Thursday, November 19, 2015

*Quê Người! (4)




Trưa nay, người ta không cho uống nước trắng nữa mặc dù số lượng chỉ còn nửa chun, màu nước đỏ như màu sắt sét. Tôi uống vô quả thật là mùi sắt sét. Thì ra nước đem theo để uống đã hết, người ta lại lấy nước trong phuy dằn trên đầu tàu ra mà thay thế. Hôm trước có lẽ do nơi tàu bị vô nước, nên trong đám chủ sợ mà đổ bớt nước đi để lấy mấy “can” không hòng an toàn cho tính mạng của họ. Cơm thì cũng một vắt nhỏ thôi nhưng được nấu với nước biển nên mặn chát. Tôi nghĩ chắc đến lúc thử thách tính mạng của mình đây. Nhìn lên bầu trời lúc đó có vần vũ mây đen ở xa xa, chúng tôi cứ mong được một đám mưa ngay nơi tàu mình để đáp ứng nhu cầu nước được phần nào. Mơ thì mơ vậy, nhưng mây nào đã mưa ở đây, chỉ là ở nơi xa kia thôi.
Tàu cứ lẳng lặng đi tới. Không biết những người trên tàu nghĩ gì, chứ riêng tôi thì có nhiều lo âu mặc dù từ lúc ra đi tôi đã nghĩ đến những điều không may. Có lúc tôi lại nghĩ số mình chẳng có số đi, nhưng mình đi theo một linh cảm hay ý nghĩa gì đó mà mình không thể biết được. Chết thì ai cũng chỉ chết có một lần! Rồi tôi buông xuôi theo số phận như người bình dân thường hay nghĩ. Mặt trời dần xuống, thỉnh thoảng vài con cá bay vút lên khỏi mặt nước rồi lại chúi xuống một cách gọn gàng. Tôi lại nghĩ về vợ con và ba má đang ở nhà!
Bụng tôi nghe có chiều khó chịu, nó muốn ói hay làm sao ấy. Chắc cái nước sét đó khiến cho tôi phải buồn nôn. Nó ợ ra tôi nghe mùi hôi của sét, tôi ráng hít một hơi dài thật đầy phổi rồi nín hơi như để dằn cơn khó chịu xuống. Mặt trời lặn dần ở phía trước, những vệt đỏ kéo dài ra đến khi tắt hẳn. Nửa đêm tôi nghe khô cổ mà trước đó nhiều ngày tôi chưa hề có triệu chứng ấy, chắc tại uống nước sét và ăn cơm nấu nước biển đây! Ngồi trên boong quay ra biển, tôi cố gắng ráng tiểu ra ngoài, nhưng tay hứng để uống xem sao. Khi tiểu ra đã hôi mùi sắt sét khi uống vào lại khó chịu hơn nữa. Nhưng tôi phải cố gắng thử xem cơ thể mình sẽ chịu đựng được thế nào vì tình hình đã báo động đến nơi rồi! Tôi cố gắng sử dụng công dụng nước bọt của mình, càng kéo dài càng tốt. Rồi tôi lại lấy dầu song thập xức vào bụng để mong giảm cơn đau ngầm như những lúc đau bụng tôi thường làm. Đêm hơi lạnh, và một phần do quần áo còn ướt do bọt sóng văng lên nên tôi lại nhảy xuống hầm mà ngủ đứng ở cái góc mà tôi thường ngủ như một vài đêm trước.
Trời hừng đông trên biển, một ngày mới lại đến. Mọi người bây giờ trở nên mệt mỏi, nằm im lìm không nghe ồn ào, nói chuyện như lúc ban đầu. Thức nằm đó chứ biết dậy để làm gì. Tôi mặc dù đã thức từ lâu, nhưng cũng không rời khỏi chỗ tựa ngủ, mắt hãy nhắm lại giống như ngủ nướng thêm cho đã cơn mệt mỏi. Sáng hơn chút nữa chúng tôi lại trồi lên trên boong ngồi nhìn mặt trời chiếu nắng dài trên biển. Tôi lại nhớ ngày xưa đi du ngoạn Vũng Tàu, sáng cố cùng nhau dậy sớm theo xe ra bờ biển để nhìn cảnh mặt trời lên. Đến bây giờ đi trên biển mỗi ngày nhìn mặt trời mọc và lặn hai lần thì cũng chán. Nhưng ở trên biển lại chẳng biết làm gì, thôi thì cứ nhìn cho đỡ buồn. Rồi lại tụ họp nhau nói chuyện tào lao cho qua ngày buổi. Tôi thích thằng bé vì tuy nó nhỏ nhưng nó có những nhận xét khá tinh tế, đồng thời nó cũng biết nhiều chuyện giống như nó là người thân của đám chủ tàu hay là người tổ chức. Nó thường tới lui ở phía sau thì ra nó có anh và chị dâu cùng hai đứa con nhỏ cùng đi trong chuyến nầy. Quê nó ở Tây Ninh, bây giờ lâu quá rồi nên tôi không còn nhớ tên nó nữa nên cứ gọi là thằng bé, chứ nó cũng là 17, 18 tuổi rồi còn gì! Tôi, anh Bảy Minh, Lộc, thằng bé cứ ngồi tán gẫu hết chuyện nầy đến chuyện khác, khi nào trời nắng gắt thì họ đi vào phía sau, còn tôi thì chun xuống hầm mà nghe mùi hôi thối.Trời đã dần qua xế chiều, tàu cứ tiến từ từ về phía tây. Nửa bầu trời phía tây trở nên mù mù, chúng tôi không nhìn thấy rõ ở phía xa nữa. Có bóng dáng hai hòn đảo, mọi người mừng lên. Khi gần hơn thì thấy một chiếc tàu nhỏ, mọi người trở nên lo âu và tất cả chúng tôi trên boong tàu đều trở về chỗ cũ, tôi và thằng bé xuống hầm tàu. Anh bảy Minh, Lộc đi vào phía sau. Không biết tàu nào đây, của Mã Lai hay của cướp biển Thái Lan? Mọi người tĩnh hẳn lên chỉ mong là không phải tàu cướp của hải tặc Thái Lan. Hai tàu gần kề, họ nói cái gì đó mà người trên tàu bên nây cần người biết nói tiếng Anh giỏi. Một vài người đứng ra để nói chuyện thì biết tàu đó không phải là cướp biển nên mọi người bớt lo. Tàu cần nước họ cho nước đá để chia nhau từng miếng để ngậm cho đỡ cơn khát. Thấy sự thân thiện và không nguy hiểm, nhiều người dành nhau tiếp xúc vì họ khá tiếng Anh, đồng thời được sự ưu đãi nào đó. Bù lại phía tàu bên kia họ xin ít vàng, lại một sự quyên góp của chủ tàu để góp cho họ. Họ kéo tàu chúng tôi vào hai hòn đảo kế bên nhau và nằm đó để chờ!
Tàu chúng tôi nằm chơ vơ giữa hai ba tàu của họ, chúng tôi cứ mãi lo âu, không biết họ là ai? Là nhân viên của chính phủ, người dân hay là hải tặc? Tại sao họ neo chúng tôi lâu dữ vậy? Thỉnh thoảng những tàu khác lại nổ máy gầm gừ. Chúng tôi thí mạng, ra sao thì ra? Chứ bây giờ mình có muốn gì đi nữa thì cũng chẳng làm được gì, chỉ tùy thuộc họ thôi. Màn đêm đã xuống lâu lắm rồi, chúng tôi đợi cũng sốt ruột và trong tình trạng nửa lo âu.
Chắc 10 giờ hơn tàu họ nổ máy và kéo tàu chúng tôi đi về phía nam, tôi chỉ đoán thế thôi! Trong bụng tôi nghe khó chịu thế nào ấy. Tôi nói với thằng bé tôi mắc đi cầu. Thằng bé nói phía sau tàu có một cái cầu bắt dang ra ngoài đuôi tàu. Tôi nghe lời nó. Khi đi ngang qua cửa buồng lái tôi thấy ông bận đồ đen, đội nón nỉ sụp xuống ngồi nhìn ra ngoài lẳng lặng như đã nghe thằng bé kể trong mấy ngày trước. Tôi đi mãi ra phía sau, quả thực có một cái cầu. Tôi đau bụng quá mà không đi cầu được. Chắc mấy ngày qua đâu có ăn gì, hay là tại uống nước rỉ sét của thùng phuy ngày hôm qua. Ngồi ở đó nhìn ánh trăng trải dài trên những đợt sóng mà tàu lướt qua tạo thành. Ồ! Phía trong kia tôi lại thấy những cây đèn đường dọc theo con đường kể cả đèn những xe chạy trên con đường đó nữa. Không lẽ chúng tôi lại đến gần bờ vậy sao? Tại sao chúng tôi đã không thấy gì cả lúc ban chiều. Có thể tàu kia kéo tàu chúng tôi về phía nam thực rồi. Tự nhiên tôi lại nghĩ đến một ly trà đá với cái mát mát, thơm thơm và lành lạnh khi ngồi uống với bạn bè. Tôi trở về ngồi kế bên thằng bé. Không biết đi được bao lâu thì tàu kia đưa vào một khu rộng mà bên kia bờ có những bóng đèn soi đường của một xóm nào đó. Cuối cùng những ông Mã nầy cho tàu dừng lại và cho tàu chúng tôi dừng ở đây. Họ xin bản đồ và hải bàn rồi họ bảo ở đây đợi trời sáng, sau đó họ từ giả mà đi. Họ còn dặn đừng nói họ dẫn tới đây! Có anh bạn xem đồng hồ cho biết là đã 3 giờ đêm!
Thế là sau 6 ngày 6 đêm tôi và mọi người cùng chiếc tàu cây nhỏ bé lênh đênh trên biển và đến được chỗ nầy, đánh dấu cho chặng đường “sống trên xứ người” bắt đầu từ ngày 19/07/1983.

