Wednesday, March 23, 2016

*Dài Đuôi!

*Thơ Đồ Ngông! (tt)


*Ngẫm Cười!

Ngẫm cười những kẻ dẫn đường
Đường đi không biết, có đâu ngọn ngành
Cứ ngờ ta lại khôn lanh
Đứng trên thiên hạ, tranh giành dẫn đi
Đi đi, ngang dọc trường kỳ
Đi lên, đi xuống hàng hàng cứ đi
Đi sao chưa khỏi lối mòn
Loay hoay sửa đổi tháng tròn, năm qua
Đi trong chán nản la cà
Ù lì, thơ thẩn như là đi chơi
Đi như những kẻ chây lười
Lại thêm cướp giựt, một thời đớn đau
Cứ rằng tại bỡi vì đâu
Vì là cũng tại “người ngơ” dẫn đường!

Đồ Ngông,
23/03/2016.




*Dài Đuôi!

Con mèo cứ mãi đứng khen
Dài đuôi, xứng đáng là đuôi con mèo
Con mèo đứng mẽo mèo meo
Ngắm đuôi rồi lại khen mình dài đuôi
Ngày ngày cứ mãi tươi cười
Ra vô nhìn ngắm cái đuôi mình dài
Không hay mình chẳng bằng ai
Vô tài, thiếu đức, đường dài kém hơi
Đua nhau trên một cuộc chơi
Rồi ra mới biết “Mèo khen đuôi dài!”
Thương thay những kẻ bất tài
Lôi theo thiên hạ, kéo dài khổ đau!

Đồ Ngông,
23/03/2016.



Wednesday, March 16, 2016

*Mỹ Du. (9)

                                 


Khuê dẫn đoàn chúng tôi ghé vào car park của Midway Geyser Basin để đi tham quan khu vực nầy. Bên cạnh car park là dòng sông Firehole (River) được những dòng như suối nước nóng từ trên đồi đổ ra để dung nạp vào dòng chảy. Khói bốc lên nghi ngút chứng tỏ độ nóng của nó khá lớn. Chúng tôi tiến về phía cầu, ở đây cảnh nước, cầu, suối trên cao đổ xuống, khói bốc lên suốt một đoạn dài, âm thanh róc rách làm cho du khách nghe vui tai mà cảnh thì nên thơ nên người ta đua nhau chụp hình làm kỷ niệm cũng đông. Chúng tôi không ngoại lệ. Tôi quay những cảnh nầy như cố bám vào cái cảnh có một không hai.


                                 Hình chụp tại cầu với đoạn sông Firehole ở Midway Geyser Basin.


Lần lượt qua cầu và đi theo những đoạn ván mà người ta đóng dọc dài theo các hồ để du khách dễ dàng tham quan những hồ nước lẫn khu vực. Đường đi đánh một vòng khép kín. Khởi đầu phía bên trái đường ván là dòng chảy từ hồ Excelsior, nơi đường nước nầy đi qua đất có màu đỏ, xanh, xám, cam, nâu sét do nơi những vi sinh vật có tên là Cyanobacteria, chúng có thể sinh sống trong độ nóng 75 độ C tạo nên những màu vàng, xanh; nếu nước lạnh hơn thì có màu cam, nâu hay màu nâu của sắt sét . Hồ Excelsior được xem là một trong những hồ nước nóng lớn trên thế giới mỗi phút nó thải ra khoảng 15,000 đến 17,000 lít nước ở nhiệt độ 93 độ C vào sông Firehole.
Tiến về phía trước, đường ván vòng qua hồ Grand Prismatic Spring. Hồ nầy là suối nước nóng lớn nhất trên đất Mỹ và là lớn thứ ba trên thế giới sau Frying Pan Lake ở Tân Tây lan và Boiling Lake ở Dominica. Hồ cung cấp cho sông Firehole mỗi phút khoảng 2100 lít nước ở nhiệt độ 70 độ C, có kích cỡ là 110 m đường kính và sâu chừng 40 m. Hồ được các nhà địa chất đặt tên như vậy vì những màu sắc của nó giống như màu của quang phổ khi ánh sáng trắng đi qua lăng kính, vào năm 1871. Ở đây, du khách thường chụp hình với tấm bảng in hình của hồ Grand Prismatic Spring được đặt bên cạnh đường. Qua đó, chúng tôi lại theo đường ván xem Opal Pool, Turquoise Pool rồi trở lại cầu, về car park. Chúng tôi ăn uống luôn vì trời cũng đã trưa, xong dọn dẹp và lên xe để đến Old Faithful.
Từ Midway Geyser Basin đến Old Faithful không xa lắm vào khoảng 10 km. Tìm chỗ đậu xe trong car park, rồi chúng tôi cùng nhau đi vào trong phòng trung tâm tin tức của khu du lịch để xem giờ giấc khi nào giếng phun Old Faithful phun lên. Những nhà nghiên cứu tính toán được giờ giấc nào giếng sẽ phun ghi lên cái bảng thông tin, du khách chỉ cần nhìn vào bảng để chuẩn bị cho sự quan sát của mình. Chúng tôi đợi không lâu, và ra ngoài khu vực quan sát để tìm cho mình một vị trí. Giếng phun Old Faithful ngoài kia ở trước mặt, cũng từ từ lên khói giống như những giếng khác. Vòng để du khách đứng xem được tráng xi măng, đổ bêtông theo một vòng cung, có đặt hai hàng ghế ngồi để người ta có thể ngồi mà quan sát khi giếng hoạt động.

  


          Giếng phun Old Faithful đang hoạt động. (Hình do Hùng chồng Dung chụp)

