Monday, April 25, 2016

*Quê Người. (9)




Tôi chỉ nghe người ta nói Sungai Besi ngày xưa là khu vực khai thác của mỏ thiếc cho nên nó không có cây cối nhiều lại là vùng cát nên thường nóng. Không biết có phải vậy không mà những ngày tháng ở Besi nầy thì trời nóng thiệt. Nhưng đối với mọi người tị nạn như chúng tôi có “nơi ăn chốn ở” là quý rồi: Thân bây giờ là “Vô Tổ Quốc” mà! Nghĩ lại cũng tức cười: Bao năm chiến tranh mình không lìa bỏ xứ, hòa bình rồi chỉ vì chế độ mà bao người lại bỏ xứ ra đi làm người vô tổ quốc; không biết có bao người lại để ý đến vấn đề nầy? Con cái mình mình không lo, không thương lại muốn đuổi nó đi để cho người khác nuôi, ôi thật là oái oăm! Dân mình mình không làm cho no ấm lại muốn tồi tệ nghèo nàn để tới chỗ “bần cùng sanh đạo tặc trong khắp cùng xã hội”. Người đánh võ chỉ cần sai xẩy một thế thì có thể bị thua trận đấu, còn tổ chức xã hội chỉ cần sai lầm bước đầu thì khó mà vươn lên, đã vậy lại còn phải đối phó với muôn vàn khó khăn do nơi sai lầm ấy. Ông bà xưa đã nói: “Giàu có sanh lễ nghĩa, bần cùng sanh đạo tặc”. Lễ nghĩa, điều tốt của con người, của dân chúng đã tiêu tan theo hoàn cảnh nghiệt ngã của tổ chức xã hội ban đầu; và tội phạm, trộm cắp, cướp bốc, ù lì, vô cảm… đã manh nha theo luật “tranh đấu để sinh tồn” của bản năng đã đẩy con người sống như thời man khai không còn nghĩ gì đến lễ nghĩa cả mà chỉ làm sao để được sống: “Bần cùng sanh đạo tặc, không ăn cắp vặt lấy c.. họ ăn” như một câu chua chát mà người nào đó đi ăn cắp khoai mì để chống đói đã viết lại cho người chủ thay lời xin lỗi. Một chủ nghĩa tốt đẹp đã bị làm sai và được xem là chủ nghĩa tồi tệ nhất trên thế gian. Thật tội nghiệp cho một triết gia suốt đời tận tụy cho một chủ nghĩa lý tưởng của mình! Tôi lại nghĩ đến ý tưởng của ông nào đó trên chuyến xe buýt di chuyển từ Marang qua Sungai Besi vừa qua cũng thật là có lý, không sai!
Ổn định chỗ ở xong, mấy ngày sau chúng tôi bắt đầu cho thủ tục khám sức khoẻ, chụp hình phổi và làm các thứ cần thiết để chuẩn bị đợi chờ cho chuyến đi định cư. Thủ tục ấy cũng kéo dài hơn cả tuần. Trong trại thuở ấy chắc cũng phải hơn 6,000 người. Số nhiều nhất là đợi chờ đi Mỹ, vì đa số gốc quân nhân, công chức; đi Úc, Canada ít hơn và các nước khác thì ít hơn nữa. Khác với các phái đoàn khác, phái đoàn Mỹ khi ở Bidong chỉ duyệt hồ sơ xin đi Mỹ của người tị nạn thôi, sau đó thì chuyển họ hết qua bên Besi nầy rồi phái đoàn Mỹ mới đến phỏng vấn. Vì vậy ở đây mới là quyết định những ai được đi Mỹ. Còn ai xuôi xẻo bị phái đoàn Mỹ “xù” (từ chối) thì khó có đường hi vọng đợi các phái đoàn khác, nên người nằm ở đây lâu cũng không ít.
Sau gần hai tuần lễ trong danh sách chuyển qua một lượt với chúng tôi có một cặp vợ chồng đi chung chuyến vượt biên với tôi là Dũng (vợ có bầu) được báo đi Darwin ở Úc khiến cho nhiều người lên khiếu nại với Cao Ủy của trại: Vì sao họ đến trước chưa được đi mà người đến sau được đi, từ đó khiến một sự xét lại cũng khá qui mô: Những người đến trước được đi trước, đến sau đi sau; những người dù mới chuyển từ Bidong sang nhưng số tàu họ cũ, đến trước lâu thì họ được cứu xét đi trước. Còn một số người xin đi Mỹ từ trước, nhưng đến đây bị phái đoàn Mỹ “xù”, thì được tập hợp đưa về Bidong với số tàu mới để họ có cơ hội gặp các phái đoàn phỏng vấn, với hi vọng được nhận đi định cư vì các phái đoàn khác không mấy khi đến trại Sungai Besi nầy để phỏng vấn nhận người.
Mọi người được tự do trong trại, nhưng không phải vì thế mà không có áp lực. Những áp lực tinh thần, về hoàn cảnh gia đình đè nặng trong tâm trí rất nhiều. Tôi cũng không ngoại lệ: Tôi thừa hiểu khi mình vượt biên để ra đi, tất vợ con gia đình phải bị rất nhiều khống chế từ chế độ, lý lịch khó mà cất đầu lên nổi; luôn chịu những thiệt thòi hoặc xếp vào thành phần xấu… giống như tôi đã hiểu được những đứa học trò học rất giỏi nhưng vì cha là sĩ quan cấp lớn nên đã bị đánh rớt trong kỳ thi chuyển cấp như Thúy Lam, Vĩnh Trị, Thùy Dương.... Và cũng chính vì lý do đó mà tôi đã quyết định ra đi khi có điều kiện. Nhưng bây giờ tôi vẫn ngồi đây, trong trại tị nạn thì tôi cũng chẳng làm được gì ngay cả bản thân mình còn lo chưa xong thì mình còn lo được gì, đành phú thác cho số phận. Tôi chỉ trách cho hoàn cảnh đất nước, cho những lý tưởng xã hội mà người ta đã đẻ ra những chế độ để lôi cuốn con người vào những cuộc chiến thảm khốc, vào những quan điểm nặng nề để giết chết từng con người với nhau. Thế mà người ta cứ mãi nhân danh vì con người và đất nước! Chế độ nào cũng vậy chỉ mượn người dân để làm cái cớ mà nuôi dưỡng sự cai trị, giàu sang của bọn họ mà thôi; chứ chẳng là lợi ích của người dân bao giờ, dù cho đó là lý tưởng quốc gia, xã hội hay cộng sản.
