Wednesday, October 12, 2011

* Đạo Phật 26: Bàn Về Đức Tin Trong Đạo Phật.

Tặng: Mục sư Huệ Nhật
(Một cựu Tu sĩ Phật giáo thiếu Niềm tin)

Nói đến Đức Tin trong Đạo Phật thì chúng ta có thể khẳng định rằng: Đạo Phật là tôn giáo rất thoải mái trong Đức tin, bởi vì Đạo Phật từ xưa cho đến nay vẫn cho rằng: Người đến với Đạo Phật là tùy “Duyên”. Vì vậy, mà Đạo Phật trong quá trình phát triển của nó không có những sự o ép, hay có những ràng buộc nào về giáo lý cũng như về Tổ chức. Tuy nhiên, trong thời đại hiện tại, do từ những thế lực của “ma vương” lấn áp, cho nên Đạo Phật cũng cần có nhiều thay đổi để thích ứng với công việc truyền bá chánh pháp, và đem “duyên” đến cho mọi người để có thể lôi cuốn được người “mê lầm” trở về với con đường “giác ngộ”. Có thế, thì mới không phụ lòng Đức Phật hơn 45 năm ròng rã từ nơi này đến nơi khác để nói đến con đường tu tập, hành trì; đồng thời cũng là góp phần chuyển đổi thời “Mạt pháp” biến thành “Chánh pháp“. Đạo Phật ngày nay đã được nhiều nhà trí thức cũng như những nhà nghiên cứu trên thế gian kiểm nhận từ trong kiến thức, giáo lý có thể đáp ứng với các tiêu chuẩn về khoa học, tâm lý, thiện lành, và ngay cả trong đời sống con người. Giáo lý ấy không hoang tưởng, không làm cho con người trở thành mê muội để tin theo. Sự xiển dương, truyền bá rộng rãi đến cho từng chúng sinh ấy là một sự cần thiết nhằm giúp mỗi chúng sinh tự trang bị kiến thức và “tự đốt cho mình ngọn đuốc” để mình cùng đi với nhiều chúng sinh khác!
Do vì thiếu lòng tin hay do những sự cám dỗ về vật chất mà nhiều người đã “ngã ngựa” trước những cám dỗ của thế lực ma vương để rồi phải làm tôi tớ ma, mà quay lại trong vòng luân hồi không biết đến bao giờ mới có dịp thoát ra được. Chư Phật trong ba đời cũng chỉ nương theo con đường duy nhất ấy để thành Phật thì trong thế gian này chẳng có con đường thứ hai. Nhất là con đường thứ hai được tuyên xưng bằng cái “ngã” ngã mạn của người sáng lập ra đạo giáo đó. Chúng ta có thể nghiên cứu kỹ lại 50 món ma mà Đức Phật đã cảnh giác những người tu trong Kinh Lăng Nghiêm khi dụng tâm để phá trừ các ấm (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) thì chúng ta sẽ rõ.
Nếu đã có con đường khác để thành Đạo thì Đức Phật đã đề cập đến trong nhiều Kinh điển rồi; chứ không phải nhọc công dẫn giải và cảnh giác người tu bằng 50 món ma. Do đó, để giảng rõ hơn Đức Phật còn đề cập rất nhiều đến tính chất “Vô Ngã” cũng như tai hại của Sát, Dạo, Dâm Vọng và nhất là Tâm phân biệt trong Sự phân biệt: Ngã, Nhân, Chúng sinh và Thọ giả tướng. Theo như chúng ta đã biết Đức Phật thuyết rằng: Chúng sinh rời cõi Chân Tâm cũng chỉ vì do “Vô Minh”. Vô Minh là gì? Trong Kinh Lăng Nghiêm Đức Phật cho biết rõ hơn là do sự si mê, không biết mà chúng sinh đã “có vọng tưởng” và “tâm phân biệt”. Chính hai điều đó đã khiến chúng sinh lăn lộn trong cõi luân hồi, đau khổ bằng thân xác vay mượn, giả tạm của mình. Muốn vượt thoát chúng sinh phải tu hành, hoàn thiện lấy mình để giải những nghiệp mà mình đã gieo từ nhiều đời, nhiều kiếp; và từ bỏ từng bước về vọng tưởng, tâm phân biệt ấy để trở lại thuở ban đầu được viên dung cùng với những chúng sinh khác trong cõi Pháp Giới chỉ có Phật không thôi (Bất Nhị).
Vì vậy, những tôn giáo nào chủ trương chém giết thì còn gây nhân quả tất không thể thoát khỏi cảnh Luân hồi; cũng như phân biệt Ta, Người, Chúng sinh, Thọ mạng tướng tất không thể hòa chung trong một thế giới; cho nên nó không phải là Cứu Cánh của Đạo và không thể nói đến Chân, Thiện, Mỹ được. Nếu có người cho rằng: Được! Chẳng qua là gượng gạo và ngụy biện đó thôi, chứ về Chân lý nó đã chẳng là Chân lý rồi!
