Sunday, June 26, 2016

*Quê Người. (11)



Như tôi đã nói ở trên, sau kỳ nghỉ lễ Noel và Tết Tây các phái đoàn và Cao Ủy làm việc trở lại, từ đó nhiều người đã có danh sách đi định cư hàng tuần, làm tôi lại càng nôn nóng. Càng nôn nóng thì tôi lại càng lo âu: Vì sao mình chưa được đi? Không biết có phải mình không khai tình trạng nám phổi trước kia, bây giờ bị phát hiện nên bị đình chăng? Tôi càng nghĩ quẩn, thế nhưng cũng còn vài an ủi vì còn một số người cũng chưa có danh sách như tôi. Một ngày tôi đang đi thì có Bác quen với người tôi quen hỏi thăm thì ra đó là Bác Phương, bác cũng qua cùng một đợt và hãy còn chờ như tôi nên tôi nghe đỡ lo hơn. Lúc ấy, tôi lại thường tới lui với Cậu 7 Thành, Sáu Chí, họ cũng chờ ngày đi Canada, để chuyện trò cho quên ngày tháng ngoài việc đi dạy ở trường tiếng Việt và đi thư viện ghi chép những từ ngữ tiếng Anh để phòng hờ khi đến xứ người mà không tìm được cuốn tự điển Anh-Việt nào.
Người ở longhouse chỗ tôi đi nhiều nên bắt đầu dồn phòng lại, tôi đổi sang phòng phía trước đâu mặt với dãy longhouse bên kia chứ không còn ngó ra hàng rào nữa. Những ngày mưa thật là buồn. Nằm trong phòng ngó ra ngoài hiên, những giọt nước rơi xuống làm nước văng lên tung toé khiến tôi cảm nhớ đến vợ con rất nhiều. Bây giờ họ chắc bị mọi người đần ghê lắm: Quan điểm của người Cộng Sản mà! Người của chế độ cũ thì đã không đáng tin tưởng, người thuộc gia đình “phản quốc” bỏ đi vượt biên thì lại xấu hơn, người mà liên hệ với nước ngoài thì lại cần lưu ý, theo dõi… Nói tóm lại họ chẳng tin ai ngoài thành phần của họ, vì lúc nào họ cũng phải giữ vững chế độ bằng mọi cách. Họ sợ tình báo, họ sợ thành phần len lỏi vào, gây thế lực để sau nầy lật đổ trở lại cho nên những ai xuất xứ từ bên ngoài thành phần của họ, dù có tài giỏi cách mấy thì cũng đều phải được đánh dấu bằng chữ “nghi ngờ”, hoặc “sử dụng” mà như là “không sử dụng”. Họ chỉ nâng đỡ, đào tạo cho chính thành phần của họ mà thôi! Ngay cả những ngưòi họ cài vào bên ngoài để hoạt động cho họ ngày xưa, đến khi chiến thắng rồi họ vẫn không tin tưởng vì họ “vẫn có” nhiều nghi ngại!
Trong lúc tôi có nhiều mòn mỏi trong sự chờ đợi thì tin vui lại tới. Tôi và Thành có danh sách đi “Ăn-rồi-lết” tức Adelaide, thủ phủ Tiểu bang Nam Úc của xứ Úc-Đại-Lợi. Sở dĩ người ta nói “Ăn-rồi-lết” là nói trại ra cho vui từ âm đọc Adelaide theo kiểu đọc của tiếng Pháp là “A-đờ-lét” vậy mà! Danh sách ấy khá dài cỡ gần 40 người. Một hôm, anh Trọng dẫn chị Phát người đi chung tàu vượt biên với tôi cùng một cô đến chơi, được giới thiệu là cô Giang cũng sẽ đi Adelaide. Trong chuyện trò cô Giang cho biết là đến đó sẽ đi sang Tiểu bang khác vì cô có thân nhân ở trên Sydney và sẽ về trên đó sinh sống; cô còn nói: “Mấy ông về nơi đó giống như vào viện dưỡng lão”. Tôi hỏi nhưng cô nàng chỉ cười mà không trả lời (chắc cũng không biết gì để trả lời). Tôi thắc mắc trong lòng: “Tại sao cô nàng nói vậy?”. Từ đó tôi sẽ để ý và khám phá về Adelaide cho rõ hơn khi tôi được đến đó. Rồi gia đình anh Trọng cũng có danh sách đi Perth (Tây Úc), chị Phát đi Melbourne (Victoria). Lần lượt những người chung chuyến tàu vượt biên với tôi có diện đi Úc họ đi gần hết. Còn những người diện đi Mỹ thì đang được phái đoàn Mỹ phỏng vấn. Không khí trong trại sôi nổi hẳn lên. Người thì chuẩn bị rời trại, và người thì chuyển từ đảo Bidong sang cũng khá nhiều. Sau loạt tàu mang chữ PB đã hết thì sang đến MB nay đã là gần 200 rồi. Người ta đoán mò rằng trước kia KT là chữ viết tắt của Kuala Terengganu; PB là Pulau Bidong và MB là Malaysia Bidong. Nghe vậy mà không biết là có đúng không!
Càng gần ngày đi Úc tôi lại càng dành thời gian đi thư viện nhiều hơn để kiếm, chép vài từ ngữ để có thể có một số vốn tiếng Anh lúc đầu trên xứ người. Bạn bè thằng Thành là tụi Chót Ên con ông Yếu bên Mỹ gởi cho nó 20 đô Mỹ, nó trả cho người ta một ít và mua cái túi xách, chút quần áo còn lại khoảng mười mấy đô Mã để xài; lúc đó một đô Mỹ hơn hai đô Mã, còn đô Úc bằng hai đô Mã.
Chúng tôi được thông báo là ngày 14/03/1984 sẽ rời trại cho nên những công việc dạy học ở trường tiếng Việt tôi phải chuẩn bị bàn giao lại cho người khác, và tôi thường hay xuống Cậu Bảy Thành, Sáu Chí chơi để rồi thời gian ngắn sau từ giã họ và không biết đến bao giờ mới có dịp gặp lại nhau: “Mỗi người sẽ là một phương trời cách biệt”!
Sáng ngày 14/03 chúng tôi đem trả lại các thẻ cơm, thẻ lãnh vật dụng xài hàng hai tuần, mền mùng, đồ dùng đã mượn lại cho Cao Ủy, rồi đi từ giã những người thân quen, chúc họ có những may mắn trong tương lai. Họ cũng chúc chúng tôi những lời chúc tốt đẹp. Ai cũng chúc cho nhau lời tốt đẹp vì cuộc đời nầy đã vốn khổ quá nhiều người ta chỉ mong cho nhau được sung sướng hơn, vì thế nên tôn giáo nào cũng vẽ nên những Thiên Đàng đáp ứng cho mọi người cùng nhau mơ ước dù Thiên Đàng ấy là có hay không? Hay chỉ là giả tưởng! Tôn giáo mà mọi con người sẽ lấy làm chỗ bám víu sau cùng ở cõi đời trần tục nầy để luôn có “Hi vọng” mà sống giống như chuyện Thần thoại Hi lạp kể nàng Pandora mở nắp hộp quà tặng để cho mọi tai ương, dịch bệnh… bay ra gieo đến cho con ngưòi và khi nàng đậy lại chỉ còn có “Sự hi vọng” mà thôi!
