Saturday, February 19, 2011

Tay Sai.

Người ta hay nói đến tay sai, mà tay sai là cái gì nhỉ? Tay sai chắc chắn không phải là cánh tay, nhưng nó lại đồng nghĩa với cánh tay. Một con người, một bộ phận trực thuộc hay thuộc hạ đóng vai trò giống như một cánh tay để người lãnh đạo chỉ huy, sai khiến; cộng vào đó đám tay sai trung thành thi hành mệnh lệnh một cách tích cực gần như không cần suy nghĩ hay phán đoán. Chính vì thế mà danh từ tay sai thường được hiểu theo nghĩa mù quáng, thiếu cân nhắc trong hành động.
Tay sai được thu nhận từ nhiều thành phần, có thể một người thường dân đến người trí thức khoa bảng, miễn là họ chịu chấp nhận làm và làm hăng say, chu toàn nhiệm vụ là được rồi. Không đợi đến lúc lớn hay lúc già người ta mới có thể làm tay sai. Tay sai có thể từ khi còn là đứa con nít. Nói như vậy không có nghĩa đồng hóa người lớn với đứa con nít. Nhưng thực sự từ khi còn nhỏ trong những trò chơi đứa con nít cũng đã làm nhiệm vụ tay sai rồi, chứ không đợi gì đến tuổi lớn mới "được" làm tay sai.
Tay sai của thời con nít nhiều khi còn dễ thương hơn thời làm tay sai của người lớn. Thuở nhỏ Đồ tôi vì nhỏ con lẫn nhỏ tuổi nên thường nhập bè nhập đảng với những thằng lớn hơn. Để được nó cho chơi Đồ tôi đành phải chịu sự sai khiến của chúng nó: Nó biểu mình đi ăn cắp đất sét trong lò chén cũng vui vẻ mà đi, nó biểu đi chọc tức thằng kia mình cũng khoái mà làm. Nhất nhất cái gì nó muốn nó biểu mình làm thì cũng phải làm, nếu không nó sẽ loại trừ mình ra không cho chơi chung với đám tụi nó nữa. Những lúc buồn buồn, mấy thằng đầu đảng lại nghịch nhau, chúng nó lại chia thành hai phe. Mình không thể đứng cửa giữa, mà phải theo hẳn một phe. Đúng là "cò ke lục chốt", nói theo ngôn ngữ thời tuổi thơ, hay là thiên lôi, chỉ biết "sai đâu đánh đó", không cần suy nghĩ, cân nhắc, quyết định. Có lần những thằng lớn gây gổ với nhau, chúng chửi tới tấp, lôi tên cha tên mẹ, kể cả ông bà hay những ai mà chúng biết tên chửi không ngớt, chúng còn bắt bọn tay sai Đồ tôi chửi phụ, không chửi thì chúng đuổi ra, không cho chơi chung nữa. Thế là bọn nhỏ, em út như Đồ tôi trở thành những kẻ nịnh thần "chết cha ba thằng nịnh", ôi khổ sở như thế nào đó! Thế mà vẫn chưa đủ. Có lần trong cuộc xung đột thiếu điều đánh nhau giữa hai nhóm. Hai phe vẫn còn ấm ức, mấy thằng đầu đảng "Ê! mầy với thằng Rờn, hai đứa tụi bây ra chọc tức tụi nó cho tao"- "Tụi tui không dám, nó đánh làm sao?"-"Tụi bây không dám thì tao bỏ tụi bây ra, không cho chơi chung nữa. Tụi nó đánh thì có tụi tao. Tại sao tụi bây sợ, tụi bây có làm không?". Đồ tôi và thằng Rờn đành tiu nghĩu, nhưng vẫn làm ra vẻ ngon lành đi ra trước mặt, nhưng cách mấy đứa kia xa xa, rồi khuỳnh tay, ưởn ngực "làm như ta đây" ngon lành lắm vậy. Sự phách lối ấy nhằm khiêu khích đám kia nhảy lại để đánh mình, tụi lớn mới lấy cớ đó mà đánh nhau. Đồ tôi và thằng Rờn khiêu khích hồi lâu nhưng vẫn chưa có kết quả, tức là tụi kia vẫn chưa đánh Đồ tôi với thằng Rờn. Đang trong lúc đó, có một bà người quen với mẹ Đồ tôi đi ngang qua, bà nói nhỏ với Đồ tôi: "A! Mầy là con chị bảy phải hôn? Mầy đi đánh lộn hen. Được rồi, tao ghé chị bảy méc cho mầy đi đánh lộn nhen!". Nghe đến đó Đồ tôi nhớ đến cái roi, rồi từ từ "xếp ve" xếp cánh lại để chém vè và đi về nhà. Sau đó do nơi hoàn cảnh, Đồ tôi phải phụ với mẹ ở nhà ngoài giờ đi học, nên không còn tham gia vào băng đảng nào nữa cho đến ngày bắt đầu vào Trung học: Đi học xa! Nhớ lại thuở ấy mình đúng là tay sai!
Tưởng chỉ là lúc nhỏ mới có "làm tay sai". Nhưng đến khi lớn lên, ra ngoài đời lẫn đi vào nghề, nhan nhản thiếu gì tay sai. Có lương bổng có, không lương cũng có; tự nguyện có, bất đắc dĩ có; hoặc những kẻ nịnh thần để được làm tay sai cũng có. Làm tay sai có chút liêm sĩ có, làm tay sai như mù như quáng cũng có. Đủ mọi hạng tay sai! Đó là sự phức tạp trong cuộc đời! Không lẽ Ông Trời lại ban cho họ như thế! Ông Trời đâu thể gian ác đến đỗi như vậy! Trách Ông Trời thì cũng tội nghiệp cho Ổng. Người ta nói Ông Trời công bình lắm mà! Nếu không thì người ta đâu có nói: "Trời cao có mắt", hay "Trời ngó lại". A mà! Hay làm tay sai cũng là một cái số, cái duyên phận, được sanh ra để làm tay sai cũng không chừng! Nếu không thì tại sao Đồ tôi lại nhỏ con? Người khác thấy thân dáng của Đồ tôi đã chán ngắt đi rồi, thì mình nói "lấy ai" mà nghe. Họ chẳng nghe thì làm sao mà lãnh đạo; mặc dù Đồ tôi vẫn biết rằng trong tổ chức thì mình phải "được" đội một cái vòng "kim cô" theo kiểu Phật bà Quan Âm ban cho chàng Tề Thiên Đại Thánh, để mỗi khi buồn buồn Ngài Đường Tăng Tam Tạng niệm chú cho Tôn Hành Giả nhức đầu chơi; hay nói đúng hơn là một cái "thòng lọng" để rủi cho thằng nào đó "đút đầu" vô thì nó phải chịu nghe lời hay sự sai khiến của Tổ chức, dù không nghe nhiều cũng phải nghe ít. Nhưng Đồ tôi lại không có khả năng để lập ra những Tổ chức, thì "té ra" Đồ tôi chẳng phải chỉ còn có một nghề là nghề làm mướn hoặc tay sai hay sao? "Có số" có thể là như vậy! Nhưng làm tay sai mà có bản lĩnh là một chuyện khác. Cái khí khái của kẻ sĩ, cái lương tâm của người trí thức, cái lương tri của một con người, cái tình người giữa những con người trong quan hệ xã hội, cái độ lượng bao la mà trong Đạo Phật biểu hiện bằng những từ ngữ Từ Bi Hỉ Xả... Cũng hãy còn nhiều thành ngữ khác để diễn tả, nhưng Đồ tôi lại quên rồi! Cái già thường làm cho người ta trở nên lú lẩn "Quên trước quên sau, quên đầu quên đít", nhưng khéo léo hơn thì cũng đừng quên ăn, quên thở, thế là được rồi!
Đôi khi có những con người chỉ làm tay sai mà được "vinh thân phì da" vì họ biết cách tâng bốc, nịnh hót. Lỗ tai con người thường ưa nghe những lời ngon ngọt, êm dịu; lòng con người thích được nuông chìu, vuốt ve cho nên những nhà lãnh đạo cũng không thoát ra khỏi ngoại lệ nào cả. Nương vào đó mà đám tay sai mượn đường tiến thân để "Một người làm quan cả họ được nhờ". Những kẻ giọng nói ồ ề, thiếu hơi, lại thêm kiểu "dùi đục chấm mắm nêm" như Đồ tôi chỉ làm cho người ta buồn chán hơn thêm. Mới nghe qua thì đã mất cảm tình, thì lấy đâu để tạo điều kiện được "thăng quan tiến chức". Cho nên người ta nói "Ý trời" thì cũng chẳng ngoa chút nào! Vậy thì, Ông Trời thật là bất công: Ban tặng cho mỗi con người những điều kiện khác nhau: Có người được sướng, còn người phải chịu khổ; người thì tàn tật xấu xí, người thì đẹp đẽ lại thêm giàu sang. Kẻ thì làm tay sai, kẻ thì lãnh đạo, "kẻ ăn không hết, kẻ lần chẳng ra". Có nhiều người khốn khổ quá đâm ra nghĩ đến "Cầu Trời", nhưng cầu mãi chẳng thấy Ông Trời ngó xuống mà đời mình thì cứ mãi mãi lênh đênh, trôi giạt giống như con chó ghẻ lang thang mà chẳng ai ngó ngàng. Họ lại đâm ra hận đời, thù hằn Ông Trời, ngó lên Ông Trời rồi buột miệng chửi thề đôi câu. Thế mà Ông Trời không chịu đánh họ cho họ chết phứt cho rồi! Cho trái đất nầy được trống đi một chỗ, cho một mạng người đỡ phải vất vưởng, lông bông. Những con người ấy có muốn làm tay sai cũng khó được. Vì vậy, làm tay sai cũng chẳng là dễ đâu. Nó phải có cái tánh thích hợp, nó phải biết trung thành, nhiệt tâm, không nề hà... Những nhà lãnh đạo cũng biết "coi giò coi cẳng" lắm chứ! Ai mà chẳng sợ "chó phản chủ", gặp phải chó phản chủ thì sẽ bị chết dở đi thôi! Ai cũng thích loài chó trung tín cả, cho nên được làm tay sai đâu hẳn là tệ, bởi vì không hội đủ điều kiện thì làm gì mà "được" làm tay sai. Thế mới biết "được" làm tay sai cũng có nhiều khó khăn đến mức độ nào. Bạn có nghĩ "ngông" như là Đồ tôi không? Đồ tôi chỉ mong rằng bạn có phương cách để nghĩ khác đi! Hi vọng vậy, lắm thay!

