lại được sống về với những kỹ niệm thời thơ ấu xa xưa, cái thời mà mình được gọi là "thằng lùn" hoặc là "thằng óc tiêu". Chính vì là thằng lùn, thằng óc tiêu mà tánh khí của Đồ tôi không "dám" nôn nóng hay oai hùng cho đến bây giờ. Thân đã lùn mà lại nhỏ con nếu lỡ chọc giận thằng nào nó "nỗi sùng" lên thì mình chạy làm sao khỏi nó. Thế nên Đồ tôi phải biết thủ lấy thân mình. Nhưng cũng do vậy mà người ta "thấy hiền ăn hiếp", Đồ tôi lúc nhỏ phải "khổ sở" vô cùng. Tuy nhiên "lù khù có ông cù độ mạng", người lớn hay những đứa lớn thấy Đồ tôi bị ăn hiếp thì bênh dùm, cho nên Đồ tôi trở thành nhân vật "thấy nó mà tội nghiệp".
Cứ như vậy mà Đồ tôi trải qua thời niên thiếu ở làng quê. Rồi đến khi đi học xa, ở trọ, người ta cũng thương tình vì siêng năng giúp việc, còn bạn học thì "thôi tha cho nó đi làm phước".
Thời gian cứ trôi đi, trôi đi. Đồ tôi lang thang về thành phố đông người để nghe "lòng mình nhỏ lệ", thiếu thốn mọi bề, đành bỏ ngang con đường tiến bước chui vào "trường đồ": Một là đi kiếm cái nghề, hai là có ba-tăng trốn lính. Mà quả thật suốt trong cuộc chiến Đồ tôi đã ở bên ngoài chiến cuộc: "Hay không bằng hên"! Vì nhu cầu "cấp trên" tính chuyện, sắp xếp cho mình tất cả. Thế cho nên Đồ tôi phải đối đầu và cũng có một thời gọi là hung hăng.
Nói là "hung hăng" đối với Đồ tôi quả là một chuyện quá đáng hay "nói cho quá", chứ thật sự Đồ tôi phải đương đầu với con người hống hách, muốn chứng tỏ "Tao là người quan trọng ở chốn khỉ ho cò gáy nầy".
Ôi! Trong thời gian gọi là "chân ướt chân ráo", hoặc là loại "bồ câu mới ra ràng" hãy còn lơ ngơ nơi "chân trời xa lạ" chưa biết làm cái gì cho đúng, cho gọn gàng như "lính mới tò te" thì thường bị người ta ăn hiếp, người ta "dằn mặt" để thị uy, để dễ làm việc sau nầy.
Nhớ đến ngày ấy Đồ tôi vẫn hãy còn tức cười, và vẫn cảm thấy một cái gì "kỳ quái" trong câu chuyện đáng ra "chẳng có gì là đáng ầm ĩ", nhưng chỉ vì chút tự ái hay phách lối mà trở thành một chuyện "chẳng đặng đừng".
Vốn là ngày trình diện nhận "Sự Vụ Lệnh" ở "Ty Thầy Đồ", Đồ Ngông tôi được "Ngài Trưởng Phòng Nhân Viên" cho biết đúng lý ra Đồ tôi là nhân số của Trường cấp Quận, nhưng gì sợ Đồ tôi phải đi lính thì Ty sẽ bị mất người, mà đi lính thì Đồ tôi chắc cũng không muốn mấy; cho nên Ty quyết định để trong Sự Vụ Lệnh là nhân số của trường ấp để hưởng quy chế "Hoãn dịch xã ấp" thay vì ghi là nhân số của trường quận.
Thế là Đồ tôi cầm SVL trong tay đi theo thằng bạn học chung ngày trước về "nơi xứ xa" để trình diện bắt đầu "làm vú em trăm họ".
Sau khi vượt hàng trăm cây số đường vòng để về nơi "ốc đảo" ấy vào ban trưa, Đồ tôi tắm rửa, ăn uống, nghỉ ngơi, rồi chuẩn bị đi trình diện cùng Trưởng giáo. Gọi là "ốc đảo" để cho nó có vẻ là một nơi để sống trong sa mạc hoang vu vậy thôi! Chứ thực ra trên vùng nầy chung quanh là rừng núi và cao su bạt ngàn, nhưng chỉ vì nơi nầy là một vùng được gọi là "an ninh" nằm giữa lòng các chiến khu lớn bao chung quanh. Một con lộ duy nhất để đi về vùng bên ngoài cho người dân thường, còn quân đội thì đã có trực thăng. Nhưng con lộ ấy cũng "thỉnh thoảng bị chặn giữa đường" để "dằn mặt" chứng tỏ "tụi tao vẫn có mặt nơi đây". Ôi! Thời chiến tranh thay đổi mọi lối sống lẫn suy tư ở giữa cuộc đời vốn đầy đau thương và khổ ải!
Đồ tôi xuống trường "đưa mặt" cho ông Trưởng giáo coi mắt. Đang nói chuyện, tâm tình cùng ông trưởng giáo thì có một người cưỡi chiếc Honda 67 đến có vẻ oai vệ. Đồ tôi chào ông nhưng ông không để ý, ông chỉ lo công việc của ông. "Ông Tr., ông tính như thế nào? Ông Th. là người của tôi, tôi bắt ổng về trển". Đồ tôi nghe mặt mình nóng ran, một câu nói đầy oai quyền và trịch thượng thế ư? Ông Trưởng giáo Đồ tôi là một người dù không già lắm nhưng cũng thuộc hàng "cha, chú" của Ngài Trung tâm Văn hóa trưởng; và lúc mới sơ giao Ngài đã dùng đến từ ngữ "bắt" quá nặng nề đối với tư cách của Đồ tôi rồi!
