Wednesday, July 13, 2016

*Cờ Bạc!



Khen ai khéo đặt ra cờ bạc,
Cứ ngỡ lại là một thú vui
Bao nhiêu gia đình tiêu tan tác,
Con cái nhóc nheo, chết nụ cười.

Ta đã là người của nạn nhân
Lâu lắm, thời gian cũng chẳng gần
Cha đi đánh bạc, con không gạo
Sách vở mặc thầy, học tay không.

Thấy bạn khoe khoang đôi giày mới
Quần nầy áo nọ, tức căm gan
Chỉ tại cha mình mê cờ bạc
Nghĩ tủi thân con, lệ đôi hàng.

Từ đó ra đời, ta căm hận...
Sau nầy quyết chẳng để con thơ
Ước mơ không toại, lòng mong muốn
Dứt khoát vì con... chẳng đợi chờ!

Thế, bây giờ có "Casino"
"Máy kéo" tràn lan, với "keno",
Rủ nhau đưa bạc vào góp vốn,
Biết đến bao giờ lại lấy ra... !

Thua quá đi rồi, ta giựt hụi
Nợ như chúa chỗm trở nên lì
Lâu lâu ghiền quá, sanh chôm chĩa
Buôn bán "xì ke" hại nhóc tì.

Lảng vảng bên bàn khi sạch túi,
Xem ai hồng phúc xin vài đồng
Chơi chút đỡ ghiền quên tư cách...
"Này anh! anh có muốn "chơi" không?"

Ôi! Đời sao lắm cảnh phong ba,
Cờ bạc bày chi bán sạch nhà
Đem thân dí xuống (nhận xuống) bùn nhơ nhuốt,
Con cái hận đời, cũng bởi ta...!

Đồ Ngông,
8-4-02.





*Người Vẫn Còn Mơ!



Người hãy chưa thay, vẫn còn mơ
Mơ trời ảo tưởng, mãi dật dờ
Qua khung ánh sáng đầy trong mắt
Lòa chiếu cho đời, nên cứ mơ!

Mơ! Mơ! Mơ..! Mơ chẳng ra hồn
Bao năm mòn mỏi tiếng than luôn
Người đi thờ thẫn như tên ngốc
Ôm mộng vào tay để giết đời!

Nghênh ngang, bước tới chắn con đường
Lẩm nhẩm, lằm bằm như kẻ điên
Công chúng chẳng hề quan tâm đến
Làm chi mặc kệ, người cứ đi!

Người mơ, công chúng đã chẳng mơ
Mơ chi, công chúng khổ đến giờ
Giấc mộng Thiên đường đầy ảo tưởng
Khi mà “Tranh thắng, bá chủ” vẫn là hơn!

Đồ Ngông,
14/07/2016.



Tuesday, July 12, 2016

*Buồn!



Chiều nay mây đến lại lắm buồn
Chưa chi mà đã giọt mưa tuôn
Rừng cây xao động nhiều nhung nhớ
Thoáng lạnh bay về anh nhớ mong!

Anh nhớ mong rồi, nhớ ai đây
Nhớ em thoang thoáng dáng thân gầy
Nhớ qua làn tóc bay trong gió
Cười vui trong nắng, buổi thơ ngây.

Nắng thoi thóp thở, anh lại buồn
Những tia vàng vọt kéo cô đơn
Xuyên qua bóng nhỏ, hồn câm nín
Yên lặng đi về, lạnh lại hơn!

Thổn thức, con tim đánh nhịp nhiều
Lung lay, lắng đọng phút cô liêu
Trầm tư anh thả lòng theo lối
Để biết rằng anh: Yêu em nhiều!

Nguyên Thảo,
10/07/2016.



Tuesday, July 5, 2016

*Thu Muộn!