Vừa rồi có ông nào đó trong diện được đi Mỹ đã chịu không nổi hoàn cảnh của mình đã tự vẫn ở căn phòng của “long house” trống gần long house của chúng tôi. Người ta kháo nhau rằng: Mấy ngày trước ông ta rất buồn thường hay ngồi suy tư ở gần sân chơi của trẻ con; có người rành hơn: Vợ ông ấy bỏ đi theo người khác, con cái đứa thì về với nội, đứa thì về với ngoại; tin được đứa con ở bên Mỹ báo qua khiến ông ta buồn rầu mà không vượt qua nỗi đành đến với cái chết. Ở trong trại thì rất nhiều tin: Tin đúng, tin sai, tin gà, tin vịt thì đủ cả mình không biết đâu mà rờ! Nhiều ngày nhớ vợ con và tưởng tượng những khó khăn do cách đối xử từ chế độ mà buồn; nhưng thôi thì cố gắng để vượt qua, chỉ chờ vào hi vọng, hi vọng khi đến Úc rồi sẽ tính sau. Học Anh văn cũng lỡ cỡ rồi, mà người ta nói đi Úc chẳng đợi lâu thôi thì để qua Úc học luôn. Tôi nghe có lý và để chuẩn bị cho mình trên đất người nên tôi thường vào thư viện mượn tự điển và sách tra cứu để ghi cho mình một số từ ngữ nhằm những khi không có tự điển khi đến xứ người thì mình cũng không gặp nhiều khó khăn, vì người ta bảo rằng: Ở nước ngoài khó kiếm được tự điển tiếng Việt lắm!
Một hôm hai anh em Luyến (đi chung tàu vượt biên với tôi) rủ tôi xuống nhà thờ Tin Lành chơi, nói là chơi chứ thực sự là đi dự Thánh lễ, đó là kiểu cách truyền đạo nhẹ nhàng của những người theo đạo Tin Lành để rủ người khác theo đạo. Từ đó tôi có hai ý nghĩ: Một là tìm hiểu vào tôn giáo, hai là nhân cơ hội nầy tôi phải tìm vào một câu chuyện mà ngày xưa anh bạn theo đạo Thiên Chúa của tôi đã kể lúc cùng nhau dạy học trên Dầu Tiếng. Anh ấy kể chuyện bà Êvà trèo lên cây táo hái trái, bị té cây và có vết thương; rồi đưa đến nguồn gốc chuyện làm tình của hai ông bà Adong và Êvà mà tôi chưa từng nghe hay đọc thấy, vì trước đó khi tôi còn học năm Triết ở Văn Khoa không nghe Linh Mục Tôn Nghiêm hay Kim Định đề cập đến, và tôi nhớ có lần tôi đã đọc sơ qua về Kinh Thánh trong phần Sáng Thế Ký vẫn không có mẫu chuyện đó. Lúc đó tôi phản đối và cho anh là “nói tầm bậy”, anh trấn áp tôi: “Mầy nên nhớ tao là đạo dòng, chuyện nầy có trong Sáng Thế Ký và trong quyển sách lớn của nhà thờ”. Lúc đó tôi đành lặng thinh và ấm ức mãi về câu chuyện nầy không biết có hay không. Từ đó, tôi thường hay theo Luyến đi xuống nhà thờ Tin Lành để tìm cho ra lẽ, kể cả mượn quyển Kinh Thánh lớn và đầy đủ để xem, nhưng tất cả dù lớn hay nhỏ vẫn như nhau. Như vậy câu chuyện anh bạn tôi kể chỉ là do anh thêu dệt thêm mà thôi! Nhưng tôi vẫn chưa bằng lòng, tôi phải tìm cho chính xác mới được! Đó là bước khởi đầu tôi thâm nhập vào tôn giáo để tìm hiểu. Cũng do cơ hội như vậy tôi mới biết những điểm dị biệt trong Kinh Thánh mà Tin Lành phản đối lại Thiên Chúa giáo để có cách tin và hành xử khác trong sự thể hiện Đức Tin và được cho danh xưng khác là “Thệ Phản” hay “Protestant”. Rồi cũng trong khoảng thời gian ở trại Sungai Besi nầy tôi lại gặp Hiệp, người ở Búng (Bình Dương) đi học giáo lý ở nhà thờ; Hiệp rủ, tôi cũng tham gia để tìm hiểu về đạo Thiên Chúa giáo kể cả tham gia vào những buổi lễ ở nhà thờ. Ngày đầu, tôi được học: “Nhìn vào những hiện tượng thiên nhiên, ta tin rằng có Đức Chúa Trời là Đấng tạo ra mọi sự và ta phụng thờ và chỉ phụng thờ một mình Đức Chúa Trời mà thôi”. Tự dưng tôi nghe ông Thầy Sáu nói đến chữ “mà thôi”, tôi nghe có một cái gì mường tượng xa xôi, và nghĩ đến một điều gì ở trong ký ức mà tôi không nhớ được. Về sau, tôi mới nhớ rõ ràng: Thì ra đó là chữ mà thôi của Định đề Euclid của hệ thống Toán học Euclid: Qua hai điểm ta chỉ kẻ được một đường thẳng và chỉ một đường thẳng “Mà Thôi”. Nếu ngày ấy ông Thầy Sáu nói giống như phần trong giáo lý là “tin là có Đức Chúa Trời và ta phụng thờ Đức Chúa Trời trên hết mọi sự” thì trong đầu óc tôi không có thắc mắc để đi đến tìm hiểu sâu hơn về sau nầy.
Nằm ở trong trại chỉ có tới giờ đi lãnh thức ăn, rảnh rỗi không làm gì khiến mình có nhiều suy tư, lo lắng ngoài giờ đi thư viện, xem đá banh, chiếu phim và đi dạy tiếng Việt cho mấy đứa con nít trong trại. Tin tức ở nhà thì cũng mù tịt vì tôi không có phương tiện nào để liên lạc, nhưng suy theo quan điểm hành xử của người Cộng Sản thì chắc là gia đình sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng tôi cũng bất lực và ráng lo cho thân mình. Nếu không có thằng Thành em tôi thì tôi sẽ khó hơn nhiều về sức khoẻ. Không biết cơ thể ra sao mà cứ nằm ngủ trên ván ép, ván thông hoặc dưới đất thì lại nhức cả mình mẩy, mấy ngày sau là bị cảm, bệnh nên suốt thời gian ở trong trại lẫn khi ở đảo, thằng Thành thường xuyên cạo gió dùm tôi. Ở Besi nầy nhờ có thằng Hùng đi chung tàu vượt biên làm ở trong nhà ăn nên xin được vài thùng giấy đựng mì gói đem về lót ngủ thì ít bị cảm hơn nhưng ban đêm trở mình cứ sột soạt làm mọi người trong phòng khó ngủ khiến tôi có nhiều e ngại. Ở đây, tôi ở chung phòng với gia đình anh Trọng chủ tàu PB 977 thì phải, cùng với hai ông bạn nhau là bác Ngữ và Bác Phúc; còn phòng kế bên là gia đình bà Khánh, Hùng, Hoa, gia đình Tấn Triết và vài đứa nhỏ diện cô nhi nữa. Anh Trọng cho biết khi lên đảo gặp ông Tùng người làm ở Task Force với Mã Lai là người quen biết trước từ lúc còn ở Việt Nam, ông Tùng kể rằng: Tấn Triết là đệ tử của ông ấy ngày xưa, hắn vốn là con một bác sĩ ở Tây Ninh, nhưng vì ham chơi thành học không tới đâu nên khi đi lính chỉ là trung sĩ thôi, nhờ số vốn tiếng Anh sang qua làm thông dịch. Thế mà trên tàu vượt biên lúc đầu hắn nói là Trung tá hải quân, sau là Thiếu tá không quân, lên đảo khai là Đại úy… Chuyện đời cũng lắm phong ba!