Đến 2 giờ rưỡi chiều chúng tôi tập trung ở ngoài văn phòng của Cao Ủy Tị nạn ở gần cổng trại để được dặn dò và hướng dẫn lên xe buýt ra phi trường ở Kuala Lumpur. Có nhân viên Hội Trăng Lưõi Liềm Đỏ dẫn đi. Mọi người làm việc ở trại chúc chúng tôi được nhiều may mắn ở nước thứ ba. Rời trại tôi vẫn có nhiều lưu luyến dù nơi đây giam giữ chúng tôi cả hơn sáu tháng trời, với đầy ấp những lo âu, thiếu thốn nhưng vẫn còn hơn là ở chính quê hương mình! Nghĩ đến đây tôi lại thương cho vợ con và đồng cảm với biết bao nhiêu là đồng bào của tôi trong hoàn cảnh nghiệt ngã của một thời được gọi là hòa bình, chấm dứt chiến tranh!
Chắc chừng hơn nửa giờ sau chúng tôi đã được vào trong phi trường. Vì còn sớm cho nên phải đợi đến hơn bốn giờ chuyến bay mới đưa chúng tôi đến Singapore. Trong khi ngồi chờ đợi tôi nói chuyện với Bác Vĩ, Bác cũng là một trong vài người lớn tuổi nhất trong đoàn. Chẳng bao lâu chúng tôi được nhân viên Trăng Lưỡi Liềm Đỏ tập họp lại và phát vé máy bay rồi đưa chúng tôi đến quầy kiểm soát vé, lấy chỗ ngồi và tìm về cổng đợi chuyến bay. Tôi chỉ đi theo người ta chứ không biết gì cả vì đây là lần đầu mà tôi sẽ “được” đi máy bay. Hôm trước ở trong trại nhiều người cãi nhau vì có người nói đi máy bay “giằn” còn hơn đi xe đò. Người kia cho là “xạo” vì đi máy bay đâu có chạy trên đường làm sao giằn. Thế là cuộc cãi lộn không phân thắng bại, vì người nói giằn không chứng minh được cho người kia hiểu và người kia chưa từng đi máy bay thì lại không biết. Nhứt định hôm nay tôi phải tìm cho ra lẽ là “máy bay có giằn hay không”?
Đến giờ, nhân viên hội Trăng Lưỡi Liềm Đỏ dẫn đoàn chúng tôi đến cửa kiểm vé để chúng tôi vào trong máy bay dưới sự lãnh trách nhiệm của anh Trương Văn Nhiệm, người có thể được xem là tiếng Anh khá nhất được giao trọng trách hướng dẫn đoàn.
Máy bay cất cánh, chúng tôi giã từ phi trường Kuala Lumpur cùng đất nưóc Mã Lai đã bao dung cho chúng tôi khoảng mấy tháng trời dù là chúng tôi bị giam giữ, nhốt trong những hàng rào kẽm gai. Và chúng tôi theo cùng phi cơ để cất cánh lên cao, cũng như chúng tôi được cất lên bầu trời cao vút để thở cái không khí tự do mà bao nhiêu năm qua chúng tôi không thể có dù là thời gian dài ở trên chính quê hương mình.
Máy bay được định hướng bay về phi trường Singapore để ở đó chúng tôi sẽ chuyển máy bay bay về nước Úc-Đại-Lợi mà mình sẽ gắn liền với cuộc đời còn lại, và cũng có thể là cho mãi các con cháu về sau. Máy bay lên cao qua nhiều từng mây, ánh nắng chiều trải dài trên màu trắng mây giống như hàng khối bông gòn kết nối tiếp nhau. Máy bay “giằn”, lúc lắc hơi khá giống như xe đò đi qua những ổ gà trên các con đường xấu. Tôi đang suy nghĩ xem nó “vì sao?”, mặc dù tôi chưa tìm được câu trả lời, nhưng tôi đã mường tượng là do nơi khối không khí mà máy bay đang bay qua. Vấn đề đó tôi phải tìm hiểu cho được, nhất quyết không chịu bỏ qua.
Cuối cùng, máy bay đáp xuống được phi trường Singapore. Nhìn ra ngoài phi trường, phi trường thật là lớn, lớn hơn ở Kuala Lumpur nhiều; máy bay cũng dập dìu hơn, người hiểu biết nói là phi trường Singapore lớn vì nó là phi trường quốc tế nên nhiều máy bay các nước mượn đường qua đây nhiều hơn là ở Kuala Lumpur. Ai nói sao thì tôi cứ nghe vậy vì bây giờ tôi chỉ như là “Vịt nghe sấm”, “Ù ù cạc cạc” chứ những thứ nầy tôi chưa từng trải qua cho nên tôi không biết gì cả!
Rời máy bay, chúng tôi đi ra cửa vào phi trường, còn đang ngơ ngác thì có nhân viên “Hồng Thập Tự” thì phải, đến hỏi người trong đoàn, anh Nhiệm nói chuyện với họ. Họ cho biết là ngưòi có trách nhiệm đón và đưa đoàn ở tại phi trường nầy cho đến khi lên máy bay để sang Úc. Do thời gian còn khá dài vì lúc đó mới chỉ hơn 6 giờ chiều mà chuyến bay sang Úc đến khoảng hơn 10 hay 11 giờ đêm gì đó mới bay. Họ bảo chúng tôi đợi một chút. Lát sau họ đến phát cho mỗi người một phiếu ăn chừng 10 hay 15 đô Singapore để gọi là đi mua thức ăn trong khi chờ. Rồi họ đưa đến một khu vực nào đó trong phi trưòng để ngồi đợi. Nhiều người hành khách đi qua lại trong phi trường thấy đoàn chúng tôi họ thường nhìn, tuy nhiên không có tình trạng hiếu kỳ như ở Việt Nam, và chắc họ cũng không có thì giờ để tra hỏi hay thỏa mãn tính tò mò; hơn nữa đã không biết bao nhiêu đoàn ngưòi tị nạn từng ghé qua đây trước đó cũng chỉ để chờ máy bay đi định cư thì chắc họ không thấy lạ gì để mà quan tâm.

