Tuesday, April 15, 2014

*Sự Tiêu Vong Của Một Dân Tộc!


*Chuyện Tào Lao (Tào Lao Thế sự) 2.           (tt)



“Một dân tộc” mà tôi muốn nói ở đây không phải là một dân tộc nào của con người, mà tôi chỉ muốn đề cập đến một loài thú, loài bọ đã từng làm cho con người phải chịu nhiều nhức nhối, khó đối xử. Chúng là loài nào? Chúng thuộc loài gậm nhấm, có những răng cửa dài và từng cắn phá khắp mọi nơi không riêng ở nhà nào, mà cũng chẳng dừng lại ở bất kỳ quốc gia nào. Chúng là loại mà người ta thường gọi là quốc tế. Nhưng, thực ra chúng chỉ sống theo bản năng của chúng mà thôi! Tôi muốn nhân cách hóa chúng để chúng cũng được một xã hội của con người và giới hạn trong một môi trường nhỏ như là một dân tộc: Đó là dân tộc “Chuột”!

Chuột là loài có bốn chân mà người ta xếp chúng vào loài bọ vì chúng nhỏ và chúng có thể ngồi trên hai chân sau và sử dụng hai chân trước để giữ lấy thức ăn. Bộ răng cửa dài hơn ra để chúng dễ cắn phá của loài gậm nhấm. Chuột phá thì khỏi chê! Chúng chun vào hộc tủ cắn đi mọi giấy tờ; chúng chun vào tủ quần áo cắn những đồ đẹp; chúng cắn cả những giày dép hay cả gỗ của những hộc tủ và chúng chui vào những hóc tối, đống đồ để làm ổ đẻ thêm những con chuột con còn đỏ hỏn.

Chuột có nhiều loại: Loài lớn nhất có lẽ là loài mà người ta gọi là Chuột túi, tức là loài đặc biệt từ xứ Australia có tên là Kangaroo, nó có thể nhảy bằng hai chân sau và có cái đuôi lớn, mạnh làm thế chịu khi nó đứng. Chuột cống to lớn thường hay sống ở nơi cống rãnh, có loài chuột nhỏ con, lanh lợi, nhanh nhẹn, khó bắt lại là loài chuột nhắt. Có loài chuột mà người nhà nông ghét nhất là loài chuột đồng vì chuột nầy sống ngoài đồng chuyên ăn, cắn phá những bông lúa làm hư hại mùa màng. Dân tộc chuột bắt đầu hình thành như thế này:

“Không biết vì sao mà chuột lại tập trung về đây nhiều quá! Chuột đồng đã có sẵn từ trước nhưng số lượng không nhiều, vì những thửa ruộng lúa không tốt trước kia vẫn không bị tàn phá nghiêm trọng nào. Nhưng mấy tháng gần đây chuột từ đâu kéo về hàng khối, người ta ở đây tìm hết cách để trị, nhưng không có biện pháp nào có kết quả cả, vì thế họ đành phải bỏ trôi và lánh xa vì sợ bệnh dịch hạch lây từ chúng. Có lẽ đông vui, nên chuột lớn chuột nhỏ ở các nơi khác cũng lủ lượt kéo về tạo thành một vương quốc: Vương quốc chuột! Chúng định cư ở đó và đẻ con sinh cái nên chúng đã đông lại càng đông hơn.