Gần tới giờ người người kéo ra khu vực đông đảo. Thay vì những hàng ghế được ngồi, nhưng người ta lại đứng lên cả trên ấy để quan sát cho rõ, cho nên người đến sau phải dồn về phía không có ghế và đứng chen chúc nhau. Giếng bắt đầu phun, người xem ríu rít, reo lên rồi lại yên lặng để theo dõi hay chụp hình, quay phim trong những giây phút hiếm có nầy. Tôi vì cứ lo bấm máy quay và chỉ quan sát hiện tượng qua máy mà thôi. Không biết được mấy phút thì giếng hạ lần độ cao của độ phun và ngưng. Mọi người giải tán. Người ta đến đây để quan sát sự kiện chính nầy, cho nên đối với khách du lịch đây là giây phút quý báu khi đi đến Yellowstone. Sau đó thì tản ra và đứng chụp hình tại bảng Old Faithful như là ghi lại những hình ảnh kỷ niệm. Old Faithful cũng được xem là biểu tượng của Yellowstone trên nhiều thương hiệu ở tiểu bang Wyoming, kể cả hiệu bia. Chúng tôi đi vào trong nhà Trung Tâm mua ít đồ lưu niệm. Tôi mua vài quyển sách mỏng Trail Guide hướng dẫn vài nơi mà du khách cần đến. Hùng (chồng Dung, anh em cột chèo với tôi) đưa tôi vào phòng chiếu phim để xem người ta chiếu những phim tài liệu về Yellowstone. Khi tôi vào thì phim chiếu đã gần hết, nhưng tôi nán lại và xem tiếp được phim sau. Tôi dùng máy quay ghi lại, nhưng chắc chắn tôi sẽ không hiểu được nhiều, bỡi một lẽ đơn giản là số vốn tiếng Anh tôi chưa đủ để hiểu. Khu nầy có lẽ là khu vực chính của Yellowstone nên xe cộ đông đúc, các cơ sở cũng nhiều, tương đối đầy đủ các phương tiện kể cả nơi ăn uống, nhà trọ. Cảnh quan vào mùa Thu nơi đây cũng đẹp và nên thơ.
Theo tài liệu Old Faithful được đặt tên vào ngày 18/09/1870 do Henry D. Washburn. Đây là giếng phun đầu tiên ở công viên được đặt tên. Giếng phun cứ 35 - 120 phút thì phun một lần. Độ phun có thể cao từ 32 tới 56 m với khối lượng 14 cho đến 32 mét khối nước và có thể kéo dài từ 1.5 tới 5 phút.
Vào lúc khoảng 2 giờ chiều chúng tôi lại ra xe để đi qua khu vực khác cách đây 27 cây số gọi là West Thumb Geyser Basin ở trên độ cao 2368 m. Chúng tôi đến đó chắc mất khoảng hơn nửa giờ lái xe.
West Thumb Geyser Basin là một khu vực nằm bên cạnh Yellowstone Lake là một caldera nằm trong vùng caldera rộng lớn của Yellowstone. Chúng ta cũng nên biết hồ Yellowstone là một hồ ở trên cao lớn nhất của Bắc Mỹ nó có chiều rộng là 23 km, dài 32 km ở trên độ cao 2357 m có chu vi khoảng 227 km với diện tích chừng 341 cây số vuông chiều sâu từ 42 m đến 125 m.
Khu West Thumb nầy có nhiều chi tiết về hiện tượng nước nóng ở trên cạn lẫn ở dưới nước. Chúng tôi đến đây gặp vào mùa Thu đã hơi lạnh lại thêm mưa bay bay cho nên một số người chịu không thấu đành quay lại xe. Tôi vì tiếc nuối nếu quay lại thì không biết ở đây có gì nên cố quay phim gần lẫn quay phim xa. Nhưng rồi sau một hồi, trời cũng bớt dần. Tôi và Khuê vừa đi vừa nói chuyện, Khuê chỉ cho tôi những nơi có thể quay mà tôi không để ý. Chúng tôi đi qua khu vực paint pot cũng có đủ các hố khí, hố bùn sôi sùng sục, những hố nước nóng đang sôi và khói lên nghi ngút, có cái sâu nhiều, cái sâu ít. Tùy theo độ sâu mà nước thay đổi từ màu trắng đến màu xanh dương càng đậm. Vì không lẫn bùn nên nước thật trong, quả thật là trong như phalê. Ở West Thumb Geyser Basin có nhiều hồ, hố phun nước nóng, có cái nước nhiều chảy thành dòng chảy ra Yellowstone Lake ấy là Springs. Chúng không lớn lắm nhưng cũng thể hiện đầy đủ các loại hình thức để cho du khách có thể cảm nhận được các loại điển hình cho hiện tượng nước nóng. Đặc biệt ở đây có bảng giải thích cho chúng ta có thể hiểu được dung nham tràn vào những khoảng trống trong lớp vỏ trái đất như thế nào và chúng gần với những lớp nước ngầm khiến các tầng nước ấy nóng và sôi lên để tạo những hiện tượng mà chúng ta đã thấy. Khuê chỉ cho tôi những vòng nước loang ra từ trên mặt hồ và nói đó là giếng phun từ dưới đáy đưa lên tới mặt nước. Có nhiều cái như vậy. Trên bản đồ vùng Caldera lớn của Yellowstone được khoanh rất là rộng chúng trải dài từ ngã ba Madison qua tới ranh giới của tiểu bang Wyoming, Idaho vòng về Lewis Falls ở phía nam qua hầu hết diện tích của Yellowstone Lake ở phía đông và ngược lên Canyon Village về phía bắc và chạy nối về Madison tạo thành một vòng toàn khu vực Caldera rộng lớn mà trong đó có nhiều caldera nhỏ với nhiều hiện tượng nước nóng như hố khí, giếng bùn, giếng phun, suối nóng vân vân…Tôi và Khuê đã đi qua Lakeshore Geyser, Fishing Cone, Big Cone và đang ở tại Black Pool, cùng Abyss Pool. Chúng tôi lại đến Twin Geyser và đi theo đường ván để ra xe với mọi người. Những nhà vệ sinh ở những khu vực thiếu nước nầy thì cũng dã chiến, đào sâu nên mùi hôi tất nhiên không thể không có. Nhưng vệ sinh như thế đó vẫn là tốt hơn. Gần 4 giờ chiều chúng tôi chuẩn bị lên xe ra về.
Về đến chỗ trọ khoảng 6 giờ, thay phiên nhau tắm rửa và chuẩn bị buổi ăn chiều. Chiều nay lại ăn món chính là bún chả giò, thịt nướng, bò nướng lá lốt; cơm là món sau. Không khí đông người cùng nhau làm chuẩn bị thật là ồn ào, nhưng cũng rất là vui. Mấy mươi năm mới sum họp một lần, có lần nầy chắc làm gì lại đủ ở lần sau. Thôi thì có được lần nào hay lần ấy. Quy luật họp tan và lẽ sinh tử ấy mà, chúng bao trùm cả vũ trụ chứ không riêng gì ở một mình mình, thế thì ta lo để làm gì? Cứ vui lên đi bạn nhé!

Nguyên Thảo,
13/03/2016.