(Còn tiếp)

Nguyên Thảo,
19/11/2015.

Thursday, November 12, 2015

*Mỹ Du. (3)



*Virginia.

Vào khoảng 9 giờ tối vì Minh bận, nên đưa hai người bạn cùng hai chiếc xe nhỏ hơn đến để đưa chúng tôi với hành lý ra phi trường. Theo lịch trình bay của hãng Virgin American thì giờ bay của chúng tôi là 11 giờ 50. Với hành lý gởi kiện chúng tôi phải đóng 25 đô cho một va-li. Theo dự trù chuyến bay VX 114 sẽ khởi hành vào lúc 11 giờ 50 và đến phi trường Washington Dulles vào lúc 7 giờ 45 sáng. Chúng tôi xuống phi trường đúng theo giờ dự trù và giờ ở Virginia cách giờ Cali 2 giờ, như vậy chúng tôi đã trải qua khoảng 5 giờ trên máy bay.
Cúc (cháu của mợ Chín) đến đón chúng tôi ở phi trường. Mướn thêm một chiếc taxi nữa mới chở hết người và hành lý về nhà Cúc và Tú Anh (chị Cúc). Nội hành lý không thôi mà muốn đầy nửa không gian garage rồi. Khi ổn định chỗ nghỉ ngơi xong thì được Tú Anh đãi cho một bữa điểm tâm gọi là bồi bổ sức khỏe để vài giờ sau được dịp mấy cô nàng đưa đi “Shop outlets” của Tiểu bang Virginia. Tội nghiệp cho chị Cúc vì không đủ xe nên phải chở hai chuyến từ nhà đến trung tâm ở Leesburg. Chuyến đi nầy thì tôi được “ké” cùng gia đình cậu mợ Chín nó.
Đây là lần thứ nhì tôi mới biết đến “outlets” (lần thứ nhứt là ở outlets Hồng Kông). Nhưng lần ở Hồng Kông thì chúng tôi không vào trong các cửa hàng, mà chỉ đi vòng vòng coi chơi và đi tìm thức ăn. Nhưng lần nầy thì tôi cũng lang thang vào trong các tiệm để coi cho biết cùng mua những gì mình thấy được để mua thôi. Thì ra outlets là nơi những cửa hàng mà hàng của nó có giá trị, chất lượng, được coi là tốt được bán trực tiếp từ hãng ra. Hàng hiệu nầy được những giới sang trọng trong xã hội tìm và sử dụng như khẳng định giai cấp, thành phần xã hội của mình; cho nên nhiều trưởng giả học làm sang cũng mê đi tìm hàng hiệu. Hôm nay tôi được dịp đi tìm hàng hiệu, chắc cũng sắp học làm sang rồi đây! Có lẽ tôi đến đây vào ngày giữa tuần cũng như buổi chiều nên khách vãng lai mua sắm không nhiều chăng. Đi mãi vào các tiệm thế mà tôi chỉ chọn cho mình được mỗi một cái áo nhẹ tiền, nếu ai cũng như tôi cả thì các tiệm nầy sẽ bán cho ai; sớm muộn gì thì tiệm cũng phải dẹp thôi. Nhưng đời không phải vậy! Ít ra tôi học nơi đây được nhiều điều hay cũng như được mở rộng tầm mắt thêm ra. Chiều thì Tú Anh lại chạy xe ra rước chúng tôi về. Thôi thì cứ quấy rối các cô nàng vài ngày, chỉ có ba ngày thôi mà. Hôm nay là ngày thứ nhứt rồi, còn hai ngày nữa. Sang ngày sau, Cúc sẽ đưa chúng tôi sang tận bên Washington để xem thủ đô của nước Mỹ coi thế nào?
Sáng sớm, Vân bạn Cúc đến, thì ra đây là bạn đồng hành cùng chúng tôi. Cúc lo tươm tất thật, cô nàng nầy sợ đoàn đi đông mà tiếng Anh thì “giỏi quá” cho nên rủi thất lạc thì “vô cùng tai hại” cho nên Cúc là người dẫn đầu, Vân là người đi sau cuối. Xong, chúng tôi tháp tùng cùng 3 xe. Xe của Huấn (chồng Cúc), Vân và Cúc chạy đến Car park. Đậu xe ở đó, rồi Cúc, Vân dẫn đoàn đón Metrorail để đi về Washington D.C. Đây là lần thứ hai tôi “được” đi Metrorail. Lần thứ nhất vào năm 2001, khi ba tôi cùng hai vợ chồng tôi sau khi ra khỏi đất Mỹ thì sang Áo với gia đình Cô Út của tôi ở Bregenz. Từ đó chúng tôi lại sang Paris, ngày trước anh Ba Hòa dẫn tôi đến và lên đỉnh Tháp Eiffel, và ngày sau chị Ba đưa đi Viện Bão Tàng Louvre, quận 13 nơi có đông người Việt buôn bán thì chúng tôi cũng đi Metrorail.
Chúng tôi mua vé cả ngày và đón xe điện về Washington. Tuyến xe của chúng tôi phải chuyển sang chuyến khác mới về ga Trung ương gọi là Union Station Metro. Khi chuyển sang chuyến Metro khác, một điều làm tôi hú hồn và người ta cũng sợ cho tôi, nhưng chiếc Metro chỉ “giỡn” thôi vì khi tôi bước vào thì nó khép cánh cửa lại, nó kẹp phân nửa chiếc giày chân sau của tôi trong tư thế tôi đang bước, làm tôi không thể rút chân ra mà cũng không thể lấy chiếc giày được và cửa cũng chẳng đóng được luôn. Tuấn, vợ tôi và tôi cố đẩy cửa trở ra nhưng cũng không được, nhưng trong chốc lát cửa bỗng nhích ra tôi mới lấy cái chân và vào hẳn trong toa. Xe điện chạy để sót lại 4 người cho chuyến sau.
Ra khỏi xe điện ngầm lên một thang máy cao, chúng tôi trên đường ra cửa gặp ngay mấy quầy bán vé xe buýt đi tour, Cúc dẫn đoàn đến mua vé ở Big Bus B, rồi đón xe đi vòng quanh thành phố.
Đầu tiên là đón chuyến chạy qua Điện Capital (Tòa nhà Quốc Hội) để xem cách kiến trúc nguy nga tiêu biểu của thủ đô Hoa Kỳ cùng những công viên chung quanh. Điện nầy được Tổng Thống George Washington đặt viên đá đầu tiên vào ngày 18/9/1793 và xây theo bản thiết kế của nhà thiết kế tài tử Dr. William Thornton, người thắng cuộc trong cuộc thi gồm 17 người tranh giải, và hoàn tất vào năm 1827. Giữa những năm từ 1851 đến 1862 điện Capitol được mở rộng và cái vòm mới được thêm vào; và mặt tiền phía đông được thêm ra vào năm 1958.
