Friday, December 18, 2015

*Mỹ Du. (5)




Đập thủy điện Hoover nầy (theo tài liệu) được xây dựng ở ranh giới của 2 Tiểu bang Nevada và Arizona trên sông Colorado thuộc khu vực Black Canyon. Đây là một đập coi như là lớn nhất thế giới lúc bấy giờ khởi xây dựng từ 1931 đến 1935 và vận hành vào năm 1936 để ngăn lụt lội, chứa nước tưới cho khoảng 2 triệu mẫu Anh (acres), thủy điện và là nơi để phục vụ cho du lịch và giải trí, vui chơi. Khởi thủy kế hoạch nầy được gọi là Boulder Canyon Project bắt đầu thành hình từ năm 1922 với đại diện của các tiểu bang Colorado, Wyoming, Utah, New Mexico, Arizona và Nevada và đại diện chính quyền là Bộ Trưởng Thương Mại lúc bấy giờ là Herbert Hoover. Kế hoạch nầy bị tranh cãi mãi cho đến tháng 12/1928 mới được Tổng Thống Calvin Coolidge chấp thuận thực hiện. Đến năm 1930 dự án xây cất nầy đổi tên là Hoover Dam tên của Herbert Hoover (lúc nầy đã là Tổng Thống thứ 30 của Hoa Kỳ nhiệm kỳ 1929 - 1933) để ghi nhận những nổ lực của ông trong việc xây dựng đập. Nhưng tên nầy mãi đến năm 1947 mới được thông dụng.
Đập Hoover là đập vòng cung được xây bằng bêtông kiên cố có chiều cao 221.4 m dài 379 m. Chân của đập rộng 200 m, và chiều rộng vòng trên mặt là 14 m để làm đường giao thông. Nhưng sau biến cố 11 tháng 9 năm 2001, chính quyền quyết định xây một cầu bêtông với hệ thống dây cáp để thay thế cho đường đi qua đập được hoàn thành vào 2010. Tuy nhiên sự giao thông qua đây vẫn bị khám xét kỹ càng cùng có vài giới hạn.
Việc xây đập nầy cũng là một kỳ công trong thời kỳ Đại khủng hoảng kinh tế của thế giới. Hợp đồng xây đập được thầu bỡi công ty Six Companies mới được thành lập do sự kết hợp của 6 công ty lớn dưới sự điều hành của Frank Crowe.
Công trình xây đập chia làm nhiều giai đoạn: Xây dựng nền móng, chuyển hướng chảy của dòng sông, phá các bờ đá, đổ bêtông và dựng các cột phát điện. Bước khó khăn đầu tiên là phải nổ phá vách để tạo bốn đường hầm thay đổi dòng chảy cho nước sông: Hai đường bên vách núi phía Tiểu Bang Nevada, và hai đường bên phía Tiểu Bang Arizona. Mỗi đường hầm có đường kính là 17 m. Chiều dài tổng cộng khoảng 5 km. Khi hai đường hầm đầu tiên được hoàn tất thì đá nầy được tạo thành hai bờ đập nhỏ để ngăn nước tràn vào để bảo vệ công trình đang xây dựng không bị sạt lở vào tháng 11/1932. Bước thứ hai là phá bỏ, dọn dẹp những phần đá rời dễ sạt lở khỏi vách đá để tạo cho nền đập vững chắc về sau. Công việc nầy đòi hỏi công nhân phải leo dây lơ lửng, làm việc ở độ cao hơn 200 m từ đáy của khe núi với các máy phá đá và chất nổ. Xong công việc đào móng tiến hành. Cả 1.1 triệu mét khối đá được đi dời. Đến ngày 6/6/1933 mẻ ximăng trộn đầu tiên được đổ xuống trước thời hạn dự định là 18 tháng. Ximăng được trộn tại chỗ và vận chuyển xuống công trường trên một trong 5 đường cáp cứ 78 giây một. Ximăng được đổ thành những khối hình thang mỏng khoảng 15 cm liên kết nhau từ dưới nâng lên từ từ và được làm nguội bằng những ống dẫn nước từ phía bên trong và giữa các khối bêtông để tránh sự rạn nứt, cong khi ximăng nguội. Mẻ ximăng cuối cùng được đổ lên mặt để hoàn tất vào năm 1935. Ngày 30/9 Tổng Thống Franklin Roosevelt kỷ niệm công trình hùng vĩ nầy với đám đông chừng 20,000 người. Khoảng 6.6 triệu tấn ximăng đã được dùng đến, bằng số lượng đủ để tráng con đường từ San Francisco đến New York; và sử dụng đến 21,000 nhân công cho công trình nầy với 112 người đã bị chết trong thời gian thi công.
Lượng nước ở các hồ chứa, nhất là hồ Mead đủ tưới tiêu cho 2 triệu mẫu Anh đất trồng trọt. Với 17 tuộcbin phát điện đủ cung cấp điện cho 1.3 triệu nhà. Hoover Dam thu hút khoảng 7 triệu du khách hàng năm và Lake Mead là nơi vui chơi giải trí tiếp nhận chừng 10 triệu khách vãng lai.

Tôi đi lên đập cùng đứa cháu ngoại nhỏ Jessica, chúng tôi đi vào một cái cầu treo nhỏ dành cho người đi bộ, đi đến giữa cầu nhìn xuống đập ở dưới kia. Đứng trên nầy chỉ thấy hình dáng của nó là như vậy chứ không thấy được sự hùng vĩ của nó cũng như các chi tiết, nhưng chúng tôi cũng đâu có thì giờ vì tour chính của chúng tôi là West Rim ở Grand Canyon kia mà. Nơi đây chỉ là ghé qua để cho biết mà thôi. Chúng tôi cũng như bao nhiêu người khác chỉ nhìn tổng quát và đứng làm duyên, làm dáng để chụp một số hình làm kỷ niệm. Tôi chụp cho cháu ngoại vài tấm ảnh, rồi tôi cố thu hình vào máy quay phim để có cớ nói dóc, khoe khoang với bạn bè. Độ chừng mười mấy phút chúng tôi phải trở xuống, tập hợp lên xe và còn phải đi đoạn đường xa nữa để đến Grand Canyon. Xe phải chạy ngược lại, nối vào con đường 93 và đi về hướng đông nam vào địa phận phía Tây Tiểu Bang Arizona. Với những đồi núi, thung lũng sâu của vùng nầy có màu hơi sẫm nên người ta gọi là “Black” đó chăng? Địa chất ở đây sao có vẻ bời rời bợt rợt quá gần như kết cấu gồm cát, sỏi, đá nhỏ mà thiếu chất mầu mỡ kết dính cho nên cỏ cây không thể tốt. Ừ tôi quên nơi nầy là sa mạc cơ mà. May không mưa nhiều, hoặc gió lớn thường xuyên thì địa hình ở đây còn bị xâm thực mà thay đổi nhiều hơn nữa. Chắc vì vậy mà dòng Colorado qua quá trình lịch sử mới đào sâu xuống mãi dưới kia để tạo khu vực rộng lớn từ đây trở lên trở thành Grand Canyon.
Dọc đường tôi thấy cũng không có bao nhiêu là cây lớn, đa số là cỏ thỉnh thoảng một ít cây cao chắc không hơn 2 m trừ ở những nhà ở có nhiều cây trồng thì cao thôi. Hai bên đường thì phía tay phải có vài đồi núi, phía tay trái thì vùng đất bằng cỏ nhiều trãi dài vào dãy núi ở xa xa. Tôi nhớ lại khi đi lên vùng đất đỏ trung tâm nước Úc dù cũng là sa mạc nhưng cây cối còn khá hơn ở đây. Dọc đường bà tài xế mở băng hình về việc kỳ công xây dựng skywalk cho chúng tôi xem; nhưng vì tiếng Anh của mình “quá giỏi” nên tôi không hiểu được mà đâm ra chỉ nhìn cảnh và quay phim mà thôi! Tôi cứ nghĩ với đất đai như thế nầy thì người dân định cư ở đây sẽ sống bằng nghề gì mặc dù họ ở không nhiều.
Xe chạy đến Dolan Springs thì rẽ trái vào con đường Pierce Ferry Road là con đường sẽ dẫn đến West Rim của Grand Canyon. Trên con đường tôi thấy loại cây khá lạ giống như xương ong (cactus) nhưng các lá tương đối lớn hơn, từng chùm, sau tìm trên hình ảnh mới biết cây ấy có tên là Joshua Trees.
                                                                    Joshua Trees

Khoảng chừng 10.30 giờ chúng tôi đến nơi và được dặn dò vào khoảng 3 giờ chiều tập hợp đến xe buýt để trở về. Và lúc nầy tôi mới biết mảnh giấy có số được dán lên áo là nhận định chúng tôi đi tour nào mà người ta phát vé. Tour của chúng tôi là: “All Grand Canyon west tour”. Chúng tôi được phát mỗi người hai vé: Một vé cho chuyến đi vào Hualapai Ranch và một vé dành cho Skywalk. Xong chúng tôi ngồi đợi chuyến xe buýt đưa vào Hualapai. Hualapai được tổ chức như một nơi của những người cao bồi giống trong các phim cao bồi mà chúng ta thường thấy. Với những doanh trại, cửa hàng và nơi tập luyện cưỡi ngựa. Ở nơi nầy trời nắng chói chang làm chúng tôi cũng làm biếng đi khắp mặc dù nó cũng không là lớn lắm. Ngồi uống nước rồi đợi xe đến mà trở về Canyon.

                                                                          Canyon
Khi về đến Canyon chúng tôi cả đoàn dẫn nhau vào đi skywalk. Muốn đi lên skywalk chúng tôi phải vào một khu văn phòng và vào một phòng gởi đồ kể cả máy chụp hình lẫn máy quay phim và có vớ tạm dùng để bọc đôi giày lại, chắc người ta sợ làm bẩn hoặc trầy những tấm kính lót trên skywalk. Xếp từng hàng một để đánh một vòng từ bên nây qua bên kia. Ở đây có nhiều người thợ chụp hình họ chụp để lấy tiền, thì ra người ta sợ du khách đánh rớt những vật dụng làm hư hại đến skywalk hoặc rớt xuống vực thì tạo ô nhiễm môi trường. Tôi không nhớ rõ là điện thoại có cho đem vào không nhưng chẳng có ai dùng điện thoại để chụp hình hay quay phim cả. Du khách đi qua và chỉ nhìn thôi. Ngó xuống dưới chân để nhìn xuống vực thì cũng không thấy rõ ràng vì phải qua độ dầy của kính, nên chỉ nhìn ra bên ngoài thì dễ thôi. Lóng nhóng cũng đã đến vòng bên kia, thế là tour đi lên skywalk hoàn tất, chúng tôi lấy lại đồ đạc, bỏ vớ bọc giày rồi đi ra ngoài khu mua đồ lưu niệm.
Theo tài liệu quảng bá thì Skywalk là cái cầu hình móng ngựa (bán nguyệt) có thành và nền bằng kính, kính nền lót trên khung thép chắc chắn được xây ở Eagle Point, bờ phía tây của Grand Canyon, chi phí ước tính 40 triệu đô được mở ra công cộng vào ngày 28/03/2007. Nhưng người đi trên cầu đầu tiên là phi hành gia không gian Buzz Aldrin đi vào ngày 20/03/2007. Cầu có độ cao 1,200 m so với nền của Canyon và khoảng trên 21 m (70 feet) so với mặt đất ở đây. Người ta xây skywalk với độ tính chịu được sức gió 100 mph ở mọi chiều hướng, lẫn chịu được những trận động đất tới 8 magnitude. Mỗi tấm kính lót chịu được 800 người; nhưng chỉ cho phép không quá 120 người trên cầu cùng một lúc. Người ta xây skywalk để du khách được thích thú xem bên ngoài và kỹ hơn về vách núi, vực sâu của Grand Canyon.
Sau đó, chúng tôi đi ra ngoài để ăn uống đôi chút, và tôi quay cảnh người Thổ dân da đỏ Hualapai đang trình diễn nhạc cùng vũ điệu của họ; đồng thời quay những mẫu “chỗ ở” được trưng bày vài nơi từ chỗ trú đơn sơ bằng cây lá, thân cây dựng lên hay có vải quấn chung quanh để làm lều. Xong, chúng tôi lại lên xe buýt để đi đến Hwal’ Bay Nyu Wa tức Guano Point. Ở đây có nhiều con diều bay lượn trên bìa vực. Cảnh nhìn cũng được rõ ràng hơn ở Eagle Point. Dưới sâu kia là dòng Colorado phản chiếu ánh nắng lấp lánh, còn hai bên là vách núi cao màu đo đỏ. Tôi ghi lại nhiều đoạn phim ở khu vực nầy vì nó tương phản và rõ nét đặc thù của Grand Canyon hơn. Chúng tôi đón xe buýt trở về lại nơi Skywalk và thong thả ở đó đợi đến giờ lên xe buýt. Đúng 3 giờ chúng tôi lên đầy đủ trên xe buýt và xe khởi hành về Las Vegas. Thế là, tôi đã được đến Grand Canyon ở trên đất Mỹ một lần, mặc dù chỉ riêng vùng West Rim!

Theo tài liệu thì Grand Canyon được UNESCO công nhận là một di sản của thế giới. Trong những địa tầng nằm ngang của nó ẩn chứa lịch sử địa chất cả 2 tỉ năm trước, cùng chứa đựng dấu vết tiền sử của loài người thích nghi với môi trường sống khắc nghiệt ở đây. Canyon được đề nghị thành National Park vào năm 1919 bỡi một đạo luật của Quốc hội và là một trong những National Park đầu tiên của Hoa Kỳ. Các sườn dốc, rãnh xoắn do sông Colorado đào sâu gần 1,500 m vào các tầng đá tạo thành hẻm vực ngoạn mục. Toàn Canyon dài 445.8 km được thành hình trong khoảng 6 triệu năm của hoạt động địa chất và sự xâm thực của sông Colorado trên lớp võ trái đất được nâng lên với độ cao 2.5 km so với mực nước biển. Hẻm núi có chiều rộng từ 200 m cho đến 30 km chia Park làm North Rim, và South Rim với nhiều mô đất, chóp cao, núi mặt bằng nhìn từ những đường rìa.
Sự xâm thực vẫn còn liên tục dù từng lúc hay thường xuyên để tạo thành những thác nước hùng vĩ hay cuốn trôi đá cuội dọc theo chiều dài của hẻm vực hoặc lưu vực sông. Những tầng địa chất nằm ngang bị xâm thực được phô bày vào khoảng 2,000 triệu năm của lịch sử cung ứng sự hiển nhiên của 4 thời kỳ: Precambrian, Palaeozoic, Mesozoic, và Cenozoic.
Canyon là một bão tàng khổng lồ về 5 khu vực đời sống và thực vật: Trên 1,000 mẫu thực vật đã được tìm thấy cũng như nhiều loại có nguy cơ biến mất. Park là nơi ở của 76 loài có vú, 299 loài chim, 41 loài bò sát và 16 loài cá sinh sống ở sông Colorado và các lưu vực.
Ngành khảo cổ còn tìm được những chứng cứ chứng minh sự thích nghi của đời sống xã hội con người trong môi trường khắc nghiệt và khung cảnh ở đây với 2,600 tài liệu tiền sử kể cả sự hiện diện văn hóa Archaic (cư dân sớm nhất vùng nầy), Cohonina Indians ở dọc South Rim; Anasazi Indians ở South và North Rim, Hualapai và Havasupai Indians đã đến Canyon và sống yên tĩnh cho đến khi người da trắng xâm nhập vào đây năm 1860.
The Grand Canyon được bão tồn lần đầu tiên vào năm 1893 như bão tồn rừng, nhưng về hầm mỏ và săn bắn vẫn còn được phép tiếp tục cho đến năm 1906 và đến năm 1908 thì chấm dứt.
Tùy theo độ cao mà khí hậu và cư dân có thể thay đổi từ khí hậu sa mạc cho đến khí hậu vùng núi.
Vật hóa thạch tìm thấy có thể từ những cây cối lúc ban đầu, sinh vật biển, trái đất (terrestrial specimens), loài bò sát cổ đại, cùng vài loài có vú khác.
Trên đường về tôi nhìn kỹ lại về những nhận xét đất đá của tôi ở khu vực đập Hoover và quan sát các kiến trúc làng xóm phía đông của Las Vegas để kiểm chứng nhận thức của mình.
Tối nay, Tin và Ngọc đãi chúng tôi bữa ăn cũng ở nhà hàng Kim Long đầy đủ mọi người với Nga và Phượng, để ngày mai chúng tôi sẽ từ giã Thành phố Cờ Bạc trong sa mạc nầy mà sang mục tiêu chính của chuyến đi là Salt Lake City thuộc Tiểu bang Utah.

(Còn tiếp)

Nguyên Thảo,
19/12/2015.

Wednesday, December 16, 2015

*Tôi Đi Lang Thang!

