Thursday, May 26, 2016

*Mỹ Du. (11)



Sáng thức dậy sớm uống cà phê, tâm tình những chuyện lâu ngày không gặp; và kế hoạch hôm nay là đi lên vùng núi cao ở khu vực tổ chức Thế vận Olympic Mùa Đông vào năm 2002 tại Salt Lake nầy để tham quan, cùng ghé Outlets nơi đó mua sắm chút đỉnh đồ.
Khoảng 8 giờ sáng, xe của Khuê-Hoa, và Hùng-Phương đã đến đầy đủ. Chúng tôi sửa soạn ra xe làm một cuộc hành trình lên núi. Xe chạy lần lên vùng núi cao qua những đèo dốc, nhưng đường sá tương đối rộng rãi nên không có gì khó khăn cho lắm. Tôi cứ mãi mê ngắm phong cảnh hai bên đường nhất là cảnh vật vào mùa Thu nầy. Tôi say sưa như cố đi tìm một nguyên tắc nào đó của những định lý toán học ẩn tàng trong các hình ảnh ấy. Hay tại vì những lúc đầu khi biết về thơ tôi đã bị lôi cuốn vào tâm hồn các thi sĩ vương vấn với mùa Thu như Bà Tương Phố, Lưu Trọng Lư… chăng? Rồi sau lại với Nguyên Sa, cùng các nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, Từ Linh, Văn Trí, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên… khiến tôi cũng tha thiết những mùa Thu dù mùa Thu có nhiều se lạnh, gió bay bay cùng “hàng hàng lớp lớp lá bay” theo kiểu của quyển tiểu thuyết “Mùa Thu lá bay” do nhà văn Đài Loan là Quỳnh Dao sáng tác.
Xe đã đến khu vực, đây là khu vực không biết có từ trước hay là có từ khi bắt đầu xây dựng để phục vụ cho Thế Vận Hội Mùa Đông năm 2002. Từ đó tới nay cũng đã là hơn 13 năm rồi còn gì. Đoàn rẽ phải ở đèn đỏ để vào khu vực mua sắm của “outlets”. Thế là đây là lần thứ ba chúng tôi đi vào outlets. Không, đây là lần thứ tư kể cả outlets ở Hồng Kông, và là lần thứ ba trên đất Mỹ (Thứ nhất ở Virginia, Thứ nhì Las Vegas). Nói là đi mua đồ chứ thật sự là đi coi cho nó “đã” con mắt, đi ‘"dòm” chứ đi mua gì. Lội từ tiệm nầy qua tiệm khác, coi món gì tương đối giá nhẹ mà mình thích thì mới mua, còn giá cao quá thì “ngó” chút thôi. Thế vậy, khi tàn cuộc tính mỗi người chi phí cũng hơn vài trăm bạc, vừa sắm cho mình mà cũng vừa cho con cháu để làm kỷ niệm. Đi nhông nhông cũng vui, vừa hết thì giờ mà cũng có nhiều cái thú, nhất là những món hàng hiệu mà nó lại bán rẽ hơn là đồ thường. Phen nầy tôi già mà cũng được chút chút làm “dân chơi”! Quý vị đừng tưởng lầm nhe! Dân chơi đây là “dân chơi thể thao” tức là dân chơi các bộ môn thể thao, mặc đồ hiệu thể thao, hay chơi xe thể thao (sport) mà người ta thường tưởng lầm “dân chơi” là dân anh chị, hút sách, bảo kê cho những nơi ăn chơi hay các trùm băng đảng, hoặc dân mà người ta gọi là “đâm thuê, chém mướn”. Hai hạng nầy khác nhau xa! Lội mãi trong các tiệm cho đến khoảng hai giờ thì cũng đủ chán rồi nên gọi nhau đi về. Lên xe Hùng-Phương thấy trời cũng đã xế chiều liền bàn đến việc ăn uống vì chiều nay Hùng bận dọn, rửa xe trả cho anh bạn trong mấy ngày mượn để đi. Vì vậy, xe chúng tôi tấp vào tiệm ăn nhanh Mac Donald mà Hùng-Phương sẽ bao. Xe chúng tôi về nhà trễ hơn xe kia.
Về đến nhà nghỉ ngơi chẳng bao lâu thì chúng tôi lại lên xe đi đến nhà hàng “buffet” Golden Corral ăn bữa tối. Tiệc nầy do Khuê và Hoa đãi. Như vậy, phái đoàn từ Úc qua lần nầy được chiêu đãi tận tình với bữa ăn nào cũng đáng đích cả! Ôi thì mình đành chấp nhận vậy: Lâu ngày mới gặp nhau, có lần nầy chứ chắc gì đầy đủ ở lần sau. Thôi thì không có ý kiến!
Hơn 9 giờ rưởi tiệc cũng tàn, chúng tôi về nhà nhưng chưa được nghỉ ngơi mà còn phải tập hợp để nhận những món quà do Khuê-Hoa tặng làm kỷ niệm. Ôi thật là quý hóa thay! Vừa đã lo tổ chức đi chơi, phải nghỉ phép, vừa đãi ăn lại cho quà nữa; quả là không gì quý bằng. Phái đoàn ở Úc rất là tri ân vô hạn! Đêm nầy chúng tôi phải ngủ để ngày mai chuẩn bị lên đường đi một chặng dài nữa: Đến nhà Thầy Phương ở Tiểu bang Florida để phá Thầy trong vài ngày, chứ biết bao giờ được qua nữa để ghé thăm (hay phá) Thầy! May là đêm trước chúng tôi cũng đã cụ bị hành lý sẵn sàng!
Dù đêm hôm thức tương đối khá khuya, nhưng sáng hôm sau khoảng 7 giờ rưởi Khuê và Hoa cũng đã đến cùng với xe các cháu để tiễn đoàn ra phi trường. Dung, Hùng, Bi và bạn gái của nó cũng cùng đi sang Florida luôn. Tôi vẫn luôn muốn gọi tên mấy đứa con của Dung, Hùng bằng những tên gọi bên ngoài như Tin, Ti, Bi và bé Lin chứ tụi nó có tên trong giấy tờ cũng là đẹp lắm. Gọi như vậy để cho thấy tụi nó giống như ngày nào chứ thật ra bây giờ tụi nó đã lớn rồi, học ra trường và có đứa đã đi làm, thế cho nên kỳ nầy tụi nó đã đãi cho dì dượng, cậu mợ anh chị những bữa tiệc ở nhà hàng Tây, Tàu, Việt đủ thứ. Mai đây đám cưới tụi nó sẽ đến liền liền tùy theo năm tháng. Chúng tôi giã từ, chia tay Bác Trai (ba Hùng), bà Kiều Phố (má Khuê), Khuê, Hoa ở phi trường và đi vào khu vực kiểm soát để đợi đón máy bay đi qua Houston ở Tiểu bang Texas rồi mới chuyển về Orlando của Tiểu bang Florida.
Đây là lần thứ hai của tôi đã đến Salt Lake City ở Utah nầy, lần thứ nhất vợ chồng tôi đã đến vào năm 2001 cùng với ba tôi, lúc đó các con Hùng, Dung hãy còn nhỏ, nhất là bé Lin mới có bốn tuổi thôi. Chúng tôi lưu lại trong 7 ngày (từ 13 đến 20/05/2001). Từ nơi Chánh ở, tức là Portland ở Tiểu bang Oregon xuống, chúng tôi được gia đình Hùng, Dung, Ba Hùng, Bà Kiều Phố, gia đình Khuê, Hoa đón ở phi trường và đưa về nhà Hùng, Dung ở West Valley City. Lúc đó thời tiết đang vào mùa Xuân nên cây cối có nhiều lá non xanh mướt, mặc dù các lá còn hơi nhỏ, một màu xanh duyên dáng như thời của những lứa tuổi thơ.