Nhưng loài chuột là loài gậm nhắm, chỉ biết ăn, cắn phá, chứ không biết xây dựng vì thế vương quốc chuột trở thành te tua, tan tác. Những đồng lúa trước kia trở thành nhiều ổ như ổ quạ là những nơi cư trú và sinh con của những con chuột cái. Còn dưới đất thì hang ổ của những loài chuột đồng với những ổ chuột nhiều con con. Thời tiết vào mùa hè ẩm khiến chuột lại càng đẻ nhanh hơn. Do đó số cư dân lại càng tăng rất nhanh. Lương thực ở nơi nầy bị hạn chế, ít dần đi chuột phải kiếm ăn nơi xa. Những con chuột đi xa lê lết thức ăn về chưa đến hang thì đã bị những con chuột khác giành giựt, cắn nhau chí chóe. Những lá, vỏ cây bị cắn nhỏ; cây cối bị trở nên khô cằn, thế mà loài chuột lại thỏa mãn với điều ấy vì như vậy rất thích hợp với môi trường của chúng. Sự dơ dáy, bẩn thỉu, mùi hôi muốn ói mữa lại càng đúng với đời sống chúng hơn. Những con chuột cống to lớn cứ ăn no, rồi nằm kềnh ra đó mà phơi bụng để rồi lại ăn tiếp. Vì tướng lớn nên những con chuột nhỏ nào cũng phải khép nép, lo cho chúng đủ điều; cho nên chuột vốn đã to lại càng to thêm ra. Những con chuột mạnh, hơi nhỏ hơn thường bắt nạt những con yếu đuối để cướp lấy thức ăn. Duy có loài chuột nhắt là lém lĩnh, nhanh nhẹn nên chúng đã nhanh tay lẹ chưn để đi trước một nước cờ; nhưng chúng cũng là những hạng cướp bóc, trộm cắp một cách khéo léo và biết thừa vào cơ hội, cơ hội nào có thể làm ăn và cơ hội nào nên lẫn trốn. Chúng nhỏ nên chúng len lỏi trong các hốc ngách một cách dễ dàng, cho nên chúng ít bị cắn bỡi những con chuột to xác hơn. Vương quốc chuột càng ngày càng nghèo nàn, khô héo tiêu điều hơn vì con lớn ăn theo con lớn, con nhỏ ăn theo con nhỏ; con nào cũng cần ăn để sống cả kể cả những con mới chập chững đi vào đời thì những thức ăn, cây cối quanh đây không đủ để đáp ứng cho nhu cầu. Thiếu thốn trở nên giành giựt, cướp bóc, không chừa một hình thức nào để có được lương thực. Đã thế thì thôi, vương quốc chuột lại càng nghinh ngang, chúng không sợ ai cả, chúng chạy tán loạn không theo một thứ tự nào cả nên đụng nhau rồi cắn xé lẫn nhau liên miên cho nên tiếng chí chóe vang dội suốt ngày đêm. Và chắc trong những âm thanh chí chóe ấy cũng có vấn đề đánh ghen vì tình dục nữa. Có thể có như vậy không? Vì đó là một nhu cầu gọi là nhu cầu sinh lý cơ mà! Chứ trong xã hội con người, người ta đã không kiềm chế nỗi đã có những vụ án “hiếp dâm, ngoại tình” dù con người là sinh vật có lý trí, đạo đức còn có; thì huống hồ gì những loài thú vật sống với bản năng!

Dân tộc chuột này quả thật sống vô tổ chức, chúng hỗn loạn lẫn nhau. Sự nghèo đói, thiếu kém lương thực lại càng làm cho chúng hỗn loạn nhiều hơn nữa. tiếng la của chúng vang dội; khiến loài mèo vốn đã thính hơi, chúng đã rình, hòng tiêu diệt chuột. Bản chất của mèo là như vậy! mèo chỉ thừa cơ hội để ra tay. Đã thế, những con chim cắt, diều hâu cũng lượn lờ. Rắn cũng đánh hơi bò tới để mai phục. Dân tộc chuột vẫn an nhiên tự tại, cứ mãi lo ăn, nằm phơi bụng, cứ loạn xạ tranh giành, cứ lo trộm cắp mà không nghĩ đến tình hình. Cho nên bão tố sẽ ập đến trong một lúc nào đó: Dân tộc chuột sẽ bị tiêu vong và vương quốc chuột sẽ không còn nữa”! Vậy mà loài chuột vẫn nhởn nhơ!

Thế cũng thật là buồn thay!

 

Đồ Ngông,

27/03/2014.

Wednesday, April 9, 2014

*Ông Bạn Của Tôi.



(Thân tặng: Anh Nguyễn Công Tế và gia đình

                   : Các anh Nguyễn Văn Khái, Lê Hữu Nghĩa, Từ Minh Tâm).

 
Tôi vừa liên lạc được với ông bạn của tôi sau gần nửa thế kỷ xa cách (1966-2014). Tôi cũng không thể ngờ! Nói là ông bạn chứ anh ấy lớn hơn tôi vài tuổi, tính theo cuộc đời anh là đàn anh của tôi. Không là đàn anh thì thế nào được, vì trong lớp chúng tôi, lứa tuổi của tôi luôn là lứa nhỏ nhất, nhưng vì chúng tôi cùng học chung một lớp. Mà nói là tôi “tìm được” thì không đúng. Công ấy là của Từ Minh Tâm và Lê Hữu Nghĩa và một người nữa từ mãi ở Việt Nam đang du hành thăm bạn bên xứ Úc-Thòi-Lòi nầy, anh và chị Nguyễn Văn Khái.