Nguyên Thảo,
26/06/2016.


*Sắc Thu.

*Thơ Nguyên Thảo. (tt)


*Không Biết!

Không biết là anh yêu em không
Mà sao cứ sóng mãi trong lòng
Mà sao cứ nhớ thôi từng lúc
Anh cũng, chẳng là yêu em không!

Nhơ nhớ đâu chừng thôi đã yêu
Thơ thơ thẩn thẩn buổi ban chiều
Nhiều hôm cứ nhớ đăm chiêu mãi
Hay đã, thôi rồi anh đã yêu!

Ừ thôi, yêu đã thì cứ yêu
Con tim rung gọi tiếng muôn chiều
Mà yêu sao nhỉ? Lòng nhung nhớ
Thế đã, đã rồi anh lại yêu!

Nguyên Thảo,
27/06/2016.



*Sắc Thu.

Thu đến bên rồi, em có hay
Trên trời hàng lớp thoáng mây bay
Hiu hiu với gió hương lành lạnh
Se sẽ cùng cây lá nhẹ lay
Ao trong, nước bốc lên mây khói
Sắc thắm, gió lồng lộng lá bay
Đây đó, mùa Thu in khắp nẻo
Bao nhiêu kỷ niệm kết Thu dài!

Nguyên Thảo,
27/06/2016.



Friday, June 17, 2016

*Mỹ Du. (12)