Đồ Ngông,
07-12-06.

Đạo Phật 10: "Đừng Nghĩ Về Thời Gian...!"

(Hay: Hồi Đầu Thị Ngạn)

Nói đến thời gian và số kiếp tôi nhớ có lần đi nghe thuyết pháp, vị Thượng Tọa thuyết giảng đề cập đến vấn đề: Muốn có hình tướng đẹp phải trải qua mấy ngàn kiếp tu. Tôi nghe “mà” giật mình, kiếp nầy mình mới chỉ quy y, tới chùa thì không mấy buổi như vậy mình chưa phải là tu; thế thì với hình tướng đẹp thôi đã phải trải qua vài ngàn kiếp, còn nếu muốn thành Phật thì “biết đến bao giờ”?
Điều suy nghĩ ấy khiến cho tôi hiểu được: “Tại sao người đời ít nghĩ đến Tu?”, nội vấn đề xuống tóc xuất gia họ thấy là khó; ăn chay lại là một vấn đề, cử thịt rượu tức mất đi “vui” và “say”, thì họ cảm thấy quá nhiều thiếu thốn, họ bảo “thiếu đi hương vị của cuộc đời”; đồng thời họ nghĩ “Tu phải cần thật nhiều kiếp nên họ nghĩ họ theo không nỗi, thôi thì cứ sống như thường thôi, ra sao thì ra, tới đâu thì tới”.
Thực ra, trong vấn đề tu hành đó chỉ là một căn cơ, là một cái duyên, là tự ở cái gốc của mỗi con người, cái Tâm thức của họ trước kia đã kết duyên với Đạo, cái mầm đã có sẵn trước khi họ “tái sanh” vào một thân thể khác. Nhưng từ “cận tử nghiệp” của kiếp trước truyền sang, họ sẽ “gặp duyên” tự khi nào, để từ đó họ nối kết trở lại với con đường Đạo: Tức là “Họ bắt đầu tu” trở lại.
Mới đây, khi tôi ráng dành thì giờ để đọc bộ “Phật học Phổ thông” của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa biên soạn, thì trong phần Kinh Kim Cang Đức Phật có đề cập: "Tu Bồ Đề! Về quá khứ, ta làm vị Tiên nhơn tu hạnh nhẫn nhục đến 500 đời. Bị vua Ca Lợi cắt xẽo thân thể từng đoạn, nhưng ta không sân hận; vì ta không còn chấp bốn tướng: nhơn, ngã, chúng sanh và thọ giả". 500 kiếp cho mỗi một hạnh nhẫn nhục, bạn nghĩ với số lượng kiếp ấy chắc cũng khá nhiều, nhưng có lẽ bạn sẽ suy nghĩ nhiều hơn về các chữ “vô lượng kiếp” về trước hoặc về sau mà Đức Phật thường đề cập đến trong các Kinh điển. Trong bài nầy, tôi cũng muốn trình bày cùng bạn về vấn đề ấy.
Lúc đầu tôi cũng nghĩ như bao nhiêu người thường tình khác, với một kiếp mấy mươi năm hoặc trăm năm mà người ta đã thấy dài đăng đẳng, đầy khổ đau, chán chường và nhiều ngán ngẫm, huống hồ gì vài trăm, ngàn, vạn... vạn kiếp. Nhưng sau đó, thì tôi nghĩ lại: Nếu con người không tu hành để tìm đường thoát khỏi vòng xe quay Luân hồi thì vô lượng kiếp về sau vẫn phải còn ở trong Luân hồi, rồi phải chịu khổ đau, sanh lão bệnh tử như bây giờ, chắc lúc đó cũng lại buông xuôi “ra sao thì ra, tới đâu thì tới”!
Nhưng bạn ạ! Tuổi thọ kiếp của mỗi loài cũng khác nhau. Nếu như loài người tạm gọi là 100 năm; của loài phù du thì rất là ngắn; của tế bào da chúng ta thì nó cũng chẳng là dài. Đó là sự so sánh của chúng ta, chứ biết đâu loài phù du nó nghĩ với thời gian như vậy cũng quá dài rồi. Nếu nghĩ chúng sinh là những vật có sự sống có “sanh bệnh lão tử”, có “sanh trụ dị diệt”, có “thành trụ hoại không” thì biết bao nhiêu mà kể, cho nên trong Kinh hay nói “vô số, vô lượng” là vì vậy. Như thân thể chúng ta có biết bao nhiêu là tế bào vì mỗi tế bào vẫn có sự sống của nó, rồi trong máu có số lượng bạch, hồng huyết cầu; rồi số lượng vi trùng có ích và có hại; đồng thời môi trường bên ngoài như không khí, nước đều có sự hiện diện của chúng sinh với số lượng “không thể đếm được”, nhưng chung quy tất cả đều có tuổi thọ. Sanh ra đến chết đi, dù dài dù ngắn vẫn là một kiếp. Từ vô thỉ đến nay đâu có biết là bao lâu thì sự luân hồi của ta “vẫn là vô lượng kiếp”. Đức Phật không lừa dối chúng sinh, không lừa dối chúng ta khi nói về một con số kiếp to lớn, “vô lượng kiếp về trước” và nếu không “tu hành” để vượt thoát luân hồi thì “vô lượng kiếp về sau” vẫn ở mãi trong cảnh luân hồi. Đức Phật đã nói rõ như vậy, chúng sinh nào có nghe, có tin hay không thì tùy: không tin thì thôi, tin thì cứ “thấp đuốc lên mà đi”.
Thoạt đầu tôi nghĩ đến số lượng mà khiếp tinh thần, nhưng khi tôi suy đi tính lại thì quả đúng là như vậy. Cái Tâm thức của tôi, tôi đã hiểu là nó có, có hiện diện nơi tôi vì khi tôi nằm mơ, thân xác tôi giống như một xác chết, nhưng trong mơ tôi thấy tôi vẫn sống, vẫn sinh hoạt, vẫn vui chơi hay cảm giác được đau đớn; hoặc lúc tôi bệnh tôi quá chán chường vì thân xác mình yếu đuối thì tôi lại thấy tinh thần mình đôi lúc hiện diện càng rõ ràng hơn thêm. Như vậy thì Tâm thức tôi từ đâu mà đến với thân xác nầy để tôi hiểu rằng hiện tại “đang có tôi”? Đức Phật sau 6 năm đi tìm Đạo chưa tìm được sự thỏa đáng của vấn đề, cuối cùng Ngài quyết thiền định cho ra lẽ ở cội Bồ Đề. Và Ngài đã khám phá được chân lý: Tất cả mọi người, mọi vật, mọi chúng sinh đều có đồng một bản thể, bản thể ấy rất trong sáng, thanh tịnh ở cõi thanh tịnh. Nhưng do vì vọng tưởng, u mê mà đã rời nơi ấy và lấy các cảnh, các vật giả tạm để làm thật, rồi bám víu vào đó để mình cảm thấy là đau khổ, cùng chịu cảnh luân hồi. Cõi Thanh tịnh ấy rất rộng lớn, bao la (vô biên), không có bắt đầu (vô thỉ) và cũng không bao giờ chấm dứt (vô chung). Như vậy thì Tâm thức tôi cũng có từ thời vô thỉ, và nếu kiếp nầy tôi chưa được giải thoát, chưa là Bồ Tát hay Phật hoặc vẫn không tu thì muôn vạn, vô lượng kiếp về sau tôi vẫn còn trong cõi luân hồi, vẫn chìm trong bể khổ mênh mông.