*Tào Lao Thế Sự! (tt)



Tôi không hiểu một ngày kia mình ăn phải thứ gì không biết, thế mà thân thể tôi ngứa ngáy không cùng, tay chân trở nên cứng đờ, người đi không vững. Tôi đành phải bò ra ngoài và té quỵ bên cạnh hàng rào. Không biết bao lâu thì tỉnh dậy, tôi thấy mình đói quá đành đi kiếm gì để ăn, mà tại sao tôi không đi vào trong nhà nhỉ? Tôi đành đi ra ngoài đồng xa, đi đến một dòng nước. Vì khát nước tôi đến bên bờ khum xuống để uống thì: Ôi thôi! Sao tôi lại giống một con dê quá chừng! Đầu tôi có hai cái sừng nho nhỏ, mỏ dài ra và ở cằm cũng có một chùm râu. Đúng là một con dê đực rồi! Tôi lại đi bốn chân, đầu bàn chân cũng có móng. Tôi gặp người, tôi hỏi người ta không thèm trả lời, họ cứ tỉnh bơ mà đi qua. Buồn quá, tôi lửng thửng đi mãi khi nào khát thì kiếm nước vũng hay nguồn suối nào mà uống, đói thì đến chòm cây nào đó mà ăn lá. Tôi không còn về nhà nữa, vì bây giờ tôi thuộc loài khác rồi. Đi mãi mặc cho mưa nắng, đường sá xa xôi; May một cái là người ta không bắt trộm tôi để làm thịt, tuy vậy tôi vẫn có nhiều lo âu!
Đi đến một cánh đồng cỏ tươi tốt kia, tôi đi vào đó vui chơi và ăn rông theo bờ rào. Một lúc tôi gặp một chú bò chú hỏi tôi:
-Ê! Mầy là con dê đực phải không? Mầy ở đâu mà tới đây vậy? Tại sao mầy lọt vào đây? Ai cho mầy vào? Mà mầy có lo lót chưa?
Tôi ngẫm nghĩ: Ngộ thiệt, loài vật bây giờ cũng biết lo lót, đòi hối lộ như loài người. Vậy loài vật và loài người bây giờ cũng giống nhau sao? Tôi lặng thinh không thèm trả lời, tôi cứ tự nhiên vì loài vật là loài sống theo tự nhiên của bản năng và nơi nào cũng là của thiên nhiên thì loài vật được quyền để sinh sống. Tôi mặc kệ chú bò, nó tức tối gầm lên “Úm bò”, tôi lại chọc tức nó bằng giọng cười nham nhở của tôi “be he..he…e…e..e”, tôi cố tình kéo dài tiếng he..e.. để cho nó hiểu rằng tôi chế nhạo nó đó. Nó lại thêm bực bội càng rống lên để lôi kéo bạn bè nó từ xa đến đây. Tôi đâu sợ chúng nó đâu. Thân chúng nó to như vậy chứ nó vẫn không lẹ bằng tôi. Chúng muốn hiếp đáp tôi đâu phải là dễ, tôi sẵn sàng cho cả bọn nó phải đối đầu nhau nếu chúng nó cố tình chơi, hoặc dùng sức mà ăn hiếp tôi. Xa xa có nhiều chú hươu cao cổ vươn đầu lên những ngọn cây cao mà quấn quít những lá non trên đó. Ụa, sao lại có loài khủng long ở đây nữa kia. Loài nầy đã chết tiệt từ lâu rồi mà! Sao nay lại xuất hiện ở đây. Những con bò coi bộ ngán loài hung tợn nầy lắm! Bò chỉ ăn hiếp tôi thôi, chứ nó hơi lánh xa các loài hung dữ đó. Tôi làm bộ hiền lành đến bên mấy con bò làm quen với nó hỏi:
- Ê nầy bò, tụi bây ngon chỉ ăn hiếp tao thôi! Tại sao tụi bây không đuổi mấy con hươu cao cổ hay mấy con khủng long đó cho nó biết tay!
Bò liền than:
-Tụi tao đã ra sức đuổi nó rồi đó chứ! Nhưng nó không đi thì tụi tao phải làm sao đây. Chúng nó thật cú lì, thôi thì kệ cha nó!
Tôi nghĩ trong bụng thì ra trong thế gian nầy ai có sức mạnh và cú lì thì dễ đạt được thành công theo ý muốn của mình, mà liều nữa thì người khác sẽ hoàn toàn thất bại dưới tay mình! Tôi lại hỏi đám bò:
-Thế tại sao tụi bây đòi đuổi tao và đòi hối lộ tao nữa? Làm như cánh đồng cỏ nầy là của tụi bây vậy!
-Tất nhiên, cánh đồng cỏ ở đây là của tụi tao chiếm hữu, nhất quyết không cho đám nào khác giành lấy. Mầy thấy không, tất cả bò tụi tao trong nầy đều được đóng dấu trên mông đít, và lỗ tai đứa nào cũng được đeo thẻ làm dấu ấn. Nếu bò khác mà vào đây cũng không được tin dùng, dù cho nó có tài cách mấy đi nữa thì nó cũng chỉ là kẻ ngồi chơi xơi nước thôi. Nó chưa chắc được một ngôi thứ cỏn con nữa, chứ làm sao mà được làm lãnh đạo, được vị trí xứng đáng để thi thố tài năng. Tốt nhất nó nên cút đi, đừng bén mảng đến đây! Còn nếu bò ở đây mà không được đóng dấu và đeo thẻ vào lỗ tai thì dù có tài thì cũng nên đi chỗ khác thôi, muôn đời nó chỉ là “phí tài vô ích” chẳng bao giờ được trọng dụng đâu! Đừng mơ tưởng hão huyền!
Lúc đó tôi mới hỏi chơi:
-Còn tao thì sao? Tao có nhiều khả năng đóng góp đó, tao có thể làm rạng danh cho tụi bây!
Bò trong lúc cao hứng:
-Mầy chỉ là một loài “vô danh tiểu tốt”, vô đây đã bị người ta lưu ý rồi mà còn làm phách. Bọn mầy chỉ có nước lủi thủi đi ăn ké thôi!
Tôi ngẫm nghĩ: Ừ, mình vô tích sự thiệt, thì làm gì mà có khả năng để thử nó coi nó đối xử mình ra sao? Tôi nghĩ cách để chọc giận nó chơi:
-Ê, tụi bây giỏi lắm thì cũng chỉ là một lũ bò. Người ta nói “Ngu như bò”, ngu như tụi bây là phải, cho nên tụi bây chẳng làm chuyện gì nên tích sự mà lúc nào cũng tưởng mình khôn. Quả thật người xưa nói: Người khôn biết mình khôn thì đã đành, người ngu mà biết mình ngu để sửa đỗi thì là người khôn. Còn người ngu mà thấy mình khôn mới chết thiên hạ, vì vậy mà thiên hạ điêu đứng tang thương cũng tại vì lũ bò tụi bây!
Tôi nói tới đó, tụi nó tức quá, xúm nhau ví tôi chạy có cờ. Tôi cố sức “ba chân bốn cẳng” sải thật nhanh để thoát thân. Chạy nhanh quá, tôi luýnh quýnh trẹo chân chỉ còn chạy được hai chân và thở hổn hển. Phía sau đám bò ví đến nơi, tôi hoảng hồn hét lên!...
-Anh, anh! Anh làm gì vậy!
Tôi giật mình bẽn lẽn! À! Thì ra tôi lại nằm mơ!

Đồ Ngông,
17/12/2015.


*Chiếc Bình Xưa Đã Vỡ!

*Thơ Đồ Ngông! (tt)



*Mai Ta Về…!

Mai ta về suy gẫm
Trong cuộc đời thương đau
Ta đem đến bao sầu
Cho người trên nhân thế!

Mai ta về suy tư
Cho đến lúc giã từ
Làm được gì lợi ích
Để người người an vui!

Ta mơ mơ mộng tưởng
Cứ đeo đuổi viễn vông
Cứ xoay trở vòng vòng
Rừng người trong khốn khổ!

Đồ Ngông,
17/12/2015.



*Chiếc Bình Xưa Đã Vỡ!

Chiếc bình xưa đã vỡ
Mình cứ mãi mộng mơ
Ôm bình xưa nuối tiếc
Ôm bình đến bao giờ!

Bình xưa thêu cảnh đẹp
Nét đẹp của Thiên đường
Nhìn qua màu ánh sáng
Phía sau đầy thê lương!

Con đường làm nô lệ
Kẻ lớn lại khiến sai
Cam tâm quỳ vâng phục
Để người phải lưu đày!

Đồ Ngông,
17/12/2015.


Saturday, December 12, 2015

*Quê Người! (5)




Khi trời tưng hửng sáng thì một vài thanh niên được lệnh từ ông chủ lội vào trong bờ để câu dây cho mọi người di chuyển lên bờ, có người rửa sơ thân thể qua nhiều ngày trong hầm tàu dơ dáy, rồi cùng nhau đứng lóng nhóng ở nơi nầy. Còn vài người nữa lên phá thủng cho tàu chìm. Trời sáng tỏ, dân địa phương bắt đầu bơi thuyền hoặc đi xuồng máy chạy qua lại khúc sông lấy làm ngạc nhiên lắm. Không lâu, lực lượng cảnh sát Mã Lai (chắc được dân địa phương thông báo) họ đã đến với vài chiếc xuồng nhựa. Sau khi làm việc, điều tra đoàn chúng tôi qua những người giỏi tiếng Anh thì họ nói ai đưa chúng tôi tới đây là không tốt vì bìa chân núi nầy là nơi có nhiều cá sấu. Họ khuyên nên cẩn thận và cho biết đây là cửa sông Dungun. Xong, cứ hơn mười người đi lên một xuồng nhựa để họ đưa về đồn cảnh sát gần đó. Đi lại cũng nhiều chuyến. Chúng tôi được tập họp ở một sân cỏ rộng của đồn. Những đội cảnh sát đang tập thể dục buổi sáng, coi bộ họ cũng có nét dữ dằn cùng với những bộ đồ rằn ri. Họ cho chúng tôi ăn nhẹ qua loa và để những thùng nước cho chúng tôi uống. Tôi vì khát nước quá nên uống hơi nhiều, sau đó thì bị chứng “nuốt cục” kéo dài trong nhiều ngày. Lập danh sách, kiểm tra người rồi thì chúng tôi được lệnh chờ người của “Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc” (UNHCR) đến nhận và chở đi về trại. Tất cả chúng tôi vừa lớn, nhỏ cả thảy là 123 người. Nghe mà giật mình, không ngờ cũng đông dữ vậy! Khoảng hơn mười giờ, người của cao ủy đến với ba chiếc xe buýt để tiếp nhận chúng tôi từ đồn cảnh sát bàn giao, và cho chúng tôi biết là số tàu thứ tự cặp bến của chúng tôi là PB 959. Từ đây con số nầy sẽ theo chúng tôi suốt con đường tị nạn. Cứ mỗi người một ghế không phải dồn ép đâu cả. Đoàn xe chạy về hướng bắc, trên đường cây cối xanh tươi, những đứa trẻ con vui vẻ cười nói vang rân; tôi lại nghĩ về vợ con tôi mà những giọt nước mắt tuôn ra, lòng ngậm ngùi. Xe chạy chắc hơn tiếng đồng hồ mới về đến một nơi tập trung khác dọc đường, kế biển có tên gọi là Marang. Đây là trại trung chuyển. Từ đây để chuyển ra đảo Bidong, hay từ đảo Bidong chuyển về đây để đợi lên đường về trại Sungai Bési ở Kuala Lumpur. Cao Ủy phân phát cho chúng tôi những đồ dùng cá nhân gồm kem, bàn chải đánh răng, xà bông, giấy đi cầu, khăn lau mặt, chén ăn cơm, đủa, muỗng và một cái sô nhỏ để tiện dụng. Khí hậu ở đây cũng không khác gì với Việt Nam là mấy. Tôi ngồi nhìn ra biển, có hai hòn đảo kế nhau, sao giống với hai hòn đảo mà những tàu Mã Lai đã đưa chúng tôi đến đó trước khi kéo tàu chúng tôi vào bờ; tôi cứ mãi ngờ ngợ, nhưng chắc là không phải. Ăn uống, tắm rửa, nghỉ ngơi rồi chúng tôi tụ tập nhau mà tán gẫu. Có người am tường kể ngày xưa Mã Lai nầy thua xa miền Nam, nhưng bây giờ họ hơn mình nhiều. Tôi nghĩ hơn là cái chắc vì họ cứ mỗi ngày tiến lên; còn đất nước mình sau 30/4/75 thì phải đứng lại để tổ chức mọi cơ chế xã hội và lao động mọi thứ bằng chân tay, thiếu thốn mọi bề, kinh tế hoàn toàn đình trệ. Sản xuất thì không có, dân thì càng ngày càng gặp phải nhiều khó khăn từ đi đứng lẫn tiêu chuẩn làm ăn, đời sống càng ngày càng bi đát, bị kiểm soát không cùng. Nói chung mọi khía cạnh kinh tế đều đình trệ để nhà nước quản lý và sắp xếp, thế nhưng đâu phải suôn sẻ đâu, nay sai cái nầy, mốt sửa cái kia, tối ngày chỉ loay hoay để sửa đổi; dân chúng dần nghèo đói nạn trộm cắp bắt đầu hoành hành từ ăn cắp vặt cho đến cướp miễn người ta làm sao để bão toàn được mạng sống của mình. Người dân dần lì lợm không sợ đến luật pháp và sẵn sàng vi phạm luật vì sự sống. Người làm việc bắt đầu chôm chĩa của công để cung ứng cho mình, gia đình. Một xã hội rối loạn, một thời đại tang thương, mà người dân không thể nào lên tiếng được. Từ năm nầy đến năm khác, nên thay vì một đường hướng làm cho xã hội tốt hơn như trong lý thuyết thì trên thực tế ngược lại đã tạo một xã hội bất công không cùng, người bức hiếp người mà nạn nhân không hề được lên tiếng. Đó là chưa nói đến vấn đề chính trị! Nó còn phức tạp và nhiêu khê hơn nữa. Để củng cố thì phải không tin, ai cũng có thể là kẻ thù, nên quan điểm trong mọi việc cũng không có gì là lạ! Sự chuyên chính đã bóp chết tư bề! Tôi chỉ thở dài mà không hề góp ý, tôi lại nghĩ về thân phận của tôi và nhất là các con tôi, đó là lý do tôi có mặt ở nơi nầy.
Đêm nay cũng có một đoàn từ Bidong được phái đoàn Úc nhận chuyển đến để ngày mai chuyển về Sungai Bési, chúng tôi có nói chuyện với một ít người cùng học được vài kinh nghiệm lưu lạc. Có bà bầu trong đoàn Bidong sang giở chứng chuyển bụng sanh, cũng may cái ông mà ngày đầu trên tàu tôi kể ra nằm tắm nắng trên boong lại chính là ông bác sĩ: Bác sĩ Cương, ngày trước làm ở bệnh viện Sùng Chính ở Chợ Lớn, thế là ông trở thành vị bác sĩ đỡ đẻ ngay trong đêm đầu tiên ở Marang của Mã Lai nầy. Cuộc đỡ đẻ cũng đơn giản như đời của người tị nạn, chỉ lấy mền ngăn lại để ông bác sĩ giúp bà bầu đẻ ra em bé với những dụng cụ hiện có, thế thôi! Đó cũng là một nghĩa cữ cũng là một nhiệm vụ của một ông bác sĩ!
Đến bây giờ tôi mới biết cái ông ngồi đội nón ngồi ở cửa phòng lái cứ ngó ra biển mà buồn hiu, thì ra ông ta là người tổ chức và móc nối để tổ chức của nhiều chuyến đi. Ông ta không muốn nhưng bị bắt đi vì khi đưa ra cửa biển xuồng ông ta bị chặt đứt dây và tình thế ở cửa biển khiến ông ta không thể quay trở lại. Ông tiếc nuối những món nợ và tiền của ở nhà mà người nhà ông không biết; ông có ý sẽ xin về. Vài người khuyên ông đừng nên vì nếu ông trở về thì sẽ bị khó khăn ngay vì sẽ bị ghép về tội tình báo, ông bão rằng ông quen nhiều lắm, những người khuyên ông không dám nói nữa. Anh Kỳ xạo bây giờ mới ló tên thật là Tấn Triết trình độ tiếng Anh thì cũng tưong đối giỏi, nhưng hai người giỏi nhất có lẽ là hai anh em anh Tôn Huấn và Đức Hậu, vì hai anh vốn là Giáo sư Anh Văn của trường ở Mỹ Tho và Sài gòn. Tôi ngồi nói chuyện với anh Lộc, anh bảy Minh thêm khoảng thời gian nữa thì trời cũng quá khuya nên cùng nhau giải tán về chỗ ngủ để ngày mai được chuyển sang đảo.
Sáng sớm phái đoàn đi sang Kuala Lumpur phải đi sớm, họ dậy từ lúc khoảng 3 giờ để 4 giở khởi hành; còn chúng tôi thì trễ hơn. Mãi đến hơn 8 giờ, chúng tôi mới ra xe khởi hành lên Trengganu, xe chạy dọc bờ biển đến Trengganu mất khoảng một giờ. Chúng tôi đợi ở cầu tàu khá lâu thì chiếc đò đưa người từ đảo Bidong mới sang đến. Ở đây tôi đã quăng đồng tiền cắc không xài ở bến nước nầy để đánh dấu một lần tôi đã đến đây; nhưng chiếc đò mà tiếng Mã gọi là Blu-đát (tôi không biết nó viết như thế nào) chỉ chở được một số người, nên phân nửa chúng tôi phải ở lại để đi chuyến sau vào ngày mai. Tôi và số người nữa đành lên xe quay lại Marang thêm một ngày nữa. Đêm hôm qua đông quá trở nên ngột ngạt, ồn ào; đêm nay thì trở nên vắng lặng hơn, nên chúng tôi không thức khuya lắm! Và ngày mai chúng tôi đã được thông báo là không đi sớm mà đến tận đến trưa vì vậy chúng tôi không phải nôn nóng.
Cầu tàu trưa nắng chói chang, chúng tôi đứng nhìn ra cửa biển, người ta đổ đá xây thành một cái vòng cung chừa cái cửa để tàu ra vô. Đợi cũng khá lâu chiếc blu-đát mới đến để cho người xuống và chúng tôi mới lần lượt lên đò. Đò chạy ra cửa sông và lần ra biển tiến về hướng bắc. Không biết đảo Bidong cách bao nhiêu cây số mà chiếc blu-đát chạy cũng khá lâu mới đến được đảo Bidong. Chiếc blu-đát cặp bến, bến tàu là chiếc cầu gỗ được dựng dài ra biển, sau nầy mới nghe người ta gọi theo tiếng Anh là “jetty”. Chúng tôi lên cầu đi vào đảo. Nhiều người đứng nhìn chúng tôi như tìm xem có người quen hay không? Chúng tôi cũng không có thì giờ để nhìn xem, mà phải đi thẳng vào trong nhà gọi là Task Force của Mã Lai để làm thủ tục nhập trại. Vào trong chúng tôi ngồi để nghe người phụ trách nói chuyện. Ông ta chào mừng đồng bào đến bến bờ tự do nhưng “cũng thành thật khai báo” khiến bọn tôi hơi ngỡ ngàng hỏi nhau “đây là nơi đâu”?
Sau cuộc nói chuyện, chúng tôi được cho mỗi người một gói mì gói nấu sẵn, vừa ăn vừa kê khai để những người thiện nguyện ghi vào hồ sơ những lời khai báo của mình; xong xuôi thì được phân chia về những khu, dãy để chọn nơi ở trong thời gian còn ở đây. Tôi được đưa về Khu B ở chung với gia đình anh Thành, chị Dung, Hiếu, Hậu cùng hai thằng Minh đen và Minh trắng, tất cả những người nầy đều cùng một chuyến tàu vượt biên khởi đi từ Nhà Bè của Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, thì tin vui nhất của tôi ở nơi nầy chính là tôi gặp lại em ruột thứ út của tôi là Thành, nó đã đến đây từ hơn hai tháng trước. Tôi đã lên đảo tị nạn Bidong đúng ngay vào cái ngày mà cách đây 13 năm chính là ngày đám cưới của vợ chồng tôi (ngày 21/07/1970)!

