Tuesday, July 19, 2011

*Đạo Phật 20: Nhập Thế Hay Xuất Thế?

Từ lâu, người ta nhìn vào Đạo Phật như là một đạo xuất thế và những người tu sĩ của Đạo Phật như là những người xa lánh cõi trần tục, sống trong am tự ở những nơi yên tịnh vắng vẻ để lo hành việc đạo, sống một đời đạo hạnh, không vương vấn cuộc đời. Đôi khi người ta coi am tự như là những nơi để những người buồn chán, thất thời lỡ vận từ bỏ đời sống bình thường nương tựa như thế gian có câu: “Tu là cỗi phúc, tình là dây oan”! Chính vì thế mà người ta nhìn Đạo Phật như là tiêu cực đối với xã hội trong những thời gian dài, mặc dù trong lịch sử nước ta Đạo Phật có những thời kỳ nhập thế và những triều đại ấy thật là huy hoàng. Điều ấy được chứng minh qua hai triều đại Lý, Trần. Nhưng sự thực thì Đạo Phật là đạo Xuất Thế hay Nhập Thế?
Đạo Phật chính ra là một đạo nhập thế. Vì nếu không nhập thế thì làm sao nó làm nhiệm vụ giáo hóa chúng sinh cho được. Ngay cả Đức Phật cũng phải nhập thế hơn 45 năm ròng rả để thuyết giảng, Ngài chỉ bỏ hơn 6 năm xuất thế để tu tập tìm con đường đạo, và khi đã “ngộ đạo” tìm được con đường cứu khổ và giải thoát khỏi luân hồi cho chúng sinh, Ngài đã hoàn toàn nhập thế, lặn lội từ nơi này đến nơi khác để truyền bá con đường ấy cho chúng sinh, mà chỉ mong chúng sinh “Ngộ, Nhập tri kiến Phật” và chỉ cho chúng sinh biết rằng mình có Phật tánh là hạt nhân để mình có thể trở thành Bậc Giác Ngộ và thoát hỏi Luân Hồi. Nhưng điều quan trọng vẫn là do chính người đó muốn được giải thoát, tự tu tập theo con đường mà Đức Phật hướng dẫn theo chính kinh nghiệm của Ngài hay không?
Theo như vậy, chúng ta không thể nói rằng Đạo Phật là Đạo Xuất Thế. Sở dĩ, người ta hiểu lầm hay hiểu không đúng tại vì họ và chúng ta chưa quán triệt được trong tư tưởng của chúng ta mà thôi! Chúng tôi không phải nói ngoa! Mà đó chính là một sự thật! Mà sự thật đó người ta không thể ngờ tới!
Có lần chúng tôi đã phân tích và nói về vấn đề con người trên con đường giải thoát (Bài: “Con Người Trong Đạo Phật” đăng trong trang nhà Đạo Phật Ngày Nay vào tháng 11/2008 ở Phiên bản cũ). Con người là chúng sinh đang ở cuối điểm con đường giải thoát, và được làm con người rất là quan trọng. Tuy nhiên vì con người không nhận thức được vai trò, vị trí của mình nên thường lo lắng, e ngại, hay thiếu lòng tin, mà không có hay chẳng vững lòng tin để tu. Vì vậy mà người ta sống theo sự ham muốn đầy đủ tham, sân, si của mình để gây nghiệp tiếp tục và rồi lại trôi theo dòng nghiệp, và vay trả trả vay!
Theo như Kinh điển đã đề cập đến trong Lục đạo Luân Hồi thì được làm con người ở cõi Nam Diêm Phù Đề này rất là quan trọng (nhân thân nan đắc). Tại sao như thế? Vì các chúng sinh cõi khác như địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A-tu-la, và các cõi trời đều tu không thể thành Phật, bởi vì các cõi ấy không có Phật pháp. Phật pháp chỉ có ở cõi Nam Diêm Phù Đề, do đó mà các chúng sinh khác muốn tu thành Phật phải “tái sinh” làm người trong cõi của chúng ta mà thôi! Cho nên, làm con người trong cõi đầy đau khổ này không phải là dễ, cũng là có nhiều phước đức mới đi đến đoạn cuối của vòng Luân hồi, và giống như chúng ta đang đứng tại cửa ra mà chúng ta không biết! Chúng ta chỉ cần mở cánh cửa ra là chúng ta sẽ thoát được ra ngoài, ra ngoài cõi sinh tử!
Ở Kinh Duy Ma, phẩm Phương Tiện, Thiên Thai sớ có ghi:
“Nói Tám nạn thì Thứ nhất là Địa ngục, Thứ hai là Ngã quỉ; Thứ ba là Súc sinh; Thứ tư là Bắc Uất Đan Việt tức là người ở châu Bắc Câu Lư sống sung sướng nên không ham tu học. Thứ năm là Trường Thọ Thiên; người ở đây không có tâm tưởng nên không tu học được. Thứ sáu là đui điếc câm ngọng. Thứ bảy là thế trí biện thông, cậy mình thông biện, theo đòi thế sự nên không tu học. Thứ tám là sinh vào thời trước Phật, sau Phật” (Trích “Bát nạn” từ “Từ Điển Phật Học Hán Việt” của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, do Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội xuất bản)
Chúng ta được sinh ra trong thế giới này, mà chúng ta không phải bị “câm, ngọng, đui, điếc” tức là chúng ta thoát được sáu nạn; và mặc dù chúng ta sinh sau Phật nhưng chúng ta được tiếp cận với Phật pháp thì với “tám nạn” ấy chúng ta cũng được coi như là thoát nạn. Thế thì chúng ta chỉ còn biết cách tu để đạt được đạo mà thôi!
Thông thường, người ta cứ nghĩ người được phước báo, giàu sang, sung sướng là những người tu nhân, tích đức bây giờ mới hưởng phước. Nhưng trong con đường để giải thoát, thì những người giàu sang, sung sướng, hạnh phúc.. họ lại hay quên lãng tìm cho mình con đường giải thoát; mà những con người thường xuyên đau khổ, thiếu thốn dằn vặt, ưu tư về nội tâm.. lại là những người dễ có cơ duyên “thành đạo” hơn vì với những “Phiền Não” họ dễ dàng “không vướng mắt” về ngoại cảnh, và họ có trạng thái giống như một người “đang hành thiền”, và họ lại quyết tâm hơn, vì thế họ dễ chứng nghiệm “Thị Bồ Đề”!
Theo như vậy, làm con người mới có nhiều cơ duyên để tu và tìm được cho mình con đường giải thoát. Nhưng tại sao người tu thì ít, người không tu thì nhiều? Nếu nói về cơ duyên và nhân quả thì duyên của họ chưa đến; vả lại, thế giới này cũng có nhiều ma như trong Kinh Lăng Nghiêm Đức Phật đã cảnh báo:
“Bởi các loài ma kia thấy người tu hành, sanh tâm lo sợ cho bà con quyến thuộc của chúng sẽ tiêu diệt, nên chúng dùng đủ thần lực đến nhiễu hại người tu. Chúng cũng đủ năm phép thần thông biến hóa chỉ chưa được Lậu Tận Thông” (Phật Học Phổ Thông, H.T Thích Thiện Hoa, khóa VI-VII, trang 270).
Chính vì thế mà trong cuộc sống nhiều lẫn lộn này, thế giới ma đã bày ra nhiều ma chướng, thú vui, để lôi cuốn con người vào những thú vui, sắc dục, vật chất.. khích động lòng tham, xúi giục nỗi sân để rồi con người trở nên si mê mà vương vào các tội thuộc sát, đạo, dâm, vọng để từ đó con người phải vướng vào nghiệp mà không thể thoát ra được ngoài vòng luân hồi và chịu loài ma lôi cuốn mãi trong cuộc chơi của chúng. Chúng cũng không những quấy rối, lôi cuốn trong thế giới con người, mà ngay cả những người tu hành nữa: Đó là những người tưởng chừng như “ngộ đạo” nhưng thực ra đã bị loài ma hướng dẫn vào những ma đạo, tiếp sức cho ma để quyến rũ con người không thể thoát ra được vòng luân hồi và sự kiềm tỏa của chúng ma. Điều đó ta có thể thấy nhiều người tu tự xưng mình là chứng ngộ, là bạn, là con, là tiên tri, là sứ giả của Đấng Tối Cao nào đó, nhưng trên thực tế tôn giáo của họ là những tôn giáo đưa đến sự chém giết khủng khiếp cho nhân loại, hoặc dùng sự hào nhoáng bề ngoài để dễ dàng thu hút, dụ dỗ, lôi cuốn nhằm khống chế con người trong vòng ảnh hưởng của chúng! Con người, chúng sinh trong thế giới này, trong điểm đích cuối cùng của vòng luân hồi phải chịu nhiều thử thách cam go mới có thể vượt ra được giống như cái cảnh cá vượt “Vũ Môn” để hóa thành rồng; nhưng không mấy con cá Lý Ngư sẽ hóa thành rồng!
