Thursday, December 22, 2016

*Lòng Vòng trên "Bắc Úc". (4)



Cũng như hôm trước, chúng tôi phải dậy thật sớm để lo chuẩn bị chuyến đi ngày hôm nay vì xe buýt của Tour du lịch sẽ đến khách sạn đón vào lúc 6 giờ sáng. Mặc dù đêm hôm ngủ trễ sau một ngày đi xa mệt mỏi, mà dù có “uể oải” thế nào thì chúng tôi cũng phải rang dậy sớm thôi: Nghĩ cũng lạ, chỉ mắc tại “cái tò mò” của mình, cùng “cái sướng” của con mắt mà mình phải bỏ tiền ra và hành hạ thân xác đến như thế này! Nói thế, chứ đi chơi ai lại không thích! Như tôi đã từng đùa với bạn bè trong vài chuyến đi: “Sao đi chơi (du lịch) vừa tốn tiền vừa mệt, thế mà người ta lại thích mới chết chứ: Thân xác cũng mệt, ăn uống cũng mệt, sửa soạn cũng mệt…, cái gì cũng mệt hết nhưng chỉ có mỗi: “Cặp mắt là sướng thôi”; “Dòm cho đã con mắt” mà bao nhiêu người đều chấp nhận, mà lại mê nữa chứ!”.
Xe buýt đến đúng giờ, 6 giờ 5 phút chúng tôi lên xe và xe chạy vòng qua các khách sạn khác để đón thêm vài hành khách nữa rồi chạy về chỗ tập trung như ngày hôm qua. Sau đó, ai đi tour nào lên xe buýt đó để chuẩn bị khởi hành. Hôm nay chúng tôi sẽ vào tham quan Kakadu National Park, vì vậy chúng tôi phải đóng thêm tiền vào cửa của Park là 40 đô, tiền đóng liền cho người sắp xếp chuyến đi.
Xe rời trạm trong thành phố Darwin vào lúc cỡ 6 giờ 20 khi trời hưng hửng sáng. Khi ra ngoại ô thì mặt trời đã he hé ở chân trời. Chuyến đi nầy cũng theo đường Stuart Highway, xuôi về phương Nam như ngày hôm qua. Nhưng khi qua Coolalinga thì đến ngã ba của Stuart Highway với Arnhem Highway thì chúng tôi phải rời bỏ đường Stuart để đi về hướng Kakadu National Park. Theo như tính toán thì hôm nay chúng tôi sẽ đi đoạn đường ngắn hơn ngày hôm qua vì từ Darwin đến trung tâm Kakadu khoảng chừng 251 km.
Xe buýt xuôi theo đường Arnhem Highway tức đường mang số 36 theo hướng đông nam. Dọc đường có những vườn xoài khá rộng lớn. Rất tiếc là chúng tôi không được vào tham quan ở những vườn xoài nầy xem họ trồng như thế nào, mặc dù tôi cũng có vài ông bạn từ Adelaide lên mua đất và trồng xoài ở trên nầy. Theo cái nhìn từ xa ở ngoài đường những vườn xoài nầy trồng ngay hàng thẳng lối giống như các vườn cây ăn trái khác. Tuy nhiên vườn xoài ở đây hình như đều được xén ngọn cho nên thấy chúng không cao lắm, phía trên tương đối phẳng và thấp. Lúc nầy xoài đang trổ bông nên thấy cây có đầy bông. Xe đến dòng sông Adelaide. Ở đoạn nầy sông Adelaide rộng như nhiều sông khác chứ không nhỏ như ở thượng nguồn mà chúng tôi đã ghé qua ngày hôm qua sau khi ghé vào nghĩa trang chiến tranh Adelaide River War Cemetery. Nhưng khu vực đồng cỏ rộng lớn kế tiếp dòng sông được hướng dẫn viên kiêm tài xế cho biết đó là vùng đất ướt, khi mùa mưa nhiều nước dòng sông ngập tràn qua vùng đất thấp ấy nên gọi là những vùng đất ướt. Khi tôi xem lại bản đồ thì dòng Adelaide sau khi đi qua Djukbinj National Park thì đổ ra biển với những khúc sông uốn khúc ngoằn ngoèo thật nhiều thì lượng nước lớn làm sao chảy thông cho được nên phải ối lại tạo nên vùng đất ướt ở nơi thấp là đúng rồi. Con sông Adelaide có tiếng về cá sấu dữ. Trước khi lên đây khoảng thời gian không lâu, truyền thông đã đưa tin có một người phụ nữ bị cá sấu cắn chết ở trên sông nầy. Ven đường kế bên sông có một doanh nghiệp trưng bày để hình cá sấu đang nhảy lên và lấy tên là Crocodile Jumping.
Xe tiếp tục đi về hướng đông nam khoảng chừng 54 km thì đến sông Mary. Sông nầy liên kết với một National Park khác được mang tên của nó là Mary River National Park. Chúng tôi đi thêm vài cây số nữa thì đến Bark Hut Inn, xe ghé vào để cho mọi người đi vệ sinh, ăn uống trước khi xe từ đây xuôi về hướng đông.
Ở Bark Hut Inn mọi người chỉ ăn nhẹ, điểm tâm, uống cà phê. Còn chúng tôi thì ăn bánh mì sandwich kẹp vài miếng thịt nguội sơ sài rồi ngồi nói chuyện giải lao. Thời gian ở đây được chừng nửa tiếng thì cũng dư chán. Người Thổ dân hiện diện nơi nầy khá nhiều, không biết họ làm gì nhưng ăn mặc tương đối tươm tất. Tới giờ mọi người lần lượt lên xe để tiếp tục lên đường.
Dọc đường, thỉnh thoảng có vài ổ mối cao, màu trắng đục, nhưng không nhiều như đoạn đường đi về vùng Katherine ngày hôm qua, nhưng ở khu nầy các cây được gọi là “little palm” lại có chiều cao cao hơn nhiều, có nhiều cây chắc cao hơn 3 hay 4 m. Điều đó chứng tỏ các cây ở đây có tuổi hơn là những cây ở vùng bên kia.
Còn rừng thì nhìn qua người ta đã thấy sự thoáng đảng của nó, vì chúng được đốt từng khu vực thường xuyên để tránh đi cuộc cháy rừng khủng khiếp xảy ra khi nhiều lá khô và cỏ đầy trên mặt đất. Cho nên vào mùa nầy chúng tôi thường thấy khói đốt rừng được bốc cao lên trên dọc chuyến đi. Các thân cây bị cháy xém thường đen đúa, nhưng những khu vực cây cối được hồi phục có màu xanh mơn mởn rất tươi mát. Đi chừng gần 40 cây số xe chúng tôi vào địa phận của Kakadu National Park. Lệ phí vào “park” với người lớn là 40, trẻ con là 25 đô cho thời điểm từ tháng Tư cho đến tháng 10; nhưng từ tháng Mười Một  đến tháng Ba giá người lớn là 25 và trẻ con là 12.5 đô. Đường sá vào trong “vườn quốc gia” nầy vắng xe cộ, không biết là ít người đến hay đường quá xa với thành phố cho nên người đến đây thường mướn nơi trọ cho tiện hơn. Như chúng tôi đi vào ngày hôm qua thật là “oải” vì phải thức rất sớm và về đến khách sạn thì quá trễ. Và ngày hôm nay thì cũng thế thôi, nhưng vì mình muốn biết thì cũng đành ráng, chỉ ráng trong vài ngày, chứ nếu nhiều ngày, có lẽ sẽ không chịu nỗi! Cây cối ở trong Vườn Quốc Gia nầy với mật độ nhiều và dầy hơn ngoài khu vực, nhưng cũng được đốt theo khu nhỏ để bão vệ cháy rừng to lớn, nên sự hồi phục của cây từng nơi cũng khác nhau: Nơi thì cây cối trở nên rậm rạp hơn, nơi thì mới hồi sinh, nơi thì mới đốt có còn khói lên nghi ngút từ những thân cây cháy dang dỡ.
Tài xế kiêm Hướng dẫn viên không thuyết minh nhiều nữa chỉ khi nào cần thiết hoặc đến những nơi đặc biệt thì anh ta giải thích cho mọi người biết về một vài loại cây, hoặc nơi nầy thế nào, nơi kia ra sao vào mùa nào. Với tôi thì tiếng Anh chỉ bấp bõm nên tiếng nghe được tiếng không, do đó “cái hiểu” thật là mập mờ và mình phải vận dụng đến suy đoán, tất nhiên là sẽ sai nhiều hơn là đúng. Nghĩ thật cũng buồn cười và tréo cẳng ngỗng cho đời sống lưu vong!
Xe đi khoảng chừng hơn 100 cây số nữa thì đến phi trường Jabiru (vào lúc 10.05 giờ) là nơi các máy bay chỡ người đi tham quan cảnh trên không của vùng công viên quốc gia Kakadu, nhưng không có vị khách nào xuống ở đây, tất nhiên là chẳng có ai tham dự phương tiện nầy. Xe vòng trở ra và chạy dọc theo con đường 21 tức là con đưòng Kakadu Highway để đưa chúng tôi đến trung tâm văn hóa của người Thổ dân Bininj ở đây có tên là Warradjan Aboriginal Cultural Center. Xe đến trung tâm vào lúc 10.50 giờ. Trung tâm nầy có hình dáng của một con rùa, nhưng lại có cái mũi của con heo. Chúng tôi vào cửa, khung cảnh bên trong hơi tối chắc người ta muốn trưng bày theo kiểu mờ mờ ảo ảo để đưa người tham quan về một cảnh tượng xa xưa và không cho chụp hình hoặc quay phim. Nhìn những dụng cụ đồ vật dùng để săn bắn hay bắt cá nầy, tôi chẳng những không nghĩ đến người Bininj mà lại nhớ đến thời thơ ấu cùng bạn bè đi dọc theo suối, đồng ruộng để bắt cá hoặc săn bắt vài con thú vật nhỏ. Những dụng cụ sơ khai đều có nét giống nhau dù bất cứ ở nơi đâu, người ta đều tận dụng những cái sẵn có ở chung quanh hay của mình để tìm thức ăn trong sự sinh tồn. Hình thức bắt cá từ lấy bùn ngăn ụ rồi với hai bàn tay để tát nước ra rồi tìm cá mà bắt, hoặc với cây nhọn để chĩa cá rồi tiến xa hơn dùng những vật dụng để làm bẫy hay lưới hoặc câu. Thì đây là khu vực để trưng bày lại những gì mà người Thổ dân (Dân địa phương) ở đây đã sinh hoạt trong hàng ngàn năm. Thời gian tham quan không lâu nhưng ít ra cũng làm cho người ta hiểu về cách sinh hoạt trong đời sống thường ngày mà người dân ở đây đã sinh hoạt, cũng như tôi lại được nhớ về những kỷ niệm của thời ấu thơ. Qua khu bán những đồ lưu niệm, chúng tôi nhìn xem có gì để mua không nhưng không chọn được gì, đành ra ngoài để đợi lên xe. Tài xế đưa chúng tôi đến Ngurrunggurrudjba, tức là Yellow water theo tiếng Thổ dân Bininj để tham dự vào “lông bông” trên du thuyền trong khu vực nước vàng.
Đoàn xuống du thyền và ổn định xong xuôi, du thuyền rời bến đúng 11 giờ 30. Thuyền chỉ chạy từ từ ra khúc sông của sông South Alligator, theo dự kiến là cuộc đi sẽ kéo dài trong 2 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, thuyền chỉ nhởn nhơ trên vùng đầm lầy để người hướng dẫn viên vừa thuyết minh vừa hướng dẫn cho du khách có thể quan sát lẫn nhận thức về vùng đầm lầy cùng những sinh vật, chim chóc, cây cối hiện hữu ở đây. Cá sấu cũng là đề tài được người hướng dẫn đề cập đến, lẫn phân biệt cá sấu vùng nước ngọt và cá sấu vùng nước mặn khi cá sấu hiện diện ở mép nước được mọi người ồ lên phát hiện. Những khóm hoa sen, hay hoa súng ven đường nước đều lạ với người Úc, còn đối với tôi không có gì là lạ cả, nhưng cái cảnh đầm lầy nầy còn hoang sơ chưa được khai phá thành những ruộng, vườn để canh tác cho nên chim cò, vịt nước và nhiều loài chim khác lớn nhỏ hãy còn ung dung lặn lội để kiếm ăn. Xa xa kia có vài con ngựa tha hồ gặm cỏ, không biết đó là ngựa hoang hay ngựa người ta nuôi. Có những cụm khói bốc lên cao ở nơi chân trời phía đông mà người hướng dẫn viên cho biết là nơi đó đang đốt rừng trong mùa nầy để tránh hỏa hoạn lớn vào mùa khô. Đó là bụi dứa dại, chắc cũng là lâu năm lắm, tuy nhiên dứa ở đây lá không có gai như dứa ở bên quê mình. Thuyền lênh đênh trên khúc sông mà trên bờ có nhiều loài giống như các con vịt nhỏ đang trú nắng và ầm ỉ kêu lên rối rít, mặc cho cá sấu nằm yên mà mồm luôn há hốc. Mọi người chụp hình lia lịa như để ghi lại hình ảnh lâu ngày mới thấy. Cánh đồng ở hai bên bờ sông hãy còn hoang sơ: Lau, sậy, đưng, lác, cỏ ống, rau dừa, sen súng… chen chúc đua nhau mà mọc. Thuyền đi qua đoạn rộn rịp đó thì cũng đã hơn tiếng rưỡi đồng hồ, nên người lái cho thuyền quay về đi vào một cái ụ khác để từ đó quan sát cánh đồng mênh mông hơn với nhiều loại chim đang tìm ăn, và nơi nầy thường có cá sấu xuất hiện. Có con chim đậu trên ngọn cây khô chết đã lâu mà hướng dẫn viên cho biết đó là loài chim quý hiếm của vùng Kakadu. Ở Kakadu nầy, người ta thống kê có một số lượng lớn về các loài như chim thì có hơn 280 loài; loài có vú khoảng 74, loài nước ngọt trên 50; khoảng hơn 10,000 loài côn trùng; với khoảng 117 loài bò sát, 25 loài ếch nhái cùng 1,700 loại cây cối. Đến hơn 1 giờ trưa hướng dẫn viên cho du thuyền quay về bến. Thuyền vừa quay ra đến bãi bùn mọi người thấy con cá sấu thật lớn vừa la lên vừa thích thú cùng chụp hình, quay phim lia lịa. Thuyền vào đến bến cũng không đến đỗi là trễ lắm. Mọi người lần lượt đi lên để vào căng-tin xếp hàng lấy thức ăn cho buổi ăn trưa.

Nguyên Thảo,
18/12/2016.


Sunday, December 11, 2016

*Nghĩ Ra...!


Nghĩ ra cũng thật là vui
Chuyện đời lên xuống như trâu về chuồng
Trâu nuôi cho béo kéo cày
Làm thân tôi mọi để thay cho người
Ách lên trâu cứ một đường
Đường đi tới trước, chớ sang bên nào
Mặc dù sóng động lao xao
Trâu luôn, lại vẫn, cũng là…thân trâu!

Đồ Ngông,
11/12/2016.



*Đường Trần!


Đường trần gian khó nói
Một thế giới lọc lừa
Đi tìm trong nhức nhối
Chỉ lại là lưa thưa!

Bao năm dài mòn mỏi
Lặn lội khắp nơi nơi
Trên bước đường dong ruổi
Chỉ thấy chán cuộc đời!

Cho tôi xin cuộc sống
Của một sớm bình yên
Làm chút quà bay bổng
Tặng đến khắp mọi miền!

Nguyên Thảo,
11/12/2016.