(Còn tiếp)

Nguyên Thảo,
13/12/2015.

Tuesday, December 8, 2015

*Mỹ Du (4).



*Las Vegas (Nevada).

Thường thì chúng tôi tính thời gian ra đến phi trường trước giờ bay là khoảng hai tiếng đồng hồ hoặc sớm hơn để được an toàn và không bị động trong mọi vấn đề vì đoàn khá đông. Cho nên, hôm nay chúng tôi đến phi trường sớm và đi vào khu vực check in để gởi hành lý cũng như lấy vé máy bay. Khi vào đến khu vực kiểm soát an ninh, tôi lại bị đuổi sang cổng khác. Tôi thắc mắc thì người kiểm soát nói tôi phải đi cổng đó vì trên vé máy bay của tôi có ghi chữ “Task pro”, tôi không hiểu là gì, nhưng tôi phải đi theo hướng người ta chỉ. Tôi cứ ngỡ là khi qua cổng kiểm soát đó thì sẽ vòng trở lại cổng mà vợ tôi cũng như người trong đoàn sẽ đi qua để cùng nhau đi đến nơi đợi máy bay sẽ khởi hành. Nhưng không như vậy, sau khi qua cổng kiểm tra, tôi phải đi theo hướng mũi tên chỉ dẫn đến con đường xa lạ không kết hợp với người trong đoàn. Đi mãi đến vào một khu ngồi đợi; nhưng không, đó là toa của một chiếc xe buýt. Xe đưa tôi đến cổng mà tôi sẽ ngồi đợi chuyến bay. Thế là tôi lạc với mọi người, tôi bốc điện thoại cho cậu mợ chín, thì cậu cũng trong tình trạng như tôi nhưng cậu có mợ và con gái đi cùng. Tôi điện thoại qua con gái tôi cho biết tôi đã vào trong rồi để mọi người vào không phải đợi tôi nữa, nhưng lúc đó vợ tôi mới phát hiện trên vé máy bay không có ghi số ghế nên trở lại quầy “Check in” để hỏi nó vì vậy mà phải đợi hơi lâu. Nhưng cuối cùng ở bàn “check in” cho biết đi vào cổng đợi máy bay ở bàn đó người ta mới cho số ghế. Thế là hú hồn, khiến chúng tôi lâm vào cảnh hoang mang! Nhưng cũng may sân bay lại bị kẹt như thế nào đó mà đình lại mất đi 20 phút, như vậy chuyến bay của chúng tôi sẽ cất cánh vào lúc 5 giờ 45 thay vì 5 giờ 25.
Ở Mỹ nầy mỗi lần di chuyển trong nội địa chúng tôi đều phải trả tiền cước phí 25 đô Mỹ cho mỗi kiện hàng ký gởi. Chúng tôi đến Las Vegas trên chuyến bay UA 1618 của hãng United Airline và đáp xuống phi trường vào lúc 7 giờ 50 chiều. Quả thật đúng là cái xứ cờ bạc trong sa mạc! Nơi nầy nó còn nóng dù là ban chiều, tuy nhiên nhờ phi trường đầy máy lạnh mà người ta cảm thấy dễ chịu và thoải mái mà chơi Pokies nơi những máy đánh bạc được bố trí khắp các chỗ ngồi đợi.
Hùng (chồng Dung, anh em cột chèo với tôi qua từ Tiểu bang Utah ) và thầy Phương (Thầy giáo dạy con gái tôi và Tố Dung đến từ Tiểu bang Florida) mướn chiếc xe Van lớn đã đến, tất cả đem hành lý chất lên và người lên xe để về khách sạn đã được “book” trước từ lâu. Riêng gia đình cậu Chín theo Phượng về nhà riêng của Phượng và Nga.
Đến khách sạn casino Excalibur trời đã tối, vừa kiếm đường đi vào đã khó mà kiếm chỗ đậu xe lại càng khó hơn. Chạy đi chạy lại chắc hơn 5 vòng nhưng vẫn chưa kiếm được chỗ. Cuối cùng phải sang bên kia đường để đi vào một “car park” riêng mà đậu, rồi vài người đi sang khách sạn tìm văn phòng để nhận phòng. Gọi là khách sạn Casino vì tầng dưới là “đủ món ăn chơi” (cờ bạc) trong casino để cho người ta đánh, còn các tầng trên là khách sạn và những phương tiện khác. Điều nầy đối với vợ chồng tôi không xa lạ vì 14 năm về trước vợ chồng tôi có biết lúc đến khách sạn Horseshoe Binion’s. Ở Horseshoe có tầng trệt toàn là hình thức cờ bạc của casino, tầng 2 và 3 là nhà hàng thức ăn tây, thức ăn tàu và các tầng trên là phòng ngủ của khách sạn. Chúng tôi đi vòng vòng mãi mới tìm được văn phòng để nhận phòng. Xong Thầy Phương và Hùng sang Car Park để lấy xe, chở mọi người sang cửa khách sạn để tải đồ đạc xuống và lên phòng rồi đi ăn. Để hấp dẫn cho du khách cũng như những người đi cờ bạc, casino ở đây đã nhiều mà cách kiến trúc lẫn trang hoàng, đèn đuốc trở nên là một nghệ thuật để lôi cuốn người ta, nên Las Vegas trở thành một thủ đô giải trí nhiều màu sắc và đa dạng khiến người ta phải đến một lần cho biết nhất là những người đã đến xứ Mỹ lại càng nên. Chúng tôi tìm đến quán phở Kim Long ở Chinatown, nhưng vì không biết đường và do sự trục trặc của GPS (máy định vị) nên đã chạy sang đường đi Cali. Đi khoảng rất lâu mới quay đầu trở lại và đến được Chinatown cùng quán phở là hơn 12 giờ khuya. Ăn xong, về đến khách sạn lúc quá 2 giờ. Ai cũng ngủ một giấc mê say vì mệt mỏi cùng quá khuya!
Sáng sớm thức dậy, sau khi hội ý Hùng, Phương tính chuyện chở mọi người qua khu Chinatown xem khu bán đồ rẻ cùng ăn điểm tâm ở đó. Xong, hỏi đường đi “outlets” ở Las Vegas. Ở đây, lái xe và mọi di chuyển đều do Thầy Phương phụ trách.
Chúng tôi đến “Las Vegas Premium Outlets” khoảng gần 11 giờ sáng và đi vòng vòng trong khu từ cửa hàng nầy đến cửa hàng khác để ngắm nghía, coi, chọn và cái gì được thì mua. Học làm dân sang cũng khó thiệt! Ở bên Úc những trung tâm như thế nầy không có, những hàng hiệu bán trong các trung tâm thương mại ít khi bán ganh đua như ở đây, cho nên lúc đưa chúng tôi lên Universal Studios, dọc đường Minh kể trước kia người từ Úc sang chơi thường “đi một về ba”. Tôi có hỏi tại sao vậy? Minh kể họ mua đồ nhiều lắm nên khi đi qua chỉ có một vali, khi về tới 3 vali lận. Bây giờ tôi mới hiểu rõ vấn đề vì khoảng thời gian ấy tiền Úc có giá trị tương đương với đôla Mỹ, nên hàng hiệu ở các outlets nầy giá cả tính ra rẻ hơn ở Úc, cho nên người ta mua nhiều là phải, chứ như bây giờ tiền Úc sụt giá khá nhiều nên tính ra giá cũng không rẻ hơn là mấy. Chúng tôi len lõi qua các cửa hàng một là để thỏa mãn hiếu kỳ, hai xem gì nới hơn mua về “mặc làm sang với người ta”; đồng thời làm kỷ niệm một chuyến đi khó có lần thứ hai nầy vì đa số đã già cả hết rồi!
Chúng tôi rời outlets lúc gần 3 giờ chiều để về nhà nghỉ ngơi rồi chiều nay còn đi đến nhà của Nga, Phượng nữa. Sau khi nghỉ ngơi được chừng hai tiếng đồng hồ chúng tôi sửa soạn lên đường đi xuống nhà của Nga, Phượng. Hôm nay là ngày trọng đại tình thầy trò giữa Thầy Phương, Cô Phượng là những Thầy, Cô dạy con gái tôi cùng Tố Dung và Hoàng từ tiểu bang Missouri về đây họp mặt, nhân con gái tôi đi sang Mỹ trong chuyến nầy. Hoàng về đây với vợ là Nga, Tố Dung từ Cali sang một mình, còn Thơ thì không đến được mà chỉ gặp con tôi ở Cali thôi, Thầy Phương từ Florida hẹn nhau ở nhà cô Phượng. Mấy mươi năm gặp lại có nhiều chuyện để nói. Một cuộc party gia đình được diễn ra tối nay mà tôi cũng chỉ là người “tham dự ké” thôi! Cách mười bốn năm Nga, Phượng cũng không khác mấy; hai cô nàng đã rước ba tôi và vợ chồng tôi từ phi trường và đưa về Khách sạn casino Horseshoe Binion’s ở trung tâm phía bắc của Las Vegas, nơi mà có vòm đèn điện tử hiện hoạt cảnh theo nhạc vào ban đêm ở Fremont Street Experience. Vào một buổi sáng, vợ chồng tôi đưa ba tôi thả bộ từ Fremont về Main Street đi dọc theo đường để xem những nét đặc biệt của từng Casino. Nhưng tôi lại không để ý đến khí hậu của vùng sa mạc Las Vegas nầy, nên khoảng hơn mười giờ trời nóng lên và gió nóng thổi về làm ba tôi phải cỡi nút áo, bạch ngực ra cho mát. Chúng tôi thả bộ qua khỏi Monte Carlo rồi ba tôi vì nóng quá nên chảy máu cam, tôi phải dừng lại, đúng lúc ấy có nhạc nước ở hồ rộng phía trước khu Monte Carlo, chúng tôi đứng xem cho hết một bản nhạc rồi đón xe buýt trở về khu bắc Fremont. Đêm đó Nga đãi chúng tôi món ăn Tàu ở tầng hai của khách sạn casino Horseshoe Binion’s. Qua ngày sau Nga đưa chúng tôi ra phi trường để lên Portland của tiểu bang Oregon để “báo” gia đình Chánh trong vài ngày!
Dung (em út của vợ tôi) đã nhờ Hùng qua giúp chúng tôi mà hôm nay còn gởi đứa con trai lớn mà tên gọi bên ngoài là “Tin” cùng với Ngọc là bạn gái của nó đến để phụ giúp nữa cho nên tôi cứ tưởng chúng tôi là quan trọng lắm vậy! Nhưng thôi, lần nầy thôi chứ biết sau nầy nó đâu có dịp nào để làm nữa đâu. Chuyện đời đã vô thường mà sức khỏe cũng không chắc là mình được khỏe mãi. Thôi thì cứ để tự nhiên và đời cứ trôi đi! Cuộc họp, cuộc vui nào cũng vậy đều đến lúc để tàn cuộc, nhưng ít ra sau mấy mươi năm còn gặp, còn biết nhau nhiều sức khỏe và có gia đình êm ấm thế là tốt rồi. Một thời kỷ niệm của thời ấu thơ đã trải qua trong ký ức của thầy cô lẫn mấy đứa học trò với những niềm vui, lưu luyến.
Chúng tôi trở về khách sạn cũng là khá khuya. Tắm rửa nghỉ ngơi cho chuyến đi ngày mai mà chúng tôi đã “book” sẵn từ khi còn ở bên Úc: “Chuyến đi đến Grand Canyon”
Từ lúc 5 giờ 30 sáng chúng tôi đã thức dậy lo chuẩn bị và 6 giờ lên xe buýt di chuyển đi. Tôi cứ ngỡ xe buýt đi một lèo từ Thành phố Las Vegas đến bờ phía Tây (West Rim) của Grand Canyon. Nhưng không, xe chỉ đưa chúng tôi đến một trung tâm mà ở nơi đó người ta đưa cho mỗi người một cái vé phân loại với “con số” mà đến khi tới Grand Canyon tôi mới biết đó là những vé phân biệt người nào đi tour nào vì trên xe có người đi tour trực thăng, người đi tour Skywalk như chúng tôi và còn một nhóm nữa mà tôi không nhớ rõ. Sau đó họ cho ăn sáng, uống cà phê trước khi lên một xe buýt khác để lên đường đi sang Grand Canyon. Một điều lạ là những tài xế lái xe buýt nầy đa số là đàn bà, rất hiếm mấy ông; điều nầy nói lên các bà Mỹ muốn chứng tỏ khả năng của họ không thua kém đàn ông chăng? Bà tài xế của xe tôi cũng khá tếu, bà biết cách làm cho mọi người thoải mái, vui vẻ trong chuyến đi. Xe qua những khu vực dân cư tương đối đông đúc mặc dù ở vùng nầy có khí hậu nóng của vùng sa mạc. Tuy nhiên, cách kiến trúc của nó đậm chất Mễ Tây Cơ (hay Tây Ban Nha?) hơn là Âu Châu. Đi đâu cũng vậy tôi thích nhìn lẫn quay phim khung cảnh bên ngoài đồng quê, dọc đường hơn là trong thành phố, cho nên khi đến nơi tôi thường bị hết pin mà không thể quay được đủ những chủ đề chính. Nhưng từ đó nay tôi kinh nghiệm hơn khi chuẩn bị pin, ‘thẻ nhớ’ đầy đủ lẫn sẵn sàng cho một chuyến đi để khi về lúc nào rảnh rang nằm chiếu lại mà xem.
Xe chúng tôi đến Boulder City thì đến một trạm kiểm soát trước khi lên đập thủy điện Hoover nằm trên biên giới giữa tiểu bang Arizona và Nevada (của Las Vegas). Chúng tôi xuống xe lên đoạn trên cao để đến đập Hoover mà tham quan và chụp hình kỷ niệm.

(Còn tiếp)

Nguyên Thảo,
9/12/2015.


*H.T Chữ Nghĩa 24: Đi Vào Kinh Điển. (tt)




