Tuesday, August 14, 2012

* "Dân Tộc Chủ Nghĩa"!




Chuyện Tào Lao (tt)




 “Dân Tộc Chủ Nghĩa” là nói theo cách của chữ Hán Việt, và nói theo kiểu của chữ Nôm thì là “Chủ Nghĩa Dân Tộc”. Nhưng “Chủ Nghĩa Dân Tộc” hay “Dân Tộc Chủ Nghĩa” cũng nhằm đề cập đến một cái “Chủ Nghĩa” đáng yêu mà cũng rất là đáng sợ. Đáng yêu vì nó liên quan đến tinh thần yêu mến “dân tộc” của mình, đến những người cùng chung nguồn cội, nơi ở, và cùng chung nền văn hóa, văn minh, hoàn cảnh… với nhau, mình không hề quên đến nó. Tuy nhiên, chủ nghĩa nầy cũng đưa đến những điều khủng khiếp khác khi thấy “dân tộc” của mình phải hơn hẳn các dân tộc khác. Từ tư tưởng ấy mà những hành động kế tiếp sẽ được đi theo sau. Hậu quả thật là khó lường!

Trong lịch sử, người Do Thái từ phương Đông tiến về phía Tây bán đảo Ả Rập đến bờ Địa Trung Hải để định cư ở vùng Canaan cùng với nhiều sắc tộc khác. Nhưng vì thế yếu đã phải sang Ai Cập mà kiều ngụ. Để rồi từ đó một nhân tài xuất hiện “Môi Se” làm rạng danh cho người Do Thái bằng kích động tinh thần dân tộc qua hình thức tôn giáo. Môi Se sáng tạo ra vị Chúa Tể của vũ trụ (gồm Trái Đất là trung tâm và các vì sao) đã ban cho người Do Thái “quyền năng cai quản loài người trên mặt đất” và người Do Thái sẽ sinh sản “đầy mặt đất” (thế nhưng cho đến ngày nay những điều ấy vẫn không thành hiện thực!). Nhờ đó người Do Thái đã vượt mọi gian lao, khó khăn để tiến trở về vùng Canaan cùng tiêu diệt những sắc dân ở đó như: Amôrít, Hêtít, Phêrêsít, Canaan, Hêvít, và Giêbusít mà thành lập quốc gia Ixơraên trên vùng đất được coi như là “Đất Hứa” (của Đức Chúa Trời “hứa” ban cho); cũng từ đó người Do Thái phải là người thông minh để xứng đáng với điều đã ghi. Nhưng người Do Thái lại gặp phải “Dân Tộc Chủ Nghĩa” của Hitler vì dân Aryen mới là thuần chủng cho nên hàng triệu người Do Thái phải đi vào lò sát sinh của chế độ Đức Quốc Xã.

Dân Tộc Chủ Nghĩa được thể hiện qua nhiều hình thức, có thể là trong truyền thuyết về phát sinh dân tộc như “Con cái Thái Dương Thần Nữ” của dân tộc Nhật Bản (Phù Tang) hay “Trung Quốc” (nước ở chính giữa, trung tâm) như của người Trung Hoa, người Hán tự coi mình là nước văn minh, chung quanh đều là “dân mọi rợ” (Đông di, Nam man, Tây nhung, Bắc địch) và các nước đó phải là “chư hầu” chịu quyền cai trị, khai hóa của họ hoặc thuộc vào đất nước của họ. Do đó những nước Tần, Yên, Sở, Ngụy, Việt, Ngô…đều đã bị xóa sổ trên bản đồ trong thời gian dài cho đến ngày nay kể cả nhiều giống dân Việt từ phía Nam sông Dương tử cho đến Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam. Trong đó chỉ còn sót lại giống Lạc Việt mà thôi! Điều ấy hiện nay chế độ Cộng sản Trung Quốc đang muốn lập lại lịch sử bằng khơi dậy “Tinh thần dân tộc - chủ nghĩa Đại Hán” để nhằm mục đích đưa dân tộc mình làm “Bá chủ võ lâm” trong thiên hạ cho nên từ hiện đại hóa quân đội, vũ khí, cho đến ngang ngược lấn chiếm những vùng biển; tranh giành, gây hấn với những nước chung quanh hay có những động thái ngang ngược trên ngoại giao, chính trị, lẫn hành động không có gì là lạ cả bởi vì họ “đang là kẻ mạnh và là nước lớn”; nhưng đặc biệt là bao giờ họ cũng cho họ là kẻ hiền lành, không hiếu chiến và họ luôn là những kẻ bị ăn hiếp. Họ đang “dương đông, kích tây”, “hổ đội lốt hồ”!

