Friday, March 18, 2011

Tổng Quan Về Giáo Lý Đạo Phật.

Phần I: Nhập Thế Gian.
(Hay: Vũ Trụ Quan Trong Đạo Phật)

Trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật có thuyết:
"Chơn tâm này, cũng tức tất cả pháp; tức là tâm; tức là đất, nước, gió, lửa và hư không; tức là nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân, ý; tức là sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; tức là nhãn thức giới cho đến ý thức giới; tức Tứ đế; tức Thập nhị nhân duyên; tức là Lục độ; tức là Phật và bốn đức Niết bàn. Nói tóm lại, Chơn tâm tức là tất cả Pháp thế gian và Xuất thế gian". (Phật Học Phổ Thông VI-VII, Thích Thiện Hoa, trang 138-139).
Như vậy "Chơn tâm" là đầu nguồn của mọi vấn đề, cũng là cái cuối cùng của vòng đi và đến trong toàn bộ triết thuyết Đạo Phật gồm cả Nhân sinh quan và Vũ trụ quan.
"Chơn Tâm tức là tất cả Pháp Thế gian và Xuất Thế gian".
Trước khi bàn đến Xuất Thế gian: Tức là bàn đến các vấn đề gút mắt giải thoát hay các cách, các pháp hướng về Niết bàn, thiết tưởng chúng ta cũng cần tìm hiểu về cách nào mà chúng sinh đã "Nhập" vào thế gian để phải chịu nhiều khổ đau hệ lụy, chìm đắm trong "bể khổ mênh mông".
Nhưng, đầu tiên chúng ta cũng cần nên có "Một cái nhìn" mới về Đạo Phật trong thời đại hiện tại, khi khoa học đã có nhiều tiến bộ với những bước dài về không gian, điện tử, vi tính, tin học, y khoa, vật lý, hóa học, vũ trụ... Để từ đó chúng ta có thể thấy "Đạo Giác Ngộ" (Đạo Phật) là thành tựu do phát triển tột cùng của Tâm thức con người, chúng sanh; Tâm thức ấy đã đạt được đến Chân lý, và từ Chân lý đó người ta có thể giải thích về vũ trụ, con người, chúng sanh và những hiện tượng huyền bí, kỳ diệu của cuộc sống trong thế gian nầy; chứ không như người ta đã có những khái niệm một cách bi quan về Đạo Phật như trước kia.
Chúng tôi sẽ cố gắng trình bày một số điểm sau đây để chúng ta cùng lược qua:

I- Thay đổi "một cái nhìn" về Phật giáo:
- Từ xưa, người ta thường hay nhìn vào Phật giáo như là một Tôn giáo bi quan, đó là đứng trên một quan điểm thiển cận và khiếm khuyết, tự tạo cho mình cái khuyết tật về một cái nhìn, vì Đức Phật không phải nêu lên những cái khổ để rồi chúng sinh phải biết hoặc cảm nhận là mình khổ. Đức Phật nói đến các sự khổ mà chúng sinh loài người đã nhận lãnh, rồi sau đó Ngài cũng phân tích đến "nguyên nhân" của sự khổ cùng đưa ra cách "diệt khổ" và phương thức để thoát khỏi vòng khổ bằng con đường đạo: "Đạo đế". Thì như vậy, Đạo Phật không phải là "một Đạo bi quan" mà là "rất tích cực" đưa con người, chúng sinh đến "con đường vui, thoát khổ".
- Quan niệm sai lầm thứ hai: Đạo Phật không phải là Đạo riêng của những người Phật tử, mà Đạo Phật phải nói là Đạo của loài người, của mọi loài chúng sinh; là một "Đạo Giác Ngộ" của tất cả các loài có sự sống trong ba cõi (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới), sáu nẻo Luân hồi (Thiên, A-Tu-La, Nhân, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh), nhằm đưa Tâm thức của các loài rời cơn "mê muội" mà trở về "Cội nguồn" bằng sự giác ngộ hầu thoát khỏi "bể khổ mênh mông".
- Đạo Phật không phải là Đạo do lòng tham ái, vinh danh của Giáo chủ sáng lập, nhằm tập hợp những con người theo đạo phải sùng bái Giáo chủ như là Thần, Thánh thay thế cho Đấng Tối Cao thần thoại nào đó; Hoặc được sản sinh do lòng tự ái của dân tộc; hay "rắp tâm" đưa dân tộc mình thực hiện mộng bá quyền bằng quyền lực Tôn giáo. Mà Đạo Phật phát sinh từ một sự từ tâm, thương yêu tất cả mọi chúng sinh và hướng dẫn đưa chúng sinh thoát khỏi các sự khổ, tìm đến được bến bờ yên vui.
Không có một chủ thuyết "Đại Đồng" nào bằng sự "đại đồng" trong Phật giáo.
- Đạo Phật sản sinh từ sự thực nghiệm, chứng thực của một con người; Con người siêu nhân đó đã dám từ bỏ sự giàu sang, phú quý để sống đời đạo hạnh, gian khổ, tìm con đường giải thoát nhằm hướng dẫn mọi loài đến con đường giác ngộ và giải thoát mà chỉ tự xưng là Đạo sư.
- Đạo Phật phát triển bằng con đường hòa bình, nhân ái, không hề dọa dẫm, dụ dổ, mua chuộc hay dùng quyền lực hoặc theo một chủ nghĩa thực dân, đế quốc nào để bành trướng trên 2,500 năm: Nhân từ để giác ngộ muôn loài.
- Đạo Phật không đưa tín đồ vào sự mê muội, tin theo. Tín đồ không phải "nhắm mắt, đờ đẩn" làm theo điều chỉ dạy và chịu những trói buộc do Giáo hội đặt ra. Đạo Phật cũng không đào tạo những con người học thức, khoa bảng mà đầu óc lại u mê, thao túng giáo hội và đầy quyền lực với tín đồ; mà những người tu hành trong đạo Phật tự mình tinh tấn trên đường tu, vừa giác ngộ cho mình (tự giác), đồng thời giúp người khác giác ngộ (giác tha).
- Giáo lý Đức Phật nói ra là những điều chứng thực trong thiền định, tĩnh tâm của Ngài, là một con đường đã được kiểm chứng. Nếu ai cũng làm như Ngài thì sẽ đạt đến mức độ như vậy, thế cho nên Ngài mới nói: "Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành". Đó là một sự bình đẳng "tuyệt đối" giữa Ngài và chúng sinh!
- Đức Phật thể hiện cho "một con người Thánh thiện hoàn toàn", không phải là con người có những điểm ác độc đại diện cho một "Đấng" độc ác nào đó từ thần thoại sinh ra.
- Giáo lý Đức Phật mang đầy đủ tính Triết lý nhân sinh với tính nhân bản, khai phóng; đầy đủ tính cách Tôn giáo bằng sự cứu rỗi cho mình, cho người; giải thoát khỏi sự khổ đau, tìm về cõi thanh tịnh an vui; đầy Thiện tâm với Tứ vô lượng tâm; và mang tính luận lý, khoa học, biện chứng qua các dẫn chứng, ví dụ trong kinh điển, những điều khoa học đó mà đến ngày nay khoa học tiến bộ phải công nhận là đúng.
- Các kinh điển của Phật giáo có hai công dụng: Một là tìm trong đó để hiểu, tìm thấy phương cách thực hành vì đạo Phật là đạo thực hiện con đường giải thoát chứ không phải để tin theo. Hai là lấy những điều trong kinh điển để kiểm nghiệm lại điều mình đã chứng được trong khi thực hiện để "đi đúng con đường".
- Kinh điển của Đạo Phật do Đức Phật thuyết về những cảnh giới, những hiểu biết và những đạt được để thực hành chứ không phải là những câu chuyện suông đầy tính chất hoang đường, thần thoại như "các chuyện mơ mộng, thần tiên, huyễn ảo, thiếu thực tế để mê hoặc những "đầu óc trẻ con" như một vài tôn giáo khác đã làm.
- Qua đó, Đức Phật cũng trình bày lại những chứng nghiệm, nhận thức chính mình đã đạt được, giải thích và chỉ cho chúng sinh bằng cách nào để đạt được đến mục tiêu ấy. Bởi thế, Ngài chỉ là một Đạo sư, chứ không nhân danh cho "Một Đấng Tối Cao" nào cả để vinh danh cho chính mình như người thế gian thường hay làm. Nhân cách khiêm tốn ấy khó tìm được ở bất cứ một giáo chủ hay ở một tôn giáo nào khác. Tính cách "độc tôn thần quyền" là một sự độc tài trong tâm thức, bắt buộc các tín đồ chìm đắm vào u mê, mê muội phải cúi đầu vâng theo, dù giáo chủ đang đưa đám tín đồ ấy đi vào địa ngục. Và những "thừa hành trí thức" như những tay sai mang đầy tội lỗi và ác tính, nhưng cũng không kém "bản chất mê muội" của thế gian nầy.
Đạo Phật có nhiều đặc điểm khác với các Tôn giáo khác. Vì thế, ta không thể lấy mô hình chung của các tôn giáo ấy mà nhìn, hay nhận xét về Đạo Phật. Nếu vậy, ta sẽ sa vào sự "mê lầm", điều mà Đức Phật không muốn người nào, hay chúng sinh nào phải bị như thế cả. Vì Phật là giác ngộ, "Đạo Phật" là "Đạo Giác Ngộ", đạo giúp chúng sinh xa lìa u mê để tìm về con đường giải thoát thoát khỏi sự khổ và đến cõi "an vui thường hằng".

II- Chơn Tâm và Vũ Trụ:
Trên tinh thần tìm hiểu và trao đổi, trong bài nầy chúng tôi sẽ đóng góp những điều hiểu được qua các lời giảng của Đức Phật nói về Vũ trụ và Chơn tâm.
Thành thật mà nói, chúng tôi rất thích thú về chữ Phật với cái nghĩa là "Giác Ngộ" của nó; cho nên đôi khi chúng tôi hay dùng Đạo "Giác Ngộ" thay thế cho tiếng Đạo "Phật". Vì "giác ngộ" mới nhắc nhỡ cho mình nhớ đến con đường thoát khỏi u mê, trở về với bản giác để tìm được Chơn tâm. Ai cũng có tâm thức, ai cũng có linh hồn thì tìm lại được linh hồn, tâm thức chơn thực, sáng suốt của chính mình lại chẳng là nhờ vào sự tĩnh thức, giác ngộ ấy ư?
Rồi chúng tôi nhớ lại Đức Phật Thích Ca cũng là một con người bằng da bằng thịt như thân thể của chúng tôi, của tất cả mọi người, Ngài không khác với ai cả. Ngài cao thượng hơn vì dám bỏ cung vàng điện ngọc, giàu sang phú quí, vợ đẹp con ngoan để sống đời đạo hạnh; tìm đường giải thoát mà người khác không dám làm. Ngài cũng phải vất vả tìm thầy học đạo trong thời gian sáu năm dài. Cuối cùng, Ngài tuyệt vọng trở về núi Koda "ngồi dưới gốc cây Bồ Đề mà thề rằng: "Nếu ta không thành đạo, thì dù thịt nát xương tan, ta cũng quyết không đứng dậy khỏi chỗ này". Với chí hùng dũng cương quyết ấy, sau 49 ngày tư duy, Ngài thấu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh và chứng đạo Bồ Đề" (Phật học Phổ thông khóa I, Thích Thiện Hoa, trang 19).
Đức Phật từ con người đơn thuần như chúng ta đã chứng ngộ được phần sáng suốt của tâm linh, thấu đáo toàn vũ trụ thì chúng ta chắc chắn "phải" không khác, nếu chúng ta cũng thực hành và quyết tâm như vậy. Đó là điều mà chỉ trong đạo Phật mới có mà thôi! Qua biết bao nhiêu kinh điển, phương pháp; Đức Phật cũng chỉ nhằm hướng dẫn chúng sanh, con người thấy được con đường giải thoát cho chính mình. Ngài đã chịu khó đi nhiều nơi giảng giải cái phương pháp giải thoát, rời khỏi khổ đau ấy. Ngài khẳng định mọi người đều có khả năng "thành Phật", chỉ là trước sau do nơi ngộ trước hoặc sau mà thôi!
Thế qua sự thành đạo, Đức Phật đã nói thế nào về chơn tâm, vũ trụ và thế giới? Mời quý vị lược qua những đoạn kinh mà chúng tôi trích dẫn từ bộ Phật Học Phổ Thông (PHPT) của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa.
Để dễ hiểu, trước hết chúng tôi xin tóm lược một cách khái quát những điều mà Đức Phật đã thuyết về giai đoạn "tâm thức" của chúng sanh trước khi bước vào giai đoạn luân hồi:

Không biết tự thuở nào (vô thỉ) trong vũ trụ bao la, mênh mông, không có biên giới, ngằn mé (vô biên), có 7 yếu tố lớn (7 Đại) hòa lẫn với nhau, cùng khắp (viên dung là Hư không, Đất, Lửa, Gió, Nước, Kiến đại (kiến đại bao gồm cái thấy, nghe, hay, biết và các giác quan: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) cùng Thức tâm (tâm của các chúng sinh).
Trong thuở đó, Tâm của mỗi chúng sinh đều có tính chất tự chiếu sáng, yên lặng (tịch tịnh), không bị cản trở ngăn ngại (vô ngại), do đó muốn thân mình lớn tràn khắp vũ trụ (đồng nghĩa với hư không) cũng được, mà nhỏ như hạt bụi thật nhỏ (vi trần: Hạt bụi không thể chẻ nhỏ nữa được) cũng được; tức là muốn lớn được lớn, muốn nhỏ được nhỏ nhưng tính chất vẫn không thay đổi và không tâm thức nào cản sự trương lớn của tâm thức nào cả, và cũng không hề lẫn lộn với nhau giống như ánh sáng của những ngọn đèn đặt kế bên nhau ở trong phòng: Cùng chiếu sáng khắp phòng nhưng không lộn lạo với nhau. Chúng cũng không phân biệt, đối xử (đối đãi) với nhau, đó là điều mà Đức Phật gọi là "Bất nhị" (không hai), tức là không phân biệt ta, người, chúng sanh; không hề phân biệt tốt xấu, thiện ác, lớn nhỏ, cao thấp... mà trong triết học gọi là triết lý nhị nguyên.
Thế rồi, vì do sự không biết (vô minh) của các tâm thức về điều kiện ấy là điều tốt nhất, để rồi các tâm thức đã nảy ra sự phân biệt, đối xử khác nhau, vọng thấy (vọng tâm) thấy có ta, có người, có cái khác; và thấy có thân xác là cần thiết cho nên trong vũ trụ đã biến động lớn lao: Các thức tâm mượn các đại "đất, lửa, gió, nước" kết hợp lại tạo thành thân xác riêng tư (cho nên thân xác được Đức Phật coi là giả tạm, không phải là chính của mình, là vô thường; mà thức tâm mới là thân thật (chân thân, chân tâm), và mượn kiến đại (thấy, nghe, hay, biết, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) để làm các giác quan, các thức.
Từ đó, sự viên dung các đại không còn nữa: Cái kết hợp có hình tướng, hình thể gọi là thế giới, còn khoảng trống giữa các thế giới gọi là hư không. Cái không thuộc về thế giới, hư không thì gọi là chúng sinh. "Khi đã có sanh thì tất có diệt", do đó con người, chúng sinh có sanh ra thì sẽ lớn lên và có chết; có thân xác thì có bệnh vì vậy mà có "sanh, lão, bệnh, tử"; về vật chất thì có "sanh, trụ, dị, diệt" (sanh ra, lớn và đứng lại, biến đổi rồi mất đi); về hiện tượng thì có "thành, trụ, hoại, không" (được thành lập, tăng trưởng đến mức nào đó rồi đứng lại, và sau cùng bị tan vỡ mất đi trở về với hư không); để rồi lại biến thành một cái khác. Đó là "cái kiếp" và chuẩn bị cho một kiếp khác, khởi đầu cho "sự luân hồi".
Riêng về chúng sanh Đức Phật đã nhận thấy (qua Phật nhãn) hay nhận thức được (qua Trí huệ sau khi đắc đạo) có sáu đường (lục đạo) luân hồi, tức là có 6 loại chúng sanh: Chúng sanh ở cõi trời (Thiên), chúng sanh ở cõi của các vị Thần (A-tu-la), chúng sanh cõi làm người (Nhân), chúng sanh trong cõi loài vật (súc sanh), chúng sanh trong cõi quỷ đói (ngạ quỷ), và chúng sanh trong cõi địa ngục.
Các chúng sanh biến đổi trong vòng sáu loại đó (vòng lục đạo luân hồi) do nơi trong lúc sống đã tạo nên nghiệp từ nơi hành động của thân xác, của lời nói, của ý tưởng (thân, khẩu, ý); để rồi nghiệp nầy sẽ là "nhân" mà những kiếp về sau ta sẽ nhận "quả", tức là "nhân" đó sẽ hướng dẫn ta đến cõi chúng sanh nào thích hợp để "đầu thai" cho kiếp sau (Tốt thì đi về "cõi trời"; xấu về "địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh"; hoặc cõi "người" hay "A-tu-la").

Đại khái là như vậy, và sau đây kính mời Quý vị đi vào các đoạn kinh mà chúng tôi trích dẫn để chứng minh cho những điều ấy.
Trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật đã nói: "Ai tu nấy chứng, không thể thay thế cho nhau được" (Trang 36, PHPT khóa VI, VII). Vì sao? Vì mỗi chúng sanh, mỗi con người có nghiệp quả riêng; chỉ có chúng sanh, người đó mới trả được cái nghiệp của mình đã tạo ra mà thôi! Người khác không thể thay thế được! Còn sự chứng quả được thực hành qua những đường tu. Tuy nhiên, đường tu ấy được đặt trên căn bản nào? "Căn bản của sanh tử, luân hồi là vọng tâm và căn bản của Bồ Đề, Niết Bàn là Chơn Tâm" (Trang 32, PHPT khóa VI, VII). Như vậy có hai cái Tâm: Chơn Tâm và Vọng Tâm; Nếu về với chơn tâm sẽ đạt được Đạo quả, thành bậc giác ngộ; còn đi vào con đường vọng tâm thì không thể thoát khỏi luân hồi, sanh tử; tức là không thể thành đạt được đạo Bồ Đề Vô Thượng; không thể thành Phật. Từ trong Chơn tâm, chúng sanh đã "vọng tưởng" để rồi có tâm phân biệt, vọng thấy (vọng tâm): Đó là sự vô minh đã khiến chúng sanh bước vào đường sanh tử, luân hồi. Rồi từ kiếp nầy tạo nghiệp; để kiếp kế vừa trả nghiệp, lại vừa tạo nghiệp mới; và rồi cứ tạo nghiệp, trả nghiệp liên tục tiếp nối nhau không biết bao giờ chấm dứt... Chơn tâm là bản tâm của mọi vật, mọi chúng sanh, trong đó tâm thức của mỗi chúng sanh giống như những ngọn đèn:

"Thí như trăm ngàn ngọn đèn, đồng đốt trong một căn nhà, ánh sáng của mỗi ngọn đèn tuy đều chiếu khắp cả nhà, nhưng không có lộn lạo hay lấn diệt lẫn nhau" (Kinh Viên Giác, PHPT khóa VIII, trang 51-52); và tâm thức đều có những đặc điểm của Chơn tâm là thường hằng, "vừa tịch tịnh lại vừa chiếu soi, bao trùm khắp cả mười phương hư không thế giới" (Lăng Nghiêm, PHPT khóa VI, VII trang 235).

Thế cho nên, khi Đức Phật thành đạo đã nói:

"Còn ta (Phật) thì trái với vọng trần, hiệp với Chơn tâm thường trụ bất sanh bất diệt, biến khắp cả pháp giới. cho nên ta mới được tự tại vô ngại: Ở trong một hiện ra vô lượng, vô lượng hiệp làm một, trong nhỏ hiện lớn, trong lớn hiện nhỏ; không rời nơi đạo tràng mà hiện khắp cả mười phương thế giới. thân ta bao trùm mười phương hư không vô tận. Trên đầu một mảy lông hiện ra các cõi nước, ngồi trong hạt bụi, mà chuyển đại pháp luân. Vì ta diệt hết vọng trần nên mới được như vậy". (Lăng Nghiêm, PHPT khóa VI, VII trang 132-133).

Trong đoạn nầy Đức Phật khiến cho ta khó hiểu và đưa ta đến những "phép mầu" mà ta cũng khó có thể tưởng tượng được. Nhưng nếu chúng ta để ý một chút thì chúng ta cũng có thể hiểu được một phần nào, vì Đức Phật muốn nói về cái Chơn tâm, và cái bản thể của Chơn tâm có những đặc điểm mầu nhiệm như thế đó; còn con người, chúng sanh do vì "Vô Minh" mà đã từ bỏ bản thể mầu nhiệm ấy, để đi vào vòng luân hồi, sanh tử khổ đau. Con người tu hành đạt được đạo quả thì sẽ trở về với Chơn tâm thường trụ, bất sanh bất diệt, biến khắp cả pháp giới vì có thân "tự tại, vô ngại" không có gì ngăn cản, vướng mắc; tâm thức hòa vào (viên dung) với hư không. Vì không có thân xác nên không bị kiềm hãm gò bó trong thân xác; hay nói theo Duy Thức là "cái túi- A Lại Da Thức" đã bị phá vỡ và tâm thức rộng khắp theo cùng hư không trong cảnh Đại Viên Cảnh Trí. Tâm thức lúc ấy giống như là ánh sáng của ngọn đèn cùng đốt trong một căn phòng với biết bao nhiêu ngọn đèn khác, có ta có người, cùng như nhau không khác. Thế cho nên, trong ta có người và trong người cũng có ta tức là "ở trong một hiện ra vô lượng, vô lượng hiệp làm một". Và tại sao lại là: "trong nhỏ hiện lớn, trong lớn hiện nhỏ", hay "trên đầu một mảy lông hiện ra các cõi nước, ngồi trong hạt bụi mà chuyển đại pháp luân"? Điều nầy nếu vào những thời gian xa xưa rất khó giải thích cho người khác hiểu được (có lẽ vì vậy mà trong kinh điển thường có câu "bất khả tư nghì" hay "không thể nghĩ bàn"). Nhưng ở vào thời đại hiện nay với những kỹ thuật làm phim hay vi tính ta có thể dễ hiểu một phần nào: Quý vị thử tưởng tượng chúng ta đang ngồi xem phim hay trước màn ảnh vi tính, trên màn ảnh chúng ta đang xem cảnh sinh hoạt của một người, rồi ống kính thu hình cho hình xa dần lấy toàn cảnh từ con người đến nhà cửa, đồng quê, núi non rồi xa hơn nữa là xứ sở của họ; rồi tới trái đất, trong thái dương hệ, giải Ngân Hà; rồi cảnh vũ trụ với nhiều hình dáng các Thiên Hà khác, nhiều và nhiều nữa... Chúng ta ngồi bên ngoài quan sát giống như các Đức Phật đang quan sát toàn cảnh trong các cõi nước vậy.
Và khi, trên màn ảnh chiếu các Thiên Hà ấy được thu tóm lại trong một bong bóng hình cầu và bóng cầu đó nhỏ dần, nhỏ dần thành một chấm điểm rồi biến mất trên màn ảnh, điều ấy giống như Đức Phật thu nhỏ đi toàn thể thế giới cùng mình đi vào "ngồi trong hạt bụi vi trần" với đầy đủ các cõi nước, và trong đó Đức Phật đang hành đạo: "Chuyển đại pháp luân". Tại sao như thế? Vì Đức Phật đã được "thân tự tại vô ngại" hòa cùng hư không vô tận, cho nên "không rời nơi đạo tràng mà hiện khắp cả mười phương thế giới. Thân ta bao trùm mười phương hư không vô tận". Đó là sự mầu nhiệm hay sự thành đạt của người tu hành đạt được đạo Vô Thượng Bồ Đề "Vì ta diệt hết vọng trần nên mới được như vậy".
Tóm lại, khi một chúng sanh tu đặng đạo Bồ Đề đều được trở về với Chơn Tâm, hòa vào cõi Chơn Như, có thân vô ngại không bị cản trở, tràn đầy hư không pháp giới cũng như bao nhiêu vị Phật khác trong quá khứ, hiện tại và kể cả tương lai. Nhưng mỗi vị giống như ánh sáng của các ngọn đèn "đặt kế bên nhau, cùng chiếu sáng hư không, nhưng không hề lộn lạo hay lấn diệt lẫn nhau".
Đó là điều mà Đức Phật đã gọi là "viên dung". Và cá thể của mỗi chúng sanh trước khi bị "Vô Minh" để rời Chơn Tâm mà trở thành sanh tử luân hồi cũng là như thế.
Quý vị đọc các đoạn sau sẽ thấy được điều ấy:
"Thấy, nghe, hay, biết, sáu giác quan kể là một, cùng với hư không và bốn đại thành ra 6 đại, tánh nó viên dung vốn không lay động đồng một thể chơn tâm, không sanh không diệt, thế gian vì mê lầm không biết sanh tâm phân biệt, chấp cho nhân duyên sanh hoặc tự nhiên có đều không đúng cả" (Lăng Nghiêm, PHPT VI, VII trang 110).

Như vậy, cái thấy cùng tứ đại, thức tâm đều viên dung, viên mãn (tràn đầy) khắp cả hư không mà trong Kinh Hoa Nghiêm đã nói về hư không như sau:

"Hư không pháp giới tính bình đẳng" (HN 3, trang 342);
"Hư không cùng khắp vậy" (HN 3, trang 402);
"Vì hư không giới không biên tế" (HN 3, trang 418);
"Chư Phật tử! Ví như hư không, tất cả thế giới hoặc thành hoặc hoại, hư không thường chẳng thêm bớt, vì hư không vốn vô sanh" (HN 3, trang 423);

Phổ Hiền Bồ Tát đã bảo với Thiện Tài như sau:
"Cõi hư không kia hết, sự lễ kính của tôi mới hết. Nhưng cõi hư không chẳng cùng tận nên sự lễ kính của tôi cũng không cùng tận" (HN 4, trang 822);

"Như hư không là chỗ nương dựa của tất cả vật, mà hư không không chỗ nương dựa" (HN 3, trang 397).

Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng: Tứ đại, thức tâm, cái thấy viên dung khắp cả trong hư không vô tận, chúng đều có tính bình đẳng, không sanh không diệt, vô biên tế, tịch tịnh không lay động để thành Chơn Tâm và luôn được sáng suốt chiếu soi ("Tánh giác diệu minh, bản giác minh diệu"- Lăng Nghiêm, PHPT khóa VI-VII trang 119).
Theo như trên thì hư không là thể bao quát rộng vô biên, không có giới hạn nào cả, cũng là vô sanh, đã không sanh thì không diệt; và trong hư không ấy viên dung cả 4 đại (Đất, lửa, gió, nước), thức tâm và kiến đại (cái thấy) mà tánh của chúng đều là Chơn Tâm.
Nhưng vì do Vô Minh, tức là sự không thấu hiểu biết rõ, mê muội nên thức tâm của chúng sanh đã mượn tứ đại để kết hợp thành thân xác; kiến đại (thấy, nghe, hay, biết và 6 thức làm nhận thức cho mình, cho các giác quan: nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân, ý); và thức tâm bị trói buộc trong hai thức mà Duy Thức Học gọi là Mạt Na Thức (Ý thức cho riêng về Cái Ngã hay thức Thứ Bảy), và A Lại Da Thức (Tàng Thức hay Thức Thứ Tám như một cái túi chứa đựng mọi hạt nhân thiện, ác, hay vô ký) bắt đầu cho cuộc sanh tử, luân hồi triền miên...!
Vô Minh đó là gì? Trong Từ Điển Phật Học Hán Việt của Viện Nghiên Cứu Phật Học của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thì:
"Vô Minh là Avidya (Thuật ngữ) tiếng Phạn là A Vĩ Nễ. Chỉ cái tâm ám độn, không chiếu rọi được rõ ràng sự lý của các pháp. Là tên khác của Si".

Nhưng trong Kinh Viên Giác, Đức Phật có nói:

"Vậy Vô Minh là gì? Nầy Thiện nam, tất cả chúng sanh từ hồi nào đến giờ, bị nhiều món điên đảo làm mê mờ tánh "Viên giác", như người lạc đường, lầm lộn bốn phương. Điên đảo vọng hiện ra thân và tâm, rồi lầm nhận thân tứ đại giả hợp này làm thân mình, chấp cái vọng niệm sanh diệt, theo bóng dáng của sáu trần cho là thật tâm của mình" (Kinh Viên Giác, PHPT khóa VIII, trang16); và:

"Nầy Thiện Nam! Cái "Vô Minh" này không có thực thể (thật vật). Như người ngủ chiêm bao, thấy các cảnh vật, đến khi thức rồi, thì cảnh vật kia không còn" (Trang 17, Kinh Viên Giác, PHPT khóa VIII).

Còn ở Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật thuyết:

"Từ một thể chơn tâm không khác, vì vọng niệm phân biệt, có năng sở, bỉ thử sai khác, nên hiện ra có hư không và thế giới" (trang 121, PHPT khóa VI, VII).

Như vậy, Vô Minh chính là sự không hiểu được sự, lý của pháp, cho nên thức tâm từ trong tánh chơn tâm đã có vọng niệm và phân biệt năng sở, bỉ thử nên nó đã là đầu nguồn cho "Thập nhị nhân duyên" để từ đó bắt đầu cho "vòng sanh tử luân hồi".
Đức Phật thuyết tiếp:

"Nhơn có hư không thế giới nên mới có chúng sanh. Đã có thế giới và chúng sanh lăng xăng đối đãi nhau, nên khởi lên vô số vọng tưởng phân biệt: Tốt, xấu, phải chẳng v..v...Vì thế mà sanh ra đủ các phiền não trần lao nhiễm ô. Cái có hình tướng và sanh diệt là thế giới, cái không hình tướng và yên tịnh là hư không, khác với hư không, thế giới là chúng sanh vậy" (Kinh Lăng Nghiêm khóa VI, VII trang 121).

Và trong một đoạn sau đó Đức Phật lại kể rõ hơn:

"Này ông Phú Lâu Na, thế giới, chúng sanh và nghiệp quả ba món tương tục này đều ở trong chơn tâm, vì vô minh vọng động sanh ra "năng phân biệt" và "sở phân biệt" tương đới, nên vọng thấy có sơn hà đại địa, thế giới và chúng sanh, rồi tiếp tục sanh hóa, vô cùng hư vọng" (Trang 127, PHPT khóa VI, VII).

Những điều nầy cho chúng ta có thể hiểu rằng:
Hư không là căn bản của tất cả, nó vô sanh tức không bị diệt. Hư không bao la không biên tế (không biên giới, vô biên). Trong hư không viên dung tứ đại (đất, lửa. gió, nước); kiến đại (thấy, nghe, hay, biết, 6 giác quan: nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân, ý); và thức tâm (của mọi chúng sanh). Tánh của bảy đại nầy đều là chơn tâm. Nhưng vì vô minh, nên thức tâm của mọi chúng sanh đã phát khởi vọng tâm và có tâm phân biệt: năng sở, bỉ thử...Vì thế thức tâm đã mượn tứ đại kết hợp thành thân xác và kiến đại để tạo thành các giác quan và thấy, nghe, hay, biết. Từ đó mọi chúng sanh thành hình; các cái có hình tướng, sanh diệt là thế giới, và cái khoảng trống ở giữa không có hình tướng và yên tịnh là hư không.
Đó là các giai đoạn thành hình thế giới, hư không và chúng sanh.
Ngoài ra trong Kinh Hoa Nghiêm ở phẩm "Thế giới thành tựu", Đức Phật đã nói đến sự thành hình các thế giới. Chúng ta thử lược qua để hiểu Đức Phật sau thời gian tu tập và thành đạo Ngài đã nhận thức như thế nào trong thời gian hơn 2500 năm qua; và từ đó chúng ta có thể thấy được giá trị tâm thức của chính chúng ta nếu chúng ta cũng thành được đạo quả như Đức Phật đã thành.

Khởi đầu phẩm "Thế giới thành tựu" Kinh Hoa Nghiêm viết:

"Lúc bấy giờ Phổ Hiền Bồ Tát Ma Ha Tát do thần lực của Phật quán sát tất cả thế giới hải, tất cả chúng sanh hải, tất cả chư Phật hải, tất cả pháp giới hải, tất cả chúng sanh nghiệp hải, tất cả chúng sanh căn dục hải, tất cả chư Phật pháp luân hải, tất cả tam thế hải, tất cả Như Lai nguyện lực hải, tất cả Như Lai thần biến hải". (Trang 227, tập 1)

Sau đó ở trang 233 có ghi:

"Lúc đó Phổ Hiền Bồ Tát bảo đại chúng rằng: Chư Phật tử! Thế giới hải có mười việc mà chư Phật trong ba thuở quá khứ, hiện tại, vị lai đã nói, hiện nói và sẽ nói.
Những gì là mười?
Chính là nhơn duyên khởi thế giới hải, chỗ nương trụ của thế giới hải, hình trạng của thế giới hải, thể tánh của thế giới hải, sự trang nghiêm của thế giới hải, sự thanh tịnh của thế giới hải. Phật xuất hiện nơi thế giới hải, kiếp trụ của thế giới hải, kiếp chuyển biến sai biệt của thế giới hải, môn vô sai biệt của thế giới hải."


Và rồi, Phổ Hiền Bồ Tát đề cập giải thích đến từng điểm một của mười điều ấy, trong đó điểm thứ ba "hình trạng của thế giới hải" (trang 240) khiến ta để ý đến. Nói về hình trạng của các thế giới hải, Phổ Hiền Bồ Tát cho biết hình trạng có tể‹ là: Hình vuông, tròn, hoặc chẳng phải tròn vuông, hoặc hình như nước xoáy, hoặc hình như núi, hình như cây, hình như bông, hình như cung điện, hình như chúng sanh, hình như Phật, có thế giới vi trần số hình sai khác như vậy.
Khoa học đã tìm thấy các thiên hà (thế giới hải?) hình nước xoáy hoặc khác nhau và ánh sáng của chúng cũng khác nhau, khiến ta liên tưởng đến điểm "sự trang nghiêm của thế giới hải" (Trang 224-225). Đó là chưa nói đến "Chỗ nương trụ của thế giới hải" và các điểm khác mà Phổ Hiền Bồ Tát đã đề cập đến.
Có điều Đức Phật đã nói đến tánh không của thức tâm mà chúng ta thường hiểu qua từ ngữ "tâm không", chính vì tánh "hư không" đó mà chúng sanh khi thành Phật mới nương "Hư không" để có thân thật lớn "thân ta bao trùm mười phương hư không vô tận" hoặc hoặc thật nhỏ "ngồi trong hạt bụi, mà chuyển đại pháp luân" mà không bị ngăn ngại nào cả.
Đức Phật đã nói tánh không ấy trong Kinh "Đại Bát Niết Bàn" như sau:

"Này Thiện nam tử! Vừa rồi ông hỏi cớ chi đức Như Lai dựa nằm chẳng ngồi dậy, chẳng đòi uống ăn, chẳng dặn bảo quyến thuộc coi sóc sản nghiệp.
Này Thiện nam tử! Tánh hư không cũng chẳng ngồi dậy, chẳng đòi uống ăn, chẳng dặn bảo quyến thuộc coi sóc sản nghiệp, cũng không đi, không lại, không sanh diệt, không già trẻ, không mọc lặn, hư bể, giải thoát, ràng buộc, cũng không nói mình, nói người, cũng không hiểu mình hiểu người, chẳng phải ăn, chẳng phải bịnh."
(Trang 385, tập 1)

Và trong tập 2, Kinh Đại Bát Niết Bàn trang 247 có ghi:

"Này Thiện nam tử! Tất cả các pháp vốn không có tánh, do nghĩa này nên ta nói kệ rằng:
Trước không nay có
Trước có nay không
Ba đời có pháp
Không có lẽ đó
Này Thiện nam tử! Tất cả pháp do nhơn duyên mà sanh cũng do nhơn duyên mà diệt.
Nếu chúng sanh có Phật tánh, thời tất cả chúng sanh lẽ ra có thân Phật như ta hôm nay.
Phật tánh của chúng sanh chẳng hư, chẳng hoại, chẳng bị kéo, bị bắt, chẳng bị trói, bị buộc. Như trong chúng sanh có hư không, vì tất cả chúng sanh đều có hư không chẳng chướng ngại, chúng sanh đều chẳng tự thấy mình có hư không này. Giả sử nếu chúng sanh chẳng có hư không thời không có những sự đến, đi, đứng, ngồi, nằm, chẳng sống chẳng lớn. Do nghĩa này nên trong kinh ta nói tất cả chúng sanh đều có hư không giới, hư không giới đây gọi là hư không. Phật tánh của chúng sanh cũng như vậy. Bực Thập trụ Bồ tát thấy được phần ít như châu kim cương."


Để kết luận phần nầy, qua các đoạn kinh mà chúng tôi đã cố gắng trích dẫn nhằm giúp chúng ta có thể hiểu được tương đối dễ hơn về phần vũ trụ quan trong Đạo Phật, cũng như tánh chất của thức tâm của chúng sanh trước khi bị Vô minh lôi cuốn vào vòng sanh, tử luân hồi, tức là trước khi "Nhập vào thế gian"; Và nếu, chúng sanh biết tu, tu đúng hướng thì cũng sẽ đạt đến sự giải thoát, thoát khỏi vòng sanh tử để trở về với Chơn tâm bất sanh bất diệt, tự sáng suốt chiếu soi.... Đó là giai đoạn "Xuất thế gian" vậy!

Nguyên Thảo.

Đạo Phật 12- Một Cái Nhìn...!

(Hay: Đạo Phật Là Một Tôn Giáo).


Từ lâu có nhiều người cho rằng Đạo Phật chỉ là một trong những triết thuyết chứ không là Tôn giáo; điều ấy làm cho những người học triết hay thần học cũng thường bị lầm lẫn không ít. Thực ra, Đạo Phật đã quá đi sâu sát với đời sống con người; và những lý thuyết của nó cũng là cho con người, để đưa con người từ một con người bình thường trở nên người giác ngộ, thoát khỏi cõi luân hồi, tục lụy trong ba cõi chứ không là chỉ riêng thế gian nầy, vượt quá xa các bậc thần thánh khác.

Nhưng cho đến hiện nay, với sự tiến bộ của khoa học, lý thuyết hay đúng hơn là giáo pháp của Đạo Phật được chứng minh với nhiều chính xác khiến cho những nhà khoa học hay trí thức không thể ngờ được: Một (bát nước) có vô số vi trùng trong đó; (tam thiên đại thiên thế giới) vũ trụ bao la với nhiều thiên hà, trong mỗi thiên hà có vô số thái dương hệ; có những UFO và người ngoài hành tinh (chúng sinh ở thế giới khác); có những hiện tượng hay nhiều câu chuyện kể về sự tái sinh (khoa học huyền bí); những nhà ngoại cảm chứng minh chúng sinh trong thế giới vô hình; Duy thức học khiến cho những nhà tâm lý hoặc phân tâm học ngạc nhiên không ít, đó là chưa nói đến sự giải thích luật nhân quả qua hai thức Mạt-Na-Thức và A-Lại-Da-Thức; tất nhiên ngoài tâm lý học ta có thể tìm được trong Duy thức về phần Đạo đức học mà ta không thể ngờ được.