Nói như vậy có nghĩa là trong khoảng thời gian đọc bộ “Phật Học Phổ Thông” để trang bị cho mình những kiến thức căn bản về đạo Phật, thì khi đọc đến Kinh Lăng Nghiêm tức quyển VI-VII tôi thấy có những điều thật lạ lùng khiến tôi có thể hiểu sâu vào đạo Phật hay là tại vì lúc tôi bệnh những điều tôi “cảm nhận” được ấy khiến tôi có thể thâm nhập vào đạo Phật dễ hơn. Đọc khoảng một phần ba quyển sách, tôi lại thấy có những điều mình cần phải nhớ để sau nầy có những cái cần thiết phải làm. Thế là tôi có ý nghĩ ghi lại theo kiểu của Học Giả Nguyễn Hiến Lê chỉ cách đánh dấu bên ngoài lề trang sách. Nhưng cách ấy khi cần phải lục lại rất là tốn thì giờ, nên tôi đành bỏ thì giờ ghi những đoạn ấy vào một cuốn vở có ghi số trang sách nữa. Việc làm đó có tốn nhiều thì giờ vào lúc đầu, nhưng rất tiện lợi về sau khi tôi cần đến. Rồi lúc đọc đến quyển “Khóa VIII” tức khóa mà Hòa Thượng Thích Thiện Hoa giảng về “Kinh Viên Giác” thì tôi lại thấy trong Kinh nầy có những điều liên kết với Kinh Lăng Nghiêm một cách chặt chẽ, tất nhiên tôi cũng tiếp tục ghi chép như đã làm đối với Kinh Lăng Nghiêm và đến Khóa XII (Kinh Kim Cang) tôi hoàn tất bộ ba các Kinh có những phối hợp nhịp nhàng trong giáo thuyết mà Đức Phật đã khám phá. Từ đó những bài viết về sau thành hình với những đoạn Kinh dẫn chứng để chứng minh, để biện thuyết cùng độc giả trong những đề tài mà tôi muốn diễn đạt, muốn tích hợp những kiến thức mà tôi đã ghi nhận được trong quá trình đi tìm hiểu vào đạo Phật.
Do đó từ bài số 10: Những Điều Trích Dẫn…(Hay: Nhân Sinh Quan Và Vũ Trụ Quan trong Đạo Phật) tôi đã bắt đầu trích những đoạn kinh ở cả ba bộ kinh để dẫn chứng một tiến trình giản lược về sự đến thế gian nầy của con người (nhập thế gian từ cái “thấy” của Đức Phật sau khi thành đạo) và sự thành hình thế giới, cùng sự luân chuyển của chúng sinh như thế nào… Và quan trọng nhất là làm thế nào để “Xuật thế gian” trở về với cõi Phật. Tôi cố tình dẫn chứng để độc giả thấy rằng Kinh nói như thế đó chứ không phải là tôi vẽ vời.
Đến bài 11: Từ Thực Tại…(hay: Phật A Di Đà và Cõi Tịnh Độ) Đây là kết hợp tâm không bình của con người trong thực tế và cõi Tịnh Độ cùng những hạnh nguyện của Đức Phật A Di Đà mà tôi đã được nghe Thầy Thích Phước Nhơn (Perth –Tây Úc) khi về chùa Pháp Hoa ở Nam Úc thuyết giảng cùng bộ sách của Thầy, và vài quyển về Tịnh Độ khác mà tôi đã đọc được để vạch lên nét khái quát khi tìm hiểu về Tịnh Độ, hi vọng nó sẽ giúp độc giả không có nhiều thì giờ có thể có được ý niệm nào đó về Tịnh Độ.
Sang đến bài 12: Một Vấn Đề…(Hay: Cái Ta trong Đạo Phật) là chủ đề mà tôi đã có ý niệm từ khi đọc quyển “Hành Hương Đất Phật” của Phan Thiết. Thực ra, từ trước tôi chẳng biết gì về Đạo Phật, cho nên cái Ta tôi hiểu hay quan niệm như là của một người bình thường ngoài thế gian; nhưng trong cơn bệnh tôi đã “cảm nhận” nhiều điều lạ lùng cũng như đi vào Thiền một cách vô tình, và tôi cố gắng, liều theo tình trạng đó cho đến giai đoạn cuối như một sự hiếu kỳ. Đến khi đọc được phần Đức Phật thuyết về Kinh Lăng Nghiêm, tôi mới nghiệm lại về “Cái Ta” của con người trong thế gian nầy. Nhất là phần Đức Phật nói về 50 thứ Ma từ Ngũ ấm, trong đó tôi chú ý đến đoạn “Vì dụng công tu luyện, nên tạm hiện ra các việc như vậy, không phải là chứng Thánh; nếu sanh tâm nghĩ mình chứng Thánh, thì bị ma cám dỗ”. Chính vì điều nầy, tôi đã liên hệ đến trường hợp của “Bà Vô Thượng Sư Thanh Hải”, bà nghĩ rằng bà đã chứng Thánh thành Phật nên tự xưng là Vô Thượng Sư để rồi sau đó đưa bà làm như một người trình diễn thời trang và kiêu ngạo: “Như một vị Phật đến thế gian để mở một thời Hoàng Kim”, tôi nghĩ có thể bà đã mắc chứng “Đại Ngã Mạn” rồi chăng? Đó là ý kiến riêng của tôi nghĩ về bà. Sau đó tôi lại còn tìm hiểu xa hơn đối với vài tôn giáo khác thì những giáo chủ cũng không thoát khỏi cái bệnh thường tình của “Cái Ngã”, người thì xưng là “Con” của Thượng Đế, người thì xưng là “Sứ Giả” duy nhất và sau cùng để tạo nên những tôn giáo mà tín đồ “phải tin tuyệt đối vào mình” và “sống chết” vì tôn giáo để được lên Thiên Đàng và hưởng mọi sung sướng. Những tôn giáo ấy cũng chẳng qua là từ “Cái Ngã Mạn” quá lớn của người Giáo Chủ. Tuy nhiên, theo Kinh Lăng Nghiêm thì Giáo chủ ấy tưởng mình thành Thánh, có đủ căn cơ để thuyết giáo người khác, thế thiên hành đạo mà “Cống Cao Ngã Mạn” cho nên tôi nghĩ họ đã bị “Ma” hướng dẫn và trở thành tôi tớ của Ma để dẫn chúng sinh, tín đồ đi vòng trở lại vòng Luân Hồi, làm cho cho tín đồ chúng sinh mãi mãi chẳng bao giờ thoát khỏi vòng “Luân Hồi” được.
Từ ý niệm ấy, tôi cố gắng phân tích trong thực tế cũng như ảnh hưởng cái “Ta”, cái “Chúng Ta” trong đời sống và dẫn những đoạn Kinh minh chứng cho những điều tôi luận giải nhằm để người đọc có thể hiểu được vấn đề trọng yếu trong Đạo Phật là “Vô Ngã” và “Diệt Ngã” mà vấn đề nầy đã khiến cho người học Phật có nhiều khó khăn và chật vật, thì đối với người ngoại đạo như Phan Thiết thì lại càng “không có thể hiểu được rõ ràng” nên Phan Thiết chỉ là một người “viết bậy” mà thôi!
Một câu trong Kinh Lăng Nghiêm rất quan trọng, tôi xin viết lại để Quý độc giả chiêm nghiệm về những tôn giáo có chủ trương chém giết, gian dối… như sau:

“Dầu cho ông (A nan), hiện tiền đặng nhiều trí huệ và thiền định (nếu tâm dâm dục không trừ; nếu ông không đoạn trừ tâm sát hại; nếu không đoạn trừ tâm tham lam, trộm cướp; nếu các chúng sanh, đã giữ hoàn toàn ba hạnh trên là không sát, đạo, dâm rồi mà còn đại vọng ngữ), cũng sẽ đọa vào ma đạo (thần đạo; tà đạo; ma ái kiến)”.

Ngày xưa tôi nghe người ta kể chuyện về “bị ma dẫn”: Đang đi trên đường vào ban đêm tự dưng có nhiều người đến đi cùng, rồi mình đi theo họ, cứ đi đi mãi rồi đến sáng mới thấy mình chun vào bụi tre gai và miệng ngậm đầy đất mối bùn. Thì ma nầy cũng sẽ dẫn chúng sinh, tín đồ đi lòng vòng trong cõi Luân Hồi mà không hề thoát ra được, vì nhiều người ra khỏi thì ma sẽ chơi với ai?
Rồi đến bài 13: Ngàn Năm Một Thuở..! (Hay: Thân Người Khó Đặng) tôi chỉ muốn chia sẻ những điều thu thập được cũng như những suy nghĩ về thân phận con người trên đường Luân Hồi. Trong vòng xoay dần nầy do vì nhân quả của những điều Thiện, Ác mình đã làm đã gây ra trong cuộc sống thì biết kiếp sau mình có được làm người nữa hay không, hay phải đi vào thế giới của súc sanh, địa ngục hoặc chư thiên thì làm sao để tu, để được giải thoát khi mà chỉ có làm thân người mới có thể tiến tu và giải thoát mà thôi, cho nên “thân người khó đặng” (nhân thân nan đắc) và rồi “Phật pháp cũng khó có dịp để được nghe” (Phật pháp nan văn) để chúng ta cùng suy nghĩ lại về một kiếp người và nghĩ đến con rùa mù với cái bọng cây trên mặt nước.
Tiếp theo, tôi hoàn tất bài thứ 14: Sự Hoài Nghi..! (Hay: Đạo Phật là Đạo của Khai ngộ và Trí Tuệ), trong bài nầy tôi đem những kiến thức học về Triết và Khoa học Thực nghiệm được học từ năm cuối thời Trung học và một năm đầu trên Đại học mà tôi đã tiếp thu để nhận định về một số tôn giáo và nhất là với Đạo Phật. Mở đầu của bài, tôi đã dẫn đến đoạn Kinh mà Đức Phật đã thuyết cùng người dân Kalama về “Sự tin” và nên tin như thế nào để từ đó mình tin và thực hành Đức Tin của mình trên sự sáng suốt và có tính cách khoa học hầu đem lại cho chính mình một niềm tin khả dĩ tốt đẹp nhất không phải bị “U mê” và “Cuồng tín” hay nói đúng hơn là hợp với “Khai ngộ” và đầy “Trí tuệ”! Tôi hoàn tất bài nầy vào ngày 7/10 năm 2002.
Và sau đó, ngày 11/10/2002 tôi cố gắng hoàn tất bài 15: Coi Chừng Sai Lầm..! (Hay: Tùy Căn Cơ nhập lưu Đạo Phật) để dẫn chứng những đoạn Kinh hoặc phân tích mỗi con người đến với Đạo Phật tùy theo căn cơ, cũng như một phương pháp nào đó sẽ thích hợp với con người của họ mà họ sẽ hành trì. Pháp Phật nào cũng nhằm đưa con người thoát được vòng Luân Hồi để được an nhiên tự tại trong cõi Niết Bàn. Nói như vậy chúng ta có thể gẫm suy được nghĩa của chữ Niết Bàn là cõi như thế nào? Và Niết Bàn là gì?
Đó là những khoảng đầu thời gian mà tôi đi tìm hiểu vào Đạo Phật, do cơ hội tìm học và để hiểu, tôi đã cố gắng đọc các Kinh tìm được, nhất là bộ Phật Học Phổ Thông thì có những điều hiểu hiện ra trước mắt như một hệ thống, tôi cố gắng nắm bắt đưa vào những tiêu đề để ghi lại thành một loạt bài nhằm chia sẻ với bạn bè, người đời (vì lúc đó chỉ in ra và lưu hành chuyền tay thôi) cho nên nó có nhiều giới hạn của nó.
Còn phần đi tìm những thắc mắc của mình trong cơn bệnh tôi đã tìm được một chút giải đáp khi đọc được Kinh Hoa Nghiêm. Tôi bỏ ra những thời gian để đọc ráo riết bộ Kinh Hoa Nghiêm và Kinh Đại Bát Niết Bàn khi tôi thỉnh được từ Chùa Quang Minh ở Melbourne. Còn trong các Kinh khác như bộ Kinh A Hàm (Trung A Hàm, Trường A Hàm, Tăng Nhất A Hàm) tôi đọc từ từ về sau. Thường thì tôi ghi chú, đánh dấu vào lề của các trang, nhưng để giản tiện hơn tôi lại ghi những điều quan trọng vào trang giấy trắng kèm theo trong mỗi quyển Kinh mà tôi đã đọc. Về sau khi có cơ hội tôi gởi các bài ấy đến Trang nhà Đạo Phật Ngày Nay của Đại Đức (lúc đó còn là Đại Đức) Thích Nhật Từ để đăng tải. Sau tôi viết thêm một số bài với chủ đề Tổng quát về Đạo Phật để bày tỏ cái nhận xét, quan niệm của mình trình bày cùng độc giả và đại chúng gọi là góp ý “cho một cái nhìn” về Đạo Phật một cách thực tế hơn như các bài: “Những Sự Thâm Trầm Của Đạo Phật”, “Đạo Phật Là Đạo Của Tâm Thức”, “Giá Trị Của Đạo Phật”, “Con Người Trong Đạo Phật”, “Tìm Hiểu, Vào Đạo Phật”, “Đạo Phật: Nhập Thế Hay Xuất Thế”, “Sự Nhập Thế Của Đạo Phật”, “Đạo Phật Và Tín Ngưỡng Nhân Gian”, “Thế Giới Cõi Âm”, “Đạo Phật Là Đạo Của Đại Chúng”, “Bàn Về Đức Tin Trong Đạo Phật”, “Ý Nghĩa Cuộc Sống Hiểu Theo Đạo Phật”, “Tại Sao Trong Đạo Phật Đề Cập Đến “Vô Ngã”, “Tính ‘Không’ Trong Đạo Phật”, “Từ Cái Chết Của Ba Tôi” (bài nầy để tưởng niệm ngày ba tôi mất, nhưng cũng là liên kết về Kinh Địa Tạng.
Trong khoảng thời gian hơn mười năm ấy tôi đã cố gắng đi tìm giải đáp những thắc mắc cho mình (có được lúc bệnh) qua sự tìm hiểu giáo thuyết của Đức Phật, kể cả đi vào Kinh điển. Từ đó tôi ghi nhận được những điều, có được những suy nghiệm, tôi đã ghi lại thành những bài để chia sẻ cùng độc giả những vấn đề của Đạo Phật, mặc dù những bài ấy thiếu đi phần sâu sắc, nghiên cứu chuyên sâu. Và tôi cố gắng nhìn toàn bộ vấn đề để rồi đúc kết lại thành 3 bài chính yếu, đó là các bài: “Nhập Thế Gian”, “Xuất Thế gian (phần I)”, “Xuất Thế Gian (Phần II)” mà tôi coi đó như là “Một tập tài liệu” và tôi gọi gồm chúng lại với cái tên “Tổng Quan Về Đạo Phật” để giúp độc giả có một cái nhìn tổng quát vào giáo pháp của Đức Phật. Còn viết hay nghiên cứu thêm thì đến nay tôi chưa nhìn ra vấn đề nào khác để có thể viết tiếp. Đôi lúc tôi có cảm tưởng chắc cái tìm hiểu về Đạo của mình đã bị “bão hòa” rồi chăng?

Nguyên Thảo,
07/12/2015.

Thursday, November 19, 2015

*Quê Người! (4)




Trưa nay, người ta không cho uống nước trắng nữa mặc dù số lượng chỉ còn nửa chun, màu nước đỏ như màu sắt sét. Tôi uống vô quả thật là mùi sắt sét. Thì ra nước đem theo để uống đã hết, người ta lại lấy nước trong phuy dằn trên đầu tàu ra mà thay thế. Hôm trước có lẽ do nơi tàu bị vô nước, nên trong đám chủ sợ mà đổ bớt nước đi để lấy mấy “can” không hòng an toàn cho tính mạng của họ. Cơm thì cũng một vắt nhỏ thôi nhưng được nấu với nước biển nên mặn chát. Tôi nghĩ chắc đến lúc thử thách tính mạng của mình đây. Nhìn lên bầu trời lúc đó có vần vũ mây đen ở xa xa, chúng tôi cứ mong được một đám mưa ngay nơi tàu mình để đáp ứng nhu cầu nước được phần nào. Mơ thì mơ vậy, nhưng mây nào đã mưa ở đây, chỉ là ở nơi xa kia thôi.
Tàu cứ lẳng lặng đi tới. Không biết những người trên tàu nghĩ gì, chứ riêng tôi thì có nhiều lo âu mặc dù từ lúc ra đi tôi đã nghĩ đến những điều không may. Có lúc tôi lại nghĩ số mình chẳng có số đi, nhưng mình đi theo một linh cảm hay ý nghĩa gì đó mà mình không thể biết được. Chết thì ai cũng chỉ chết có một lần! Rồi tôi buông xuôi theo số phận như người bình dân thường hay nghĩ. Mặt trời dần xuống, thỉnh thoảng vài con cá bay vút lên khỏi mặt nước rồi lại chúi xuống một cách gọn gàng. Tôi lại nghĩ về vợ con và ba má đang ở nhà!
Bụng tôi nghe có chiều khó chịu, nó muốn ói hay làm sao ấy. Chắc cái nước sét đó khiến cho tôi phải buồn nôn. Nó ợ ra tôi nghe mùi hôi của sét, tôi ráng hít một hơi dài thật đầy phổi rồi nín hơi như để dằn cơn khó chịu xuống. Mặt trời lặn dần ở phía trước, những vệt đỏ kéo dài ra đến khi tắt hẳn. Nửa đêm tôi nghe khô cổ mà trước đó nhiều ngày tôi chưa hề có triệu chứng ấy, chắc tại uống nước sét và ăn cơm nấu nước biển đây! Ngồi trên boong quay ra biển, tôi cố gắng ráng tiểu ra ngoài, nhưng tay hứng để uống xem sao. Khi tiểu ra đã hôi mùi sắt sét khi uống vào lại khó chịu hơn nữa. Nhưng tôi phải cố gắng thử xem cơ thể mình sẽ chịu đựng được thế nào vì tình hình đã báo động đến nơi rồi! Tôi cố gắng sử dụng công dụng nước bọt của mình, càng kéo dài càng tốt. Rồi tôi lại lấy dầu song thập xức vào bụng để mong giảm cơn đau ngầm như những lúc đau bụng tôi thường làm. Đêm hơi lạnh, và một phần do quần áo còn ướt do bọt sóng văng lên nên tôi lại nhảy xuống hầm mà ngủ đứng ở cái góc mà tôi thường ngủ như một vài đêm trước.
Trời hừng đông trên biển, một ngày mới lại đến. Mọi người bây giờ trở nên mệt mỏi, nằm im lìm không nghe ồn ào, nói chuyện như lúc ban đầu. Thức nằm đó chứ biết dậy để làm gì. Tôi mặc dù đã thức từ lâu, nhưng cũng không rời khỏi chỗ tựa ngủ, mắt hãy nhắm lại giống như ngủ nướng thêm cho đã cơn mệt mỏi. Sáng hơn chút nữa chúng tôi lại trồi lên trên boong ngồi nhìn mặt trời chiếu nắng dài trên biển. Tôi lại nhớ ngày xưa đi du ngoạn Vũng Tàu, sáng cố cùng nhau dậy sớm theo xe ra bờ biển để nhìn cảnh mặt trời lên. Đến bây giờ đi trên biển mỗi ngày nhìn mặt trời mọc và lặn hai lần thì cũng chán. Nhưng ở trên biển lại chẳng biết làm gì, thôi thì cứ nhìn cho đỡ buồn. Rồi lại tụ họp nhau nói chuyện tào lao cho qua ngày buổi. Tôi thích thằng bé vì tuy nó nhỏ nhưng nó có những nhận xét khá tinh tế, đồng thời nó cũng biết nhiều chuyện giống như nó là người thân của đám chủ tàu hay là người tổ chức. Nó thường tới lui ở phía sau thì ra nó có anh và chị dâu cùng hai đứa con nhỏ cùng đi trong chuyến nầy. Quê nó ở Tây Ninh, bây giờ lâu quá rồi nên tôi không còn nhớ tên nó nữa nên cứ gọi là thằng bé, chứ nó cũng là 17, 18 tuổi rồi còn gì! Tôi, anh Bảy Minh, Lộc, thằng bé cứ ngồi tán gẫu hết chuyện nầy đến chuyện khác, khi nào trời nắng gắt thì họ đi vào phía sau, còn tôi thì chun xuống hầm mà nghe mùi hôi thối.Trời đã dần qua xế chiều, tàu cứ tiến từ từ về phía tây. Nửa bầu trời phía tây trở nên mù mù, chúng tôi không nhìn thấy rõ ở phía xa nữa. Có bóng dáng hai hòn đảo, mọi người mừng lên. Khi gần hơn thì thấy một chiếc tàu nhỏ, mọi người trở nên lo âu và tất cả chúng tôi trên boong tàu đều trở về chỗ cũ, tôi và thằng bé xuống hầm tàu. Anh bảy Minh, Lộc đi vào phía sau. Không biết tàu nào đây, của Mã Lai hay của cướp biển Thái Lan? Mọi người tĩnh hẳn lên chỉ mong là không phải tàu cướp của hải tặc Thái Lan. Hai tàu gần kề, họ nói cái gì đó mà người trên tàu bên nây cần người biết nói tiếng Anh giỏi. Một vài người đứng ra để nói chuyện thì biết tàu đó không phải là cướp biển nên mọi người bớt lo. Tàu cần nước họ cho nước đá để chia nhau từng miếng để ngậm cho đỡ cơn khát. Thấy sự thân thiện và không nguy hiểm, nhiều người dành nhau tiếp xúc vì họ khá tiếng Anh, đồng thời được sự ưu đãi nào đó. Bù lại phía tàu bên kia họ xin ít vàng, lại một sự quyên góp của chủ tàu để góp cho họ. Họ kéo tàu chúng tôi vào hai hòn đảo kế bên nhau và nằm đó để chờ!
Tàu chúng tôi nằm chơ vơ giữa hai ba tàu của họ, chúng tôi cứ mãi lo âu, không biết họ là ai? Là nhân viên của chính phủ, người dân hay là hải tặc? Tại sao họ neo chúng tôi lâu dữ vậy? Thỉnh thoảng những tàu khác lại nổ máy gầm gừ. Chúng tôi thí mạng, ra sao thì ra? Chứ bây giờ mình có muốn gì đi nữa thì cũng chẳng làm được gì, chỉ tùy thuộc họ thôi. Màn đêm đã xuống lâu lắm rồi, chúng tôi đợi cũng sốt ruột và trong tình trạng nửa lo âu.
Chắc 10 giờ hơn tàu họ nổ máy và kéo tàu chúng tôi đi về phía nam, tôi chỉ đoán thế thôi! Trong bụng tôi nghe khó chịu thế nào ấy. Tôi nói với thằng bé tôi mắc đi cầu. Thằng bé nói phía sau tàu có một cái cầu bắt dang ra ngoài đuôi tàu. Tôi nghe lời nó. Khi đi ngang qua cửa buồng lái tôi thấy ông bận đồ đen, đội nón nỉ sụp xuống ngồi nhìn ra ngoài lẳng lặng như đã nghe thằng bé kể trong mấy ngày trước. Tôi đi mãi ra phía sau, quả thực có một cái cầu. Tôi đau bụng quá mà không đi cầu được. Chắc mấy ngày qua đâu có ăn gì, hay là tại uống nước rỉ sét của thùng phuy ngày hôm qua. Ngồi ở đó nhìn ánh trăng trải dài trên những đợt sóng mà tàu lướt qua tạo thành. Ồ! Phía trong kia tôi lại thấy những cây đèn đường dọc theo con đường kể cả đèn những xe chạy trên con đường đó nữa. Không lẽ chúng tôi lại đến gần bờ vậy sao? Tại sao chúng tôi đã không thấy gì cả lúc ban chiều. Có thể tàu kia kéo tàu chúng tôi về phía nam thực rồi. Tự nhiên tôi lại nghĩ đến một ly trà đá với cái mát mát, thơm thơm và lành lạnh khi ngồi uống với bạn bè. Tôi trở về ngồi kế bên thằng bé. Không biết đi được bao lâu thì tàu kia đưa vào một khu rộng mà bên kia bờ có những bóng đèn soi đường của một xóm nào đó. Cuối cùng những ông Mã nầy cho tàu dừng lại và cho tàu chúng tôi dừng ở đây. Họ xin bản đồ và hải bàn rồi họ bảo ở đây đợi trời sáng, sau đó họ từ giả mà đi. Họ còn dặn đừng nói họ dẫn tới đây! Có anh bạn xem đồng hồ cho biết là đã 3 giờ đêm!
Thế là sau 6 ngày 6 đêm tôi và mọi người cùng chiếc tàu cây nhỏ bé lênh đênh trên biển và đến được chỗ nầy, đánh dấu cho chặng đường “sống trên xứ người” bắt đầu từ ngày 19/07/1983.