Lại có điều khác quan trọng trong quan niệm, ý tưởng hay suy nghĩ: Người ta thường suy tưởng tu rất khó và nhất là được nghe kể cần rất nhiều kiếp tu mới thành Phật, cho nên đa số họ đã không nghĩ đến tu và không nghĩ là mình đang ở vị trí “sắp thành”, nên họ đã buông trôi dòng đời, mặc ra sao thì ra. Chỉ cần những sai lầm hay những phút giây tạo nghiệp, họ phải luân hồi trở lại bao nhiêu kiếp và không biết đến bao giờ họ lại trở lại làm con người ở cõi Nam Diêm Phù Đề để được tu hành mà giải thoát! Không những thế người ta cứ nghĩ tu là phải xuất gia, sống trong giới luật mới là tu hay ít ra cũng là cư sĩ. Nhưng tu trong đạo Phật, đâu phải là chỉ có thế: Tu là để không gây nhân xấu nữa, tích chứa những nhân thiện đến khi nào trong túi A-Lại-Da-Thức không còn nhân để gây nên quả xấu nữa thì sự Luân Hồi cũng chấm dứt vì đâu còn nhân xấu mà phải trả quả ở các kiếp sau! Không cần đến kiếp sau nữa thì làm gì để có Luân Hồi. Chỉ trừ một việc là trong lúc sống chúng ta tha thiết với một việc hay điều gì “quá luyến lưu” mà ta ước nguyện quay trở lại thì lúc đó thay vì rời được dòng nước chúng ta lại “tự nguyện” quay trở lại với dòng nước!
Cũng vì quan niệm tu rất khó để thành Phật ấy, cho nên người ta trở nên ít tu và trong lối tu của họ không tìm thấy sự sáng sủa “gần kề”, mà chỉ thấy một sự “xa vời” nào đó. Từ đó, người ta cứ bắt chước con đường đi tìm đạo như Đức Phật, sống theo cách của Đức Phật lúc mới đi tìm đạo để mong rằng trong một lúc nào đó họ được ngộ đạo để thành Phật: Làm một vị Bích Chi hay Độc Giác Phật. Nhưng Đức Phật đã tìm được Chân Lý và tuyên xưng Chân lý ấy từ lâu rồi kia mà! Sống và tu hành như cung cách của Đức Phật ngày xưa cũng tốt vì cái Ngã của mình được lắng xuống: Mình cảm thấy mình sống còn nhờ vào bá tánh, có thể mình còn bị phỉ báng thì sự nhẫn nhục của mình trở nên cần thiết để mình tu tập được tốt hơn. Tu theo Tiểu thừa thì được thanh tịnh, nhưng khi tiếp xúc với đại chúng thì có thể có những khó khăn xảy ra vì có thể bị dòng đời lôi cuốn, hoặc cái Tâm phân biệt: Ngã, Nhân, Chúng sinh và Thọ giả hãy còn tồn tại vì không phân biệt, “biết” một cách rõ ràng nên còn vướng mắc vào “Cái Tâm phân biệt” đó! Còn có thể do thời tiết, hoàn cảnh, quan niệm hay tập tục mà sản sinh ra phái Đại Thừa, các tu sĩ ở trong các am tự, không còn đi khất thực nữa, mà bá tánh đến chùa để lễ hội hay tu tập. Từ sự được bá tánh cung phụng, đôi khi được cúng dường nữa nên cái quan niệm về “Ngã”, quan niệm về “Nhẫn”, và về “Cái Chùa của Ta” đã giới hạn ở “Lý Tưởng” của người tu sĩ, tất nhiên sẽ lôi cuốn theo cách hành đạo cũng có khác đi!
Đức Phật đã thuyết nhiều “Bộ Kinh” khác nhau tùy theo căn duyên của chúng sinh, và tùy theo căn duyên mà chúng sinh ấy chọn con đường tu tập; dù Đại Thừa hay Tiểu Thừa cũng đều hướng tới lý tưởng “Thành Đạo”, trở thành người Giác Ngộ thì không nhất thiết đường lối tu của ta hay hay đường lối tu của người là dở. Nhưng, điều quan trọng là người tu tu có đi đúng hướng hay không, tu trong căn bản nào: “Dứt trừ vọng tưởng và tâm phân biệt” hay lấy căn bản “Sinh tử, vọng tưởng, tâm phân biệt” để làm mục đích?
Do vì không tìm thấy căn bản mà người tu không quyết tâm để tu, mà còn khen chê đường lối này đường lối kia. Và vì không thấy “vị trí của con người” trong thế giới này quan trọng như thế nào nên người thế gian lại chẳng màng đến việc “tu sửa”. Lại thêm cứ ngỡ tu để thành Phật rất khó và không biết bao nhiêu kiếp và đến bao giờ, mà người ta lại thờ ơ với việc “giải thoát khỏi vòng Luân Hồi” để rồi người ta gia nhập vào những phương tiện thấy như là dễ dàng, con đường hào nhoáng, dáng vẻ bên ngoài do “ma” đã lập thành để lôi cuốn con người đi vòng vòng mãi trong Luân Hồi mà chúng sinh không thể ngờ tới!
Lại nữa, thế gian cứ ngỡ “Tu để thành Phật rất khó và lâu dài” mà không hề nghĩ rằng “Được làm con người sinh ở thế giới Nam Diêm Phù Đề này đã phải tốn biết bao nhiêu là kiếp, hay là vô lượng kiếp cũng không chừng!”; Và “mình không bị câm, ngọng, đui, điếc mà còn có tiếp xúc với Phật pháp” là mình đã thoát được “Tám nạn” rồi!. Vậy thì: Bồ Tát, A La hán đối với mình đâu có xa. Thế mà tại sao chúng ta lại thờ ơ?
Người tu sĩ Phật giáo thì cứ nghĩ mình tu cho mình, mình cố gắng hoàn thiện để mình được giải thoát. Họ lại nghĩ “mình còn lâu lắm mới thành Phật”, nhưng họ lại không bao giờ nghĩ rằng họ đang lột xác để trở thành A La Hán, hay Bồ Tát; và họ cũng cứ nghĩ họ vẫn mãi là chúng sinh, để rồi họ đôi khi thối chí để trở ra vương vấn cuộc đời. Được có thân người là khó, được làm người lành lặn là khó, được tiếp thu Phật pháp cũng là khó; được thâm nhập vào giáo pháp lại càng khó hơn! Thế tại sao chúng ta chỉ cần bước thêm một bước chân nữa để thoát vòng Luân Hồi mà chúng ta không bước để rồi lại còn e dè mà quay trở lại? Điều này những tu sĩ nào chưa đủ tín tâm cần nên suy nghĩ! Đi đúng trên con đường Chân Lý mà hãy còn lưỡng lự, e dè, chắc đợi ma quỷ đưa đường dẫn lối để đi vào đường “Ma” thì mới cam ư? Cứ đi vòng vòng trong cõi Luân Hồi mà không biết đến bao giờ thoát ra được, họ mới chịu đấy sao?!
Đức Phật sau sáu năm đi tìm đạo không thành, với lời nguyện sau cùng và 49 ngày sau Ngài đã tìm thấy “Đạo”. Và với hành trình nhập thế trong hơn 45 năm, Ngài để lại giáo pháp cho đời sau làm “Kim Chỉ Nam” để chúng sinh vượt thoát vòng khổ đau. Thế mà chúng sinh vẫn còn chưa tự tin mình sẽ thoát được vòng đau khổ mà cứ đợi chờ “ma đưa lối, quỷ dẫn đường” để rồi họ cứ mãi là người khổ đau!
Thuở xưa một A Nan “thệ tiên nhập” để giáo hóa chúng sinh; một Ngài Địa Tạng thệ nguyện “Chưa độ hết chúng sinh trong địa ngục, thệ không thành Phật”; một Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát “tầm thinh cứu khổ, cứu nạn” với bất cứ hóa thân nào; và còn biết bao nhiêu Đại Nguyện khác của các vị Bồ Tát và Phật, chẳng có Đại Nguyện nào để xa lìa chúng sinh cả. Vậy thì, Đạo Phật sao gọi là Xuất Thế?
Chúng ta cũng cần quán triệt được quan niệm và vấn đề để chọn cho mình con đường tu đúng và thích hợp trong từng thời kỳ. Nhưng hội nhập để giáo hóa chúng sinh, để truyền bá Phật pháp nối tiếp con đường của Đấng Như Lai trước kia, và cứu khổ cứu nạn, đem lại sự vững lòng tin cho chúng sinh trên con đường giải thoát; làm cho cõi Ta Bà này trở nên Thiện, Mỹ hơn chứ không như các tôn giáo của Ma, quỷ đem chém giết hận thù để lôi cuốn chúng sinh quay trở lại vòng Luân Hồi! Chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ và tiến lên phía trước với đầy lòng tin của những người con Phật, nhưng “hòa nhập, chứ đừng để hòa tan”. Chúng ta hãy cũng như những tượng Phật ngồi trầm lặng nhưng thừa Bi, Trí, Dũng ẩn hiện trong dáng dấp trầm ngâm đó; ngồi trầm ngâm mà hiểu rõ mọi vấn đề qua Lục Thần Thông, nhất là với Lậu Tận Thông! Nhập Thế để giáo hóa cuộc đời và chúng sinh! Nhiệm vụ vĩ đại ấy không bao giờ ngừng nghỉ! Cứ tiến lên và thẳng tiến về phía trước!

