Saturday, November 5, 2011

Thơ đó thơ đây (tt)


*Cù Lao Thới Sơn. (Tiền Giang)


Cù lao cây trái của ngày xưa

Du khách tham quan là kẹo dừa

Thưởng thức dăm ba cây trái ngọt

Lắng nghe “Tài tử” thắm duyên đưa!



Len lỏi trên ghe phả mái chèo

Xuồng đi trong lạch, khách trông theo

Hai hàng dừa nước chào đưa tiễn

Ấn tượng miền quê, quên nẻo về!



Đồ Ngông,

19/08/10.





*Chiếc Cầu. (Tiền giang)



Đã lâu, lâu đã lắm rồi!

Đứng bên nây đợi, đợi người bên kia

Không gian cách trở hai bờ

Cùng nhau cứ đợi, cứ chờ với nhau

Bây giờ liền bắt nhịp cầu

Buồn vui ta tới, cùng nhau tâm tình!



Đồ Ngông,

19/08/10.





*Muốn Về! (Tiền Giang)



Bây giờ có muốn đi về

Trúc Giang bên đó mà thăm xứ dừa

Xứ dừa ngày ấy nhiều tre

Bán đầy bãi “Bến”, mua “Tre” dập dìu

Lại thêm có những ông già

Đã mù mà lại nói về “Vân Tiên”

Lại thêm có một vùng miền

Già gân cứng cựa Ba Tri rất “chì”

Thật là già chẳng mấy khi!



Đồ Ngông,

19/08/10.

*Đạo Phật 28: Tại Sao Trong Đạo Phật Đề Cập Đến "Vô Ngã"?