Tôi từng nghe nói về “Thu muộn”, nhưng tôi đã chưa hề biết thu muộn là gì? Mà chỉ mang máng là mùa Thu đến trễ, thế thôi! Quả vậy, tôi không biết là phải! Vì từ nhỏ tôi được sinh ra và lớn lên ở vùng “đồng khô cỏ cháy” vào mùa nắng, “lầy lội” vào mùa mưa của khu vực miền Đông Nam Bộ thì làm sao mà tôi biết được khí hậu bốn mùa. Học địa lý tôi biết là ở miền Bắc hoặc nhiều lắm là phía bắc miền Trung mới có bốn mùa để họ biết được Xuân, Hạ, Thu, Đông chứ các miền khác làm gì để thấy được bốn mùa. Cho nên các ông thầy dạy về giảng văn luôn bình phẩm những nhà thơ cổ Việt Nam nói về “tuyết” trong các bài thơ của họ. Người Việt Nam mình thường hay bắt chước những cái gì thấy là hay hay, thơ mộng nên mượn nhiều hình ảnh mà ở quê hương mình không có; hay chắc là họ không thoát ra “cái nô lệ tinh thần” sau nhiều năm bị đô hộ, nô lệ về tự do. Dù là độc lập rồi mà không bao giờ nghĩ là mình phải vươn lên để tạo nên sức mạnh kể từ vật chất lẫn tinh thần để không bao giờ bị người ta “bắt nạt” hay “uy hiếp” được mình nữa. Người mình cứ lo an hưởng, vui chơi, thỏa mãn hoặc “không muốn làm” mà lại “hưởng thụ” tạo nên một xã hội đầy trộm cắp, cướp giựt gây rối loạn xã hội kể cả những người làm quan chỉ muốn ăn cắp của công là tiền của của người dân, để rồi đồng loã với kẻ thù mà bán nước, ra thân làm nô lệ. Tinh thần ấy đã có từ ngàn xưa và cho đến bây giờ vẫn chưa từ bỏ và “không hề dũng cảm để đứng lên”!
Tôi cũng từng nghe nói về “gió bấc, mưa phùn”, nhưng lâu lắm tôi mới biết được gió bấc lẫn mưa phùn. Những ngày đi học băng qua cánh đồng lúa hay đồng trống của sân bay vào ngày lạnh thì có hạt mưa hơi kéo dài mà không to, bay bay trong gió làm cho mình thấm lạnh, cái mặt nghe ươn ướt. Cái mưa ấy không làm cho mình rét mướt mà lại thấy hay hay, nên thơ và in hẳn vào trong ký ức của tuổi học trò mà tôi không thể nào quên, và tôi nghĩ các bạn tôi cũng sẽ không quên. Nếu họ quên chẳng qua là họ vô tâm, không để ý đến hình ảnh ấy mà thôi! Ngày xưa có nhiều người đã ra Huế họ kể lại ở Huế có “gió bấc mưa phùn”, vào mùa ấy ở Huế có hơi buồn, có ẩm ướt nhưng mà đẹp lắm! Tôi chỉ tưởng tượng theo họ mà không hình dung ra. Rồi có ngày xem được hình chụp của vài nhiếp ảnh gia và tranh vẽ của họa sĩ tôi mới thoang thoáng được hình ảnh ấy. Đến một ngày nọ, chúng tôi ngồi co ro ở trong văn phòng trường học nhìn ra bên ngoài mưa nhè nhẹ bay bay, hạt mưa kéo dài như sợi chỉ, nhìn những người đi chợ gánh gánh trong cơn mưa dìu dịu ấy, cái hình ảnh mờ mờ đó đẹp làm sao! Anh bạn tôi đã từng học trên Đà Lạt nói đó là mưa phùn, ở Đà Lạt thường thấy lắm! Lúc đó tôi mới thật sự cảm được mưa phùn; và từ đó tôi nhớ lại khi học địa lý và sự giải thích về “gió bấc, mưa phùn" ở xứ Huế và những khu vực lân cận của miến Trung. Ông thầy tôi giải thích “gió bấc” là gió từ phía bắc thổi về, thường phát xuất từ vùng Siberia của Nga tràn xuống mà ngưòi ta có thể nói nôm na là “thổi” ra hay xuống, gió lạnh làm hơi nước trong không khí dư ra nhanh hơn, vì mỗi phân khối không khí ở một nhiệt độ nào đó sẽ chứa một lượng hơi nước nhất định. Sự giảm nhiệt độ sẽ làm cho hơi nước bị dư ra và chúng sẽ kết tụ lại thành những giọt nước li ti, nếu ít thì thành những đám mây bay bay theo gió, hoặc chúng kết tụ là là trên mặt đất (những đám mây trên mặt đất) đó là sương. Còn những hạt nhỏ từ trên cao rơi xuống mà độ lạnh tăng dần làm hạt mưa như có mà mỏng manh ấy là mưa phùn. Và những giọt nước lớn từ cao là mưa rào hay mưa chỗ, mưa sơ sơ. Ở trên những vĩ độ cao gần Siberia thì có tuyết nhiều, thời gian dài hơn ở những vĩ độ thấp. Miền Bắc ta những lúc gần đây có tuyết ở Sapa, Lạng Sơn tức những vùng cao độ và các vùng cao về vĩ độ.
