Saturday, May 23, 2015

*Xin Người Đừng Làm Khổ Cho Người!



*Thơ Đồ Ngông! (tt)



Người đã hơn một lần
Kết cấu để làm khổ cho người
Người vi phạm những điều nhỏ nhoi trong cuộc sống
Bao tai họa từng gieo
Bao hạnh phúc xa rời
Trên muôn vạn, hàng triệu con người mong ngóng
Đành bỗng chốc như lá vàng trôi mãi ra khơi!
Người hô quát,
Nhưng không bao giờ hành động.
Người chẳng làm gì nâng cao nếp sống
Người vô tình đục khoét thóc trong kho
Như đám chuột rình rập, thập thò
Ăn cho béo rồi nai lưng ra ngủ
Đường còn xa
Khoảng cách dài chưa đủ
Chưa đến chi, đã gục ngã trước thiên đường!
Ai có hỏi:
Thiên đường đâu mà hỏi,
Thiên đường là cuộc sống ấm no!
Có còn chi con đường lên chốn ấy,
Chỉ là ảo
Cho một mai khi con người đã chết!

Đồ Ngông,
24/05/2015.




Thursday, May 21, 2015

*Tìm Hiểu Về Những Hòn Đá.




Thực sự mà nói, trước kia tôi không hiểu nhiểu gì về Uluru, tôi chỉ biết nơi vùng giữa nước Úc có hòn đá Uluru là nơi gắn liền, và đôi khi nghe nói Uluru như là chỗ linh thiêng của người Úc đen (Thổ dân, Aboriginal people), cùng vài câu chuyện du khách nhặt đá ở đó đem về làm kỷ niệm, nhưng sau đó họ cứ bị bệnh hoài đành mua vé máy bay đem đến hoàn trả thì hết bệnh, hoặc có người leo lên núi cứ lâu lâu có người té chết. Tôi chưa đến đó mặc dù tôi được định cư trên xứ Úc nầy cũng cả là 30 năm. Nói đến Uluru hoặc đôi khi người ta gọi là Ayers Rock thì tôi nghĩ là trên sa mạc mênh mông thiếu cỏ cây có một khối đá đỏ nhô lên như một hình ảnh kỳ lạ thu hút người ta đến xem như một dị kỳ. Thế rồi, tuổi già đã đến, một số người quen rủ nhau đến đó xem cho biết. Chúng tôi cũng lưỡng lự vì giá nó mắc hơn là đi ngoại quốc, nhưng cũng phải đi cho biết chứ đợi giá rẻ thì biết đến bao giờ.
Thế là chúng tôi quyết định làm một cuộc hành trình. Như tôi đã tường thuật lại cuộc đi trong ba lần của bài “Làm một chuyến đi”. Thực ra tôi không có khiếu viết về du lịch, nhưng nay tôi phải “post” bài ấy lên: Thứ nhất là kỷ niệm với anh Ba Quang, Chị Điểu, Cô Hi (em vợ tôi) cùng vợ chồng tôi; Thứ hai cũng là để chị họ của tôi ở Bregenz trên đất Áo (Austria) (chị Phi) có vài thông tin về hòn đá đó, vì trước đây không lâu trên câu chuyện điện thoại, chị có nói với tôi nếu khi nào “đi lên hòn đá” thì cho chị hay để chị cùng đứa em họ chúng tôi ở bên Mỹ (Texas) là Mai đến để cùng đi. Tuy vậy, vì thời điểm không hợp cũng như hoàn cảnh có khác cho nên tôi đành âm thầm không rủ chị cùng Mai đi được. Khi “post” hai phần đầu xong, tôi thấy nội dung không phong phú và có vẻ thiếu thốn khá nhiều, nên trong phần ba tôi tìm tài liệu và cố gắng sắp xếp nó theo thứ tự của một cuộc du lịch để chúng ta cùng xem chơi cho vui, và có thể hiểu thêm được chút nào hay chút nấy về vài nơi mà tôi đã đến và đã đề cập.
Rồi từ chuyến đi ấy, tôi lại thấy Uluru đem đến cho tôi vài thú vị khác mà tôi cũng khó diễn tả, cho nên tôi cũng ráng góp nhặt vài thông tin để gọi là đóng góp cho sự tìm hiểu về một nơi được coi là “Di sản thiên nhiên” và cũng là “Di sản Văn Hóa” của Thế giới nầy.
Khi đến “Vùng Đất Đỏ” (Red Centre), điều làm tôi khá ngạc nhiên nhất là những kiến thức học về sa mạc hồi còn trung học của tôi đã bị đảo lộn, do sa mạc nơi đây không là gió với cát trong cái cháy nóng bỏng của ngày nắng, đêm lạnh khác thường; cùng những đụn cát hình lưỡi liềm dù là nó màu đỏ, trắng hay vàng. Sa mạc nơi vùng đất đỏ của nước Úc nầy có một màu đỏ thẩm nhìn rất đẹp và như có một cái gì đó để hấp dẫn du khách, rồi có những cây cối hơi lạ như desert oak, hay những bụi cỏ lá kim rất cứng mọc lan ra ngoài và chết dần trong giữa mà người ta gọi là spinifex, hoặc rất nhiều bụi cây witchelty bush cao cở trên hai thước mọc dầy giống như rừng, cùng với nhiều loại cây cỏ khác mà ta có thể xem sa mạc nầy là những khu rừng thưa chứ không có vẻ gì là sa mạc, mặc dù khí hậu là khí hậu sa mạc (vì nó ở mãi trong giữa của một lục địa dù không lớn lắm). Và cũng màu đỏ nầy tôi đã thấy trên lá cờ của người thổ dân: Nửa đen (trên: Thể hiện cho người Úc đen), nửa đỏ (dưới: Thể hiện cho đất đỏ) và chính giữa là mặt trời vàng (Thể hiện Đấng cho và bảo vệ cuộc sống người Úc đen) mà Harold Thomas (hậu duệ của người Úc đen Luritja ở vùng trung tâm nước Úc) thiết kế vào năm 1971, và được treo lên lần đầu tiên ở công viên Victoria Square của Thành phố Adelaide, Tiểu bang Nam Úc (South Australia). Vùng đất đỏ nầy bao la chiếm phần lớn đất đai của vùng giữa nước Úc, trong đó có Ayers Rock và The Olgas. Nói đến Ayers Rock tức là nói đến hòn đá Uluru, vì hòn đá nguyên khối có niên đại khoảng 600 triệu năm (chiều cao là 348m so với mặt đất (863m với mặt nước biển), vớỉ 3.6km chiều dài, rộng 1.9km và chu vi là 9.4km chiếm diện tích khoảng 3.33km2, trên đỉnh bề mặt tương đối phẳng với nhiều hang, thung lũng, đỉnh, hố nước do sự xâm thực từ hàng triệu năm; đường leo lên đỉnh độ 1.6km) nầy là một trong những hòn đá nguyên khối lớn nhất thế giới (lớn nhất là Mount Augustus ở Western Australia). Uluru cách Alice Spring khoảng 335km đường chim bay về hướng Tây Nam hay 463km đường bộ. Người ta xem Uluru là “sơn đảo” (inselberg) trên đất liền, giống như là một băng sơn (icerberg, có phần chìm dưới đất còn to lớn hơn nhiều so với phần nổi mà người ta chưa xác định được. Uluru là tên của hòn đá mà người Thổ dân đã gọi, nó có nghĩa là: Hòn đá cuội rất lớn (great pebble); nhưng vì người Âu châu đầu tiên đến hòn đá để khảo sát là William Goss vào ngày 9/7/1873, ông ta đặt tên cho hòn đá theo tên của Sir Henry Ayers (The Chief Secretary của South Astralia) và lên bản đồ của nước Úc, từ đó hòn Uluru được biết đến như là Ayers Rock trên Âu châu, thế giới và trở thành một cái tên phổ biến. William Goss cũng là người Âu đầu tiên leo lên Uluru. Dù vậy, nhưng ông ta không phải là người Âu châu đầu tiên nhìn thấy Uluru mà lại là nhà thám hiểm Ernest Giles vào tháng 10/1872. Uluru là hòn đá hấp dẫn du khách không những về hình dáng của nó mà lại còn là sự biến đổi màu sắc theo mùa hay là giờ khắc trong ngày. Tôi đã mua được một postcard chụp hình Uluru cứ mỗi 3 giờ: Lúc 6 giờ sáng nó là một bóng đen trên nền trời; 9 giờ sáng có màu xam xám; 12 giờ trưa màu vàng cát; 3 giờ màu vàng nghệ và 6 giờ chiều màu đỏ ửng rất đẹp.
Uluru là hòn đá đơn độc vươn lên từ nền đất của sa mạc giống như một người đàn ông lẽ loi đi tìm thức ăn về cho một gia đình đông con ở phía Tây cách đó khoảng 30km đường chim bay (50km đường bộ): Đó là “The Olgas” tức là bà Olgas và 35 đứa con mà người Thổ dân gọi là “Kata Tjuta” (nghĩa là: Nhiều cái đầu). Tất cả có 36 vòm khối đá cao nhất là Mount Olga (546m), toàn bộ chiếm trên điện tích khoảng 35km2 có chu vi là 22km. Tên The Olgas lấy từ đỉnh cao nhất là núi Olga mà nhà thám hiểm Ernest Giles đã đặt theo tên của Bà Olga (Nữ hoàng Wũrttemberg con của Tsar Nicholas I - Russia) vào năm 1872 khi ông nhìn thấy Kata Tjuta từ khu vực gần Kings Canyon. Ở The Olgas, nơi đây có nhiều khe và thung lũng để người ta đi dã ngoại.