Trong giáo lý Đạo Phật có những vấn đề mà chúng ta thường hay thắc mắc, và đôi khi chúng làm cho chúng ta khó hiểu như là “Vô Ngã”, “Tính Không” chẳng hạn! Do vậy, mà sự nghiên cứu của chúng ta xoay quanh những vấn đề ấy hãy còn khá nhiều!
Vấn đề “Vô Ngã” là vấn đề trọng tâm, xuyên suốt trong hành trình tu tập của người hành giả và cũng là quan điểm căn bản của Đạo Phật; và Vô ngã cũng là điều giúp cho hành giả tiến đến giác ngộ mà không bị các ma chướng dẫn dắt đi vào ma đạo. Đức Phật đề cập đến Vô Ngã không phải do nơi Đức Phật muốn chế ra; mà gần như những gì khi Đức Phật chứng ngộ được đều là những quy luật tự nhiên và muốn thoát được vòng kiềm tỏa “Luân hồi” mình cũng phải đi theo một tiến trình nhất định như vậy. Đức Phật Thích Ca cũng như các vị Phật khác trong thời quá khứ, hiện tại hay vị lai cũng phải trải qua con đường như thế để tiến đến quả vị Phật.
Khi Đức Phật nói đến Tứ Diệu Đế thì Tứ Diệu Đế đó cũng là những chân lý tự nó đã hiện hữu trong quá trình nhận chân cuộc sống và giải thoát; Thập Nhị Nhân Duyên, Nghiệp, Luân Hồi… cũng đều như thế cả. Nhưng những điều ấy chỉ có những bậc Bồ Tát, Phật nhận biết đầy đủ mà thôi! Chính vì thế mà Đức Phật Thích Ca phải lặn lội truyền giảng hơn 45 năm trời ròng rã. Điều quan trọng nhất mà Đức Phật muốn nhấn mạnh đến là “hạt nhân giống” (chủng tử) để con người, chúng sinh có thể giác ngộ được là “Phật Tánh” ở trong mỗi con người hay chúng sinh đó. Trong mỗi chúng sinh đều có Phật tánh, nếu mỗi người, mỗi chúng sinh biết cách lau chùi, gột rửa thì Phật tánh ấy được phát triển, sáng chói lên như thuở ban đầu của nó. Khi hạt ngọc Phật tánh được sáng thì lúc đó chúng sinh sẽ có được những điều hiểu, biết về con người, vũ trụ như Phật. Đức Phật Thích Ca và Đạo Phật cung ứng cho thế nhân cách lau chùi, gột rửa ấy!
Giáo pháp của Đạo Phật như nhận định của Đức Phật Thích Ca ngay từ ban đầu là một giáo pháp khó hiểu, cao sâu mà không nhiều người có thể hiểu được một cách dễ dàng. Vì rằng giáo pháp ấy nói đến những điều cao xa, khiến con người, chúng sinh chưa thể suy nghĩ tới nếu không có một trình độ hay suy tư nhất định. Đức Phật khi hành đạo đã phải dẫn giải từ dễ cho đến khó đồng thời dẫn chứng bằng những ví dụ cụ thể cũng nhằm giúp môn đồ, người nghe có thể thâm nhập vào trong giáo pháp để tiến đến hành trì mong một sự giải thoát và thoát khỏi được cảnh sinh tử, luân hồi.
Chúng tôi qua những thời gian có duyên để tìm hiểu vào Đạo Phật thì chúng tôi cũng nhận thức được một chút nào đó của vấn đề. Nay nhân cơ hội ghi lại để gọi là đóng góp vài ý kiến, để hầu chúng ta tìm được “chơn nghĩa” của Như lai đã thuyết.