Viết đến đây tôi lại nhớ đến lúc tôi còn nhỏ, vào những ngày lễ lớn ở chùa; chúng tôi là đám con nít đi chơi rong “đả đời”, rồi “canh” gần tới giờ ăn mới kéo nhau về chùa ăn “kiểm”, kiểm là món chay giống như canh nhưng đặc hơn có đậu phọng, bột khoai, bí rợ, khoai lang, ăn ngon lắm! Trước khi leo lên ván ngồi ăn thì cũng lên điện lạy Phật rồi mới xuống ăn. Đạo Phật trong thời niên thiếu của chúng tôi thì đơn giản như vậy. Chỉ biết đến chùa coi người ta làm lễ, rồi lạy Phật vài cái ở vài nơi, để ăn kiểm, ăn đồ chay. Khi nào rảnh rang không muốn đi chơi nữa thì kéo nhau đi vòng vòng coi mấy cái hình: Coi hình Ông Phật, Phật Bà, coi hai cái tượng gì một đen, một trắng; rồi các tranh bộ diễn tả Đức Phật xuất gia, hay thành đạo. Tranh các cảnh địa ngục: Tranh thì quỷ sứ đang cắt lưỡi, tranh thì cưa hai người ra bỏ vào chão dầu, tranh thì ngồi trên bàn chông... Bây giờ tôi không nhớ hết, nhưng có một bức tranh tôi còn nhớ lại rõ ràng vẽ hình người đứng đưa cái chén lên miệng trước bàn quỷ sứ và tại một đầu cầu. Với bức tranh ấy người ta nói trước khi bước qua cầu đi đầu thai thì phải húp chén “cháo lú” để khi sanh ra sẽ quên hết, quên tất cả những gì của kiếp trước. Đến bây giờ tôi vẫn chưa có thì giờ để tìm hiểu thêm vấn đề ấy. Nhưng quả thực con người sanh ra đời mấy ai nhớ lại chuyện xưa. Thỉnh thoảng trên báo chí hoặc các sách viết về huyền bí có viết vài mẫu chuyện kể của một số người nhớ lại tiền kiếp của mình ở một nơi trong một gia đình nào đó.
Nhắc lại bức tranh ấy, tôi muốn nói với bạn một vấn đề: Nếu chúng ta nghĩ với 500 đời tu cho mỗi một hạnh nhẫn nhục, hoặc muốn có hình tướng đẹp phải mất mấy ngàn kiếp tu thì chúng ta thấy thật là đăng đẳng xa xôi, ta có thể thối chí bỏ đi ý định “muốn tu”. Nhưng nếu chúng ta nghĩ lại không tu bây giờ thì vô lượng kiếp về sau ta không thoát khỏi được vòng luân hồi, sự đau khổ vẫn hãy chồng chất triền miên không có thời gian chấm dứt như vậy ta sẽ còn khổ hơn. Đó là một lối nghĩ thông thường, một cách suy nghĩ tiêu cực. Tại sao ta không nghĩ theo bức tranh ăn “cháo lú” ấy. Mấy ai tái sanh ra đời để nhớ lại chuyện xưa. Chính Phật Thích Ca là Vị Bồ Tát từ cõi Trời Đâu Suất thị hiện làm người mà vẫn hãy còn quên, thì chúng ta là “người trần mắt thịt” tất nhiên càng không nhớ hơn nữa. Nhưng biết đâu trong vô lượng kiếp về trước ta đã tu hành rồi, chỉ đợi kiếp nầy nữa thôi thì ta được giác ngộ trở thành Bồ Tát hoặc thành Phật cũng nên. Vì vậy ta cứ lạc quan, tinh tấn tu hành, chuyện gì đến nó sẽ đến. Trong bài đầu tiên “Phiền não thị Bồ Đề” tôi đã chứng minh với bạn, những con người đau khổ, bất hạnh trong cuộc đời hiện tại chưa hẵn là nhận quả từ nhân xấu của các kiếp trước, mà có thể là chặng đường sau cùng để họ tìm được chân lý của “Đạo Vô Thượng”. Và ở bài “Sự ôn lại cuối đời” tôi đã phát họa cách tính “số phần trăm chất Phật” trong con người của mình để từ đó ta có được khái niệm từ những kiếp xa xưa ta có tu hay chưa và bây giờ đã đến được khoảng nào rồi. Tuy nhiên, việc nào cũng vậy nếu ta quyết chí, cương quyết và muốn đạt được thì ta sẽ đạt được. Nhưng theo luật nhân quả khi ta chưa trả dứt nợ cho người khác thì ta cũng không thể ung dung tự tại để rời xa sân khấu. Đó là một trách nhiệm ta phải trả, nếu không thì chủ nợ cũng sẽ đến đòi, cũng sẽ lôi ta trở lại như có lần tôi đã viết: “Giả sử hôm nay tôi bị thằng bạn nó nhận đầu tôi uống nước, ngày mai tôi là kẻ mạnh ‘nhất định’ tôi bắt nó phải uống nước lại trừ, nếu ngày mai nó là con mèo tôi vẫn cho nó uống nước mới hả giận lòng tôi”.
Một khi bạn đã suy nghĩ và quyết định tu thì bạn cứ mạnh dạn tiến hành, bạn cương quyết, nhưng chỉ sợ cho bạn không chịu nỗi đường dài đó thôi. Không thiếu gì người nhảy vào chùa tu chừng vài ba, hoặc mười năm rồi vẫn nhớ việc đời lại nhảy trở ra; có người vương vương việc Đạo mà lướng vướng việc đời. Đó là những vị “Thối Bồ Tát”, còn những vị “Bất thối Bồ Tát” là những vị phát tâm dũng mãnh, chỉ biết việc Đạo và nhất quyết đi tới cùng dù kiếp nầy có tìm đến được chân lý hay chưa, giống như Đức Phật phát nguyện: “Nếu không tìm được chân lý nhất quyết không rời khỏi cội Bồ Đề”.
Nhưng bạn ơi! Cứ tùy theo khả năng của mình thì mình chọn. Đức Phật đâu có bắt bạn phải xuất gia hẳn đâu! Bạn có thể tu ở nhà. Bạn có thể sống như một người bình thường nhưng tâm bạn lại là một tâm tu, bạn xét lại từng việc mình làm, kiểm điểm sai quấy, bạn hành việc thiện, bạn không khởi ý ác. Nếu lỡ lầm lỗi bạn sám hối, ăn năn sửa đổi, thế là bạn cũng tu rồi chứ gì? Tu là sửa đổi, sửa đổi những sai quấy, những hành động, việc làm có hại; những lời nói không hay hoặc những ý nghĩ không tốt, bất thiện. Nói chung là bỏ những gì đem hại, không tốt vô ích mà sửa đổi lại là đem ích lợi, niềm vui, nguồn hạnh phúc đến cho mình, cho người và cho chúng sinh: Ấy cũng là Tu.
Bạn cứ tưởng tượng bạn đang đứng trên cầu nhìn xuống dòng sông, nhìn một nhóm rất đông người đang lội vào bờ, phía trước có một số người ở trần không hành trang lội nhanh vào. Sau đó, là một số đông hơn họ còn mặc quần áo, trên lưng có bọc nhỏ. Và sau cùng, một đám rất đông quần áo đầy đủ, hành trang lỉnh kỉnh, ồn ào, họ vui vẻ từ từ lội vào bờ.
Tôi lấy ví dụ ấy chắc bạn sẽ dễ hiểu hơn. Bạn đứng quan sát trên cao ấy giống như cái nhìn của Chư Bồ Tát hay Phật đang nhìn vào chúng sinh. Còn những người ở trần lội nhanh vào bờ ấy giống như những người xuất gia, họ cởi bỏ tất cả những vướng bận của cuộc đời hay trần thế để hành việc Đạo, họ lội vào bờ với tốc độ nhanh hơn vì không còn gì để làm chướng ngại cho họ. Còn những vị còn chút ít hành trang quần áo ấy là các vị Cư sĩ tại gia: Họ còn vướng bận chút ít về gia đình, về hoàn cảnh. Và đoàn người đông đảo. lỉnh kỉnh ấy là đoàn Phật tử họ đang hướng về bờ giác nhưng họ vướng bận với cuộc đời nên họ “vừa đi vừa nói chuyện, vừa đùa giỡn” để quên đoạn đường dài đó thôi!
Tùy duyên, hoặc căn cơ mà chúng ta sẽ chọn ở vị trí nào, miễn là chúng ta có hướng về bờ (Hồi đầu thị ngạn), hơn là chúng ta còn vui chơi trên biển khổ mênh mông, hoặc là chúng ta càng lúc đi càng xa bờ hơn. Càng lội ra xa chừng nào thì đường trở về của ta sẽ lâu dài và gian nan chừng nấy. Ấy là sự tất nhiên...!


Nguyên Thảo,
04-09-01.

Thơ Nguyên Thảo

* Cõi Nhân Sinh.

Nhân sinh, đời một cõi
Dân gian lắm tranh giành
Đè nhau để được sống
Đời càng lắm gian manh!

Thế giới nầy hỗn độn
Người tốt lẫn với ma
Hận thù và chém giết
Cõi thế đã vậy mà!

Trong đám mù, thằng chột
Đáng được để làm vua
Hoa sen từ bùn thối
Thơm ngát buổi giao mùa!

Nguyên Thảo,
19/02/11.



* Tĩnh Lặng!