Nguyên Thảo,
30/01/2011, cuối năm Canh Dần.

Saturday, July 9, 2011

*Thơ Đó, Thơ Đây! (tt)

Đường Về Miền Tây:



*Lên Xe.

Lên xe chuẩn bị hành trình
Tớ đâu có phải giành riêng chỗ mình
Cứ gì mà phải nhìn quanh
Nhìn qua nhìn lại, nghĩ gần nghĩ xa
Mắt chi lướng vướng cựa gà
Nuốt vô chẳng được, nhả ra khó lòng
Cái gì mà lại ngó mông?

Đồ Ngông,
14/08/10.



*Đường Ra Thành Phố.

Thành phố gì đâu mệt quá thay
Lại nghe kèn bóp nhức inh tai
Xe qua xe lại như chen chúc
Người tới người lui, thấy mệt nhoài
Đi tới một giờ chưa thoát khỏi
Chạy hơn cả tiếng vẫn loay hoay
Kẹt xe cũng tại người không luật
Cứ hễ tranh nhau, thế lược cài!

Đồ Ngông,
15/08/10.



*Khác Quá Đi Thôi!

Ngày xưa tớ đã trải qua đây
Nhà cửa loe hoe chẳng thế nầy
Đồng trống thênh thang, tràn sóng lúa
Mênh mang gió thoảng, lòng bay bay.

Giờ cũng đi qua những chốn nầy
Nhà nhà, phố phố người đông đầy
Ồn ào xe cộ, còi inh ỏi
Bụi cuốn gió bay, người có hay?

Đồ Ngông,
16/08/10.

*Cái Nghèo!