Đó là chuyện giải thích về “gió bấc”, còn tại sao ở Huế và các vùng phụ cận lại có “mưa phùn”. Tôi được học là gió bấc đi vào Huế thì lại băng qua vùng biển “Vịnh Bắc Bộ” nên mang theo hơi nước để rơi xuống thành mưa, mà mưa vào thời gian đó chỉ là mưa phùn, nên “gió bấc, mưa phùn” gắn liền với Huế cả nếp sống và người dân ở Huế: Khí trời lành lạnh hay lạnh buốt, mưa bay bay; dòng sông, cảnh quan, người, sinh hoạt đều chìm trong cảnh mờ mờ nên Huế thành “Huế mộng, Huế mơ”. Và Huế đã là nơi triều đình, vua chúa đóng đô nên người dân Huế đa số từ phương xa đến để làm việc cho nhà vua trong nhiều thời kỳ trong đó có quan văn, đội “đàn ca, xướng hát” và những làng nghề phục vụ cho cung đình nên hình ảnh đã xuất hiện rất nhiều trong thi ca vì thế Huế thành “Huế đẹp, Huế thơ” và các ca khúc về Huế có một điệu buồn với tình cảm nhớ quê hương theo kiểu của Thôi Hiệu bên cạnh cái đẹp, đài các của các nàng con gái trên đất Cố Đô hay còn gọi là Thần Kinh::
Nhật mộ hương quan hà xứ thị (Chiều ngày, quê cũ nơi nào)
Yên ba giang thượng sử nhân sầu! (Trên sông, khói sóng khiến người buồn tênh)
Thôi chuyện “gió bấc, mưa phùn” đến đây đã đủ, những tình cảm vương vấn tôi không dám bàn thêm mà phải để dành lại cho người dân xứ Huế, còn tôi sẽ tiếp tục về chuyện “Thu muộn” vậy!
Khi tôi “trôi dạt” đến xứ người ở một nơi mà các mùa gần bằng nhau, mỗi mùa khoảng 3 tháng, tôi mới cảm nhận được 4 mùa một cách rõ rệt. Và tôi lại làm nông nên bốn mùa ấy lại ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của mình. Nơi nầy không có tuyết dù là lạnh nhiều, thỉnh thoảng trên vùng núi cao khoảng ngàn thước mới có tuyết trong thời gian ngắn để được lên tin tức, nhưng cũng là hiếm hoi.
Mùa đông lạnh, lại thêm mưa nhiều, ẩm ướt, cây cối nào rụng lá thì trơ cành. Sáng sớm những con chim đậu trên đó mỉnh nhìn thấy chúng như lười biếng, buồn thiu. Còn những cây xanh lá thì dường như bị chựng lại vì rễ quá lạnh không thể tăng trưởng đem lại sinh khí cho cây. Cây trồng trong nhà kính (nhà lợp bằng kính), nhà ni-lông (lợp bằng ni-lông) cũng èo uột, khó lên mà hay bệnh hoạn, bị thúi cây, chăm sóc rất là khó. Sau mùa đông, không khí ấm dần ngày dài ra, vài ngày nắng thật gắt, khiến cho lá cây héo đi vì bị thoát hơi nước nhiều nên bản năng sinh tồn của cây khiến rễ bắt buộc phải phát triển, do đó rễ thức dậy, ra rễ non có tầng lông hút để hút nước làm cho cây hồi sinh sau giấc ngủ “mùa đông” (đông miên). Những cây nào rụng lá vào mùa Thu, ngủ vào mùa Đông, chợt thức và “ra hoa” trước (như Hoa Anh Đào ở Nhật Bản), rồi bung chồi (đâm chồi) sau và tàng cây mơn mỡn, xanh mướt vào mùa Xuân để che nắng cho loài chim ca hót và cung cấp sâu bọ làm thức ăn cho chúng. Trong thời gian mùa Hè nắng nóng dần lên, không khí khô, không mưa, hôm nào gió biển thổi vào đất liền thì còn có hơi nước, nhiệt độ mát hơn. Và hôm nào gió đi vào đất liền, lại qua sa mạc thổi ra thì nóng khỏi phải chê, chỉ có trốn chạy về nhà mà nghe tiếng máy lạnh kêu thôi! Cây cối kết trái sau khi ra hoa vào mùa Xuân, tăng trưởng chín vào mùa Hè để Hè người ta thu hoạch, hay chấm dứt vụ mùa vào đầu Thu. Lúc đó nhìn xem phong cảnh cây cối lá trở vàng: vàng óng, vàng cam, đo đỏ, dỏ thẩm, nâu, hay nâu nâu, những màu sắc pha trộn thành một cảnh nên thơ để làm khổ nhọc cho những nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ phải bỏ công lao, rút ruột ra mà tha hồ diễn tả theo cung cách riêng của mình.
Cho nên hôm nay tôi làm một chuyện nho nhỏ mà lại quá dài dòng, bỡi vậy hồi nhỏ tôi học thì cũng khá lắm, nhưng hai lần đi thi: Một lần thi học bỗng hồi lớp 3 và một lần thi Đệ Thất (lớp 6 lên bậc Trung học) tôi đều bị rớt làm Thầy, Cô buồn cho tôi vì ai cũng kỳ vọng là tôi sẽ đậu. Nhưng Thầy, Cô đâu biết rằng tôi lại buồn hơn nhiều! Và từ sau đó tôi "không thèm học giỏi nữa” để rồi nhiều lần thi sau đó như: Trung học. Tú Tài I, Tú Tài II tôi đều đậu vì sự nỗ lực của tôi trong lúc học thi. Hôm nay tôi cũng bị “lạc đề” trong bài “Luận văn” của những kỳ thi năm xưa, có lẽ tôi sẽ “bị rớt”!
Quay lại “Thu muộn” quả là mùa Thu năm nay ở nơi này đã muộn:

Muộn rồi, Thu lại lấn sang Đông
Khí lạnh, trời mưa, Thu vẫn lồng
Áo ấm, co ro người thở khói
Lá vàng, phe phẩy cây như không
Chim kêu, chim hót như ngày trước
Gió thổi, gió reo lạnh thấu lòng
Đông đến, Thu còn, cây mới chớm
Vàng Thu dan díu với trời Đông!

Nguyên Thảo,
06/07/2016.



*H.T Chữ Nghỉa 27: Từ "Bản Tin Nông Gia" đến "Blog". (3)


Trước khi nói đến “cái Duyên” kế tiếp, tôi xin có đôi lời giãi bày về loạt bài “Những bài viết cho con”. “Những bài viết cho con” được tôi hình thành sau những bài viết giúp thêm ý kiến cho các bậc cha mẹ trong vấn đề dạy con trên xứ người. Thực ra, đó là những kinh nghiệm đau buồn mà chính bản thân tôi phải chịu. Vì khi con vừa đến trên quê hương mới lúc đã lớn tôi liền thấy được cái khó khăn của mình sẽ gặp trong sự giáo dục cho con. Nơi quê người mình gần như trở thành người dốt, bao nhiêu điều hiểu biết đành bỏ qua, lao vào cuộc sống lao động như người chưa từng đi học; ngôn ngữ thì thiếu từ ngữ, không thể diễn tả được rõ ý của mình, nói tiếng Anh mà người Úc không hiểu rõ được điều mình muốn nói do không đúng giọng, thì quả thật là cam go. Ở trường lại chỉ dùng toàn tiếng Anh, cho nên vài năm sau trẻ con hiểu tiếng Anh dễ hơn tiếng Việt, thêm vào đó nhà trường dạy trẻ con theo phong cách của Tây phương và hiện đại: Không đánh, không phạt, không chê, không làm tổn thương trẻ con về cả thể xác lẫn tinh thần; cho nên tôi đã lúng túng không biết làm gì để giáo dục con cái của mình. Chỉ còn cách nói cho con nghe, khuyên bảo chúng; nhưng đối với những chi phí tấp nập của một xã hội đầy nhu cầu vật chất ở thành phố, hai vợ chồng đành cố gắng làm để kiếm tiền cung ứng cho chi phí và lo cho con ăn học, cho nên việc học là do con tự lo. Lại thêm một nỗi khổ khác đó là cách giáo dục của phương Tây là họ khuyến khích cho tự do cá nhân nên bậc cha mẹ lại phải đối phó thêm với một vấn đề quan trọng nữa. Thấy mình đã “vuột” mất con khi chúng vừa trưởng thành, nhưng may mắn là chúng chưa “hư”. Trong khi đó thì nhiều tình cảnh cha mẹ khóc vì con tràn lan trên báo chí tiếng Việt nên tôi đành cố gắng rút tỉa kinh nghiệm, viết báo động lên báo chí để các bậc phụ huynh cùng nhau hầu tìm phương hưóng giúp cho trẻ không đi vào con đường hư hỏng và hướng đến tương lai.
Vì thế, tôi đã tận dụng sức học lẫn hiểu biết của mình để hoàn tất “Những bài viết cho con” càng sớm càng tốt; cho nên tôi ngồi phát họa những tiêu đề cần thiết để bàn đến. Lúc đầu tôi tính chỉ cần cho trẻ con thôi, nhưng sau nghĩ đến chuyện mở rộng thêm cho các lứa thanh niên nên triển khai các vấn đề khác xa hơn. Rồi thì lại thêm vài vấn đề cần thiết nhằm trang bị cho một thanh niên đi vào đời. Do đó, tôi phải suy ngẫm những điều gì trong cuộc đời mà mình đã cần phải biết, cũng như một ít kiến thức căn bản trên vài lĩnh vực khi còn trẻ để hoàn tất loạt bài. Lúc đầu, tôi muốn viết cho thanh thiếu niên, nhưng ngại vì kiến thức mình ít ỏi, kinh nghiệm không nhiều, mà lại “phách lối” làm công việc quá lớn nên tôi đành thu lại trên các chữ “Viết Cho Con”, coi như mình tâm tình, viết riêng cho con mình, còn ai đọc và cảm thấy nó có ích thì cứ nhận đó như là những kiến thức bàn giao “phi lợi nhuận”. Khi viết loạt bài nầy tôi đã ở trên xứ Úc-Đại-Lợi (Australia) nên cái nhìn được bao quát hơn từ trên tin tức thế giới, và đi sâu vào đời sống con người. Lại thêm, là sau cơn bệnh tôi đã hiểu về đạo Phật cũng như vài tôn