Tuesday, June 28, 2011

*Đạo Phật 18: Giá Trị Của Đạo Phật.

Vì Đạo Phật không phát xuất, và cũng không dựa vào một câu chuyện thần thoại nào để khởi sinh, cho nên chúng ta muốn tìm hiểu hay nghiên cứu về Đạo Phật thì chúng ta cũng cần chú trọng đến tính chất “lý trí” của nó. Đức Phật nhiều lần cảnh báo với người tiếp cận, tin theo hay hành trì nên hiểu đây là một con đường hành trì hướng dẫn đến sự giải thoát cho chính mình trong vòng sinh tử luân hồi của lục đạo, chứ không phải chỉ để tin.
Theo như chúng ta đã biết Đức Phật chỉ là một con người bình thường, được sinh ra từ trong hoàng cung, có một đời sống sung sướng. Nhưng vì “duyên” nên Ngài đã từ bỏ những điều kiện ưu đãi ấy, để đi tìm con đường đạo mà Ngài đã suy tư ngay từ thuở thiếu thời. Ngài cũng đã tìm đến học hỏi cùng với những vị thầy có tiếng thời bấy giờ như Alarama Kalama, Uddaka Ramaputta. Nhưng Ngài vẫn chưa thỏa mãn với những điều đã chứng ngộ được qua sự theo học với các bậc thầy. Do đó, Ngài đã đi đến thị trấn Uruvela của xứ Senani để tham thiền nhập định trong sáu năm dài khổ hạnh trong một khu rừng cùng với nhóm Kiều Trần Như. Trong thời gian dài ấy Ngài vẫn chưa tìm thấy đạo mà thân Ngài càng tiều tụy, cho nên quan niệm Ngài có thay đổi bằng con đường trung đạo, con đường không khổ hạnh mà cũng không lợi dưỡng, vừa đủ để nuôi thân xác mà dưỡng tinh thần. Cuối cùng với sự quyết tâm mãnh liệt Ngài đã chứng ngộ sau 49 ngày thiền định dưới cội Bồ Đề.
Sự chứng ngộ của Ngài không từ trên trời xuống, không từ một câu chuyện thần thoại nào có trước, hoặc khởi nguồn từ một tôn giáo khác; mà là kết quả từ sự suy niệm của tri giác, của lý trí, hay trí khôn của con người. Ngài suy niệm về cuộc đời: Cuộc đời nhiều khổ! Tại sao lại khổ? Làm sao để tránh khổ? Có con đường thoát khổ hay không? Muốn thoát khổ phải như thế nào? Thoát khổ sẽ về đâu? Đó là khởi nguồn của những chân lý tối thượng: Tứ Diệu Đế hay còn gọi là Tứ thánh Đế! Chắc chắn không một ai trong cuộc đời này hay bất cứ một tín đồ của tôn giáo, hoặc một giáo chủ hay giới chức cao cấp của tôn giáo nào khác mà có thể phủ bác những điều ấy, nhất là sinh, lão, bệnh, tử. Nếu cuộc đời không khổ tại sao con người lại tìm đến tôn giáo, nương tựa vào đó để lấy đó làm chỗ an ủi tinh thần cho mình trong lúc đau khổ? Nhưng tôn giáo nào thực sự là cứu tinh, là để cứu rỗi cho chính mình hay người khác, đó mới là quan trọng mà chúng ta cần phải suy ngẫm và tìm hiểu thật nhiều, thật chính chắn để đi vào con đường đúng!
Có nhiều người, ngay cả những nhà nghiên cứu, không hiểu vì lầm lẫn, hay cố tình gán ghép những kiến thức ở các tôn giáo khác để làm nền tảng bắt đầu cho những giáo lý của đạo Phật. Chúng tôi thì không nghĩ vậy! Nếu chúng ta chú tâm kỹ hơn, thì những chiêm nghiệm của Đức Phật trong khi tìm được con đường đạo cho chính Ngài, là chính những chiêm nghiệm của một con người bình thường. Nếu những người khác cũng biết chiêm nghiệm, và chiêm nghiệm đúng hướng thì sẽ đi về chung một điểm, một cứu cánh tối hậu. Cứu cánh đó sẽ như nhau hoặc là giống nhau. Nếu không, Đức Phật đã chẳng bao giờ nói đến câu “Ta là Phật đã thành và chúng sinh là Phật sẽ thành”. Tất Đạt Đa đã đi từ con người như bao nhiêu con người khác, cũng với thân xác, cũng với tri giác, lý trí, trí khôn bình thường của con người; mà Ngài đã đạt đến mức độ như vậy thì người khác tất cũng phải được như vậy, không thể sai khác. Nhưng, điều quan trọng là họ có đi hay không? Nếu muốn đi thì tự họ phải đi, họ phải chính mình hành trì về mục tiêu chân lý đó: “Tự thấp đuốc lên mà đi!”.
Vì sao Đức Phật nói: “Tự thấp đuốc lên mà đi”? Đức Phật sau khi thành đạo, chứng nghiệm rằng: Mỗi chúng sinh đều có những “tạo nghiệp”, từ những nghiệp ấy mà “tâm” sẽ thể hiện, biến hiện thành những cảnh vui sướng, cảnh địa ngục, cảnh đau khổ hay sinh vào những cảnh tương ứng với nghiệp đã tạo ra trong quá khứ. Họ chỉ thoát khỏi mọi cảnh biến hiện khi nào họ không còn nghiệp nào nữa. Do đó, Ngài thấy chỉ có chúng sinh đó mới giải thoát cho chính họ mà thôi! Ngài không thể cứu họ thoát khỏi nhân quả ấy, mà chỉ trợ giúp, giúp hoặc chỉ con đường cho họ đi đúng hướng. Cuộc đời con người như trong một bể khổ mênh mông, với đầy dẫy những tranh giành, chém giết, hận thù; mà những chúng sinh lặn hụp trong đó như những con người đang đi trong đêm tối với nhiều u mê, mê muội, cho nên khi đã hiểu được rồi thì tự họ đốt cho mình ngọn đuốc để tự mình soi đường cho chính mình, nương theo con đường mà Đức Phật đã tìm ra trong khi tìm đạo, để mà đi đến “nơi chốn sau cùng”. Ai nói Đức Phật không có phép tắc, thần thông? Người nào đó nếu nói Đức Phật không có thần thông và cho rằng Đức Phật không thể cứu rỗi chúng sinh là những người hãy còn thiếu sót trong nhận thức rất nhiều! Mục Kiền Liên chỉ chứng được Thiên Nhãn Thông đã thấy mẹ mình đang trong cõi ngạ quỹ; còn Đức Phật đã chứng được Thiên Nhãn Thông, Tha Tâm Thông và cả Lậu Tận Thông. Nếu không thì Đức Phật đã không thể nói đến những cảnh giới, những thế giới,... đến những điều mà khoa học ngày nay cũng phải ngạc nhiên vì tính chính xác của nó. Và nếu Đức Phật không có những thần thông ấy thì cũng không có những Kinh điển của Đạo Phật, nếu ai không tin xin mời Quý vị “ghé mắt” vào các kinh điển để thấy được những điều đó. Nhưng chúng ta cũng cần nhớ lại rằng: Bao nhiêu kinh điển mà Đức Phật thuyết giảng trong hơn 45 năm hành đạo của mình chỉ là nắm lá trong tay, còn tri kiến Phật như lá ở trong rừng.
Thân Phật được tự tại vô ngại, không bị ngăn trở, biến khắp pháp giới hư không, có thể thu tam thiên đại thiên thế giới đem vào trên đầu ngọn lông, mà trong đó Đức Phật đang chuyển đại pháp luân và tất cả chúng sinh trong đó thấy không có sự thay đổi nào cả.
“Còn ta (Phật) thì trái với vọng trần, hiệp với chơn tâm thường trụ bất sanh bất diệt, biến khắp cả pháp giới. Cho nên ta mới được tự tại vô ngại: Ở trong một hiện ra vô lượng, vô lượng hiệp làm một, trong nhỏ hiện lớn, trong lớn hiện nhỏ; không rời nơi đạo tràng mà hiện khắp cả mười phương thế giới. Thân ta bao trùm mười phương hư không vô tận. Trên đầu một mảy lông hiện ra các cõi nước; ngồi trong hạt bụi, mà chuyển đại pháp luân. Vì ta diệt hết vọng trần, trở lại với bản tâm thanh tịnh trong suốt, nên mới được như vậy” (Phật Học Phổ Thông VI-VII Kinh Lăng Nghiêm, HT. Thích Thiện Hoa, Thành Hội Phật Giáo TP. HCM ấn hành 1997, trang132-133).
Điều đó chắc nhiều người nghiên cứu về Đạo Phật ngạc nhiên, và những người của các tôn giáo khác không thể ngờ được. Vì sao vậy? Tâm của con người khi đạt được đạo và thành Phật thì không còn bị “gò bó” hay bị nhốt trong túi “Tàng thức A lại da” nữa mà hòa đồng khắp pháp giới hư không, chỉ biến hiện ở những nơi nào cần biến hiện, cho nên “Như Lai không từ đâu đến, mà cũng chẳng đi về đâu” (Kinh Kim Cang). Cảnh giới trong Phật không còn vì tâm Phật đã hoàn toàn thanh tịnh, không nghiệp, không nhân thì lấy gì để biến hiện thành cảnh giới sướng vui, đau khổ; tâm Phật bây giờ đã giống như tư tưởng: khi tư tưởng nghĩ đến thế giới vô biên thì nó đã biến hiện khắp thế giới vô biên, khi nghĩ đến thế giới Ta Bà thì nó đã ở thế giới Ta Bà, khi nghĩ đến xứ Mỹ thì đã ở Mỹ... Có cảnh giới còn không ngăn trở được tâm của Phật, thì không cảnh giới lấy gì để ngăn ngại. Tất cả các Phật đều đồng một thể “giống như những ngọn đèn cùng được đốt sang trong cùng căn phòng, cùng chiếu sáng căn phòng nhưng không lộn lạo với nhau” có cùng cái chung nhưng cũng có cái riêng: “Một mà tất cả, tất cả là một” vậy!
Những ai cho rằng Đạo Phật không cứu rỗi thì chúng tôi e rằng họ chưa hiểu chính xác đó chăng? Nhưng sự cứu rỗi trong Đạo Phật không phải là phù phép của những vị Thầy bùa phù phép; hay ‘nói để mà nói’ nhằm hấp dẫn, lôi cuốn người khác mà không cần chứng minh; hoặc như những tư tưởng của những người mà tâm thần có vấn đề! Với tuệ giác Đức Phật thấy “nghiệp” của người nào đó đã gieo dù ở trong kiếp nào, thì cũng là nhân của những quả nhận trong mai sau. Trong Kinh Địa Tạng có ghi:
“Ngài Địa Tạng Bồ Tát nói với ngài Phổ Hiền Bồ Tát rằng: “Thưa Nhơn giả! Đó đều là do chúng sanh trong cõi Diêm Phù Đề làm những điều ác mà tùy nghiệp chiêu cảm ra những địa ngục như thế.
Nghiệp lực rất lớn, có thể sánh với núi Tu Di, có thể sâu dường biển cả, có thể ngăn đạo thánh.
Vì thế chúng sanh chớ khinh điều quấy nhỏ mà cho là không tội, sau khi chết đều có quả báo dầu đến mảy mún đều phải chịu lấy.
Chí thân như cha với con, mỗi người cũng theo nghiệp của mình mà đi khác đường, dầu cho có gặp nhau cũng chẳng bằng lòng chịu khổ cho nhau.
Nay tôi nương oai lực của Đức Phật mà nói sơ lược những sự tội báo nơi địa ngục. Trông mong Nhơn Giả tạm nghe lời đó” (Kinh Địa Tạng, HT. Thích Trí Tịnh dịch, Chùa Pháp Bảo Sydney ấn tống 1944, trang 80-81).
Và trong Kinh Lăng Nghiêm, sau khi được Đức Phật giảng, Ngài A Nan hiểu được rõ ràng và có than rằng:
“Con từ khi xuất gia theo Phật đến nay, vì ỷ lại là em của Phật, tin chắc sẽ nhờ oai thần Phật ban cho đạo quả, chẳng cần tu hành cực nhọc; không ngờ ai tu nấy chứng, không thể thay thế cho nhau được” (Phật Học Phổ Thông, HT. Thích Thiện Hoa, Thành Hội Phật Giáo TP.HCM ấn hành 1997, trang 36).
Chính vì thế mà dù Đức Phật có lắm thần thông cũng không cứu vớt nỗi những nghiệp lực của từng chúng sinh đã làm, mà Đức Phật chỉ giảng dạy, hướng dẫn con đường mà Ngài đã hành trì để đi đến đạo quả cho chúng sinh; và thành hay không là do sự nỗ lực, quyết tâm của chúng sinh ấy mà thôi! Do vậy, Đức Phật chỉ là một Đạo Sư.
Sự “Cứu rỗi” trong Đạo Phật là nhằm cho chúng sinh “hiểu” về chính con người của mình trong cuộc đời này (có nhiều đau khổ, cái khổ đến từ đâu? Làm sao để diệt khổ tìm về con đường an vui!); rồi từ cái hiểu ấy chúng sinh “biết” đến “con đường chuyển biến của mình trong vũ trụ, thế giới” mà mình phải đi qua (vòng luân hồi). Xong, mình chọn con đường tự “cứu rỗi lấy mình” như thế nào! Trong Kinh điển thường nói đến các cảnh giới thế gian, cõi Phật, những cõi khác (như trong “Kinh Thế Ký” của Kinh Trường A Hàm), ngoài những thuyết giảng cho đệ tử và những người khác. Sự thuyết giảng của Đức Phật được “nhất quán” không hề bị mâu thuẫn về những chi tiết dù ở trong nhiều bộ kinh, điều đó chứng tỏ Đức Phật không hề ‘bịa đặt” trong giáo lý của mình (mà chúng ta khó có thể thấy điều ấy trong giáo lý của vài tôn giáo khác). Chính vì muốn chúng sinh hiểu được tường tận về những điều về mình, và để “tự” thực hiện con đường cứu rỗi mà Đức Phật đã thuyết giảng Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Đức Phật muốn chúng sinh được “Khai, thị, ngộ, nhập tri kiến Phật”, để từ đó chúng sinh tu hành, thực hiện con đường cứu rỗi trở thành Phật trong cõi Thường, Lạc, Ngã, Tịnh không còn đau khổ, luân hồi, ấy là cứu cánh của Đạo Vô Thượng Bồ Đề vậy!
Trong Đạo Phật, người ta có thể tìm thấy không những sự phân tích về đời sống con người một cách tỉ mỉ từ những hiện tượng khổ, nguyên nhân khổ, khổ do đâu? Đâu là con đưòng tìm đến sự an vui? Mà người ta còn có thể tìm thấy sự “phân tích tâm lý” độc nhất vô nhị về những tâm lý con người trong “Duy Thức Học”.
Duy Thức đã cho chúng ta biết từ các “căn” tiếp xúc với các “trần” rồi sinh ra các “thức”, và từ “thức”, “ý thức” mà những tâm lý khác nẫy sinh. Nhưng tâm lý này lại đi xa hơn “Tâm lý học của triết Học”, Duy Thức còn có hai thức khác là “Mạt Na Thức” và “A Lại Da Thức”, với hai thức đó giải thích cho chúng ta vì sao con người tạo nghiệp và nghiệp được giữ lại ở đâu để rồi trong những kiếp luân hồi kế tiếp mà chúng sinh phải trả nghiệp như là một hệ “nhân quả”. Và khi tu hành đắc quả những thức ấy sẽ biến thành gì? (A-Lại-Da-Thức thành Đại Viên Cảnh Trí; Mạt-Na-Thức thành Bình Đẳng Tánh Trí; Ý Thức thành Diệu Quan Sát Trí; và Tiền Ngũ Thức thành Thành Sở Tác Trí). Quả là tư tưởng có một không hai, tư tưởng ấy rất thực tế, rất con người; chứ không là tư tưởng từ những câu chuyện thần thoại mơ hồ không đâu (Tin những điều mà mình không thấy, không được chứng minh!)
Chính vì giáo lý của Đạo Phật được khởi nguồn từ con người, nhận định về đời sống tràn đầy đau khổ trong thế gian; suy tư từ trong tư tưởng của một con người; và cũng từ lý trí, tuệ giác con người mà đã phát sáng được những phương pháp, con đường giải thoát. Sau khi thành đạo, chứng nghiệm, Đức Phật đúc kết giáo lý của Ngài để truyền giảng nhằm lôi cuốn chúng sinh vào con đường tự giải thoát cho mình khỏi những nghiệp do chính “Vô minh” của mình đã tạo ra vì “không ai thay thế cho ai được”, cho nên “không ai có thể cứu rỗi cho người khác” cũng là điều mà chúng ta cần suy nghĩ. Và nhất là những điều mà Đức Phật thuyết, càng ngày càng được những nhà khoa học tài danh xác nhận là đúng trong những điều mà khoa học đã khám phá ra, chứ những điều mà Đức Phật đề cập đến hãy còn nhiều và cũng thật là cao xa biết đến bao giờ khoa học mới vươn tới? Viễn vọng kính tối tân còn đang chứng nghiệm con đường thấy của Thiên Nhãn Thông, rồi còn Tha Tâm Thông và nhất là Lậu Tận Thông, biết đến bao giờ? Nhưng con người vốn đã có “Tánh Phật” thì biết, thấy, nhận định như Phật cũng chẳng khó khăn gì vì “Phật là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành” kia mà! Học trò nào muốn thi đỗ, thành danh cũng đều cần đến công phu, phải không Quý vị?