Nguyên Thảo,
25/04/2016.



*Một Mai!

*Thơ Đồ Ngông! (tt)


Một mai tôi lên chức
Trèo tới tột đỉnh cao
Tôi tìm lời hoa mỹ
Trau chuốt lấp mưu sâu.

Con đường lên phía trước
Đẩy hàng khối đi đầu
Đạp bàn dân thiên hạ
Xây cho mình chức danh.

Tổ quốc gì mặc kệ
Phúc lợi của gia đình
Ngày sau cho con cái
Mới là chuyện để tâm.

Nhưng ngoài ta cứ nói
Vì ích nước lợi người
Muôn năm cho Tổ Quốc
Vì hạnh phúc nhân dân!

Xa hơn thêm chút nữa
Vì giai cấp người nghèo
Cân bằng cho nhân loại
Ta nhất định đấu tranh!

Ai nào đâu có biết
Tâm với lại vô tâm
Làm đi xa với nói
Thiên hạ khó biết lầm!

Đồ Ngông,
25/04/2016.



Tuesday, April 5, 2016

*H.T Chữ Nghĩa 26: Hành Trình Của Thơ. (tt)




Ngày tôi quen và bắt đầu cảm động với vợ tôi, tôi có một bài thơ để tỏ nỗi lòng nhưng ngày ấy cũng là ngày tôi gởi luôn một bài “Giã Từ” vì về vai thứ tôi phải gọi “nàng” bằng “cô”. Từ đó tôi không hề nghĩ đến tình yêu ấy nữa. Nhưng chuyện đời dun rủi và “duyên nợ”, chúng tôi lại đến với nhau trong một dịp khác và các bậc trưởng thượng xét rằng mối thân thuộc đó không ràng buộc tôi và vợ tôi. Thế là chúng tôi lại lên xe hoa để làm lễ thành hôn vào năm 1970. Vì khoảng thời gian ấy vợ tôi dạy ở tận Bình Phục Nhứt thuộc quận Chợ Gạo, tỉnh Định Tường; còn tôi về Dầu Tiếng tỉnh Bình Dương nên hai vợ chồng một kẻ lên non, một người xuống đồng bằng để mỗi người lo hơn năm chục đứa con của mình và sống trong một mối tình của Lạc Long Quân, Âu Cơ hay kiểu hạnh phúc tháng 7 mưa ngâu của Ngưu lang, Chức Nữ. Những ngày trưa hè, nghe tiếng ve rộn rả và rừng cao su im ắng trong tiếng nẻ vỏ của trái cao su, lòng tôi có nhiều chơi vơi! Để thoát đi xúc động tôi có làm một số bài để “kỷ niệm về sau nầy” như cuộc hành trình của tình yêu. Nhưng ngày đi vượt biên tôi không đem theo cũng như ngày vợ con tôi đi doàn tụ cũng không biết để đem nên đành trả chúng lại cho thời gian trong quá khứ.
Thú thật, tôi không bao giờ nghĩ rằng mình có thể làm thơ mà chỉ là làm thơ “con cóc’ để vui chơi cho mình là chính và bạn bè thì thi thoảng thôi. Nhưng không ngờ đến một lúc nào đó tôi lại làm thơ và làm trong một tính cánh thật tình cờ và có sự kiện bên ngoài thúc đẩy. Ngày tôi quyết định làm thơ nhân khi đọc một bài thơ trên báo Nam Úc khi tác giả Cảm Tạ một người ơn đã trị bệnh. Tôi ngõ ý, thì anh Lộc chủ báo Nam Úc cũng khuyến khích tôi làm. Có chỗ dựa tôi làm một bài thơ đưa đến anh cùng những bài văn xuôi của tôi. Khi đưa tôi nói với anh: “Thấy được thì đăng, không thì thôi, đừng đăng đại người ta cười cho”. Anh mĩm cười nói: “Vui chơi mà”! Thế là từ đó tôi thường có một vài bài thơ gởi đến anh cho vui cũng như góp thêm hoa lá cành với tờ báo của anh, cũng là góp phần với những nhà thơ trước ở tại địa phương như Cổ Nguyệt, Cao Quỳnh Tuệ Lâm, Phương Hoài Sơn, Hoài Nam, Nguyễn Thủy Nam... và vài nhà thơ khác mà tôi chưa hề biết. Từ tháng 7 năm 2000 tôi có một vài bài thơ đưa đến anh Lộc với bút hiệu Nguyên Thảo chứ chưa là Đồ Ngông.