(Còn tiếp)

Nguyên Thảo,
19/11/2015.

Thursday, November 12, 2015

*Mỹ Du. (3)



*Virginia.

Vào khoảng 9 giờ tối vì Minh bận, nên đưa hai người bạn cùng hai chiếc xe nhỏ hơn đến để đưa chúng tôi với hành lý ra phi trường. Theo lịch trình bay của hãng Virgin American thì giờ bay của chúng tôi là 11 giờ 50. Với hành lý gởi kiện chúng tôi phải đóng 25 đô cho một va-li. Theo dự trù chuyến bay VX 114 sẽ khởi hành vào lúc 11 giờ 50 và đến phi trường Washington Dulles vào lúc 7 giờ 45 sáng. Chúng tôi xuống phi trường đúng theo giờ dự trù và giờ ở Virginia cách giờ Cali 2 giờ, như vậy chúng tôi đã trải qua khoảng 5 giờ trên máy bay.
Cúc (cháu của mợ Chín) đến đón chúng tôi ở phi trường. Mướn thêm một chiếc taxi nữa mới chở hết người và hành lý về nhà Cúc và Tú Anh (chị Cúc). Nội hành lý không thôi mà muốn đầy nửa không gian garage rồi. Khi ổn định chỗ nghỉ ngơi xong thì được Tú Anh đãi cho một bữa điểm tâm gọi là bồi bổ sức khỏe để vài giờ sau được dịp mấy cô nàng đưa đi “Shop outlets” của Tiểu bang Virginia. Tội nghiệp cho chị Cúc vì không đủ xe nên phải chở hai chuyến từ nhà đến trung tâm ở Leesburg. Chuyến đi nầy thì tôi được “ké” cùng gia đình cậu mợ Chín nó.
Đây là lần thứ nhì tôi mới biết đến “outlets” (lần thứ nhứt là ở outlets Hồng Kông). Nhưng lần ở Hồng Kông thì chúng tôi không vào trong các cửa hàng, mà chỉ đi vòng vòng coi chơi và đi tìm thức ăn. Nhưng lần nầy thì tôi cũng lang thang vào trong các tiệm để coi cho biết cùng mua những gì mình thấy được để mua thôi. Thì ra outlets là nơi những cửa hàng mà hàng của nó có giá trị, chất lượng, được coi là tốt được bán trực tiếp từ hãng ra. Hàng hiệu nầy được những giới sang trọng trong xã hội tìm và sử dụng như khẳng định giai cấp, thành phần xã hội của mình; cho nên nhiều trưởng giả học làm sang cũng mê đi tìm hàng hiệu. Hôm nay tôi được dịp đi tìm hàng hiệu, chắc cũng sắp học làm sang rồi đây! Có lẽ tôi đến đây vào ngày giữa tuần cũng như buổi chiều nên khách vãng lai mua sắm không nhiều chăng. Đi mãi vào các tiệm thế mà tôi chỉ chọn cho mình được mỗi một cái áo nhẹ tiền, nếu ai cũng như tôi cả thì các tiệm nầy sẽ bán cho ai; sớm muộn gì thì tiệm cũng phải dẹp thôi. Nhưng đời không phải vậy! Ít ra tôi học nơi đây được nhiều điều hay cũng như được mở rộng tầm mắt thêm ra. Chiều thì Tú Anh lại chạy xe ra rước chúng tôi về. Thôi thì cứ quấy rối các cô nàng vài ngày, chỉ có ba ngày thôi mà. Hôm nay là ngày thứ nhứt rồi, còn hai ngày nữa. Sang ngày sau, Cúc sẽ đưa chúng tôi sang tận bên Washington để xem thủ đô của nước Mỹ coi thế nào?
Sáng sớm, Vân bạn Cúc đến, thì ra đây là bạn đồng hành cùng chúng tôi. Cúc lo tươm tất thật, cô nàng nầy sợ đoàn đi đông mà tiếng Anh thì “giỏi quá” cho nên rủi thất lạc thì “vô cùng tai hại” cho nên Cúc là người dẫn đầu, Vân là người đi sau cuối. Xong, chúng tôi tháp tùng cùng 3 xe. Xe của Huấn (chồng Cúc), Vân và Cúc chạy đến Car park. Đậu xe ở đó, rồi Cúc, Vân dẫn đoàn đón Metrorail để đi về Washington D.C. Đây là lần thứ hai tôi “được” đi Metrorail. Lần thứ nhất vào năm 2001, khi ba tôi cùng hai vợ chồng tôi sau khi ra khỏi đất Mỹ thì sang Áo với gia đình Cô Út của tôi ở Bregenz. Từ đó chúng tôi lại sang Paris, ngày trước anh Ba Hòa dẫn tôi đến và lên đỉnh Tháp Eiffel, và ngày sau chị Ba đưa đi Viện Bão Tàng Louvre, quận 13 nơi có đông người Việt buôn bán thì chúng tôi cũng đi Metrorail.
Chúng tôi mua vé cả ngày và đón xe điện về Washington. Tuyến xe của chúng tôi phải chuyển sang chuyến khác mới về ga Trung ương gọi là Union Station Metro. Khi chuyển sang chuyến Metro khác, một điều làm tôi hú hồn và người ta cũng sợ cho tôi, nhưng chiếc Metro chỉ “giỡn” thôi vì khi tôi bước vào thì nó khép cánh cửa lại, nó kẹp phân nửa chiếc giày chân sau của tôi trong tư thế tôi đang bước, làm tôi không thể rút chân ra mà cũng không thể lấy chiếc giày được và cửa cũng chẳng đóng được luôn. Tuấn, vợ tôi và tôi cố đẩy cửa trở ra nhưng cũng không được, nhưng trong chốc lát cửa bỗng nhích ra tôi mới lấy cái chân và vào hẳn trong toa. Xe điện chạy để sót lại 4 người cho chuyến sau.
Ra khỏi xe điện ngầm lên một thang máy cao, chúng tôi trên đường ra cửa gặp ngay mấy quầy bán vé xe buýt đi tour, Cúc dẫn đoàn đến mua vé ở Big Bus B, rồi đón xe đi vòng quanh thành phố.
Đầu tiên là đón chuyến chạy qua Điện Capital (Tòa nhà Quốc Hội) để xem cách kiến trúc nguy nga tiêu biểu của thủ đô Hoa Kỳ cùng những công viên chung quanh. Điện nầy được Tổng Thống George Washington đặt viên đá đầu tiên vào ngày 18/9/1793 và xây theo bản thiết kế của nhà thiết kế tài tử Dr. William Thornton, người thắng cuộc trong cuộc thi gồm 17 người tranh giải, và hoàn tất vào năm 1827. Giữa những năm từ 1851 đến 1862 điện Capitol được mở rộng và cái vòm mới được thêm vào; và mặt tiền phía đông được thêm ra vào năm 1958.
Điện Capitol được khoảng 68 acres (27 hecta) công viên bao quanh, các công viên nầy được thiết kế do Frederick Law Olmsted với những cây quý, vòi nước phun cùng nhiều tượng nhất là nhóm tượng biểu hiện cho Sự Tự Do (the Statue of Freedom). Sau đó thì xe buýt chạy về Đài tưởng niệm Washington mà người ta thường hay gọi là “cây bút chì” vì hình dáng giống như cây bút chì, chúng tôi xuống ở đây để chụp hình kỷ niệm với “cây bút chì” đó. Cây bút chì nầy được xây dựng khoảng giữa những năm 1848 đến 1884 bằng đá cẩm thạch trắng cao 169 m, mỗi năm có hàng triệu người đến viếng qua. Nó cũng là cột mốc lâu nhất của nước Mỹ mang tính cách lịch sử cùng hình dáng lạ. Phía trên cao của nó là nơi để du khách có thể quan sát cả khung cảnh của Thành phố Thủ đô. Xung quanh có 50 trụ cờ treo cờ Hoa Kỳ tượng trưng cho mỗi tiểu bang trong Liên bang.
Chụp hình xong lại trèo lên xe buýt để đi sang chỗ khác. Nhưng lại đi lộn đường, xe chạy đến đền tưởng niệm Tổng Thống Abraham Lincoln, chúng tôi chỉ chụp hình bên ngoài từ hai phía, chụp lấy đền và chụp qua hồ nước, lấy góc cạnh về Washington Monument cùng điện Capitol ở xa xa mà không đi vào phía trong. Theo tài liệu thì bên trong có tượng Tổng Thống Abraham Lincoln ngồi, bằng đá cẩm thạch cao 19 foot (5m8) do nhân dân Ý tặng nhân dân Mỹ, phía dưới có khắc dòng chữ “IN THIS TEMPLE AS IN THE HEARTS OF THE PEOPLE FOR WHOM WHO SAVED THE UNION THE MEMORY OF ABRAHAM LINCOLN IS ENSHRINED FOREVER.”
Xong, chúng tôi lại đi bộ theo con đường bên hồ hình chữ nhật phía trước đền có tên là Abraham Lincoln reflecting pool để đến hồ nuớc tưởng niệm WW II hình bầu dục xung quanh có các trụ mang tên các tiểu bang với hai cửa vòm, chính giữa có vài phun nước được khánh thành vào ngày 29/4/2004. Rồi chúng tôi lại đi trở về chỗ cũ lúc chụp hình “cây bút chì” nghỉ chân, đi vệ sinh trong chốc lát, rồi chúng tôi đi bộ đến trụ sở in tiền của Hoa Kỳ (Bureau of Engraving and Printing) ở trên đường 14th. Rất tiếc là mọi tour đi xem in tiền đã hết chỗ, thế là chúng tôi chỉ được vào xem tổng quát ở bên ngoài và mua đồ lưu niệm thôi.
Sau đó, chúng tôi đón xe buýt Big Bus B đi tiếp vì vé có giá trị cả ngày. Xe đưa chúng tôi cùng du khách đi một vòng qua các địa điểm Thomas Jefferson Memorial, băng qua cầu qua sông Potomac đến vòng ngoài của Ngũ Giác Đài (hay Lầu Năm Góc), rồi nghĩa trang Arlington, đến khu Georgetown nơi định cư đầu tiên của người da trắng vào thế kỷ 17 mà bây giờ Georgetown là một phần của Washington D.C. Khi xe về đến gần Chinatown chúng tôi xuống và đi bộ đến đó xem qua và kiếm chỗ để ăn vì cũng quá trưa rồi (gần khoảng 2 giờ trưa).
Rời nhà hàng, chúng tôi thả lần đi về White House nơi mà Tổng Thống Mỹ làm việc. Mặt tiền phía bắc
quay mặt ra Lafayette Square là hướng mà chúng tôi đến. Còn mặt phía nam thì quay mặt với The Ellipse. White House được vẽ và xây cất do kiến trúc sư người gốc Ái Nhĩ Lan là James Hoban, bắt đầu xây từ 13/10/1792 và hoàn tất vào 1/11/1800, và là nơi ở của Tổng Thống Mỹ từ năm 1800 bắt đầu John Adams, và Thomas Jefferson 1801. Vì nghe rằng khách du lịch có thể vào viếng được trong White House, nhất là trong White House rất rộng có đến 6 tầng và diện tích tầng dưới rộng đến 5100m2, với 132 phòng, 35 nhà tắm, 412 cánh cửa cái, 147 cửa sổ, 28 lò sưởi, 8 cầu thang, 3 thang máy… nên chúng tôi cố gắng xin phép vào để tham quan, nhưng bất thành. Nhưng nếu xin phép có được thì ngày ấy cũng chẳng được vào vì trong Nhà Trắng lúc đó Tổng Thống Obama đang đón tiếp ông Tập Cận Bình. Còn bên ngoài thì người dân Tây Tạng, nhóm Pháp Luân Công có luôn người Việt hải ngoại đang biểu tình phản đối, chống Trung Quốc lẫn Tập Cận Bình. Chúng tôi chỉ ngoài vòng rào chụp hình và đứng nhìn cả Tòa Bạch Ốc lẫn người biểu tình. Còn tôi thì cố gắng quay phim cái dịp may hiếm có nầy!
Trời cũng đã về chiều, chúng tôi kéo nhau ra trạm xe buýt để đón xe về ga chính mà đón xe điện ngầm để về nhà. Lần nầy đoàn chúng tôi đã có kinh nghiệm ở tôi mà cố gắng vào nhanh và gọn, không để cánh cửa xe điện kẹp chân một lần nữa. Về đến chỗ đậu xe cũng tối, nên Cúc và Huấn đưa chúng tôi tới luôn tiệm phở của người Việt ở một khu thương mại ăn rồi mới về nhà để tắm rửa và nghỉ ngơi. Cúc đem phim đám cưới của Ngọc Trâm (tên của Cúc) và Huấn ở tại quê nhà ra chiếu lại cho cậu mợ Chín và chúng tôi coi “ké” cùng. Đến khuya mới ngủ. Thế là xong một ngày nữa!
Sáng hôm sau, Tú Anh dậy sớm chuẩn bị cho mọi người món bún măng. Trong khi đó thì có điện thoại đến: Thì ra Thu Mỹ (tên Thu lai Mỹ) cùng hai đứa con gái lái xe từ bang Pennsylvania gần New York sang để thăm chúng tôi. Sau khi ăn uống xong, chúng tôi lên xe của Thu, Cúc, Huấn để đi khu thương mại của người Việt ở trên đường Wilson Boulevard thuộc Falls Church của Tiểu bang Virginia. Chúng tôi vừa đi tham quan cho biết sự tình, đồng thời mua chút ít đồ. Từ đây Thu Mỹ cùng hai đứa con gái từ giã chúng tôi để lái xe trở về Pennsylvania. Và chúng tôi về đến nhà Cúc, Tú Anh vào khoảng 2 giờ sửa soạn đồ đạc để ra xe taxi, cùng xe Cúc, Huấn đưa ra phi trường và đón chuyến bay đi Las Vegas. Chuyến bay của United sẽ cất cánh vào lúc 5 giờ 25. Chúng tôi lại giã từ Cúc, Huấn và Tú Anh với tấm lòng đầy sự tri ân!