Nói đến cái nghèo thì chẳng ai thích nó cả! Nếu phải lâm vào cảnh nghèo thì đành chịu, chỉ biết than thân trách phận mà thôi!
Với cái nghèo là người ta không có tiền để tạo được những nhu cầu cung ứng cho đời sống của mình, của gia đình; không thể lo cho con cái học hành được thì nói chi lo cho chúng được đến nơi đến chốn: Con cái cùng vất vả với cha mẹ như bóng với hình. Vì để sinh tồn, cảnh nghèo đã thường đưa đến tình huống “Bần cùng sinh đạo tặc”, những hiện tượng trộm cướp để chiếm đoạt tài sản của người khác bằng lén lút hay dùng đến bạo lực, vũ khí. Tuy nhiên, trong xã hội, còn có người vầy người khác: Mặc dù nghèo nhưng vẫn có những con người thanh cao, sống đạm bạc, không hề đụng đến tài sản của người dù đó là một vật nhỏ nhoi. Chính vì thế mà chúng ta mới thấy giá trị của một nền đạo đức căn bản làm nền tảng cho một xã hội; điều ấy chúng ta có thể thấy rõ ràng trong trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản trong ngày 11/3/2011 vừa qua. Với ý thức cao, một nền luân lý thấm nhuần nên người Nhật trong cơn hoạn nạn, chết chóc và tan nát ấy họ đã không hề cướp giật, hôi của; mà trái lại, họ vẫn lẳng lặng sắp hàng giữa trời giá rét để được phân phát lương thực và chất đốt. Họ không rối loạn, ngay cả một đức bé 9 tuổi được cho lương thực để ăn đỡ đói được khi nhận hàng cứu trợ; nhưng, nó đã không ăn và đem phần ấy đặt vào trong chỗ quà được phân phát. Những điều ấy làm cho thế giới phải ngưỡng phục một dân tộc về tính trật tự, kỹ luật và ý thức. Quả thật là một dân tộc hiếm có trên thế gian này!
Còn đa số thì sao? Đa số vẫn sống theo bản năng: “Ai chết mặc ai”! Miễn là họ không phải chết và không phải đói! Bằng mọi hình thức họ phải sống dù cái sống ấy bằng những cách “vô liêm sĩ”, hay những hình thức “vô lương tâm” dù là họ không phải là những con người thực sự đói khát.
Với chiến tranh, sự tàn phá khủng khiếp, khiến cho bao gia đình tan nát, tiêu tán tài sản đã dành dụm bao năm, hay cả công sức bao đời đóng góp lại mới thành; chỉ trong thoáng đã là người trắng tay, phủi sạch trở nên nghèo. Trong con đường chính trị sai lầm nào đó khiến cả một dân tộc hay đất nước trở nên nghèo. Con người ta trở nên khốn khổ lầm than, một số người không nhỏ sống theo bản năng “sinh tồn” mà đã nảy ra cướp giựt, giết chóc, trộm cắp… Và khiến cho người khác cũng trở nên nghèo, cũng “bần cùng” mà “sinh đạo tặc” cũng như nhau! Thế là một xã hội, một đất nước gồm đa số thuộc thành phần bất hảo: “Tại vì ai?”. Kinh tế càng khó khăn chừng nào thì người ta phải bương chải chừng nấy để lo cho chính thân mình và toàn gia đình được sống, được đầy đủ thì hình thức “mua chuộc” để quan chức làm ngơ cho hàng gian, hàng lậu đi trót lọt thì được lợi cho cả hai thì tại sao họ không trao đổi. Có chết ai đâu? Chỉ có người mua, người tiêu thụ thôi mà! Họ phải mua mắc hơn chút ít, phải trả thêm một số tiền mà công sức của họ phải bỏ ra nhiều hơn để kiếm được. Một sự liên đới tương quan của xã hội mà không ít những nhà lãnh đạo một quốc gia chẳng hề để ý hay quan tâm, cho nên giá trị của hai chữ “chính trị” trên nghĩa ban đầu đã bị mất dần theo quyền lợi của cá nhân và đàn đóm. Chính trị không còn đem ích lợi đến cho dân, hay tuyên xưng “của dân, do dân và vì dân” nữa mà chính là cho những quan chức, người cầm quyền… vừa được hưởng lợi từ tiền đóng thuế của người dân, vừa được tham nhũng, lại vừa được hối lộ mà giàu có lên: Gia đình trở nên sung sướng, vợ tha hồ chảnh chọe, con tha hồ tiêu phí, du học để trở nên người lãnh đạo của tương lai. Chỉ tội có dân nghèo mà thôi!
Chạy cơm, chạy gạo không xong lấy đâu để lo lót, tiền bồi dưỡng mỗi khi có việc cần. Họ chỉ có ngồi mà than phận hay ngẫm nghĩ đến “một kiếp nghèo”!
Để mong được thoát khỏi cái kiếp cùng cực người ta phải làm tất cả những gì mà người ta có thể: Ở đợ, bán thân, người con gái phải bán cả trinh tiết của mình để rồi đi vào con đường u tối hơn, hoặc bị dụ dỗ đi ra nước ngoài để làm “tấm thân ô nhục”, hay thí mạng cho cuộc đời, rồi tới đâu thì tới! Đàn ông, con trai đủ cách để họ sử dụng từ vũ lực, lừa đảo, giết chóc miễn là “lấy của người khác để làm lấy của mình”. Một sự hỗn loạn của xã hội chưa từng thấy, một nền đạo đức suy vi cùng cực. Thế mà những người ở trên có thấy đâu? Nhất là trong những chế độ độc tài! Chuyện cuộc đời là như thế đó: Thân phận của những con người trong cái nghèo! Cái kiếp nghèo khổ lắm ai ơi!

Đồ Ngông,
15/05/11.

Monday, July 4, 2011

*Đạo Phật 19: Tìm Hiểu, Vào Đạo Phật.

Trong thời kỳ biến đổi khí hậu, trên thế giới có quá nhiều thiên tai xảy ra. Nhưng chưa hẳn ngày xưa cũng đã là có ít thiên tai, vì thuở ấy ngành truyền thông chưa được nhanh chóng và rộng rải như ngày nay, nên chúng ta không thể biết được hết. Còn trong thời đại này, chúng ta được tiếp thu tin tức trên thế giới rất là nhanh và phổ cập, một tin tức nhỏ ở một nơi nào đó khi được phát tán trên mạng thì người ta có thể nhận biết tin ấy thật là dễ dàng; cho nên chúng ta biết được thiên tai xảy ra ở nhiều nơi cũng không có gì là lạ. Song, dù sao sự biến đổi khí hậu làm cho thời tiết thêm khắc nghiệt, đồng thời tác hại của thiên tai cũng khủng khiếp hơn ngày xưa nhiều. Thế thì tại ai? Nếu chúng ta cho rằng con người có những tác nhân phụ thêm vào thì cũng không sai: Từ những vụ phá rừng làm mất đi những khả năng chế biến thiên nhiên để hoàn trả lại khí ôxy cho khí quyển, hay mất đi yếu tố giữ nước ngầm, rễ cây cản dòng chảy của nước, chống xói mòn; những tàng cây xanh che bớt hơi nóng trên mặt đất để giảm bớt được sự sa mạc hóa… Người sống trên địa cầu sinh sản càng ngày càng đông, hơi ấm càng nhiều; thán khí hít thở thải ra cũng với số lượng lớn; nhu cầu sử dụng điện tăng nên sức nóng cũng theo đó tăng dần; lại thêm nhà máy công nghiệp càng phát triển thì khí thải cũng được thải vào bầu khí quyển một số lượng đủ để làm “hiệu ứng nhà kiến” tăng nhanh. Khi thế giới nhìn ra điều ấy thì sự đã rồi! Thiên tai đã dồn dập đến và đe dọa đời sống của con người.