Nguyên Thảo.

Tuesday, June 14, 2011

*Quê Hương 4: Sự Hùng Hồn Của Dân Tộc.

Bạn trẻ ơi!

Em nên có lòng tự hào, vì trong em đã có dòng máu của dân tộc Việt Nam: Một dân tộc hiếm có trên thế gian nầy; Một dân tộc nhỏ bị một nước thật lớn cai trị cả ngàn năm mà không bị đồng hóa và cuối cùng vẫn tự vùng lên giành độc lập; đánh bại các đoàn quân xâm lăng đã từng xâm chiếm từ vùng đất nầy đến vùng đất khác trên quả địa cầu.

Có lẽ em không ngờ dân tộc ta làm nên được điều ấy; và nếu em sinh ra, lớn lên trên xứ người thì em lại thấy đó như là một việc lạ lùng, không thể tưởng tượng nổi; nhưng đấy lại là sự thật, một sự thật thần kỳ.

Bạn trẻ ơi!

Trong các truyện thần thoại lịch sử của ta có truyện Ông Thánh Gióng hay là Phù Đổng Thiên Vương, em đã có nghe kể chưa? Tôi chép lại từ trong quyển “Việt Nam sử lược I” của cụ Trần Trọng Kim cho em đọc nhé!

"Đời Hùng Vương thứ 6 có đám giặc gọi là giặc Ân, hùng mạnh lắm, không ai đánh nổi. Vua mới sai sứ đi rao trong nước để tìm người tài giỏi ra đánh giặc giúp nước. Bấy giờ ở làng Phù Đổng, bộ Võ Ninh (nay là huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh) có đứa trẻ xin đi đánh giặc giúp vua. Sứ giả về tâu vua, vua lấy làm lạ, cho đòi vào chầu. Đứa trẻ ấy xin đúc cho một con ngựa và cái roi bằng sắt. Khi ngựa và roi đúc xong thì đứa trẻ ấy vươn vai một cái, tự nhiên người cao lớn lên một trượng, rồi nhảy lên ngựa cầm roi đi đánh giặc.

"Phá được giặc Ân rồi, người ấy đi đến núi Sóc Sơn thì biến đi mất. Vua nhớ ơn, truyền lập đền thờ ở làng Phù Đổng, về sau phong là Phù Đổng Thiên Vương... Hiện bây giờ có đền thờ ở làng Gióng tức là làng Phù Đổng. Năm nào đến mồng 8 tháng 4 cũng có Hội vui lắm, tục gọi là Đức Thánh Gióng" (trang 14-15, VNSL.I).