Chúng tôi chỉ nghĩ là đi thăm người thân như lâu ngày gặp lại, hoặc biết khi nào có dịp lại gặp nhau. Ba tôi sẽ gặp Út Nhuần con bà Tám của tôi, nhưng Út Nhuần trong lúc đó đã về Việt Nam nên ba tôi chỉ còn gặp chú Năm Tai con ông thứ chín ở Mỹ thôi và sẽ gặp cô Út Xang (con bà thứ Hai ở Áo), còn tôi thì gặp Chánh vừa là bạn bè vừa là bà con ở Oregon. Vợ tôi hội diện với em vợ tôi là gia đình Út Dung ở Salt Lake City nầy. Lần đó, Khuê và Hùng Dung đưa chúng tôi đến viếng cái hồ nước mặn rộng lớn ở trên vùng núi cao của phía Tây nước Mỹ nầy. Đó là cái hồ mệnh danh cho thủ phủ của Tiểu bang Utah “Salt Lake”. Theo tài liệu thì Salt Lake là hồ nước mặn rộng lớn nhất trong đất liền của vùng Tây Bán Cầu, nó nằm ở phía bắc của tiểu bang Utah có chiều dài khoảng 120 km, rộng chừng 45 km với diện tích là 4,400 km2. Người ta tính tổng diện tích thu thập nguồn nước của nó là 55,685 km2 và đổ vào hồ bằng ba con sông: Sông Bear, Jordon, và Weber. Chiều sâu trung bình của nó là 4.9 m, chỗ sâu nhất vào khoảng 10 m; nhưng mùa nước nhiều là 14 m và ít là 7.3 m. Độ muối ở hồ cao vì mỗi năm khoảng 1.1 triệu tấn muối được nước các con sông đưa vào nhưng hồ không có lối thoát ra mà chỉ bằng cách bốc hơi nên lượng muối được đậm đặc (khoảng 27%) và cao hơn nước biển ít hơn lượng muối của Biển chết ở Trung Đông. Chúng tôi đến đó vào xế chiều, mặt trời long lanh trên mặt hồ bao la và cũng sóng nhấp nhô vỗ vào bờ. Khuê cho biết lúc trước người ta xây dựng một nhà hàng ở đây như chúng tôi đã thấy, nhưng vì không nghiên cứu kỹ cho nên nhà hàng hay bị nước ngập thường xuyên vì vậy đành bỏ không như hiện nay. Những con én làm tổ đẻ con ở vách gần mái nhà bay ra thấp thoáng vì lúc ấy vào tháng 5 mùa Xuân. Còn Minh (anh Hùng) thì cho biết là ở tiểu bang nầy không cho cờ bạc vì là theo đạo Mormon, người ta muốn cờ bạc thì đi đến vùng Vancouver ở biên giới với tiểu bang Nevada, cũng đi con đường phía trước nhà hàng nầy và đi xa cả trăm cây số mới tới. Ở tiểu bang Utah cũng không có bán vé số dù là hình thức nào. Buổi chiều, chúng tôi đi qua vùng du thuyền hay thuyền đánh cá đậu thì gặp hãng phim nào đó đang dàn dựng quay cảnh biển giả của bãi biển California nên chúng tôi không được vào sâu hơn.
Hôm sau Hùng, Dung và các cháu đưa chúng tôi đến khu vực của Đạo Mormon mà tiếng Anh gọi là “The Church of Jesus Christ of Latter Saints” để tham quan và tìm hiểu. Chúng tôi vào tòa building bên kia đường đối với nhà thờ lớn để xem. Vừa đến cửa cầu thang máy thì đã có ông Mỹ hướng dẫn chúng tôi vào tòa nhà đưa đến phòng họp rộng lớn cho hàng ngàn người mà cách kiến trúc không có cột chống đỡ. Tôi ngó quanh và khá ngạc nhiên và ông cho biết ánh sáng phần lớn được sử dụng là do những cửa sổ ở tầng sân thượng của tòa nhà. Ông giải thích nhiều lắm, nhưng tôi chỉ hiểu bấp bỏm mà thôi. Xong ở phòng họp, ông lại dẫn chúng tôi lên thang máy để lên tầng thượng, rồi ông đưa vào phòng tranh ảnh để nói về đạo Mormon qua các bức tranh phát họa. Đó là quá trình thành hình giáo thuyết của Đạo Mormon, và nói về biểu tượng Maroni thổi kèn ở trên nóc nhà thờ. Xong ông đưa chúng tôi ra ngoài xem những tháp kiến nhỏ đó đây ngoài sân ấy là những cửa sổ để lấy ánh sáng cho phòng họp mà chúng tôi đã tham quan lúc nãy. Sau đó thì ông dành cho chúng tôi sự tự do và chúc chúng tôi vui vẻ. Chúng tôi cám ơn và giã từ ông.
Đạo Mormon chi phối phần lớn nếp sống và văn hóa ở Utah. Tín đồ Mormon vẫn coi Jesus Christ là Chúa Cứu Thế và là con của Đức Chúa Trời; các tín đồ được quyền đa thê (có nhiều vợ). Nó được thành lập ở New York từ những năm 1820 do Joseph Smith. Khi Smith chết vào năm 1844 thì tín đồ Mormon theo Brigham Young về Utah và lập bộ phận chính của tôn giáo nầy ở đây.
Sau khi đi vòng quanh trên sân thượng để quan sát, nhìn ra xa, chụp hình lưu niệm chúng tôi xuống phía dưới và đi qua bên kia đường để thăm nhà thờ lớn của đạo Mormon ở Utah nầy. Trong hội trường rất rộng, nhưng vì không là buổi lễ nên khung cảnh còn tối thui, ít đèn sáng hay là vì chúng tôi từ ngoài sáng đi vào thành ra không thấy rõ. Có một cô đến tiếp chúng tôi, cô cho biết cô là người Singapore đến đây làm thiện nguyện. Tôi hỏi về ngân quỹ để sinh hoạt thì cô cho biết ngân quỹ của đạo do sự đóng góp của tín đồ từ 15% của tiền lương. Tôi xin cô quyển “Book of Mormon”, cô hỏi địa chỉ và hứa gởi đến cho tôi; nhưng tôi đã chẳng nhận được từ đó đến giờ.
Hôm sau nữa Hùng, Dung đưa chúng tôi lên tòa nhà Quốc hội của Tiểu bang trên đồi cao cùng với gia đình Khuê, và bà Kiều Phố, cùng ba của Hùng. Chúng tôi đi vào trong tòa nhà tham quan, xem hình ảnh, cảnh trí. Xong ra công viên bên ngoài ăn chiều. Đứng trên nầy nhìn lên thấy núi cao hơn, mà nhìn xuống thấy phi trường xa xa. Cảnh đèn lên của một thành phố trong bầu khí trời lành lạnh khiến cho mình cảm thấy cảnh hơi buồn buồn và có nhiều nhung nhớ; và thật sự tôi cũng khó mà quên cái cảnh của ngày ấy, nhất là bây giờ ba tôi cũng đã chẳng còn.
Có lẽ ngày mà tôi nhớ nhất ở Salt Lake City là ngày mà Hùng, Dung đưa chúng tôi lên Lagoon nơi mở những trò chơi cho mọi giới. Sáng sớm chúng tôi đã chuẩn bị đồ ăn thức uống với cả gia đình Hùng, Khuê và có Minh (anh của Hùng) đi nữa. Đường đi có vẽ còn mới, chắc hoàn tất để chuẩn bị đón khách cho Thế Vận Hội Olympic mùa Đông trong năm 2002. Lagoon khá xa. Đến nơi Hùng, Dung mua vé cho mọi người và chúng tôi sắp hàng vào cổng. Các trò chơi ở Lagoon nầy cũng giống như mọi trò chơi khác ở các nơi, nhưng nó đầy đủ cả cho mọi lứa tuổi từ em bé nhỏ cho đến những thanh niên thích trò mạo hiểm. Chúng tôi người lớn chỉ đi tham quan, những đứa nhỏ thì chơi những trò chơi nhẹ nhàng. Nhưng ở đây có điều khác với nơi khác là có những cuộc thi đấu về nhiều loại nhạc từ nhảy cá nhân cho đến tập thể, từ điệu nhạc dân gian cho đến nhạc trong các phim cao bồi làm nên một khu vực tưng bừng và sinh động với những âm thanh dồn dập từ nhạc và giày. Tôi rất thích thú và quay phim một cách say mê. Đến khoảng hai giờ chúng tôi mới trở về nhà. Gần ngày cuối chúng tôi nghỉ ngơi để ba tôi và vợ chồng tôi còn đi qua Kansas City mà viếng gia đình chú năm Tai, con ông chín của tôi.
Thế rồi ngày sau nữa Hùng, Dung đưa chúng tôi ra phi trường để đón chuyến bay sang Denver, từ Denver chuyển máy bay đến Kansas City để được chú năm Tai cùng con trai của chú đón ở phi trường đưa về nhà. Ba tôi được ôn lại nhiều điều thoải mái trong thời quá khứ, chú năm của tôi cũng rất vui nhất là bé Nhi, con gái út của chú năm rất là thích ba tôi. Ở đó vài ngày, chúng tôi lại ra phi trường để đáp máy bay về phi trường Chicago và đón máy bay về Frankfurt, rồi qua Zurich để cô Út Xang và chị Phương rước về nơi ở là Bregenz trên đất Áo gần với hồ Constance mà sau nầy gọi là Bordersea nằm tại ranh giới 3 nước Áo, Thụy Sĩ và Đức. Đó là chuyến đi Mỹ lần đầu của ba tôi và tôi vào năm 2001; còn với vợ tôi đó là lần thứ hai!