Về địa chất, Uluru và Kata Tjuta được xem như cùng cấu tạo do sỏi, đá mòn gồm nhiều loại lớn nhỏ kể cả đá hoa cương và basan chìm lắng và gắn kết ở tầng trầm tích thạch ở dưới đáy biển để thành sa thạch từ trong vòng 300 triệu năm kể từ 900 triệu năm trước. Rồi cách nay 550 triệu năm vùng nầy được nâng lên và xếp nếp lại thành những dãy núi, những dãy nầy bị xâm thực trong nhiều triệu năm sau, để lại tầng sa thạch dưới đáy. Khoảng cách nay 300 triệu năm biển biến mất để lại những nếp cuốn, gãy của sa thạch (Uluru cũng như Kata Tjuta được thành hình từ đó) và toàn vùng được biến động địa chất nâng lên khỏi mực nước biển như tình trạng hiện nay. Còn những thung lũng, đỉnh cao, hố nước, hang trên bề mặt là do sự xâm thực trong hàng trăm triệu năm. Và ngày nay chúng ta nhìn thấy Uluru cũng như Kata Tjuta chỉ là phần nhỏ được nổi lên trên, còn phần lớn tầng địa chất vẫn nằm dưới mặt đất. Chính vì những đặc điểm ấy cùng hệ sinh thái mà Uluru, Kata Tjuta và khu vực ấy có được nên được đưa vào danh sách công viên quốc gia (National Park) từ năm 1950 gọi là “Ayers Rock – Mt Olga National Park”.
Công viên nầy nằm trong lãnh thổ Bắc Úc (Northern Territory of Autralia) cách Thành phố Darwin 1431km về phía Nam và 440km Tây Nam của Thị trấn Alice Spring đi theo đường Stuart Highway và đường Lasseter Highway. Diện tích của công viên là 1326km2 và hiện nay được giao quyền chủ lại cho người Thổ dân từ năm 1976, và đến năm 1985 chính phủ thuê lại trong vòng 99 năm và người Thổ dân cùng quản lý công viên chung với nhân viên của Chính phủ. Tên của công viên cũng được thay đổi như tên gọi hiện nay theo tên gọi của người Thổ dân “Uluru – Kata Tjuta National Park” từ năm 1995. Công viên nầy được hai lần UNESCO ghi vào di sản thế giới: Di sản thiên nhiên vào năm 1987, và di sản văn hóa vào năm 1994.
Uluru – Kata Tjuta National Park được ghi vào Di sản văn hóa của thế giới vì nơi đây là nơi thể hiện văn hóa lâu đời của giống dân Pitjantjatjara là những thổ dân đã sống trải dài từ Tây Bắc Nam Úc qua một phần Tây Úc và kéo đến phía nam hồ nước mặn Amadeus của Bắc Úc thuộc vùng trung tâm. Nhân số của họ còn vào khoảng 4,000 người, và họ tự xem họ là người Anangu. Những chứng cứ khảo cổ cho thấy người Anangu đã sống ở đây ít nhất là 10,000 năm (có tài liệu viết là 22,000 ngàn năm). Họ là chủ nhân của Uluru và Kata Tjuta và họ coi hai nơi nầy là nơi linh thiêng đối với bộ tộc của họ vì Tổ tiên họ được Đấng tạo dựng tạo ra và đặt sống ở đây và họ là những hậu duệ có nhiệm vụ bảo vệ các nơi nầy. Ở trong công viên có một Trung Tâm Văn Hóa để trưng bày, triển lãm, các phim chiếu về những thông tin, nguồn gốc địa chất và lịch sử bằng nhiều ngôn ngữ để du khách có thể tìm hiểu trước khi khám phá về thiên nhiên và văn hóa của người Anangu. Ngoài ra những hình vẽ, những nghệ thuật trên đá của Thổ dân Anangu vẫn còn hiện diện trong những hang động dưới chân của hòn Uluru. Sự trèo lên trên đỉnh Uluru không hoàn toàn bị cấm đoán, nhưng người Thổ dân chỉ yêu cầu nếu tôn trọng nơi linh thiêng cũng như tôn trọng sự mong muốn, văn hóa, luật lệ của họ thì đừng leo, họ không cấm nhưng họ cho là họ có nhiệm vụ bảo vệ những người khách của họ được an toàn tính mạng, vì trong thống kê có khoảng trên 40 du khách đã chết vì leo lên đỉnh của Uluru. Người muốn leo đòi hỏi phải có sức khỏe, không huyết áp cao hay thấp, bệnh tim, đường hô hấp, sợ độ cao. Đường leo sẽ đóng lại khi nhiệt độ thời tiết cao, gió hoặc trong những tháng hè (tháng 12, 1, 2 sau 8 giờ sáng).
Để đi thăm Uluru – Kata Tjuta được tốt, người địa phương chia ra 5 mùa trong năm: 3 tháng đầu (Tháng 1 đến tháng 3 có thể đến viếng nhưng có bão bất thường như chuẩn bị cho những tháng mát hơn (từ Tháng 4 đến tháng 5). Tháng 6 và Tháng 7 thường buổi sáng có nhiều sương muối (frost) khá lạnh. Mùa Xuân là tháng 8, tháng 9. Và từ Tháng 10 đến Tháng 12 là các tháng nóng nhất.
Những người du khách đầu tiên đến vùng Uluru vào năm 1936, rồi đến đầu năm 1940 người Âu định cư thường trực để lo cho người Thổ dân và giúp phát triển du lịch ở đây. Sự gia tăng về du lịch đã khiến phải thành lập đường bộ cho xe đầu tiên vào năm 1948 và xe buýt hoạt động năm 1950. Thực sự ra từ những năm 1930 Sid Stanes, người chăn nuôi ở trạm Erldunda đã vạch một con đường từ Erldunda (193km Nam Alice Springs) đến Uluru qua những đụn cát, nhưng vì gặp mưa nhiều, đường lún và dính nên không thể qua được, vì thế mà đến năm 1940 con đường đầu tiên mới được làm để nối liền Alice Springs với Uluru. Và do sự phát triển du lịch nên các cơ sở hạ tầng, phương tiện được dời ra khỏi khu vực hòn đá Uluru từ năm 1970 và năm 1975 được tái lập ở một khu vực riêng có diện tích 104km2 về phía Bắc, cách Uluru 15km gọi là Yulara (Tiếng Thổ dân có nghĩa là: “Khóc, chảy nước mắt” vì du khách sẽ ‘phải’ khi nhận được hóa đơn tính tiền vì đây là sa mạc, mọi thứ phải đem từ nơi khác đến, và tiền mướn nhân công cũng phải cao hơn nơi khác, mà du khách cũng không phải đều đặn trong năm nên giá cả thường mắc mỏ). Yulara trở thành thị trấn để phục vụ cho du lịch gồm những nơi trú, khách sạn, cửa hàng kể cả trạm xăng, cảnh sát, và những bãi cho các nhà lưu động cắm trại hoàn tất; điều nầy có nghĩa là bãi cắm trại ở gần Uluru chấm dứt vào năm 1983, và khách sạn có thể đậu xe chấm dứt vào 1984, đến năm 1992 “Yulara Resort” được đổi tên là “Ayers Rock Resort”. Dân số ở Yulara khoảng 3,000 người, đa số là người ở nơi khác đến kể cả người nước ngoài. Tổn phí hết 130 triệu Úc kim do công ty Philip Cox thiết kế và xây dựng.
Ở Uluru có phi trường Connellan Airport mang tên người xây dựng đường bay vào năm 1959 ở Bắc Uluru là Eddie Connellan, cùng năm với khách sạn có chỗ đậu xe đầu tiên khai trương ở đây. Nhưng viên phi công đầu tiên đáp xuống vùng Uluru lại là nhà báo Errol Coote vào năm 1930.
Từ khi Uluru – Kata Tjuta National Park được đưa vào danh sách “Bảo Tồn Thế Giới” (World Heritage) số du khách hàng năm dần tăng lên và đạt đến con số 400,000 vào năm 2000.
Đây là một bài tài liệu về “Những hòn đá đặc biệt”, và của một sắc dân trong những sắc dân vẫn hãy còn ít nhiều nếp sống bộ lạc ở trên đất Úc Đại Lợi mặc dù người da trắng Âu Châu đã định cư trên đất nước nầy khá lâu. Tôi hi vọng bài nầy giúp Quý vị hiểu được chút nào về một “Di Sản Thế Giới” về “Thiên nhiên” cũng như “Văn hóa” đã nằm trong sa mạc chẳng giống sa mạc trên đất nước của giống “Kangaroo” nầy!

Nguyên Thảo,
21/05/2015.



Friday, May 15, 2015

*Đi Vào Sự Tìm Hiểu Con Người 2.

