Saturday, September 24, 2016

*Quê Người. (13)



Đoàn hoàn tất thủ tục hải quan ở phi trường và trong visa đã được đóng dấu cùng ghi ngày nhập cảnh vào nước Úc với tính cách là “Thường trú nhân” vào ngày 15/03/1984, thì khi vừa ra cửa chúng tôi gặp ngay người đại diện cho Sở Di Trú và cũng là thông dịch đón ở đó. Nếu tôi nhớ không lầm đó là anh Kim, người cao ráo trắng trẻo khá đẹp trai. Anh vui vẻ hướng dẫn, chào đón mọi người, rồi đưa chúng tôi ra xe buýt lớn để về trại tiếp cư.
Tôi nhớ mãi về buổi sáng hôm ấy: Trời mưa lâm râm, bầu trời mù mù đầy mây. Xe chạy trên con đường vắng vẻ, không biết lúc đó là mấy giờ mà sao con đường vắng quá, bên đường thường có nhiều quầy nhỏ để bông, cà, trái cây, không có người bán mà chỉ có cái lon đựng tiền để đó. Tôi lại nhớ đến câu mà cô Giang đã nói: “Mấy ông mà đến Adelaide giống như đi vào Viện Dưỡng Lão”, rồi tôi lại nhìn sang Cô Giang!
Xe chạy qua nhiều con đường cũng không có nhiều người hay xe cộ, trời vẫn mưa lâm râm; con đường nhựa vẫn là bóng láng. Cuối cùng xe đi vào một khu đất rộng với nhiều khoảng trống xen với nhiều khu nhà ở kiểu tiền chế. Xe ngừng hẳn ở trước một văn phòng và bà ra tiếp chúng tôi là người Úc khá mập được giới thiệu là Taylor. Bà là nhân viên Hoạt động xã hội (Social Worker) phụ trách làm thủ tục ở đây. Nhiều người đứng bên ngoài nhìn chúng tôi như là “những người mới đến” và có thể họ đang xem ai trong đoàn có quen với họ không? Nhưng trước tiên chúng tôi được Bà Taylor chào mừng khi đến nước Úc với những lời tâm tình ngắn được thông dịch, rồi sau đó là nhận danh sách nơi ở cùng người hướng dẫn dẫn về nhận phòng để trú ngụ trong thời gian đầu trong trại tiếp cư nầy. Tôi và Thành ở phân nửa nhà vòm phía bên ngoài và Bác Vỹ cùng Bác Phương phân nửa ở bên trong. Mỗi phòng có hai cái giường chiếc có đủ nệm, ra, mền và có bàn ghế để ngồi sinh hoạt hay nói chuyện với khách. Nhưng cái quan trọng không thể thiếu là lò sưởi điện. Sau khi cất đồ đạc xong (mà có đồ đạc gì đâu để cất!) thì tôi, thành, Bác Vỹ, Bác Phương kéo nhau lên nhà ăn để ăn sáng và chúng tôi sẽ được tập trung vào hội trường làm việc để làm các thứ giấy tờ vào lúc 10 giờ. Tôi cũng đứng vào hàng để tuần tự lấy thức ăn. Mọi thứ đều lạ lẫm, chúng tôi phải nhìn người khác làm để bắt chước ngay cả các món ăn cũng phải dùng thế nào cho đúng. Ở hội trường chúng tôi được hướng dẫn làm giấy tờ cá nhân như về thẻ khám bệnh, giấy tờ trợ cấp từ an sinh xã hội. Thời giờ còn ít cho nên chúng tôi được nghỉ để đi ăn trưa ở căng-tin rồi sẽ trở lại hội trường làm vài thủ tục khác vào lúc 2 giờ. Về phòng tôi được nghỉ ngơi thoải mái trong vài tiếng đồng hồ, còn Thành thì đi rảo trong khu vực, đến những người đã quen. Đúng 2 giờ chúng tôi tụ tập tại hội trường để làm thêm thủ tục nhập học vào các lớp Anh Văn; lớp học về đời sống mới tức là lớp học cho biết cách sống của ngưòi Úc để thích ứng vào đời sống ở xứ nầy; lịch trình khám bệnh tổng quát. Kiểu cách đầu tiên được in vào tâm trí của tôi lại là phong cách làm việc của những nhân viên ở đây: Họ rất vui vẻ, nhã nhặn, tử tế, tươi cười chứ không có tính cách hoạnh hẹ, cau có, gắt gỏng như ở bên mình.
Thế là chúng tôi có được một ngày với nhiều công việc để làm cho các thủ tục giấy tờ cần thiết của một người dân trên xứ Úc. Thế mà cũng chưa đầy đủ, nên còn phải làm thêm một số việc vào ngày hôm sau.
Căng-tin được mở cửa cho buổi ăn chiều từ lúc 5 giờ cho đến 7 giờ, cho nên những người trong trại tiếp cư không phải vội vàng, họ có thể bận công việc hay đi đâu đó có thể đến trễ miễn là trước giờ đóng cửa.
Chiều đến có một số người đi vào trong trại tiếp cư để tìm xem có người thân nào đến không, đồng thời gặp vài người để hỏi thăm, nói chuyện chơi sau một ngày làm việc mệt nhọc. Người mới đến cũng mừng và người cũ cũng vui vì “tha phương” mới có dịp gặp nhau. Họ nói ngày mai có cuộc biểu tình ở ngoài “city” (tức là ở ngoài trung tâm của thành phố), Bác Vỹ mới hỏi họ “biểu tình gì?”, thì họ cho biết là “biểu tình để chống ông Ngoại trưởng của Việt Nam là ông Nguyễn Cơ Thạch đến Úc, ở Thủ đô Canberra”, nhưng Cộng Đồng ở đây cũng tổ chức biểu tình phản đối ở tại Thành phố Adelaide. Họ hỏi đi không? Bác Vỹ nói rằng: “Ngày mai bọn tôi còn phải làm thêm vài thủ tục giấy tờ nữa”! Những câu chuyện hàn huyên cũng kéo dài hơi khuya, nhưng các vị khách cần về để sáng mai còn phải đi làm. Họ về nhưng cũng không quên hứa hẹn dịp nào rảnh sẽ vào thăm.
