Tuesday, January 28, 2014

*Kính Chúc!



Mùa Xuân lại đến, khởi đầu năm

Năm mới, hoa Xuân nở vội rồi

Theo lệ, ta cùng nhau kính chúc

Một năm trọn vẹn khắp nơi nơi!

 

Phước Lộc dư thừa với dịp may

Lâm môn chỉ vội với bàn tay

Nắm bắt ngàn năm riêng có một

Phước dầy, Lộc cả trọn năm này!

 

Chúc Thọ cho nhau được sống lâu

Nhiều thêm con cháu đủ sang giàu

Lại thân, lại thế đời oai nễ

Chẳng uổng cuộc đời, cõi bể dâu!

 

Nguyên Thảo,

28/01/2014.

 

 

 

*Đón Mùa Xuân Mới!

 

Năm Rắn qua rồi, Ngựa lại sang

Toàn đồ “Bát Mã Đáo Thành Công”

Ngựa phi tiếng hí vang trời đất

Mã cước tung tăng khắp cánh đồng

Thế cuộc dậy rồi như ngựa đến

Vận thời lên mãi giống như rồng

Một năm ta đón mừng Xuân mới

Khởi sự trăm năm đến thỏa lòng!

 

Nguyên Thảo,

28/01/2014.

*Tết Trên Xứ Người!



Đến bây giờ tôi mới nghĩ đến chuyện ghi lại cái Tết trên xứ người, mặc dù mình đã xa rời quê hương gần 30 năm. Ghi lại để mà nhớ, để giữ lại một chút gì gọi là “quê hương” trong lòng người viễn xứ. Không một ai nghĩ rằng mình sẽ xa rời quê hương khi thời kỳ chiến tranh đã qua đi, nhất là tôi. Thật là bất ngờ vô cùng, với điều kiện hoàn cảnh như tôi mà tôi lại có thể “tha phương cầu thực”!

Nhiều lúc ngồi suy ngẫm mà nghĩ lại: Tại sao trong những giai đoạn chiến tranh thật là ác liệt, người ta không màng đến cái chết mà vẫn bám đất bám làng; Và tại sao trong thời gian hòa bình rồi theo lẽ người ta vui vẻ, chung sức cùng nhau để xây dựng lại quê hương bị tàn phá thì người ta lại phải ra đi! Đó là vấn đề mà tôi đã từng lý giải mà chắc nhiều người cũng thường hay nghĩ đến như tôi.

Nếu ngày xưa trong thời kỳ Pháp thuộc người ta hay đề cập đến sự chia vùng miền để cai trị của đế quốc Pháp mà ảnh hưởng của điều đó vẫn còn trong đời sống dân gian đến nhiều thế hệ sau; thì cuộc chiến tranh để thống nhất đất nước hay mang vị thế lớn hơn là “ý thức hệ” lại càng làm cho đất nước bi thảm hơn nhiều. Thế hệ thanh niên ở hai miền bắn giết nhau bằng vũ khí từ thô sơ đến hiện đại của nước ngoài, được cổ vũ từ tinh thần của hai chủ nghĩa xa xôi không thích hợp cho dân tộc. Và nhất là bị những nước lớn hay cường quốc khác lợi dụng. Thế mà đất nước chúng ta lại lao vào một cuộc chiến tranh khủng khiếp bị tàn phá hơn bao giờ hết. Hai anh em trở thành kẻ thù “không đội trời chung”. Dứt chiến tranh rồi thì phải giải quyết “kẻ thù” ra sao đây? Ai lại tin ai? Ta chẳng tin người, mà người cũng chẳng tin ta! Sự nghi kỵ, hận thù, giai cấp! Sự thực thi đường lối của một chủ nghĩa! Sự vận hành của một hệ thống kinh tế khác biệt chưa từng kinh qua! Tôi chơi vơi trong vị thế của mình, tương lai của tôi và gia đình khá bấp bênh, tôi cứ đi trong “nhạt nhẽo” của cuộc đời!

Có lẽ trong cung Thiên Di có sao Thiên mã và được sao Phượng Các xung chiếu hay sao mà cuộc đời đưa đẩy tôi phải trôi dạt nơi xứ người khi tôi không hề định trước. Tôi cứ an phận và mặc cho “con nước đưa mình về đâu”!