Chuyến bay UA 4967 của hãng United đến 11 giờ 30 mới cất cánh và chúng tôi mất 2 giờ 30 đến phi trường của Houston. Thời gian chờ đợi dự trù là 45 phút, nhưng chuyến bay bị đình lại đến gần 5 giờ chiều chúng tôi lên chuyến bay UA 1644 của hãng United để về Orlando. Xuống máy bay vào lúc 9 giờ 30, lấy hành lý và về đến nhà của Thầy Phương vào lúc 11 giờ đêm. Thầy Phương đã nấu sẵn cháu gà để mọi người ăn lót dạ. Chúng tôi có một đêm ngủ ngon mặc dù lạ chỗ nhưng vì đường xa quá mệt!
Vậy mà, sáng hôm sau cũng còn dậy sớm được, rồi lại điểm tâm bằng món cháu gà tiếp theo. Mấy đứa nhỏ được cậu Bi và cô bồ tính đến kế hoạch chở đi ra trung tâm Thành phố Orlando hay thường gọi là “downtown”, tất nhiên là ba má nó cũng phải có người đi theo. Còn vợ tôi, dì tám, dì út (Dung) lại muốn đi mua chút ít đồ ở Cosco. Phương chở đi và tôi đi theo. Còn toàn bộ thì ở nhà nghỉ ngơi để ngày mai sẽ tính đến chuyện đi một vòng vào tham quan một phần Disneyland ở đây.
Chúng tôi về lo chuẩn bị cho buổi ăn trưa, rồi kéo đến buổi ăn chiều. Chiều ngày nầy chúng tôi ăn uống sớm hơn để tới 7 giờ tối sẽ đi qua vùng Saint Petersburg thăm Quang. Quang thuộc lứa tuổi của cậu chín nó, tức là em vợ tôi; nhưng cũng là em của mấy ông bạn học với tôi, nên vẫn là chỗ thân thiết. Quang đi theo diện bảo lãnh thân nhân bên gia đình vợ, vì vừa rồi bị tai nạn trong hãng nên còn dưỡng bệnh. Nhân dịp nầy cậu chín nó muốn sang thăm Quang, tôi và Hùng cũng đi tùng theo. Đường từ Orlando sang bên Quang ở khá xa, dù đường xa lộ cao tốc nhưng chúng tôi cũng mất hơn hai tiếng đồng hồ mới đến nơi. Đường qua đoạn cầu vượt hồ hay biển gì đó cũng dài nhưng do vì ban đêm nên chúng tôi không nhìn thấy rõ. Phương ghé qua nhà mấy ông bạn đồng hương ở Tân Ba xin chút ít “lá dang” để ngày mai nấu canh chua gà cho nhớ mùi vị của quê hương miền Đông Nam bộ trước khi đến nhà Quang.
Đến nhà Quang vào lúc 9 giờ 30, vợ chồng Quang đã lo sẵn một ít tôm để thết đãi bạn bè vài chai bia gọi là tình thân lâu ngày mới gặp. Đến nay, tôi gặp lại vợ chồng Quang cũng đã là gần 35 năm sau khi tôi từ giã trường học ở Thuận An (Lái Thiêu và Dĩ An) để trở về dạy ở Tân Khánh (thuộc huyện Tân Uyên) vì trong lúc đó ai cũng phải lo đối phó đến những vấn đề khó khăn trong việc mưu sinh cho bản thân và gia đình do cái thời kỳ “bao cấp” tạo ra mà ít khi nào có dịp để gặp nhau.
Cô Loan (vợ Quang) thì nét cũng như ngày nào mặc dù tuổi đã khá, còn Quang thì có ốm đi do tai nạn, nhưng chẳng khác gì nhiều so với ngày xưa. Những câu chuyện cũ, những bạn bè được nhắc lại như một thời kỷ niệm. Người xưa đã đúng khi bảo rằng: “Già thường hay sống về kỷ niệm”. Kỷ niệm đẹp như thế đó mà không nhắc thì nhắc ai và cái gì bây giờ. Ừ! Thì cứ sống về kỷ niệm cho vui vậy mà!
Tâm tình nào cũng vậy đều có hồi phải kết thúc, đến 1 giờ khuya chúng tôi đành phải giã từ gia đình Quang với những lời chúc tụng sức khoẻ, bảo trọng mà không biết đến bao giờ mới gặp lại sau khi chụp với nhau vài tấm hình lưu niệm. Sau chiến tranh nhiều người đành phải lưu lạc tận những phương trời xa xăm và trở thành “đoàn người lưu vong, vô tổ quốc”. Ôi, các con người lãnh đạo “có hay”?
Công nhận Thầy Phương có sức khỏe tốt, cả thời gian dài đều lái xe để chở mấy ông bạn già và gia đình đi khắp nơi từ Las Vegas, qua Salt Lake City và về đến tận Florida. Chúng tôi về đến nhà Phương ở Hiawassee vào lúc 3 giờ 15 khuya. Mọi người đã ngủ yên giấc từ lâu.
Sáng tất cả vẫn thức dậy sớm lo ăn uống để chuẩn bị đi đến khu Epcot của Disneyland ở đây. Ngưòi ta nói Disneyland ở Orlando (Florida) nầy rất lớn, có thể nói là lớn nhất thế giới của công ty The Walt Disney. Nó lớn cũng phải vì nó gồm tất cả là bốn khu vực: Khu Magic Kingdom Park mà Phương nói giống như khu trò chơi của Disneyland ở California, khu Disney’s Holliwood Studios, khu Disney’s Animal Kingdom giống như là sở thú và khu Epcot là khu vực gọi là Lễ hội quốc tế về thức ăn và rượu nho của các gian hàng đại diện cho nhiều xứ hay quốc gia.
Theo tài liệu thì Disneyland ở Orlando (gọi là Disney World) được công bố thành lập vào ngày 15/11/1965 giữa anh em Walt Disney, Roy O. Disney cùng đại diện chính quyền Florida là ông W. Haydon Burns và bắt đầu xây dựng vào năm 1967 đến 1/10/1971 thì khánh thành. Disney World nằm ở Bay Lake gần Orlando với diện tích khoảng trên 11,000 mẫu tây. Đầu tiên được mở là Magic Kingdom, kế tiếp là Epcot (viết tắt của “Experimental Prototype Community of Tomorrow” mở năm 1982), rồi Hollywood Studios (1989), và Animal Kingdom (1998).
