Wednesday, September 18, 2013

*Ỷ Mình!


*Chuyện Tào Lao 2 !       (tt)


  
Thằng Trung nó ỷ lắm! Bây giờ nó làm tàng và phách lối, cao ngạo lắm! Nó không coi ai ra gì cả, nó muốn làm gì thì làm, muốn như thế nào thì muốn, nó cứ trơ ra đó khi những điều nào không vừa ý nó. Miệng nó thì cứ nói là thương người, hòa bình, chung sống như thể là hiền lành lắm vậy, nhưng nó thừa cơ để lấn lướt và chiếm đoạt những gì của người ta làm của nó. Thiên hạ có nói gì đi nữa thì nó cũng đặt người ta trước chuyện đã rồi, thế là lịch sử qua đi, không hề trở lại, vì nó chẳng buông tha hay trả lại cho ai bao giờ.

Nhớ lại thuở xưa, nó chỉ có vùng đất không lớn lắm ở phía bắc; nhưng vì nó sống thực tế hơn, nó phát triển đúng đường và đi trước những nơi khác nên nó có được cuộc sống khá là tiến bộ, nó có được chữ viết riêng để ghi lại tư tưởng, kiến thức; nó có triết lý sống, biết tổ chức trước nên cuộc sống của nó khá là văn minh. Từ đó nó ảnh hưởng đến các thằng khác ở chung quanh. Nó tự hào lắm! Nó coi như nó là ở chính giữa văn minh mà những thằng chung quanh chỉ là những phường ngu dốt, mọi rợ phải phục tùng nó. Rồi trong quá trình tranh giành nhau như thường tình của đời sống con người ở cõi trần gian nầy, nó dần dần được sự hỗ trợ của những người giỏi, nó chiếm thêm những vùng đất khác để mở rộng lãnh thổ ra. Càng mở được thêm thì đầu óc nó lại càng muốn thêm nữa. Lòng con người mà, muốn làm của mình biết bao nhiêu mà đủ. Nó thừa cơ chiếm đất của thằng nào được thì nó chiếm, đôi khi nó xúi những thằng nhỏ đánh nhau đến khi ngất ngư thì nó chiếm lấy cả hai, ít nhứt nó cũng làm bộ tỏ ra thương tâm mà đến giúp đỡ; nhưng khi nó đến giúp đỡ thì nó cho người đem cả “bầu đoàn thê tử” kể cả heo, chó mèo đi theo để từ đó nó chiếm dần đất của người ta thật là ôn hòa mà người ta cứ tưởng chừng như là không có. Nó thường làm như vậy, đó là sách lược mà! Trong sách vở của nó không biết bao nhiêu là chuyện, tại người ta không để ý đó thôi! Qua thời gian thật là dài, nó bây giờ sở hữu bất động sản lớn lắm! Thế mà nó chưa vừa ý với những gì nó có. Nó còn muốn trên địa vị cao hơn nữa để ai ai trên cuộc đời nầy cũng phải quỳ lạy, nễ vì nó giống như biểu tượng đầy tham vọng của nó khi nó trương cây cờ lên. Nếu ngày xưa trong triết lý của nó có ghi là “Tứ hải giai huynh đệ” thì bây giờ là “bốn thằng nhỏ “tứ hải” đó phải quỳ lạy, thần phục nó, còn nó trên cương vị là thằng lớn ngồi trên ngai vàng nằm riêng ra” mà nó làm bộ nói là tượng trưng cho bốn loại dân của nó. Nó làm cỏ và làm tiêu tan cả gia đình thằng Việt ở phía nam sông dài. Tiền tài, đất đai, nhà cửa của thằng Việt nó chiếm lấy, người thì nó bắt phải giống như nó, bây giờ người ta chẳng thấy người của thằng Việt nữa và những người của thằng Việt cũng chẳng còn nhớ mình là người của gia đình thằng Việt nữa. Nó chỉ ấm ức một điều là cái thằng “cứng đầu” trong gia đình của thằng Việt chưa bị nó làm cho mất tiêu. Cái thằng Nam lì lợm đó, nó nhất định một ngày nào nó phải làm cho thằng Nam nầy biến mất không còn hiện diện trên cuộc đời nầy nữa. Biết bao nhiêu người trong quá trình dài đó phải chạy trốn sự tàn ác của nó, họ phải băng đồng, vượt ao hồ, sông biển để đi tìm sự sống bây giờ trở thành những người của nó ở nơi xứ xa. Họ không còn nhớ nguồn gốc họ là ai, quê hương họ là gì, mà họ cứ thấy họ là cùng người với nó, là người của nó.