Những thời gian đầu cứ với những anh em cùng hoàn cảnh lo kiếm việc đi làm, chia vui xẻ buồn, nâng đỡ, nương tựa lẫn nhau trong từng hiểu biết từ ngôn ngữ, nhà cửa, xe cộ đến cả các thủ tục giấy tờ hành chánh. Đi làm không dám nghỉ vào ngày Tết. Cứ đem theo vài chai bia, chút đồ ăn rồi chia vui với nhau vào bữa ăn trưa xen lẫn những câu chuyện Tết của ngày xưa, chỉ nhắc và nhắc đến thôi! Nhắc để mà nhớ xen những lời chúc tụng cho nhau! Và với số vốn ngôn ngữ bập bẹ của mình cả bọn nói với ông chủ về ngày “Lunar New Year”. Ông tò mò cũng hỏi để mà biết coi ta ăn Tết thế nào?

Từ đó, những ông chủ càng ngày cũng biết về ngày Lunar New Year, và rồi họ cũng thông cảm cho vài người nghỉ vào ngày đó coi như là ngày linh thiêng. Họ cũng chúc mọi điều tốt lành cho mình cũng như sự vui vẻ trong năm mới. Dần dà ngày Tết cũng được người Tây biết đến khá nhiều, đôi khi lại là điều thích thú đối với họ nữa vì có nhiều nơi có tổ chức múa lân, ca hát, hái lộc mà đối với họ là tương đối lạ lẫm! Nhiều ông Tây bà Đầm hiếu kỳ dẫn theo con cháu đến coi lẫn với những vị khách được mời. Thực ra, ngày Mừng Xuân không chỉ riêng của người Việt, mà còn là của người Nhật, Đại Hàn, Tàu, Singapore tức là những sắc dân nào chịu ảnh hưởng chung một nền văn hóa của Trung Hoa. Nhưng với phong tục thương nhớ làng quê, háo hức của mình trên bước đường mới lưu vong khiến người mình “ăn Tết” có vẻ “xôm tụ”! Và được người Tây chú ý đến một cách đặc biệt hơn nhiều!

Nhưng riêng ở xứ Úc, cái thời tiết trái ngược và khắc nghiệt trong mùa hè khiến cho cái Tết ở đây chỉ có tính tượng trưng chứ không có một cái không khí tương đối mát mẻ, khô khan sau thời gian hơi lành lạnh của mùa đông đã lướt qua như ở Việt Nam.

Dịp Tết ở đây thường rớt vào những ngày cuối tháng Giêng là tháng mùa hè nóng nhất, nhiệt độ thường tăng cao như trong năm nay khoảng trên dưới 40 độ bách phân (độ Celcius). Cái nóng khiến mình không thể đi ra ngoài, hoặc nhanh chân chạy, nhất là trong nghề nông không thể làm trong thời gian nóng như vậy vì trong nhà nilông hay nhà kiếng nhiệt độ lại càng tăng cao hơn nữa; do đó mình phải nghỉ ở nhà coi như là trốn nóng vậy.

Ăn Tết chỉ có nghĩa đại khái là mua sắm hoa quả về chưng Tết làm bàn thờ cúng Ông Bà, mua chút ít quà biếu người thân, bạn bè rồi gọi điện thoại, đến thăm, chúc tụng với nhau vài câu chúc Tết để cũng mong một năm mới, một sự tốt lành đến cho nhau. Cũng lì xì cho con cháu nó mừng, nó cũng biết là Tết. Nói chung lại dù không là trang trọng, lớn lắm nhưng cái khung sườn văn hóa ngày Tết vẫn được gìn giữ cho có, tương đối đầy đủ bài bản để một mai con cháu vẫn biết mình là người Việt và Việt Nam vẫn có nét văn hóa riêng của mình.

 

Nguyên Thảo,

28/01/2014.

Sunday, January 12, 2014

*Tết!


*Thơ Đồ Ngông!        (tt)




*Xuân!


 
Tết đến rồi đây khắp phố phường

Người ta nô nức mừng xuân sang

Đón xuân hoa lá mang màu mới

Trẻ nhỏ xôn xao mặt rỡ ràng!

 

Nàng Xuân he hé còn e thẹn

Khép nép bên hiên đứng đợi chờ

Thiếu nữ dậy thì trong thổn thức

Như đang thêu dệt mấy vần thơ!