Điện Capitol được khoảng 68 acres (27 hecta) công viên bao quanh, các công viên nầy được thiết kế do Frederick Law Olmsted với những cây quý, vòi nước phun cùng nhiều tượng nhất là nhóm tượng biểu hiện cho Sự Tự Do (the Statue of Freedom). Sau đó thì xe buýt chạy về Đài tưởng niệm Washington mà người ta thường hay gọi là “cây bút chì” vì hình dáng giống như cây bút chì, chúng tôi xuống ở đây để chụp hình kỷ niệm với “cây bút chì” đó. Cây bút chì nầy được xây dựng khoảng giữa những năm 1848 đến 1884 bằng đá cẩm thạch trắng cao 169 m, mỗi năm có hàng triệu người đến viếng qua. Nó cũng là cột mốc lâu nhất của nước Mỹ mang tính cách lịch sử cùng hình dáng lạ. Phía trên cao của nó là nơi để du khách có thể quan sát cả khung cảnh của Thành phố Thủ đô. Xung quanh có 50 trụ cờ treo cờ Hoa Kỳ tượng trưng cho mỗi tiểu bang trong Liên bang.
Chụp hình xong lại trèo lên xe buýt để đi sang chỗ khác. Nhưng lại đi lộn đường, xe chạy đến đền tưởng niệm Tổng Thống Abraham Lincoln, chúng tôi chỉ chụp hình bên ngoài từ hai phía, chụp lấy đền và chụp qua hồ nước, lấy góc cạnh về Washington Monument cùng điện Capitol ở xa xa mà không đi vào phía trong. Theo tài liệu thì bên trong có tượng Tổng Thống Abraham Lincoln ngồi, bằng đá cẩm thạch cao 19 foot (5m8) do nhân dân Ý tặng nhân dân Mỹ, phía dưới có khắc dòng chữ “IN THIS TEMPLE AS IN THE HEARTS OF THE PEOPLE FOR WHOM WHO SAVED THE UNION THE MEMORY OF ABRAHAM LINCOLN IS ENSHRINED FOREVER.”
Xong, chúng tôi lại đi bộ theo con đường bên hồ hình chữ nhật phía trước đền có tên là Abraham Lincoln reflecting pool để đến hồ nuớc tưởng niệm WW II hình bầu dục xung quanh có các trụ mang tên các tiểu bang với hai cửa vòm, chính giữa có vài phun nước được khánh thành vào ngày 29/4/2004. Rồi chúng tôi lại đi trở về chỗ cũ lúc chụp hình “cây bút chì” nghỉ chân, đi vệ sinh trong chốc lát, rồi chúng tôi đi bộ đến trụ sở in tiền của Hoa Kỳ (Bureau of Engraving and Printing) ở trên đường 14th. Rất tiếc là mọi tour đi xem in tiền đã hết chỗ, thế là chúng tôi chỉ được vào xem tổng quát ở bên ngoài và mua đồ lưu niệm thôi.
Sau đó, chúng tôi đón xe buýt Big Bus B đi tiếp vì vé có giá trị cả ngày. Xe đưa chúng tôi cùng du khách đi một vòng qua các địa điểm Thomas Jefferson Memorial, băng qua cầu qua sông Potomac đến vòng ngoài của Ngũ Giác Đài (hay Lầu Năm Góc), rồi nghĩa trang Arlington, đến khu Georgetown nơi định cư đầu tiên của người da trắng vào thế kỷ 17 mà bây giờ Georgetown là một phần của Washington D.C. Khi xe về đến gần Chinatown chúng tôi xuống và đi bộ đến đó xem qua và kiếm chỗ để ăn vì cũng quá trưa rồi (gần khoảng 2 giờ trưa).
Rời nhà hàng, chúng tôi thả lần đi về White House nơi mà Tổng Thống Mỹ làm việc. Mặt tiền phía bắc
quay mặt ra Lafayette Square là hướng mà chúng tôi đến. Còn mặt phía nam thì quay mặt với The Ellipse. White House được vẽ và xây cất do kiến trúc sư người gốc Ái Nhĩ Lan là James Hoban, bắt đầu xây từ 13/10/1792 và hoàn tất vào 1/11/1800, và là nơi ở của Tổng Thống Mỹ từ năm 1800 bắt đầu John Adams, và Thomas Jefferson 1801. Vì nghe rằng khách du lịch có thể vào viếng được trong White House, nhất là trong White House rất rộng có đến 6 tầng và diện tích tầng dưới rộng đến 5100m2, với 132 phòng, 35 nhà tắm, 412 cánh cửa cái, 147 cửa sổ, 28 lò sưởi, 8 cầu thang, 3 thang máy… nên chúng tôi cố gắng xin phép vào để tham quan, nhưng bất thành. Nhưng nếu xin phép có được thì ngày ấy cũng chẳng được vào vì trong Nhà Trắng lúc đó Tổng Thống Obama đang đón tiếp ông Tập Cận Bình. Còn bên ngoài thì người dân Tây Tạng, nhóm Pháp Luân Công có luôn người Việt hải ngoại đang biểu tình phản đối, chống Trung Quốc lẫn Tập Cận Bình. Chúng tôi chỉ ngoài vòng rào chụp hình và đứng nhìn cả Tòa Bạch Ốc lẫn người biểu tình. Còn tôi thì cố gắng quay phim cái dịp may hiếm có nầy!
Trời cũng đã về chiều, chúng tôi kéo nhau ra trạm xe buýt để đón xe về ga chính mà đón xe điện ngầm để về nhà. Lần nầy đoàn chúng tôi đã có kinh nghiệm ở tôi mà cố gắng vào nhanh và gọn, không để cánh cửa xe điện kẹp chân một lần nữa. Về đến chỗ đậu xe cũng tối, nên Cúc và Huấn đưa chúng tôi tới luôn tiệm phở của người Việt ở một khu thương mại ăn rồi mới về nhà để tắm rửa và nghỉ ngơi. Cúc đem phim đám cưới của Ngọc Trâm (tên của Cúc) và Huấn ở tại quê nhà ra chiếu lại cho cậu mợ Chín và chúng tôi coi “ké” cùng. Đến khuya mới ngủ. Thế là xong một ngày nữa!
Sáng hôm sau, Tú Anh dậy sớm chuẩn bị cho mọi người món bún măng. Trong khi đó thì có điện thoại đến: Thì ra Thu Mỹ (tên Thu lai Mỹ) cùng hai đứa con gái lái xe từ bang Pennsylvania gần New York sang để thăm chúng tôi. Sau khi ăn uống xong, chúng tôi lên xe của Thu, Cúc, Huấn để đi khu thương mại của người Việt ở trên đường Wilson Boulevard thuộc Falls Church của Tiểu bang Virginia. Chúng tôi vừa đi tham quan cho biết sự tình, đồng thời mua chút ít đồ. Từ đây Thu Mỹ cùng hai đứa con gái từ giã chúng tôi để lái xe trở về Pennsylvania. Và chúng tôi về đến nhà Cúc, Tú Anh vào khoảng 2 giờ sửa soạn đồ đạc để ra xe taxi, cùng xe Cúc, Huấn đưa ra phi trường và đón chuyến bay đi Las Vegas. Chuyến bay của United sẽ cất cánh vào lúc 5 giờ 25. Chúng tôi lại giã từ Cúc, Huấn và Tú Anh với tấm lòng đầy sự tri ân!