Đúng 9 giờ sáng chúng tôi đã có mặt và xếp hàng mua vé vào cổng của khu vực Epcot. Biểu tượng của khu vực nầy là quả cầu màu kim loại trắng sáng, sừng sững thật lớn ở bên trong đường vào mà người ta gọi Spaceship Earth. Chúng tôi đi một vòng bên trong thấy có những trò chơi trên những rô-bô lớn mà vài đứa trẻ đang ngồi trên đó. Sau khi đi vệ sinh thì ai muốn đi đâu thì đi, nhưng đến giờ trưa hẹn đến đợi nhau ở đây rồi tính sau.
Tôi đi với Tường và con Tường là Thu thả dọc dài xuống khu Showcase Plaza nhìn người ta làm những món ăn cùng trưng bày cây cối, đặc điểm của xứ sở của họ như Dominican, Greece, Hawai’I, Scotland, Patagonia, New Zealand rồi đến các World Showcase như Canada, United Kingdom và France. Đến đó thì đã quá trưa và Tưòng cần internet để lo vài công việc của hãng ở bên nhà, chúng tôi đành quay lại và cùng nhau chia buổi ăn trưa ở những ghế nghỉ chân ở bên đường đi vào… Trên cao có đường xe lửa một đường rầy, nhưng xe lửa ấy lại từ khu vực Magic Kingdom chạy vòng sang chứ không phải là của khu vực Epcot nầy. Sau đó thì Tường và Thu đến gần quả cầu lớn để có Wi-Fi mạnh hơn mà lo công việc, còn chúng tôi thả lần về hướng Tây để tham quan khu Imagination và The Land, chơi vài trò chơi ở đó để rồi tới giờ đi ra chỗ hẹn và chuẩn bị đi về vào lúc 3 giờ chiều.
Về đến nhà Phương cũng là quá 4 giờ rồi cùng nhau lo sửa soạn buổi ăn chiều. Sau nghỉ ngơi và hát karaoké.
Sáng hôm sau mấy đứa nhỏ tính chuyện đi Magic Kingdom do Cậu Bi và bạn gái chở đi. Tất nhiên ba nó phải đi theo. Còn mấy bà thì đi “outlets” do Phương chở đi, rồi Phương lại phải quay trở về đi với Hùng để lo vấn đề xe mướn bị đụng móp đít không biết tự lúc nào. Tôi, cậu chín ở nhà nghỉ ngơi. Rồi một ngày nữa lại qua đi!
Hôm nay vì Phương tính đưa mọi người ra bãi biển chơi cho biết và ai muốn tắm biển thì tắm, do đó không cần phải dậy sớm. Vì vậy mà mọi người được dịp ngủ nướng cho đã giấc sau những ngày mệt mỏi. mặt trời lên cao thì mọi người cũng phải dậy thôi, rồi lo ăn sáng. Mấy bà chuẩn bị đồ ăn uống mang theo, còn Phương thì lại chuẩn bị phao ở nhà đã có sẵn.
Đến 12 giờ thì đoàn khởi hành ra biển, chia nhau đi trên ba xe, Phương dẫn đầu. Từ nhà ra biển cũng khoảng chừng hơn một tiếng đồng hồ. Đó là vùng biển Volusia County và chúng tôi đậu xe ở New Smyrna Beach. Những người lớn thì không tắm chỉ đi vòng vòng xem bãi biển thôi, còn những đứa nhỏ thì thích tắm hơn. Bãi biển nầy thoai thoải, không dốc lắm, sóng không cao, nước trong, cát lại trắng xem ra thì cũng đẹp. Tôi quên đi tên của biển nầy là Đại Tây Dương mà cứ nhớ là Đại Dương nào cũng là Đại Dương chứ không là cái tên riêng do người ta đặt. Giờ nầy không nhiều người trên bãi biển chắc vì không phải là mùa Hè, mà cũng có thể là ngày này vẫn là ngày làm việc nên không mấy ai rảnh rang để đi tắm. Thầy Phương cố bơm phao cho mấy đứa nhỏ đem đi tắm, nhưng phao đã bị xì vì lâu quá không sử dụng.
Sau khi ăn uống thì những đứa nhỏ không muốn tắm nữa, nên mọi người quyết định về để lo trả xe đồng thời đón phái đoàn của những người bạn từ phía Tampa, Saint Petersburg tối nay sẽ lên chơi và tiễn đưa phái đoàn Úc ra phi trường để trở về Cali; còn Dung, Hùng, cháu Bi và cô bạn gái của nó sẽ trở về Salt Lake City; và Tường, Thu về Cali đợi chuyến bay về việt Nam.
Về đến nhà vào lúc 5 giờ thì phái nữ lo chuẩn bị buổi ăn chiều; còn Phương, Hùng, Bi và Cậu Chín đi trả xe. Ăn uống vừa xong thì phái đoàn Tampa đã lên đem theo chai rượu mạnh để cụng ly tiễn biệt lâu ngày mới gặp lại nhau ngay cả với Hùng, Dung vì họ cùng là đồng hương ở Tân Ba. Nhất là Mỹ nhỏ kể chuyện rất sôi nổi, vui vẻ, có duyên mà lại thích ca hát; có thể xem như là người hễ mở lời là thành bài ca vọng cổ hoặc các bản nhỏ (của cổ nhạc), chắc đêm nay Mỹ nhỏ trở thành đối tượng của ca sĩ Tường rồi. Mỹ nhỏ than rằng: “Hồi ở Việt Nam thì em giống Mỹ (vì là Mỹ lai), nhưng khi qua Mỹ thì em lại giống Việt Nam”. Mọi người cười ồ tán thưởng ý tưởng ngộ nghĩnh ấy bằng những tràng pháo tay! Tiệc dù lâu thì cũng phải tàn. Chúng tôi phải đi ngủ để hôm sau dậy sớm mà ra phi trường!