Còn nếu chúng ta cho rằng: Một Ông Trời nào đó hiện diện ở trên cao để làm những thiên tai ấy thì chúng ta sẽ phải nghĩ thế nào về Ông Trời ấy? Ông Trời quả thật là bất nhân, tàn ác vô cùng! Ông quả là “có mắt mà không tròng” để nhìn thế gian. Mà nếu người ta cho rằng Ông Trời ấy đã sáng tạo ra loài người và vũ trụ này để rồi Ông lại tạo thiên tai mà hành hạ con người thì Ông quả là một Đấng tàn ác, vô nhân không thể nào kể hết tội Ông cho xiết. Và, nếu người ta lại cho rằng đó là “Ý Trời, hay ý Trời muốn” thì tội Ông lại càng tăng lên gấp bội! Tai hại hơn nữa, nếu người ta cho rằng: Trời chỉ tạo con người ra trong một kiếp này để phải sống theo ý Trời, làm theo ý Trời để rồi sau khi chết được Trời cứu xét cho lên Thiên đàng hay phải bị đọa vào Địa ngục thì ý tưởng đó là một ý tưởng “đần độn” chưa từng thấy! Vì sao? Vì con người sống và làm chỉ giống như con rối, “Tội” là do nơi Ông Trời điều khiển để làm, thì tội ấy là “tội” của Ông Trời chứ chẳng là tội của con người, thì làm sao Trời lại bắt con người vào Địa ngục hay lên Thiên đàng được. Những ai truyền bá tư tưởng này là những người “ăn không ngồi rồi chuyên đi lừa đảo, dụ dỗ người khác” đi vào sự đần độn của tâm linh mà thôi! Thế thì tại sao ta phải tin vào “những sự đần độn và ngu muội” ấy? Bây giờ là thế kỷ thứ 21, và là thời đại của khoa học, thông tin… Nhất là với khả năng “kiểm chứng” của con người thì tại sao chúng ta: Không thấy, không kiểm chứng mà tin nhỉ? Ôi! Tội nghiệp biết là chừng nào! Đừng nô lệ cho một “Đế quốc tâm linh” mờ ảo theo một câu chuyện “Thần thoại hoang đường” của một dân tộc nào đó. Hãy mở mắt ra và đi tìm “Chân lý”, đó là “mục đích sống của con người”!

Nước lũ đã tràn khắp các tỉnh miền Bắc Trung phần của Việt Nam, thiệt hại về sinh mạng, tài sản cũng khá nhiều. Đời sống của người dân thêm cơ cực, tinh thần “lá lành đùm lá rách” trở nên quý giá vô ngần! Cả nước đang hướng về miền Trung thân yêu! Ông Trời gieo tang thương, rồi Ông đi đâu rồi? Sao Ông không tỏ “lòng lành và sự công bằng” của Ông cho bàng dân thiên hạ thấy đi nhỉ? Nhất là Ông sao chẳng thương dân Phi Luật Tân là dân tộc đã “sùng bái” Ông thật nhiều! Hay là Ông “hành hạ” chúng vì chúng “đã ngu” mà theo, tin tưởng nơi Ông? Tôi lại cũng nghĩ về một “bộ phận dân tộc” của tôi!

Động đất, bão lụt, sóng thần, cuồng phong, núi lửa đã là những thiên tai làm thiệt hại biết bao nhiêu sinh mạng lẫn tài sản của con người, nhất là trong những thời gian gần đây: Trong thời kỳ biến đổi khí hậu! Nhưng, đó cũng là điều mà chúng ta nên nghiền ngẫm lại điều mà Đức Phật đã đề cập đến “Nhất thiết do tâm tạo”. “Thế giới con người” là một cảnh giới của những chúng sinh có cùng “cộng nghiệp” được thể hiện về nơi này: Đó là “Chánh báo”! Môi trường sống, cảnh giới biến đổi thích hợp với đời sống của chúng sinh trong cảnh giới đó: Đó là “Y báo”! Tâm tính của chúng sinh làm biến đổi môi trường sống:” Tâm bình thì thế giới bình, tâm sôi động thì thế giới sôi động, tâm cuồng nộ thì thế giới cuồng nộ”! Theo cái nhìn này thì tâm tính của chúng sinh trong thế giới này hiện nay đã có quá nhiều sôi động; “lửa đã nung, nên nước đã sôi” chì đơn giản là vậy thôi!

Nhìn trên màn ảnh của truyền hình từ cảnh ngập lụt ở Phi Luật Tân, Bắc Trung Phần Việt Nam, cho đến Thái Lan hay Đài Loan chúng tôi không thể không liên tưởng đến “bể khổ” mà Đức Phật đề cập đến “cuộc sống trần gian” hay nói rộng hơn “trong kiếp sống luân hồi” mà chúng sinh phải hứng chịu.

Hôm nay chúng tôi muốn kể lại ra đây một câu chuyện để quý vị xem và cùng nhau nghiền ngẫm mà “thấm thía” sự đời; đồng thời có thể nhìn “sâu” hơn vào trong Đạo Phật! Chuyện đơn giản như sau:

“1/ Trên một bờ sông, cõi ấy thật là yên tịnh (Cõi Chơn Tâm), mọi người ngồi thật là lặng yên, sung sướng, an lạc mà hoà đồng với nhau không phân biệt ta, người, hay ai là ai cả (Viên dung, không phân biệt). Tất cả đều tự thân sáng chói giống như những ngọn đèn tỏa sáng (Tánh giác diệu minh, bản giác minh diệu).

2/ Đột nhiên, có người nghĩ rằng (Vô Minh): “Ta như thế này mãi không được, ta phải là ta, ta phải khác với người khác” (Tâm phân biệt). Rồi người ấy nhìn vào dòng sông bao la mà tưởng tượng nhiều cảnh thú vị, nếu mình được đắm vào đó (Vọng tưởng).

3/ Thế rồi, người ấy đứng dậy, phá sự yên lặng chung, rời cõi yên tịnh trên bờ, bước chân vào bến nước để đi vào dòng sông (Bến Mê hay Mê Tân). Điều này kéo theo người khác cùng mọi người trên bờ (Cùng rời cõi Chơn Tâm).

4/ Bây giờ, mọi người rời bến nước, chìm vào dòng sông để lội, lặn hụp trong đó (Cảnh Luân Hồi) với sự vui thích hay đau khổ, người thì ở gần bờ, người thì lội xa bờ; người thì chìm đắm dưới đáy, người thì ở lưng chừng hay nỗi trên mặt nước; người thì có lúc vui sướng có lúc khóc than, đau khổ (Đời là Bể Khổ).

