Monday, February 22, 2016

*Những Người Mù!

*Thơ Đồ Ngông! (tt)


Những người mù dẫn đường mù tịt
Đi không đi mà đứng chẳng nên thân
Đường không đến, loanh quanh tìm đích
Người đi theo khổ mãi đến bao giờ!

Kẻ thiểu số dẫn đường cho đa số
Tưởng mình hay lãnh đạo để tiến lên
Đã bao lần nghiêng mình gãy đổ
Vẫn ù lì, cương quyết, một con cờ!

Người mù ấy cứ nhìn qua lăng kính
Tưởng bên kia là cả một Thiên Đường
Có màu sắc, với muôn ngàn cái đẹp
Có ngờ đâu hiện tại đầy đau thương!

Đồ Ngông,
22/02/2016.



Saturday, February 20, 2016

*H.T Chữ Nghĩa 26: Hành Trình Của Thơ.




Nói đến thơ thì quả thật tôi có thích, nhưng chẳng bao giờ tôi thuộc được một bài trọn vẹn; đôi lúc còn nhớ lộn câu nầy qua câu khác. Từ năm tôi lên bảy (tuổi ta) khi ba má tôi dời nhà từ Vĩnh Trường về chợ Tân Khánh, thì tôi mới được gởi vào trường Cây Gòn của ông thầy giáo Khai cho đi học “lớp Đồng Ấu”. Thầy dạy lúc đó là ông Thầy giáo Sáu. Vì tôi quá nhỏ (nhỏ con) theo lẽ tôi không được học, nhưng vì ba tôi năn nỉ gởi cho tôi vào lớp để ở nhà khỏi phải đi chơi. Chắc tôi thường ngủ trong lớp nên hay bị “mắng vốn”. Thuở ấy, nhà trường dạy theo quyển “Em Học Vần”: I, Tờ Ti. Nhưng bài thơ đầu tiên tôi được biết trong năm ấy mà ông Thầy giáo Sáu minh họa hình ảnh làm cho cả lớp cười là bài Học Thuộc Lòng:
Quả cam đo đỏ
Quả ổi xanh xanh
Em cố ăn hết để dành làm chi
Bây giờ đau bụng rên khì
Cha lo, mẹ khổ em thì hối không.
Rồi sau năm ấy, không biết tôi học có được không, nhưng sang năm sau, tôi lại được lên Lớp Tư của Bà giáo Khai. Bà giáo Khai có tiếng là khó và dữ, bả thường hay khẻ chúm trên đầu ngón tay. Trong năm nầy có một bài học thuộc lòng về ngụ ngôn bốn câu đầu rất dễ thuộc, đó là bài “Con Voi Và Con Chuột Lắt”:
Con voi cao lớn dềnh dàng
Tưởng rằng anh chị trong làng bốn chân
Ra đường muôn thú hãi hùng
Lại càng hừng chí vô cùng nghinh ngang.
Nhưng còn bốn câu sau cái ngắt câu của nó như thế nào đó rất khó thuộc, khiến cho cả lớp không thể thuộc được. Chỉ có một vài người thì không bị khẻ trên đầu ngón tay, sau khi đứng vào góc lớp để học và trả bài trở lại lần nữa thôi (trong đó có anh Liêu An, Liêu Việt Hà). Còn có nhiều bài Học Thuộc Lòng nữa, nhưng tôi lại không nhớ trong suốt quá trình học ở trường Cây Gòn trừ bài: ”Mùa Đông Chiến Sĩ”
Mùa Đông tháng giá
Lạnh thấu đến xương
Ở nơi sa trường
Không chiếu không giường
Gối đất nằm sương
Cực khổ trăm đường
Ta ở hậu phương
Xiết nỗi nhớ thương.
Tất nhiên là tên các tác giả tôi không thể nào nhớ được. Và trong suốt thời gian bậc Tiểu học, dù còn có nhiều bài Học Thuộc Lòng khác, nhưng tôi chẳng thuộc và nhớ được bài nào. Đặc biệt là trong thời gian học lớp Nhì với thầy Lý Văn Trọng, vì Thầy dạy rất nhiều bài hát nên tôi thường pha trộn các bài hát với những câu hát ru em để dỗ em tôi ngủ:
Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại, chịu lời đắng cay
Hay:
Gió đưa bụi chuối sau hè
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ
Hoặc còn rất nhiều câu hát ru nữa nhưng tôi chưa hề biết đó là thơ, mãi đến khi lên Bậc Trung Học mới học phân biệt “Văn Vần” và “Văn Xuôi”, để rồi được đi sâu hơn nữa là biết phân biệt Thể Thơ, Luật Thơ thế nào là Lục Bát, Song Thất Lục Bát, Thơ Đường, Hát Nói cùng cách gieo vận: Vần thông, Vần chính (Chính vận); Cước vận lẫn Yêu vận vân vân.. và vân vân.
Mặc dù trường Trung Học Trần Quốc Tuấn (Tân Uyên) của Tỉnh Phước Thành là trường nhỏ, sinh sau, đẻ muộn trong niên học 1959-1960, nhưng lúc ấy được sự nhiệt tâm giảng dạy về giảng văn của giáo sư Trần Văn Khánh mà chúng tôi được tiếp thu những căn bản về Văn một cách kết quả từ hai quyển sách “Việt Nam Văn Học Sử Yếu” của Dương Quảng Hàm, cùng với “Những Lỗi Thông Thường Trong Thuật Viết Văn” của Giáo Sư Nguyễn Văn Hầu mà thầy Khánh dùng làm nền tảng. Trong khoảng thời gian ấy, khi học đến luật thơ chúng tôi cũng vẽ vời vài câu, nhưng nó không ra cái gì cả; và tôi lại chẳng có khiếu về văn lẫn thơ cho nên tôi không hề tha thiết.
Cái thời gian đẹp nhất của đời người có lẽ là thời gian mà những thằng bé “nhổ giò” của chúng tôi thuở xưa; ấy là thời gian mà người ta nói là “Tuổi dậy thì”, “thời gian bể tiếng” để “đứa con trai” dần trở thành chàng thanh niên đầy mơ mộng, bắt đầu biết “nhớ nhung”, “biết yêu đương” để rồi “gom góp” (sưu tập) những bài thơ tình hay bắt đầu cho những câu thơ tình do chính mình sáng tác để diễn tả nỗi lòng; hay ngâm nga trong những giây phút hứng chí, bâng khuâng! Lúc đó, tôi cũng theo bước bạn bè cũng tìm kiếm, sao chép, trao đổi những bài thơ tình, hay thơ hay để đưa vào sưu tập riêng của mình. Nhưng tôi đã nhiều lần cố gắng để học thuộc một vài bài thơ để ngâm nga vui chơi với bạn bè trong lúc “trà dư tửu hậu” nhưng không tài nào thuộc được một bài dù thật ngắn trong một thời gian được gọi là dài.
Từ những năm Đệ Ngũ (Lớp 8 sau nầy), tôi vì hoàn cảnh nên đành lòng “chẳng dám yêu ai”, mà cứ lẳng lặng đi về từ nhà đến trường, để đến lớp Đệ Tứ lo chuẩn bị mùa thi Trung Học vào cuối năm. Sau khi thi xong, đưọc cái bằng Trung Học thì tôi phải chuyển trường, vì trường Tân Uyên chưa đủ sức để phát triển thêm. Thế là thay vì xin về Trường Trung Học Trịnh Hoài Đức theo mơ ước của mình từ hồi Tiểu Học, tôi lại không dám. Cuối cùng tôi quyết định về trường Trung Học An Mỹ, nó thích hợp với hoàn cảnh mình trong lúc nầy. Lạ nước lạ cái cùng với hoàn cảnh càng thêm khó khăn khiến tôi không sống theo ý muốn của mình được. Vào năm Đệ Tam mà bọn học trò chúng tôi cứ coi đó là một năm nghỉ xả hơi, để những năm sau mà lo chuẩn bị thi: Thi Tú Tài I ở năm Đệ Nhị (lớp 11). Năm nầy khuynh hướng thơ mộng, yêu đương nẩy nở trong mọi đứa con trai: Vừa phát triển để trở thành thanh niên, vừa vào thời thơ mộng yêu đương. Nói nôm na đó là “thời kỳ rậm rật”, cho nên trong những năm nầy rất vui của lứa tuổi thanh niên. Riêng tôi thì hoàn cảnh không cho phép, nhưng không thể vì thế mà ngăn trở tôi không được sưu tập thơ, hay tập hát để cho vui. Chúng tôi trao đổi cho nhau những bài thơ kiếm được, chỉ cho nhau vài nốt đàn hay giúp nhau biết vài thế võ ngoài giờ tụ tập để trao đổi học hành. Có thể Thái Văn Tâm là người đi tiên phong trong vấn để đó vì tương đối thoải mái hơn cả, lúc nầy Tâm còn đi vào nghiên cứu Tử Vi nữa tạo nên phong trào coi bói cho bạn bè cùng đi học võ.
Vào thời gian nầy tôi lại thích nghe những chương trình ngâm thơ trên đài phát thanh nhất là chương trình Thi, Nhạc giao duyên của Tao Đàn. Tôi thích nhất là giọng ngâm của Quách Đàm, Hồ Điệp. Có những buổi đi học về gặp mưa lạnh, quần áo, mình ướt mem tôi thường hay ca cho mình nghe mà quên lạnh hay ngâm nga nho nhỏ như trút bỏ nỗi lòng. Nhưng với các bài thơ dù tôi đã đọc rất là nhiều lần hoặc cố học thuộc nhưng chưa bao giờ thuộc được một bài trọn vẹn. Những bài thơ nỗi tiếng như “Màu Tím Hoa Sim” của Hữu Loan, “Nhà Tôi” của Yên Thao, “Tiếng Thu” của Lưu Trọng Lư… Và những bài thời thượng của Nguyên Sa được chúng tôi trao cho nhau chép trong thời kỳ nầy nhất là bài “Lửa từ Bi” của Vũ Hoàng Chương như là một báu vật, đánh dấu cho thời kỳ tranh đấu của Phật Giáo thời ông Diệm.
Cũng trong năm nầy gặp thầy Trần Thế Xương dạy Giảng Văn, chúng tôi được thầy Xương dạy kỹ về thơ ca của Trần Tế Xương, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát. Riêng tôi lại thích thú về bài “Chúc Tết” của Tú Xương vì trong đó ý tưởng hóm hĩnh, lỡm đời một cách duyên dáng, không ngờ bài ấy lại ảnh hưởng đến tôi rất nhiều sau nầy khi tôi quyết định “làm thơ” để ngăn cản bước tiến chửi nhau dữ dội trên báo của những nhóm người “đã già mà lại còn háo thắng, hung hăng”!

