Monday, May 30, 2011

*Thơ Đồ Ngông (tt)

* Đời!

Cuộc đời lắm kẻ lọc lừa
Gian manh, điêu trá thế nhân khó ngờ
Kẻ thì núp bóng ngây thơ
Người thì đội lốt lòng nhân có thừa
Giết nhau vì cái mưu cầu
Hại nhau vì cái “Lấy người lợi ta”!

Đồ Ngông,
28/04/11.



* Nhân Gian.

Thế gian có lắm sự buồn
Ngồi nghe tiếng vọng ru hồn lê thê
Không gian có một lối về
Cứ loanh quanh mãi, chán chê mệt nhoài
Thói đời ngụp lặn loay hoay
Chìm trong khát vọng, mà quên nẽo về!

Đồ Ngông,
31/05/11.

Sunday, May 22, 2011

*Quê Hương 2: Một Biểu Tượng Cho Quê Hương!

Bạn trẻ ơi!
Nhiều tuần trước em đã có xem truyền hình và đọc báo không? Tôi không biết trên truyền hình hay báo tiếng Anh có đề cập đến vấn đề Việt nam ký Hiệp ước biên giới và lãnh hải với Trung quốc không? Chứ tôi đọc báo tiếng Việt mà tôi thấy đau lòng. Đồng thời, cũng trong tờ báo đó đề cập đến sự mừng rỡ của toàn dân chúng Nhật chào mừng vợ Thái tử sinh con, dù đó là đứa con gái. Một chuyện vui và một chuyện buồn của hai dân tộc!
Đối với dân Nhật, họ xem họ là con cháu của Thái Dương Thần Nữ, tức là vị Nữ Thần cai quản mặt trời mà dòng họ Thiên Hoàng là dòng họ thay thế Nữ Thần để cai trị, điều khiển dân Nhật; cho nên dân Nhật đoàn kết chung quanh Thiên Hoàng mà xây dựng cho một nước Nhật. Từ đó dân Nhật dũng cảm, gan dạ, sẵn sàng hi sinh cho nước Nhật không có gì là lạ cả. Và dòng họ Thiên Hoàng cũng định được vị trí của mình thay thế Thần Nữ để chăm sóc cho dân, nên dân Nhật có được nhiều thời kỳ hạnh phúc. Thế nhưng, sau nầy Thiên Hoàng không còn trực tiếp điều khiển mọi việc nữa, mà chỉ còn là một hư danh. Thiên Hoàng chỉ là vua Đại Diện cho dân Nhật như là một biểu tượng và mọi quyền hành đều do Thủ Tướng và chính phủ của ông ta điều hành đúng theo chế độ Quân chủ Lập hiến.
Tuy nhiên dân Nhật có những bản sắc của nó. Về phương diện địa lý có nhiều điều may mắn lẫn không may. Điều không may đối với nước Nhật là nước Nhật chỉ là các hải đảo, có nhiều núi lửa và thường xuyên bị động đất thuộc vùng nằm trên vòng đai lửa Thái Bình Dương; vả lại nước Nhật cũng hiếm về các tài nguyên. Bù lại nước Nhật vì là hải đảo nên cũng ít bị chiến tranh, đời sống được an bình để lo xây dựng cuộc sống và đất nước. Với sự sáng suốt của Thiên Hoàng, nước Nhật đã mở cửa tiếp xúc với các nước phương Tây từ khi chiến hạm Mỹ tiến vào, cho nên nước Nhật đã phát triển rất sớm. Trong lúc đó ở Việt Nam, vua Minh Mạng nhà Nguyễn lại bắt đầu bế quan, đất nước ta không những không tiến được mà còn bị đế quốc Pháp dùng súng ống, vũ lực chiếm đất đai và đưa nước ta vào vòng nô lệ.
Chắc em đã có lần nghe được bài hát "Gia tài của mẹ" của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày..". Người nhạc sĩ nầy đã tóm gọn được những thời kỳ đen tối của quê hương ta. Và cho đến bây giờ bọn bành trướng phương Bắc cũng không hề quên lãng đất nước ta dù thế giới đang ở vào thời đại văn minh của thế kỷ 21. Em cứ để ý đến cái tên Trung quốc của họ: Họ là nước ở ngay chính giữa, là trung tâm. Trong thời gian dài lịch sử từ nước Tần cho đến Hán đã từng dùng quân để chiếm đoạt các nước yếu lân cận để thành lập nước Trung quốc ngày nay. Kể cả các nước khác như Mãn Châu, Mông Cổ dù chiếm được hoặc cai trị nước Tàu, nhưng lãnh thổ hay một phần đất nước cũng sáp nhập vào nước Tàu. Văn minh Trung quốc có những nét đặc thù, và cũng là một trong những nền văn minh sớm của nhân loại. Nó ảnh hưởng lớn đến các nước Mông Cổ, Mãn Châu, Triều Tiên, Nhật và Việt Nam. Họ coi họ là người văn minh, các nước chung quanh là những dân mọi hoặc rợ, do đó mà các từ ngữ như Đông di, Tây nhung, Nam man và Bắc địch xuất hiện. Việt nam dưới mắt Trung quốc là Nam man và bây giờ Trung quốc chỉ nhìn Việt nam là một tỉnh của Trung quốc bị mất về tay đế quốc Pháp, họ muốn thu hồi trở lại. Vậy thì, em nghĩ thế nào? Trung quốc có để cho Việt Nam chúng ta yên không? Tư tưởng thể hiện ra hành động. Sự lấn chiếm, áp chế từ ngoại giao cho đến vũ lực đó là manh tâm của bọn "bành trướng phương bắc". Trung quốc càng mạnh chừng nào thì họ lại càng "ù lì" với dư luận quốc tế chừng nấy. Chắc chắn một ngày nào đó họ sẽ sử dụng đến giải pháp Tây Tạng của khoảng 50 năm trước một lần nữa đối với Việt nam.
Bạn trẻ ơi!
Các em là thế hệ trẻ, thế hệ nồng cốt của quê hương, dù ở hải ngoại hay trong nước các em hãy luôn nhắc nhỡ với lòng mình: Ta còn có một quê hương. Quê hương ta có một kẻ thù to lớn, mạnh bạo lúc nào cũng lăm le chiếm đoạt đất nước của mình. Hơn 1000 năm lệ thuộc Tàu, giặc Tàu đã tàn phá mọi nền văn minh và văn hóa của ta, du nhập vào nước ta phong tục, tập quán, văn học, chữ viết hầu biến dân tộc ta thành Tàu. Điều ấy khiến nước ta đến bây giờ chỉ còn có mỗi trống đồng Đông sơn. Câu chuyện Lạc long, Âu Cơ cũng có nguồn gốc từ Tàu, Lạc Việt cũng từ gốc Tàu. Người Tàu phong kiến cai trị nhằm phá bỏ mọi thứ đặc trưng của dân tộc Việt. Nhưng, em hãy quan sát đi. Người Việt chúng ta đến nay vẫn có những nét đặc thù của nó. Nó vẫn không phải là Tàu dù hơn ngàn năm bị đô hộ. Sự giao lưu văn hóa của mọi vùng trên thế giới là một sự tất nhiên, Việt nam chịu ảnh hưởng Trung hoa là điều phải có; Trung quốc lấy điều ấy để chiếm đất, chiếm biển là hành động của "bọn côn đồ" ở vào cuối thế kỷ 20, đầu 21. Các bạn trẻ ơi! Em hãy vùng lên với tinh thần bất khuất của dân tộc..!
Người Do Thái vì một quê hương, không từ nan một giải pháp mạnh bạo nào, kể cả vũ lực chống lại khối Ả Rập, nếu cần phải mở rộng chiến tranh. Người Do Thái bên ngoài sẵn sàng yễm trợ với bất cứ giá nào. Người Palestine vì một quê hương không từ nan làm "bom cảm tử" kể cả đàn bà, con gái. Thế còn ta? Hãy chuẩn bị ngay từ bây giờ và cho mọi thế hệ đi em nhé! Kẻ thù quê hương ngay bên cạnh quê hương ta!
Em có thấy không? Nước Nhật nhỏ, nhưng đã mấy phen làm cho Trung quốc kinh hoàng. Điều ấy nhờ vào sự may mắn của nước Nhật: Có được Thiên Hoàng chăm sóc cho dân, dân đoàn kết bên cạnh Thiên Hoàng làm xứng danh là con cháu Thái Dương Thần Nữ, Thiên Hoàng biết mở cửa canh tân đất nước, cùng sự tinh tiến về tinh thần của người Nhật. Em có biết gì về những nét của người Nhật mà ta cần lưu tâm, học hỏi không? Chẳng hạn như: Võ thuật người Nhật nâng lên thành Đạo (Kiếm sĩ Đạo, Võ sĩ Đạo), uống trà thành Trà Đạo, thú chơi cây kiểng thành nghệ thuật Bonsai, nghệ thuật cắm hoa, lòng yêu nước thành Đội cảm tử Thần Phong, hoặc tinh thần Võ Sĩ Đạo... Vả lại, nước Nhật cách xa Trung quốc bằng vùng biển, nên Trung quốc chưa hề "thả vòi đế quốc" đến được nên nước Nhật được an bình và trở nên hùng mạnh. Trong thời Đệ Nhị Thế Chiến quân đội Nhật đã tạo vết nhơ lên lịch sử Trung quốc, thế mà bọn "bành trướng Trung quốc" chưa thấm thía lại muốn gây hấn vào lịch sử Việt nam.

"Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư"


(Dịch nghĩa:
"Núi sông nước Nam thì vua nước Nam ở. Rõ ràng phận đã định ở trong cuốn sổ trời. Làm sao bọn giặc lại lấn cướp (đất của ta)? Chúng mày rồi xem sẽ bị thua bại hết"-(Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu, trang 239).
Các bạn trẻ ơi! Các em hãy thấm nhuần bài thơ nầy của Lý Thường Kiệt, danh tướng thời Lý xa xưa, và cố tìm đọc bài "Bình Ngô Đại Cáo" của cụ Nguyễn Trãi để hiểu được Tổ Tiên ta vững lòng giữ nước.

Hỡi các em bạn trẻ ơi!
Quê hương ta "Thiếu" một biểu tượng, biểu tượng "Con Hồng, Cháu Lạc", biểu tượng "Quốc Tổ Hùng Vương" để nhắc nhỡ mọi người dân Việt về một quê hương, một nòi giống, một tổ quốc, một quê cha đất tổ, một đại gia đình đầm ấm trên một quê hương an lành là một biểu tượng tương đối tốt, nhưng thiếu cái "Hình thức Cụ thể Thực tại”.Quê hương ta thiếu một "Dòng Vua Có Hư Danh" để làm biểu tượng cho dân tộc, nhằm mọi người dân nhìn vào đó để thấy được hình ảnh Việt nam. Trân trọng đất nước là trân trọng dòng vua. Dòng vua ấy yêu nước là biết yêu mến dân. Ta yêu nước là ta biết cố gắng học hành, nghiên cứu, truy tầm, cố gắng hoạt động đẩy mạnh tiến triển về thương mại, kinh tế, kỹ thuật, sản xuất, rèn luyện sức khoẻ, sự bền bỉ... Vận dụng tri thức của nhân loại vào nếp sống của dân tộc. Thu thập điều hay, loại bỏ điều dở để tạo một quốc gia hùng cường, một dân tộc lỗi lạc là điều kiện cần thiết. Có hùng mạnh thì ta mới giữ được nước. Và đối với kẻ thù lúc nào cũng như "mèo rình chuột" thì nên học câu nói của một Lãnh Tụ Nga -Nikita Khrushchev- "Muốn hòa bình thì phải cũng cố chiến tranh". Tổ chức điều hành như quân sự phần lớn tổ chức cả nước là điều tất yếu.
Bạn trẻ ơi!
Tôi không là kẻ hiếu chiến, tôi rất muốn hòa bình, tôi muốn mọi người và mọi chúng sinh trìu mến nhau, ai cũng tìm về hạnh phúc cho nếp sống hiện tại và tìm được một cõi an vui là Thiên đàng, là Niết bàn sau khi chết. Nhưng trong cõi đời nầy có Ma quỷ nhiều, người thật lại ít, thì tôi viết chỉ nhắc nhỡ cùng em, giúp em một vài ý kiến để một mai em có "nhìn lại quê hương" thì em cũng có thêm các ý niệm, thế thôi! Lúc ấy, tôi là kẻ đã "đi xa lắm rồi"..!


Nguyên Thảo,
25-03-02.

*Thơ Đó, Thơ Đây! (tt)

*Hà Khẩu. (Lào Cai)

Bên nầy “cái miệng con tôm” (Hà Khẩu)
Hay là “sông lớn mở mồm” mà rên
Tiếng rên vang vọng hai bờ
Bên ni, bên nớ cách lìa xa nhau
Nỗi lòng Bách Việt còn đâu
Chỉ còn Lạc Việt vương sầu nhớ thương!

Đồ Ngông,
03/08/10.



* Một Ngày! (Lào Cai)

Một ngày nọ đoàn quân hung hãn
Vượt qua cầu xâm lấn biên cương
Tiến quân như nước đã phá bờ
Để chứng tỏ ta là nước lớn.

Với lịch sử ngàn năm kinh tởm
Dân Việt nào có lạ chi đâu
Mấy ngàn năm chiến đấu làm đầu
Nguyện giữ vững tự do độc lập.

Cũng đám giặc lủ đoàn phương Bắc
Mãi lăm le chiếm cứ phương Nam
Không buông thả miền Tây xa xăm
Mộng không bỏ bá quyền hung bạo.

Đồ Ngông,
04/08/10.

*Đạo Phật 16: Đạo Phật Là Đạo Khai Hóa Và Trí Tuệ!

"-Đừng vội tin một điều gì, dù điều đó thường được nghe nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
-Đừng vội tin điều gì, dù đó là một cổ tục từ ngàn xưa để lại.
-Đừng tin tưởng bất cứ một điều gì, cho dù đó là bút tích của Thánh nhân nào để lại bảo ta tin điều ấy.
-Đừng tin tưởng bất cứ điều gì dù điều ấy ở dưới mãnh lực của bậc Thầy hay nhà truyền đạo.
Tất cả những sự thật theo kinh nghiệm riêng của người và sau khi xác nhận rõ ràng phù hợp với lẽ phải đem lại hạnh phúc cho người và hạnh phúc cho tất cả mọi loài, thì đó chính là sự thật và người cố gắng sống theo sự thật ấy".