Ngối nghe tĩnh lặng ru hồn
Sáo kêu vi vút, nguồn cơn ta về
Thoát vòng tục lụy, si mê
Vui vui, vui với tứ bề chúng sinh!

Nguyên Thảo,
19/02/11.

Thơ Đó, Thơ Đây! (tt)

* Bản Làng “Cát Cát”. (Sapa- Lào Cai)

Đường qua bản Cát Cát
Đi xuống triền, xuống đồi
Nhà ngang lưng chừng núi
Đi mệt nhoài không thôi!

Xuống tận cùng thung lũng
Một giòng suối cuốn nhanh
Một ngọn thác ì ầm
Người, đầy những âm thanh!.

Đồ Ngông,
29/07/10.



* Người Đàn Bà. (Sapa- Lào Cai)

Người đàn bà già nua lam lụ
Nặng trĩu trên lưng cả một “gùi” (giỏ để tải đồ mang trên lưng)
Từng nấc vượt đồi từng bước một
Cuộc đời đi mãi, cứ đi thôi!

Đồ Ngông,
29/07/10.



* Nhà Thờ Đá. (Sapa- Lào Cai)

Nhà thờ nho nhỏ xây bằng đá
Chắc chắn để rằng cơn gió cả
Len lách mà không hề bị sập
Trăm năm chứng tích thực dân đã...!

Đồ Ngông,
30/07/10.



* Chợ Tình. (Sapa- Lào Cai)

Dân tộc ra đây họp chợ tình
Gái trai hồ hởi dọn cho xinh
Quen nhau cũng lại là do dịp
Có đến cùng nhau bỡi chợ tình!

Đồ Ngông,
30/07/10.

Thơ Đồ Ngông (tt)

*Buồn Tình!

Thơ thơ thẩn thẩn viết mà chơi
Cái nợ quanh năm, cái nợ đời
Rối rắm loay hoay ra chửa được
Trăm năm hư mãi, thói hư đời!

Tóc bạc trên đầu lại giống vôi
Tại sao “không được” mãi không thôi,
Buồn tình lắm lúc đi đi hẳn
Lên núi mà tu, trốn sự đời!

Đồ Ngông,
17/01/11.



*Thằng Người!

Những con người ung thối
Được gọi bởi tên “Thằng”
Cho cuộc đời đỡ tức
Cho rõ kiếp gian manh!

Làm người chưa được xứng
Tư cách thiếu vẻ người
Ngênh ngang và tự đắc
Đâu lại có gì hay!

Thằng người, người lại bẩn
Sống đạo đức để lừa
Dối thầy và phản bạn
Che mắt bằng vải thưa! (Tục ngữ: “Vải thưa che mắt Thánh”)

Đồ Ngông,
19/02/11.

Tuesday, February 1, 2011

Đạo Phật 9: Sự Ôn Lại Cuối Đời...!

(Hay: Chất Phật Trong Con Người).


Cũng như lần trước, khi về đến Việt Nam tôi và vợ tôi vẫn phải theo thủ tục thông lệ, là bỏ thì giờ ra đi thăm bà con bốn họ: Nội ngoại bên vợ, nội ngoại của tôi mặc dù thời gian lưu lại rất là ngắn ngủi: Chỉ một tuần lễ thôi! Chúng tôi phải tranh thủ, gấp rút để còn về xuống giống cho vụ mùa. Cô bác, chú cậu, các dì, dượng trở nên già hết rồi. So với lần trước chỉ cách có hai năm mà bây giờ đã khác quá xa. Có một số mất đi, số còn lại ở hàng 70 thì sức khoẻ tương đối, số ở hàng 8o thì yếu lắm ! Người càng yếu thì sự mong mỏi được chết đối với họ lại càng mãnh liệt. Quả thực, cuộc sống sanh bệnh lão tử là vấn đề lớn, nhưng vào lứa tuổi thanh niên và trung niên người ta ít ai hề nghĩ đến. Có người thì bảo “Lần sau, tụi bây về chắc không còn gặp tao; Lại có người “Người ta chết đông chết tây quá chừng, mà sao tao với bả không chết. Có cô tôi thoải mái thôi “Chết mà sướng à mầy, à mà chừng nào chết thì chết”. Thế nhưng, có một câu nói làm tôi khởi lên một ý niệm: Số là bà 10 (em bà nội) của tôi, có lẽ còn nhỏ tuổi hơn cô tôi nhưng cũng ở vào hàng 80, khi tôi đến thăm hỏi bà khỏe không? Bà bảo không khoẻ lắm, nhưng mà ngủ không được. Tôi ngạc nhiên hỏi lý do, Bà bảo “Không biết tại sao mà bà cứ nhớ lại mọi chuyện hồi xưa con à, cứ nhắm mắt lại là nhớ, nên bà ngủ không được”. Từ lâu, tôi đã có mang máng về ý nghĩ ấy, thế mà hôm nay Bà tôi lại xác định cho tôi. Bây giờ tôi nhớ lại viết thành bài để tôi bạn cùng trao đổi lý, sự của cuộc đời và tìm sâu vào đạo Phật.
Lúc nhỏ, khi còn ở chung với ông nội tôi, cứ mỗi buổi sáng vào khoảng 3, 4 giờ thì ông đã thức rồi, nấu nước pha trà ngồi uống một mình. Chừng lát sau, thì ông 7 nhà kế bên, ông hai tôi cùng nhau hợp lại. Các ông ấy kể chuyện đời, chuyện hồi xưa, chuyện thế sự... Không biết lúc đó trong đầu óc các ông có giống như một cuồn phim chiếu bóng không? Chứ tôi nghe mà tưởng tượng các lớp lang xếp đặt như trong một tuồng hát. Về sau, lớn lên có dịp đi xa, thỉnh thoảng nghe các người già cũng nói nhau: Họ ngủ không nhiều, sáng thức sớm ngồi uống nước trà trầm ngâm ôn lại chuyện đời và nhắc đến những lúc làm các điều đúng, điều sai... Tôi lấy làm lạ tự hỏi “Tại sao con người lại như vậy? Cứ vào khoảng ngoài 50 trở đi, họ lại thường có một diễn tiến tâm lý như nhau?’ Và đến khi tôi nhận thức được chút ít về giáo lý đạo Phật, thì điều ấy không còn là lạ nữa: Vì đó là cái tâm thức, cái Phật tánh bắt đầu hoạt động trở lại, sau khi thân xác đến giai đoạn từ từ yên nghỉ. Khi còn nhỏ thì trí óc chưa phát triển. Khi trưởng thành lớn lên thì thể xác đòi hỏi những nhu cầu, người lo làm vật lộn với cuộc sống để đáp ứng cho thân xác, hệ quả của nó là gia đình và đại gia đình.
Trường hợp đó giống như các Dục Ái luôn thúc đẩy con người hoạt động, gây sóng gió nên mặt nước không thể yên lặng được. Tới thời gian con cái đã lớn, sự nghiệp tạm ổn thì thân xác vào tuổi yên tịnh, tâm thức mới lộ ra mà xét lại chuyện đời. Cuồn phim cuộc sống được trả trở lại, chiếu từ từ lên màn ảnh tri thức: Bao nhiêu điều Thiện, bao nhiêu điều Ác được đúc kết để con người sám hối lần lần trong tâm thức. Tại sao ta nói là “lần lần trong tâm thức”? Vì thực ra, mỗi con người ai cũng có tự ái và ái ngại nên ít khi thổ lộ với người ngoài. Đó là lý do tại sao người ta về già hay đề cập đến Tu Hành. Ấy là một sự bình thường của những người bình thường. Còn đối với những người có “căn cơ” thì lại khác.
Nếu bạn từ trong một hoàn cảnh khổ đau, thiếu thốn bất hạnh, bạn hay sống về nội tâm, bạn thường tự hỏi về hoàn cảnh, số phận; bạn thường kiểm điểm từng ngày, từng thời gian cho nên bạn không xao lãng, theo dõi hành động của mình. Vì vậy, bạn có thể biết được khi nào bạn làm điều đúng, khi nào bạn làm điều sai; khi nào ý thiện bắt đầu, khi nào ý ác khởi sanh. Còn nếu bạn là người giàu có, hay bạn chạy theo nhu cầu vật dục để thoả mãn đòi hỏi, bạn có thể làm bất cứ điều gì để đạt được thành quả mong muốn, thì bạn sẽ bị “mờ mắt” hay mắt, trí não, phật tánh bị màn u minh che khuất, bạn không ý thức rõ được giữa thiện và ác.
Nếu hiểu chữ “Phật” là Giác Ngộ thì bạn có thể biết được trong con người của bạn có bao nhiêu phần trăm “chất Phật”. Giả sử như bạn làm 100 điều sai cả mà bạn nghĩ là bạn làm đúng, có nhiều người chỉ cho bạn, bạn coi họ là nói bậy, thì chất Phật của bạn là 0 % (bạn là kẻ u mê hoàn toàn). Nếu bạn làm 100 việc bạn biết rất rõ 50 việc là đúng hoặc sai, còn 50 việc bạn còn “u mê”, thì “sự giác ngộ” của bạn là 50%. Và nếu bạn biết rõ 100 việc bạn làm chỉ có 30 việc là đúng, và 70 việc kia là sai thì chất Phật của bạn là 100%; vì bạn biết rõ hoàn toàn những việc làm của bạn đúng hay sai. Nhưng bạn chưa phải là “Bậc Giác Ngộ” vì bạn cần phải “tu” tức là sửa sai 70 việc kia. Đến khi bạn “hiểu rõ, rất rõ ràng những điều mình suy nghĩ, nói ra, hành động đều đúng 100%” thì bạn là Bậc Giác Ngộ, là Phật. Đó mới chỉ là Phật thôi nha! Nếu bạn phát triển được tâm Từ, Bi, Hỉ, Xả tức Tứ Vô Lượng Tâm đem độ cho mọi chúng sanh thì bạn mới đạt đến đạo “Vô Thượng Bồ Đề”. Đó là lý do tại sao trong Kinh các vị Bồ Tát, Phật thường có những đại nguyện rất là lớn lao. Tại vì con đường đi là như vậy! Khi bạn còn nhỏ, bạn chưa biết đi, người ta chỉ cho bạn, dìu dắt bạn đi. Khi bạn đi vững bạn đi thong thả, nhanh nhẹn, gọn gàng; đến khi bạn chạy không bị vấp ngã thì bạn nhìn lại thấy những người khác đi lướng vướng, ngã lên ngã xuống thì bạn thấy thương muốn giúp họ, chỉ là vậy thôi! Các vị Phật, Bồ Tát không khác!
Thói thường trong đời, do căn nguyên, nghiệp quả có nhiều người cứ mãi nói “Cần gì phải Tu, mình làm những gì đúng với lương tâm của mình là đủ rồi, Tu để làm gì?”. Thực ra, họ không hiểu rõ đó thôi, bạn ạ! Tu không phải là cái gì xa lạ, Tu là “Sửa” là “Trau dồi”, là “Chỉnh đốn” lại những cái sai, cái xấu trở thành được tốt, đem ích lợi đến cho mình, cho mọi người cho tất cả chúng sanh. Còn về lương tâm thì họ lại tự đánh lừa lương tâm của họ: Bạn cứ nghĩ lương tâm của một thầy tu khi “lỡ làm chết một con kiến” có khác với lương tâm của một tên cướp khi “quyết giết một con kiến” hay không? Sự ăn năn sẽ khác nhau thì lương tâm của họ cũng khác nhau. Tên tướng cướp sẽ dửng dưng khi giết con kiến mà thầy tu thì hối hận vô ngần khi lỡ làm con kiến chết. Bạn thấy thế nào? Tôi viết có bậy lắm không?
Viết một cách tổng quát thì như thế đó để bạn có một ý niệm đo lường về “Chất Phật” trong con người của bạn. Từ đó bạn có thể hiểu được “đẳng cấp” trong không gian trên đường về “Xứ Phật” của mình; thì bạn cũng không ngạc nhiên và bạn có thể hiểu được ở những kiếp trước mình đã có Tu hay chưa? Và đường tu của mình có còn bao xa..!
Trở lại phần “Ôn lại cuối đời”, mỗi con người sinh ra đời gần như gắn liền với một Định số (Định số là những nghiệp quả, định nghiệp mình phải trả hoặc nhận được trong kiếp hiện tại, chứ không phải là số mệnh hay ý trời trong thuyết “Thiên mệnh” của Khổng Giáo, hoặc do “Ý Chúa muốn”). Đời người giống như một vai trò trong tuồng hát, đến giai đoạn nào phải diễn tiến, diễn xuất như vậy thì phải làm như vậy.Và đến khi nào chấm dứt thì chấm dứt (chết). Cũng giống như người kịch sĩ trước khi nhận vai trò trong một vở tuồng thì đã hiểu vai trò đó phải diễn ra sao rồi, thì con người trước khi sinh ra đời đã chọn một định số sẵn sàng. Còn việc trong khi “miễn cưỡng” diễn trò mà tâm hồn chán nãn, thì vừa “diễn trả nợ” lại vừa thối lui... tìm con đường tu để không gây nhân nữa mà chỉ lo trả nợ cũ thôi. Khi hết nợ, họ sẽ ung dung tự tại, đứng ngoài lề cuộc chơi, rời khỏi dòng nước lôi cuốn của luân hồi.
Hiện tượng nằm hay ngồi trầm tư, suy nghĩ lại “diễn tiến trong đời” của con người là một sự tất yếu; giống như mọi người hay là một tổ chức khi hoàn tất một công việc, công tác gì thì rút kinh nghiệm đúng sai hoặc hay dở để hoàn thiện cho những lần sau. Còn con người thì tách ra điều thiện, điều ác để xem mình làm được những gì tốt, những gì xấu để rồi Tự ăn năn, tự sám hối, tu tịnh để giải bớt hành trang “Nhân kiếp sau”. Và kết quả “Các nghiệp còn lại” ấy gọi là “Cận tử nghiệp” mà các đời sau phải giải quyết. Sự thương, ghét, luyến lưu hay mơ ước còn “được có” là ý nguyện muốn trở lại luân hồi.
Nếu trút bỏ được tất cả để tâm thức thanh thản ra đi, rời cái thân xác ô uế, vô thường thì sẽ được về nơi tự tại, cõi cực lạc và thản nhiên.
Nhưng thói thường, con người muốn vậy không có nhiều, vì đa số hãy còn mang nặng Tham, Ái, Dục, còn thích chơi trong cõi đời nầy; họ còn chưa trả thù người kia được, họ còn tiếc nuối không cưới được người yêu xưa,... Thân xác sắp ra đi mà lòng vương vấn con còn bé nhỏ, cần họ săn sóc... Vì vậy, tâm thức họ lìa xác mà không nở đi xa, “họ lẩn quẩn” ở lại, làm cho người thân phải sợ sệt.
Thế thì bạn có nghĩ rằng “Bạn sẽ làm gì?” trong giai đoạn cuối cùng, để cho tâm hồn an lạc và lên được bến bờ? Con đường Đức Phật đã chỉ rõ cho bạn rồi! Đi hay không là do chính bạn. “Hãy tự thấp đuốc lên mà đi!”...