*(Tiếp theo bài 1 post vào ngày 14/3/2015)


Trong bài 1, Đồ Ngông tôi đã nhân cơ hội kể về chuyện học Cách trí (năm giác quan) ngày xưa mà bàn cùng Quý vị về Tiền ngũ thức, Ý thức, Mạt-Na-Thức cùng A-Lại-Da-Thức coi như đó là những thành tố kết cấu lại để điều khiển thân xác con người (kể cả các loài vật) hành động và tạo tác qua mọi ước muốn, từ đó tạo thành một con người hay một xã hội phức tạp muôn chiều, mà chúng ta phải lặn hụp trong đó bằng những sung sướng thì ít mà đau khổ thì nhiều; và những sự kiện đó khiến xã hội hay thế giới có những biến chuyển thật là khó lường! Những “thành tố chính”, “chủ” ấy được gọi là “Tâm Vương” trong tiếng Hán Việt, để rồi từ các Tâm Vương này chúng biến chuyển (biến hóa) thành nhiều “món” khác phụ thuộc vào đó mà người ta gọi là “Tâm Sở”.
Ở đây, Đồ Ngông tôi chỉ muốn đề cập đến các vấn đề nầy như những sự kiện thông thường, dễ hiểu, dễ cảm nhận mà không đi đến bằng cái phức tạp, khó khăn của từ ngữ; và cũng như là một sự cung cấp các ý niệm đơn giản để sau nầy Quý vị có thích thì đi xa hơn bằng những suy nghĩ của chính Quý vị. Và đây cũng chỉ là khái quát để qua các đặc tính ác lẫn thiện đó mà Quý vị có thể nhận định hay giải thích được lý do, vì sao có những hành động mà con người đã thể hiện trong đời sống hàng ngày.
Qua những giác quan của cơ thể và Ý thức cũng như Mạt-na-thức, chúng ta tiếp xúc với ngoại cảnh để rồi từ đó ta có những nhận thức về ngoại cảnh ấy mà ta chọn. Điều đó nó được thể hiện bằng một quá trình căn bản bất biến trong mọi thời gian. Năm (5) phụ thuộc đầu tiên đó gọi theo tiếng chuyên môn ấy là “5 Tâm Sở Biến Hành” tức là khi được nhìn thấy, được nghe, ngửi, nếm được vị, sờ và ý thức được ngoại cảnh tức là Xúc (là đã được tiếp xúc), thì người ta mới có cái ý (Tác Ý), để rồi có nhận định lấy (Thọ) hay không, nếu mình không thích thì có thể từ bỏ hay đừa cho người khác, còn thích thì có thể để tâm (Tưởng: nhớ tưởng, hầu chiếm đoạt hay mua sắm hay bằng cách nào để có được), và “Tư” là lo nghĩ làm sao để có, hay đạt được và bằng cách nào. Nếu chúng ta chỉ cần suy nghĩ thêm một chút thì chúng ta sẽ thấy trong “5 tâm sở biến hành” đó đã ngầm giải thích rất nhiều hành động mà con người đã làm trong cõi đời nầy dưới nhiều hình thức và ở bất cứ thời đại nào.
Sau các khởi ý ấy, sẽ có những hành động tiếp theo mà có 5 điều đặc biệt hơn (5 Tâm Sở Biệt Cảnh) để làm cho người ta đạt đến những nhận thức cao cả, không bị lôi cuốn trong cuộc chơi của trần thế, ấy là “Dục”: Mong muốn, muốn có, muốn đạt được những điều, cái mình thích; bỏ hay đừa cho người khác cái điều không thích; nhưng người ta suy nghĩ để “hiểu được rõ ràng” những hành động mình sẽ làm (Thắng Giải) mà quyết định; và họ luôn chú tâm nhớ đến điều đó có nên hành động hay không (Niệm) đồng thời làm cho tâm trí luôn được ổn định để quyết định (Định); và khi đã quyết định thì sự quyết định cho hành động ấy rất là hợp lý, đúng đắn và sáng suốt (Huệ).
Trong cuộc sống con người có hai hướng chính của hành động, tạo tác và xã hội cũng phân biệt hai hướng đó tức là Thiện và Bất thiện (hay là Ác). Những hành động Thiện tức là những hành động không đem lại sự thiệt hại cho người khác về vật chất cũng như tinh thần hay tính mạng, trái lại nó còn giúp ích cho nhiều người; còn hành động bất thiện thì ngược lại, đôi khi làm hại người khác mà chỉ đem lại lợi ích cho chính mình, chúng được phân tích bằng 11 Tâm Sở Thiện: “Tín” là tin, mình tin vào người khác và những điều của người khác là chân thật (đối ngược lại là không tin, bất tín), ở đây chúng ta nói đến lòng tin chứ không nói đến những điều dối trá của nguời khác để làm chúng ta tin; lòng tin là điều làm cho người ta được thiện; sự củng cố và phát triển lòng tin khiến người ta càng thiện hơn, đó là sự “Tinh tấn”. Làm người mà không cảm thấy xấu hổ (Tàm) hay là mắc cỡ, thẹn thùng (Quí) khi làm phải một điều sai quấy thì người ta càng dễ tái phạm những điều không thiện hay ác khác hoặc là chai đá với dư luận, mọi người. Người không tham lam, mong muốn (Vô Tham) thì nhu cầu không cần đòi hỏi, cho nên không cần phải lừa đảo, dối gạt, lén lấy hay áp bức người khác để có, và cũng không cần phải giận hờn, sân hận đối với kẻ khác (Vô Sân) thì họ cũng chẳng phải bị u mê (Vô Si) mà sinh ra tội ác, làm những hành động bất thiện, cho nên họ luôn được khoan khoái, thơ thới (Khinh an). Những người có lòng thiện thì họ luôn nghĩ trước những hành động của họ sẽ có tác động gì đến người khác hay không, họ không để tâm mình buông lung mà thiếu suy nghĩ tức là “bất phóng dật” vậy. Họ làm mà không cần biết đến công lao, hay chấp trưóc mà chỉ nghĩ đến sự cống hiến (Hành xả) và cái tâm niệm không làm hại đến kẻ khác (Bất hại). Đó là tất cả những tâm tính của con người để hướng con người về con đường thiện lành và xã hội đã đánh giá đó là một con người thiện trong xã hội.
Và trong Duy Thức cũng phân tích những điều, tâm tính mà chúng khiến cho con người có nhiều lo nghĩ, phiền não, lo toan trong cuộc sống biến cuộc đời không được an lành. Đó là Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Ác Kiến (6 Tâm Sở Phiền Não). “Tham” là tính tham lam, muốn có và muốn có hơn nữa những gì mình ưa thích như tiền bạc, danh vọng, nhan sắc…Muốn mà không đạt được hay bị trở ngại thì “Sân hận”, nổi nóng có những hành động nông nổi khiến thân tâm mình không được yên ổn, và người khác phải lo sợ, lánh xa. Sân rồi sẽ đưa đến sự “Si mê” (giận quá mất khôn) sẽ làm cho mình mê muội, thiếu sáng suốt, không còn định được phải quấy và có thể có những hành động phạm tội hay trở thành ác. Rồi khi con người có được những tài năng hay thành công do có được bản lĩnh hơn người hoặc thế lực, lại sinh ra kiêu ngạo, khinh “Mạn” cũng đưa đến sự phiền não do từ những phản ứng từ bên ngoài hay người khác. Cái tâm lý “Nghi ngờ” cũng làm người ta có nhiều suy nghĩ, phán đoán không nguôi chiếm đi nhiều thời gian khiến con người không thể yên tâm, an lòng trong cuộc sống. Và nhất là những cái “Ác kiến” mà ta cố thủ, nghịch với cái điều của ta khiến ta cũng trở nên “phiền não” không kém: Cái của ta mới là đúng là hay (Thân kiến), hoặc định kiến về một bên nào đó (Biên kiến), giữ chắc điều biết dù đó là không đúng (Kiến thủ), hay theo “Tà kiến” (mê tín, dị đoan, chấp tà) hoặc tuân theo những giới tà, giới không đúng, điều không hay không thích hợp gọi là “Giới cấm thủ”.