Có lẽ, đây là những điều khuyên nhủ "độc nhất vô nhị" mà một vị khai sáng một tôn giáo đã "dám" thốt ra để khuyên những người tin vào đạo "đừng tin" một cách mù quáng, mà nên kiểm chứng lại những điều mình đã nghe, đã được dạy dù đó là những điều của các bậc Thánh nhân, bậc thầy hay những nhà truyền giáo đã nói, hoặc ghi lại từ trong ngàn xưa. Hãy kiểm chứng tính chất "chân thật" và "đem đến hạnh phúc cho mọi loài, mọi người" của nó, rồi mới sống theo sự thật đó.
Chắc ngoài Đức Phật ra, không một giáo chủ nào dám "dạy" tín đồ hay người khác những điều "khai mở trí tuệ" như thế, dù những người đó không phải là tín đồ của tôn giáo mình. Trong thế gian, những vị sáng lập một tôn giáo thường gắn liền những điều khuyên người khác hoặc những người theo đạo mình "Hãy tin vào ta", hoặc họ có những điều răn, giáo luật để buộc người theo đạo không cho họ rời bỏ một khi họ đã "lầm lỡ" theo đạo của mình hoặc, ít ra, giáo hội cũng làm các công việc đó để "đạo của mình" càng ngày càng phát triển lớn mạnh, vươn lên thành một tôn giáo "độc tôn", mà trong đó những người hành đạo vừa có danh, vừa được trọng vọng, vừa được hưởng mọi quyền lợi mà công sức lao động không phải vất vả.
Còn trong đạo Phật, tại sao Đức Phật lại dám đề cập đến những điều khuyên răn như vậy! Trải bao nhiêu năm, sau khi ngộ đạo Đức Phật vẫn giữ nếp sống khổ hạnh, vẫn chân trần lê gót nhiều nơi để rao giảng một "chân lý" giải thoát cho chính chúng sinh đó, không nhằm tư lợi nào khác, cũng không nhằm giàu sang phú quý, được sung sướng hay kính trọng. Đức Phật không khai đạo nhằm mục đích mọi người phải "vinh danh" mình, cũng không khai đạo từ "hận thù chủng tộc", cho nên đạo của Đức Phật chỉ là một đạo ôn hòa, nhu nhuyễn, từ tốn giảng giải cho người khác nghe, hiểu, khai ngộ, và hành trì đạo pháp để tiến đến mục đích cuối cùng là giải thoát cho chính mình. Đó là sự khác biệt lớn lao giữa đạo Phật và những tôn giáo khác. Do vậy, những người tu theo đạo Phật không phải cần đến vũ khí, hay những thủ đoạn thế gian hoặc dựa vào những thế lực "đàn áp" khác nhằm phát triển đạo. Còn tu sĩ thì tùy duyên tu, tùy theo địa lý, khí hậu, cơ thể, ý thích mà hành trì con đường tu của mình; họ vừa tự giác ngộ, đồng thời cũng giúp người khác hiểu đạo để tu. Và họ cũng đem đạo pháp để xoa dịu những khổ đau trong nhân thế, ngoài những công tác từ thiện, giúp đời, giúp đỡ trẻ mồ côi, tàn tật... thì đấy chẳng là họ đang nhập thế để thực hiện "Bồ tát hạnh" của những vị Bồ Tát đó hay sao?
Đức Phật đã thẳng thắn, chân thật chỉ rõ cho mọi người, chúng sinh những "giả nhân, giả nghĩa" mà người thế gian thường hay sử dụng để lôi cuốn, lừa người khác theo về với mình, rồi sử dụng người khác thành những công cụ để thực hiện những mưu đồ "không được trong sáng" cho âm mưu lớn của mình trong tương lai. Cho nên Đức Phật khuyên nên hãy hoài nghi và kiểm chứng với tất cả mọi điều mà mình đã được nghe, được nhắc đến dù đó là những điều được ghi nhận từ xưa hay từ các nhà truyền đạo, bậc thầy hay những Thánh nhân.
Các điều này cũng rất thích hợp với những điều mà Đức Phật cảnh giác cho những người tu Thiền trong Kinh Lăng Nghiêm về những Ma chướng khi dụng tâm vượt qua, phá trừ ngũ ấm: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà hiện ra. Người bị ma chướng bởi Thiên Ma Ba Tuần sẽ tưởng mình đắc đạo, có khả năng nói pháp, rồi thấy "cái Ta" trở nên vĩ đại và từ đó "làm tôi tớ ma" mà hành đạo: Nhằm lôi cuốn, hướng dẫn những người khác đi vào vòng lẩn quẩn của ma, mà không bao giờ thoát ra khỏi vòng sinh tử, luân hồi. Vì những người như vậy luôn được sự giúp đỡ của ma, và có thể được người nhân thế xem như là Thánh nhân, là bậc Thầy hay những người truyền giáo cho nên những điều họ viết, nói, giảng giải cần được kiểm nghiệm về tính cách chân lý trước khi tin nhận.

Những lời khuyên này đã làm cho nhiều người "rất là lầm lộn" trong việc nghiên cứu về Đạo Phật. Họ tưởng như Đức Phật mâu thuẩn với chính mình, mà họ không nghĩ xa hơn về tính Chân lý của nó. Đức Phật đã không sợ Chân lý của mình sai lầm hay "ngụy Chân lý" nên đã nhắc nhỡ cùng người khác nên hoài nghi; vì Chân lý của Đức Phật là những Chân lý chắc thật "Vàng thật không sợ lửa". "Đừng vội tin" và hãy kiểm chứng "theo kinh nghiệm riêng của mình" và "sau khi xác nhận rõ ràng phù hợp với lẽ phải, đem lại hạnh phúc cho người và hạnh phúc cho tất cả mọi loài", "thì đó chính là sự thật và người cố gắng sống theo sự thật ấy".
Đức Phật đã khuyên chúng ta hãy "Hoài nghi" ngay cả những điều của bậc Thánh, hay thầy hoặc nhà truyền đạo. "Đừng tin" và hãy "Đừng vội tin". Thật thế, tại sao ta phải tin những điều ta chưa kiểm chứng được? Chúng tôi không bào chữa điều nầy của Đức Phật như một số vị đã làm: "Vì duyên cớ Đức Phật nói với dân vùng Kalama...". Chúng tôi cũng không phản bác điều ấy, nhưng chúng tôi quyết xác là Đức Phật nói với tất cả mọi người, và Đức Phật muốn mọi người nên "hoài nghi": "Vì tính "Hoài nghi" là một tính rất Khoa học và cũng thực là Triết học". Tại sao ta lại phải hoài nghi? Hoài nghi là sự kiện khiến tâm thức, tri thức của chúng ta phải hoạt động để nhận định đúng sai; là nguồn gốc để xác định "giác" và "mê". Giả sử một người nào đó nói với chúng ta: "Ngươi hãy tin vào ta thì ngươi sẽ được cứu rỗi!". Chúng ta vội tin, và theo hầu hạ người đó. Người đó bảo chúng ta làm điều gì, chúng ta cũng làm theo. Bảo giết người để "phát triển Đạo của Ta", ta cũng làm...Vậy thì, chẳng phải là u mê, cuồng tín hay sao? Kẻ mang vũ khí, đem đến sự chết chóc đau khổ cho người khác, dù đó là truyền đạo thì không thể là đạo chân chính hay là cho chân lý được. Chân lý hay tôn giáo phải thể hiện được tính Chân, Thiện, Mỹ của nó. Nếu không, nó không còn là tôn giáo nữa, mà chỉ là một tổ chức đi áp chế người khác mà thôi!
Có sự hoài nghi trong khoa học, thì ta mới tìm tòi đến nơi, đến chốn của các sự kiện để đạt được các kết luận, các định luật hay nguyên lý... Newton thấy quả táo rơi xuống đất, ông ta đặt vấn đề: Tại sao lại rơi xuống đất? Sao không rơi theo chiều khác? Thế là ông ta nghĩ có thể có sức hút nào đó từ trong lòng đất. Nhưng ông ta không tin. Chính sự hoài nghi đó ông ta chỉ đặt giả thuyết để rồi làm các kiểm nghiệm, rồi qua nhiều sự việc chứng minh khác. Và hôm nay ta học và biết được Định luật Newton là do thế. Tương tự ta có nhiều định luật của các nhà khoa học, vật lý, hóa học khác..!
Trong khoa học và khoa học thực nghiệm, bất cứ một định luật nào cũng đều trải qua các giai đoạn: Quan sát, đặt giả thuyết, kiểm chứng hay chứng minh, rồi mới đến kết luận. Định luật Newton đã qua các tiến trình ấy. Các định luật khác cũng vậy!
Trong Triết học thì tương tự, nhưng sự chứng minh, kiểm chứng phải đòi thời gian và tương đối dài hoặc khó hơn so với các sự kiện khoa học hay của khoa học thực nghiệm.
Như vậy, điều khuyến khích "Hoài nghi" của Đức Phật đối với mọi người, trong đó có chúng ta là một điều hợp lý: Đức Phật không muốn chúng sanh trở thành những kẻ u mê, cuồng tín. "Tin" với một sự nhận thức và đã được kiểm chứng: Đó là niềm tin có trí tuệ, có nhận thức và sáng suốt. Nếu sự nhận biết sâu hơn, rộng hơn vào trong các bản thể sự vật, hiện tượng... thì ấy chính là Trí Huệ của chúng ta vậy.
Cho đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa đọc được nhiều bộ Kinh Phật, nhưng qua một số Kinh đã đọc, thì trong Kinh nào chúng tôi cũng thấy Đức Phật phân tích mà giảng, hoặc kể những ví dụ để làm rõ nghĩa hơn, hầu giúp cho đệ tử, người nghe, đọc hiểu thấu đáo thông suốt sự kiện, các điều... hầu sau đó tùy theo nhận thức của từng người mà thực hiện. Như trong Kinh Pháp Hoa Đức Phật dẫn dụ "đứa cùng tử": Đứa con của một ông nhà giàu có bỏ cha trốn đi từ lúc còn bé, sống đời lang thang nghèo khổ, người cha phải dùng pháp dẫn dụ để đưa con trở về với mình và trao của báu, sự giàu có cho con. Hoặc vị trưởng giả dùng các phương tiện dẫn dụ các con rời khỏi căn nhà đang cháy (Tam giới như hỏa trạch).
Hay trong Kinh "Đại báo hiếu phụ mẫu trọng ân" Đức Phật đã giảng, chỉ rõ cho đệ tử hiểu công đức sanh thành của cha mẹ, nhất là người mẹ. Đó là lý do để hiểu xương nào là của người nữ, xương nào là của nam giới dù "xương trắng một màu" mà phân chia xương thành hai đống nam, nữ phân biệt. Sau đó Đức Phật mới nói đến cách đền đáp trọng ân của cha mẹ.
Như vậy, sự giáo hóa của Đức Phật theo một tiến trình "Khai hóa" trí tuệ con người một cách rõ rệt, vừa làm cho trí óc, trí tuệ chúng sanh được mở ra để nhận thức đúng, vừa đưa ra phương thức để mọi người tùy nghi thực hiện. Cách giáo hóa của Đức Phật khác rất nhiều với các tôn giáo khác: Không có tính cách mệnh lệnh, điều phải làm theo. Phải làm theo như thế nầy để được vào Thiên đàng, làm như thế kia sẽ phải sa vào địa ngục. Cho nên tín đồ trong Đạo Phật không bị "u mê" trở nên "cuồng tín", hay giống như "những người máy", hay một nhóm "âm binh" để sai khiến của các "thầy bùa" mà ở một số "Tà giáo" đã làm.
Ngoài sự khai hóa, giáo dục; Đức Phật còn đưa hàng đệ tử, tín đồ tiến lên một bước nữa là "hãy hoài nghi". Hoài nghi: "đừng tin", "đừng vội tin" dù điều ấy ở dưới mãnh lực của bậc Thầy hay nhà truyền đạo. Có như vậy, chúng ta mới kiểm nghiệm trong sự thực hiện từng bước những pháp thích hợp với cơ thể, hệ thần kinh của mình, và vận dụng cái pháp của Đức Phật một cách uyển chuyển trên chặng đường đi tìm đến Chân lý: Đó là cái pháp của ta vậy! Cho nên có nhiều (muôn ngàn, tám vạn bốn ngàn) pháp môn, hay pháp vốn không nhất định.
Cái mệnh đề quan trọng nhất của câu nói ấy là ở chỗ "Tất cả những sự thật theo kinh nghiệm riêng của người, và sau khi xác nhận rõ ràng phù hợp với lẽ phải, đem lại hạnh phúc cho người và hạnh phúc cho tất cả mọi loài". Đức Phật đã khích lệ, khuyến khích đệ tử, mọi người hãy kiểm nghiệm, hãy làm thử để từ đó thấy được điều nào, những sự nào đúng theo kinh nghiệm mình đã trải qua. Và điều đúng ấy, hay chân lý ấy đáp ứng được các tiêu chuẩn: Hợp với lẽ phải, đem đến hạnh phúc cho mình, cho mọi loài thì "Đó chính là sự thật và người cố gắng sống theo sự thật ấy".
Xem như vậy, thì đó chẳng phải là Chân lý sao?

Tại sao Đức Phật chỉ là "Đạo sư" mà không là "Giáo chủ". Vì "Giáo chủ" là từ một lý do nào: Có thể là trong một lúc "ngộ" được một vài vấn đề siêu hình, rồi "động kinh" hay "phát sáng" mà "khai đạo"; hoặc do "một tham vọng" thâm sâu nào đó mà nói đạo, khai thị, mặc khải để lôi cuốn tín đồ, bắt tín đồ làm điều nầy, làm điều kia; không được làm điều nầy, không được làm điều kia. Và khi xây dựng được giáo hội rồi thì lấy dây nầy, dây kia để trói buộc tín đồ "vào một chuồng" hầu trở thành "Bá chủ võ lâm".
Còn Đức Phật chỉ là "Đạo sư'" cũng là một điều dễ hiểu: Vì Đức Phật nói đến một giáo pháp mà giáo pháp ấy không phải là của Ngài. Chắc chúng ta cũng rất là ngạc nhiên! Đó là một sự thực, sự thực rất hiển nhiên. Đức Phật nói, giảng pháp trong hơn 45 năm không phải là cái pháp của Ngài đặt ra, sáng chế ra mà đó chỉ là "Giáo pháp của Tâm thức" con người, Tâm thức của mọi loài chúng sanh mà Ngài đã "Ngộ" được qua Thiền định (Ngài đã "Ngộ" cho nên gọi là Phật, chúng sanh còn "mê" nên vẫn là chúng sanh). Đức Phật đã thiền định, đã trải qua tiến trình nhận thức; đã trải qua những khó khăn, những vấp ngã và đạt được "Chân lý" của "tâm thức muôn loài" và tiến đến cái cõi Chân Như, Niết bàn, Chơn không tịch tịnh,...Ở cõi ấy đã có biết bao nhiêu là vị Phật, và nhìn ra bốn phương tám hướng, phương trên, phương dưới đều cũng có "hàng hà sa số" Phật. Phật trong thời quá khứ! Phật trong thời hiện tại! Và tiếp tục, tiếp tục mãi...vẫn còn nhiều chúng sanh khác thành Phật trong thời tương lai!
Vì vậy, do duyên mà Ngài là "Đạo sư" hay tạm gọi là "Giáo chủ" của cõi Ta-Bà: Ngài sanh ra, lớn lên, ngộ đạo trên cõi Ta-Bà và nói Phật pháp ở cõi Ta-Bà. Nên chỉ có cõi Ta-Bà (Nam Diêm Phù Đề hay Nam Thiệm Bộ Châu) mới có Phật pháp.
Ngài nói Pháp chẳng qua là trình bày lại những gì cần biết, cần hiểu; những chặng đường, những kinh nghiệm Ngài đã trải qua. Pháp ấy được hiểu như thế nào? Thực hành như thế nào để đạt được Pháp? Trong thực hành sẽ gặp những khó khăn, ma chướng nào? Và cũng tùy theo căn cơ của chúng sanh mà chúng sanh áp dụng pháp nào thích hợp cho chính mình: Tịnh độ, Thiền Tông, Mật Tông... (là những tên gọi do người đời sau đặt cho các phương pháp được rút ra từ trong các Kinh điển mà Đức Phật đã thuyết). "Trình độ chúng sanh có sai khác nên có các quả Thánh hiền sai khác, chứ không phải Phật pháp sai khác" (Kim cang, Phật Học Phổ Thông khóa XII, trang 58).
Hay:
"Bởi tất cả chúng sanh cùng với chư Phật đồng một bản thể bình đẳng không khác, nên người tu hành đã trở về tánh Viên giác, thì thật ra không có hai nơi; song những phương tiện để nhập Viên giác lại có vô lượng.
Vì trình độ của chúng sanh không đồng, nên các phương tiện trở về tánh Viên giác có sai khác, nhưng không ngoài ba phương tiện sau nầy: Xa-ma-tha (tu Chỉ hoặc Định)..., Tam-ma-bát-đề (tu Quán hay Huệ)...,và Thiền na (Chỉ Quán đồng tu hay Định Huệ song tu)..." (Viên Giác, PHPT khóa VIII, trang 121).
Con đường ấy đã có biết bao người trải qua và thành Phật trước Ngài, nên giáo pháp ấy không phải là của Ngài. Do vậy, Đức Phật chỉ là một "Đạo sư", là một "Hướng dẫn viên", người "Biết đường chỉ cho", chúng sanh cứ nương theo đó mà đi!
Còn Phật pháp chính là "Pháp" có sẵn, gắn liền theo "Tâm thức" của mọi chúng sanh, mà vì còn "Mê" nên chúng sanh chưa "Ngộ" được đó mà thôi...!