Đồ tôi tươi cười có chút mỉa mai: "Trước khi lên đây, ông Trưởng phòng nhân viên có nói rõ ràng cho tôi rồi, chắc thầy cũng đã được báo rồi đó! Đúng, tôi là nhân số của trường thầy, nhưng vì Ty muốn giữ người và Ty cũng muốn giúp tôi được hoãn dịch vì lý do xã ấp, cho nên trên SVL Ty để tôi là nhân số của Trường thầy Tr., nhưng nếu thầy nói "mượn" thì tôi sẵn sàng đi ngay và nếu thầy nói "bắt" thì kẹt cho tôi và thầy Tr. quá!" Ngài Hiệu trưởng khẳng định: "Không! Nhất định là "bắt". Thầy Tr. lặng thinh, Đồ tôi thấy lòng mình không được vui và thầm nghĩ; "Chỉ một tiếng nói, một danh từ thế mà ông nầy lại muốn tỏ ra oai quyền như vậy, hèn chi những thằng bạn của Đồ tôi đã nói với Đồ tôi trước đó: "Ông Hiệu Trưởng nầy hắc ám lắm! Nếu mầy ở dưới đó được thì ở dưới đó đi. Lên trên nầy mệt với thằng chả lắm! Mà nếu lỡ có chuyện gì đối với mầy ở trường trên thì ai sẽ chịu trách nhiệm?". Mặc dù bạn bè nói thế, nhưng Đồ tôi cũng không muốn rắc rối để làm gì. Nhưng trước tình trạng nầy, Đồ tôi đã có vài tự ái nỗi lên và vì sĩ diện của ông Trưởng giáo, Đồ tôi bắt đầu cứng rắn: "Nếu Ông Hiệu Trưởng nhất định nói "bắt" thì tôi cũng thấy khó lòng cho tôi lẫn ông Trưởng giáo; phải chi ông nói tiếng mượn thì tôi sẵn sàng đi ngay và ông trưởng giáo cũng vui vẻ để tôi đi, vì có lẽ cả ba chúng ta Thầy Tr., thầy và tôi đã được Ty cho biết và sắp xếp cả rồi!". Thế nhưng, ông Hiệu Trưởng nhất định không thay đổi "ngôn từ"! Đồ tôi đành nhờ ông Hiệu trưởng và Trưởng giáo thỉnh ý của Ty. Trong khi đợi chờ, Đồ tôi đến Trường Sơ cấp trình diện với ông Trưởng giáo mỗi ngày.
Mấy ngày sau, Ty quyết định miệng hẳn hoi, Đồ tôi phải lên trường trên. Đồ tôi về trường trên với cái không thiện cảm của ông Hiệu trưởng và nhóm vây cánh của ông.
Đầu tiên, Đồ tôi được bàn giao cho cái lớp mà không mấy ai ham thích, có nhiều tay "cốt đột" mà nhiều cô giáo phải ứa nước mắt với chúng. Thế rồi, Đồ tôi phải từ kinh nghiệm nghề dạy nghề và thủ thuật "đánh phủ đầu" mà kềm chế được chúng vào nề nếp; nhưng sau đó có vài cô giáo bỏ nghề, thế là Đồ tôi phải chuyển sang lớp khác vì nhu cầu lớp đó quan trọng hơn.
Nhưng đó không phải là cái chuyện quan trọng để chuyển biến con người của Đồ Ngông tôi trở thành một gã tương đối cũng gọi là hung hăng; mà chính là cái hậu quả của tiếng "bắt" tự lúc khởi đầu.
Ông Hiệu trưởng bị "mắc me" không tuân hành theo ý muốn của ông ta, do đó ông ta đã có thành kiến với Đồ tôi và những người phe cánh ông coi Đồ tôi như là một tên cứng đầu, khó điều khiển. Thế rồi những lời "mách ngoé, xỏ xiên, châm chích" thường xảy ra khi có mặt Đồ Ngông tôi. Đồ Ngông tôi cứ phớt lờ, thỉnh thoảng cũng đôi lần trả miếng để người ta biết mặt. Nhưng thói đời khuôn mặt "non choẹt" của mình cũng là điểm để người ta "bắt nạt" giống như câu tục ngữ: "Xem mặt mà bắt hình dung". Đồ tôi lại được làm cái điểm "Cho đám Giáo học bỏ túi (Giáo học bổ túc) biết tay!". Nhưng vì chủ trương "cho học trò" mà Đồ tôi và bạn bè không hề chùn bước. Đôi lúc Đồ tôi "chơi đòn liều, tới đâu thì tới; kéo về đến Nha, Bộ cũng tốt thôi!
Và rồi, một niên học trôi qua! Niên học kế tiếp đến, Đồ tôi được trả về trường ấp để phụ ông Trưởng giáo già sắp về hưu. Đồ tôi chán chường cảnh hiếp đáp, quan liêu; thậm chí lắm lúc "xía" vào chuyện của người khác khiến những người liên hệ cũng khá bực mình. Nhưng sao thuở ấy, Đồ tôi không "còn thấy ngán (sợ)" nữa mà tới luôn như một người liều lĩnh. Thế mà, người ta đã phải nhượng bộ. Đồ tôi không hiểu Đồ tôi làm đúng hay là người ta thấy được cái sai để sửa, nhưng có một điều chắc chắn Đồ tôi biết rõ là trong đời người ta sợ "những thằng liều": "Nhứt thân, nhì thế, thứ ba liều". Nhiều lúc người ta cố tình gán ghép vào chuyện nầy chuyện kia để thi hành kỹ luật, Đồ tôi cũng phải mệt mình mà ở vào thế thủ. Vài năm sau, Đồ tôi suy gẫm lại cuộc đời mà "bình tĩnh đắn đo khi tham dự vào bất cứ một sự rắc rối nào". Tất cả qua đi như là một kỷ niệm của một thời hung hăng.
Vì thế mà sau nầy Đồ tôi có làm một bài thơ "Thời Hung Hăng":