Mọi tôn giáo đều hướng con người, chúng sinh về những cảnh giới sau khi chết. Điều ấy khiến người theo hay nghiên cứu phải tưởng tượng và “nghi vấn” về những cảnh giới đó. Có tôn giáo đặt nặng về vấn đề Thần quyền nhưng vị thần không thể đáp ứng được những yếu tố đáng tin cậy từ suy luận lẫn khoa học, tính thiện lành cho nên nó chỉ là một hình ảnh do người tưởng tượng tạo ra để mà tin tưởng, cầu nguyện, an ủi cho cuộc sống đầy đau khổ trong thế gian này. Trong thời gian khi xưa khi khoa học, kỹ thuật chưa tạo được những phương tiện lên không gian để tìm hiểu, thì người ta tưởng tượng các vị thần sống và bay trên những tầng mây với hình dáng đẹp hay đầy quyền năng, có khi xem như hồn và xác của vài người nào đó được hồn xác lên trời. Nhưng khi có các phương tiện như khinh khí cầu, máy bay, phi thuyền… Bao nhiêu năm các phương tiện ấy bay hàng ngày, đầy trời ấy chẳng thấy hồn xác nào trên bầu trời cả, thì người ta quanh co, ngụy biện cách lý giải khác để lừa đảo người khác lẫn tín đồ.
Đạo Phật không đi vào đường hướng hoang tưởng đó! Đức Phật đi từ thực tiễn đời sống của con người từ những căn nguyên gây nên tội lỗi, hay những hành động nào thiện lành để dẫn chứng theo lý “nhân quả”, và tùy theo “duyên sinh” mà diễn tiến hàng loạt sự kiện tiếp theo (trùng trùng duyên khởi). Đức Phật chỉ rõ những Chân Lý chắc thật, mấu chốt trong cuộc sống cũng là những Chân lý cho lý giải của mình làm nền tảng cho giáo lý mà Ngài truyền giảng. Cuộc sống của chúng sinh vốn là khổ; Ngài phân giải nguyên nhân của khổ rồi đề cập đến con đường diệt khổ và thoát khổ để đạt đến được cái gì và sự an vui hạnh phúc đó như thế nào.
Sự tuyệt vời của Đạo Phật là giải thích được mọi khía cạnh của cuộc sống con người bằng những sự giải thích mà chúng ta có thể hiểu, tiếp cận được qua những hiện tượng, sự kiện trong thực tế, hay qua môn Tâm lý học Phật giáo (hay được gọi là Duy Thức Học). Qua đó, nhiều nhà Tâm lý, Phân Tâm, Đạo đức học cũng không thể ngờ trong Đạo Phật đã chứa đựng những lĩnh vực phân tích mà họ nghiên cứu ấy từ hàng nghìn năm về trước; cũng như những nhà khoa học ngày nay phải tán dương Đạo Phật vì tính chất thích hợp với những khám phá khoa học mà họ đã khám phá ra được. Xa hơn nữa, Đức Phật đề cập đến những siêu hình, những thế giới khác mà hiện nay các nhà khoa học chưa có thể đạt đến (mặc dù người ngoài không gian được đánh dấu như là một thực tế có thể có). Nếu Đức Phật đã đề cập đến những thế giới khác trong vũ trụ bao la (pháp giới vô biên tế, vô số tam thiên đại thiên thế giới) với những hình dạng, màu sắc khác nhau thì ngày nay khoa học thấy trong vũ trụ có nhiều thiên hà, có những thiên hà có hình dáng, ánh sáng khác nhau. Trong mỗi thiên hà là vô số Thái dương hệ lập thành. Điều đó đánh đổ thuyết thần quyền sáng tạo không thích hợp với những khám phá của khoa học! Và càng ngày sự khám phá của khoa học càng cũng cố thêm những tri thức từ trong Kinh điển và khiến cho nhiều người càng tín nhiệm hơn về giáo lý của Đạo Phật, nhất là đối với những nhà khoa học trên thế giới!
Đức Phật và Phật giáo không hề dụ dỗ, o ép, hoặc dùng quyền lực đối với một ai để buộc người đó phải theo, hoặc làm tín đồ; mà Đức Phật cũng như Đạo Phật chỉ thuyết giảng để người, chúng sinh nhận thức được mình cũng có Phật tánh, có khả năng thành Bậc Giác Ngộ. Đạo Phật giúp họ nhận chân được sự Vô Thường, Khổ của cuộc đời để đi đến con đường thoát khổ bằng ý chí, sự hành trì của chính mình trong niềm tin trí huệ, kiểm nghiệm, không cuồng tín ngông nghênh hoang tưởng như ở vài nơi nào đó. Đức Phật đã giáo huấn người dân ở Kalama cũng như hàng đệ tử trong đoạn Kinh Kalamasutta như sau:

-- "Này các Kalama, chớ có tin vì nghe truyền thuyết, chớ có tin vì theo truyền thống, chớ có tin vì nghe người ta nói, chớ có tin vì được Kinh Tạng truyền tụng, chớ có tin vì nhân lý luận, chớ có tin vì nhân suy luận, chớ có tin sau khi suy tư về những dữ kiện, điều kiện, chớ có tin theo thiên kiến, định kiến, chớ có tin vì thấy thích hợp với khả năng, chớ có tin vì vị Sa môn là bậc Ðạo Sư của mình. Nhưng này Kalama, khi nào tự mình biết rõ như sau: 'Các pháp này là bất thiện, các pháp này là có tội, các pháp này bị người có trí chỉ trích, các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận, đưa đến bất hạnh khổ đau. Thời này Kalama, hãy từ bỏ chúng' ... Nhưng này Kalama, khi nào tự mình biết như sau: 'Các pháp này là thiện. Các pháp này là không có tội. Các pháp này, được người có trí tán thán. Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận, đưa đến hạnh phúc an lạc, thời này các Kalama, hãy chứng đạt và an trú'...".

Với đoạn Kinh này chứng minh về Đức tin trong Đạo Phật cũng như sự hành trì của hành giả được nhắc nhỡ, cân nhắc chính chắn trước khi họ tự nguyện chọn con đường để đi với một tinh thần sáng suốt, trí tuệ và có nhiều so sánh cũng như kiểm chứng rồi họ mới an trú vào. Đó là điểm thù thắng, cao cả nhất mà người tin vào Đạo Phật đã có được, hơn hẳn tất cả các pháp khác đang hiện có trong thế gian này!

Nguyên Thảo,
17/08/2011.

*Đạo Phật 25: Đạo Phật Là Đạo Của Đại Chúng!