Thursday, October 20, 2016

*Quê Người. (14)



Sang ngày thứ bảy đầu tiên trên đất Úc, sau khi ăn sáng ở căng-tin xong, chúng tôi còn dư một lát bánh mì sandwich nên đem về phòng cho mấy con hải âu ăn. Tôi chỉ mới biết các con hải âu mấy ngày nay vì từ trước đến giờ chưa bao giờ thấy chúng mà chỉ nghe nói đến thôi. Loài chim nầy có bộ lông láng đẹp với hai màu trắng và xám, thân hình gọn gàng, chân có màng nối nhau như các ngón chân của vịt. Chúng lảng vảng đầy khu nầy nhất là khi người ta xé nhỏ miếng bánh mì quăng lên, chúng bay giành nhau la ỏm tỏi, trông cảnh nầy cũng vui. Giữa người và vật như có một sự thân thiện từ lâu. Cảnh nầy khó thấy được ở quê mình! Chim rất dạn dĩ, tôi bắt chước người ta xé một miếng bánh mì nhỏ cầm ở tay đưa lên cao, chim liền bay đến “xớt” một cánh nhanh nhẹn, làm cho mình cũng thấy hay hay. Tôi, Thành, Bác Vỹ, Bác Phương còn đứng bên ngoài phòng gần lộ nói chuyện với mấy người qua cùng chuyến thêm một lúc nữa thì định vào phòng để làm vài công việc, nhưng đúng lúc ấy thì có anh bạn lại đến. Anh bạn hỏi:
-Hôm nay ngày thứ bảy, có chợ “secondhand” có ai muốn đi không?
Chúng tôi ngơ ngác chẳng biết chợ “secondhand” là chợ gì? Bác Vỹ hỏi: “Chợ “secondhand” là chợ gì? Anh bạn trả lời: “Chợ secondhand là chợ bán ngoài trời, bán đồ cũ đó; đến thứ bảy người ta mới bán. Bữa nay có ai muốn đi không”? Bác Vỹ, Bác Phương nói mắc bận không đi. Thành hỏi tôi đi không? Tôi chần chừ không muốn đi vì mình đâu có tiền mà đi chợ, nhưng nghe nói đến chợ bán đồ cũ, ngoài trời thì nghe lạ cho nên cũng tò mò muốn đi cho biết. Ngày xưa khi còn ở Việt nam trước 30/4/75 có lần tôi và vợ tôi đi xuống Sài Gòn đến chợ Khu Dân Sinh Sài Gòn gần chợ Cầu Muối, là nơi bán đồ cũ để cho biết và mua chút ít đồ. Chỉ lần đó thôi, nay lại nghe đến chợ bán đồ cũ mà ở ngoài trời, nên sự tò mò của tôi lại thúc đẩy tôi muốn đi. Tôi hỏi anh bạn: “Chợ ở đâu, xa hôn?”. Anh bạn nói: “Gần đây, khoảng chừng một cây số”. Tôi, Thành quyết theo chân anh bạn đi chợ “secondhand”. Ngày thứ bảy ở nơi nầy xe không nhiều. Tôi thấy lạ quá nói: “Ủa Thứ Bảy mà xe cộ không nhiều he?”. Anh bạn chỉ cười: “Nơi nầy nó vậy!”. Chúng tôi đi băng qua các mấy ngã ba theo sự hướng dẫn của anh bạn. Cuối cùng chúng tôi cũng đến được chợ “secondhand”. Qua cổng thấy người ta ra vô nhanh nhẹn, người ra thì xách ít đồ, xe cũng ra vô đều đều. Anh bạn dẫn vào đầu hàng: “Rồi ai đi đâu thì đi nhen, nhớ đường về không?”, “Nhớ!”. Thế là mạnh anh bạn anh bạn đi, tôi và Thành cũng đi rảo lòng vòng. Một hồi, tôi thấy chán quá vì mình chỉ “dòm” thôi, chứ có mua được gì đâu, vì có tiền đâu mà mua, nên tôi đòi đi ra, thằng Thành còn muốn đi nữa. Tôi đành ra ngoài đứng nhìn xung quanh, khu chợ nầy lớn thiệt, nhiều hàng bày bán trên quầy có, trên đất có. Nhiều dãy như vậy. Đồ bán đa số đều là đồ cũ, có một số ít đồ mới, giá cả tương đối là rẻ, bình dân, nên người ta đến đây đông thiệt. Đứng một lúc, tôi nghe mỏi chân đành kiếm chỗ ngồi. Có anh bạn Việt Nam nhìn tôi đang ngồi trên đường viền của bồn bông. Như hiểu ý anh bạn rủ tôi đến ngồi chung: “Hình như anh mới qua phải không?”, “Ừ! Mới qua hôm thứ năm vừa rồi”. “Từ trại nào?”, “Mã Lai”. Thế là câu chuyện chúng tôi được tiếp nối của người tha hương với nhau. Anh bạn đến đây được vài năm trước, bây giờ đang làm ở “farm” dâu trên núi, có vợ là người Tây. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Ủa, cái chợ nầy sao có khu đất rất rộng, mà lại có cái màn gì lớn quá chừng ở đằng đó giống như cái màn chiếu bóng vậy mà đất thì không làm cho bằng?”. Anh bạn tôi giải thích: “Đây không phải là chỗ bán chợ mà là một cái sân chiếu bóng ngoài trời. Người đi coi ngồi trong xe hơi. Màn trắng lớn đó là màn ảnh. Người ngồi trong xe đậu trên những vòng mô, có cái loa ở mấy trụ gần đó để người coi nghe âm thanh. Người ta mượn chỗ nầy để bán đồ cũ vào ngày cuối tuần để vừa mua vừa bán cho vui”. Như vậy, tôi cũng hiểu được chút ít về sự sinh hoạt xứ nầy. Đúng là “học một sàng khôn”! Nói chuyện lai rai tôi đang ngồi nhóng thằng Thành.
Bỗng tôi ngạc nhiên, dụi mắt nhìn phía trước, không lẽ là thằng Trọng! Nó tiến gần đến tôi: “Mầy là thằng Thạch phải không? Ủa mầy tới hồi nào vậy? Mầy đi hồi nào? Đi với ai?”. Trọng hỏi dồn dập, tôi không kịp trả lời. Tôi chỉ nói tôi tới đây với thằng Thành, nó hỏi tôi thằng Thành đâu? Tôi chỉ vào trong chợ: “Nó còn lội kiếm cái gì đó, tao lội một hồi chán quá, ra ngồi ở đây đợi nó”. Tôi giới thiệu anh bạn mới quen với Trọng, rồi nói chuyện qua loa. Đúng vào lúc ấy thằng Thành lại ra tới. Trọng hỏi nó mua được gì? Nó nói: “Mua được cái đồng hồ ba đô, tiền ở Besi còn chút ít nên mua cái đồng hồ cho biết giờ”. Trọng nói: “Tao không ngờ gặp tụi bây ở đây?”, rồi câu chuyện xoay quanh tới chuyện vượt biên và những thằng bạn ở Việt Nam. “Thôi ra xe, tao chở về nhà tao chơi, xong chiều tao chở về Pennington”. Pennington ở đây là cách nói tắt của trại tiếp cư, vì nó nằm trong khu vực của khu Pennington. Tôi, Thành, Trọng từ giã anh bạn rồi đi đến chỗ đậu xe của thằng Trọng, cùng nhau lên xe nó đưa về nhà. Lên xe nó hỏi tôi vài điều về thời gian đi vượt biên và đi ở đâu? Rồi nó nói nó mướn nhà ở chung với người bạn, tôi hỏi ai? Nó nói: “Thì với bà Yến chứ ai?”. Yến cũng là cô giáo ra trường sau tôi chừng hai khóa, về Tân Khánh dạy, ở trọ nhà của Bác Tư tôi kế bên nhà tôi, nên cũng chẳng là lạ gì! “Nhưng hồi trước tao nghe nói bà Yến đi phía bắc nước Úc, còn mầy đi phía nam mà, tao lại tưởng mầy ở trên Melbourne, chứ đâu phải ở đây. Ai dè lại gặp mầy ở đây”. Chúng tôi cùng phá lên cười! Trọng nói: “Thôi để tao chạy vòng xuống đây mua vài bịt tép để đem về bà Yến làm bánh tráng ăn”. Nói xong nó lái xe chạy thẳng qua cầu rồi chạy đến một cái tiệm bán đồ câu cá. Tôi, Thành ngồi ngoài xe đợi nó. Khi trở ra nó bỏ mấy bịt tép lên xe rồi nói: “Tép ở đây tụi Tây nó bán để làm mồi câu cá, nhưng gặp mình mua về để kho hoặc làm bánh tráng cuốn ăn chơi” rồi mấy đứa xúm nhau cười!
Về đến nhà, Trọng đậu xe vào chỗ đậu, dẫn tôi, Thành vào một căn phố dưới tầng trệt, vừa vào cửa, thằng Trọng la lớn: “Em ơi! Ra coi ai nè!”. Bà Yến chạy ra: “Ủa, anh Thạch, thằng Thành nữa, qua hồi nào vậy?”. Câu chuyện chúng tôi xoay quanh những vấn đề hỏi han về chuyến vượt biên, lúc nào, ở đâu, đi như thế nào, bao lâu. Mọi chuyện chúng tôi cùng kể cho nhau nghe. Trọng chỉ mấy thùng khá lớn còn dang dở, rồi nói: “Hai bà mệt quá mầy ạ, cứ gởi bên nây một thùng là bên kia một thùng; bên kia một thùng thì bên nây một thùng” rồi tiếp theo “bên nây một thùng, bên kia một thùng; bên kia một thùng, bên nây một thùng”. Tôi nghe đến đây cảm thấy lùng bùng lỗ tai vì điệp khúc của nó, nhưng cũng là một sự rắc rối cuộc đời khi mình phải cưu mang. Không biết đó là điều hay hay là cái nghiệp chướng phải cân bằng khi có đến hai bà. Đây là lần thứ nhì tôi được nghe về trách nhiệm khi có hai vợ. Lần trước, cũng sau thời gian 30/4/75 khi ông Dượng Hai của tôi mất ở xã Bình Chuẩn, trong đêm đó tôi ở lại ngoài đám ma thì có vài ông thanh niên ngồi kể về một lái bò (mua bò để bán) không đẹp người, lại có tiếng nói khao khảo, thế mà cứ mỗi ấp thì ông ta có một bà vợ lại thêm ở xã kế bên có thêm hai ấp nữa, như vậy vị chi ông ta ở với sáu người đàn bà hay là sáu bà vợ. Mấy ông thanh niên khen đáo để. Ngồi trong bàn có ông Năm Đổi không nói gì. Hồi lâu, ông hỏi: “Vậy tôi hỏi mấy chú, ổng hay hay dở?”. Mọi người đều nói : “Hay, không hay làm sao được như vậy!”. Tôi ngạc nhiên khi ông Năm Đổi phân tích: “Tôi nói thiệt với mấy chú, không hay đâu. Mấy chú biết mà, tôi có hai vợ chứ. Một tuần tôi phải đạp xe xuống bà nhỏ một lần. Ở bên nây mấy ngày, sang bên kia mấy ngày, rồi còn nhiều chuyện khác mệt lắm. Tôi nói như vầy cho mấy chú biết. Giả sử như tôi có tiền mua được một kí thịt. Nếu đem về một bên hết thì không được, mà chia đồng hai bên thì mỗi bên chẳng được bao nhiêu. Khó xử lắm mấy chú à!”. Mấy ông thanh niên ngồi êm ru, bàn sang chuyện khác. Còn tôi được học bài học đầu tiên, hôm nay thằng Trọng dù không nói gì, nhưng qua câu chuyện khiến cho tôi có nhiều suy nghĩ. Tôi thương con thì tôi phải định được hướng mình sẽ đi trong tương lai!
Chị Yến đã luộc bún, tép, làm nước mắm xong xuôi. Trọng đi lấy bánh tráng để nhúng, rồi bọn chúng tôi cùng Cô Hường (vợ Kiệt) là gia đình qua chung một chuyến bay với Trọng cũng từ Sungai Bési sang, cùng chia phòng nhau khi mướn căn phố nầy. Phố lầu được gọi là “Flat”, căn nhà nầy gọi là “Unit”, có hai phòng ngủ. Vợ chồng Kiệt và đứa con một phòng; Trọng, Yến một phòng để cho nhẹ tiền. Ăn xong, chúng tôi còn ngồi lại tâm tình khá lâu vì lâu ngày không gặp lẫn nhau dù chưa đầy một năm, nhưng có rất nhiều chuyện biến đổi lớn trong cuộc đời! Trọng kể: “Sáng hôm nay thức dậy nghe mệt mỏi không muốn đi làm, cho nên tao nói với bà Yến bữa nay nghỉ. Không biết làm gì nên rảnh rang đi ra chợ trời mua vài con chim nuôi chơi”. Hèn chi, khi từ trong chợ trời ra, Trọng xách cái lồng có hai con chim nhỏ.
Mãi đến gần 5 giờ, Trọng chỡ tôi và Thành về Pennington để chúng tôi sửa soạn đi căng-tin ăn bữa ăn chiều. Ở đây, xã hội cấp tiền hàng tuần khoảng gần 62 đô nhưng ăn uống, tiền mướn người dọn dẹp phục vụ cho chúng tôi, tiền ở, điện nước sẽ khấu trừ vào số tiền phụ cấp, còn dư ở văn phòng sẽ phát cho chúng tôi sau, khi đúng được một tuần. Đó là giúp cho người mới tới trong tuần đầu tiên, chứ đúng ra phải là mỗi 2 tuần mới được lãnh tiền!

Nguyên Thảo,
20/10/2016.



Wednesday, October 19, 2016

*Quan Đã Đi Rồi!



Ông quan nay đã đi rồi
Ông đi xa xứ với tiền người dân
Dân nghèo mặc kệ người dân
Túi ông rủng rỉnh, đầy tràn ấm no
Làm quan đâu phải nằm co
Tối ngày cứ phải bận lo cho người
Làm quan tiêu chí làm đầu
Đồng tiền trên hết, làm giàu chỉ tiêu
Bản thân ấm cật đều đều
Vợ con sung sướng là điều ưu tiên
Làm quan sao phải lụy phiền
Bận chi cơm áo, gạo tiền thế gian
Làm quan cũng lắm gian nan
Phấn lên đấu xuống, muôn vàn khó khăn
Tội gì mà lại chẳng ăn
Ăn sung mặc sướng, trên đầu vạn dân
Làm quan thì phải có phần
Cám ơn tổ chức đỡ đần giúp cho
Ô dù lại được thật to
Tha hồ để lấy, rồi ra xứ người
Ung dung, thoải mái ta cười!

Đồ Ngông,
20/10/2016.



Sunday, October 16, 2016

*Lòng Vòng Trên "Bắc Úc". (3)



Đoàn rời căng-tin vào lúc 1 giờ 48 phút và đi bộ vào một công viên để xuống bến du thuyền đậu. Ở đây có nhiều dơi quạ (con dơi có thân to lớn như con quạ) treo thân đậu trên cây bốc lên một mùi hăng hăng hôi khó chịu. Du thuyền là một con thuyền không lớn lắm, ngõ đi chính giữa, hai bên có những băng dài để du khách ngồi, mỗi băng có thể ngồi được 5, 6 du khách; ở trên chỉ có mui che và bên thành có những thanh chắn để giữ an toàn cho khách chứ không có vách che để khách có thể chụp hình, quay phim hay quan sát được dễ dàng.





Người hướng dẫn căn dặn những điều cần thiết với khách trước khi khởi hành, nhất là đừng đưa tay ra ngoài rất nguy hiểm vì nơi đây có nhiều cá sấu và chỉ cách sử dụng áo phao khi khẩn cấp. Du thuyền khởi hành vào lúc 2 giờ, khách đã bắt đầu đưa máy chụp hình, quay phim lẫn điện thoại lên để chuẩn bị chụp, quay cho mình những gì mà mình muốn ghi lại. Người ta có thể quay cả những ngõ ngách, hay những đụn cát bên bờ mà người hướng dẫn cho đó là nơi cá sấu thường hay ra nằm phơi mình hoặc đẻ trứng. Trên các bãi cát ấy thường có dựng những bảng cấm hoặc lưu ý. Du thuyền chạy từ từ trên sông và người hướng dẫn thuyết minh theo từng khúc sông, nào là mấy con chim đang đậu trên cây, nào là lồng để bẫy bắt cá sấu, nào là có con cá sấu đang nằm ở bên bờ rồi thuyền được cho đứng lại để mọi người quan sát, kia là cây dứa dại vân vân và vân vân… Chúng tôi nhởn nhơ, lững lờ trên mặt nước và tiến về phía trước để ngắm cảnh, quan sát do chính mình và hướng dẫn viên hướng dẫn.