Nguyên Thảo,
16/06/2016.



*Những Con Mối!

*Thơ Đồ Ngông! (tt)


Những con mối thân hình bé nhỏ
Dáng ra, cứ tưởng đáng thanh cao
Mà chui rúc trong hốc hẽm bờ rào
Rồi gậm nhấm, không chừa nào thân gỗ.

Nhà xưa đẹp, nhiều năm thi thố
Chỉ bên ngoài mà trong ruột tiêu tan
Vì lũ mối kết lũ kết đàn
Kết thành ổ, tha hồ đục phá.

Nhà vẫn đẹp dù bao năm nghiệt ngã
Chiến tranh qua, vươn mãi với trời cao
Lũ mối tới, mọi góc tối chui vào
Chúng tha hồ tung hoành cắn nát.

Nhà ông cha lung lay từng phút
Chỉ đợi ngày sụp đổ suy tàn
Mối! mối! sanh sôi nẩy nở vô vàn
Mở mắt ra, khắp nơi đều là mối!

Đồ Ngông,
16/06/2016.



Saturday, June 4, 2016

*Ngẫm Cười!

*Thơ Đồ Ngông! (tt)


Ngẫm cười thế sự đa đoan
Thời nay người lại tạo loài rô-bô
Làm trong nhà máy cơ hồ
Thay cho công cán mà người bỏ ra
Giúp cho kỹ nghệ đẫy đà
Tạo thêm sản phẩm đưa ra thị trường.
Thế mà lại phải thảm thương
Có người lại biến người thành rô-bô
Một khuôn, một mẫu xô bồ
Ngợm không ra ngợm, người không thành người.
Như dòng nước phải chảy xuôi
Đâu đâu một kiểu, một bầy như nhau
Từ trong tư tưởng cái đầu
Đi vào hành động để xây Thiên Đường
Thiên Đường còn ở viễn phương
Đã chưa thấy bóng… đau thương lại tràn!

Đồ Ngông,
03/06/2016.


*H.T Chữ Nghĩa 27: Từ "Bản Tin Nông Gia" Tới "Blog" (2)