Đêm này có lẽ là đêm đáng nhớ nhất trong cuộc đời của tôi vì chuyến đi của tôi đã được hoàn tất. Tôi đã đến nơi đến chốn một cách đầy may mắn, nhất là đối với người mà không đủ điều kiện nào để làm một chuyến vượt biển như tôi; và hơn nữa lại xuất phát từ một vùng đất nằm trong giữa đất liền rất là khó khăn cho cuộc hành trình. Tôi có thể mừng cho chính mình nhưng những điều khác lại làm cho tôi có nhiều lo âu trên vùng đất mới. Nơi nầy dù xa lạ nhưng lại cho tôi một tình thương ấm nồng hơn là nơi “đất tổ quê cha”, nơi mà người ta coi tôi như là một thành phần “không được tốt”, cái “thành phần” nầy sẽ ảnh hưởng đến bao đời con cái của tôi!
Tôi nằm nhìn lên trần nhà mà suy nghĩ và cùng những điều cần làm tiếp theo: Trước hết là đối với vợ con tôi! Và tôi sẽ phải làm gì đối với những ngày kế tiếp. Tôi không thể lượng định được điều gì, vì ngay với bản thân tôi phải còn ứng phó với rất nhiều khó khăn. Đêm khá lạnh, chiếc sưởi điện nhỏ hừng nóng, thằng Thành đang lui cui soạn lại những thư từ mà những bạn bè ở Sungai Besi đã nhờ gửi đến người thân quen ở các nơi hoặc gia đình ở Việt Nam. Hôm nay là ngày 15/03/1984 đánh dấu ngày đầu tiên mà anh em chúng tôi đặt chân lên xứ Úc để định cư và sống đời lưu vong trên “Xứ người”!
Sáng hôm sau Bác Vỹ và Bác Phương đã dậy sớm và lúc gần 8 giờ hai bác gõ cửa chúng tôi rủ đi ăn sáng. Vì mệt quá, hơn nữa hồi hôm mãi đến khuya mới ngủ cho nên khi nghe tiếng gõ cửa tôi mới thức dậy và nói hai Bác lên căng-tin trước rồi chúng tôi sẽ lên sau. Sau khi đánh răng, rửa mặt ở phòng giặt, tắm gần chỗ ở rồi tôi và Thành mới lên căng-tin. Đã có nhiều người kể cả các sắc dân khác đã đến trước ăn ở đó. Lấy thức ăn xong tôi đến ngồi bên bàn Bác Vỹ, Bác Phương. Bác Vỹ hỏi tôi có tính gì chưa? Tôi đành trả lời ỡm ờ: Chưa tính gì cả, còn lạ quá chưa biết thế nào mà tính. Chắc phải viết thư về nhà nhờ gởi giấy tờ qua rồi làm hồ sơ bão lãnh! Còn mọi chuyện khác thì bây giờ đành chịu, phải “hạ hồi phân giải” thôi! Chắc lo học Anh Văn trước rồi mới tính được! Còn Bác và Bác Phương thì sao? Những câu chuyện xoay quanh trong một tình thế mới được chúng tôi bàn đến, nhưng mọi sự vẫn chưa quyết định được, đành phải đợi thời gian. Bây giờ chúng tôi được tạm yên trên xứ người. Trại tiếp cư nầy (“hostel” chứ không phải là “hotel”) tạm là nơi ở trong thời gian đầu nầy, nhưng nó vẫn hơn là ở trong trại tị nạn và thân phận của chúng tôi đã ổn định chứ không còn “lông chông, linh chinh”: chỗ ngủ, thức ăn, rồi tiền nong thì được sự trợ cấp của chính phủ hàng hai tuần để trả chi phí và tiêu xài, mai đây lại được tham dự vào khoá học Anh Văn để có số vốn ngôn ngữ cho sự giao tiếp trong tương lai. Còn mọi chuyện khác sau nầy sẽ tính, mình lo cho thân mình trước đã!
Đến 9 giờ 30, Bác Vỹ, Bác Phương, tôi, Thành cùng những người qua cùng chuyến bay ngày hôm qua phải đến Hội trường để làm thêm một số giấy tờ về ngân hàng và mở trương mục, cùng những giấy tờ cho các thủ tục linh tinh khác. Kể như những thủ tục cho một thường trú nhân trên đất Úc chúng tôi đã làm xong và chỉ chờ nhập học cho các khóa Anh Văn và đời sống mới tức được hướng dẫn sơ qua về cách sống và giao tiếp ở trên đất Úc để mình không bị bỡ ngỡ.
Sau khi xong, chúng tôi ra ngoài thì có ông anh từ bên ngoài đi vào gặp tôi, Thành, Kim và Liêm nói chuyện với nhau. Anh tự giới thiệu là An đến đây nay đã mấy năm, nay hưỡn đãi nên vào trong trại tiếp cư Pennington nầy tìm xem có người quen hay không? An biết chúng tôi chỉ mới đến vào ngày hôm qua nên ngõ ý chỡ chúng tôi về nhà và khoản đãi bữa ăn trưa. Trước khi về nhà An chỡ chúng tôi đến Bưu Điện để Thành, Kim, Liêm gởi những thư từ mà người ở trại đã nhờ để gởi đến thân nhân; đồng thời đưa chúng tôi đến tiệm bán quần áo cũ đối diện với ngân hàng để chúng tôi biết mà sau nầy cần mua thứ gì để mặc thì đến đó, rồi lại chỡ chúng tôi đến một tiệm khác trước khi đưa chúng tôi về nhà. Nhà của An cũng khá xa, đi xe khoảng 20 phút. Về đến nhà An giới thiệu vợ con, ba vợ, rồi nói vợ lo bữa cơm. An chỡ chúng tôi lòng vòng trong khu vực cho biết.
An đưa chúng tôi về đến Pennington cũng khoảng 3 giờ rưỡi, rồi trở về để đi làm ở hãng vào ban đêm.