Đó chỉ là một câu chuyện thần thoại, nhưng ít ra trong câu chuyện ấy vẫn có một sự thật, kỳ tích nào đó mới khiến dân gian lập đền thờ thờ phượng và lập lễ ăn mừng tạo thành một ngày Hội vui kéo dài cho mãi đến ngày nay. Cả mấy ngàn năm rồi đó, các em ạ! Và cũng từ trong câu chuyện nầy, cho ta biết ở thời điểm ấy, dân tộc ta đang sinh hoạt ở thời kỳ tiến bộ của đồ sắt nên mới đúc được ngựa sắt và roi sắt. Nền văn minh của dân tộc ta cũng không đến đổi tệ, phải không em?

Ngay từ thời kỳ đầu lập quốc, một đứa trẻ con cũng biết "căm hờn" ra cầm quân đánh giặc, sức lớn như Phù Đổng. Đánh không cần chức vụ, quan tướng hoặc làm vua. Rồi kế tiếp trang nữ lưu như Trưng Trắc, Trưng Nhị cũng "oán hận báo thù chồng, đền nợ nước" xưng vương khởi nghĩa. Và người anh thư Triệu Thị Chinh: "Muốn cởi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá tràng kình ở bể đông, quét sạch bờ cõi, để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng để làm tì thiếp người ta".

Những cuộc khởi nghĩa tiếp tục dấy lên với Nam Đế Lý Bôn đánh đuổi Thứ sử Tiêu Tư lập nên nhà Tiền Lý, rồi tới vua Đầm Dạ Trạch Triệu Quang Phục, và Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng khiến quan đô hộ Cao Chính Bình lo sợ thành bệnh mà chết.

Họ Khúc dấy nghiệp. Ngô Quyền giết Kiều Công Tiện báo thù cho chủ là Dương Diên Nghệ, rồi đại phá quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, bắt giết Thái Tử Hoằng Tháo, vua Nam Hán khóc và quay trở về; để cho nước Nam ta bước vào thời Tự chủ mãi đến sau nầy, cởi được ách đô hộ cả ngàn năm.

Em hãy tìm hiểu trên lịch sử các nước trên thế giới để tìm ra được một quốc gia, một dân tộc khác bị đô hộ cả ngàn năm mà vẫn tự mình đứng lên phá được ách nô lệ, hiên ngang với sự độc lập của mình. Em muốn bảo là người Do Thái ư? Em lầm rồi! Người Do Thái phải nhờ đến sức mạnh cùng sự giúp đỡ của Anh và Mỹ đấy em ạ! Dù trên huyền thoại người Do Thái là của Đức Chúa Trời tạo ra để cai quản cả loài người trên mặt đất (?)

Dân tộc ta không có những huyền thoại giống như vậy. Nhưng vì hoàn cảnh địa lý khắc nghiệt đã làm cho dân tộc ta luôn phải chiến đấu cùng thiên nhiên. Với hồn thiêng sông núi ấy đã khiến cho dân tộc ta rất yêu mến từng ngọn núi, từng cánh đồng, từng mái đình, từng góc rừng, làng mạc với lũy tre xanh, với tiếng sáo diều vi vút trên không của những buổi chiều về; với từng nấm mộ của Tổ tiên; với bàn thờ Ông Bà, Cửu Huyền Thất Tổ ở căn chính giữa nhà ba gian hai chái... Sự yêu mến ấy trở thành tình yêu quê hương, tình yêu tổ quốc và nghĩa đồng bào. Chính vì thế, theo sử của cụ Trần Trọng Kim ghi "Từ khi vua Vũ Đế nhà Hán sai Lộ Bác Đức sang đánh lấy Nam Việt cho đến đời Ngũ Quí, ông Ngô Quyền đánh đuổi người Tàu về Bắc tính vừa 1050 năm" (VNSL.I, trang 71), dân tộc ta vẫn giành được độc lập.

Rồi sau nhà Ngô đến Đinh, Tiền Lê những cuộc phá Tống, bình Chiêm giữ vững bờ cõi. Trong thời nhà Lý có tướng Lý Thường Kiệt để lại bài thơ danh tiếng:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

mà tôi đã trích dẫn từ bài trước cho em,

Nhưng em ạ!

Trong lịch sử chống giặc của dân tộc ta phải nói thời oanh liệt nhất lại vào thời Trần, vì trong thời kỳ nầy gần như là toàn dân đánh giặc: Từ trẻ (Trần Quốc Toản) cho đến già (Hội nghị bô lão Diên Hồng). Quân Mông Cổ dưới sự điều động của Thành Các Tư Hãn Thiết Mộc Chân đã đánh chiếm đất đai tạo thành một đế quốc lớn từ Á sang Âu. Họ chiếm gần nửa Châu Âu. Theo tôi được đọc trong sách "Văn minh Tây phương" do Phủ Quốc Vụ Khanh xuất bản khoảng giữa những năm 60 ở Sài gòn mà tôi không còn nhớ rõ tên người dịch thuật là ai, đã kể thì người Mông Cổ khi rút ra khỏi Âu Châu đã để lại một số dân và tạo nên dân Hungary ngày nay. Nhưng mấy năm trước đây, trên phương diện làm ăn, tôi có quen với một người Thổ Nhĩ Kỳ, ông ta rất hãnh diện về nguồn gốc Mông Cổ của dân tộc ông ta. Thì thuở ấy, người Mông Cổ đã trên lưng ngựa mà chinh phục các nơi; và triều đại phong kiến phương bắc Tàu cũng bị cai trị hoàn toàn. Nhưng quân Mông Cổ không thể chiếm được nước ta. Với câu nói của Thái Sư Trần Thủ Độ: "Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo". Thế là quân Mông Cổ bị đánh bại ở Đông Bộ Đầu, rồi đến Qui Hóa phải lui về Vân Nam.

Trong trận chiến thứ hai Hưng Đạo Vương khảng khái: "Nếu Bệ Hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi đi đả, rồi sau sẽ hàng", rồi truyền "Hịch Tướng Sĩ". Trần Nhật Duật phá quân Toa Đô ở Hàm Tử Quan. Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Trần Quốc Toản đánh bại Thoát Hoan ở Chương Dương:

Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử Quan
Thái bình nghi nổ lực
Vạn cổ thử giang san.
(Trần Quang Khải)
(Bản dịch:
Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù
Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy ngàn thu).

Ở trận Tây Kết, Toa Đô trúng tên chết, Ô Mã Nhi lên thuyền nhỏ thoát thân; và Thoát Hoan phải chun trong ống đồng trốn chạy về Tàu sau trận Vạn Kiếp.
Quân Nguyên tiến đánh lần thứ ba: Trần Khánh Dư cướp lương thực ở trận Vân Đồn; và Ô Mã Nhi bị bắt ở trận Bạch Đằng Giang, còn Thoát Hoan trốn chạy về Tàu.

Thế là ba lần quân Mông Cổ bị đánh bại trên đất nước của ta. Em có thấy Tổ Tiên ta đánh giặc và quyết bảo vệ non sông? Đoàn quân Hung Nô "đến đâu cỏ mọc không được", nhưng đã bị Hưng Đạo Đại Vương, tướng sĩ, quân dân của ta đánh tan tác những ba lần. Ôi! Ta cũng nên tự hào ta có dòng máu Việt, đấy chứ em!

Và sau bọn phong kiến nhà Minh phương Bắc lại chiếm nước ta từ năm 1414 đến năm 1427. Lê Lợi đã khởi nghĩa mười năm để giành độc lập với sự giúp sức của Nguyễn Trãi, người viết nên bài "Bình Ngô Đại Cáo". Được thành công, lập nên nhà Hậu Lê, và mãi sau nầy người Mãn Châu lại chiếm cả nước Tàu to lớn, lập nhà Thanh. Chúng lại bị Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đại phá vào mùa Xuân năm Kỹ Dậu (1789) với những chiến thắng ở Hà Hồi, Ngọc Hồi, Đống Đa khiến Tôn Sĩ Nghị bỏ cả ấn tín mà trốn chạy về Tàu.

Ấy là "Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu" và đến "Trăm năm đô hộ giặc Tây":

Bây giờ, sự việc trở nên phức tạp hơn khi có một số học giả, trí thức nghiên cứu đã tìm được các sử liệu, tài liệu chứng minh: Vì nguyên cớ nào Đế Quốc Pháp đã đánh chiếm Việt Nam? Điều ấy để cho lịch sử phê phán tiếp. Ở đây, tôi sẽ trình bày với các em về việc Chủ nghĩa Thực dân phát triển và Đế quốc Pháp đánh chiếm Việt Nam là một ý muốn, còn việc cấm Đạo của các Triều đình chỉ là một cái cớ mà thôi! Vì đó là một trào lưu do sự phát triển kinh tế, kỹ nghệ, tìm đất và tìm thị trường để chứng tỏ dân tộc, quốc gia của họ là mạnh. Vì vào thời ấy không phải chỉ nước ta bị đế quốc xâm chiếm, mà các nước nhỏ, yếu khác ở khắp các châu từ Châu Mỹ La Tinh, Nam Mỹ, Phi châu, Á châu kể cả các quần đảo xa xôi lần lần thuộc về các đế quốc Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hòa lan...

Cho nên, Đế quốc Pháp bắt đầu bắn phá các đồn lũy ở Đà Nẵng từ tháng 8 năm 1856 với chiến thuyền Catinat. Và tháng 7-1958 lại đến bắn phá Đà Nẵng một lần nữa với lực lượng hùng hậu hơn gồm 14 tàu chiến và 3000 quân của hai nước Pháp và Y Pha Nho (Tây Ban Nha).

Tháng 1-1859 Pháp đánh chiếm thành Gia Định, Định Tường (1861), rồi Biên Hòa, Vĩnh Long (1862). Và với Hòa ước năm Nhâm Tuất 1862, nước ta bị mất 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường. Sau chúng đánh lấy luôn 3 tỉnh Nam Kỳ còn lại là Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.