Nguyên Thảo,
21/02/2016.

Saturday, February 13, 2016

*Loay Hoay!

*Thơ Đồ Ngông! (tt)


Loay hoay đi một con đường
Vừa ra khỏi bến, đã thành loay hoay
Những người cầm lái tưởng hay
Ai ngờ chỉ lại bất tài không thông
Cứ hô, cứ quát, cứ đần
Hô hào cho lắm, chẳng đâu nên gì
Ai ngờ thiên hạ khốn nguy
Thế mà cứ tưởng đường lên Thiên đàng
Lại thêm rộng miệng huênh hoang
Đứng trên đỉnh núi, tầm cao trí người
Cổ xe quanh quẩn suốt đời
Đi ra chưa khỏi cái vòng loay hoay
Người ta bỏ mất ta rồi
Mà ta cứ mãi loay hoay quay vòng!

Đồ Ngông,
14/02/2016.


*Quê Người. (7)




Để chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn đối với các phái đoàn, chúng tôi ở đây phải soạn chừng vài chục câu hỏi mà ước lượng rằng nhân viên phỏng vấn sẽ hỏi, rồi nhờ người dịch dùm từ ý mình ra tiếng Anh để khi được phỏng vấn có thể biết mà trả lời. Tôi cũng may nhờ gặp được Cậu Bảy Thành giúp nên không phải chạy đôn chạy đáo để nhờ. Cũng từ lúc đi với Cậu Bảy đến Chị Bông (chị nữ quân nhân trước kia đi chung chuyến tàu vượt biên với tôi) mà lần lần tôi hiểu được sơ qua về Thiền vì họ bàn nhiều về các loại Thiền kể cả thực hành Thiền theo cách của ông Tám Hằng (Lương Sĩ Hằng) cùng những vị nổi tiếng trong nước thuở trước mà tôi đã chẳng bao giờ để ý. Vì Chị Bông làm ở trong văn phòng trại nên qua những câu chuyện tôi mới biết người đi chung chuyến tàu với chúng tôi là ông Đạo Thành đã gặp vấn đề rắc rối. Theo như tôi đã kể đêm từ ghe chuyển qua tàu để khởi hành cho chuyến đi thì ông chủ cự một ông Cha vì cứ ngồi trên boong. Nhưng đó không phải là một ông Cha, mà là một ông Đạo vì ông tu theo đạo Bữu Sơn Kỳ Hương, nhưng vì đêm đó ông mặc áo giống như một ông Cha nên bị tưởng lầm. Suốt trong chyến vượt biên ông luôn nằm dưới khoang vì say sóng. Khi lên đảo ông xin vào một tiệm may để may quần áo. Một ngày nọ, ông Đại Úy Mã Lai của lực lượng Task Force đi đánh Tennis về ngang qua tiệm, ông ta thấy ông Đạo Thành bây giờ trắng trẻo, đẹp người, thế là ông lại lân la, hết ngày nầy qua ngày khác. Không biết chuyện gì đã xảy ra mà ông Đạo Thành hoảng quá nên đành tâm sự và cầu cứu đến chị Bông và những người làm ở văn phòng trại. Một hôm chị Bông có kể lại với cậu Bảy Thành và tôi về sự khủng hoảng của ông Đạo Thành và đề nghị Cậu Bảy cùng chị đưa ý kiến với những người trong Ban Lãnh Đạo trại xem sao. Trong khoảng thời gian ấy, tàu tôi đã đến lượt được phái đoàn Úc duyệt hồ sơ và phỏng vấn để nhận hay không được nhận. Đó là khoảng thời gian tôi lên đảo được chừng 23 ngày. Tôi ráo riết học những câu hỏi, trả lời bằng tiếng Anh soạn sẵn như học trò sắp đến ngày vào phòng thi. Trong các ngày ấy, những người thông dịch rất là bận rộn vì phải thông dịch ở hội trường và ban đêm họ còn phải tiếp nhiều khách đến nhờ vả nữa. Ngay ngày đầu tiên tàu tôi được nhận 3 gia đình: Thanh Sơn là người có bằng kỷ sư đã từng du học bên Thụy Sĩ; ông Sách coi như là Bác sĩ Thú y cùng con và người nữa là Lê Nguyên Tịnh kỷ sư Động cơ nổ ở trường kỹ thuật Cao Thắng, người đã từng tát nước cùng tôi khi tàu bị vô nước. Tôi bắt đầu hồi hộp lo âu và đêm đó tại sao tôi cứ trằn trọc không ngủ được, nửa đêm tôi lại mơ màng thấy mình đi lướt trên mặt biển vào đất liền, khi đến gần bờ mà không vào lại rẽ về phương nam; thằng Thành đi theo phía sau. Chiều tôi qua bên cậu Bảy Thành chơi và nói với cậu: Sao đêm hôm, con ngủ không được mà lại thấy kỳ cục như vậy, hi vọng con được phái đoàn Úc nhận, chứ diện đi Mỹ của con không chắc gì, thấy bấp bênh và hẩm hiu quá. Cậu Bảy Thành nghe xong nói: Tôi cũng hi vọng cho chú mầy! Sang ngày thứ hai, một số người của tàu tôi nữa được phái đoàn Úc nhận vừa có thân nhân vừa không có thân nhân ở Úc (Diện không có thân nhân tức là diện nhân đạo, hay được gọi cho vui là theo diện mồ côi hoặc diện Bà Phước) trong đó có gia đình Thảo, chị của Thảo là chị Thuận và con cùng cô em gái. Đến ngày thứ ba, tôi và Thành được vào gặp phái đoàn Úc, Người phỏng vấn tôi là anh chàng Viktor nghe nói gốc người Nga; còn một bà phỏng vấn khác là bà Judith. Viktor còn trẻ. Tôi ngồi vào ghế với tâm trạng lo âu khôn lường vì lỡ phái đoàn “xù đi” thì không biết đến bao giờ phái đoàn Úc phỏng vấn trở lại, còn phái đoàn khác mà “xù nữa” thì khó mà đi. Người lên đảo cũng bị nhiều thứ áp lực dồn dập trong tinh thần căng thẳng từ cuộc sống, những tin tức gia đình bên nhà (nếu có được thông tin), hay tưởng tượng, phán đoán vô căn cứ, cái nào cũng có thể làm khổ mình cả; nhất là tình cảnh của những người ở đảo đã có thời gian là 3 hay 4 năm. Viktor hỏi tôi tên gì, tôi trả lời bằng tiếng Anh cũng gọi là tạm được. Xong, tới ngày sanh của tôi. Câu ấy cũng qua và đến câu: “Where ờ đau?”, tới đây tôi choáng váng, không hiểu được Viktor hỏi về cái gì, tôi có cảm giác mặt mình tái đi và chới với. Tôi nhìn sang anh thông dịch, nhưng anh cũng ngơ ngác hỏi Viktor: “What’s mean ‘ờ đau’?”. Viktor lập lại: “Ờ đâu?”