Tôi muốn nói đến anh Nguyễn Công Tế người đã viết bài “Xứ Búng Ngọt Ngào”. Nếu anh gởi bài đến trang nhà CHS Trịnh Hoài Đức trước thì tôi đã liên lạc với anh từ khoảng 2 năm nay chứ không đợi đến bây giờ, và tôi sẽ đến thăm anh mỗi khi tôi có dịp lên Melbourne khá dài ngày.

Khi tôi đọc bài của anh, tôi đã hơi ngờ ngợ về cái tên. Không biết tôi có duyên với anh hay không mà suốt năm Đệ Nhất tôi lại nhớ đến anh nhiều hay vì anh là người Bắc, nói giọng bắc trong lớp cùng với Lê Thành Nghiêm. Anh thường đi song đôi với anh Bằng giống như là một cặp đôi. Tôi chỉ về Trịnh Hoài Đức có một năm đó thôi. Năm đó, lớp cũng có nhiều học sinh ở các nơi khác được nhận về để tăng nhân số của lớp sau khi đậu được Tú Tài I, chẳng hạn như tôi về từ trường An Mỹ cùng với Phan Thanh Diệp, Nguyễn Văn Ngai, và những anh từ ngoài trường tư vào như Nguyễn Văn Lé, Lê Kế Vui, Lê Minh Văn… Tôi không biết anh Tế cùng với Nguyễn Văn Tám là khóa trước của tôi. Lúc đó, tôi có nghe anh Tế đâu từ miền Trung chuyển vào; và anh Nguyễn Văn Tám thời chúng tôi chỉ gọi là Tám Đen vì nước da anh hơi ngâm đen. Đến khi tôi qua Mỹ ở nhà Lê Văn Chánh tôi mới nghe Chánh nói đến Tám Mèo, hỏi ra thì đúng là anh Tám. Thế là bây giờ qua các bài viết tôi mới rõ ngọn ngành, cho nên khi đọc bài “Xứ Búng Ngọt Ngào” của anh tôi đã ngờ ngợ về cái tên mặc dù tôi có nhớ là Trần Công Tế thay vì Nguyễn. Và đọc khi gần đến cuối bài anh đề cập đến Tám Mèo thì tôi quả quyết đến hơn 80 phần trăm anh là người có học chung với tôi.

Quả thật mà nói, xa quê mà có bạn bè để ôn lại những kỷ niệm xưa là một nguồn vui, nhất là những kỷ niệm của thời mài đủn quần trên ghế nhà trường. Tôi cứ tìm mãi những bạn bè ngày xưa ở chung trường chung lớp, nhưng chưa hề gặp một người nào ngoài những bạn bè ở cùng quê, kể cả những người con gái tôi yêu. Bốn năm ở trên trường Trung học Phước Thành (Tân Uyên), hai năm ở Trường An Mỹ, và một năm ở Trường Trịnh Hoài Đức tôi chưa gặp được người nào ở nơi đất khách quê người hay trên bước đường tha hương. Tôi cứ nghĩ: Lạ nhỉ! Từ nhiều nơi, học trò lại ráp về một trường, một lớp; sau vài năm đều tứ tán có khi trong suốt cuộc đời lại chẳng gặp lại nhau. Nhất là những người yêu. Gặp nhau để tha thiết, yêu đương, tưởng chừng như hai mà một. Thế rồi, đành đoạn lại xa nhau không biết đến bao giờ!

Như tôi đã nói ở trên, tên anh Tế gần như ám ảnh đối với tôi, cái tên nghe hay hay, hay vì thuở học chung, tôi và Bác Cõi của tôi thích chơi chung với anh và anh Bằng. Đến khi tôi định cư trên xứ Úc lại có ông tên là Trần Công Tế tôi lại cứ ngỡ là anh, nhưng không phải. Và khi tôi vào nghề nông lại có chú Đệ cũng người Bắc có hình dáng giống anh Tế năm xưa thường hay tới lui bốc hàng cho những người lái khiến tôi lại không hề quên anh được. Nay đột nhiên thấy bài của anh Tế đưa lên, tôi vội vàng đánh lên trong Sổ Lưu Niệm để xin liên lạc với anh. Khi tôi đánh thì trên tựa có email của tôi, tôi cứ nghĩ nó sẽ hiện lên như vậy, nhưng khi post lên thì email của tôi chẳng hiện ra chút nào. Thế là sau đó vài ngày Từ Minh Tâm forward cho tôi thư của anh Lê Hữu Nghĩa cùng bài viết của anh Tế. Vì trong thư của anh Nghĩa có chi tiết lâm ly, nên tôi không email về cho anh Tế mà qua anh Nghĩa, rồi anh Nghĩa lại nhận được thư của anh Khái thay thế anh Tế để trả lời, trong đó có cho tôi địa chỉ và số điện thoại của anh Tế.