Thuyền đi hết đoạn sông nầy khoảng nửa giờ đồng hồ thì cập vào bến ở nơi vùng đá. Hướng dẫn viên cho chúng tôi biết chúng tôi phải đi bộ qua một khoảng đường đá để đến một bến khác ở phía trên và chúng tôi được tiếp tục hướng dẫn lên đoạn trên của sông. Băng qua những tảng đá lớn nhỏ, hơi gồ ghề mặc dù người ta đã làm cho chúng tương đối bằng phẳng hơn bằng cách sắp xếp hay đổ thêm xi măng có màu hợp với màu đá hoặc làm cầu để cho khách dễ đi hay an toàn.
Qua khỏi vùng đá chắn ngang sông ấy thì chúng tôi lại xuống một chiếc du thuyền khác cũng giống như chiếc trước để được đi lên vùng khúc trên sông nầy. À, thì ra vào mùa khô mực nước thấp chiếc du thuyền kia không thể qua vùng đá nầy được mà phải đi bộ để đổi du thuyền ở phía trên nầy. Chứ vào mùa mưa hay lúc có nhiều nước thì du thuyền chẳng bị cản trở bỡi vùng đá ấy. Chúng tôi lại ngồi xuống du thuyền và được du hành phía trên của Katherine Gorge.
Đoạn phía trên hấp dẫn hơn ở phía dưới nhiều, nếu đoạn dưới tương đối bằng phẳng, phẳng lặng, êm đềm thì phía trên nầy lại quanh co hơn, có những khúc quanh “gắt”, cúp và nhỏ thì nước chảy xiết hơn dù mùa nầy không nhiều nước. Sông len lỏi giữa hai bờ vách đá sừng sững, bên trên vách đá có nhiều hình thù lạ mà người ta có thể tha hồ tưởng tượng. Còn ngay trên vách đá mới chứng tỏ những địa tầng của đất thuộc vào những thời kỳ hằng triệu, hoặc tỉ năm về trước. Đất đá nầy là từ dưới biển trồi lên hay là do những địa chấn làm gãy khúc để trồi lên đây. Nhưng không, các nhà khoa học cho rằng lục địa Úc châu nầy từ xưa là ở dưới đáy biển được trồi lên nên sự hiện diện của độ mặn trong nước vẫn còn cao trên những vùng cao và nhất là các kết cấu địa chất của vùng đá Uluru, Kata Kjuta tức là vùng trung tâm nước Úc cũng chứng minh cho điều ấy.
Ở đây, theo tài liệu thì con sông nầy được nhà thám hiểm người Tô-Cách-Lan John McDouall Stuart tìm thấy và đặt tên là Katherine vào ngày 4/7/1862 ấy đã bào mòn, xâm thực trong hàng tỉ năm trên vùng sa thạch để tạo được cảnh quang như ngày nay. Sông Katherine khởi nguồn từ trên độ cao 451 m và chấm dứt ở độ cao 67.6 m để nhập vào sông Daly. Như vậy là Katherine đã rơi độ cao xuống khoảng 384 m trong một chiều dài chừng 328 km. Do vậy qua thời gian, sông Katherine với dòng chảy xiết đã khuyết sâu vào vùng địa chất để tạo những vách đá thẳng đứng hai bên và nó chảy trong một thung lũng hẹp. Hôm nay chúng tôi được đi vào thung lũng hẹp ấy ở phần đoạn trên của sông nầy.
Hướng dẫn viên chỉ cho chúng tôi con cá sấu nước ngọt nhỏ đang nằm ở bìa nước ở  một khúc quanh của sông và giải thích là cá sấu nước ngọt không nguy hiểm cho người. Nhưng vào mùa nước lớn thì cá sấu nước mặn có lên đây khi nước rút chúng đều xuống trở lại phía dưới nên người ta trong mùa nầy có thể tắm và bơi thuyền nhỏ “kayak” khá nhiều. Trên nhiều bãi cát dọc hai bờ sông đều có cắm bảng lưu ý du khách về cá sấu. Hướng dẫn viên khôi hài “Cá sấu thấy mình trước khi mình thấy nó”, nhưng thực tế là như vậy! May nơi đây chỉ là cá sấu nước ngọt!
Mọi người tha hồ chụp ảnh quay phim bằng máy hay điện thoại nên cứ nghe âm vang đều đều, thỉnh thoảng nỗi lên tiếng ngạc nhiên lẫn âm thanh của người hướng dẫn viên. Đường đi phía trước còn khá xa, nhưng người lái du thuyền chắc đã đến giới hạn nên đã quay đầu trở lại ở một hang nhỏ mà trên đó có những tổ chim én bằng đất bùn để đẻ con, chứ không phải là “tổ yến” quý giá đâu. Có rất nhiều cặp cùng nhau chèo thong thả Kayak trên sông thật là thú vị. Lần trở ra nầy chiếc du thuyền chạy nhanh hơn, hướng dẫn viên không cần nói nhiều nữa. Tôi đưa máy chụp hoặc quay thêm những cảnh nào ưng ý ở dọc đường, nhất là những nơi nước chảy nhấp nhô làm ánh nắng trưa tan vỡ, lấp lánh tạo nên cái cảnh vui vui, đẹp đẹp.
Du thuyền về tới bến, chúng tôi lại phải đi bộ lại đoạn đường đá lúc nãy. Bây giờ thong thả hơn nên tôi có dịp từ từ quan sát, nhìn phong cảnh ở bên vách núi. Có vài cây cọ mà người ta gọi là “little palm” mọc chơ vơ, không biết là nó bao nhiêu tuổi, nhưng nó thật là cao, cây thì mỏng manh ốm yếu đong đưa theo gió. Kế bên là cái vách đá trên đó có vài hình ảnh của ngưòi dân địa phương (thổ dân) đã vẽ không biết tự lúc nào, mà theo danh từ chuyên môn ở đây người ta gọi hình ảnh ấy là “rock art”.
Mọi người lục tục xuống du thuyền để làm chuyến trở ra ở đoạn sông dưới nầy. Rời du thuyền và trở về xe buýt sau hai giờ của chuyến đi trên sông, chúng tôi lại chuẩn bị cho chuyến trở về Darwin trong đoạn đường khá xa chừng khoảng 350 km. Mà lúc nầy đã gần 4.30 giờ chiều.
Trên đoạn đường về xa xôi nầy xe chạy vòng vào Pine Creek, nơi mà ngày trước là địa điểm người ta đổ xô đến tìm vàng sau khi nhân công đường điện thoại viễn liên nối giữa Adelaide với Darwin đào lỗ chôn cột phát hiện nơi nầy có vàng vào năm 1871. Và người Trung Hoa được nhập vào năm 1874 như là nguồn nhân công rẽ. Dân nhập đến ở đây hơn 3000 người vào những năm 1890, nhưng đến năm 2007 số thống kê chỉ còn 473 người.
Trong thời gian Đệ Nhị Thế Chiến, Pine Creek là nơi thiết lập nhà thương cho quân đội Úc và một phi trường khẩn cấp do quân đội Hoa Kỳ xây dựng. Hướng dẫn viên kiêm tài xế xe buýt thuyết minh cho chúng tôi vài nơi chứng tích của lịch sử. Sau đó xe vào Stuart Highway để trở về Darwin.
Tuy nhiên, với đoạn đường xa, xe lại ghé vào Emeral Springs để mọi người nhận thức ăn đã được đặt trước từ ban trưa. Riêng năm người chúng tôi chỉ mua thức ăn nhẹ và đi vệ sinh, nghỉ ngơi thôi.
Sau khoảng nửa giờ đồng hồ, mọi người tiếp tục lên xe cho cuộc hành trình còn lại. Đồng hồ lúc nầy là 6.15 giờ, trời đã tối.
Về đến Thành phố Darwin xe buýt còn đổ người ở từng khách sạn mà du khách lưu trú. Chúng tôi về đến phòng cũng gần 9 giờ. Sau đó rủ nhau đi xuống đến tiệm pizza cùng nhau thưởng thức món pizza mà hướng dẫn viên đã quảng cáo.
Trở về phòng, tắm rửa thì cũng đã 11 giờ, chúng tôi phải ngủ và chuẩn bị cho ngày mai thức sớm nữa để làm chuyến đi đến Kakadu National Park cũng là một Di Sản Thiên Nhiên của Úc Đại Lợi được UNESCO công nhận trong cùng 17 Di Sản khác của Úc.

Nguyên Thảo,
16/10/2016.



Saturday, October 15, 2016

*Yêu Em!


Yêu em tôi phải thẫn thờ
Nắng vàng, mây trắng, ngồi mơ cuộc đời
Mơ trong tưởng tượng chơi vơi
Mơ thì mơ vậy, nỗi lòng nhớ nhung!

Yêu em tôi lại lông bông
Con thuyền chẳng bến, xuôi dòng về đâu
Sao em không tiếp nhịp cầu
Lòng tôi cứ mãi phập phồng mà mơ!

Yêu em tôi hóa dại khờ
Làm sao để tỏ, đắn đo lắm lần
Nghe tim rạo rực, phân vân
Nghe tôi như đã... Vạn lần yêu em!

Nguyên Thảo,
16/10/2016.



Wednesday, October 12, 2016

*H.T Chữ Nghĩa 27: Từ "Bản Tin Nông Gia" đến "Blog". (Tiếp theo và Hết)



Đoạn đường viết của tôi cũng trở nên kéo dài, cứ hết cái nầy lại kéo qua cái khác; và cứ thế mà tôi “phát ngây” theo đuồi, giống như người chơi trong một cuộc chơi “đuổi bắt”: Khi bắt được cái nầy lại nẩy sinh ra cái khác, vì vậy mà tôi phải dành ra chút ít thì giờ để diễn giải những điều mà mình ghi nhận được, thế là một bài khác được thành hình. Cứ tiếp tục như vậy mãi, mà tôi trở nên “ghiền”, thôi thì bỏ ra khoản thời gian ngắn nào đó mà mình có thể trao đổi vài kinh nghiệm cùng với bạn bè, đồng môn cũng hay; đồng thời nó cũng giúp mình thực hiện được ý tưởng vào thời xa xưa: Viết để vạch trần những thói đời trong xã hội để mọi người xem chơi! Rồi, khi những chuyện “Tào lao thế sự” chưa chấm dứt, thì tôi lại nhớ đến một chuyện quan trọng khác của chính mình, đó là chuyện tôi phải “lưu lạc” trên xứ người. Nó quan trọng không phải là cho chính tôi, mà sự quan trọng đó là cho con, cháu, và những thế hệ về sau của nhà tôi. Tôi phải viết để cho chúng biết tại sao tôi đi khỏi đất nước, cuộc hành trình lưu lạc như thế nào để ngày nào đó chúng muốn biết lai lịch của chúng thì chúng có thể hiểu được chút nào: Vì vậy mà “Xứ Người” được ra đời. Tôi sẽ cố gắng diễn giải mọi sự thật trong cuộc sống hàng ngày trên bước đường lưu vong, lẫn ở nơi xứ người, cùng nêu lên sự khác biệt với quê hương như làm một cuộc tổng hợp để đúng là một “tài liệu” cho riêng gia đình, đồng thời để mua vui cho người đọc khi có dịp đọc đến. Tất nhiên những điều được tôi ghi nhận không phải là chính xác, tôi chỉ viết trên những gì trên thực tế, chứ mực độ chính xác về luật pháp hay tổ chức thì chắc hẳn là không (vì tôi không đủ trình độ để nghiên cứu về cách tổ chức trên xứ người). Điều nầy theo dự trù của tôi nó sẽ kéo dài đến khi gia đình tôi được đoàn tụ mà có thể sẽ kéo xa hơn chút ít không chừng. Khi viết “Xứ Người” tôi phải moi trong ký ức của mình theo một thời gian thật dài và trả lại những sự kiện trong đúng hoàn cảnh của nó, cũng như những suy nghĩ của tôi trong thời điểm ấy!
Đã thế, tôi lại gặp một sự kiện khác làm cho mình thêm bận rộn để viết: Vốn trong kỳ nghỉ học kỳ của mấy đứa cháu, cha mẹ chúng tổ chức chuyến đi chơi ở vùng Mount Gambier thuộc vùng đông nam của thành phố Adelaide của Tiểu bang Nam Úc. Vợ chồng tôi tùng đi theo vui cùng các cháu. Trong chuyến đi ngay vào mùa Thu, cảnh sắc dọc đường rực rỡ, tôi có vài gợi ý để cháu tôi có nhận xét về lá cây vào mùa Thu, từ đó manh nha ý tưởng sẽ viết về chuyến đi để kỷ niệm cho các cháu tôi. Nhưng khi đến thăm hang động ở Naracoorte, thì hang động nầy đã được công nhận là “Di sản thiên nhiên” của Thế giới cùng với một khu vực rộng lớn gọi chung là vùng đá vôi nằm trải dài từ Tiều bang Nam Úc sang lãnh thổ của Tiều bang Victoria. Vào khoảng năm 2000 chúng tôi đã có đến đây một lần nhưng thuở đó chưa được đưa vào danh sách “Di sản Thiên Nhiên của Thế Giới” cho nên đi xem như là những thắng cảnh thông thường, và lúc đó tôi cũng chưa biết về những đặc điểm khác biệt của nó. Nhưng với chuyến đi lần nầy, tôi lại biết thêm nhiều điều qua vài tài liệu, cho nên ý tưởng cần viết lại được thúc đẩy mạnh hơn: Làm “Một công đôi ba chuyện” vậy! (Kỷ niệm, du lịch, kiến thức).
Vì thế khi xong chuyến đi, về nhà tôi soạn lại để bắt đầu cho một cuộc hành trình mới trên trang blog. Tuy nhiên, “Chuyến Đi Vùng Đá Vôi” phải trì hoãn lại vì hai ngày sau tôi phải “Làm Một Chuyến Đi” vào trong chính giữa lòng nước Úc: Nơi có hòn đá Uluru, còn gọi là Ayers Rock cũng là một Di sản Thiên Nhiên khác của nước Úc. Cái ưu thế trong việc ghi lại của tôi chính là cái máy quay phim, nhiều cảnh nhiều nơi quá khiến mình khó nhớ hết được, nhưng vì tôi muốn ghi lại những hình ảnh trong chuyến đi để ngày nào đó mình cảm thấy buồn buồn mở ra ngồi coi lại; cho nên cái máy quay phim luôn có trong các cuộc hành trình của tôi, vì thế với những hình ảnh đó đã giúp cho tôi viết lại thành bài được nhiều chính xác và thứ tự hơn.
Theo như lúc trước tôi có viết rằng: “Tôi không có khiếu viết về du lịch”, nhưng với những lần nầy tôi cố gắng vì “kỷ niệm” cho các cháu, cũng như để cung cấp một ít tài liệu cho độc giả cùng mình được hiểu thêm, tôi đành gắng sức để làm thêm tiêu đề về “Du lịch” nữa. Đây là mục mà chiếm nhiều thời gian nhất của tôi vì nó cần những tài liệu để làm phong phú cho chuyến đi cũng như để độc giả vừa đọc giải trí, đồng thời được hiểu biết thêm chút ít nào về những nơi ấy; nhưng khổ nỗi vốn ngôn ngữ của tôi lại chẳng là bao nhiêu, nên tôi đành phải “vượt khó”!
Thế rồi cái gì cũng lần lần được qua đi, hết chuyến nầy lại đến chuyến khác. Ghi lại các cuộc hành trình để chia sẻ cùng với độc giả, bạn bè mà thôi! Đến nay thì những đoạn đường đi qua ở Mỹ cũng như hiện tại là ở “Vùng Bắc Úc” đang được ghi lại để “cùng nhau chia sẻ mà vui”!
Có lẽ, đối với tôi, “Hành trình chữ nghĩa” nầy đến nay là quá dài vì khởi thủy tôi vốn không có khiếu về “văn chương” như tôi đã biết về khả năng của chính mình, cũng như vào thời lớp Đệ Tam (lớp 10 về sau nầy) ông Thầy phụ trách về “Báo Xuân” đã nhận xét bài tôi chỉ vào dạng của lớp nhỏ hơn viết mà thôi. Nhưng chỉ vì trong cơn bệnh với nhiều suy nghĩ làm rối trí, tôi cố gắng ổn định tinh thần bằng cách định tâm. Không ngờ lại đưa tôi vào cái hình thức của những người hành Thiền áp dụng, để có những diễn tiến mà tôi hiếu kỳ theo đuổi. Sự liều lĩnh theo đuổi ấy làm cho tôi khám phá nhiều điều giống như là ảo tưởng. Chính vì “Sự ảo tưởng” ấy mà tôi phải đi tìm cho ra “Lẽ Thật”. Do vậy, sau nhiều suy nghĩ, tôi nghĩ rằng Đức Phật đã ngồi Thiền để rồi sau đó Ngài nói lên cái giáo thuyết của Ngài, thì cái tôi “thấy” trong sự Định Tâm của mình phải có nhiều điều giống nhau, hoặc phải có những điểm chung nào đó mà những người “hành Thiền” có thể thấy biết. Với sự thôi thúc từ trong Tâm, tôi cố gắng ghi lại và đúc kết thành bài đầu tiên (“Những ý kiến đóng góp về một phương pháp Thiền”) được đưa lên báo và phổ biến ra công chúng ở tại một địa phương nhỏ với cộng đồng người Việt lúc đó chỉ trên dưới khoảng 10 ngàn người. Tất nhiên số người đọc hiểu bài ấy cũng chẳng là bao nhiêu, nhưng tôi đã làm một công việc là “Trả được món nợ về Tâm Linh”. Dù bài đầu tiên đó được phổ biến rồi, tôi vẫn lo ngại vì sự đúc kết vắn tắt có thể sai lầm, cho nên tôi đợi có dịp để tường trình các diễn tiến của sự kiện, nguồn gốc ra đời của bài “Những ý kiến đóng góp về một phương pháp Thiền” ấy; đó là bài “Sự Huyền Nhiệm Về Tâm Linh” về sau. Khi bài “Sự Huyền Nhiệm Của Tâm Linh” được phổ biến rộng rãi thì tôi đã thấy yên tâm và tôi nghĩ chỉ còn tùy vào sự nhận định của người đọc để định cho mình phương hướng mà thôi, và “cái viết” của mình sẽ không còn lâu nữa!
Nhưng rồi lại với một điều khác, vì tôi chưa thỏa mãn với những Tâm Linh của mình, cho nên tôi nhất quyết phải tìm sâu hơn nữa để giải thích cho được thỏa đáng những “Kỳ lạ” mà tôi đã thấy trong cơn “mơ màng” khi tìm cách “Ổn định tinh thần” vào thuở bệnh hoạn. Thế là tôi tìm học giáo lý của nhà Phật để có thể đọc được các Kinh Phật, và rồi tôi ráo riết tìm đọc trong các Kinh Phật để tìm xem “Những điều kỳ lạ” ấy có trong đó hay không? Càng đọc Kinh Phật tôi lại hiểu thêm được nhiều điều qua “Các điều kỳ lạ” của tôi. Từ đó tôi đã ghi lại qua các bài viết “Về Đạo Phật” mà tôi đã gởi đến trang nhà “Đạo Phật Ngày Nay” để đăng tải, phổ biến.
Nhưng dù như vậy vẫn chưa đủ đối với tôi, tôi quyết phải đi tìm một lẽ thật ở vài tôn giáo khác nữa. Đối với tôi những tôn giáo về “Thần Thánh” không cần phải tìm hiểu vì đa số chúng thoát thai từ những câu chuyện Thần Thoại mà ra. Mà những câu chuyện Thần Thoại được “Con người có trí khôn” sáng tạo ra dù ở bất cứ nơi đâu hay bất cứ sắc tộc nào, cho nên tôi đi thẳng vào Kinh Thánh là Kinh điển của vài tôn giáo lớn và phát triển mạnh nhất trên thế giới để tìm hiểu và tìm xem có những điều mà tôi được chiêm nghiệm hay không?
Tôi không tìm được những điều mà tôi muốn trong Kinh Thánh, cho nên tôi lại định “ngấu nghiến” năm sách đầu của Cựu Ước được xem là những điều “mặc khải” từ Đức Chúa Trời để xem sao mà thôi. Nhưng tôi thấy chúng cũng không ra ngoài “sự tưởng tượng không hợp lý” của con người, nên tôi chỉ ghi lại hai bài đầu tiên là “Sáng Thế Ký” và “Ê-Díp-Tô ký” còn “Dân Số Ký” chỉ để dành riêng cho dân Do Thái  nên tôi không cần ghi lại. Sau đó, tôi sang qua bốn Tin Mừng của các vị Thánh đã kể về Chúa Jesus, tôi cũng chẳng tìm thấy được điều gì của minh “cảm nhận” trong đó, mà lại còn nẩy ra nhiều điều “khác lạ” vì thế mà tôi có thêm vài bài viết khi “Tôi Đọc Kinh Thánh”. Đó là những bài tôi nhận xét, phân tích khách quan, dựa đúng theo hoàn toàn nội dung của Kinh Thánh để mọi người xem chơi “Kinh Thánh là như thế đó”! Tôi đã gởi đến cho Trang Sách Hiếm để phổ biến với bút hiệu là “Gã Học Trò”. Nếu bạn muốn tìm đọc để xem chơi cho biết thì cứ vào Trang Sachhiem.net, phần phía trái ở trên có tên các tác giả và có phần “Tác giả thân hữu” bạn bấm chuột vào chữ “G”, sẽ có “Gã Học Trò”, bấm vào Gã Học Trò sẽ có các bài ấy.
“Hành trình chữ nghĩa” của tôi cứ thế đi xa hơn, từ đề mục nầy đến đề mục khác đều do “cơ duyên”, “không hẹn mà đến” từ thơ cho đến văn vẫn đều là như vậy!
Với trình độ học của tôi không cao, khả năng tôi không có, tôi không dám làm việc gì lớn, nhưng cơ duyên đã thúc đẩy khiến tôi “viết”. Và tôi đã viết, nên cái viết nầy tôi không bao giờ nghĩ là của tôi, vì vậy tôi “đành viết theo những cái gì của riêng mình như là kỷ niệm, nhưng trong cái viết ấy phải có cái chung của con người, của môi trường xã hội mà con người sinh sống”. Những yếu tố ấy hoà quyện đã kết hợp và sản sinh ra Nguyên Thảo, Đồ Ngông và Gã Học Trò; “Tuy ba mà một, tuy một mà ba”!
Tôi viết “Cuộc Hành Trình Của Chữ Nghĩa” nầy như là một thời kỷ niệm để ghi lại: Vì sao tôi viết? Khởi đầu và những cơ duyên tôi viết từ ngày đầu và đến những thăng tiến xa hơn? Vì sao tôi đi vào các đề mục như thế? Và tôi đã được nhiều người tạo cơ duyên để từ “Bản Tin Nông Gia” rồi tiến đến “Blog”, cùng để tri ân những bằng hữu đã giúp tôi rất nhiều trên các chặng đường như Huỳnh Văn Hiệp (Bản Tin Nông Gia); Nguyễn Văn Lộc (Nam Úc Tuần Báo); Lê Văn Vinh (Nhân Viên Cộng Đồng); Nguyễn Văn Sơn (Đại diện các báo Dân Việt, Việt Luận); anh Dũng (báo Việt Luận); Vũ Ngọc Kha (Adelaide Tuần Báo); Nguyễn Nhi, Phạm Ngọc Thanh (Tạp chí “Gia Đình Né”); và nhất là Từ Minh Tâm (Trang nhà CHS Trịnh Hoài Đức) với “Blog” hiện hành đúng với 5 chữ “Tâm Tình Của Nguyên Thảo”.
Và tôi cũng mong rằng với những nội dung “Cuộc Hành Trình của Chữ Nghĩa” nầy sẽ có nhiều điều giúp ích được cho các bạn, những người đi sau được vài kinh nghiệm để thực hiện “ước mơ” viết của mình trong tương lai. Tôi xin cám ơn, tri ân những người đã giúp đỡ cùng những ai đã vào đọc, hoặc cho vài ý kiến về các bài viết như là những sự trao đổi tâm tình của những người bạn thâm giao. Và chúc sức khoẻ tất cả mọi người! Thân,