(Còn tiếp)

Nguyên Thảo,
12/11/2015.

Wednesday, November 11, 2015

*H.T Chữ Nghĩa 24: Đi Vào Kinh Điển.



Một điều tôi có thể nói chắc chắn rằng: Trong quá trình tìm hiểu vào Đạo Phật, tôi đã chịu ảnh hưởng từ cuồn băng giảng “Tương quan giữa sống và chết” của Hòa thượng Thích Tâm Thanh ở Đại Ninh (Lâm Đồng) rất nhiều. Băng giảng nầy không những tạo cho tôi sự thích thú về nhận thức; đồng thời nó đã đánh vào sự tò mò muốn khám phá từ hình thức, lẫn quá trình một buổi lễ trong chùa mà lại còn đưa tôi vào cái mong muốn thâm nhập vào kinh điển mãnh liệt hơn.
Khi tôi nhận được bộ “Phật Học Phổ Thông” của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa từ Thượng Tọa Thích Thiện Duyên biếu tặng, tôi đã dành nhiều thời gian đọc ráo riết để nhằm trang bị cho mình một số vốn nào đó hầu thâm nhập vào kinh tạng dễ dàng hơn.
Trong khoảng thời gian đọc bộ sách ấy thì một hôm tôi có dịp vào Chùa Pháp Hoa lại thấy trên bàn có để một xấp giấy nhỏ in “Kinh Người Biết Sống Một Mình” do Thiền Sư Thích Nhất Hạnh dịch để lại biếu phật tử nhân chuyến công du của Thiền Sư sang Úc và đi ngang qua chùa. Từ bản kinh ấy được phối hợp với những kinh nghiệm, kiến thức trong cuộc đời, tôi cố gắng hoàn tất bài thứ 8: “Đừng Mơ Tưởng... (Hay: Kinh Người Biết Sống Một Mình) vào ngày 10/09/2001.
Sau đó, những điều tôi đã đọc được qua bộ “Phật Học Phổ Thông” dần tích tụ và đến lúc tôi cần viết một điều quan trọng về “Đạo” để bày tỏ cái quan điểm của mình về tôn giáo mà tôi đã thấy thiên lệch từ lâu. Vốn từ ngày xưa khi còn đi học ở Trung học, tôi và bạn bè được một giáo sĩ rao giảng đã cố thuyết phục tin vào Đấng Tối Cao mà họ cho là niềm tin của họ, trong lời rao giảng đó họ có lời lẽ không tốt về đạo Phật lẫn dân gian, anh bạn tôi đã cãi lại với họ và bảo họ chứng minh cho thấy về Đấng Tối Cao ấy và cho biết bằng một câu “Tôi chưa tin tôi nữa thì lại tin ai”? Thế rồi tôi lại đi vào năm đầu Đại học gặp Thầy dạy Triết Tây lúc ấy là Linh Mục Lê Tôn Nghiêm ông dạy về Thuyết Đồng Qui của Teilhard De Chardin và ông phê phán về các tôn giáo ở Đông Phương chỉ là những triết thuyết chứ không là tôn giáo. Lúc ấy, tôi thấy những người theo đạo của phương Tây chỉ có một mục đích là muốn rao giảng kiếm thêm tín đồ, họ không từ bỏ nói xa nói gần hoặc không tốt để người đạo khác từ bỏ đạo cũ mà theo đạo mới theo mục đích truyền đạo của họ. Họ cho chỉ có đạo họ mới là tôn giáo. Nhưng qua thời gian tôi thấy tôn giáo ấy chỉ là biến thể từ những câu chuyện thần thoại dân gian của nhiều nơi được kết hợp lại trở thành tôn giáo mà thôi, và mục đích những người lập ra tôn giáo chỉ là kích động tinh thần dân tộc để đánh, tiêu diệt 6 dân tộc khác ở vùng mà họ muốn chiếm làm của riêng như là "đất được ban cho". Rồi từ đó những đại đế khác nương vào đó để phát triển đế quốc mà họ không che đậy bằng “Đế quốc Tâm linh” hay “Thần thánh”. Chính vì vậy mới có sự áp bức, phân biệt với dân tộc hèn hạ khác, do đó mà đã nẩy sinh một tôn giáo đối kháng khác tinh vi hơn: Chiến đấu bằng vũ lực, phát triển tôn giáo bằng đánh chiếm, tấn công, ép buộc người khác “hoặc chết hoặc theo đạo”; và tín đồ “tử vì đạo” được lên Thiên Đàng với bao nhiêu là sung sướng về vật chất lẫn tinh thần được Đấng Tối Cao ban cho.
Những cuộc chiến tranh từ tôn giáo đã phát khởi và cũng là những cuộc chiến tranh tàn khốc nhất, chứng tỏ niềm tin không hề đơn giản và được lợi dụng tối đa để thực hiện một âm mưu nào đó tùy theo mục đích của người giáo chủ. Tín đồ chỉ là những nhánh củi để đưa vào lò thành chất đốt. Cho nên tôi cho ra đời bài số 9: “Một Cái Nhìn... (Hay: Đạo Phật Là Một Tôn Giáo)” nhằm chứng minh Đạo Phật cũng có tính chất tôn giáo theo nhận thức khoa học, thực tiễn chứ không phải hẳn là một triết thuyết hay là một tôn giáo theo kiểu thần quyền, tin tưởng vào đâu đâu. Sau nầy tôi gởi bài ấy đến đăng trên Trang Nhà Đạo Phật Ngày Nay của Thầy Thích Nhật Từ thì nhận được lời phê phán của Le Quoc Trinh như sau:


“Le Quoc Trinh 14/04/2010 09:11:52
Kính gửi Đại Đức Thích Nhật Từ,
Trang Nhà Đạo Phật Ngày Nay,

Hôm nay nhờ lời giới thiệu của TuanVietNam tôi đã vào Trang Nhà ĐaoPhaTNgayNay đọc được một số bài viết của Thầy về chủ đề "Đạo Phật có phải là một tôn giáo không ?". Tôi xin phép được góp vài ba ý kiến với Đại Đức.

Trước hết tôi xin tự giới thiệu là Lê Quốc Trinh, Việt kiều cư ngụ tại Canada hơn 40 năm. Tôi có duyên với Đạo Phật vì quy y từ hồi nhỏ, già đình thuần thành Phật tử, bác tôi là cư sĩ Phật học Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, tôi đã từng tham gia xuống đường đấu tranh thời Pháp nạn (1963), tôi từng làm thầy cò (corrector) sửa bản thảo kinh sách Nhà Phật trước khi in (mẹ tôi mở nhà in ấn tống kinh Phật). Tôi theo dõi nghiên cứu triết lý Phật Pháp hơn 30 năm nay tại Canada, qua lăng kính khoa học kỹ thuật.

Tôi xin khẳng định rõ những điều căn bản mà tôi rút tỉa từ những hiểu biết về Đạo Phật như sau:

1)- Trước hết Đạo Phật tuyệt đối không bao giờ là một tôn giáo khi được Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni sáng lập cách đây 2500 năm. Đức Thế Tôn không bao giờ chủ trương tôn thờ, tôn vinh và tôn sùng cá nhân. Bản thân Ngài không bao giờ vỗ ngực tự xưng là giáo chủ, Ngài không bao giờ ép buộc chúng sinh phải bỏ niềm tin (tôn giáo) của mình để đi theo con đương Trung Đạo của Ngài vạch ra. Ngài tuyên bố rõ ràng: "Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành", và "Chúng sinh nên tự thắp đuốc mà đi, Ta chỉ là người dẫn đường mà thôi";

2)- Đạo Phật là đạo dựa trên căn bản dùng trí tuệ theo phương hướng từ bi hỷ sả để GIÁC NGỘ, tự giải thoát. Do đó không thể đánh đồng Đạo Phật với các tôn giáo khác. Vì dựa trên trí tuệ để tìm hiểu Sự Thật, phá tan bức màn Vô Minh, nên Đạo Phật mang tính siêu việt theo tinh thần khoa học, nói rằng Đạo Phật đi trước khoa học cũng không sai. Bảo rằng đó là một triết lý sống, luôn đi sát với thực tại và cuộc sống, cũng rất chính xác;

3)- Đức Thế tôn đã hy sinh cả cuộc đời một con người sống thực, Ngài biết ràng con người thời đó (2600 năm trước) chưa đủ tri thức để hiểu thấu Phật pháp do Ngài giảng dạy, nhưng Ngài vẫn kiên trì lê gót khắp nước Ấn Độ để truyền bá Đạo Phật. Vì thời đó ánh sáng khoa học chưa rọi tới nhân loại, cho nên những lời Ngài giảng cô đọng trên những luận đề căn bản có vẻ khó hiểu và khô khan, nên chúng sinh không hiểu và vô tình bỏ quên hay giảng giải mơ hồ, sai lạc khiến cho mọi người hiểu lầm Đạo Phật, đưa Đạo Phật trở lại con đương mê tín, dị đoan;

4)- Ngày nay, nhờ những tiến bộ khoa học kỹ thuật mà nhân loại có thể giao lưu trao đổi tự do trên Internet, giáo lý Nhà Phật được truyền bá sâu rộng khắp thế giới. Đây là cơ hội tốt đẹp nhất để hoằng dương Phật Pháp, dùng kiến thức khoa học kỹ thuật để giải mã những luận đề căn bản khó hiểu như:

- Thuyết Nhân-Quả, thuyết Nhân-Duyên, trùng trùng duyên khởi;
- Thuyết Luân Hồi;
- Ý nghĩa của Vô Thường;
- Ý nghĩa về Vô Ngã: Ngã là gì ? Vô Ngã là gì ?
- Bốn chân lý Tứ Diệu Đế: Khổ là gì ?
- Bát Chánh Đạo;
- Thập Nhị Nhân Duyên;
- Bát Nhã tâm kinh: ý nghĩa Sắc Sắc Không Không, ý nghĩa Niết Bàn. Khoa học hiện đại đã giải mã được hết những nguyên lý phức tạp từ 20 năm nay;
- Duy Thức Học.

5)- Phải tẩy trừ hết sách những ngộ nhận về Đạo Phật, phải hiểu tất cả những phân hóa trong hàng ngũ Đạo Phật từ khi Đức Thế Tôn nhập Niết Bàn. Tất cả các tông phái gây chia rẽ Đạo Phật đều có ý hướng đi ngược chiều với Đạo Phật chính thống. Rất nhiều người bị đưa vào con đường mê tín, dị đoan, tin tưởng thần thánh, cầu siêu cần an, xin xâm, hoá vàng (như Tịnh Độ tông). Hoặc nhiều người lầm tưởng Đạo Phật chỉ cốt đi tìm niềm an lạc trong Tâm (như Thiền tông), hoặc say mê bùa chú kinh kệ (như Mật tông);

Kính thưa Đại Đức Thích Nhật Từ,

Tôi chỉ có bao nhiêu nguyện vọng đó, rất mong sẽ được góp sức tham gia vào công cuộc hoằng dương Phật Pháp, đưa ý nghĩa căn bản Đạo Phật chính thống trở lại thế gian ngõ hầu phụng sự nhân loại, giảm bớt đau khổ và kiến tạo hòa bình vĩnh cửu.

Kinh chào Đại Đức,

Lê Quốc Trinh, Canada


Lúc đọc được những điều phân giải như thế, quả thực tôi cũng phải công nhận là những nhận xét đúng, nhưng tôi cũng đã phân tích đến con đường đi và đến của Tâm linh hay con người lẫn phương pháp cứu độ trong Đạo Phật qua những điều ghi trong kinh điển, để chứng minh với độc giả là Đạo Phật cũng theo qui trình của một tôn giáo, nhưng tôn giáo nầy không cần sự hiện hữu của Đấng Tối Cao như người ta vẽ ra. Tại sao tôi nói là “Người ta vẽ ra” vì khi khởi thủy câu chuyện Đấng Tối Cao ấy đã sáng tạo chỉ phần trái đất mà trái đất và loài người là trung tâm”. Nhưng khi khoa học tìm ra trái đất không là trung tâm, loài người chưa hẳn là loài duy nhất trong vũ trụ thì giáo hội đã vẽ ra con đường khác hơn để bảo vệ giáo thuyết của mình, đồng thời kết án kể cả án tử đối với những người phát hiện ra Chân lý; khi các phương tiện đi trên không đi liên tục chẳng thấy hồn xác nào trên trời cả thì giáo hội lừa phỉnh sang phạm vi bao quát hơn toàn vũ trụ, vân..vân… Thế thì ta tin vào ai, vào nhà khoa học hay vào nhà Thần học? Đó là chưa kể khi đọc đến những sách ấy nếu kỹ hơn chúng ta sẽ thấy những điều bất nhất, cũng như là không hợp lý hoặc dâm ô thật nhiều…. (Để hiểu rõ Quý vị có thể tham khảo thêm trong các bài nghiên cứu của tác giả Gã Học Trò trên trang mạng Sachhiem.net).
Qua những điều của Lê Quốc Trinh, chúng tôi nghĩ mình chỉ là kẻ đi tìm hiểu sau, muộn màng về đạo Phật nên thấy mình chưa đủ khả năng để giãi bày.
Tuy nhiên, bài của tôi chỉ là đưa ra ý kiến mà thôi, nhưng Lê Quốc Trinh đã gán ghép cho cả Thầy Thích Nhật Từ thì tôi nghĩ là hơi quá đi chăng? Tôi sai thì tôi chấp nhận chứ không là cả của Trang nhà Đạo Phật Ngày Nay, tức là Nguyên Thảo chỉ là Nguyên Thảo chứ không là hai.
Bắt đầu từ bài nầy tôi đã đi nhiều vào kinh điển vì những điều tôi thấy có sự nối kết lạ lùng và mật thiết giữa các kinh Lăng Nghiêm, Viên Giác và Kim Cang qua sự ghi, giảng của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa. Tôi ghi lại theo sự sắp đặt, trình tự của hệ thống một bài viết nhằm mục đích để độc giả ghi nhận lại được những điều giảng trong kinh mà Đức Phật đã giảng.

(Còn tiếp)

Nguyên Thảo,
11/11/2015.

Thursday, November 5, 2015

*Tin Hay Không?

*Thơ Đồ Ngông! (tt)



*Cha, Con.

Đời cha đã chẳng ra gì
Làm người đau khổ, điêu tàn thân ai
Bao năm lặn lội ăn mày
Nhà không ra cửa, chẳng tài nào hơn
Lòng tham, với dạ sắc son
Mang đầy túi bạc, mặc người nỗi đau.
Con hoang tài đức bao nhiêu
Định thay cha tiếp gieo điều thê lương
Nực cười thiên hạ nhiễu nhương
Lại hay ca tụng, mở đường diệt vong!

Đồ Ngông,
26/10/2015.




*Diệu Vợi!

Đường đi xa diệu vợi
Không biết đến bao giờ
Lòng người thêm chơi vơi
Cứ mãi là trong mơ!

Ngàn năm sau vẫn thế
Cuộc tình khó đổi thay
Khung trời luôn tím ngắt
Lưới trời mãi bủa vây!

Con người là như vậy
Tham sân si cao dầy
Lên trên đầy cho túi
Kẻ dưới cứ buồn thay!

Lưỡi uốn lời, ý đẹp
Tay chuốt phấn tô son
Miệng hô cõi thiên đường
Đời luôn là địa ngục!

Đồ Ngông,
05/11/2015.




*Tin Hay Không?

Tôi không thể tin ở những lời hoa mỹ
Mà cũng không tin từ miệng lưỡi kẻ gian
Tôi không tin,
Không tin từ thời gian nhớp nhúa
Lúc con người lừa đảo lẫn nhau
Tôi không tin
Lúc loa kêu reo réo nhức đầu
Người ta biết vận hành cơ giới vào điều thê thảm
Người ta giết những giác quan mẫn cảm
Người ta lừa kể cả hệ thần kinh
Chết tôi đi, tôi thấy chết cả thân mình
Và chỉ thấy một linh hồn hoang dại
Tôi còn lại một tâm hồn tê tái
Khóc vọng sầu cho thân thể thương đau!

Đồ Ngông,
05/11/2015.