Năm 1873 chúng hạ thành Hà Nội, đánh chiếm 4 tỉnh miền trung du. Và với việc ký Hòa ước 1874 Việt Nam nhượng đứt đi sáu tỉnh miền Nam. Sau đó, quân Pháp lại tiến đánh Bắc kỳ lần thứ hai và đưa đến việc ký Hòa ước Patenôtre tháng 5-1884 để từ đó Việt Nam chịu sự cai trị của người Pháp, và lại bị chia làm 3 xứ: Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ.

Cũng từ đó dân tộc ta bắt đầu cho những cuộc kháng chiến chống Pháp. Từ Phong trào Cần Vương: Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường rồi các tỉnh Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định, Bình Thuận, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa đều có người nổi lên. Ở Bắc có Nguyễn Thiện Thuật (Bãi Sậy). Sau Phan Đình Phùng lập Đảng Văn Thân ở vùng Hương Khê. Các vùng Hải Dương, Bắc Ninh cũng có những phong trào. Ở Hà Nội có Đông Kinh Nghĩa Thục; Phan Bội Châu với Phong trào Đông du; Phan Chu Trinh, Hoàng Hoa Thám, Đội Cấn, rồi Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Yên Bái và "Đảng Việt Minh dưới quyền lãnh đạo của Nguyễn Ái Quốc -đổi tên là Hồ Chí Minh- thừa cơ nổi lên cướp chính quyền, vua Bảo Đại phải thoái vị và nhường quyền cho Đảng Việt Minh" (VNSL.II, trang 342).

Và cuộc chiến tranh giành độc lập cho đất nước với đế quốc Pháp được kết thúc bằng trận chiến Điện Biên Phủ và ký kết Hiệp Định Genève 1954. Đất nước ta phải bị chia đôi và lại bước vào cuộc nội chiến và chiến tranh ý thức hệ: Một cuộc chiến tàn phá và phân hóa dân tộc ta một cách sâu nặng nhất trong lịch sử vì ý thức hệ Tự do và Cộng sản cho mãi đến bây giờ.

Trong khi đó, Trung Quốc lại được sự nhân nhượng của Mỹ, đang củng cố dần thế mạnh và lăm le nuốt dần đất nước của ta với áp lực của một kẻ mạnh, một đầu đảng, một kẻ "bề trên" đối với “Thể chế Cộng sản Việt Nam”.

Bạn trẻ ơi!

Quê hương ta bất hạnh, nhưng với sự chịu đựng, lòng quả cảm, với ý chí kiên cường, với tinh thần độc lập, và với một sức sống hùng hồn đã vùng lên bẻ gãy tất cả mọi xích xiềng, áp bức để giữ vững đất Tổ quê Cha. Vậy thì, không lẽ hôm nay, ta phải cúi đầu khuất phục sao em? Thời đại có khác. Ta phải đáp ứng với thời đại. Bây giờ cần đến trí óc, tài năng, bản lĩnh, sáng tạo nhất là các tri thức, khả năng để tạo nên tài chánh và các phương tiện có thể bảo vệ được quê hương. Nếu không, một mai ta sẽ trở thành người vong quốc, thì lúc ấy, ai sẽ là người khóc cho ta, em nhỉ? Tôi sẽ viết lại câu nói của Nikita Khruschev: "Muốn hòa bình thì phải củng cố chiến tranh". Các em đã sẵn sàng chưa? Nếu chưa, các em nên suy nghĩ và chọn cho mình một hướng để hoạt động và để đi. Đất nước mất hay còn đều do các em đó, vì thế hệ chúng tôi sẽ "chẳng còn".

Các em hãy hát bài "Hùng Ca" muôn thuở của dân tộc đi em nhé! Nào, hãy vang tiếng lớn lên nào!


Nguyên Thảo,
19/8/02.

Saturday, June 11, 2011

*Quê Hương 3: Quê Hương Ta Bất Hạnh!