Từ 6 cái phiền não chính yếu nầy được biến hiện theo từng giai đoạn hoặc để diễn tả những cái tâm tính đó mà môn Tâm lý học Phật giáo phân tích cho chúng ta thấy đặc điểm của chúng trong 3 phạm vi:
-Ở phạm vi nhỏ hẹp, nên gọi là “Tiểu” (Tiểu tùy). Có 10 Tiểu Tùy: Chúng thể hiện ở con người bằng sự giận dữ (Phẫn: Giận) khi không đạt được điều mình mong muốn hoặc đổ dồn lên người cản trở làm cho họ không thành công; hoặc dỗi hờn (Hận: Hờn), một cái tính ngấm ngầm khiến cho chính mình bị buồn phiền, đôi khi lại tìm cách hãm hại người khác để thỏa mãn sự hờn căm đó (Hại: Tổn hại). Muốn người khác không thấy, không nhìn ra điều giận dỗi, hờn căm ấy người ta thường che giấu bằng thái độ khác ở bên ngoài (Phú: Che giấu), hay bằng sự dối trá (Cuống: Dối trá); và nhẹ hơn thì mình lại buồn bã, buồn buồn (Não: Buồn buồn). Nhưng có 3 tính mà con người thường thể hiện rõ ràng trong nhiều lúc, đó là Tật (Tật đố, ganh ghét) đố kỵ với những người hơn mình; Siểm (Bợ đỡ, nịnh hót) đối với những người giàu có, quan quyền hơn mình. Để khi mình được hơn người thì trở nên kiêu căng (Kiêu: Kiêu căng) ngoài cái tính bỏn xẻn, ích kỷ không ban bố, chia sẻ vật chất cũng như tinh thần đối với người khác (Xan: Bỏn xẻn).
-Ở phạm vi rộng hơn một chút, tiếng chuyên môn hơn gọi là Trung Tùy: Có hai thứ, đó là Vô Tàm (không biết xấu hổ) và Vô Quí (không biết thẹn, mắc cỡ). Những người có hai tính nầy dễ gây những tội ác, điều không thiện vì họ có mắc cỡ, xấu hổ đâu để sợ mà không tái phạm, không dám làm.
-Và có 8 Đại Tùy tức là tám tính chất nó bao trùm trên mọi tính chất khác làm cho con người khó tránh khỏi phiền não và không phân biệt được để tránh những hành động bất thiện. Đó là tâm chao động không được yên tĩnh (Trạo cữ), bị u tối thiếu sáng suốt để nhận định (Hôn trầm), không tin tưởng vào các pháp lành hoặc người ta khuyên bảo (Bất tín), hoặc biếng nhác, không siêng năng tập tành, kiểm nghiệm lại những hành động, điều thiện (Phóng dật) để rồi bị rối loạn (Tán loạn), mất chánh niệm (Thất niệm) và không biết đâu là chánh, đâu là bất chánh và không kiểm soát được hành động của mình (Bất Chánh Tri).
Ngoài 5 Tâm Sở Biệt Cảnh, 5 Tâm Sở Biến Hành, 6 Tâm Sở Phiền Não, còn có 4 Bất Định Tâm Sở, gọi như vậy vì nó không hẳn là thuộc về Thiện hay Ác. Vì ăn năn (Hối), hối tiếc vì đã làm bậy thì nó là thiện, mà hối tiếc là sao không đánh người kia thì hối tiếc nầy là bất thiện. Hay “Miên” là ngủ thì nó cũng chẳng hẳn là thiện hay là bất thiện; “Tầm” (tìm cầu) cũng tùy theo sự kiện, mục đích mới phân biệt được thiện hoặc bất thiện. Và “Tứ” (Chính chắn xét) cũng là để cho tâm được yên ổn chứ nó chưa hẳn là thiện hay ác.
Với những từ ngữ chuyên môn làm cho chúng ta khá khó hiểu, nhưng nếu chúng ta tìm hiểu vào con người thì chúng ta có thể tương đối dễ hiểu hơn: Vì con người có thể xác, trên thân xác có 5 giác quan để chúng ta tiếp xúc với môi trường ngoại cảnh xung quanh, khi tiếp xúc (giai đoạn Xúc, Tác Ý, Thọ, Tưởng, Tư) thì chúng ta mới có những nhận thức tổng hợp qua ý thức để rồi từ đó chúng ta mới biết cái nào đẹp, cái nào xấu; cái nào mình thích, cái nào không thích. Từ cái biết tổng quát ấy, cái “Ta” Mạt-Na-Thức mới xuất hiện Ham, Muốn (Dục, Ái) để có ý thức giành lấy, chiếm đoạt cho được để làm của “Ta” và hành động mới xảy ra (tư tưởng thể hiện ra hành động). Đối với con người Thiện thì Dục, muốn nhưng người ta còn Thắng giải, Niệm, Định, Huệ trước khi hành động. Có hai con đường mà con người để hành động, một là Thiện với những tâm tính của một người thiện lành như Tín, Tinh Tấn, Tàm, Quí, Vô Tham, Vô Sân, Vô Si, Khinh An, Bất Phóng Dật, Hành Xả, Bất Hại. Và con đường Bất Thiện với nhiều phiền não cho mình và có hại cho người trong 6 phiền não chính Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Ác Kiến để từ 6 phiền não ấy nẩy ra các phiền não phụ khác tàn phá và giết hại thân xác con người của chính mình và khiến mình làm những điều bất thiện đối với người khác hay xã hội. Tham: Người ta ham muốn về tiền bạc, vật chất; người ta muốn danh vọng, địa vị; người ta ham mê sắc đẹp, dục vọng xác thịt; người ta cũng muốn chiếm đoạt.. những thứ mà họ thích. Họ có ít họ lại muốn có thêm nhiều (túi tham không đáy). Nếu những điều họ muốn mà bị cản trở không thành, họ trở nên giận dữ, hờn căm (Sân hận). Khi họ giận quá trở nên mất khôn, họ lâm vào “Si mê” thì họ có thể giết người, hãm hiếp, cướp giật, cướp của giết người, hay lường gạt bằng thủ đoạn, gian xảo, lừa dối tức là đi vào những điều mà Đức Phật phân tích là “Sát, Đạo, Dâm, Vọng” để gây tội ác, tạo nên nghiệp. Những nghiệp gây ra đó là những hạt “Nhân” mà con người đem bỏ vào trong túi chứa “A-Lại-Da-Thức”; đợi trong một kiếp, hay lúc nào đó hội đủ điều kiện sẽ nẩy mầm thành “Quả” mà người gây ra sẽ phải trả theo Luật Nhân Quả. Khi nào trong túi chứa A-Lại-Da-Thức không còn hạt nhân ác nữa thì khi đó con người sẽ thoát khỏi vòng Luân Hồi để được an nhiên tự tại nơi Niết Bàn vậy. Cho nên Đức Phật luôn nhắc đến 3 tính “Tham, Sân, Si” và xem chúng như là “ba món độc” khiến con người bị chìm đắm trong vòng Luân Hồi. Muốn đối trị được chúng thì chỉ có cắt đứt “Dục” và “Ái”, Vì không “Ham” và “Muốn” thì đâu có Tham, không tham thì lấy gì mà giận dữ, không giận dữ thì sao bị si mê mà lọt vào vòng sát, đạo, dâm, vọng để tạo nghiệp, không nghiệp thì chẳng có nhân, không gieo nhân thì nào có quả để mà phải Luân Hồi để trả nghiệp bao giờ.
Cái hiểu của Đồ Ngông tôi thì như thế, viết ra để Quý vị có thêm tài liệu, có vài ý kiến tham khảo và thử ngẫm nghĩ cuộc đời xem sao; để rồi nhìn lại những mắm, muối, tiêu hành nào đã làm cho cuộc đời này có nhiều đau khổ lại càng khổ đau./.

