Wednesday, October 16, 2013

*Một Dân Tộc Đứng Lên!


*Thơ Đồ Ngông!              (tt)



*Tham Vọng.

 

Muốn mình được mạnh ở trên cao

Thiên hạ tung hô, lại cúi chào

Nhất nhất muôn nơi đều cúi mặt

Một mình ta ngất ngưỡng trên cao.

 

Muôn năm vạn tuế mãi bầy tôi

Quỳ mọp cong lưng vẫn giữ lề

Không vãn, không than thân phận bé

Không buồn, chẳng nghĩ thoát cơn mê!

 

Muốn trùm thiên hạ, muốn ôm vào

Thế giới con con chẳng lớn đâu

Tay với đen xì nhơ với nhớp

Ngàn năm tham vọng cả con tàu!

 

Đồ Ngông,

13/10/2013.

 

 

 

*Xin Đừng Làm Khổ Nhau!

 

Cuộc đời đã khổ lắm rồi

Vui chi người lại gieo điều khổ đau

Muốn bao cho đủ sang giàu

Sống bao cho đủ lòng người đầy tham

Mình vui, vui thích an nhàn

Người người thiếu thốn, nỗi sầu không vơi

Lửa nung sùng sục không nguôi

Người ơi thương lại cho đời thế nhân!

 

Đồ Ngông,

15/10/2013.

 

 

 

*Thù Hận!

 

Mãi mang thù hận trong lòng

Giết ta, ta lại giết người chung quanh

Ngày xưa ta đã đày người

Sao ta không thấy, thấy người hại ta

Sống đời như kẻ phương xa

Biết ta, ta chẳng biết còn có ai!

 

Đồ Ngông,

16/10/2013.

 

 

 

*Một Dân Tộc Đứng Lên!

 

Một dân tộc đã vùng lên

Tạo thành một thế đứng

Sau ngàn năm nô lệ cúi đầu

Với một trăm năm xiềng xích ngoại bang.

Dù máu chảy

Dù bao người ngã xuống

Đốt cháy cả ruộng đồng, đá núi

Vùng cả lên

Cho hai chữ tự do.

Châu chấu nhỏ

Vươn chân đá trứng

Voi ngã nhào vì tổng lực mà nên!

 

Nguyên Thảo,

15/10/2013.

*Hận Thù!


*Chuyện Tào Lao 2.       (tt)


Nói đến hận thù là nói đến sự kéo dài, ẩn uất, thầm lặng và hành động biểu lộ trong thời gian lâu dài không biết đến bao giờ mới giải quyết được. Nếu làm theo như Đức Phật có đề cập đến: “Oán báo oán, oán chập chùng. Lấy ân báo oán oán tiêu tan”, thì có lẽ trên đời nầy người ta trở nên hạnh phúc và nhiều tình thương với nhau chứ không phải là một cuộc đời đau khổ triền miên kéo dài trong suốt cuộc sống của mỗi con người. Hận thù luôn ẩn nấp trong tâm tư để rồi nó hành hạ những người mang nó không có được cuộc sống yên bình trong thời gian dài, nhiều lúc nó trở nên sôi động như ngọn núi lửa hoạt động dữ dội và có những lúc lắng dịu nằm ẩn để chờ thời điểm mà bùng phát trở lại. Điều đó, khiến chúng ta thấy “mắt đền mắt, răng đền răng” là một câu chuyện thường tình của con người chứ không có gì là thần thánh cả. “Mầy tát tao một cái, tao tát lại mầy một cái, hoặc phải nhiều hơn một cái mới là thỏa đáng vì mầy đã khiêu khích tao”. Con người thích chơi trong những cuộc chơi có nhiều mạnh bạo, hay hận thù kéo dài mới là những thích thú của đời người, vì cuộc sống quá trầm lặng khiến cho người ta nhàm chán, không thích thú. Chính vì thế nên người ta phải bày ra, chọn những đối chọi để chia phe chơi với nhau như trong thời con nít, hay theo những phe đối nghịch và bắn giết lẫn nhau để thỏa mãn trong cuộc đời nầy. Và nếu như không nuôi những căm thù oán hận trong lòng thì khi chết đi họ chưa hài lòng vì cuộc chơi chưa được hoàn tất như họ mong muốn, mặc dù khi họ chết chẳng có gì để họ mang theo ngay cả bản thân của họ. Những cặp đôi đối nghịch, những triết lý mâu thuẫn trong đời hay những tôn giáo cần phải tranh nhau vươn ra toàn thế giới không cần đến tiêu chuẩn “Chân, Thiện, Mỹ” mà có thể đôi khi những tôn giáo ấy cần dùng những thủ đoạn thường tình của con người để tranh làm “bá chủ” hay thỏa mãn tự ái của một vùng miền hay sắc tộc nào đó. Điều ấy cũng được sự tiếp sức cùng kế hoạch của những người lãnh đạo, nó chẳng khác gì một đảng phái chính trị, hay một phe nhóm có nhiều tham vọng nhưng nó ác độc hơn nhiều vì điều khiển tự trong tâm thức, lòng hay nói đúng hơn là bằng “đức tin”! Do đó, chúng ta không thấy sự thù hận nào tàn khốc hơn bằng sự thù hận qua hình thức tôn giáo.

