Wednesday, August 17, 2016

*Lòng Vòng Trên "Bắc Úc". (1)



Chúng tôi chưa dự trù lên Bắc nước Úc trong khoảng thời gian nầy, nhưng vì nhân chuyến đi hỏi thăm để: Nếu có dịp thì sang vùng đất Tân Tây Lan của những con Kiwi, cùng trái cây Kiwi fruit của giống người Maori tham quan xem thế nào. Hỏi thì chưa ra gì, nhưng chị Thới đã ngỏ ý cùng Tina của công ty lữ hành Goodwill Travel về việc “đặt chuyến” đi lên vùng Bắc Úc làm chúng tôi cũng phát nôn. Lỡ thì chơi luôn vậy! Thế là chuyến đi được bắt đầu vạch định một cách lẹ làng.
Đi trong nước thì có vẻ mắc mỏ hơn, nhưng đợi chờ thì biết đến bao giờ. Cho nên quyết định trở nên cứng chắc với thành phần 6 người: Vợ chồng tôi, vợ chồng anh Thới, cô em vợ tôi là cô Hi cùng với anh Ba Quang. Anh Thới sẽ ngủ chung phòng với anh Ba Quang, em vợ tôi ngủ chung với chị Thới. Tina tiến hành gọi điện thoại liên lạc những nơi liên hệ và tham khảo với chúng tôi về lịch trình, đặt các “tours” đi tham quan ở trên ấy để đi đến một cái chung cuộc cho chuyến đi. Sau vài giờ đồng hồ thì chuyến đi được thành hình. Cái không định đã lại đến trước rồi!
Theo lịch trình chúng tôi sẽ đón máy bay lên Darwin ngày Thứ Bảy 23/7/2016 vào ban đêm bằng chuyến phi cơ giá rẻ Jetstar rời Adelaide vào lúc 9:15 tối và đến nơi vào lúc 12:55am. Nhưng nếu lấy vé thuận lợi hơn vào ban ngày chúng tôi phải thêm khoảng hơn 500 đô nữa. Thôi thì phải chịu khó vậy! Chúng tôi sẽ ở trên Darwin khoảng bốn ngày để tham gia vào các cuộc đi tham quan rồi sau đó sẽ quay về vào ngày Thứ Năm 28/7/2016 cũng vào giờ giấc không được thuận tiện mấy vì Jetstar mỗi ngày chỉ có một chuyến bay vào các giờ giấc như vậy mà thôi!
Đến ngày, chúng tôi hẹn nhau ở phi trường lo việc “check in” và vào phòng đợi. Ai cũng có vẻ buồn ngủ, nhưng tại vì mình muốn đi cho biết thì cũng chẳng nệ hà gì. Thôi thì chịu khó trong vài ngày. Đúng là đi chơi, mọi thứ đều mệt cả kể cả cái khâu chuẩn bị. Theo kinh nghiệm nhận xét của tôi nhiều lần thì từ cái ăn, cái ngủ, đi đứng, di chuyển thì chẳng có cái sung sướng nào, nhưng người ta thích là do nơi muốn tìm hiểu, chụp hình và nhất là “con mắt” được thỏa mãn hơn hết, nên có lẽ “con mắt” là kẻ sung sướng nhất trong mọi chuyến đi.
Nói là lên phi cơ đi đường xa thì mình sẽ ngủ, nhưng khó mà ngủ được vì đông người, chỗ ngồi chật chội không thoải mái nên không thể ngủ; trừ khi mình quá mệt mỏi thì có thể ngủ khò được. Sau 3 giờ 40 phút bay với khoảng đường dài 3015 km máy bay đáp xuống phi trường ở khu vực Darwin Domestic Terminal. Máy bay ngừng hẳn mọi hành khách lại lục tục đứng dậy, lấy xách tay rời phi cơ. Chúng tôi còn phải đến quầy nhận hành lý để lấy lại hành lý của mình.
Trong thời gian nầy giờ ở Darwin cùng với giờ giấc ở Adelaide nên chúng tôi không cần chỉnh lại đồng hồ. Chưa ra cổng thì đã nhận diện được bà tài xế lái xe đưa đón của công ty Hughes Leisure cầm bảng có tên đầy đủ của 6 chúng tôi, nên không thể lộn hay nhằm lẫn gì cả. Đi theo bà ra xe để bà đưa về khách sạn. Đường tối, tôi chỉ thấy mù mờ hai bên là cây cối thật nhiều giống như đường sá trong quê. Vào giờ nầy xe cộ chẳng có mấy chiếc trên đường. Đi qua các đường chừng gần nửa giờ đồng hồ thì đã đến khách sạn. Bà tài xế cho hành lý chúng tôi xuống và giã từ, nhưng bà cũng không quên nói giờ hẹn của chúng tôi vào ngày về để lúc ấy bà đến đón và đưa ra phi trường.
Sau khi nhận chìa khoá ở quầy tiếp tân xong, chúng tôi đến cầu thang để đón thang máy lên phòng thì lại gặp được cặp vợ chồng người Việt, thì ra hai anh chị là chủ tiệm phở, quán ăn Sàigòn Star gần đây. Họ quảng cáo và mời chúng tôi một buổi nào đó đến ăn thử, tôi muốn hỏi họ đãi cho khách phương xa mới đến đó chăng? Nhưng lại thôi! Lên cùng một thang máy, nhưng phòng thì ở những tầng lầu khác nhau. Hai bà: Chị Thới và cô Hi thì lên tuốt ở tận trên chót vót là tầng lầu thứ 18 hay 19 gì đó của khách sạn Mantra Pandanas nầy để mà ngắm trăng sao. Vào phòng lo sắp xếp đồ đạc và ổn định thì lên giường để ngủ cũng đã là 3 giờ sáng. Đúng là cái muốn hành hạ đến cái thân!
Do quá mệt mỏi nên sáng không muốn dậy sớm mà nằm trên giường ngủ nướng thêm được chút nào hay chút nấy, vì hôm nay gần nguyên cả ngày chúng tôi được rảnh rang thì có thể đi vòng vòng dạo phố hay mua chút đỉnh đồ cần thiết cho vài ngày. Đến khoảng 9 giờ thì anh Thới gọi điện thoại đến báo thức và chúng tôi hẹn nhau chừng 9 giờ rưỡi cùng xuống dưới để đi dạo. Lúc đó tôi mới rời giường, lo vệ sinh, thay quần áo cùng uống cà phê và khăn gói, dụng cụ hình ảnh để ra đường. Xe cộ trên đường thì không nhiều lắm. Đường phố ở đây là trung tâm có khách sạn Hilton ở gần. Đường không rộng, nhưng hình như lối người đi bộ được băng từ góc đường bên nây sang góc đường bên kia vì tôi thấy có vạch chỉ đường nhưng không để ý là có người băng ngang hay không. Chúng tôi thả dọc theo đường Knuckey Street đi hướng về phía bờ biển. Đi ngang tiệm thức ăn nhanh Mc Donald, chợt nhớ đến hai anh chị đêm hôm giới thiệu tiệm phở của họ nên chúng tôi đi theo hướng đã chỉ thì thấy tiệm của họ cũng tương đối khang trang, nhưng bây giờ chưa phải là giờ mở cửa, đành quay trở lại đi về phía biển.