Đồ Ngông,
13/05/2015.

Wednesday, May 6, 2015

*Làm Một chuyến Đi! (tt)



III- Alice Springs và Palm Valley Safari:

5- Ngày thứ 5 (Thứ hai 20/4/2015):
Trước khi đến đây trong chuyến đi nầy, trước kia tôi cứ nghĩ Alice Springs giống như là một ốc đảo ở trong sa mạc, và sa mạc Simpson là đồng trống với nhiều cồn cát như tôi đã học về sa mạc trong sách vở ở thuở còn thơ. Nhưng trên thực tế nó đã là không như vậy, khí hậu ở đây trong những tháng nầy có khô khan nhưng nó vẫn có nhiều cây cối đủ làm cho thành phố có một sức sống phong phú với vào khoảng trên 28,000 cư dân, và được coi là thành phố đông dân thứ ba của lãnh thổ Bắc Úc. Nó nằm trên đường Stuart Highway, gần như giữa đường từ Adelaide lên Darwin (cách Adelaide 1,549 km về phía Nam và cách Darwin về phía Bắc 1,485 km). Alice Springs có những dòng nước (spings) được ghép với tên bà Alice (có tên đầy đủ: Alice Gillam Bell) là tên người vợ của Sir Charles Todd, người đã xây dựng đường dây điện tín viễn liên từ Adelaide đến Darwin để nối với Singapore và Anh Quốc, do đó tên Alice Springs được ra đời.
Chúng tôi từ Kings Canyon về đến thị trấn nầy vào 7.10 phút tối nên không nhìn được ngoại cảnh như thế nào, và xe buýt chạy vòng qua các khách sạn để đổ khách mà chúng tôi là trạm cuối cùng. Và chúng tôi về đến phòng vào lúc 7.45 để lo ổn định và nghỉ ngơi.
Chúng tôi thức dậy và ăn sáng sớm để chuẩn bị cho chuyến đi hôm nay: Đi Palm Valley bằng xe 4 Wheel Drive gọi là Safari. Ông tài xế cũng là hướng dẫn viên đến sớm hơn dự trù 10 phút, tức vào lúc 7.20. Xe chở 5 chúng tôi và chạy đến vài khách sạn khác rước thêm 4 người nữa trong đó có một đôi trai gái người xứ Columbia của Nam Mỹ. Trước khi đi chuyến du lịch nầy chúng tôi đã dự tính sẽ dành một ít thời gian để nhờ xe Taxi đưa vòng quanh thị trấn Alice Springs để biết thị trấn nầy như thế nào, nhưng hôm nay xe đưa chúng tôi vòng quanh rước khách cùng chạy giống như quanh thị trấn rồi, do vậy chúng tôi thấy dự định đó không cần thiết nữa.
Xe đưa chúng tôi rời thị trấn và tiến về phía Tây, tài xế ghé vào một chỗ có nhà vệ sinh đồng thời cũng để chúng tôi xem bản đồ thông tin và chỉ cho chúng tôi biết con đường sẽ đi và nơi nào sẽ đến. Từ đây đi về hướng tây nam theo đường Larapinta Drive khoảng chừng 138 km sẽ đến vùng Hermannssburg và xe sẽ rẽ trái đi 21 km đường khó khăn mà chỉ có xe 4 wheel drive vượt không thôi. Thế hôm nay chiếc 4 wheel drive nầy với 20 chỗ ngồi sẽ đưa chúng tôi 9 người đến vùng Palm Valley. Trên đường đến Hermanssburg chúng tôi qua nhiều cống hoặc những nơi trũng mà vào mùa mưa nước sẽ tràn về phía nam tức là phía trái của con đường. Tất cả những dòng nước đều chảy về cùng một hướng. Tôi thấy phía dưới cùng kia là dãy núi chạy song song, như vậy các dòng nước sẽ hợp lại đổ về nơi nào đó ở dưới. Khi đến ngã rẽ để vào Palm Valley chúng tôi mới thấy đoạn đường nầy không có tráng nhựa, đi một khoảng thì đường khá dằn, gập ghềnh. Đi chừng vài cây số đến vùng trũng có nhiều cát, chứng tỏ nơi đây là dòng nước lớn, tập hợp những dòng nước kia lại để đổ vào khe núi phía trước. Vùng nầy khá rộng bề ngang cũng rộng có thể cũng được cả trăm thước, có nơi hơn, nhưng hai bên là núi có màu đỏ và có nét như cùng địa chất với các núi ở King Canyons. Xe vượt qua bằng con đường mòn qua vùng cát bồi, cũng như những nơi gồm toàn là sỏi đá. Dấu vết của nước lũ được chứng minh bằng rác, lá cây hoặc những cây cối bị vướng vào các bụi lùm, hay ở những gốc cây to, khi mực nước cao là thời gian mà con đường nầy sẽ ngưng trệ không thể đi qua. Xe qua tấm bảng đề chữ cho biết là Finke Gorge, chúng tôi vào địa giới của Finke Gorge National Park.
Xe leo lên vùng đất cao cũng mang màu đỏ và rời lòng sông Finke để đi đoạn đường cam go mà chỉ có xe 4 wheel mới chạy nỗi. Đến hơn 9 giờ, xe đến nơi nghỉ ngơi và có nhà vệ sinh để chúng tôi vệ sinh cá nhân và uống cà phê, ăn nhẹ ở đây. Sau đó xe đi tiếp qua những khúc đường gay go, khúc khuỷu hơn, lên xuống không chừng của địa hình vùng núi. Tài xế dừng xe lại nơi vòng cua cho chúng tôi xuống và dẫn chúng tôi xuống khúc quanh của con sông (hay suối) vào mùa nước. Ở đây có một bên là vách núi cao sừng sững, với nhiều bụi cây mọc trên đó. Có những bụi hơi giống với thiên tuế gọi là Cycad rất hiếm.
Finke Gorge National Park là một vườn quốc gia thuộc vùng lãnh thổ Bắc Úc được thành lập từ năm 1967 trên một diện tích là 458 km2 nằm trong dãy núi Krichauff chạy theo hướng đông tây ở vùng tây nam của Alice Springs. Nơi đây là vùng khô hạn, cằn cỗi, lượng mưa trung bình hàng năm là 200 mm. Ở đây mới có bụi cây Cycad; và loại Red Cabbage Palm (có khoảng 3000 cây lớn) được xem là loại cây còn lại từ thời tiền sử chúng chỉ có ở đây và ở vùng Mt Isa của Queenland cách xa nhau cả 850 km. Loại palm nầy cùng họ với dừa, cau nhưng cuống lá có màu nâu đỏ và có gai cho nên ở Ốc đảo có nhiều cây palm nầy mới gọi là Palm Valley.
Ở Finke Gorge National Park nầy là nơi mà sông Finke được coi một trong những vùng hứng mọi lưu lượng nước từ vùng lân cận cổ nhất (khoảng 350 triệu năm). Và nơi nầy cũng là nơi quan trọng của nền văn hóa người Thổ dân miền Tây (Western Arrente Aboriginal people); cùng là nơi mà người Âu định cư rất sớm.
Xe đưa chúng tôi đến nơi bãi đậu xe của thung lũng hay là nơi mà ốc đảo có nhiều cây palm nhất. Tôi chọn cách leo lên núi (gọi là Mpaara Walk) cùng với ông tài xế, và bốn người kia, còn anh ba Quang, chị Điểu, em vợ cùng vợ tôi thì ở dưới chụp hình. Đường lên không cao lắm, chỉ lên cao chưa tới hai mươi thước thì địa hình tương đối bằng phẳng. Lên đó để nhìn ra xa hơn ở phía trên chứ nó cũng chỉ có những lớp đá cát (sa thạch, sandstone) màu đỏ chồng chất lên nhau, những cây mọc lưa thưa vì thiếu nước, màu lá thiếu xanh tươi. Có những bụi cây mọc giữa đá mà ta không thấy đất. Những bụi cỏ lá gai nhọn spinifex mọc dần ra ngoài nhưng ở giữa thì khô chết rất ngộ. Tôi cố quay những đặc điểm của vùng trên cao nầy để đem về thỉnh thoảng xem qua mà nhớ lại. Đường đi không khó lắm có những bậc đá quá cách biệt người ta làm những bậc thang bằng gỗ hay kim loại để người đi bộ được dễ dàng. Có ba lần thang như vậy. Cuối cùng xuống đến thềm của đường nước, tất nhiên dù bằng phẳng hơn nhưng cũng toàn là đá. Bên đường đi vách núi cheo leo, màu đỏ trơ trụi những lớp đá chồng lên nhau có khi rất to. Những nơi nào không có tầng đá dưới đáy khiến những tầng trên quá nặng, gãy đổ xuống phía dưới từng khối, từng khối lớn. Lại còn có những tảng lơ lửng đợi chờ ngày rơi xuống xem thật là hồi hộp. Trên đoạn đường nầy hướng dẫn viên mới chỉ cho một cây palm con với những tào lá (bẹ) màu đỏ cho chúng tôi coi. Chúng tôi được thời gian ngắn nữa để chụp hình hay nghỉ ngơi trước khi lên xe đi trở ra, vì đây là đoạn cuối của con đường.
Trên đường trở ra, tôi mới để ý đến độ cao của con đường, chứ lúc đi trên những vùng trũng của đường nước, tôi nghĩ nước sẽ từ ngoài trở vô; nhưng bây giờ tôi thấy phía trong có địa hình cao hơn ở đường trở ra, như vậy nước từ trong phía ốc đảo chảy ra dòng sông Finke tức là hướng chúng tôi đã đi vào. Lúc xe lên độ cao chúng tôi không có cảm tưởng, nhưng bây giờ trở ra và có vài xe đi vào, vì kẹt xe tôi mới thấy rõ các độ cao ở nơi tránh xe với nhau. Xe lên dốc tương đối dễ hơn còn khi xuống khó nên tài xế rất cẩn thận từng đoạn đường một. Nhưng rồi chúng tôi cũng đến chỗ uống cà phê lúc sáng để mọi người sửa soạn ăn trưa và vệ sinh cá nhân. Xe chạy lúc 1giờ 30, mười lăm phút sau đến chỗ vọng đài (lookout) và hướng dẫn viên cho nửa giờ để lên xem và chụp hình. Vọng đài nầy có tên là Kalaranga lookout, lên cũng dễ. Lên trên chúng ta có thể quan sát được toàn bộ khu vực xung quanh. Lúc đầu tôi tưởng lên đứng trên mặt bằng được xếp đá bao quanh để nhìn ra ngoài, nhưng không phải. Đó là tảng đá nhỏ nằm trên tảng đá lớn ở dưới chỉ có vài nơi để chịu, đa số là hổng lên. Nhìn ra xung quanh ta thấy những núi đá đỏ sừng sững, vách hơi thẳng, cách nhau bằng những thung lũng có cây mọc như những rừng thưa mà ta thường thấy trong những phim cao bồi của Hollywood. Có những tầng đá chồng chất lên nhau thành núi nhỏ chơ vơ trơ trọi, cái nầy nối tiếp cái kia. Quang cảnh thật đẹp! Tôi xuống theo mọi người và về xe. Xe trở lại Finke Gorge lúc 2 giờ 40, tài xế cho chúng tôi biết nước từ trong Palm Valley chảy ra hợp với những dòng nước khác chảy về phía núi dưới kia, theo hướng chỉ của ông.
Trở ra đến đường lớn tức đường Larapinta Drive, đến ngã tư xe rẽ trái vào khu Hermannsburg của người thổ dân để xem khu di tích lịch sử ở nơi nầy. Cái tên thấy có vẻ Đức, mà quả thật là do hai giáo sĩ Lutheran người Đức từ Bethany ở Barossa Valley (Nam Úc) đến đây để làm nhiệm vụ truyền giáo thường xuyên đặt nơi nầy theo tên cái thị trấn mà họ được truyền dạy ở Đức, vào năm 1877. Sau hai năm họ mở trường học và 1881 có 7 trẻ trai và 1 gái rửa tội. Năm 1891 họ tạo được tự điển tiếng Aranda ngôn ngữ của thổ dân ở đây (ngày nay là Arrentre). Đến năm 1891 các nhà truyền giáo bỏ đi cả 3 năm. Đến năm 1894, Pastor Carl Strehlow phụ trách nhiệm vụ truyền giáo. Ông ta và con rất thành công trong nhiệm vụ. Ông được sự trợ giúp của người xây dựng là Dave Hart và những dân địa phương phụ giúp xây được một trường học, nhà thờ, văn phòng truyền giáo. Strehlow mất năm 1922. Và những xây dựng đó ngày nay được bảo tồn như những di vật lịch sử ở đây, cùng với những tranh màu nước theo kiểu Tây phương của họa sĩ Thổ dân, người con nổi tiếng của Hermannsburg, là Albert Namatjira.
Chúng tôi đi vòng nhìn qua nhà thờ (chỉ là di tích), các phòng trưng bày tranh của Albert Namatjira và những máy móc cũ ngày xưa và cùng chiếc xe xưa hư được để ngoài nhà kho ở phía sau nhà thờ. Đặc biệt ở sau nhà thờ có một căn nhà nhỏ là nơi để xác chết khi có người chết thuở xưa.
Đến 4.15 chúng tôi ra xe trở về Alice Springs vào lúc 6 giờ chiều.