Nguyên Thảo.

Wednesday, May 18, 2011

*Sự Tang Thương!

Nói đến “Sự Tang Thương” thì không có sự tang thương nào vĩ đại cho bằng cuộc chiến tranh Nam, Bắc của Việt Nam trong hạ bán thế kỷ thứ 20. Một cuộc chiến tranh tiêu biểu của người khác, của hai thành phần chính trị nhân loại mà người, nhân dân Việt Nam phải gánh chịu: Gánh chịu về phần thân xác cũng như tinh thần, nhưng chẳng thành phần nào đứng ra chịu trách nhiệm về mình. Thành phần nào cũng cho rằng mình đúng và chính nghĩa; khiến những bầy tôi mỗi phe vẫn còn huyênh hoang, hò hét kêu gọi đấu tranh chống đối nhau đến chết bỏ mà không hề thấy một thằng to đầu đang lăm le nuốt chửng hai con “nhái” anh em đang còn cắn xé lẫn nhau.
Thật là buồn cười khi mà những nhà viết sử trên thế giới tổng kết về sự thiệt hại nhân mạng trong chiến tranh thế giới thứ hai nhưng họ chẳng bao giờ kể đến con số hàng triệu người chết đói ở miền bắc Việt Nam trong thời kỳ đó. Không lẽ họ quên rồi chăng? Hay là mạng của người Việt Nam chẳng phải là mạng của con người, không đáng liệt kê vào trong danh sách? Thế mà họ cũng là những nhà sử gia của thế giới đó chứ! Ôi! Đúng là một sự tang thương không được đếm xỉa!
Một chủ nghĩa thực dân đã hoành hành khắp trên thế giới qua nhiều thế kỷ. Cùng nhau phát triển kỹ thuật hàng hải, cơ giới, chiến tranh để dùng đến vũ lực đi chiếm đất nước của những kẻ, hoặc những dân tộc yếu kém hơn làm của mình; và dân thuộc địa là những nhân công phục vụ cho guồng máy bốc lột lẫn cai trị. Người ta gầy dựng những thế lực “vây cánh” để bảo vệ cho chủ nghĩa thực dân từ “nhân viên chính phủ tay sai” cho đến những con người theo tôn giáo của họ được ưu đãi nhiều thứ để làm những “nô lệ” từ trong tinh thần; mà những con người ấy không hề hay biết cứ tưởng là mình “chỉ vì một đức tin”!
Cuộc đời quả có nhiều lừa đảo khó mà tránh khỏi! Người bị lừa đảo cứ nghĩ là mình làm theo niềm tin và điều đúng: Đúng với Chân, Thiện, Mỹ; đúng với quốc gia và dân tộc. Nhưng khi nhìn lại quốc gia thì quốc gia đã quá tang thương; và dân tộc thì nghèo đói, rách nát đầy dẫy những hận thù!
Tại sao lại có Hội Quốc Liên và Liên Hiệp Quốc nhỉ? Cái tổ chức ấy lập ra để giải quyết hay phân đôi nhiều quốc gia sau Thế giới chiến tranh lần 2; đụng tới vấn đề là phân đôi xứ của người ta, từ Triều Tiên, Đức Quốc cho đến Việt Nam. Việt Nam phân đôi tạm thời hay để trở thành cơ hội củng cố làm tiền đồn cho cả hai chủ nghĩa? Việt Nam trở thành chiến trường đối đầu của hai chủ nghĩa to trên thế giới. Chủ nghĩa nào tốt đây? Chủ nghĩa “của tao” hay chủ nghĩa “của mầy”?
Không biết chủ nghĩa của ai tốt đây? Nhưng, chỉ để được thống nhất hàng triệu người lính phải bị phơi thây ngoài mặt trận; hàng triệu gia đình bị tan nát lâm vào hoàn cảnh đau thương. Hàng trăm ngàn người bị thương tật, trở thành người chịu nhiều đau khổ từ thân xác cho đến tinh thần mà không thể đóng góp được gì cho xã hội! Hai mươi năm đầy dẫy những tù đày, những bức hiếp, những tan nát. Một quê hương khắp nơi đều có mạng người nằm xuống, đường sá bị tan hoang; nhà cửa một sớm một chiều đã sụp đổ. Biết bao mồ hôi, nước mắt, công sức lao động của cả cuộc đời trở thành mây khói! Một trái bom, một trái mìn, một trái hoả tiển.. là một sự tan hoang. Cả đất nước là một sự tan hoang từ trong thành phố cho đến thôn quê và tận cùng của nơi hẻo lánh; từ trong tinh thần cho đến vật chất cũng chỉ vì “chủ nghĩa của tao” với “chủ nghĩa của mầy”! Ai cũng bảo là cho dân tộc và đất nước? Vậy ai là là chủ nhân của một đất nước tan hoang và một dân tộc bất hạnh? Ai chịu trách nhiệm? Nghĩ cho cùng cũng là đám bên ngoài gầy thành “cuộc nội chiến” cho tan nát một đất nước, một dân tộc để rồi đến bây giờ “anh em” vẫn mãi thù hằn lẫn nhau. Kẻ chiến thắng vẫn huênh hoang, kẻ thua vẫn còn ấm ức, không hề nghĩ lại “Mình đã làm gì cho đất nước và nhân dân?” trong quá khứ và hiện tại? Tại sao là chủ nghĩa ngoại lai mà không là “chủ nghĩa dân tộc và quốc gia” nhỉ? Anh có giỏi thì anh làm cho đất nước giàu mạnh lên đi! Anh có hay thì anh làm cho dân chúng ấm no giàu có đi! Đừng huênh hoang hay láo khoét theo một chủ nghĩa nào! Người dân đã chán những chủ nghĩa lắm rồi!
Chủ nghĩa chỉ là bám víu của chính quyền để thành phần tham chính có cơ hội không phải phục vụ nhân dân mà là cắt xén, bòn rút, tham quan ô lại, tham nhũng… bày ra những kế sách để ăn bớt làm của riêng cho mình. Càng “độc quyền” bao nhiêu thì càng dễ dàng phá banh tổ quốc bấy nhiêu, mà người dân chỉ biết đứng mà ngó và lắc đầu.
Những con ác quỷ chỉ chờ và đợi chờ có thế. Mầy tự giết nhau đi để tao khỏi tốn hao công sức để “ăn thịt” lấy mầy.
Đúng là một sự tang thương! Sự tang thương “vô tiền khoán hậu”!

Đồ Ngông,
08/08/10.

Sunday, May 1, 2011

Quê Hương 1: Ta Còn Có Một Quê Hương!

Bạn trẻ ơi!
Có một anh bạn, một lần đã nói với tôi: "Ông có nghĩ con cháu mình sau nầy khổ hơn mình không?". Lúc ấy, tôi ngạc nhiên nói với anh: "Giỡn! sao lại khổ hơn mình anh? Sau nầy tụi nó đã quen với phong tục xứ nầy nầy, tiếng Anh cũng không trở ngại nầy, học trong trường ra tụi nó kiếm việc làm dễ dàng nầy, thì tụi nó đâu phải vất vả, lần mò hay ráng làm lo cho thân mình và lo cho gia đình hoặc người thân ở Việt nam đâu?". Anh bạn tôi cười, nói tiếp: "Tụi nó không như mình, vậy mà nó khổ; ông thử nghĩ nó quen phong tục hoặc sống theo phong tục xứ nầy, nói tiếng Anh trôi chảy, tiếng Việt không rành, lại là công dân, dân xứ nầy. Nếu có ai hỏi nó: "Nó là người gì?". Nó bảo nó là người Úc, thì nó lại cũng không là người Úc vì da nó vẫn vàng, mũi nó vẫn tẹt, tóc vẫn đen. Nếu nó bảo nó là người Việt thì tiếng Việt nó không rành, những gì cuả Việt nam nó lại không biết, thì nó lại chẳng khổ hơn mình sao?". Tôi chịu thua, và hai anh em phá ra cười, rồi tiếp tục chuyện "tào lao thế sự"!
Điều của anh bạn tôi nêu ra, quả thật là một vấn đề "khổ" cho thế hệ sau, dù ít hay nhiều.
Sau đấy vài năm, trong một khoá học nghề, tôi lại gặp một người bạn trẻ. Người bạn trẻ nầy nói tiếng Anh tương đối đúng theo giọng Úc, chứng tỏ em đã nhiều năm "sống giống như là Úc". Một ngày nọ, khi em ngồi nói chuyện với tôi, tự dưng em hỏi: "Anh thấy em nói tiếng Việt như thế nào?". Tôi ngạc nhiên hỏi em: "Tại sao em hỏi vậy?". Em kể: Lúc qua đây còn nhỏ lắm, gia đình ông bà Úc nhận em làm con nuôi, bao năm em toàn tiếp xúc với người Úc, sống như Úc; em chỉ mới học nói và tiếp xúc với người Việt chỉ hai năm nay thôi. Anh thấy em nói tiếng Việt ra sao? Tôi lại ngạc nhiên hơn vì hai lẽ: Một -không lẽ tiếng Việt rất dễ học, dễ sử dụng. Hai -hay là khả năng học tiếng Việt của người bạn trẻ của tôi rất giỏi. Hai năm em học sử dụng trở lại tiếng Việt giống như một người Việt bình thường thì quả là vượt bực! Tôi đáp: "À! Tiếng Việt của Mỹ -tên người bạn trẻ của tôi- anh thấy đâu có gì trở ngại, em nói giống như một người bình thường thôi! Chứ khi em nói, em thấy thế nào, khó khăn lắm không?". "Em thấy cũng không khó lắm, nhưng có nhiều lúc em nói mà em sợ người ta không hiểu". Tôi cười: "Như vậy là em giỏi quá rồi, chỉ hai năm mà em nói được như vậy quả là em có một khả năng về ngôn ngữ lớn". Em hỏi: "Thiệt không anh?". Tôi cười: "Anh nói thiệt, anh không xạo với em đâu?".
Từ đó tôi có một ý niệm lạc quan và "mừng dùm" cho những người bạn trẻ. Họ sẽ không còn "khổ" nữa trên một đất nước thứ hai, hoặc trên đất nước của người dù họ được sinh ra trên đó: Vì họ vẫn là da vàng, mũi tẹt!
Hôm nay tôi muốn nhắc lại với em rằng: Ta còn có một quê hương. Làm con người mà không có nguồn gốc, hoặc không có một quê hương xuất xứ thật là buồn, buồn lắm!..Nếu em không tin tôi, em hãy nhìn vào người Do thái. Sau khi họ bị mất nước, họ đi lang thang sang Ai cập và rồi tứ tán khắp nơi. Nhưng họ có được một niềm tin từ câu chuyện thần thoại và câu chuyện ấy đã biến thành tôn giáo của họ: Vì họ là giống dân được Đức Giê-Hô-Va tạo ra để cai quản loài người, cho nên họ luôn giữ niềm hãnh diện ấy. Đến đâu họ cũng cố gắng lo làm, gắng học và sống gần gũi lẫn nhau. Họ bảo tồn nòi giống và tôn giáo của họ. Họ có những gương thành công ở nhiều nước. Nhưng cũng chính vì lẽ đó mà tai họa đã đến với họ trong thời Đệ nhị Thế chiến. Lòng khao khát được thành lập trở lại một quốc gia của họ được sự hổ trợ của hai cường quốc Anh, Mỹ vào tháng 5/1948, thế là quốc gia Israel được thành hình. Tôi không nhớ rõ, tôi đã đọc trong một quyển truyện tiểu thuyết dịch sang tiếng Việt nào của ngoại quốc -hình như quyển "Một thời để yêu và một thời để chết" thì phải- trong đó kể lại các hoạt động thành công về kinh tế, trí thức của người Do thái trên phương diện thương mại, hãng xưởng, ngân hàng,...ở Đức. Rồi Hitler khuấy động tinh thần dân tộc, bắt người Do thái vào những trại tập trung và tàn sát hàng loạt đến việc thành lập Israel. Họ được trở về vùng đất cũ cùng việc người Do thái tiến vào vùng đất Palestine và đuổi người Palestine ra khỏi nơi đó. Điều ấy giúp cho tôi hiểu được vì sao có Mặt trận giải phóng Palestine và đưa đến nhóm khủng bố hiện nay. Em ạ! người Do thái lẫn người Palestine đều muốn có một quốc gia của chính mình. Họ bỏ ra biết bao nhiêu mạng sống, bao nhiêu xương máu cũng vì quốc gia ấy. Thế mà ta có một quê hương, không lẽ ta lại quên sao em?
Em bạn trẻ ơi!
Dân tộc ta là một dân tộc tha thiết với quê hương, rất là tha thiết với xóm làng, với tổ tiên; vì thế mà trong ngôn ngữ của ta mới có từ "quê cha đất tổ", "mồ mã ông bà, tổ tiên". Mỗi nhà đều có bàn thờ ông bà, cửu huyền thất tổ ở gian nhà chính và ở chỗ trang trọng nhất. Ít ai muốn xa rời cái nơi yêu dấu ấy để tha phương cầu thực, ngay ở vào cái thời điểm chiến tranh ác liệt nhất. Nhưng sau 1975, đã có hàng triệu người ra đi. Trong đó có em, có tôi và cả mọi người đồng hương quanh em với tính cách những người tị nạn. Tôi ngạc nhiên lắm, em ạ!.. Ở các nước khác chiến tranh không dữ dội như ở Việt nam ngày trước, người ta lại có người "tị nạn chiến tranh", nhưng ở Việt nam thì lại không có tị nạn chiến tranh trong suốt cuộc chiến. Thế mà sau khi chiến tranh chấm dứt lại có người "Tị nạn", điều ấy cũng khiến cho tôi suy nghĩ khá nhiều!
Nhưng, Em bạn trẻ ơi! Có bao giờ em nghĩ đến một ngày nào đó, quê hương mình sẽ bị mất, dân tộc mình sẽ bị làm nô lệ không? Điều ấy khó, nhưng có chắc là không xảy ra không?
Chắc đôi lần em có nghe quân đội Cộng sản Việt nam chiếm đóng ở Kampuchia, vì tôi không phải là người làm quân sự hay chính trị nên tôi không hiểu rõ lắm, nhưng có điều qua các sự kiện tôi cũng có thể biết được rằng: Cộng sản Kampuchia là chư hầu, tay sai của Cộng sản Trung quốc. Ngay từ năm 1975, Cộng sản Kampuchia được sự giúp đỡ tận tình của Trung quốc đã áp dụng chính sách tàn bạo đưa đến cái chết của hàng triệu người Kampuchia, đồng thời chúng tấn công dọc theo biên giới Việt nam. Em có thử tưởng tượng họ đốt các đồng lúa, tấn công vào làng mạc, đốt nhà, giết người, xé xác trẻ thơ... không? Thế rồi Cộng sản Việt nam đã giúp người Kampuchia lật đổ chính quyền Polpot và đóng quân trên đó. Trận chiến miền nam được giải quyết. Lấy cớ gì Trung quốc đã tấn công biên giới Bắc Việt nam. "Dạy một bài học" ư? Đó chỉ là một luận điệu che đậy sự bành trướng của Trung quốc mà thôi! Tôi còn nhớ lúc tôi còn nhỏ, tôi có đọc báo vào khoảng năm 1959 Trung quốc đưa quân vào Tây Tạng, khiến Đức Đạt Lai Lạt Ma và dân Tây Tạng vượt Hi Mã Lạp Sơn tị nạn ở Ấn độ mãi đến bây giờ. Sự đấu tranh bất bạo động của Đức Đạt Lai Lạt Ma và dân Tây Tạng chỉ là "những tiếng nói chơi vơi giữa hư không" mà thôi!
Em bạn trẻ ơi! Trong những ngày gần đây báo chí, dư luận đã đề cập vấn đề mất đất, và mất một số vùng biển của Việt nam về cho Trung quốc chứng tỏ chính sách bành trướng của Trung quốc là thế của một kẻ mạnh, của một nước lớn muốn gậm nhấm các nước nhỏ chung quanh mà Việt nam là đối tượng chính yếu, vì Trung Quốc chỉ coi Việt nam là một tỉnh của Trung quốc. Thế thì các em sẽ làm gì? Hoặc là chấp nhận một sự mất nước và làm nô lệ? Hoặc là chuẩn bị một cái gì cho đất nước!
Điều dĩ nhiên, một khi Trung quốc đã có ý đồ thôn tính thì Trung quốc không để cho Việt nam được mạnh, hoặc là họ sẽ dùng sách lược phá hoại về kinh tế, chính quyền kể cả các cách kềm chế về quân sự lẫn ngoại giao để Việt nam phải cúi đầu khuất phục hoặc tự xin sáp nhập vào lãnh thổ Trung quốc.
Nếu một mai Trung quốc tiến hành âm mưu đó, Em sẽ làm gì? Em chấp nhận mất nước ư? Người Do thái được lập quốc trở lại là một "cơ hội ngàn năm một thuở", cho nên một số họ trở về quê hương hay "vùng đất Hứa" yêu dấu của họ để xây dựng lại đất nước bằng tất cả tài năng, của cải và lòng nhiệt thành. Họ quyết bảo vệ đất nước với bất cứ hình thức nào. Và những người Do thái còn lại ở bên ngoài, họ yễm trợ tài chánh cho quê hương khi cần thiết: Họ là những nhà tư bản ở Mỹ, Gia nã đại hay các nước khác. Vì thế họ đủ khả năng chiến đấu chống lại nguyên một khối Ả rập to lớn vào những năm đầu lập quốc và em thấy hiện nay cứ mỗi lần có biến động khủng bố hay chiến tranh, người Do thái phản ứng rất mạnh bạo cùng không nhân nhượng. Đó là chuyện của người và quốc gia Do thái. Còn ta thì thế nào? Một khi đất nước cần, ta không thể đem thân thể gầy gò ốm yếu, hay những "ống chích", hay những gói "bạch phiến, cần sa" hoặc những "lá bài, con súc sắc" hay các "chai rượu" mà giúp đất nước được, mà phải với tất cả khả năng, tài chánh của mình. Theo suốt chiều dài lịch sử, Trung quốc đã chẳng tha cho đất nước chúng ta những thời gian dài nào. Dù là phong kiến, dù là chế độ Cộng sản, Trung quốc vẫn là "bọn bành trướng Phương Bắc". "Tôn trọng lãnh thổ của nhau" chỉ là một câu nói ngoại giao thôi! Tại sao "Trung quốc dạy Việt nam một bài học"? Bài học ấy với nửa triệu quân đánh dọc biên giới, tàn phá và tàn sát tất cả. Bài học mà giống như thật ư? Và Trung quốc lấy tư cách gì để dạy cho Việt nam: Đó chẳng qua là luận điệu của một "kẻ cả", một "quan thầy"! Nếu trong cuộc chiến tranh ấy, Trung quốc không bị chiến bại, Trung quốc tấn công như chẻ tre và chiếm cả Việt nam, liệu Trung quốc có chịu nhả miếng mồi ra chưa? Em hãy nhìn vào xứ Tây Tạng em sẽ thấy, khoảng 50 năm Tây Tạng vẫn thuộc Tàu, khoảng 50 năm Đức Đạt Lai Lạt Ma và dân Tây Tạng vẫn lưu vong, khoảng 50 năm quốc tế cũng chẳng làm được gì; Đôi khi Mỹ cùng Thế giới phải còn sợ sệt, nhượng bộ Trung quốc nữa cơ mà..! Hãy học gương của người Do thái đi em ạ! Trong nước là những gương chiến đấu kiên cường, quyết lòng bảo vệ đất mước. Ở ngoài là hậu phương vững chắc. Người Do thái ở nước ngoài thường là những nhân tài, thương nhân tư bản, họ có nguồn tài chánh lớn và sẵn sàng cho đất nước khi cần. Còn em thì em sẽ tính sao? Các em nên bắt đầu ngay bây giờ vẫn chưa là muộn. Vì đất nước, vì dân tộc, vì sự nghiệp của chính ta, và sự đóng góp cho xã hội đất nước nầy: Hãy Tiến lên! Tiến lên! Và Tiến lên đi em nhé!