Saturday, March 12, 2016

*H.T Chữ Nghĩa 26: Hành Trình Của Thơ. (tt)




Trên bước đường làm quen với thơ từ những câu ca, câu hò câu hát, ru em của dân gian cho đến khi vào trường học tôi được học cách làm những câu thơ thông qua các bài học về niêm, luật, vần của những thể thơ ở các năm thời trung học. Vì mình không có khiếu nên biết thì biết vậy, chứ thực hành thì chẳng bao nhiêu. Rồi vào lứa tuổi biết yêu đương, tôi cũng bắt chước bạn bè để sưu tập những bài thơ hay mà ngâm nga đôi lần dù chỉ cho mình hay thỉnh thoảng ngâm cho bạn bè nghe trong những buổi họp mặt cỏn con.
Trong suốt thời kỳ nầy, có những bài tôi thích thật sự nhưng cũng có nhiều bài gọi là thích theo “thời thượng”, người ta thích thì mình cũng thích theo mặc dù các bài ấy không hẳn đúng “gu” (sở thích) với mình. Chép vào trong tập thơ, làm cho tập thơ được mỗi ngày một dày thêm ra mục đích chính là để chứng tỏ mình sưu tập được nhiều, hơn là để thưởng thức. Nhưng dù gì thì bài “Màu Tím Hoa Sim”, “Tiếng thu”, những bài thơ của T.T.K.H, thường được bọn học trò chúng tôi đề cập đến nhiều trong những lần trò chuyện hoặc đề cập đến thơ. Thực sự mà nói, riêng tôi những bài thơ được sáng tác có màu sắc trong chiến đấu làm tôi thích hơn như những bài “Màu Tím Hoa Sim” của Hữu Loan, “Tình Cá Nước” của Chính Hữu, “Nhà Tôi” của Yên Thao, “Đôi Bờ” “Đôi Mắt Người Sơn Tây” “Tây Tiến” của Quang Dũng, “Một Thế Kỷ Mấy Vần Thơ” của T.P (hay Truy Phong) còn những bài thơ tình thì tôi không tha thiết lắm vì hoàn cảnh chưa đưa tôi vào sự rung động đích thực của con tim. Những bài thơ của Nguyên Sa được tôi xem như những bài mà tôi theo thời thượng thôi vì Nguyên Sa được nhiều học sinh rất hâm mộ, nhất là sau hai câu thơ được phổ biến rộng rãi khắp các trường học “Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc, Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường”, (nó có một cái gì mới lạ trong ý tưởng, cũng như rất nên thơ của tuổi học trò gắn liền với khuôn viên nhà trường). Tôi cũng theo bạn bè chép thơ Nguyên Sa vào tập thơ của mình, nhưng sau đó có nhiều bài thơ không biết người ta chép sai hay là tác giả sáng tác như vậy với một câu dài giống như là văn xuôi khiến cho tôi nhìn về thơ theo một ý niệm khác. Từ đó nhiều lần tôi lại thấy trên các tạp chí thời đó như Bách Khoa, Văn…lại xuất hiện nhiều khuynh hướng làm thơ như viết một đoạn văn xuôi hay mang một hình thức triết lý mà tôi chẳng hiểu được ý nghĩ gì của tác giả cả. Có lúc người ta gạch nối các chữ trong câu thơ liền lại với nhau làm thơ lại càng có nét bí hiểm hơn. Ngay cả trong những lời nhạc Trịnh Công Sơn cũng có những lúc “ý nghĩa bí hiểm” như vậy. Cho nên, triết lý lúc đầu đối với tôi đã là khó hiểu từ những từ ngữ Hán Việt khiến tôi nhức đầu để tìm hiểu, để nhớ; rồi lại đến cách diễn đạt thay vì đơn giản thì người ta lại nói một cách cầu kỳ như một triết gia lập dị, để cho tư tưởng của mình lại có tính “thần bí” hơn như một triết gia đang ngồi trầm ngâm, suy tư sự đời bên tách cà phê đen và khói thuốc. Nhưng đó chỉ là sự trống rỗng có cốt cách để loè đời!
Trong cái hiện tượng thực tế như thế đó, khiến tôi có cái nhìn mới vào trong hai phương diện của tư tưởng và xã hội. Chúng kích thích cho tôi sự lên ngôi của “đơn giản, quần chúng hóa cũng như bình dân hóa” để đạt đến những kết quả cao nhất mình có thể. Không ngờ “những ý nghĩ khờ dại, ngông cuồng ngày xưa” của gã học trò đó lại có ngày trở thành hiện thực vào khoảng hơn ba mươi năm sau trên “đất khách quê người”!
Trong sự sưu tập nào cũng vậy tất có nhiều bài thơ dài ngắn khác nhau; tôi thì rất ngán những bài thơ dài vì tôi không hề thuộc được, chính vì vậy tôi cũng nghĩ rằng độc giả sẽ “rất ngán” những bài thơ dài lê thê, cho nên về sau tôi rất ít khi viết những bài thơ dài, mà tôi cũng lại không thích những bài thơ quá ngắn, nhất là khi phải viết những bài thơ “Đường luật” vì nó quá cô đọng khiến mình phải suy nghĩ, o ép vào vần điệu, niêm luật, đối chữ lẫn đối từ khiến tôi có cảm tưởng mình bị đi vào nhà máy để được chế biến thành một thành phẩm cùng dạng với bao nhiêu bài khác, mặc dù nó mới chứng tỏ được “cái khả năng” làm thơ của mình. Do đó, sau nầy tôi thường dùng đến thể thơ “thất ngôn tứ tuyệt” được ngắt ra từ “thất ngôn bát cú” trong các bài thơ “bảy chữ” với những phân đoạn “bốn câu”. Đôi khi cũng có nhiều câu phải phá luật vì không thể kiếm được từ ngữ để thay thế cho “trắc” hoặc “bằng”. Như vậy tôi vừa tránh được những cái o ép, khó khăn của loại thơ mà cũng vừa được phóng khoáng hơn khi làm thơ. Và tôi muốn kéo bao nhiêu đoạn cũng được và có thể làm chủ được độ dài của thơ.
Nói như vậy không có nghĩa là tôi thờ ơ với những loại thơ khác, thỉnh thoảng thì cũng thay đổi cho đỡ nhàm chán và thử khả năng của mình vào từng loại thơ kể cả thơ 6 chữ hoặc là nhiều chữ với hình thức “biền văn”. Làm thơ chơi chơi (không thiệt) thì mình cứ thử chẳng nề hà gì, vì mình đâu có phải là nhà thơ chuyên nghiệp hay là làm thơ để mong trở thành “nhà thơ", “thi sĩ” được nổi tiếng đâu mà sợ. Mình chỉ là thợ thơ thôi mà! Cứ lấy chữ sắp lại để thành thơ nên đâu cần phải uống rượu để tìm “thi hứng” như Lý Bạch, cũng như chẳng đốt nhang để “hưởng hương”, “trân quý”, “cầu thơ” cùng Nàng Thơ. Tôi làm thơ “giản đơn” cũng như là “đơn giản”! Và nhất là “thực tế” hay nói một cách văn hoa hơn, gọi là “Hiện thực” giống như Văn xuôi của tôi vậy!
Có thể nói suốt thời kỳ sưu tập, bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” của Hữu Loan ảnh hưởng sâu đậm vào tâm thức của tôi nhiều nhất về ý tưởng cũng như hình thức của bài thơ. Kiểu cách, cách ngắt câu thoải mái để diễn tả ý tưởng làm tôi thấy thích rồi, đã vậy một mối tình lâm ly và được kết thúc bằng hai câu giống như ca dao:
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chết sớm mẹ già chưa khâu
Làm cho tôi cảm thấy một mối tình càng da diết, bi hùng hơn trong thời chiến của một người chiến binh đang chiến đấu vì tổ quốc.
Thế rồi khoảng thời gian sau không lâu, tôi được dịp tìm hiểu vào thơ mới, tôi lại đến gần với hai bài thơ khác: Một của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, hai là của Phan Khôi, khiến tôi lại càng thích thú về kiểu cách mới ấy vì nó không bị gò bó nhiều vào niêm luật hay số chữ của câu. Cách ngắt hay số chữ của câu tùy theo ý mạnh hoặc nhẹ mà mình sắp xếp miễn sao âm điệu, vần như thơ là tốt rồi. Hai bài ấy như sau:

Tống biệt

Lá đào rơi rắc lối thiên thai,
Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi!
Nửa năm tiên cảnh,
Một bước trần ai,
Ước cũ duyên thừa có thế thôi!
Đá mòn, rêu nhạt,
Nước chảy, huê trôi,
Cái hạc bay lên vút tận trời!
Trời đất từ đây xa cách mãi.
Cửa động,
Đầu non,
Đường lối cũ,
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.

Tản Đà.



Tình Già
Tác giả: Phan Khôi
Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa.
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ,
Hai cái đầu xanh kề nhau than thở:
- Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng,
Mà lấy nhau hẳn là không đặng,
Để đến nỗi, tình trước phụ sau,
Chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau.
- Hay! mới bạc làm sao chớ?
Buông nhau làm sao cho nỡ!
Thương được chừng nào hay chừng nấy,
Chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy!
Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng.
Mà tính việc thủy chung?
Hai mươi bốn năm sau. Tình cờ đất khách gặp nhau.
Đôi cái đầu đều bạc.
Nếu chẳng quen lung đố nhìn ra được.
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi,
Con mắt còn có đuôi.

Từ đó, tôi có ý thỉnh thoảng cũng nên tập làm thơ, nhưng chỉ để chơi thôi, đôi lúc khoe với bạn bè “Mình cũng biết làm thơ”. Nhưng một ngày nọ, tim tôi chợt nghe hơi buồn buồn, nhớ nhung và người con gái cũng xuất hiện, mà tôi đang còn nhiều điều phải lưỡng ước , mặc cảm cùng phân vân nên tôi đã ghép 9 bài “thất ngôn tứ tuyệt” thành “9 khúc ca” để tỏ nỗi lòng:
Không biết vì sao một buổi chiều
Buồn dâng lấp cả cánh tim yêu
Nhìn dương lã ngọn mây đen đến
Anh thấy lòng anh khó chịu nhiều!

Anh thấy nhớ nhà, thấy nhớ em
Nụ cười duyên dáng trên môi mềm
Mắt sâu yên lặng và thâm thúy
Anh bỡn, anh em cứ mãi cười!

Bây giờ em lại đến đây sao?
Em biết lòng anh có những nào
Không thể, nhiều lần anh không thể
Bây giờ em lại đến đây sao?...
Tôi đành trốn chạy một tình yêu mà tim tôi cũng có nhiều thổn thức, nhớ nhung. Tôi trốn chạy vì hoàn cảnh của tôi lúc ấy, và năm đó cũng là năm mà tôi phải chuẩn bị cho cuộc thi cuối cùng ở bậc Trung học. Thế rồi, khoảng hai tháng sau tôi phải quay về nhà Dì 5 tôi ở Phú Lợi để chăm sóc cho má tôi khi bà đang tản cư và sanh đứa em út của tôi. Khi ở đây tôi có làm một bài thơ chơi và khoe với chị Lạc, chị bạn dì với tôi. Chị Lạc lại đem bài ấy ra lớp ở trường Bồ Đề khoe với bạn chị là chị Dòn quê Bến Thế. Chị Dòn cũng thích sáng tác thơ, chị muốn kết “làm bạn thơ” với tôi. Tôi nghĩ mình không có khả năng nên đành làm một bài thơ khác để cám ơn và tạ từ. Cùng năm, tôi có làm thêm một bài “Mơ Chuyện Giang Hồ” nữa, nhưng cũng chỉ để mà chơi. Và sau đó trong thời gian rất lâu, tôi không làm bài thơ nào nữa đến khi vào đầu năm học Đệ Nhị Niên của Trường Sư Phạm Sài Gòn mới có thêm một bài mà đến nay tôi chẳng hề nhớ tên hay nội dung của bài khi đăng trên tờ bích báo của lớp ở trường vào năm ấy.

Nguyên Thảo,
09/03/2016.



Sunday, March 6, 2016

*Quê Người! (8)