6- Ngày thứ 6 (Thứ ba 21/4/2015):
Hôm nay chúng tôi ăn sáng hơi trễ vì chúng tôi sẽ trả phòng vào lúc 10 giờ và sẽ lấy chuyến bay vào lúc 1.20, nhưng chúng tôi được công ty vận chuyển chở ra phi trường vào lúc 12 giờ. Thế là chúng tôi từ giả Alice Springs thực thụ là khoảng 1.30 trên chuyến bay QF 722 của hảng Qantas Airways để trở về Adelaide sau những ngày đi thăm miền đất đỏ (Red Centre) của Trung tâm nước Úc nơi đó có hòn đá Uluru như là một di tích cũng là nơi có vài huyền thoại của người Úc đen.

Nguyên Thảo,
03/05/2015.

Monday, May 4, 2015

*Làm Một Chuyến Đi! (tt)




II- Kings Canyon:

Xe buýt rời chỗ trọ vào lúc 1.20 giờ trưa. Xe trở ra bằng đường Lasseter Highway. Trên xe có 5 người chúng tôi, hai chị em người Canada, hai vợ chồng người ở Sydney, và vài người nữa tất cả có trên mười người trên một chiếc xe buýt lớn chứa khoảng 50. Dọc đường đi, tài xế kiêm hướng dẫn viên nói sơ qua về Uluru – Kata Tjuta Park khi còn trong phạm vi của cái park nầy. Khi ra ngoài thì thỉnh thoảng giải thích thêm những nơi sắp đến mà khách cần biết. Xe dừng ở Curtin Springs để ai cần ăn uống thì ăn uống hoặc đi vệ sinh. Sau đó thì lên xe, lúc nầy chúng tôi mới để ý đến ngọn núi xa xa, hình dáng hơi giống với hòn đá Uluru nhưng nó dài gần gấp đôi và trên mặt bằng hơn nhiều, giống như mặt bàn. Tài xế lại cho xe ngừng vào bên lề, tôi không thấy có nhà cửa hay quán sá nào cả kể cả nhà vệ sinh, thì ra tài xế ngừng xe để cho chúng tôi ngắm, chụp hình ngọn núi ấy. Đây là cái “Vọng đài” (Lookout). Ngọn núi kia gọi là Atila hay còn gọi là Mt Conner. Theo thông tin từ tài xế cho biết nó cùng một hướng với Uluru và Kata Tjuta; và chiều cao của nó không chênh lệch với Uluru là bao nhiêu cho nên người ta cho rằng từ hàng trăm triệu năm trước nó cũng nằm trong dãy thủy tra thạch từ dưới biển trồi lên cùng với Uluru và Kata Tjuta.
Qua khỏi nơi nầy không bao xa tài xế còn chỉ khu vực của một vùng gọi là Salt Plain, tôi cố quay phim vùng nầy nhưng vì cây cối dọc đường và lúc nầy là mùa khô ở đây cho nên nó không có nước; và tôi nhớ lại lúc đi máy bay từ phi trường Alice Springs đến đây tôi đã nhìn thấy khu vực của một cái hồ rất lớn nhưng nước không có nhiều, không lẽ lại là cái Salt Plain mà tài xế đã đề cập đến ở đây.
Đến một ngã ba xe dừng lại, tôi cứ nghĩ là tài xế cho chúng tôi nghỉ ngơi; nhưng không, tài xế đợi những chuyến xe khác đến để trao đổi hành khách. Một số người đi Về Alice Springs sang xe, và chỉ còn lại chỉ 9 người đồng hành để đến Kings Canyon. Chúng tôi lại đi trên con đường mang tên Luritja Road. ÔiI vùng đất đỏ nầy bao la nên người ta thường dựng lên giống như cái cổng và đề bảng “Red Centre Way” để như vừa quảng cáo vừa cho du khách biết đây là vùng đất đỏ. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao người Thổ dân Úc (mà chúng tôi thường gọi là Úc đen) lấy lá cờ nửa đen nửa đỏ, có mặt trời vàng ở chính giữa. Xe tiếp tục đi, hai bên đường còn dấu tích của những vụ cháy rừng, nơi thì lâu hơn, nơi thì mới đây không lâu; cho nên cây cối chỗ thì còn nguyên, chỗ thì nẫy chồi đã lâu, chỗ thì còn lưa thưa. Địa hình thì có những đồi cát trải dài xen kẽ với vùng đất bằng. Nói là sa mạc nhưng nó không có vẻ thật sự của một sa mạc mà là những vùng rừng thưa, điều ấy những người từ nước ngoài cũng có nhận xét như vậy (theo tài xế kiêm hướng dẫn viên kể lại). Dọc theo đường có loại cây rất ngộ, khi còn nhỏ nó là một thân thẳng, những lá nhỏ theo thân mới thấy giống như cây chổi, rồi khi lớn lên nó có vài nhánh mới thấy là không phải, khi nó thật sự là một cây với những lá nhỏ nhọn, những cây như thế đó chắc tuổi của nó cũng có thể là vài chục hay hàng trăm năm. Nhìn những khu đầy cây đó tôi cứ tưởng tượng là những khu vườn đầy thơ mộng. Nhưng đâu đâu cũng là đất đỏ, nó mịn giống như cát bột, nhưng tôi lại không có đổ nước thử xem coi nó có kết dính hay không, vì nó có vẻ là từ bùn đỏ mà ra.
Xe chạy đến Kings Creek Station để mọi người xuống có thể ăn uống, đi vệ sinh hay nhìn lạc đà, ngựa con vì nơi đây cũng là nơi điều hành về du lịch: Cưỡi lạc đà, ghi tên đi trực thăng để tham quan Kings Canyon hoặc những tour khác. Rồi chúng tôi tiếp tục đi về đến Kings Canyon resort và nhận phòng vào lúc khoảng 6 giờ chiều.
Chiều nay chúng tôi không có bửa ăn mà phải tự túc, lúc đầu tính mở mì gói nấu ăn. Nhưng cả đám cứ tính đi tìm thú vị của một bửa tối BBQ ở đây xem sao. Trên đường thả về chỗ ăn, dọc đường tôi thấy ánh nắng hãy còn chiếu trên dãy núi, tôi cố chạy để ghi hình, nhưng không có nhiều thời gian, chỉ quay được chút ít mà thôi.
Trong phòng ăn có nhiều dãy bàn dài, khách ngồi hai bên. Thức ăn ở nơi đây hay nói chung là ở những khu vực nầy mắc hơn ở những khu du lịch khác vì thức ăn ở đây phải lấy từ những nơi xa cho nên chi phí dọc đường cũng phải tốn nhiều. Một cái Hamburger giá là 22 đô, một miếng thịt bò 200gr là 28 đô, 300gr là 32 đô, một chai bia Crown Lager là 10 đô rưởi. Nhưng nhờ có salad nên bửa ăn cũng được coi là no đủ. Trong đêm đó có một nhạc sĩ đồng quê ngồi hát cho chúng tôi nghe những bản nhạc đồng quê. Tôi chỉ nghe âm điệu mà chẳng hiểu được lời, nhưng dù sao cũng là một điều thích thú mà mình thu lượm được trong một chuyến đi. Chúng tôi về phòng lúc 8 giờ đêm.
Vì chiều trước chúng tôi, 9 người, đồng lòng đi tour dễ thôi tức là đi theo đường nước của thung lũng (Kings Creek walk) chỉ trong vòng một giờ chứ không ai đi theo tour Canyon Rim Walk phải mất đến 3-4 giờ, cho nên Hướng dẫn viên cho chúng tôi được ngủ dậy trễ hơn. Xe chở đến Kings Canyon, chúng tôi được dẫn vào thung lũng của Canyon qua đường nước vào mùa mưa. Cây cối tương đối xanh tươi, đường nước đầy đá, đá khối, đá lớn, đá nhỏ đủ đầy khắp nơi. Hai bên vách núi đá thẳng cao. Đá thuộc loại thủy tra thạch cho nên có từng lớp, từng lớp xếp chồng lên nhau, nơi thì bị gãy đỗ, nơi thì tạo thành hốc sâu, nơi thì chơ vơ tạo nên một cảnh quang đẹp mắt lại thêm màu đỏ núi làm phông cho những cây xanh nên chụp hình thật là bắt mắt, vì thế chúng tôi lại thích chụp hình, riêng tôi thì lại thích quay phim. Đến lúc nầy tôi mới thấy người Tây du lịch có vẻ khác với ta: Họ không chụp hay quay phim nhiều mà họ lại thích đặt câu hỏi với Hướng dẫn viên để tìm hiểu thêm những điều mà hướng dẫn viên không nói. Mà cũng đúng thật vì tiếng Anh của mình quá giỏi nên cái hiểu cái không, hiểu lờ mờ chớp choáng, ba mang thì lấy đâu mà hỏi, thôi thì cứ ngó, cứ quay!
Trở lại xe lúc 10.15 giờ. Xe đưa chúng tôi về đến resort lúc 10.45 giờ. Đến 11 giờ chúng tôi trả phòng ở phòng Tiếp tân và xe đưa chúng tôi lên đường đi về Alice Springs. Qua khu vực Khathleen Spings chúng tôi còn được dự tour “Kathleen Springs Walk”, đi xuống ngọn suối Kathleen, đoạn đường nầy khoảng 2.6 km kể cả đi về mất khoảng 1.30 giờ. Đây cũng là một phần của dãy George Gill (George Gill Range) nên địa tầng cũng vẫn là Thủy tra thạch, cũng lại là màu đỏ mà thôi. Khu nầy có trận cháy từ hai năm trước cho nên sự hoang tàn còn rõ nét với những bụi cây hay là một vài cái nhà hoặc là chỗ trú ẩn cho súc vật được xây dựng ở đây. Dòng suối vào mùa nầy không có nước, chỉ có nước ở vùng nước đổ xuống mà thôi!
Chúng tôi trở lên xe, đến Kings Creek Station lúc 12.50 và nghỉ ăn trưa ở đây lần nữa. Đến 1.40 xe tiếp tục trở ra trên con đường Luritja Road. Đến ngã ba “Red Centre Way” vào 2.45 và nghỉ để đợi những xe khác đến để chuyển khách. Trên xe tôi có một cô bé người Nhật sang xe để đến Uluru và vài người khách khác sang xe để cùng chúng tôi tiến về Alice Springs.
Xe chuyển bánh vào 3.15 giờ theo đường Lasseter Highway và đến Erldunda lúc 4.30 giờ, xe tắp vào nơi đây để mọi người mua thức ăn, đồ kỷ niệm, vật dụng và vệ sinh cá nhân. Erldunda nầy là giao điểm của ngã ba đường: Lasseter Highway về Uluru và đường lớn Stuart Highway là đường chạy suốt từ Nam lên Bắc của nước Úc: Một hướng là về Alice Springs, Darwin và hướng ngược lại về Adelaide. Nghỉ 20 phút, rồi chúng tôi lại lên đường. Trên đoạn đường nầy, tài xế kiêm Hướng dẫn viên mới chiếu cho chúng tôi vài phim tài liệu để từ đó tôi mới hiểu được rằng con đường Stuart Highway nầy mang tên người đàn ông đã mở đường xuyên nội địa từ Nam (Adelaide) lên Bắc (Darwin) và giúp cho đường dây viễn thông Adelaide-Darwin của Sir Charles Todd được thành hình đó là John McDouall Stuart. Chúng tôi qua Stuart Well và về đến Alice Springs vào lúc 7.10 giờ chiều tối, nhận phòng ở khách sạn có Casino Lasseter Hotel.