Theo như thông thường chúng ta thường nghĩ Đạo Phật như là một tôn giáo riêng tư của Đạo Phật mà thôi! Và có người lại cho rằng Đạo Phật không phải là một tôn giáo, mà chỉ là những triết lý về cuộc sống của con người. Quan niệm nào nhìn về Đạo Phật cũng chỉ đúng trên bình diện một góc cạnh mà người quan sát, nghiên cứu đã đứng nhìn. Nếu chúng ta đứng trên tổng thể thì Đạo Phật có khía cạnh tổng thể của nó.
Chúng tôi không muốn làm một cuộc “biện minh” hay để chứng minh “Đạo Phật là một tôn giáo” trong bài này, mà chúng tôi chỉ muốn trình bày một số khía cạnh mà Đạo Phật đã đem lại hay cống hiến cho cuộc đời, cho một số nền văn hóa cũng như nó đã đóng góp vào tiến trình “đi tìm” Chân, Thiện, Mỹ cho nhân loại.
Thuở xưa, khi chúng tôi còn trên ghế nhà trường có vị thầy vốn là Linh Mục đã nhận xét về một số Đạo Đông Phương như là những triết thuyết chứ không là những tôn giáo. Sau này chúng tôi mới hiểu ra vị Thầy Linh Mục ấy chỉ đứng trên bình diện của một người truyền giáo để nói về Triết Tây, đồng thời cũng là người để kiếm thêm “con chiên” cho Chúa vì thế mà cái nhìn của Thầy có một khía cạnh khác, với quá nhiều chủ quan và thiên kiến; đồng thời, cũng là để người khác hiểu Đạo của Thầy mới là Tôn giáo. Sự đánh lừa ấy cho đến một ngày chúng tôi được nghe điều răn đầu tiên trong mười điều răn: “Tin có Đức Chúa Trời và chỉ phượng thờ một mình Đức Chúa Trời mà thôi!” (Đúng ra điều răn ấy được học là “Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự”), khiến cho chúng tôi liên tưởng đến định đề Euclide trong toán học: “Qua hai điểm ta chỉ kẻ được một đường thẳng và chỉ một đường thẳng mà thôi!”. Chính vì chữ “mà thôi” ấy mà chúng tôi mới khám phá ra rằng: “Tin có Đức Chúa Trời” cũng chỉ là một “định đề” như bao nhiêu định đề khác! Trong toán học, với định đề thì chúng ta không chứng minh, mà chỉ có chấp nhận hay không; nếu chấp nhận “định đề” thì chúng ta có hệ thống toán học ấy, và nếu không chấp nhận thì chúng ta sẽ không có hệ thống toán học đó. Chính thế mà chúng ta mới có các hệ thống toán học “non-Euclide” khác như hệ thống toán học của Riemann hoặc Lobachevsky… chẳng hạn. Cho nên từ đó chúng tôi có cái nhìn khoa học hơn về hệ thống tôn giáo của Thầy tôi.
Theo thời gian của tuổi đời và nhất là sau cơn bạo bệnh, chúng tôi đã có “duyên” tìm đến Đạo Phật; và từng bước “cơ hội” lại được tìm hiểu vào kinh điển.
Đạo Phật, nếu chúng ta nói là cho riêng những người Phật tử hay những ai theo đạo Phật thì không hẳn đúng như vậy. Đức Phật khi ngộ được chân lý, qua cái nhìn của trí tuệ đã không phân biệt con người với những chúng sinh khác; con người cũng chẳng có giai cấp sang hèn, hay chủng loại. Tất cả chúng sinh trong sáu đường, ba cõi đều như nhau: Đều cùng có Phật tánh cũng như đều có khả năng giác ngộ; chỉ khác chăng là do nghiệp của chính mình tạo tác ra mà lãnh quả khác nhau trong thời gian ngắn hay dài để