5/ Chơi trong dòng sông mãi rồi cũng mỏi mệt, có người buồn chán (Phiền Não Thị Bồ Đề); lại nghĩ rằng cần phải lên bờ nên họ đã dừng lại và bắt đầu quay lội vào bờ (Hồi Đầu Thị Ngạn hay “Quay Đầu là Bến”).

6/ Khi họ cố sức lội được đến bờ (Bờ Giác), và bước lên bờ ngồi lại vào chỗ ngày xưa, lúc đó không còn mơ hồ cảnh phẳng lặng hay đẹp đẻ trong dòng sông ấy nữa (Phật, Bậc Giác Ngộ).”.

Trong câu chuyện này chúng tôi muốn đánh dấu từng đoạn theo số để theo đó chúng tôi có thể phân biệt từng giai đoạn trong Đạo Phật mà giải thích cùng Quý vị:

I/ Cái cảnh đông người ngồi trên bờ sông yên tịnh đó là tượng trưng cho cái cõi mà Đức Phật đã gọi là “Chơn Tâm”, mọi người là tất cả chúng sinh thuở đầu đã cùng nhau “dung hợp” hay “viên dung” cùng với 6 Đại khác như: Đất, Lửa, Gió, Nước, Kiến Đại và Hư Không. Trong cảnh ấy chúng sinh không phân biệt “Ta”, hay “Người”, hay khác với “Chúng sinh khác”. Cùng nhau vui vẻ, an lạc, thanh tịnh với bản chất “sáng soi” của mình.

II/ Do nơi duyên khởi đầu tiên, chúng sinh muốn “Mình là Ta”, Ta phải khác với mọi người trong cảnh “Chơn Tâm” ấy (Tức là đã có “Tâm Phân biệt”), rồi lại nhìn vào dòng sông mà tưởng tượng những cảnh vui vẻ, sung sướng ở nơi đó (Tâm Vọng Tưởng) để rồi bắt đầu tách rời với mọi chúng sinh khác, rời cõi Chơn Tâm, kéo theo là sự phá vỡ sự Viên dung của mọi chúng sinh trong cõi Chơn Tâm. Điều mà Đức Phật giải thích là “Vô Minh” để nói lên vì chúng sinh không biết “Những gì sẽ xảy ra trong tương lai” mà đã có “Vọng tưởng” và Tâm phân biệt” để cùng nhau rời khỏi “Chơn Tâm”.

III/ Sự rời cõi “Chơn Tâm” đó của chúng sinh được Đức Phật giải thích rõ trong Kinh Lăng Nghiêm: Khi chúng sinh rời cõi Chơn Tâm thì phá vỡ sự viên dung của 6 Đại khác bằng cách mượn Đất, Lửa, Gió, Nước để cấu tạo thành thân thể, hình hài của mình; mượn Kiến Đại để thành những giác quan, nhận thức: Thấy, Nghe, Hay Biết; mượn Không Đại để thân thể của mình được tăng trưởng và lớn lên. Khi đã thành hình, Đức Phật giải thích như sau: “Cái có hình tướng và sanh diệt là thế giới, cái không hình tướng và yên tịnh là hư không; khác với hư không, thế giới là chúng sanh vậy!”. “Bước” mà chúng sinh khởi đầu được Đức Phật ví như là mọi người bắt đầu bước vào “Bến Mê” để dấn thân vào cõi Luân Hồi (Dòng sông).

IV/ Khi chúng sinh có hình tướng, hình hài thì sự “Sáng suốt, chiếu soi” thuở còn trong Chơn Tâm bị mất đi, và hoàn toàn bị giới hạn “chỉ còn” trong thân xác mà thôi; và rồi với những nhu cầu để nuôi dưỡng hình hài ấy đã phải xảy ra: Để đáp ứng nhu cầu ăn, ngủ, sinh sống, tăng trưởng thì chúng sinh phải làm, tìm kiếm, hoặc tranh giành, giết hại lẫn nhau để sống, thỏa mãn những nhu cầu mình cần hay muốn (Ái dục). Càng muốn thì lại muốn nhiều hơn (Tham); muốn mà không được thì giận, hờn, thù hằn, nỗi nóng (Sân); có lúc nghĩ quẩn, không kiếm soát được hành động (Si) mà đi đến những tội lỗi bằng Sát, Đạo, Dâm, Vọng. Đó là “Ba thứ” mà Đức Phật gọi là “Ba Món Độc” để thôi thúc chúng sinh “Tạo Nghiệp”, rồi nương theo nghiệp (Nhân) mà chúng sinh phải trả “Quả” tương tục không biết đến bao giờ; bởi vì trong “kiếp này” thì vừa trả nghiệp cũ, nhưng đồng thời cũng tạo nên “nghiệp mới”, rồi kiếp sau cũng vừa trả nghiệp cũng vừa tạo thêm nghiệp mới nữa; cho nên cứ thế mà tiếp diễn cho đến vô cùng tận.

Tùy theo nghiệp nặng hay nghiệp nhẹ mà chúng sinh Luân hồi trong sáu đường (Lục Đạo Luân Hồi): Nặng thì bị chìm dưới đáy sông (Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc sinh); nhẹ hơn thì ở lưng chừng sông (Người, A-Tu-La); và có Phước đức thì nổi trên mặt nước (Trời). Trong các đường Luân Hồi đó chúng sinh được thể hiện dưới những hình thức của Tam Giới: Dục Giới (cõi có Ham muốn, Dục lạc), cõi có hình tướng (Sắc Giới) và cõi không có hình tướng (Vô Sắc Giới).

Nhưng chung quy dòng ấy (Cõi Luân Hồi) cũng chỉ là những cõi “Đau khổ”, có nhiều khổ hơn vui; cho nên Đức Phật mới gọi đó là “Biển Khổ” hay “Khổ Hải”.

Trong “Khổ Hải” có chúng sinh chán chường không thích lội xa bờ, có chúng sinh ham thích thì lội càng ngày càng xa bờ; nhưng nếu càng xa bờ chừng nào thì sự trở về càng lắm gian nan chừng nấy!

V/ Có nhiều chúng sinh, trong một lúc nào đó, đột nhiên gặp những biến cố trong cuộc đời hay có lúc tự suy ngẫm rồi biến chuyển không thích chơi trong cõi Luân Hồi nữa. Họ biết “dừng lại” (Phiền Não Thị Bồ Đề) hay là họ đã có được sự “Ngộ” (Giác, hay Bồ Đề), và bắt đầu “Quay trở lại” để bơi vào “Bờ” (Hồi Đầu Thị Ngạn). Khi Đức Phật Thích Ca chưa truyền bá giáo pháp thì con đường đó tự khởi, tự chúng sinh “ngộ” ấy tìm lấy con đường cho chính mình để “lội” được vào đến bến. Nhưng con đường đó thật là gian nan và lắm chông gai. Đôi khi chúng sinh lọt vào con đường “Ma Đạo” cũng không chừng!