. Tôi không dám cười, anh thông dịch và Viktor cùng nhau mĩm cười, thì ra Viktor chêm vài tiếng Việt vào câu hỏi, nhưng giọng của anh làm tôi hú hồn. Từ đó, Viktor hỏi qua thông dịch và tôi cũng trả lời qua thông dịch, Viktor ghi vào hồ sơ theo từng câu hỏi. Cuối cùng, Viktor nói “accept” và anh thông dịch hỏi lại Viktor rồi mới nói với tôi: Anh được nó nhận rồi! Tôi thở phào, nhẹ nhõm cho cuộc đời tị nạn của mình. Không có gì mừng hơn. Xong Viktor đưa giấy tôi đọc kỹ rồi ký vào có phần in tiếng Việt. Giấy đó có nội dung là Úc đã nhận và chịu mọi chi phí cho gia đình (hai anh em chúng tôi) đến Úc ở trong vòng 2 năm không được đi nước khác. Nếu trong hai năm đó mà đi thì phải bồi hoàn lại mọi chi phí. Rồi còn móc từ trong túi nilông nhỏ ra 2 cây kim cài trên áo có hình con Kangaroo màu vàng để tặng. Khi Viktor lật qua hồ sơ của thằng Thành nó thấy mộc dấu Úc “xù” trên hồ sơ riêng, nó chỉ vào và cười. Thằng Thành mừng quá, vừa ra khỏi phòng nó chạy đi mất tiêu, tôi phải đi kiếm nó để chụp hình cho hồ sơ.
Tôi được phái đoàn Úc nhận, kể như đời tị nạn của tôi đã có nơi nương tựa, không còn phải lo âu và cũng đã biết nơi mình đến. Tôi mừng đã đành mà gia đình anh chị Thành, Dung cả hai thằng Minh cũng mừng vì chỗ ở nầy không còn là nơi “xui xẻo” nữa. Cậu Bảy Thành cùng Sáu Chí cũng mừng cho tôi, nhất là mừng cho thằng Thành.
Ở Bidong có rất nhiều chuột, đêm nó bò ra có khi đến cận bên mình ngủ, nên chiến dịch diệt chuột để đổi lấy quần áo được phát động. Vì cơm hay xương cá gà được bỏ vào trong bịt rác được đặt trong một cái thùng. Nằm đợi ngủ tôi nói với Minh đen: Cỡ chuột chun vào mãi mê ăn mà mình túm lại thì thế nào cũng bắt được vài con. Không ngờ Minh lại nói với một thằng nhỏ trong diện đi vượt biên một mình gọi là diện “cô nhi”. Nó làm thiệt, chuột thì cũng bắt được nhưng một hôm nọ chuột bị túm trong bao cắn vào tay nó khiến nó bị nóng lạnh mấy ngày và phải đi chích dịch hạch. Tội nghiệp cho thằng bé!
Tôi còn được ở trên đảo thêm vài ngày nữa, vào khoảng 3 tháng 9 tôi được rời đảo để chuyển sang trại Sungai Bési ở gần Kuala Lumpur và đợi ngày đi Úc. Tính ra tôi ở đảo vào khoảng một tháng mười mấy ngày. Những ngày mưa trên đảo thật là buồn, không biết là mưa buồn hay vì tâm trạng của mình buồn. Mưa gió cùng với những âm thanh trên mái tôn và những tiếng chát chúa khi dừa khô rơi nhằm lên mái nhà. Tàu tôi tính ra được nhận đi Úc cũng khoảng gần phân nửa, còn đa số thì có diện đi Mỹ họ đang chờ vào phái đoàn Mỹ phỏng vấn. Còn một số có thân nhân ở Canada. Ông Đạo Thành thì muốn đi Mỹ, còn ông Hài không biết có đổi ý hay không hay là ông muốn xin về Việt Nam, vì thời gian ở đảo ông cũng chưa dứt khoát rõ ràng, có lúc ông muốn đi Pháp vì ông có thân nhân ở đó.
Trong đợt phỏng vấn với phái đoàn Úc của tàu tôi kỳ nầy có mẫu chuyện hơi là lạ, nhưng không biết chính xác không vì người kể chỉ đứng bên ngoài nhìn lén qua khe vách kể lại thôi. Vốn là anh “Kỳ xạo” khi trên tàu, tên thật của anh ta là Tấn Triết, anh ta cũng có một số vốn Anh văn vững chãi cho nên lên đảo làm thông dịch cho Task Force, còn anh Tôn Huấn làm thông dịch cho Cao Ủy, anh Đức Hậu thông dịch ở Hội Trường. Ngày Tấn Triết cùng hai bà, nói là vợ và em cùng lên bàn do bà Judith phỏng vấn. Không biết thế nào đó mà mấy đứa nhỏ lén dòm qua khe vách thì thấy Tấn Triết khóc và nói gì với bà Judith. Chúng nói với người lớn thì vài bà chạy nhìn qua khe, sau đó họ kể lại có thể là Tấn Triết bị “xù”, rồi khóc lóc năn nỉ với bà Judith để được nhận. Không biết có thật hay không chứ mấy hôm trước, khi phái đoàn Úc mới đến đảo thì Tấn Triết đã tìm cách làm quen với bà ta và Tấn Triết có kể lại những lần tiếp xúc ấy cho vài người và tôi nghe. Nhưng dù thế nào Tấn Triết cùng hai bà đi cùng cũng đã được phái đoàn Úc nhận cho đi Úc rồi!
Đến ngày đi tôi từ tạ anh chị Dung, Thành, Hiếu, Hậu cùng hai thằng Minh và giã từ cậu bảy Thành, Tâm, sáu Chí, chị Bông đi qua Sungai Bési trước vào một buổi trưa, rồi lên cầu tàu đi ra “bludath” để đi qua Trengganu. Rồi cũng với giọng kèn cao vút, não nuột của bài “Biển Nhớ”, cùng với bài “Nghìn Trùng Xa Cách” da diết trỗi lên khiến cho người đã ở trên đảo không thể nào quên trong ký ức. Trên chuyến đi nầy có ông Cha bên nhà thờ ở Bidong đi cùng, thằng Thành ngồi ở băng sau, nhưng nó thích nói chuyện với ông Cha lắm, còn tuốt mãi trên kia, ở băng trước, những thằng Mã Lai đi vào đất liền đang chuyện trò vui vẻ. Bỗng tôi thấy có một thằng nhìn xuống, nhìn trân trân vào thằng Thành, rồi thằng Thành ngước lên, thằng Mã Lai làm bộ nhắm mắt cười với thằng Thành. Sau đó một hồi, anh ta mò xuống để giỡn với thằng Thành, từ đó tôi mới khám phá một nét đặc biệt của thằng em tôi mà trời đã ban cho nó.
Chừng hai tiếng đồng hồ sau chiếc bludath cập vào bến của nó ở thành phố Trengganu mà hơn tháng trước tôi đã rời nơi nầy để sang đảo Bidong, rồi chiếc xe buýt đưa chúng tôi về lại Marang nghỉ ngơi, tắm rửa và chuẩn bị cho một chuyến đi sớm của ngày mai: Di chuyển sang trại chuyển tiếp Sungai Bési.

Nguyên Thảo,
08/02/2016.