Bạn trẻ ơi!
Qua đầu đề nầy tôi muốn nói cùng em về một số điếu không may mà đất nước, dân tộc ta vô tình phải hứng chịu. Tôi muốn bắt chước người Nhật đề cập một cách không né tránh những điểm đau lòng thực tế hiển nhiên đó, để rồi em sẽ thấy một sức sống hùng hồn, một sự đấu tranh mãnh liệt của một dân tộc, mà em là một trong những thành viên của dân tộc ấy.
Em ạ!
Đất nước ta phần lớn diện tích là núi non trải dài từ miền bắc xuống miền nam. Ở miền bắc với 5 dãy núi rẽ ra thành hình cánh quạt mà núi Tam Đảo là hướng đồng qui. Sông Hồng phát nguyên từ cao nguyên Vân Nam bên Tàu, ở trên độ cao cả ngàn thước so với mực nước biển, thì em cứ thử nghĩ khi mùa mưa đến, nước nhiều ở trên độ cao ấy đổ xuống sẽ đem điều gì cho đồng bằng miền bắc? Với đồng bằng của sông Hồng, sông Thái Bình không đủ lương thực để nuôi cho toàn số dân ở miền bắc.
Rồi dãy Trường Sơn nối tiếp chạy dọc suốt miền Trung cho đến tận đầu miền nam, có nơi dãy núi chạy sát với bờ biển, cho nên sông ngòi ở miền Trung đa số là ngắn, đồng bằng nhỏ. Vả lại, vào mùa mưa nước mưa từ trên dãy núi chảy xuống ồ ạt khiến có nhiều cát đá trên những cánh đồng đất bồi, đến mùa nắng thì lưu lượng sông lại ít. Vì vậy, đời sống của người dân miền Trung có lắm phần cơ cực.
Còn miền nam thì cuộc sống tương đối phong phú hơn với cánh đồng phì nhiêu, sông ngòi chằng chịt. Nhưng vài năm sau nầy cũng thường xảy ra nạn lũ lụt nên đời sống có nhiều hồi hộp, lo âu.
Và với địa hình trải dài từ Ải Nam Quan cho đến mũi Cà Mau trên 1700 cây số, lại nằm trong vùng nhiệt đới thuộc khu vực gió mùa cho nên những cơn bão nhiệt đới ảnh hưởng một cách dữ dội trên đất nước của ta. Vào những tháng 8 tháng 9 âm lịch tương đương với tháng 9 tháng 10 dương lịch, những cơn bão nhiệt đới có trung tâm phát xuất từ Thái Bình Dương bên kia Phi Luật Tân được thành hình và di chuyển dần về phía Tây. Các cơn bão ấy đổ vào Việt Nam với đầy đủ sức mạnh của nó. Năm nào ít thì cũng 5, 6 cơn; năm nào nhiều thì đến 12. Các cơn bão ấy đổ dài từ miền Bắc vào miền Trung. Miền Nam chỉ có những cơn bão rớt. Nhưng những năm trở lại đây do hiện tượng El Nino mà miền Nam cũng chịu ảnh hưởng mạnh của bão như cơn bão Linda chẳng hạn.
Tại sao bão tàn phá trên đất nước ta nhiều dù nó xuất phát từ Thái Bình Dương, bên kia vùng đảo Phi Luật Tân? Nếu ta nói "xe chạy nhanh khi có trớn", thì bão đến Việt Nam khi đã đầy đủ "trớn", sức xoáy của nó rất mạnh và các dãy núi của Việt Nam là các bức tường ngăn cản, nên sức tập trung công phá của bão lại là trên quê hương, xóm làng của ta. Bão kèm theo lượng mưa nhiều, nên "bão lụt" là một từ ngữ đi chung. Đó là về phương diện địa lý, còn về phương diện lịch sử, thì em hãy lật bộ lịch sử Việt Nam của Trần Trọng Kim hay của bất cứ một tác giả nào, em sẽ hiểu. Trịnh Công Sơn đã tóm gọn trong vài câu nhạc "Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày..."
Suốt một lịch sử hơn 4000 năm, đất nước ta luôn phải đối phó với các triều đại phong kiến phương Bắc. Từ khi Kinh Dương Vương Lộc Tục thành lập quốc vào năm 2879 trước Tây Lịch, bắt đầu cho Họ Hồng Bàng, sau truyền ngôi cho con là Lạc Long Quân Sùng Lãm; Sùng Lãm cho người con trưởng làm vua nước Văn Lang xưng là Hùng Vương và đóng đô ở Phong Châu (thuộc địa hạt huyện Bạch Hạc tỉnh Vĩnh Yên ngày nay). Do đó dân tộc ta thường nói là "Con Hồng, cháu Lạc" là như vậy, và Hùng Vương là "Quốc Tổ". Trải qua hai triều đại kế tiếp là nhà Thục rồi nhà Triệu, đến năm 111 trước Tây Lịch nước ta bị nhà Hán bên Tàu đánh chiếm và ta bị Tàu đô hộ 3 lần, kéo dài khoảng 987 năm.
-Từ năm 111 trước Tây Lịch đến năm 39 sau Tây Lịch (150 năm): Bắc thuộc lần thứ nhất và cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng được 4 năm.
-Từ năm 43 đến năm 544 (501 năm): Bắc thuộc lần thứ hai: Trong thời gian nầy có cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu Thị Chinh và anh là Triệu Quốc Đạt ở huyện Nông Cống (năm 248). Mãi đến năm 541, Lý Bôn khởi nghĩa ở huyện Thái Bình đánh đuổi được quan lại Tàu, dẹp được quân Lâm Ấp, lập được Triều đại nhà Tiền Lê (544- 602).
-Từ năm 603 đến năm 939 (336 năm): Bắc thuộc lần thứ ba: Trong thời gian nầy có các cuộc khởi nghĩa của Mai Hắc Đế ở Hà Tĩnh (722): Phùng Hưng ở Sơn Tây (791); Họ Khúc dấy nghiệp ở Hải Dương (907-923); Và sau đó là Dương Diên Nghệ và Kiều Công Tiện (931-938). Đến khi Ngô Quyền người làng Đường Lâm, tỉnh Sơn Tây đại phá được quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng (năm 938) và thành lập nhà Ngô (939-965) nước ta mới vào Tự chủ thời đại và cởi được ách đô hộ của các triều đại phong kiến Tàu.
Bạn trẻ ơi!
Em có bao giờ nghe những người đi làm hảng kể lại những thằng chủ khó khăn, chửi công nhân không? Thì dối với người dân trong một nước nô lệ khó khăn đến gấp vạn lần; binh sĩ, quan lại có quyền áp bức, đánh đập, chém giết, đày đọa... Người dân chỉ có biết tuân hành. Trong thời kỳ lệ thuộc, đã biết bao nhiêu người bị bắt phải xuống biển mò ngọc trai, lên rừng chiến đấu với cọp, tê giác, voi để lấy sừng, ngà, da, xương dâng hiến cho bọn cai trị; những ai có tiền của thì bị chúng bắt cống nạp hoặc cướp đi mà không dám nói một lời. Đốt nhà, lấy của, phá tất cả tài sản đều do nơi sự tàn ác của chúng. Bọn quan lại, quân lính phương Bắc như Tô Định, Cao Chính Bình... không thiếu gì. Và bọn Đế quốc Pháp "đè đầu, cỡi cổ", đem những tài sản chiếm được về cho "mẫu quốc" cũng không là ít.
Trong thời gian gần đây, Cộng Sản Trung quốc sợ Việt Nam mạnh lên mà thoát ra khỏi "vòng kiềm tỏa" của họ, ngay từ năm 1975 họ đã xui giục, cung cấp vũ khí, đỡ đầu đám đàn em Polpot ở Kampuchia xây dựng chế độ tàn bạo, giết dân, làm băng hoại đất nước Kampuchia, khơi lòng hận thù đối với Việt Nam và khuyến khích quân Polpot tấn công dọc biên giới miền nam nước ta. Quân Polpot đốt nhà, ruộng lúa, xé xác trẻ thơ, giết đàn bà với cọc nhọn đâm từ phần dưới đóng lên đầu... Ôi! Thật là dã man! Khi Việt Nam giúp dân Kampuchia lật đổ chế độ Polpot, họ đã đánh vào biên giới phía Bắc để gọi là "dạy cho Việt Nam một bài học", chủ nghĩa đế quốc cuối thế kỷ 20 là như vậy đó. Chính quyền Mỹ đã bán đứng chế độ miền Nam Việt Nam và giao luôn đất nước ta cho Trung quốc, vì thế Trung Quốc đã chiếm quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 và đang lăm le nuốt trọn quần đảo Trường Sa, mặc cho nước nhỏ "réo gào"!
Cộng sản Trung quốc dùng mọi hình thức, biện pháp để đánh phá đất nước của ta từ việc mua dựng trâu, mắt mèo để các phương tiện sản xuất băng hoại hoặc chuột bọ sinh sản, phá ruộng rẫy hoa màu; bán rẻ từ táo, hột gà, các nông phẩm hay sản phẩm khác để triệt hạ kinh tế của ta. Hoặc đưa các sản phẩm kỹ nghệ lậu vào Việt Nam để làm suy sụp các cơ sở sản xuất trên đất nước. Như vậy Việt Nam phải từ từ hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Quốc. Họ còn độc địa hơn nữa là tổ chức các nhóm lưu hành tiền giả có cơ sở từ bên Trung Quốc, hoặc đưa các độc dược vào đầu độc thế hệ thanh niên hoặc mua chuộc, hối lộ hủ hoá các viên chức Việt Nam. Như vậy tự nhiên không cần đánh chính quyền Việt nam sẽ bị băng hoại, mất lòng dân thì Việt Nam sẽ là "một tỉnh của Trung Quốc" một cách êm dịu mà người ta tưởng chừng như không có.
Bạn trẻ ơi!
Các em có biết không? Tại sao Giang Trạch Dân trong chuyến viếng thăm Việt Nam đầu năm 2002, không tắm biển ở Hải Phòng, ở Đồ Sơn, Sầm Sơn hay Nha Trang, Vũng Tàu mà lại tắm biển ở Đà Nẳng như là một kỳ tích không? Vì bãi biển đó người Mỹ không gọi là Hội An mà là "China beach". Giang Trạch Dân tắm ở bãi biển của Tàu nằm trên đất Việt Nam mà! Như vậy cũng có một ý nghĩa ghê gớm phải không, các em ạ?
Người Mỹ đã hất Đài Loan để đưa Trung Quốc vào ghế Thường Trực Bảo An Liên Hiệp Quốc. Người Mỹ đã thôi can thiệp ở Việt Nam, giao Việt Nam cho Trung Quốc. Các tư bản vì mối lợi đầu tư mạnh trên đất Trung Hoa. Bây giờ, hàng hóa Trung Quốc khắp cùng, đã gây khó khăn cho kinh tế, cơ sở sản xuất của nhiều nước. Trung Quốc bắt đầu hiện đại hóa quân đội, không hải lục một cách âm thầm. Nhưng trong khi đó Trung Quốc lại đánh đòn "lừa" với thế giới rằng "Nước Nhật đang tái võ trang", và Trung Quốc đang “phát triển lực lượng trong hòa bình”. Ôi! Một tay điếm đàng đang "âm thầm" toan tính những âm mưu lớn..!
Trong khi đó, nước Mỹ đang phải đối đầu với đám khủng bố Al Qaeda và kinh tế đang bị suy đồi. Ai dám bảo rằng Trung Quốc không lợi dụng cơ hội nầy để "Ngư ông đắc lợi". Thế giới cảnh giác Trung Quốc một, nhưng Việt Nam nói riêng, khối Đông Nam Á nói chung phải cảnh giác với Trung Quốc đến gấp 5, 6 lần.
Nầy em bạn trẻ ơi!
Quê hương ta không những bất hạnh trên phương diện địa lý, ở bình diện lịch sử không thôi, mà lại còn trên khía cạnh vị trí nữa. Chính vì vị trí nằm trên cửa ngõ quan trọng của Thái Bình Dương từ Nam lên Bắc, từ Tây sang Đông hay ngược lại. Nó có thể làm bàn đạp để kiểm soát được các hoạt động trong vùng dễ dàng. Do điều ấy mà đất nước ta đã là điểm đối đầu của hai thế lực trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Từ cuộc chiến quốc gia trở thành cuộc chiến quốc tế. Từ vũ khí thô sơ, cũ kỹ thành vũ khí tân tiến; và cũng là nơi thí nghiệm của nhiều chiến thuật lẫn các loại vũ khí hiện đại, mà mọi hậu quả hứng chịu vẫn là dân tộc cùng đất nước Việt Nam.
Sau bao nhiêu năm cuộc chiến đã ngã ngũ. Chế độ tự do đã thua trên chiến tranh. Nhưng người thắng đã ngã ngựa trên các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng, sản xuất, quản lý, hành chánh... nhất là trong lòng dân. Số người Việt chạy ra nước ngoài hiện nay khiến cho ta có nhiều suy nghĩ: Tại sao trong chiến tranh ác liệt mà người dân không đi? Đến khi đất nước hòa bình, thống nhất thì ta lại bỏ đi..? Điều ấy người Cộng Sản Việt Nam nên suy lại chủ nghĩa của mình đang theo, hoặc đã thực hiện trên một hướng sai lầm. Trung Quốc cứ mãi chèn ép Việt Nam thì Chủ nghĩa Đại đồng, không biên giới quốc gia của lý thuyết Cộng sản chỉ là một chủ nghĩa "Không tưởng" mà thôi!
Ta nên trở về với Chủ nghĩa Quốc gia, với dân tộc là tốt nhất: Một Ông Vua đại diện cho dân tộc; Một Chính phủ lập hiến với hai thành phần chính trị đối lập.
Ta còn bám theo thằng chồng "vũ phu" thì nó hãy còn ăn hiếp ta mãi, ta không cần nó nữa thì đến lúc nó lại cần đến ta, và không chừng nó lại o bế, chìu chuộng ta cũng "không chừng"!
Các em hãy suy nghĩ thử xem sao?



Nguyên Thảo,
22-7-02.

Friday, June 10, 2011

*Đạo Phật 17: Vấn Đề "Vô Ngã" trong Đạo Phật.

