Saturday, February 14, 2015

*Chúc Mừng Năm Mới!





*Chúc Mừng Năm Mới.

Một mùa Xuân mới, Tết đang sang
Muôn cảnh muôn hoa sắc rỡ ràng
Sắm vội những gì chào đón Tết
Hân hoan mọi thứ rước Xuân sang
Gặp nhau hớn hở dâng lời chúc
Tay bắt mặt mừng, kính mọi đàng
Phước Lộc vui vầy, đi với Thọ
Thành công, thịnh vượng trải vô vàn!

Nguyên Thảo,
15/02/2015.



*Mừng!

Mừng anh, mừng bác lại mừng tôi
Mừng hẳn chúng ta sống ở đời
Cho đến giờ nầy thân vẫn khỏe
Kéo dài năm tháng kiếp rong chơi
Thân nầy ít bệnh là coi được
Thể ấy bao năm một cuộc đời
Cứ lấy chiếc thuyền dùng đỗ bến
Thảnh thơi tâm thức, bến xa rời!

Đồ Ngông,
15/02/2015.

*Nhân Mùa Xuân Về!




Thời tiết chuyển dần, một năm nữa lại đến, mùa Xuân thay đi bộ áo cũ của toàn khung cảnh bên ngoài: Những lá non bung chồi, những chùm hoa thoát nụ vươn ra ngoài hưởng không gian bao la, rồi nở dần khiến cho đâu đâu cũng có dáng của mầm sống mới!
Ngày xưa khi mà người ta chưa biết đến khoa học, địa lý thì trời đất vẫn vận chuyển như vậy theo một chu kỳ của thiên nhiên, một vòng tròn bốn mùa để cho những con người nguyên thủy nhận xét từng giai đoạn mà ghi lại thành những lịch trình của thời gian. Khi tôi đến nơi cái xứ có bốn mùa tôi mới hiểu được cái gì thiên nhiên đã ban tặng đến cho nhận thức của con người, để con người tạo được những kiến thức, những kinh nghiệm truyền lại cho đời sau: Sau một mùa đông tàn tạ, ẩm ướt, lạnh lẽo của những luồng gió từ cực của trái đất thổi về, khiến cho nhiều nơi có tuyết rơi, hay là những trận bão tuyết kinh hoàng, mọi cảnh gần như dừng lại, vài loài động vật chìm vào giấc ngủ mùa đông mà người ta dùng danh từ Hán Việt “đông miên” để gọi nghe hay hay; hoặc người ta phải chật vật trong những cách ăn mặc để giữ đủ ấm cho cơ thể hay phải dự trữ thức ăn cho những tháng đông mà trên mặt đất người ta không thể làm được gì! Rồi người ta lại ngồi mà tưởng tượng cái “Vương Quốc” của “Ông Trời” có những vị thần cai quản từng mùa như người Hi Lạp đã thêu dệt thành những chuyện Thần Thoại hoàn chỉnh và nên thơ. Tôi đã từng mê những chuyện Thần Thoại Hi Lạp từ trên ghế nhà trường Sư Phạm khi Thầy Doãn Quốc Sĩ đi Mỹ về dạy lớp Đệ Nhị Niên của chúng tôi vào niên học 1968-1969. Tôi tìm thấy ở Thần Thoại Hi lạp có những điều vừa tưởng tượng vừa thích hợp theo con người chứ không giống như vài tôn giáo nào đó đã giải thích trên Kinh điển mà chẳng là hợp lý chút nào. Tôi thích nhất là con người là loài yếu nhất, không cao lớn, không biết xuống nước, không bay được lên trời… nhưng lại biết tự trang bị cho mình hoặc nối dài thêm những gì mà mình đã khiếm khuyết để tạo nên sức mạnh cho chính mình! Tôi thích chuyện nàng Pandora mở chiếc hộp quà tặng mà mọi thứ tai ương, dịch bệnh, mọi điều xấu xa lại bay đến với con người, nhưng lại còn được “Sự hi vọng”. Con người trong cuộc đời chịu biết bao nhiêu là đau khổ, nguy hại, bệnh tật, khó khăn nhưng vẫn nuôi “hi vọng” và sống thản nhiên cùng làm việc như mọi ngày!
Sau mùa Đông ảm đạm, lạnh lẽo thấu xương, thời tiết lại chuyển dần qua ấm áp. Sự ấm áp đó đánh thức muôn vật: Tuyết tan, rễ cây được ánh nắng un đúc lại phát triển, cây cối lại đâm chồi, nẫy lộc ra hoa và nàng Xuân được trang bị màu sắc mới với muôn hoa rực rỡ và muôn lá có màu tươi mát, dịu dàng. Con người lại cày xới đất lên trồng trọt, chim chóc lại tưng bừng hót ca… Cỗ máy lại vận hành theo một chu kỳ mới; để rồi cây kết quả, tạo hạt mà người ta sẽ thu hoạch vào mùa Hè hoặc đầu Thu, chấm dứt trước khi mùa Thu có những chiếc lá vàng rơi và bay bay theo gió. Cũng có thể từ những thay đổi thời tiết và kéo theo toàn cảnh của từng mùa mà người xưa đã đăt cho mùa Xuân, Hạ hay Thu, Đông. Và người ta ghi nhận từng thời gian của sự thay đổi trong nhiều năm để tạo thành lịch và có nhiều chi tiết. Lịch ở những nơi người ta quan sát theo sự xuất hiện, biến đổi của Mặt Trăng thì được gọi là Âm Lịch, và theo sự biến đổi từng thời tiết theo ngày, Mặt Trời thì được gọi là Dương Lịch!