Nguyên Thảo,
03/05/2015.


Saturday, May 2, 2015

*Làm Một Chuyến Đi!



Trong một lúc bất chợt, ý tưởng đi lên miền đất đỏ (Red Centre) của vùng trung tâm nước Úc lại đến, chúng tôi gồm 5 người: Anh em anh Ba Quang, chị Điểu và vợ chồng tôi cùng cô em vợ là cô Hi đã nhờ đến công ty du lịch sắp xếp dùm một chuyến đi để đến vùng Alice Spings và Uluru.
Chúng tôi lấy chuyến bay QF 723 của hảng Qantas vào lúc 10.40 sáng để đi đến Alice Springs. Trời hôm ấy tương tốt, không có nhiều mây lắm. Với đoạn đường dài 1375 km, máy bay đến nơi cũng mất khoảng 1 giờ 55 phút với vận tốc bay thường là 759 km/giờ trên độ cao chừng 11,000 thước. Đường bay qua vùng Walleroo và Whyllala và máy bay đáp xuống phi đạo vào lúc 12.38 trưa. Bước ra máy bay chúng tôi cảm thấy hơi nóng vì đang từ cái lạnh ở Adelaide chỉ trong thời gian ngắn đã ở trong cái nóng khí hậu của vùng sa mạc, mãi trong giữa đất liền. Phi trường Alice Springs là phi trường nhỏ, nội địa có hai khu phòng đợi: Một bên là của hảng Virgin Australia với cổng 1,2,3,4,5 và của hảng Qantas là 6,7,8,9. Và giờ giấc ở nơi đây cùng với giờ của Adelaide trong thời điểm nầy (Adelaide vừa đổi giờ từ hôm đầu tháng 4).

I-Uluru/Ayers Rock:
Vì tour của chúng tôi bắt đầu từ Ayers Rock, một cái tên khác của núi đá Uluru, nên chúng tôi phải đợi lấy chuyến bay đi về Uluru. Máy bay rời phi đạo lúc 2.04; đến phi trường Connellan Airport ở Uluru vào 2.41 giờ. Xe buýt đưa chúng tôi cùng những hành khách khác đến từ nhiều nơi, đa số là ngoại quốc, về những khách sạn mà họ đã đặt trước. Chúng tôi nhận phòng lúc 4 giờ chiều của resort Outback Pioneer.

1-Sounds of Silence:
Sau thời gian ngắn nghỉ ngơi, chúng tôi tập trung ở phòng tiếp tân để đón xe buýt đến vào lúc 6 giờ tham dự vào chuyến đi đầu tiên mà người ta gọi là tour “Sounds of silence” trong tối nay. Hai xe buýt chở đầy người đi đến một đỉnh của đụn cát được ban bằng làm một “platform”. Mọi người quây quần ở đây khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống, trong khung cảnh ấy có một đoàn đi tour cưỡi lạc đà đến ở khoảng đất trống ở bên kia, còn một người đang ngồi thổi cái ống gỗ (didgeridoo) của người Úc đen (thổ dân) để tạo nên những âm thanh rền (điều khiển âm thành bằng những ngón tay của bàn tay trái vuốt trên ống gỗ gần miệng thổi), vang vọng đặc biệt của nhạc khí dân dã nầy. Mặc dù không là người thổ dân nhưng ông nầy cũng thể hiện được nét độc đáo của nhạc cụ trong màn đêm đang buông xuống trên vùng sa mạc đất đỏ mênh mông. Người khách nào cũng có một ly rượu nho dù đỏ hay trắng để vừa ăn nhẹ đồng thời thưởng thức khung cảnh hoàng hôn trong sa mạc và nhìn Uluru màu tim tím đỏ ở xa xa, khiến tôi nhớ đến hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Bính: “Tim tím rừng chiều, tim tím núi – Tim tím chiều hôm, tim tím mai”. Văng vẳng có tiếng dế kêu. Và xa hơn nữa là bóng dáng thẫm màu của những hòn núi tròn Kata Tjuta. Nói là vùng sa mạc, khi chưa đến đây, tôi cứ tưởng là đất trống trải khô cằn, nhưng sa mạc nầy cũng có những đụn cát chạy dài, từng đụn từng đụn cách hơi xa và chạy song song nhau chứ không phải những đụn cát hình lưỡi liềm như tôi đã học khi còn ở bậc Trung học. Nó cũng không toàn là cát mênh mông mà sa mạc nầy cũng có cây cối lưa thưa, cỏ mọc nhiều mặc dù có nhiều khô cằn như nhiều vùng khô cằn của đất Úc Đại Lợi nầy, hoặc lượng mưa nơi đây rất là ít và đặc biệt là đất cát thật mịn màu đỏ trải dài bao la, chắc vì thế mà người ta đặt tên là “Red”. Vì quá khô nên dễ cháy vào những lúc nắng hạn, cho nên tôi thường thấy dấu vết của những nơi cháy rừng dù là cũ hay mới đây. Khi mặt trời lặn hẳn, chúng tôi cùng mọi người được dẫn về những bàn bên khu đất trống gần đó để ăn buổi ăn tối ngoài trời bên ánh đèn. Buổi ăn theo kiểu nhà hàng Tây, khá ngon miệng cùng được nhìn vài điệu múa của người Úc đen nơi nầy (nhưng người biểu diễn vẫn không là người Thổ dân). Vừa ăn vừa được nhìn Uluru dần dần chìm vào đêm. Khi màn đêm hoàn toàn buông xuống, người ta tắt đèn để đi vào một mục khác; nhưng rất tiếc mục ấy không được hoàn thành vì bầu trời nhiều mây nên chẳng thấy được ngôi sao nào, vì mục ấy là người ta muốn mọi người thưởng thức: Ngắm và nhận định những vì sao hay thiên hà. Nhưng sao đã đi ngủ cả rồi! Thế là chúng tôi đành thưởng thức màn bánh ngọt, trái cây rồi lủi thủi ra xe về nơi nghỉ dưỡng. Trên đường về tôi nghĩ khơi khơi và tưởng tượng như được cưỡi lạc đà, đi trong sa mạc về đêm, rồi người và lạc đà nằm ở giữa lòng sa mạc để nghe dế kêu, những âm vang của vùng sa mạc im lìm cùng ngắm những vì sao trên trời. Một cảnh kỳ thú vô cùng, chắc vì vậy mà người dân sa mạc không thể bỏ vùng sa mạc mà đi nơi khác. Và có thể đó cũng là lý do của tour “Sounds of silence” nầy chăng? Chúng tôi về đến phòng lúc 9 giờ 30 tối.