Thông thường khi mỗi con người không thích nhau đã có nhiều để ý đến nhau và những lời phát ngôn, hoặc những lời không tốt đẹp được phát ngôn để thỏa mãn với lòng mình hoặc có ý tưởng lôi cuốn người ngoài về với mình để nhìn đối thủ là không đúng nên sự kiện lại càng phức tạp hơn. Đó là chúng ta chỉ nói đến từng cá nhân sống trong xã hội, còn nếu đứng về những phương diện to tát hơn như những tổ chức, đảng phái chính trị thậm chí đến nhiều tôn giáo nữa họ sử dụng đến nhiều thủ đoạn khôn lường có thể là tinh tế, có thể là thẳng thừng mà không cần đến che đậy để thực hiện cái mục đích và cứu cánh của tổ chức của mình.

Hận thù khiến con người muốn thanh toán, triệt hạ nhau để mình trở thành kẻ chiến thắng và cầm đầu. Lúc còn chống đối nhau, tùy theo thực lực mạnh hay yếu mà họ tiến hành những phương cách đấu tranh. Yếu thì dùng chước, dùng cách đánh lén; mạnh thì lấn lướt, tấn công. Kẻ thống trị bao giờ cũng dùng đến những biện pháp trấn áp, những hình phạt độc địa để kẻ đối nghịch không dám chống lại nữa. Khi kẻ yếu lật được trở lại thì họ cũng dùng những phương cách như vậy. Cho nên hận thù cứ mãi kéo dài không biết đến bao giờ, và con người cứ mãi sống trong hận thù! Chỉ tội cho dân chúng thường mà thôi: “Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”! Kẻ thù hận nhau, hành hạ nhau không được đâm ra hành hạ người dân cho thỏa mãn tức giận của mình. Những kẻ chống đối nhau cũng luôn dựa vào lực lượng hùng hậu dân chúng để được che đậy, giúp đỡ, nuôi nấng, hậu thuẫn để làm một cuộc vùng dậy thành công. Nhưng đến khi thành công thì quyền lợi của bản thân và của phe nhóm, đảng phái mình là chính, người dân bị lãng quên và nhiều lúc lại bị bốc lột nữa. “Làm cho dân, phục vụ cho dân” chỉ là những tiêu đề ma mị, để lừa đảo người dân an nhàn trong sự bị bốc lột và chà đạp. Thử hỏi họ đã làm gì cho người dân được sung sướng, hạnh phúc! Muôn đời vẫn vậy! Chẳng có triều đại nào sáng giá lâu dài trong suốt chiều dài lịch sử cả, kể cả trong thời đại gọi là dân chủ nhất!

Đã chẳng được vậy mà thế lực hận thù lại muốn lôi cuốn nhiều người vào trong cái niềm hận thù của họ, họ hận thù cũng muốn nhiều người sống trong hận thù như họ. Lôi kéo được nhiều người chừng nào tốt chừng nấy! Họ chẳng hiểu “Lấy tình thương xóa bỏ hận thù” là gì và cũng chẳng bao giờ họ thèm hiểu!