Dọc đường đi vào tiệm bán đồ lưu niệm xem qua, nhưng tôi chỉ để ý đến các tượng nặn bằng đất nun hình trứng cá sấu nở con sấu con trong vỏ, rất duyên dáng. Cuối đường Knuckey là công viên War Memorial có các cây xanh mát mẻ, khung cảnh dọc bờ biển nên thơ. Ai cũng ráng chụp những tấm hình để làm duyên và kỷ niệm. Còn tôi thì chỉ thích thỉnh thoảng ghi hình để ngày nào đó buồn buồn ngồi coi lại mà nhớ và để thấy hay hay.
Darwin nầy là vùng đất thuộc về khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nó là Thành phố ở tận mãi miền cực Bắc của nước Úc nên người ta thường gọi là “Top End” để phân biệt với vùng đất miền Bắc của tiểu bang Queenland nơi có Thành phố Cairn, Cooktown là “Far North”. Theo tài liệu thì Darwin được thiết lập từ năm 1869 và dân số thống kê vào năm 2014 là 136, 245 người trên một diện tích hơn 112 km2. Vì thuộc vùng nhiệt đới nên ở Darwin chỉ có hai mùa: Mùa mưa (tháng 11 đến tháng 4 – Tropical Summer) và mùa khô (tháng 5 đến tháng 10 – Dry Season). Khí hậu từ ấm đến nóng quanh năm, mưa bão thường xảy ra, mưa nặng hạt và nhiều sấm chớp. Người dân sống lâu đời ở đây theo ước tính lịch sử khảo cổ là giống Thổ dân Larrakia bắt đầu hơn 40,000 năm. Nhưng ngày nay với số lượng dân chúng người ta thống kê được có từ hơn 60 quốc gia đến đây và 70 sắc tộc khác nhau cùng sống chung ở đó, cho nên Darwin là thành phố pha trộn, đa dạng của nhiều nguồn gốc văn hóa cả về sắc tộc lẫn ẩm thực. Nó còn được xem như là cửa ngõ của nước Úc để giao thương với bên ngoài và vị trí của nó gần với các nước Đông Nam Á, nhất là đối với Nam Dương, cùng Đông Timor nên nó cũng có ảnh hưởng với khu vực nầy ít nhiều.
Từ War Memorial, dưới những bóng cây đầy bóng mát, chúng tôi thoải mái ngồi nhìn ra ngoài biển khơi của vùng gọi là Darwin Harbour, nước trong xanh, một màu xanh dịu mát lẫn nghe gió biển nhè nhẹ thổi vào như thể mình muốn chìm vào một “tứ thơ”. Nhưng tôi không làm thơ cho những cảnh bên ngoài nữa đâu. Vì tôi đã ngưng lâu lắm rồi, từ khi thấy mình làm thơ khá ngộ, làm thơ cho những nơi mà người ta ít biết đến nhất là trên xứ người! Tôi mãi miết nhìn ngắm, chiêm ngưỡng vài nét đẹp nào đó ở nơi nầy; rồi lại cầm máy quay quét qua một vòng hay một vài chỗ mà tôi muốn ghi lại để kỷ niệm cho một chuyến đi.
Ngồi mãi ở đây thì cũng chán, chúng tôi lại thả lần trở về khách sạn. Trên đường về ghé qua tiệm phở của vợ chồng người Việt của mình. Ba bà thì muốn ăn Mc Donald nên ghé vào tiệm thức ăn nhanh của Tây, còn ba ông đến tiệm phở; nhưng chỉ có anh Ba Quang là ăn phở, còn tôi và anh Thới lại ăn cơm: Cơm sườn nướng. Tiệm nấu ăn cũng được ra phết!
Ăn xong, rồi chúng tôi thả dọc theo đường Smith Street, xuống đến Woolworth, thì mấy bà muốn vào đó mua ít đồ. Cả đám lại kéo nhau vào mua ít trái cây, nước uống cho những ngày sau cần mang theo và uống tại khách sạn vì nước và mọi thứ ở đó đều mắc quá! Khi về chúng tôi đi theo đường Cavenagh Street, nhưng nhắm hướng giỏi quá nên đi trờ tới phía trước khá xa, hồi lâu thấy lạ mới quay lại vài con đường mới đến được đường Knuckey. À thì ra khách sạn sát đây mà lại đi mãi ở nơi đâu! Lên thang máy chúng tôi cùng hẹn nhau vào lúc 4 giờ 30 sẽ xuống phòng đợi để khoảng 5 giờ xe buýt đến chở chúng tôi ra bãi biển đi tour “Darwin Harbour Cruise”.
Chiếc xe buýt nhỏ đến, tài xế thấy chúng tôi có đúng 6 người theo như danh sách cho nên cũng không cần nói với chúng tôi nhiều. Lên xe đã có sẵn một số khách trên đó, họ từ những khách sạn khác lên mà chúng tôi là những người cuối cùng; vì thế xe buýt chạy thẳng ra bến phà Stokes Hill Wharf.
Vì đường di chuyển khá gần, cho nên chúng tôi đến cầu tàu hãy còn sớm nên cùng nhau đi lòng vòng hoặc ai thích thì chụp vài bôi hình lấy cảnh biển khơi hay quay máy vào đất liền mà ghi cảnh nhà lầu, cao ốc. Ở đây chúng tôi cũng gặp một bà Úc đến từ Nam Úc; nhưng bà lên đây bằng xe lửa, và ngày mai bà đi Kakadu rồi mới sang Katherine Gorge, xong về Uluru và sẽ đến Alice Springs ở với con bà trong vài ngày rồi mới trở về Adelaide bằng máy bay.
Đúng 5:30 giờ đoàn chúng tôi được cho xuống du thuyền để ổn định chỗ ngồi, bàn chúng tôi ở khoảng cuối, gần với quầy rượu. Chiếc du thuyền nầy là do một gia đình địa phương kinh doanh với hai chiếc tàu. Họ vận hành dịch vụ từ năm 1996 để đem đến cho du khách với món ngon của Darwin, cùng thưởng ngoạn cảnh chiều tà (hay hoàng hôn) trên vùng biển của Vùng Địa Đầu phía Bắc (Top End) nầy.