Nó tàn ác, đầy tham vọng như vậy mà ông Trời cũng thương nó. Nó đôi lúc cũng không mạnh lắm hay là những thằng kia đột biến hung hăng lên đánh và chiếm lấy nó, nhưng rồi khi những thằng ấy yếu hoặc chết đi thì nhà cửa đất đai của thằng kia lại trở thành của nó như trường hợp của thằng Mông, hay thằng Mãn. Nhất là thằng Mãn, bây giờ chẳng ai còn biết đến thằng Mãn. Thằng Mãn đã tiêu vong rồi! Cũng may cho thằng Triều, thằng Triều chưa mất vì thằng Triều được ngăn cách cả núi cao, biển rộng và ít ra thằng Triều cũng có bản lãnh lắm! Nó muốn triệt tiêu thằng Triều lắm chứ, nhưng ngày xưa không được thì bây giờ cũng khó. Thôi thì thôi vậy!

Còn thằng Nhựt là cái thằng mà nó hận đến không khi nào quên. Nó thề “không đội trời chung” với thằng Nhựt, vì khi mạnh thằng Nhựt dám vào nhà nó, hung hăng bắt nó phải làm nhiều thứ mà còn cướp lấy đồ đạt nhà nó hai lần. Thằng Nhựt cả gan, nó nhất định nằm ẩn chờ thời, khi nào nó mạnh thằng Nhựt sẽ biết tay: “Quân tử trả thù mười năm chưa muộn” mà! Không nhất thiết là mười năm mà cả trăm hay ngàn năm sau nó cũng phải trả thù hoặc làm cho thằng Nhựt biến mất mới thôi! Không những thằng Nhựt mà ngay cả những thằng ở xứ xa cũng đến mà chia xẻ đất đai, tiền của, hành hạ chà đạp nhà nó, nó cũng nhứt định chờ thời khi nào “Tao mạnh tụi bây sẽ biết tay tao”!

Nó thấm thía lắm, cùng một phe nói với nhau là bồ bịch, cùng nhau làm cho thế giới nầy là của chung mọi người, sống với nhau như người một nhà, thương nhau như trong một thế giới thần tiên; nhưng thằng Nga ỷ đi trước o ép nó. Nó nhớ lắm chứ! Nó đường đường cũng là lớn mạnh chứ có thua gì thằng Nga đâu, mà thằng Nga đã không giúp nó thì thôi, có đâu lại bức ép nó. Nó vẫn có thể tự lực kia mà đâu cần phải đến thằng Nga. Vậy thì mạnh “thằng nào nấy chơi”, “tao có cách riêng của tao”!

Từ lâu, nó đã không thanh toán được thằng Nam, nó tự trách mình là cái thằng nhỏ bé đó mà mình không khuất phục được nó thì làm sao làm được việc lớn đây! Rồi thằng Nam lại bị thằng Tây bắt vào trong tay nó rồi. Thằng Nam cố vùng vẫy, nó biết chứ! Nó làm bộ thương giúp cho thằng Nam nhưng thực sự thằng Nam mà tiêu với thằng Tây đó, thì nó cũng không yên cho nên nó nghĩ mình phải lấy thằng mạng thằng Nam để bảo vệ cho mình. Cho nên khi người ta muốn xé thằng Nam ra thì nó ngu dại gì bênh vực cho thằng Nam. Thằng Nam đau đớn, muốn kết hợp lại. Ừ, thì tao giúp tụi bây để trong nhà tụi bây tự giết nhau, rồi tụi bây sẽ yếu và rồi thử tụi bây có thoát được tay tao không? Thế cho nên thằng Nam dính bẫy mà thằng Nam không biết! Nó nghĩ là nó muốn cho thiên hạ thấy được uy lực của nó thì nó phải củng cố lại: Nó phải vững lãnh thổ, đất đai của nó trước. Nó suy tính cái địa vị, biên cương ngày xưa mà nó có được. Nghĩ rồi nó dùng sức mạnh của nó, nó gom thằng Cương với thằng Tạng lại, mặc cho ai nói gì thì nói, la gì thì la, nó cứ nói: “Nó là của tao, của tao là của tao, đừng ai xía vô. Tụi bây không được quyền xía vào”! Nó bây giờ thật là to lớn, họ hàng của nó thật đông: “Tao không phải sợ ai nữa, dù chưa bằng ai tao vẫn là lực lượng khủng khiếp, đáng gờm”!              

(Còn tiếp)

 

Đồ Ngông,

19/09/2013.
    

Wednesday, September 11, 2013

*Phận Nhỏ NHoi!


*Thơ Đồ Ngông!         (tt)



*Kẻ Mạnh.

 

Ỷ mình mạnh thế lại hiếp nhau

Hiếp nhau tạo thế mạnh thêm giàu

Nắm bao quyền lực tranh thế đứng

Cũng chỉ là tranh chức "cầm đầu"!

 

Đã nhiều xương máu đổ cho nhau

Bao nhiêu mạng sống vẫy tay chào

Tiếng kêu vẫn hãy còn ngang cổ

Tức tưởi tang thương nét nghẹn ngào!

 

Đồ Ngông,

11/09/2013.

 

 

 

*Phận Nhỏ Nhoi!