Thế là tôi đã liên lạc được với anh từ sáng nay. Tôi hi vọng chúng tôi còn có thể nói với nhau nhiều hơn. Ở Melbourne tôi còn có hai người bạn nữa, họ đã đi du học và đã thành danh, nhưng tôi nghĩ tôi không cần tìm nữa vì mỗi người có thân phận khác nhau, đó là Nguyễn Ngọc Cẩn và Ngô Trọng Hải. Không biết anh Tế đã có dịp nào gặp họ chưa, hay là họ đã đi nơi khác tự lúc nào rồi vì đến nay là gần nửa thế kỷ chứ đâu là mới đây. Thời gian quả thật là qua mau!

 

Nguyên Thảo,

30/03/2014.

Sunday, April 6, 2014

*Kẻ Thù!


*Chuyện Tào Lao (Tào Lao Thế Sự 2)!     (tt)



“Kẻ Thù” luôn là những ảnh tượng ám ảnh con người, khiến con người có khi mất ăn mất ngủ vì chúng. Ai cũng có kẻ thù. Kẻ thù là những kẻ chống đối lại mình vì sự sống, vì quyền lợi, của cải, ý hướng nào đó, ảnh hưởng hay có thể là có nó thì không có mình hay có mình thì không có nó. Thực sự, kẻ thù đầy dẫy trong cuộc sống của những con vật chứ không riêng vì con người, vì bản năng sinh tồn là như vậy. Con vật nầy có thể nuôi sống thân mạng mình bằng thân xác của những sinh vật khác như: Côn trùng sâu bọ là thức ăn của loài chim muông cầm thú. Những súc vật từng là thức ăn để nuôi sống con người v..v…Sự giết chóc, làm hại nhau có thể được coi như là những hành vi của những kẻ thù. Còn mức độ xem kẻ thù như thế nào lại là ở trên bình diện khác, nhất là ở con người.

Con người là một sinh vật có suy nghĩ, có tư tưởng cho nên kẻ thù được tính theo những cấp độ một cách tinh tế và cũng có những giải pháp tàn nhẫn khác nhau. Hành hạ hay giết chết kẻ thù để dứt hậu họa còn tùy theo tình hình và tính nhân đạo.

Ai cũng qua thời thuở nhỏ. Thuở nhỏ thường chơi chung với nhau như là một môi trường hay giao tiếp trong xã hội. Nhưng vì ý muốn khác nhau, bất đồng rồi lại chia phe; những người lớn hay có uy thế trở thành những lãnh đạo phe nhóm, có khi lại sinh sự và đánh nhau như những kẻ thù. Phe thắng hành hạ phe thua cho đến khi nào nó đầu hàng và không còn tư tưởng chống đối mới thôi. Đó là chuyện của thời con nít. Còn đến khi lớn thì sự đời diễn biến còn phức tạp hơn nhiều. Đọc trong truyện Tàu thì đầy dẫy những sự đánh nhau từ cá nhân cho đến phe nhóm, phe phái và các quốc gia. Nước nầy chiếm nước kia, nước kia phục quốc, rồi lại đánh nhau trong thời gian dài để chiếm các nước khác biến thành đất nước của mình. Trung Quốc vĩ đại ngày nay là tập hợp của nhiều quốc gia bị tiêu vong vì xâm lược; và đến bây giờ Trung Quốc vẫn chưa từ bỏ sự bành trướng lãnh thổ qua hình thức xâm lăng. Không xâm lăng được một lúc thì xâm lấn từ từ kiểu con tằm ăn dâu. Con tằm ăn từ từ lâu ngày cũng hết những lá dâu. Địa vị “bá chủ” luôn là mục đích của thiên hạ, mà trong đó Trung Quốc cũng là một!