Mãi đến khi cuộc bút chiến gay gắt của hai nhóm trên hai tờ báo đến độ họ “chửi” nhau chứ không còn là bút chiến nữa kéo dài trong hàng tháng trời thì tôi mới tham gia vào để can ngăn. Thực sự thì tôi không biết rõ nguyên do như thế nào, nhưng tôi thấy điều làm của họ không ích lợi gì cho cộng đồng chung nhất là mình được đến đây chỉ là vì lý do tị nạn, cần một mảnh đất dung thân. Vả lại tôi thấy nhiều ngày mà những người có tiếng tăm, có vị thế, các hội đoàn mà chẳng ai dám can thiệp vào; đôi lúc có vài người khuyên răn, can thiệp thì họ lại moi móc thân thế, hay chửi thậm tệ cùng bêu xấu để không còn ai ngăn cản nữa. Tôi thấy một tình thế lạ lùng, nên đành thử xem sao. Một ngày nọ (ngày 28/04/2002) tôi liền bấm bụng viết bài “Uy lực của ngòi viết” để can ngăn bước tiến của họ lại. Trong bài văn xuôi ấy tôi chêm vào bài thơ mà tôi đã viết trước đó (vào ngày 09/04/2002):

Bắt Chước!
Bắt chước người, ta chửi cuộc đời
Ta nay hứng chí viết văn chơi,
Làm thơ moi móc đời nhiều xấu
Rồi chửi, rồi la đở hận đời!

Ta tiếc xưa kia học lỡ làng
Ngày nay ngu dốt làm dân gian,
Câu thơ, chữ nghĩa không sâu sắc
Chửi chẳng bằng ai, tức bẽ bàng!.

Phải trước ra đời đi "bán cá"
Học đòi sách vở của "hàng tôm",
Ngày nay võ miệng tha hồ chửi
Cho đám người gian "tịt" cái mồm.

Tôi làm bài thơ nầy lấy từ kinh nghiệm của “Thời con nít” khi tôi còn giữ em và coi nhà. Thuở ấy ba má tôi luôn bận rộn buôn bán và công việc làm nên tôi phải giữ em kiêm luôn coi chừng nhà. Vì vậy tôi không được đi đâu xa, mà chỉ chơi đánh sò, đánh đũa với đám con gái giữ em như tôi. Một hôm em của một đứa khóc mãi, nó dỗ không được; rồi nó bỗng dưng ngồi thừ ra mà khóc. Lạ thay, em nó lại ngưng khóc mà nhìn chị nó khóc. Từ triết lý ấy, bây giờ tôi lại áp dụng “chiêu nầy” để khiến họ phải bớt chửi lại. Thế là tôi bắt chước họ chửi, nhưng tôi sẽ lôi cuộc đời ra mà chửi bâng quơ để họ không có cớ gì để chửi vào tôi. Làm bài thơ ngông nghênh như vậy, mà can thiệp vào “chiến trường” nầy lại là một hành động ngông không thể tả, không khéo chúng lại “hè” nhau tấp nập chửi vào tôi không chừng. Tôi lưỡng lự đi tìm một cái bút hiệu để thích hợp trong hoàn cảnh nầy, cho nên cuối cùng tôi thấy bút hiệu “đồ ngông” là thích hợp hơn cả, nó vừa nói lên một tinh thần, hoàn cảnh lại là một bút hiệu sẽ bảo vệ được cho tôi trước sự tấn công hùng hỗ của người đối kháng: Vì tôi nhận là “đồ ngông nói bậy” mà họ chửi “đồ ngông” thì độc giả tự nhiên chửi họ là “đồ khùng” và tôi khỏi phải nói thêm gì nữa cả. Cái bút hiệu ấy cũng trùng hợp với tôi vì tôi vốn là “Thầy giáo” nói theo tiếng ngày xưa là “Ông đồ” thì “Ông đồ nầy ngông nghênh” hay “Đồ Ngông” cũng như những ông “Đồ Gàn”, “Đồ Nam” đã có từ trước hoặc có vị thế hơn thì “Tú Xương”, “Tú Kếu”, “Tú Xuất” vân vân... Hơn nữa, tôi nắm chắc một điều là họ sẽ không chửi tôi được vì tôi chỉ phân tích chuyện thôi chứ không trực tiếp chửi thì họ sẽ lấy cớ nào để chửi tôi.
Qua bài văn xuôi thứ hai: “Có con đường nào ta đi?” gởi cho cả hai tờ báo tôi đưa bài thơ đầy vẽ ngông hơn nữa, đó là bài:

Kẻ hiếp nàng Thơ!
Nàng Thơ than thở, dáng u sầu
Mắt ướt hoen mi, nhìn mãi đâu?
Yên lặng, chơi vơi mà chẳng nói
Eo sèo, lem luốt...Áo quần đâu?

Nàng bảo rằng: Nàng bị hiếp dâm
Đám người hung bạo đến âm thầm,
Ngôn từ, chữ nghĩa như dao mổ
Hăm dọa, bắt nàng để hiếp dâm.

Cái nhóm hung tàn đi hạ nhục
Hết người, sao lại đến nàng Thơ?
Văn chương, ý tưởng đầy thù hận
Hoen úa, nàng Thơ tự bấy giờ...!

Uổng công ăn học bấy lâu nay
Thơ văn, chữ nghĩa khó nghe thay
Đem ra ức hiếp người như thế!
Tội nghiệp nàng Thơ đến thế này..!
(12/04/02)

Và đến bài thứ ba: “Điều ‘Bất đắc dĩ’!” tôi lại đưa hai bài thơ khác vào bài văn xuôi:

Vịnh Kẻ Ngông
Thơ thẩn, long nhong một kẻ ngông
Lang thang, lếch thếch bước qua đồng
Đi rao thiên hạ: Đời nhiều xấu,
Kêu tặng cho người: Một chữ không.
Người thích?... Mấy ai ham thích mấy?
Kẻ ưa?... Chẳng để mắt thèm trông!
Đời ngông cứ muốn làm ngông mãi,
Ngông thế mà hay, cứ mãi ngông!
(21/4/02)

Kẻ Gây Rối!
Thiếu chi những kẻ chuyên gây rối
Cứ quậy, cứ la, cứ khuấy thối
Hôm nọ phanh ra chuyện nhỏ nầy,
Mai kia khui nút hầm cầu thối.
Bà con "ê mặt" đã từ lâu,
Sắc tộc "đau buồn" sáng đến tối.
Ăn nói làm sao với bạn Tây?
Dứt đi, xin bỏ đừng gây rối!
(1-4-02)

Sau ba bài trên, tôi công bố tôi không tham gia vào cuộc chửi lộn của hai phe nữa để tránh sự ồn ào cũng như bị lôi cuốn vào sự sôi động, nhưng tôi lại viết theo một cách khác, viết bên cạnh cuộc chửi lộn của họ và với những bài thơ cũng như những bài văn xuôi mà tôi đi bên cạnh họ để phân tích thói bỉ ổi của con người trong cuộc sống. Tức là những bài văn, bài thơ đều phản ánh lại những nét của con người. Trong khoảng 100 bài đầu tiên để đánh lừa những người quá khích tôi ngồi suy ngẫm những mẫu người trong xã hội để đúc kết thành những bài thơ để người đọc có thể thấy cái nét đặc biệt của từng mẫu người. Vì để tránh sự xung đột cho gia đình Né khi tôi bắt được tin người ta chuẩn bị tấn công vào gia đình Né như một lần đã có trên “Bản Tin Nông Gia” nên tôi gom góp những bài đầu tiên ấy để nhờ cơ sở Né ấn hành tập thơ Đồ Ngông 1 là tập đầu tiên. Kế đến nhà thơ Nguyễn Nhi cho ra mắt tập thơ Nguyễn Nhi và bà Nguyễn Nhi cũng cho ra mắt tập thơ Từ Thị Thu Trang. Thế là phong trào tính đánh phủ đầu gia đình Né dịu xuống và biến mất, không còn manh nha nữa.
Sau tôi đem tặng một số cho bạn bè nhằm mục đích họ có thể nói cho con cái biết mà để ý đến những mẫu người trong xã hội; nhưng tôi đã lầm người ta đọc xong lại tưởng tôi châm chọc về họ, cho nên tôi cũng có nhiều khó khăn. Kinh nghiệm lần ấy về sau (Thơ Đồ Ngông II) tôi không biếu cho ai nữa cả.
Tôi bắt đầu viết trên tập san “Né” của một gia đình gọi là gia đình Né là tập hợp những người nông dân vui chơi lập ra từ ngày 29/04/2002. Tôi không là thành viên Né, nhưng vì tập san nầy của những người làm nông nên tôi xin tham gia để viết chơi cho vui với tập thể nông gia, thế thôi! Trong bài đầu tiên: “Bài viết ra mắt” này tôi đưa vào văn xuôi bài thơ:

Thơ Ngông.