Điều đó có phải chăng là do “ý muốn của ông Trời” hay chính là do “ý muốn của con người”? Chung quy cũng từ do “Cái Ta ngã mạn” hay “Cái Của Ta” phải hơn người. Đó cũng là điều mà chúng ta có thể suy nghiệm được rằng: Lý do sự hình thành của một tôn giáo nào đó, chỉ mới khi đã bắt đầu thành hình thì người tín đồ đã trên lưng ngựa và dong ruỗi bằng những trận chiến khốc liệt để phát triển và kiếm thêm những tín đồ mới cho tôn giáo của mình. Ôi! Sự khủng khiếp của “Dân Tộc Chủ Nghĩa” hay là “Chủ Nghĩa Dân Tộc”!



Đồ Ngông,

12/08/2012.

Friday, August 3, 2012

*Chuyện Tào Lao! (tt)




* Chủ Nghĩa Đại Đồng!



Làm cuộc sống con người trong trần thế đã chịu nhiều thứ đau khổ: Từ đau khổ thân xác “Sinh, lão, bệnh, tử” đến những đau khổ khác do những ham muốn tiền, tài, danh vọng lại thêm đau khổ do những phe nhóm tranh giành lẫn nhau khiến cho con người lại càng đau khổ hơn nữa, và nhất là cái cảnh “người bốc lột người”. Những nhà tư tưởng có thể họ đã nghĩ rằng: Cùng đều là làm con người được sinh sống trên thế gian mà sao họ lại chẳng chịu giúp đỡ để được tồn tại mà lại phải áp bức, bốc lột, tàn sát lẫn nhau, như thế đâu phải là con người có tư tưởng và suy nghĩ nữa. Thế từ đó những nhà xã hội được ra đời và chủ thuyết xã hội cũng thành hình. Các nhà xã hội những mong đem đến cho xã hội, cống hiến cho con người phương cách cải thiện nếp sống trong xã hội để mọi người có được nếp sống tốt đẹp, công bình, bình đẳng hơn trong cuộc sống. Nhất là đều cùng là loài người sống trên cùng một hành tinh không kể đến chủng tộc trắng, vàng, đen, đỏ hay bất kỳ xứ sở, hoặc sác dân nào. Đó là tư tưởng của chủ nghĩa “Đại Đồng”.

Về tư tưởng này được ghi lại bằng tài liệu và sách vở có lẽ chỉ có hai người: Phương Đông có ông Khổng Tử của nền triết học Trung Hoa và Phương Tây đề cập đến vấn đề ấy thì có ông Karl Marx.

Ngày xưa trong thời “Xuân Thu Chiến Quốc” ở bên Tàu, cũng vì sự tranh giành quyền hành lấn chiếm đất đai, muốn lấy của người làm của mình khiến cho tình hình trở nên loạn lạc, dân chúng điêu linh, đời trở nên càng đau khổ hơn thêm. Trong tình trạng ấy, ông Lão Tử chiêm nghiệm trên tư tưởng triết học, nghiền ngẫm trong triết lý nhân sinh, ông thấy đó chỉ là một sự tự nhiên; nếu con người sống tự nhiên, không tham vọng, đầy ước muốn thì thế giới nầy đâu phải sửa đổi mà cuộc sống vẫn được an bình. Còn Ngài Khổng Tử thấy rằng con người đầy tham vọng, muốn chiếm hữu mà quên đi những nhiệm vụ, bổn phận của mình trong xã hội mà thành ra thế cuộc điên đảo, loạn ly cho nên ông ra công khảo cứu, san định lại những tư tưởng xưa cũ để thành ra lý thuyết của Nho giáo: Nhằm giúp cho mọi người trong xã hội, quốc gia hiểu được từng nhiệm vụ và bổn phận của mình để làm giềng mối thực hành thì thế giới sẽ được an bình. Từ cá nhân, đến xã hội từ người con cho đến cha mẹ, từ dân chúng cho đến những người thay mệnh trời để hành đạo thì xã hội sẽ không còn rối loạn mà tiến đến xã hội loài người sẽ chung sống hòa bình trong một thế giới “Đại Đồng”. Ước mơ ấy là ước mơ của một triết nhân ngày xưa!