Nguyên Thảo,
26/05/2016.



Wednesday, May 25, 2016

*Đoàn Hát Rối!

*Thơ Đồ Ngông! (tt)


Đoàn hát rối với một dàn con rối
Treo lủng la lủng lẳng ở trên cao
Di chuyển đi với những cây sào
Rồi lúc lắc cùng những gì xao động.

Đến lúc hát, những hình nhân, sức sống
Được người điều dây kéo để lung lay
Mớm tiếng kêu, tiếng nói ra ngoài
Miệng cứ nhép, như một thời oai vệ.

Một bầy rối được con người đặt để
Trên vai nầy, vai ấy để làm vui
Để mang đi triết lý của cuộc đời
Xong buổi hát, chúng trở về bất động!

Chúng nằm đó, chúng không là sức sống
Chúng thừa hành những biểu hiện qua loa
Chúng mờ đi trong ánh mắt mù lòa
Mà cứ ngỡ Thiên đường trước mắt!

Đồ Ngông,
26/05/2016.



Monday, May 16, 2016

*Quê Người. (10)




Ở trong trại tị nạn lâu mình cũng trở nên mệt mỏi và có nhiều lo lắng. Người ta suy diễn nhiều thứ từ mẫu tin đã được các phái đoàn nhận mà khai có vài gian dối sẽ bị ở lại dài ngày hay có thể bị “xù” trở lại. Có những người ở đây cả năm mà không biết lý do. Từ những mẫu chuyện đó tôi lại sợ cho mình, vì trước kia tôi đã có lần bị nám phổi không biết có ảnh hưởng gì đến việc định cư của mình không, và nhất là tôi thường xuyên phải xin thuốc uống ở bệnh viện gọi là “sick bay” đến đỗi tôi phải nhờ đến Bác sĩ Cương, người đi chung chuyến tàu vượt biên bỏ bớt những giấy ghi ngày xin thuốc và khám bệnh. Càng lo cho thân mình thì tôi lại nghĩ đến gia đình, con cái: Không lẽ đi để tìm tương lai cho con mà mình lại càng làm cho chúng khốn đốn nhiều hơn vì lý lịch của chúng từ nay đầy những vết nhơ mà chế độ hiện tại không bao giờ cho chúng ngóc đầu lên nỗi! Dù vậy, nhưng hiện tại tôi vẫn nằm đây thì cũng đành phú thác cho trời! Tôi lại oán trách cho những người đã gây chiến tranh và bày ra hai chế độ chứ thân phận chúng tôi đã sinh ra ở phần đất nào thì phải chịu ảnh hưởng trong chế độ ấy thôi! Chúng tôi đâu muốn chiến tranh để phải chôn vùi thời thanh xuân tươi đẹp của đời người, chúng tôi đâu muốn bắn giết nhau để làm khổ cho dân tộc, chúng tôi đâu có ngu muội, dại dột để hành động như vậy. Thế mà bây giờ hòa bình, chấm dứt chiến tranh dân tộc lại đi vào một tình trạng khủng khiếp khác vừa đau thương, vừa nghèo đói lại vừa đày đọa lẫn nhau như những kẻ thù truyền kiếp cần phải thanh toán. Ôi! Cái đất nước và dân tộc khốn khổ nầy!
Thấm thoát rồi cũng đến những ngày cuối năm của dương lịch. Không khí Noel trở nên sôi động trước vài tuần, bên nhà thờ Thiên Chúa lẫn Tin Lành lo chuẩn bị cho thời kỳ lễ Giáng Sinh. Trong khoảng thời gian nầy cậu Bảy Thành, Sáu Chí, Tâm cũng được chuyển trại sang để đi Canada, và ở tàu tôi những người có diện đi Mỹ cũng lần lượt sang nhiều. Chúng tôi lại gặp nhau ở đây một lần nữa để rồi sẽ đi nhiều nơi. Cậu Bảy Thành, Tâm cùng Sáu Chí muốn đi Mỹ nhưng vì có con, thân nhân ở Canada nên đành phải chấp nhận đi Canada.
Trong khoảng thời gian nầy tôi mới được nghe tròn câu chuyện về ông Đạo Thành. Tính ra vì ông Đại Úy Mã Lai đã phải lòng ông Đạo Thành mà có những việc làm khiến cho ông Đạo Thành hoảng quá nên cầu cứu tới chị Bông, chị Bông bàn thảo với những người lãnh đạo của Văn Phòng trại mà ông Ngọ (vốn xưa kia là Thiếu Tá mà người ta cho lên chức là Trung Tá) làm Trại Trưởng. Không biết sự can thiệp như thế nào đó khiến bên Mã Lai cho là phỉ báng danh dự quân đội Mã nên ngưng toàn bộ Ban Điều Hành trại, và lực lượng Task Force trực tiếp điều hành. Đã thế mà lại nửa đêm đưa ông Đạo Thành lên “bludath” qua Trenganu để đưa về Sungai Besi. Lúc đó tôi mới hiểu vì sao ông Đạo Thành qua Besi thật sớm và tôi cũng thường hay xuống trò chuyện với ông cho vui. Cũng trong thời gian nầy từ thành phố Kuching (thuộc Tiểu bang Sarawak) của Mã Lai ở đảo Bornéo đưa qua nhân số của chiếc tàu MB mà tôi không nhớ số đã phải lênh đênh trên biển khoảng 62 ngày và cuối cùng họ phải nhờ đến đồng loại trong sự sinh tồn. Thật là đau lòng và thảm thương!
Từ ngày có thêm Cậu Bảy Thành, Sáu Chí và một số người quen nữa sang, thằng Thành em tôi bớt đi lòng vòng và có chỗ để đến nên tôi bớt lo lắng và ưu tư hơn; tôi cũng ít hay cự nó nữa. Tôi chỉ trông chờ mau đi định cư, đến nơi đến chốn để có nhiều việc khác để lo.