trả nghiệp! Nhưng cuối cùng, nếu ai cũng biết “tự mình đi” trên con đường “đạo” để giải thoát ra khỏi sinh tử, đau khổ thì sẽ được thoát khỏi cảnh luân hồi không sai khác! Điều đó mà Thường Bất Khinh Bồ Tát đã tán dương trong Kinh Pháp Hoa: “Tôi chẳng dám khinh quí ngài, quí ngài đều sẽ làm Phật”. Con đường đạo ấy đã được chính Đức Phật trải nghiệm qua và chỉ lại, và cũng chính con đường đó mà các Đức Phật trong ba đời: Quá khứ, Hiện tại, Vị lai phải trải qua để trở thành Bậc Giác Ngộ. Xem như vậy, con đường giác ngộ không phải để dành riêng cho phật tử hay những vị Bồ Tát, Phật mà cho tất cả mọi chúng sinh trong ba cõi, sáu nẽo Luân hồi. Nhưng do căn cơ của mỗi chúng sinh khác nhau vì thế đến với Đạo Phật cũng còn có nhiều khó khăn và nhận thức không được đồng đều. Do vậy, trong Đạo Phật có nhiều pháp môn cũng như sự hành trì có khác nhau tùy theo trình độ của người hành trì, hay những nhóm thực hiện đường lối tu, đó chỉ là những cách để “dắt dìu” và cùng nhau tìm con đường “đúng” để mà đi! Và cũng có thể nhờ đó mà người hành trì sẽ tránh được ma chướng, con đường ma (do ma giới tạo nên) nhằm khiến con người tu phải “lụy” mà không thoát khỏi được cảnh Luân hồi theo ý muốn của những loài ma ấy!
Trong thế gian, mặc dù những ai được sinh trong cõi Ta-Bà này đều đã có nhiều phước báu vì được sinh vào cõi có Phật pháp (các cõi khác không có) để có thể biết, nhận thức, tiến tu mà giải thoát. Tuy nhiên, nơi đây cũng chính là nơi có nhiều thử thách, và những ma chướng giăng đầy để người tu phải nỗ lực vượt qua các chướng ngại trước khi “đến được bờ giác ở bên kia” giống như cá lý ngư phải vượt qua được Vũ Môn mới hóa thành rồng. Nếu vật chất, phương tiện tiến bộ khoa học cung ứng cho cuộc sống con người sung sướng bao nhiêu, thì cũng chính chúng khiến cho con người đam mê trong vật chất, bạc tiền, hay tình dục (như hiện nay) thì sự tiến đến “thành đạo” không dễ dàng chút nào. Đó là chưa kể vì ham mê vật chất, giàu sang con người không từ nan đến những hành động tội ác từ “tham, sân, si” để gây nhân ác do “sát, đạo, dâm, vọng” mà nên, để họ phải quay trở lại trong vòng Luân hồi sinh tử.
Rượu bia ngon, thức ăn được chế biến trở nên khoái khẩu, phương tiện cung ứng cho cuộc sống trở nên dồi giàu, những trò chơi xa xỉ tiêu tiền tốn bạc như đua ngựa, casino, cờ bạc, các máy pokies cũng nhằm đưa con người tới chỗ ham vui, chạy theo vật chất để trở về với sự sa đọa, tội phạm… Và rồi, tự chính mình giam hãm mình “ở lại” trong nhà tù luân hồi vĩ đại, không biết đến bao giờ mới ra! Cho nên được làm thân người ở cõi Ta-Bà đã là khó; được nghe, biết, ngộ, nhập vào tri kiến Phật có lẽ cũng khó (nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn) hơn nhiều! Không những thế, loài ma và những ma chướng đã khiến cho nhiều người bị sa ngã trên đường tu, họ tưởng họ đã đạt được đạo, họ xa rời “Vô Ngã” để họ thấy chính họ là những Đấng Cao Cả (do sự Ngã Mạn) thay mặt cho một Đấng Sáng Tạo nào đó trong thiên nhiên, để rồi dẫn dắt những con người, tín đồ của họ đi vào con đường ma đạo như chính họ “đã là tôi tớ của ma”! Một cuộc chiến đấu “cuối cùng” nơi cõi Ta-Bà giữa Giác Ngộ và Ma: Vượt qua khỏi là Bậc Giác Ngộ; kẻ ngã ngựa, bị lôi cuốn sẽ trở lại với dòng sông Luân hồi trong muôn vạn nghìn ức kiếp không biết đến bao giờ thì gọi là theo Ma!