Nguyên Thảo,
22-3-02.

Tổng Quan Về Giáo Lý Đạo Phật: (tt và hết)

Phần II: Xuất Thế Gian. (tt)

4/- Sát- Đạo- Dâm- Vọng:
Trong "Tam vô lậu học" (Giới, Định, Huệ) thì Giới là điểm đầu tiên trong ba điểm cần yếu mà người tu hành phải giữ để đạt được Đạo giải thoát, vì có giữ Giới thì tâm mới Định; nhơn Định thì tâm mới phát Huệ.

Tại vì sao phải giữ Giới?
Trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật đã giảng rõ như sau:
"Dầu cho ông (A Nan) hiện tiền đặng nhiều trí huệ và thiền định":

-Đoạn dâm dục:
"Nếu tâm dâm dục không trừ" thì "cũng sẽ đọa vào ma đạo. Thượng phẩm làm ma chúa, trung phẩm làm ma dân, hạ phẩm làm ma nữ".
"Ông đem tâm dâm dục để cầu quả Phật, dầu cho ông có được diệu ngộ đi nữa, cũng không ra khỏi tam giới, vì gốc của nó là dâm thì làm sao ra khỏi sanh tử luân hồi được; huống chi quả Niết bàn của Phật, ông làm sao chứng được.
Nên quyết định phải đoạn trừ dâm cơ; trong tâm ngoài thân đều đoạn, cho đến cái biết đoạn cũng không còn, được như thế thì đối quả Phật Bồ đề, ông mới có hi vọng".

-Đoạn lòng sát hại:
"Nếu không đoạn tâm sát hại, thì ông chỉ đọa vào thần đạo. Bực thượng làm Đại lực quỷ, bực trung làm phi hành dọa xoa và các loài quỷ soái, bực hạ làm Địa hành La sát và các quỷ thần."
"A Nan, những người ăn thịt, dầu cho có đặng tâm trí khai ngộ, cũng thành quỷ Đại la sát, đến khi mãn kiếp quủ La sát rồi, quyết định phải trầm luân trong biển khổ sanh tử. Giết hại ăn thịt lẫn nhau, thì làm sao ra khỏi sanh tử luân hồi được."

-Đoạn trừ trộm cướp:
"Nếu không đoạn tâm trộm cướp thì quyết định đọa vào tà đạo. Bực thượng làm loài tinh linh, bực trung làm loài yêu mỵ, bực hạ làm người tà, bị các loài tinh yêu này nhập".

-Đoạn trừ vọng ngữ:
"A Nan, nếu các chúng sanh, đã giữ hoàn toàn ba hạnh trên là không sát, đạo, dâm rồi mà còn đại vọng ngữ, thì tâm cũng không thanh tịnh, mất hột giống Phật thành ma ái kiến".

Vả lại, trong thuyết nhân quả. nếu những hành động sát hại, trộm cướp, vọng ngữ đã được tạo tác thành nhân; thì nó phải tạo "quả" trong một kiếp nào đó ở tương lai, như vậy "có kiếp sau để trả quả" thì vẫn chưa ra khỏi luân hồi được. Và với "dục, ái", nếu ham mê dâm dục thì với điều "thích" hay "ghét" cũng khiến chúng ta "muốn" có được kiếp sau, thì cũng khiến chúng ta còn trong sinh tử luân hồi. Thế cho nên trong giữ giới, chỉ năm giới của người "Phật tử đã quy y" cũng đã có ngăn cấm sát, đạo, dâm, vọng rồi. Năm giới đó là: -Không được giết hại; -Không được trộm cướp; -Không được tà dâm; -Không được nói sai sự thật; -Không được uống rượu. Đó là chưa nói đến Bát quan trai giới; Bồ tát giới hay Giới của những bậc Xuất gia, Giới luật của những bậc nầy càng nhiều và càng tinh tế hơn.


5/- Tướng Nhân, Ngã, Chúng Sinh, Thọ Giả- Và Vô Ngã:
Nói đến các tướng Nhân, Ngã, Chúng sinh, Thọ mạng, thiết nghĩ chúng ta cũng nên lược qua các đoạn kinh sau để có thể hiểu Đức Phật đã nói rõ hơn về chúng như thế nào.

-"Nầy Thiện nam! Tất cả chúng sanh từ hồi nào đến giờ, do vọng tưởng điên đảo, chấp bốn tưóng: Ngã, Nhân, Chúng sanh và Thọ mạng, cho là thật thể của ta, rồi sanh ra hai cảnh: Thương và ghét. Thế là ở nơi thân thể này đã hư vọng, lại càng thêm cái hư vọng nữa.
Bởi hai lớp vọng nương nhau, sanh ra các vọng nghiệp. Vì có vọng nghiệp nên vọng thấy có sanh tử luân hồi. Những người nhàm chán sanh tử luân hồi thì lại vọng thấy có Niết bàn" (Kinh Viên Giác, PHPT, khóa VIII trang 158).

-"Bởi chấp thân tâm này là Ta, nên cảnh nào thuận với ta thì sanh ra thương yêu; còn cảnh nào nghịch với ta thì lại sanh ra oán ghét. Do tâm thương ghét này, trở lại tiếp tục nuôi dưỡng Vô minh. Vì thế nên chúng sanh cầu đạo, đều không thành được đạo" (Kinh Viên Giác, PHPT, trang 160).

-Nếu tâm phân biệt ta (Ngã), người (Nhân), và chúng sanh (Chúng sanh) đã được thanh tịnh, "nhưng còn cái trí giác ngộ tướng chúng sanh trước. Bởi còn có cái "trí giác ngộ", tương tục tu tập các nghiệp vô lậu, chưa có thể tự trừ được; cũng như mạng căn tương tục, không tự đoạn được, nên gọi là "Thọ mạng tướng" (Viên Giác, PHPT, trang 165).

-Nầy Thiện nam! Các chúng sanh đời sau, bởi không rời được bốn tướng, nên tuy trải qua nhiều kiếp, siêng năng tu hành khổ hạnh, nhưng chỉ thành hữu vi mà thôi, chớ không thể chứng được Thánh quả" (Viên Giác, trang 167).

Và trong Kinh Kim Cang (Phật Học Phổ Thông Khóa XII), Đức Phật cũng có thuyết như sau:

-"Phải xa lìa tất cả các chấp tướng, mới gọi là chư Phật" (trang 109). Hay:

-"Phật dạy:"Tu Bồ Đề! Nếu có người phát tâm Bồ Đề, thì phải dụng tâm như vầy: Ta hóa độ tất cả chúng sanh, nhưng không thấy có mình độ và chúng sanh được độ. Tại sao vậy? Nếu Bồ Tát còn thấy mình độ và chúng sanh được độ, thì Bồ Tát còn tướng ngã, tướng nhơn, tướng chúng sanh và tướng thọ giả, tức nhiên không phải là Bồ Tát". (Trang 134-135). Và:

-"Phật dạy: "Tu Bồ Đề! Pháp này bình đẳng không có cao thấp, không ngã, không nhơn, không chúng sanh và không thọ giả, tạm gọi là Đạo Vô Thượng Bồ Đề" (Trang 164).

Hoặc:

-"Phật dạy: "Tu Bồ Đề! Ông chớ lầm tưởng: Như Lai nghĩ rằng: "Ta độ chúng sanh". Tại sao vậy? Nếu Như Lai có nghĩ: "Ta độ chúng sanh", thì Như Lai còn chấp bốn tướng Ngã, Nhơn, Chúng sanh và Thọ giả, tức nhiên không phải Như Lai. Bởi thế nên, Như Lai thật không có độ chúng sanh nào cả." (Trang 168).