 

Một năm, năm nữa lại vừa sang

Người bước tới thêm, bước vội vàng

Nắng xế cuộc đời, đời cứ bước

Nỗi lòng, chút việc, cứ miên man!

 

Đồ Ngông,

24/12/2013.

 

 

 *Tết.

 
Tết nhứt bày chi mệt quá trời

Chạy đôn chạy đáo mệt cầm hơi

Chạy lo tiền Tết còn chưa đủ

Chạy cả áo quần trẻ nhỏ thôi!

 

Tết nhứt lại lo sắm lắm quà

Quà cho nội ngoại, Tết Ông Bà

Quà cho hàng xóm, quà ông lớn

Quà ở phương gần, lẫn ở xa!

 

Tết nhứt vui cùng đám trẻ thơ

Lì xì đôi chút gọi là cho

Mừng cho con cháu thêm năm tuổi

Mọi sự vui vầy, năm lại qua!

 

Tết nhứt ta cùng cứ chúc nhau

Một năm may mắn đủ sang giàu

Đã đầy lộc cả, thêm nhiều phước

Thêm mãi sống lâu, bạc mái đầu!

 

Đồ Ngông,

24/12/2013.

*Ngày Trở Về.



Tôi dự định ngày trở về thăm quê hương là hơi có muộn màng so với nhiều người khác; người ta đã về lại quê hương từ các năm đầu của những năm 90. Thực ra, không ít người đều tỏ ý lo lắng khi nói đến một ngày về, có người cho rằng nay thay đổi và thông thoáng hơn trước nhiều nên không chuyện gì để sợ. Riêng tôi, tôi thấy sự đi về của tôi chẳng có gì là quan trọng. Trước, sau 75 tôi chỉ là một thầy giáo quèn làm nhiệm vụ “dạy học trò”, thì có gì để phải âu lo. Mà trước đó vợ tôi lẫn em trai và ba má tôi có đi vài lần nên tôi cũng cảm thấy được chút nào sự an lòng. Tuy nhiên, tôi vẫn có vài lo lắng giống như nhiều người đã có cùng giấc mơ khi ở trại tị nạn: Trong mơ ai cũng thấy mình đã đi rồi, nhưng còn nhiều nhớ nhung luyến tiếc lại trở về để rồi lại phải “kẹt” mà không biết đường nào đi và lúc đó lại nghĩ tại sao mình lại “như thế” để rồi “khủng hoảng” quá, giật mình thức dậy với mồ hôi ra như tắm! Người ta bị ám ảnh quá nhiều!

Ai cũng vậy, khi có nhiều lo sợ thì tâm trạng thường bất an và hay nghĩ vẩn vơ; chưa đi chưa tới thì luôn có sự suy tính không biết dễ khó thế nào, nhất là trong quá khứ đôi lần người ta chưa thể có vững được niềm tin.

Lần nầy đi, vợ chồng tôi sẽ ghé qua Singapore trong vài ngày để gọi là “luôn tiện du lịch” cho biết vùng đảo quốc thế nào trước khi về Việt Nam, và cũng “gọi là” hộ tống ba má tôi du lịch luôn thể. Chỉ ghé đôi ba ngày thì cũng không thể nào biết được nhiều, nhưng cần chỉ biết đại khái thôi cho rõ sự tình, cuộc sống sinh hoạt nơi xứ người để hiểu được mình được ta; chứ đâu có là quê hương gì của mình đâu để mình cần biết cho lắm! Đôi lúc tôi nghĩ đến mà tức cười: Ngay cả cái làng quê của mình chưa chắc mình đã biết hết thì nói chi đến cái quận, cái tỉnh… mà đây lại là cái xứ của người ta.