 

Đồ Ngông,

29/09/2013.

Thursday, October 3, 2013

*Mùa Thu!




Tôi nghe nói đến mùa Thu, tôi học về mùa Thu rất nhiều, nhưng tôi đã chưa cảm nhận được mùa Thu khi còn ở quê nhà. Bởi lẽ, tôi là đứa bé được sinh ra và lớn lên gói gọn ở vùng đất miền Đông, nơi chỉ có hai mùa mưa nắng. Tôi thích lắm bài “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh: “Hàng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…” Hay có lúc tôi đọc những câu thơ của Bà Tương Phố:
“Trời thu ảm đạm một màu
Gió thu hiu hắt cho sầu lòng em
Trăng thu bóng ngã bên thềm
Tình thu ai để duyên em bẽ bàng.
Rồi các bài “Thu Điếu, Thu Ẩm, Thu Vịnh” của Nguyễn Khuyến. Hoặc:
“Em có nghe mùa thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô…”
 
của Lưu Trọng Lư. Rồi tôi lại nghe đến bài “Mùa Thu Paris” của Nguyên Sa,  những bài hát ca tụng mùa thu của Trịnh Công Sơn hay của Ngô Thụy Miên khiến tôi lại thường tưởng tượng cho khung cảnh của một mùa thu nào đó. Trí tưởng tượng của người ta thường hay quái ác, tưởng tượng và mơ mộng những gì mà mình chưa chứng kiến để rồi mình lại mơ mộng, giấc mộng được kéo dài thêm ra. Quả thật tôi cũng chẳng là ngoại lệ! Ở miền nam hai mùa mưa nắng làm gì có mùa thu, rồi người ta đi chụp những bức ảnh trong rừng cao su vào thời gian cao su thay lá để tưởng tượng đó là khung cảnh mùa thu. Mà cũng đẹp và mơ mộng thật! Tôi và bạn bè cũng đã từng “đạp trên lá vàng khô”, đã từng ngước nhìn lên bầu trời có nhiều mây bàng bạc, có những con chim đứng trên cành trụi lá, hay chúng tôi chứng kiến những lá bay bay theo gió, nhưng chúng tôi cũng không tận hưởng được mùa thu vì đó là khoảng thời gian vào cuối năm. Thế nhưng tôi lại thích nhìn những lá cao su bay bay vào lề mỗi khi có xe hơi chạy qua, cuốn những chiếc lá rơi rớt trên đường với những âm thanh nho nhỏ xạc xào.
Rồi trong những sách, tạp chí có những ảnh mùa thu, tôi ráng cố giương mắt lên nhìn, quan sát để xem mùa thu nó ra sao. Tôi bắt chước như Trịnh Công Sơn để “Nhìn những mùa thu đi”. Tôi cố lắm, nhưng tôi chẳng nắm bắt được bao giờ! Tôi nhớ lại thời gian còn đi học, cỡi xe đạp đi trên những bờ ruộng vào những ngày đầu tựu trường tôi nhớ các điều Thanh Tịnh diễn tả với “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh…” hoặc Nguyễn Khuyến “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo”, “Sóng biếc theo làn hơi gợn tí, Lá vàng trước gió sẻ đưa vèo, Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt”; với những hình ảnh ấy tôi thấy trên cánh đồng vào những tháng nầy sao nó có hơi hướng mùa thu lạ. Trên bầu trời đầy mây, gió hiu hiu hơi lành lạnh, nhất là sương mù giăng giăng, người đi trên bờ ruộng mờ mờ xen lẫn với những bông lúa đong đưa, người ta nói sương mù nầy làm cho lúa đang trổ đòng đòng sẽ ngậm bông, làm hạt. Không biết thế nào, chứ tôi nghe mặt mình lành lạnh vì sương và gió. Những lúc chúng tôi dắt xe đạp qua cầu khỉ bắt ngang những vũng nước lớn trên cánh đồng thì gió nhẹ thổi làm nước lăn tăn mà thằng bạn tôi nó cứ ngỡ là cầu chạy, nó đành ngừng ngay giữa cầu khiến chúng tôi cũng không làm sao qua cầu cho được. Ôi âu đó cũng là những điều vui và đầy kỷ niệm với những gì mình chưa được biết và háo hức để được biết.