 

Thân phận ra gì, phận nhỏ nhoi

Có thân chẳng dám.., mất vui cười

E chừng, lấm lét, ngồi yên lặng

Suy nghĩ, trầm ngâm: Phận nhỏ nhoi!

 

Nó la, nó hét, nó tung hoành

Nó dọa, nó hù, nó "nhá" nhanh

Kiếm chuyện đợi chờ cơ hội đến

Một khi mở chiến để tranh giành!

 

Đồ Ngông,
11/09/2013.

 

 

 

*Gà Nhà.

 

Gà nhà ta lại đá nhau

Hận thù kiếp kiếp, làm ta suy tàn

Cáo gian rình rập đợi thời

Trơ lông, trụi cánh... lúc "đòn tấn công"

Thế là gà hết trông mong!

 

Đồ Ngông,

11/09/2013.

*Chùa Hội Khánh.


*Thơ Về Bình Dương.           (tt)



*Nhà Thương!              (Thị xã)

 

Nhà thương nầy ngày xửa ngày xưa

Tiếng gọi dân gian chẳng phải thừa

“Thương thí” vô nằm không phải trả

Dân nghèo, kém đói thật là ưa!

 

Bao năm nó vẫn nhà thương công

Cứu giúp dân đen kẻ khốn cùng

Những lúc đau thương và bệnh hoạn

Có nơi nương tựa lúc đau lòng!

 

Đồ Ngông,

19/04/12.

 

 

 

*Chùa Hội Khánh.               (Thị xã)

 

Chùa ở vào khu yên tĩnh thay

Cảnh quang khoáng đảng, thoáng nơi này

Cánh đồng phía trước đầy mầm sống

Chánh điện trong nầy hướng kiếp sau

Có Kệ, có Kinh lòng hướng thiện

Có Tu, có Hạnh giữ tương lai

Cuộc đời đạo đức cho nhân quả

Thế giới, nhân sinh, cuộc sống này!

 

Đồ Ngông,

19/04/12.

 

 

 

*Lễ Hội Chùa Bà.            (Thị xã)

 

Chùa Bà Thiên Hậu tới hằng năm

Cứ đến tháng Giêng lệ đúng rằm

Lễ hội tưng bừng, người náo nhiệt

Đám đình vui vẻ, khách vào thăm

Nào lân, nào trống vang inh ỏi

Rước cộ, rước Bà có tiếng tăm.

Chiêm bái người người lòng kính ngưỡng

Vay vay, nợ trả, khấn âm thầm!

 

Đồ Ngông,

19/04/12.

 

 

 

*Ngã Tư Piscine.          (Thị xã)

 

Cái ngã tư nầy dính tuổi thơ

Của nhiều đứa trẻ giống như mơ

Ngày xưa còn nhỏ thường hay đến

Tới tắm Piscine với bạn chờ!

 

Lớn rồi chẳng để ý gì đâu

Thỉnh thoảng gặp nhau nhắc chuyện lâu

Kỷ niệm ngày nao đầy luyến nhớ

Ngã tư, hồ tắm, sóng dâng trào!

 

Đồ Ngông,

19/04/12.

Wednesday, September 4, 2013

*Lý Lẽ Của Kẻ Mạnh!


*Chuyện Tào Lao 2!        (tt)



Người ta thường nói “Lý lẽ của kẻ mạnh bao giờ cũng thắng”! Điều ấy không ngoa, vì rằng kẻ mạnh với sức mạnh khiến người ta phải nễ vì mà không dám làm trái ý của mình, thế là mình muốn như thế nào người ta cũng phải “thuận” theo thế ấy. Điều đó khiến tôi nhớ lại thời còn bé tí, đi chơi với những thằng to lớn hơn, nó muốn cho mình chơi chung thì cho, không cho thì bỏ mình ra. Mình nhỏ mà muốn chơi thì đành chìu theo ý tụi nó. Chơi phe nầy thì nghịch với phe kia, mình phải chọn một phe! Có những lúc hai phe nghịch nhau, mình là “cò ke lục chốt”, là đám nhỏ chỉ là tay sai của tụi lớn thì mình lại thiệt thòi hơn những thằng cầm đầu hay lãnh đạo nhóm nhiều. Có những lúc mình ngồi trên ghế chân để thỏng xuống, hoặc ngồi trên bực thềm đặt chân trên đất, thế mà phe kia nó vẽ một vòng thật lớn vào sát chân mình, nó gọi đó là vùng đất của nó, nó “xí”; mình để chân lên vòng ấy hay bước vào vòng đó tức là mình vào vùng đất của nó thì nó sẽ kiếm chuyện đánh mình. Trước sự ép bức như vậy, vì mình yếu và nhỏ, nên mình đành nín thinh mà chịu “lép vế” hoặc là ngồi chịu trận hay là bỏ đi chỗ khác. Đó là thế của kẻ mạnh khi mình còn nhỏ.