Ngồi buồn sắp chữ lại thành thơ
Ta gọi thơ ngông chửi cuộc đời
Moi móc kiếp người bao nếp xấu
Rao cho thiên hạ xúm coi chơi!

Ta ngông, ta thích làm thơ ngông
Ở cõi đời nầy cảnh trống không
Thấy đó, nhưng rồi đà mất đó
Đi về hai cõi "có" và "không"!

Lắm kẻ tranh giành "đá" lẫn nhau
Tiền tài, danh vọng,..."sướng" hay "sầu"?
Bao nhiêu mánh lới "lừa" nhau mãi
Lôi cuốn cùng nhau ở cuộc chơi.

Từ đó, tôi đi theo sát từng giai đoạn, từng sự sôi động mà tôi có những bài thơ thích ứng với tình hình, tôi viết “Chuyện Tào Lao Thế Sự” lẫn làm thơ mà người quá khích không thể lấy đó để chửi tôi được hoặc lôi kéo tôi vào cuộc chơi. Còn người được bênh vực thì chê tôi viết không vào đâu cả, thật là yếu xìu. Nhưng tôi chỉ có một mình, không ai đồng hành cũng như không thế lực nào đứng sau lưng tôi cả, nên tôi phải biết cái vị thế cũng như thân phận của mình, vì thế cái hướng đi đó là cái hướng duy nhất mà tôi phải đi.
Thế mà thấm thoát tôi cũng đã có hơn 250 bài thơ trong cuộc can thiệp ấy để rồi tiếp theo nhân chuyến du lịch xuyên Việt vào năm 2008. Tôi khởi đầu cho những bài thơ “Du lịch” gọi là “Thơ Đó, Thơ Đây”!

Nguyên Thảo,
25/03/2016.


Sunday, April 3, 2016

*Mỹ Du. (10)




Đây là ngày thứ 3 chúng tôi ở West Yellowstone. Theo chương trình dự định của Khuê, người sắp xếp dùm chương trình đi ở đây, thì có 4 ngày: Một ngày đi, một ngày về, một ngày đi về hướng tay phải từ ngã ba Madison mà chúng tôi đã đi vào ngày hôm qua; còn hôm nay chúng tôi sẽ quẹo sang tay trái ở ngã ba Madison, tức đi về hướng bắc, lên vùng núi cao để tham quan Mammoth Hot Springs gần ranh giới của hai tiểu bang Montana và Wyoming.
Mọi người đã thức dậy từ sáng sớm để chuẩn bị ăn sáng, uống cà phê trước khi lên đường. Các hành lý, thức ăn được cụ bị mang ra xe và khởi hành vào lúc gần 8 giờ rưỡi. Đến ngã ba Madison, nơi mà ngày hôm qua có người câu cá, và nhiều người chụp ảnh thì tôi mới đoán được một vấn đề: Thì ra những người câu cá đó không phải là những người đi câu mà có thể là những nhân viên ở trong công viên nầy đứng để làm cảnh cho khách du lịch tham quan và chụp ảnh vì họ đang chuẩn bị mọi dụng cụ tác chiến và hành nghề, chứ không có vẻ gì là của những người câu cá tài tử, du khách đến nơi nầy để câu. Hôm nay chúng tôi không hiếu kỳ và chụp ảnh như ngày hôm qua mà chạy luôn về phía trước và thẳng đường lên phía bắc.
Đường chúng tôi đi được gọi là đường Grand Loop hay số của nó là đường 89, đường nầy sẽ không cho đi từ tháng 12 đến tháng 4 có thể do trơn trợt hay vì tuyết vào mùa đông. Dọc theo đường có những rừng thông được trồng hay mọc lại với nhiều lứa trên những cánh đồng ngổn ngang các cây thông bị cháy đổ. Dòng sông Gibbon chạy dọc theo đường cũng tạo nên khung cảnh nên thơ. Có núi, có nước, có rừng xen với những cánh đồng cỏ trở màu đỏ vào mùa Thu trải dài pha lẫn những cột khói của những geyser màu trắng vươn lên trong màu xanh của thông làm cho du khách cũng có nhiều ấn tượng, sau chuyến đi khó mà quên được.
Khoảng 9.15 giờ chúng tôi vào khu vực thác Gibbon. Thác Gibbon là một thác cao khoảng 26 m nằm trên sông Gibbon cạnh đường Grand Loop. Trời sáng nay hơi lạnh, ẩm ướt, gió nhè nhẹ của hơi hướng mùa Thu. Những cây thông vẫn màu xanh mượt mà của nó, chỉ có những bụi cỏ, lùm cây nhỏ là lá chuyển màu mà thôi. Người ta tham quan ở đây khá đông. Chúng tôi thả lần xuống phía dưới tìm chỗ để quan sát hoặc tìm những góc cạnh sắc nét để cùng nhau chụp vài tấm hình làm kỷ niệm.

Thác Gibbon.