Email tôi được thiết lập vào ngày 19/01/2005, nhưng đến ngày 04/02 tôi mới chuyển gởi các chi tiết, hình ảnh đến anh Ngô Lâm một cách ngăn ngắn thôi. Và mãi đến cuối năm tôi chỉ sử dụng đến email chút ít, cùng kéo dài trong suốt các năm sau tính vị chi không quá 20 lần. Rồi đến đầu năm 2008 tôi mới bắt đầu sử dụng thường xuyên email của mình. Vài lần tôi thử gởi các bài viết đến các trang mạng khác nhưng không thành công vì họ cho rằng bài không có ý sáng tạo, đề tài đã cũ: Đó là bốn bài tôi viết về quê hương! Thật ra tôi viết những bài đó từ lâu và được đăng trên báo Việt Luận, nhưng nay tôi thấy tình hình tương đối còn thích hợp nên tôi gởi các bài ấy đến cho họ để họ quyết định thế nào. Rồi đến đầu năm 2008 tôi thử gởi bài “Những sự thâm trầm của Đạo Phật” đến trang nhà Đạo Phật Ngày Nay của Thầy Thích Nhật Từ xem sao. Bài ấy được đăng vào tháng 01/2008 mở đầu cho sự mạnh dạn của tôi về sau nầy. Tôi duyệt lại những bài mình đã viết về Đạo Phật, sửa chữa, bổ túc những điều cần thiết mà tôi đã nghiên cứu thêm được qua những năm tìm hiểu sâu hơn và gởi đến Đạo Phật Ngày Nay; nhất là bài “Sự Huyền Nhiệm Của Tâm Linh”. Sở dĩ bài “Sự Huyền Nhiệm Của Tâm Linh” trở nên quan trọng đối với tôi vì đó là câu chuyện hoàn toàn sự thật nói lên sự liều lĩnh của tôi trong cơn bệnh để theo đuổi những “hiện tượng” tâm linh diễn biến lạ lùng mà tôi can dự vào. Rồi sau đó là một chuỗi quảng diễn mà tôi đã thực hiện qua những bài viết về Đạo Phật, kể cả những văn và thơ của tôi về sau nầy, ngay cả những bài viết về tôn giáo khác. Tôi chỉ muốn đi tìm một “sự so sánh, phân biệt” để nhận chân được “Chân lý”: Đâu là đúng, đâu là sai giữa các tôn giáo, và cũng là sự kiểm nghiệm “điều của tôi” có hay không có ở trong đạo khác!
Vào khoảng giữa năm 2003, nhân lúc thầy Thích Nhật Từ qua Úc để thuyết giảng, tôi có đến gặp Thầy và đưa Thầy loạt bài “Những Bài Viết Cho Con” để Thầy xem qua và “nếu được Thầy đăng, không thì thôi”. Cũng trong lần ấy Thầy mới nêu cái ý “Viết trực tiếp trên máy vi tính” giúp tôi, và tôi đã thử áp dụng hình thức đó thì thấy trơn tru và tiện lợi, nên tôi thường sử dụng cho đến bây giờ. Phưong cách đó giúp tôi tiết kiệm được rất nhiều thời gian.
Hơn nữa, cái điều tha thiết nhất của tôi đối với bài “Sự Huyền Nhiệm Của Tâm Linh” là làm sao tôi phải phổ biến nó ra được rộng rãi nhiều chừng nào tốt chừng nấy, vì nó là “Kinh nghiệm” của tôi về chặng đường “của Tâm Linh”, để những ai muốn đi vào con đường Tâm Linh qua những hình thức Thiền hay Tĩnh Tâm có thể sẽ gặp trong một ngày nào đó, mà “họ cũng không biết là hư hay thực” giống như tôi đã phân vân trong thời gian dài. Nếu tôi không đi tìm hiểu vào đạo Phật thì tôi cũng chưa kiểm chứng được điều tôi đã thấy và biết. Cái kiểm chứng của tôi là gì? Đi tìm hiểu trong Đạo Phật thì thật là mênh mông, rất nhiều kinh điển. Tôi phải bỏ nhiều thời gian để đi nghe thuyết pháp, hỏi các Thầy; phải tìm hiểu về những giáo lý căn bản để có thể hiểu được sơ qua về giáo lý mà Đức Phật đã giảng giải. Rồi mới lần mò vào các kinh điển. Từ khi đọc đến Kinh điển thì tôi mới thấy mình có thể hiểu và dễ hiểu được ý nghĩa của Kinh văn. À, thì ra mình thấy dễ hiểu vì mình đã “được trải qua trong thời gian khủng hoảng tinh thần”, trong cơn “mơ mơ màng màng” đó. Và những dấu vết để lại là tôi đã “ghi chép” theo dọc đường: Đó là khoảng gần 30 bài viết về Đạo Phật mà tôi cũng đã lần lượt gởi đến Trang Nhà Đạo Phật Ngày Nay. Một điều tôi cũng nên nói rõ là không biết bút hiệu “Nguyên Thảo” của tôi có sau hay trước của vài người, nhưng khi tôi gởi bài đến Trang nhà Đạo Phật Ngày Nay thì có một cư sĩ Nguyên Thảo nào đó đã có bài đăng trước mà tôi không biết. Khi tôi thấy trong danh mục Nguyên Thảo có bài “Theo dấu chân xưa” thì tôi biết mình là kẻ đến sau, và Cư sĩ Nguyên Thảo đó hình như thường xuyên cộng tác với Trang nhà Quảng Đức của chùa Quảng Đức ở Thành phố Melbourne (Úc Châu). Và một sự trùng hợp nữa đó là với Thầy Thích Nguyên Thảo ở Canada. Dù trước hay sau, tôi cũng nghiêng mình thành tâm “xin lỗi” với các vị ấy nhờ lượng thứ về sự trùng hợp. Với tôi dù là “Nguyên Thảo” hay “Đồ Ngông” đều là những lúc “góp vui” hay “đóng góp” cho cuộc đời nầy “thêm một chút gì đó” để cuộc đời có thêm ý nghĩa, thế thôi!