Còn trong những chuyện sử của Tàu đầy dẫy những chuyện những nước lớn bày mưu tính kế để đánh chiếm những nước nhỏ, hay dùng chước để nước nhỏ đánh nhau khiến các nước cùng nhau suy yếu để rồi chúng phải lệ thuộc, hay nước lớn đó thôn tính các nước nhỏ một cách dễ dàng mà không phải hao binh tổn tướng. Đó là ý đồ của những nước mạnh đối với nước yếu, hay nhỏ hơn trong truyện Tàu thuở xưa.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là ngày nay không có. Điều đó nước Tàu biết hơn ai hết! Trong quá trình lịch sử, đã bao nhiêu nước bị thôn tính mà bây giờ người ta cứ nghĩ mình chỉ là dân của một nước to có dân số đông trên thế giới mà không bao giờ nghĩ là dân tộc mình đã bị đồng hóa lâu đời; đôi khi mình lại tiếp sức cho sức mạnh ấy để bành trưóng thêm nữa hầu đáp ứng mưu đồ làm bá chủ của khu vực hay thế giới.

Dân tộc Việt Nam là một sắc dân tộc của dòng Bách Việt ở phía nam sông Dương Tử còn tồn tại, độc lập cho đến ngày nay với một ý chí kiêu hùng đấu tranh để sống còn. Lịch sử khẳng định điều ấy! Bây giờ người ta muốn Việt Nam phải đối đầu với mọi khó khăn: Từ kinh tế đến chính trị và các phương diện khác để tiềm lực bị suy yếu, mà phải chịu thần phục trước uy lực của họ. Việt Nam vừa phải đương đầu “thù trong giặc ngoài”, sự chia rẽ vì ý thức hệ từ trong cuộc chiến đến sau khi kết thúc chiến tranh; từ quan điểm “kẻ thù” mà hận thù hãy còn kéo dài từ trong nước ra đến nước ngoài. Đâu đâu và lúc nào cũng chỉ thấy “hận” với “thù”! Trong khi ấy, kẻ mạnh đang lấn dần, uy thế hùng hỗ kẻ vòng tròn “xí” lãnh thổ bao la trên biển cả để chiếm lấy tài nguyên, khu vực hòng kiểm soát vùng quan trọng mà khuynh đảo khu vực cùng thế giới; và sẵn sàng thế thượng phong nhằm cô lập, tạo thế bao vây để rồi trói buộc Việt Nam để Việt Nam trở thành lệ thuộc hay là một phần lãnh thổ của nước lớn. Tưởng rằng chuyện “con nít” chơi ngày xưa, nay lại trở thành một sách lược của một siêu cường đang ni lên với đầy dẫy những tham vọng to lớn. Thế mới biết chuyện con nít vẫn mang đầy tính chất tương lai của loài người! Nhưng trí khôn không biết có đáp ứng được với mọi thủ đoạn hay không? Người ta nói: “Khôn thì sống, mống thì chết”, thì mình cứ “giương” mắt mà chờ xem vậy!

 

Đồ Ngông,

29/08/2013.

 

*Lời Tự Tình!



Có lẽ tôi cũng cần nên viết lên lời tự tình nầy vì tất cả những gì tôi viết từ trước đến nay đều do những nhân duyên mà đến, ngay cả những bài tìm hiểu về Đạo Phật. Từ lúc còn ngồi học trên ghế nhà trường hay đến khi lưu lạc trên xứ người, tôi không bao giờ dám nghĩ là một ngày nào đó mình có khả năng để viết. Nhưng “đùng” một cái tôi lại viết văn và làm thơ nữa. Vẫn biết rằng “cây” không mọc được nếu không có hạt nhân, tôi cũng lại xét lại mình và cố tìm hiểu về “hạt nhân” ấy.