Hôm nay, chúng tôi muốn trình bày cùng Quý vị vài vấn đề và dẫn chứng một số câu trong các Kinh điển để chứng minh Đạo Phật không những là một triết lý nhân sinh mà cũng là một tôn giáo không khác. Tôn giáo nầy rất thực tiễn không dựa vào những câu chuyện hoang đường, thần thoại mà cũng chẳng đưa tín đồ vào chỗ “ngu muội” để tin theo. Mà tôn giáo nầy cũng không phải “nhốt vào chuồng” hay “lấy dây trói buộc” tín đồ với giáo hội hay tôn giáo của mình để dành phần trên thế gian. Xin mời Quý vị:

“Này A Nan, bởi vô minh vọng động nên biến hiện ra có hư không, thế giới và chúng sinh. Trong thân chúng sinh vì có vọng tưởng lẫn lộn, nên nó vọng động leo chuyền bên trong (như vượn, như ngựa). Khi các giác quan mở ra thì nó rong ruổi theo trần cảnh bên ngoài (như vượn sút xiềng, ngựa tong chuồng). Rồi các ông chấp cái tướng vọng tưởng lăng xăng bên trong đó cho là tâm tánh của mình. Một phen chấp nó làm tâm, thì không sao khỏi mê lầm cho rằng ‘tâm ở trong thân’.

Chứ đâu biết rằng: Thân nầy tâm nầy cho đến núi sông, thế giới và hư không đều là vật trong chơn tâm hiện ra cả”.

Đây là đoạn mà tôi đã trích ra từ trang 51 của khóa VI-VII bộ Phật học Phổ thông tức là khóa giảng về Kinh Lăng Nghiêm để dẫn chứng cái ý niệm vũ trụ của Đức Phật hay là “Vũ trụ quan” trong đạo Phật.

Khi xưa, lúc còn học trong nhà trường, có lần tôi được nghe một vị thầy khi nói về các tôn giáo của một số đạo ở Đông phương thì ông kết luận: “Các tôn giáo Đông phương thực ra không phải là tôn giáo mà chỉ là các Triết lý về nhân sinh vì tôn giáo nó phải có tính chất giải quyết vấn đề con người: Được sanh ra từ đâu và chết sẽ đi về đâu, nhất là tính cứu rỗi”. Điều ấy đối với tôi lúc bấy giờ nó chẳng có gì là quan trọng cả, bởi vì tôi đâu có chú ý đến nó và tôi cũng không hề nghĩ đến sau nầy tôi lại nhớ đến nó. Có lẽ do nơi cái “duyên”, nên sau cơn bệnh tôi lại có cái nhìn về đạo, rồi duyên ấy thôi thúc tôi viết.

Có lần tôi đã viết: “Đạo Phật được Phật Thích Ca suy nghiệm qua Thiền định, khám phá tự trong Tâm thức của Ngài, Ngài rao giảng cũng là cho Tâm thức của bạn, của tôi và của chúng sinh. Mà Tâm thức là thường còn, là hằng hữu dù nó không có bằng hình dáng trên cuộc đời nầy. Cho nên đạo Phật mãi luôn là đạo của Tâm thức, hầu đưa tâm thức trở về với giác ngộ, với Chân như. Đạo Phật vẫn luôn tồn tại với Tâm thức dù trên thế gian nầy có còn hay không còn có đạo Phật”.

Một lần Ngài A Nan bạch với Đức Phật:

“Bạch Thế Tôn! Bồ Đề, Niết Bàn, Chơn Như, Pháp Tánh, Yêm-Ma-La-Thức, Không Như Lai Tạng và Đại Viên Cảnh Trí, bảy danh từ tuy khác, chớ cũng đồng một quả Phật thanh tịnh thường còn không hoại”. (PHPT, khoá VI-VII trang 162).

Như vậy, Niết Bàn trong đạo Phật tùy theo góc nhìn, pháp tu mà sử dụng từng danh từ cho thích hợp, sự giác ngộ rốt ráo (Bồ Đề), cõi Thanh Tịnh (Niết Bàn), Cõi chứa cái thường còn, cái thật sự có, cái Chơn tâm (Chơn Như), Cái tính chất của mọi vật, chúng sinh, các pháp (Pháp Tánh), Yêm-Ma-La-Thức, hay cái Tạng của các đấng Như Lai (Không Như Lai Tạng), hoặc là cảnh trí viên tròn quả mãn rốt ráo của các Đức Phật (Đại Viên Cảnh Trí).

A Nan đã nói rõ: “bảy danh từ tuy khác, chớ cũng đồng một quả Phật thanh tịnh thường còn không hoại”. Đó cũng là tính chất của Chơn tâm, là căn bản của Bồ đề, Niết bàn. Còn trái lại, căn bản của sanh tử, luân hồi là vọng tâm. Con người vốn từ trong Chơn tâm, trong thể tánh Chơn như thường trụ, nhưng do vì vô minh nên bị nhiều món điên đảo làm mê mờ mà phân biệt vọng thấy và hiện ra các cảm giác “thấy nghe hay biết” (“tùy tâm của chúng sinh phân biệt như thế nào, thì nó ứng hiện như thế ấy”) (PHPT, khoá VI-VII trang 98). Từ phân biệt vọng thấy nầy mà phát sanh ra nghiệp (‘Tùy theo tâm của chúng sinh tạo nghiệp và phân biệt như thế nào, thì có ứng hiện ra như thế nấy”) (PHPT, khóa VI-VII trang 94), rồi lại theo nghiệp mà chúng sinh chịu khổ, sanh tử luân hồi.
Đó là những điều mà Đức Phật nói về sự bắt đầu luân hồi của con người và chúng sinh: Từ nơi Chơn tâm chỉ do sự mê mờ không biết (vô minh) mà thích có được cái “thấy nghe hay biết” (vọng tâm) để phân biệt (vô minh, hành, thức), và do tâm phân biệt mà muốn có danh sắc. Thế thì từ đâu để có danh sắc? Đức Phật đã nói:

“Các ông nên biết: đất nước gió lửa, hư không, cái thấy và thức tâm gọi chung là bảy đại, tánh của nó đều là chơn tâm viên dung khắp giáp tất cả, vốn không sanh diệt. Các ông vì mê muội nên không biết”. (PHPT, khóa VI-VII trang 110).

Như vậy, phát xuất từ “tùy tâm của chúng sinh phân biệt như thế nào, thì ứng hiện như thế ấy” mà đất nước gió lửa đã tạo thành “thân tứ đại” của chúng sinh. Để rồi từ đó có lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, Đau khổ.

“Từ một thể chơn tâm không khác, vì vọng niệm phân biệt, có năng sở, bỉ thử sai khác, nên hiện ra có hư không và thế giới. Nhơn có hư không thế giới nên mới có chúng sinh. Đã có thế giới và chúng sinh lăng nhăng đối đãi nhau, nên khởi lên vô số vọng tưởng phân biệt: tốt xấu, phải chẳng... Vì thế mà sanh ra đủ các phiền não trần lao, nhiễm ô. Cái có hình tướng và sanh diệt là thế giới, cái không hình tướng và yên tịnh là hư không; khác với hư không, thế giới là chúng sinh vậy”. (Trang 121).

“Tóm lại, vì ở trong tâm chúng sinh, các vọng tưởng xen nhau phát sanh, nên ứng hiện ra ngoài thế giới có các cảnh vật. Bởi nhân duyên nầy mà thế giới nối nhau sanh mãi không dứt”. (PHPT, khóa VI-VII trang 124).

Đức Phật đã chỉ cho chúng ta thấy rõ ràng con người, chúng sinh và vạn vật xưa kia vốn cùng chung một bản thể là từ chơn tâm, nhưng vì mê mờ không biết (vô minh) mà sinh ra có tâm phân biệt (vọng tâm) để từ đó tâm phân biệt nầy hướng dẫn chúng sinh đi vào cảnh luân hồi, vào trần thế có thân xác cấu tạo bằng tứ đại lấy phân biệt tốt xấu, thiện ác, thương ghét, ham thích, chán chê, đẹp xấu, muốn lấy, chối bỏ... làm mục đích. Nhất là với tính ham muốn (dục) và thích (ái) để rồi bằng mọi cách chiếm đoạt cho được, nên sinh ra dùng các phương tiện sát (giết), đạo (cướp đoạt) dâm hầu thỏa mãn các ham thích, ấy là ba nghiệp “nhơn”, từ nhơn nầy sinh ra “quả” tương tục nối tiếp nhau không dứt. Thế là chúng sinh vào cõi sanh tử luân hồi do nơi nghiệp quả mình đã gieo.

Những điều nầy chứng minh cho tôi biết được rằng đạo Phật đã đề cập:
“Con người được bắt nguồn từ đâu”?

Con người theo Đạo Phật không phải do nơi một đấng vô hình nào tạo ra như trong những câu chuyện thần thoại đã kể; trong các chuyện hoang đường ấy: Các vị thần hay chúa tể khi tạo con người ra rồi thì muốn sử dụng con người như thế nào thì sử dụng theo cả hai chiều thiện ác; thương thì cất nhắc lên làm lãnh tụ, lãnh đạo được cao sang quyền quý; ghét thì rủa sã, gieo tai họa xuống con người bằng thiên tai, lụt ngập, tai nạn... và nhất là vị thần ấy lại bắt con người phải phụng thờ mình và chỉ một mình mình mà thôi, dù mình vừa thiện vừa ác... Còn Đức Phật chỉ cho chúng ta biết con người cũng như vạn vật, chúng sinh đều từ trong một bản thể không sanh không diệt rất là thanh tịnh, thường còn viên dung bình đẳng với nhau khắp cả pháp giới, mười phương; bản tánh vốn là từ cõi Phật (Niết bàn, Bồ đề, Chơn như, Pháp tánh...) nhưng vì do u mê mà ra đi để khoát lên mình các “lớp áo”, các “vai trò” chơi lặn hụp triền miên trong cõi ô trược đầy phiền não. Do nơi cùng xuất xứ ấy mà Đức Phật đã nói: “Tất cả chúng sinh đều cùng có Phật tánh”, hoặc xa hơn nữa “Chúng sanh vốn đã thành Phật từ xưa tới giờ” (Kinh Viên giác, PHPT khóa VIII trang 56).

Lúc trước, tôi đã vô tình lấy câu chuyện con mối bay ra khỏi tổ, rụng cánh cắn đít dẫn nhau về tổ để được làm mối chúa. Và, sau khi đọc qua các phần Kinh Lăng Nghiêm, Viên Giác tôi mới thấy cái ví dụ ấy có lẽ là gần đúng hơn hết với tinh thần đạo Phật. Nếu ta lấy tổ mối giống như cõi thanh tịnh Niết Bàn, cõi Chơn Như thường hằng, thì mối chúa to lớn, nằm trong tổ giống như các chư Phật thành đạo đã trở về được trong tổ, còn các mối cánh lớp lớp bay ra ngoài do sự u mê giống như là chúng sinh u mê chấp vào mình bằng đôi cánh, càng bay xa thì sự trở về càng gian nan. Khi vào cuộc đời sanh tử luân hồi với các giao động đã làm cho mối rụng cánh đi, rồi cứ cắn đít dẫn nhau tìm về tổ. Mối chúa, mối cánh vẫn bình đẳng giống nhau về tính chất, cũng đều từ tổ mà ra; cho nên Đức Phật đã coi chúng sinh ra đi từ cõi Phật nên “chúng sinh vốn đã thành Phật từ xưa tới giờ” và cả Phật lẫn chúng sinh đều có tính Phật như nhau, nên Phật đã thành Phật thì chúng sinh cũng có khả năng thành Phật (Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành), Đức Phật cũng phân biệt rõ cho chúng ta qua ví dụ chúng sinh giống như quặng vàng, sự tu hành là cách thức “tôi luyện” để gạn lọc lại thành vàng y, thành Phật; khi đã là vàng y, là Phật thì không bao giờ trở lại làm quặng hay chúng sinh nữa.

Phần trên đây tôi đã chứng minh và dẫn chứng với Quý vị sự thành hình vũ trụ, thế giới, hư không và chúng sinh lẫn “nhân” tạo ra luân hồi qua các đoạn Kinh mà Phật đã giảng giải để ta có thể hiểu được con người được sinh ra từ đâu.

Còn con người chết sẽ về đâu?

Có lẽ vấn đề nầy là vấn đề mà hầu hết con người chúng ta đều thắc mắc: Khi chết chúng ta sẽ đi về đâu? Với khoa học hay người Duy vật, hoặc người chủ trương Đoạn diệt khi chết thân xác ta sẽ hết, và tinh thần cũng không còn. Chết là hết! Nhưng với những hiện tượng ma, hiện tượng báo mộng cũng khó giải thích, vì vậy mà tôn giáo hãy luôn còn là nơi nương tựa cho tinh thần, linh hồn của con người. Nếu nói rằng chết được Đấng Tối cao xét xử để đưa vào Thiên đàng hay Địa ngục thì như vậy chẳng quá ra là một sự bất công lắm ư? Thế nào để được vào Thiên đàng và tiêu chuẩn nào để đưa vào địa ngục. Và nếu người vào địa ngục biết hối cải thì linh hồn vẫn muôn đời ở địa ngục mãi hay sao? Và nếu con người được tạo ra và sống một lần để vào được Thiên đàng thì thế gian nầy làm gì có người sinh ra để tiếp nối thế giới nầy cho đến ngày nay. Có những vấn đề thật là vô lý!