Theo như thế: Khi người tu hành còn thấy có người, có ta, có chúng sinh và "trí giác ngộ" chưa dứt được thọ mạng tướng thì vẫn chưa đạt được Đạo. Vì vọng tưởng và tâm phân biệt ta, người... hãy còn; mà vọng tưởng và tâm phân biệt chính là nguồn gốc của Vô minh, điều mà đã đưa chúng sinh rời khỏi Chơn Tâm rơi vào cõi Luân hồi sinh tử. Thế nên "Vô ngã" là điều kiện tất yếu để đạt Đạo Vô Thượng Bồ Đề. Vì sao? Vì: "Phải xa lìa tất cả các chấp tướng, mới gọi là chư Phật" hay như trong Kinh Viên Giác: "Phật tùy cảnh Bất Nhị (không hai) là chỗ thể tánh bình đẳng của chúng sanh và chư Phật. Thể tánh này thanh tịnh viên mãn khắp giáp cả mười phương, tâm và cảnh đều vắng lặng (ngã pháp đều không)".
Cảnh "Bất Nhị" là gì? Là cảnh giới chỉ có một loại chúng sinh, chúng sinh ấy đã thành Phật (tức là cõi Phật) mà không có chúng sinh nào khác (chỉ có toàn là Phật không thôi), mỗi một vị Phật đều có thể biểu hiện cho mọi vị Phật và mọi vị Phật cũng như là một vị Phật đúng như câu: "Tất cả là một và một là tất cả". Nếu ở trong đó mà còn có phân biệt là hai thì phải bị đào thải ra khỏi đó, không còn là Phật nữa; đó cũng là bước khởi đầu (Vô minh) khiến chúng sinh đã phải rời cõi Chơn Tâm (sau nầy được gọi là cõi Phật khi chúng sinh tu hành thành Phật và trở về được) để "đi vào cõi luân hồi sinh tử". Mà khi chúng sinh tu hành giải thoát đạt được "Giác Ngộ" để trở về với "Chơn Như" thì Đức Phật đã ví như là "quặng vàng đã được luyện thành vàng ròng thì không trở lại làm quặng nữa", vì "Tính Giác" đã được hiểu rõ và không lập lại "Vô minh" lần nữa. Chúng sinh ấy đã "thoát ra khỏi giấc mộng đêm qua" mà trở về với "Tĩnh thức", với "Chơn Tâm nhiệm mầu vắng lặng mà thường sáng suốt chiếu soi" (Tánh giác diệu minh, bản giác minh diệu), cùng đầy đủ tính: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.
Trong các tướng "nhân, ngã, chúng sinh và thọ mạng" thì có thể "thọ mạng tướng" là tương đối khó hiểu nhất. Nhưng nếu chúng ta để ý thêm một chút thì mới thấy rằng: Không có gì là lạ cả! Vì trong cõi Chân Tâm hay Niết Bàn chỉ có các vị Phật hoàn toàn "viên dung" (hoàn toàn hòa lẫn) với sáu đại khác; không hề có "tâm phân biệt" hay "vọng tưởng" nữa. tức là không còn phân biệt: Người hay ta, hoặc ta với chúng sinh khác mà chỉ có "Một" mà thôi. Tuy nhiên, thời gian "viên dung" ấy là bao lâu. Nếu chúng ta nghĩ rằng: 100 hay 1000 năm hoặc lâu hơn cả tỉ năm, hoặc vô số tỉ năm; thì đó vẫn là hạn định vẫn là "thọ mạng tướng". Thọ mạng tướng có hạn định thì khi Tâm mỗi cá thể hết hạn định lại tách ra để "phân biệt" nữa thì nó lại vào vấn đề của "Vô Minh" nữa rồi! Rồi Tâm lại rơi vào vòng Luân Hồi nữa hay sao? Do đó mà "phải diệt thọ mạng tướng" ở đây. Cho nên Phật không thể còn phân biệt tướng nhân, ngã, chúng sinh ngay cả thọ mạng tướng là vì vậy!

6/- Phật Và Bốn Đức Niết Bàn:
Trong phần nầy chúng tôi thiết nghĩ chúng ta tìm đến những lời Phật dạy trong các Kinh để thấu hiểu được ý nghĩa của Chân Lý; vì đây là phần "Xuất Thế Gian", là kết quả thực hiện "Triết lý nhân sinh giải thoát" của Đạo Phật hay Đạo Giác Ngộ: Tự con người, tự chúng sinh sẽ chứng ngộ được qua sự hướng dẫn của Đạo Sư, chứ không do một "Đấng Thần thoại nào trong mộng tưởng" của con người đem đến. Sự ban bố của "Đấng Thần Thoại" ấy chỉ có chăng là "ảo tưởng, huyền hoặc" mà thôi!
Sau đây là những đoạn Kinh ấy:

-"Này Thiện nam! Nếu có Bồ Tát giữ tâm rất vắng lặng, nhờ sức vắng lặng này, mà đoạn các phiền não, được vĩnh viễn thành tựu rốt ráo tánh Viên giác, thì vị Bồ Tát ấy lúc bấy giờ chẳng rời chỗ ngồi mà vẫn nhập được Niết bàn. Bồ Tát tu như thế, gọi là chỉ tu một pháp "Xa Ma Tha"(tu chỉ). (Kinh Viên Giác-VG, trang 135 Phật Học Phổ Thông khoá VIII).

-Này Thiện nam! Nếu có Bồ Tát, dùng trí huệ yên tịnh chứng đặng thể tánh rất tịnh, rồi đoạn các phiền não vĩnh viễn ra khỏi sanh tử. Bồ Tát tu như thế, gọi là trước tu "Xa Ma Tha" (chỉ) sau tu Thiền na (chỉ, quán song tu) (VG, trang 138).

-Này Thiện nam! Nếu có Bồ Tát, dùng trí huệ thanh tịnh, lấy sức huyễn hoá biến hiện ra các hình thức, để hoá độ chúng sanh; sau đoạn các phiền não, rồi nhập vào cảnh giới tịch diệt. Bồ Tát tu như thế, gọi là trước tu "Xa Ma Tha"(chỉ) thứ tu "Tam Ma Bát Đề"(quán), sau tu "Thiền Na"(chỉ, quán song tu) (VG, 138).

-Này Thiện nam! Các Bồ Tát và chúng sanh đời sau, khi diệt hết các ảnh tượng vọng huyễn rồi thì tánh "Viên giác thanh tịnh" hiện ra, khắp cả vô biên hư không, không có ngằn mé và phương hướng" (VG, 46).

-Từ nơi Chơn Tâm, vì hư vọng nên hiện ra các cảm giác thấy, nghe, hay biết. Do hoà hiệp vọng sanh ra, rồi cũng do hoà hiệp vọng diệt đi.
Nếu các ông xa lìa được các duyên hòa hiệp cùng bất hòa hiệp, và trừ hết các nhơn sanh tử rồi, thì cái chơn tâm thường trụ thanh tịnh, bất sanh bất diệt hiện ra, và các ông được viên mãn đạo Bồ Đề." (Kinh Lăng Nghiêm LN, Phật Học Phổ Thông, Khóa VI-VII, trang 88 hay LN, 88).

-A Nan, tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến giờ vì mê mình (tâm) làm vật, bỏ mất chơn tâm của mình, bị cảnh vật xoay chuyển (chi phối) nên thấy có lớn nhỏ, rộng hẹp, tốt xấu v.v...Nếu ai chuyển xoay được cảnh vật, thân tâm được sáng suốt viên mãn, thì đồng với chư Phật. Lúc bấy giờ không rời nơi đạo tràng (chỗ này) mà ở trên đầu một mảy lông, có thể chứa đựng khắp cả mười phương thế giới." (LN, 60).

-Này Phú Lâu Na, các ông khi đối với trần cảnh (thế giới, chúng sanh, nghiệp quả) chỉ đừng có khởi vọng niệm phân biệt thì tham, sân, si (ba duyên) không khởi. Ba duyên không khởi, thì ba nhơn sát, đạo, dâm chẳng sanh. Lúc bấy giờ anh khùng Diễn Nhã Đạt Đa (mê) ở trong tâm các ông tự hết, mà hết tức là Bồ Đề (sáng suốt). Khi ấy chơn tâm của ông thanh tịnh sáng suốt tự hiện bày khắp cả pháp giới, không cần phải cực nhọc khó khăn tu chứng hay xin cầu nơi ai cả." (LN, 143).

-Thế nên Ta nói: "Ba duyên: Tham, sân, si đoạn hết, tức là tâm Bồ Đề". Nếu cái "Vọng tâm sanh diệt kia diệt, mà tâm Bồ Đề sanh", như thế cũng còn ở trong vòng sanh diệt. Phải diệt và sanh đều hết, mới được vô công dụng đạo (chỗ cứu cánh)." (LN, 147-148).

-Ba Món Tiệm Thứ là:
*Trừ các trợ duyên bên ngoài: Ăn, không nên ăn những vật không hợp với người tu hành, như ăn thịt uống rượu và ngũ vị tân v.v... Ngũ vị tân, ăn sống thì nó tăng trưởng tánh nóng giận, ăn chín hay sanh tham dục, tụng kinh trì chú chẳng hiệu nghiệm, Thánh Thần không bảo hộ. Còn chỗ ở tu thì phải tìm chỗ nào cho hợp với hoàn cảnh của người tu hành.
*Trừ các chánh nhơn bên trong: Cốt yếu là hành giả phải nghiêm trì tịnh giới, không dâm, sát, đạo và vọng, gìn giữ ngoài thân không phạm, trong tâm không động, thân và tâm đều thanh tịnh như băng tuyết.
*Trừ các nghiệp hiện tiền: Khi tiếp xúc với trần cảnh, không khởi vọng niệm phân biệt theo sáu trần, xoay các cảm giác trở về bản tâm thanh tịnh, Do ngoài không duyên theo trần cảnh, trong sáu căn không vọng động, đồng một thể‹ thanh tịnh, nên mười phương thế giới đều được thanh tịnh sáng suốt; cũng như trong ngọc lưu ly có hàm chứa mặt trăng sáng. Hành giả lúc bấy giờ thân tâm thơ thới, chứng đặng Vô sanh pháp nhẫn, mười phương chư Phật đều hiện trong tâm người ấy. Từ đây hành giả lần lần tăng tiến tu hành, tiến lên các quả Thánh (LN, 265-266).

-Khi tâm hoàn toàn thanh tịnh rồi, thì cái trí quang sáng suốt hiện ra. Lúc bấy giờ chơn tâm ông vừa tịch tịnh lại vừa chiếu soi, bao trùm khắp cả mười phương hư không thế giới, lúc bấy giờ ông trở lại xem cảnh vật hiện tiền ở thế gian này, cũng như là việc trong chiêm bao. Khi ông được như thế rồi thì nàng Ma Đăng Già ở trong mộng kia làm gì bắt ông được! (LN, 235).

Và sau đây là trích đoạn quan trọng mà Đức Phật đã nói về những tính chất của mọi Đức Phật khi đã thành đạo đạt được:

-"Còn ta (Phật) thì trái với vọng trần, hiệp với Chơn tâm thường trụ bất sanh bất diệt, biến khắp cả pháp giới. Cho nên ta mới được tự tại vô ngại: Ở trong một hiện ra vô lượng, vô lượng hiệp làm một, trong nhỏ hiện lớn, trong lớn hiện nhỏ; không rời nơi đạo tràng mà hiện khắp cả mười phương thế giới. Thân ta bao trùm mười phương hư không vô tận. Trên đầu một mảy lông hiện ra các cõi nước; ngồi trong hạt bụi, mà chuyển đại pháp luân. Vì ta diệt hết vọng trần, trở lại với bản tâm thanh tịnh trong suốt, nên mới được như vậy! (LN 132-133).

Và:

-Này Thiện nam! Vì tánh viên giác kia mầu nhiệm viên mãn không hoại, nên bản thể của các căn, bản thể của trần, không có một pháp nào hoại diệt và lộn lạo; cho đến pháp môn Đà La Ni, cũng không có hoại diệt và lộn lạo. Thí như trăm ngàn ngọn đèn, đồng đốt trong một căn nhà, ánh sáng của mỗi ngọn đèn tuy đều chiếu khắp cả nhà, nhưng không có lộn lạo hay lấn diệt lẫn nhau. (VG, 51-52).

Đó cũng là hình ảnh của những Đức Phật trong hư không pháp giới, cùng chiếu sáng khắp hư không pháp giới, nhưng cũng không hề lộn lạo, lấn diệt lẫn nhau vì các Đức Phật không còn có chấp các tướng ngã, nhơn, chúng sinh, và thọ giả (vô ngã) hay một cách tổng quát hơn: "Một là tất cả, tất cả là một"! "Hư không pháp giới" ấy được gọi là:

-(A Nan) Bạch Thế Tôn! Bồ Đề, Niết Bàn, Chơn Như, Pháp Tánh, Yêm Ma La Thức, Không Như Lai Tạng, và Đại Viên Cảnh Trí, bảy danh từ tuy khác, chớ cũng đồng một quả Phật thanh tịnh thường còn không hoại. (LN, 162).

-Phật kêu Ngài Văn Thù và đại chúng, dạy rằng: "Mười phương các Đức Phật và các vị Đại Bồ Tát an trụ trong Chơn Tâm rồi, thời không còn thấy thật có các cảnh vật là căn, trần thức nữa. Cái thấy cùng với cảnh vật bị thấy, nguyên là "Chơn tâm". Đã là chơn tâm, thì đâu còn có "phải" hay "không phải" nữa. Như ông là Văn Thù, vậy có thể nói ông là "thật" Văn Thù hay "không thật" Văn Thù được không? (LN, 69).

-Tất cả các cảnh vật sum la vạn tượng trong thế gian này, đều ở trong chơn tâm; chơn tâm bao trùm khắp giáp cả mười phương thế giới. (LN, 111)

-"Chơn tâm nhiệm mầu vắng lặng mà thường sáng suốt chiếu soi." (LN, 119)

-Phật dạy: Chơn tâm phi tất cả tướng. (LN, 137)

-Phú Lâu Na, cái chơn tâm này lại rời tất cả "tức" và "phi, mà cũng là "tức" và "phi tức"
Chơn tâm như thế, thì từ kẻ phàm phu cho đến các vị Thánh: Thinh văn, Duyên giác, làm sao lấy tâm trí suy nghĩ cho đến đạo Vô Thượng Bồ Đề của Như Lai, hay dùng lời nói luận bàn của thế gian mà ngộ nhập của tri kiến Phật cho được? (LN, 139)

Qua các đoạn kinh trích dẫn ở trên, chúng tôi hi vọng Quý vị có thể tìm thấy những đặc điểm của Phật và nơi trụ xứ của chư Phật hay là Niết bàn với một số tính chất của Niết Bàn. Ngoài ra Đức Phật còn nêu một số điểm như sau đây:

-Bởi thế nên biết "Sanh tử và Niết Bàn" cũng đều như giấc mộng hôm qua, vì chúng sanh vốn đã thành Phật từ xưa đến giờ. (VG, 56).

-Này Thiện nam! Thí như chất kim khoáng, sau khi được nấu lọc, bỏ hết quặng rồi, thì chỉ còn vàng y, chất vàng này không phải do nấu lọc mới sanh, vì nó có sẵn từ trước kia rồi; và khi đã thành vàng y, cũng không bao giờ trở lại thành quặng nữa, dầu trải qua bao nhiêu năm, nó cũng không hư hoại.
Tánh viên giác thanh tịnh của Như Lai cũng thế. (VG, 70).

-Tu Bồ Đề! Người ưa pháp Tiểu Thừa, chấp bốn tướng: Ngã, Nhơn, Chúng sanh và Thọ giả, nên đối với Kinh này (Kinh Kim Cang), họ không thể tin hiểu hoặc đọc, tụng, hay giảng dạy cho người. (KC-PHPT Khoá XII- 129).

-Phật dạy tiếp: "Tu Bồ Đề! Có người nói "Như Lai đặng quả Bồ Đề". Thật ra, Như Lai là bản thể như như của các pháp, nên Như Lai không đặng pháp gì cả.
Tu Bồ Đề! Như Lai đặng đạo Bồ Đề, không phải hư, không phải thật". (KC, 137).

-Tu Bồ Đề! Như Lai nghĩa là không từ đâu đến và cũng không đi về đâu, nên gọi là Như Lai. (KC, 181).

Tại sao Như Lai "không từ đâu đến và cũng không đi về đâu"? Ở trên, chúng ta đã có "Thân ta (Phật) bao trùm mười phương hư không vô tận" thì ở đâu cũng có thân Phật cả, thì Như Lai sao gọi là đến và sao gọi là đi! Và Như Lai trụ xứ trong cõi Niết Bàn. Vậy Niết Bàn ở đâu? Niết Bàn cũng lại là hư không vô tận. Mà muốn tìm Niết Bàn chúng sinh phải quay trở lại Tâm của mình để tìm. Nên chắc chắn Niết Bàn cũng chẳng xa xôi gì với chúng sinh cả, Niết Bàn "ở ngay trong tâm" của chúng sinh mà thôi! Nhưng "nắm bắt" được Niết Bàn hay không là do chính chúng sinh đó vậy!