Nguyên Thảo,
12/10/2016. 




Saturday, September 24, 2016

*Quê Người. (13)



Đoàn hoàn tất thủ tục hải quan ở phi trường và trong visa đã được đóng dấu cùng ghi ngày nhập cảnh vào nước Úc với tính cách là “Thường trú nhân” vào ngày 15/03/1984, thì khi vừa ra cửa chúng tôi gặp ngay người đại diện cho Sở Di Trú và cũng là thông dịch đón ở đó. Nếu tôi nhớ không lầm đó là anh Kim, người cao ráo trắng trẻo khá đẹp trai. Anh vui vẻ hướng dẫn, chào đón mọi người, rồi đưa chúng tôi ra xe buýt lớn để về trại tiếp cư.
Tôi nhớ mãi về buổi sáng hôm ấy: Trời mưa lâm râm, bầu trời mù mù đầy mây. Xe chạy trên con đường vắng vẻ, không biết lúc đó là mấy giờ mà sao con đường vắng quá, bên đường thường có nhiều quầy nhỏ để bông, cà, trái cây, không có người bán mà chỉ có cái lon đựng tiền để đó. Tôi lại nhớ đến câu mà cô Giang đã nói: “Mấy ông mà đến Adelaide giống như đi vào Viện Dưỡng Lão”, rồi tôi lại nhìn sang Cô Giang!
Xe chạy qua nhiều con đường cũng không có nhiều người hay xe cộ, trời vẫn mưa lâm râm; con đường nhựa vẫn là bóng láng. Cuối cùng xe đi vào một khu đất rộng với nhiều khoảng trống xen với nhiều khu nhà ở kiểu tiền chế. Xe ngừng hẳn ở trước một văn phòng và bà ra tiếp chúng tôi là người Úc khá mập được giới thiệu là Taylor. Bà là nhân viên Hoạt động xã hội (Social Worker) phụ trách làm thủ tục ở đây. Nhiều người đứng bên ngoài nhìn chúng tôi như là “những người mới đến” và có thể họ đang xem ai trong đoàn có quen với họ không? Nhưng trước tiên chúng tôi được Bà Taylor chào mừng khi đến nước Úc với những lời tâm tình ngắn được thông dịch, rồi sau đó là nhận danh sách nơi ở cùng người hướng dẫn dẫn về nhận phòng để trú ngụ trong thời gian đầu trong trại tiếp cư nầy. Tôi và Thành ở phân nửa nhà vòm phía bên ngoài và Bác Vỹ cùng Bác Phương phân nửa ở bên trong. Mỗi phòng có hai cái giường chiếc có đủ nệm, ra, mền và có bàn ghế để ngồi sinh hoạt hay nói chuyện với khách. Nhưng cái quan trọng không thể thiếu là lò sưởi điện. Sau khi cất đồ đạc xong (mà có đồ đạc gì đâu để cất!) thì tôi, thành, Bác Vỹ, Bác Phương kéo nhau lên nhà ăn để ăn sáng và chúng tôi sẽ được tập trung vào hội trường làm việc để làm các thứ giấy tờ vào lúc 10 giờ. Tôi cũng đứng vào hàng để tuần tự lấy thức ăn. Mọi thứ đều lạ lẫm, chúng tôi phải nhìn người khác làm để bắt chước ngay cả các món ăn cũng phải dùng thế nào cho đúng. Ở hội trường chúng tôi được hướng dẫn làm giấy tờ cá nhân như về thẻ khám bệnh, giấy tờ trợ cấp từ an sinh xã hội. Thời giờ còn ít cho nên chúng tôi được nghỉ để đi ăn trưa ở căng-tin rồi sẽ trở lại hội trường làm vài thủ tục khác vào lúc 2 giờ. Về phòng tôi được nghỉ ngơi thoải mái trong vài tiếng đồng hồ, còn Thành thì đi rảo trong khu vực, đến những người đã quen. Đúng 2 giờ chúng tôi tụ tập tại hội trường để làm thêm thủ tục nhập học vào các lớp Anh Văn; lớp học về đời sống mới tức là lớp học cho biết cách sống của ngưòi Úc để thích ứng vào đời sống ở xứ nầy; lịch trình khám bệnh tổng quát. Kiểu cách đầu tiên được in vào tâm trí của tôi lại là phong cách làm việc của những nhân viên ở đây: Họ rất vui vẻ, nhã nhặn, tử tế, tươi cười chứ không có tính cách hoạnh hẹ, cau có, gắt gỏng như ở bên mình.
Thế là chúng tôi có được một ngày với nhiều công việc để làm cho các thủ tục giấy tờ cần thiết của một người dân trên xứ Úc. Thế mà cũng chưa đầy đủ, nên còn phải làm thêm một số việc vào ngày hôm sau.
Căng-tin được mở cửa cho buổi ăn chiều từ lúc 5 giờ cho đến 7 giờ, cho nên những người trong trại tiếp cư không phải vội vàng, họ có thể bận công việc hay đi đâu đó có thể đến trễ miễn là trước giờ đóng cửa.
Chiều đến có một số người đi vào trong trại tiếp cư để tìm xem có người thân nào đến không, đồng thời gặp vài người để hỏi thăm, nói chuyện chơi sau một ngày làm việc mệt nhọc. Người mới đến cũng mừng và người cũ cũng vui vì “tha phương” mới có dịp gặp nhau. Họ nói ngày mai có cuộc biểu tình ở ngoài “city” (tức là ở ngoài trung tâm của thành phố), Bác Vỹ mới hỏi họ “biểu tình gì?”, thì họ cho biết là “biểu tình để chống ông Ngoại trưởng của Việt Nam là ông Nguyễn Cơ Thạch đến Úc, ở Thủ đô Canberra”, nhưng Cộng Đồng ở đây cũng tổ chức biểu tình phản đối ở tại Thành phố Adelaide. Họ hỏi đi không? Bác Vỹ nói rằng: “Ngày mai bọn tôi còn phải làm thêm vài thủ tục giấy tờ nữa”! Những câu chuyện hàn huyên cũng kéo dài hơi khuya, nhưng các vị khách cần về để sáng mai còn phải đi làm. Họ về nhưng cũng không quên hứa hẹn dịp nào rảnh sẽ vào thăm.
Đêm này có lẽ là đêm đáng nhớ nhất trong cuộc đời của tôi vì chuyến đi của tôi đã được hoàn tất. Tôi đã đến nơi đến chốn một cách đầy may mắn, nhất là đối với người mà không đủ điều kiện nào để làm một chuyến vượt biển như tôi; và hơn nữa lại xuất phát từ một vùng đất nằm trong giữa đất liền rất là khó khăn cho cuộc hành trình. Tôi có thể mừng cho chính mình nhưng những điều khác lại làm cho tôi có nhiều lo âu trên vùng đất mới. Nơi nầy dù xa lạ nhưng lại cho tôi một tình thương ấm nồng hơn là nơi “đất tổ quê cha”, nơi mà người ta coi tôi như là một thành phần “không được tốt”, cái “thành phần” nầy sẽ ảnh hưởng đến bao đời con cái của tôi!
Tôi nằm nhìn lên trần nhà mà suy nghĩ và cùng những điều cần làm tiếp theo: Trước hết là đối với vợ con tôi! Và tôi sẽ phải làm gì đối với những ngày kế tiếp. Tôi không thể lượng định được điều gì, vì ngay với bản thân tôi phải còn ứng phó với rất nhiều khó khăn. Đêm khá lạnh, chiếc sưởi điện nhỏ hừng nóng, thằng Thành đang lui cui soạn lại những thư từ mà những bạn bè ở Sungai Besi đã nhờ gửi đến người thân quen ở các nơi hoặc gia đình ở Việt Nam. Hôm nay là ngày 15/03/1984 đánh dấu ngày đầu tiên mà anh em chúng tôi đặt chân lên xứ Úc để định cư và sống đời lưu vong trên “Xứ người”!
Sáng hôm sau Bác Vỹ và Bác Phương đã dậy sớm và lúc gần 8 giờ hai bác gõ cửa chúng tôi rủ đi ăn sáng. Vì mệt quá, hơn nữa hồi hôm mãi đến khuya mới ngủ cho nên khi nghe tiếng gõ cửa tôi mới thức dậy và nói hai Bác lên căng-tin trước rồi chúng tôi sẽ lên sau. Sau khi đánh răng, rửa mặt ở phòng giặt, tắm gần chỗ ở rồi tôi và Thành mới lên căng-tin. Đã có nhiều người kể cả các sắc dân khác đã đến trước ăn ở đó. Lấy thức ăn xong tôi đến ngồi bên bàn Bác Vỹ, Bác Phương. Bác Vỹ hỏi tôi có tính gì chưa? Tôi đành trả lời ỡm ờ: Chưa tính gì cả, còn lạ quá chưa biết thế nào mà tính. Chắc phải viết thư về nhà nhờ gởi giấy tờ qua rồi làm hồ sơ bão lãnh! Còn mọi chuyện khác thì bây giờ đành chịu, phải “hạ hồi phân giải” thôi! Chắc lo học Anh Văn trước rồi mới tính được! Còn Bác và Bác Phương thì sao? Những câu chuyện xoay quanh trong một tình thế mới được chúng tôi bàn đến, nhưng mọi sự vẫn chưa quyết định được, đành phải đợi thời gian. Bây giờ chúng tôi được tạm yên trên xứ người. Trại tiếp cư nầy (“hostel” chứ không phải là “hotel”) tạm là nơi ở trong thời gian đầu nầy, nhưng nó vẫn hơn là ở trong trại tị nạn và thân phận của chúng tôi đã ổn định chứ không còn “lông chông, linh chinh”: chỗ ngủ, thức ăn, rồi tiền nong thì được sự trợ cấp của chính phủ hàng hai tuần để trả chi phí và tiêu xài, mai đây lại được tham dự vào khoá học Anh Văn để có số vốn ngôn ngữ cho sự giao tiếp trong tương lai. Còn mọi chuyện khác sau nầy sẽ tính, mình lo cho thân mình trước đã!
Đến 9 giờ 30, Bác Vỹ, Bác Phương, tôi, Thành cùng những người qua cùng chuyến bay ngày hôm qua phải đến Hội trường để làm thêm một số giấy tờ về ngân hàng và mở trương mục, cùng những giấy tờ cho các thủ tục linh tinh khác. Kể như những thủ tục cho một thường trú nhân trên đất Úc chúng tôi đã làm xong và chỉ chờ nhập học cho các khóa Anh Văn và đời sống mới tức được hướng dẫn sơ qua về cách sống và giao tiếp ở trên đất Úc để mình không bị bỡ ngỡ.
Sau khi xong, chúng tôi ra ngoài thì có ông anh từ bên ngoài đi vào gặp tôi, Thành, Kim và Liêm nói chuyện với nhau. Anh tự giới thiệu là An đến đây nay đã mấy năm, nay hưỡn đãi nên vào trong trại tiếp cư Pennington nầy tìm xem có người quen hay không? An biết chúng tôi chỉ mới đến vào ngày hôm qua nên ngõ ý chỡ chúng tôi về nhà và khoản đãi bữa ăn trưa. Trước khi về nhà An chỡ chúng tôi đến Bưu Điện để Thành, Kim, Liêm gởi những thư từ mà người ở trại đã nhờ để gởi đến thân nhân; đồng thời đưa chúng tôi đến tiệm bán quần áo cũ đối diện với ngân hàng để chúng tôi biết mà sau nầy cần mua thứ gì để mặc thì đến đó, rồi lại chỡ chúng tôi đến một tiệm khác trước khi đưa chúng tôi về nhà. Nhà của An cũng khá xa, đi xe khoảng 20 phút. Về đến nhà An giới thiệu vợ con, ba vợ, rồi nói vợ lo bữa cơm. An chỡ chúng tôi lòng vòng trong khu vực cho biết.
An đưa chúng tôi về đến Pennington cũng khoảng 3 giờ rưỡi, rồi trở về để đi làm ở hãng vào ban đêm.