Wednesday, February 3, 2016

*Mỹ Du. (7)




Theo kế hoạch của Dung, Hùng thì bữa nay nghỉ ngơi để ngày mai chuẩn bị cho một chuyến đi xa: Lên tận Yellowstone vì Dung trước kia khi thăm ở Úc đã nói: “Em ở bên Mỹ chỉ có một mình với gia đình chồng, còn anh chị thì nay đã già. Nếu sắp xếp được thì khi nào đó anh chị qua em một lần nữa để em tổ chức đại gia đình đi chơi một chuyến vì mấy đứa con của em nay đã lớn rồi”. Chính vì ý ấy, các anh chị cố gắng không ngại sức khỏe, đường xa xôi mà nhân cơ hội nầy để làm một chuyến. Hùng, Dung cũng không còn phép nghỉ ở hãng vì đã cùng đưa ông già về thăm Trung Quốc trong chuyến đi vừa qua. Chúng tôi rất lưỡng lự trong quyết định đi trong lúc như vậy rất khó cho em út. Nhưng gia đình con gái tôi không đi năm nay thì sang năm không thể đi được. Cho nên, chỉ lần nầy nữa thôi, chắc khó có thể có lần thứ hai: Thôi thì đành làm khó cho em út vậy! Dung, Hùng đành phải thổ lộ tâm tình với hãng để hãng có thể giúp gì được không? Hãng thông cảm và cứu xét cho Dung, Hùng nghỉ thêm không lương. Cuối cùng, vì thế mà chúng tôi xúc tiến cho lịch trình chuyến đi. Lúc trước, tôi dự trù không đi; nhưng sau thì đổi ý vì có sự thay đổi trong việc làm. Do đó mà số người đi trong chuyến mới lên đến 10 người (gia đình con gái tôi 4 người; gia đình Cậu Chín 3 người, Dì Tám cùng vợ chồng tôi). Như vậy đã đủ để được gọi là “vượt chỉ tiêu” đã đề ra. Nhưng lại “bội thu” hơn nữa là trong cuộc sum họp nầy lại có thêm Tường (em bạn dì ruột với vợ tôi, Cậu Chín, dì Tám, Dung) và con của Tường là Thu đi du lịch cũng cùng ghé qua đây.
Tất nhiên nhà có khách, đông người nhất là anh em từ xa tới thì khung cảnh sẽ bận rộn hơn nhiều. Chỗ ngủ thì cứ dồn nhau vào các phòng tạm vài ngày, hay nằm trên các bộ salông đâu có sao. Chỉ có ăn uống là nhộn nhịp, đầu bếp thì có sẵn ở các bà, nhân lực thì cũng có ở các ông hoặc thanh niên. Tính toán, mua sắm mọi thứ cái đó thì do Dung và Hùng tính. Còn trong chuyến đi tôi mới thấy sự giúp đỡ nhiều ở vợ chồng Hoa, Khuê và Hùng, Phương tức em và em rễ của Hùng, Dung. Tôi thấy ai cũng sốt sắng và cực cả, nhưng chắc chỉ có lần nầy thôi! Không biết đến bao giờ mới có lần thứ hai? Người mà nhiệt tình hơn lại là Thầy Phương đã từ Florida bay sang gặp mấy đứa học trò, lâu ngày cùng sum họp với gia đình Hùng, Dung lại còn làm tài xế trong mọi chuyến đi từ Las Vegas sang cả Utah nầy và lên mãi tận Yellowstone nữa.
Nhất là thương ông già tức Bác trai (Ba Hùng) đáo để, ông cứ để dành những trái táo Tàu trên cây để “tụi nó đến có hái cho vui”. Ôi! Cây táo sao mà trái đầy, ăn vào nghe xôm xốp, mát mát mà võ lại dòn dòn hơi thơm thơm!
Từ sáng sớm, Hùng phải thanh toán mười mấy con vịt để chuẩn bị cho “vịt nấu chao” buổi chiều, các bà thì lo chuẩn bị rau , nồi niêu, các thứ khác. Bàn ghế cũng phải sẵn sàng. Dù bận rộn như vậy, nhưng đến khoảng 10 giờ rưỡi cùng kéo nhau đi ăn phở ở “Phở 33”. Sau hơn một giờ cùng nhau ra xe về nhà tiếp tục công việc, rồi nghỉ ngơi.
Chừng 5 giờ chiều bàn ghế được bày ra trong garage rộng với 3 dãy bàn: Đại gia đình của Hùng và đây tạm gọi là Đại gia đình của Dung kể cả “bồ bịt” của mấy đứa con sum họp trong bữa tiệc nầy cùng với một số ít láng giềng thân thiết. Bữa tiệc được kéo dài cho đến gần khuya. Xong dọn dẹp rồi chuẩn bị cho chuyến đi ngày mai: Đi lên Yellowstone!
Vào lúc 7 giờ sáng, hai xe của em gái của Hùng là Hoa, Phương cùng chồng là Khuê và Hùng đem hai xe đến lẫn chiếc xe “van” mướn chiều hôm qua do Thầy Phương lái thành ba chiếc sắp hàng trước nhà để chất đồ đạc lên chuẩn bị cho một chuyến đi. Tội nghiệp, Hùng chồng Phương phải mượn chiếc xe “van” lớn của bạn bè để chở nhiều người hơn mới đủ. Và nhất là Hoa cũng muốn đi mặc dù mới vừa qua cơn mỗ, cơ thể hãy còn yếu. Xe khởi hành vào khoảng 7 giờ 30, xuôi về hướng Bắc của Tiểu bang Utah. Trong chuyến đi còn có cô Mí (chị của Khuê) và cô Phụng bạn Mí từ New York về. Nếu tổng cộng là khoảng hai mươi mấy người!
Do kinh nghiệm lần trước, Khuê chuẩn bị rất chu đáo. Mỗi xe được trao cho một điện thoại kiểu điện đàm để dễ liên lạc khi có bất trắc hay lạc nhau. Theo dự trù Khuê tính đi trong bốn ngày: Một ngày đi, một ngày về và hai ngày ở. Khuê đã “book” chỗ ở từ trước từ khi quyết định xong. Chúng tôi sẽ đi theo đường 15 băng qua Tiểu bang Idaho rồi theo đường 20 để vào Tiểu bang Montana và chúng tôi sẽ vào Yellowstone ở cổng hướng Tây. Thầy Phương cho biết là đi khoảng năm tiếng hơn. Dọc đường tôi cố ghi hình trên đường đi, xe chạy qua vùng Lagoon mà Hùng, Dung đã đưa vợ chồng tôi cùng ba tôi đã đến trong lần trước. Bên hướng Tây thì núi cao, ở chính giữa là những thung lũng người ta trồng trọt và bên xa kia nữa là những rặng núi chạy dài về hướng Bắc. Đi cỡ hơn hai giờ thì đến nơi nghỉ ngơi có nhà vệ sinh và nơi để nghỉ, do đó chúng tôi ghé vào nghỉ chân. Cô Mí đem nước uống và bánh ngọt ra đãi khách. Mỗi người được một ly hột é, mít, sương xa và một ít bánh. Nghe Thu nói nhà vệ sinh bị kẹt tôi tưởng bị hư nên đi vòng ra ngoài xem có nhà vệ sinh nào khác không. Nhưng không, bên đó chỉ là con đường dẫn vào khu vực “dung nham” (lava trail), hèn chi tôi thấy giống như trên truyền hình chiếu cảnh dung nham tràn ra từ núi lửa chảy và khô đọng lại thành từng luồng và ở đây cũng giống như vậy. Tôi nhìn ra xa không có ngọn núi nào gần quanh đây để gọi là nguyên nhân của vùng nầy. Không lẽ dung nham tràn ra từ các kẽ nứt của mặt đất, sao nó lại tràn ra và mặt bằng bằng ở một vùng rộng lớn như thế nầy?