Khi Đức Phật Thích Ca đã chứng ngộ và truyền bá giáo pháp, Đức Phật đã chỉ rõ và nói đến con đường, qua kinh nghiệm của chính mình để giúp cho chúng sinh nương vào con đường “kiểu mẫu” đó để lội vào được đến bờ. Phật đã chỉ rõ: “Chúng sinh đã tự mình tạo nghiệp, thì chỉ có chúng sinh đó mới tự mình dứt nghiệp cho mình mà thôi, không ai dù là Thần Thánh có thể thay thế được!” (Tự mình thấp đuốc lên mà đi).

Giáo pháp của Đức Phật có những điều quan trọng như sau:

a/- Tất cả chúng sinh đều có chủng tử, hạt giống “Phật” như là viên ngọc đã nằm trong chéo áo mà không tự biết, cho nên Đức Phật đã thuyết đến Kinh Pháp Hoa để làm cho chúng sinh “được khai mở và hiểu” (Khai), thấy biết (Thị), và hiểu rõ (Ngộ) mà “Nhập” vào những điều mà Phật đã biết (Phật Tri Kiến); để rồi đi vào con đường giải thoát mà Đức Phật đã hướng dẫn (Đạo Sư) để tự giải thoát lấy cho mình. Đức Phật cũng không quên nhấn mạnh: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”.

b/- Trong 3 Cõi (Tam Giới: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới), và Lục Đạo Luân Hồi: Chỉ có con người, hay chúng sinh ở cõi Ta-Bà này mới là chúng sinh duy nhất có thể tu thành Phật, vì chỉ ở cõi này mới có Phật Pháp. Do vậy được làm con người thật là đáng quý (Thân Người Khó Được hay Nhân Thân Nan Đắc), và cũng ở con người mới có đủ trí tuệ để “Tu”. Nhưng Tu bằng cách nào?

Trong hơn 45 năm hành Đạo, Đức Phật đã cố gắng giảng giải về con đường để Ngộ và Tu qua những bài thuyết pháp, các Bộ Kinh tùy theo “Căn Duyên” của nhiều đối tượng mà nói cho thích hợp: “Phật Pháp không sai khác mà vì trình độ chúng sinh có sai khác nên Phật pháp có sai khác” (Kinh Kim Cang).

Con đường đó được Đức Phật thuyết giảng như sau:

*- Chúng sinh cần hiểu rõ rằng: Cuộc đời trong Vòng Luân Hồi giống như một bể khổ mênh mông, trong đó chúng sinh tương tục gây nên những tội lỗi bằng những hành động: Sát, Đạo, Dâm, Vọng để thỏa mãn mọi Tham Lam, Ước muốn của mình bởi ở ba điều: Tham, Sân, Si. Chính các nhân tố đó đã tạo thành Nghiệp và phải Trả Nghiệp mà chúng sinh mãi ở trong vòng Luân Hồi. Muốn thoát ra được, chúng sinh phải dừng lại những hành động Sát, Đạo, Dâm, Vọng; không làm thêm điều ác; giảm thiểu sự Ham muốn, Tham, Sân, Si; biết sợ “gây nhân”, biết làm điều thiện, và chỉ còn đợi chờ trả hết quả mà thôi!

*- Đức Phật giảng đến “Tứ Diệu Đế” để chúng sinh nhận thức được sự khổ của thế gian mà con người và chúng sinh đã phải nhận lãnh từ trong cõi Luân Hồi (Khổ Đế), và Đức Phật chỉ rõ nguyên nhân của sự khổ là gì? (Tập Đế); để từ đó muốn chấm dứt sự khổ (Diệt Đế) chỉ có con thực hiện con đường đạo (Đạo Đế).

*- Để thực hiện con đường Đạo Đế, Đức Phật đã dẫn ra 6 bước thực hiện, tức là Lục Độ Ba-La-Mật: Bố Thí, Trì Giới, Tinh Tấn, Nhẫn Nhục, Thiền Định và Trí Huệ. Trong đó Bố Thí là để tạo nên nghiệp lành, nghiệp thiện; Trì Giới để đình chỉ mọi nghiệp ác, bất thiện; Tinh Tấn để nuôi dưỡng sự tiến bộ gieo nhân lành, chấm dứt sự ác; Nhẫn Nhục để dần tiêu tan Tham, Sân, Si nguyên nhân của những nhân xấu; Thiền Định là để tìm lại được và phát triển chủng tử Phật Tánh của mình và đạt đến sự Giác Ngộ; và khi đạt đến Giác Ngộ tức là Sự Sáng Suốt, Chiếu Soi đã tìm lại được tức là đã có được “Trí Huệ” vậy!

*- Trong Kinh Lăng Nghiêm Đức Phật đã đề cập đến những cách “Tu” để đạt đến giải thoát của những vị “Bồ Tát” tùy theo bản thể của người đó, nhưng chung quy vẫn là nương 25 “Pháp Thế Gian” để thoát khỏi Thế gian như dựa trên 6 Trần (Thanh, Sắc, Hương, Vị, Xúc, Pháp); 6 Căn (Nhãn, Nhĩ, Tỹ, Thiệt, Thân, Ý Căn); 6 Thức (Nhãn, Nhĩ, Tỹ, Thiệt, Thân, Ý Thức); 7 Đại (Đất, Nước, Lửa, Gió, Hư Không, Thức Đại, Kiến Đại).
Đó là những pháp tùy theo từng cá nhân mà có những pháp thích hợp với chính họ. Tuy nhiên, Đức Phật cũng hướng dẫn để giúp những người Tu vượt khó bằng 37 cách được gọi là 37 pháp “Trợ Đạo” gồm: Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, và Bát Chánh Đạo.

Và Trong Kinh A-Di-Đà, Đức Phật đã đề cập đến hạnh nguyện của Đức Phật A-Di-Đà và cõi Tịnh Độ, nhưng đó cũng là một hình thức “Quán Niệm” vì niệm 6 chữ: “Nam Mô A Di Đà Phật” cho đến chỗ Vô Niệm và Nhất Tâm Bất Loạn thì cũng không khác mấy với Thiền. Nhưng, ở phương pháp Tịnh Độ này: Ngoại cảnh, tiếng động khó khiến người tu “Đi sai đường” hay nói cách khác là bị “Tẩu hỏa nhập ma” trong lúc người tu thực hiện tu tập; và đường lối tu này dễ thực hiện hơn dù bất cứ ở nơi đâu không kể đến không gian và thời gian nào.

Khi người “Tu” thực hiện sự tu tập của mình đến khi nhân duyên đủ, tức là “Nhân không còn, quả đã hết” thì họ đã đến được bờ để chuẩn bị ra khỏi dòng sông luân hồi, chỗ đó ngày trước gọi là “Mê Tân hay Bến Mê”, bây giờ được gọi là “Giác Ngạn hay là Bờ Giác” hay còn gọi là “Bờ Bên Kia” giống như vượt qua sông khổ để sang được đến bờ bên kia, nơi an lạc, tự tại, vô ngại.