Nguyên Thảo,
21/09/2016.


Sunday, September 11, 2016

*Vùng Đất Mối!

*Thơ Đồ Ngông!      (tt)


Mối đã vang lừng, mối khắp nơi
Mối ngang nhiên chẳng khác không người
Đầu trên xóm dưới, đâu đều mối
Cửa ngõ ra vào, mối vẫn chơi!

Mối to mối nhỏ, ổ đông đầy
Hàng vạn mối cha giăng bủa vây
Trên dưới một lòng ăn nát mặt
Đất đai khốn khổ, mặc sâu dầy!

Bao năm lũ mối vẫn tung hoành
Phá nát cơ đồ đến nát manh
Vẫn lũ, vẫn bè cùng đục mãi
Giang sơn như đá cũng tanh bành!

Đồ Ngông,
11/09/2016.



Tuesday, September 6, 2016

*H.T Chữ Nghĩa 27: Từ "Bản Tin Nông Gia" đến "Blog". (5)



Trong cuộc đời người ta thường hay gặp những bước ngoặc để có các biến chuyển từ hướng nầy sang hướng khác, đôi khi không định trước, thì vào cuối năm 2005 tôi cũng gặp một sự việc làm cho tôi thay đổi quan niệm sống, làm việc của mình chút ít. Vốn là vào thời gian ấy, thời tiết thay đổi khiến lượng mưa rất nhiều, đến đỗi những hồ nước lớn chứa nước trên núi nhằm cung cấp nước xài cho nhà dân chúng ở các vùng dưới thấp bị nguy cơ vỡ đập, cho nên người ta xả nước. Lượng nước đổ ào ạt nhưng dòng sông nhỏ với nhiều cây cối mọc dưới lòng sông cản bớt lại nên nước phá vỡ bờ đê chảy vào trong phố chợ. Để tránh thiệt hại lớn, người ta mở đường cho chảy về vùng làm nông. Thế là khu vực của tôi canh tác bị nước tràn qua, ngập lênh láng trong vài tuần lễ, vì vậy sự thiệt hại mùa màng của khu vực cũng là đáng kể. Tôi bị trắng tay mặc dù cây trái mùa ấy tương đối là tốt, trái khá nhiều. Chính quyền Tiểu bang có trợ giúp cho chúng tôi một số tiền để chuẩn bị lại mùa vụ sau khi ngập chết, cùng giúp cho trợ cấp để sinh sống. Sau đó, tôi trồng lại một ít cà trái nhỏ. Cuối mùa, vài bạn bè lại tính nghỉ đi “holliday” (đi chơi). Tôi suy nghĩ rồi bàn với vợ: “Từ xưa đến giờ mình cứ cố gắng làm để góp vốn, nhưng cứ mỗi lần được chút ít tiền thì cũng đều có chuyện để phải tiêu xài, đến khi hết thì thôi, cho nên kỳ nầy: Thôi thì hết, cứ cho hết luôn”! Thế là kế hoạch “đi chơi” được lên lịch sẵn sàng. Và vào tháng 5/2006 vợ chồng tôi cùng anh chị Chín Sáng, Bảy Gàng cùng về Việt Nam và đi các “tour” du lịch với Saigon Tourist: Đi Quy Nhơn, Thái Lan, Trung Quốc, Kampuchia, Vịnh Hạ Long- Sapa, Huế, Hội An- Đà Nẵng, Miền Tây, Đà Lạt. Lúc đó, tôi chẳng có ý nghĩ gì về việc “ghi chép’ nào cả, chỉ tính đi là đi chơi cho thoải mái thôi.
Sau đó hai năm, với sự đồng tình từ anh chị Bảy Gàng, anh chị Năm Chỉ, Tư Quyến, Chín Thôi cùng cô Hi (em vợ tôi) và đứa cháu Anh Thư cùng nhau lại về Việt nam và làm một cuộc đi dài nữa. Lần nầy chúng tôi lại gắn kết bên Viettours Travel.
Bắt đầu từ ngày 22/5/2008 chúng tôi khởi hành cho chuyến “Xuyên Việt” từ Nam ra Bắc, lúc đầu tôi cũng chưa hề có ý niệm gì về việc ghi lại cho một chuyến đi. Chuyến đi khởi đầu từ Thành phố đi ra Nha Trang, chúng tôi bỏ đi Phan Thiết vì phải rút lại vài nơi do không có nhiều thời gian. Mãi đến khi rời Quy Nhơn, nhân trên đường đi ra Đà Nẵng trời trưa nắng, có vẻ chói chang khiến mọi người yên lặng, buồn ngủ; lúc đó tôi bỗng có ý nghĩ làm bài thơ chơi chơi để gọi là vui với những anh chị trong đoàn. Bài thơ ấy có tên là “Nẽo Đường Thiên Lý”:
Cháu Trọng (Tài xế), cháu Đình (Hướng dẫn viên) với ta đi
Hành trang thiên lý, quá mươi người
Một đoàn lữ thứ Nam ra Bắc
Dong ruổi nẽo đường, một thuở (chuyến) đi!
Do tính cách “Vui chơi và hơi tếu” nên tôi ghi ở dưới là Đồ Ngông. Rồi khi ở nơi nhà hàng “Gióng biển” tôi lại gặp ông anh từ Thanh Hóa trở vô khiến tôi làm bài thơ “Gặp Nhau” và nhất là khi đi chợ mà bỏ quên cái “bóp” (ví) giấy tờ ở phòng, thật là hồi hộp, lo âu nên có bài thơ “Bỏ Quên”. Thế là từ đó là tác nhân (duyên khởi) cho loạt bài thơ ngăn ngắn du lịch được ra đời mà sau nầy tôi đặt cho cái tên là “Thơ Đó, Thơ Đây” vì thơ thể hiện ở nơi nầy, rồi lại được làm ở nơi kia. Loạt thơ nầy được thành hình theo bước chân của tôi đi, có lẽ được khởi đầu từ Đà Nẵng trước rồi đến Huế, Bến Hải, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, rồi đi đến Ninh Bình, Hạ Long, Cát Bà.
Trong đợt nầy Thơ lại theo tôi đi Phú Quốc, sang đảo Jeju, Seoul (Đại Hàn), rồi qua đến Mã lai và sang Singapore. Nhân đó tôi quay lại chuyến đi ở Việt Nam vào hai năm trước mà ghi lại bằng những bài thơ về miền Tây. Đa số các bài thơ ấy đều ngăn ngắn, vì sau nầy tôi không thích làm thơ dài nữa mà chỉ ngắn gọn thôi, để người đọc không phải mệt mỏi do sự kéo dài lê thê, chắc cũng là bỡi nơi cái “lười” của tôi.
Khi kết thúc những bài thơ về Singapore thì tôi bỗng dưng nhớ lại: Mình làm những bài thơ ấy để làm gì, làm để cho mình làm kỷ niệm thì cũng tốt, nhưng mấy ai ra ngoài, đến nơi đó để nghĩ về bài thơ của mình. Thế là tôi không làm nữa, kể cả những chuyến đi về sau nầy.
Cũng trong đợt đi năm 2008, trước khi kết thúc thời gian để về lại Úc, vợ chồng tôi cùng anh chị Bảy Gàng, chín Thôi làm một chuyến lên Tây Nguyên: Buôn Ma Thuột, Pleiku, Kontum vào vùng Ba Biên Giới, nhưng vì quên đem theo Thông Hành nên chúng tôi đành dừng chân lại ở Cửa Khẩu Bờ Y, đó là lý do của những bài thơ về Tây Nguyên được ra đời.
Dần dà tôi gởi các bài thơ đó đến nhờ Từ Minh Tâm để chuyển lên Blog dùm tôi để những ai thấy đọc chơi cho vui, vì lúc đó tôi chưa biết cách để đưa bài lên. Một ngày tôi nhận email của Tâm: “Bao giờ anh mới làm thơ về Bình Dương đây?”. Đọc những lời ấy tôi thấy mình “cũng nên”. Vì thế tôi đành ngồi nhớ lại Bình Dương ngày xưa để tạo thành những vần thơ về quê hương mình; tất nhiên Bình Dương ngày nay tôi không biết được bao nhiêu rồi! Cũng còn may, mọi kỷ niệm thời thơ ấu lại quay về, mà kỷ niệm ấy được trải dài từ Tân Khánh để lên Tân Uyên và đi lên tận trên Phú Giáo; phối hợp cùng những kỷ niệm lúc theo Thái Văn Tâm lên Bình Long để khi ra trường nếu một mai mình có chọn về dạy trên Bình Long thì không bị ngỡ ngàng. Nhưng tôi đã không lên Bình Long mà lại còn có cơ hội được ở Bình Dương để rồi về Dầu Tiếng, vì vậy mà vùng phía Tây Bình Dương tôi lại được dịp để ghi nhớ. Đến sau nầy tôi về trường thuộc quận Lái Thiêu, và khi thời cuộc thay đổi, Lái Thiêu cùng Dĩ An nhập chung lại lấy tên là huyện Thuận An nên tôi cũng hiểu được ít nhiều về phương Nam nầy. Do vậy khi làm những bài thơ về Bình Dương cũng không là khó đối với tôi cho lắm nên đúng 100 bài thơ về Bình Dương được trình làng. Tình cảnh trong thơ thì có cũ có mới. Nhưng với tôi cái cũ nó sẽ quan trọng hơn nhiều vì tính cách lịch sử của nó. Biết đâu thêm vài chục năm sau chẳng ai biết vùng An Mỹ, Phú Hữu, Phú Trung, Phú Chánh, vùng sân bay... mà người ta chỉ biết là khu Thành phố mới mà thôi! Dù vậy, tôi vẫn có một số bài thơ “đi nhằm” vì sự phân chia về ranh giới của tỉnh Bình Dương với tỉnh Đồng Nai mà tôi không được tường tận cho lắm: Khu vực từ xã Tân Hạnh qua Chợ Đồn đến Tân Vạn vẫn còn thuộc về Đồng Nai chứ không là của Bình Dương như tôi đã nghĩ, cho nên các bài thơ viết về khu vực ấy đã sai, nhưng thế nào thì nó cũng chẳng là quan trọng đến bao nhiêu! Cứ coi như là tạm ổn!
Như vậy, duyên nợ “Thơ” của tôi với Bình Dương (100 bài) cùng một số cho các “Nẽo Đường Đất Nước” lẫn “Các Nẽo Đường” (khoảng 340 bài) đã được phát họa với những nét khái quát, có nhiều bài hơi “tếu” nên chúng đều được ghi dưới bút hiệu Đồ Ngông.
Sau những đợt ấy, Từ Minh Tâm thấy bài tôi khá nhiều và muốn tôi được tự quản lấy cái “blog” có sẵn nên chỉ cho tôi cách “post” bài. Làm cứ “cà trật, cà vuột” nên tôi phải email để nhờ Tâm giúp, chỉ dùm. Dần dà tôi cũng làm được, không đến đỗi nào!
Trong quá trình viết của tôi, quả thật là tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ viết hay làm cái nầy cái kia to tát đâu. Cái đầu tiên là tôi chỉ muốn diễn tả làm sao để người ta hiểu được cái lạ lùng mà tôi đã “thấy”, đã “chiêm nghiệm” được trong cơn “định tâm” vào thời gian bệnh mà mình trải qua. Tôi chỉ đánh lên tiếng chuông để người ta suy nghiệm lại về vấn đề “tâm linh”, mà cũng chính nó đã “thôi thúc” trong lòng tôi một ngày nào đó “phải viết”. Khi tôi có dịp “được viết”, thì tôi cứ nghĩ: Như vậy là xong! Nhưng, điều ấy không đơn giản mà lại giống như một chiếc xe bắt đầu chạy, cái trớn của nó cứ kéo hết đoạn đường nầy đi đến đoạn đường khác. Những cái ngày xưa mà tôi học, quan sát được lại hiện ra và trở thành một đề tài và rồi tôi lại ngồi viết: Bây giờ viết để cho vui mình, vui bạn bè, vui với độc giả. Cho nên tất cả bài viết của tôi chẳng có bài nào là hư cấu cả, kể cả những bài viết về loài vật hoặc có tính cách ngụ ngôn. Nếu bạn chịu khó suy nghĩ, hoặc liên kết một chút bạn sẽ tìm được ẩn ý của nó. Tại sao tôi không viết thẳng thừng, vì sự thật nào cũng đều “đau lòng” và làm cho người trong cuộc dễ trở nên “phẩn nộ” mà không chấp nhận “sự sai lầm”. Nếu không tin, bạn cứ thử phê bình, hay nói thẳng điều sai của người thân thiết rồi bạn sẽ thấy “sự ngoan cố, cãi bướng, cứng đầu” để bảo vệ chuyện làm, lập trường của họ cho bạn coi. Có lẽ từ tính chất ấy mà thơ của Đồ Ngông mới có nhiều, kể cả những bài viết về “Tào Lao Thế Sự” hoặc nói nôm na là “Chuyện Tào Lao”.

Nguyên Thảo,
07/09/2016.



*Lòng Vòng Trên "Bắc Úc". (2)



Vào lúc 6 giờ, chiếc du thuyền rời bến đậu, từ từ thả ra ngoài đi vào vùng nước của bến cảng. Mọi người lục tục đi lấy thức ăn theo kiểu tự phục vụ. Nước uống thì mình mua ở quầy rượu. Tôi làm một chai bia để gọi là ấm lòng, vợ tôi cũng “ké” vào chút xíu. Vừa ngồi thưởng thức món ăn, vừa ngắm chiều dần xuống, lại ngó qua thành phố chìm trong nắng chiều màu đo đỏ. Chỉ nghe tiếng máy tàu nổ, tiếng sóng nước rì rào, và những âm thanh chuyện trò nho nhỏ, còn ngoài ra thì yên tịnh, cái yên tịnh của chiều hôm. Bên bàn ăn, ly rượu, nhâm nhi mà ngắm hoàng hôn về trên thành phố, trong khi đó thì mặt trời vẫy tay chào lần để đi ngủ thì cũng là “tuyệt”. Tôi giống như nhiều người, cũng cố chụp vài bôi hình và quay vài khúc phim như lưu luyến với cái cảnh dễ “sanh tình” nơi vùng đất xa xôi nầy! Tôi lại nhớ về những ngày lênh đênh trên biển cả của chuyến vượt biển năm xưa: Cảnh mặt trời lên và lặn trên biển hàng ngày, nhưng thuở ấy mình vẫn không đủ tâm trí để thấy nó đẹp hay hấp dẫn như thế nào, mà chỉ là với một mảnh lòng lo âu!
Du thuyền vẫn chạy, những câu chuyện được nối nhau từ bàn nầy cho đến bàn khác. Thành phố ở trên kia đã lên đèn từ lâu. Trên mặt nước cũng có những nơi loang loáng ánh đèn của vài chiếc tàu khác đang đi. Chúng tôi ăn xong món ăn chính rồi lại đến trái cây, đồ ngọt.