Chuyến đi của chúng tôi sẽ bắt đầu đi từ 4 giờ sáng, cho nên chúng tôi phải dậy thật sớm có khi trước 3 giờ để làm vệ sinh, rồi xếp hàng để nhận phần ăn. Vừa có phần ăn sáng lẫn phần ăn trưa, trong phần ăn có một hột gà luộc, hai hộp nước trà cúc hay nước mía, một hộp thức ăn và có cả bánh ngọt. Chúng tôi không biết lộ trình là bao xa nhưng cứ nghĩ chắc là xa lắm! Lần ở Marang nầy chúng tôi đã được tiếp xúc, chuyện trò với hai cô gái trẻ có vẻ áo não, buồn chán vì họ được thả từ bọn cướp biển Thái Lan, sau hai tháng chúng giữ lại ở một đảo nào đó. Chúng đưa hai cô gái vào Mã Lai để hai cô có đường đi trên Mã Lai, hai cô đến đây vào ngày trước và đợi chuyến để chuyển sang Bidong. Thân phận con người! Không hiểu những người có thẩm quyền có bao giờ suy nghĩ đến vấn đề cỏn con nầy hay không? Tại sao hòa bình rồi mà người ta lại đi mà trong thời gian chiến tranh ác liệt người ta vẫn bám đất, bám làng dù cái chết có thể đến bất cứ lúc nào? Tôi không hiểu nổi về những con người lãnh đạo, không hiểu họ lãnh đạo để phục vụ cho đất nước; cho nhân dân hay là lãnh đạo cho quyền uy, uy danh của họ, hoặc lãnh đạo cho một tổ chức nào đó mà họ chỉ là những người thừa hành không màng đến người dân. Quả thật tôi không thể hiểu nổi về vấn đề chính trị: Cầm quyền để “Vinh thân phì gia” hay là “để có toàn quyền sinh sát trong tay” hoặc “cướp của người dân một cách hợp lệ và hợp pháp"! Trong quá trình lịch sử, tất cả những chính quyền dù cho thời phong kiến hay là trong thời kỳ hiện tại đa số chính quyền đều đem về quyền lợi cho chính họ hoặc phe đảng của họ mà người dân chỉ là những người bị áp đặt những bổn phận cung cấp nguồn tài chánh cho họ. Vậy thì chính quyền nào sẽ lo được cho dân? Những điều tôi học được từ trong trường học, bây giờ khiến tôi phải suy xét lại trên nhiều bình diện.
Đoàn chúng tôi hôm nay đầy trên hai xe buýt lớn để chuyển sang Sungai Bési ở Kuala Lumpur. Có lẽ cũng trên trăm người. Tôi và thằng Thành ngồi trên chuyến xe mà đa số là người ở số tàu khác chứ không là PB 959 của tôi. Đoàn khởi hành đúng vào lúc 4 giờ sau khi nhân viên “Hội Trăng Lưỡi Liềm Đỏ” điểm danh và kiểm đúng số người. Sau nầy tôi mới biết tại sao là “Hội Trăng Lưỡi Liềm Đỏ” thay vì “Hội Hồng Thập Tự” theo chữ Hán Việt, hoặc “Hội Chữ Thập Đỏ” theo tiếng Nôm (ròng Việt) vì ở những xứ Hồi giáo họ không lấy hình tượng “Chữ Thập” vì đó hình tượng của Đạo Thiên Chúa mà họ lại lấy hình tượng “Trăng Lưỡi Liềm” là biểu tượng cho Hồi giáo, nhưng vẫn là thành viên của “Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế”. Xe chạy về hướng nam trong bầu trời hãy còn tối. Những bảng chỉ dẫn đường hiện lên sáng chói dưới ánh đèn xe một cách rõ ràng làm cho tôi thấy lạ mắt, có người nói đó là loại sơn có “lumineux” (dạ quang). Xe lần lượt qua hai khu thật lớn có đèn điện sáng choang với khuôn viên thật là rộng và lớn với nhiều trang bị to bằng inox. Người ta nói đó là những nhà máy lọc dầu, rồi họ trầm trồ chỉ mới có mấy năm mà Mã Lai đã tiến xa Việt Nam quá chừng chừng. Họ còn nói tỏ ra rành rọt lắm: Ngày trước Mã Lai thua xa miền Nam Việt Nam nhiều, chỉ tám năm mà họ đã bỏ Việt Nam xa. Có ông nào đó đáp lời: Không thua sao được: Từ ngày mấy ông Cộng Sản vào thì các nhà máy bị đình trệ không hoạt động hoặc thiếu nguồn nguyên liệu, chủ thì bị bắt vì bị đánh tư sản; cửa tiệm thì phải đóng cửa, kiểm kê; đồng ruộng thì đòi hỏi phải vào hợp tác xã, nông dân giao đất rồi đi làm công trên chính mảnh đất của mình, thuốc phân thiếu thốn nạn sâu rầy tràn lan, mùa màng bị thất bát; người chế độ cũ thì đi cải tạo chưa biết đến bao giờ mới về; xăng nhớt thì thiếu thốn thay vì làm bằng máy thì con người phải nai sức ra mà làm thủ công bằng tay; thủy lợi thì mở ra tùm lum tiêu hao biết bao nhiêu công sức tiền của mà chẳng được thứ gì; dân thì phải xếp hàng đợi chờ đi mua nhu yếu phẩm, đợi nhà nước phân phát từng li từng tí. Vì sự sống người dân bắt đầu đi buôn lậu, bị bắt hết vốn thì sinh ra trộm cướp, liều lĩnh, làm mọi thủ đoạn gian xảo để lường gạt nhau. Chưa bao giờ xã hội đầy người trộm cắp, liều lĩnh như thời của mấy ông Cộng Sản nầy cả. Rồi đây một xã hội sẽ đầy rối loạn, không đạo đức, tội phạm mà nguyên nhân chính do sự tổ chức, đường lối của người Cộng Sản thực hiện mà nên. Nội cái lo tổ chức, sắp xếp lại cơ cấu xã hội, kinh tế thì các nước khác đã tiến đi tới đâu rồi, đàng nầy bị dân chúng bất hợp tác, phản đối nữa thì đình trệ, phải sửa đổi thì có tiến được tới đâu nên Việt Nam mình bị tụt hậu, lạc hậu, thua kém người ta cũng không có gì là lạ! Chính người của Đảng Cộng Sản giết chết Chủ Nghĩa Marx và biến tư tưởng của ông nầy trở thành một Chủ Nghĩa Không Tưởng. Mấy người thấy không, bên Kampuchia Pol Pot giết dân cả mấy triệu người, đày người ra ruộng, người tài giỏi giết hết thì thử hỏi để đào tạo người tài giỏi sẽ mất bao nhiêu năm, cứ thử nghĩ bao nhiêu năm nữa Kampuchia sẽ phục hồi, thì Việt Nam bao nhiêu năm nữa sẽ tiến bộ. Mấy người Cộng Sản đã thực hiện đường lối sai từ đầu, mà họ cứ tưởng họ là thành phần Tiến bộ đang hiện thực một Chủ nghĩa Tiến bộ nhất của loài người. Họ đâu nghĩ rằng Marx chủ trương trên Vật chất: Sản xuất nhiều của cải vật chất, cung phụng cho mọi người đầy đủ vật chất tạo cuộc sống sung sướng cho mọi người thì lúc đó thế giới nầy trở thành Thiên Đường, mọi con ngưòi được sống trong một Thiên Đường nơi Hạ giới. Thế mà người theo Chủ nghĩa Cộng Sản khởi đầu đã thủ tiêu những phương tiện cũng như các phương cách sản xuất, làm đình trệ tất cả ngành sản xuất thì đất nước không trở nên lạc hậu, rối loạn sao được!...