Qua rồi một mùa Nô-En vui vẻ rồi đến ngày Tết Tây, mùa nầy lễ cho nên các phái đoàn cũng nghỉ và mọi việc đứng chựng lại. Lúc nầy tôi đi theo Cậu Bảy Thành, cùng mấy vị khác đến chùa để nghe Thầy Thích Quảng Ba thuyết pháp. Tôi gặp Thầy Thích Quảng Ba vài lần ở Bidong và nay Thầy được chuyển sang Besi để đi Úc. Quả thật Thầy có khiếu về tổ chức và thuyết pháp nên Thầy ở đâu thường có thuyết pháp và sinh hoạt sinh động ở đó. Tôi thì thường ít đến chùa nhưng khi ở Bidong tôi cũng được nghe Thầy thuyết pháp đôi lần, lúc đó Thầy giảng về Kinh Địa Tạng. Đến nay, ở Besi nầy, tôi được nghe Thầy giảng về hệ thống tổ chức trong giáo hội Phật giáo. Từ đó tôi mới biết phân biệt như thế nào là Đại Đức, Thượng Tọa (có 40 tuổi đời, 20 tuổi đạo) và Hòa Thượng (60 tuổi đời, 40 tuổi đạo). Ít ra, tôi cũng hiểu được khái quát về Phật giáo cộng với chút ít kiến thức lúc tôi còn học trong nhà trường. Thế là thời kỳ hơn sáu tháng ở Sungai Besi tôi có dịp tìm hiểu khái lược về 3 tôn giáo. Tôi cứ tưởng đó là những kiến thức chỉ đáp ứng vào óc hiếu kỳ của tôi thôi, nhưng không ngờ đó là những kiến thức cơ bản để về sau nầy tôi có những nhận định về tôn giáo tốt hơn và phân biệt những giả chân trong “chân lý”. Mỗi người có niềm tin tùy theo căn cơ của họ; ai cũng có quyền truyền bá, rao giảng. Nhưng món hàng nào là giả hay thật là một chuyện khác, là chuyện đáng nói. Mình đi đúng đường thì mình sẽ đến được nơi chốn, mình đi sai đường thì chỉ đi theo vòng lẫn quẫn mà không bao giờ thoát khỏi được mê trận, thế thôi!
Ở Mã Lai, khoảng thời gian nầy có lẽ vào mùa mưa, những cơn mưa dù ngắn ngủi nhưng lượng nước thật là nhiều, hạt nước to. Tôi liên kết lại những kiến thức học về địa lý ngày xưa: Không lẽ mưa vùng xích đạo như thế nầy chăng? Lượng nước nhiều nên rừng núi trở nên rậm rạp vì phát triển nhanh. Những ngày ấy tôi ngồi trong phòng cùng với Bác Ngữ, Bác Phúc ngó ra ngoài vòng rào kẽm gai, nhìn xa lên đồi hay sở rác hôi thối ấy mà buồn, mà tư lự. Tôi lại nhớ đến vợ con trong hoàn cảnh bị mọi người xa lánh, hắt hủi vì lý lịch, vì việc đi của tôi. Họ sợ dính líu giống như sợ lây bịnh hủi. Quả thật một chế độ làm cho mọi người phải sợ sệt và vô tâm, không biết những người thừa hành có thấy được như vậy hay không? Đôi khi người ta chỉ thấy cái sai của người khác mà không thấy được cái sai của mình giống như mắt mình chỉ thấy được mặt của người mà chẳng thấy được cái mặt của mình vậy!
Từ ngày xin được mấy thùng cạc-tông để lót ngủ thì tôi ít bị cảm đi nhiều nên thằng Thành ít phải cạo gió cho tôi. Về ăn uống thì cứ mỗi ngày ba bữa đi xuống căng-tin lãnh phần về ăn. Lãnh thế nào thì cứ ăn như thế đó, chứ món cá thì vẫn còn tanh rình, còn món gà thì họ nấu chưa chín, lĩnh bĩnh nước với mùi càri rất khó ăn. Những người có tiền thì họ mua rềsô (bếp nấu bằng dầu lửa) về nấu lại, nhưng Cao Ủy không cho; không hiểu gì lý do gì mà khi họ bắt được thì họ đập phá hư lò. Còn ngủ trưa thì không được phép, cho nên người ta phải kêu gọi hay báo động khi Cao Ủy đến, nhất là Cao Ủy Chua hoặc Cao Ủy Tân là những người Mã Lai khó tánh. Sau, những công nhân người Mã làm khu vực hầm cầu, nhà tắm, lẫn hồ nước gần “long house” tôi ở, tôi mới biết ở Mã Lai người ta làm việc nghỉ trưa chỉ có nửa tiếng để ăn trưa và làm suốt cho đến giờ nghỉ thôi, chứ không nghỉ trưa kéo dài như ở Việt Nam để phải có giờ ngủ trưa. Và vì là xứ Hồi giáo nên Mã Lai cũng không cho chúng tôi ăn thịt heo, thế nhưng nhiều người có tiền cũng len lén nhờ người Tàu ở bên kia hàng rào mua dùm thịt heo về nấu ăn. Trong nầy quăng tiền ra, ngoài kia quăng thịt vô, nếu Mã Lai bắt được thì bị cạo đầu. Nói thế, chứ tôi chưa thấy ai bị cạo đầu cả dù có trường hợp chị kia bị bắt quả tang đang làm lỗ tai heo.
Qua thời gian nghỉ lễ, các Cao Ủy, phái đoàn làm việc trở lại, tuần nào cũng có người đi định cư, người trong list từ đảo qua một lượt với tôi cũng bắt đầu rời trại trở lại, phái đoàn Mỹ cũng tấp nập phỏng vấn. Những người chung tàu vượt biên với tôi cũng dần được lên danh sách đi Sydney, Melbourne của Úc để định cư, một vài người đi Perth làm tôi cũng nôn, nóng lòng đợi chờ. Thầy Thích Quảng Ba được lên danh sách đi, sau đó Thầy khác đến phong trào sinh hoạt ở chùa bắt đầu chìm lỉm. Chùa vắng hơn!
Ngoài những giờ dạy ở lớp tiếng Việt, tôi vẫn thường đi thư viện với Bác Phạm Văn Tuynh mà tôi thân thiết, thỉnh thoảng đi xem phim hay đá banh hoặc xuống phía dưới ghé qua Cậu Bảy Thành, Sáu Chí tán gẫu chuyện xưa, chuyện nay hay ghé qua chỗ ở của anh Tôn Huấn, Đức Hậu tâm tình đôi câu.
Một ngày nọ, không biết tin tức từ đâu, người ta kháo nhau là ông Tùng làm ở Task Force của Mã Lai ở đảo Bidong sẽ qua tới vào chiều nay. Tôi chỉ nghe chứ không biết ông Tùng chỉ nhớ mang máng cái ông đứng ra nói chuyện khi tôi mới vừa lên đảo với cái câu: “Chúc Quý vị đã đến được bờ bến và bây giờ chúng ta phải làm thủ tục, lý lịch, có những điều gì Quý vị nên thành thật khai báo”; Ông ấy nói đến đây có người nói nhỏ “để cách mạng khoan hồng”, chúng tôi chỉ dám mỉm cười với nhau thôi. Chắc vì vậy mà có nhiều người khai thật quá nên đành bị ở lại đảo khá lâu hoặc gặp ít nhiều rắc rối, nên họ đã có chút hận thù với ông Tùng (hoặc Đại úy Tùng nầy). Đêm đó, người ta nói ông Tùng khi lên cầu thang thì bị cúp điện, rồi ai đó trùm mền đánh ông ta một trận. Chuyện kể thì như vậy mà không biết là có hay không, nhưng với thù hận thì ông Tùng chắc không thể tránh khỏi “ngón đòn thù”!