(Còn tiếp)

Nguyên Thảo,
12/11/2015.

Wednesday, November 11, 2015

*H.T Chữ Nghĩa 24: Đi Vào Kinh Điển.



Một điều tôi có thể nói chắc chắn rằng: Trong quá trình tìm hiểu vào Đạo Phật, tôi đã chịu ảnh hưởng từ cuồn băng giảng “Tương quan giữa sống và chết” của Hòa thượng Thích Tâm Thanh ở Đại Ninh (Lâm Đồng) rất nhiều. Băng giảng nầy không những tạo cho tôi sự thích thú về nhận thức; đồng thời nó đã đánh vào sự tò mò muốn khám phá từ hình thức, lẫn quá trình một buổi lễ trong chùa mà lại còn đưa tôi vào cái mong muốn thâm nhập vào kinh điển mãnh liệt hơn.
Khi tôi nhận được bộ “Phật Học Phổ Thông” của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa từ Thượng Tọa Thích Thiện Duyên biếu tặng, tôi đã dành nhiều thời gian đọc ráo riết để nhằm trang bị cho mình một số vốn nào đó hầu thâm nhập vào kinh tạng dễ dàng hơn.
Trong khoảng thời gian đọc bộ sách ấy thì một hôm tôi có dịp vào Chùa Pháp Hoa lại thấy trên bàn có để một xấp giấy nhỏ in “Kinh Người Biết Sống Một Mình” do Thiền Sư Thích Nhất Hạnh dịch để lại biếu phật tử nhân chuyến công du của Thiền Sư sang Úc và đi ngang qua chùa. Từ bản kinh ấy được phối hợp với những kinh nghiệm, kiến thức trong cuộc đời, tôi cố gắng hoàn tất bài thứ 8: “Đừng Mơ Tưởng... (Hay: Kinh Người Biết Sống Một Mình) vào ngày 10/09/2001.
Sau đó, những điều tôi đã đọc được qua bộ “Phật Học Phổ Thông” dần tích tụ và đến lúc tôi cần viết một điều quan trọng về “Đạo” để bày tỏ cái quan điểm của mình về tôn giáo mà tôi đã thấy thiên lệch từ lâu. Vốn từ ngày xưa khi còn đi học ở Trung học, tôi và bạn bè được một giáo sĩ rao giảng đã cố thuyết phục tin vào Đấng Tối Cao mà họ cho là niềm tin của họ, trong lời rao giảng đó họ có lời lẽ không tốt về đạo Phật lẫn dân gian, anh bạn tôi đã cãi lại với họ và bảo họ chứng minh cho thấy về Đấng Tối Cao ấy và cho biết bằng một câu “Tôi chưa tin tôi nữa thì lại tin ai”? Thế rồi tôi lại đi vào năm đầu Đại học gặp Thầy dạy Triết Tây lúc ấy là Linh Mục Lê Tôn Nghiêm ông dạy về Thuyết Đồng Qui của Teilhard De Chardin và ông phê phán về các tôn giáo ở Đông Phương chỉ là những triết thuyết chứ không là tôn giáo. Lúc ấy, tôi thấy những người theo đạo của phương Tây chỉ có một mục đích là muốn rao giảng kiếm thêm tín đồ, họ không từ bỏ nói xa nói gần hoặc không tốt để người đạo khác từ bỏ đạo cũ mà theo đạo mới theo mục đích truyền đạo của họ. Họ cho chỉ có đạo họ mới là tôn giáo. Nhưng qua thời gian tôi thấy tôn giáo ấy chỉ là biến thể từ những câu chuyện thần thoại dân gian của nhiều nơi được kết hợp lại trở thành tôn giáo mà thôi, và mục đích những người lập ra tôn giáo chỉ là kích động tinh thần dân tộc để đánh, tiêu diệt 6 dân tộc khác ở vùng mà họ muốn chiếm làm của riêng như là "đất được ban cho". Rồi từ đó những đại đế khác nương vào đó để phát triển đế quốc mà họ không che đậy bằng “Đế quốc Tâm linh” hay “Thần thánh”. Chính vì vậy mới có sự áp bức, phân biệt với dân tộc hèn hạ khác, do đó mà đã nẩy sinh một tôn giáo đối kháng khác tinh vi hơn: Chiến đấu bằng vũ lực, phát triển tôn giáo bằng đánh chiếm, tấn công, ép buộc người khác “hoặc chết hoặc theo đạo”; và tín đồ “tử vì đạo” được lên Thiên Đàng với bao nhiêu là sung sướng về vật chất lẫn tinh thần được Đấng Tối Cao ban cho.
Những cuộc chiến tranh từ tôn giáo đã phát khởi và cũng là những cuộc chiến tranh tàn khốc nhất, chứng tỏ niềm tin không hề đơn giản và được lợi dụng tối đa để thực hiện một âm mưu nào đó tùy theo mục đích của người giáo chủ. Tín đồ chỉ là những nhánh củi để đưa vào lò thành chất đốt. Cho nên tôi cho ra đời bài số 9: “Một Cái Nhìn... (Hay: Đạo Phật Là Một Tôn Giáo)” nhằm chứng minh Đạo Phật cũng có tính chất tôn giáo theo nhận thức khoa học, thực tiễn chứ không phải hẳn là một triết thuyết hay là một tôn giáo theo kiểu thần quyền, tin tưởng vào đâu đâu. Sau nầy tôi gởi bài ấy đến đăng trên Trang Nhà Đạo Phật Ngày Nay của Thầy Thích Nhật Từ thì nhận được lời phê phán của Le Quoc Trinh như sau:


“Le Quoc Trinh 14/04/2010 09:11:52
Kính gửi Đại Đức Thích Nhật Từ,
Trang Nhà Đạo Phật Ngày Nay,

Hôm nay nhờ lời giới thiệu của TuanVietNam tôi đã vào Trang Nhà ĐaoPhaTNgayNay đọc được một số bài viết của Thầy về chủ đề "Đạo Phật có phải là một tôn giáo không ?". Tôi xin phép được góp vài ba ý kiến với Đại Đức.

Trước hết tôi xin tự giới thiệu là Lê Quốc Trinh, Việt kiều cư ngụ tại Canada hơn 40 năm. Tôi có duyên với Đạo Phật vì quy y từ hồi nhỏ, già đình thuần thành Phật tử, bác tôi là cư sĩ Phật học Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, tôi đã từng tham gia xuống đường đấu tranh thời Pháp nạn (1963), tôi từng làm thầy cò (corrector) sửa bản thảo kinh sách Nhà Phật trước khi in (mẹ tôi mở nhà in ấn tống kinh Phật). Tôi theo dõi nghiên cứu triết lý Phật Pháp hơn 30 năm nay tại Canada, qua lăng kính khoa học kỹ thuật.

Tôi xin khẳng định rõ những điều căn bản mà tôi rút tỉa từ những hiểu biết về Đạo Phật như sau:

1)- Trước hết Đạo Phật tuyệt đối không bao giờ là một tôn giáo khi được Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni sáng lập cách đây 2500 năm. Đức Thế Tôn không bao giờ chủ trương tôn thờ, tôn vinh và tôn sùng cá nhân. Bản thân Ngài không bao giờ vỗ ngực tự xưng là giáo chủ, Ngài không bao giờ ép buộc chúng sinh phải bỏ niềm tin (tôn giáo) của mình để đi theo con đương Trung Đạo của Ngài vạch ra. Ngài tuyên bố rõ ràng: "Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành", và "Chúng sinh nên tự thắp đuốc mà đi, Ta chỉ là người dẫn đường mà thôi";

2)- Đạo Phật là đạo dựa trên căn bản dùng trí tuệ theo phương hướng từ bi hỷ sả để GIÁC NGỘ, tự giải thoát. Do đó không thể đánh đồng Đạo Phật với các tôn giáo khác. Vì dựa trên trí tuệ để tìm hiểu Sự Thật, phá tan bức màn Vô Minh, nên Đạo Phật mang tính siêu việt theo tinh thần khoa học, nói rằng Đạo Phật đi trước khoa học cũng không sai. Bảo rằng đó là một triết lý sống, luôn đi sát với thực tại và cuộc sống, cũng rất chính xác;

3)- Đức Thế tôn đã hy sinh cả cuộc đời một con người sống thực, Ngài biết ràng con người thời đó (2600 năm trước) chưa đủ tri thức để hiểu thấu Phật pháp do Ngài giảng dạy, nhưng Ngài vẫn kiên trì lê gót khắp nước Ấn Độ để truyền bá Đạo Phật. Vì thời đó ánh sáng khoa học chưa rọi tới nhân loại, cho nên những lời Ngài giảng cô đọng trên những luận đề căn bản có vẻ khó hiểu và khô khan, nên chúng sinh không hiểu và vô tình bỏ quên hay giảng giải mơ hồ, sai lạc khiến cho mọi người hiểu lầm Đạo Phật, đưa Đạo Phật trở lại con đương mê tín, dị đoan;

4)- Ngày nay, nhờ những tiến bộ khoa học kỹ thuật mà nhân loại có thể giao lưu trao đổi tự do trên Internet, giáo lý Nhà Phật được truyền bá sâu rộng khắp thế giới. Đây là cơ hội tốt đẹp nhất để hoằng dương Phật Pháp, dùng kiến thức khoa học kỹ thuật để giải mã những luận đề căn bản khó hiểu như:

- Thuyết Nhân-Quả, thuyết Nhân-Duyên, trùng trùng duyên khởi;
- Thuyết Luân Hồi;
- Ý nghĩa của Vô Thường;
- Ý nghĩa về Vô Ngã: Ngã là gì ? Vô Ngã là gì ?
- Bốn chân lý Tứ Diệu Đế: Khổ là gì ?
- Bát Chánh Đạo;
- Thập Nhị Nhân Duyên;
- Bát Nhã tâm kinh: ý nghĩa Sắc Sắc Không Không, ý nghĩa Niết Bàn. Khoa học hiện đại đã giải mã được hết những nguyên lý phức tạp từ 20 năm nay;
- Duy Thức Học.

5)- Phải tẩy trừ hết sách những ngộ nhận về Đạo Phật, phải hiểu tất cả những phân hóa trong hàng ngũ Đạo Phật từ khi Đức Thế Tôn nhập Niết Bàn. Tất cả các tông phái gây chia rẽ Đạo Phật đều có ý hướng đi ngược chiều với Đạo Phật chính thống. Rất nhiều người bị đưa vào con đường mê tín, dị đoan, tin tưởng thần thánh, cầu siêu cần an, xin xâm, hoá vàng (như Tịnh Độ tông). Hoặc nhiều người lầm tưởng Đạo Phật chỉ cốt đi tìm niềm an lạc trong Tâm (như Thiền tông), hoặc say mê bùa chú kinh kệ (như Mật tông);

Kính thưa Đại Đức Thích Nhật Từ,

Tôi chỉ có bao nhiêu nguyện vọng đó, rất mong sẽ được góp sức tham gia vào công cuộc hoằng dương Phật Pháp, đưa ý nghĩa căn bản Đạo Phật chính thống trở lại thế gian ngõ hầu phụng sự nhân loại, giảm bớt đau khổ và kiến tạo hòa bình vĩnh cửu.