Sau tôi mới tìm vào tài liệu thì ra nơi này được gọi là “Hell’s Half Acre Lava Field” là một vùng đồng bằng đá basal tương đối rộng lớn khoảng 390 Km2 ở trên độ cao 1,631 m cách Idaho Falls 40 km về hướng Tây và bắc thị trấn Pocatello chừng 48 km, nằm bên xa lộ 15 thuộc khu vực đồng bằng của Snake River. Nơi nầy dung nham tạo thành một cái hồ dài 800 m, rộng khoảng 300 m gần đỉnh của cánh đồng. Có chừng 10 dấu vết của dung nham chảy vòng cong và hai dòng dài chảy về hướng nam, tây nam. Mỗi dòng dài 10 km rộng 5km. Gần đây những nhà khoa học nghiên cứu về không ảnh của cánh đồng phát hiện một phần của kẽ nứt dài 19 km bị chôn vùi dưới lớp dung nham gần ranh tây bắc. Nơi nầy là quê hương của nhiều loại cây, động vật hoang dã cũng phong phú lắm.
Các nhà địa chất ước đoán Lava field được kiến tạo do hoạt động núi lửa và dung nham trào ra từ các kẽ nứt khoảng 3250 trước Tây lịch. Lớp magma chảy xuống chỗ thấp về hướng tây nam và nam nhanh chóng khô nguội nên tạo thành gò đống hay đồi như địa hình hiện nay. Những người buôn lông thú trên đường tìm về hướng tây đã qua đây và đặt tên cho khu vực nầy như vậy từ đầu thế kỷ 19. Những từ “hell’s half acre” chỉ để chỉ “vùng đất gồ ghề, lồi lõm” mà thôi. Người da trắng đầu tiên ghi nhận về vùng nầy là Benjamin Bonneville khi ông ta đến đây vào năm 1833, trong chuyến đi về phía tây khởi từ năm 1832 trong cuốn sách mà nhà văn Washington Irving đã viết theo lời kể của Bonneville. Một trận cháy dữ dội đã thiêu hủy khoảng 200 ha của vùng nầy vào năm 1999.
Rời nơi nghỉ, chúng tôi lại đi vệ sinh lần nữa trước khi lên xe để tiếp tục đi thêm vài tiếng đồng hồ cho chuyến đi xa. Ba chiếc xe vẫn liên lạc nhau thường xuyên do các điện thoại mà anh Khuê đã cung cấp. Thật là tiện dụng!
Những câu chuyện và hỏi han nhau trên xe cũng làm cho thời gian như được quên đi. Xe đến Idaho Falls thì tẽ theo đường 20 để đi về West Yellowstone của Tiểu bang Montana. Tôi cứ mãi ngắm để đi tìm mùa Thu trên những lá vàng, nhưng bây giờ mới chỉ là chớm Thu nên lá cây không vàng hực như hình ảnh mà tôi thường thấy trên báo hay trong sách vở. Nơi tôi ở trên xứ Úc, tôi cũng đã nhìn được mùa Thu nhưng nó khác hơn vì đa số cây ở đó là những cây bạch đàn, khuynh diệp lá không trở vàng hay rụng mà chỉ là màu xanh hơi đục, nâu nâu mà nhiều người ngồi trên máy bay nhìn xuống thấy màu sắc cũng biết là xứ sở ấy rất khô khan và thiếu nước. Tôi cũng đã từng nhìn mùa Thu trên những cánh đồng nho, vườn lê hay những cây có màu sắc khác nhau nhưng tôi muốn thưởng thức một mùa Thu của rừng, núi trong thiên nhiên vào mùa Thu xem nó thế nào. Trên máy bay khi đáp xuống phi trường ở Virginia tôi chỉ thấy màu sắc vừa chuyển màu của các khu rừng chứ chưa thấy màu rõ ràng, nên tôi cũng hơi tiếc.
Trên đường tôi cứ mãi ngắm và quay những cảnh rừng Thu, hồ Thu hay sông Thu để đi tìm một mùa Thu ưng ý, nhưng tôi vẫn chưa được toại nguyện như một chàng thi sĩ còn ấm ức với thi tứ của mình. Xe chạy khá lâu và chúng tôi đi vào địa phận không biết có phải là khu vực thuộc Yellowstone chưa mà có những rừng thông kéo dài theo hai bên đường tạo nên một cảnh quang thiên nhiên tươi mát xen vào đó những đốm vàng của cây cối cảm ứng với mùa Thu.
Khoảng 2 giờ 30 chúng tôi đi vào thị trấn West Yellowstone, nhưng chưa đến giờ nhận phòng để trọ nên chúng tôi đi vô trung tâm mua chút đỉnh đồ đạc cùng đi vào cửa hàng bán đồ lưu niệm xem qua cho biết sự tình. Khuê còn đưa tôi vào nơi cung cấp tài liệu, cũng như trưng bày vài hình ảnh về Yellowstone để cho khách du lịch được biết. Ở đây tôi lấy một số sách, bản đồ cùng ghi lại trong máy quay một số hình ảnh cần thiết để khi nào mình cần hoặc nhớ lại thì đã có.
Đến khoảng chừng 5 giờ chiều chúng tôi di chuyển về nơi trọ để nhận “chỗ”. Nói là chỗ vì “lodge” chúng tôi mướn là một căn nhà có nhiều phòng với đầy đủ phương tiện thì mới đủ chỗ cho cả hai mươi hai người. “Lodge” có tên là “Absaroka” ở tại số 336 đường Firehole. Đem đồ đạc vào nhà, phân chỗ ngủ; ổn định xong xuôi, mọi người chuẩn bị cho buổi ăn tối. Ai đi tắm thì đi, ai lo công việc thì lo. Buổi ăn hôm nay do Hoa và Khuê đảm trách, hình như món bún lẫu chua thì phải. Thật là một “đại gia đình”! Ăn uống xong, dọn dẹp, nghỉ ngơi cùng thưởng thức những giọng ca vàng nội bộ trên màn diễn “karaoké”. Vậy mà cũng tới khuya mới đi ngủ!