Thế rồi với thời gian lớn dần, tôi bằng lòng với những gì tôi có, không còn tưởng tượng mùa thu ra sao nữa, mà cũng chẳng bận lòng. Nhịp sống dồn dập, ai cũng lo tìm ăn trối chết trong những năm hòa bình, người ta làm mà quên mình để tìm một cuộc sống đầy đủ đã là khó thì ai hơi đâu mà còn biết đến cái mùa.
Rồi một ngày nào đó tôi lang thang trên vùng đất ở Nam bán cầu nầy để được “nhìn những mùa thu đi”. Quả thật như là cơn mơ! Tôi đặt chân lên xứ người khi trời “chớm thu” (bắt đầu vào thu). Tôi nghe khí trời lành lạnh, có những ngày mây tràn đầy và mưa lất phất bay. Ở trong trại tiếp cư được lo lắng đầy đủ, nhưng từ xứ nóng đến xứ lạnh ban đêm cần đến lò sưởi, sưởi như vậy mà vẫn nghe còn lạnh. Sưởi đến khô cả cổ vì không khí bị đốt nóng đến khô khan. Để thêm nước cho dung hòa độ ẩm. Những ngày nắng ấm thì còn đỡ, những ngày trời âm u gió nhiều thì ráng đi nhanh nhanh như trốn chạy cơn lạnh. Mưa khá nhiều, đất ướt hơn làm cho những cây gần rào to lớn thế kia mà lá bắt đầu úa vàng. Mùa thu đã đến trên cây. Có cây với bộ lá màu nâu nâu, đo đỏ, vàng ửng, vàng óng lên. Những cơn gió nhẹ cũng làm rơi đi vài chiếc lá vàng. Lá rời cành lảo đảo theo chiều gió lần rơi xuống đất. Vài cơn gió mạnh thổi qua, lá bay hàng loạt tắp vào mặt người đi bộ mà không thương tiếc. Người ta bắt đầu mặc áo dầy hơn, thân được to ra. Trên đường phố đầy những chiếc lá rơi. Lá bay trên đường, lá chạy vào phố, lá chun vô hóc hẻm với tiếng kêu xào xạc, lá gom vào góc phố, góc đường để một cơn gió khác tới lại móc nó ra. Lá nhỏ, lá to có nhiều sắc màu pha trộn vào đó để mưa xuống chúng nằm im trong cùng một màu sắc khô đen. Những cành cây trụi lá vươn chọc lên bầu trời để ló ra những khung tường gạch đỏ hay những nóc nhà với những màu khác nhau. Cảnh vật quang đãng hơn trong một bầu trời xám xịt đầy mây! Vì những lá xanh che khuất ngày trước đã không còn!
Tôi cũng thấy mùa thu trên những cánh đồng trồng nho, những hàng nho lá trở nên vàng óng sau những ngày hè mà người ta đã thu hoạch xong. Hay nhìn lên những hàng cây táo hoăc lê mà thấy những sự trở màu của lá để rồi khi gió đến từng loạt những chiếc lá bay đi, lá “cuốn theo chiều gió” để lại những chiếc cành lặng lẽ chịu đựng trong mùa đông!
Những buổi sáng đi trên đường nhìn vào, trông cánh đồng có những vệt sương mù dù dầy hay mỏng biết đó là những nơi mà không khí lạnh sát mặt đất khiến hơi nước từ cỏ bốc lên đã ngưng tụ lại thành mây là đà ngay trên đó. Tôi cũng đã chứng kiến nơi những ao, hồ, dòng nước, dòng sông có những luồng khói, hơi bay lên mà khoa học giải thích là: Vì ban ngày nước hấp thụ năng lượng mặt trời và giữ được năng lượng lâu hơn nên khi không khí trên mặt trở lạnh nhanh, sự chênh lệch nhiệt độ ấy khiến nước bốc hơi, hơi nước trong mỗi độ chỉ chứa với một số lượng hơi nước nào đó thôi, còn những lượng dư ra thành những giọt nước nhỏ li ti kết hợp lại thành hơi sương, khói nhẹ bay lên. Sương khói nầy vừa bay lên vừa theo ngọn gió nên chúng dạt, trải dài theo ngọn gió. Ngày xưa khi chúng tôi còn nhỏ, trong những ngày mưa, mây xuống thấp cứ nghĩ cùng nhau lấy đòn gánh giơ lên là sẽ đụng được mây và tọt (thọc và đẩy) mây lên; nhưng có thật nhiều lúc mình đi trong mây mà mình không biết: Vì lẽ đơn giản mây trên mặt đất chính là sương mù. Đúng là những ngày nhỏ hãy còn “ngây thơ”!
Tôi cũng từng đi trên những vùng núi vào mùa thu sang. Xen lẫn những vùng cây còn có màu xanh tươi là những ngôi nhà có trồng những cây trở lá của mùa thu hay những cây rừng tự nhiên trở màu. Vừa được ngắm phong cảnh vừa nhìn màu sắc, những màu vàng óng, vàng cam, màu đỏ, màu nâu, màu khô cháy… điểm xuyết xen nhau và lại được nhìn sương mù, hay những làn mây mong mỏng nho nhỏ mới vừa thoát bay lên từ ao hồ cùng với cái lành lạnh của khí trời tương đối ẩm ướt và làn gió hơi lành lạnh “heo may”!
Tôi đi, đi lẩn thẩn, trầm ngâm như một thi nhân lặng lẽ trong khu vườn để ngẫm nghĩ đến một triết lý của mùa thu. Người ta trồng những cây dị ứng để mỗi khi vào thu bao nhiêu người đến đây chiêm ngưỡng “mùa thu về trên cây lá”! Những sắc màu của một khu vực, từng cơn gió nhè nhẹ thoảng qua, những chiếc là vàng tơi tả bay bay theo chiều gió; hoặc chúng tung lên hàng loạt với những cơn gió hung tàn mạnh bạo. Chiếc cầu nho nhỏ vắt qua ao nước, làn khói sương từ mặt nước bốc lên mà tôi cứ tưởng tượng đến câu thơ của Thôi Hiệu “Yên ba giang thượng sử nhân sầu” (Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai - Tản Đà dịch) để rồi tôi lại tự vấn “hương quan hà xứ thị”? Tôi còn đi lang thang dưới những tàn cây lá nhỏ dẫm trên thảm lá màu nâu đỏ và nhìn những tia nắng xiên len qua những lá, tàng, hàng cây thật yếu ớt mà chiếu lên mặt đất.
Có những lúc tôi cũng hay ngồi uống cà phê để nhìn “mùa thu phai”, những chiếc lá sau cùng của các cây ăn trái ở sau vườn, cây nectarin màu vàng óng, lá dài mỏng, cây apricot lá hình trái tim, hơi tròn màu vàng đậm đà hơn, cây đào lông màu vàng nghệ có điểm nâu đỏ, cây mận tây, cây cherry màu nắng cháy, những cây hồng màu nâu đỏ trên chiếc là dày, cứng làm cho tôi cảm thấy mình giống như một nhà thơ đi tìm cho mình một khung trời mùa thu ở trong vườn. Nghĩ thế, tôi lại nhớ đến bài “Nhớ mùa thu Hà Nội” của Trịnh Công Sơn:
“Hà Nội mùa thu! Cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ nằm kề bên nhau phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu. Hà Nội mùa thu – Mùa thu Hà Nội. Mùa hoa sữa về thơm từng cơn gió. Mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ phố sữa vỉa hè thơm bước chân qua…”
Và rồi, bây giờ tôi đã được thấy, được nhìn, được ngắm, được suy ngẫm về một mùa thu trong thơ, nhạc và cả cái triết lý của cuộc đời!
Ôi! Mùa thu sang!
 