"Vô Ngã" là vấn đề tương đối hơi khó và khiến cho nhiều người nghiên cứu về Đạo Phật phải tốn nhiều công sức để truy cứu, tìm hiểu. Nhưng Vô Ngã lại là vấn đề quan trọng trong giáo lý của Đạo Phật. Tại sao Đạo Phật lại chủ trương "Vô Ngã"?
Nếu nói Đức Phật chủ trương "Vô ngã" thì quả thật tội nghiệp cho Đức Phật không biết là ngần nào! Đã nhiều lần trong các Kinh điển Đức Phật thường nhắc đến "các Đức Phật trong ba đời cũng đều hộ trì như vậy". Đức Phật nói điều đó là muốn cho chúng sinh biết rằng con đường tiến đến quả vị Phật là con đường tự nhiên và tất yếu phải đi qua những giai đoạn như thế. Con đường tu và giác ngộ nó không khác trên căn bản, nhưng tùy theo tâm tính, cơ thể "bẩm sinh" mà mỗi con người thực hành một cách có khác, cho nên mỗi con người, mỗi chúng sinh gần như có mỗi một pháp môn khác nhau.
Chúng ta cũng cần lưu ý rằng Đức Phật chỉ tự xưng là "Đạo sư" mà không là Giáo chủ, cũng không bắt người khác phải theo ta, ngay cả giáo hội cũng không có một điều lệ, lời răn nào để o ép một ai. Tất cả tin và theo chỉ là "tự nguyện". Tại sao như vậy? Đức Phật đã từng là một con người như bao nhiêu người khác. Ngài có nhiều tư lự, suy nghĩ về cuộc sống trần thế với sanh, lão, bệnh, tử; và Ngài đã từ bỏ ngôi vị giàu sang phú quý, vợ đẹp con thơ để đi tìm đạo. Ngài cũng đã không thỏa mãn với những gì mà Ngài học được từ những vị danh sư; Ngài cũng thực hành pháp khổ hạnh. Nhưng cuối cùng do quyết tâm của chính mình, Ngài đã ngộ được đạo dưới cội Bồ đề. Và từ đó, Ngài nói về những chân lý, phương pháp mà Ngài đã cảm nhận được để hướng dẫn cho con người làm theo cách đúng hầu tìm đến được sự Giác ngộ, tìm về với Chơn tâm của chính mình; cho nên Ngài chỉ là một Đạo sư, người chỉ đường cho người khác chứ không là một giáo chủ đầy quyền uy và ban phép cho người khác. Còn cái "Chân lý" mà Ngài truyền đạt qua "cái biết" của tri thức, "cái thấy" của Phật nhãn sau khi thành đạo Ngài gọi đó là chân lý của giác ngộ. Đạo của Ngài truyền bá cho chúng sinh, con người là Đạo Giác Ngộ (Phật).
Nếu thông thường chúng ta cứ gọi là Đạo Phật thì chúng ta không thể nhận thức được trọn vẹn cái ý nghĩa của đạo; mà khi chúng ta gọi là Đạo Giác Ngộ để thay thế chữ Phật thì chúng ta mới thấy được cái ý trọn vẹn: Vì với Giác ngộ ta mới thấy là ta không bị mê muội tin theo một tín điều; với giác ngộ ta mới thấy cái sáng suốt của lý trí chúng ta khi chúng ta đến với giáo lý đạo Phật; và ta tin theo cũng từ trong nhận thức của lý trí. Cho nên, những ai tin theo giáo lý đạo Phật một cách thiếu nhận thức của lý trí thì hãy còn thiếu sót khá nhiều. Đó là tính chất rất khoa học trong đạo Phật hay nói một cách khác "Giáo lý đạo Phật không làm cho tín đồ phải mê muội tin theo, hoặc làm cho tín đồ phải mù quáng mà đâm ra cuồng tín hoặc tin mà thiếu nhận thức".
Trong "Phật học từ điển" của Đoàn Trung Còn đã ghi:
Phật: Bouddha (scr).-L' Illuminé (fr.) Cũng đọc: Bụt. Đọc trọn: Phật đà (Bouddha). Phật là tiếng Phạn, dịch nghĩa: Giác giả (Người Sáng-suốt). Ấy là tiếng để xưng bực Viên giác (Giác ngộ hoàn toàn). Phật, Phật đà, tức là người đã tự giác, lại giác ngộ cho chúng sanh, và hai cái hạnh tự giác và giác tha ấy ngài đã làm trọn vẹn rồi. (Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn).
Con đường mà Đức Phật Thích Ca đã chỉ trong Đạo Phật không phải là con đường tin để được giải thoát mà là con đường thực hành để đến được "bờ giác", đến sự giác ngộ. Sau khoảng hơn 45 năm hành đạo và tùy theo căn cơ của từng chúng sinh hay từng nhóm mà Ngài đã thuyết khác nhau. Vì thế mà có nhiều bộ Kinh được ra đời, nhưng chung quy lại:
"Vì trình độ của chúng sanh có sai khác, nên có các quả thánh hiền sai khác, chứ không phải Phật pháp có sai khác." (Kinh Kim Cang).
Mặc dù vậy, Đức Phật cũng nhắc nhỡ rằng:
"Ta cũng như người dùng ngón tay chỉ mặt trăng, các ngươi phải nhơn ngón tay mà xem mặt trăng. Nếu chấp ngón tay cho là mặt trăng, thì chẳng những không thấy được mặt trăng, mà cũng không biết luôn ngón tay" (Kinh Lăng Nghiêm).
Những kinh điển, giáo lý mà Ngài rao giảng hoặc đã nói ra chẳng qua là phương tiện để chỉ đường, hướng dẫn cho chúng sinh theo đó mà tu hành để đạt đến giải thoát, chứ không phải để nghiên cứu. Nhưng thông thường vì kinh điển của Ngài nói quá cao xa, do đó mà chúng sinh đã phải nghiên cứu thật nhiều hầu hiểu rõ hơn để tìm được con đường tu tập cho đúng. Vô hình chung là chúng ta mãi mê nghiên cứu ngón tay hơn là mục đích chính: Nhìn để thấy được mặt trăng. Và cũng do nơi nghiên cứu và phương pháp tu có sai biệt từ hoàn cảnh, môi trường, thời tiết, khí hậu... mà người ta đã phân biệt tiểu thừa, đại thừa; thiền với tịnh; phương pháp của ta hay, của người thì dở... Người ta đã quên rằng Đức Phật từng vạch rõ: Chính từ cái "ngã" và với "cái tâm phân biệt" ấy mà chúng sinh đã rời cõi Chân như để đi vào cõi luân hồi; bây giờ người ta lại hãy còn vẩn vơ về hai chữ "Vô minh".
Cõi Chơn như là một tên gọi khác của Niết bàn, hay còn gọi là Không Như Lai Tạng, Đại Viên Cảnh Trí, Yêm Ma La Thức, Bồ Đề, Pháp Tánh... Nhưng đó chỉ là những danh xưng cùng chỉ về một cảnh giới của người giác ngộ đã đạt được tùy theo khía cạnh của từng đối tượng tu tập, hoặc nghiên cứu.
Nói như vậy, tức là Đức Phật không chủ trương "Vô ngã" mà chính trong tự thể của từng chúng sinh nó đã là vô ngã. Mà chỉ với Vô ngã, chúng sinh mới có thể nhập vào trong cùng một cảnh giới "Chỉ một không hai" (Bất Nhị) tức là Niết Bàn hay bằng những danh từ khác như trên. Nơi đó không còn có "Tâm Phân Biệt" và "Vọng Niệm ".
Đức Phật, trong Kinh Lăng Nghiêm, có thuyết:
"Từ nơi Chơn Tâm, vì hư vọng hiện ra các cảm giác thấy, nghe, hay, biết. Do hòa hiệp vọng sanh ra, rồi cũng do hòa hiệp vọng diệt đi",
và trong Kinh Viên giác Ngài nói rõ hơn:
"Nầy Thiện nam, tất cả chúng sanh từ hồi nào đến giờ, bị nhiều món điên đảo làm mê mờ tính "Viên giác", như người lạc đường, lầm lộn bốn phương. Điên đảo vọng hiện ra thân và tâm, rồi lầm nhận thân tứ đại giả hợp nầy làm thân mình, chấp cái vọng niệm sanh diệt duyên theo bóng dáng của sáu trần cho là thật tâm của mình" (Phật học phổ thông- khóa VIII- trang 16).
Chính vì vọng niệm, phân biệt mà chúng sinh đã rời cõi Chơn Như và mượn tứ đại: Đất, Lửa, Gió, Nước tạo nên thân xác của mình. Ngoài ra, tâm còn mượn đến Kiến đại để thành hình sáu giác quan: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý cùng các thức; và nó cũng mượn đến hư không để thân xác được tăng trưởng và lớn lên.
Theo như vậy, chúng ta thấy rằng trong thân xác con người hay của chúng sinh chỉ là những vay mượn từ tứ đại cho đến thức đại cùng hư không; thì thân xác ấy chẳng phải là thân thật của mỗi loài, vì khi chết đi thân tứ đại lại hoàn trả về cho tứ đại; giác quan, các thức lại trả về cho kiến đại, hư không lại trả về cho hư không. Thế thì sao được gọi là "Thường"? Cho nên cái thân xác ấy là Vô Thường; cái "Ngã" của chúng sinh cũng chẳng là cái "Thật Ngã" của chúng sinh. Thế cho nên cái "Ngã" ấy chỉ là cái "Giả Tạm" mà thôi!
Trong thế gian, người Duy vật thì cho rằng con người được sinh ra và lớn lên chỉ một lần, chết là hết; cũng giống như những người chủ trương đoạn diệt. Nhưng ý niệm đó không đơn giản! Vì từ xưa đến nay đều có những hiện tượng xảy ra trong đời sống, khiến người ta phải nghĩ đến vấn đề siêu hình và tái sinh: Một con người kể chuyện thời xa xưa ở một địa điểm nào đó mà họ chưa từng tới, sau khi truy tìm thì quả thật có như vậy. Điều ấy cho chúng ta suy nghĩ như thế nào? Những con người chết đi sống lại kể chuyện ở cõi khác, hoặc những hiện tượng kỳ lạ, ta phải suy nghĩ ra sao? Ngày nay những câu chuyện tương tự như thế được sưu tập lại khá nhiều từ Đông sang Tây và được in thành sách hay đăng tãi trong những tạp chí về khoa học huyền bí, như vậy, giữa những kiếp người nó phải có một sự liên kết nào đó; mà trong đạo Phật gọi cái chủ thể ấy là "Tâm", cái tâm của chúng sinh. Cái Tâm ấy vì "Vô minh" do nơi có "vọng niệm" và "phân biệt" mà rời cõi Chơn Tâm, rồi trầm luân vào cõi Luân hồi. Rồi với nghiệp báo khi còn sống trong những kiếp trước đã tạo nên, chúng sinh lại càng chìm sâu vào luân hồi và biển khổ mênh mông: Các nghiệp báo ấy "nhận chìm" chúng sinh vào trong bể khổ.