Quay trở lại, khi Đức Phật thuyết: Chúng sinh vì Vô minh mà từ cõi Chơn Tâm đã nãy sinh ra có “vọng tâm” (vọng tưởng thế giới bên ngoài Chơn Tâm là đẹp, là tốt), và “Tâm phân biệt” (phân biệt ta, người, cùng các chúng sinh khác) mà rời cõi Chơn Tâm (sự bùng nỗ “khởi động” đó giống như hiện tượng Big Bang) để tâm chúng sinh mượn đến tứ đại (đất, lửa, gió, nước) làm thành thân xác; rồi lại mượn đến thức đại (thấy, nghe, hay, biết) để làm các thức; và cũng mượn đến hư không để thân xác được tăng trưởng, lớn lên. Từ đó, cái Tâm của từng chúng sinh bị giới hạn bởi thân xác, các giác quan; các thức cùng với sự tăng trưởng cũng chỉ giới hạn trong thân xác đó mà thôi! Nhưng, vì do thân xác ấy bao phủ, gói gọn viên ngọc “Tâm vọng tưởng, phân biệt” để Tâm hoàn toàn bị mất đi sự sáng chói, nhận biết Chân lý của vũ trụ mà sau này Đức Phật gọi là “Tri kiến Phật”, và viên ngọc “Tâm” ấy chính là “Phật tính” mà Đức Phật đã nhắc đến trong Kinh Pháp Hoa.
Khi chúng sinh đã có thân xác (thân giả tạm được kết hợp từ các đại tức thân này không thật của ta [vô ngã]); và khi có sự sống riêng tư thì nhu cầu nuôi thân xác để được sinh tồn, khỏe mạnh, hay nhu cầu sinh lý cũng như tâm lý đòi hỏi khiến chúng sinh phải đáp ứng, mưu cầu. Thế cho nên cuộc sống theo “bản năng sinh tồn” đã biến thế gian thành một “trường tranh đấu” chém giết, hãm hại, lường gạt, hơn thua, chiếm đoạt lẫn nhau. Cũng từ đó “cái ta và cái của ta” đã trở nên là trọng tâm cuộc sống. Cái gì đem đến sự sung sướng, ăn ngon mặc đẹp thì ta thích, có lợi thì ta giành, ta chiếm đoạt; có ít thì muốn nhiều… là đầu mối cho ba độc “tham, sân, si” phát triển. Tham mà bị cản trở, hay chiếm không được thì nỗi sân, nỗi sân quá thì trở nên si mê mà gây nên tội lỗi qua các hình thức “sát, đạo, dâm, vọng” và tạo nên nhân để sau này phải trả quả. Có sinh ra tất có biến đổi và mất đi: Vật chất có thành, trụ, hoại, không; Hiện tượng có sinh, trụ, dị, diệt; Con người, chúng sinh có sinh, lão, bệnh, tử. Tất cả đều biến đổi không thường còn [vô thường]. Chúng sinh, con người còn chịu nhiều đau khổ từ thân xác cho đến sự giành giựt trong cuộc mưu sinh, tạo thêm khổ cho cuộc đời vốn đã nhiều khổ!
Từ nơi đó: Sau khi Đức Phật thành Đạo, Ngài mới khám phá ra con đường Đạo. Do khổ thì phải làm sao cho dứt khổ qua sự phân tích của Ngài về Tứ Diệu Đế. Nhận định được như vậy, Ngài thấy chúng sinh phải “quay đầu trở lại” (Hồi đầu thị ngạn) chấm dứt “gây nhân ác”, tu hành hay sửa đổi, hoàn thiện cho mình bằng “giới luật” (ngưng hay giới hạn “sát, đạo, dâm, vọng”); cố gắng diệt hay từ bỏ “tham, sân, si”; Và để củng cố, làm mạnh mẽ cho tinh thần đó của người tu, hay những người đang trên đường sửa đổi hoàn thiện cần ý thức được rằng: “Thân này đã vốn không là của Ta (vô ngã); tâm này chỉ là “vọng tâm” chứ không là tâm thật của ta (cũng tạm gọi là vô ngã); thì không lý do gì để ta luyến tiếc trần thế mà không đi tìm thân và tâm thật của ta. Thân và Tâm thật của chúng sinh, con người ở đâu?
Để minh chứng cho điều này chúng tôi xin dẫn chứng đoạn Kinh Lăng Nghiêm sau:

“Này A-nan, bởi vô minh vọng động nên biến hiện ra có hư không, thế giới và chúng sanh. Trong thân chúng sanh vì có vọng tưởng lẫn lộn, nên nó vọng động leo chuyền bên trong (như vượn, như ngựa). Khi các giác quan mở ra, thì nó rong ruỗi theo trần cảnh bên ngoài (như vượn sút xiềng, ngựa tong chuồng). Rồi các ông chấp cái tướng vọng tưởng lăng xăng bên trong đó, cho là tâm tánh của mình. Một phen chấp nó làm tâm, thì không sao khỏi mê lầm cho rằng “tâm ở trong thân”.
Chứ đâu biết rằng: Thân này, tâm này cho đến núi sông, thế giới và hư không đều là vật trong Chơn Tâm hiện ra cả”. (Kinh Lăng Nghiêm, Phật Học Phổ Thông khóa VI-VII, HT. Thích Thiện Hoa, trang 51)

Để đi tìm thân và tâm thật của ta, Đức Phật đã nêu rõ qua 6 bước Lục độ: Bố Thí, Trì Giới, Tinh Tấn, Nhẫn Nhục, Thiền Định, Trí Huệ. Và để hỗ trợ cho tiến trình đó được dễ dàng, Đức Phật đề cập đến 37 phẩm “trợ đạo” (chỉ là “Trợ đạo”) mà người tu hay thực hành cần tinh tấn để tiến bước (Tự đốt đuốc lên để đi).
Thông thường, đôi khi người ta còn tưởng Tịnh độ là một pháp môn riêng biệt khác với Thiền, để rồi giữa các pháp môn có sự bài bác, khen chê lẫn nhau. Chúng ta cứ thử nhắm mắt lại niệm mãi câu “Nam mô A-Di-Đà-Phật” đi; niệm cho đến chỗ Vô niệm thì sẽ thấy đó chỉ là một công án thiền không hơn không kém; hay ai đó cứ thử niệm Phật trong 7 ngày mà “nhất tâm bất loạn” sẽ hiểu ngay Tịnh độ hay là một hình thức như Thiền!
Cái nguy hiểm nhất của Thiền là gì? Đức Phật không né tránh đến thế giới ma quỷ vì trong luân hồi đã có Ngạ quỷ; và ngay trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật đã đề cập đến Thiên Ma Ba Tuần và Ngũ Ấm Ma

“Các ông chưa rõ trên đường tu hành, còn gặp nhiều cảnh ma rất là nguy hiểm. Nếu các ông không biết trước, sanh tâm tà kiến thì đọa vào ác đạo, cũng như người nhận lầm giặc làm con, thì bị hại chẳng ít. Vậy các ông phải chăm chú nghe, ta sẽ chín chắn chỉ dạy cho”. (PHPT VI-VII, Kinh Lăng Nghiêm, trang 269)

“Bởi các loài ma kia thấy người tu hành, sanh tâm lo sợ cho bà con quyến thuộc của chúng sẽ tiêu diệt, nên chúng dùng đủ thần lực đến nhiễu hại người tu. Chúng nó cũng đủ năm phép thần thông biến hóa chỉ chưa được lậu tận thông…..
Ma Đăng Già là thứ ma yếu hèn, nó chỉ làm cho ông phá một giới trong tám muôn giới mà thôi, nhờ tâm ông thanh tịnh nên chẳng bị trầm luân. Còn các chúng ma này rất là nguy hiểm, nó phá tan giới thân huệ mạng làm cho ông nhiều kiếp luân hồi. Chẳng khác nào như ông quan lớn bị cách chức, gia tài sự sản bị tịch thâu, trở thành một người dân trắng, không thể cầu cứu với ai được”. (PHPT VI-VII, Kinh Lăng Nghiêm, trang 270)