Trong đạo Phật thì không như vậy. Không có một Đấng Tối cao nào xét xử, cứu giúp hay ban họa phước đến cho tâm thức người chết mà chỉ có người chết quyết định cho mình con đường mình sẽ đi mà thôi. Những điều kiện quyết định đó là nghiệp và nguyện lực. Nghiệp là tất cả những gì mình làm dù thiện hay ác trong suốt cuộc đời được lưu giữ trong cái túi gọi là “A Lại-Da-Thức” hay “Thức Thứ Tám” hay Tàng-thức (mà thế gian gọi là linh hồn) là nơi chứa mọi hạt giống “chủng tử” mình đã gặt, đã gieo (nhân). A-lại-da-thức đó vẫn trường tồn, chỉ bị phá vỡ và biến thể thành Đại Viên Cảnh Trí khi chúng sanh ấy đã thành đạo, thoát khỏi luân hồi; khi con người (chúng sinh) chết, nó rời cái thân xác đang bất động, sẽ tan rã để đi chọn một cái thân tứ đại khác đang thành hình. Ấy là sự tái sanh và từ một cái xác nầy để chuyển sang một cái xác khác là chuyển kiếp. Cái xác đó là gì trong kiếp kế tiếp? Có sáu con đường để đi tùy theo nghiệp ác hoặc nghiệp thiện trong kiếp, hay các kiếp vừa qua của mình nhiều hay ít. Ở đây có một vấn đề khác mà chúng ta cũng cần lưu ý về các hạt giống chủng tử hay nhân mà chúng ta đã gieo, đã gặt và đã bỏ vào túi A-lại-da-thức. Có loại hạt sẽ nẩy nở liền trong kiếp hiện tại đó là quả hiện tại; có loại hạt sẽ lú mầm trong kiếp sau hoặc vài kiếp sau; có loại nhân sẽ có quả trong thời gian rất dài về sau. Chính vì các hạt giống ấy cùng với nguyện lực của mình nó sẽ quyết định con đường nào mà “linh hồn” sẽ đến. Nguyện lực là gì? Là ý mình muốn, là ước nguyện một cách mãnh liệt, nhất là trong lúc sắp chết, sắp lâm chung: Mình muốn theo con cái, hoặc theo trả thù kẻ nào, hoặc muốn một cách tha thiết cái gì đó mà mình chưa thỏa mãn trong kiếp vừa qua...

Sáu con đường hay lục đạo của luân hồi là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A-tu-la, người và trời. Nếu nghiệp của ta nhiều sân hận thì ta sẽ đi về địa ngục; tham lam thì sẽ đi về ngạ quỷ (quỷ đói); nhiều si mê thì sẽ chọn con đường súc sanh; nhiều phước báu thì sanh về cõi trời; nhiều giận hờn nóng nảy thì về cõi A-tu-la; hoặc trở lại làm người. Còn quyến luyến, hận thù quá nặng thì chắc phải lênh đênh, vất vưỡng chưa chịu tìm con đường để đi.

Sự luân hồi ấy được thể hiện xảy ra trong ba cõi (tam giới) là cõi Dục giới: có thân xác, có ham muốn dục, lạc của thân xác; cõi sắc giới: có thân xác; và cõi trời vô sắc giới: không có thân xác.

Cõi trời vô sắc giới nầy khác với cõi của ma quỷ. Ma quỷ cũng là vô sắc giới, nhưng đó chỉ là những linh hồn lang thang, chết tức tưởi, oan ức, họ còn lưu luyến cái thân xác của họ, nhưng thân xác ấy đã không còn. Họ không tìm thân xác khác để đầu thai, chuyển kiếp, mà họ cứ mãi vất vưỡng như thế, thế gian gọi họ là “những cô hồn, các đảng”, họ cứ tới lui phá phách, hoặc thấy ai thích thì nhập vào, hoặc ai hạp thì hiện ra hù nhát, cho nên họ cần đến sự giúp đỡ của các chư Tăng nhiều đức độ để cầu nguyện, tụng niệm, chú giải hầu giúp họ được siêu thoát.

Còn đối với những người: Nhân ác kiếp nầy không tạo, nhân xấu những kiếp xa xưa đã hết, đã “nhân tròn quả mãn” thì họ sẽ là A-la-hán, Bồ tát hay Phật tùy theo công đức mà có quả vị. Họ thoát ra được ngoài tam giới, ung dung tự tại ở Niết bàn, Tâm thức không còn chướng ngại (vô ngại) mà có thể biến khắp pháp giới, nhập chung với tất cả, viên dung trong mười phương: Khi lớn thì có thể lớn cả mười phương, khi nhỏ thì nhỏ như hạt bụi vi trần hoặc đầu sợi lông như trong Kinh Viên giác Đức Phật đã thuyết:

“Thí như trăm ngàn ngọn đèn, đồng đốt trong một căn nhà, ánh sáng của mọi ngọn đèn tuy đều chiếu khắp cả nhà, nhưng không có lộn lạo hay lấn diệt lẫn nhau”. (PHPT, Khóa VIII trang 52).

Hoặc trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật đã nói:

“Còn Ta (Phật) thì trái với vọng trần, hiệp với chơn tâm thường trụ bất sanh bất diệt, biến khắp cả pháp giới. Cho nên ta mới được tự tại vô ngại: Ở trong một hiện ra vô lượng, vô lượng hiệp làm một, trong nhỏ hiện ra lớn, trong lớn hiện ra nhỏ; không rời nơi đạo tràng mà hiện khắp cả mười phương thế giới. Thân ta bao trùm mười phương hư không vô tận. Trên đầu một mãy lông hiện ra các cõi nước, ngồi trong hạt bụi, mà chuyển đại pháp luân. Vì ta diệt hết vọng trần, trở lại với bản tâm thanh tịnh trong suốt, nên mới được như vậy”. (PHPT, khoá VI-VII, trang 132-133).

Thế còn phương pháp cứu độ thì sao?

Đức Phật không giành độc quyền cứu độ các loài, mà Ngài đã chỉ một cách cặn kẽ phương cách tự cứu độ mình và có khả năng cứu độ người khác. Hơn 45 năm Ngài lặn lội bằng chân trần từ nơi nầy đến nơi khác, sống cuộc đời bình dị mà rao giảng, giải thích để cho mọi người hiểu và thực hành con đường tự giải thoát mình khỏi sự khổ đau, luân hồi. Tùy theo căn cơ của từng hạng chúng sanh mà Ngài nói các phương tiện khác nhau.

Sau 49 ngày Thiền định dưới cội Bồ đề, Đức Phật đã tìm ra chân lý bằng Trí Huệ (Trí Huệ ấy ai cũng có). Sau đó Ngài bắt đầu giảng về giáo pháp của Ngài. Đời của chúng sinh hay là của con người là một chuỗi dài đau khổ, Ngài đã phân tích sự khổ ấy qua phần Khổ Đế để tìm đến cái nguyên nhân (Thập nhị nhân duyên) trong phần Tập Đế, rồi đưa ra cách giải quyết chấm dứt nguyên nhân sự khổ ở phần Diệt Đế (tận diệt Ái Dục, từ bỏ luyến ái với thế giới bên ngoài, thực hiện Bát Chánh Đạo), và cuối cùng để đạt được Đạo Đế thì thực hiện Lục Độ Ba La Mật (Bố thí- Trì giới- Nhẫn nhục- Tinh tấn- Thiền định- Trí Huệ).

Với giáo pháp ấy, Ngài tùy theo căn cơ của chúng sanh mà nói, vì vậy sau nầy đệ tử của Ngài cũng tùy theo căn cơ của mình mà chọn cách tu hành. Đó là lý do có nhiều hệ phái trong đạo Phật, nhưng tất cả đều là Phật pháp. Trong Kinh Kim Cang:

“Ông Tu Bồ Đề bạch Phật: “Phật pháp đã như thế, tại sao lại có các quả Thánh hiền cao thấp khác nhau?” Phật dạy: “Vì trình độ chúng sanh có sai khác, nên có các quả Thánh hiền sai khác, chứ không phải Phật pháp có sai khác” (PHPT, khóa XII trang 58).

Ngài còn sợ khi Ngài nói giáo pháp và đã trở thành hệ thống giáo pháp khiến đệ tử của Ngài cùng chúng sanh không chú ý đến “Con đường giải thoát” mà lại lẩn quẩn nghiên cứu những gì mà Ngài đã nói, thế nên trong Kinh Lăng Nghiêm Ngài đã nhắc nhở:

“Các ông nên biết: Ta cũng như người dùng ngón tay chỉ mặt trăng, các ngươi phải nhơn ngón tay mà xem mặt trăng. Nếu chấp ngón tay cho là mặt trăng, thì chẳng những không thấy được mặt trăng mà cũng không biết luôn ngón tay. Vì cho ngón tay là mặt trăng, thì không những không biết ngón tay là gì, mà cũng không biết thế nào là tối và sáng. Vì mê chấp ngón tay là mặt trăng, thì tối và sáng làm sao rõ được”. (PHPT, khóa VI-VII trang 53).

Và trong Kinh Viên giác:

“Nầy Thiện nam! Tất cả kinh giáo của Như Lai đều như ngón tay để chỉ mặt trăng Viên giác (chơn lý). Vậy các ông phải biết: Đây là ngón tay kinh giáo chớ không phải mặt trăng Viên giác. Nếu các ông chỉ cố chấp ngón tay, thì không bao giờ thấy được mặt trăng. Những người biết nhơn ngón tay kinh giáo nầy, mà nhận được mặt trăng Viên giác, thì gọi là Bồ tát lên Thánh địa, tùy thuận tánh Viên giác” (PHPT, khóa VIII trang111).

Cuối cùng, Ngài còn nhắc nhở không nên vướng mắc ở một cái gì dù đó là “chánh” hay “không chánh”:

“Phật dạy: “Nếu các ông còn chấp các tướng, hoặc chấp ‘tướng chánh pháp’ hay chấp ‘tướng phi chánh pháp’ thì cũng đều bị dính mắc nơi bốn tướng: ngã, nhơn, chúng sanh và thọ giả. Bởi thế nên không được chấp ‘tướng chánh pháp’ hay ‘chấp tướng phi chánh pháp”.
Cũng vì lẽ đó, nên Như Lai thường dạy: “Các thầy Tỳ Kheo phải biết: Giáo pháp của ta cũng như chiếc đò, đưa người qua sông, các ông không nên trụ chấp nơi giáo pháp, ‘chánh pháp’ còn không nên trụ chấp huống chi là ‘phi pháp”. (PHPT khoá XII trang 53).

Do từ trong chứng nghiệm của Trí Tuệ (Trí Huệ), Đức Phật đã khám phá được Chân lý, tìm được nơi mà mình, con người chúng sanh, vạn vật đã khởi nguồn; Và muốn trở về nơi ấy để tìm lại sự an vui thanh tịnh, không còn khổ đau, thì Ngài đã xây dựng lại con đường mà Ngài đã tìm ra, đồng thời còn chỉ rõ ràng cái cách đến sao cho được an toàn không bị sai trái, lệch lạc (xem Kinh Lăng Nghiêm). Quả thật Ngài là một Đạo Sư đầy lòng nhân ái, đức độ độ cho người, giúp cho người tự cứu rỗi mình, và còn cứu rỗi cho người khác mà không phải tự xưng hay đại vọng ngữ qua đoạn sau:

“Tu Bồ Đề! Các vị Bồ Tát phải độ tất cả chúng sinh (như loài trứng, loài sanh con, loài sanh chỗ ẩm thấp, loài hóa sanh, loài có sắc, loài không sắc, loài có tưởng, loài không tưởng, loài chẳng phải có tưởng, loài chẳng phải không tưởng v..v...) đều được nhập Niết Bàn. Bồ Tát tuy độ vô lượng vô số chúng sanh như vậy, nhưng không thấy có một chúng sanh nào được độ. Tại sao vậy? Nếu Bồ Tát còn thấy có mình độ và chúng sanh được độ tức là Bồ Tát còn chấp bốn tướng (tướng ngã, tướng nhơn, tướng chúng sanh và tướng thọ giả) thì không phải là Bồ Tát”. (PHPT, khóa XII trang 33)

Thế thì bạn thấy có Đạo giáo nào hơn ?!..!

Nguyên Thảo.

Thơ Nguyên Thảo (tt)

* Đêm Khuya Nghe Dế Kêu.

Trằn trọc canh khuya lắm nghĩ suy
Lắng nghe dế hát tiếng tỉ ti
Con người lắm sự đầu nên bạc
Nhân thế đa đoan tội cứ ghi.
Lăn lộn bao năm đời mỏi mệt
Thảnh thơi giây phút chẳng ra gì
Bao giờ quay lại tìm nơi cũ
Thấp thoáng bóng mờ, sương đẫm mi!

Nguyên Thảo,
07/03/11.



* Lang Thang!

Lang thang vô định mệt nhoài
Lặng im nghe tiếng, tìm về cố hương
Đốt lên ngọn đuốc soi đường
Mon men chân lý, tình thương vô bờ
Xa rồi của loạt ngày mơ
Hòa trong vĩnh cửu, cùng vào hư không!

Nguyên Thảo,
18/03/11.



* Hư Không!

