Monday, February 17, 2014

*Tham Nhũng!


*Chuyện Tào Lao 2.        (tt)



Mấy lúc gần đây, trên truyền thông thế giới và ở nhiều nơi người ta thường đề cập đến vấn đề “tham nhũng”. Nói đến tham nhũng là nói đến những người viên chức trong những chính quyền đang điều hành chính quyền đó để cai trị một nước. Đây là vấn đề nhức nhối nhất của bao nhiêu chính phủ trên thế giới, nhất là trong cõi của con người. Trong loài vật, chúng ta không nghĩ nó có tình trạng tham nhũng vì loài vật không biết đến xài tiền bạc, vả lại nó cũng chẳng có trí khôn như con người. Ở loài vật nó chỉ có “làm theo bản năng, mà không có sự sáng tạo” nên loài vật không thể nghĩ đến những phương cách để thâm thủng ngân sách của quốc gia hay các nguồn tài trợ có lãi hay không có lãi, hoặc hoàn lại hay không hoàn lại. Con người nào cũng có những bản năng, nhu cầu cho sự sống như loài vật, nhưng con người là một sinh vật biết “nạnh hẹ, lánh nặng tìm nhẹ; biết tìm đến sự sung sướng, không làm mà được hưởng dù đó là công của của người khác đóng góp vào…”. Con người là những con vật có khả năng giết người bằng những phương tiện độc ác nhất và cũng là sinh vật có thể “tự mình sát hại chính mình”. Con người cũng là con vật duy nhất biết “ăn vụng và che lấp những sự ăn vụng của mình”. Nói như vậy có nghĩa là “sự tham nhũng là một điều không tránh khỏi trong thế giới con người”.

Ngày xưa, sự tham nhũng cũng đã thể hiện trong dân gian chứ không phải là không có. Điều đó nếu ai đã đọc các truyện Tàu cũng đã thấy được điều ấy. Và những ai đã nghiên cứu về triết lý Lão Trang hay của Không Tử thì cũng không lạ gì! Vì: Nếu không, thì làm gì có những ông quan bất mãn với sự thối nát, tham ô để từ quan mà trở về đồng quê, núi non mà “vui thú điền viên ở ẩn”; nếu không, thì làm gì có triết lý “chí công vô tư”, “lo trước cái lo của thiên hạ, và vui sau cái vui của thiên hạ”. Nếu tất cả những ông quan mà không tham nhũng thì nơi ấy đã là những cõi của Thánh nhân. Nhưng trên cõi đời nầy không phải là nơi toàn thiện vì Thượng Đế tạo con người đưa con người vào trong cõi thử thách nầy xem chơi, để xem các con của Ngài chịu đựng được tới đâu theo sự điều khiển của Ngài. Ngài là bực “tốt lành” như thế đấy!

“Sự tham nhũng” là sự kiện mà trong dân gian Việt Nam đã nói rằng: “Mỡ treo trước miệng mèo”, mèo đã vốn thích ăn mỡ thế mà nay mỡ ngay miệng mèo khiến mèo cố nhịn được sao? Mà khi được một chỗ ngon, béo bở thì người ta cũng nói: “Chuột sa hũ nếp”, hay nói một cách thô tục hơn như trong dân gian thường biếm như “Chó lọt cầu tiêu tha hồ ăn ngập mặt”! Làm quan để được “Vinh thân phì da” và “Một người làm quan thì cả họ được nhờ” điều đó quả là không sai!