Sự ra đời của bài “Sự Huyền Nhiệm Của Tâm Linh” cũng là điều tôi muốn liên kết với một câu trong Đạo Phật: “Phiền Não Thị Bồ Đề”, vì khi có nhiều phiền não mình mới nghĩ đến tu, nghĩ đến Đạo Phật. Tu trong Đạo Phật không phải là “Cắt ái, từ thân”, “Xuất gia”, “Thí phát quy y”, mặc áo nhà tu, giữ giới mới là Tu; mà tu trong Đạo Phật ở mọi hoàn cảnh, ai cũng có thể tu được miễn làm sao mình đừng gây thêm “nhân ác” để sau nầy không ai đi kiếm mình “đòi nợ” (quả xấu). Nếu mình còn gây nên nợ (nhân xấu) thì còn người đòi hoặc là phải trả (quả) tức là phải còn có “kiếp sau” (phải chịu “luân hồi”); còn trả hết nợ (không còn nhân xấu nữa) thì “không có quả” cho nên “không bị luân hồi” lập tức “thành Phật” mà trong Duy Thức Học gọi là “Đại Viên Cảnh Trí”. Trong quá trình tìm vào Đạo Phật của tôi thì đầu tiên là bài “Những ý kiến đóng góp về một phương pháp Thiền”, nhưng bài ấy chỉ là đúc kết những gì mà tôi đã nhận thức được trong cơn mơ màng của thời kỳ bị bệnh hoạn; và đôi khi tôi nghĩ nó sẽ không đúng với người khác, nên tôi suy ra mình cần nên kể rõ lại những gì mà mình đã cảm nhận cùng những đối phó của mình trong thời gian ấy để người khác tham khảo thì hay hơn, do đó tôi phải hoàn thành bài “Sự huyền nhiệm của Tâm linh” để độc giả tự tìm thấy những gì cần thiết trong câu chuyện đó. Rồi sau nữa, tôi muốn đi tìm cho rõ ngọn nguồn, kiểm chứng điều cảm nhận nên tôi lần đi vào Kinh Phật, từng bước tôi ghi lại đi theo sự tìm hiểu của mình mà bài “Nhân một câu chuyện...(Hay: Phiền não thị Bồ Đề)” là bài khởi đầu cho một loạt khoảng 20 bài mà tôi ghi nhận trong giai đoạn đầu về Đạo Phật. Sở dĩ đó là bài đầu vì qua cơn bệnh tôi không còn tha thiết gì nữa cả, có những lúc ngồi mà nghĩ đâu đâu, và thường nhìn vào trong nội tâm của mình, không màng đến ngoại cảnh nữa (tức là tôi lâm vào tình huống “phiền não”), sau đó thì đọc được bài “Âm thanh siêu thế giới” của Bà Thanh Hải đăng trên báo liên bang “Việt Luận”, tôi thử “tĩnh tâm” thì mọi sự việc mới xảy ra. Từ hoàn cảnh ấy tôi có nhận thức rằng: Những người có phiền não hay đang trong cơn phiền não, họ đang sống về nội tâm, thì họ giống như người hành Thiền hoặc đang ngồi Thiền (không để ý đến ngoại cảnh), như vậy họ dễ mở “cánh cửa Tâm linh” thông với vũ trụ vào thời điểm đó. Về sau tôi tưởng tượng hình ảnh ấy giống như “mình đang lặn hụp trong ao tù mà trên mặt nước ao tù đó có đóng váng xanh (lớp màng bẩn) che khuất để mình không thể nhìn lên khoảng không; nhưng khi mình “lâm vào phiền não, sống với nội tâm” thì tư nhiên mảng “váng xanh” ấy lại “vẹt” ra xa để khoảng trống, mình chỉ cần ngó lên sẽ thấy được “bầu trời”.
Nói cho đúng sự tìm hiểu, vào tôn giáo của tôi cũng rất tình cờ, dù trước kia khi còn học trong nhà trường tôi có học những điều đơn giản, đến khi ở trại tị nạn có cơ hội tìm hiểu vào sâu hơn chút nữa nhưng chẳng thấm vào đâu. Đến khi bệnh hoạn tôi nghi ngờ những điều mình đã “cảm và thấy” nên đi vào Đạo Phật: Vì tôi nghĩ Đức Phật đã ngồi Thiền thì có thể tôi sẽ tìm được nhiều giải đáp trong những điều của Ngài nói. Rồi, tôi cũng chẳng ngừng ở đó mà phải tìm hiểu vào vài tôn giáo khác để xem các tôn giáo có “nhân sinh và vũ trụ quan” thế nào? Dĩ nhiên, tôi đều có ghi nhận của tôi trên bước đường tìm hiểu, nhưng tôi nghĩ tùy theo căn cơ của mỗi người mà họ có Đức Tin, không ai chuyển đổi được “căn cơ” đó, trừ khi họ bước sang một giai đoạn khác: Thí dụ một người nào đó đang ở mức độ tin vào “ma”, chưa chắc bạn nói họ sẽ từ bỏ liền, đôi khi họ còn chửi bạn; nhưng khi họ cảm thấy không thích hợp nữa thì họ tự chuyển đổi thôi.
Để kết thúc phần nầy, tôi xin nhắc lại “giới răn của nhà Phật là tránh Sát, Đạo, Dâm, Vọng” vì giết, trộm cắp, dâm ô, hay dối trá, lừa dối đều là tạo ra nhân xấu, mà có nhân xấu thì phải trả cho nên “cần đến kiếp sau” vì vậy mà chưa ra khỏi vòng Luân Hồi được. Còn tôn giáo nào chủ trương chém, giết tạo ác thì không phải là chân chính giống như người ta bảo rằng “ma đạo” (đạo của ma) được ma tạo ra để lôi kéo người ta trở lại vòng Luân Hồi, vì ma không muốn người nào thoát khỏi vòng kiềm tỏa của chúng.
Khi bài “Sự Huyền nhiệm của Tâm Linh” được phổ biến tôi rất mừng vì nhiệm vụ của tôi đối với thế giới Tâm linh như được giãi bày, còn những bài sau như là ghi lại để đóng góp ý kiến cho độc giả nào đã đọc được các bài ấy mà thôi.
Trong khoảng thời gian gởi tuần tự các bài viết về Đạo Phật đến Trang nhà Đạo Phật Ngày Nay thì khi đọc đến tin tức ở những trang báo điện tử, thấy rằng thanh niên đã gây tội phạm quá nhiều cho nên tôi thử gởi “Những bài viết cho con” nhờ Đạo Phật Ngày Nay đăng tải hầu giúp được gì cho thế hệ tương lai hay không, và tất cả các bài ấy (gồm) 17 bài đã được lên đầy đủ. Thế là các công trình chính yếu của tôi đã được “đóng góp” vào cuộc đời nầy, tôi cũng có nhiều mãn nguyện. Nhưng chuyện đời lại còn có nhiều “Cái Duyên” để nối tiếp!

Nguyên Thảo,
03/06/2016.