Chẳng sanh mà chẳng diệt
Chẳng biến cũng chẳng tan
Đường “rail” cho tàu tiến
Tâm trải khắp vô cùng!

Hư không cùng khắp cả
Trong thế giới vô biên
Nương hư hông mà lớn
Cũng hư không mà về!

Hư không chẳng cảnh tượng
Hư không chẳng chúng sanh
Hư không là khoảng trống
Nương hư không mà trụ
Với hư không mà thành!

Nguyên Thảo,
18/03/11.

Một Giấc Mơ!

Đồ tôi vốn từ xưa rất dở về văn chương, đến năm Đệ Tam (Lớp 10) viết văn còn bị thầy chê là văn chương của học trò Đệ Thất (Lớp 6), Đệ Lục (Lớp 7). Đã dở trí nhớ mà lại mau quên. Quả thật trong cuộc đời không có “thằng” nào giống như Đồ tôi. Và Đồ tôi cũng không bao giờ dám mơ ước mình trở thành người viết văn. Thế mà, đùng một cái Đồ tôi lại nổi chứng “ngông” trở thành tên “Đồ Ngông” dám “múa rìu qua mắt thợ”, dám nhảy vào mảnh đất văn chương với hình tướng “chân lấm, tay bùn”, “dân ngu, cu đen” mà quơ. Đã vậy, còn bày đặt làm “Thơ ngông” rồi “moi móc thói đời bao cái xấu, đem rao thiên hạ xúm coi chơi!”. Ngông ơi là ngông! Ngông hết chỗ chê! Ngông hết phương cứu chữa!
Vừa rồi chắc vì mê quá, Đồ tôi lại nằm mơ thấy mình “trở cơn” muốn làm văn sĩ. Ôi, chui choa! Học cày chưa xong, trồng dưa chết lên chết xuống, dưa dài thườn thượt mà không chịu quấn lại muốn làm “văn lòi xĩ”. Thật là buồn cười! Nhưng nghĩ lại không viết ra chuyện nầy cho độc giả coi thì ấm ức trong lòng cũng không sao chịu nỗi, bèn tay trái đánh “tù tì” với tay phải. Tay phải thắng, cái đít phải ngồi xuống để viết. Đồ tôi viết rằng:
“Tôi ngồi lặng yên để nhìn...! Nhìn thằng bé ngồi bên cạnh bàn. Cái bàn khá to có vài món đồ để ngổn ngang, lại có thêm mấy cuốn sách. A! Mà không phải là mấy cuốn sách. Sách đâu mất tiêu rồi, chỉ còn lại mấy cái bìa sách thôi! Một bìa có tựa là “Đất nước và Dân tộc”, một tựa là “Để xây dựng...” gì đó mà tôi không thấy rõ, tựa khác là “Bí Quyết Thành Công” và nhiều bìa sách nữa. Tôi giật mình: “Thằng bé nầy ghê tợn!”, nó nghiên cứu để làm gì mà toàn là những tiêu đề lớn không vậy? Mà tại sao lại là những bìa sách không thôi? Tôi lặng yên nhìn thằng bé...!
Ô hay! Thằng bé lại lấy ly rót gần đầy nước. Nó trút cả vợt lăng quăng vào trong đó để làm gì? Tôi không hiểu nỗi! Tôi ngồi lặng yên nhìn thằng bé...! Thằng bé lại lấy cái nghiên ra. Nó thò tay xuống bàn lấy ra một thỏi đen một cách lẹ làng. giống như mực Tàu. Đúng rồi! Mực Tàu! Nó cặm cụi nó mài. Nó mài lâu lắm! Xong rồi, nó không lấy viết “lông mèo” để chấm như các nhà nho đã làm. Nó lại lấy ống nhỏ giọt rút mực vào trong ống. Nó nhỏ từng giọt mực vô ly nước. Ôi! Tội nghiệp cho mấy con lăng quăng. Trời đang trong sáng lại trở thành tối đen. Tôi có cảm tưởng bầy lăng quăng sẽ chết đến nơi, không thì chúng cũng sẽ ngộp thở. Nhưng chúng cũng còn lặn hụp, chìm nổi lên mặt nước. Tôi còn thấy mặt nước rung rinh. Thằng bé làm thế để chi cà! Tôi lặng thinh ngồi nhìn thằng bé...! Những thằng bạn của nó cũng nhìn nó nữa. Tụi nó khá đông, mãi mê nhìn thằng bé mà tôi quên mất chúng đi. Không biết chúng có giận tôi không? Nhưng mà không sao! Chắc chúng cũng không biết đâu, mà biết thì chúng có giận cũng chốc lát thôi. Không lẽ chúng ăn cơm nhà mà giận người ta chi cho mệt. Nhất là những người không mắc mớ gì như tôi! Nghĩ vậy mà tôi cứ lặng thinh nhìn thằng bé...!
Thằng bé hất chân, thò tay xuống lấy lên chiếc đủa. Không phải chiếc đủa thần. Chỉ là chiếc đủa thường thôi! Nó thọc đủa vào trong ly mà quậy. Nó quậy mạnh lắm! Đến đổi có vài giọt nước văng ra ngoài cùng với mấy con lăng quăng xấu số đang ngoa ngoe giãy chết. Nhưng ô kìa! Thằng bé quá mạnh tay khiến ly nước ngã đổ trên bàn. Nước đen chảy lênh láng. Cái ly nhỏ như vậy, sao mà nước nhiều thế! Nước đen nhuộm mọi thứ trên bàn kể cả các bìa sách, tay chân, mặt mũi thằng bé. A! Lại cả những bạn của nó nữa. Tất cả một màu đen u ám. Tôi dụi mắt ngồi lặng yên nhìn thằng bé...!
Chiếc bàn lung lay, xê dịch. Có một bàn tay to lớn đưa lên. Một bóng người thật to đẩy thằng bé đứng lên, cả người cũng đen thui vì mực. A! Thì ra họ đang diễn một vở tuồng! Nhưng mà tôi không thích thú mấy. Vở tuồng thật là chán chường!
Tôi thở dài la: “Chán quá! Chán quá...!”. Vợ tôi đập nhẹ vào mình tôi: “Anh!.. Anh!.. Gì mà anh la dữ vậy!”.
Tôi giật mình ú ớ: “Đâu có gì! Nằm mơ đó mà!”. Thế rồi tôi thức dậy luôn vì trời đang rựng sáng! Tôi lại cười với tôi!”.

Đồ Ngông,
06-05-03.

Thơ Đó, Thơ Đây! (tt)

*Thác Bạc. (Sapa- Lào Cai)

Dòng nước tuốt trên cao
Đang dội xuống ào ào
Nước bắn văng tung toé
Bụi khói mù bay cao.

Vách núi lồi lõm thay
Nước tung trắng hay hay
Bạc chi hay trắng xóa
Ừ! Ra thác Bạc này!

Đồ Ngông,
30/07/10.



*Cầu Qua Thác. (Sapa- Lao Cai)

Cầu bên này qua tới bên kia
Để đứng mà trông thác Bạc kìa
Góc cạnh ghi hình cho nó đẹp
Khổ, mình chẳng đẹp lại râu rìa!

Lại đứng giữa cầu không muốn đi
Lỡ mình muốn ngắm, có mấy khi
Mân mê khói nước hơi lành lạnh
Lòng lắm nỗi niềm, chẳng nói chi!

Đồ Ngông.
30/07/10.



*Mưa Trên Thác Bạc. (Sapa- Lào Cai)

Mới lên nửa chừng trời lại mưa
Không gian lành lạnh, gió cũng vừa
Len len da thịt, mơn lên má
Mưa cũng đa tình, bén duyên ưa!

Đồ Ngông,
30/07/10.

Thơ Đồ Ngông (tt)

* Lần Nữa...!
(Viết cho những người Nhật nằm xuống
trong trận động đất, sóng thần ngày 11/03/11)

Lại thêm nữa, một lần
Ông trời đầy gian ác
Những người Nhật đi đâu
Giữa xóm làng tan tác?

Động đất lại sóng thần
Hai việc cùng một lúc
Trời gây nhiều tai ương
Cho con người vô phúc!

Trời! chẳng có lòng nhân
Công bằng là thế đấy
Lại có những con người
Cố tuyên truyền lừa đảo!

Đồ Ngông,
18/03/11.



*Sóng Nước...!

Những con sóng tràn bờ
Xa rồi những ngày thơ
Đứng nhìn từng sóng biển
Để nghe lòng trong mơ!

Sóng, sóng tràn khắp nơi
Sóng chụp tắt mặt trời
Người chìm trong sóng nước
Tàn phá khắp nơi nơi!

Thành phố còn ngỗn ngang
Vụn nát khắp hàng hàng
Người đi tìm người mất
Cả vùng trời chịu tang!

Đồ Ngông,
18/03/11.

Wednesday, March 16, 2011

Thơ Nguyên Thảo

* Thơ HaiKu:

*Sen Nở:
Trên cây ve vang dội
Sen đã nở, bóng người Giác Ngộ
Hương ngát khắp từng không.

*Lễ Hội Cầu Ngư:
Một Lễ Hội trên biển
Đông người cầu “Quốc thái dân an”
Năm bình yên nhiều cá!

*Chùa:
Một ngôi chùa sừng sững
Người đứng nhìn trầm ngâm suy nghĩ
Hạt nhân siêu thoát mọc.

*Hạt Bụi:
Một hạt bụi bay bay
Kiếp chúng sinh lởn vởn đâu đây
Đang chuyển ở Luân Hồi!

*Mùa Thu:
Mây giăng lớp hàng hàng
Lá vàng rơi, tiết trời trở lạnh
Đất trời đang thay đổi.

*Thơ HaiKu:
Chỉ mười bảy chữ thôi
Thơ HaiKu, bài thơ cân đối
Để đề lên tranh vẽ!

Nguyên Thảo,
20/02/11.



* Cây Gậy.

Ta cùng cây gậy lên non
Trải qua hòn đá, lên từng bậc thang
Lên nhìn trên đỉnh non ngàn
Nhìn ra để thấy giang san vô ngần
Ta nhìn trở lại trong thân
Để ra ta biết trong thân Phật ngồi!

Nguyên Thảo,
23/02/11

Saturday, March 5, 2011

Đạo Phật 11- Đừng Mơ Tưởng...!

(Hay: Kinh Người Biết Sống Một Mình).