Nguyên Thảo,
21/09/2016.


Sunday, September 11, 2016

*Vùng Đất Mối!

*Thơ Đồ Ngông!      (tt)


Mối đã vang lừng, mối khắp nơi
Mối ngang nhiên chẳng khác không người
Đầu trên xóm dưới, đâu đều mối
Cửa ngõ ra vào, mối vẫn chơi!

Mối to mối nhỏ, ổ đông đầy
Hàng vạn mối cha giăng bủa vây
Trên dưới một lòng ăn nát mặt
Đất đai khốn khổ, mặc sâu dầy!

Bao năm lũ mối vẫn tung hoành
Phá nát cơ đồ đến nát manh
Vẫn lũ, vẫn bè cùng đục mãi
Giang sơn như đá cũng tanh bành!

Đồ Ngông,
11/09/2016.



Tuesday, September 6, 2016

*H.T Chữ Nghĩa 27: Từ "Bản Tin Nông Gia" đến "Blog". (5)



Trong cuộc đời người ta thường hay gặp những bước ngoặc để có các biến chuyển từ hướng nầy sang hướng khác, đôi khi không định trước, thì vào cuối năm 2005 tôi cũng gặp một sự việc làm cho tôi thay đổi quan niệm sống, làm việc của mình chút ít. Vốn là vào thời gian ấy, thời tiết thay đổi khiến lượng mưa rất nhiều, đến đỗi những hồ nước lớn chứa nước trên núi nhằm cung cấp nước xài cho nhà dân chúng ở các vùng dưới thấp bị nguy cơ vỡ đập, cho nên người ta xả nước. Lượng nước đổ ào ạt nhưng dòng sông nhỏ với nhiều cây cối mọc dưới lòng sông cản bớt lại nên nước phá vỡ bờ đê chảy vào trong phố chợ. Để tránh thiệt hại lớn, người ta mở đường cho chảy về vùng làm nông. Thế là khu vực của tôi canh tác bị nước tràn qua, ngập lênh láng trong vài tuần lễ, vì vậy sự thiệt hại mùa màng của khu vực cũng là đáng kể. Tôi bị trắng tay mặc dù cây trái mùa ấy tương đối là tốt, trái khá nhiều. Chính quyền Tiểu bang có trợ giúp cho chúng tôi một số tiền để chuẩn bị lại mùa vụ sau khi ngập chết, cùng giúp cho trợ cấp để sinh sống. Sau đó, tôi trồng lại một ít cà trái nhỏ. Cuối mùa, vài bạn bè lại tính nghỉ đi “holliday” (đi chơi). Tôi suy nghĩ rồi bàn với vợ: “Từ xưa đến giờ mình cứ cố gắng làm để góp vốn, nhưng cứ mỗi lần được chút ít tiền thì cũng đều có chuyện để phải tiêu xài, đến khi hết thì thôi, cho nên kỳ nầy: Thôi thì hết, cứ cho hết luôn”! Thế là kế hoạch “đi chơi” được lên lịch sẵn sàng. Và vào tháng 5/2006 vợ chồng tôi cùng anh chị Chín Sáng, Bảy Gàng cùng về Việt Nam và đi các “tour” du lịch với Saigon Tourist: Đi Quy Nhơn, Thái Lan, Trung Quốc, Kampuchia, Vịnh Hạ Long- Sapa, Huế, Hội An- Đà Nẵng, Miền Tây, Đà Lạt. Lúc đó, tôi chẳng có ý nghĩ gì về việc “ghi chép’ nào cả, chỉ tính đi là đi chơi cho thoải mái thôi.
Sau đó hai năm, với sự đồng tình từ anh chị Bảy Gàng, anh chị Năm Chỉ, Tư Quyến, Chín Thôi cùng cô Hi (em vợ tôi) và đứa cháu Anh Thư cùng nhau lại về Việt nam và làm một cuộc đi dài nữa. Lần nầy chúng tôi lại gắn kết bên Viettours Travel.
Bắt đầu từ ngày 22/5/2008 chúng tôi khởi hành cho chuyến “Xuyên Việt” từ Nam ra Bắc, lúc đầu tôi cũng chưa hề có ý niệm gì về việc ghi lại cho một chuyến đi. Chuyến đi khởi đầu từ Thành phố đi ra Nha Trang, chúng tôi bỏ đi Phan Thiết vì phải rút lại vài nơi do không có nhiều thời gian. Mãi đến khi rời Quy Nhơn, nhân trên đường đi ra Đà Nẵng trời trưa nắng, có vẻ chói chang khiến mọi người yên lặng, buồn ngủ; lúc đó tôi bỗng có ý nghĩ làm bài thơ chơi chơi để gọi là vui với những anh chị trong đoàn. Bài thơ ấy có tên là “Nẽo Đường Thiên Lý”:
Cháu Trọng (Tài xế), cháu Đình (Hướng dẫn viên) với ta đi
Hành trang thiên lý, quá mươi người
Một đoàn lữ thứ Nam ra Bắc
Dong ruổi nẽo đường, một thuở (chuyến) đi!
Do tính cách “Vui chơi và hơi tếu” nên tôi ghi ở dưới là Đồ Ngông. Rồi khi ở nơi nhà hàng “Gióng biển” tôi lại gặp ông anh từ Thanh Hóa trở vô khiến tôi làm bài thơ “Gặp Nhau” và nhất là khi đi chợ mà bỏ quên cái “bóp” (ví) giấy tờ ở phòng, thật là hồi hộp, lo âu nên có bài thơ “Bỏ Quên”. Thế là từ đó là tác nhân (duyên khởi) cho loạt bài thơ ngăn ngắn du lịch được ra đời mà sau nầy tôi đặt cho cái tên là “Thơ Đó, Thơ Đây” vì thơ thể hiện ở nơi nầy, rồi lại được làm ở nơi kia. Loạt thơ nầy được thành hình theo bước chân của tôi đi, có lẽ được khởi đầu từ Đà Nẵng trước rồi đến Huế, Bến Hải, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, rồi đi đến Ninh Bình, Hạ Long, Cát Bà.
Trong đợt nầy Thơ lại theo tôi đi Phú Quốc, sang đảo Jeju, Seoul (Đại Hàn), rồi qua đến Mã lai và sang Singapore. Nhân đó tôi quay lại chuyến đi ở Việt Nam vào hai năm trước mà ghi lại bằng những bài thơ về miền Tây. Đa số các bài thơ ấy đều ngăn ngắn, vì sau nầy tôi không thích làm thơ dài nữa mà chỉ ngắn gọn thôi, để người đọc không phải mệt mỏi do sự kéo dài lê thê, chắc cũng là bỡi nơi cái “lười” của tôi.