Nguyên Thảo,
06-08-01.

Lãnh Đạo

Nói đến lãnh đạo người ta phải ớn cái mình! Sao mà ghê gớm đến thế! Những người ngồi trên cái vị trí cao mú đó, hay được gọi là chóp bu hoặc là đầu xỏ; ngồi để sai, để hoạch định kế hoạch, công việc rồi khiến người khác làm... Thật là oai! Đôi khi còn hoạnh hoẹ, hăm he, nói nặng nói nhẹ.. Khiếp quá đi thôi!
Nhưng không dễ gì! Không phải ai cũng lãnh đạo được đâu! Lãnh đạo cũng cần phải có cái tướng. Tướng lùn, xấu xí như Đồ Ngông tôi chỉ có xách dép cho người ta! Cho nên Đồ tôi không dám ngó lên mà chỉ cúi đầu xuống đất lủi thủi để đi; mấy thằng bạn thấy vậy hỏi: "Bộ mầy kiếm bạc cắc hả? Kiếm làm gì, cần tiền thì tao cho mượn", Đồ tôi bèn bẽn lẽn phải "xéo" đi xa! Thật khổ cho mình! Tướng lãnh đạo phải hùng dũng, thanh cao; tướng bự con, chắc nịch; xương xẩu ngon lành để người ta khi thấy phải nễ vì, hoặc người ta nhìn vào đã thấy ngán rồi, thì hơi sức đâu mà chống với đối. Hoặc tiếng nói rổn rảng, vang vang cho những ai yếu bóng vía mới nghe qua "đành" bủn rủn cả tay chân, không còn dám không nghe hoặc cưỡng lời. Lãnh đạo còn phải có cái số nữa, nếu không có số thì cũng không thể lãnh đạo được. Vì trời sanh họ ra là để họ lãnh đạo. Nếu không thì tại sao nhiều người già cúp thùng thiết rồi vẫn còn có phong cách lãnh đạo, oai phong ra phết, đi đâu cũng có tiền hô hậu ủng; họ nói lên vài tiếng người ta nghe rầm rầm. Còn có những người tướng tá khỏe re, phong độ không thiếu mà cũng chẳng làm được gì! Thế cho nên chắc phải hỏi những nhà nghiên cứu tử vi hay tướng số để họ có thể trả lời cho được chính xác hơn! Ôi, người ta nói giày dép còn có số, thì con người cũng không ngoại lệ với đồ vật chút nào! Có nỗi buồn thấm thía nào hơn!
Không những thế, lãnh đạo còn phải có phong cách oai phong, trầm tĩnh, nói đâu ra đó, hơi có nét lầm lì thì người ta- chỉ cần nhìn thoáng qua- thì đã "teo" rồi, không còn dám hó hé; như vậy mới có thể điều khiển người khác dễ dàng "như trở bàn tay". Nhưng, quan trọng nhất vẫn là bản lãnh và lì lợm để có thể đối chọi với những đối nghịch và những tình huống bất kham. Thiếu hai yếu tố này thì sự lãnh đạo khó mà thành công, hoặc không thể lâu dài. Muốn sự lãnh đạo của mình vững chắc hơn nữa, thì cần đến đám vây cánh hoặc tay sai thân tín để làm lực lượng hậu thuẫn; khi cần có thể dùng mọi cách để dẹp tan đám chống đối, "cho chúng biết tay". Còn trên bình diện quốc gia ở những xứ nhược tiểu thì lại dựa vào một thế lực quốc tế nào đó để từ đó "bung ra" hay khi thất bại lấy chỗ đó làm nơi đào thoát, nương trú cho hậu vận. Lãnh đạo xem ra thì cũng khó thiệt, chứ chẳng dễ ăn đâu!
Ôi, nhưng con người thường thì ai cũng khoái chỉ huy, sai khiến người khác. Nếu không thì tại sao họ lại tranh giành, chửi nhau chí chóe để được lấy danh vị và miếng đỉnh chung. Đó là chưa kể đến những lực lượng trang bị vũ khí đầy mình, ngày đêm băng suối, lội rừng để lùng lực lượng bên này, hay kiếm ngược lại bên kia mà đánh. Số người chết như rạ, máu chảy thành sông, gia đình tan nát, vợ lìa chồng, rừng rừng cô nhi quả phụ. Đày ải thiên hạ trong tù, trên vùng hoang vu cũng để củng cố cho ngôi vị của mình được vững chắc bền lâu mà không còn ai chống đối, mặc dù vẫn biết là "Nơi nào có áp bức thì nơi đó có đấu tranh". Bạo lực bao giờ cũng vẫn là sức mạnh tối ưu của những kẻ lãnh đạo.
Kẻ lãnh đạo lúc nào cũng dán cho mình cái nhãn hiệu: Vì nhân dân, vì đại chúng. Nhưng thực ra chúng cũng chỉ vì quyền lợi cá nhân hay nhóm, đảng phái của chính mình mà thôi. Chúng không làm như vậy thì nói ai nghe, hoặc không có đối tượng mà lãnh đạo, không lẽ lãnh đạo cho chính mình. Người làm vua mà không có dân, có lính thì làm vua với ai? Người lãnh đạo mà không có dân quèn thì lãnh đạo cho cái gì? Thế mà khi có dân chúng rồi thì dân chúng phải lo đóng góp cho họ để chi phí, cho họ có lương bổng, nhà cửa xe cộ sang trọng; họ lại đục khoét công lao của người dân không một chút thương tiếc! Nhưng khi nói ra ngoài miệng thì họ thương dân hết mình. Họ "vác ngà voi", họ bỏ công lao, họ cống hiến... nhiều lắm và nhiều lắm! Kể sao cho hết những lời ngụy biện đường mật của họ. Vậy thì chúng ta cứ thử thách họ đi: "Dám bỏ ngôi vị và chức vụ đó hay không?". Họ sẽ ấm ớ hội tề và sẽ có lý do để được cống hiến tiếp.
Một hôm nọ, thằng bạn lâu đời của Đồ tôi nó gọi phá giấc ngủ mà còn chửi Đồ tôi tới tấp. Nó là một thằng gàn, gàn rất nặng. Đồ tôi bị nó chửi nhiều lần rồi trong những khoảng thời gian còn đi học chung với nó, hay những lúc hãy còn gặp nhau. Hình như Đồ tôi có nhắc đến nó một lần trong bài "Dục tốc bất đạt" thì phải. Lâu lắm rồi, Đồ tôi tưởng nó chết mất đâu đời nào rồi. Ai dè!
Đồ tôi hãy còn ngây ngủ, ráng dậy nhắc "phôn" lên: "Ê, thằng nhóc! Mầy còn nhớ tao không?". Quả thật cố nhớ mà nhớ không ra, nhưng cái giọng nói này có một hình ảnh nào xa xôi nào đó, lẫn một kỷ niệm vừa ghét lại vừa thương. Đang lúc nặn óc để nhớ thì hắn cười lên chát chúa: "Đồ chúa ngục! Thầy mầy đây mà mầy chẳng nhớ ra sao? May lắm kỳ rồi tao gặp thằng Lực mới biết mầy đang lẫn trốn bên xứ con Đại thử. Nay thầy mầy rảnh gọi cho mầy đây". Ôi chính hắn rồi! Tại sao Đồ tôi lại gặp hắn nữa để nghe hắn chửi tiếp, chắc kỳ nầy phải nghe hắn chửi cho đến khi hắn chết hoặc là Đồ tôi không còn mới thôi! "Thôi đi cha, gặp cha để cha chửi con nữa sao? Đến khi nào cha hết chửi đây! Già rồi vẫn còn ham chửi", "A! Cái thằng nầy láo thật! Thầy mầy chỉ sợ mầy nghe thầy mầy chửi riết mà ghiền, đến khi thầy mầy chết lúc đó mầy sẽ nhớ thầy mầy da diết không nguôi. Lúc ấy mầy có cầu cho thầy mầy sống dậy để chửi cho mầy nghe, cũng không được đâu con ạ!"-"Ừ thôi, con chịu cha thôi!"- "Đùa với mầy cho vui, chứ tao thương mầy lắm! Tao cũng nhớ mầy hoài nhớ vì khi tao chửi thì mầy là thằng chịu nghe tao chửi nhiều nhất. Mầy còn nhớ không, ngày tao mầy cùng tụi bạn ráp vô một lớp từ những trường khác nhau, tao nhớ ông thầy dạy toán Vũ Hải, à Nguyễn Vũ Hải ổng chửi tao với mầy là "đồ ngu, ngu như thế mà cũng lấy được Tú Tài, tụi bây mua ở đâu thế!", rồi ổng biểu thằng Tri đi về khi lên bảng giải toán không được. Cả lớp lẫn thằng Tri vẫn tưởng ổng kêu thằng Tri về chỗ, nhưng khi thằng Tri về đến chỗ ngồi ổng lại la: "Tao bảo mầy về", "Ôm cặp đi về". Thằng Tri phải ôm cặp lẻn ra ngoài cho đến hết giờ của ổng. Nhưng mầy còn nhớ không? Tụi mình ghét ổng cho đến một ngày ổng tự dưng tâm tình chuyện đời, chuyện thời đại trong chiến tranh của những năm giữa 60. Ngày ấy sao ổng dễ thương một cách lạ lùng và tụi mình lại nhớ đến ổng, không khéo một ngày nào đó mầy lại nhớ đến tao, cũng như tụi mình đã từng nhớ ổng vậy!"