Mỗi con người trong cuộc đời đều có những hoàn cảnh sướng vui hoăc đau khổ. Tôi thì không được may mắn như những bạn bè, hoàn cảnh của tôi khắc nghiệt hơn nhiều. Tôi thường không vừa ý với những hoàn cảnh ấy và hay có nhiều suy tư, biện luận với chính mình. Nhiều đêm thao thức mà suy nghĩ về nhiều vấn đề, kể cả những vấn đề không đâu. Không biết đó có phải là nguyên nhân để về sau nầy tôi có điều kiện để viết. Tôi mang trong mình những ý niệm về cuộc sống từ thuở ấy. Cuộc đời tôi lớn lên lại càng có nhiều trắc trở, từ bản thân cho đến những bước đường đi học xa nhà. Mỗi lần thất vọng tôi lại cố gắng với hoàn cảnh để mình không lâm vào hoàn cảnh bế tắt. Ở năm cuối của bậc Trung học, tôi đã hai lần bị những ông lính có tiếng là hung thần địa phương “khủng bố” tinh thần khiến cho trí nhớ của tôi trở nên tồi tệ và hụt hẫng, mặc dù trước kia trí nhớ của tôi cũng chẳng tốt lắm gì! Nhưng rồi cuối năm đó tôi vẫn lọt được qua vòng tốt nghiệp để rồi tôi không thể thi vào các trường nghề (vì khai sinh chỉ 17 tuồi) hầu kiếm cho mình một cái nghề để mưu sinh về sau nầy. Cuối cùng tôi phải đi vào đại học lây lất đợi chờ năm sau. Vì trí nhớ của mình tồi tệ quá nên tôi chọn cho mình môn học ít cần đến trí nhớ: Tôi lại ghi môn Dự Bị Triết. Chao ôi! Tôi đã sai lầm vì học môn nầy! Tôi vừa chẳng nhớ mà lại còn muốn điên lên được! Kiểu cách triết gia của những nhà gật gù, suy tư tôi đã chẳng có tí nào; mà ngôn từ “lập dị”, nhiều danh từ khó hiểu Hán Việt, cùng kiểu cách diễn tả thời thượng viết một hàng dài với những dấu nối dính liền nhau, càng làm cho tôi tự thấy mình bé nhỏ trong thế giới “triết học” nầy hơn, nhất là đối với một học sinh có Tú Tài II ban A (Khoa học thực nghiệm) chứ không phải ban C (Văn chương, sinh ngữ) như tôi. Thêm nữa, ngoài xã hội những phong trào phản kháng chiến tranh “ca khúc da vàng”, “gia tài của mẹ”, tiếng hát Khánh Ly, nhạc Trịnh Công Sơn, phong trào hiện sinh, phong trào Hippy, sống ngày nay chẳng cần biết đến ngày mai khiến cho tôi lại thấy mình càng lang thang hơn. Tôi lao đao ở giữa thị thành, tôi quay cuồng trong những giờ triết học Tây phương với Linh mục Lê Tôn Nghiêm qua thuyết “đồng qui” Thần học của Teilhard de Chardin, hay “Triết lý gia tiên, an vi, tiên rồng” của Linh mục Lương Kim Định ngoài những giờ của các Giáo Sư Nguyễn Văn Trung, Linh mục Thanh Lãng, Thu Giang Nguyễn Duy Cần…Tất nhiên trong năm nầy tôi không đạt được kết quả nào cả từ trong nếp sống bơ vơ nơi thành phố lẫn tài chánh cùng học hành. Nhưng chắc cũng chính nhờ nó mà tôi đã có những số vốn về “Triết học” của ngoài đời, quan niệm “Xã hội” trong tư tưởng của tôi lại được nung đúc càng ngày càng nhiều hơn, có lúc tôi lại mơ ước: “Có một ngày nào đó, tôi lại có khả năng viết để rồi tôi sẽ vạch trần những bộ mặt xã hội, những mặt trái của cuộc đời, những bỉ ổi trong thế giới nầy cho tất cả mọi người cùng xem”!

Ngoài những tư tưởng ấy ra, tôi thực sự chỉ có một số vốn nghèo nàn về trí thức, không có cơ hội nào để đọc các sách vở hay tiểu thuyết, dù là của Tự Lực Văn Đoàn hay chuyện kiếm hiệp của Kim Dung; thiếu kinh nghiệm sống từng trải vì tôi không có dịp đi đó đây hoặc lăn lộn trong cuộc đời, còn kiến thức về học vấn thì tôi lại vướng vấp với trí nhớ tồi tệ nầy. Nói như vậy có nghĩa là: Chuyện viết của tôi chỉ là một chuyện xa vời, không tưởng!

Xong một năm “lang thang” ở ngưỡng cửa Đại học Văn khoa, tôi mừng rỡ vội vàng nộp đơn thi vào trường “Quốc gia Sư phạm” để mong kiếm một cái nghề bình an trong thời gian chiến tranh; mà cũng tương đối dễ dàng nhất cho thế hệ “học trò nhà quê” của chúng tôi. Tôi được vào trường Sư phạm, thế là không lo chuyện bị động viên nữa, tôi thỏa mãn với cái đạt được của mình. Tôi không còn mong cầu học cao vì chúng đã vượt quá tầm tay và khả năng của tôi!

Sau hai năm trong trường nghề, tới ngày ra trường tất nhiên với trí nhớ không tốt tôi không thể đạt được hạng cao mà về hạng gần chót (cách chót vài chục người). Nhưng cái đau của tôi nhất lại là bị đình chỉ “sự vụ lệnh” vì lý do sức khỏe (nám phổi). Lúc ấy tôi chán nản tột cùng! Bao nhiêu năm ôm ấp để có nghề kiếm tiền sinh sống mà ngay lúc ấy bị trở ngại. Từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 12 tôi u buồn vì sức khỏe lẫn trở ngại nghề nghiệp; và rồi hết hứng thú khi cầm Sự Vụ Lệnh trễ để về cơ sở trường học nơi công tác của mình!

Từ ấy trong cuộc sống, ấn tượng bệnh lao mãi ám ảnh tôi suốt thời gian dài, tôi tự mình phấn đấu và vượt qua kể cả những biến chứng của nó như ù tai, mờ mắt và nhất là những lúc trở trời sức khỏe mình kém hẳn đi.