Cái "ngã" về thân xác đã chỉ là giả tạm. Cái ngã "Tâm" lại là "vọng tâm", cái vọng tâm ấy cần lau chùi, gột rửa để tìm về "chơn tâm" trong sáng theo tự thể của nó, giống như tấm gương, hay viên ngọc bị bùn nhơ, bụi bám làm lu mờ u tối phải được lau chùi: Lau chùi để được trở lại trong sáng, sáng soi. Tấm gương, viên ngọc thì cần đến người khác lau chùi. Còn nghiệp báo của con người, chúng sinh do chúng sinh ấy tạo ra bằng từ hành động, lời nói, ý nghĩ của chính mình qua lòng tham lam, sân hận và si mê mê muội; thì chỉ có chúng sinh ấy tự gột rửa lấy mà thôi. Không một ai có thể thay thế hay làm hộ. Cho nên chúng sinh, con người cần phải tu sửa cho đúng hơn, thiện hơn và đẹp hơn. Đức Phật đã từ là một con người, một chúng sinh bình thường tìm được con đường Giác ngộ Chơn lý; và Ngài chỉ lại con đường ấy cho mọi người, chúng sinh. Ngài khẳng định trong các Kinh: Các Đức Phật trong quá khứ, hiện tại hay trong tương lai cũng phải nương vào con đường ấy mà về đến Niết bàn hay đạt đạo Vô Thượng Bồ Đề. Ngài đã đạt được thì mọi chúng sinh cũng sẽ đạt được: "Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành".
Nhưng sao phải Vô Ngã?
Đi tìm lại cái "Thật Tâm" của mình chưa đủ, chúng sinh còn phải đoạn trừ mọi sát, đạo, dâm vọng. Vì tất cả các món đó đều tạo nên nghiệp: Giết hại thì tất phải chịu bị giết trở lại, nên còn phải có kiếp sau; như vậy vẫn phải bị luân hồi sinh tử. Trộm cắp, gây ân oán, đau khổ cho người khác; lừa đảo, dối trá, gạt người thì cũng phải trả món nợ mà mình đã vay, cho nên cũng không tránh được sự luân hồi. Những đam mê về sắc dục, khiến người ta, chúng sinh lưu luyến không từ bỏ cõi dục, thì cũng không thể rời cõi dục để đạt được đạo. Cho nên, trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật đã dặn dò cùng A Nan:
“Nếu không đoạn trừ dâm dục sẽ đọa vào ma đạo; không dứt sát hại sẽ đọa vào thần đạo; không bỏ trộm cướp thì đọa vào tà đạo và không trừ vọng ngữ thì thành ma ái kiến, mặc dù chúng sinh đó có tâm trí diệu ngộ, thanh tịnh đến đâu; và như thế tất cũng không đạt được đạo Bồ Đề”.
Đó là những điều liên hệ đến cái "Ngã" thân xác. Còn đối với cái "Ngã" của "Tâm" thì sao?
Trong các Kinh Viên Giác, Kinh Kim Cang Đức Phật nói đến các tướng Nhân, Ngã, Chúng sinh và Thọ Mạng tức là nói đến cái "Tâm phân biệt" Ta, Người, Chúng sinh và cái "Tâm giới hạn" Thọ mạng tướng. Đó là những "Vọng tâm" đã khiến chúng sinh tách rời khỏi "Chơn Tâm" đi vào cõi Luân Hồi. Vì sao? Vì trong cõi Chơn Tâm mọi Tâm thức của chúng sinh đều "Viên dung" (hoàn toàn dung hợp, hòa lẫn với nhau, không loại trừ); và Chơn Tâm ấy lại Viên Dung cùng sáu đại khác là Đất, Lửa, Gió, Nước, Kiến đại và Hư Không thành một thể. Thể ấy tuy chung nhưng vẫn có cái riêng, trong mỗi cái riêng vẫn có cái chung theo đúng như câu "Tất cả là một, một là tất cả". Đức Phật đã đưa ra một ví dụ tương đối dễ hiểu là Tâm của mỗi chúng sinh trong vũ trụ vô biên giống như ánh sáng của một ngọn đèn trong căn nhà, tâm của những chúng sinh khác cũng là ánh sáng của những ngọn đèn khác cùng đặt trong cùng căn nhà đó. Tất cả ánh sáng của những ngọn đèn đều chiếu sáng khắp căn nhà, nhưng những ánh sáng từng ngọn đèn không bị lộn lạo lẫn nhau. Điều này được ghi lại trong Kinh Viên Giác như sau:
"Thí như trăm ngàn ngọn đèn, đồng đốt trong một căn nhà, ánh sáng của mỗi ngọn đèn tuy đều chiếu khắp cả nhà, nhưng không có lộn lạo hay lấn diệt lẫn nhau" (Phật Học Phổ Thông- Khóa VIII- trang 51, 52).
Cái thuở các đại còn viên dung thì Thức Tâm của mọi chúng sinh cũng viên dung trong cõi Chơn Tâm, nhưng do vì si mê, không biết lý lẽ và sự việc (Vô minh) mà tâm của từng chúng sinh sinh ra có vọng niệm, phân biệt mà tách rời nhau để rồi mượn tứ đại, kiến đại và hư không cấu thành thân xác giả tạm, vay mượn nên mới có sinh, lão, bệnh, tử và có luân hồi. Mỗi chúng sinh trở nên riêng biệt, sống theo bản năng sinh tồn từng loài mà tranh đấu, chém giết, giành giựt, lừa gạt...lẫn nhau bằng đủ mọi cách. Chính vì vậy mà tạo nên nghiệp để rồi phải chịu theo luật nhân quả trong vòng luân hồi triền miên.
Muốn thoát ra, chúng sinh phải tự mình phấn đấu với mọi dục vọng, tham ái; phải dứt bỏ những nhân xấu, phát triển nhân thiện bằng thực hiện con đường Đạo đế hay áp dụng những con đường trong 37 phẩm trợ đạo, tức là những phương cách giúp đỡ người tu thực hiện để đạt được đạo như: Tứ niệm xứ- Tứ chánh cần- Tứ như ý túc- Ngũ căn- Ngũ lực- Thất bồ đề phần- Bát chánh đạo để tạo cho mình được sự dũng mãnh, tinh tấn, cương quyết thoát khỏi vòng trầm luân, khổ ải hoàn tất được con đường giải thoát, đạt đến Niết Bàn (Diệt đế).
Theo như vậy, chúng ta cũng có thể hiểu rằng vì cái "Ngã" khởi đầu mà "Vọng niệm" và "Tâm phân biệt" khởi sinh, cho nên muốn trở về với lúc ban đầu ta cần phải từ bỏ Tâm phân biệt và vọng niệm, tức là chúng ta không thể thấy cái Ta của mình hơn Người mà thấy cái Ta cũng như Người. Ta, Người cũng như mọi Chúng sinh và Ta, Người, Chúng sinh mãi mãi hòa hợp, viên dung chứ không phải trong một khoảng thời gian ngắn hay thật dài, hoặc trong một thời gian giới hạn nào đó tức là Thọ mạng tướng vậy.
Trong Kinh Viên Giác, Đức Phật đã nói về bốn tướng Ngã, Nhân, Chúng sinh và Thọ mạng như sau:
-“Nầy Thiện nam! Các chúng sanh đời sau, bởi không rời được bốn tướng, nên tuy trải qua nhiều kiếp, siêng năng tu hành khổ hạnh, nhưng chỉ thành hữu vi mà thôi, chớ không thể chứng được Thánh quả" (Phật Học Phổ Thông- Khóa VIII- trang167).
Thấy "Cái Ta" (Ngã) hòa hợp chung với Người (Nhân) và Chúng sinh (Chúng sinh) mãi mãi, vô cùng tận (Thọ mạng tướng) tức là đã dứt bỏ đi cái Ngã hay nói đúng hơn là "Vô Ngã". Diệt cái Ngã cá nhân để biến cái Ngã ấy viên dung cùng tất cả mọi cái Ngã của chúng sinh và chung với các đại khác: Đó là một điều cần phải có trong Đạo Phật để người tu hành đạt được đạo Vô Thượng Bồ Đề.
Trong Kinh Kim Cang (Phật Học Phổ Thông- khóa XII), Đức Phật đã thuyết như sau:
-"Phải xa lìa tất cả các chấp tướng, mới gọi là chư Phật". (Trang 109).
-"Phật dạy: "Tu Bồ Đề! Nếu có người phát tâm Bồ Đề, thì phải dụng tâm như vầy: Ta hóa độ tất cả chúng sanh, nhưng không thấy có mình độ và chúng sanh được độ. Tại sao vậy? Nếu Bồ Tát còn thấy mình độ và chúng sanh được độ, thì Bồ Tát còn tướng ngã, tướng nhơn, tướng chúng sanh và tướng thọ giả, tức nhiên không phải là Bồ Tát". (Trang 134-135). Và:
-"Phật dạy: "Tu Bồ Đề! Ông chớ lầm tưởng: Như Lai nghĩ rằng: "Ta độ chúng sanh". Tại sao vậy? Nếu Như Lai có nghĩ: "Ta độ chúng sanh", thì Như Lai còn chấp bốn tướng Ngã, Nhơn, Chúng sanh và Thọ giả, tức nhiên không phải Như Lai. Bởi thế nên, Như Lai thật không có độ chúng sanh nào cả". (Trang 168).
Nói tóm lại, sau khi thành Phật hay đúng hơn trở thành Bậc Giác Ngộ, Đức Phật mới nói lại những Chân Lý đã có không biết tự bao giờ và chỉ dẫn con đường để trở thành người giác ngộ mà Ngài cũng như vô số Phật đã thành đạo trong thời quá khứ, hiện tại đang thành cũng như những vị Phật trong tương lai sẽ thành phải trải qua. Con đường đó không khác nhưng tùy theo mỗi con người, chúng sinh vì trình độ có sai khác nên họ sử dụng phương pháp có khác nhau, nhưng chung qui cũng đi đến mục đích giải thoát. Sự ra đời của Đức Phật có hai mục đích chính: Một là chỉ rõ cho chúng sinh để chúng sinh được: Khai (mở ra, biết)- Thị (thấy)- Ngộ (gặp, hiểu biết, nhận thức)- Nhập (thấm vào, hiểu và thực hành) Phật Tri Kiến (những điều mà Bậc giác Ngộ thấy, biết) như mục đích rõ ràng khi Phật thuyết về Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Hai là hướng dẫn con đường, lối tu (Đạo sư) sao cho đúng và tùy theo từng trình độ để chúng sinh có thể thực hành con đường giải thoát đi đến kết quả và thoát được vòng sinh tử, luân hồi tìm về nơi an vui, hạnh phúc, thường hằng. Thực ra con người, chúng sinh tu hành để thành Phật chỉ là tìm con đường trở về nơi chốn cũ mà trước kia mình đã ra đi như Đức Phật đã nói "chúng sinh vốn đã thành Phật từ xưa tới giờ" hay khi thành Phật cũng như là thoát khỏi "giấc mộng ngày hôm qua". Sở dĩ như vậy vì do Vô minh mà con người, chúng sinh mới đi vào cõi mộng. Giấc mộng ấy không thật có cho nên những pháp để thoát khỏi giấc mộng mới được xem là "huyễn ảo" mà thôi.
Chúng sinh bị rơi vào vòng trầm luân, luân hồi vì do sự Vô minh, nhưng đó cũng là điều kiện để tôi luyện cho chúng sinh thành bậc giác ngộ hiểu thấu rõ sự và lý để không bao giờ bị Vô minh một lần nữa, giống như Đức Phật đã tỉ dụ: "Quặng vàng đã được tôi luyện thành vàng thì không bao giờ trở thành quặng nữa".
Cuối cùng, điều kiện "Vô ngã" là điều kiện tất có để chúng sinh có thể hòa nhập vào trong đại thể (sự viên dung của Chơn Tâm cá nhân trong Thức Tâm, cũng như thức Tâm cùng với sáu đại khác) của vũ trụ khi đã thành đạo Vô Thượng. Nếu không, "cái Ta ngã mạn" sẽ tự đào thải mình nằm ngoài vòng đai của Đại thể, đôi khi Cái Ta ngã mạn ấy biến chúng sinh thành một "nhân vật" đem nhiều tai họa đến cho không biết bao nhiêu người bởi vì sự "Tẩu hỏa nhập ma" của chính mình.
Bởi thế cho nên đi tìm Chân lý cũng thật là khó lắm thay!