Khi kết thúc những bài thơ về Singapore thì tôi bỗng dưng nhớ lại: Mình làm những bài thơ ấy để làm gì, làm để cho mình làm kỷ niệm thì cũng tốt, nhưng mấy ai ra ngoài, đến nơi đó để nghĩ về bài thơ của mình. Thế là tôi không làm nữa, kể cả những chuyến đi về sau nầy.
Cũng trong đợt đi năm 2008, trước khi kết thúc thời gian để về lại Úc, vợ chồng tôi cùng anh chị Bảy Gàng, chín Thôi làm một chuyến lên Tây Nguyên: Buôn Ma Thuột, Pleiku, Kontum vào vùng Ba Biên Giới, nhưng vì quên đem theo Thông Hành nên chúng tôi đành dừng chân lại ở Cửa Khẩu Bờ Y, đó là lý do của những bài thơ về Tây Nguyên được ra đời.
Dần dà tôi gởi các bài thơ đó đến nhờ Từ Minh Tâm để chuyển lên Blog dùm tôi để những ai thấy đọc chơi cho vui, vì lúc đó tôi chưa biết cách để đưa bài lên. Một ngày tôi nhận email của Tâm: “Bao giờ anh mới làm thơ về Bình Dương đây?”. Đọc những lời ấy tôi thấy mình “cũng nên”. Vì thế tôi đành ngồi nhớ lại Bình Dương ngày xưa để tạo thành những vần thơ về quê hương mình; tất nhiên Bình Dương ngày nay tôi không biết được bao nhiêu rồi! Cũng còn may, mọi kỷ niệm thời thơ ấu lại quay về, mà kỷ niệm ấy được trải dài từ Tân Khánh để lên Tân Uyên và đi lên tận trên Phú Giáo; phối hợp cùng những kỷ niệm lúc theo Thái Văn Tâm lên Bình Long để khi ra trường nếu một mai mình có chọn về dạy trên Bình Long thì không bị ngỡ ngàng. Nhưng tôi đã không lên Bình Long mà lại còn có cơ hội được ở Bình Dương để rồi về Dầu Tiếng, vì vậy mà vùng phía Tây Bình Dương tôi lại được dịp để ghi nhớ. Đến sau nầy tôi về trường thuộc quận Lái Thiêu, và khi thời cuộc thay đổi, Lái Thiêu cùng Dĩ An nhập chung lại lấy tên là huyện Thuận An nên tôi cũng hiểu được ít nhiều về phương Nam nầy. Do vậy khi làm những bài thơ về Bình Dương cũng không là khó đối với tôi cho lắm nên đúng 100 bài thơ về Bình Dương được trình làng. Tình cảnh trong thơ thì có cũ có mới. Nhưng với tôi cái cũ nó sẽ quan trọng hơn nhiều vì tính cách lịch sử của nó. Biết đâu thêm vài chục năm sau chẳng ai biết vùng An Mỹ, Phú Hữu, Phú Trung, Phú Chánh, vùng sân bay... mà người ta chỉ biết là khu Thành phố mới mà thôi! Dù vậy, tôi vẫn có một số bài thơ “đi nhằm” vì sự phân chia về ranh giới của tỉnh Bình Dương với tỉnh Đồng Nai mà tôi không được tường tận cho lắm: Khu vực từ xã Tân Hạnh qua Chợ Đồn đến Tân Vạn vẫn còn thuộc về Đồng Nai chứ không là của Bình Dương như tôi đã nghĩ, cho nên các bài thơ viết về khu vực ấy đã sai, nhưng thế nào thì nó cũng chẳng là quan trọng đến bao nhiêu! Cứ coi như là tạm ổn!
Như vậy, duyên nợ “Thơ” của tôi với Bình Dương (100 bài) cùng một số cho các “Nẽo Đường Đất Nước” lẫn “Các Nẽo Đường” (khoảng 340 bài) đã được phát họa với những nét khái quát, có nhiều bài hơi “tếu” nên chúng đều được ghi dưới bút hiệu Đồ Ngông.
Sau những đợt ấy, Từ Minh Tâm thấy bài tôi khá nhiều và muốn tôi được tự quản lấy cái “blog” có sẵn nên chỉ cho tôi cách “post” bài. Làm cứ “cà trật, cà vuột” nên tôi phải email để nhờ Tâm giúp, chỉ dùm. Dần dà tôi cũng làm được, không đến đỗi nào!
Trong quá trình viết của tôi, quả thật là tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ viết hay làm cái nầy cái kia to tát đâu. Cái đầu tiên là tôi chỉ muốn diễn tả làm sao để người ta hiểu được cái lạ lùng mà tôi đã “thấy”, đã “chiêm nghiệm” được trong cơn “định tâm” vào thời gian bệnh mà mình trải qua. Tôi chỉ đánh lên tiếng chuông để người ta suy nghiệm lại về vấn đề “tâm linh”, mà cũng chính nó đã “thôi thúc” trong lòng tôi một ngày nào đó “phải viết”. Khi tôi có dịp “được viết”, thì tôi cứ nghĩ: Như vậy là xong! Nhưng, điều ấy không đơn giản mà lại giống như một chiếc xe bắt đầu chạy, cái trớn của nó cứ kéo hết đoạn đường nầy đi đến đoạn đường khác. Những cái ngày xưa mà tôi học, quan sát được lại hiện ra và trở thành một đề tài và rồi tôi lại ngồi viết: Bây giờ viết để cho vui mình, vui bạn bè, vui với độc giả. Cho nên tất cả bài viết của tôi chẳng có bài nào là hư cấu cả, kể cả những bài viết về loài vật hoặc có tính cách ngụ ngôn. Nếu bạn chịu khó suy nghĩ, hoặc liên kết một chút bạn sẽ tìm được ẩn ý của nó. Tại sao tôi không viết thẳng thừng, vì sự thật nào cũng đều “đau lòng” và làm cho người trong cuộc dễ trở nên “phẩn nộ” mà không chấp nhận “sự sai lầm”. Nếu không tin, bạn cứ thử phê bình, hay nói thẳng điều sai của người thân thiết rồi bạn sẽ thấy “sự ngoan cố, cãi bướng, cứng đầu” để bảo vệ chuyện làm, lập trường của họ cho bạn coi. Có lẽ từ tính chất ấy mà thơ của Đồ Ngông mới có nhiều, kể cả những bài viết về “Tào Lao Thế Sự” hoặc nói nôm na là “Chuyện Tào Lao”.