Và cũng từ lúc nầy tôi cố gắng tập luyện lại trí nhớ mà tôi đã bị mất từ đầu năm lớp Đệ Nhất (lớp 12). Nhưng sự tập luyện ấy không dễ dàng chút nào. Tôi vận dụng lại phương cách mà tôi đã áp dụng khi học bài thi năm Tú Tài I (lớp 11). Đọc một đoạn bài rồi nhắm mắt lại để hình dung những dòng chữ trong trang sách hiện ra. Tôi không đạt được kết quả như trước kia mà nó lại hiện ra những vòng tròn ánh sáng từ giữa tam tinh (điểm giữa hai con mắt, trên trán) phóng đồng qui về vô cực. Lạ quá, tôi chú tâm theo dõi. Những đêm sau cũng vậy! Nhưng vào một đêm nọ, tôi đang “hăng say” theo dõi hiện tượng lạ ấy thì người bạn ngủ chung mớ và đánh lên tấm ván ngủ một tiếng lớn làm tôi cảm thấy mình bị chơi vơi. Từ đó, tôi sợ và không dám theo hiện tượng ấy nữa. Đó là những hiện tượng đầu tiên mà tôi đã nhận được trong lúc tôi định tâm mà luyện trí nhớ chứ không phải là ngồi thiền.

Tôi bỏ luyện tập theo cách đó trong thời gian lâu lắm, và cứ để mặc theo tự nhiên tập từ từ được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu. Rồi theo thời gian, tôi cũng được nguôi ngoai để ổn định cuộc sống của mình. Tôi ghi lại các điều nầy không phải là không có lý do của nó. Vì nguyên nhân mà khiến tôi cầm cây viết để ghi những điều đầu tiên chính là sự kiện nối tiếp sự kiện đã xảy ra nầy.

Hơn năm sau tôi lập gia đình, rồi khoảng sau Hè đỏ lửa tôi được chuyển lên Trung học Đệ nhất cấp để dạy Sử Địa. Ở khoảng thời gian nầy tôi cũng chẳng nghĩ mình có khả năng gì để viết hoặc làm thơ, mặc dù từ năm Đệ Nhất tôi có làm vài bài thơ “Con cóc” để chơi; hoặc thỉnh thoảng làm vài bài trong những lúc buồn buồn của những ngày mới ra trường với tâm trạng buồn chán của con bệnh đeo đuổi theo mình. Sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, trong hoàn cảnh khó khăn chung, ai cũng lo vì sự sống của mình và gia đình mà cùng nhau tất bật bươn chải, tôi lại càng không nghĩ đến việc văn chương, không khéo lơ mơ lại phải “mang họa vào thân”!

Thế rồi, tôi lại đi. Tôi đến xứ người vào năm 1984 để chọn xứ người làm quê hương. Quê hương của chính mình thì bỏ lại sau lưng và chỉ còn trong trí nhớ. Ở xứ người tôi chỉ đi làm công để kiếm tiền trong các nông trại. Kiếm tiền đã mệt nhoài rồi, cầm cuốc nữa thì làm gì lại nghĩ đến văn chương. Tôi an phận với mọi hoàn cảnh của mình!

Vài năm sau vợ con qua trong diện đoàn tụ gia đình. Cuộc sống nơi nầy khiến hai vợ chồng cố gắng làm hơn nữa để chi phí cho gia đình, lẫn lo cho con ăn học. Sự làm ăn cũng phức tạp, nhất là trong giai đoạn việc ít người nhiều; sự đâm thọc, ganh ghét phá nhau cũng là thường. Tôi ngậm ngùi tình đời và cũng có được vài kinh nghiệm, triết lý cuộc sống sau các sự kiện xảy ra. Nhất là tôi đã ráng vươn lên để tạo sự nghiệp ổn định cho mình và gia đình thì sức khỏe tôi lại bị gãy đổ lần nữa. Lòng tôi buồn vô hạn, và cố định tâm lấy lại tinh thần cho thích hợp hoàn cảnh mới. Tôi không ngờ trong lúc ấy tôi lại lọt vào vòng “khám phá tâm linh” bất đắc dĩ! Những hiện tượng lạ lùng trong lúc mơ màng: “Không ngủ cũng không tỉnh” ấy khiến tôi luôn bị ám ảnh và nghĩ tới. Tôi không hiểu ngày xưa Đức Phật khi ngồi thiền đã cảm nhận được gì? Chứ tại sao tôi không ngủ, không tỉnh mà lại thấy những cái lạ lùng như vậy! Tôi bắt đầu chú ý đến con đường: Đi tìm trong Kinh Phật coi thế nào? Nghĩ như thế mà cả mấy năm sau tôi mới có dịp.