-"Ừ! cũng có thể lắm chứ!"-"Nói đến đó, tao nhắc cho mầy nhớ đến ông Phó Đức Long, ông thầy xấu trai không có nụ cười, mầy nhớ không?"-"Nhớ chứ! Chính tao đưa ý kiến ấy chứ ai!"-"A! Thì ra mầy cũng quá lắm! Thế bây giờ mầy mới thố lộ đó nhe! Tao nhớ nhất là khi ổng giảng bài ổng cứ ngó lên trần nhà phía cuối lớp, khi tụi mình ồn ào thì ổng "chắc chắc" cái lưỡi, thì ra đề nghị cả lớp quay lại phía sau nhìn lên trần nhà để coi có con thằn lằn nào không lại là của mầy đấy ư? Thầy Long ngạc nhiên và nở một nụ cười. Nụ cười của ổng sao mà có duyên và tươi đến thế! Hèn chi nghe nói vợ ổng đẹp lắm cũng là điều hợp lý thôi! Những kỷ niệm còn lại ấy đẹp, đẹp thiệt phải không mậy? Thời ấy đã qua đi! Tóc tao bạc nhiều, răng rụng bớt rồi! Cháu tao mới mọc răng, nó lại nhìn tao: "Á! Ông ngoại không có răng". Hai thế hệ không có đủ răng. Đời là thế đấy! Thế cuộc xoay dần, bây giờ chúng mình lại lang thang làm người xa xứ, gọi điện thoại cho nhau để ôn lại chuyện xưa và tán dóc chuyện ngày nay! A, bây giờ mầy làm gì? Làm ăn ra sao? Vợ con thế nào? Ở chỗ mầy lạnh lắm không? Có gặp được bạn bè cũ nào không?"-"Ôi, sao ông chất vấn tui nhiều quá vậy? Làm sao trả lời kịp ông đây!"-"Sorry mầy nhe, lâu quá không gặp nhau, nên hỏi vậy? Thôi, thằng nhóc mầy cứ từ từ trả lời cho thầy mầy nghe là được rồi để tao mừng cho mầy vậy! Còn ở đây vào mùa đông lạnh quá, tuyết trắng khắp nơi, đi ra ngoài khó khăn, ngồi trong nhà ngó ra bên cạnh lò sưởi, thật chán vô cùng. Chắc thầy mầy phải xa mầy sớm đấy con ạ! Mầy nên mừng đi vì thầy mầy không còn chửi mầy nữa, nhưng rồi mầy cũng hãy chuẩn bị cho mình một nỗi buồn thiếu vắng và nhung nhớ không nguôi"-"Nhớ mầy chi cho mệt! Tao lo chuyện tao muốn chết rồi đây, còn hơi sức đâu để lo chuyện người khác"-"A, hay cho thằng nhãi, mầy nói tao mới nhớ đến những chuyện nầy: Có những lão già chắc họ gần chết đến nơi rồi hay sao mà họ phải giành giựt chức nầy hoặc chức kia trong các hội đoàn, cộng đồng để lấy tiếng trước khi chết, rồi chửi nhau ỏm tỏi, chống phá nhau làm cho cộng đồng, hội đoàn rối loạn. Từ chỗ hội họp, gặp mặt để ôn lại những kỷ niệm, chuyện đời, tâm tình rồi trở thành một đấu trường vì tự ái qua một vài quan điểm khác nhau, hay các câu lỡ lời; lại tiến xa hơn nữa, "những tâm hồn lớn gặp nhau" cấu kết thành nhóm, thành bè đảng để chống đối với nhóm nầy, nhóm kia. Một sự rối loạn chưa từng thấy, chưa đâu họ còn viết những thư nặc danh để gởi đến tận nhà mình để mình đọc cho biết là nhóm nào đó xấu thế nào, thẹo to lớn đến đâu; xong rồi, nhóm kia nhờ đến báo chí để "thanh minh thanh nga". Sự kiện cứ tiến tới và lớn dần, rồi họ còn lợi dụng vào báo chí truyền thông để đánh phá lẫn nhau, họ chỉ biết cái "cá nhân, phe nhóm" của họ; chứ họ không thấy cái danh dự của một sắc tộc, của một cộng đồng. Họ không thấy việc làm của họ sẽ đem đến một sự "ô nhục" cho dân tộc chúng ta khi chúng ta đang ở trên xứ người. Họ tưởng họ đang sống trên "chính Tổ quốc" của mình, họ tạo cảnh hỗn loạn trong cộng đồng giống như trên đất nước mình trong thời gian chiến tranh. Ôi, đó là những con người "trí thức" cặn bã, những con người có học nhưng thiếu bộ óc. Thậm chí có một nhóm bạn bè thích thơ văn tập họp lại thành một nhóm; không biết vì lý tưởng hay đường hướng họ thích ra sao đó, họ lấy tên một danh nhân trong lịch sử để đặt tên cho nhóm mình. Nhưng trong đó có một số lại thích viết những bài moi móc hoặc chửi đối phương trên báo chí và chửi lộn dài dài... Thế là thiên hạ chửi "cái đám" ấy bằng "cái đám với tên danh nhân trong lịch sử" đó. Khi ấy tao thấy quả tội nghiệp cho "danh nhân" kia biết chừng nào! Ông ta bị ô nhục vì những tên vô loại, thiếu ý thức dân tộc và con người. Thế mà, họ cũng là những nhà trí thức đấy chứ! Tao suy nghĩ mà thật là buồn, buồn cho vận nước lênh đênh, còn thân tao thì long đong. Còn mầy thì sao?"-"Tao ấy à, tao thì lềnh bềnh thôi! Ai trôi tới đâu, thì tao trôi theo tới đó. Thân mười hai bến nước đó mà! Lúc nhỏ mình đã là dân giả thì bây giờ mình cứ giả làm dân đi cho thoải mái cuộc đời. Tóc đã bạc, răng đã rụng, sức càng ngày càng xuống; nhưng sống đến bây giờ cũng đã tạm gọi là đủ. Bạn bè ngày xưa nhiều đứa đã ngã gục trên chiến trường khi tuổi còn son thì đã sao; còn bao nhiêu người đau khổ nữa. Thôi thì cứ "ngó lên thì chẳng bằng ai, ngó xuống thì chẳng có ai bằng mình" cho rồi! Rồi ai cũng sẽ đi tới bến, cùng đến một điểm hẹn sau cùng. Chỉ cầu cho mình được bình yên và suông sẻ đến ngày ấy thôi. A, mà mầy đang ở đâu vậy?"-"Đừng hỏi con ạ! mầy cứ biết còn có tao để gọi chửi mầy, khi vui tao sẽ lôi mầy ra mà chửi, khi buồn tao cũng sẽ gọi mầy để chửi chơi. Mầy cứ chuẩn bị cái lỗ tai mầy ra thôi. Khi nào lâu quá, tao không gọi để chửi mầy thì mầy biết tao đã đi rồi! Như vậy được chưa?"-"Ông gàn quá đi thôi! Tui chịu thua ông, quả thật từ xưa tới giờ!"-"Nầy nhóc con, thầy mầy đã nói mà quên nói luôn cho mầy biết vài điều để chơi. Con người ta sanh ra có một cái bản năng là thích sung sướng, ai cũng muốn sướng không phải làm cực nhọc, mà lại muốn hưởng với tất cả những gì mà mình thích, mình muốn. Mà cái lòng tham con người thì vô đáy từ tham danh, tham tiền, đủ mọi thứ tham. Tham không được thì nổi lên sân hận. Từ sân hận đưa đến hành động điên rồ để đạt được điều mình mong muốn bằng mọi cách. Trong đó có cái địa vị lãnh đạo. Gần như trong mọi con người điều có cái ước mơ được lãnh đạo người khác, nếu nói theo ngôn ngữ bình dân trong tục ngữ ca dao thì "Ai cũng muốn làm cha chứ không ai muốn làm con" bao giờ! Vì khi lãnh đạo, mới có cơ hội chứng tỏ mình hay hơn người khác, những điều suy tính của mình được thực hiện ra thực tế, nếu có kết quả tốt thì đó là một niềm vui và danh dự, mặc dù sự thất bại cũng đem đến cho mình một nỗi buồn và suy nghĩ không nguôi. Thực ra, lãnh đạo không dễ dàng chút nào cả, nó đòi hỏi người lãnh đạo phải có nhiều yếu tố từ vóc dáng, tiếng nói, khả năng, bản lãnh, thái độ và nhất là năng khiếu kể cả sự nhạy bén, tiên đoán và phán đoán. Người ta có thể thêm vào đó bằng những kinh nghiệm hay suy tư của những nhà lãnh đạo đi trước qua quá trình làm việc của họ, hoặc của những triết gia, những nhà chính trị - thiết tha đem lại lợi ích