Nguyên Thảo,
16/05/2016.



*H.T Chữ Nghĩa 27: Từ "Bản Tin Nông Gia" Tới "Blog". (1)




Chuyện làm thơ chơi chơi của tôi từ ngày ấy lại được kéo dài mãi đến tận ngày nay như là một sự kiện “phát ngây”. Làm thì làm, chứ chẳng bao giờ tôi nghĩ mình là một nhà văn hay nhà thơ cho đúng nghĩa. Ngày tôi bắt đầu cộng tác với “Bản tin Nông gia” thì tôi chỉ là phụ lực với anh bạn để gọi là “vui vẻ” cùng với các đồng nghiệp nông gia thôi, và thuở ấy tôi chẳng hề có một bài thơ nào. Đến khi tôi có bài đăng và liên lạc thường xuyên với tờ báo Nam Úc; nên sau khi đọc các bài thơ của anh Hoài Nam, tôi mới có ý định, cùng ngõ ý với anh Lộc (chủ báo) sẽ làm vài bài thơ “chơi” cho vui dưới bút hiệu Nguyên Thảo. Để rồi đến khi những người dùng văn đàn chửi nhau “chí chóe” thì lúc đó tôi mới nghĩ đến thơ trào phúng, châm biếm, trào lộng nhằm mục đích “trêu ghẹo” họ để ngăn cản bớt bước tiến của họ lại (lúc nầy với bút hiệu Đồ Ngông). Nhưng để tránh đối đầu trực tiếp với họ, tôi phải làm thêm nhiều bài thơ vạch trần bề trái của xã hội lẫn con người cũng trong tinh thần trào phúng và châm biếm ấy. Lúc đó cũng chính là lúc bắt đầu manh nha cho “Đồ Ngông” trên thơ lẫn văn xuôi về sau nầy. Thú thật, từ trước con người tôi vốn có sao nói vậy, nghiêm túc, ít khi nào nói chơi hay đùa giỡn vì mình không có khiếu. Lâu lắm mới đùa vài lần, nhưng đều bị bạn bè cho là “vô duyên”. Thế nhưng, trong tình huống thế nầy tôi phải học đến cách trào phúng thì mới thích hợp với hoàn cảnh cũng như bút hiệu đã chọn. Dần dà nó cũng thành quen, con người tôi cũng lần biến đổi. Thơ văn của Đồ Ngông xuất hiện không phải để chửi người như người ta đã làm (Bắt chước người ta chửi cuộc đời), nhất là chúng lại xuất hiện trên cùng một tờ báo với những người muốn chiến thắng trong cuộc hơn thua, nên chúng không được hoan nghênh đối với những người trong cuộc, còn đối với độc giả thì họ lại thích và coi đó là một “hiện tượng”. Và cuối cùng tôi phải đành ngưng cả thơ trào phúng lẫn chuyện “Tào lao thế sự” trên báo Nam Úc mà thay vào đó là những “Bài thơ cho bé” tức là loại thơ về giáo dục cho trẻ con dưới bút hiệu Nguyên Thảo trở lại. Sở dĩ như vậy là vì những bài thơ của tôi luôn nói đến điều không tốt của chửi nhau hay kêu “hòa giải”, gây chướng ngại, cản bước tiến của những người muốn chửi người khác, cho nên họ muốn loại tôi ra cũng như không nằm trong ý muốn của anh Lộc. Một hôm anh Lộc kêu tôi đổi bút hiệu và viết bài chửi họ, quyền đăng hay không là của anh. Tôi từ chối, sau đó thì anh Lộc đã sửa bài của tôi để chửi người khác một lần trên thơ và một lần khác trên bài văn. Do sự khuyến cáo của một anh bạn từng học qua về báo chí tôi đã “yêu cầu khoan đăng” bài của mình vừa gởi lên trên báo, cũng may bài ấy “không đăng”, nếu không tôi đã bị mang tiếng với độc giả không biết là dường nào vì nó bị sửa đổi cùng viết thêm một đoạn rất là nghiêm trọng. Từ đó tôi bắt đầu ngần ngại về sự kiện nầy, nên đối với vấn đề gởi bài tôi trở nên khá dè dặt. Rồi một ngày khác anh kêu tôi đổi bút hiệu Đồ Ngông đi thì anh sẽ đăng bài của tôi tiếp, vì có người từ Queenland mail xuống cho anh và anh đưa tôi coi mail. Mail đó là của ông Xuân nào đó, mail viết rằng: “Anh Lộc, mấy lúc gần đây tôi thấy có xuất hiện tên Đồ Ngông nào đó trên tờ báo, tôi nghĩ với bút hiệu Đồ Ngông sẽ làm mất uy tín của tờ báo anh”. Xem xong, tôi bảo với anh Lộc rằng: “Thà tôi không gởi bài cho anh nữa chứ tôi không đổi bút hiệu Đồ Ngông”. Tôi chỉ nói thế chứ tôi không giải thích “Vì sao?”. Vì khi tôi đã chọn bút hiệu Đồ Ngông là đã có chủ đích can thiệp để chấm dứt việc chửi nhau rõ ràng; và chỉ có bút hiệu đó nó mới bảo vệ tôi khỏi bị người khác chửi mà thôi. Thế rồi, tôi ngưng tất cả những bài thơ và các chuyện “Tào lao thế sự” dưới bút hiệu Đồ Ngông cho tờ báo Nam Úc mà chỉ gởi những bài thơ giáo dục “Những bài thơ cho bé” dưới bút hiệu Nguyên Thảo. Việc gởi nầy cũng kéo dài được nhiều tuần, tất cả vị chi là 38 bài. Sau loạt bài ấy tôi không gởi báo Nam Úc bài nào nữa dù là văn xuôi hay thơ. Trong khoảng thời gian nầy những bài thơ “trào phúng, trào lộng, châm biếm” được đưa về tờ Adelaide hoặc tờ Né là tờ báo nhà của nhà thơ Nguyễn Nhi và Phạm Ngọc Thanh cùng nhau hợp tác. Phạm Ngọc Thanh đã từng học ở lớp báo chí của Đại học Vạn Hạnh khi xưa, nay lại rành về máy vi tính nên lãnh phần kỹ thuật, ấn hành lẫn phần phân thuốc hỗ trợ cho giới nông gia. Nguyễn Nhi là phần chính, còn tôi không là người trong gia đình Né nhưng là người cùng chí hướng với Nguyễn Nhi nên hợp tác với nhau để ngăn chặn bớt tiến độ rối rắm trong cộng đồng. Sức sáng tác của chúng tôi (tôi và Nguyễn Nhi) mạnh nhất có lẽ là lúc Trương Minh Hòa từ bên Tiểu bang Tây Úc xa vạn dặm được mời để xía vào chuyện ở Tiểu bang Nam Úc. Chúng tôi quyết tâm triệt hạ “tên đánh giặc mướn” nầy, dù hắn có nhiều bản lãnh đến đâu.
Có lúc tôi có hàng bảy, tám bài xuất hiện cùng lúc. Đây là lúc mà tôi trực diện, nêu thẳng với Trương Minh Hòa mà không phải e dè, bóng gió. Tôi thừa biết đàng sau lưng những kẻ viết bài chửi đó có một thế lực khá lớn, họ muốn triệt hạ những phe nhóm khác để họ mặc sức tung hoành trong cộng đồng, nhưng họ không nghĩ rằng chính họ là nguyên nhân làm phân hóa chính hàng ngũ của họ vào những lúc ban đầu. Những kẻ chống đối hay đối nghịch với họ ngày nay cũng chính là người trong phe phái của họ trước kia. Có người đã nói với tôi: “Tôi không hiểu tại sao có những người hoạt động rất sốt sắng, hay tích cực, hăng say trước kia, nhưng về sau họ vì lý do nầy hay lý do khác không tham gia nữa hoặc bất mãn họ nghỉ thì tổ chức ấy lại “đánh theo”. À! Chính vì sự “đánh theo” nầy mà những người bị đánh họ lại kết hợp với nhau thành những lực lượng đối kháng và lần chiếm lĩnh tất cả những hội đoàn, tổ chức khác. Cuối cùng tổ chức chính trị ấy chỉ còn nắm được có cộng đồng và vài gia đình nhỏ. Cho nên cuộc chửi trên báo chí lần nầy cũng là để trấn áp và gây lại thanh thế cho phe họ đấy thôi. Tôi thì không trong hội đoàn, tổ chức nào cả mà chỉ thấy người ta làm như thế là đem nguy hại đến những người khác trong cộng đồng: Vì chúng