Cơ duyên đã đến, anh bạn tôi làm trong Ban Chấp Hành của Hội Nông Gia; anh cho ấn hành bản tin trong đó có phụ thêm phần văn chương. Tôi thấy anh có vẻ bận rộn với Bản Tin ấy quá, tôi xin phụ họa cùng anh cho vui. Thế là bài đầu tiên của tôi đã ra đời! Anh cũng khá ngạc nhiên với lối viết của tôi. Rồi vì bài tôi viết có tầm quan trọng khá lớn mà đăng kéo dài thì không thể được; tôi vội vàng kết thúc và nhờ tờ báo biếu địa phương đăng tải dùm. Đó là bài viết đầu tiên của tôi lên báo để trình diện cùng quần chúng độc giả trong Cộng đồng người Việt trên xứ người.

Cơ duyên nầy tiếp nối cơ duyên khác. Sau đó, vì nhu cầu giúp cho phụ huynh có thêm ý kiến để “nắm bắt” con cái còn ở lại trong vòng tay của mình; tôi cố gắng vận dụng những kiến thức khi còn học trong trường Sư Phạm để đúc kết thành những bài viết đưa lên để phụ huynh tham khảo, từ báo địa phương cho đến báo liên bang. Và tôi cố gắng dùng hết khả năng, kiến thức để hoàn thành 17 bài viết cho Thanh Thiếu Niên. Đó là “Những Bài Viết Cho Con” để trang bị cho Thanh Thiếu Niên biết mà tạo dựng cho mình một cuộc sống đáng sống, có ý nghĩa trong cuộc đời nầy. Song song vào đó, tôi lại tìm hiểu vào đạo Phật và nhất là trí tò mò của tôi muốn đi tìm những điều mà Đức Phật đã ngộ trong lúc ngồi Thiền. Sự đi tìm của tôi cũng khá gian nan, tôi không gặp được nhiều vì nó chỉ bàng bạc trong các Kinh; nhưng khi đọc các Kinh tôi lại hiểu dễ dàng và có hệ thống hơn. Từ đó tôi cũng ghi lại được khoảng 30 bài “Tìm Hiểu Về Đạo Phật”, nhất là đúc kết lại thành tài liệu “Tổng Quan Về Giáo Lý Đạo Phật”. Ngoài ra, còn một số bài viết về “Mẹ và Lễ Vu Lan (khoảng 8 bài), 4 bài cho Quê hương: “Ta Còn Có Một Quê Hương”, “Một Biểu Tượng Cho Quê Hương”, “Quê Hương Ta Bất Hạnh” và “Sự Hùng Hồn Của Dân Tộc”; cùng một số bài Tuỳ bút hay nghiên cứu ngắn khác.

Một điều đặc biệt và cơ duyên nữa lại xảy ra là động cơ thúc đẩy tôi làm thơ. Làm thơ để giải tỏa những tâm sự của mình khi có vấn đề nào đó, thì trong thời gian nầy tôi cũng có vài bài thi thoảng đăng trên báo địa phương. Nhưng trong khi tôi cố gắng giúp thêm ý kiến cho phụ huynh để họ có thể giữ gìn con mình trong tầm tay, không bị lôi cuốn vào con đường hư hỏng, thì đột nhiên người lớn lại làm thơ, viết văn mạt xát nhau trên báo chí. Sau một thời gian khá dài chờ đợi không thấy ai dám can thiệp cả, cuối cùng tôi quyết định ra tay. Lần nầy, tôi xuất hiện trên một bình diện khác. Nếu với những bài viết trước viết về giáo dục, đạo Phật, hay những bài nghiêm chỉnh, đàng hoàng tôi lấy bút hiệu là Nguyên Thảo; thì nay nhập cuộc để can thiệp nầy tôi phải chấp nhận bị chửi và phải biết chửi, thế là tôi nhất quyết chọn bút hiệu “Đồ Ngông” như một cái bẫy đối với những người trong cuộc bút chiến không lành mạnh nầy. Tôi không có khả năng chửi thẳng vào họ, vì tôi chỉ đơn độc, với mục đích can ngăn bớt họ lại thôi. Cho nên tôi chỉ chửi bâng quơ, và chửi những thói xấu của cuộc đời như trong 4 câu thơ ngông nghênh, ngạo mạn sau:

Ngồi buồn sắp chữ lại thành thơ

Ta gọi thơ ngông, chửi cuộc đời

Moi móc kiếp người bao cái xấu

Đem rao thiên hạ xúm coi chơi!

…………………………………

 

Hay như trong bài “Bắt Chước”, thay vì chửi người, moi móc những cái xấu của “đối tượng” mình chửi như họ; tôi đã xoay cái chửi vào những thói xấu chung của xã hội. Thế là tôi đã làm “một cách riêng” để chẳng đụng chạm đến những người trong cuộc và mới có thể tránh được sự tấn công của họ. Tôi chỉ đi bên lề của họ mà thôi!

 

Bắt chước người, ta chửi…(chửi) cuộc đời

Ta nay hứng chí viết văn chơi,

Làm thơ moi móc đời nhiều xấu

Rồi chửi, rồi la đỡ (vơi, bớt) hận đời!