Theo dự trù, du thuyền sẽ chấm dứt chuyến đi vào lúc 8 giờ 30, tức là sau hơn 2 giờ rưởi dong ruổi trên mặt biển và chúng tôi lại được xe buýt đưa về khách sạn để tắm rửa, nghỉ ngơi, chuẩn bị cho ngày mai thức dậy sớm làm một cuộc hành trình xa để đến Katherine Gorge, ở mãi tận Nitmiluk National Park.
Từ 4 giờ rưởi sáng, vợ chồng tôi đã thức dậy để lo sửa soạn, uống cà phê, chuẩn bị cho chuyến đi ngày hôm nay. Chuyến đi nầy mất khoảng 14 tiếng đồng hồ trong ngày. Xe buýt của công ty AAT Kings sẽ đến
khách sạn để đón chúng tôi vào lúc 6 giờ vì vậy chúng tôi phải tụ tập ở dưới phòng đợi của khách sạn trước gần 20 phút.
Xe buýt không những đón chúng tôi mà còn đến rước khách ở những khách sạn khác nữa nên cũng mất thêm chút ít thì giờ, đã vậy lại còn đến điểm tập trung để phân chia theo chuyến xe vì mỗi ngày có hai chuyến đi: Một chuyến sẽ đi về Katherine và một chuyến cho cuộc du hành đến Kakadu National Park. Hôm nay chúng tôi đi về Katherine.
Xe buýt rời Thành phố Darwin đi về hướng Nam theo đường Stuart Highway. Đường nầy được mang tên của nhà thám hiểm John McDouell Stuart, người Âu châu đầu tiên đã tìm con đường nối liền từ Adelaide với Darwin nhằm mục đích thiết lập đường Điện tín viễn lien trên đất liền để nối hệ thống liên lạc giữa Úc với các nước khác qua ngỏ Darwin. Thành phố Darwin được phát triển nhiều dọc hai bên con đường nầy từ những năm trở lại đây cho nên thấy có vẻ sầm uất hơn. Trong những khu vực nầy đường Stuart Highway có hai làn đường cho mỗi bên lên và xuống với vận tốc là 100 km. Đến khu vực bên ngoài thôn quê đường chỉ còn có hai làn lên và xuống, thỉnh thoảng có làn đường để cho các xe qua mặt, nhưng vận tốc được cho phép chạy đến 130 km/giờ. Dọc đường xe không nhiều, nhưng xe tải hạng nặng có đầu kéo kéo đến ba toa dài, có khi lại đến bốn toa nối nhau thấy thật là “ghê”. Nhưng dù gì thì luật chỉ cho phép chiều dài của “đoàn xe” không vượt quá 53.5 m. Thấy như vậy mới biết các tài xế nầy quả thật là hay!
Ngày trước, khi nói về vùng sa mạc của nước Úc, tôi cứ tưởng tượng là nơi vùng cát đá, cây trơ trọi không nhiều như ngày học về sa mạc trong trường học, nhưng khi đi đến vùng đất đỏ trong trung tâm nước Úc thì mới thấy không đến nỗi nào, vì cây cối vẫn nhiều và màu xanh vẫn hiện diện tốt tươi mặc dù ít mưa, khô nóng. Thì ở đây, rừng cây của miền Bắc Úc vẫn nhiều, bao trùm đủ trên mặt đất dọc hai bên đường, có điều đa số vẫn là loại cây khuynh diệp cho nên cái màu hơi nâu nâu của lá khiến người ta ngồi ở trên máy bay nhìn xuống cứ thấy là vùng đất ở Úc không đủ nước để cho cây xanh tốt. Cũng quả thật như vậy, có lần tôi đã đọc được ở đâu đó nói về trên thế giới nầy lục địa khô nhất là lục địa Úc Châu, mà nơi khô nhất của Úc lại là ở Tiểu bang Nam Úc. Điều ấy không biết là có đúng không, nhưng lượng nước để cây sống nỗi như thế nầy thì nước dưới mặt đất chắc cũng là không ít. Kinh nghiệm theo như người Thổ dân từ xưa người ta đốt những khu vực nhỏ để tránh những hỏa hoạn lớn về sau, cho nên dọc đường tôi thấy có nhiều khói mù giống như là cháy rừng, điều đó được tài xế kiêm hướng dẫn viên cho biết người ta đốt từng khu vực để tránh cháy lớn vì ở đây có loại cỏ có thể cao đến 2 mét, nếu không làm như vậy thì sau nầy cháy rừng sẽ khủng khiếp hơn nhiều. Những khu vực đốt lâu, cây hồi sinh có tàng lá xanh mướt rất đẹp và nhìn vào khu rừng thấy khá thoáng. Có những cột gò mối vươn cao lên màu ngà trắng, rất lớn nhưng tài xế nói đó chỉ là những “mối cỏ” thôi, chắc ý nói nó không ảnh hưởng về cây cối. Suốt dọc đường có khá nhiều khu vực có mối. Có loại cây cọ không cao, thân không lớn mà tài xế cho biết tên của nó là “little palm” mà tôi cứ tưởng là loại cây mạt-cật để làm chổi quét ở quê mình.
Xe đến khu vực Adelaide River, tài xế đề cập đến một nghĩa trang chiến tranh ở đây và chúng tôi sẽ ghé viếng thăm ở đó trong chốc lát. Từ Darwin đến Adelaide River này có khoảng cách là 114 km. Nơi nầy được biết là đất đai của người Thổ dân Kungarrakan và Awarai từ xưa, và theo thống kê vào năm 2011 thì dân số là 237 người. Adelaide River là một thị trấn nhỏ được thành lập vào năm 1872 cho những người xây dựng đường Điện tín trên đất liền cư ngụ. Trong thời Đệ Nhị Thế chiến Adelaide River đóng vai trò chính trong việc phòng thủ của nước Úc khi các lực lượng không quân, pháo binh, truyền tin đều được đóng ở đây, và tháng 8/1942 Adelaide River War Cemetery được thành lập. Adelaide River bị máy bay Nhật dội bom một lần vào sớm ngày 12/11/1943.
Ở nghĩa trang chiến tranh nầy có tất cả là 434 ngôi mộ gồm 14 thuộc không quân, 12 hải quân Anh, 1 lính Gia Nã Đại, 18 thủy thủ, 181 ngưòi lính, 201 không quân và 7 hải quân Úc.
Sau khi viếng nghĩa trang xong, chúng tôi lại lên xe và tài xế chạy vòng ra theo chiếc cầu nhỏ trước kia để lên Stuart Highway và đi tiếp. Đến 9 giờ 40 hơn, xe dừng lại ở Emeral Springs Roadhouse cho chúng tôi xuống ăn uống giải lao, tiêu tiểu. Đã có vài xe đầu kéo, kéo ba toa chuyên chở hàng hóa hay dầu đang nghỉ ngơi ở đây. Nhiều người chắc cũng ở nơi khác đến như chúng tôi nên thấy lạ đưa máy hay phone lên chụp hình lia lịa. Tôi không chụp mà chỉ quay thôi!
Đến 10:30 giờ lại lên đường. Xe đi qua Pine Creek nơi ngày xưa có mỏ vàng, rồi lại đi vào thác Edith lúc 11:20 giờ. Thác nầy còn có tên là Leliyn theo ngôn ngữ của người Thổ dân Jawoyn, thác không cao lắm, theo ước tính nó cao khoảng 176 m so với mặt nước biển nhưng thực tế nó chỉ cao khoảng 8.7 đến 12 m so với thực địa. Nó cách Katherine chừng 60 km về phía bắc. Khi chúng tôi đến đó thì mới biết nó vốn là cái hồ chứa nước để tràn ra vào mùa nầy nước chảy cũng khá mạnh nhưng chỉ thoát ra bằng một khe nhỏ giống như ngưòi ta phá vỡ một phần đá ở miệng, nhưng chắc vào mùa mưa nhiều nước thì nước chảy ra ở độ cao hơn.

Ở hai phần phía trên và phía dưới du khách có thể tắm vì nước vừa sạch vừa trong xanh. Có những bụi dứa dại mọc dọc theo các dòng nước. Dứa nầy không có gai theo dọc lá như dứa dại ở Việt Nam. Tôi cố chụp vài tấm hình làm kỷ niệm. Có bà họa sĩ người Úc đang chỉnh sữa lại bức tranh mà bà đã vẽ (có lẽ vẽ theo bức hình đã chụp, vì bà đang cầm tấm ảnh đó). Sẵn đó tôi quay luôn cảnh nầy. Edith Falls được nối với Katherine Gorge để thành một tour du lịch Katherine Gorge Cruise và Edith Falls ở Công Viên Quốc Gia Nitmiluk (tên cũ là Katherine Gorge National Park) của hãng AAT Kings mà chúng tôi đang tham dự.
Vườn Quốc gia NItmiluk có diện tích khoảng 2,946.64 km2, ước chừng 292,800 mẫu tây của người Thổ dân Jawoyn cùng hợp tác quản lý với Tổ chức Parks and Wildlife Commission of the Northern Territory, được thành lập vào ngày 19/10/ 1977. Ranh giới phía bắc của Công viên nầy được nối kết với Kakadu National Park. Katherine Gorge là phần chính mà chúng tôi sẽ tham quan và đi “du hí” ngày hôm nay.
Chúng tôi lên xe buýt vào lúc 12 giờ rời khu vực Edith Falls để tiếp tục ra Stuart Highway đi qua thị trấn Katherine mà sang Katherine Gorge. Dọc đường gặp xe đầu kéo kéo bốn toa bồn mọi người đều ngạc nhiên và thán phục tài xế của vận tải hạng nặng đó quá chừng! Và đó cũng là điều thích thú lạ lùng trong chuyến du hành lần nầy của tôi vì ở Nam Úc tôi chỉ thấy xe đầu kéo kéo hai toa dài và một toa ngắn mà thôi!
Từ Katherine đi vào đến Katherine Gorge tới 29 km đường bộ. Vào đến đó đồng hồ đã hơn 1 giờ trưa, chúng tôi vội vàng cho buổi ăn trưa trong căng-tin ở đây. Xong, gần đến giờ cho chuyến đi chính trong ngày hôm nay, đó là tour đi “Cruise trên Katherine Gorge” trong vòng hai tiếng rưởi. Thế là đoàn chúng tôi được hướng dẫn xuống du thuyền để khởi hành đúng giờ theo quy định.

Nguyên Thảo,
04/09/2016.



Sunday, September 4, 2016

*Trời Đã Giao Mùa!



Đã từ lâu lắm tôi hay nghe nói đến hai tiếng “Giao Mùa”, nhưng tôi chỉ mang máng trong thực tế cũng như trong ký ức, chứ chưa bao giờ được quan sát kỹ càng như năm nay. Không hiểu do một sự tình cờ hoặc do nơi mình càng già đi, nên thưòng hay để ý đến thời tiết, vì vậy mà có thể phân biệt phần nào cái lý lẽ của trời đất theo kiểu khoa học với những chứng minh. Chuyện ấy đã xảy ra lúc trước, khi tôi nhìn thấy một mùa Thu muộn mà tôi đã đúc kết lại thành một bài viết có tên là “Thu Muộn”. Nay lại đến một “Sự giao mùa” khác mà mới đây tôi được dịp để nhìn ra! Nên:

Trời đã giao mùa rồi đó em
Đông qua, Xuân đến một năm thêm
Tiết trời thay đổi, người dong ruổi
Mùa ấm đang sang, nắng đến thềm
Ríu rít, chim lên lời gọi sáng
Dập dồn, cây cối lộc ra mềm
Hoa khoe sắc thắm đời tươi đẹp
Xuân đến rồi đây, giống cảnh tiên!
(Nguyên Thảo)

Ở được nơi có bốn mùa có nhiều cái hay, nhưng cũng có nhiều cái chẳng thích hợp cho người già nhất là về mùa Đông. Ngày xưa, nơi cái xứ gọi là Miền Đông Nam Bộ chỉ có hai mùa mưa nắng, nhưng những ngày mưa nó lại xảy vào các tháng nóng trong năm, nên người ta cũng có thể chịu đựng được nơi miền đồng khô cỏ cháy nầy; và đồng thời mùa ấy lại có đủ nước mưa để nông dân làm những vụ mùa và cấy lúa gọi là “lúa gò”, tức là loại lúa cấy trồng trên những thửa ruộng trên vùng đất cao. Còn những tháng nắng lại xảy ra vào các tháng tương đối lạnh của vùng ôn đới nên cái khô ráo đó cũng trở nên dễ chịu hơn. Cái khô ráo bắt đầu dần từ tháng 9, tháng 10 khi vào mùa “Tựu trường” học trò đi học để rồi nhà văn Thanh Tịnh mới có đoạn văn bất hủ: “Hàng năm cứ vào cuối Thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…” mà bao nhiêu học sinh đều biết và có học đến. Riêng tôi thì những cảnh sương mù trên đồng lúa, đường bờ ruộng, hoặc cảnh mù mù lẫn khuất trong sương sớm của những đoạn đường mà thuở học trò chúng tôi đã đi học vẫn không thể nhạt phai! Sau đó thì đến mùa gặt được ăn cơm “lúa mới” để rồi đón Tết với những ngày tháng rộn rực, náo nhiệt của Tháng Chạp nào là “đưa ông Táo”, “dẫy mã” ông bà, người thân, rồi “đón Giao Thừa, đi chúc Tết” trong năm mới.
Vào những tháng của thời tiết “giao mùa” giữa nắng và mưa thì thật là oi bức thường xảy ra vào những tháng 4, 5 và tháng 6. Một sự giằng co giữa nắng và mưa. Muốn mưa mà không mưa, nắng cũng chẳng ra nắng. Nhiều đêm ngủ phải ra “hàng ba” thoáng mát hơn mới có thể ngủ được, cho nên vào thời xưa người ta phải dùng đến “quạt mo” (quạt được cắt ra từ cái bẹ của mo cau) hay những quạt xếp được mua từ chợ. Sự giằng co của thời tiết làm cho người ta khó chịu biết bao nhiêu để rồi sau đó mùa mưa thắng thế, mưa gầm gừ dữ tợn với hàng loạt sấm sét chết người vào những cơn mưa đầu mùa. Tiết trời thay đổi cùng hơi đất xông lên khiến người bị bệnh thời khí liên miên.
Cuối mùa mưa, “Ông Trời” cũng gần như mệt mỏi nên bao nhiêu nước trút xuống đầy ấp cho nhân gian tạo nên “mưa bão” lụt lội cho bỏ ghét cái loài người ương ngạnh. Bao nhiêu gió được tập trung tạo bão lớn, bão nhỏ lia chia. Hai vùng trung tâm được tập trung là ở ngoài khơi Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Ở Đại Tây Dương thì đi vào đất Mỹ, còn Thái Bình Dương thì không xa với Phi Luật Tân nên bão nào cũng mượn đường Phi Luật Tân để đi vào, khi thì đi qua Đài Loan, Trung Quốc; khi thì vào Việt Nam thử thách dân Việt Nam coi chịu đựng tới đâu, cho nên Ông Trời đã trui rèn “tinh thần, ý chí” của dân tộc Việt hơn là “kẻ thù phương bắc”, vì vậy “sự quật cường của dân Việt” thật là dũng mãnh cũng không có gì là lạ vì:

Nam Quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Cho nên “Thủy tinh” không đánh bại được “Sơn Tinh” cũng vì lý do đó.
Đó là chuyện “Giao Mùa” ở trên quê hương, nơi có hai mùa mưa nắng. Còn chuyện giao mùa nơi cái xứ Xuân, Hạ, Thu, Đông thì nó nhạt nhòa hơn, nên tôi thường không để ý mà chỉ thoáng qua: Nay trời đã sang Xuân, hay vào Hạ; Trời đã chớm Thu hoặc bắt đầu mùa Đông. Hơn 30 năm dong ruổi nơi xứ người, lênh đênh như một kiếp lưu đày, tha phương để đi tìm lại tương lai cho con cái; để rồi ngày nào đó trên bờ sông Murray, ngồi rìa vườn cam mà ngâm hai câu thơ của Thôi Hiệu trong bài “Hoàng Hạc Lâu”:

Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Chiều xuống dần, khí trời buông lạnh, hơi nước từ sông vừa bốc lên đã gặp lạnh liền tạo nên một màn khói trên sông, rồi sóng gợn lăn tăn theo làn gió, làm sao không làm cho người tha phương lại nổi lên cơn buồn, rồi hướng mắt về quê hương nghe lòng mình quặn thắt. Nhưng quê hương mình ở phương nào đây nhỉ? Hướng mặt trời lặn, phương Bắc hay là Tây Bắc?
Hôm trước, mùa Thu năm nay đến muộn nó xen vào mùa Đông khiến tôi thấy hơi lạ để rồi ghi nhận theo hai tiếng “Thu Muộn” của ngày xưa mà mình đã được nghe qua. Và từ đó làm tiền đề cho sự quan sát lần nầy mà thấy được sự “giao mùa”!
Nếu từ mùa Hạ sang Thu thì từ nắng nóng hạ dần tới mát dễ chịu, mây nhiều, gió mưa lành lạnh, nhiều cây lá trở màu dù đó là màu vàng, đỏ hoặc nâu thì nó cũng chỉ là từ từ. Còn từ Đông sang Xuân mới hơi là lạ: Từ những ngày lạnh lẽo lại mưa nhiều, có những trận mưa đá lào rào trên mái nhà, trắng đường trắng sá, người ra ngoài phải co ro hoặc chạy nhanh để tránh lạnh lại thêm gió nhiều; rồi dần bớt mưa và trời nóng lần lên, ngày dài ra.
Cứ thế mà trải dài trong bao nhiêu năm, mà tôi chưa hề để ý để xem nó diễn biến thế nào. thế mà năm nay tôi lại chú ý đến nó, cái hiện tượng thiên nhiên kỳ thú, mặc dù tôi đã có nhiều thắc mắc từ lâu.
Trước kia, khi học về địa lý tôi chỉ biết là trái đất xoay quanh trục của nó và theo một quỹ đạo bầu dục quanh mặt trời theo chu kỳ trong một năm 365 ngày 6 giờ. Chính vì 6 giờ dư ra ấy không thể tính được cho nên theo lịch Tây một năm có 365 ngày, còn 6 giờ dư tính trong 4 năm thì đủ 24 giờ cho một ngày một đêm nên cứ 4 năm thì có nhuần một ngày. Như vậy thì “huề” không năm nào nợ năm nào nữa. Nhưng điều tôi thắc mắc không phải ở chỗ đó mà là với những ngày 23/06 và ngày 21/12 tức là ngày 23/06 là ngày trái đất nghiêng về mặt trời ở đường Bắc Chí Tuyến nên Bắc Bán Cầu là ngày chính Hè (ngày dài nhất) và ngược lại đối với Nam Bán Cầu ngày ấy là ngày ngắn nhất, có đêm dài nhất và là ngày chính Đông. Còn với ngày 22/12 thì ngược lại ở hai Bán Cầu. Theo lẽ ở đúng hai ngày ấy thì là ngày chính Hè của nửa Bán Cầu nầy thì sẽ là chính Đông của nửa kia. Nhưng không, tháng nóng nhất hay lạnh nhất của mùa Hè hay Đông thường trễ hơn gần cả tháng tức là vào Tháng 7 hoặc tháng Giêng. Tôi cố giải thích theo các luồng khí từ Cực hay từ Xích Đạo đến vùng Bắc Chí Tuyến hoặc Nam Chí Tuyến vào những thời gian tương ứng, nhưng vẫn chưa giải thích được thỏa đáng; cùng lấy hiện tượng năng lượng mặt trời làm nóng mặt đất chậm hơn nên có nhiều chậm trễ so với “mùa biểu kiến” như suy nghĩ hay suy luận và tôi cũng chưa đạt được kết quả khả quan.
Thế rồi, tôi nghĩ mình không cần quan tâm đến những điều ấy nữa vì đó không là chuyện chuyên môn của mình mà chỉ là những suy luận vui chơi, có hay không, đúng hay không đúng cũng được. Nhưng nay, tôi lại chú ý đến việc “Trời đã giao mùa”.
Quả thật người càng già thì càng sợ cái lạnh, cái lạnh gần như thấm sâu vào trong da thịt của mình làm cho mình không những nghe lạnh bên ngoài mà lại càng lạnh thêm vào trong tâm hồn nhất là đối với những thân phận cô đơn. Nên người Tây họ thường không an phận cũng phải!
Mùa Đông may là nơi nầy không có tuyết nên tôi còn đi tới đi lui, khung cảnh không phải trắng xóa mà đành ngồi trong phòng khách kế bên lò sưởi để ngó ra ngoài cửa sổ với một màu trắng khắp nơi, khiến cho bà kia đi sang Pháp với con cháu năm trước để rồi năm sau đòi về trở lại quê nhà mà ngồi kể chuyện ở quán cà phê của người em. Cái lạnh mùa Đông mấy năm nay có vẻ thất thường theo hiện tượng El Nino, La Nina; có nhiều ngày nóng hay lạnh khá hơn trước nên mọi người cần đến mền điện hoặc bình nước nóng sưởi ấm phụ thêm. Và bây giờ thời tiết giao mùa vẫn bàn giao chưa trọn vẹn!
Cái lạnh mùa Đông được bớt dần do trời mưa ít đi, nắng nóng nhiều thêm chút ít nên đất được khô và giữ sức nóng mặt trời. Nhưng vào ban đêm cái lạnh nó lại xiết hơn, đôi khi có vẻ bất thường khiến tôi phải mở mền điện nhiều hơn trước. Nóng ban ngày nhiều khiến lớp tế bào của võ cây thoát hơi nước nhiều hơn theo quá trình hô hấp, để bù lại cây cần hấp thụ nước thêm lên. Từ đó bắt buộc rễ phải phát triển để hút nước và dòng nhựa nguyên được dẫn từ đất theo các bó libe-mộc lên lá để được quang hợp tôi luyện thành nhựa luyện để nuôi cây. Do đó sự hồi sinh của cây sau “giấc ngủ mùa Đông” được bùng dậy. Cây cũng buộc phải đâm chồi để có đủ lá làm cho một cuộc hô hấp, quang hợp được trọn vẹn. Sự tăng trưởng cùng hệ thống để truyền giống như hoa và phấn được đồng loạt bung nở để lôi cuốn ong, bướm và những loài sinh vật làm tác nhân cho sự thụ phấn. Cho nên cây cối vào mùa Xuân đã thoát ra cảnh co rút của lạnh, bão hòa của hơi nước và không khí để hồi sinh tạo muôn vật như có bừng dậy với một sức sống mới. Sau thời gian đêm lạnh ngày nóng của thời gian giao mùa, rồi thì mùa Xuân hẳn vào một cuộc bắt đầu cho một thời kỳ thuộc chu trình mới của con người và của cả không gian lẫn thiên nhiên! Và cũng là thời gian đánh dấu tôi được thêm một tuổi nữa trên cõi đời nầy!

Thế là một tuổi nữa đến đây
Tớ ngẫm mà ra sợ già gầy
Mai kia lụm cụm đi không được
Lấy gì, mà lại chẳng tiếc thay!

Thế là một năm đến nữa rồi
Ta ôm thành bó đếm không thôi
Bao nhiêu chiếc nữa, ta không biết
Có biết rồi ra cũng nổi trôi!

Thế là trời đất lại xoay nhanh
Vòng quay quay mãi chẳng tranh giành
Tranh hơn, tranh thắng, cho mi đó
Tranh với nhau đi, bại với thành!
(Đồ Ngông)


Nguyên Thảo,
04/09/2016.





Wednesday, August 17, 2016

*Lòng Vòng Trên "Bắc Úc". (1)



Chúng tôi chưa dự trù lên Bắc nước Úc trong khoảng thời gian nầy, nhưng vì nhân chuyến đi hỏi thăm để: Nếu có dịp thì sang vùng đất Tân Tây Lan của những con Kiwi, cùng trái cây Kiwi fruit của giống người Maori tham quan xem thế nào. Hỏi thì chưa ra gì, nhưng chị Thới đã ngỏ ý cùng Tina của công ty lữ hành Goodwill Travel về việc “đặt chuyến” đi lên vùng Bắc Úc làm chúng tôi cũng phát nôn. Lỡ thì chơi luôn vậy! Thế là chuyến đi được bắt đầu vạch định một cách lẹ làng.
Đi trong nước thì có vẻ mắc mỏ hơn, nhưng đợi chờ thì biết đến bao giờ. Cho nên quyết định trở nên cứng chắc với thành phần 6 người: Vợ chồng tôi, vợ chồng anh Thới, cô em vợ tôi là cô Hi cùng với anh Ba Quang. Anh Thới sẽ ngủ chung phòng với anh Ba Quang, em vợ tôi ngủ chung với chị Thới. Tina tiến hành gọi điện thoại liên lạc những nơi liên hệ và tham khảo với chúng tôi về lịch trình, đặt các “tours” đi tham quan ở trên ấy để đi đến một cái chung cuộc cho chuyến đi. Sau vài giờ đồng hồ thì chuyến đi được thành hình. Cái không định đã lại đến trước rồi!
Theo lịch trình chúng tôi sẽ đón máy bay lên Darwin ngày Thứ Bảy 23/7/2016 vào ban đêm bằng chuyến phi cơ giá rẻ Jetstar rời Adelaide vào lúc 9:15 tối và đến nơi vào lúc 12:55am. Nhưng nếu lấy vé thuận lợi hơn vào ban ngày chúng tôi phải thêm khoảng hơn 500 đô nữa. Thôi thì phải chịu khó vậy! Chúng tôi sẽ ở trên Darwin khoảng bốn ngày để tham gia vào các cuộc đi tham quan rồi sau đó sẽ quay về vào ngày Thứ Năm 28/7/2016 cũng vào giờ giấc không được thuận tiện mấy vì Jetstar mỗi ngày chỉ có một chuyến bay vào các giờ giấc như vậy mà thôi!
Đến ngày, chúng tôi hẹn nhau ở phi trường lo việc “check in” và vào phòng đợi. Ai cũng có vẻ buồn ngủ, nhưng tại vì mình muốn đi cho biết thì cũng chẳng nệ hà gì. Thôi thì chịu khó trong vài ngày. Đúng là đi chơi, mọi thứ đều mệt cả kể cả cái khâu chuẩn bị. Theo kinh nghiệm nhận xét của tôi nhiều lần thì từ cái ăn, cái ngủ, đi đứng, di chuyển thì chẳng có cái sung sướng nào, nhưng người ta thích là do nơi muốn tìm hiểu, chụp hình và nhất là “con mắt” được thỏa mãn hơn hết, nên có lẽ “con mắt” là kẻ sung sướng nhất trong mọi chuyến đi.
Nói là lên phi cơ đi đường xa thì mình sẽ ngủ, nhưng khó mà ngủ được vì đông người, chỗ ngồi chật chội không thoải mái nên không thể ngủ; trừ khi mình quá mệt mỏi thì có thể ngủ khò được. Sau 3 giờ 40 phút bay với khoảng đường dài 3015 km máy bay đáp xuống phi trường ở khu vực Darwin Domestic Terminal. Máy bay ngừng hẳn mọi hành khách lại lục tục đứng dậy, lấy xách tay rời phi cơ. Chúng tôi còn phải đến quầy nhận hành lý để lấy lại hành lý của mình.
Trong thời gian nầy giờ ở Darwin cùng với giờ giấc ở Adelaide nên chúng tôi không cần chỉnh lại đồng hồ. Chưa ra cổng thì đã nhận diện được bà tài xế lái xe đưa đón của công ty Hughes Leisure cầm bảng có tên đầy đủ của 6 chúng tôi, nên không thể lộn hay nhằm lẫn gì cả. Đi theo bà ra xe để bà đưa về khách sạn. Đường tối, tôi chỉ thấy mù mờ hai bên là cây cối thật nhiều giống như đường sá trong quê. Vào giờ nầy xe cộ chẳng có mấy chiếc trên đường. Đi qua các đường chừng gần nửa giờ đồng hồ thì đã đến khách sạn. Bà tài xế cho hành lý chúng tôi xuống và giã từ, nhưng bà cũng không quên nói giờ hẹn của chúng tôi vào ngày về để lúc ấy bà đến đón và đưa ra phi trường.
Sau khi nhận chìa khoá ở quầy tiếp tân xong, chúng tôi đến cầu thang để đón thang máy lên phòng thì lại gặp được cặp vợ chồng người Việt, thì ra hai anh chị là chủ tiệm phở, quán ăn Sàigòn Star gần đây. Họ quảng cáo và mời chúng tôi một buổi nào đó đến ăn thử, tôi muốn hỏi họ đãi cho khách phương xa mới đến đó chăng? Nhưng lại thôi! Lên cùng một thang máy, nhưng phòng thì ở những tầng lầu khác nhau. Hai bà: Chị Thới và cô Hi thì lên tuốt ở tận trên chót vót là tầng lầu thứ 18 hay 19 gì đó của khách sạn Mantra Pandanas nầy để mà ngắm trăng sao. Vào phòng lo sắp xếp đồ đạc và ổn định thì lên giường để ngủ cũng đã là 3 giờ sáng. Đúng là cái muốn hành hạ đến cái thân!
Do quá mệt mỏi nên sáng không muốn dậy sớm mà nằm trên giường ngủ nướng thêm được chút nào hay chút nấy, vì hôm nay gần nguyên cả ngày chúng tôi được rảnh rang thì có thể đi vòng vòng dạo phố hay mua chút đỉnh đồ cần thiết cho vài ngày. Đến khoảng 9 giờ thì anh Thới gọi điện thoại đến báo thức và chúng tôi hẹn nhau chừng 9 giờ rưỡi cùng xuống dưới để đi dạo. Lúc đó tôi mới rời giường, lo vệ sinh, thay quần áo cùng uống cà phê và khăn gói, dụng cụ hình ảnh để ra đường. Xe cộ trên đường thì không nhiều lắm. Đường phố ở đây là trung tâm có khách sạn Hilton ở gần. Đường không rộng, nhưng hình như lối người đi bộ được băng từ góc đường bên nây sang góc đường bên kia vì tôi thấy có vạch chỉ đường nhưng không để ý là có người băng ngang hay không. Chúng tôi thả dọc theo đường Knuckey Street đi hướng về phía bờ biển. Đi ngang tiệm thức ăn nhanh Mc Donald, chợt nhớ đến hai anh chị đêm hôm giới thiệu tiệm phở của họ nên chúng tôi đi theo hướng đã chỉ thì thấy tiệm của họ cũng tương đối khang trang, nhưng bây giờ chưa phải là giờ mở cửa, đành quay trở lại đi về phía biển.
Dọc đường đi vào tiệm bán đồ lưu niệm xem qua, nhưng tôi chỉ để ý đến các tượng nặn bằng đất nun hình trứng cá sấu nở con sấu con trong vỏ, rất duyên dáng. Cuối đường Knuckey là công viên War Memorial có các cây xanh mát mẻ, khung cảnh dọc bờ biển nên thơ. Ai cũng ráng chụp những tấm hình để làm duyên và kỷ niệm. Còn tôi thì chỉ thích thỉnh thoảng ghi hình để ngày nào đó buồn buồn ngồi coi lại mà nhớ và để thấy hay hay.
Darwin nầy là vùng đất thuộc về khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nó là Thành phố ở tận mãi miền cực Bắc của nước Úc nên người ta thường gọi là “Top End” để phân biệt với vùng đất miền Bắc của tiểu bang Queenland nơi có Thành phố Cairn, Cooktown là “Far North”. Theo tài liệu thì Darwin được thiết lập từ năm 1869 và dân số thống kê vào năm 2014 là 136, 245 người trên một diện tích hơn 112 km2. Vì thuộc vùng nhiệt đới nên ở Darwin chỉ có hai mùa: Mùa mưa (tháng 11 đến tháng 4 – Tropical Summer) và mùa khô (tháng 5 đến tháng 10 – Dry Season). Khí hậu từ ấm đến nóng quanh năm, mưa bão thường xảy ra, mưa nặng hạt và nhiều sấm chớp. Người dân sống lâu đời ở đây theo ước tính lịch sử khảo cổ là giống Thổ dân Larrakia bắt đầu hơn 40,000 năm. Nhưng ngày nay với số lượng dân chúng người ta thống kê được có từ hơn 60 quốc gia đến đây và 70 sắc tộc khác nhau cùng sống chung ở đó, cho nên Darwin là thành phố pha trộn, đa dạng của nhiều nguồn gốc văn hóa cả về sắc tộc lẫn ẩm thực. Nó còn được xem như là cửa ngõ của nước Úc để giao thương với bên ngoài và vị trí của nó gần với các nước Đông Nam Á, nhất là đối với Nam Dương, cùng Đông Timor nên nó cũng có ảnh hưởng với khu vực nầy ít nhiều.
Từ War Memorial, dưới những bóng cây đầy bóng mát, chúng tôi thoải mái ngồi nhìn ra ngoài biển khơi của vùng gọi là Darwin Harbour, nước trong xanh, một màu xanh dịu mát lẫn nghe gió biển nhè nhẹ thổi vào như thể mình muốn chìm vào một “tứ thơ”. Nhưng tôi không làm thơ cho những cảnh bên ngoài nữa đâu. Vì tôi đã ngưng lâu lắm rồi, từ khi thấy mình làm thơ khá ngộ, làm thơ cho những nơi mà người ta ít biết đến nhất là trên xứ người! Tôi mãi miết nhìn ngắm, chiêm ngưỡng vài nét đẹp nào đó ở nơi nầy; rồi lại cầm máy quay quét qua một vòng hay một vài chỗ mà tôi muốn ghi lại để kỷ niệm cho một chuyến đi.
Ngồi mãi ở đây thì cũng chán, chúng tôi lại thả lần trở về khách sạn. Trên đường về ghé qua tiệm phở của vợ chồng người Việt của mình. Ba bà thì muốn ăn Mc Donald nên ghé vào tiệm thức ăn nhanh của Tây, còn ba ông đến tiệm phở; nhưng chỉ có anh Ba Quang là ăn phở, còn tôi và anh Thới lại ăn cơm: Cơm sườn nướng. Tiệm nấu ăn cũng được ra phết!
Ăn xong, rồi chúng tôi thả dọc theo đường Smith Street, xuống đến Woolworth, thì mấy bà muốn vào đó mua ít đồ. Cả đám lại kéo nhau vào mua ít trái cây, nước uống cho những ngày sau cần mang theo và uống tại khách sạn vì nước và mọi thứ ở đó đều mắc quá! Khi về chúng tôi đi theo đường Cavenagh Street, nhưng nhắm hướng giỏi quá nên đi trờ tới phía trước khá xa, hồi lâu thấy lạ mới quay lại vài con đường mới đến được đường Knuckey. À thì ra khách sạn sát đây mà lại đi mãi ở nơi đâu! Lên thang máy chúng tôi cùng hẹn nhau vào lúc 4 giờ 30 sẽ xuống phòng đợi để khoảng 5 giờ xe buýt đến chở chúng tôi ra bãi biển đi tour “Darwin Harbour Cruise”.
Chiếc xe buýt nhỏ đến, tài xế thấy chúng tôi có đúng 6 người theo như danh sách cho nên cũng không cần nói với chúng tôi nhiều. Lên xe đã có sẵn một số khách trên đó, họ từ những khách sạn khác lên mà chúng tôi là những người cuối cùng; vì thế xe buýt chạy thẳng ra bến phà Stokes Hill Wharf.
Vì đường di chuyển khá gần, cho nên chúng tôi đến cầu tàu hãy còn sớm nên cùng nhau đi lòng vòng hoặc ai thích thì chụp vài bôi hình lấy cảnh biển khơi hay quay máy vào đất liền mà ghi cảnh nhà lầu, cao ốc. Ở đây chúng tôi cũng gặp một bà Úc đến từ Nam Úc; nhưng bà lên đây bằng xe lửa, và ngày mai bà đi Kakadu rồi mới sang Katherine Gorge, xong về Uluru và sẽ đến Alice Springs ở với con bà trong vài ngày rồi mới trở về Adelaide bằng máy bay.
Đúng 5:30 giờ đoàn chúng tôi được cho xuống du thuyền để ổn định chỗ ngồi, bàn chúng tôi ở khoảng cuối, gần với quầy rượu. Chiếc du thuyền nầy là do một gia đình địa phương kinh doanh với hai chiếc tàu. Họ vận hành dịch vụ từ năm 1996 để đem đến cho du khách với món ngon của Darwin, cùng thưởng ngoạn cảnh chiều tà (hay hoàng hôn) trên vùng biển của Vùng Địa Đầu phía Bắc (Top End) nầy.