Nguyên Thảo,
04/02/2016.


*Cũng Vậy Thôi!

*Thơ Đồ Ngông! (tt)


*Đừng Mơ!

Đừng mơ chuyện góp bàn tay
Giang sơn nầy chỉ để dành riêng tây
Có chăng làm kẻ bên lề
Đứng xem mà cứ thở dài hỡi ôi!
Tùy cho vận nước nỗi trôi
Có còn, có mất chẳng là của ta
Cứ làm như kẻ phương xa
Không thân, không thiết như là người dưng!

Đồ Ngông,
04/02/2016.



*Cũng Vậy Thôi!

Ai rồi cũng lại vậy thôi
Trên cao cũng thế, mắc gì thế nhân
Bôn chôn cũng chẳng có phần
Ở đâu định sẵn, hơi đâu mỏi mòn
Những người trên mãi lầu son
Ngó ra vũ trụ, mơ tròn giấc mơ
Chỉ buồn thế sự vất cờ
Người chìm bể khổ, trên cao chẳng màng!

Đồ Ngông,
04/02/2016.



*H.T Chữ Nghĩa 25: Hành Trình Của Văn Xuôi. (tt)




Sau ba bài viết về “Vấn đề con cái của chúng ta” được đăng tải trên báo Nam Úc - lúc nầy tôi lại biết sử dụng đến máy vi tính mặc dù chưa giỏi hay thông thạo, nhưng từng bước mò mẫm, dọ hỏi, thực hiện những kiến thức học được từ lúc học với Thầy Nguyễn Văn Phụng - thì tôi lại thấy sự giúp đỡ cho phụ huynh lẫn con em của họ mới là quan trọng, nhất là đối với những thế hệ tương lai. Tôi quyết định phải làm một công việc quan trọng đã “manh nha” khi tôi đọc trên báo về những mẫu chuyện “thương tâm của cha mẹ khi con cái đã trở nên hư hỏng”. Đó là quyết định dành nhiều thời gian để viết những bài ngăn ngắn như là một “cẩm nang” cho giới thanh thiếu niên. Nhưng rất tiếc tôi không thể viết bằng tiếng Anh mà chỉ có thể viết bằng tiếng Việt thôi. Tôi viết với ước vọng cha mẹ có thể đọc rồi diễn đạt ý tưởng đến với con cái để có được kết quả phần nào.
Nghĩ rồi tôi tiến hành, vận dụng mọi kiến thức, kinh nghiệm sống của mình, của bạn bè; cùng những kiến thức học từ trong nhà trường cho đến cuộc đời. Tôi ngồi để vạch nên trình tự của những bài viết ấy. Tôi mượn “lời cha viết cho con” như những lời tâm tình, nhắn nhủ, mà không phải mang tiếng là “dạy đời”. Những bài ấy được kết hợp lại thành “Những Bài Viết Cho Con” mà tôi đã sắp xếp theo một tiến trình cần thiết và tùy theo trình độ trong tiến trình trưởng thành: Từ lúc nhỏ cho đến phát triển và có thể tham gia mọi sinh hoạt của xã hội ở lứa tuổi vào đời và cung cấp cho chúng những nhận thức tổng quát trong xã hội mà tôi rút tỉa được từ kinh nghiệm của chính mình trong suốt cuộc đời mà mình đã sống.
Lúc nầy tôi còn viết tay trên những trang giấy, rồi sửa chữa; xong, mới đánh vô máy vi tính, sau đó copy vào “floppy disc” và đem dĩa đến anh Lộc báo Nam Úc để anh đăng tải lên báo. Như vậy tôi vừa thực tập trên máy, vừa tiện cho anh Lộc hơn. Mỗi tuần tôi đưa đến cho anh một bài, có khi cần đến hai tuần. Cứ sau khi đi làm về, cơm nước xong xuôi, tôi nằm sấp trên giường lấy giấy ra viết (còn đánh bài thẳng vào máy theo như Đại Đức Thích Nhật Từ chỉ đường mãi đến ba năm sau tôi mới thực hiện tức vào thời điểm mà tôi có dịp diện kiến với Đại Đức). Tôi nằm úp trên giường để viết tiện hơn và không làm cho tôi đau lưng do chứng mổ xương sống từ cuối năm 1991. Cứ như vậy mỗi chiều, tôi cố dành ra chút ít thì giờ để viết, khi hoàn tất một bài, sửa chữa rồi thì tôi đánh lưu trữ vào trong máy. Với tiêu đề nào dễ thì tôi viết trước, tiêu đề khó tôi sẽ viết sau có khi cần đến rất nhiều ngày để viết xong tiêu đề đó. Có tiêu đề tôi cần đến tham khảo thì tôi để lại, tìm đọc tài liệu xong mới viết tiếp. Tôi cố gắng hoàn tất vài tiêu đề trước để đưa đến anh Lộc đăng lên báo mà không bị động phải ngưng trong nhiều tuần.
Tôi muốn làm “Những Bài Viết Cho Con” nầy giống như hình thức của cuốn sách “Tâm Hồn Cao Thượng” của nhà văn Ý Edmondo De Amicis nhưng nó không là những mẫu chuyện kết ghép mà là những cần thiết cho một đời người, mà nó có thể đóng vai của một “Cẩm nang” cho một con người trong quá trình của cuộc đời. Do đó tôi phải vận dụng mọi ký ức, hồi tưởng về mình, về bạn bè trong từng giai đoạn trưởng thành, kể cả những phương diện cần biết trong xã hội.
Tôi không biết phản ứng của các bậc cha mẹ như thế nào khi đọc những bài viết cho con nầy, vì anh Lộc không có nói gì về dư luận cả. Nhưng sau đó không lâu thì Chú Chánh tức nhà thơ Cao Quỳnh Tuệ Lâm ở trên Queenland có ý muốn liên lạc với tôi qua anh Lộc. Trong câu chuyện, Chú muốn đăng tải các bài nầy vào trang nhà “Đại Đạo Tam Kỳ” (Đạo Cao Đài) của chú. Tôi đồng ý vì tôi cũng muốn chúng được phổ biến càng nhiều càng tốt. Sau đó thì Chú Chánh đưa vào Tập san “Tình Thương” do chú ấn hành.
Tôi cứ gởi đến Anh Lộc tuần tự đăng dần trên báo Nam Úc. Trong thời gian ấy Cộng Đồng có phát hành cuộn băng “Mở Lòng Với Nhau” để giúp đỡ các bậc cha mẹ cũng như giới trẻ hiểu nhau hơn trong vấn để giáo dục, giúp các em nên người. Trong cuộc tiếp xúc, chị Mai người giữ nhiệm vụ phát hành có hỏi tôi phải là Nguyên Thảo không. Tôi ậm ờ đôi lần. Chị nói: Chị có đọc loạt bài ấy, nhưng từ trước chị cứ nghĩ là báo Nam Úc lấy từ trên internet, chứ không nghĩ là của người viết từ địa phương nầy. Tôi cười qua loa với chị, rồi mua băng và ra về.
Sau khi loạt bài “Những Bài Viết Cho Con” đã được đăng hết trên báo Nam Úc thì tôi lại nghĩ mình cần đánh động vào tâm tư của trẻ con bằng tình thương của chúng nhất là “tình thương đối với người mẹ”. Thế là trước mùa Vu Lan năm đó tôi đưa đến anh Lộc bài viết “Bài Viết Cho Người Bạn Nhỏ (nhân ngày lễ Vu Lan)”. Rồi cứ mỗi năm tôi đều viết một bài cho ngày lễ Vu Lan, cùng với những bài viết về “Mẹ” khác thành “Những Bài Viết Về Mẹ”.