giáo khác khá nhiều nên cái tham vọng của tôi khi viết các bài ấy cao hơn: Là không phải viết cho con mình nữa, mà cung cấp kiến thức cho mọi thanh thiếu niên trên cõi đời nầy có vài nhận thức cơ bản, cũng như các sự ứng biến, đối phó trong cuộc sống của cả cuộc đời. Do đó mà bài đầu tiên là nói về “Đời người” (“Được Làm Con Người Là Điều Đáng Quý”), kế đến là sống sao cho ra con người (“Hãy Sống Xứng Đáng Là Một Con Người”), biết hiểu rõ về đối tượng đã cho ta cuộc sống, tình thương yêu, trìu mến để thương yêu, vâng lời không làm cho “mẹ” buồn (“Hãy Thương Yêu Mẹ”); nếu đã thương yêu được mẹ: Một hình ảnh yêu thương, mềm mỏng, dịu dàng thì mới có thể vâng lời, nghe mẹ dạy để rồi lo học (“Học Là Con Đường Ngắn Nhất Tiến Tới Tương Lai Xán Lạn”). Học là tiêu đề chính của loạt bài, cho nên tôi đã cố gắng triển khai kỹ càng, phân tích một cách chi tiết hơn để thanh thiếu niên, hay các bậc cha mẹ có thể giảng thêm giúp thanh thiếu niên hiểu nội dung rõ hơn mà lo học, tìm kiếm những kiến thức trang bị cho mình trong cuộc sống nhằm có ích cho bản thân, gia đình, xã hội hay giúp cho con cái về sau. Nhưng trưóc khi tới chủ đề đó tôi lại “rào trước đón sau” thêm 3 mục nữa để thanh thiếu niên “xác định” được lập trường, mục tiêu đi tới, đó là (“Sự May Mắn Của Chính Mình”) nói lên mình đang được ở trong cái hoàn cảnh may mắn hơn rất nhiều người trong xã hội trên toàn thế giới: Là mình không bị đói kém, tàn tật, chiến tranh, tai ương hầu có thể ngăn cản con đường đi lên; rồi muốn tiến tới với một tương lai tốt đẹp phải đặt cho mình một “lý tưởng” sống (“Cần Có Một Lý Tưởng Sống”), và khi đã có lý tưởng thì phải có “Ý Chí Và Quyết Tâm” mà theo đuổi. Sau khi Thanh Thiếu Niên cố gắng học hành, có mục tiêu phấn đấu, phục vụ, hoàn tất chương trình học, cùng trở thành một thanh niên trưởng thành đầy nhiệt huyết thì tôi mới nhắc đến một xã hội loài ngưòi mà trong đó “Ta Là Sản Phẩm Của Xã Hội” để thanh thiếu niên nhớ mình là một thành viên trong cộng đồng thế giới, nương nhờ lẫn nhau thì cố gắng làm, đem đến lợi ích cho xã hội, đừng làm cho xã hội đau khổ. Và tôi cũng báo trước cho thanh niên rằng: Cuộc đời các anh, chị cũng sẽ lập lại của ngưòi đi trước trong từng giai đoạn của con ngưòi để các anh chị biết sơ qua mà chuẩn bị cho mình con đường sẽ đi: “Đường Đời Con Sẽ Đi”. Nhưng thói thường cuộc đời không đơn giản, người ta đã bày ra những “bẩy sập” mà con người vướng vào để bại hoại xã hội, làm “vỡ tan” tương lai, mộng ước của người khác, làm tan nát những gia đình, hư hại con cái, vì vậy mà có bài “Không Thể Không Buồn”. Rồi bao nhiêu chuyện khiến người ta bi quan (“Bi Quan Để Làm Gì?”), hay vì lý do nầy, lý do khác như bệnh hoạn, tai nạn, tàn tật ngăn trở con đường đi thì “Nương Vào Hoàn Cảnh Để Xây Dựng Tương Lai”. Rồi khi lập gia đình, cưới vợ gã chồng sẽ có con cái, lại gặp nhiều khó khăn nên tôi viết đến bài “Dạy Con Không Phải Là Dễ”, đồng thời phụ lục những phần mà tôi viết trước kia là “ Những Vấn Đề Con Cái Của Chúng Ta” để đọc giả có thể tham khảo thêm. Sau đó tôi mới đề cập đến một số vấn đề của những người trưởng thành khi tham gia vào trong cuộc sống xã hội với một tinh thần không quá khích, ôn hoà và với cái nhìn rộng rãi, bao quát hơn. Đó là những bài “Một Số Kinh Nghiệm Về Hạnh Phúc Gia Đình”, “Tinh Thần Dân Tộc”, “Tinh Thần Vị Tha”, “Chính Trị Và Tôn Giáo” nhằm giúp thanh niên có một số hiểu