Một thuở hung hăng đã quá rồi!
Tớ ngồi uống nước nhớ lại chơi
Hung hăng chẳng được thêm gì nhỉ?
Chỉ khổ người, mình có thế thôi!

Thuở trước bất bình bao ức hiếp
Gian ngoa, lừa đảo, cố chèn người
Tớ quyết xen vào ăn thua đủ,
Chuyện mình cho tới tận nơi đâu!

Cũng có một thời không oanh liệt
Nhưng không hỗ thẹn kiếp con người
Nghĩ lại ê chề thân trí thức,
Không xây mà lại phá cho hôi!

Hung hăng cho lắm chẳng được gì!
Mà thêm cho chúng (1) dễ khinh khi
Đưa mặt "mày mo"(2) thiên hạ ngắm
Hung hăng cho lắm..! Chẳng được gì!


(1) tiếng ám chỉ chung chung về "người ta, thiên hạ"
(2) thành ngữ: "Mặt dày như mo cau" ý chỉ mặt lì lợm, chai mặt, không biết mắc cỡ, xấu hỗ

Nhưng trong cuộc đời, mỗi con người có sự suy tư khác nhau, có nhiều người đến khi lớn tuổi vẫn còn có những sự hơn thua, tức khí lẫn tranh giành. Và họ cũng không hề nao núng, chùn bước trước mọi trở ngại cản bước con đường mình muốn đi. Chính vì vậy mà những bất ổn trong một cộng đồng người xa xứ cũng thường xảy ra. Cho nên người đời thường hay nói: "Yên hay không yên do chính tự trong tâm của con người!". Đồ Ngông tôi biết vậy, nhưng mà "xin" không có ý kiến...!

Đồ Ngông,
26-12-04.

Thơ Nguyên Thảo

* Cõi Hư Vô.

Rong chơi từ thuở kiếp nào
Tìm "Ta" chẳng thấy, ta vào trầm luân
Lang thang không bóng thiên thần
Đưa tay đón bắt, trần gian lạnh lùng
Ngẫng đầu trong cõi mông lung
Có chăng ở chỗ cúi đầu ngồi im
Mai ta tìm được trái tim
Đem dâng muôn loại, đắm chìm hư vô!

Nguyên Thảo,
15-01-05.

*Nhân và Quả.

Có hạt "nhân" ngồi im gõ mõ
Tìm chuỗi nghiệp nào từng bước đi qua
Luân lưu trong cõi Ta bà
Cầm dao cắt đứt dây xưa luân hồi
Phá tan ảo ảnh "Là Tôi"
Đi vào vũ trụ chúng sanh mọi miền
"Quả" là hiện cảnh vô biên
Được thân vô ngại, lớn cùng hư không!