        Qua những ngày nghe tiếng ve kêu, cũng cái khí hậu ẩm ướt, rích rích, oi oi, hâm hẩm của vùng nhiệt đới ở Singapore, chúng tôi giả từ để đáp chuyến bay về Sài Gòn. Máy bay bay qua vùng biển Vịnh Thái Lan khiến tôi lại nhớ miên man đến những ngày lênh đênh trên biển. Tôi nhớ đến những con cá bay chúng từ từ chạy trên mặt nước để rồi cất cánh bay một đoạn khá xa rồi lại nhào xuống nước tiếp tục với loài sống dưới nước. Những con cá heo cất tiếng kêu en éc chạy lên phía trước chiếc tàu cây nho nhỏ đang vượt trùng dương mà không nghĩ được bến bờ; đàn cá heo vui vẻ lắm, chúng nhào lộn để làm cho người trên tàu đỡ buồn trong nỗi lòng tha hương. Từng dòng, từng dòng bông bồ kết nỗi trôi trên biển mà tôi không biết chúng ở tự phương trời nào, sao mà chúng nhiều đến thế nầy, rồi cứ đoán già đoán non. Chúng có thể từ Thái Lan, Mã Lai hay Singapore trôi dạt về đây và như vậy tàu có thể gần đến bờ. Hi vọng trong ao ước, chứ từ khi gặp chúng đi mãi suốt mấy ngày đêm mới tới được đất liền Mã Lai. Tôi lại nhớ đến đêm gần đến dàn khoan, các tàu dầu khi thấy tàu chúng tôi tiến đến gần chúng đều tắt đèn để di động đi nơi khác, mặc cho dân “du thử du thực“ nầy đi đâu thì đi. Ngồi trên máy bay mà đầu óc tôi cứ miên man của một ngày nào đó!

Máy bay đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhứt, đường băng không có nhiều thay đổi. Những ụ đất của những chiếc trực thăng ngày xưa vẫn còn đó, dấu vết chiến tranh không phai tàn sau nhiều năm đã chấm dứt, lòng tôi lại có nhiều bồi hồi, xao xuyến lẫn hồi hộp và có chút ít lo âu.

Qua cửa ải hải quan, tôi học được chút ít nào đó về kinh nghiệm và rồi tới việc lấy hành lý. Cuối cùng mọi việc đều êm xuôi. Ra cửa được các anh chị nội ngoại đến đón tương đối cũng khá đông vì lẽ đơn giản là do nơi có ba má tôi.

Bây giờ người trở nên đông đúc, thành phố mặc dù có mở rộng nhưng không gian gần như bị thu nhỏ lại bỡi số người quá đông, cộng thêm xe cộ nhiều lại chạy không theo trật tự nào vì vậy mà sự giao thông thường hay bị trở ngại. Xe rời khỏi phi trường khá lâu, nhưng di chuyển không được thuận lợi vì gặp thời gian cao điểm nên dễ bị kẹt xe nhất là ở những vòng xoay. Xe về đến ngã tư An Phú Đông mất hơn cả giờ đồng hồ sau. Xe tiến về hướng Nhị Bình để sang Lái Thiêu. Khung cảnh bây giờ cũng đã khác xưa: Dọc theo hai bên đường đầy hàng quán, tiệm mọc lên để buôn bán. Ở xứ ta thì cứ như vậy! Nơi nào thuận tiện để buôn bán thì người ta dựng chòi hoặc che tạm để buôn bán rồi sau đó nếu thấy được họ sẽ cất nhà lập hàng quán chắc chắn. Thế là nhà cứ mọc lên từ hai bên đường. Ở xứ người buôn bán có nơi có chỗ và khi nào được phép của Hội Đồng Địa Phương mới bán chứ không phải tự phát như ở xứ mình. Còn đa số tập trung ở những trung tâm buôn bán vì thế người ta không thích những nhà ở hai bên đường lớn vì xe chạy rất là ồn ào, nhiều bụi bậm không khí bị ô nhiễm, không được trong lành. Xe chạy ra ngõ ngoài từ Lái Thiêu ra cầu Ông Bố rồi xuôi về ngã tư Hòa Lân. Ngày xưa hai bên đường nầy chỉ lưa thưa hảng xưởng hoặc là rừng chồi nay hai bên đầy quán sá, nhà cửa nhìn không biết là nơi đâu, tôi cố nhìn lắm mới nhận định ra nỗi!

Xe cứ bóp kèn inh ỏi, tôi nghe hơi lạ hỏi đứa cháu lái xe thì nó nói để những xe gắn máy nó biết mà tránh xảy ra tai nạn. Sự giao thông xứ mình không biết đến bao giờ mới đi vào trật tự đây; nhà cửa thì cất tự phát cứ chường ra phía trước lấn cả mặt đường, xe chạy thì tranh nhau giống như tánh con người hay tranh giành, giành giựt tạo nên một cảnh hỗn độn hơn là giao thông trên đường phố thì cái cảnh tắt nghẽn giao thông cũng không có gì là lạ, nhất là những cảnh tượng tai nạn chết người thường hay bị xảy ra.