Nguyên Thảo,
07/09/2016.



*Lòng Vòng Trên "Bắc Úc". (2)



Vào lúc 6 giờ, chiếc du thuyền rời bến đậu, từ từ thả ra ngoài đi vào vùng nước của bến cảng. Mọi người lục tục đi lấy thức ăn theo kiểu tự phục vụ. Nước uống thì mình mua ở quầy rượu. Tôi làm một chai bia để gọi là ấm lòng, vợ tôi cũng “ké” vào chút xíu. Vừa ngồi thưởng thức món ăn, vừa ngắm chiều dần xuống, lại ngó qua thành phố chìm trong nắng chiều màu đo đỏ. Chỉ nghe tiếng máy tàu nổ, tiếng sóng nước rì rào, và những âm thanh chuyện trò nho nhỏ, còn ngoài ra thì yên tịnh, cái yên tịnh của chiều hôm. Bên bàn ăn, ly rượu, nhâm nhi mà ngắm hoàng hôn về trên thành phố, trong khi đó thì mặt trời vẫy tay chào lần để đi ngủ thì cũng là “tuyệt”. Tôi giống như nhiều người, cũng cố chụp vài bôi hình và quay vài khúc phim như lưu luyến với cái cảnh dễ “sanh tình” nơi vùng đất xa xôi nầy! Tôi lại nhớ về những ngày lênh đênh trên biển cả của chuyến vượt biển năm xưa: Cảnh mặt trời lên và lặn trên biển hàng ngày, nhưng thuở ấy mình vẫn không đủ tâm trí để thấy nó đẹp hay hấp dẫn như thế nào, mà chỉ là với một mảnh lòng lo âu!
Du thuyền vẫn chạy, những câu chuyện được nối nhau từ bàn nầy cho đến bàn khác. Thành phố ở trên kia đã lên đèn từ lâu. Trên mặt nước cũng có những nơi loang loáng ánh đèn của vài chiếc tàu khác đang đi. Chúng tôi ăn xong món ăn chính rồi lại đến trái cây, đồ ngọt.

Theo dự trù, du thuyền sẽ chấm dứt chuyến đi vào lúc 8 giờ 30, tức là sau hơn 2 giờ rưởi dong ruổi trên mặt biển và chúng tôi lại được xe buýt đưa về khách sạn để tắm rửa, nghỉ ngơi, chuẩn bị cho ngày mai thức dậy sớm làm một cuộc hành trình xa để đến Katherine Gorge, ở mãi tận Nitmiluk National Park.
Từ 4 giờ rưởi sáng, vợ chồng tôi đã thức dậy để lo sửa soạn, uống cà phê, chuẩn bị cho chuyến đi ngày hôm nay. Chuyến đi nầy mất khoảng 14 tiếng đồng hồ trong ngày. Xe buýt của công ty AAT Kings sẽ đến
khách sạn để đón chúng tôi vào lúc 6 giờ vì vậy chúng tôi phải tụ tập ở dưới phòng đợi của khách sạn trước gần 20 phút.
Xe buýt không những đón chúng tôi mà còn đến rước khách ở những khách sạn khác nữa nên cũng mất thêm chút ít thì giờ, đã vậy lại còn đến điểm tập trung để phân chia theo chuyến xe vì mỗi ngày có hai chuyến đi: Một chuyến sẽ đi về Katherine và một chuyến cho cuộc du hành đến Kakadu National Park. Hôm nay chúng tôi đi về Katherine.
Xe buýt rời Thành phố Darwin đi về hướng Nam theo đường Stuart Highway. Đường nầy được mang tên của nhà thám hiểm John McDouell Stuart, người Âu châu đầu tiên đã tìm con đường nối liền từ Adelaide với Darwin nhằm mục đích thiết lập đường Điện tín viễn lien trên đất liền để nối hệ thống liên lạc giữa Úc với các nước khác qua ngỏ Darwin. Thành phố Darwin được phát triển nhiều dọc hai bên con đường nầy từ những năm trở lại đây cho nên thấy có vẻ sầm uất hơn. Trong những khu vực nầy đường Stuart Highway có hai làn đường cho mỗi bên lên và xuống với vận tốc là 100 km. Đến khu vực bên ngoài thôn quê đường chỉ còn có hai làn lên và xuống, thỉnh thoảng có làn đường để cho các xe qua mặt, nhưng vận tốc được cho phép chạy đến 130 km/giờ. Dọc đường xe không nhiều, nhưng xe tải hạng nặng có đầu kéo kéo đến ba toa dài, có khi lại đến bốn toa nối nhau thấy thật là “ghê”. Nhưng dù gì thì luật chỉ cho phép chiều dài của “đoàn xe” không vượt quá 53.5 m. Thấy như vậy mới biết các tài xế nầy quả thật là hay!
Ngày trước, khi nói về vùng sa mạc của nước Úc, tôi cứ tưởng tượng là nơi vùng cát đá, cây trơ trọi không nhiều như ngày học về sa mạc trong trường học, nhưng khi đi đến vùng đất đỏ trong trung tâm nước Úc thì mới thấy không đến nỗi nào, vì cây cối vẫn nhiều và màu xanh vẫn hiện diện tốt tươi mặc dù ít mưa, khô nóng. Thì ở đây, rừng cây của miền Bắc Úc vẫn nhiều, bao trùm đủ trên mặt đất dọc hai bên đường, có điều đa số vẫn là loại cây khuynh diệp cho nên cái màu hơi nâu nâu của lá khiến người ta ngồi ở trên máy bay nhìn xuống cứ thấy là vùng đất ở Úc không đủ nước để cho cây xanh tốt. Cũng quả thật như vậy, có lần tôi đã đọc được ở đâu đó nói về trên thế giới nầy lục địa khô nhất là lục địa Úc Châu, mà nơi khô nhất của Úc lại là ở Tiểu bang Nam Úc. Điều ấy không biết là có đúng không, nhưng lượng nước để cây sống nỗi như thế nầy thì nước dưới mặt đất chắc cũng là không ít. Kinh nghiệm theo như người Thổ dân từ xưa người ta đốt những khu vực nhỏ để tránh những hỏa hoạn lớn về sau, cho nên dọc đường tôi thấy có nhiều khói mù giống như là cháy rừng, điều đó được tài xế kiêm hướng dẫn viên cho biết người ta đốt từng khu vực để tránh cháy lớn vì ở đây có loại cỏ có thể cao đến 2 mét, nếu không làm như vậy thì sau nầy cháy rừng sẽ khủng khiếp hơn nhiều. Những khu vực đốt lâu, cây hồi sinh có tàng lá xanh mướt rất đẹp và nhìn vào khu rừng thấy khá thoáng. Có những cột gò mối vươn cao lên màu ngà trắng, rất lớn nhưng tài xế nói đó chỉ là những “mối cỏ” thôi, chắc ý nói nó không ảnh hưởng về cây cối. Suốt dọc đường có khá nhiều khu vực có mối. Có loại cây cọ không cao, thân không lớn mà tài xế cho biết tên của nó là “little palm” mà tôi cứ tưởng là loại cây mạt-cật để làm chổi quét ở quê mình.
Xe đến khu vực Adelaide River, tài xế đề cập đến một nghĩa trang chiến tranh ở đây và chúng tôi sẽ ghé viếng thăm ở đó trong chốc lát. Từ Darwin đến Adelaide River này có khoảng cách là 114 km. Nơi nầy được biết là đất đai của người Thổ dân Kungarrakan và Awarai từ xưa, và theo thống kê vào năm 2011 thì dân số là 237 người. Adelaide River là một thị trấn nhỏ được thành lập vào năm 1872 cho những người xây dựng đường Điện tín trên đất liền cư ngụ. Trong thời Đệ Nhị Thế chiến Adelaide River đóng vai trò chính trong việc phòng thủ của nước Úc khi các lực lượng không quân, pháo binh, truyền tin đều được đóng ở đây, và tháng 8/1942 Adelaide River War Cemetery được thành lập. Adelaide River bị máy bay Nhật dội bom một lần vào sớm ngày 12/11/1943.
Ở nghĩa trang chiến tranh nầy có tất cả là 434 ngôi mộ gồm 14 thuộc không quân, 12 hải quân Anh, 1 lính Gia Nã Đại, 18 thủy thủ, 181 ngưòi lính, 201 không quân và 7 hải quân Úc.
Sau khi viếng nghĩa trang xong, chúng tôi lại lên xe và tài xế chạy vòng ra theo chiếc cầu nhỏ trước kia để lên Stuart Highway và đi tiếp. Đến 9 giờ 40 hơn, xe dừng lại ở Emeral Springs Roadhouse cho chúng tôi xuống ăn uống giải lao, tiêu tiểu. Đã có vài xe đầu kéo, kéo ba toa chuyên chở hàng hóa hay dầu đang nghỉ ngơi ở đây. Nhiều người chắc cũng ở nơi khác đến như chúng tôi nên thấy lạ đưa máy hay phone lên chụp hình lia lịa. Tôi không chụp mà chỉ quay thôi!
Đến 10:30 giờ lại lên đường. Xe đi qua Pine Creek nơi ngày xưa có mỏ vàng, rồi lại đi vào thác Edith lúc 11:20 giờ. Thác nầy còn có tên là Leliyn theo ngôn ngữ của người Thổ dân Jawoyn, thác không cao lắm, theo ước tính nó cao khoảng 176 m so với mặt nước biển nhưng thực tế nó chỉ cao khoảng 8.7 đến 12 m so với thực địa. Nó cách Katherine chừng 60 km về phía bắc. Khi chúng tôi đến đó thì mới biết nó vốn là cái hồ chứa nước để tràn ra vào mùa nầy nước chảy cũng khá mạnh nhưng chỉ thoát ra bằng một khe nhỏ giống như ngưòi ta phá vỡ một phần đá ở miệng, nhưng chắc vào mùa mưa nhiều nước thì nước chảy ra ở độ cao hơn.