Nguyên Thảo,
15-01-05.

*Người Đi Rong.

Có người mang bị (1) đi rong
Đi trong muôn kiếp vẫn mong đi hoài !
Trên đường nhặt những chông gai
Bỏ vào bị vải, ngày mai ươm mầm
Thân mình đầy cả vết thâm
Bao nhiêu thương tích, hờn căm giữ lòng
Vừa cười, vừa khóc lại rong
"Ta đi đi mãi, bao giờ mới xong?"

Nguyên Thảo,
15-01-05.

(1) Túi A-Lại-Da-Thức (Tàng thức) trong Duy Thức Học.


* Điểm Cuối.

Ra đi từ thuở hồng hoang
Hàng ngày ta nhặt lá vàng thời gian
Đếm đi đếm lại muôn ngàn
Mà sao chẳng xiết, vội vàng ngẩn ngơ
Chẳng gì lại một bài thơ
Điệu ru ân oán, còn thừa kiếp sau
Hay là ta lại quay đầu
Lần về nguồn cội, tìm câu khởi đầu
Trút đi hàng khối nỗi sầu
Vui trong an lạc là nơi cuối cùng.

Nguyên Thảo,
16-01-05.

Thơ Đó, Thơ Đây

*Làng Tượng. (Đà Nẵng)

Dưới chân ngọn núi thật là nhiều
Quán sá, hàng gian tượng dáng yêu
Lớn lớn, nhỏ to đều đủ cả
Tha hồ mua, ngắm ít hay nhiều!

Đồ Ngông,
17/07/10.

*Ngũ Hành Sơn 2. (Đà Nẵng)

Tại sao lại nổi tới năm hòn
Những núi chẳng cao, chỉ cỏn con
Vua tới duyệt xem Non Nước địa
Dân truyền theo gọi Ngũ Hành sơn
Lại hang, lại quán chuyên nghề đẽo
Thêm cán, them công cứ khắc hòn
Tượng lớn, tượng con qua khéo tạc
Hàng ngàn cái tượng, tấm long son!

Đồ Ngông,
18/07/10.

*Chiều trên sông Thu Bồn. (Hội An- Quảng Nam)

Chiều ngồi ngắm nắng trên sông
Nắng sông thoi thóp, trời đi ngủ rồi
Vói tay ráng tỏa nơi nơi
Trời buông tay thả, mái chèo khuấy tan!

Đồ Ngông,
14/07/10.

* Chùa Cầu. (Hội An- Quảng Nam)

Tưởng rằng chùa lớn lắm chi
Té ra là chỉ chiếc cầu bắc ngang,
Lại buồn bắt chó ngồi canh
Bên kia chú khỉ tay ngang mặt mày!

Đồ Ngông,
14/07/10.


* Con Rạch. (Hội An- Quảng Nam)

Con rạch nước chẳng thông
Nước đâu chẳng khơi dòng
Bốc mùi lên ngai ngái
Chứng nhức đầu trở đông!

Đồ Ngông,
14/07/10.

Thơ Đồ Ngông (tt)

*Thánh Gióng.

Môt đứa bé đòi đi đánh giặc
Vươn vai cao với roi bằng sắt
Nhảy lên ngựa, khí thế dâng trào
Xông tới trận, kẻ thù bẻ mặt
Một đứa bé ra tài trổ sức
Ngàn quân gian nát thây tan xác
Vì dân tộc, tự do… vững thành đồng
Về Sóc Sơn bay lên biến mất!

Đồ Ngông,
21/10/10.

* Trời Xanh Gian Ác!

Ông Trời có tốt gì đâu?
Lại thêm biển nước, đem sầu rắc gieo
Miền Trung bão lụt eo sèo
Nước dâng: Nhà cửa, con người lầm than!
Cướp đi sinh mạng, mùa màng
Tốt đâu chẳng thấy, ác nhân có thừa
Thế mà lại có người ưa
Trời xanh gian ác, bạc lòng thế nhân!

Đồ Ngông,
21/10/10.

*Hãy Chỉ Cho Tôi!

Anh hãy chỉ cho tôi
Lòng nhân của ông Trời
Đem về cho nhân thế
Hay chỉ là gian ác thôi!

Biển nước đầy mênh mông
Đâu mất… những cánh đồng
Con người và của cải
Tất cả là số không!

Nhân đức và công bình
Tôn vinh cùng sáng danh
Toàn là lừa với đảo
Có xứng gì với danh!

Đồ Ngông,
22/10/10.

*Vào Biển Khổ!

Con người vào biển khổ
Lặn hụp giữa trần gian
Lòng tham và ham muốn
Khổ lại nối ngập tràn!

Trời đày bao nhân thế
Bão lụt và thiên tai
Tâm địa Trời không xiết
Khó kể hết tội này!

Đồ Ngông,
22/10/10.