Đến khi khoa học phát triển thì sự giải thích lại được rõ ràng hơn, và môn Địa Lý cung cấp cho con người những hiểu biết thực tiễn về bốn mùa với những biến đổi của nó.
Khoa học đã phát hiện ra rằng vì trái Đất của chúng ta không những vận hành chung quanh mặt trời theo quỹ đạo bầu dục, nhưng nó cũng xoay chung quanh nó theo một trục tưởng tượng Bắc, Nam với một góc độ là 23 độ 26 phút 21 giây. Chính vì độ nghiệng nầy mà ngày dài ngắn khác nhau và ánh nắng mặt trời rọi chiếu trên mặt đất cũng khác nhau, cùng với độ xa gần mặt trời của quỹ đạo trái đất quanh mặt trời mà các mùa được thành hình. Mặt trời rọi chiếu trên đỉnh của xích đạo (Equator) vào những ngày 21 tháng 3 và 23 tháng 9 hàng năm, nên những ngày ấy ngày và đêm dài bằng nhau; còn ngày 22 tháng 6 thì mặt trời rọi chiếu vào đường Bắc Chí tuyến (Tropic of Cancer) nên ở Bắc Bán Cầu vào mùa Hè, có ngày dài đêm ngắn (ngày dài nhất), nhưng ngược lại Nam Bán Cầu lại vào Mùa Đông (đêm dài nhất). Đến ngày 22 tháng 12 thì mặt trời rọi chiếu trên đường Nam Chí tuyến (Tropic of Capricon) nên ở đây là ngày dài nhất của mùa Hè (tất nhiên đêm là ngắn nhất) và ở Bắc Bán Cầu sẽ thuộc về mùa Đông. Khi mặt trời rọi chiếu vào đường xích đạo thì hai mùa của Bắc Bán Cầu và Nam Bán Cầu sẽ ngược nhau: Một bên mùa thu thì phía kia là mùa xuân hay nghịch lại!
Môn Địa Lý cũng cho ta biết được rằng những luồng đối lưu của gió trên trái đất: Gió từ Điểm Cực về Vòng Bắc hay Nam cực (Polar Front) trên mặt đất rồi lại lên cao và chuyển ngược về Điểm Cực ở trên không (Polar cell); gió từ đường Chí tuyến (còn gọi là Horse Latitudes) trên mặt đất di chuyển về Vòng Cực rồi lên cao và ngược về Chí tuyến (Ferrel cell); và vòng đối lưu khác của không khí là gió di chuyển từ Chí Tuyến về Xích Đạo (Intertropical convergence zone) trên mặt đất để rồi chuyển ngược lại ở trên cao (Hadley cell). Tùy theo những lúc luồng đối lưu ấy mạnh hay nhẹ mà thời tiết có khắc nghiệt thêm nhiều hay ít. Tôi ở trên xứ Nam Úc của nước Úc, nơi mà thời tiết thay đổi không chừng. Những ngày gió từ hướng Nam hay từ cực thổi về thì trở lạnh nhanh chóng, còn những ngày gió vòng vào nội địa (trong sa mạc) thổi ra thì độ nóng lại tăng cao. Theo như “biểu kiến” thì ngày chính Hè cho Bắc Bán Cầu là ngày 22 tháng 6, và cho Nam Bán Cầu là ngày 22 tháng 12, nhưng vì năng lượng mặt trời sưởi nóng mặt đất còn kéo dài ra cho nên những tháng lạnh nhất hay nóng nhất không phải vào đúng những ngày ấy mà lại thường trễ đi khoảng tháng trời.
Tôi cũng cám ơn những nhà khoa học và những nhà nghiên cứu địa lý đã cho tôi những hiểu biết căn bản để hiểu về thời tiết và các mùa. Thế là tôi hiểu được mùa Xuân là mùa đẹp nhất trong năm vì nó đem lại sự sống mới và một sinh hoạt mới sau một mùa Đông u ám, lạnh lẽo, tàn tạ, ngưng trệ, co ro… của con người. Có lẽ vì thế mà người ta tạo ra Lễ Hội mừng Năm Mới bước sang với biết bao là mơ ước tốt đẹp sẽ đến để xoa dịu cho con người được bớt đi đau khổ trong cuộc đời nầy! Những ngày đầu tiên của năm được người ta vui mừng Chúc tụng nhau với mọi điều tốt đẹp, vui vẻ để nuôi hi vọng cho một năm mới được nhiều may mắn và thành công mà người mình thường hay bình dân bằng danh từ “Ăn Tết”!
Và tôi lại viết bài nầy trong một hoàn cảnh “tréo ngoe” vì ngày Tết của quê mình hay mùa Xuân đến trong lúc nầy thì ở nơi đây (xứ Úc) đang vào những ngày nóng của mùa hè với nhiệt độ ngày hôm qua là 41 độ, và hôm nay là 39 độ Celcius. Đó chẳng qua là do trái đất quay quanh trục của nó với độ nghiệng là 23 độ 24 phút cùng 21 giây mà ra! Và tôi cũng không quên Chúc Tụng Quý Vị:” Một Mùa Xuân vui vẻ, một Năm Mới An Khang và Thịnh Vượng”! Thân chào,

Nguyên Thảo,
15/02/2015.