Thế “Tham nhũng” là gì? Theo “Việt Nam Tự Điển” của Hội Khai Trí Tiến Đức thì: “Nói về quan lại, tham lam nhũng nhiễu: Quan lại tham nhũng”. Còn theo Hán Việt Từ Điển của Nguyễn Văn Khôn thì “Tham Nhũng: (Quan lại) Tham lam và nhũng lạm”. Như vậy tham nhũng để chỉ riêng cho những người làm quan và có quyền hành. Quan là những người có địa vị trên phương diện hành chánh, quân sự cũng như tư cách, học vị để lãnh đạo địa phương hay quốc gia, là những người dẫn đầu quần chúng để điều hành địa phương và quốc gia càng ngày càng tiến lên và nâng cao đời sống. Họ là những người mẫu mực để dẫn đầu. Họ được hưởng bổng lộc từ sự đóng góp của dân chúng qua thuế má, hoặc những tài nguyên bán được trong mậu dịch quốc tế…tức là những nguồn lợi tức của ngân sách quốc gia. Thế nhưng, những ông quan ấy khi ở trên cương vị của mình đã không sử dụng số tiền mà chính phủ “rót về” để xây dựng những công trình, dự án…nhằm đem lại lợi ích cho địa phương hay quần chúng mà lại tìm cách chia chác số tiền đó để nhậu nhẹt, ăn chơi thỏa mãn sự đàng điếm của mình; xa hoa hay xén bớt phần của những công việc hoặc “rút ruột” những công trình để một phần ngân sách chạy về túi riêng, làm giàu cho gia đình và đồng bọn. Nhất là những số tiền “viện trợ” mà những nước ngoài cho chính phủ vay và trả nợ lần về sau: Họ là những kẻ “ăn mặn” khiến dân chúng và con cháu các đời về sau phải trả nợ cho họ. Vậy thì họ là những ông quan mà mọi người phải nghĩ như thế nào? Ai đã khiến cho họ như thế đó? Và ai là những kẻ đã làm “bóng che, đỡ đầu” cho họ? Họ sống trên xương máu mồ hôi, nước mắt của mọi người; họ là tội phạm “cướp của” của người dân. Họ là “quan” làm lợi cho đất nước, dân chúng hay là những kẻ “tàn phá” quốc gia. Điều ấy khiến chúng ta và ngay cả nhân loại nên cần suy nghĩ!

Những phương tiện truyền thông, báo chí là những phương tiện có thể nêu những điều phí phạm, sai trái ấy lên để báo động và ngăn chặn được bớt những tệ nạn ấy. Tuy nhiên, những ông quan thường có thế lực và quyền hành cho nên các ông cấu kết mà ém nhẹm hoặc dùng những thủ đoạn để triệt tiêu những điều mà người khác muốn phanh phui. Nếu trong một quốc gia mà báo chí không có được quyền để thông tin các điều ấy thì sự tham nhũng sẽ dẫy đầy, lây lan như những bệnh dịch và nhất là những quan chức là những người phải trong tổ chức của chính quyền, có đủ tiêu chuẩn theo quy định mới được ở trên cương vị nào đó thì sự tham nhũng lại càng dễ bành trướng gắp trăm lần, vì nếu bỏ họ đi thì lấy ai để làm và tổ chức của mình sẽ mất biết bao nhiêu người thì tổ chức sẽ bị thu hẹp và suy yếu đi. Còn bao che sử dụng tiếp tục thì sẽ là một tổ chức toàn là những người như thế cả, sẽ từ trên xuống dưới. Không khéo sự lành mạnh, phục vụ người dân và đất nước không còn nữa mà lại trở thành một tập hợp “cướp bóc” và phá hoại quốc gia, đưa dân chúng đến chỗ nghèo đói và lầm than!

Một chủ thuyết dựa trên cơ sở khoa học, lý luận thực là vững chắc nhằm đưa nhân loại đến một thiên đàng nơi hạ giới, hiện thực thay thế cho một thiên đàng “mơ tưởng” nơi tôn giáo; đó là nơi mà mọi người sống với nhau hài hòa không còn người bốc lột người, rồi chính quyền cũng sẽ tự tiêu vong. Thế nhưng, lý thuyết ấy đã không nghiên cứu đến “Duy Thức Học” của Phật giáo, nên đã không nghĩ đến “Sự Tham Lam” của con người. Trong Duy Thức khi cái Tâm đã mượn Tứ Đại để làm thân xác của mình thì cái thân xác nầy chính là “vấn nạn” để trói buộc cái Tâm. Tâm bị giới hạn và lo phục vụ cho thân xác về ăn uống, lạnh lẽo về các nhu cầu kể cả bản năng tình dục. Khi đã no đủ thì lại tiến lên đẹp, tốt, sướng hơn…nhất là để phục vụ cho chính cái “ngã” của mình. Cái Ngã của mình phải hơn cái ngã của người khác…nên các sự bất đồng đã xảy ra. Cộng sản nguyên thủy bị tan rã từ những lý do đó. Cái Ngã của một dân tộc “dân tộc của Ta phải hơn các dân tộc khác” đã thành hình những “tinh thần dân tộc” đang nỗi lên trong thế giới nầy. Một cuộc chiến tranh vì dân tộc có lẽ khó mà tránh khỏi! Âu đó cũng lại là một “Hợp Duyên” để “Duyên lại sanh” và rồi “Trùng trùng duyên khởi”!