biết nhất định nào đó trong những bước đầu khi vào đời. Cái tham vọng của tôi ở đây thật lớn, cũng như trong những bài thơ của Đồ Ngông là: Biến những sự kiện nhỏ nhặt chửi cá nhân, chửi người hay những hành động cá nhân trở thành phổ quát chung của con người hay trong thế gian, cho nên khi can thiệp vào chuyện “chửi lộn” của những con người trong cộng đồng trên báo chí tôi mới tránh được sự tấn công của họ: Vì tôi chỉ đề cập vấn đề chung của con người, chứ không phải để nói cá nhân những người đó. Ở đây khi tôi viết “Những Bài Viết Cho Con” thì tôi lấy tiếng là “viết cho con”, nhưng thực ra tôi viết cho thế hệ thanh niên tương lai, và cũng không phải cho riêng đất nước mình mà là cho chung toàn thanh niên trên thế gian nầy dù là ở quốc gia nào, do đó tôi lấy nhiều sự kiện xảy ra trên thế giới cũng như đi vào vấn đề chung chung của loài người. Nhưng tham vọng ấy tôi không làm được vì tôi không có đủ trình độ để diễn tả qua tiếng Anh song song với tiếng Việt, và tôi đành coi như cái “Duyên” của tôi có thể tới đó mà thôi!
Loạt bài “Những Bài Viết Cho Con” tôi chỉ đưa lên báo “Nam Úc Tuần Báo” đăng tải theo từng bài khi tôi hoàn tất nó, chứ không đưa đến tờ báo Dân Việt hay Việt Luận vì tôi nghĩ tôi không đủ trình độ để các bài ấy xuất hiện trên báo liên bang. Nhưng không biết loạt bài ấy có giá trị gì không, mà khi tôi hỏi chị Mai làm việc ở Cộng đồng để mua cuồn băng “Mở Lòng Với Nhau” (Để cha mẹ con cái hiểu nhau bằng sự thông cảm, yêu thương) do chị và chị Dung cùng nhau thực hiện, thì chị có chất vấn tôi và đề cập đến những bài viết ấy, và chị nói “chị ngỡ những bài viết đó do báo Nam Úc lấy từ trên Internet chứ không nghĩ là người ở địa phương viết”. Tôi cám ơn chị đã quan tâm!
Mãi đến khi tôi liên lạc và gởi các bài viết về đạo Phật đến trang nhà Đạo Phật Ngày Nay được một thởi gian, thì một hôm khi tôi đọc tin tức trên mạng lại thấy ở Việt Nam ngày nay có rất nhiều tội phạm thanh niên, nên tôi email năn nỉ để gởi các bài “Viết Cho Con” đến nhờ Đạo Phật Ngày Nay “thấy được đăng dùm” để giúp đỡ cho thanh Thiếu Niên phần nào. Lần đầu tiên tôi gởi vào ngày 16/04/2010, và gởi ráo riết cho đến ngày 01/08/2010 thì xong toàn bộ các bài ngăn ngắn ấy. Tất cả đều được trang nhà Đạo Phật Ngày Nay đăng lên. Qua đó thì có nhiều lời nhận xét đầy khích lệ, thế là tôi đã mãn nguyện với những việc làm của mình rồi! Còn việc ảnh hưởng của nó có được tới đâu thì tới!
Đó là những ý nghĩ cùng hoài bão của tôi khi tôi cố gắng viết “Những Bài Viết Cho Con” theo tinh thần kiểu “Tâm Hồn Cao Thượng” của nhà văn Ý Edmondo De Amicis. Nhưng ở đây tôi không gom góp những mẫu chuyện, mà đi theo một lập trình của một đời người để nhằm giúp Thanh Thiếu Niên có một con đường, có một cái nhìn, cái quan niệm để xây dựng tương lai cho chính mình; và con người ấy có đủ tinh thần, sự phóng khoáng để sẵn sàng giúp ích được cho gia đình, đất nước và xã hội loài người. Có lẽ tham vọng của tôi quá lớn, nhưng tham vọng ấy được phát triển chính từ một “sự sợ sệt” khi tôi lấy bút hiệu “Đồ Ngông” để can thiệp vào một sự xung đột của hai nhóm người trong cộng đồng, mà tôi chỉ là một gã “đơn thân độc mã” làm liều, can dự vào mà chẳng có ai đỡ đầu ở sau lưng! Do đó, tất cả những gì tôi viết, làm trong thời kỳ đó phải biến thành những cái “chung chung” của con người. Mà “Những Bài Viết Cho Con” cũng đã được mang đến hình thức như vậy!