Người tu trên đường tu tập thường gặp những chướng ngại có thể do từ nhân quả ở kiếp nào đó; Tuy nhiên thường thì, qua đoạn kinh trên, cho thấy rằng ma sẵn sàng lôi cuốn, quấy phá người tu để người tu không thể thành đạt và trở lại vòng luân hồi chơi với chúng hay người tu phải trở thành tôi tớ của chúng. Cho nên, loại ma quan trọng nhất mà Đức Phật cảnh giác chúng ta chính là “ngũ ấm ma” vì các loại ma này lại từ trong thân tâm của chúng ta mà đến. Nếu chúng ta để ý hơn sẽ thấy trong khi chứng Thiền về một phần nào đó, chúng ta luôn thấy Đức Phật phân tích: “Tưởng rằng chúng ta thành Thánh, có khả năng nói pháp, tưởng chúng ta thành đạo…” tự thấy chúng ta cao quý, đáng được người khác nễ trọng hay chúng ta có cảm tưởng rằng “chúng ta là một vĩ nhân”, là do một Đấng Tạo hóa nào đó sai đến để làm sứ giả, là con, là “nhân vật” thay thế Đấng Tối Cao để hành đạo. Nếu “chấp” như vậy thì ta sẽ “trúng” vào kế của ma. Vì sao? Vì cái “ngã mạn” của ta đã nổi lớn lên rồi (Đại ngã mạn)! Ta hành động, thành lập tôn giáo theo sự “ngã mạn” ấy tức là ta đang hành động theo ý của ma. Những pháp hay đạo theo sau lại là khủng bố, là chém giết, là “muốn trở thành bá chủ võ lâm” tức là đạo ấy còn chủ trương gây nên “nhân, quả” thì đạo ấy không phải là đạo giải thoát. Đạo ấy chỉ là do ma hướng dẫn người tu hành bị “Tẩu hỏa nhập ma” mà thành, vì vị giáo chủ ấy đã là tôi tớ của ma! Cho nên, Đức Phật đã nhấn mạnh đến “Vô Ngã”, tự mình hãy dìm cái Ngã của mình xuống để thấy rằng: Ta cũng như Người; Ta, Người cũng như các Chúng sinh khác, không ai khác và không ai hơn ai kém thì chúng ta mới đạt đến Đạo. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ muốn hòa hợp trong một thời gian nhất định nào đó, dù là bao nhiêu ngàn tỉ năm đi nữa thì nó vẫn chưa là Thọ Mạng Tướng vì khi tách rời ra thì vẫn là phá vỡ “khối chung”, và vẫn là có “Tâm Phân Biệt”. Cũng chính vì Tâm Phân Biệt ấy mà thuở đầu chúng sinh mới có “vọng tưởng” để rồi cùng nhau rời cõi Chơn Tâm (do Vô Minh) đi vào luân hồi sinh tử. Và đó cũng là điều mà Đức Phật đề cập đến nhiều trong Kinh Viên Giác cũng như Kinh Kim Cang: “Ngã Tướng, Nhân Tướng, Chúng sinh Tướng và Thọ Mạng Tướng”!
Tu là sửa đổi, trả nghiệp, tháo gỡ những oan trái mà mình đã quấn quanh mình qua nhiều đời nhiều kiếp, hoàn thiện mình không dính vào luật nhân quả nữa. Khi tháo gỡ, lột hết thì lúc ấy ta sẽ được an nhiên tự tại nơi được gọi là Niết Bàn, Viên Giác, Đại Viên Cảnh Trí, Không Như Lai Tạng, Chơn Như, Bồ Đề, Pháp Tánh hay Yêm-Ma-La-Thức; và tự được “sáng suốt chiếu soi” theo “bản giác minh diệu” vậy!
Và khi đạt được đạo thì Đức Phật có thuyết như sau:

-Khi tâm hoàn toàn thanh tịnh rồi, thì cái trí quang sáng suốt hiện ra. Lúc bấy giờ chơn tâm ông vừa tịch tịnh lại vừa chiếu soi, bao trùm khắp cả mười phương hư không thế giới, lúc bấy giờ ông trở lại xem cảnh vật hiện tiền ở thế gian này, cũng như là việc trong chiêm bao. Khi ông được như thế rồi thì nàng Ma Đăng Già ở trong mộng kia làm gì bắt ông được! (LN, sách đã dẫn, trang 235).

-Bởi thế nên biết "Sanh tử và Niết Bàn" cũng đều như giấc mộng hôm qua, vì chúng sanh vốn đã thành Phật từ xưa đến giờ. (Viên Giác, Phật Học Phổ Thông khóa VIII, HT. Thích Thiện Hoa, trang 56).

Vì “mê” chúng sinh rời Chơn Tâm để vào chơi trong cõi Luân hồi sinh tử, và khi trở về lại với Chơn Tâm là nhờ nơi “giác ngộ”. Quả thật chúng sinh đã qua một giấc mộng thật là dài. Nhưng giai đoạn ấy Đức Phật lấy một ví dụ của Luyện kim để cho biết rằng: Chính thế mà chúng sinh sẽ không bao giờ còn mê muội nữa!