 

Đồ Ngông,

17/02/2014



Friday, February 7, 2014

*Dầu Tiếng Ngày Nao!


*Thơ Về Bình Dương!       (tt)



 
*Cổ Cò.                (Dầu Tiếng)

 

Cong cong như cái cổ cò

Người ta cứ gọi cổ cò cho sông

Vào mùa mưa lớn không thông

Nước sông dâng lớn mênh mông cánh đồng

Nước qua Bến Củi, sát đường

Thế mà mang lại có nhiều cá tôm!

 

Đồ Ngông,

25/04/12.

 

 

 
*Dầu Tiếng Ngày Nao!

 

Dầu Tiếng ngày nao có cổng Bo (Port?)

“Tiếng” cây “Dầu” nổi rất là to

Hàng ngày nghe tiếng còi ốc hụ

Giờ giấc công nhân đến hoặc về!

 

Dầu Tiếng trong thời buổi chiến tranh

Nằm trong cái thế hai bên giành

Giằng co kéo mãi làm dân khổ

Chỉ thấy là riêng mệt dân lành!

 

Dầu Tiếng ngày nao có bấy nhiêu

Có đâu dân số gọi là nhiều

Bao nhiêu dân chúng đều đi cả

Đi hết, dân còn có bấy nhiêu!

 

Đồ Ngông,

25/04/12.

 

 

 
*Lòng Hồ Dầu Tiếng.

 

Tớ đã đi từ Dương Minh Châu

Chạy vòng, vòng theo hồ xứ Dầu

Đường lún, sao xe hay nhún nhảy

Trên hồ có những ghe buông câu!

 

Tớ đã ghé thăm khu của hồ

Làm ăn có khá, tiền có vô

Mà sao thưa thớt, hàng quán vắng

Lặng lẽ, lao xao sóng mặt hồ!

 

Đây đó tình nhân ghé nơi đây

Nhìn trời, nhìn nước, tâm sự nầy

Càng vắng thưa người, đời lại thú

Cũng rằng, ta lại đến nơi đây!

 

Đồ Ngông,

26/04/12.

*Miệng Lưỡi!


*Chuyện Tào Lao 2.        (tt)



Người ta, ai cũng có cái miệng và một lưỡi. Cái miệng thì mở ra, khép lại, vo tròn bóp méo để thổi hơi, phát ra được những âm thanh từ trong cổ họng mà tạo thành tiếng nói. Song song vào đó là cái lưỡi núp bên trong cái miệng uốn qua éo lại, vươn dài thụt ngắn để biến những âm thanh thành khác biệt để cùng diễn tả rõ được những điều mà người ta muốn diễn tả bằng lời nói cho người khác biết. Ngoài công việc ấy ra, miệng lưỡi và răng còn làm chung một công việc ăn uống để nuôi sống người hay con vật mà đã sở hữu chúng.

Trong cuộc sống, người ta đề cập đến cái ăn ít hơn là cái nói, tuy rằng cái ăn để nuôi sống thân mạng vì cái ăn nó tuy rằng không đơn thuần là “ăn để sống”, đôi lúc nó lại là “sống để ăn” hoặc “miếng ăn là miếng tồi tàn, mất đi một miếng lộn gan lên đầu”, hay là “bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra”; mà cái nói đã trở nên vấn đề thường xuyên và cũng là quan trọng hơn nhiều!