Xe đi về tới Bình Chuẩn, ngã tư ngày nào nay thật là bận rộn, xe qua đường cũng hơi khó khăn. Tới lúc tôi hồi hộp để nhìn lại quê hương thời thơ ấu của mình ra sao. Những vuông tre hay bờ đê, rừng Cây Chàm, cống Ông Huyện nhưng cảm giác ấy tôi không còn có được nữa, tôi mãi mê nhìn và nhận định lại những vị trí ấy mà bây giờ đã thay đổi quá nhiều: Nhà cửa, hàng quán, hảng xưởng, xí nghiệp đầy cả nhất là người ta sao quá là người, không biết từ đâu mà đông thế nầy. Sự thay đổi đến đổi tôi không nhìn được cả trường Trung Học Châu Thành hay trường Tiểu Học Tân Phước Khánh mà tôi đã học, đã dạy trong thời gian không quá mười sáu năm trước. Nhà của tôi không còn bóng dáng cũ, chủ mới cũng cất khác đi tôi không nhìn thấy được nó nữa rồi; rồi đến ngã sáu chợ lẫn nhà của ba má tôi, tất cả đều thay đổi cũng như cuộc sống đã hoàn toàn thay đổi. Những nhà lầu hai tầng được cất lên ở hai bên đường để đánh dấu cho một sự thay đổi tốt hơn hay chỉ là một bộ mặt sang trọng bên ngoài của một thị trấn mới hơn là của một xã của ngày xưa. Tôi cứ mãi ngẫm nghĩ về những câu chuyện cũ rích ở một thuở nào!

Ngày trở về lần đầu tiên của tôi cứ xoay vòng như thế! Và tôi vẫn mãi đi trong lẩn thẩn của cuộc đời!

 

Nguyên Thảo,

25/12/2013.

Monday, January 6, 2014

*Bến Súc.


*Thơ Về Bình Dương!          (tt)



*Bến Súc.

 

Bến Súc nghe qua tưởng gỗ rừng

Cây to cưa khúc nửa lưng chừng

Đem đưa ra bến thuyền chuyên chở

Thuyền tới, thuyền lui chẳng lúc ngưng.

 

Bến Súc ngày nao, lúc chiến tranh

Điểm “Tam Giác Sắt” hai bên giành

Đưa dân di tản về Gò Đậu

Luôn cả bò heo…Ôi! Chiến tranh!

 

Bến Súc đi rồi bỏ áo xưa

Thanh Tuyền xanh mướt đẹp duyên ưa

Dập dìu người đến, đi lưu luyến

“Bến” vẫn hãy còn, “Súc” đã xưa!

 

Đồ Ngông,

24/04/12.

 

 

 

*Bến Chùa.

 

Rằng sao lại gọi Bến Chùa

Ngày xưa ở “Bến” có “Chùa” đó chăng?

Chùa nay có có còn không

Qua thời chinh chiến có mong chi còn!

 

Đồ Ngông,

24/04/12.

 

 

 

*Bến Tranh.

 

Thuở nào rừng có lắm tranh

Cắt tranh để "đánh" (đan, bện thành tấm) lợp lên mái nhà

Hay là “Bến” chỗ đem ra

Gom tranh lại bán cho người đến mua?

 

Đồ Ngông,

24/04/12.

 

 

 

*Cỏ Trách.

 

“Trách” chi loài “Cỏ” vô tình

Thế mà “Cỏ” lại “Trách” đường nhân gian

“Cổ” hay là “Cỏ” nội ngàn

Người ưa gọi “Cỏ”, trách than làm gì!

 

Đồ Ngông,

25/04/12.

*Văn Hóa Xếp Hàng!


*Chuyện Tào Lao 2.         (tt)



Nói đến xếp hàng mà nói là văn hóa thì nó có vẻ to tát và quan trọng quá vấn đề. Mà không nói là văn hóa thì người ta không thấy rõ tầm quan trọng và ảnh hưởng của nó. Nếu một lúc nào đó ta không ưng ý một cái đầu bù xù, tóc rối như ổ quạ hay một cái sân đầy rác rến của một cái nhà bày biện giống như một sở rác, so với một cái đầu hớt chải gọn gàng hay sự sắp xếp ngăn nắp ở một căn nhà và cái sân sạch sẽ thì ta sẽ hình dung được cái nếp văn hóa như thế nào.