Do đó trong Kinh Tạp A Hàm Đức Phật đã nói:

"Như Lai tuyên bố rằng thế gian, nguồn gốc của thế gian, sự chấm dứt thế gian và con đường dẫn đến sự chấm dứt thế gian đều nằm trong tấm thân một trượng này, cùng với tri giác và tư tưởng."

Và:

"Có hai hình thức chứng nghiệm Niết Bàn là chứng nghiệm Niết Bàn trong lúc còn mang thân ngũ uẩn và chứng nghiệm Niết Bàn lúc không còn thân ngũ uẩn nữa.
Nầy chư Tỳ Khưu, chứng nghiệm Niết Bàn trong lúc còn mang thân ngũ uẩn là gì?
Là nơi đây, nầy chư Tỳ Khưu, một thầy tỳ khưu đắc quả A La Hán, đã tận diệt mọi ô nhiễm, đã sống đời thiêng liêng cao thượng, đã làm những việc cần phải làm, đã bỏ gánh nặng, đã thành đạt mục tiêu, đã tận diệt mọi trói buộc của đời sống, một thầy tỳ khưu hiểu biết chơn chánh và đã được giải thoát. Ngũ quan của thầy vẫn còn và vì chưa xa lìa hẳn ngũ quan, thầy còn hưởng những quả lành và chịu những quả dữ. Sự chấm dứt tham, sân, si của thầy tỳ khưu ấy gọi là chứng nghiệm Niết Bàn trong lúc còn mang thân ngũ uẩn.
Nầy chư Tỳ Khưu, chứng nghiệm Niết Bàn trong lúc không còn thân ngũ uẩn là gì?
Nơi đây, nầy chư Tỳ Khưu, một thầy tỳ khưu đắc quả A La Hán...đã được giải thoát. Trong chính kiếp sống ấy thầy không còn thích thú với những cảm giác của thân nữa, thầy mát mẽ. Đó là chứng nghiệm Niết Bàn trong lúc không còn thân ngũ uẩn". (Đức Phật và Phật Pháp, trang 466).

Niết Bàn trong lúc còn mang thân ngũ uẩn đó là: "Hữu Dư Y Niết Bàn" và "Vô Dư Y Niết Bàn" là Niết Bàn khi không còn thân ngũ uẩn.
Nói về Niết Bàn, người ta thường đề cập đến bốn tự tánh của Niết Bàn như sau:
-Thường: là tánh không sanh diệt, đổi thay, già trẻ
-Lạc: Không còn có khổ não, lo buồn.
-Ngã: Được tự tại, không bị ngoại cảnh hay nội tâm chi phối.
-Tịnh: Thanh tịnh, trong sáng, không còn ô nhiễm.
Và ở đây chúng ta cũng nên trở lại vấn đề, vì sao Đức Phật đã nói:

-Bởi thế nên biết "Sanh tử và Niết Bàn" cũng đều như giấc mộng hôm qua, vì chúng sanh vốn đã thành Phật từ xưa đến giờ. (VG, 56).

-Này Thiện nam! Thí như chất kim khoáng, sau khi được nấu lọc, bỏ hết quặng rồi, thì chỉ còn vàng y, chất vàng này không phải do nấu lọc mới sanh, vì nó có sẵn từ trước kia rồi; và khi đã thành vàng y, cũng không bao giờ trở lại thành quặng nữa, dầu trải qua bao nhiêu năm, nó cũng không hư hoại.
Tánh viên giác thanh tịnh của Như Lai cũng thế. (VG, 70).

Tại sao "Chúng sanh vốn thành Phật từ xưa đến giờ" và "Sanh tử và Niết Bàn đều như giấc mộng hôm qua"? Vì chúng sinh chẳng từ cõi "Chơn Như" (tên khác của Niết Bàn) bởi do Vô minh mà đi vào vòng sinh tử luân hồi sao? Như vậy nguyên thủy chẳng từ cõi Phật mà ra đi ư? Không phải Phật sao ở trong cõi Phật? Và ở trong cõi luân hồi: Tâm, vật, cảnh chẳng đều là huyễn hoặc, không thật giống như là một giấc mơ ư? Thì bỏ sinh tử luân hồi để trở về cõi Phật chẳng là "thoát khỏi giấc mơ qua một đêm dài" sao?
Nhưng cõi luân hồi cũng đã "dạy" cho chúng sinh bài học "Hậu quả của vô minh" để chúng sinh "giác ngộ" mà không bao giờ dám "si mê" nữa, giống như quặng vàng đã được tôi luyện lại thành vàng ròng qua lò luyện kim "thế gian" thì sẽ không bao giờ trở lại thành quặng nữa.
Ôi! Ra đi là "U mê" mà trở về là "Giác Ngộ", quả thật là một đoạn đường quá dài và đầy đau khổ, mà nếu không có Phật thị hiện để "Khai, Thị" để biết mà "Ngộ, Nhập Tri-kiến-Phật" thì chúng sinh còn lăn lộn đến bao giờ?
Thế mà chúng sinh vẫn hãy còn mê muội theo những huyễn ảo, huyền hoặc không thôi! Ôi! Thật là điều đáng buồn cho nhân thế!

Nguyên-Thảo,
04-08-09.




Tài Liệu Tham Khảo:

-Kinh "Hoa Nghiêm", HT. Thích Trí Tịnh dịch, GH-PGVN thực hiện, Nhà xuất bản TP.HCM xuất bản, 1999.
-Kinh "Đại Bát Niết Bàn", HT. Thích Trí Tịnh dịch, GH-PGVN thực hiện, Nhà xuất bản TP.HCM xuất bản, 1999.
-"Kinh Vô Lượng Thọ; Kinh Kiến Chính; Tây Phương Xác Chỉ", Sa môn Trí Hải dịch, Liên danh ấn tống, USA. 2003.
-"Pháp Bảo Đàn Kinh", Lục Tổ Huệ Năng do HT. Thích Từ Quang diễn âm, diễn nghĩa, yếu giải sự lý, Tổ đình Minh Đăng Quang, Tịnh xá Ngọc Xá Lợi phát hành, 1996.
-"Phật Học Phổ Thông", HT. Thích thiện Hoa biên soạn, GH-PGVN thực hiện, Thành hội PG/ TP. HCM ấn hành, 1997.
-Băng giảng "Duy Thức Học", HT. Thích Tâm Thanh - Đại Ninh - Lâm Đồng.
-"Đức Phật và Phật Pháp", Narada Thera (Phạm Kim Khánh dịch), Nhà xuất bản Thuận Hóa, Thành hội PG/ TP. HCM, 1994.
-"Từ Điển Phật Học Hán Việt", Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học, GH-PGVN, Nhà xuất bản KH Xã hội, Hà Nội 1998.
-"Phật Học Từ Điển", Đoàn Trung Còn, Nhà xuất bản TP. HCM, 1992.
-"Mười Tôn giáo lớn trên thế giới", Hoàng Tâm Xuyên chủ biên (Dương Thu Ái, Phùng Thị Huệ dịch), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia- Hà Nội, 1999.
-Băng giảng "Tương quan giữa sống và chết" của HT. Thích Tâm Thanh - Đại Ninh - Lâm Đồng.
-"Như Lai là bậc toàn trí, toàn giác chứ không toàn năng", Quảng Hiền, http://www.giaodiemonline.com đăng ngày 12/03/2009.

Đạo Phật 15: Cái "Ta" Trong Đạo Phật.

"Vô ngã" (không có cái Ta), "diệt ngã" (làm cho mất cái Ta) trong Đạo Phật quả là "Một vấn đề". Vấn đề ấy tạo nên vài sự lầm lạc không nhỏ cho số ít người nghiên cứu về Đạo Phật. Có lần chúng tôi đọc cuốn "Hành hương đất Phật" của tác giả Phan Thiết Nguyen Kim Khanh (tác giả không bỏ dấu nên không biết rõ là "Khanh, Khánh, Khạnh, Khảnh, Khãnh hay Khành"?). Ở trang 13, Hành hương đất Phật I tác giả có kể lại:
"Trong các câu chuyện đạo Phật trao đổi với các vị tăng sĩ hoặc thiền sư, tôi chỉ có một câu hỏi duy nhất: "Xin thầy chỉ cho tôi làm thế nào diệt ngã?".
Sau khi viết về một số cách trả lời, tác giả viết tiếp:
"Trước những lời dạy bảo ấy tôi chỉ im lặng và nghĩ trong bụng quí vị ấy không hiểu Phật là gì và cũng không hiểu luôn câu hỏi của tôi.
Vị Thiền sư Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng trong tác phẩm Nhập Pháp Giới hiểu được câu hỏi của tôi nhưng câu trả lời lại là "bất khả tri": "Vô niệm, chỗ đó thì rất mờ mịt, tâm thức của chúng ta chưa thể biết được, chỉ có cách là tu đến đó mới biết được mà thôi". Trả lời cũng như không trả lời!
Chỉ có một vị Thiền sư trả lời theo lối nói thiền "đột" ngộ.
Hỏi: Bạch thầy làm sao diệt được ngã?
Trả lời: Làm sao diệt được ngã! (trang 13) , [rồi "Chao ơi, làm sao diệt được ngã!" (trang 14)].
Thoạt khi ấy tôi liền tỉnh ngộ vì sự suy nghĩ của tôi đã có câu trả lời: "Không thể diệt được ngã, không có cách nào diệt được ngã!".