Nguyên Thảo,
14-06-07.

*Một Câu Chuyện Giáo Dục.

Giáo dục là một sự kiện văn hóa quan trọng của con người. Nhờ giáo dục mà người ta truyền thụ những kiến thức hoặc kinh nghiệm từ thế hệ nầy sang thế hệ khác; đồng thời tạo một sự truyền thừa tiếp nối qua nhiều thời đại về những tư tưởng, khám phá của nhân loại. Giáo dục cũng rất quan trọng trong việc giúp cho con người tiến bộ, phát triển mọi phương diện để phục vụ lại cho đời sống con người nhằm làm cho cuộc sống được tốt và đầy đủ hơn! Sự giáo dục cũng là con đường ngắn nhất trong sự tiếp thu những kiến thức của người đi trước; và cũng là để truyền thụ lại cho người tới sau. Trường học, sách vở là phương tiện tích tụ hay tập trung để truyền thụ.
Người xưa đã có cho rằng: “Làm thầy thuốc mà sai lầm chỉ hại có một mạng người. Làm chính trị sai lầm chỉ hại cho một nước. Làm giáo dục mà sai lầm thì hại cho cả muôn đời”. Quả đúng như vậy! Một thầy thuốc chỉ trị bệnh cho từng người, nếu cho thuốc sai lầm thì chỉ có bệnh nhân đó chết hay tình trạng trở nên trầm trọng mà thôi. Nhưng nhà lãnh đạo hay một tập đoàn lãnh đạo mà sai lầm thì kéo theo cả một nước, một dân tộc bị chìm đắm vào nghèo đói, khổ ải với tất cả những tệ nạn xảy ra vì người dân cần đến sự sống thì họ sẽ không từ nan bất cứ một phương tiện hay phương sách nào đó để bảo toàn sự sống của mình và gia đình trong đó kể cả thái độ giành giựt, cướp bóc, chém giết, hoặc bán những gì mình có kể cả thân mình. Nhưng đối với giáo dục mà chỉ đạo sai lầm thì không những thế hệ nầy ngu dốt, sai lầm; rồi thế hệ đó đem sự ngu dốt sai lầm của mình để lãnh đạo, hay truyền thụ lại cho người, thế hệ khác và cứ tiếp nối như thế thì sự tai hại không biết đến như thế nào trong tương lai. Thật sự tai hại thật vô ngần!
Sự giáo dục nhằm giúp con người mở mang kiến thức, được khôn ngoan ra, tiếp thu những tri thức tiến bộ và kịp thời của con người để trang bị cho sự hiểu biết của người học; đồng thời để người học đem những kiến thức đó cống hiến lại cho đất nước, xã hội. Cho nên nền giáo dục chính đáng tất sẽ đạt được những thành quả rất cao, và có thể người ta đan xen vào sự giáo dục một nền đạo đức; lẫn giáo dục những cách sống khỏe, văn hóa, văn minh; hay để giáo dục những ý thức một trật tự xã hội thì cuộc đời trên thế gian nầy được tốt hơn nhiều. Nhưng thông thường người ta lại hay theo ý hướng chính trị để phục vụ cho thể chế của mình, cho nên nền giáo dục thường hay bị khiếm khuyết. Có những chế độ chỉ lấy giáo dục để giáo dục, huấn luyện con người thành công cụ phục vụ cho chế độ, cho nền chính trị; cho nên sự giáo dục ấy làm cho người dân bị gò bó hay chỉ đi theo một hướng duy nhất giống như con ngựa bị che hai bên mắt để chỉ thấy một hướng duy nhất trên đường mà đi. Chính vì thế mà con người phát triển cũng bất bình thường và nền văn học không có gì là khác lạ để phản ánh đúng những hoàn cảnh, tâm tư của con người trong một cộng đồng chung của nhân loại. Chính do vậy mà những nền văn học hay văn chương ấy không thể vươn lên được trong một môi trường của thế giới. Nền giáo dục chỉ chú trọng về phương diện này và thiếu chú ý về phương diện khác cũng khiến cho sự giáo dục của con người hay công dân trong một đất nước cũng trở nên không toàn diện và thiếu sót. Sự giáo dục thích đáng đem về sự ích lợi vô ngần cho chính người đó, cho gia đình và dân tộc đất nước nữa. Điều ấy không ngoa chút nào cả, vì nền giáo dục có giá trị, chất lượng đào tạo khả năng của người tiếp thụ được nâng cao; năng lực họ có họ sẽ hoàn thành nhiệm vụ trong công việc của mình một cách xuất sắc, có kết quả. Nếu ai cũng có năng lực chu toàn nhiệm vụ của mình thì không thể nói đất nước đó “chậm tiến” được; chỉ trừ khi nền giáo dục không được chú trọng, chứng chỉ năng lực, đỗ đạt được cung ứng “bung thùa, không căn cứ trên tài năng, thực chất”, những chuyên viên toàn là những chuyên viên “dỏm” chỉ có phá hoại mà thôi! Đất nước sớm muộn gì cũng tiêu tan, trở thành nô lệ cho nước khác.
Một nền giáo dục toàn diện và có chất lượng đem lại lợi ích cho đất nước được cung ứng ngay từ trong trường học khi mà học sinh còn rất nhỏ. Những việc làm, những hành động nhỏ nhặt có thể nâng cao phẩm giá con người hay đem đến sự cao quý của dân tộc luôn được chú trọng nhằm giúp cho học sinh có thói quen làm, như là một phản xạ học tập có điều kiện như chào hỏi, nhường người già, lớn tuổi, xả rác cho đúng chỗ, giữ vệ sinh nơi công cộng chẳng hạn... Từ nhỏ đã có những việc làm tốt thì lớn lên cũng có thói quen tốt, thói quen ấy sẽ làm kinh ngạc người nước ngoài, tất nhiên giá trị của một dân tộc sẽ được nâng cao; chứ không cần ta phải tuyên truyền hay tuyên xưng dân tộc ta thế nầy hay thế nọ. Nền giáo dục ưu đãi cho thành phần nầy hay thành phần nọ chỉ đem đến sự ngạo mạn, khinh lờn mà người làm công tác giáo dục khó hoàn thành tốt công tác của mình; nó kéo theo sự đình trệ, xuống dốc chất lượng của người đi học và nền giáo dục trở thành nền giáo dục “nâng đỡ” hay “mua bằng” sau nầy! Một quốc gia sẽ “tan hoang” vì chất lượng đào tạo của một nền giáo dục “vô trách nhiệm”.
Nhà viết sử với một quan điểm chính trị sẽ không là nhà viết sử chính xác. nền giáo dục mang quan điểm chính trị chỉ có giá trị ở ngay trong chế độ đó mà thôi. Nó không cung ứng và thích hợp trong chế độ khác. Nó sẽ bị tiêu tan, và khai trừ trong môi trường khác. Tại sao người ta không nghĩ đến một nền giáo dục vững chắc cho đất nước và dân tộc nhỉ? Ai là người có thẩm quyền và ai là người có lòng, có tư tưởng đồng hành với sự trường tồn của dân tộc, đất nước đây? Những người ấy còn chờ đến bao giờ? Hay là đợi đến ngày đất nước trở thành phần đất của ngoại bang và dân tộc bị nô lệ thì mới làm đấy chăng? Tội nghiệp cho tổ tiên biết đến bao giờ mới nguôi!

Đồ Ngông,
01/01/2011.

*Thơ Đó, Thơ Đây! (tt)

*Vào Chợ Lào Cai.

Lang thang trong buổi chợ đông
Để nhìn thiên hạ mua đồ vượt biên
Nhìn qua nhìn lại thấy nhiều
Có đàn “Cốc lếu” đang kêu vang trời!

Đồ Ngông,
04/08/10.



*Di Tích Một Thời. (Lào Cai)

Có phải nơi này là cái nôi
Phát sinh văn hóa của một thời
Xa xưa dân Việt từng gây dựng
Phát triển cho mình một cái nôi!

Đồ Ngông,
04/08/10.



*Sông Hồng. (Lào Cai)

Dòng sông nước đỏ chảy xuôi
Đi qua biên giới không nguôi lời thề
Giữ gìn non nước sông quê
Giặc tan máu đỏ ngày về không nơi
Ta ca ta hát ru hời
Đánh tiêu giặc cướp, vang lời tự do.

Đồ Ngông,
08/08/10.



*Trở Về.

Tối đi rồi lại tối về
Sáng nơi vùng núi, sáng về nội đô
Tàu từ vào đến sân ga
Ta nghe ta đã còn vang núi rừng!

Đồ Ngông,
08/08/10.