Đến thời cận đại, ông Karl Marx sau khi nghiên cứu những tiến trình của xã hội, tham khảo khoa học, triết thuyết, kinh tế, nghiên cứu về tôn giáo, thần học với khoa học… rồi ông ra công gom góp những tinh hoa của nhân loại đẩy mạnh những tinh hoa ấy lên mức độ “tận cùng” của nó chẳng hạn như tư tưởng khoa học và duy vật để thay thế cho thần học mà hệ thống nhà thờ đã khống chế toàn bộ xã hội lẫn chính trị ở Âu châu trong thời gian lâu dài và đã đưa Âu châu vào “thời kỳ tăm tối” (đó là lý do quan niệm nhà thờ chỉ là những người không lao động mà hưởng đầy quyền lực; hay các tôn giáo nầy làm cho tín đồ ghiền đạo giống như ghiền á phiện); kinh tế từ cá thể tiến lên tập đoàn rồi đến tư bản sang đế quốc và sẽ tiến đến cộng sản; biện chứng pháp duy tâm Hegel đem áp dụng vào duy vật biện chứng để rồi Marx sản sinh ra “Chủ Nghĩa Cộng Sản” nhằm mục đích cuối cùng là tiến đến một xã hội công bình, khoa học và thực hiện một xã hội “Đại Đồng” cho nhân loại. Trên lý thuyết thì thật là một xã hội tốt đẹp, hoàn hảo. Nhưng về sự thực hiện thì có rất nhiều cam go, và thực tế thì có khá nhiều máu, nước mắt và khốn khổ. Đồng thời chủ nghĩa nầy hiện nay đã gặp phải “chủ nghĩa dân tộc” cực đoan, tức là “dân tộc của ta phải làm bá chủ thiên hạ” trong thử thách tinh thần của một xã hội Đại Đồng!

Còn đường lối Đại Đồng trong tôn giáo chỉ là một sự o ép, thủ đoạn lôi kéo người vào đạo của mình để rồi “nhốt” họ lại và lừa thêm hay bắt buộc những người khác phải vào đạo, và cuối cùng chỉ còn người của tôn giáo của mình không thôi, để tôn giáo mình tha hồ thao túng. Đám lãnh đạo sống được phụng sự và phụng thờ như những bậc thần thánh, trưởng thượng. Đó là điều mà chúng ta cũng cần có nhiều suy ngẫm.

Riêng đạo Phật cũng có đề cập đến một xã hội “Bất nhị” (Đại Đồng) chỉ có một mà không có phân biệt là hai, thoát ra ngoài tam giới (thoát khỏi vòng luân hồi), nhưng với điều kiện phải là “Vô Ngã” tức là cái Ta cũng như mọi người, mọi vật. Mọi vật cũng là Ta. Tại sao? Vì khi cái Ta còn thì cái của Ta phải là trước và trên hết cũng như: Ta phải hơn, sướng… hơn mọi người, dân tộc ta phải là bá chủ hay đạo của ta hơn hẳn các đạo khác chẳng hạn.

Chủ nghĩa Marx lẫn cá nhân trong cuộc đời nầy đang bị lôi cuốn bỡi vì “Cái Ta” và “Cái Của Ta”. Cho nên chủ nghĩa “Đại Đồng” chỉ là một ảo tưởng nếu không diệt được cái tư tưởng “Ngã” của chính mình!



Đồ Ngông,

02/08/2012.

Wednesday, August 1, 2012

*Hương Vị Thiền! (tt)





* Điểm Cuối.



Ra đi từ thuở hồng hoang

Hàng ngày ta nhặt lá vàng thời gian

Đếm đi đếm lại muôn ngàn

Mà sao chẳng xiết, vội vàng ngẩn ngơ

Chẳng gì lại một bài thơ

Điệu ru ân oán, còn thừa kiếp sau

Hay là ta lại quay đầu

Lần về nguồn cội, tìm câu khởi đầu

Trút đi hàng khối nỗi sầu

Vui trong an lạc là nơi cuối cùng.



Nguyên Thảo,

16-01-05.







* Thảnh Thơi.