Nguyên Thảo,
05/07/2016.



Monday, July 4, 2016

*Mỹ Du. (13)



Sáng này dù thế nào chúng tôi cũng phải dậy sớm, vì vậy từ 4 gờ rưỡi mọi người đã thức dậy, nhanh chóng làm vệ sinh, đem hành lý ra xe của Thầy Phương, và của ngưòi bạn để cả hai đưa ra phi trường. Số người trên xe có dư một ngưòi, không lẽ đi thêm một xe nữa thì “kẹt” mà chỡ thì sợ cảnh sát. Cuối cùng “thôi kệ”, bắt đứa nhỏ nhất ngồi xuống phía dưới ghế cho tiện.
Chúng tôi cũng đến phi trường êm xuôi. Đưa hành lý, vali xuống rồi cám ơn từ giã Thầy Phương và anh bạn. Đoàn kéo nhau vào trong phi trường. Hùng, Dung, Bi và bạn gái của Bi đi vào hãng máy bay khác để về Salt Lake City. Còn toàn bộ chúng tôi sang hãng máy bay Delta “check in” để lấy vé về Los Angeles. Từ Orlando đi về Los Angeles đi qua 3 múi giờ nên chúng tôi mất gần 5 tiếng đồng hồ. Khi xuống phi trường cũng đã là 12 giờ trưa. Theo lẽ ra thì Tố Dung đã kêu xe của công ty anh Minh đến rưóc đưa chúng tôi về nhà Cậu Hoàng tức là Cậu của Tuấn để tá túc một đêm nữa trưóc khi về Úc. Nhưng vì Nhân (chồng Tố Dung) muốn cho chúng tôi có thì giờ tham quan ở Cali và dành cho chúng tôi sự ngạc nhiên, nên Nhân bàn với Tố Dung không kêu xe của nhóm anh Minh trong ngày này, mà Nhân mướn xe ngoài, lớn 16 chỗ ngồi để đón và chỡ mọi người đi chơi. Vì vậy, người, hành lý chất đầy một xe. Nhân và Tố Dung đưa chúng tôi rời phi trường và hướng về phía biển. Qua những cầu vượt và phần đường Nhân cho biết đó là những phần mà Nhân góp phần thi công cũng như bảo quản vì Nhân là kỹ sư Công chánh. Nhân cho biết là sẽ đưa chúng tôi đến bãi biển Santa Monica và vùng của nhà giàu là Malibu. Santa Monica không xa với phi trường quốc tế Los Angeles cho lắm, nên khá thuận tiện cho chúng tôi. Bãi biển nầy thuộc thành phố phía Tây của Los Angeles là bãi biển của Thái Bình Dương. Như vậy mấy ngày trước chúng tôi đã thử được nước của Đại Tây Dương và hôm nay lại nhìn ngắm được bờ biển của Thái Bình Dương, hai đại dương lớn nhất của địa cầu. Ôi! Thật là cơ hội “có một không hai”! Nhân lái xe chạy theo đường Pacific Coast Highway. Tôi cố nhìn ra xa, nhưng tầm mắt cứ vưóng vào những khu nhà, hàng quán ở phía dưới đường, chắc được xây dựng dọc theo bờ biển để ở hay làm những gian hàng buôn bán. Những luồng sóng đua nhau dạt dào bờ làm cho biển có hình ảnh riêng biệt và nên thơ. Bờ cát thoai thoải, nước biển dọc bờ có màu xanh tươi mát, đẹp ra phết. Ngược lại dọc đường phía tay phải chúng tôi là những đồi cao sát đường. Tôi nhìn cấu trúc của đồi hình như có nhiều cát nên hỏi Nhân: “Vách đồi thấy có vẻ dễ bị sạt lở, những căn nhà ở trên có ngày bị sụp đổ”. Nhân cho biết là người ta đã khảo sát kỹ vùng đất nầy, coi như vậy mà nó chắc chắn và an toàn lắm. Tôi đùa với Nhân: “Hay là hai ông bà để dành tiền mua vài ngọn đồi phân lô cất nhà bán thì có lý lắm”. Nhân cười: “Coi vậy mà nó mắc lắm anh à”! Đúng vậy, nhà nhìn ra biển lại trên đồi cao thì chắc là không rẻ rồi. Nhất là tuốt trên cao kia không phải sợ sóng thần nữa, cho nên Nhân nói lúc nãy đây là khu của những người nhà giàu, song song với khu Beverly Hill, nơi mà nhiều tài tử có tiếng tăm của Hollywood đã quy tụ. Vừa chuyện trò Nhân vừa đưa chúng tôi đi dọc theo bờ biển để vừa ngắm khu biển vừa nhìn sự phát triển ở trên đồi cao ngó ra biển của vùng Malibu. Đi mãi cho đến khu Malibu County Mart thì Nhân đánh xe vào đó để kiếm gì ăn uống trước khi quay trở về. Nhân lái xe trở về Santa Monica rồi vòng qua các khu phố được coi là sang trọng và mắc mỏ của vùng thủ đô Điện ảnh ở Hollywood. Nhân cho chúng tôi xuống ở đường Sunset thì phải, ngay chỗ bảo tàng có tượng Marilyn Moroe đang vịn cái váy bị gió thổi tung lên ở phía trước bên lề đường, khiến tôi cũng phải lật đật lấy máy quay quay gấp rút coi nó có tiến thêm chút nào nữa không.
                       Tượng Marilyn Monroe trước viện bảo tàng.


Nhưng Tố Dung đã đi rồi nên tôi phải vội đi theo qua con đường lừng danh của thủ đô Điện ảnh nầy: Đó là con đường đầy những viên gạch có hình ngôi sao với những tên tuổi gạo cội trong nghề của nghệ thuật thứ bảy: Đó là con đường có tên Hollywood.
                     Vĩa hè đường Hollywood với nhiều sao.