Mưa bắt đầu bay bay, phần thì lạnh nên sau nửa giờ chúng tôi lại lên xe để đi lên Mammoth Hot Springs. Đường đi quanh co theo những hồ, rừng. Ở bên nây ít các giếng phun nước nóng hơn, nhưng thỉnh thoảng đó đây điểm xuyết những cột khói trắng của những hổ, giếng, xen những cánh đồng cỏ mênh mông giữa những rừng thông. Đường càng đi độ cao có lẽ càng đi lên. Chúng tôi không ghé qua Norris Geyser Basin mà đi luôn. Đường đi qua những đoạn đèo vượt độ cao có dòng sông nhỏ chạy ở bên đường, khi ở bên nây khi ở bên kia, chắc đây là dòng sông Gardner có ghi trong bản đồ. Tại sao có những xe chạy trước chạy chậm lại ở chỗ nầy, thì ra chú bò (hay trâu?) Bison đi lang thang ra đường, xe chúng tôi cũng phải chạy chậm theo. Ở xứ người ta bảo vệ súc vật như thế đó, còn ở xứ mình thì sao đây? Tôi chưa tìm được câu trả lời!
Trên bản đồ cho biết Obsidian Cliff có độ cao là 2250 m (chắc là so với mực nước biển). Xe qua cái hồ có tên là Swan Lake để rồi tiến lên độ cao nữa của khu vực núi đá thật lởm chởm có nhiều đỉnh nhọn, ngổn ngang mà độ cao càng lên, trong khi đó bên phía tay phải là vực sâu có dòng sông chảy dưới đó. Vượt qua khu vực, chúng tôi lên độ cao cao hơn, nơi đây xen vào rừng thông có loại cây lá trở vàng vào mùa Thu; có nơi lá rụng hết, có nơi lá vàng hãy còn nhiều.
Đã đến bãi đậu xe (car park) của Mammoth Hot Springs. Chúng tôi lần lượt đi trên đường ván mà người ta đã thiết lập từ những năm 1990 để đi lên trên đồi. Mammoth Hot Springs là quần thể suối nước nóng nằm ở trên đồi cao có độ cao là 2053 m, muốn lên đó người ta phải đi lên những nấc thang cùng đường ván để tới nơi tham quan. Vì lên cao mà khí hậu vào mùa Thu nầy lại lạnh, cộng thêm gió, mưa bay lất phất cho nên nhiều người chịu lạnh không nổi đành xem qua loa rồi trở xuống. Tôi vì tiếc nuối nên đành đội gió mưa mà ráng lên trên để quay phim cho kỳ được. Cuối cùng trong đoàn chỉ còn tôi, cô Mí, Phụng và Khuê là lên đến phía trên, còn lại thì rơi rụng ở đâu không biết. Nhất định không để lỡ cơ hội tôi cố quay nhiều và chụp hình cho khá hơn. Tôi thích hình kỳ thú của Minerva Terrace và Cleopatra Terrace. Đứng trên cao tôi lại quay phim xuống phía dưới và chung quanh. Cảnh vật núi non bên kia phía đối diện hùng vĩ thật, thung lũng lại càng nên thơ. Suối nước nóng thì ở trên nầy mà xe đậu dưới kia. Đúng là kỳ diệu của thiên nhiên
Mammoth Hot Springs và Thung lũng.