2- Vào ngày 2 (thứ sáu 17/4/2015):
Chúng tôi được một buổi sáng để nghỉ ngơi, nên thức dậy hơi trễ và chỉ lo việc đi ăn sáng. Những thức ăn ở Bough House khá ngon để chào đón mấy vị khách lạ phương xa. Ăn xong, chúng tôi lại lẩn quẩn quanh khu vực kiếm cảnh chụp hình kỷ niệm. Riêng tôi thì tôi lại thích quay phim, ghi hình để một mai về nhà, ngồi buồn xem lại cho nó có vẻ nên thơ một tí. Rồi tôi thả mình lang thang lên đồi cát mịn màu đỏ với những cây họ khuynh diệp lá khô héo như gần chết và những bụi cỏ có gai cứng như những cây kim (spinifex) và nhiều cỏ bông (woollybutt) lá trở thành màu bạc vì thiếu nước. Chừng một giờ đồng hồ sau chúng tôi trở về phòng nghỉ ngơi để 2 giờ 30 dự vào tour “Uluru Sunset & BBQ Dinner”.
Xe buýt đến lúc 2.30 giờ rước chúng tôi rồi chạy vòng qua các khu nghỉ dưỡng khác (các khu nghỉ dưỡng và khách sạn được thiết trí theo một vòng tròn có tên đường là Yulara Drive nối với đường chính từ ngoài vào là Lasseter Highway, có các nơi trọ như sau: Desert Gardens Hotel, Emu Walk Apartments, Sails in the Desert, Outback Pioneer Hotel & Lodge) để rước người, sau đó chạy vào National Park (mỗi người trả 25 đô cho vé vào cửa có giá trị trong 3 ngày liên tục). Xe chạy thẳng qua những ngọn núi trọc Kata Kjuta. Đến nơi vệ sinh và chỗ để mọi người muốn chụp hình thì chụp lúc 3 giờ. Ở đó khoảng 20 phút lại lên đường đi đến gần chân núi để ai muốn đi lên núi thì đi. Nói là núi chứ tôi cũng không biết gọi thế nào cho đúng (kể cả hòn đá Uluru) vì nó chỉ cao khoảng 348m mà trong tiếng Anh cũng không gọi là núi mà chỉ là “Rock”. Ở đây có bảng nhắc nhở là nơi linh thiêng đừng leo lên núi. Giờ quy ước lên xe là 5 giờ. Tôi chỉ lẹt đẹt đi theo sau đoàn và chỉ chú trọng vào việc ngắm nghía cũng như quay những hình ảnh cận cảnh của cấu tạo đá để tìm hiểu và coi chơi và thỉnh thoảng chụp dùm anh ba Quang vài tấm hình để anh làm lưu niệm.
Mọi người lên xe hết và xe chạy lúc 5.10 giờ, chạy trở lại nơi vệ sinh cho mọi người đi vệ sinh lần nữa, còn ai muốn chụp hình thì chụp nhanh để xe tiếp tục đi về địa điểm nhìn hòn Uluru khi mặt trời lặn.
Xe chạy về đường cũ, lần nầy tôi có dịp nhìn kỹ hơn những nơi bị cháy trước kia. Những khu mới cháy thì còn những cây cháy đen, có nhiều bụi cây hồi sinh với những lá xanh ở giữa bụi đen thui, và phía dưới là đất đỏ trơ ra.
Xe vào bến đỗ người xuống cùng với nhiều tốp khác, mỗi tốp có bàn để những thức ăn nhẹ, và mỗi người được một ly rượu nho. Ăn bánh quẹt phó mát (cheese), hoặc khoai chiên (chips) với sốt cà, uống rượu nho mà mắt cứ nhìn về hòn Uluru. Hoàng hôn buông từ từ xuống, tôi chỉ thấy cái màu tim tím của núi như ngày hôm qua; vì không may, hôm nay bầu trời lại cũng có đầy mây. Ảnh hưởng mùa thu đó mà! Rồi chợt từ chân núi lại sáng ửng đỏ lên, tôi tưởng ngọn núi trở màu; nhưng không, đó chẳng qua là mây nép qua một bên để ánh nắng mặt trời dọi lên núi đá chỉ có phân nửa thôi, cho nên núi lại một nửa ửng đỏ một nửa màu hơi tim tím. Thế là, kết quả cũng là không may, tại vì Ông Trời chơi xấu, đem mây che hết cả rồi! Nhưng tôi đã nhốt được hòn Uluru vào trong ly rượu của tôi bằng cách đưa máy quay phim quay phía sau ly rượu trong đó có trọn hình ảnh hòn đá Uluru hiện lên, thấy hình ảnh ấy cũng hay hay! Ông Tây đứng kế bên thấy vậy, ông cũng nhốt Uluru vào ly rượu trong tấm hình mới chụp, rồi cả hai chúng tôi cùng cười với nhau.
Sau khi mặt trời lặn độ nửa giờ, đoàn chia làm hai nhóm. Nhóm lên xe về, còn chúng tôi đã theo nhóm thứ hai vì có đăng ký buổi ăn thịt nướng (BBQ) tối nay. Xe chở đến gần Uluru, nơi có những dãy nhà, mọi người xuống xe và được dẫn đến những dãy bàn đã dọn sẵn để bắt đầu cho buổi ăn tối. Tôi cố quây lấy hình Uluru vào lúc nầy, nhưng không đủ sáng nên đành thôi, vả lại pin cũng sắp hết đến nơi rồi. Khi ăn gần xong thì bầu trời lại được trong sáng hơn vì các vì sao đã đuổi tụi mây đi mất rồi. Nương vào đó, hướng dẫn viên bèn kéo mọi người ra sân phía trước, ngồi trên ghế mà ngó lên bầu trời. Đèn được tắt hết, người hướng dẫn rọi đèn pin lên từng nơi mà cô ta rọi đèn: này là sao Neptune, đây là sao Venus, đám mờ mờ đó không phải là mây mà là một Galaxy, còn đây là dãi Ngân Hà, … cô ta nói nhiều lắm mà tôi chỉ biết sơ sơ thôi! Vì lẽ, tiếng Anh của tôi thật ư là “quá giỏi”! Dù hiểu không nhiều, nhưng chúng tôi cũng được một buổi tối thích thú như thế này cùng với những người Tây tứ xứ gặp nhau đây.
Xe lên đường trở về lúc 8 giờ 30 và về đến khu nghỉ lúc 9.10 giờ đêm.

3- Ngày thứ 3 (Thứ bảy 18/4/2015):
Sáng nay chúng tôi phải dậy sớm từ lúc 4.30 giờ vì hôm nay chúng tôi dự vào tour “Uluru Sunrise”. Ra đến văn phòng vào lúc 5.20 và khi xe buýt đến làm thủ tục, phát thẻ, rồi đến những khu khác để đón thêm người. Xong, xe chạy ra địa điểm vào lúc 6.30 giờ. Mọi người tiến về khu vực trên đụn cát cao (vọng đài, lookout) đợi chờ mặt trời lên để ngắm hòn Uluru vào lúc mặt trời lên. Nhưng chúng tôi cũng không được may mắn vì nhiều mây che khuất cả ánh nắng bình minh của mặt trời đang lên. Chỉ được một chút nắng để gọi là an ủi thôi. Điều đó cũng dễ hiểu vì trời tháng nầy là xứ Úc đang vào Thu, mặc dù vùng nầy xa với miền nam, nhưng nó vẫn có chút ảnh hưởng nên bầu trời cũng có nhiều mây bất thường. Tuy nhiên, mọi người cũng đua nhau chụp hình cùng quay phim. Nếu chúng tôi đến đây vào mùa Xuân hay Hè thì chúng tôi sẽ tận hưởng được những đặc điểm của Uluru mà người ta đã từng nói cũng như quảng bá về Uluru.
Đến 7.15 giờ, chúng tôi trở về xe và tài xế lái xe chạy quanh theo đá Uluru để đỗ từng nhóm người: Nhóm đi bộ vòng quanh chân núi, nhóm gặp thổ dân để tìm hiểu về văn hóa của người Anangu (chủ nhân của vùng nầy và được xem đã định cư từ ít nhất là 10,000 năm nay). Còn nhóm chúng tôi là nhóm thẻ màu tím, cho nên vẫn ngồi trên xe để tài xế cũng là hướng dẫn viên chạy quanh Uluru và giảng giải về địa chất, thời đại và nhiều điều khác nữa, nhưng tôi nghe thì nhiều mà chẳng hiểu được bao nhiêu, cho nên tôi cứ giơ máy lên quay cho đã, để mai nầy về nhà ôn lại coi có hiểu được chút nào chăng!
Xe về resort, chúng tôi ăn sáng và sửa soạn để hôm nay trả phòng và đi nơi khác. Làm thủ tục trả phòng lúc 9.30. Chúng tôi tha thẩn đi mua vài món đồ lưu niệm và chụp thêm ít hình ở những nơi mà mình thích thú và đợi chờ xe đến để đi sang Kings Canyon.

(Còn tiếp)

Nguyên Thảo,
03/05/2015.