Tố Dung dẫn chúng tôi đi dọc theo đường, còn Nhân đi tìm chỗ đậu xe. Mọi người đều có ý muốn tìm cái gì đó để kỷ niệm ở khu Hollywood nầy, nên chun vào một tiệm bán đồ lưu niệm mua vài món đồ về cho con cháu hoặc vài cái áo thun mặc vui chơi khi về đến Úc. Xong, Tố Dung gọi điện thoại Nhân đem xe đến và chuẩn bị lên xe để về Santa Ana. Nhân đậu xe ở phía trước và chỉ con đường để chúng tôi lưu ý đến đồi Beverly Hill với bảng chữ Hollywood ở trên cao, con đường ấy không phải là con đường chính nầy mà nằm về phía tay trái so với chiều hướng của chúng tôi đi. Khi tôi thoáng thấy thì xe đã qua rồi. Vì chúng tôi không còn có thì giờ nên Nhân không đi vào con đưòng đó để chúng tôi tham quan. Đường về Santa Ana còn xa và Nhân, Tố Dung muốn đưa chúng tôi về quán ăn ăn bò 7 món ở khu phố Bolsa cho kịp giờ. Xe đi ngang qua “Outlets” của Cali nầy Tố Dung hỏi chúng tôi có muốn đi outlets ở đây không? Chúng tôi thoái thác vì chiều nay mấy đứa con của Cậu Hoàng muốn thết đãi chúng tôi bữa ăn chót ở nhà hàng Nhật Tokyo, trước khi chúng tôi rời đất Mỹ. Về đến nhà hàng “bò 7 món”, ngồi đợi không lâu vì Tố Dung đã gọi điện thoại đặt trước.
Chúng tôi giã từ nhà hàng và Nhân lái xe đưa về nhà cậu Hoàng ở Anaheim. Chúng tôi xin tá túc ở đây một đêm nữa, rồi đem mọi hành lý vào trong với những vị trí cũ như lúc ban đầu mới đến đây. Nghỉ ngơi được một chút thì lại đến giờ đi đến nhà hàng Nhật ở cách đây cũng khá xa. Cậu Hoàng đã lớn tuổi nhưng còn mạnh khỏe, nhanh nhẹn và lái xe vẫn “ngon lành” cho nên Tố Dung thường gọi cậu là “Anh hùng xa lộ”.
Nhà hàng Nhật nầy nói là món ăn Nhật nhưng thật ra cũng bán rất nhiều thứ, nhiều món ăn của các quốc gia khác kể cả món ăn Tàu và Âu. Nó thuộc loại “buffet” hay “All you can eat”. Theo lời cậu Hoàng thì nó mới đổi tên đây thôi, nhưng tôi không nhớ tên cũ của nó mà cậu Hoàng đã kể là gì. Nhà hàng đông khách nên cũng tốn khá nhiều thời gian để lấy món ăn. Cuối cùng thì mọi người vẫn vui vẻ thưởng thức hương vị, bản sắc của nhà hàng nầy một cách trọn vẹn. Đây cũng là buổi ăn chia tay của đoàn chúng tôi với những ngưòi trong gia đình của Cậu Hoàng, ngoại trừ hai ông bà vì tối này chúng tôi còn ngủ ở nhà hai ông bà một đêm nữa và hôm sau chúng tôi phải ra phi trường thật sớm để lấy chuyến bay bay về Hồng Kông. Khi đi qua phòng tiếp tân của nhà hàng, cậu Hoàng đề nghị chụp chung một bôi hình làm kỷ niệm, và mọi ngưòi tán đồng vui vẻ cho một bôi hình chung.
Về đến nhà gần 11 giờ, tắm rửa nghỉ ngơi. Giấc ngủ khó nhưng vì mệt mỏi nên chúng tôi cũng được một giấc ngủ yên dù sáng hôm sau phải dậy sớm để lên đường.
Từ giả cậu mợ Hoàng, chúng tôi cám ơn rối rít và cùng gởi lại những lời chúc sức khoẻ để rồi lên hai xe mà công ty của anh Minh gởi đến để đưa chúng tôi đi. Chỉ tội nghiệp Tố Dung đã lo tươm tất mọi thứ mà cũng phải dậy sớm cùng ra phi trường để đưa tiễn chúng tôi cho trọn tình trọn nghĩa.
Do nơi xa phi trường cùng đoàn đông người cho nên chúng tôi cần đi sớm để không bị động nào nếu có vài trục trặc xảy ra, nhất là những thủ tục mặc dù tới 9 giờ 40 chiếc máy bay CX 897 của hãng Cathay Pacific mới cất cánh tại phi trường Los Angeles để vượt Thái Bình Dương trong thời gian 13 giờ 50 phút cho đoạn đường dài 7168 miles (tương đương 11,535 km 8) để về đến Hồng Kông. Như vậy, chúng tôi rời đất Mỹ vào sáng ngày 12/10 và lại về Hồng Kông ngày 13/10 mặc dù là cùng một ngày, vì bay qua đường sang ngày nên phải tăng lên một ngày. Và chúng tôi đáp xuống phi trường Hồng Kông vào lúc khoảng 3 giờ chiều, rồi đi lang thang ở đây cho đến 7 giờ chiều chuyến bay CX 173 cùng hãng Cathay mới cất cánh đưa chúng tôi trở về Adelaide vào lúc 8 giờ 19 phút sau khi bay qua một chặng đường dài nữa chừng 4276 miles (tương đưong 6882 km) với thời gian khoảng 8 tiếng đồng hồ để chấm dứt một cuộc hành trình dài mà tôi gọi chơi chơi là “Mỹ Du”!

Nguyên Thảo,
01/07/2016.