Nguyên Thảo,
22/09/2013.

*Ỷ Mình! (tt)


*Chuyện Tào Lao 2!            (tt)



Nó biết thằng Nam bị thằng Hoa ăn hiếp chớ, vậy thì đáng đời! “Mà thằng Nam có là của tao đâu mà tao phải tận tình! Tao giúp nó chẳng qua là mượn máu nó để làm cho thằng Hoa suy yếu, thằng Hoa nhờ đến tao, tao sẽ yêu sách thằng Hoa phải làm những điều mà tao muốn có”. Nó quăng viên đá trúng được hai con chim: Thằng Nam bại liệt nằm đó, thằng Hoa van nài chịu mọi điều kiện. Nó hiên ngang, dõng dạc với thiên hạ. Nó lại còn kể ơn kể nghĩa với thằng Nam, bắt thằng Nam phải phục tùng nó. Thằng Nam quả là cứng đầu, nó phải dạy cho thằng Nam bài học để biết hậu quả của sự ương ngạnh, lì lợm là thế nào. Nó làm như quân tử lắm vậy! Nó muốn nuốt thằng Nam, nhưng nó chưa làm gì được, vì thằng Nam hãy còn nhiều bản lĩnh. Thôi thì tao đợi khi nào thuận tiện đã. Nhưng thằng Nam cũng sẽ chết với tao.

Đã một thời, thằng Trung cố tình giúp thằng Cam thực hiện theo lối tàn ác của nó để giết hết dần người của thằng Cam đi, rồi khi đó nó sẽ tìm cách gọi là giúp đỡ mà đưa người của nó tới, người của nó tới sẽ đưa theo gia đình và mọi thứ hay là nó cho cưới vợ, gã chồng để ngày nào đó chẳng gì còn là của thằng Cam nữa. Ngoài ra, nó còn khơi dậy sự hận thù từ xưa của thằng Cam đối với thằng Nam để thằng Cam tức giận mà gây hại cho thằng Nam để hai bên đánh nhau chí tử thì khi đó nó chỉ cần thò tay là bắt được hai con chim, thì ước vọng “anh hùng hảo hán” hay “lãnh đạo khu vực” sẽ vào tay nó mà không phải nhọc công. Không ngờ thằng Nam đi trước một nước cờ, và nó cần lấy cớ để dạy cho thằng Nam một bài học, nếu bài học đó suông sẻ thì nó sẽ làm một trường hợp giống như nó đã làm với thằng Tạng trước kia. Nó đặt thiên hạ trước một sự đã rồi, ai la gì thì la ai nói gì thì nói, đố ai dám đụng vào vì “cái đó, trước ngàn năm nó đã là của tao cả ngàn năm, thì bây giờ tao lấy lại”, thiên hạ cũng chỉ là bó tay thôi!

Tội nghiệp cho thằng Nam, thằng Nam cứ đinh ninh rằng con đường mình đi là đúng, nên cứ lầm lủi mà đi trên con đường dự tính trong tư tưởng, ước mơ một thế giới thiên đường hạnh phúc cho tất cả mọi người; nên nó nhiệt tình thực hiện con đường của mình và cứ nghĩ mình đóng góp chung cho cả một thế giới nầy. Nhưng đâu có ngờ, nó chỉ làm cho thiên hạ. Nhà cửa nó tan hoang sau thời gian tranh giành trong nhà với nhau bởi do thằng Hoa và đám anh em trong nhà theo phe thằng Hoa gây sự chi rẽ, hiềm khích lẫn nhau. Nó cũng không ngờ thằng Trung lại là thằng tích cực chia rẽ nó cùng xúi giục nó tàn sát nhau với anh em để rồi thằng Trung cướp lấy nó. Cho nên khi thằng Hoa van nài thằng Trung, thằng Trung đòi hỏi những điều kiện được thằng Hoa đáp ứng đủ cả; nó đường đường vươn mặt ra với mọi người.Với những cái đồ sộ của nó, nó khiến nhiều người trong thiên hạ cũng phải e dè! Nắm được cơ hội, nó vội vàng chuyển đổi tìm thế để vươn lên. Nó có sẵn một lượng người đông đảo khiến thiên hạ nhiều nơi muốn buôn bán với nó lẫn nhờ đến lực lượng nó làm công. Có được mối lợi mà cũng là cơ hội có tiền của để tiến lên. Bắt đầu có tiền, nó nghĩ đến cách hùng mạnh, nó phải tập hợp kiến thức, tài chánh của dân tộc nó ở bên ngoài. Tinh thần dân tộc khiến người tài giỏi lâu đời của nó ở nơi xa cung cấp cho nó những gì họ kiếm, gom góp, ăn cắp được đưa về cho nó. Nhiều người nuôi ong tay áo mà không biết! Có tiền, có tài liệu kỹ thuật, có cả những cái mà người khác giữ kín; nó liền tung tiền thực hiện những gì cần thiết cho giấc mơ lớn của nó. Đầu tiên, nó phải mạnh lên mới được. Nó đã làm được! Kế đến, nó phải tự vận hành những phương tiện cho phát triển mà trong thời hiện đại ai cũng mơ ước. Nó nghĩ một khi nó mạnh lên thì những gì nó muốn thì người ta không dám can ngăn, hay nó sẽ trả thù một cách “đích đáng” những kẻ thù mà ngày trước đã làm cho nó đau đớn hay là nhục!