Những gì ta tạo đau khổ mất mát cho kẻ khác thì ta lại dễ quên, thậm chí ta còn coi đó là những chiến tích mà ta đã đạt được. Nhưng những gì những người khác tạo mất mát, khổ đau cho ta thì ta lại “khắc cốt ghi tâm”. Chuyện Việt Vương Câu Tiễn và Ngô Phù Sai là câu chuyện điễn hình mà trong điễn tích đã chép lại hẳn hoi. Và cũng trong truyện kiếm hiệp Tàu còn có câu: “Quân tử trả thù mười năm chưa muộn”, điều ấy nói lên sự nuôi dưỡng lòng hận thù đến khi nào trả được mối thù mới thôi. Sự thù hận ghê gớm thật! Để coi Trung Quốc mạnh lên, Trung Quốc sẽ hành xử như thế nào đối với nước Nhật vì Nhật đã hai lần chiếm đóng ở Trung Quốc. Sự hung hăng không thể dấu diếm được qua lịch sử, thời gian kể cả hành động của con người hoặc chính quyền. Sự trỗi dậy hòa bình chỉ là sự phĩnh gạt, đánh lừa dư luận để nhằm thực hiện những âm mưu ngầm ở phía sau, trong bóng tối. Chiến thuật ấy gọi là chiến thuật “Dương đông kích Tây” vậy!

Ông Karl Marx và Lénin còn đưa hận thù lên tầm cao và rộng ra trong toàn xã hội và thế giới là hận thù giai cấp: Giữa giai cấp bốc lột và giai cấp bị bốc lột. Sự “đấu tranh giai cấp” rất quyết liệt để giành phần thắng bại, giai cấp bị bốc lột phải thắng và giành lại những gì đã mất. Sự “chuyên chính vô sản”, và dùng “bạo lực cách mạng” để trấn áp, giữ vững chính quyền khi đã lật đổ được giai cấp thống trị bốc lột đã khiến con người trôi nỗi vào những thù hận triền miên. Điều ấy đã được chứng minh trong lịch sử của Liên Xô, Trung Quốc…và nhất là sự thi hành chính sách “Cách mạng” kiểu theo kinh nghiệm của Trung Quốc mà Pol Pot đã áp dụng ở Kampuchia, kết quả là hàng triệu người chết và danh từ “diệt chủng” được nhắc đến thường xuyên và tạo nên một đất nước tan hoang, nghèo đói của một “Cánh đồng chết” (Killing field)

Điều ấy chứng minh “hận thù” chỉ khiến “hận thù” còn kéo dài mãi trong cuộc đời mà không biết đến bao giờ chấm dứt thì một “thiên đàng trên hạ giới” chỉ là “ảo tưởng” giống như một “thiên đàng” mơ mộng của một cõi nào đó ở xa xăm.

Ngay trong tôn giáo lớn có thể bậc nhất trên thế giới mà cũng nói đến “mắt đền mắt, răng đền răng” từ miệng một Đấng Tối Cao thì chúng ta cũng không thể trách gì cho nhân thế. Người trần mắt thịt tất hận thù nhau vẫn còn nhiều, tất xã hội này không thể yên ổn, do đó Thái Tử Tất-Đạt-Đa sau khi thành đạo chỉ nêu lên tư tưởng “Chỉ có tình thương mới xóa bỏ hận thù, oán mà báo oán thì biết đến bao giờ oán mới tiêu tan”! Những tư tưởng ấy cho ta nhiều suy nghĩ nhất là những sinh vật có tư tưởng biết phân biệt chân lý và “ngụy chân lý” như “con người” của chúng ta!

 

Đồ Ngông,

20/03/2014.

*Đồng Tiền.



*Thơ Đồ Ngông!        (tt)



 
*Ông Ngồi.

 

Ông ngồi ở cửa ra vô

Kiểm người qua lại, đi vào đi ra

Thế mà hoạnh hoẹ hơn cha

Hỏi qua hỏi lại, ỡm ờ có chăng

Có chi lại hỏi, lại rằng

Kháo nhau mà bảo: Có tiền qua mau!

 

Đồ Ngông,

07/04/2014.

 

 

 

*Đồng Tiền.

 

Đồng tiền đánh đổ quan quyền

Đồng tiền lại dẫn dân quèn lên ngôi

Có tiền người lại lên trời

Không tiền lại phải cảnh ngồi dưới trôn

Ra vô cái đít lắm mòn

Chẳng tiền chẳng thể ngoi lên cuộc đời

Cho nên quan cứ tươi cười

Chơi trò tham nhũng, moi tiền từ dân!

 

Đồ Ngông,

07/04/2014.