Giáo lý Đạo Phật không dành riêng cho người theo Phật, mà cho tất cả những ai có thể tri ngộ được dù là sớm hay muộn bởi vì khi Đức Phật thuyết giảng là cho tất cả mọi người đã có mặt trên thế gian. Những “Chân lý” Đức Phật vạch ra cho chúng sinh thấy rằng: Cuộc đời trong nhân thế là “Những khổ đau” tự nó đã hiện hữu trong cuộc sống; để rồi sau đó Đức Phật đi đến lý giải những nguyên nhân của khổ đau, và muốn thoát khỏi khổ đau mình sẽ phải chọn con đường hoàn thiện để thoát khỏi vòng khổ đau ấy. Những giai đoạn ấy là “cần có” và “điều kiện đủ” để thí sinh vượt qua ngưỡng cửa của kỳ thi sau cùng mà tiến đến Giác Ngộ! Đức Phật cũng chỉ rằng “không ai có thể cứu mình ra khỏi những nghiệp mình đã gieo, mà chỉ có mình tự nỗ lực cứu chính mình mà thôi!”; vì những nghiệp mình gieo đã biến thành dây oan trái vô hình trói buộc mình với những ai mà mình đã ân oán với họ, dù ân oán ấy thật là nhỏ nhoi! Con người hoàn thiện và giải nghiệp bằng sự tu tập của chính mình!
Trong sự tu tập, con người cố làm nhiều việc thiện, từ bỏ đi những việc ác; tức là mình “thi ân” việc tốt (nhân thiện) cho người khác nhưng không nghĩ đến đền bồi (bố thí ba-la-mật); nhưng những gì làm ác ngay thời điểm hiện tại hoặc những việc ác trước kia chúng vẫn là những hạt nhân đợi đến thời điểm, điều kiện thích hợp sẽ nẫy mầm và chúng sẽ lôi cuốn tâm thức người gieo đến nơi mà họ phải trả quả. Ý thức rõ được như vậy, thì đời sống con người dễ dàng hướng thiện hơn và với sự hiểu được lý nhân quả thì người ta mới tự kiềm chế lấy mình khi khởi nên ý ác. Có như thế thì một xã hội sẽ được thiện lành mà không cần phải áp dụng đến luật pháp.
Nhưng sự tiến đến với Phật pháp của từng chúng sinh không đồng nhất, có người ngộ, hiểu, có thể chấp nhận; nhưng có người chẳng hề quan tâm hay để ý. Thế cho nên Đức Phật đã thấy rằng những chân lý Ngài lĩnh hội được khá cao siêu, khiến không nhiều người có thể nhận hiểu dễ dàng nên Ngài không muốn thuyết giảng; nhưng rồi Ngài cũng phải lặn lội trên 45 năm ròng rả để truyền bá giáo pháp ấy.
Một giáo lý mãi đến ngày hôm nay, trên khía cạnh khoa học hay khía cạnh tâm lý; ở khía cạnh giải thoát, tự cứu độ của một tôn giáo hoặc trên bình diện triết học Chân, Thiện, Mỹ thì Đạo Phật luôn vẫn đáp ứng được những tính chất về Chân lý hay khoa học, tâm lý… hoàn thiện con người cho cuộc sống an vui trong một thế giới đại đồng của mọi loài chúng sinh, mà chúng ta không thể tìm thấy ở một tôn giáo nào khác để có được!