Wednesday, November 4, 2015

*Mỹ Du. (2)




*California:

Chiếc xe buýt đón chúng tôi từ phi trường về nhà ông Cậu của Tuấn là do nhóm anh Minh đảm nhận. Gần như mọi việc ở California nầy con gái tôi nhờ đến Tố Dung là bạn học của nó từ thuở ấu thơ cũng là nhà gần nhau ở quê nhà. Tố Dung là đứa con gái dễ thương vừa đẹp, thông minh vừa học giỏi của ông bà Thầy Máy Bay. Sở dĩ gọi là ông bà Thầy Máy Bay vì ba Tố Dung là người Hoa làm thầy thuốc Đông y có tiệm thuốc tên Nhơn Hòa Đường lấy hiệu chiếc máy bay, từ đó người dân cứ gọi là tiệm thuốc máy bay kể cả những xã phụ cận đều như vậy. Tố Dung thấy đoàn chúng tôi đến Cali khuya, nên đã hỏi trước ai muốn ăn thứ gì kể cả cháo lòng, bánh canh hoặc cơm, vân vân… mà mua dùm. Anh Minh chất đầy những va-li ở phía sau xe và người lên xe cả rồi chạy về địa chỉ cậu của Tuấn ở Anaheim. Minh đưa cho chúng tôi danh thiếp với số điện thoại (714) 823-6855 để liên lạc về sau khi cần. Trên đường di chuyển về nhà, chúng tôi có đưa dự trù về thời gian nhờ Minh đưa mọi người đi lên Universal Studios vào những ngày sau, nhưng Minh cho hay ngày nay tương đối rảnh còn những khi khác thì bận, nên chưa về đến nhà thì chúng tôi đã nhờ đến Minh trong ngày nầy đưa đoàn đi lên Hollywood dùm và hẹn cùng nhau khoảng 9 giờ sẽ khởi hành. Chúng tôi về đến nhà cậu của Tuấn khoảng 4 giờ. Hai ông bà cũng thức đợi để đón chúng tôi và Tố Dung cũng đem toàn bộ thức ăn đến. Sau khi ăn uống hàn huyên tâm sự đôi điều, cậu Hoàng (cậu của Tuấn) muốn chúng tôi nghỉ ngơi, để rồi vài giờ sau đi tiếp.
Khoảng chừng 9 giờ sáng thì Minh đem xe đến và chúng tôi lại lên xe để lên Hollywood. Đường sá ở đây thì rộng rãi, nhiều làn đường, ở khoảng giữa không có cây nên thấy thông thoáng hơn, tuy nhiên xe cộ đông và chạy với vận tốc cao nên nhìn hai trên đường xe chạy thấy mà ngớp như người ta đang hối hả với cuộc sống hơn bao giờ. Thỉnh thoảng tôi đưa máy quay quay lại một vài đoạn đường hay một vài khung cảnh để sau nầy có lúc ngồi xem lại những cảnh đã qua. Chúng tôi đến Universal Studios kịp lúc sắp hàng để mua vé để vào cửa. Giá vé 95 đô cho một ngày với một người.
Hơn 14 năm về trước, ba tôi cùng vợ chồng tôi đã đến đây một lần. Lúc đó chúng tôi đến Cali được gia đình các con của Bác Ba Yếu đón và đưa về nhà trong vài ngày vì các con Bác Ba thân với thằng em của tôi. Chót Ên ra tận phi trường đón và đưa chúng tôi về ở nhà của Èo Ên. Tôi không biết tên trong giấy tờ của mấy đứa đó mà chỉ biết tên bên ngoài thôi. Lúc đó Bác Ba trai đã mất, lâu ngày ba tôi có nhiều dịp để hỏi về Bác Ba cũng như gia đình khi rời khỏi Tân Khánh. Mọi gia đình đều được ổn định lẫn công việc làm ăn. Bánh Tí ở gần Cầu Đúc có đến thăm chúng tôi vào thuở ấy, và chính Bánh Tí cho con trai đưa chúng tôi lên viếng Hollywood và đến chiều khi muốn về chúng tôi gọi điện thoại thì nó lên rước về. Trong thời gian đi thăm khu Universal, chúng tôi đã tham dự “tour” phim trường cùng những khu vực khác như Jurrassic Park, ET, Mummy Return, cùng vài nơi khác; nhưng lần nầy chúng tôi chỉ đi vòng vòng sau khi đi tham quan phim trường. So với lần trước phim trường bây giờ rộng lớn và qui mô hơn nhiều. Những loại phim 3D cũng được chiếu bên ngoài như là cảnh thật làm chúng tôi cũng tưởng lầm. Các trận chiến của khủng long làm mấy đứa nhỏ la lên liên hồi. Vui thật! Con gái tôi dẫn mấy đứa con của nó đi vào mấy cái “Show” để xem. Lần nầy thấy du khách Trung Quốc khá nhiều so với lần trước là du khách Nhật lẫn Đại Hàn. Đến chiều chúng tôi ra bên ngoài để tha hồ chụp hình và tản bộ nghêu ngao và chờ xe buýt của anh Minh lên rước về nhà cậu Hoàng. Tối nay chúng tôi lại được con cháu cậu Hoàng đãi một bữa ăn ở nhà hàng để gọi là đãi “phái đoàn ở Úc sang thăm” nhất là mừng gia đình đứa cháu ruột sau mấy mươi năm mới có dịp tìm về, nhưng tôi quên giới thiệu: Tôi chỉ là một người ăn ké mà thôi! Tội nghiệp Tố Dung luôn điện thoại thăm và hỏi có cần gì hay không, và cũng chính nó lo chuyện “sim” điện thoại cho chúng tôi ngay từ đầu! Nhưng có một người khác cũng không kém, đó là Thơ con ông Soùl lò chén mà thuở ở nhà người lớn cũng như bạn bè hay gọi là Thỏ. Thơ cũng là bạn học với con gái tôi, theo gia đình sang Mỹ định cư như trường hợp của Tố Dung lẫn gia đình Bác Ba Yếu. Thơ từ tiểu bang Tennessee gởi cơ sở làm ăn cho người em trông coi để bay về Cali với má trước khi con gái tôi cùng phái đoàn đến. Tụi bạn bè chúng nó họp mặt ấy mà! Tôi cũng chỉ là “ăn ké”! Những đứa trẻ con ngày ấy bây giờ chúng lớn quá chừng lại có thêm con cái nữa rồi. Không ngờ chỉ sau mấy mươi năm mình sắp trở thành ông già bảy mươi! Tôi không dám viết bằng con số đâu. Vì viết quá rõ mình sẽ thấy, mình lại đau lòng nên đành đánh bằng chữ vậy! Rồi tôi lại nhớ đến khoảng ba năm về trước, ba tôi người cùng đi với vợ chồng tôi 14 năm xưa không còn nữa. Cuộc đời là một chuỗi sự kiện tiếp nối “sinh sinh, diệt diệt” mãi không biết đến bao giờ!
Sáng hôm sau, Thơ đến sớm mua thêm chút thức ăn gì đó, có cô nàng nầy thì vui lắm. Ngồi kể chuyện hồi xưa lẫn chuyện nơi xứ người. Chắc nó làm ăn cũng giỏi như là ba nó vậy! Còn tôi, Cậu Hoàng, cậu chín, Tuấn ngồi uống cà phê, nói chuyện bên vườn ở phía sau và xem những cây mà cậu Hoàng đã ghép với nhau.
Chúng tôi dự định hôm nay sẽ đi đến Disneyland cho mấy đứa nhỏ chơi, đồng thời đã đến Cali người ta cũng muốn biết hai nơi có tiếng từ trước: Một là trung tâm làm, đóng phim Hollywood; hai là Disneyland nơi được cho là chỗ vui chơi mà cha mẹ dẫn con đến chơi. Gần 9 giờ chúng tôi chia nhau lên xe của Thơ và xe của cậu Hoàng để đi đến Disneyland. Disneyland không xa đối với nhà cậu Hoàng, chỉ khoảng 15 phút thôi. Xuống xe ở cổng, chúng tôi đi băng qua bãi đậu xe đi vào bên trong đón xe kéo để di chuyển vào bên trong. Mười bốn năm trước Chót Ên đưa vợ chồng tôi và ba tôi đến trực tiếp bãi đậu xe gần cổng vào, rồi từ đó mua vé vào cổng chứ không đậu xe xa như bây giờ. Ngày ấy khu California Adventure mới được mở thêm và coi như là khu Disneyland mở rộng.
Đi xe chuyển tiếp qua đoạn đường cũng khoảng hơn hai cây số, đường sá, khu vực được trồng nhiều cây xanh, và được chăm sóc, trang trí có vẻ đẹp mắt đúng là khu hấp dẫn cho du khách nhất là đối với những đứa nhỏ thuộc lứa tuổi thơ.
Vào đến cổng, chúng tôi xếp hàng lấy vé để vào bên trong. Qua cổng thì đến khu vực vườn hoa phía trước, mọi người muốn chụp hình để kỷ niệm ở đây. Có bảng đề kỷ niệm 60 năm thành lập Disneyland nầy. Cũng là một quá trình dài, bây giờ Disneyland được thành lập ở nhiều nơi trên thế giới trong đó có Hồng Kông, Nhật Bản và Paris (Pháp) và có lẽ lớn nhất là Disneyland ở Orlando (Tiểu bang Florida – Hoa Kỳ).
Từ đây chúng tôi vào bên trong, những cảnh vật thì không khác lúc xưa bao nhiêu, nhưng vài trò chơi không còn ở đây chắc chuyển về bên Adventure, thay vào đó có những trò chơi mới. Nhưng thông thường thì ở đâu cũng vậy, người ta muốn làm thay đổi mới chút ít trong một khoảng thời gian nào đó để tránh sự nhàm chán, ngay cả trong các siêu thị buôn bán thức ăn hay quần áo cũng vậy, người ta hay bày biện, thay đổi vị trí để khách hàng không nhàm đồng thời phải đi vòng vòng để kiếm cho có vẻ đông khách và tiện tay mua thêm nhiều món đồ khác nữa. Buôn bán đã thế thì trò chơi lại phải năng động hơn nhiều!
Để tổng quát, chúng tôi đón chuyến xe lửa đánh một vòng để nhìn bao quát qua các khu, vị trí, cùng chú ý đến cái gì mình thích để khi tròn một vòng chúng tôi đi tìm chỗ để đi chơi. Người lớn thì đi cho biết, nhỏ thì vui chơi. Nhưng đa số thì cha mẹ vẫn đi chơi kèm theo con cái cho nên cha mẹ, con cái cùng chơi.
Đến trưa, chúng tôi tụ tập về căng-tin để mua thức ăn. Theo dự trù, chúng tôi sẽ ra cổng để về chỗ lúc sáng Thơ cho xuống và Thơ sẽ đến rước về nhà cậu Hoàng, nhưng vì tối có bắn pháo bông cho nên chúng tôi đổi ý sẽ ở lại coi diễu hành và bắn pháo bông và gọi điện thoại cho Thơ hay. Riêng gia đình con gái tôi nó có kế hoạch của nó vì gia đình Tố Dung muốn chiêu đãi bạn bè lâu ngày mới gặp. Chính điều nầy mới là điều khó cho chúng tôi! Sau ăn trưa mạnh nhóm ai nấy đi: Nhóm gia đình con gái tôi đi riêng không biết nó có qua khu Adventure không, chứ lúc đầu nó muốn cho mấy đứa con nó qua chơi bên đó; còn gia đình cậu Chín đi riêng, Vợ chồng tôi và dì Tám riêng một nhóm. Đến lúc khoảng 6 giờ chiều, khi đang ăn chiều thì điện thoại tôi mang theo hết “pin” không thể gọi cho cậu Chín hay nhóm con gái tôi được và ngược lại. Đứt liên lạc, nên không thể hẹn hò gì cả, kể cả liên lạc với Thơ hay cậu Hoàng.
Đêm tối, nơi lạ cho nên vợ chồng tôi cùng dì Tám sợ khi tan ra lại đông người càng khó khăn cho mình hơn nên đành bỏ cuộc diễu hành, bắn pháo bông mà ra về trước; hi vọng cậu Chín sẽ liên lạc được với những người khác. Chúng tôi ra đến chỗ xuống xe lúc sáng, dự trù sẽ kêu Taxi về nhà, nhưng đúng ngay lúc đó thì trong Disneyland người ta đang bắn pháo bông, tôi đứng quay cảnh pháo bông trên trời thì cậu Hoàng chạy xe ra đến để rước về vì Thơ cũng vừa gọi cậu Hoàng nhờ rước dùm. Nhóm con gái tôi đi riêng không nói cho cậu Hoàng biết, cậu lại lo. Hồi lâu cậu Chín lại gọi về cho biết nơi đang đứng để cậu Hoàng ra rước về. Báo hại ông Cậu đã già phải thức khuya mà lại phải lo cho người khác. Về đến nhà tất cả cũng đã là một giờ khuya!
Ở với cậu Hoàng tôi học được nhiều điều, nhất là cậu lưu dữ được những hình ảnh từ lúc còn bé thơ, ngay cả những văn bằng hay giấy tờ lính tráng của cậu trong từng thời kỳ, kể cả trong thời Pháp hay những chuyến đi chơi về sau nầy. Đối với tôi ông quả là một người “Độc nhất vô nhị”, không có người thứ hai trong những người tôi đã gặp trong cõi đời nầy! Nếu chuyến đi trước tôi không ngại thì tôi đã gặp ông rồi, tôi sẽ học được nhiều thứ ở ông từ lâu. Không phải vì ngăn nắp, kỹ lưỡng mà tánh ông khó; ông lại phóng khoáng, hiểu người hiểu ta chính điều đó là điều làm cho tôi nễ phục mặc dù mới tiếp xúc với ông có vài ngày thôi. Cho nên con cái ông đều thành danh cũng không có gì là lạ!
Sáng hôm sau, chúng tôi lại uống cà phê tâm tình với ông được buổi sáng nữa, rồi đến giờ Thơ và Tố Dung đưa chúng tôi ra khu phố Bolsa, Wesminter, Phước Lộc Thọ để nhìn quang cảnh làm ăn của người Việt được coi như là nơi khởi nghiệp đầu tiên của người Việt hải ngoại trên đất Mỹ. Mười bốn năm về trước chị em Anh Hùi, Chót Ên, Èo Ên, Tiết Ên, Mín cũng đưa ba tôi, Bác Ba gái cùng vợ chồng tôi cùng đến đây, nhưng lúc ấy những dãy shop chưa cất ra ngoài như bây giờ, cách kiến trúc, car park hãy còn đặc trưng theo kiểu cách của Mễ Tây Cơ (hay Tây Ban Nha?). Bây giờ sầm uất hơn nhiều, nhưng vẫn còn nét sáng sủa, khoáng đảng với những con đường rộng rãi và cây cối phần lớn là cây cọ nên khoảng bầu trời không bị khuất lấp nhiều bỡi các tàn cây.
Sau khi ghé nhà chị Tố Dung thăm Bà Thầy (má Tố Dung) và má Thơ thì Tố Dung và Thơ đưa chúng tôi về nhà cậu Hoàng để nghỉ ngơi và chuẩn bị hành trang sẽ rời Cali vào tối nay lúc 11giờ hơn để bay sang Virginia mà hai chiếc xe của công ty của Minh đưa chúng tôi ra phi trường.

(còn tiêp)

Nguyên Thảo,
05/11/2015.

Wednesday, October 28, 2015

*Mỹ Du. (1)