Thật là tội nghiệp cho những nhà khoa học phải tìm cho ra lẽ để giải thích những hiện tượng đã có. Nếu như người thường thì cứ cho đại là Đấng Thiên Nhiên nào đó đã tạo nắn ra như vậy thì khoẻ biết bao, không cần phải tốn công nhiều sức chi cho mệt.
Có lẽ tôi là người trong đoàn xuống đến xe sau cùng. Nhưng mọi người thông cảm vì tôi cũng là người già nhứt trong đám, lại ham vui; mà tôi nghĩ lại tôi cần phải biết dù ít hay nhiều để hôm nay ngồi nhớ lại mà viết giúp mọi người xem chơi: Không bổ bề ngang thì cũng bổ bề dọc được một phần nào. Viết để mua vui cho mình cùng cho bạn bè độc giả: Chỉ vậy thôi!
Mọi người lên xe, trở về sau khi ăn uống qua loa.
Đoạn đường đi khi về mới để ý. Xuống đèo nhiều hơn là lên dốc; mưa có những đoạn đường nặng hạt nên đành chạy từ từ. Thế nào thì cũng về đến chỗ trọ thôi. Vậy mà về đến chỗ trọ cũng đã là chiều tối. Rồi lại cũng tắm rửa, chuẩn bị buổi ăn chiều, cũng hát karaoke. “Chỉ còn một đêm nay nữa thôi, mai ta lại về rồi; xa xa tình quán trọ, nhớ nhớ niềm đâu đó, khúc nhạc lòng chơi vơi!”...
Mọi người lo dọn dẹp phòng ốc, bếp núc lẫn hành trang của mình. Sáng hôm sau phải trả nhà trọ, và khởi hành sớm để về lại Salt Lake City.
Tất cả thức dậy từ lúc 4 giờ rưỡi sáng, lo ăn uống buổi cuối cùng ở đây. Xong cùng kiểm điểm dọn dẹp nhất là những qui định của nhà trọ, làm cho tươm tất để tránh sự phàn nàn cùng đền bù hay phiền phức từ chủ nhân. Rồi, bây giờ mới nghĩ đến việc chụp hình làm kỷ niệm chung cho mọi người có mặt trong chuyến đi. Thế mà cũng không sao đầy đủ được vì vẫn vắng ông thợ chụp hình. Cuộc chụp hình ồn ào vui thay, nhưng trong lúc chụp cũng phải sửa bộ đàng hoàng không lúc lắc, nhúc nhích được chỉ vì sợ hư hình.
Chúng tôi rời “Absaroka” (tên nhà trọ) trên đường Firehole ở West Yellowstone thuộc tiểu bang Montana vào lúc gần 7 giờ rưỡi sau khi Khuê làm thủ tục trả nhà. Hôm nay là ngày thứ tư của chuyến đi tức là ngày trở về. Xe chạy trở ra đường cũ là đường 20 và xuôi về hướng nam. Sau những ngày mệt mỏi nên các câu chuyện trên xe cũng ít hơn. Tôi thì cứ ngồi trên xe mà nhìn ra bên ngoài và nhìn xa xa, làm ra như mình giỏi về địa hình lắm vậy. Nhưng ngồi dưới đất thì cũng chẳng quan sát được bao nhiêu; thế cho nên thì cứ coi cảnh vật hai bên đường như cố ghi sâu vào ký ức chỉ vì sợ mau quên.
Đã vào địa phận của tiểu bang Idaho từ lâu, xe qua khỏi cánh rừng quốc gia Targhee, giã từ rừng thông tôi đưa tay vẫy chào để vào đồng bằng. Tầm mắt được vươn rộng ra. Tôi nhìn khu dãy núi xa xa mà nơi đó có một lần “tôi đã đến”. Đi hơn một giờ thì về đến khu vực mà Khuê cho biết là chúng ta sẽ ghé ở đây trong chốc lát để tham quan: Đó là “Yellowstone Bear World” ở Rexburg thuộc tiểu bang Idaho.
Đoàn chúng tôi đến hơi sớm, giờ mở cửa là 10 giờ nên phải đợi thêm vài phút. Sau khi người làm việc ra mở cổng, tất nhiên chúng tôi là những vị khách đầu tiên. Trung tâm nầy xem ra cũng qui mô thật. Trước sân của văn phòng cũng là nơi bán đồ lưu niệm có tượng con gấu to, và kế bên là những khu trò chơi cùng những bàn, băng để cho người ta ngồi ăn uống hay nghỉ chân. Chúng tôi đi vào phòng trưng bày những hình ảnh, vật liệu, mô hình cùng di vật của những con vật của vùng Yellowstone như con trâu Bison “buffalo”, mountain goat, hoặc Elk antler, chó sói xám, nai núi, vân vân… Coi ở đây mình có thể tưởng tượng ra trên vùng núi xa xa sẫm màu đó có những con vật như thế nầy đang sống. Quả là những hình ảnh kỳ thú và kiến thức, bên cạnh việc chụp hình với những hình ảnh nào mà mình thích. Đi qua cửa nhỏ vào khu vực bên cạnh là một vườn gia cầm: Vịt, gà, heo, ngỗng mà mấy đứa trẻ nhỏ sẽ có nhiều thích thú, nhưng coi chừng dậm phải “cức” của nó mà mang lên xe thì phải biết! Tôi đứng mãi nhìn con dê con với hộp đựng thức ăn. Phía dưới hộc thức ăn có một cái chốt, nó lấy mỏ đẩy cái chốt qua là thức ăn tuột xuống cái hộc nhỏ, nó ăn xong lại lấy mỏ đẩy cái chốt lần nữa cho thức ăn đổ xuống. Cứ thế mà làm nhiều lần chưa chịu thôi. Tôi đi qua chuồng gấu có những con gấu chưa lớn lắm đang ở bên kia đường nước và cầu. Tôi quan sát coi con gấu trèo cây như thế nào. Từ nhỏ tôi đã nghe người ta nói gấu leo cây giỏi lắm, nó leo lên cây cao ở trong rừng để ăn mật ong, ăn nhiều say mật nó té từ trên cao té xuống mà không sao cho nên người ta nói mật gấu trị tức và máu bầm rất hay. Thế cho nên mật gấu được xem là món thuốc quý giá và người ta nuôi gấu lấy mật để bán là lý do đó. Rồi tôi quay về nhìn mấy con gấu con đang đi qua đi lại trong khu vực của nó. Có con đi đến một cây, nó tính leo lên nhưng người ta đã bọc thiếc cao lên xung quanh gốc cây, nó đành nhảy tưng lên chứ không thể leo được. Nó thất vọng quay đi, một hồi lại đến gốc cây rồi tiếp diễn như trước.
Xong chúng tôi lại kéo nhau vào trong khu bán đồ lưu niệm, xem để mua chút ít đồ để làm kỷ niệm vì mình đã có tới đây. Sau đó thì ra xe để làm một chuyến safari trong khu vực vườn nầy với những con dê núi, con nai và các loại khác nhưng chính vẫn là những con gấu thả rong trong khu vực. Đi một vòng rồi xe ra cổng và đoàn xe nhập vào dòng chảy của xa lộ để về một tiệm thức ăn nhanh “Mac Donald” mà cô Mí giành trả tiền cho mọi người trước khi về nhà. Chúng tôi về đến nhà cũng đã là gần 5 giờ chiều. Đến 6 giờ 30 lại đi ra nhà hàng mà đứa cháu đã đặt trước để khoản đãi đoàn người bên Úc qua chơi. Buổi ăn chấm dứt vào lúc 10 giờ hơn. Về nhà lại karaoké và ăn chè do Tin, Ngọc nấu trước khi đi ngủ.

Nguyên Thảo,
25/03/2016.



*Nếu!

*Thơ Đồ Ngông! (tt)


Nếu mà có thế, có quyền
Tớ thề lôi kéo khối người về phe
Tập trung lập đảng, lập bè
Mai sau được vận, trèo cao tột cùng
Tha hồ phách lối tự tung
Ăn trên thiên hạ từ trong ra ngoài
Ăn cho thiên hạ mệt nhoài
Ăn cho thiên hạ hết hoài tấm thân
Dù cho vũ trụ xoay dần
Cũng ăn, thiên hạ thành dân “trọc đầu”!

Đồ Ngông,
04/04/2016.