-Này Thiện nam! Thí như chất kim khoáng, sau khi được nấu lọc, bỏ hết quặng rồi, thì chỉ còn vàng y, chất vàng này không phải do nấu lọc mới sanh, vì nó có sẵn từ trước kia rồi; và khi đã thành vàng y, cũng không bao giờ trở lại thành quặng nữa, dầu trải qua bao nhiêu năm, nó cũng không hư hoại.
Tánh viên giác thanh tịnh của Như Lai cũng thế. (Viên Giác, sách đã dẫn, trang 70).

Như vậy, chúng ta thấy rằng con đường tu tập của chúng sinh để trở về với Giác Ngộ là con đường đi ngược lại thuở xa xưa. Nếu thuở xưa nào đó chúng ta vì có “vọng tưởng” và “tâm phân biệt” để rời cõi Chơn Tâm; thì nay ta phải trả hết những nghiệp báo, nhân quả đã gây ra từ khi mang thân xác hay không thân xác trong cõi Luân hồi, hoàn thiện lấy mình và nhất là chúng ta phải “dứt bỏ” Tâm phân biệt, tức không thấy cái “Ta” của mình “hơn” nữa hay ta khác với với mọi người (Vô Ngã) mà “Ta” cũng như bao nhiêu chúng sinh khác để hòa đồng, “viên dung” trở lại với mọi chúng sinh trong thời gian “vô hạn định” trong cõi gọi là Bồ Đề, Pháp tánh, Không Như lai Tạng, Chơn Như hay Bồ Đề...
Những điều đó giống như chúng ta khi rời nhà chẳng có gì cả, nhưng khi ra ngoài chúng ta càng ngày càng mặc thêm nhiều lớp quần áo, càng đi xa càng mang thêm nhiều hành lý, gây lắm ân oán. Khi mệt mỏi chúng ta quay trở về thì chúng ta phải dứt bỏ từng món, lột từng lớp áo, trả từng ân oán nợ nần để khi hết cả thì chúng ta cũng vừa về đến nhà. Khi đó chúng ta được sáng chói như khối vàng được luyện tinh ròng, có đầy đủ trí huệ và Tri Kiến Phật!

Nhưng Niết Bàn là gì? Ở đâu? Chúng ta sẽ tìm hiểu đến trong bài sau cùng với “Tính Không”.

Nguyên Thảo,
6/9/2011.

*Đạo Phật 27: Ý Nghĩa Cuộc Sống Hiểu Theo Đạo Phật.

Có khi nào chúng ta thắc mắc: Chúng ta đến thế giới này để chi? Và mục đích để làm gì? Nếu chúng ta nghĩ rằng chúng ta được tạo ra từ một Đấng nào đó vì sự nhân từ của Đấng ấy ư? Thì chúng ta cần nên xét lại! Một khi Đấng thiện lành đã tạo ra loài người, để rồi bắt con người làm theo ý mình; hành hạ con người trong những thiên tai do Đấng ấy tạo ra và con người phải bị nhận chìm trong những đau khổ khôn nguôi từ tinh thần cho đến thể xác, thì Đấng ấy là Đấng như thế nào? Có Thiện lành chăng? Tất chúng ta không thể chấp nhận về sự “nhân từ” của Đấng ấy! Ngày nay, những tư tưởng như vậy không thể thích hợp cho những suy luận và biện giải; và càng khiến cho người ta nghĩ là những câu chuyện đó “chỉ được đặt ra” để đánh lừa hoặc lừa đảo người khác! Còn Đạo Phật lý giải về sự hiện diện của con người trong thế gian như là một chúng sinh lênh đênh trong vòng luân hồi sinh tử do nghiệp báo của chính mình, nhưng con người trong cõi này lại mới là chúng sinh có nhiều cơ hội tu tập để thoát khỏi vòng sinh tử ấy, vì: Chỉ cõi Ta Bà này mới có Phật pháp mà thôi!
Nếu chúng ta nhìn một tu sĩ Phật giáo đi trên con đường dài hun hút với tấm áo vàng, một bình bát, đầu trần, chân đất thì đó là hình dáng của Đạo Phật trên con đường cứu độ, hoằng hóa chánh pháp đối với chúng sinh trong cõi Ta Bà này vậy! Đạo Phật không sợ chê bai, phỉ báng, xuyên tạc vì do tính Chân lý của nó. Ai chấp nhận cũng được, ai dửng dưng cũng được! Và Đạo Phật hiện diện trên cuộc đời chỉ nhằm giúp cho mọi chúng sinh: Đem lại sự nhận thức, hiểu biết về chính con người, cuộc sống mà các chúng sinh ấy đang hòa nhập vào, để từ đó nhận chân được sự thực của Chân lý, rồi tự chọn một con đường tốt cho mình, cho người; hoàn thiện chính mình để tránh được những hậu quả trong tương lai, tức là “dứt được nghiệp” để tiến đến giác ngộ, giải thoát ra ngoài vòng luân hồi sinh tử.
Ngoài việc cung ứng cho thế gian những nhận thức, Đạo Phật còn hướng dẫn những cách hành trì để đạt đến Chân lý tối thượng; Và cũng chỉ với Đạo Phật ta mới giải thích được nhiều hiện tượng khác biệt với từng cá nhân mà không một tôn giáo nào có khả năng để giải thích nỗi về những hiện tượng đó: Người có nhiều phước báu có hình tướng đẹp, thiên tư hơn là người kém phước báu; họ được hưởng cuộc sống sung sướng, giàu có hơn mặc dù được sinh và lớn lên trong cùng một gia đình. Gia đình, dòng họ kém phước báu sẽ gặp nhiều khó khăn, nghèo khổ hơn vì chung cộng nghiệp; và dù chung cộng nghiệp nhưng mỗi con người đều có những biệt nghiệp khác nhau nên từng cá nhân cũng khác nhau, giống như chuỗi di truyền DNA là cộng nghiệp và mỗi cá nhân vẫn có những đặc nét riêng tư. Còn rất nhiều vấn đề tinh tế hơn trong cuộc sống mà chúng ta không thể giải thích được nếu chúng ta không dùng đến giáo lý của nhà Phật.
Theo như Đạo Phật, con người hay chúng sinh trong cõi Ta-Bà này (cũng chỉ là một cõi trong sáu cõi của vòng Luân hồi nơi tam giới: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới) như tất cả chúng sinh khác đều phải xoay vần, nếu tự mình không đi theo con đường “Đạo” để vượt ra được! Mặc dù ở cõi này có nhiều đau khổ hơn là sướng vui, nhưng trong sáu cõi Luân hồi chỉ có cõi này mới có Phật pháp mà thôi. Vì trong Kinh “Đại Phương Tiện Phật Báo Ân” có ghi như sau:

“Vì Phật Thích Ca Như Lai đã từng ở trong vô lượng trăm nghìn vạn ức A tăng kỳ kiếp, làm những việc hạnh khổ khó làm, phát đại bi nguyện: “Khi tôi được thành Phật, sẽ ở nơi cõi nước tệ ác, núi đồi gò đống, sành sỏi gai góc, chúng sinh ở trong cõi đó, đủ mọi thứ phiền não, ngũ nghịch, thập ác, tôi sẽ tu hành thành Phật ở nơi đó, để làm những việc lợi ích, đoạn trừ tất cả khổ não cho chúng sinh, khiến cho chúng sinh được tất cả vui, thành tựu pháp thân, hết không còn sót”.

Phân tích theo “Y báo” và “Chánh báo” thì: Vì chúng sinh còn nhiều thứ phiền não, tâm tính còn nhiều điều không được thiện lành (ngũ nghịch, thập ác) nên địa hình của thế giới này trở nên gai góc, đồi núi nhấp nhô, cao thấp chênh lệch nhau, thời tiết biến đổi theo tâm tính của con người. Tuy nhiên, vì hạnh nguyện của Đức Phật Thích Ca nên thế giới này lại có được Phật pháp để chúng sinh trong cõi này tiến tu theo con đường hướng dẫn của Ngài. Do đó, mặc dù làm người ở cõi không được nhiều phước báu như cõi trời, nhưng chúng ta lại được tiếp cận với Phật pháp; mà chúng sinh của cõi trời nếu muốn thành Phật cũng phải tái sinh về cõi này. Đó là điều may mắn mà loài người trên trái đất này đã có được! Như vậy, tại sao chúng ta không quý được thân xác của mình? Có những người vì lý do nào đó: Từ buồn chán, đau khổ cho đến không toại nguyện hay nông nỗi để hủy hoại thân xác, mạng sống; và khiến thần thức họ mãi mang nỗi hận, buồn lòng ấy mà không chịu đi “tái sinh”, và trở thành những con ma hay quỷ không biết đến khi nào họ thoát được kiếp oan hồn ấy. Chính họ đã tự giam cầm họ trong “trạng thái chơi vơi của thân trung ấm” cũng bởi vì vô minh! Nếu họ ý thức được rằng: Thân thể này quý báu vô ngần, nó giống như một chiếc bè mà ta có thể nương chiếc bè ấy để sang sông, và chúng ta cũng cần đến chiếc bè ấy để sang sông, thì sự việc đã khác đi nhiều! Với hạnh nguyện của Đức Phật Thích Ca đã biến cõi người chúng ta từ không phải là nơi đầy phước báu đã trở thành phước báu và quan trọng: Vì làm thân người ở cõi Ta Bà này là khó được “Nhân thân nan đắc” (vì phải trải qua không biết bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp mới có được thân người ở cõi này), và cõi nhiều đau khổ này bây giờ lại là nơi có “cánh cửa duy nhất” để mình có thể thoát ra khỏi vòng Luân hồi, sinh tử bằng sự tu tập của mình. Điều ấy, khiến chúng ta cần có nhiều suy nghiệm!
Đức Phật từ một con người vương giả nơi hoàng cung với đầy đủ sung sướng về vật chất, có thể về cả về tinh thần (ngoại trừ ưu tư về cuộc sống, tìm đạo); nhưng Ngài đã từ bỏ tất cả để trở thành tu sĩ. Chỉ sau một đêm, một hoàn cảnh sống hoàn toàn khác biệt chỉ vì Ngài muốn tìm đến Đạo để đáp ứng cho sự mong muốn chính mình. Nhưng sau khi giác ngộ, Ngài đã đem cái giáo pháp mà Ngài chứng ngộ được ấy truyền giảng lại cho nhân thế trong suốt hơn 45 năm ròng rã, mà không mong cầu điều gì ở người nhân thế dù đó là một chức danh hay quyền uy. Cuộc đời của Ngài đã nói lên một tinh thần “Vô vị lợi” tối đa, đúng với “Bố thí Ba-La-Mật” mà Ngài đã truyền thụ lại cho đời sau! Cũng trong cuộc đời này có những con người lâm vào tình huống cùng khổ, đau đớn, mất mọi thứ sau tai nạn hay biến cố gì đó… Nếu họ so sánh tình huống ấy với Đức Phật thì họ có nhiều an ủi; Vì: Họ phải chịu hoàn cảnh do tác nhân bên ngoài đưa đến; nhưng, Đức Phật có tất cả mà Ngài còn bỏ nữa chăng là, thì chúng ta vì tác nhân bên ngoài đưa đến cho nên chẳng có gì để lấy làm buồn! Và hơn nữa, nếu chúng ta hiểu được lý “nhân quả”, gieo nhân từ những kiếp xa xưa bây giờ gặt quả thì chúng ta sẽ có sự an tâm; Vả lại, chẳng có ai đem theo được cái gì sau khi chết! Kể ngay cả những Đấng được xem như là có quyền năng, phép tắc. Được trả quả! Thì chúng ta cũng đã giải quyết xong nợ nần vay mượn từ trong quá khứ, cất được bớt gánh nặng tại sao ta phải buồn? Sự sáng suốt trong tinh thần hiểu đạo khiến cho chúng ta cảm thấy thoải mái và an tâm. Ấy là sự an lạc của chính mình trong hiện tại, được an trú trong niềm vui đó rồi vậy!
Nếu chúng ta là những con người đang được hưởng nhiều phước báu từ “nhân quả” của những kiếp xa xưa như từ trong gia đình giàu có, hình tướng đẹp; hoặc nhờ những khả năng đặc biệt mà có cuộc sống sung sướng, tài chính dư dả mà chúng ta biết chia sẻ đối với những người thiếu thốn, cùng khổ thì trên xã hội chúng ta là những người đang làm việc từ thiện. Nhưng trên bình diện Phật pháp thì chúng ta là những người đang gieo căn lành để tự mình hoàn thiện chính mình và tiến về gần đích hơn trên con đường giác ngộ, tức là chúng ta đang thực hành phẩm hạnh của một vị Bồ Tát!