Khi đọc đến đoạn này, chúng tôi đã cảm thương thầm cho Phan Thiết (nguyên là một Luật sư, một Thẩm phán Tối Cao Pháp viện), một nhà trí thức đã bỏ công lẫn của ra trong 8 năm trời nghiên cứu đạo Phật để hoàn thành hai quyển sách "Hành Hương Đất Phật". Nhưng cuối cùng cũng chẳng nhận thức được gì của Đạo Phật mà chỉ nghe, nhìn, đọc vào một số quan điểm của một vài người.
Đã thế, chúng tôi lại càng thấy tội nghiệp cho Phan Thiết hơn nữa, khi Phan Thiết "vọng động" mà viết câu như sau: "Tôi vì thương yêu dân nước tôi mà lập ngôn qua các sách viết về các đạo giáo". Chúng tôi không ngờ Phan Thiết giỏi, có tài đến thế ư? Không lẽ trên thế gian này chỉ có Phan Thiết là có tài và thương dân tộc mình đến như vậy sao? Hay là Phan Thiết đang ngã mạn, hoặc là đang lớn lối theo kiểu một tôn giáo nào đó.
Thực ra, Phan thiết đang thể hiện một cái "Ta tâm tư" trong một cái "Ta thân xác" của một con người trong một cuộc sống rất ư là tầm thường!
Ở thế gian, "Cái ta" và "cái của ta" đã là nguồn gốc của biết bao là đau thương, là xót xa hoặc là thảm họa. Chúng ta cứ thử nhìn lại: Hai đứa bé chập chửng biết đi dành nhau "của tao" xô nhau té ngã, khóc la. Hai nhóm người đánh nhau "tức quá mà! tụi nó ăn hiếp tụi tôi". Hai quốc gia chiến tranh vì "nước nó lấn đất nước tôi" hay "nước nó bắt nước tôi phải làm nô lệ". Chủ nghĩa đế quốc "muốn chứng tỏ sức mạnh và cướp của người về mình". Hai tôn giáo đánh nhau nhiều người chết như rạ được gọi là Thánh chiến, vì sau cuộc chiến một số tín đồ "của đạo" tìm được đường về "Thiên đàng dưới mặt đất".
"Cái ngã" và "những gì thuộc về ngã" nó phảng phất từ trong mọi sinh hoạt của cuộc sống, dù trong cuộc sống của một đôi vợ chồng mà người ta coi là "tuy hai mà một, tuy một mà hai" chỉ vì "ý anh, ý tôi", "bên anh, bên tôi", "của anh, của tôi" v.v... Những điều ấy làm cho chúng ta có nhiều suy ngẫm..
Cho nên Đức Phật sau thời gian Thiền định, có được Trí Huệ, Đức Phật thấu suốt vấn đề mới bắt đầu nói về một giáo lý, giáo lý đó là một "Con đường". Con đường ấy có nhiều cách để đi vào, nương theo con đường này người ta trở về được với căn nhà cũ êm ấm, an vui, đầy tính chất nhiệm mầu mà vì do nơi "không biết" (u mê, vô minh) mình đã bỏ đi từ lâu, lâu lắm đến đổi mình không còn nghĩ "đó là nhà xưa" của mình nữa. Tại sao giáo lý, con đường ấy không là mới! Vì trước Phật Thích Ca có Phật A Di Đà, trước nữa thì hằng hà sa số Phật ở mười phương (trên, dưới, đông, tây, nam, bắc, đông nam, tây nam, đông bắc, tây bắc), trong thời quá khứ, hiện tại và còn ở cả vị lai. Tất cả chư Phật đều nương vào đó mà giác ngộ, và cũng nói con đường đó để độ chúng sinh. Các kinh điển là những phương tiện chỉ đường, giải thích, nói rõ cho chúng sinh hiểu để mà đi. Chính vì vậy, Đức Phật thường hay nói trong phần cuối của kinh: "Các đức Phật trong ba đời đều bảo hộ kinh nầy". Bảo hộ không có nghĩa là bảo vệ mà là "nói như vậy, và cũng nói y như vậy không sai khác".
Tùy theo căn cơ của mỗi chúng sinh mà tìm cách thức đi vào "con đường" để "nhập lưu". Đi vào con đường ấy, chúng sinh sẽ dần dần bỏ đi cái ngã của mình và cuối cùng không có Ta, không có người, không có chúng sanh và cũng không có thọ mạng tướng. Tất cả hòa hợp, viên dung trong một thể "Bất nhị" (không hai) là Pháp Tánh là Chơn như, Yêm ma la thức, Bồ đề, Đại Viên cảnh trí, Không như lai tạng, Niết bàn hay Viên giác, luôn bình đẳng, thanh tịnh nhưng lại được sáng suốt, chiếu soi, tất cả đều sáng như những ngọn đèn đốt sáng trong cùng một căn phòng, được đặt kế bên, cùng sáng cả phòng nhưng không lộn lạo với nhau.
Thế tại sao không có "ngã"?
Vì "ngã" là khởi nguồn cho cái "Tâm phân biệt".
Nếu như chúng ta nghiên cứu kỹ về kinh Lăng Nghiêm, thì chúng ta sẽ thấy Đức Phật nói và giải thích rõ ràng từ sự "ra đi" của Tâm thức cho đến khi ta chọn cách tu để trở về với cõi Chơn như. Tại sao ta phải quên mất cái ta hay cái ta phải không có mới là tận cùng rốt ráo của Đạo Phật?
Cõi Chơn như còn gọi là Niết bàn, Pháp tánh, Yêm ma la thức, Bồ đề, Không như lai tạng, Đại viên cảnh trí, hay Viên giác. Cõi Chơn như là cái thể của Chơn tâm bao trùm cả pháp giới, mười phương; không sanh, không diệt, bình đẳng, thanh tịnh không lay động, tự sáng suốt chiếu soi. Còn chơn tâm của mọi chúng sinh cùng đất, lửa, gió, nước, hư không, kiến đại, thức tâm đều bình đẳng viên dung hòa hợp với nhau trong cõi chơn như ấy, hay nói nôm na đó là cõi Phật. Trong cõi ấy rất là yên tịnh như mặt nước hồ không chút nào gợn sóng và thể tự nó chiếu sáng. Cái Ta ở đây cũng hòa hợp với người, cùng với vạn vật: "Một là tất cả, tất cả là một". Vốn xa xưa, không biết thời gian (vô thỉ), tất cả đều từ trong đó; rồi lại xảy ra biến cố mà Đức Phật gọi là Vô Minh, tức là sự u mê, sự không biết phủ lên chơn tâm của mọi chúng sinh (giống như con mắt (chơn tâm) bị mây mù, vô minh mờ mịt che khuất khiến ta không thấy đường, đi lạc vào đường khác, đường khác đó Đức Phật gọi là Vọng tâm) để rồi chơn tâm bị mất đi sự sáng suốt mà sanh ra có "tâm phân biệt" (ta-người, thiện-ác, tốt-xấu, phải-trái...) và "vọng tưởng" thấy có thân xác là cần thiết cho nên mượn "Tứ đại" để tạo thành thân xác: Thế là thân xác thành hình; rồi còn mượn đến "Thức đại" để được: Thấy, nghe, hay, biết, nhận thức; cùng "Hư không" để được: Tăng trưởng và lớn lên. Đó là nguồn gốc của mọi vật, muôn loài. Đức Phật đã nói:
"Từ một thể chơn tâm không khác, vì vọng niệm phân biệt, có năng sở, bỉ thử sai khác, nên hiện ra có hư không và thế giới. Nhơn có hư không thế giới nên mới có chúng sanh. Đã có thế giới và chúng sanh lăng xăng đối đãi nhau, nên khởi lên vô số vọng tưởng phân biệt: tốt xấu, phải chẳng v.v.. Vì thế mà sanh ra đủ các phiền não trần lao nhiễm ô. Cái có hình tướng và sanh diệt là thế giới, cái không hình tướng và yên tịnh là hư không, khác với hư không, thế giới là chúng sanh vật". (Lăng nghiêm, Phật Học Phổ Thông, trang 121).
Danh sắc thành hình rồi thì:
"Này A Nan, bởi vô minh vọng động nên biến hiện ra có hư không, thế giới và chúng sanh. Trong thân chúng sanh vì có vọng tưởng lẫn lộn, nên nó vọng động leo chuyền bên trong (như vượn như ngựa), khi các giác quan mở ra, thì nó rong ruỗi theo trần cảnh bên ngoài (như vượn xút xiềng, ngựa tong chuồng). Rồi các ông chấp cái tướng vọng tưởng lăng xăng bên trong đó, cho là tâm tánh của mình. Một phen chấp nó làm tâm, thì không sao khỏi mê lầm cho rằng "Tâm ở trong thân".
Chứ đâu biết rằng: Thân nầy, tâm nầy cho đến núi sông, thế giới và hư không đều là vật trong chơn tâm hiện ra cả". (Lăng nghiêm, PHPT, trang 51).
Khi con người, chúng sinh có thân xác được cấu tạo để nhìn ra ngoài, hay tiếp xúc ngoại cảnh (trần cảnh) bằng sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) qua sự thấy, nghe, hay, biết và chúng ta cảm nhận được các đối vật ấy bởi các thức (nhãn thức, nhĩ thức, tĩ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức). Từ đấy, tâm vọng tưởng, phân biệt càng ngày càng đi xa hơn, càng nhìn vào đời thấy đẹp xấu, ngon dở, thiện ác, sướng vui, buồn khổ ... nhiều hơn; rồi với những nhu cầu, ước muốn, cung phụng, phục vụ cho cái "Ta" mà ý thức đã nãy sinh hướng dẫn hành động đi đến: Sát, đạo, dâm, vọng để dành lấy cái ngon, cái tốt, cái sướng nhất...đem về cho mình, không từ nan một nghiệp nào dù thiện hay ác. Tất cả nghiệp ấy đều được đem cất giữ vào trong cái túi "Tàng thức: A lại da" (thức thứ 8). Rồi các "chủng tử" nghiệp ấy chúng sẽ tùy theo loại, tùy theo thời gian mà nẩy mầm trong kiếp nầy, ở kiếp sau, hay các kiếp lâu dài về sau. Đó là Quả.
Và cũng từ lúc có thân xác, chúng sinh bắt đầu "nếm mùi" đau khổ mà Đức Phật sau khi Thiền định đạt được Trí Huệ, thấu đáo sự khổ, nên trong bài pháp đầu tiên giảng cho năm anh em Kiều Trần Như ở vườn Lộc Uyển, Đức Phật đã nói về sự khổ (khổ khổ, hoại khổ, hành khổ và sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tắng hội khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ). Nhiều người cho rằng đạo Phật là đạo bi quan, yếm thế là từ phần nầy; có thể từ xưa con người, chúng sinh nhận cái khổ nhưng người ta chưa để ý, đến khi Đức Phật nói ra thì người ta thấy "Quả mình khổ thật!"; rồi sự khổ đó in vào trí não, vào quan niệm của cuộc sống. Nhưng họ đã quên, Đức Phật chỉ cho con người thấy sự khổ xong, Ngài lại giải thích tại sao bị khổ như vậy và đưa đến cách diệt khổ cùng dẫn vào con đường rời khỏi sự khổ. Hệ thống và lý luận của Đức Phật rất "là khoa học", là Trí huệ và thật là Tích cực. Trí Huệ là gi? Có lẽ chúng ta cùng ngạc nhiên tại sao trong đạo Phật không xài chữ Trí Tuệ như thế gian mà lại dùng chữ Trí Huệ khó hiểu? Trí Tuệ chỉ là sự nhận biết, khám phá của trí óc ở một trạng thái thông thường qua các sự kiện bên ngoài hoặc ở phần tâm linh còn nông cạn. Còn Trí Huệ là đỉnh cao của Trí Tuệ: Sự nhận biết, quán sát, suy tư, khám phá tận cùng của sự vật và tâm linh đi sâu vào trong bản chất của chúng. Cho nên có những điều mà Đức Phật nói cách nay đã hơn 2500 năm bây giờ khoa học mới chứng minh là đúng.
Đức Phật đã chỉ cho chúng ta thấy sự khổ, vì sao khổ, cách diệt khổ và con đường thoát khổ, trở về với cõi an vui. Như vậy đâu có nghĩa là bi quan hay yếm thế mà là một cách rất tích cực đấy chứ! Nhưng vì thấy nó đi ngược chiều với cách sống vật chất của cuộc đời, hay nhắc đến sự khổ chúng ta tưởng là bi quan. Con đường đi đến giải thoát phải là "Tịnh". Đó là điều kiện cần thiết. Chúng ta thử đặt lại vấn đề xem: Mohammed đã bỏ một thời gian tịnh ở núi Hira gần thành Mecca; Chúa Jesus ở đồng trống 4o ngày nhịn ăn nhịn uống chẳng là tịnh ư ? Và ở Ấn Độ tại sao có nhiều tôn giáo như vậy? Do có nhiều người tịnh, nhưng sự "ngộ" của họ khác nhau; hoặc tham vọng của họ khác nhau; và cách độ đời cũng khác nhau. Mỗi người có cái "Ta" khác nhau nên có nhiều đạo khác nhau. Nếu nghiên cứu kỹ và chuyên chú hơn về Kinh Lăng Nghiêm chúng ta sẽ thấy 50 món ma chướng khi người thiền hay tịnh cố vượt qua 5 ấm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. 50 món ma chướng đó đều liên hệ đến "tưởng như" mình là người thành đạo nhưng thực sự lại lọt vào ma đạo, sau nầy gây rối cho người và chúng sinh. Ngoài ra, còn 4 điều không thể ra khỏi luân hồi dù người tu có nhiều trí huệ hay thiền định đi nữa đó là còn sát, đạo, dâm và vọng. Cho nên Đức Phật thấy "Cái Ta" là nguyên nhân của mọi sự đau khổ, luân hồi. Các Đức Phật trong mười phương thế giới của thời quá khứ, hiện tại lẫn vị lai đều cũng thấy như vậy, không sai khác.
Vì khi thân xác được thành hình do từ vọng tâm muốn có; rồi vọng tâm trú ẩn vào đó, tạo nên nhiều vọng tưởng phân biệt, ham muốn qua các giác quan (lục căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) và các thức (nhãn thức, nhĩ thức, tĩ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức) để rồi sanh ra tham những cái ngon, đẹp, sướng, vui... cùng tìm cách chiếm hữu qua các hành động sát, đạo, dâm tạo nghiệp nặng nề cho thân, khẩu, ý. Khi "nghiệp" đã tạo ra thì "báo" phải trả. Thế là chúng sinh luôn bị chìm đắm ở cõi luân hồi.
Cho nên "Tịnh" để quán xét lại mình, đình chỉ những nghiệp sẽ tạo ra, trả lại món nợ mình đã vay để mình được giải thoát mà Đức Phật nhắc nhỡ trong việc thực hành ba món tiệm thứ là do vậy.
Nếu chúng ta liên hệ với thực tế thì chúng ta sẽ thấy cái ta là cái chướng ngại sanh ra mọi vấn đề: Vợ chồng cũng vì cái ta của anh hay của em mà không hạnh phúc; trong gia đình cũng vì cái ta của mỗi người nên sanh ra xào xáo; ngoài xã hội cũng vì cái ta, của ta, của chúng tôi mà sanh ra tranh chấp, đâm chém, giành giựt lẫn nhau; các quốc gia cũng vì "nước của tôi", "chủng tộc chúng ta" mà sanh ra chiến tranh, ly loạn; ngay cả trong tôn giáo đúng ra là thực hiện các điều chân, thiện, mỹ để đồng quy về một "chốn", đem hạnh phúc đến cho con người, chúng sinh; nhưng ở vấn đề hành đạo và trong sự thánh thiện đã ngầm có tâm phân biệt ta, người; tôn giáo ta tôn giáo người; tôn giáo ta sẽ là...v.v...Bởi thế đã đưa đến tình trạng tôn giáo nầy bài tôn giáo kia; người đạo nầy khích bác bằng lời nói, câu văn hay tuyên truyền với tôn giáo nọ, hoặc là những cuộc chiến tranh để giành phần thắng cho đạo "của mình". Như vậy sát, đạo, dâm, vọng cũng nhằm đáp ứng lại cho cái "ý muốn của ta". Những điều ấy chắc chắn không phải là điều chân thật của các vị thánh muốn, mà chỉ là ý muốn của các loài ma vương hoặc là satăng. Sự khuấy động không cho chúng sinh, con người kết hợp hoàn thành điều thánh thiện, thoát khỏi vòng khổ đau là vì ma vương hay satăng sợ mất đi vùng hoạt động của mình, như Đức Phật đã nói trong kinh Lăng Nghiêm:
"Bởi các loài ma kia thấy người tu hành, sanh tâm lo sợ cho bà con quyến thuộc của chúng sẽ tiêu diệt, nên chúng dùng đủ thần lực đến nhiễu hại người tu. Chúng cũng đủ năm phép thần thông biến hóa chỉ chưa được lậu tân thông". (Lăng Nghiêm, PHPT, trang 270).
Đó là chúng ta chỉ nói đến ảnh hưởng cái "Ta" và "của ta", "của chúng ta, chúng tôi" trong cuộc sống, chứ chưa nói đến cái thân xác của ta. Vì cần giữ cái thân xác cho nên ta phải làm để đáp ứng cho nó. Muốn ăn no, mặc ấm phải kiếm tiền hầu mua thức ăn, thức uống, vải vóc; và với nhu cầu càng ngày càng cao để ăn ngon mặc đẹp ta phải cật lực làm hơn nữa, đôi khi sự ham thích tiêu xài ta phải làm thật nhiều, lắm lúc ta đày đọa thân xác của ta mà ta không để ý tới. Thậm chí có người không từ nan tội ác (sát), làm việc bất thiện (đạo) đối với mọi người trong xã hội để thỏa mãn dục vọng của mình. Sự năng động của ta trong khía cạnh nầy chỉ càng gây thêm "nhân" và "nghiệp" để kéo dài thời gian "kiếp luân hồi" ở cõi trần gian đau khổ mà thôi!
Càng động thì chúng ta càng đi xa bờ giác, càng lún sâu vào cõi luân hồi, chìm đắm nhiều hơn vào sáu nẽo. Còn càng tịnh thì chúng ta càng gần với cõi an vui, niết bàn, gần gũi với Cõi Chơn như.
Trong Lục độ Ba la mật: Bố thí, Trì giới, Tinh tấn, Nhẫn nhục, Thiền định, Trí huệ. Chúng ta thấy hạnh Bố thí là hạnh để thấy mình với chúng sinh là một, thương chúng sinh như thương mình, quên cái ngã của mình đi, để cái "ta" của mình hòa lẫn với cái "người" và "chúng sinh" không khác. Trì giới thì dứt bỏ đi sát, đạo, dâm, vọng là các món nguồn gốc của luân hồi.
Đức Phật đã nói trong kinh Lăng Nghiêm:
"Dầu cho ông hiện tiền đặng nhiều trí huệ và thiền định cũng sẽ đọa vào ma đạo (thần đạo hay tà đạo)" vì chưa đứt được sát, đạo, dâm và vọng ngữ. Cho nên qua mỗi đoạn giảng về sát, đạo, dâm, vọng ngữ, Đức Phật đã căn dặn:
"Đây là lời nói sáng suốt trong sạch của ta, và các Đức Phật quá khứ chỉ dạy. Đúng như lời ta dạy đây thì gọi là Phật nói, trái lại là Thiên ma Ba tuần nói".
Và giai đoạn cuối cùng của Lục độ là Thiền định và Trí Huệ. Như vậy cứu cánh là Trí huệ, Trí huệ là tính chất của một vị Phật (là chúng sinh sẽ nhập vào Niết Bàn; sẽ "an trú" trong Cõi Chơn như). Thiền định là để đạt đến trạng thái Tịnh hoàn toàn cho Tâm thức, giống như khi mặt nước hồ rất là yên lặng ta sẽ nhìn thấy đáy hồ không mãy may sơ sót. Cũng vậy Trí huệ sẽ giúp ta thông suốt được mọi nhiệm mầu. Bằng chứng rõ rệt là giáo lý của Đức Phật được ra đời bằng trí huệ của Sidhattha khi thành đạo. Nếu giáo lý ấy có tính cách luận lý (logic), khoa học, triết học, tôn giáo, nhân sinh, vị tha thì đó chính là tính chất của trí huệ vậy. Trí huệ ấy ai cũng có, nhưng chỉ chưa biết cách phát huy mà thôi. Đức Phật đã chỉ cho chúng ta con đường phát huy trí huệ, đồng thời đó cũng là con đường đưa ta thoát khỏi luân hồi, thoát khỏi cái "giấc mộng hôm qua" để trở về căn nhà xưa êm ấm, an vui.
Thực tế chứng minh cho chúng ta chỉ với trí tuệ thôi mà biết bao nhiêu nhà tư tưởng, nhà khoa học giúp cho cuộc sống con người được thoải mái, ấm no, phong phú...Vậy thì với trí huệ sẽ giúp con người, chúng sinh hơn biết bao nhiêu lần...Chúng ta cùng thử vận dụng trí tuệ của chúng ta mà suy đoán xem sao? Có một điều mà không được nhiều người "để ý" đến là: Khi người ta tu hành hay kĩnh Phật, lúc nào cũng mong một ngày nào đó sẽ gặp Phật, thấy Phật, nhưng Đức Phật lại không dạy như vậy mà Đức Phật khuyên nên quay về trong tự tánh, nên tĩnh lặng, lắng nghe cái chơn tâm của mình:
"Khi tâm hoàn toàn thanh tịnh rồi, thì cái trí quang sáng suốt hiện ra. Lúc bấy giờ chơn tâm ông (A Nan) vừa tịch tịnh lại vừa chiếu soi, bao trùm khắp cả mười phương hư không thế giới, lúc bấy giờ ông trở lại xem cảnh vật hiện tiền ở thế gian này, cũng như là việc trong chiêm bao. Khi ông được như thế rồi thì nàng Ma Đăng Già ở trong mộng kia làm gì bắt được ông". (Lăng Nghiêm, PHPT, trang 235)
Hoặc:
"Này Phú Lâu Na, các ông khi đối với trần cảnh (thế giới, chúng sanh, nghiệp quả) chỉ đừng có khởi vọng niệm phân biệt thì tham, sân, si (ba duyên) không khởi. Ba duyên không khởi thời ba nhơn sát, đạo, dâm chẳng sanh. Lúc bấy giờ anh khùng Diễn nhã Đạt đa (mê) ở trong tâm các ông tự hết, mà hết tức là Bồ đề (sáng suốt). Khi ấy chơn tâm của ông thanh tịnh, sáng suốt tự hiện bày, khắp cả pháp giới, không cần phải cực nhọc khó khăn tu chứng hay xin cầu nơi ai cả". (Lăng Nghiêm, PHPT, trang 143).
Hay là khi dạy về ba món tiệm thứ, Đức Phật nói:
"Trừ các nghiệp hiện tiền: Khi tiếp xúc với trần cảnh, không khởi vọng niệm phân biệt theo sáu trần, xoay các cảm giác trở về bản tâm thanh tịnh. Do ngoài không duyên theo trần cảnh, trong sáu căn không vọng động, đồng một thể thanh tịnh, nên mười phương thế giới đều được thanh tịnh sáng suốt; cũng như trong ngọc lưu ly có hàm chứa mặt trăng sáng. Hành giả lúc bấy giờ thân tâm thơ thới, chứng đặng vô sanh pháp nhẫn, mười phương chư Phật đều hiện trong tâm người ấy. Từ đây hành giả lần lần tăng tiến tu hành, tiến lên các quả Thánh". (Lăng Nghiêm, PHPT, trang 265-266).
Và ở chương Biện Âm của kinh Viên Giác, Đức Phật dạy:
"Nầy Thiện nam! Nếu có Bồ Tát giữ tâm rất vắng lặng, nhờ sức vắng lặng này, mà đoạn các phiền não, được vĩnh viễn thành tựu rốt ráo tánh Viên giác, thì vị Bồ tát ấy lúc bấy giờ chẳng rời chỗ ngồi mà vẫn nhập được Niết bàn, Bồ Tát tu như thế, gọi là chỉ tu một pháp "Xa ma tha" (tu chỉ)". (Viên giác, PHPT, trang 135).
Như vậy, chắc chúng ta đã thấy được giáo pháp của đạo Phật mà Đức Phật nói ra, giảng giải là cho Quý vị, cho chúng tôi, cho chúng sinh; và cũng nương vào con đường ấy Đức Phật và chư Phật mười phương trong thời quá khứ, hiện tại đã, đang "về được nơi xuất phát", và nếu những chúng sinh nào biết nương theo con đường ấy mà đi thì sẽ là "chư Phật tương lai". Và chắc chắn đây không phải là "chuyện Thần thoại biến thành tôn giáo". Quý vị cứ suy nghĩ lại xem sao?
Trong đạo Phật cái "Ngã" là điều tối kỵ để thành đạo, vì còn ngã thì chưa phải là Bồ tát, chưa phải là Phật, chưa được hội nhập vào tính Viên giác, vì họ còn có "Tâm phân biệt", mà tâm phân biệt là do Vô minh. Người Giác ngộ không thể nào có vô minh. Thế nên Đức Phật nhắc nhỡ với Tu Bồ Đề:
"Tu Bồ Đề! Người ưa pháp Tiểu thừa, chấp bốn tướng: Ngã, Nhơn, Chúng sanh và Thọ giả, nên đối với kinh nầy, họ không thể tin hiểu hoặc đọc tụng, hay giảng dạy cho người" (Kim cang, PHPT, trang 129).
Tại sao thế? Vì người tu pháp tiểu thừa thưòng xa rời mọi người, tìm nơi vắng lặng để tu tịnh; nếu họ "ngộ" được đạo, thì đến khi tiếp xúc với mọi người, chúng sinh thì họ vẫn còn có "Tâm phân biệt": Ta, Người, Chúng sinh, Thọ tướng. Thế nên với các kinh thuộc Đại thừa họ vẫn chưa hiểu được thấu đáo và còn có lòng nghi ngờ, thắc mắc. Do vậy hàng Nhị thừa (Thanh văn, Duyên giác) cần phải tu hành để tiến lên Bồ Tát; hàng Bồ Tát phát nguyện những Đại nguyện "Quên mình" (Diệt ngã, rồi Vô ngã) để tiến lên hàng Phật.
"Nếu Bồ Tát còn thấy mình độ và chúng sanh được độ, thì Bồ Tát còn tướng ngã, tướng nhơn, tướng chúng sanh và tướng thọ giả, tức nhiên không phải là Bồ Tát" (Kim cang, PHPT, trang 135). Và "Phải xa lìa tất cả các chấp tướng, mới gọi là chư Phật" (Kim cang, PHPT, trang 109).
Làm thế nào để ta biết rằng mình đã "Vô ngã", Đức Phật thuyết:
"Nầy Thiện nam! Nếu hành giả muốn biết mình được vô ngã chưa, cứ xem trong lúc bị người hủy nhục, mà không thấy có người bị hủy nhục như thế là được vô ngã.
Trái lại, trong lúc thuyết pháp độ người, mà còn thấy có ta thuyết pháp thế là ngã tướng chưa đoạn. Còn nhơn tướng, chúng sanh tướng và thọ mạng tướng cũng thế". (Viên giác, PHPT, trang 71).
Viết đến đây, chúng tôi hi vọng những ý kiến đóng góp này được góp phần vào sự giải tỏa phần nào: Tại sao phải diệt ngã (diệt ngã mạn, ngã chấp) và vô ngã (vì mọi người, chúng sinh mà quên mình); để rồi quên mình, quên người, quên chúng sinh và quên mất đi thọ mạng tướng; mà chỉ còn thấy có một thể duy nhất là: "thể tánh bình đẳng, thanh tịnh, viên mãn khắp giáp cả mười phương, tâm và cảnh đều vắng lặng (ngã pháp đều không)". (Viên giác, PHPT, trang 11). Lúc đó, chúng ta sẽ thấy: "Như Lai là bản thể như như của các pháp", và những pháp Như lai nói ra chỉ là không thật có, "dùng pháp huyễn trong giấc mộng" để đưa "người trong mộng trở về với thực tế" (dùng pháp huyễn diệt huyễn (vọng tưởng, vọng tâm) để tìm về với chơn tâm), cho nên:
"Tu Bồ Đề! Người phát tâm Bồ Đề chẳng nên chấp các pháp thật có, mà phải thấy các pháp là giả, biết các pháp là giả, hiểu các pháp là giả và tin các pháp là giả.
Tu Bồ Đề! Như Lai nói "các pháp", không thật có "các pháp", chỉ giả gọi là "các pháp". (Kim cang, PHPT, trang 185).
Vì thế mà "Như Lai không có thuyết pháp" hoặc "Mấy mươi năm chưa nói một lời".
Cho nên chúng ta không thể tìm thấy bất cứ một sự khiêm tốn, cao thâm và vô ngã nào hơn ở bất kỳ nơi một giáo chủ hay một tôn giáo nào khác hơn... ngoài đạo Phật!