Tôi không ngờ công việc “viết chơi chơi” của tôi lại càng lúc càng đi xa như vậy; mà tôi lại càng không ngờ hơn nữa khi sự kiện khác lại càng hối thúc tôi hơn không những về phương diện văn mà còn cả về thơ nữa. Thế là tôi nhảy lên “văn đàn” một cách bất đắc dĩ!
Số là khoảng mười sáu năm về trước, trong một cuộc bầu cử “Hội Đồng Quản Trị” của Cộng Đồng tại Nam Úc, lúc đó có hai Liên danh tranh cử quyết liệt. Khi liên danh mới bị thất bại thì họ có tính đến chuyện muốn làm chính trị thì phải có một tờ báo để làm hậu thuẫn vì kinh nghiệm họ bị thất bại do nơi bài đăng hạ uy tín liên danh họ trên báo Nam Úc. Manh nha cho một tờ báo “biếu” mới được thành hình. Trong lúc vận động thành lập tờ báo mới đó, ngưòi liên lạc có ý tưởng chủ quan nắm phần thắng trong tay và tờ Nam Úc sẽ mất khách, thua lỗ đến chỗ “dẹp tiệm”. Không ngờ ý ấy lại đến tai anh Lộc, anh Lộc có cho tôi biết điều ấy nhưng chỉ là úp mở mà thôi! Đến khi tờ báo mới là tờ “Adelaide Tuần Báo” ra đời thì một phần do phe phái, một phần do cách hành xử, hai tờ báo trở thành hai lực lượng đối kháng, họ dùng ngòi bút viết chửi nhau không tiếc lời trên mặt báo.
Tôi không tham gia vào “cuộc không vui” ấy, mà chỉ viết những gì theo mục đích tôi đã hướng tới. Mãi đến hơn tháng sau cường độ công kích, chửi lẫn nhau càng tăng chứ không giảm, ngay đến những người can ngăn cũng bị chửi luôn cho nên chẳng ai kể cả các hội đoàn “không dám” lên tiếng để chận đứng hiện tượng xảy ra. Điều nầy đụng chạm đến “Tự ái” của tôi: Vì tôi đang cố gắng dùng mọi khả năng của mình để hướng tuổi trẻ vào con đường “ý thức và làm tốt” nhiệm vụ của chúng, thì người lớn đã “làm gương xấu” trên mặt các tờ báo. Thế là tôi phải nhảy vào “can ngăn” bằng các bài viết: “Uy lực của ngòi viết”, “Có con đường nào ta đi” gởi đăng ở cả hai tờ báo, đến bài thứ ba: ‘Điều “bất đắc dĩ”!’ theo yêu cầu, tôi chỉ gởi cho Anh Lộc báo Nam Úc Tuần Báo thôi. Nhưng khi tôi lên farm, gặp anh bạn vốn có học lớp báo chí ở Đại học Vạn Hạnh năm xưa cho biết: Anh coi chừng, trong báo chí nó có những thủ đoạn khó lường. Người ta có thể sửa bài của anh theo ý người ta muốn trong một đoạn nào đó rồi người ta đổ thừa cho người đánh máy hay lỗi kỹ thuật thì lúc ấy bài của anh cũng đã đến với công chúng rồi, thì lúc ấy uy tín của anh khó mà gỡ! Tôi hoảng hồn khi về đến farm tôi vội vã gọi điện thoại để ngưng bài báo vì cần bổ túc và sửa chữa đôi phần. Đến chiều tôi về ghé qua tòa soạn thì bài của tôi đã bị biến dạng một đoạn và gỡ khỏi phần đã “lay out”. Hú hồn! Xong, tôi lấy bài về sửa lại chút ít rồi đem gởi cho cả hai tờ báo. Sau đó, tôi không viết can thiệp trực tiếp nữa, coi như sự can thiệp của tôi bị ngưng ngang. Và hành trình văn xuôi của tôi lại chuyển sang một hướng khác bằng những bài văn xuôi ngăn ngắn viết theo nhiều chủ đề của xã hội, lẫn “nói xa, nói gần” về chuyện những nhà văn, nhà thơ “bỉ ổi” đang làm trên hai tờ báo biếu ở địa phương. Đó là sự ra đời của bút hiệu “Đồ Ngông” với “Tào Lao Thế Sự” hay nói nôm na là “Chuyện Tào Lao”, cũng như các “Thơ Đồ Ngông” mãi về sau nầy. Như vậy văn xuôi của tôi lại tiến thêm một bước nữa và được mở rộng theo nhiều khía cạnh xã hội mang tính chất hiện thực. Cũng từ đây, tôi lại suy nghĩ: Tại sao mình viết về chuyện xã hội được thì tại sao mình không thể viết được những bài ghi nhận về vấn đề của Đạo Phật mà mình đã cảm nhận, cùng nghiên cứu. Thế là cái viết của tôi lại tiến vào vấn đề tôn giáo. Chính điều nầy đã đưa tôi đến việc cần viết một bài rõ hơn về chuyện khi tôi bệnh và tìm về tôn giáo như thế nào, đó là sự ra đời của bài: “Sự Huyền Nhiệm Của Tâm Linh”. Tức là trong bài ấy, tôi hoàn toàn kể lại trung thực từng chi tiết và diễn tiến về tâm linh của tôi trong thời gian bệnh để mong rằng độc giả qua đó hiểu được những điều tôi muốn diễn đạt và có được sự đối phó nếu họ lâm vào tình trạng giống tôi. Tôi muốn độc giả khi đọc bài ấy có thể tự mình rút ra được nhiều điều có ích hơn là tôi phải giải thích. Rồi lại tiến xa thêm từ trong Đạo Phật tôi lại tìm hiểu nghiên cứu về một số đạo khác để tìm cái đúng cho một “Chân lý” của đời sống con người, vì trong thế gian nầy có nhiều con người muốn lợi dụng vào tôn giáo để nhằm thống lĩnh thiên hạ và biến con người thành phương tiện phục vụ cho mục đích của họ. Riêng về Đạo Phật qua sự nghiên cứu, tìm hiểu tôi đã đúc kết lại thành một tập tài liệu có tên là “Tổng Quan Về Giáo Lý Đạo Phật” tức là phần gồm có bài “Nhập thế gian” cùng hai bài về “Xuất thế gian” vậy.
Và văn xuôi của tôi cùng theo tôi đi du lịch vài nơi. Viết về những chuyến đi ấy mục đích của tôi chỉ muốn: Một là chia sẻ cùng với mọi người vài nơi mà tôi đã đi, đã quan sát cũng như tìm hiểu, nghiên cứu; hai là kỷ niệm cuộc hành trình. Và, "văn" cũng theo tôi để lưu lạc nơi xứ người, để làm một kiếp sống lưu vong khi tôi viết “Quê Người”. Nhưng có lẽ sự đắc ý của tôi nhất là tôi được tách bạch, phanh phui, lột tả mọi khía cạnh xã hội, cuộc đời trong những loạt bài “Chuyện Tào Lao” hay “Tào lao Thế Sự” để nói về mặt trái cuộc đời trên nhiều phương diện. Qua đó, tôi được đóng góp nhiều ý kiến, nhận xét của riêng mình để độc giả có cơ hội nhìn “chân tướng” của cuộc đời được rõ hơn thêm chút nữa. Nói chung với bút hiệu Nguyên Thảo tôi làm nhiệm vụ tích cực, đóng góp cho cuộc đời những gì tôi có thể; và với bút hiệu Đồ Ngông tôi làm vai trò của một người trào lộng, châm biếm, vạch trần xã hội với những bỉ ổi của nó, thêm “hương vị nhận xét” về cuộc sống của trần gian, thế thôi!