tôi chỉ muốn sống trên xứ người một cách yên ổn làm ăn cũng như bao nhiều người khác, chúng tôi muốn có một chỗ để dung than sau khi trốn chạy khỏi Tổ Quốc của mình. Tôi can thiệp vì lý do đơn giản đó thôi! Cho nên thơ văn của tôi trong giai đoan nầy có tính cách, trào lộng, phân tích lý lẽ chứ không có tính cách phê phán, chửi ai cả. Những bài có tính cách tham gia can ngăn tôi gởi về cho tờ Adelaide, còn những bài về xã hội, chung chung quanh vấn đề bao quát của con người tôi đưa về tập san Né đăng trong hàng tháng (vì mỗi tháng ấn hành một số) để gọi là vui vẻ với nông gia. Coi như trong thời kỳ nầy bài của tôi, Nguyễn Nhi, Phạm Ngọc Thanh chính là trong tờ báo Né. Thỉnh thoảng Né cũng đăng vài bài về đạo Phật của tôi để nông gia xem chơi. Thực ra những bài về Đạo Phật của tôi đã hoàn tất từ lâu, nhưng tôi không có gởi cho báo nào cả vì nhiều lý do: Thứ nhất sự tìm hiểu của tôi chưa chắc đã chính xác, thứ hai tôi sợ ảnh hưởng phiến diện đến tờ báo của họ, thứ ba đa số các báo là do người tôn giáo khác điều hành...
Cũng may trong thời gian nầy tôi đọc trên tờ báo tuần Dân Việt (xuất bản ở Sydney) có phần đặc trang Nam Úc do anh Sơn, người giữ công việc phát hành ở Nam Úc phụ trách. Tôi liền liên lạc với anh Sơn để nhờ anh gởi đăng những bài “Vấn đề con cái của chúng ta” để hầu giúp thêm ý kiến phần nào cho các bậc phụ huynh trong Cộng đồng trên đất Úc. Anh Sơn vui vẻ đồng ý và trong mấy tuần sau các bài ấy được “ra mắt” độc giả toàn liên bang Úc Châu. Theo anh Sơn thì độc giả Liên bang rất hoan nghênh những bài trên và có gọi về tòa soạn với những ý kiến tốt. Sau đó không lâu, anh Sơn được anh Y nhờ anh chuyển sang báo Việt Luận làm đại diện vì em vợ anh Y đã về hợp tác và có phần hùn ở báo Việt Luận. Tôi lại theo chân anh Sơn chuyển sang và thường gởi bài cho báo Việt Luân ở đặc trang Nam Úc. Nói thật, tôi không biết mình có mặc cảm hay không hoặc tự lượng sức mình không đủ khả năng để vươn lên những vị trí cao quá nhất là đối với những tờ báo phát hành ở Liên bang. Nếu ở các tờ báo ấy mà không phải là “Đặc trang Nam Úc” thì chắc tôi cũng không dám gởi bài dù là đăng hay không đăng, tôi mạnh dạn gởi vì thấy là “đặc trang Nam Úc” nên cứ tính đó chỉ là tính cách địa phương nên cái viết của mình không là quan trọng lắm. Gởi đến họ thấy được thì đăng, không thì thôi mà mình cũng chẳng có lấy đồng bạc nào của họ. Thế là từ đó từ trong đặc trang Nam Úc lần tôi có những bài đi vào các trang khác của tờ báo với những bài nghiên cứu hay tạp ghi. Sự viết của tôi cũng được chính mình tự tin hơn. Với nhũng bài như vậy tôi rất kỹ lưỡng để xem lại câu văn, lỗi chính tả nhằm tránh được những sai sót càng nhiều càng tốt. Sau vì anh Sơn có nhiều sai sót trong vấn đề đối với tờ báo, nên báo đã đổi người và người mới cũng chỉ là quen thôi, nhưng tôi một phần cũng tình cảm đối với anh Sơn, hai là đặc trang Nam Úc cũng không còn nên tôi không gởi bài đến tờ Việt Luận nữa. Lâu ngày, bên Việt Luận có hỏi nhưng tôi cứ ỡm ờ mà không nói rõ nguyên nhân. Đến một ngày nọ tôi gởi bài “Những Cái Tết” đến báo Xuân Việt Luận dưới bút hiệu “Đồ Ngông” và sau một vài bài nữa thì tôi thấy hình như có vấn đề gì đó mà tờ Việt Luận lại ngưng ngang. Tôi thấy tình hình hơi lạ nên chẳng gởi bài nữa, dù cho người quen có hỏi vì sao không gởi bài tiếp. Tôi chỉ cười thôi! Về sau nhân một bữa tiệc gây quỹ “Cứu trợ nạn nhân cháy rừng” của hội Văn nghệ tôi mới thầm đoán ra chút nào về nguyên nhân: Có thể là ông Hoành là tác nhân! Vì trong đêm ấy ông Hoành là người quay phim, nhưng khi quay đến tôi và anh Nguyễn Hữu Ba thì ông ta chợt giật mình, xong lại nhìn tôi mĩm cười, cái cười của ông ấy có vẽ hơi lạ. Tôi nhớ lại trước kia ông là đại diện cho tờ Việt Luận, cái thân thiết ấy vẫn còn liên hệ cho đến bây giờ. Ông Hoành khai sinh ra tờ Nam Úc sau giao hẳn cho ông Lộc. Và ông Hoành vốn có chuyện không ổn với ông Vũ Ngọc Kha từ sau khi hai người bị cháy tiệm thực phẩm mà trong đó có tiệm vải của ông Hoành, mà ngày nay ông Kha là chủ tờ báo Adelaide là tờ báo cùng tranh ăn với tờ Nam Úc. Thơ của tôi và Nguyễn Nhi đang được tờ Adelaide đăng tãi giống như để che chỡ cho nhóm ông Kha nên từ đó mà sinh ra cớ sự. Có thể người ta đâm thọt với tờ Việt Luân như ngày trước anh Lộc đưa tôi cái email của ông Xuân nào đó, “cái bút hiệu Đồ Ngông làm mất uy tín của tờ báo” nhất là của một tờ báo uy tín của liên bang! Tôi đoán thế, nhưng dù đúng hay sai và dù báo có đăng hay không, thì tôi cũng không cần vì tôi đâu cần nổi tiếng mà cũng chẳng sống bằng nghề viết lách. Tôi làm nghề nông để kiếm sống mà, viết lách chỉ là để vui chơi, giải trí, đem kinh nghiệm hay nhận xét cuộc đời để phổ biến cho người đời thì khi nào có cơ hội thì phổ biến nhiều, không có thì thôi.
Nhưng trong cuộc đời theo như Đạo Phật đã giải thích “Không có chuyện gì tự nhiên mà đến, cũng chẳng ai đem đến cho ta, nhất là không có một Đấng Quyền Năng nào can dự, ban phát vào đời sống của ta cả, chỉ có ta và nghiệp của ta mà ra thôi, tất cả đều là nhân duyên. Hạt giống ta đã gieo từ trước, bây giờ gặp điều kiện thích hợp như nhân gặp đất, độ ẩm, thời tiết, ánh sáng... đủ điều kiện tất “đủ duyên” để nẫy mầm thì ta lãnh quả thôi. Đó là một chuyện tất nhiên! Nhân duyên của tôi ở đây là chuyện viết lách. Đã bao lần tôi chùn bước không muốn viết nữa thì lại có cơ hội khác khiến tôi viết dù là viết không hay, không giỏi. Trong lúc ấy thì có anh Ngô Lâm từ trên Queenland đăng báo kêu gọi các nhà báo, người làm văn học nghệ thuật của cộng đồng trên đất Úc hợp tác để làm một quyển Kỷ yếu “Ba mươi năm Văn Học Nghệ Thuật của người Việt ở Úc”. Lúc đầu, tôi không dự định gởi chi tiết nào đến anh Ngô Lâm cả, nhưng vào giờ phút chót tôi mới tính đến chuyện gởi cho anh Ngô Lâm trong phần sinh hoạt của Nam Úc. Gởi cho anh Ngô Lâm cần đến email, nên email của tôi được ra đời với sự trợ giúp của con trai tôi mà số 42 phía sau email chính là số nhà vì Nguyên Thảo có khá nhiều trong các danh sách. Hình chụp của tôi lúc ấy chính là hình chụp vào năm 2001 lúc vợ chồng tôi đưa ba tôi đi thăm bà con ở Mỹ và ở Áo (Austria).