Dạo chơi trên cỏ thảnh thơi

Mây bay ta cũng gởi lời hỏi thăm.

Đôi chim trong bụi thì thầm

Ta nghe rúc rích hàng trăm gọi mời,

Đường vui trong nắng rong chơi

Lâng lâng đối cảnh nhạc lời vô ưu.



Đồ Ngông,

07-09-07.







* Đời Người!



Thoáng qua là một đời người

Chỉ trong hơi thở gọi là nhân gian

Mang theo tội nghiệp ngút ngàn

Đi vào chánh báo, môi trường làm y

Nhân nhân, quả quả tương tri

Ngồi yên trải nghiệm đường đi, lối về!



Đồ Ngông,

22/10/10.







* Hạt Nhân.



Hạt nhân xưa nằm trong chéo áo

Quanh quẩn nhìn ta lại tìm Tâm

Tâm xưa núp bóng con người

Người cần yên tịnh, đi tìm dáng Tâm!



Đồ Ngông,

22/10/10.







* Phút Giây!



Phút giây trầm lặng lắng lòng

Đi vào an lạc, phá vòng trầm luân

Nghe nơi sáo nhạc vang lừng

Hồn ta vang khúc, với lời ngợi ca!



Đồ Ngông,

07/12/10.

*Thơ Đồ Ngông. (tt)





* Tâm Bệnh.



Thương thay bộ não có “dòi”

Có cây kim chích của loài bọ sâu

Thương thay tư tưởng u sầu

Tâm tư bệnh hoạn, người đâu là người!



Đồ Ngông,

25/05/2012.







* Không Xứng!



Mình không xứng, muốn người cho xứng

Chẳng xứng danh mà giành chỗ đứng

“Chịu đấm ăn xôi” chường mặt chịu

“Vác ngà cõng việc” nai lưng hứng

Thương thay danh tiếng là bao hỉ!

Ngậm tủi thân hèn lại lắm chứng

Có thế mà giành mà chửi mãi

Cho nên người ngợm như tưng tửng!



Đồ Ngông,

25/05/2012.







* Vô Liêm Sĩ!



Chuyện mình như đống rác hôi

Đã không moi móc, lại moi móc người

Vô liêm bậc nhất trong đời

Mà hay chường mặt, dạy người thế gian!



Đồ Ngông,

25/05/2012.







* Tuổi Già!



Tuổi già chẳng biết gì chơi

Hay là ta học thói đời móc moi

Móc moi cái xấu của người

Đem rao thiên hạ, đánh hôi xóm làng!



Đồ Ngông,

25/05/2012.







* Mất Nết!



Tớ tưởng rằng: Mình tớ đã hay

Chẳng hay sao tớ lại hay bày

Bày trò chơi xỏ cho thiên hạ

Hạ thủ sau lưng để biết tay

Tay trái giương lên làm “điệu hổ”

Hổ nằm giả bộ để “công tây”

Tây riêng chỉ có riêng mình tớ

Tớ biết “hư thân…” cũng chỗ nầy!



Đồ Ngông,

25/05/2012.

*Thơ Đó, Thơ Đây! (tt)





* Qua Phà Cần Thơ.



Lại qua phà Cần Thơ

Người lớp lớp đợi chờ

Xe lên, rồi xe xuống

Đợi, đợi phà sang sông.



Đầy tiếng gọi tiếng kêu

Đầy tiếng bước dập dìu

Người người như vội vả

Rút, rút phà qua sông!



Đồ Ngông,

26/08/10.







* Thôi, Không Còn Nữa!    (Cần Thơ)



Đã thôi không còn nữa

Cảnh dập dồn qua sông

Cảnh mua và cảnh bán

Cảnh om sòm chợ đông!



Chiếc cầu bắt ngang sông

Làm thay đổi hẳn dòng

Trào lưu trong cuộc sống

“Đã có cầu qua sông!”



Đồ Ngông,

26/08/10.







* Tưởng Niệm Cho Người Nằm Xuống!    (Cần Thơ)



Ta nghiêng mình kính cẩn

Một phút, chút lắng lòng

Cho những người nằm xuống

Đã chết lúc thi công!



Sự cố cầu Cần Thơ

Để mai thiên hạ nhờ

Có cầu đời thay đổi

Vùng sông nước nên thơ!



Đồ Ngông,

26/08/10.