cho mọi người - đã suy tư, cân nhắc để tạo thành một hệ thống về nghệ thuật lãnh đạo hay một hệ thống chính trị cho một chế độ hoạch định nào đó. Đó chỉ là trên lý tưởng, còn trên thực tế sự thực hiện thì tùy sự biến đổi theo từng giai đoạn, hoàn cảnh mà phải biến ứng hay thay đổi cho thích hợp với hoàn cảnh ấy, không thể đem điều ở thế kỷ trước mà áp dụng trong thế kỷ nầy được. Nói như vậy không có nghĩa là không có những chân lý bất biến, tức những điều đúng mà lúc nào cũng có thể áp dụng được hay đòi hỏi cần có như trong Nho giáo có: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Một người lãnh đạo không có tư cách, tác phong, đạo đức, tính công bằng, trong sạch nghĩa là cái thân họ chưa hoàn thiện thì làm sao dạy con cái cho được; điều khiển gia đình chưa xong thì không thể nói đến trị quốc, thì lại càng không thể bàn chuyện bình thiên hạ. Nếu họ lãnh đạo thì đó chỉ là vì danh vọng hay phe nhóm nào đó, sự lãnh đạo ấy trước sao cũng sẽ là một sự thất bại, và đem lại một sự tan hoang mà thôi. Nho giáo là kết tinh những mối liên hệ giữa những con người trong xã hội từ người dân, vợ chồng con cái trong gia đình, đến giềng mối, bổn phận những thành phần tôi với vua trong một chế độ phong kiến. Mặc dù vậy nó cũng cung ứng những căn bản để bảo toàn một trật tự xã hội yên bình; như trong chế độ dân chủ ngày nay những điều giáo hóa của Nho giáo vẫn có giá trị trên nhiều phương diện mà trong đó có những điều cần thiết cho một người lãnh đạo.
Người lãnh đạo có nhiều cách để điều hành người khác thực hiện những kế hoạch của mình: Người ta có thể dùng quyền lực, pháp chế hầu bắt buộc người khác phải làm (Pháp trị) như trong những chế độ độc tài; họ cũng có thể dùng Đức (Đức trị) thu phục nhân tâm mà người ta có thể sốt sắng làm cho mình; người ta cũng có thể dùng đến biện pháp hành chánh hay kế hoạch nhằm lôi cuốn người khác thực hiện. Hoặc phối hợp các phương pháp với nhau để quản lý và cai trị.
Còn như trong tình trạng hiện tại ở hải ngoại, sự lãnh đạo trở nên phức tạp hơn. Vì thành phần bỏ nước ra đi vốn đã phức tạp, tốt xấu lẫn lộn, nhưng tựu chung lại là họ đã liều chết, không ngại tù đày để vượt biển cả, thì họ cũng có đủ khả năng để tranh giành những gì mà họ ham thích trong đó có quyền lãnh đạo. Lãnh đạo để được ngồi chiếu trên, lãnh đạo để có vinh dự tiếp xúc với những ông bự có quyền thế, lãnh đạo để được mọi người kính trọng nễ vì, lãnh đạo để có vị thế trong lễ hội và nhất là được đọc "đít cua". Thế thì oai ra phết đi thôi! Vậy mà không ham sao được! Vả lại, một cộng đồng với số dân không nhiều mình muốn "nổi" lên cũng chẳng khó là bao, thế tại sao ta không làm nổi để lấy oai với đời; đồng thời "rửa chân" cho bà vợ chẳng là hay lắm sao. Thế cho nên người ta tranh giành vị trí lãnh đạo để rồi chửi nhau ỏm tỏi, dùng phương tiện truyền thông để bôi bác nhau và công bố cùng các sắc tộc khác về "bộ mặt thật của dân tộc Việt nam". Sự bỉ ổi của họ là ở chỗ đó, và cũng chính đó chứng tỏ sự thiếu ý thức của những con người trí thức "vô liêm sĩ" đem bôi bác dân tộc của mình trên xứ người. Nếu họ là những con người làm chính trị thì họ lại ấu trĩ biết chừng nào: Phá vỡ sự đoàn kết, gây mất lòng tin yêu từ trong cộng đồng đến người dân, chính quyền quốc gia sở tại, thì ai sẽ ủng hộ và giúp mình; nếu mình tự đặt mình trên cương vị của người khác thì mình sẽ phải nghĩ sao? Và đánh giá một cộng đồng hoặc sắc tộc đó như thế nào?
Những con người lãnh đạo thành công cũng lắm, nhưng thất bại cũng khá nhiều. Bước đầu tiên mà họ vấp phải chính là sự nhiệt huyết, sốt sắng của họ. Họ muốn thực hiện những cải cách mới lạ để làm thành một bộ mặt mới cho tổ chức họ vội vàng cải tổ, thay đổi nhiều vấn đề khiến cho người lãnh đạo cũ âm thầm đau lòng, họ lần rời xa người lãnh đạo mới. Rồi đến lúc nào đó với những câu nói vô tình hay cố ý khơi lên mặc cảm trong họ, họ lại ngấm ngầm bất hợp tác. Cùng những người cảm tình cũ trở thành lực lượng phản đối hay đối chọi với lực lượng mới. Cuối cùng vô hình chung một cộng đồng bị phân hoá. Đó là chưa kể đến ý đồ chính trị được xen vô, vì chính trị bao giờ cũng muốn tồn tại một mình: Phải đẩy lui hay triệt hạ lực lượng khác ngoài phe của mình, phe mình phải lãnh đạo để thực hiện chủ trương, đường lối của cấp trên. Ê! Thằng nhóc! Mầy có hiểu được chưa?"-"Thôi đi ông nội! Con chẳng hiểu gì cả! Ông nói chuyện chính trị với con chẳng khác nào "đàn gảy tai trâu". Mà ông lỡ nói thì con cũng đành nghe vậy! Con chỉ sợ ngày nào đó không được nghe ông nói nữa đó thôi. Nhưng dù sao ông cũng cho con một số ý niệm để con biết nhìn đời"-"A, mầy nói nghe chí lý đó! Thế cho nên thằng Lực cho tao số điện thoại của mầy cũng là xứng đáng lắm vậy! Nầy con, mai nầy mầy có lãnh đạo tao khuyên mầy một câu: Hãy cẩn thận với những thằng nịnh hót, tâng bốc. Chúng chỉ làm cho mắt tai mầy bị mù, bị điếc đi thôi! Chúng nó chỉ khen lấy khen đễ để lấy lòng mầy; nhưng khi nào mà mầy thấy đại chúng chẳng thèm nhìn đến mầy khi mầy xuất hiện ở đám đông, hay mọi người bất hợp tác trong mọi kế hoạch của mầy thì mầy nên nhạy bén với tình trạng ấy để chọ n cho mình con đường hay nhất là con đường thứ hai trong "xuất xử", là con đường Trương Lương đã thực hiện mà tồn tại còn hơn là Hàn Tín bị mạng vong. Nhớ chưa con?"-"Dạ nhớ! Nhưng thưa ông, chắc không bao giờ con ra làm quan để lãnh đạo, vì vốn con ngu quá đi thôi, nên bị ông chửi con hoài, từ thời đi học gặp ông cho đến thời thỉnh thoảng gặp ông đôi lần. Rồi lâu quá, bây giờ lại nghe ông chửi tiếp mặc dù ông ở tuốt phương trời xa xôi nào ấy. Đêm hôm ông cũng lôi con dậy để ông tiếp tục chửi cho con nghe. Ôi, Thật là oan nghiệt! Nhưng con không buồn đâu, vì nghe ông chửi tức là làm phước cho ông rồi. Nếu ông chửi người khác thì chắc ông không còn cái răng nào hết, lúc đó cháu ngoại lại bảo rằng: Á, Ông ngoại chưa mọc răng thì tội nghiệp cho ông biết chừng nào!"-"A, bây giờ thằng nhóc con cũng lếu láo ra phết, tao khen mầy thật đó! Thôi tao để cho mầy làm việc với vợ mầy! Khi nào tao buồn tao sẽ gọi chửi mầy chơi. "Qua" thăng à nhen! Ông "cốc lão" cỡi ngựa, ông "cốc lão" đi đây. Hẹn gặp lại vào một ngày đẹp trời. Ông đi đây!". Hắn nói xong, hắn liền cúp phôn. Đồ tôi lắc đầu cho một thằng bạn, và lại nhớ đến Thầy Nguyễn Vũ Hải, rồi lại nghĩ đến chúng tôi: Trong giữa hai chúng tôi "hình như" có một thứ tình cảm thật lạ lùng nào đó mà lại hay hay...!