Mỹ Du đây không phải là tên của một người đẹp vì tôi không phải là một kẻ đẹp người hay nên danh phận gì để được một người đẹp nào đó yêu mến lấy mình, mà Mỹ du chỉ là cái tên gọi để hấp dẫn cho chuyến đi Mỹ vừa qua trong hơn ba tuần lễ (từ ngày 20/09/2015 đến 13/10/2015) và nó được ghi lại như là những kỷ niệm về chuyến đi ấy, cùng được phối hợp lại với chuyến đi Mỹ vào năm 2001 giữa ba cùng hai vợ chồng tôi, vì cả hai chuyến đi cùng mục đích để thăm người thân trong dòng họ.
Nếu năm 2001 vợ chồng tôi làm chuyến đi với ba tôi từ đầu tháng 5 là do ý tưởng từ chị Karen Phu, người khai thuế cho tôi, khi chị nói muốn đưa ba chị đi Mỹ thăm bà con vì nếu để già hơn nữa thì bảo hiểm rất mắc cũng như nếu người già bệnh hoạn trên chuyến đi thì tiền y tế có thể mắc lắm, mình cáng đáng không nỗi. Do đó sau khi gợi ý với ba má thì má tôi không đi vì chân bà bị mổ trước kia đi xa không thấu, còn ba tôi thì đồng ý. Tôi tham khảo cùng em trai và lấy quyết định, rồi vợ chồng tôi tiến hành thủ tục và lập qui trình của chuyến đi.
Đầu tháng 5, sau khi dự đám cưới con của Trọng ở Sydney về, chúng tôi chuẩn bị khởi hành. Vợ tôi và tôi lấy chuyến bay Ansett từ Adelaide lên Melbourne để hợp với ba tôi tại phi trường. Đúng dịp nầy em tôi đưa cho tôi quyển “Hành Hương Đất Phật” của Phan Thiết mà tôi đã nhờ nó mua từ lúc trước. Khoảng 1 giờ trưa máy bay cất cánh sang New Zealand, và sẽ đáp xuống ở phi trường Auckland.
Từ trên phi cơ tôi nhìn ra cửa sổ, thấy những vùng nước nông sâu và bờ của những đảo nhỏ cùng vùng phụ cận của Auckland quả là có nhiều kỳ thú. Ở tại phi trường phải đợi đến 5, 6 giờ chiều mới vào lại phi cơ lớn của hảng hàng không United để bắt đầu cho chuyến bay đêm từ Auckland sang Los Angeles của Tiểu bang California (Hoa Kỳ). Tất nhiên trong chuyến bay ấy tôi được chiêm nghiệm một số ý tưởng nào đó mà Phan Thiết đã viết trong quyển “Hành Hương Đất Phật” của ông ta. Qua hành trình hơn mười tiếng đồng hồ thì trời cũng hừng sáng, tôi thấy phía khoảng không dưới kia trời đầy mây, nhưng sau đó không lâu thì những từng mây ấy mất đi, trời trở nên quang đảng mà tôi có thể nhìn được màu nước biển tận sâu dưới kia, từ đó cho tôi ý niệm nhận thức về “Có” và “Không” mà viết bài “Một Sự Tình Cờ” (Hay: Cái Có và Cái Không trong Đạo Phật) tặng cho Phan Thiết. Chúng tôi đáp xuống phi trường Los Angeles vào khoảng 8 giờ sáng để làm thủ tục nhập cảnh trên đất Mỹ.
Thì trong chuyến đi nầy, chúng tôi là một đoàn người gồm tất cả là mười người cùng nhau sắp xếp để làm một chuyến lưu diễn, nói lưu diễn là để chơi cho vui, chứ thực sự là thăm viếng người thân mà lâu ngày chưa gặp được, hoặc làm một chuyến đi mà không dễ dàng gì để có lần sau.
Vốn là em út của vợ tôi theo gia đình chồng sang Mỹ định cư ở Salt Lake City (Tiểu bang Utah) nghĩ rằng anh chị nay đã già, mong muốn anh chị sang Mỹ một chuyến để thăm gia đình nó cùng tổ chức đi chơi gọi là “sum họp gia đình”. Từ ý ấy, chúng tôi bao lần trù trừ vì chuyến đi thì quá xa, sức khỏe, công việc thì giới hạn, mà không đi thì cũng lại thương em. Cho nên, lần nầy con gái và rễ tôi quyết định trong năm nay ráng đưa hai đứa con gái của nó sang viếng thăm gia đình ông cậu ruột của rễ tôi ở Cali mà gần 30 năm nay chưa gặp nhau, chúng quyết định gấp do nơi đứa con gái lớn sang năm lên Trung học thì bài vở nhiều nên cần có thì giờ để học. Do vậy, chúng tôi gồm vợ tôi là chị bảy (tôi là anh rễ), cùng chị tám, anh chín (chị chín và đứa con gái) sắp xếp quyết định cùng đi. Riêng chị chín có mấy đứa cháu đang ở Tiểu bang Virginia của Hoa Kỳ, nên chuyến đi có dự trù sang Tiểu bang ấy nữa. Con gái tôi liên lạc với bạn học cũ của nó để nhờ đến việc “book” dùm các phần cần thiết trên đất Mỹ thì số bạn bè của nó lại có ý họp bạn cùng gặp thầy cô tại Las Vegas cùng với Cô Phượng và Thầy Phương (từ Florida). Rồi từ đây lại nảy thêm ý sang Tiểu bang Florida. Một chuyến đi được hoàn tất “Phức Hợp” mà tôi luôn chỉ là người ăn theo, để nói cho vui bằng tiếng hơi tếu gọi là “ăn ké” đó mà!
Như vậy chuyến đi đầu tiên sẽ đến Cali thăm viếng “gia đình Cậu Hoàng” (cậu ruột của rễ tôi) trong vài ngày; rồi bay sang Virginia vài ngày ở gia đình “Cháu của mợ Chín”, kế tiếp quay trở lại Las Vegas cho cuộc họp “Tình Thầy Trò” cũng vài ngày, xong sang Salt Lake City cho cuộc “Tình Chị Em” 8 ngày và sang Florida với thầy Phương trong 4 ngày, rồi trở về Cali tá túc ở gia đình cậu Hoàng một đêm nữa để lên đường trở về lại xứ Úc.
Sáng sớm ngày 20/09/2015 chúng tôi lũ lượt ra phi trường Adelaide làm thủ tục “check in” để đáp chuyến bay Cathay Pacific CX 174 sang Hồng Kông. Máy bay cất cánh lúc 6 giờ 40 với giờ bay dự trù là 8 tiếng 15 phút. Gần nửa thời gian máy bay mới ra khỏi không phận của nước Úc để tiến về Hồng Kông mặc dù với tốc độ bay khoảng gần 800 km/giờ.
Chúng tôi đến phi trường Hồng Kông vào lúc 2 giờ chiều (giờ Hồng Kông- đi sau giờ Adelaide 2 giờ), và không phải lấy hành lý vì hành lý được chuyển thẳng đến Los Angeles. Theo dự trù chúng tôi phải đợi đến 10 tiếng ở phi trường mới lên chuyến bay khác để đi Los Angeles. Vì thời gian đợi quá lâu nên có ý kiến đề xuất đi “outlets” ở Hồng Kông, tức nơi tập trung các cửa hàng bán trực tiếp hàng của những hãng hàng hiệu có giá trị từ con gái tôi. Mọi người đồng ý, và đi hỏi đường để ra phi trường, đón xe buýt đến trung tâm mua sắm ấy. Xe buýt chạy khoảng nửa giờ đồng hồ thì đến nơi. Nhưng chúng tôi chỉ đi xem qua chứ không mua gì, cùng đi tìm chỗ ăn uống mà thôi. Khi trở vô phi trường mới là điều cực nhọc vì phải đi làm thủ tục nhập cảnh trở lại. Lẩn quẩn trong phi trường đến 11 giờ 05 thì đến giờ lên máy bay. Hơn nửa giờ sau phi cơ được đẩy ra khỏi chỗ đậu, nhưng đã có “sự cố” gì đây, phi cơ dừng lại hồi lâu và được báo là trục trặc, gần nửa giờ nữa thì được thông báo chính thức là đổi sang phi cơ khác. Thế là chúng tôi cùng bao nhiêu hành khách phải lục tục kéo xuống, ra khỏi phi cơ di chuyển về một cổng khác (cổng 23) rồi lại chờ đợi và hảng Cathay Pacific tài trợ cho khoảng 75 đô Hồng Kông để mua thức ăn trong khi chờ đợi.
Đến 2 giờ đêm Hồng Kông, chúng tôi và hành khách lại lên tàu và máy bay cất cánh lúc 2 giờ 30 phút. Giờ bay dự trù là 12 giờ 29 phút với khoảng cách là 11,675 km, trên độ cao khoảng trên 6.500m.
Máy bay không bay theo hướng đường thẳng mà bay lên phía bắc gần đến vùng eo Bering (eo biển giữa hai lục địa Á và Mỹ Châu) rồi mới vòng xuống hướng về Los Angeles. Khi gần đến vùng sang ngày thì máy bay hơi lắc không biết là không khí ở vùng ấy có nhiều thay đồi áp suất như thế nào mà tôi để ý đến khi về cũng có hiện tượng giống như vậy mặc dù khi về máy bay bay theo hướng tương đối thẳng hơn từ Los Angeles đến Hồng Kông.
Chuyến bay đưa chúng tôi đến phi trường Los Angeles vào khoảng 2 giờ khuya giờ California. Hải quan làm thủ tục tương đối dễ dàng hơn chuyến đi vào năm 2001 của tôi có lẽ vì quá khuya, hay là trước khi “boarding” lên máy bay thủ tục kiểm soát hành khách ở Hồng Kông đã kiểm soát thật là kỹ lưỡng rồi. Sau khi nhận hành lý xong xuôi để ra xe buýt đưa về nhà Ông Cậu của Tuấn cũng là hơn 3 giờ khuya. Thế là trong hai chuyến đi, tôi được sống giữa hai ngày trùng lập vì nơi xứ Úc hoặc Hồng Kông là ngày trước thì ở Mỹ sẽ lập lại ngày ấy trong ngày sau, cũng như trong chuyến đi nầy chúng tôi khởi hành ngày Chủ nhật 20/09/2015 thì đến Los Angeles cũng lại là ngày Chủ nhật 20/09/2015.

(Còn tiếp)

Nguyên Thảo,
29/10/2015.

Sunday, October 25, 2015

*Thuyết Rằng...!

*Thơ Đồ Ngông! (tt)



*Tưởng Là…!

Tưởng là ý thức lên ngôi
Tưởng là thay đổi cho thời ấm no
Tưởng là thiên hạ được lo
Tưởng là đất nước thoát ra cảnh nghèo
Nhưng rằng: Bầy lợn cám treo
Vẫn là rào ngõ làm giàu quan tham
Giăng ra bẫy lớp hàng hàng
Quan quyền ăn chặn, moi tiền người dân
Khiến bao nghèo đói khôn cùng
Sinh ra cướp giặc, bán trôn nuôi mình
Bây giờ thiên hạ quá khinh
Khinh trong nội địa, khinh ngoài thế gian!
Bao giờ nghĩ lại…hỡi quan?

Đồ Ngông,
25/10/2015.



*Thuyết Rằng…!

Thuyết rằng tiên tiến lên ngôi
Dựng xây xã hội cho đời ấm no
Công bằng, hạnh phúc, tự do
Người không bốc lột, thiên đường thế gian
Nhưng mà đời vẫn gian nan
Nói thì nói vậy, lầm than khôn cùng!
Làm quan vẫn hiếp người dân
Lừa cơ lấy cắp của công dân hùn
Tài nguyên đất nước đi đâu
Bao nhiêu cứ mãi chui vào túi quan
Đời dân luôn mãi cơ hàn
Thuyết là để nói, đậy che ý đồ!

Đồ Ngông,
26/10/2015.

Monday, October 19, 2015

*Quê Người! (3)



Đến khi hừng đông, ánh sáng tỏ rõ ra trên biển, chúng tôi mới thấy ngọn lửa trên không ấy là ngọn lửa của một dàn khoan dầu và những chiếc tàu đậu gần đó nhưng họ tránh việc vớt chúng tôi. Đi xa dàn khoan một khoảng khá xa, đang ngồi trên boong tự dưng nghe lành lạnh lạ lùng, nên tôi chui trở xuống hầm tàu để tránh lạnh. Mọi người dưới hầm đều mệt nhừ lẫn trong say ngủ, chỉ một vài người mở mắt nhìn tôi. Tôi đứng nép tựa vào góc của hầm tàu nơi có vách ngăn cách phòng máy cùng hầm phía trước và lấy chai dầu mở nút, hít một hơi dài cho ấm phổi. Nhưng tôi chợt giật mình vì qua khung cửa sổ liên hệ với phòng máy tôi thấy có nước tràn vào. Tôi dụi mắt xem mình có nằm mơ không, nhưng không? Tôi lại nghĩ chẳng lẽ mình chết rồi ư? Tôi bấm móng tay vào da, tôi còn biết đau như vậy là tôi chưa chết. Tôi dụi mắt lần nữa và cố định tâm để chắc chắn rằng tôi không mơ. Tôi theo dõi, nước theo kẽ ván tràn vào từng đợt theo ngọn sóng. Tôi vội đến bên kia hầm vỗ nhẹ vào chân Tịnh, anh bạn tôi vừa quen mấy ngày trên tàu, kêu Tịnh khum xuống tôi thì thầm kêu Tịnh vô nói nhỏ với ông Chín chủ tàu cho hay nước tràn vô. Ông Chín chạy xuống hầm tàu, nhìn tôi đứng ở cửa sổ giận dữ nói: “Nước vô ở đâu, nói láo hả tao liệng mầy xuống biển bây giờ”. Vừa lúc đó sóng đánh vào mạn tàu, nước theo kẽ tràn vào phía sau lưng ông. Tôi nói: “Đó, sau lưng ông đó”. Ông quay lại nước tràn ướt mình ông, ông không la tôi nữa, vội lên trên, lâu sau nghe kêu người nhảy ra ngoài đóng ván vào mạn, mọi người lúc đó mới biết rõ và trong tình trạng lo âu. Tôi nghĩ về vợ con, nhưng tôi không phải đột ngột hoảng hốt vì trước khi đi tôi đã lượng trước những tình huống xấu nhất. Nước dưới hầm dâng lên nhưng bơm không hoạt động tốt nên bơm nước không ra ngoài được nhiều. Tôi thực sự ngậm ngùi! Vì lùn nên Tịnh xuống dưới hầm múc nước đưa lên cho tôi đổ ra biển. Ngồi trên cầm sô nước đổ ra ngoài, tôi nhìn lại phía sau, con cháu ông chủ tàu đang lấy những “can” nước đã hết, xỏ xâu lại để nếu có chìm thì chúng có chỗ bám víu. Một vài ngày trước chúng còn lấy nước đó để tắm, bây giờ chúng lo chuẩn bị cho sự bị chìm. Tôi thấy mà tủi lòng! Mọi việc rồi cũng được sửa chữa, làm xong xuôi. Từ đây ai cũng hồi hộp vì tàu đã tỏ tõ chứng tật của nó rồi, không biết chuyến đi của mình sẽ ra sao. Trong lúc múc nước đưa tôi, các củ sắn bị nước tràn vào đẩy xuống hầm tàu, Tịnh lượm được hai củ, khi xong Tịnh chia cho tôi một củ. Và từ lúc nầy thấy mọi người im lặng nhiều hơn. Ngày nầy cơm còn được phân chia một vắt nhỏ như trước nhưng nước giảm xuống còn nửa chun nhỏ. Vào xế chiều có chiếc tàu đi hơi xa xa, người trên tàu phát tín hiệu để cầu cứu, nhưng cũng là vô ích. Tôi đưa áo thun ba lỗ màu trắng cho họ cột trên đầu cây dựng lên cao để mong có tàu nào đó thấy và vớt, nhưng không có tàu nào cả. Có hai chiếc tàu xa xa đi về hướng tây, tài công nói chạy đón đầu; tôi nghĩ mà cũng tức cười vì tàu cây chỉ chạy chưa tới 10 km giờ mà đòi chạy đón đầu tàu sắt trong khi chạy cùng chiều. Một buổi chiều trên biển tiếp tục, ánh nắng vàng trải dài lần trên mặt biển, anh Bảy Minh ngồi nói chuyện cùng đám chúng tôi trên boong và anh đem ra hủ đường thắng với nước chanh như là món giải khát cho những người vượt biên để chia nhau chút ít. Trong lúc tâm sự anh có nói rằng: “Phải tui biết chú mầy trước thì tui cho chú mầy đi không”. Tôi cười và cám ơn anh. Chúng tôi nhìn theo đàn cá heo đang vui vẻ lội theo tàu. Khi thì chúng lội nhanh về phía trước, lúc lội ngược về phía sau như đùa với chúng tôi. Có người kêu chúng là cá nược, nhưng riêng tôi thì kêu là cá heo chắc hay và đúng với nó hơn vì khi “đùa” như vậy chúng thường kêu lên “eng éc” giống như tiếng heo kêu. Nhìn chúng mà chúng tôi cũng hơi vui vui. Đến đêm, tôi đến ngồi bên miệng hầm cùng thằng bé, Kỳ xạo cùng Tịnh mà nói chuyện, lỡ khi mình nghe lạnh thì chun xuống hầm tránh lạnh hoặc buồn ngủ xuống đó ngủ đứng trong chốc lát cho an toàn. Thằng bé không biết nó làm cái gì hay quen ai trong tàu sao nó biết ông đội nón nỉ sùm sụp luôn ngồi bên cửa phòng lái, ngó ra đó là ông tổ chức chuyến đi nầy, kỳ nầy ổng bị ông chủ tàu bắt ổng đi luôn, nên ổng ngồi ở đó ngó ra và buồn lắm. Tôi hỏi sao nó biết. Nó nói nó nghe người ta nói. Tôi không hỏi nó gì thêm mà nói chuyện với Tịnh. Tịnh có nét đạo mạo, trầm tĩnh của một người có học, trước khi vượt biên Tịnh dạy bên trường kỹ thuật Cao Thắng hay Nguyễn Trường Tộ gì đó ở Thành phố mà tôi không nhớ rõ. Lúc sáng sau khi tát nước xong, Tịnh đưa tôi củ sắn đồng thời cho tôi coi sơ đồ đường đi cùng phương hướng phải đi để an toàn mà Tịnh đã có được. Coi thì coi chơi chứ cũng chẳng làm được gì, tôi nói với Tịnh hay là đưa cho mấy ông tài công tham khảo thôi. Tịnh trù trừ rồi không biết Tịnh có đưa cho mấy ông ấy coi không. Biển chiều và đêm tương đối yên lặng. Trời khuya hơi lạnh tôi dọt xuống hầm, lấy chai dầu hít một hơi dài, nín lại và thở ra từ từ, rồi đứng nhắm mắt ngủ trong chốc lát. Chúng tôi cũng quen rồi cái không khí và nước nôi ở chỗ dơ dáy nầy vì không ai ra khỏi được con tàu nên mọi thứ đều ở đây. Đã đối diện với cái chết, thì dơ dáy cũng còn là chuyện nhỏ thôi. Tôi lại bật cười thầm: Vì trong chiến tranh kế cái chết thế mà người Việt Nam đã không trốn chạy, vậy mà… vậy mà hòa bình người ta lại ra đi, sẵn sàng để chết, không hiểu những người làm cách mạng có thấy điều nghịch lý ấy hay không? Và lý do nào, tại sao?
Mệt quá, tôi chùi chân dài ra, mình nghiêng theo thành hầm, chịu như vậy để mà ngủ. Không biết ngủ được bao lâu, tôi thức dậy thì trời cũng tờ mờ. Buổi sáng nhìn mặt biển phẳng lặng như một tờ giấy, trông nó hiền từ không tí gợn nào; thế mà đến lúc nó nổi cơn thịnh nộ không biết bao nhiêu tai họa xảy ra. Trên đường đi nầy không biết có bao nhiêu mạng đã bị nó nhấn chìm. Tôi vốn ở trên miền đất khô cằn, nhiều rừng rú chưa mấy lần ra bờ biển, cho nên chuyến đi nầy đối với tôi có nhiều điều thật mới lạ. Trăng lưỡi liềm rọi một vệt sáng trên mặt nước, tôi nghe lòng buồn buồn nhớ đến vợ con và nước mắt bỗng dưng tuôn dài. Mặt trời dần lên, một ngày mới bắt đầu. Đi trên biển chúng tôi chỉ ngồi tâm tình trên boong tàu, nhìn những con cá bay cất cánh bay lên khỏi mặt nước được một khoảng rồi lại chui vào trong nước; hoặc dành thì giờ để nhìn những ngọn sóng đầu tỏa bạc ở xa xa. Nhìn mãi chẳng thấy chiếc tàu nào đi ngang, mà cũng chẳng thấy bóng chim nào. Đến trưa mọi người ngạc nhiên không hiểu vì sao trên vùng biển nầy lại có những luồng giống như bông bù kết thật là nhiều, người thì bảo có thể gần đến bờ vì bông bồ kết rơi trên sông trôi theo dòng đến đây; người thì ngạc nhiên không biết bông rụng bao lâu rồi mà màu sắc còn tươi như là mới. Chúng tôi tha hồ mà lý giải, nhưng bờ đất liền hay đảo thì chẳng thấy đâu. Đàng xa có bóng dáng một chiếc tàu, khi đến gần nó là một chiếc tàu dầu. Tài công hướng tàu về nó thì nó lại nổ máy dang ra xa, thế là chúng tôi cũng không hi vọng gì ở nó!

(còn tiếp)

Nguyên Thảo,
19/10/2015.