Nhưng có điều quan trọng hơn nhiều: Nếu chúng ta là những chúng sinh được tái sinh lại trong cuộc đời này để “đi đòi những món nợ” mà người khác đã vay ở những kiếp trước như: Chúng ta đang làm những việc quịt nợ, gây cho người khác đau khổ; làm phận con khiến cha mẹ phải nhức nhối, đau lòng; hoặc làm cho xã hội băng hoại cho bỏ ghét (vì hận thù trong những kiếp xa xưa); mà chúng ta biết chấm dứt ân oán, nợ nần ấy để sống cuộc đời lương thiện trở lại và biết bố thí, giúp đời, chia sẻ buồn vui với cuộc đời trong thực tại thì công đức ấy không thể tính được vì nợ cũ đã chẳng đòi mà lại còn bố thí “cho” nữa, ân đức ấy biết là bao!
Nếu chúng ta xuất hiện trong thế gian này như một người nghèo túng thì chúng ta cũng hãy còn khá hơn hoặc bằng Đức Phật khi Ngài đi tu, bỡi vì khi đi tu Ngài chỉ còn một tấm y để khoát lên mình cùng với một bình bát để đi xin ăn (khất thực) mỗi ngày, mỗi ngày chỉ ăn một bữa thôi! Khi đi xin ăn thì cũng hãy còn người mến người khinh. Ngài chẳng có cái gì khác hơn! Nhận định như vậy chúng ta sẽ bớt khổ hơn nhiều!
Nếu chúng ta cảm thấy mình khổ và cuộc đời này nhiều khổ, vận mệnh mình không may. Thì không phải một mình đã khổ, vì ngay cuộc sống này vốn đã khổ, ai cũng phải trải qua sự khổ mà Đức Phật đã dẫn giải qua “Tập đế”; nhưng nếu chúng ta ý thức được rằng mình chịu nhiều khổ hơn người khác vì những kiếp xa xưa chúng ta thiếu căn lành nên ngày nay phải chịu quả xấu là một lẽ đương nhiên, thì chúng ta cũng đỡ khổ hơn vì chúng ta đã biết được cái nguyên nhân. Hơn nữa, chúng ta khổ nhưng còn nhiều người lại khổ hơn chúng ta thì chúng ta cũng được an ủi phần nào.
Và nếu chúng ta có nhiều bệnh hoạn, hoàn cảnh khó khăn khiến ta có nhiều lo nghĩ, suy tư; những hoàn cảnh oan trái mãi trói buộc thì Đức Phật đã chỉ rõ cho chúng ta qua câu “Phiền não thị Bồ Đề”. Có phiền não, lo nghĩ, ưu tư phiền muộn, tâm tư chúng ta mới không để ý đến ngoại cảnh, mà chỉ hướng vào nội tâm thì các giác quan (lục căn) lúc đó không quan tâm, vướng mắc đến bên ngoài (lục trần). Lục căn không vướng mắc với lục trần: Đó là điều mà người tu thiền họ mong cầu, nhưng chưa hẳn họ đạt được dễ dàng. Nương vào đó chúng ta tiến đến với thiền thì thiền sẽ giúp ta giảm bớt được phiền não, căng thẳng thần kinh và nếu có duyên ta có thể ngộ chút nào đó của thiền cũng nên.
Thông thường, con người bình thường sung sướng thì chẳng có mấy ai nghĩ đến tu tập để giải thoát cả, mà người ta chỉ nghĩ đến “tu” khi chúng ta có hoàn cảnh bi đát, nhiều lo nghĩ tức là lâm vào những hoàn cảnh nghèo túng, bệnh hoạn, đau khổ, có nhiều phiền não… mà thôi! Vậy thì trong những hoàn cảnh đó chúng ta cứ trải nghiệm con đường tu tập thử xem sao? Chúng tôi là kẻ viết bài này cũng phải trải qua giai đoạn ấy, và cũng chính nhờ đó mà chúng tôi mới có “duyên” đi vào Đạo Phật; và có được cơ hội để viết lên một ít bài để chia sẻ kinh nghiệm cùng với Quý độc giả.
Nếu chúng ta suy luận xa hơn một chút thì không lẽ con người chúng ta sinh ra trong cõi đời này chỉ để phải làm để kiếm ăn, tạo cuộc sống rồi thụ hưởng trong những chìm đắm của dục lạc với một thân xác đầy bệnh hoạn, đau khổ trong cuộc đời để cuối cùng rồi chúng ta phải chết mà không có đem theo được một thứ gì kể cả thân xác của chúng ta. Vậy chúng ta hiện diện trên cuộc đời này để làm gì? Và có thân xác này để chi? Trong Đạo Phật thân xác này như chiếc bè, chúng ta nương chiếc bè để qua sông, và điều chúng ta cần nhớ và ý thức được rằng: Chỉ “chiếc bè” ở cõi Ta Bà mới có thể qua sông, vậy chúng ta nên làm gì với chiếc bè hiện có này? Muốn giải thoát thì chúng ta “tự thắp đuốc” lên để tiến về “bờ giác”. Đó là ý nghĩa của cuộc sống và thân xác này!
Nói tóm lại, khi chúng ta hiểu được chút ít Phật pháp thì chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa của cuộc sống trong đời này là những điều đáng yêu, đáng thông cảm, trân quý cũng như chúng ta sẽ được vui vẻ hơn trong sự giải thích những hiện tượng, sự kiện xảy đến; đồng thời chúng ta có thể sẽ “an trú” tâm mình trong những an lạc, niềm vui mà chúng ta không thể mua bằng vật chất mà được. Xin quý vị cứ nghiệm lại thử xem sao!

Nguyên Thảo,
23/08/2011.