Nguyên Thảo,
15/05/2016.


*Mùa Thu.

*Thơ Nguyên Thảo. (tt)


*Mùa Thu.

Những ngày đổi gió lại sang Thu
Nắng nóng chào đi, mây thoáng mù
Lành lạnh heo may hôn khắp má
Mờ mờ sương ảo phủ rừng thu
Lá bay muôn lối vàng khắp nẻo
Cây rụng trơ cành xám khẳng khiu
Hết Hạ rồi Thu xoay trời đất
Một năm vần chuyển, thoáng qua vù!

Nguyên Thảo,
15/05/2016.




*Nhớ Mùa Thu!

Anh nhớ Thu rồi, Thu biết không?
Sao Thu không sắc, dáng Thu hồng
Mà đem mưa gió, hương lành lạnh
Anh nhớ Thu rồi, Thu biết không?

Anh nhớ Thu ơi, nhớ thật nhiều
Nhớ như một thuở mới vào yêu
Gió len ren rén qua cây cỏ
Se sẻ con tim, chớm lạnh nhiều!

Đẹp quá Thu ơi! Lá rụng vàng
Tình ai gởi gấm lá thu sang
Tình pha màu đỏ, vương hơi thắm
Nâu chút nên duyên, chút ngỡ ngàng!

Anh nhớ Thu rồi, Thu biết không?
Nhớ rừng, nhớ gió, nhớ mênh mông
Nhớ mây bàng bạc, luôn hoài niệm
Đã nhớ Thu nhiều, Thu biết không?

Nguyên Thảo,
15/05/2016.


Monday, May 9, 2016

*Tớ Ngồi!

*Thơ Đồ Ngông! (tt)


Tớ ngồi ở cửa ra vào
Coi người qua lại, đi vào đi ra
Đi vào “có ấy” không ta
Vui cười, tiễn biệt quả là quá vui
Nhưng buồn thì thật không nguôi
Người đâu thứ ngợm, ít khi loại này
“Đầu tiên” cái việc xưa rày
“Bôi trơn” mọi thứ, mà nay không rành
Cho “mày” đứng đó biết thân
Khó khăn cho biết, vài lần tới lui
Tanh banh, xốc xổ, bùi ngùi
Ngẫm thân mà thấm, buồn vui chuyện đời!

Đồ Ngông,
10/05/2016.



*Giai Cấp Lãnh Đạo!

*Tào Lao Thế Sự! (tt)