Người ta thường nói rằng: “Văn hóa là những cái gì còn lại sau khi đã quên hết”, lúc mới nghe câu ấy tôi cứ liên tưởng đến một ý đùa vui, hay một tư tưởng lập dị của một triết gia gật gù nào đó. Mà cũng ngộ nghĩnh, chính vì cái trái ngược lạ lùng ấy mà câu ấy cứ theo tôi mãi cho đến ngày nay, và bây giờ tôi mới ngộ được chút đỉnh của vấn đề. Trong cuộc sống con người không có cái gì là của mình chính hẳn. Mọi tư tưởng hay cử chỉ hành động đều có sự pha trộn, học hỏi, tập tành từ người nầy cho đến người khác, từ thuở còn bé tí teo cho đến lúc già đầu bạc, đó là những sự giao lưu, truyền thụ lại cho nhau hay nói nôm na là bắt chước. Đến một lúc nào đó, nó không còn là nguyên thủy của nó nữa, nó biến thể và trở thành nét đặc trưng của mình mà mình cũng không còn nhớ nguồn gốc của nó từ đâu và nó được lưu truyền từ thế hệ nầy sang thế hệ khác từ trong gia đình, dòng tộc hay của cả một dân tộc như thế nào và thế là nó trở thành văn hóa của nhóm người hay dân tộc ấy. Nhìn vào một dòng chảy của xe cộ trên đường phố, hay một dòng người đi trên đường phố ta sẽ thấy thói quen và có thể nghiệm ra rằng nhóm người đó hay trình độ của dân tộc ấy ra sao. Trên đường phố mạnh ai nấy chạy, tranh nhau mà đi, không theo một quy luật nào cả, thì nhóm người ấy không thể nào hiểu được sự an toàn và kỷ luật là gì. Nhất là trong những nơi công cộng hay những cuộc tổ chức nào đó đều có những cuộc chen lấn, ỷ mạnh lấn lướt yếu, lớn càn đứa nhỏ thì không thể đánh giá được là văn minh. Sự chen lấn làm cho người ta dễ nóng giận sanh ra ẩu đả, cãi cọ khiến con người sống với bản năng của mình chứ không thể giải quyết được nhanh chóng sự việc. Đôi khi sự chen lấn là môi trường tốt cho những kẻ lưu manh lợi dụng để móc túi, cắp của người khiến cho nhiều người thêm đau khổ. Ở những xã hội văn minh hay ý thức hơn người ta sắp hàng theo thứ tự để tới phiên mình, không gây cảnh ồn ào, không hao tổn đến mồ hôi hay quần áo trở nên dơ dáy vì chen lấn; điều ấy khiến cho người có trách nhiệm cũng không phải chật vật để giải quyết vấn đề cho mọi người. Có những buổi sáng chúa nhật vào mùa đông, người ta chỉ đi chợ bán đồ cũ ngoài trời mà phải sắp hàng dài cả cây số trong khí trời lạnh lẽo, người tới sau thì đứng sau cứ thế mà tuần tự đi tới, không ai chen lấn hay giành đi trước gì cả. Nếu bạn “vô ý” chen vào, người ta vẫn để cho bạn vào một cách vui vẻ, thế nhưng những người khác nhìn bạn như thuộc về một sắc tộc nào đó kém văn minh. Trong phòng mạch của bác sĩ, hay một nơi nào đó cũng vậy, mình tới sau ai hay ở đó đang có mấy người thì biết khi nào đến phiên người cuối của số đó là đến lượt mình, cứ tuần tự theo thứ tự không cần đến chen lấn, giành giựt. Do vậy, quả thật “xếp hàng” cũng là một nét văn hóa tốt nó vừa công bình và cũng vừa thể hiện được một nét văn minh của một xã hội, một ý thức và cũng vừa tránh được không biết bao nhiêu là phiền phức kể cả không tạo môi trường cho những kẻ cắp và móc túi. Có phải vậy không anh bạn nhỉ?

 Đồ Ngông,
27/11/2013.