* Trở lại Đường Đi!



Khép kín một vòng đi

Nghe tiếng gió thầm thì

Quê hương mình thế đó

Mộc mạc lẫn diệu kỳ!



Những điệu hò tiếng ca

Trời nắng lên sáng lòa

Trong vườn và ven biển

Người vẫn rộn tiếng ca!



Quê hương mình vẫn đẹp

Những tình cảm thân thương

Những con người khép nép

Nét đáng yêu lạ thường!



Quê hương đang bừng sáng

Sau nỗi hờn chiến tranh

Người người vươn sức sống

Một đất nước an lành!



Đồ Ngông,

26/08/10.

*Thơ Về Bình Dương! (tt)




* Mắm Nêm Đồng Ván.       (Tân Ba)



Ai về Đồng Ván Tân Ba

Hỏi thăm ghe mắm nay đà lên chưa?

Mua về rồi lại ướp dưa (dưa gang non)

Làm ra dưa mắm để dùng quanh năm

Lại thêm có những miếng thơm

Làm cho cá mắm bớt hăng dịu mùi

Ủ lâu ăn hết cả nhà

Mắm nêm, dưa mắm, cải (củ) dài làm dưa

Mắm nêm, mắm xắt, mắm bằm

Nguồn ăn như chính của người dân quê! (Bình Dương)



Đồ Ngông,

07/04/12.







* Bến…!        (Bình Dương)



Lên miền Dầu Tiếng mà xuôi

Xuôi dòng sông nhỏ có tên Sài Gòn

Đi qua nhiều bến bôn chôn

Ghé bên Bến Củi mà rinh củi về.

Đi ngang nhìn thấy Bến Chùa

Có người đứng đợi bên chùa cứ mong

Có chừng suy nghĩ lại trông

Xuôi về Bến Cỏ tìm cô người tình!

Bước lên Bến Súc cảnh xinh

Hàng cây gỗ lớn đợi về miền xuôi

Xuôi qua Bến Thế nằm chờ

Mua chôm chôm chín cùng về chuyến luôn.

Nhưng bên Bến Cát trộn hồ

Chưa xây dinh được, phải chờ năm sau.

Thôi rồi đành phải về mau

Xuôi qua tỉnh Thủ, An Sơn, Nhị Bình

Lái Thiêu cầu Sắt xinh xinh

Đừng vương Bình Triệu cầu Gành bắt ngang

Đừng vương vào đất Thanh Đa

Mà dang tay với Nhà Bè phân đôi:

“Nhà Bè nước chảy chia hai

Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”       (ca dao).



Đồ Ngông,

07/04/12.







* Rừng Cò Mi.          (An Phú)



Cái tên nghe lạ, hơi kỳ

Rừng đâu có của ông Cò (cảnh sát) tên Mi

Rừng từ khu vực nhà Thơ

Bao trùm An Phú (Xã) chạy về Dĩ An

Trong thời ác liệt chiến tranh

Rừng đành tiêu hết cũng vì khai quang

Lại thêm xa lộ Đại Hàn

Dĩ An – Bình Chuẩn xuôi lên Chợ Đình

Phá tan đi những chiến khu

Để giành phần thắng, chỉ thương dân lành!



Đồ Ngông,

07/04/12.







* An Phú Xã.



An Phú Xã ngày nao

Nắng đổ lửa thế nào

Rừng Cò Mi tan nát

Đất khô cằn làm sao!



Chỉ đợi trời mưa xuống

Khoai lang lại khoai mì

Đồng thênh thang mút mắt

Mồ hôi thấm ướt mi!



Bây giờ người chen chân

Hảng xưởng đã ngập tràn

Biết bao là công việc

Khách xưa thốt ngỡ ngàng!



Đồ Ngông,

07/04/12.







* Bến Đò Trạm.      (Tân Ba)



Bến đò nầy là trạm

Mà trạm của gì đây?

Hỏi ai mà có biết

Xin cho biết nghĩa nầy!



Chắc là nơi nghỉ ngơi

Đợi đò ta phải ngồi

Đợi lâu đò mới tới

Rồi ta mới sang sông!



Bên bờ đó Bửu Long

Bên nây ta nóng lòng

Đi qua rồi đi lại

Ta mỏi mắt chờ trông!



Đồ Ngông,

10/04/12.