Tôi không hiểu vì sao, hoặc là do nghiệp chướng nào từ kiếp xa xưa, khi tôi bắt đầu lớn lên, tôi không thấy mình an tâm, trước mắt mình như có một màn gì mờ mờ ảo ảo. Tôi làm việc gì thường hay bỏ dở vào giai đoạn sau cùng và lúc nào cũng mang tâm trạng chán nản, mông lung..!
Con người tôi không thực mà cũng chẳng hư. Từ đó ý tưởng, cách sống của tôi nó như là hư hư thực thực, Có người bạn cay cú đùa tôi “sống không ra sống, chết không ra chết”. Chính từ điều ấy, lúc nằm trên giường bệnh tôi cố gắng bỏ đi mọi phiền não, và định lại tâm mình, tôi mới hiểu cái tâm lý của người tu thiền của một vài phái thiền: Ai cũng mong muốn, cầu được nhanh chóng giải thoát khỏi cảnh khổ đau, luân hồi, trầm luân của thế gian. Nhưng đâu phải một ngày, một buổi! Để rồi mình “mê” ngồi thiền bỏ con cái “bơ vơ” hay bê trễ công ăn việc làm mà cầu mong cho chính mình giải thoát!
Trong thế gian nầy người thật thì ít, người giả thì nhiều, đây là một thế giới lẫn lộn người và ma, là một trường thi mà con người cần tiến tu để trở về với chân tâm giác ngộ giống như Hòa Thượng Thích Tâm Thanh (Đại Ninh- Lâm Đồng) đã giảng trong cuồn băng ghi âm “Tương quan giữa sự sống và chết”: Trong thế giới của ta có bốn châu ở chung quanh núi Tu Di: Bắc Câu Lư Châu, Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hoá Châu và cõi Nam Diêm Phù Đề (là cõi mà chúng ta đang ở). Người ở Bắc Câu Lư Châu, Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hóa Châu rất là thông minh, họ giàu sang sung sướng; Nhưng nếu họ muốn thành Phật thì họ cũng phải tái sanh về cõi Nam Diêm Phù Đề của chúng ta, vì chỉ ở cõi Nam Diêm Phù Đề mới có Phật Pháp. Cho nên muốn được thân người ở cõi Nam Diêm Phù Đề đã là khó rồi (thân người khó được) mà làm người tu hành lại càng khó hơn. Từ ý ấy, tôi đã để ý lại chuyện con mối cánh từ tổ bay ra, để rồi rụng cánh cắn đít dẫn nhau về tổ để được làm mối chúa; giống như con người rời cõi Thanh Tịnh, Chân không Diệu hữu để hiện thân làm người, chịu khổ đau, tu hành được trở về “nơi chốn cũ” mà thành bậc Giác Ngộ, thành Phật. Nhưng trong Kinh Viên Giác, Đức Phật lại ví dụ rõ hơn: Tâm thức ta từ trong cõi thanh tịnh, trong sáng, vì vọng tưởng khởi lên, vì u minh che lấp sự sáng suốt nên ta muốn có thân, rồi từ thân có giác quan (lục căn), tiếp xúc với sáu trần, có sáu thức, rồi sanh ra Dục Ái nên mới bị triền miên luân hồi; giống như quặng của vàng, chưa tập hợp, còn rời rạc trộn lẫn với đất đá, tạp chất. Khi tu hành giống như quặng được tôi luyện và khi quặng vàng đã trở thành vàng ròng là lúc chúng ta trở thành Phật. Lúc ấy vàng sẽ không bao giờ là quặng nữa. Qua ví dụ ấy cho ta thấy sự “vô minh” là sự “tất có”, để quặng trở thành vàng. Và chúng sanh lặn hụp trong luân hồi là điều “hiển nhiên”. Ai cũng phải vào biển khổ, ai cũng phải lội xa bờ, nhưng xa nhiều xa ít, chìm đắm nhiều chìm đắm ít tùy theo sự “thích chơi” hay “căn cơ” của mọi người. Giống như một trò chơi: Con người ai cũng từ nơi ấy, đi qua các giai đoạn như nhau, để rồi trở về nơi chốn cũ với một tính cách trưởng thành hẳn lên. Chỉ khác nhau là nếu tôi thích chơi trong biển khổ thì tôi sẽ ở lâu hơn, lội xa hơn, đường về sẽ gian nan hơn; còn bạn chán sớm thì bạn lên bờ sớm, bạn trở thành Phật trước tôi. Chỉ có vậy thôi! Nhưng bao giờ ý nguyện, nguyện lực của mình cũng vẫn là quan trọng. Lúc xưa khi đi làm chung với bạn bè, có anh bạn bảo rằng “mình muốn cái gì thì sẽ có cái nấy, mình muốn xe thì mình ráng làm, để dành tiền thì có xe; muốn nhà thì có nhà; muốn đi chơi thì sẽ đi chơi; muốn có vợ bé thì có vợ bé”. Đúng là như vậy, ý muốn của mình là quyết định tất cả! Mình muốn thiện thì mình sẽ làm các việc thiện, giúp ích cho đời, cho xã hội, cho người. Mình muốn làm việc ác thì mình sẽ tạo ác, gây rối cho xã hội, cho người, cho mình. Và trong cuộc luân hồi mình muốn thoát ra khỏi thì mình sẽ “dứt khoát” phải tìm đường ra, nguyện lực tu hành sẽ dũng mãnh và mình sẽ là một “Bất Thối Bồ Tát” không sai. Nếu mình còn muốn chơi tiếp tục mà người khác cứ mãi đến lằng nhằng khuyên răn, mình sẽ “chán ngấy” và đôi khi mình sẽ lôi họ để bắt họ chơi cùng với mình cho “bỏ ghét”. Mới đây, khi vào chùa Pháp Hoa, tình cờ tôi thấy được “Kinh Người Biết Sống Một Mình” do Thiền Sư Thích Nhất Hạnh dịch. Tôi cũng muốn tìm hiểu cùng bạn để chúng ta có thể hiểu xa hơn được chút nào không trên con đường tu tập và nếp sống của mình.
Đừng tìm về quá khứ
Đừng tưởng tới tương lai
Quá khứ đã không còn
Tương lai thì chưa tới
“Này Quý Thầy, sao gọi là tìm về quá khứ? Khi một người nghĩ rằng: Trong quá khứ hình thể ta từng như thế, cảm thọ ta từng như thế, tư tưởng ta từng như thế, hành nghiệp ta từng như thế, nhận thức ta từng như thế. Nghĩ như thế và khởi tâm ràng buộc quyến luyến về những gì thuộc về quá khứ ấy, thì người ấy đang Tìm về quá khứ”. “Này Quý Thầy, sao gọi là không tìm về quá khứ? Khi một người nghĩ rằng: Trong quá khứ hình thể ta từng như thế, cảm thọ ta từng như thế, tư tưởng ta từng như thế, hành nghiệp ta từng như thế, nhận thức ta từng như thế, Nghĩ như thế và không khởi tâm ràng buộc quyến luyến về những gì thuộc về quá khứ ấy thì người ấy đang Không tìm về quá khứ”.
Có một lần tôi đã kể lại cùng bạn một sự tất nhiên của ký ức về quá khứ. Ai, dù ít dù nhiều, khi về già đều có sự ôn lại cái quá khứ mà mình đã trải qua: Có quá khứ oanh liệt, có quá khứ thảm sầu, có quá khứ đẹp như mơ, mà cũng có quá khứ khốn cùng, mỗi người mỗi nét, mỗi người mỗi vẻ. Nhưng chung quy, quá khứ bao giờ cũng là “kỷ niệm dấu yêu” dù nó có đầy thương đau đi nữa, là “cái gì” được ta trân trọng gìn giữ nó.
Nhiều lúc trong các câu chuyện “Trà dư tửu hậu” ai cũng đều có kỷ niệm thật đẹp về tình yêu trai gái, của thời ấu thơ phá phách, của thời kỷ niệm làng quê hoặc thời vàng son lưu luyến. Người kể rất là say sưa như muốn chìm đắm trở lại trong các kỷ niệm ấy, và đôi lúc họ muốn, họ có nguyện lực trở lại nơi ấy, hoặc sẽ gặp người ấy nếu có kiếp “lai sinh”. Ấy là tự mình ràng buộc mình, thúc đẩy tâm thức mình một hứa hẹn kiếp sau. Điều mình mong muốn, quyết muốn thì mình sẽ được. Thế là ta lại “được” một kiếp nữa trong cõi luân hồi. Đấy là điều mà Đức Phật nói “Nghĩ như thế và khởi tâm ràng buộc quyến luyến về những gì thuộc về quá khứ ấy, thì người ấy đang tìm về quá khứ”.
Và nếu ta ngồi ôn lại cuộc đời đã qua để tách ra điều thiện, điều ác, tốt xấu, đúng hay sai rồi mình tự ăn năn, sám hối, tu tịnh hầu giải bớt “nhân kiếp sau” và hành trang “cận tử nghiệp” còn ít lại chừng nào thì đường về xứ Phật ta sẽ nhẹ nhàng và nhanh chóng chừng nấy. Vì vậy mà “Nghĩ như thế và không khởi tâm ràng buộc quyến luyến về những gì thuộc về quá khứ ấy, thì người ấy đang Không tìm về quá khứ”.

Còn về tương lai thì sao?
“Này Quý Thầy, sao gọi là tưởng tới tương lai? Khi một người nghĩ rằng: Trong tương lai hình thể ta sẽ được như thế kia, cảm thọ ta sẽ được như thế kia, tư tưởng ta sẽ được như thế kia, hành nghiệp sẽ được như thế kia, nhận thức ta sẽ được như thế kia. Nghĩ như thế và khởi tâm ràng buộc và mơ tưởng về những gì thuộc tương lai ấy, thì người ấy Đang tưởng tới tương lai”.
“Này Quý Thầy, sao gọi là Không tưởng tới tương lai? Khi một người nghĩ rằng: Trong tương lai hình thể ta sẽ được như thế kia, cảm thọ ta sẽ được như thế kia, tư tưởng ta sẽ được như thế kia, hành nghiệp sẽ được như thế kia, nhận thức ta sẽ được như thế kia. Nghĩ như thế mà Không khởi tâm ràng buộc và mơ tưởng những gì thuộc về tương lai ấy, thì người ấy đang Không tưởng tới tương lai”.
Mình không bằng lòng với cuộc đời hiện tại nầy của mình hoặc mình không ưng ý với những điều kiện mà mình đã nhận lãnh, đã có từ trước đến nay, để rồi ta mơ ước, nếu có một kiếp sau, một kiếp lai sinh mình sẽ là như thế này thế khác. Đấy là một “ý nguyện cứng chắc”, nó sẽ được thành tựu và rồi ta lại đưa ta vào một kiếp nữa trong vòng luân hồi triền miên. Đó không phải là điều của người Trí trong Đạo Phật, mà chỉ là một sự u mê để kéo dài cuộc luân hồi của mình thêm ra. Do vậy sự đoạn quá khứ, và đoạn tương lai là một điều cần thiết để chúng sinh nhanh chóng thoát khỏi cảnh luân hồi. Cũng cùng ý nghĩ ấy tôi đã viết: “Còn việc trong khi “miễn cưỡng” diễn trò mà tâm hồn chán nãn, thì vừa “diễn trả nợ” lại vừa thối lui.. tìm con đường tu để không gây nhân nữa mà chỉ lo trả nợ cũ thôi. Khi hết nợ, ta sẽ ung dung tự tại, đứng ngoài lề cuộc chơi, rời khỏi dòng nước lôi cuốn của luân hồi”.
Vả lại, với một tinh thần thoải mái hơn ta tự hỏi ta quyến luyến quá khứ để làm gì? Ta có quyền nhớ lại, kể lại như là một kỷ niệm vui chơi, chứ luyến nhớ để làm gì? Ta nhớ lại người yêu xưa để chi? Ta dù nhớ thương cách mấy, thì cũng không thể xoay thời gian trở lại được. Thôi thì việc gì qua cứ để nó qua luôn, đừng lấy nó để bận lòng, còn trăm ngàn việc khác phải lo.
Và với tương lai ta chưa biết ra sao? Dù mơ ước thế nào đi nữa thì nó cũng chưa tới mà nếu nó tới mà không đúng với điều ta mơ ước, như vậy càng làm cho ta khổ hơn. Vậy thì nghĩ đến tương lai để làm gì?
Hãy quán chiếu sự sống
Trong giờ phút hiện tại
“Này Quý Thầy, Thế nào gọi là bị lôi cuốn theo hiện tại? Khi một người không học, không biết gì về Phật, Pháp, Tăng, không biết gì về các bậc hiền nhân và giáo pháp của họ, không tu tập theo giáo pháp của các bậc hiền nhân, cho rằng hình thể nầy là mình, mình là hình thể nầy, cảm thọ này là mình, mình là cảm thọ này, tư tưởng này là mình, mình là tư tuởng này, hành nghiệp này là mình, mình là hành nghiệp này, nhận thức này là mình, mình là nhận thức này thì khi ấy người đó Đang bị lôi kéo theo hiện tại”.
“Và này Quý Thầy, thế nào gọi là không bị lôi cuốn theo hiện tại? Khi một người có học, có biết về Phật, Pháp, Tăng, có biết về các bậc hiền nhân và giáo pháp của họ, có tu tập theo giáo pháp của các bậc hiền nhân, không cho rằng hình thể này là mình, mình là hình thể này, cảm thọ này là mình, mình là cảm thọ này, tư tưởng này là mình, mình là tư tưởng này, hành nghiệp này là mình, mình là hành nghiệp này, nhận thức này là mình, mình là nhận thức này thì khi ấy người đó đang không bị lôi kéo theo hiện tại.
“Đó tôi đã chỉ cho Quý Thầy biết đại cương và giải thích cho Quý Thầy nghe về Thế nào là người biết sống một mình”.
Quả thực, con người bị lôi cuốn, lôi cuốn quá nhiều trong cuộc sống. Đối với các quốc gia Đông phương mức độ bị lôi cuốn hãy còn chậm chạp hơn. Xã hội văn minh, tiến bộ vật chất chừng nào thì dòng chảy càng mạnh chừng nấy: Vì ta phải ráng lo làm để đáp ứng vào mọi chi phí do các tiện nghi cung cấp trong xã hội. Ta cứ mãi chạy theo thời gian và tiền bạc, đôi lúc ta cảm thấy rằng ta đã quên đi bản thân mình.
Nếu đứng về phương diện tinh thần ta đã bị lôi cuốn vào cuồng lưu luân hồi, lúc nào ta cũng đều có “các căn” nhìn vào “các trần” để ta cảm nhận được qua “các thức” rồi sanh ra Tham Dục Ái. Có tham có dục thì ta phải làm kiếm tiền, hay tìm đủ mọi cách để tạo hoặc chiếm hữu cho được, rồi thích hay không thích mà sanh tâm phiền não hay tiếp tục kiếm thêm.
Và ở đây Đức Phật chỉ cho chúng ta thấy: Đối với người không biết Đạo, không hiểu về giáo pháp, họ cứ mãi cho rằng thân thể nầy là họ, mà họ chính là thân thể nầy, cũng cùng ý như vậy họ sẽ nhận cảm “thọ”, tư “tưởng”, “hành” nghiệp, nhận “thức” chính là họ hay họ được thể hiện qua các hình thức đó.
Còn đối với những người có học, có biết về Phật, Pháp, Tăng, có tu tập thì họ hiểu được thân mình là giả tạm, thân tứ đại vô thường, họ cần có thân xác chỉ là để trưởng dưỡng cái “huệ mạng” mà thôi, thì họ không cần thiết phải ăn ngon, mặc đẹp, không phải tranh giành hay dùng mọi cách, mọi thủ đoạn để chiếm hữu cái ngon nhất, tốt nhất, êm nhất, ấm nhất cung phụng cho cái thân xác hoặc chính vì muốn nuôi thân xác mà họ lại đày đọa thân xác: Phải làm thật nhiều, phải làm thêm giờ (overtime), phải tranh thủ thời gian để kiếm được nhiều tiền, có để mua thức ăn ngon, quần áo đắt tiền... cung phụng cho thân xác và cuộc sống. Từ nơi hiểu được thân là vật không tồn tại vĩnh viễn, mà cái Tâm, “cái Biết” của mình mới thật sự là mình, cho nên xúc, thọ, tưởng, hành, thức được sinh ra từ thân giả tạm thì chúng cũng là giả tạm, thân không còn thì chúng cũng sẽ không còn.
Từ đó, ta mới an trụ lại thân tâm, đứng yên lại mà nhìn dòng đời trôi qua, nhìn mọi việc xảy ra giống như một màn kịch; hoặc là ta ngồi xuống, lắng lòng lại, suy nghĩ và quyết định tu hành, để ăn năn sám hối, để chuộc lại những sai lầm trước kia, và nhìn lại những việc Thiện, việc tốt đã làm mà lòng thanh thản hơn thêm,.. Cho nên Đức Phật mới nói tiếp:
“Kẻ thức giả an trú
Vững chãi và thảnh thơi
Phải tinh tiến hôm nay
Kẻo ngày mai không kịp
Cái chết đến bắt ngờ
Không thể nào mặc cả
Người nào biết an trú
Đêm ngày trong chánh niệm
Thì Mâu Ni gọi là
Người biết sống một mình”.