Những người câm không nói được khiến người ta khó lòng hiểu được sự diễn tả về ước muốn hay nỗi lòng của họ. Nói như vậy có nghĩa là tiếng nói trở nên quan trọng trong cuộc sống, nó diễn tả những ý tưởng, ý muốn, mệnh lệnh, khuyên nhủ, sự giáo dục mà người truyền thụ đem đến được cho người cần tiếp nhận thông qua miệng và lưỡi.

Cái miệng dù nó tròn hay nó méo, đẹp hay xấu có tật hay không vẫn là để tạo nên âm thanh mà người khác có thể tiếp thụ, hiểu được những gì mà người sở hữu muốn truyền đạt, diễn tả. Còn cái lưỡi nó mềm không có xương có thể uốn éo qua lại để điều khiển âm thanh và cũng để lừa thức ăn vào răng, răng nghiền nát thức ăn trong hệ thống tiêu hóa. Nhưng thói đời người ta thường gán ghép cho cái lưỡi tội nặng nề như trong câu: “Lưỡi không xương nhiều đường lắc léo”. Bỡi rằng nó không có xương nên lưỡi dễ chuyển động theo mọi chiều hướng, khi người ta nói như thế này cũng được, và đôi lúc lại nói ngược lại, có thể trong chốc lát sau đó không lâu. Điều ấy chứng tỏ sự không nhất quán, lập trường không vững của người nói; nhưng lắm lúc cũng chứng minh cái ý đồ, sự dua nịnh hay cái xu hướng nào đó của chủ nhân của nó.

Cái lưỡi “được” mang tiếng thay thế cho tư tưởng của con người. Tư tưởng suy nghĩ hướng dẫn cho những hành động, nhưng qua những thay đổi lời nói, tráo trở của những hành động, người ta thường lấy cái lưỡi ra mà biện minh, lý giải cho những thay đổi ấy. Sự ngụy biện không những trong phương diện đối xử, ngoại giao, chính trị mà còn ngay cả trong tôn giáo nữa. Cái lưỡi diễn tả các điều mà người ta nhằm đánh lừa kẻ khác để nhằm ngấm ngầm thực hiện những âm mưu to tác ở phía sau. Tôn giáo thúc đẩy lôi cuốn tín đồ, khiến tín đồ là những công cụ ngoan ngoãn, lao vào chỗ chết hoặc nhằm thực hiện cho mục tiêu của người giáo chủ hay chức sắc mà người tín đồ cứ nghĩ làm điều ấy là cho một niềm tin của chính mình, cho một đấng thiêng liêng vô hình nào đó. Chính trị vận động cho những phong trào, thực hiện đường lối “thống trị” mà người ta muốn áp đặt trên người dân, mọi người qua những người cùng nhóm, cùng phe, cùng tư tưởng đang tiến hành. Nhà ngoại giao dùng đến miệng lưỡi để đạt đến những thỏa hiệp, những điều kiện mà người ta có thể chấp nhận theo ý mình hay của tổ chức của mình muốn, họ đang “uốn lưỡi” thật khéo để chinh phục được người khác đó vậy! Còn trong đối xử hàng ngày thì biết bao nhiêu là những thủ đoạn lừa đảo, tranh lợi hay chân thành qua miệng lưỡi được từng con người xử dụng: Dùng miệng lưỡi với những lời ngon ngọt, bùi tai, êm dịu, lý luận cứng chắc lẫn cách thức tạo niềm tin cho người khác để rồi lừa đảo họ không thương không tiếc.

Những con người có khả năng dùng miệng lưỡi, dùng những lời nói, lý luận của mình để thuyết phục người khác khiến người khác có thể chấp nhận lập trường, quan điểm, đường lối của mình hay phe của mình mà dẫn đến những hành động dưới sự sai khiến của họ thì quả thật là những thiên tài.

Do vậy, những con người miệng lưỡi là những con người khiến người ta phải “đáng” mà “sợ”!

 

Đồ Ngông,

17/01/2014.