Ông ta còn nói nhiều nữa như một người từng am hiểu, nhưng không biết những người khác có thích nghe không, chứ tôi thì nghe buồn ngủ, mệt mỏi vì đêm hôm ngủ không được nhiều. Trời tờ mờ sáng, hình như xe đã chạy qua dòng sông Dungun nơi mà tôi đã đặt chân đầu tiên lên đất Mã Lai nầy. Ký ức ấy có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được! Nó đánh dấu hay nói kiểu cách hơn là “bước ngoặt” là “dấu mốc” của một cuộc đời lưu vong mà có thể kéo sang nhiều đời con cháu của tôi về sau. Tôi không muốn làm kẻ lưu vong, bỏ tổ quốc, quê hương lại phía sau lưng của mình, nhưng người Cộng Sản cũng như đường lối của người Cộng Sản bắt buộc tôi phải có đời sống lưu vong cũng như hàng triệu người khác đã lưu vong. Đó là một giá trị lịch sử!
Trời đã sáng tỏ, tôi ngồi nhìn cảnh bên đường đi: Một cái cảnh của xứ sở thanh bình, đường sá được lành lặn, tu bổ rồi tôi lại nhớ đến quê hương mình mỗi con người đang phải vật lộn với sự sống trong hoàn cảnh khó khăn, nghiệt ngã của nền kinh tế tập trung vào nhà nước mọi thứ đều gặp chướng ngại, khiến người ta nghèo đói quá thì sinh ra trộm cắp, túng thế làm liều vì muốn bảo toàn sự sống.
Tôi nhìn thấy bảng chỉ dẫn đề Kuantan và có mũi tên chỉ về Kuala Lumpur, xe quẹo về hướng đó. Vì xe buýt chúng tôi dẫn đường nên phía trước không bị cản, tầm nhìn của tôi được xa hơn. Mã Lai là xứ đồi núi nên đường sá cũng quanh co, lên xuống nhiều hơn. Dọc đường có những khu trũng là khu ruộng, người ta trồng trọt cũng giống như ở xứ mình chỉ có điều là ít hơn. Nhà thường thì nhà sàn nằm trong những khu vườn dừa nên thấy thoáng mát. Cách ăn vận quần áo thì lề mề không được gọn gàng cho lắm, nhất là với người phụ nữ. Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi được nhìn bao quát trên xứ người mặc dù trên sách địa lý tôi cũng đã thấy ít nhiều vài hình ảnh; nhưng hình ảnh chỉ là một góc nào đó thôi, chứ làm sao mà bao quát như trên thực tế được.
Xe dừng lại một khoảng đường vắng, tài xế đến xe sau nói gì đó. Xong, anh ta trở lại xe xách một sô nước đi vào phía trong, bên kia những lùm cây. Mọi người trên xe đoán, nói với nhau rồi cười, nhưng không biết có phải anh ta làm như vậy hay không?
Tôi thấy có nhiều ngọn đồi được phá cây rừng đi để trồng thông, hoặc trồng cọ. Họ làm qui mô thật. Có những đồn điền cọ đang lớn, bóng mát che khuất, không biết cọ có đem đến nguồn lợi to tát nào không, chứ ngày xưa khi học địa lý về đất nước Mã Lai thì Mã Lai có xuất cảng dầu cọ. Tất nhiên nếu đem Việt Nam để so sánh với Mã lai bây giờ thì quả là một trời một vực! Nghĩ mà buồn cho đất nước và dân tộc! Rồi tôi lại nghĩ đến thân phận của chính mình và con đường lạ lẫm mà mình sẽ phải đi qua trên “Đất khách, Quê người”.
Xe đi xuyên qua những đồi núi chập chùng, tôi mãi mê lo nhìn cảnh vật chung quanh và để tìm cái sức sống của người dân địa phương mà quên đi giờ giấc, có người nói gần 12 giờ rồi. Xe ngừng ở một khu vực xóm, hai ông tài xế đi qua bên kia đường vào trong một tiệm ăn. Họ ăn trưa, ở đây chúng tôi cũng lấy phần ăn trưa của mình ra ăn. Ăn ở trên xe, rác thì bỏ vào trong bọc nilông và bỏ vào thùng đựng rác ở trên xe.
Xa lộ của Mã Lai có nhiều tiên tiến, đường có kẽ làn để xe chạy có thứ tự. Xe hơi khá nhiều. Có nhiều đoạn đường băng qua núi, người ta phải dùng lưới kẽm bao trùm một khoảng rộng để tránh đất sạt lở xuống đường gây tai nạn và trở ngại cho giao thông. Xe qua khu vực có nhiều đồn điền cao su. Cao su ở đây cũng trồng theo các đồi chứ không là khu đất bằng phẳng như ở Việt Nam, tôi nghĩ những phu đi cạo mủ chắc vất vả hơn phu cạo mủ ở Việt Nam nhiều.
Trên xa lộ lượng xe cộ nhiều và nhà cửa cũng đông hơn, có người hỏi tài xế và thông báo gần đến Thành phố Kuala Lumpur của Mã Lai rồi. Xe chạy vào những đường phố đông người, qua những tòa chung cư với quần áo treo đầy bên ngoài. Chúng tôi thấy cũng ngộ nghĩnh, nhưng nếu không phơi quần áo như vậy thì người ở đó sẽ phơi đồ ở đâu, cũng khó thật!
Sau khi len lỏi qua các đường phố, xe đi ra ngoại ô và đi về hướng Tây Nam thì phải, vùng đồi núi nầy được xây dựng từng nơi. Những tòa chung cư hay cao ốc nằm giữa những rừng cây vươn lên đó đây, hứa hẹn cho một khu vực rộng lớn sẽ được liên kết trong tương lai. Dọc đường có một điều lạ và kỳ thú đối với tôi là những quầy bán khế. Nếu ở Việt Nam người ta thấy những sạp bán trái cây dọc đường thì ở đây lại có quầy bán khế. Tôi tự hỏi không lẽ khế ở đây quý như vậy sao? Nếu không thì tại sao lại có những quầy bán khế như thế này, trong khi khế ở Việt Nam thừa thãi người ta bán không được để rụng đầy sân; khế nầy là khế ngọt hay khế chua? Vấn đề nầy tôi không thể giải quyết nỗi cho đến tận bây giờ!
Đã đến trại Sungai Bési. Xe vào cổng và đậu vào khu vực để chúng tôi xuống xe vào văn phòng trại để làm thủ tục nhận chỗ ở. Nhân viên hội “Trăng lưỡi liềm đỏ” cầm danh sách vào văn phòng và sau đó bàn giao chúng tôi cho nhân viên trại để trại lo mọi vấn đề. Chúng tôi đến đây đã là hơn 3 giờ chiều.
Khi đã làm thủ tục nhập trại cùng lãnh những vật dụng cần thiết kể cả giấy vệ sinh xong, chúng tôi được phân về longhouse 9 của khu B. Mọi người kéo lục tục về khu và phòng của mình để ổn định chỗ ở. Longhouse là một dãy dài có sàn đóng bằng ván ép lót trên những hàng gạch, cây. Chính giữa có vách ngăn cách hai bên dọc theo chiều dài, sau đó lại có vách ngăn theo gian. Cứ mỗi ô như vậy là một phòng (room). Mỗi phòng từ 6 cho đến 10 người tùy theo gia đình. Phòng tôi có đến 9 người. Mọi người chia chỗ nhau mà ngủ, mà sinh hoạt.
Ổn định rồi thì đến giờ đi lãnh đồ ăn chiều. Đêm nay là đêm đầu tiên của tôi được ở trại chuyển tiếp Sungai Bési trong đất liền của Mã Lai gần Kuala Lumpur. Ở trại nầy cả mấy tháng trời, nhưng tôi chẳng biết vòng rào bên ngoài của nó như thế nào vì tôi chỉ hoàn toàn sinh hoạt ở bên trong như những trại tù khác để nhốt những người nhập cư được cho là “bất hợp pháp” của lãnh thổ Mã Lai!