Ở hai phần phía trên và phía dưới du khách có thể tắm vì nước vừa sạch vừa trong xanh. Có những bụi dứa dại mọc dọc theo các dòng nước. Dứa nầy không có gai theo dọc lá như dứa dại ở Việt Nam. Tôi cố chụp vài tấm hình làm kỷ niệm. Có bà họa sĩ người Úc đang chỉnh sữa lại bức tranh mà bà đã vẽ (có lẽ vẽ theo bức hình đã chụp, vì bà đang cầm tấm ảnh đó). Sẵn đó tôi quay luôn cảnh nầy. Edith Falls được nối với Katherine Gorge để thành một tour du lịch Katherine Gorge Cruise và Edith Falls ở Công Viên Quốc Gia Nitmiluk (tên cũ là Katherine Gorge National Park) của hãng AAT Kings mà chúng tôi đang tham dự.
Vườn Quốc gia NItmiluk có diện tích khoảng 2,946.64 km2, ước chừng 292,800 mẫu tây của người Thổ dân Jawoyn cùng hợp tác quản lý với Tổ chức Parks and Wildlife Commission of the Northern Territory, được thành lập vào ngày 19/10/ 1977. Ranh giới phía bắc của Công viên nầy được nối kết với Kakadu National Park. Katherine Gorge là phần chính mà chúng tôi sẽ tham quan và đi “du hí” ngày hôm nay.
Chúng tôi lên xe buýt vào lúc 12 giờ rời khu vực Edith Falls để tiếp tục ra Stuart Highway đi qua thị trấn Katherine mà sang Katherine Gorge. Dọc đường gặp xe đầu kéo kéo bốn toa bồn mọi người đều ngạc nhiên và thán phục tài xế của vận tải hạng nặng đó quá chừng! Và đó cũng là điều thích thú lạ lùng trong chuyến du hành lần nầy của tôi vì ở Nam Úc tôi chỉ thấy xe đầu kéo kéo hai toa dài và một toa ngắn mà thôi!
Từ Katherine đi vào đến Katherine Gorge tới 29 km đường bộ. Vào đến đó đồng hồ đã hơn 1 giờ trưa, chúng tôi vội vàng cho buổi ăn trưa trong căng-tin ở đây. Xong, gần đến giờ cho chuyến đi chính trong ngày hôm nay, đó là tour đi “Cruise trên Katherine Gorge” trong vòng hai tiếng rưởi. Thế là đoàn chúng tôi được hướng dẫn xuống du thuyền để khởi hành đúng giờ theo quy định.

Nguyên Thảo,
04/09/2016.



Sunday, September 4, 2016

*Trời Đã Giao Mùa!