Kinh chào Đại Đức,

Lê Quốc Trinh, Canada


Lúc đọc được những điều phân giải như thế, quả thực tôi cũng phải công nhận là những nhận xét đúng, nhưng tôi cũng đã phân tích đến con đường đi và đến của Tâm linh hay con người lẫn phương pháp cứu độ trong Đạo Phật qua những điều ghi trong kinh điển, để chứng minh với độc giả là Đạo Phật cũng theo qui trình của một tôn giáo, nhưng tôn giáo nầy không cần sự hiện hữu của Đấng Tối Cao như người ta vẽ ra. Tại sao tôi nói là “Người ta vẽ ra” vì khi khởi thủy câu chuyện Đấng Tối Cao ấy đã sáng tạo chỉ phần trái đất mà trái đất và loài người là trung tâm”. Nhưng khi khoa học tìm ra trái đất không là trung tâm, loài người chưa hẳn là loài duy nhất trong vũ trụ thì giáo hội đã vẽ ra con đường khác hơn để bảo vệ giáo thuyết của mình, đồng thời kết án kể cả án tử đối với những người phát hiện ra Chân lý; khi các phương tiện đi trên không đi liên tục chẳng thấy hồn xác nào trên trời cả thì giáo hội lừa phỉnh sang phạm vi bao quát hơn toàn vũ trụ, vân..vân… Thế thì ta tin vào ai, vào nhà khoa học hay vào nhà Thần học? Đó là chưa kể khi đọc đến những sách ấy nếu kỹ hơn chúng ta sẽ thấy những điều bất nhất, cũng như là không hợp lý hoặc dâm ô thật nhiều…. (Để hiểu rõ Quý vị có thể tham khảo thêm trong các bài nghiên cứu của tác giả Gã Học Trò trên trang mạng Sachhiem.net).
Qua những điều của Lê Quốc Trinh, chúng tôi nghĩ mình chỉ là kẻ đi tìm hiểu sau, muộn màng về đạo Phật nên thấy mình chưa đủ khả năng để giãi bày.
Tuy nhiên, bài của tôi chỉ là đưa ra ý kiến mà thôi, nhưng Lê Quốc Trinh đã gán ghép cho cả Thầy Thích Nhật Từ thì tôi nghĩ là hơi quá đi chăng? Tôi sai thì tôi chấp nhận chứ không là cả của Trang nhà Đạo Phật Ngày Nay, tức là Nguyên Thảo chỉ là Nguyên Thảo chứ không là hai.
Bắt đầu từ bài nầy tôi đã đi nhiều vào kinh điển vì những điều tôi thấy có sự nối kết lạ lùng và mật thiết giữa các kinh Lăng Nghiêm, Viên Giác và Kim Cang qua sự ghi, giảng của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa. Tôi ghi lại theo sự sắp đặt, trình tự của hệ thống một bài viết nhằm mục đích để độc giả ghi nhận lại được những điều giảng trong kinh mà Đức Phật đã giảng.

(Còn tiếp)

Nguyên Thảo,
11/11/2015.

Thursday, November 5, 2015

*Tin Hay Không?

*Thơ Đồ Ngông! (tt)



*Cha, Con.

Đời cha đã chẳng ra gì
Làm người đau khổ, điêu tàn thân ai
Bao năm lặn lội ăn mày
Nhà không ra cửa, chẳng tài nào hơn
Lòng tham, với dạ sắc son
Mang đầy túi bạc, mặc người nỗi đau.
Con hoang tài đức bao nhiêu
Định thay cha tiếp gieo điều thê lương
Nực cười thiên hạ nhiễu nhương
Lại hay ca tụng, mở đường diệt vong!

Đồ Ngông,
26/10/2015.




*Diệu Vợi!

Đường đi xa diệu vợi
Không biết đến bao giờ
Lòng người thêm chơi vơi
Cứ mãi là trong mơ!

Ngàn năm sau vẫn thế
Cuộc tình khó đổi thay
Khung trời luôn tím ngắt
Lưới trời mãi bủa vây!

Con người là như vậy
Tham sân si cao dầy
Lên trên đầy cho túi
Kẻ dưới cứ buồn thay!

Lưỡi uốn lời, ý đẹp
Tay chuốt phấn tô son
Miệng hô cõi thiên đường
Đời luôn là địa ngục!

Đồ Ngông,
05/11/2015.




*Tin Hay Không?

Tôi không thể tin ở những lời hoa mỹ
Mà cũng không tin từ miệng lưỡi kẻ gian
Tôi không tin,
Không tin từ thời gian nhớp nhúa
Lúc con người lừa đảo lẫn nhau
Tôi không tin
Lúc loa kêu reo réo nhức đầu
Người ta biết vận hành cơ giới vào điều thê thảm
Người ta giết những giác quan mẫn cảm
Người ta lừa kể cả hệ thần kinh
Chết tôi đi, tôi thấy chết cả thân mình
Và chỉ thấy một linh hồn hoang dại
Tôi còn lại một tâm hồn tê tái
Khóc vọng sầu cho thân thể thương đau!

Đồ Ngông,
05/11/2015.


Wednesday, November 4, 2015

*Mỹ Du. (2)




*California:

Chiếc xe buýt đón chúng tôi từ phi trường về nhà ông Cậu của Tuấn là do nhóm anh Minh đảm nhận. Gần như mọi việc ở California nầy con gái tôi nhờ đến Tố Dung là bạn học của nó từ thuở ấu thơ cũng là nhà gần nhau ở quê nhà. Tố Dung là đứa con gái dễ thương vừa đẹp, thông minh vừa học giỏi của ông bà Thầy Máy Bay. Sở dĩ gọi là ông bà Thầy Máy Bay vì ba Tố Dung là người Hoa làm thầy thuốc Đông y có tiệm thuốc tên Nhơn Hòa Đường lấy hiệu chiếc máy bay, từ đó người dân cứ gọi là tiệm thuốc máy bay kể cả những xã phụ cận đều như vậy. Tố Dung thấy đoàn chúng tôi đến Cali khuya, nên đã hỏi trước ai muốn ăn thứ gì kể cả cháo lòng, bánh canh hoặc cơm, vân vân… mà mua dùm. Anh Minh chất đầy những va-li ở phía sau xe và người lên xe cả rồi chạy về địa chỉ cậu của Tuấn ở Anaheim. Minh đưa cho chúng tôi danh thiếp với số điện thoại (714) 823-6855 để liên lạc về sau khi cần. Trên đường di chuyển về nhà, chúng tôi có đưa dự trù về thời gian nhờ Minh đưa mọi người đi lên Universal Studios vào những ngày sau, nhưng Minh cho hay ngày nay tương đối rảnh còn những khi khác thì bận, nên chưa về đến nhà thì chúng tôi đã nhờ đến Minh trong ngày nầy đưa đoàn đi lên Hollywood dùm và hẹn cùng nhau khoảng 9 giờ sẽ khởi hành. Chúng tôi về đến nhà cậu của Tuấn khoảng 4 giờ. Hai ông bà cũng thức đợi để đón chúng tôi và Tố Dung cũng đem toàn bộ thức ăn đến. Sau khi ăn uống hàn huyên tâm sự đôi điều, cậu Hoàng (cậu của Tuấn) muốn chúng tôi nghỉ ngơi, để rồi vài giờ sau đi tiếp.
Khoảng chừng 9 giờ sáng thì Minh đem xe đến và chúng tôi lại lên xe để lên Hollywood. Đường sá ở đây thì rộng rãi, nhiều làn đường, ở khoảng giữa không có cây nên thấy thông thoáng hơn, tuy nhiên xe cộ đông và chạy với vận tốc cao nên nhìn hai trên đường xe chạy thấy mà ngớp như người ta đang hối hả với cuộc sống hơn bao giờ. Thỉnh thoảng tôi đưa máy quay quay lại một vài đoạn đường hay một vài khung cảnh để sau nầy có lúc ngồi xem lại những cảnh đã qua. Chúng tôi đến Universal Studios kịp lúc sắp hàng để mua vé để vào cửa. Giá vé 95 đô cho một ngày với một người.
Hơn 14 năm về trước, ba tôi cùng vợ chồng tôi đã đến đây một lần. Lúc đó chúng tôi đến Cali được gia đình các con của Bác Ba Yếu đón và đưa về nhà trong vài ngày vì các con Bác Ba thân với thằng em của tôi. Chót Ên ra tận phi trường đón và đưa chúng tôi về ở nhà của Èo Ên. Tôi không biết tên trong giấy tờ của mấy đứa đó mà chỉ biết tên bên ngoài thôi. Lúc đó Bác Ba trai đã mất, lâu ngày ba tôi có nhiều dịp để hỏi về Bác Ba cũng như gia đình khi rời khỏi Tân Khánh. Mọi gia đình đều được ổn định lẫn công việc làm ăn. Bánh Tí ở gần Cầu Đúc có đến thăm chúng tôi vào thuở ấy, và chính Bánh Tí cho con trai đưa chúng tôi lên viếng Hollywood và đến chiều khi muốn về chúng tôi gọi điện thoại thì nó lên rước về. Trong thời gian đi thăm khu Universal, chúng tôi đã tham dự “tour” phim trường cùng những khu vực khác như Jurrassic Park, ET, Mummy Return, cùng vài nơi khác; nhưng lần nầy chúng tôi chỉ đi vòng vòng sau khi đi tham quan phim trường. So với lần trước phim trường bây giờ rộng lớn và qui mô hơn nhiều. Những loại phim 3D cũng được chiếu bên ngoài như là cảnh thật làm chúng tôi cũng tưởng lầm. Các trận chiến của khủng long làm mấy đứa nhỏ la lên liên hồi. Vui thật! Con gái tôi dẫn mấy đứa con của nó đi vào mấy cái “Show” để xem. Lần nầy thấy du khách Trung Quốc khá nhiều so với lần trước là du khách Nhật lẫn Đại Hàn. Đến chiều chúng tôi ra bên ngoài để tha hồ chụp hình và tản bộ nghêu ngao và chờ xe buýt của anh Minh lên rước về nhà cậu Hoàng. Tối nay chúng tôi lại được con cháu cậu Hoàng đãi một bữa ăn ở nhà hàng để gọi là đãi “phái đoàn ở Úc sang thăm” nhất là mừng gia đình đứa cháu ruột sau mấy mươi năm mới có dịp tìm về, nhưng tôi quên giới thiệu: Tôi chỉ là một người ăn ké mà thôi! Tội nghiệp Tố Dung luôn điện thoại thăm và hỏi có cần gì hay không, và cũng chính nó lo chuyện “sim” điện thoại cho chúng tôi ngay từ đầu! Nhưng có một người khác cũng không kém, đó là Thơ con ông Soùl lò chén mà thuở ở nhà người lớn cũng như bạn bè hay gọi là Thỏ. Thơ cũng là bạn học với con gái tôi, theo gia đình sang Mỹ định cư như trường hợp của Tố Dung lẫn gia đình Bác Ba Yếu. Thơ từ tiểu bang Tennessee gởi cơ sở làm ăn cho người em trông coi để bay về Cali với má trước khi con gái tôi cùng phái đoàn đến. Tụi bạn bè chúng nó họp mặt ấy mà! Tôi cũng chỉ là “ăn ké”! Những đứa trẻ con ngày ấy bây giờ chúng lớn quá chừng lại có thêm con cái nữa rồi. Không ngờ chỉ sau mấy mươi năm mình sắp trở thành ông già bảy mươi! Tôi không dám viết bằng con số đâu. Vì viết quá rõ mình sẽ thấy, mình lại đau lòng nên đành đánh bằng chữ vậy! Rồi tôi lại nhớ đến khoảng ba năm về trước, ba tôi người cùng đi với vợ chồng tôi 14 năm xưa không còn nữa. Cuộc đời là một chuỗi sự kiện tiếp nối “sinh sinh, diệt diệt” mãi không biết đến bao giờ!
Sáng hôm sau, Thơ đến sớm mua thêm chút thức ăn gì đó, có cô nàng nầy thì vui lắm. Ngồi kể chuyện hồi xưa lẫn chuyện nơi xứ người. Chắc nó làm ăn cũng giỏi như là ba nó vậy! Còn tôi, Cậu Hoàng, cậu chín, Tuấn ngồi uống cà phê, nói chuyện bên vườn ở phía sau và xem những cây mà cậu Hoàng đã ghép với nhau.