Người xưa đã nói: “Con vua thì lại làm vua, Con sãi ở chùa thì quét lá đa”, mấy lúc gần đây người nay lại bàn câu ấy nói thế mà không đúng lắm, vì sãi đi tu ở trong chùa làm gì có con mà quét lá đa. Nói thế là người ta quên đi sự hướng thiện của con người. Trong Đạo Phật ai cũng có thể tu được cả dù là trẻ hay già, dù có gia đình hay chưa có gia đình: Khi mà người ta hiểu thấu ý nghĩa cuộc sống trong cuộc đời, hay lắm lúc người ta nhàm chán cuộc sống, hoặc một nhân duyên nào đó làm cho người ta ngộ ra được chân lý người ta vẫn có thể tu, thì những đứa con có từ trước vẫn là “con sãi ở chùa”. Chùa, đình, miễu ngày xưa thường được xây dựng gần những cây đa, hay trồng các cây đa ở quanh chùa nên mới có “con sãi ở chùa thì quét lá đa” có nghĩa là “quét dọn sạch sẽ quanh chùa”. Ôi, người xưa đâu có sai! Còn ngày nay, đạo Phật được thành lập thành một hệ thống hẳn hoi, có giáo hội, có các ban tổ chức, có học viện để giúp những người đi tu hiểu đạo hơn, có ban hoằng pháp để truyền bá cho người nào muốn hiểu đạo thì biết rõ về chân lý đạo mà mình đi theo thì lại càng hay hơn. Và những ai muốn tu thì phải thực hành những giới đã được đề ra trong đó có giới “không lập gia đình” nên người nay cứ nghĩ như vậy mà cho rằng “câu nói ngày xưa không đúng”. Đó là những ý nghĩ quanh vế thứ hai của câu ca dao đã từ lâu lưu truyền trong dân gian.
Còn vế thứ nhất của câu thơ lục bát ấy là “Con vua thì được làm vua” thì đã rõ ràng: Vì câu ca dao đó xuất hiện trong thời đại phong kiến, thời đại có vua chúa và truyền thừa bằng hình thức “cha truyền con nối” nên nó phải có cái nhìn của thời đại thì điều quảng diễn trong câu ca dao không hề bị sai. Tóm lại, người ta bình phẩm chẳng qua là để vui chơi, chứ đứng vào thời đại thì tinh thần của câu ca dao ấy chẳng hề sai!
Đó là nói về chuyện câu ca dao, còn nói về chuyện “thiên hạ sự” thì lắm chuyện để bàn. Người ta có thể bàn đến chuyện những thời kỳ đầu của con người, khi mà người ta khởi sự từ một người đàn ông và một người đàn bà ăn ở với nhau để có nên con cái: “Chuyện đó ông tính đi, hay bà tính đi” để rồi thì “ông quyết định đi, ông mạnh mẽ mà” hay “ông là đàn ông” thế là vai trò lãnh đạo được giao cho một người, người ấy là ông chồng. Đến khi vì nhu cầu lớn hơn liên hệ đến nhiều gia đình, nếu cùng một huyết thống là “dòng tộc, họ hàng, bộ tộc”, nếu là “người dưng” thì nó trở nên “bầy, đàn” (nói theo kiểu sơ khai còn có nét con vật) hay “bộ lạc, làng xóm” (theo kiểu tiến bộ văn minh hơn) thì người ta vẫn chọn một người nào đó, hay vài người để nắm quyền lãnh đạo gọi là “ban lãnh đạo” để giúp một tập thể có thể làm, thực hiện những công việc lợi ích chung cho mọi người. Do đó sự thành hình của lãnh đạo được ra đời. Những người lãnh đạo được bầu trước vì lý do già yếu hay bị chết đi, thì thường con cái được cử lên thay thế thành ra bắt đầu cho hình thức “cha truyền con nối” về sau. Nếu ai đã từng đọc các truyện “lịch sử truyền kỳ” của Tàu như Tam Quốc, Đông Châu Liệt Quốc, Phong Thần, Tam Hạ Nam Đường, vân..vân… thì lại còn thấy ra cái triết lý lãnh đạo của các vị vua chúa theo đạo Khổng nữa: Đó là thuyết “Thiên Mệnh”, người có Thiên Mệnh làm vua thì được những quý tướng, khi sinh ra thì đã có điềm lành báo về sau là vua, “Thế Thiên Hành Đạo”; còn triều đại nào suy vong thì đã có “điềm trời đã báo” để “lập nên một triều đại” khác. Rồi triều đại nào cũng vậy: Những lúc đầu hưng thịnh, cách cai trị theo lòng dân; đến thời kỳ giữa không theo lòng dân nữa mà theo ý vua để rồi vào giai đoạn cuối là nghịch ý dân, vua ăn chơi, hoang dâm vô độ, thời kỳ suy đồi để rồi một cá nhân khác “thuận theo lòng trời” mà nổi lên để làm một cuộc “cách mạng” với những cận thần, người phụ giúp xây dựng triều đại mới. Rồi giai cấp lãnh đạo cũng vẫn là “Cha truyền con nối”. Đó là “Thời đại phong kiến”, đã được coi là đã qua từ lâu!
Đến giai đoạn lịch sử thời Cận đại của Thế giới, từ khi cuộc cách mạng 1789 ở Pháp bùng nỗ, thế giới dần đi vào giai đoạn chính trị khác, các chính thể vua chúa thời phong kiến dần chấm dứt hoặc biến thể qua chế độ “Quân Chủ Lập Hiến” vua chúa chỉ là hư danh, đứng đại diện cho quốc gia mà không có thực quyền; quyền hành đưa về cho những vị được dân cử để điều hành đất nước. Hoặc ở các nước dân chủ, người dân đi bầu trong những cuộc phổ thông đầu phiếu, chọn người đại diện cho mình vào những cơ quan điều hành nhà nước trong thời hạn bao lâu sẽ bầu cử lại. Từ lúc ấy sự “cha truyền con nối” không còn được tiếp tục nữa, trừ khi uy tín tài năng của người cha ảnh hưởng lên người con và ngay chính bản thân của người con cũng phải có khả năng để được dân chúng chọn làm người lãnh đạo, thì như vậy “đâu có phải là cha truyền con nối”.
Và còn một trường phái khác thuộc về xã hội, người ta đã nhìn về những sự bất công giữa những con người, những tầng lớp xã hội ở những hình thức sản xuất, lẫn khởi nguồn cùng cách hành xử của tôn giáo trong lịch sử… để sản sinh ra một hình thức chính trị khác nhằm đưa loài người đến cuộc sống sung sướng, hạnh phúc trong cùng một thế giới và tạo thành một Thiên Đàng trên Hạ Giới chứ không cần tìm ở đâu xa như trong các tôn giáo đã tưởng tượng. Thế là một cuộc đấu tranh giai cấp, một cuộc rút ngắn vĩ đại để tiến đến mục tiêu: Một cuộc lật đổ từng phần cho đến toàn cầu, một sự tập trung hoàn thành với những cuộc tuyên truyền không ngừng nghỉ, những giải pháp một chiều để kết thúc một sớm một chiều. Mọi sự chống đối hay ngược lại đều bị “đập tan” và “giai cấp lãnh đạo” được ra đời với đúng nghĩa của nó.
“Giai cấp lãnh đạo” là gì? Tức là những người nằm trong, hay thuộc về giai cấp ấy mới được cất nhắc lên hàng lãnh đạo. Họ phải thuộc hàng lý lịch tốt, có khi đến cả ba đời; phải được kinh qua những trường lớp lý luận, phải được đào tạo để không trở thành kẻ phản phúc như một nhà làm cách mạng thế giới đã nói: “Dù người của mình có dốt nát, không tốt thì cũng vẫn sử dụng, qua thời gian sẽ đào tạo tốt hơn; không lẽ chúng ta không sử dụng người của mình, lại đi sử dụng người của kẻ địch để đến một ngày nào đó chúng có thế lực mà lật lại, vậy chúng ta ngày nay làm một cuộc cách mạng để làm gì?”. Đó là tiêu chí để bảo vệ thành quả mà người ta đã đạt được.
Trong những lúc gần đây người ta hay đề cập đến câu ca dao: “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét là đa”, không biết đó là những hình thức “nói chuyện để chơi” hay người ta đề cập đến những chuyện lịch sử trong quá khứ mà ngày nay không mấy còn tồn tại, vì người dân bao giờ cũng được mọi chính phủ lẫn nhà nước nâng lên hàng chính yếu: “Dân là thành phần quan trọng nhất trong mọi quốc gia, và mọi chính phủ đều vì dân, hạnh phúc của nhân dân mà lãnh đạo lẫn hành động”. Vậy thì, không biết thế nào, nhưng ta cứ thử “để mà xem”!

Đồ Ngông,
10/05/2016.



Wednesday, May 4, 2016

*Tớ Đi Làm Quan!

*Thơ Đồ Ngông! (tt)


*Tớ Đi Làm Quan!

Sáng xách xe đi, chiều cỡi về
Đường xa chút đỉnh, tớ không nề
Tới nơi ngồi nghỉ, chơi, xơi nước
Đến chỗ ra oai, hoạnh, lắm tiền
Mấy chú lân la mời cử nhậu
Vài cô lấp ló đợi ra về
Làm quan như tớ, ơi là sướng!
Nên chẳng bao giờ phải chán chê!

Đồ Ngông,
03/05/2016.



*Đứng Đường!

Đứng đường, có thế vậy mà hay
Đã thoáng, mênh mông gió mát này
Quanh quất trông chừng vài món bở
Dăm con nhạn lạc dính vào ngay
Sơ sơ chút ít: Ngài thông cảm
Tủm tỉm vui lòng: Bạn nhớ mai
Khốn khổ cho đời, cho đất nước
Bỡi chăng hàng khối cảnh như vầy!

Đồ Ngông,
03/05/2016.