Nguyên Thảo,
06/03/2016.

Wednesday, March 2, 2016

*Mỹ Du. (8)




Phương, Hùng (chồng Phương) đêm hôm đã giành chỗ ngủ ngay tại bộ salông phòng khách để sáng thức sớm lo chuẩn bị buổi điểm tâm mà hai người hứa đài thọ. Món xôi đùi, cánh gà nướng. Hùng trổ tài khả năng nấu nướng đặc biệt đã học được từ trên internet và cách sắp xếp thật gọn nầy chứng minh cho buổi sáng hôm đó, khi mọi người đã thức dậy, sau vệ sinh thường nhựt thì cùng nhau ráp lại dãy bàn mà thưởng thức mùi thơm phức của xôi với gà. Thật là đông vui, các câu chuyện lại càng rộn ràng hơn nữa vì ở cách nhau thật là xa, đến mấy chục năm mới có dịp gặp lại nhau.
Rồi thì, mọi người xúm nhau đem đồ, thức ăn thức uống ra xe để chuẩn bị cho một chuyến du hành vào khu vực Yellowstone trong ngày hôm nay. Chúng tôi khởi hành từ lúc gần 8 giờ sáng, chạy không bao xa thì đến vùng rừng thông, đây là rìa của Yellowstone. Xe của Khuê chạy trước dẫn đường và Khuê trả luôn những vé vào cửa cho toàn bộ mọi người trong chuyến đi. Xe chạy được một khoảng thì đến một đồng cỏ rộng ở phía bên tay phải. Bên kia đồng cỏ là dãy núi đá trọc có lưa thưa các cây thông điểm xuyết vào khung cảnh, vách núi cao thẳng xem ra có vẻ hùng vĩ thật. Bây giờ thời tiết đang vào Thu, cánh đồng cỏ nầy một màu vàng đỏ, tương phản với màu xanh của thông, màu trắng của núi đá, màu xanh của dòng sông và bầu trời khiến cảnh vật nầy dễ đập vào ánh mắt của mọi người. Tại sao xe ngừng ở đây nhiều quá và người ta làm gì mà lùm xùm đông vậy! Chúng tôi cũng dừng xe lại xem người ta đang làm gì? Nhưng không, người ta đem dụng cụ, máy ảnh để chụp hình vài con nai đang ra trên đồng cỏ bên kia dòng sông, đây là dòng Firehole River và đó là núi Madison. Ôi thương thay cho mấy con nai, chúng chỉ có vài con thế mà cứ đưa mỏng đít về phía chúng tôi cho nên khó mà chụp hình cho đẹp được. Vài người quá hâm mộ chạy ra gần bờ sông để chụp hình con nai cho rõ, lớn hơn. À, không đâu! Ngoài những con nai người ta còn chụp những người câu cá đang đứng câu ở dưới dòng sông nữa. Hèn chi mà các nhà nhiếp ảnh bố trí máy móc thấy mà ghê hồn. Chúng tôi cũng lấy máy ảnh, máy quay lẫn mobilephone ra cùng nhau đứng làm duyên, làm dáng mà chụp lia lịa vài chục bức ảnh để làm kỷ niệm. Riêng tôi cứ thắc mắc cỏ nầy có màu đo đỏ, không biết vào mùa Xuân, Hè nó là màu xanh hay màu đỏ như bây giờ, hay là nó chỉ có màu nầy vào mùa thu mà thôi! Chúng tôi lại lên xe và tiến về phía trước. Đến ngã ba, chúng tôi rẽ về phía tay phải. Dọc đường là những cánh đồng cỏ cũng màu đo đỏ trải dài đến bìa những rừng thông xanh tươi. Rừng, đồng cỏ đan xen với nhau làm nên một khung cảnh nên thơ và dòng sông yên bình lặng lẽ chảy trong lòng thảo nguyên.
Yellowstone là một công viên quốc gia đầu tiên trên thế giới và là công viên lớn nhất của Hoa Kỳ. Nó trải dài qua những vùng cao nguyên núi lửa liền nhau với hơn 2 triệu mẫu Anh (acres) có những giếng phun nước nóng, các hồ nước trong vắt như pha lê, cùng những thác đổ mạnh mẽ và khung cảnh đẹp đẽ nên thơ.
Theo tài liệu thì Yellowstone được công nhận là vườn quốc gia đầu tiên trên thế giới vào năm 1872 thông qua luật của Quốc Hội. Yellowstone National Park bao trùm 9,000 km2 khu vực rừng tự nhiên rộng lớn ở phía nam dãy Rocky Mountain thuộc Tây Bắc Mỹ. Trong đó vùng cao nguyên Yellowstone là vùng rộng 6,500 km2 có độ cao trung bình là 2,000 m được cấu tạo do đá rhyolite từ dung nham chồng chất lên nhau. Ở phía bắc, đông và nam của công viên là vùng núi cao đến 4,000 m. Nơi thấp nhất là là vùng Reese Creek (5,282 feet) và nơi cao nhất là Eagle Peak’s summit (11,358 feet).
Ở Yellowstone National Park, rừng thiên nhiên chiếm 80% diện tích của công viên, đồng cỏ 15% và nước 5%. Và với các tiểu bang thì có: Tiểu bang Wyoming chiếm khoảng 96% diện tích, 3% thuộc Tiểu bang Montana và tiểu bang Idaho chỉ có 1% mà thôi!
Người ta tìm thấy ở Yellowstone không những là những hiện tưọng tự nhiên đẹp, mà còn là nơi chứng minh được những bước có tính cách lịch sử của trái đất; cũng là nơi có ý nghĩa về sinh học lẫn sinh thái, và là môi trường đa dạng về sinh học.
Ở công viên nầy chứa đựng phân nửa những chi tiết về địa nhiệt của thế giới được biết tới với hơn 10,000 mẫu và những động vật có tiếng như gấu xám, bò mộng bison, chó sói và hươu vùng Bắc Mỹ (wapitis).
Yellowstone là công viên quốc gia đầu tiên của Mỹ được thành lập vào năm 1872, nó là những mảng hiện tượng địa nhiệt với các mạch nước phun, các cấu tạo của dung nham, hố phun khí, suối nước nóng, thác, hồ và vực sâu. Ở đây tập trung 2/3 số lượng mạch nước phun trên hành tinh với hơn 580 mạch, mà nguyên nhân của hiện tượng nầy là do nơi Yellowstone là vùng mà phía dưới sâu mặt đất có nhiều địa chấn hoạt động nhất của dãy Rocky Mountain, là “điểm nóng” của núi lửa.