Nó đã ẩn nhẫn chờ thời trong một thời gian khá lâu! Cũng may có thằng Hoa làm cho thằng Nam suy yếu và phá tan tành nhà thằng Nam dùm nó. Nó lại được hưởng lợi từ sự xung đột đó. Cơ hội nó được mọi thứ mà nó không cần tốn hao gì cả, chỉ tiếc là nó chưa diệt được thằng Nam và thằng Nam hãy còn ngoài vòng tay. Nhưng bây giờ nó đã mạnh, thằng Hoa lẫn thằng Nhựt còn sợ nó, huống hồ gì thằng Nam. Nó sẽ cho thằng Nam biết tay! Nghĩ như vậy, nó liền chiếm những ụ đất nhỏ trong ao của thằng Nam, nó vẽ lằn ranh đến chân của thằng Nam, nó chơi lại trò chơi của thời con nít thử thằng Nam có dám phản ứng không. Thằng Nam không dám chống lại thì nó được thêm đất, thêm của cải mà nó lại bao vây, thu hẹp lấn dần thằng Nam, rồi nó sẽ trói thằng Nam và bắt thằng Nam phải là một phần của nó giống như thằng Mông, thằng Hồi, thằng Mãn với thằng Tạng. Còn thằng Nam chống đối nó sẽ có cớ đánh dẹp thằng Nam. Nó làm ồ ạt, thần tốc thì thiên hạ có la gì, hay chống đối thì chuyện cũng đã rồi. Nó sẽ nói thằng Nam là người của nó từ trong lịch sử thì ai dám nói gì. Nó đã mạnh rồi mà!

Nó chiếm mấy ụ đất trong ao của thằng Nam thế mà có lý! Vương quốc của nó được mở rộng, tài nguyên được thêm mà cũng ở đó nó sẽ chặn được chặng đường mạch sống của thằng Nhựt khiến thằng Nhựt sẽ khốn đốn, nó sẽ loại được thằng Hoa ra khỏi khu vực và nó sẽ kiểm soát được toàn một vùng rộng lớn. Tất những thằng nhỏ khác phải theo nó thôi! Nó chiếm rồi nó cứ nói là của nó từ xưa, nó củng cố sự chiếm cứ cho chắc chắn, nó không nhượng bộ ai hết. Nó thấy nó chưa mạnh thì nó cứ ù lì ra, đòi nói chuyện tay đôi, không ai được xen vào để nó dùng uy thế mà ép những thằng nhỏ. Trong khi kéo dài, cù cưa đó nó lo xây nhà cất cửa, phát triển khi mà nói chuyện thì cũng xong rồi. Đó là giang sơn của nó mà! Chẳng ai trong thiên hạ làm gì được nó nhất là lúc nầy nó lại mạnh hơn lúc trước nhiều!