Nguyên Thảo,
17/08/2016.


Wednesday, August 10, 2016

*H.T Chữ Nghĩa 27: Từ "Bản Tin Nông Gia" Tới "Blog". (4)




Đó là những câu chuyện đưa tôi đến việc đi vào các trang mạng với các bài viết về Đạo Phật cũng như tham gia phụ giúp với các bậc phụ huynh nhằm giúp đỡ cho tương lai con cái của họ về sau nầy, sau những giây phút mà tôi không dự định viết gì nữa cả. Nhưng điều gì cũng là do “Duyên”. “Duyên” là nói theo tiếng Nhà Phật, nó giống như những hạt giống đã có sẵn, bây giờ các hạt giống ấy gặp những điều kiện thuận lợi như không khí ẩm, có đất, có nước, nhiệt độ thích hợp thì chúng nẩy mầm; thì chuyện của tôi nó được tiếp theo lại giống như vậy. Ấy là cái “duyên” viết của tôi! Đó là điều tôi không ngờ trong cuộc đời của mình lại chính là cái duyên viết ấy!
Trong thời gian tôi đưa bài cho anh Sơn (đại diện báo Dân Việt rồi Việt Luân) để báo chọn đăng trong đặc trang Nam Úc, thì dù là không có nhuận bút, nhưng anh Sơn cũng thường hay cho tôi báo Dân Việt hoặc Việt Luân để coi. Mỗi tuần có hai tờ Việt Luận, một tờ ấn bản vào thứ ba, và một tờ cho ấn bản ngày thứ sáu. Đọc để giải trí và biết tin tức, nhưng tôi cũng không có nhiều thời giờ; tuy nhiên, trong thời gian ấy tờ Việt Luận thỉnh thoảng được sự cộng tác của Thầy Lê Tấn Lộc tức là vị Hiệu trưởng của trường Trung học Trịnh Hoài Đức –Bình Dương trước kia, cái trường Trung học Công lập mà tôi mơ ước được vào từ thời còn nhỏ và tôi chỉ được về học tại trường ấy vào niên học 1965-1966 ở lớp Đệ Nhất A2, để rồi năm 1973 đến 1975 tôi về dạy Sử Địa cho mấy lớp nhỏ thuộc cấp Trung học Đệ nhất Cấp ở đó. Sang niên học 1975-1976 tôi về Trường cấp 2 An Thạnh được tách ra từ trường mẹ Trịnh Hoài Đức, để rồi năm sau tôi phải chuyển về Trường Phổ thông Cơ sở Bình Chuẩn. Thầy Lê Tấn Lộc tốt nghiệp Ban Triết và về dạy Triết trước khi lên làm Hiệu Trưởng. Khi tôi về dạy ở trường Trịnh Hoài Đức thì Thầy đã được chuyển sang Biên Hòa làm Trưởng Khu Học Chánh thì phải, và Thầy Nguyễn Văn Phúc lên làm Chánh Sở Sở Học Chánh của Tỉnh Bình Dương còn Thầy Nguyễn Văn Hộ lên làm Hiệu Trưởng.
Một điều khác cũng nên biết, đó là Thầy Lê Tấn Lộc là anh của nhà văn Kiệt Tấn là một nhà văn cũng có tiếng tăm trên văn đàn Việt Nam lúc trước. Trong các bài Thầy đưa cho tờ Việt Luận đăng có lần Thầy giới thiệu về Trang Web của Cựu Học Sinh Trịnh Hoài Đức được thành lập ở bên Mỹ do Cựu Học Sinh Từ Minh Tâm gầy dựng. Tôi cố gắng đi tìm Trang Web theo địa chỉ thì tìm thấy không khó khăn gì, và tôi liên lạc được với Từ Minh Tâm lần đầu tiên vào ngày 08/07/2009. Sau nhiều lần đắn đo, cuối cùng tôi quyết định đóng góp vào trang Web cho vui. Nói như vậy, quý vị thấy là tôi cũng “ham vui”, chứ không là “ăn thiệt”. Với bài đó tôi thú nhận thiệt tình về ước mơ và tình cảm của mình, ấy là bài “Cho Tôi Góp Một Bàn Tay”.
Từ đó tôi thường xuyên gởi bài đóng góp vào Trang nhà như là chia sẻ cùng các bạn đồng môn về mọi thứ, nhất là các bài viết của tôi đã có từ trước hoặc những bài thơ trong suốt thời kỳ tôi đã “làm được” khi can thiệp vào cuộc bút chiến “bẩn thỉu” của hai nhóm người trên đất khách. Loạt thơ Đồ Ngông ấy tôi gởi về nhờ Từ Minh Tâm chọn và đưa lên để bạn bè đọc giải trí, đồng thời biết đâu có thêm vài kinh nghiệm cuộc sống cho con cháu của họ để đối phó với cuộc đời về sau. Tôi gởi khá nhiều vừa cũ có, vừa mới có mà lại ở dạng font chữ cũ mèm, khiến Từ Minh Tâm phải vất vả sửa chữa. Thấy vậy tôi phải gởi email hỏi để Tâm chỉ cách tôi sửa chữa trước khi gởi, để Tâm được dễ dàng hơn. Và sau cùng vì Tâm thấy tôi gởi liên tục, bài vở lại tương đối là “dồi dào” nên Tâm đã mở cho tôi một cái “blog” riêng. Đó chính là cái blog đang hiện hành. Thế là tôi được thừa hưởng từ công trình của Từ Minh Tâm. Mọi trở ngại tôi đều được sự hướng dẫn của Tâm để đi đến chỗ tôi biết cách tự “Post” bài cũng như đưa hình ảnh vào trong bài vở của mình. Từ trong các bài viết ấy tôi đã liên lạc lại được với nhiều người thân cũng như bạn bè, nhất là Thầy Lý Văn Trọng người Thầy dạy học vào thời Lớp Nhì của Trường Tiểu Học Tân Phước Khánh mà bọn học trò chúng tôi rất quý mến qua bài “Tân Khánh: Quê hương thời tôi lớn” và bài “Tình Thầy Trò: Hơn 50 năm tìm lại”. Người em gái trọ học chung ngày nào của tôi qua bài “Cho tôi một lời tạ ơn”, hay là bài “Ông bạn của tôi”. Ngoài ra nhân đó tôi cũng được thêm nhiều bạn mới. Thật đây cũng là một trò chơi vui vẻ và thích thú hơn nhiều với biết bao là kỷ niệm được ôn lại để thỏa mãn tuổi già khi người ta nói “Già thường hay sống về kỷ niệm”!
Tất cả những bài thơ trong thời kỳ “mở đầu” đó tức là giai đoạn tôi “sắp chữ thành thơ” đều được tôi gởi đến cho Trang Nhà, vì tôi nghĩ đó là những tài liệu quý báu cho một đời người. Lúc trước khi tôi quyết lòng can thiệp vào “cuộc chiến” trên báo chí thì bắt buộc tôi phải có một cái hướng riêng của mình, vì tôi đã chẳng tham gia vào bất cứ hội đoàn, cũng như tôi chưa từng đến với một tổ chức nào, hoặc chẳng hề biết một ai có giữ chức vụ hay tiếng tăm nho nhỏ nào trong cộng đồng cả. Tôi can thiệp là chỉ lấy cái “uy tín” mà tôi tạo được từ những bài viết qua bút hiệu “Nguyên Thảo” mà thôi! Thân danh hay liệt của “Nguyên Thảo” được đưa vào trong cuộc chiến. Thế nhưng, khi qua 3 bài viết trực diện can thiệp, ai ngờ “Đồ Ngông” trở thành một hiện tượng “Quả thật là ngông”! Rồi ngày qua ngày người ta cứ nhớ tôi là Đồ Ngông hay có người ngại hơn gọi tôi là Ông Đồ, hơn là Nguyên Thảo.
Những bài thơ ấy tại sao tôi gọi là những “kinh nghiệm trong cuộc sống” vì khi tôi bắt đầu làm thơ để can thiệp thì tất nhiên người ta cũng sẽ chửi tôi nhiều ít; nhưng tôi phải tìm cách làm thơ hay viết “chuyện tào lao thế sự” (hoặc nôm na là “chuyện tào lao”) thì tôi phải biết cách né tránh chửi trực diện với họ, do đó tôi biến cách các tư tưởng ấy thành một cách chung chung qua các nết xấu của con người. Từ cách quảng diễn xa gần như vậy mà nhiều người cho là tôi “viết quá yếu”! Thực tế lúc đó, tôi không cần những lời khen hay chê, mà tôi chỉ cần người dân hiểu được sự phân tích của tôi để “chửi” những kẻ gây rối trong cộng đồng, phá sự yên ổn cuộc sống của người mình trên một quê hương đất khách mà mình trú ngụ, để họ tự ý thức mà giảm căng thẳng hay bớt cường độ đi mà thôi!
Có điều thêm nữa là tôi phải nghĩ ra nhiều đề tài, nhiều cách để người trong cuộc hay độc giả có thể hiểu, biết; nhưng tôi cũng phải chen vào các bài khác dịu dàng hơn như không là dính dáng gì cả, để họ không đổ cơn thịnh nộ lên tôi. Trong chiều hướng đó tôi cứ đi cho đến lúc gặp Nguyễn Nhi và Phạm Ngọc Thanh trên tập san Né, lúc ấy tôi có vẽ hơi rõ ràng hơn một chút, nhưng không là quá khích hay là “có mang tính chất chửi lộn”. Và ngoài thơ cũng như văn xuôi về “Chuyện Tào Lao” tôi cũng còn sáng tác thêm những bài mà tôi đã có vài nhận xét trong cuộc đời như là những kinh nghiệm sống được ghi lại để mọi người đọc vui chơi như: Nhà ba gian hai chái, Chuyện cờ bạc, Trang Chu và Hồ Điệp... chẳng hạn. Khi tàn cuộc các bài “Tào lao Thế Sự” ấy cũng được khoảng 62 bài với chừng 220 trang đánh máy trên vi tính. Và sau nầy tôi nối tiếp với loạt bài “Tào lao Thế Sự” khác đó là “Tào lao Thế Sự 2” đến nay cũng đã là 59 bài. Lần nầy tôi viết ngăn ngắn hơn để cho người đọc không ngán và cảm thấy mệt mỏi. Với tất cả những bài đó tôi vận dụng mọi hiểu biết, kiến thức, quan sát của mình rồi đúc kết thành những bài để độc giả coi chơi và giải trí, giết thì giờ nhàn rỗi. Tôi muốn làm công việc đó là vì từ nhỏ tôi cũng đã từng bị ăn hiếp, áp bức nên có “hận thù” xã hội, và vào thời ấy đã có lần tôi ước mơ: “Nếu sau nầy tôi mà có viết văn được tôi sẽ phanh phui mọi thủ đoạn, tật xấu, mọi cái bỉ ổi của loài người để thiên hạ coi chơi” như đã có lần tôi dí dỏm bằng bốn câu thơ:
Ngồi buồn sắp chữ lại thành thơ
Ta gọi thơ ngông chửi cuộc đời
Moi móc thói đời bao cái xấu
Đem rao thiên hạ xúm coi chơi!
Không ngờ rồi đến một ngày tôi lại cầm viết mà viết văn, thêm cả làm thơ nữa thiệt; vì vậy cái điều mong ước ảo huyền ngày xưa ấy của tôi vô hình chung lại thành. Tôi cam đoan chắc chắn với quý vị những bài ấy không hề làm thất vọng quý vị sau những giây phút thoải mái cười vui cùng giọng thơ, lời văn của Đồ Ngông mà có người đã hỏi tôi rằng: “Anh muốn làm một Tú Xương thứ hai đó chăng”? Mặc dù tôi đã trả lời: “Tôi không dám, vì tôi không phải là một nhà thơ”!
Mọi bài thơ mà tôi đã viết nên vào thời kỳ đó đều đi sát vào thực tế và tâm tính của con người, vì chúng được dựa vào cái thực tế biểu hiện của những con người đầy cái xấu; nhưng tôi phải mở rộng ra như là chuyện hay tâm tính chung của con người, chứ không dám vạch ra cái xấu của những cá nhân đó, để tránh đi những tai vạ mà mình lỡ đụng chạm vào tự ái của người khác. Cho nên tôi không thấy chúng có nhiều sai sót khi ta tìm ở đó nhiều điều mà chúng ta cần học hỏi và rút kinh nghiệm.
Tôi mạnh dạn gởi bài liên tục đến Trang nhà CHS Trịnh Hoài Đức do Từ Minh Tâm thiết lập cũng như điều hành, thì tôi chỉ nghĩ: Vì mình cũng là một cựu học sinh nên xin đóng góp cho vui, hai nữa là đem tất cả mọi kinh nghiệm mình thu thập được trong đời sống riêng tư và trong một cộng đồng để gọi là chia sẻ các kinh nghiệm sống cùng các bạn đồng môn trong cùng một trường khi xưa, thế thôi! Và khi viết các bài ấy, tôi muốn ghi lại những kỷ niệm theo cùng thời gian nào đó cho nên tôi thường ghi ngày tháng ở phía dưới các bài, chứ tôi cũng không hề để ý là làm được bao nhiêu bài; nhưng có vài bạn nhìn thấy và ngạc nhiên về sự sáng tác của tôi. Thực ra, đó chỉ là phần thơ chứ còn các bài viết về văn xuôi, cũng như nghiên cứu về Đạo Phật cùng các bài viết nhận xét về vài tôn giáo trong tinh thần đi tìm chân lý, thực chất của vấn đề, phân tích thì hãy còn nhiều hơn. Nhưng chung quy chỉ là trong vòng 10 năm từ năm 2000 đến 2010 có lẽ là thời gian để tôi cho ra đời nhiều bài nhất trên một số lĩnh vực ngoài công việc chính của tôi là nghề nông. Do vậy, có lần một đứa cháu ngạc nhiên hỏi tôi: “Công việc farm của chú bận rộn như vậy, sao chú có thì giờ để viết”? Tôi cười thay cho câu trả lời, mà thực ra tôi cũng không biết trả lời như thế nào để cho cháu hiểu. Cái viết của tôi trong lúc đó gần như là mọi ý tưởng đã có sẵn từ trong kho trí não, và tôi chỉ cần dành thì giờ để sắp xếp viết ra mà thôi. Đôi lúc tôi mường tượng tất cả những sự việc trong đời sống của tôi từ nhỏ đến lớn đều là những chi tiết có ích để bây giờ tôi chỉ cần kết hợp lại thành bài và chẳng có chi tiết nào trong cuộc đời đã xảy ra mà không có nguyên nhân của nó. Nhiều lúc tôi lại nghĩ tôi viết được ngày hôm nay lại cũng chẳng là do chính khả năng của tôi mà do cái “tâm” (chữ “Tâm” trong Đạo Phật) thực hiện hay thể hiện ra mà thôi vì như đã nhiều lần tôi đã trình bày cùng Quý vị là cái viết của tôi chỉ thực sự xảy ra từ sau cái hiện tượng mà tôi đã kể rõ ràng trong bài “Sự Huyền Nhiệm Của Tâm Linh”. Tôi chỉ làm theo những gì mà do “Sự Thôi Thúc Của Cái Huyền Nhiệm” ấy, hay đúng hơn là của cái gọi là “Phật Tánh” ở trong tôi!

Nguyên Thảo,
08/08/2016.