Theo các nhà khoa học thì vỏ trái đất được nâng lên vào khoảng 65 triệu năm trước thành lập vùng phía nam dãy Rocky Mountain và núi lửa thường chảy dung nham cho đến khoảng 40 triệu năm trước. Và gần hơn là hiện tượng núi lửa tại đây xảy ra khoảng 2 triệu năm trước khi hàng ngàn khối chất nhão của l òng trái đất (magma) tràn đầy vào các khoảng trống to lớn dưới vùng cao nguyên nầy và bùng lên mặt đất. Trong quá trình đã 3 lần bùng nỗ lớn với đầy tro, và lần sau cùng tạo thành “caldera” rộng 45 km dài 75 km khi mà những khoảng trống to lớn đầy “magma” bùng nỗ, tràn ra. Magma kết tinh tạo thành nguồn nóng cho nước ngầm mà tạo thành các mạch nước phun, suối nước nóng, bùn và hố phun hơi.
Yellowstone Park là nơi khởi nguồn của ba con sông Yellowstone, Madison, và Snake. Hồ Yellowstone với độ cao 2,357 m là hồ trên cao lớn nhất ở Bắc Mỹ.
Do độ cao khác biệt mà cây cối cũng được phân bố khác nhau từ đồng cỏ cằn cỗi đến những thảo nguyên của vùng khí hậu lạnh, Trong công viên có 7 loại thông, tùng đặc biệt là loại có tên là “lodgepole pine” cùng 1,100 loại cây có mạch nhựa và loại cỏ riêng ở địa phương. Ở đây còn có 7 loài có móng kể cả loài nai có sừng bảng lớn (elk) và loài cá bản địa được bảo vệ đặc biệt.
Ngồi trong xe nhìn ra cửa sổ đầy ẩm ướt của khí hậu mùa Thu, tôi lại thích thú với những cánh đồng cỏ trở màu trải dài và nhất là hai bên bờ sông màu cỏ lại đỏ hơn không biết là loại cỏ khác hay là nước ở đây ảnh hưởng trên những luồng cỏ ấy. Đã đến vùng có khói làm tôi lại nhớ đến quê mình những buổi chiều vào mùa gặt lúa xong, trên những cánh đồng nhất là cánh đồng Bình Hóa lúc tôi đi học trên Tân Uyên người ta đốt gốc rạ để khói lam chiều hơi nằng nặng vắt vẻo lưng chừng vương lên bìa rừng.
Đây đó, ngó vào khắp nơi xa xa những cột khói vươn cao lên tỏa khói nghi ngút. Không biết mùa Hè các cột khói có nên thơ như thế nầy không, chứ bây giờ mùa Thu thời tiết trở lạnh hơi nước vừa bốc lên sẽ kết tụ ngay được nhiều nên cột khói trở nên dày, đậm đặc lại càng thấy trở nên nghi ngút hơn. Tôi đưa máy quay quay lia lịa mặc dù quay mỗi chỗ không nhiều. Biết có khi nào trở lại nên cứ tha hồ quay để khi về buồn buồn mở lại coi chơi. Chúng tôi bỏ qua những khu vực nhỏ, cứ chạy tới, đến khoảng 9 giờ thì tới khu vực mà chúng tôi phải tham quan: Đó là Fountain Paint Pot.
Nhiều xe đã ở Car park rồi, người đông đúc. Chúng tôi cũng lần lượt kéo nhau đi theo con đường đóng bằng ván gỗ quanh dọc khu vực. Chưa chi đã nghe mùi hăng hăng của lưu huỳnh, cháu ngoại tôi là Stephanie nó dị ứng khói nầy và ngứa ngáy đành quay lại không đi nữa. Chúng tôi đi lên một khoảng thì vùng đất nầy có màu xám xám, vàng vàng, màu đỏ của màu sắt sét. Qua đó là Silex Spring có nước thật trong, xung quanh màu trắng còn ở giữa là hố sâu do đó nước có màu xanh ngọc rất đẹp và nước đang bốc khói lên nghi ngút. Lên chút nữa là Fountain Paint Pot, đã gọi là Fountain nhưng chẳng có tí nước nào chỉ giống như bùn đang gặp hạn đầy nứt nẽ cũng đầy khói và sao nghe âm thanh giống như ống thụt bể của lò rèn, thì ra đó là mấy fumaroles kế bên, tức là những lỗ hố khô, sâu bên trong hậm hừ hậm hực chỉ phun khói mà nước chẳng ra được tạo nên âm thanh vọng lên cho mình nghe thôi. Vòng qua Leather Pool đến Red Spouter và đi một đoạn nữa đến khu vực của những giếng phun cái thì nước phun thấp, cái thì nước phun cao liên tục nhau, du khách thì chụp hình lia lịa, người thì làm dáng cho vài kiểu hình, còn tôi thì chỉ thích quay thôi. Tên giếng phun thì nhiều có Twig Geyser, Fountain Geyser, Morning Geyser, Cepsydra Geyser, Spasm Geyser và Jet Geyser chúng tập họp quanh đây. Kia là cái hố sâu có bùn đang sôi ục ục lẫn xì khói không biết có phải là sinter hay không mà tôi quên mất rồi. Đi trên “sạn đạo”, mà không, đi trên sàn ván vòng trở lại, nhìn ra phía trống ngoài xa những cột khói tỏa ra mù mù cả một khoảng trời thấy mà buồn ghê. Nếu ở đây một mình mà với cảnh nầy tôi cũng đành bỏ xứ mà đi thôi! May chỉ là nơi để du lịch, tham quan. Hố sâu kế tiếp một bên thì phun nước văng cao, còn một bên thì chỉ sôi, chao động, trầm lắng hơn. Chúng tôi lại về hồ Celestine với khói bay mù mịt để trở lại đường ra chỗ đậu xe, rồi đi vệ sinh trước khi lên xe để đi về Old Faithful.

Nguyên Thảo,
28/02/2016.



*Hợm Hĩnh!

*Thơ Đồ Ngông! (tt)


*Bây Giờ!

Bây giờ tớ đã: Một thằng già
Có sức đâu mà để cố la
Bất quá oang oang vài ba tiếng
Được chăng ỏm tỏi một hơi hà
Đứng riêng giấu giọng đang còn thiếu
Hội nhập giương cao chẳng có già
Trong thế, cuộc đời luôn vẫn thế
Thì mình cũng chút gọi nên “Là”!

Đồ Ngông,
28/02/2016.



*Hợm Hĩnh!

Giương mặt, cau mày ưỡn ngực ra
Vênh vênh, váo váo tưởng là ta
Trên cao tột đỉnh nguồn tri thức
Dưới cõi trần gian giúp mọi nhà
Xây dựng Thiên Đường cho thế giới
Đào nên Địa Ngục khắp người ta
Cứ ngờ tốt đẹp cho nhân loại
Hợm hĩnh ngàn năm chẳng đổi mà!

Đồ Ngông,
02/03/2016.