Đã từ lâu lắm tôi hay nghe nói đến hai tiếng “Giao Mùa”, nhưng tôi chỉ mang máng trong thực tế cũng như trong ký ức, chứ chưa bao giờ được quan sát kỹ càng như năm nay. Không hiểu do một sự tình cờ hoặc do nơi mình càng già đi, nên thưòng hay để ý đến thời tiết, vì vậy mà có thể phân biệt phần nào cái lý lẽ của trời đất theo kiểu khoa học với những chứng minh. Chuyện ấy đã xảy ra lúc trước, khi tôi nhìn thấy một mùa Thu muộn mà tôi đã đúc kết lại thành một bài viết có tên là “Thu Muộn”. Nay lại đến một “Sự giao mùa” khác mà mới đây tôi được dịp để nhìn ra! Nên:

Trời đã giao mùa rồi đó em
Đông qua, Xuân đến một năm thêm
Tiết trời thay đổi, người dong ruổi
Mùa ấm đang sang, nắng đến thềm
Ríu rít, chim lên lời gọi sáng
Dập dồn, cây cối lộc ra mềm
Hoa khoe sắc thắm đời tươi đẹp
Xuân đến rồi đây, giống cảnh tiên!
(Nguyên Thảo)

Ở được nơi có bốn mùa có nhiều cái hay, nhưng cũng có nhiều cái chẳng thích hợp cho người già nhất là về mùa Đông. Ngày xưa, nơi cái xứ gọi là Miền Đông Nam Bộ chỉ có hai mùa mưa nắng, nhưng những ngày mưa nó lại xảy vào các tháng nóng trong năm, nên người ta cũng có thể chịu đựng được nơi miền đồng khô cỏ cháy nầy; và đồng thời mùa ấy lại có đủ nước mưa để nông dân làm những vụ mùa và cấy lúa gọi là “lúa gò”, tức là loại lúa cấy trồng trên những thửa ruộng trên vùng đất cao. Còn những tháng nắng lại xảy ra vào các tháng tương đối lạnh của vùng ôn đới nên cái khô ráo đó cũng trở nên dễ chịu hơn. Cái khô ráo bắt đầu dần từ tháng 9, tháng 10 khi vào mùa “Tựu trường” học trò đi học để rồi nhà văn Thanh Tịnh mới có đoạn văn bất hủ: “Hàng năm cứ vào cuối Thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…” mà bao nhiêu học sinh đều biết và có học đến. Riêng tôi thì những cảnh sương mù trên đồng lúa, đường bờ ruộng, hoặc cảnh mù mù lẫn khuất trong sương sớm của những đoạn đường mà thuở học trò chúng tôi đã đi học vẫn không thể nhạt phai! Sau đó thì đến mùa gặt được ăn cơm “lúa mới” để rồi đón Tết với những ngày tháng rộn rực, náo nhiệt của Tháng Chạp nào là “đưa ông Táo”, “dẫy mã” ông bà, người thân, rồi “đón Giao Thừa, đi chúc Tết” trong năm mới.
Vào những tháng của thời tiết “giao mùa” giữa nắng và mưa thì thật là oi bức thường xảy ra vào những tháng 4, 5 và tháng 6. Một sự giằng co giữa nắng và mưa. Muốn mưa mà không mưa, nắng cũng chẳng ra nắng. Nhiều đêm ngủ phải ra “hàng ba” thoáng mát hơn mới có thể ngủ được, cho nên vào thời xưa người ta phải dùng đến “quạt mo” (quạt được cắt ra từ cái bẹ của mo cau) hay những quạt xếp được mua từ chợ. Sự giằng co của thời tiết làm cho người ta khó chịu biết bao nhiêu để rồi sau đó mùa mưa thắng thế, mưa gầm gừ dữ tợn với hàng loạt sấm sét chết người vào những cơn mưa đầu mùa. Tiết trời thay đổi cùng hơi đất xông lên khiến người bị bệnh thời khí liên miên.
Cuối mùa mưa, “Ông Trời” cũng gần như mệt mỏi nên bao nhiêu nước trút xuống đầy ấp cho nhân gian tạo nên “mưa bão” lụt lội cho bỏ ghét cái loài người ương ngạnh. Bao nhiêu gió được tập trung tạo bão lớn, bão nhỏ lia chia. Hai vùng trung tâm được tập trung là ở ngoài khơi Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Ở Đại Tây Dương thì đi vào đất Mỹ, còn Thái Bình Dương thì không xa với Phi Luật Tân nên bão nào cũng mượn đường Phi Luật Tân để đi vào, khi thì đi qua Đài Loan, Trung Quốc; khi thì vào Việt Nam thử thách dân Việt Nam coi chịu đựng tới đâu, cho nên Ông Trời đã trui rèn “tinh thần, ý chí” của dân tộc Việt hơn là “kẻ thù phương bắc”, vì vậy “sự quật cường của dân Việt” thật là dũng mãnh cũng không có gì là lạ vì:

Nam Quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Cho nên “Thủy tinh” không đánh bại được “Sơn Tinh” cũng vì lý do đó.
Đó là chuyện “Giao Mùa” ở trên quê hương, nơi có hai mùa mưa nắng. Còn chuyện giao mùa nơi cái xứ Xuân, Hạ, Thu, Đông thì nó nhạt nhòa hơn, nên tôi thường không để ý mà chỉ thoáng qua: Nay trời đã sang Xuân, hay vào Hạ; Trời đã chớm Thu hoặc bắt đầu mùa Đông. Hơn 30 năm dong ruổi nơi xứ người, lênh đênh như một kiếp lưu đày, tha phương để đi tìm lại tương lai cho con cái; để rồi ngày nào đó trên bờ sông Murray, ngồi rìa vườn cam mà ngâm hai câu thơ của Thôi Hiệu trong bài “Hoàng Hạc Lâu”:

Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Chiều xuống dần, khí trời buông lạnh, hơi nước từ sông vừa bốc lên đã gặp lạnh liền tạo nên một màn khói trên sông, rồi sóng gợn lăn tăn theo làn gió, làm sao không làm cho người tha phương lại nổi lên cơn buồn, rồi hướng mắt về quê hương nghe lòng mình quặn thắt. Nhưng quê hương mình ở phương nào đây nhỉ? Hướng mặt trời lặn, phương Bắc hay là Tây Bắc?
Hôm trước, mùa Thu năm nay đến muộn nó xen vào mùa Đông khiến tôi thấy hơi lạ để rồi ghi nhận theo hai tiếng “Thu Muộn” của ngày xưa mà mình đã được nghe qua. Và từ đó làm tiền đề cho sự quan sát lần nầy mà thấy được sự “giao mùa”!
Nếu từ mùa Hạ sang Thu thì từ nắng nóng hạ dần tới mát dễ chịu, mây nhiều, gió mưa lành lạnh, nhiều cây lá trở màu dù đó là màu vàng, đỏ hoặc nâu thì nó cũng chỉ là từ từ. Còn từ Đông sang Xuân mới hơi là lạ: Từ những ngày lạnh lẽo lại mưa nhiều, có những trận mưa đá lào rào trên mái nhà, trắng đường trắng sá, người ra ngoài phải co ro hoặc chạy nhanh để tránh lạnh lại thêm gió nhiều; rồi dần bớt mưa và trời nóng lần lên, ngày dài ra.
Cứ thế mà trải dài trong bao nhiêu năm, mà tôi chưa hề để ý để xem nó diễn biến thế nào. thế mà năm nay tôi lại chú ý đến nó, cái hiện tượng thiên nhiên kỳ thú, mặc dù tôi đã có nhiều thắc mắc từ lâu.
Trước kia, khi học về địa lý tôi chỉ biết là trái đất xoay quanh trục của nó và theo một quỹ đạo bầu dục quanh mặt trời theo chu kỳ trong một năm 365 ngày 6 giờ. Chính vì 6 giờ dư ra ấy không thể tính được cho nên theo lịch Tây một năm có 365 ngày, còn 6 giờ dư tính trong 4 năm thì đủ 24 giờ cho một ngày một đêm nên cứ 4 năm thì có nhuần một ngày. Như vậy thì “huề” không năm nào nợ năm nào nữa. Nhưng điều tôi thắc mắc không phải ở chỗ đó mà là với những ngày 23/06 và ngày 21/12 tức là ngày 23/06 là ngày trái đất nghiêng về mặt trời ở đường Bắc Chí Tuyến nên Bắc Bán Cầu là ngày chính Hè (ngày dài nhất) và ngược lại đối với Nam Bán Cầu ngày ấy là ngày ngắn nhất, có đêm dài nhất và là ngày chính Đông. Còn với ngày 22/12 thì ngược lại ở hai Bán Cầu. Theo lẽ ở đúng hai ngày ấy thì là ngày chính Hè của nửa Bán Cầu nầy thì sẽ là chính Đông của nửa kia. Nhưng không, tháng nóng nhất hay lạnh nhất của mùa Hè hay Đông thường trễ hơn gần cả tháng tức là vào Tháng 7 hoặc tháng Giêng. Tôi cố giải thích theo các luồng khí từ Cực hay từ Xích Đạo đến vùng Bắc Chí Tuyến hoặc Nam Chí Tuyến vào những thời gian tương ứng, nhưng vẫn chưa giải thích được thỏa đáng; cùng lấy hiện tượng năng lượng mặt trời làm nóng mặt đất chậm hơn nên có nhiều chậm trễ so với “mùa biểu kiến” như suy nghĩ hay suy luận và tôi cũng chưa đạt được kết quả khả quan.
Thế rồi, tôi nghĩ mình không cần quan tâm đến những điều ấy nữa vì đó không là chuyện chuyên môn của mình mà chỉ là những suy luận vui chơi, có hay không, đúng hay không đúng cũng được. Nhưng nay, tôi lại chú ý đến việc “Trời đã giao mùa”.
Quả thật người càng già thì càng sợ cái lạnh, cái lạnh gần như thấm sâu vào trong da thịt của mình làm cho mình không những nghe lạnh bên ngoài mà lại càng lạnh thêm vào trong tâm hồn nhất là đối với những thân phận cô đơn. Nên người Tây họ thường không an phận cũng phải!
Mùa Đông may là nơi nầy không có tuyết nên tôi còn đi tới đi lui, khung cảnh không phải trắng xóa mà đành ngồi trong phòng khách kế bên lò sưởi để ngó ra ngoài cửa sổ với một màu trắng khắp nơi, khiến cho bà kia đi sang Pháp với con cháu năm trước để rồi năm sau đòi về trở lại quê nhà mà ngồi kể chuyện ở quán cà phê của người em. Cái lạnh mùa Đông mấy năm nay có vẻ thất thường theo hiện tượng El Nino, La Nina; có nhiều ngày nóng hay lạnh khá hơn trước nên mọi người cần đến mền điện hoặc bình nước nóng sưởi ấm phụ thêm. Và bây giờ thời tiết giao mùa vẫn bàn giao chưa trọn vẹn!
Cái lạnh mùa Đông được bớt dần do trời mưa ít đi, nắng nóng nhiều thêm chút ít nên đất được khô và giữ sức nóng mặt trời. Nhưng vào ban đêm cái lạnh nó lại xiết hơn, đôi khi có vẻ bất thường khiến tôi phải mở mền điện nhiều hơn trước. Nóng ban ngày nhiều khiến lớp tế bào của võ cây thoát hơi nước nhiều hơn theo quá trình hô hấp, để bù lại cây cần hấp thụ nước thêm lên. Từ đó bắt buộc rễ phải phát triển để hút nước và dòng nhựa nguyên được dẫn từ đất theo các bó libe-mộc lên lá để được quang hợp tôi luyện thành nhựa luyện để nuôi cây. Do đó sự hồi sinh của cây sau “giấc ngủ mùa Đông” được bùng dậy. Cây cũng buộc phải đâm chồi để có đủ lá làm cho một cuộc hô hấp, quang hợp được trọn vẹn. Sự tăng trưởng cùng hệ thống để truyền giống như hoa và phấn được đồng loạt bung nở để lôi cuốn ong, bướm và những loài sinh vật làm tác nhân cho sự thụ phấn. Cho nên cây cối vào mùa Xuân đã thoát ra cảnh co rút của lạnh, bão hòa của hơi nước và không khí để hồi sinh tạo muôn vật như có bừng dậy với một sức sống mới. Sau thời gian đêm lạnh ngày nóng của thời gian giao mùa, rồi thì mùa Xuân hẳn vào một cuộc bắt đầu cho một thời kỳ thuộc chu trình mới của con người và của cả không gian lẫn thiên nhiên! Và cũng là thời gian đánh dấu tôi được thêm một tuổi nữa trên cõi đời nầy!

Thế là một tuổi nữa đến đây
Tớ ngẫm mà ra sợ già gầy
Mai kia lụm cụm đi không được
Lấy gì, mà lại chẳng tiếc thay!

Thế là một năm đến nữa rồi
Ta ôm thành bó đếm không thôi
Bao nhiêu chiếc nữa, ta không biết
Có biết rồi ra cũng nổi trôi!

Thế là trời đất lại xoay nhanh
Vòng quay quay mãi chẳng tranh giành
Tranh hơn, tranh thắng, cho mi đó
Tranh với nhau đi, bại với thành!
(Đồ Ngông)


Nguyên Thảo,
04/09/2016.