 

Ta tiếc xưa kia học lỡ làng

Ngày nay ngu dốt làm dân gian,

Câu thơ, chữ nghĩa không sâu sắc

Chửi chẳng bằng ai, tức bẽ bàng…!

 

Phải trước ra đời đi "bán cá"

Học đòi sách vở của "hàng tôm",

Ngày nay võ miệng tha hồ chửi

Cho đám người gian "tịt" cái mồm.

 

Đồ Ngông,

9-4-02.

 

Họ càng chửi người hăng chừng nào thì sức viết và làm thơ của tôi phải năng nổ chừng nấy để chứng tỏ rằng: “Tôi cũng biết chửi và có thể chửi hơn mấy người nữa” để rồi họ phải dịu lại. Thế nhưng họ đang nóng và còn nhiều giận dữ nên cũng kéo dài cả mấy năm trời. Thời gian kéo dài lâu như vậy khiến thơ Đồ Ngông cũng kết tập lại thành mấy trăm bài (đến nay cũng khoảng 300 bài: Từ thơ Đồ Ngông 1, 2, 3 (40 bài) và 6 (60 bài) dưới tựa chung là “Thơ Đồ Ngông”, mỗi tập khoảng 100 bài). Xen vào khi đi du lịch ở Việt Nam, hay vài nơi khác tôi đã làm những bài thơ để kỷ niệm, có nét hơi trào phúng nên bút hiệu vẫn là Đồ Ngông (từ nửa tập 3, tập 4, 5, 7 mỗi tập cũng khoảng 100 bài dưới tựa đề “Thơ Đó, Thơ Đây!”). Ngoài ra với Hương Vị Thiền khoảng 50 bài; Thơ Cho Bé (khoảng 40 bài); 100 bài “Thơ Về Bình Dương” quê hương tôi, và một số Thơ Nguyên Thảo (khoảng gần 60 bài). Để hỗ trợ cho Thơ, cùng lúc tôi cho ra đời hàng loạt các bài viết ngắn có hơi hướng kể chuyện thời trẻ con; tuy nhiên chúng đều mang tính khảo cứu (của tôi), lẫn cảnh tỉnh người lớn trong cuộc chửi lộn nầy. Tập đầu “Chuyện Tào lao I” gồm 62 chuyện, phần lớn có tính châm biếm, trào lộng trong đó; và Tập II đang trên cuộc hành trình mà bài nầy cũng là một trong các bài trong tập đó. Thế là Đồ Ngông đã thực hiện sự mơ ước của tôi từ thuở xưa: Vạch trần những thói đời để thiên hạ xem chơi. Hay nói đúng hơn Đồ Ngông là bút hiệu mà tôi sử dụng nó để vạch trần những thói đời, bỉ ổi của xã hội, hoặc “cay đắng”, trào lộng, trào phúng hay châm biếm và nói đúng hơn là nó phản ánh bề trái của xã hội; còn Nguyên Thảo là bút hiệu mà tôi sử dụng như một phương diện tích cực cho xã hội trên phong cách nghiêm chỉnh, đàng hoàng.

Tóm lại, Nguyên Thảo là để “đóng góp” vào bề mặt của đồng tiền và Đồ Ngông là vạch trần bề trái của đồng tiền (bề trái của xã hội). Còn loạt bài “Cuộc Hành Trình Của Chữ Nghĩa” (khoảng 20 bài) là tôi đề cập đến từng bước tôi tiến đến cuộc viết văn, làm thơ. Cũng ở trong loạt bài nầy tôi đã trình bày tôi không có khiếu viết văn, thiếu kinh nghiệm cuộc sống; nhưng rồi cơ duyên đưa đẩy tôi từ viết văn, làm thơ, tìm hiểu về tôn giáo (Phật giáo lẫn Thiên Chúa giáo), vào lĩnh vực thơ trào phúng, có châm biếm, có trào lộng. Quả là ngoài sức tưởng tượng, khả năng của tôi, chắc cũng do ngày trước lúc tôi học văn ở Trường Trung học Tân Uyên (Tân Uyên là quê hương nhà văn Bình nguyên Lộc) được thầy dạy Trần Văn Khánh trang bị cho những điều cần biết khi mình viết văn; đồng thời với một năm học triết không ra gì của tôi ở Đại học để rồi đợi chờ “cơ duyên” mà đến lúc tôi “phải” viết và tôi đã viết!

Hôm nay tôi cần viết những lời tự tình nầy để tâm tình cùng quý vị độc giả, để quý vị có thể biết hơn vì sao tôi lại viết về những bài học trong cuộc đời mà tôi đã đúc kết lại bằng những bài văn hay những bài thơ được núp dưới bút hiệu nào dù là Nguyên Thảo hay Đồ Ngông. Hai bút hiệu ấy chỉ khác nhau ở hai khía cạnh của một cuộc sống trong cuộc đời nầy! Thế thôi!

 

Nguyên Thảo,

22/08/2013.