NGUYÊN-THẢO,
09/ 03/ 2008

Lòng Tham!

Ham muốn và tham được, từ được ít sang được nhiều là điều mà ai ai cũng “muốn” dù cho bất cứ người bình thường nào sống trên thế gian nầy, kể cả những đứa trẻ con khi nó bắt đầu nhận biết. Thế cho nên cuộc sống ở trần thế đã trở nên sôi động, kết quả đưa đến những sự kiện không lường! Khi bạn đọc những câu nầy chắc bạn ngạc nhiên lắm thì phải? Tuy nhiên bạn hãy suy nghĩ kỹ lại xem sao? Nếu không Đức Phật đã chẳng phải bỏ nhiều thời gian ra để mà suy nghiệm và đúc kết lại thành một phần “Triết lý” sống trong đời của con người, và cũng là một phần trong “giáo lý” của Ngài được lưu truyền cho đến ngày nay cả hơn hai ngàn năm. Những gì “gắn liền” và “diễn biến” theo con người đã được đúc kết qua nhiều thời kỳ và những giai đoạn nó đã trở thành những “chân lý” thực tế mà bất cứ một con người nào cũng không thể phủ nhận. Do đó, Đạo Phật không phải là một đạo xa vời hay tưởng tượng vào những điều hoang tưởng không đâu dù được đặt ở trên trời hay dưới đất.
Ôi! Cái lòng tham! Sự ham muốn đã khiến cho người ta trở nên năng động, năng nỗ dùng sức lực, trí khôn của mình ra để mưu cầu; nhưng lòng tham càng khiến người ta cần phải hoạt động nhiều hơn nữa để thỏa mãn cho ý muốn của mình mà người ta đã không từ nan đến những mưu mô, hành động kể cả tội ác! Cuộc sống lại càng trở nên phức tạp hơn thêm!
Đọc trên báo chí, trên mạng hàng khối những chuyện xấu và tội ác đã xảy ra: Từ những đám thanh niên choai choai rình đến chỗ cặp tình nhân của người ta để rồi uy hiếp anh chàng và hiếp dâm cô nàng; từ lòng tham của cải mà giết người yêu cũ để cướp đoạt tài sản sau khi đã quan hệ tình dục; từ ham muốn có nhiều tiền bạc thì đi vào sòng bài, casino mà bỏ con ngoài xe hơi trong nắng nóng; từ muốn có nhiều tiền để tiêu pha, ăn xài mà đi buôn bạch phiến, những chất ghiền để hại cuộc đời của người khác… Cho đến những chuyện lớn hơn trên thế giới ỷ mình mạnh mà tiến chiếm những nước nhỏ như Trung Quốc đã làm đối với Tây Tạng lẫn Tân Cương và sự chiếm đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Ai cũng muốn mình là bá chủ trên thế giới, trở thành “Cao thủ” trong giới võ lâm, và “Quân tử trả thù mười năm chưa muộn” nói theo kiểu truyện Tàu mà có một vài quốc gia đang áp dụng. Chỉ tội những nước nghèo và nhỏ mà thôi! Vừa lo ăn, vừa lo phòng thủ để bảo toàn cho chính mình để còn được tồn tại. Ôi lòng tham mà sinh ra lắm “sự đời”!
Lòng tham chưa “dừng” lại ở đó! Nó còn tiếp diễn và đi xa hơn nữa, đi hoài đi mãi: “Được đàng chân thì lấn tới đàng đầu”, “được một thì đòi mười” vì “Túi tham không đáy” biết tới đâu thì đủ bây giờ? Theo những câu chuyện ngày xưa khi được làm vua thì đã được ăn sung, mặc sướng, oai quyền, kẻ hầu người hạ, tiền hô hậu ủng, ra vào có người đưa đón, phục dịch; thế mà vẫn chưa đủ họ cần đến được sống lâu, nhiều cung phi mỹ nữ, và họ lại muốn “Trường sinh bất tử” để thụ hưởng những gì mình đang có, mà không hề nghĩ hay đoái hoài đến những hàng thứ dân! Ôi! Cũng chỉ vì tại lòng tham!
Lòng tham “muốn là phải được!”, phải tìm đủ mọi cách để làm, lấy, chiếm cho được; nếu không thì còn có nhiều ấm ức, bực dọc, “ăn không ngon, ngủ không yên”. Chính vì vậy mà đời trở nên thêm càng rối rắm! Vợ người ta mà mình cũng muốn, rồi “tò vè, ve vãn”, tung tiền làm nghĩa cử để lấy cảm tình, dùng lời ngon ngọt để đưa duyên, săn đón để người đàn bà phải xiêu lòng và cuối cùng cũng chỉ làm “việc ấy”, để rồi cả hai đều là những con người “không tốt”! Ít nhất cũng một gia đình tan nát, một hoàn cảnh bi thương lại hiện ra. Đó là chưa nói đến những đứa con “bất hạnh” được bắt đầu xuất hiện thêm trong trường đời “đầy đau khổ”. Chỉ cần một sự kiện, một lòng tham của sự “ham muốn” mà thôi! Ngọn lửa nhỏ đã thành một “đám cháy to”!
Nhưng khi lòng tham mà chưa đạt được thì làm sao anh bạn nhỉ? Đâu có gì lạ đâu, anh chỉ cần muốn chiếm đoạt một cái gì đó mà bị cản trở, chướng ngại anh sẽ nỗi “tam bành lục tặc” mà quyết ăn thua đủ với những ai đã ngăn cản anh, rồi anh không còn sáng suốt để có thể dùng đủ mọi cách mà lấy cho được kể cả gây tội ác hay giết người, cho nên Đức Phật mới phân tích tiến trình đó thành ba thái độ: Tham, Sân và Si; ba thái độ là căn bản hướng dẫn đời sống con người trong cuộc sống đau khổ nầy. Ba thái độ ấy rất độc hại khó tránh mà Đức Phật gọi là “Ba món độc”!

Đồ Ngông,
28/06/10.

Thơ Đó, Thơ Đây! (tt)

* Ngày Xưa. (Sapa- Lào Cai)

Ngày xưa lên núi tu tiên
Đi sang bên đó bạn hiền thăm nhau
Đi chi cũng phải khá lâu
Đành ngồi ngẫm nghĩ, bày trò “đằng vân”
Mây mù hạt nước li ti
Cứ ra tưởng tượng như là cưỡi mây
Đi sang bên ấy thật hay
Bay vèo một cái sang thăm bạn hiền!

Đồ Ngông,
02/08/10.



* Bên Bờ Biên Giới. (Lào Cai)

Bên nây con rạch xứ mình
Bên kia con rạch xứ Tàu khác nhau
Trên cầu Hà Khẩu phân đôi
Đi qua đi lại giấy tờ chứng minh
Con người chẳng khác gì hình
Con người chiếm hữu người, mình phân ly
Nực cười tâm địa dị kỳ!

Đồ Ngông,
02/08/10.



* Chiếc Cầu Biên Giới. (Lào Cai)

Chiếc cầu liền nối đôi bờ
Bên nây nước Việt, bên kia nước Tàu
Dân Hán đóng ở quá lâu
Thành ra Mân Việt đâm ra hóa Tàu!

Đồ Ngông,
03/08/10.