Chúng tôi dự định hôm nay sẽ đi đến Disneyland cho mấy đứa nhỏ chơi, đồng thời đã đến Cali người ta cũng muốn biết hai nơi có tiếng từ trước: Một là trung tâm làm, đóng phim Hollywood; hai là Disneyland nơi được cho là chỗ vui chơi mà cha mẹ dẫn con đến chơi. Gần 9 giờ chúng tôi chia nhau lên xe của Thơ và xe của cậu Hoàng để đi đến Disneyland. Disneyland không xa đối với nhà cậu Hoàng, chỉ khoảng 15 phút thôi. Xuống xe ở cổng, chúng tôi đi băng qua bãi đậu xe đi vào bên trong đón xe kéo để di chuyển vào bên trong. Mười bốn năm trước Chót Ên đưa vợ chồng tôi và ba tôi đến trực tiếp bãi đậu xe gần cổng vào, rồi từ đó mua vé vào cổng chứ không đậu xe xa như bây giờ. Ngày ấy khu California Adventure mới được mở thêm và coi như là khu Disneyland mở rộng.
Đi xe chuyển tiếp qua đoạn đường cũng khoảng hơn hai cây số, đường sá, khu vực được trồng nhiều cây xanh, và được chăm sóc, trang trí có vẻ đẹp mắt đúng là khu hấp dẫn cho du khách nhất là đối với những đứa nhỏ thuộc lứa tuổi thơ.
Vào đến cổng, chúng tôi xếp hàng lấy vé để vào bên trong. Qua cổng thì đến khu vực vườn hoa phía trước, mọi người muốn chụp hình để kỷ niệm ở đây. Có bảng đề kỷ niệm 60 năm thành lập Disneyland nầy. Cũng là một quá trình dài, bây giờ Disneyland được thành lập ở nhiều nơi trên thế giới trong đó có Hồng Kông, Nhật Bản và Paris (Pháp) và có lẽ lớn nhất là Disneyland ở Orlando (Tiểu bang Florida – Hoa Kỳ).
Từ đây chúng tôi vào bên trong, những cảnh vật thì không khác lúc xưa bao nhiêu, nhưng vài trò chơi không còn ở đây chắc chuyển về bên Adventure, thay vào đó có những trò chơi mới. Nhưng thông thường thì ở đâu cũng vậy, người ta muốn làm thay đổi mới chút ít trong một khoảng thời gian nào đó để tránh sự nhàm chán, ngay cả trong các siêu thị buôn bán thức ăn hay quần áo cũng vậy, người ta hay bày biện, thay đổi vị trí để khách hàng không nhàm đồng thời phải đi vòng vòng để kiếm cho có vẻ đông khách và tiện tay mua thêm nhiều món đồ khác nữa. Buôn bán đã thế thì trò chơi lại phải năng động hơn nhiều!
Để tổng quát, chúng tôi đón chuyến xe lửa đánh một vòng để nhìn bao quát qua các khu, vị trí, cùng chú ý đến cái gì mình thích để khi tròn một vòng chúng tôi đi tìm chỗ để đi chơi. Người lớn thì đi cho biết, nhỏ thì vui chơi. Nhưng đa số thì cha mẹ vẫn đi chơi kèm theo con cái cho nên cha mẹ, con cái cùng chơi.
Đến trưa, chúng tôi tụ tập về căng-tin để mua thức ăn. Theo dự trù, chúng tôi sẽ ra cổng để về chỗ lúc sáng Thơ cho xuống và Thơ sẽ đến rước về nhà cậu Hoàng, nhưng vì tối có bắn pháo bông cho nên chúng tôi đổi ý sẽ ở lại coi diễu hành và bắn pháo bông và gọi điện thoại cho Thơ hay. Riêng gia đình con gái tôi nó có kế hoạch của nó vì gia đình Tố Dung muốn chiêu đãi bạn bè lâu ngày mới gặp. Chính điều nầy mới là điều khó cho chúng tôi! Sau ăn trưa mạnh nhóm ai nấy đi: Nhóm gia đình con gái tôi đi riêng không biết nó có qua khu Adventure không, chứ lúc đầu nó muốn cho mấy đứa con nó qua chơi bên đó; còn gia đình cậu Chín đi riêng, Vợ chồng tôi và dì Tám riêng một nhóm. Đến lúc khoảng 6 giờ chiều, khi đang ăn chiều thì điện thoại tôi mang theo hết “pin” không thể gọi cho cậu Chín hay nhóm con gái tôi được và ngược lại. Đứt liên lạc, nên không thể hẹn hò gì cả, kể cả liên lạc với Thơ hay cậu Hoàng.
Đêm tối, nơi lạ cho nên vợ chồng tôi cùng dì Tám sợ khi tan ra lại đông người càng khó khăn cho mình hơn nên đành bỏ cuộc diễu hành, bắn pháo bông mà ra về trước; hi vọng cậu Chín sẽ liên lạc được với những người khác. Chúng tôi ra đến chỗ xuống xe lúc sáng, dự trù sẽ kêu Taxi về nhà, nhưng đúng ngay lúc đó thì trong Disneyland người ta đang bắn pháo bông, tôi đứng quay cảnh pháo bông trên trời thì cậu Hoàng chạy xe ra đến để rước về vì Thơ cũng vừa gọi cậu Hoàng nhờ rước dùm. Nhóm con gái tôi đi riêng không nói cho cậu Hoàng biết, cậu lại lo. Hồi lâu cậu Chín lại gọi về cho biết nơi đang đứng để cậu Hoàng ra rước về. Báo hại ông Cậu đã già phải thức khuya mà lại phải lo cho người khác. Về đến nhà tất cả cũng đã là một giờ khuya!
Ở với cậu Hoàng tôi học được nhiều điều, nhất là cậu lưu dữ được những hình ảnh từ lúc còn bé thơ, ngay cả những văn bằng hay giấy tờ lính tráng của cậu trong từng thời kỳ, kể cả trong thời Pháp hay những chuyến đi chơi về sau nầy. Đối với tôi ông quả là một người “Độc nhất vô nhị”, không có người thứ hai trong những người tôi đã gặp trong cõi đời nầy! Nếu chuyến đi trước tôi không ngại thì tôi đã gặp ông rồi, tôi sẽ học được nhiều thứ ở ông từ lâu. Không phải vì ngăn nắp, kỹ lưỡng mà tánh ông khó; ông lại phóng khoáng, hiểu người hiểu ta chính điều đó là điều làm cho tôi nễ phục mặc dù mới tiếp xúc với ông có vài ngày thôi. Cho nên con cái ông đều thành danh cũng không có gì là lạ!
Sáng hôm sau, chúng tôi lại uống cà phê tâm tình với ông được buổi sáng nữa, rồi đến giờ Thơ và Tố Dung đưa chúng tôi ra khu phố Bolsa, Wesminter, Phước Lộc Thọ để nhìn quang cảnh làm ăn của người Việt được coi như là nơi khởi nghiệp đầu tiên của người Việt hải ngoại trên đất Mỹ. Mười bốn năm về trước chị em Anh Hùi, Chót Ên, Èo Ên, Tiết Ên, Mín cũng đưa ba tôi, Bác Ba gái cùng vợ chồng tôi cùng đến đây, nhưng lúc ấy những dãy shop chưa cất ra ngoài như bây giờ, cách kiến trúc, car park hãy còn đặc trưng theo kiểu cách của Mễ Tây Cơ (hay Tây Ban Nha?). Bây giờ sầm uất hơn nhiều, nhưng vẫn còn nét sáng sủa, khoáng đảng với những con đường rộng rãi và cây cối phần lớn là cây cọ nên khoảng bầu trời không bị khuất lấp nhiều bỡi các tàn cây.
Sau khi ghé nhà chị Tố Dung thăm Bà Thầy (má Tố Dung) và má Thơ thì Tố Dung và Thơ đưa chúng tôi về nhà cậu Hoàng để nghỉ ngơi và chuẩn bị hành trang sẽ rời Cali vào tối nay lúc 11giờ hơn để bay sang Virginia mà hai chiếc xe của công ty của Minh đưa chúng tôi ra phi trường.

(còn tiêp)

Nguyên Thảo,
05/11/2015.