VI/ Nhưng có vài điều quan trọng mà Đức Phật đã dặn dò rằng:


"Dầu cho ông (A Nan) hiện tiền đặng nhiều trí huệ và thiền định":
-Đoạn dâm dục:
"Nếu tâm dâm dục không trừ" thì "cũng sẽ đọa vào ma đạo. Thượng phẩm làm ma chúa, trung phẩm làm ma dân, hạ phẩm làm ma nữ".
"Ông đem tâm dâm dục để cầu quả Phật, dầu cho ông có được diệu ngộ đi nữa, cũng không ra khỏi tam giới, vì gốc của nó là dâm thì làm sao ra khỏi sanh tử luân hồi được; huống chi quả Niết bàn của Phật, ông làm sao chứng được.
Nên quyết định phải đoạn trừ dâm cơ; trong tâm ngoài thân đều đoạn, cho đến cái biết đoạn cũng không còn, được như thế thì đối quả Phật Bồ đề, ông mới có hi vọng".
-Đoạn lòng sát hại:
"Nếu không đoạn tâm sát hại, thì ông chỉ đọa vào thần đạo. Bực thượng làm Đại lực quỷ, bực trung làm phi hành dọa xoa và các loài quỷ soái, bực hạ làm Địa hành La sát và các quỷ thần."
"A Nan, những người ăn thịt, dầu cho có đặng tâm trí khai ngộ, cũng thành quỷ Đại la sát, đến khi mãn kiếp quủ La sát rồi, quyết định phải trầm luân trong biển khổ sanh tử. Giết hại ăn thịt lẫn nhau, thì làm sao ra khỏi sanh tử luân hồi được."
-Đoạn trừ trộm cướp:
"Nếu không đoạn tâm trộm cướp thì quyết định đọa vào tà đạo. Bực thượng làm loài tinh linh, bực trung làm loài yêu mỵ, bực hạ làm người tà, bị các loài tinh yêu này nhập".
-Đoạn trừ vọng ngữ:
"A Nan, nếu các chúng sanh, đã giữ hoàn toàn ba hạnh trên là không sát, đạo, dâm rồi mà còn đại vọng ngữ, thì tâm cũng không thanh tịnh, mất hột giống Phật thành ma ái kiến


Đó là Đức Phật đề cập đến người Tu “diệu ngộ” (trí huệ và thiền định) mà chưa dứt được với Sát, Đạo, Dâm, Vọng thì chưa thể chứng ngộ được hoàn toàn. Cũng như, với cái “Tâm Phân biệt” giữa Ta, Người, Chúng sinh và Thọ Mạng Tướng thì người Tu cũng chưa chứng được Thánh Quả như trong các đoạn Kinh sau:

-Nầy Thiện nam! Các chúng sanh đời sau, bởi không rời được bốn tướng, nên tuy trải qua nhiều kiếp, siêng năng tu hành khổ hạnh, nhưng chỉ thành hữu vi mà thôi, chớ không thể chứng được Thánh quả" (Viên Giác, trang 167).

Và trong Kinh Kim Cang (Phật Học Phổ Thông Khóa XII), Đức Phật cũng có thuyết như sau:

-"Phải xa lìa tất cả các chấp tướng, mới gọi là chư Phật" (trang 109). Hay:

-"Phật dạy:"Tu Bồ Đề! Nếu có người phát tâm Bồ Đề, thì phải dụng tâm như vầy: Ta hóa độ tất cả chúng sanh, nhưng không thấy có mình độ và chúng sanh được độ. Tại sao vậy? Nếu Bồ Tát còn thấy mình độ và chúng sanh được độ, thì Bồ Tát còn tướng ngã, tướng nhơn, tướng chúng sanh và tướng thọ giả, tức nhiên không phải là Bồ Tát". (Trang 134-135). Và:

-"Phật dạy: "Tu Bồ Đề! Pháp này bình đẳng không có cao thấp, không ngã, không nhơn, không chúng sanh và không thọ giả, tạm gọi là Đạo Vô Thượng Bồ Đề" (Trang 164).

Hoặc:

-"Phật dạy: "Tu Bồ Đề! Ông chớ lầm tưởng: Như Lai nghĩ rằng: "Ta độ chúng sanh". Tại sao vậy? Nếu Như Lai có nghĩ: "Ta độ chúng sanh", thì Như Lai còn chấp bốn tướng Ngã, Nhơn, Chúng sanh và Thọ giả, tức nhiên không phải Như Lai. Bởi thế nên, Như Lai thật không có độ chúng sanh nào cả." (Trang 168).


Tại sao như vậy? Chúng ta hãy nhớ lại: Lúc khởi đầu Đức Phật đã giải thích vì “Vô Minh” tức là vì “Không Biết hay Si Mê, Mê mờ” mà chúng sinh đã có “Vọng Tưởng” cùng “Tâm Phân Biệt” (Ta, Người,...) để từ đó chúng sinh đã phải rời cõi Chơn Tâm và đi vào cõi Luân Hồi. Nay người Tu muốn đạt Đạo Vô Thượng Bồ Đề để trở về với cõi Chơn Tâm thì không thể còn cái Ngã, vì với cái Ngã người Tu vẫn còn “Ngã Kiến” quá nặng, chứ chưa là “Vô Ngã”. Vô Ngã là gì? Vô Ngã được diễn nôm na là: “Ta” không khác, không nặng hơn “Người”, với “Chúng sinh” khác, mà “Ta, Người, Chúng sinh như là Một: “Tất cả cũng như là Một, nhưng Một cũng lại là Tất Cả”. Có như vậy “Tất cả đều sống chung hòa bình (Viên dung) trong cùng một cõi “Chơn Như”, mọi người đều là Phật không khác, không có một cái thứ hai nào cả. Đó là cõi “Bất Nhị” vậy!
Lúc người “Tu” đã đạt được Đạo và trở về với Chơn Tâm ngày trước (bây giờ được gọi là Niết Bàn) thì lúc đó mới thấy mình như đã rời khỏi “giấc mộng đêm qua” để trở về với thực tế; và cũng vào lúc ấy sẽ không còn những “vọng tưởng vô minh” nữa như Đức Phật đã diễn tả như trong các đoạn Kinh sau:

-Bởi thế nên biết "Sanh tử và Niết Bàn" cũng đều như giấc mộng hôm qua, vì chúng sanh vốn đã thành Phật từ xưa đến giờ. (VG, 56).

-Này Thiện nam! Thí như chất kim khoáng, sau khi được nấu lọc, bỏ hết quặng rồi, thì chỉ còn vàng y, chất vàng này không phải do nấu lọc mới sanh, vì nó có sẵn từ trước kia rồi; và khi đã thành vàng y, cũng không bao giờ trở lại thành quặng nữa, dầu trải qua bao nhiêu năm, nó cũng không hư hoại.
Tánh viên giác thanh tịnh của Như Lai cũng thế. (VG, 70).



Nguyên Thảo,
25/10/10.