Nguyên Thảo,
10-09-01.

Viết!

"Thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý"! Cổ nhân ngày xưa đã có nhận xét thế đấy, mà quả đúng là như vậy! Viết không thể diễn tả được hết lời; những lời diễn đạt cũng chưa nói hết được cái ý mình đã nghĩ ra. Đôi khi sự trình bày còn có thể bị người khác hiểu lầm mà sinh ra nhiều cớ sự không hay.
Viết là để diễn tả những gì mà mình đã suy nghĩ, mong muốn diễn đạt đến cho người đọc thấu hiểu những điều mình muốn truyền lại bằng chữ viết qua bút mực được ghi lại trên giấy. Viết là để giải bày tâm sự, gởi gấm những kinh nghiệm, đúc kết những kiến thức mà người viết cố tình lồng vào đó. Thế cho nên viết bao giờ cũng có những mục đích của nó. Người ta không thể viết khơi khơi, viết lan man trong một thời gian dài ngắn nào đó cho một điều vô ích, ít ra là ngay chính đối với con người đã viết.
Cái mục đích viết rất là bao la. Từ một ý tưởng thiện để phổ biến tư tưởng nhằm giúp con người, cuộc sống được tốt, "gợt" bỏ bớt những điều xấu, bất thiện; xây dựng mối quan hệ trong xã hội được bền chắc, hạnh phúc hơn... Cũng nhằm trang bị cho tinh thần một quan niệm, niềm tin mà người ta mệnh danh là "Thánh thiện" (thực hiện theo đó để nhân cách con người có đủ tiêu chuẩn thiện, nhân từ, đức độ của các bậc hơn người mà người ta đã coi như là bậc Thánh). Viết cũng nhằm tìm cho mình một sự thỏa mãn, thỏa thích trong việc phổ biến những quan niệm, tư tưởng, kiến thức về xã hội cũng như khoa học,... mà mình đã khám phá ra được. Đó là những mục đích hướng thiện của sự viết. Nương nhờ vào sự viết để giúp ích cho đời, cho mọi người trong xã hội để tạo cuộc đời được tốt đẹp, công bằng, hợp lý. Viết cũng là một hình thức cầu danh, nhưng cầu danh ấy, nó có đạt được hay không tùy theo mục đích của người viết. Tuy nhiên, do những điều, nội dung viết của người viết có được nhiều người đọc chấp nhận, tán đồng, khen ngợi thì sự cầu danh đó có đến với người viết hay không? Viết cũng không đơn giản! Viết để đả kích, viết để moi móc, viết để tình hình càng thêm rối ren, viết để thỏa mãn hận thù trong lòng của mình, viết để những ngưòi đọc hiểu và ghét những người mình căm ghét, viết để tuyên truyền cho một chủ nghĩa, một thể chế chính trị,... Tất cả cũng đều là viết! Viết cũng là hình thức để trút bỏ, hoặc gieo mầm mống hận thù, đầy đủ tính chất hỉ, nộ, ái, ố của chính người viết, hay nói một cách khác đi "Văn tức là người". Đọc một bài văn, một bài thơ, một bài viết, mặc dù không ngồi đối diện với người viết, nếu người đọc tinh ý một chút sẽ có thể hiểu được tâm tính của người viết một phần nào. Họ muốn lôi cuốn độc giả vào sự hờn căm, ghét bỏ, hận thù. Họ muốn độc giả vào nhóm với họ. Những từ ngữ họ sử dụng biểu hiện được nét văn, tâm tính, con người của họ. Những từ ngữ ấy sẽ cay cú, dữ dội theo cường độ hận thù hoặc bao dung, hòa giải, tha thứ. Ngôn ngữ được sử dụng theo từng bậc thang với tâm địa, tư tưởng của họ.
Viết là sự giải bày trên trang giấy hẳn hoi. Người xưa nói: "Một lời nói nói ra, bốn ngựa khó mà đuổi theo", thì viết giống như "đinh đóng cột". Nếu đã viết, đã phổ biến thì không thể thu hồi lại được nhất là nội dung của nó đã đi vào nhận thức của những độc giả đọc được chúng rồi. Độc giả khi đọc thì cũng không đơn giản chỉ tiếp thu nội dung không thôi, mà còn kèm theo tư tưởng bình phẩm: "A! Tay nầy viết coi được đây! Có nhiều nhận xét tinh tế! Khá thiệt!". Tuy nhiên, đôi khi, có những nhận xét đau lòng: "Ồ! Tưởng gì, nó chỉ là bươi móc chứ không xây dựng chút nào. Nó viết để chửi xéo người nó ghét đó. Lòng nó đầy căm hận thành ra nó phải nói để vơi đi những ấm ức mà nó cưu mang; đồng thời nó muốn người ta chửi kẻ nó thù dùm nó. Nó cũng khôn ngoan thiệt! Nhưng rất tiếc với lời lẽ như thế đó, ngày xưa ba má nó cho nó đi học chi cho uổng, thà cho nó đi học chửi lộn ngay từ nhỏ thì hay hơn! Nó không biết đem cái học để giúp ích cho mọi người, cho đời. Nó không biết viết cái gì hay hơn sao, viết có nhiều mục đích lắm mà, viết cũng có nhiều cách lắm kia. Thế mà nó viết như vậy! Ôi! Tội nghiệp cho những thằng trí thức mất dạy!". Quả thật là đau! Đau quá đi thôi!
Cho nên cái viết trở nên quan trọng vô cùng. Viết có thể đem lại hạnh phúc cho người khác. Viết cũng còn khiến người khác học hỏi, hoặc thay đổi tâm tính, sửa đổi con người một cách êm thấm mà người ta vui vẻ, hân hoan chấp nhận. Viết cũng có thể làm cho người ta trở nên giận "đùng đùng", thiếu điều "ăn gan uống huyết" người viết được, thì người ta cũng làm. Viết như vậy, thì quả là quán quân trong nghề viết!
Viết cái gì? Tất nhiên, người muốn viết trước khi viết đã phải suy nghĩ khá nhiều: Viết cái gì đây? Viết thế nào? Văn hay thơ? Nhằm mục đích gì? Từ đó, người viết mới bắt đầu đi vào sự viết của mình, có khi họ phải tìm tài liệu, đọc ngấu nghiến trong nhiều ngày, rồi chọn, rồi nặn óc, sắp xếp chúng lại thành hệ thống. Viết xong, phải đọc lại thêm thắt, sửa chữa. Khi phổ biến ra chưa chắc được người đọc hoan nghinh. Nếu được hoan nghinh thì coi như bước đầu của sự thành danh đã có, nó chỉ còn đợi những bước kế tiếp của người viết nữa mà thôi!
Cũng có trường hợp ngoại lệ để nổi tiếng "ngang xương" như những "con người" viết những bài chửi người khác. Những bài ấy gây ồn ào trong dư luận quần chúng khá nhiều. Không phải vì giá trị, mà chính là sự moi móc, sĩ nhục người khác khiến người ta quan tâm đến giống như xem một đám chửi lộn giữa chốn đông người. Nó tạo nên ồn ào, rồi người ngoài cũng bênh bên nầy, hay bên kia. Cuối cùng một đám đông người chia rẽ, "ghìm" lẫn nhau. Đó là hậu quả, một hậu quả bi đát! Kết quả ấy là sự thành công của người viết, nhưng không biết người viết ấy làm như thế để nhằm mục đích gì? Cho mưu đồ chính trị hay cho ai? Cho phe nhóm nào? Điều ấy không đơn giản! Nhưng chắc chắn, người viết không thể không có mục đích, chủ ý. Mục đích và chủ ý đó là gì? Xem như vậy, cái viết có tác động ghê gớm thật đấy chứ! Thế cho nên người ta mới xem hình thức viết cũng là một hình thức để tuyên truyền, xách động.
Viết xuất hiện ở mọi nơi, ở trên mọi lĩnh vực kể cả thiện và ác. Viết để phục vụ cho mưu đồ từ trong tôn giáo cho đến chính trị; từ thánh thiện cho đến tội ác, âm mưu. Cái viết tùy theo tâm địa con người, tâm tốt thì cái viết trở nên có mục đích tốt, tâm địa xấu xa thì cái viết trở thành xấu xa, gây tác hại cho xã hội loài người cũng không nhỏ. Điều đó chắc chắn người viết khi cầm viết để viết, họ đã hiểu được như vậy. Thế nhưng, họ còn tiến vào con đường đó thì đó là chủ đích của họ với một âm mưu nào đó hay của tổ chức, thế lực đứng sau lưng mà họ đã làm tay sai. Người viết có khi bán linh hồn của mình để cầu miếng ăn, miếng đỉnh chung, danh vọng cũng nên. Thành thử cái viết không đơn giản chút nào! Nhưng, may mắn thay số người biết cầm viết thiếu tri thức, trình độ, ý thức, vô loại như thế đó không nhiều, cho nên tác hại chưa đến đổi quá ư là phiền phức.
Không có sự "vô duyên" nào bằng dùng ngòi bút, trình độ học vấn của mình để viết lên những bài chửi người khác mà lại bắt bao nhiêu người phải đọc. Mà độc giả cũng chưa hẳn là ngu muội để đến đổi tin vào điều hắn viết mà thiếu kiểm chứng. Đó là một sự "khinh miệt" độc giả thái quá! Khinh thường độc giả "dốt nát" nhằm lôi cuốn độc giả vào âm mưu, mục đích của chúng, kể cả người chuyển tải những bài viết ấy. Đó là một sự đồng thuận, toa rập nhầm làm "hoa mắt" độc giả để cùng nhau lôi cuốn độc giả vào sự "ngu muội" mà chúng giăng ra. Không khéo cả một tập thể bị lôi kéo vào sự xung đột triền miên, mà cái lợi cho những kẻ bên ngoài giống như "bạng duật tương trì, ngư ông đắc lợi" (ngao cò tranh nhau, người bắt cá được lợi) vậy!
Âu đó cũng là một bài học quý giá mà cái viết thực là chẳng đơn giản chút nào. Cái viết khiến cho chúng ta cần có nhiều suy nghĩ và đắn đo cẩn thận trước khi viết một điều gì, nhất là viết những bài để chửi người khác. Phải không anh bạn nhỉ?

Đồ Ngông,
14-12-06.

Thơ Đó, Thơ Đây! (tt)

* Cô Bé Dân Tộc. (Sapa- Lào Cai)

Sao bé ngồi riêng cứ một mình
Cớ chăng ta hỏi bé làm thinh?
Thì ra bé chẳng nhiều tiếng Việt
Ta hỏi, cho nên bé nín thinh!

Đồ Ngông,
30/07/10.



* Bà H’Mong Bán Hàng. (Sapa- Lào Cai)

Bà bán chi đây, mũ với quà
H’Mong, Dao đỏ cứ đưa ra
Bao nhiêu? Cứ nói và ra dấu
Ta cứ mà vui đấu với bà!

Đồ Ngông,
30/07/10.



* Chụp Ảnh. (Sapa- Lào Cai)

Chụp ảnh cùng nhau: Tộc với kinh
Rồi ra xem rõ bọn đôi mình
Bắc Nam, Kinh Thượng đều người cả
Có khác cùng nhau chỉ ngoại hình!

Đồ Ngông,
30/07/10.

Thơ Đồ Ngông (tt)

* Lại Ông Trời!

Thiên tai lại đến nữa rồi
Nước dâng bão lũ, nước trôi ngập đồng
Trên trời dưới nước mênh mông
Cho người mắt sáng, để nhìn trên cao
Ông Trời nhân đức gì đâu?
Chẳng qua là “Gã” giết người chẳng nương
Thế mà cũng lại thảm thương
Người ta cứ nghĩ Trời thương con người!

Đồ Ngông,
03/03/11.



* Thiên Tai!

Ông Trời nỗi hứng giết chơi
Giết cho chết hết người đời đáng thương
Đã rồi mưa bão ngàn phương
Lại thêm động đất tiêu tan cửa nhà
Thôi hồi núi lửa phun ra
Sóng thần nối tiếp, hồn ma chập chờn
Những ngày nóng lạnh gay hơn
Trăm, ngàn dịch bệnh; nỗi hờn nhân sinh
Bao nhiêu suy nghĩ phận mình
Sao đời lắm khổ, ông Trời thấy chăng?

Đồ Ngông,
04/03/11.