Đồ-Ngông,
16-11-06.

Thơ Nguyên Thảo

* Lời Chúc Cho Nhau.

Con người trong bể khổ
Đầy những ước mơ qua
Mong cho nhau bớt khổ
Chúc tốt đẹp làm quà!

Một mùa Xuân lại đến
Một năm mới vừa sang
Đất trời như thay đổi
Người chuẩn bị trang hoàng!

Chúc nhau lời tốt đẹp
Mong hạnh phúc lan tràn
Cho đời người bớt khổ
Như Xuân, Năm Mới sang!

Nguyên Thảo,
19/01/11.



*Năm Mới Và Xuân.

Khởi đầu năm mới, mùa Xuân sang
Sắc áo tươi xinh đẹp rỡ ràng
Theo tiết thay mùa, đào lại đỏ
Chuyển thời tiếp buổi, mai ra vàng
Trẻ vui hớn hở nhiều sinh lực
Người hẹn vinh quang khắp nẻo đàng
Chúc tụng trao lời bao tốt đẹp
Cùng nhau mơ ước với Xuân sang!

Nguyên Thảo,
01/02/2011.

Thơ Đó, Thơ Đây! (tt)

* Đường Lên Lào Cai. (Lào Cai)

Rời xa rồi ga Hàng Cỏ
Chào Hà Nội ta đi đó
Ngược đường lên Tây Bắc xa
Hà Nội to nhưng lại nhỏ.

Đêm buông xuống chẳng thấy gì
Trong toa ba người ngủ khì
Bánh sắt nghiến đường kêu vang mãi
Lắc lư nhiều chẳng thấy chi!

Mở mắt ra trời đã sáng
Sương mù vùng cao lãng đãng
Mái tôn nhà cửa thập thò
Người phương xa giương mắt sáng!

Đồ Ngông,
28/07/10.



* Đường Lên SaPa. (Lào Cai)

Đường, đường lên SaPa
Có người lại có ta
Xe chạy vù qua núi
Lại thoáng thoáng thưa nhà.

Kìa kìa thung lũng sâu
Nhìn xuống thấy mà sầu
Sông Hồng trôi lững lững
Mắt ta nhìn đâu đâu!

Đồ Ngông,
28/07/10.



* Ruộng Bậc Thang. (Lào Cai)

Khen người lại có lắm công thay
Sống mãi quanh năm ở chốn này
Biến núi biến đồi thành thửa ruộng
Theo triền cày cấy cũng như ai!

Ruộng lúa trên đồi cả dưới chân
Bờ be vững chắc nước ngăn phần
Trâu bò thủng thẳng, người bừa cấy
Toàn ruộng bậc thang, ruộng khắp vùng!

Đồ Ngông,
28/07/10.

Thơ Đồ Ngông (tt)

* Ngày Xuân Nói Với Bạn!

Xuân nầy tôi muốn ngõ đôi lời
Cái lẽ bè bạn nói để chơi
Già cả ngồi hoài (mãi, riết), thôi chán chết!
Tráng trai bay nhảy chẳng còn hơi.
“Thiền” đôi ba giác (cữ, lần), tìm cơ hội
Chó ngáp phải ruồi, lại biết đâu.
Có kiếm, có tìm mong mới gặp
Cơ may lại vớ (nắm bắt, chộp) đúng: “Không sầu”!

Đồ Ngông,
31/12/10.



* Đường Ma!

Đường ma mở rộng thênh thang
Biết bao cảnh đẹp, ngập tràn thú vui
Người người với vẻ tươi cười
Đi đi quanh mãi mà quên đường về
Kéo dài kiếp sống lê thê
Chìm trong bể khổ, mắt trào đại dương!

Đồ Ngông,
09/01/11.