Nguyên Thảo,
2/8/2011.

*Thơ Đó, Thơ Đây! (tt)

*Cửa Bình Đại. (Tiền Giang)

Tưởng rồi cuộc đã xong
Lướng vướng nửa giờ trong
Lòng người buồn vô hạn
Cứ van cầu ước mong!

Thế rồi sự đã qua
Ơn trên thực đã là
Chuyện đời qua trời tính
Bình Đại thoát đã xa!

Đồ Ngông,
19/08/10.



*Đi Ra Biển Khơi!

Đã qua rồi nỗi lo âu
Đã qua rồi lòng buồn rầu
Tàu vươn vươn ra cồn cát
Trời lại sáng, sáng mau mau!

Thôi nhé! Giờ ta lại đi
Đi, đi trong nỗi phân kỳ
Lìa xa, xa cả hoài niệm
Cùng với nỗi sầu phân ly!

Ngước nhìn, nhìn lại phía sau
Núi xa xanh nhạt, nhạt màu
Ngẫng đầu nhìn về phía trước
Thẫm xa, với sóng bạc đầu!

Đồ Ngông,
19/08/10.



*Từ Biệt Quê Hương!

Bây giờ ta lại bỏ quê hương
Thất thểu đi trên vắng nẻo đường
Chẳng biết nơi đâu là bến đỗ
Lênh đênh thân phận, niềm thê lương!

Đồ Ngông,
19/08/10.



*Phà Rạch Miểu. (Tiền Giang)

Thôi đã hết rồi những chuyến phà
Đâu còn chi, đi lại đi qua
Ồn ào những lúc ngày xưa cũ
Cầu nối đôi bờ, phà đã xa!

Ngày ấy..., bây giờ lần sẽ quên
Không còn vội vả lẫn chân chen
Không còn tiếng gọi mời la nữa
Cầu đã Nam xong, Bắc lại liền!

Đồ Ngông,
19/08/10.

*Quan Điểm!