Nó lên kế hoạch: Với thằng Nam nó sẽ buộc thằng Nam không được chống đối, nếu chống đối thì nó sẽ cho người phá đủ mọi khía cạnh và sẽ thanh toán thằng Nam một cách “thật đẹp và gọn gàng”. Người thằng Nam chống đối mà thằng Nam dung dưỡng nó sẽ lấy cớ thằng Nam bày trò, tổ chức chống đối; hay người của nó trong khu vực thằng Nam có làm gì mà thằng Nam không bảo vệ thì cũng đều là cái cớ để nó tiêu diệt được thằng Nam, nắm được thằng Nam thì những vùng chung quanh đó cũng sẽ thuộc vào nó mà thôi, vì vị trí thằng Nam là nơi kiểm soát được mọi phía cơ mà!. Còn với thằng Nhựt, nó sẽ kiếm cớ rằng thằng Nhựt chiếm lấy của nó và nó cứ khiêu khích để thằng Nhựt nóng mũi ra tay trước thì nó sẽ có cớ mà ồ ạt “úp” thằng Nhựt để trả mối thù năm xưa và từ đó khiến thằng Nhựt phải quỳ lụy, van nài nó để mà phụ thuộc như vậy mới hả lòng nó.

Thằng Trung bây giờ trở nên mạnh và có thế với thiên hạ, người nó khắp cùng nó muốn gì mà chả được. Ai cần đến nó thì cần nó chả cần ai, ai không theo ý nó thì nó lấy nhiều cách để ép người ta phải chìu theo hoặc nhượng bộ nó. Nó âm thầm kêu gọi người của nó làm tình báo, ăn cắp những bí mật đưa về cho nó. Nó tạo nhiều người dùng phương tiện thông tin hiện đại len lỏi vào sâu trong kho tàng tài liệu để đánh cắp. Nó vẽ lại về cái giang sơn của nó. Nó cho những thằng lân cận biết tay và để dằn mặt thiên hạ, nó phải chứng tỏ những khả năng mà nó đã đạt được. Nó đang diệu võ giương oai với gương mặt thật là hiền từ như ta là một đấng “trừ gian diệt bạo”, thi ân bố phước cho thiên hạ vậy! Quả thằng Trung là thằng đáng sợ!

 

Đồ Ngông,

19/09/2013.

 

 

Đồ Ngông,

19/09/2013.

*Xưởng Sơn Mài.


*Thơ Về Bình Dương!        (tt)



*Cầu Ông Đành!             (Thị xã)

 

Có phải ông Đành xưa ở đây?

Mà nay lưu dấu mãi tên nầy

Tên cầu, tên dốc, luôn tên xóm

Ông hỡi! Ông Đành ông có hay?

 

Đồ Ngông,

19/04/12.

 

 

 

*Xưởng Sơn Mài.

 

Sơn mài có tiếng ở Bình Dương

Một thuở xa xưa chiếm đoạn đường

Thành Lễ, Trần Hà đua đối mặt

Sông Gianh chen lấn ở thương trường!

 

Đồ Ngông,

20/04/12.

 

 

 

*Trường Mỹ Nghệ Thực Hành.              (Bình dương)

 

Xưa trường Mỹ Nghệ Thực Hành

Ngó ra sông Thủ mà vào thế gian

Họa viên, Điêu khắc, Sơn mài…

Là nơi đã tạo nhân tài mai sau

Mấy người được thỏa ước ao

Có danh, có tiếng đời sau nhắc hoài!

 

Đồ Ngông,

20/04/12.

 

 

 

*Trường Trung Học Tư Thục.

 

Ngày xưa Trí Đức ai đi

Tôi vô An Mỹ vào khi đầu đời

Sau nầy những hè chơi vơi

Chui qua Nguyễn Trải mà nghe giảng bài

Có khi theo bạn lai rai

Bên rào săn đón cô nàng Văn An (sau là Đăng Khoa)

Đi qua, đi lại lang thang

Giu-Se chẳng ghé, lại ngang Bồ Đề

Bán Công lạ chỗ lạ quê

Thì thôi, cứ lại quay về Nghĩa Phương!

 

Đồ Ngông,

20/04/12.