Nguyên Thảo,
03/02/2016.


Tuesday, February 2, 2016

*Đầu Năm Khai Bút.

*Thơ Nguyên Thảo. (tt)


Đầu năm khai bút, viết điều hay
Cầu chúc cho nhau lắm phát tài
Phước Lộc đong đầy, vui cái “hỉ”
Cát Tường hội tụ, được nhiều “may”
Xuân về, phơi phới hoa đua nở
Tết đến, thênh thang người đón ngày
Năm mới, vươn lên, thời vận tới
Nắm ngay “một thuở ngàn năm” này!

Nguyên Thảo,
4/12/2015.



*Tết Quê Xưa!

Ngày Tết trên quê, nắng lại vàng
Trẻ con nô nức đón Xuân sang
Khô ran đồng cỏ, chân mau bước
Tấp nập ven đường, chuyện nói vang
Thăm viếng, người người câu chúc tụng
Chào may, phố phố lân lên đàn
Tiếng rao, tiếng pháo đầy riêng góc
Ngày mới, đầu năm, trống mở màn.

Nguyên Thảo,
5/12/2015.



*Những Khu Rừng Đã Mất!




Ngày xưa, rừng là nơi mà người ta cần khai phá để lấy đất đai canh tác hay làm môi trường sống. Ngày nay rừng lại cần được bảo vệ vì hệ thống cây xanh của nó đáp ứng cho nhu cầu Oxy khí quyển, lẫn bảo vệ mặt đất được êm mát cùng giữ được nguồn nước ngầm không bị trở nên khan hiếm hay khô cạn. Thiếu rừng mặt đất trở nên nóng và trơ trọi, gió mưa có thể thổi bay hay cuốn trôi đi những lớp đất cát trên mặt (mà người ta gọi là hiện tượng xói mòn, xâm thực) làm cho mặt đất càng trở nên nóng và đưa con người chật vật hơn trong việc đối phó, thích nghi trong môi trường. Các nhà khoa học đề cập đến hiện tượng “biến đổi khí hậu toàn cầu”, “hiệu ứng nhà kính”, “Tầng Ô-Zôn bị mỏng, hay hỏng ở hai cực càng ngày càng lớn”, “hiện tượng El Nino, La Nina” (mưa bão bất thường)… để rồi người ta khuyến khích “trồng cây gây rừng”, “bảo vệ rừng”, “thân thiện với môi trường”…vv..và vv…
Còn tôi khi viết bài nầy không có mục đích gì gọi là lớn cả, chẳng qua là do những năm đi qua trong cuộc đời của mình có vài kỷ niệm lưu luyến lẫn các cảm giác hồi hộp, sợ sệt; mà bây giờ nhớ lại, rồi viết để mọi người, bạn bè đọc vui chơi gọi là chia sẻ một thời đã qua vậy thôi!
Ngày tôi còn nhỏ tôi sợ nhất là phải đi qua mấy gò mả, nơi mà yên nghỉ của những người chết vì bệnh, già hay vì mọi lý do dù là còn trẻ. Đi qua đó là một cực hình, nhất là về buổi trưa, vì người ta kể ma quỷ hay hiện hình vào thời điểm nầy hoặc về ban đêm; cho nên khi tôi phải băng qua mấy gò mả thường thì chạy trối chết hoặc đạp xe đạp như tên mà không hề dám ngoáy lại. Thế mà đường về quê ngoại có đến hai gò mả kế bên nhau mà má tôi thường kêu tôi đem thức ăn về cho bà ngoại nhất là món cua đồng “um” hay “khèo” nước mắm. Còn về quê nội thì băng qua gò mả kế đình Phước Lộc là nơi mà tôi sợ ghê gớm vì phải băng qua gò mả mà lại thuộc khu vực vắng có nhiều tre rậm rạp nghe lạnh tới gai xương sống.
Băng qua gò mả thì sợ người chết “đứng dậy”, “hiện lên”; còn đi qua những cánh rừng thì sợ với nhiều nỗi sợ, sợ bị cọp vồ, sợ rắn, sợ ma, sợ sự âm u, vắng lặng của nó. Thế mà bây giờ nó không còn, tôi lại nhớ nhung như nhớ đến cái gì mà mình thương tiếc quá, bây giờ đã bị mất đi rồi!
Lúc còn bé tí teo có lần tôi theo má đi đâu không biết (chắc là Phú Trung, Phú Chánh gì đó) mà có đi qua cánh đồng gò bèo mà tiếng thông thường cứ kêu là đồng bà bèo thì hãy còn nhiều cây cao su, chứng tỏ đồn điền cao su bị phá lần để lấy đất trồng trọt cho đến ngày nó chẳng còn cây nào và đồng bà bèo quả thật là “đồng bà bèo”, mùa mưa có nhiều ruộng lúa gò và mùa nắng có nhiều nơi trồng củ cải, dưa gan, đậu hay vài loại hoa màu khác dù phải đào giếng sâu để lấy nước tưới. Công việc cũng khá là vất vả, nhưng người ta có thể có thêm thức ăn hoặc lợi tức, để làm cho người ta có đời sống vật chất được tốt hơn. Rừng chồi đình Vĩnh Trường là nơi mà tôi đã từng theo mấy bạn hái trái sim hay trái cơm rượu ăn nghe mùi ngọt, thơm thơm hay những trái mù cua làm cho lưỡi của mình bị tím ngắt. Hoặc rừng chồi Hố Khởi kế bên có nhiều trái cò ke, đuôi chồn, trái táo gai, mà nhiều lúc tôi thường chạy vào đó sớm để kiếm bắt mấy con quít nho nhỏ, trên cánh có mỗi đốm đỏ mỗi bên hay quit tàu lớn hơn mà cánh toàn là màu xanh bóng trên mấy cây súng rắn, tất nhiên với sự phát triển dân chúng đông đúc như hiện nay nó sẽ phải là không còn.
Rừng mà tôi nghe nói từ lúc còn nhỏ đó là rừng Khánh Vân, không biết nó là bao lớn và to như thế nào mà nghe nói đến băng cướp “Rừng Xanh” do hai anh em ông Bời, ông Liễu cầm đầu đóng bản doanh ở đó. Chỉ nghe họ cướp nhà giàu chia cho nhà nghèo, nhưng chia hay không thì không rõ mà đến đỗi chính quyền lúc đó treo giải thưởng để thanh toán họ. Sau thì người cận vệ thừa lúc ông Bời ngủ trưa giết ông rồi ra đầu thú, lãnh tiền treo thưởng. Sau ông cận vệ nầy bị tai nạn xe chết gần Đình ở ngã ba cây sao quỳ đó là gốc tích của cái miễu tai nạn ở gần chợ Đình bây giờ. Đến khi tôi đi học trên Tân Uyên, có lần xuống Khánh Vân dự lễ khánh thành Khu trù mật Khánh Vân thì rừng đã bị tàn phá mất rồi chỉ còn lại những khoảng đất phân lô chia cho dân cư cùng con lộ 50 (rộng 50m) chạy dài vô gần Tân Long. Sau đến thời gian chiến tranh ác liệt, nhiều nơi rừng bị rải thuốc khai quang, rừng Cò Mi bao trùm khu vực rộng từ Dĩ An qua An Phú đến khu vực Nhà Thơ của xã Tân Khánh (nay thuộc xã Bình Chuẩn) bị thuốc rụng lá và được khai quang cả, rồi người ta làm con đường nối dài từ ngã ba Bình Thung chạy về Bình Dương qua An Phú, Bình Chuẩn, Phú Lợi gọi là xa lộ Đại Hàn. Thế là từ đó An Phú trở thành vùng đất trống trơ trống lốc mà vào mùa mưa người ta mới trồng trên những cánh đồng rộng với khoai mì hoặc khoai lang, còn mùa nắng không có nước người ta đành bỏ không. Sau nầy nhờ sự phát triển về công nghiệp mà bây giờ người ta đôi khi chen chân không lọt. Khoảng năm 1962, chính phủ làm con đường từ ngã tư Nhà Thơ băng qua khu rừng Phước Hải, Thái Hòa vượt Hố Đá, Phước Lương chạy qua Khánh Vân, ngã ba Bình Chánh, vô Ông Đông Bà Tri, công trình đang làm thì gặp lúc đảo chánh, thế rồi con đường bị ngưng ở đó và những cánh rừng tre và nhiều rừng khác thì đã bị tàn phá nặng nề. Và ngày nay đi kiếm những rừng chồi hay rừng thưa ở khu vực nầy để hái trái mù cua, trái giấy, cò ke, trái sim, cơm rượu không còn dễ dàng gì. Ngay cả các khu rừng ở kế sở 49, sở Bác Vật phải nhường chỗ cho những công trình hảng xưởng cùng mở rộng đường sá để phát triển hạ tầng cho khu vực công nghệp Nam Tân Uyên.
Thuở nhỏ khi đi về phía chợ Búng, tôi sợ khu rừng hai bên đường từ cống ông Huyện chạy ra rừng cây Chàm vì vừa sợ ma do đường vắng mà nghe nói rừng thì cứ sợ cọp, thú dữ nó chụp, nó vồ; nhứt là cây chai ở Thuận Giao, cứ sợ rủi mình đi ngang thì nó rớt xuống cái tay, cái chưn, cái mình, rồi cái đầu để ráp lại thành ma mà nhát mình giống như mấy ông lớn kể để nhát mấy đứa nhỏ làm cho chúng phài sợ ma đó mà! Rồi rừng thưa ở Thuận giao ra Hòa Lân hay rừng chồi của Hưng Định, Bình Hòa lẫn rừng đường qua An Phú đều biến mất.
Và lâu lắm, nếu tôi nhớ không lầm vào những năm nửa sau 60, do nhu cầu chiến tranh cũng như bất tiện khi đường chạy vòng vòng quanh co trong con đường cũ băng vào những khu vực đông dân nên quốc lộ 13 được mở rộng từ Ngã Tư Hàng Xanh qua cầu mới Bình Triệu để về Bình Dương đến Phú Long được tẻ sang một nhánh khác chạy về Cầu Ông Bố băng qua Hưng Định, Hòa Lân, cánh đồng Hòa Thạnh để nối về Phú Văn Phú Lợi qua ngã tư Cây Sao Quỳ lên Chợ Cây Dừa và về Bưng Cầu, Cầu Định qua Bến Cát, Bàu Bàng, Chơn Thành, Bình Long, rồi từ rừng lớn thành rừng chồi và trở thành khu kỷ nghệ, dân cư đông đúc, chen chúc nhau mà sống.
Con đường mà tôi để dành về sau rốt là con đường từ Tân Khánh ra Bình Dương. Từ xưa muốn đi lên chợ Thủ Dầu Một sau đổi lại là Bình Dương tôi phải đi qua rừng Bà Đôn ở sân bay và khu rừng tương đối rộng chạy dài là khu rừng từ Phú Lợi ra đến ngã ba cây sao quỳ, và tiếp nữa là hai bên đường thuộc khu vực gò mả, dưới sâu dưới kia là vài thuở ruộng đất không được tốt lắm. Khu rừng nầy thường có cướp nhỏ hiện ra để đón khách vãng lai cướp của. Nhưng từ khi quân đội Mỹ vào tham chiến có nhiều sự thay đổi. Sư Đoàn Không Kỵ I của Mỹ chọn sân bay làm căn cứ, từ đó vườn Bà Đôn tức là khu rừng chồi nầy đã biến mất, và đường từ Bình Hòa ra miễu Hoa San (chị Hoa San bị tai nạn xe cộ chết ở đó) thành hình. Kế đến là khu rừng Phú Hòa ra ngã ba cây sao quỳ được khai phá thành khu gia binh của Sư Đoàn 5, nhà thờ Vinh Sơn và bệnh viện 4 Dã Chiến, trường học Nguyễn Văn Thành. Đến khi đường 13 tẻ chi nhánh ngoài khu vực đông dân nối về ngã ba cây sao quỳ để trở thành ngã tư từ đó người ta gọi là Ngã Tư Cây Sao Quỳ. Và khu gò mả ngày xưa trở thành khu gia cư đông đúc mà kiếm được một cái mả không phải dễ dàng. Cho nên cuộc đời thay đổi, đổi thay khó mà ai biết cái gì sẽ xảy ra trong mai sau. Đó là những chuyện trước mắt và nhỏ nhoi của một địa phương. Nếu lớn hơn chúng ta tưởng tượng vỏ trái đất chỉ dày bằng vỏ của một trái cam mà ruột là chất lỏng, mềm nhão đang sôi thì sự bùng nổ, rạn nứt, sôi sục ở nơi nào đó sẽ biến đổi vĩ đại hơn cho nên người xưa đã nói: “Thương hải biến vi tang điền, tang điền biến vi thương hải” cũng không có gì là lạ! Xa hơn nữa là định luật: Có sinh thì có diệt, cái nầy mất đi thì cái khác được sinh ra. Đó là “sinh sinh, diệt diệt” vậy!

Nguyên Thảo
30/11/2015.