Nói đến quan điểm thì phải nói đến cái nhìn giới hạn ở một khía cạnh nào đó; nói đến một góc nhìn không được toàn diện và nói đến một sự què quặt của những con người dị tật. Thế nhưng, người ta lại thích quan điểm mới là chết chứ! Nhất là quan điểm của mình hay là quan điểm của phe nhóm mà mình đã đi theo. Người ta dính phải “bùa mê thuốc lú” lúc nào mà họ cũng chẳng hề hay biết! Bao nhiêu rắc rối, bao nhiêu hận thù xảy ra cũng từ góc nhìn hay khía cạnh của vấn đề quan điểm. Chúng ta hãy thử tưởng tượng ở một hội nông gia nọ, lúc khởi đầu người làm nghề nông ít, họ là những người thân thiết họp mặt để giúp đỡ lẫn nhau trong vấn đề thuốc men phân phướng lẫn kỹ thuật canh tác. Theo thời gian số người vào nghề nông khá nhiều, từ nhóm bạn bè biến thành hội nông gia để gọi là nương tựa vào nhau trong sinh hoạt cũng như quyền lợi được chánh phủ giúp đỡ và hỗ trợ. Với thời gian quá lâu, ban điều hành hội nông gia với tinh thần thiện nguyện ai cũng bận công việc của mình tíu tít nên chẳng sinh hoạt được nhiều, giống như chỉ là có hình thức để đi giao thiệp với những hội đoàn ở địa phương mà không có một sự “thực chất” nào trong sự hoạt động của nó. Với sự tăng trưởng về người vào nghề nông khá nhiều, nên nhu cầu một hội nông gia có tinh thần hoạt động tích cực được thành hình với nỗ lực của người cũ cũng như người mới. Sự hăng say hoạt động của Ban Chấp Hành mới được đánh giá là cao, họ có cả Bản tin để thông tin và văn nghệ vui chơi hàng tháng. Nhưng chỉ có mục “quan điểm” mà trở thành sự rối ren và phân hóa. Tại sao là do mục quan điểm? Mục quan điểm để nói lên tinh thần hoạt động, cũng như đường hướng theo đuổi hay ý muốn của riêng hội. Chỉ qua vài ngôn từ “hữu danh vô thực” mà đã là nguyên nhân cớ sự. Trong một bài quan điểm, người viết quan điểm như báo cho độc giả biết từ xưa hội nông gia chỉ có tiếng mà không có miếng tức là sự hoạt động không có kết quả là bao, để từ đó kêu gọi sự hợp tác của mọi người nông dân. Nhưng bài viết ấy không được hiểu đúng theo ý nghĩa đó mà nó lại được hiểu theo một chiều hướng khác. Chính vợ người cựu Chủ tịch hội nông gia lên tiếng liền theo sau bài viết ấy để gọi là phản bác, vì bà cho là bài quan điểm ấy phủ nhận công lao của chồng bà trong bao nhiêu năm; tiếp theo chồng bà “từ chức” chức danh “cố vấn” của hội. Từ đó, kéo thêm tay chân bộ hạ bất hợp tác với Hội Nông Gia hiện hữu, và yễm trợ người khác cũng như quay lưng lại với Hội Nông Gia hoàn toàn. Đó là kinh nghiệm của một lần quan điểm!
Và rồi, cũng vì quan điểm mà nhiều nơi trở thành của phe nhóm để trấn áp người khác; loại bỏ người không thuộc phe nhóm của mình ra khỏi nơi mà phe ta muốn chiếm độc quyền, nhất là về phương diện chính trị!
Tôi nhớ lại thuở xưa khi còn bé thật là bé! Cái thời con nít ấy chưa chi cũng đã lắm sự đời! Những thằng lớn không thích nhau cũng bắt đầu chia phe chửi hay là đánh lộn. Chỉ khổ cho những thằng nhỏ, cò ke lục chốt như tôi. Muốn được chơi phải theo hẳn phe của một thằng, không được đứng hàng hai. Nếu lỡ phe mình bị thua thì tôi là những thằng nhỏ tuổi lẫn nhỏ con bị làm nô lệ, trở thành tay sai, phải làm theo những gì mà phe thắng muốn đày đọa. Nó muốn đày đọa cho mình khổ chừng nào thì nó lại càng thích thú chừng nấy! Thế là những hình thức khổ sai, đánh đập, chửi mắng, hành hạ đủ điều trong tiếng cười vui của chúng nó. Tôi bắt đầu thắm thía cuộc đời từ thuở ấy!
Sau này lớn lên trong thời gian chiến tranh, tôi cũng nhìn được những kẻ thù với nhau từ trên chiến trường cho đến khi tàn cuộc chiến tranh. Những gương mặt, thân xác đều là anh em, giống nòi, nhưng trang bị để giết nhau bằng súng đạn của người bên ngoài; “Tụi bây cứ giết nhau đi; tàn phá đất nước chúng mầy đi; tao sẽ cung cấp cho chúng mầy đủ mọi thứ để tụi bây được thắng”! Thế rồi hỏa tiển, bom đạn, máy bay bắn rơi xuống ruộng đồng, trên nương rẫy, trong thành phố. Người người máu me lênh láng, thây đầy trên đường sá, tàn tật; cô nhi quả phụ khắp nơi nơi! Đã vậy mà người ta cũng đành lòng đánh giết lẫn nhau. Bao nhiêu mạng người, tài sản thay gì để làm giàu cho đất nước lại đem ra tàn phá chính đất nước của mình; đồng thời lấy làm thích thú khi mình giết được nhiều người, tàn phá được nhiều tài sản của đồng bào. Quả thật, sau bao nhiêu năm chiến tranh đất nước trở thành “một nấm đầy mồ” như Trịnh Công Sơn đã từng viết.
Hận thù trong chiến tranh; hận thù giai cấp vẫn hiện hữu trong hòa bình. Đày đọa, giết chóc để trấn áp người theo quan điểm của mình, của tổ chức, phe phái vẫn còn tiếp diễn không biết đến bao giờ mới chấm dứt. Không ngờ những chủ nghĩa ngoại lai đã trở thành là nguyên nhân một dân tộc bị tan nát, hận thù không đội trời chung đến với những người con dân cùng chung một nòi giống. Thế mà, hai bên vẫn hãnh diện cho lý tưởng của mình; chống nhau cho đến tận cùng, không màng đến một thằng to lớn đói khát đang muốn nuốt chửng hai con mồi ruột thịt cấu xé lẫn nhau, mà miệng hắn luôn nói hòa bình để che đậy, đánh lừa thiên hạ hầu thực hiện kiểu “dương đông kích tây” cho thiên hạ không để ý, lưu tâm theo dõi những hành động hắn đang làm. Thật tội nghiệp thay cho một dân tộc và đất nước!
Thế mà người cùng nòi giống cũng vẫn hãy còn “gầm gừ”, toan cắn lẫn nhau! Quên một đất nước tang thương!

Đồ Ngông,
5/10/2011.