Nguyên Thảo,
17/08/2016.


Wednesday, August 10, 2016

*H.T Chữ Nghĩa 27: Từ "Bản Tin Nông Gia" Tới "Blog". (4)




Đó là những câu chuyện đưa tôi đến việc đi vào các trang mạng với các bài viết về Đạo Phật cũng như tham gia phụ giúp với các bậc phụ huynh nhằm giúp đỡ cho tương lai con cái của họ về sau nầy, sau những giây phút mà tôi không dự định viết gì nữa cả. Nhưng điều gì cũng là do “Duyên”. “Duyên” là nói theo tiếng Nhà Phật, nó giống như những hạt giống đã có sẵn, bây giờ các hạt giống ấy gặp những điều kiện thuận lợi như không khí ẩm, có đất, có nước, nhiệt độ thích hợp thì chúng nẩy mầm; thì chuyện của tôi nó được tiếp theo lại giống như vậy. Ấy là cái “duyên” viết của tôi! Đó là điều tôi không ngờ trong cuộc đời của mình lại chính là cái duyên viết ấy!
Trong thời gian tôi đưa bài cho anh Sơn (đại diện báo Dân Việt rồi Việt Luân) để báo chọn đăng trong đặc trang Nam Úc, thì dù là không có nhuận bút, nhưng anh Sơn cũng thường hay cho tôi báo Dân Việt hoặc Việt Luân để coi. Mỗi tuần có hai tờ Việt Luận, một tờ ấn bản vào thứ ba, và một tờ cho ấn bản ngày thứ sáu. Đọc để giải trí và biết tin tức, nhưng tôi cũng không có nhiều thời giờ; tuy nhiên, trong thời gian ấy tờ Việt Luận thỉnh thoảng được sự cộng tác của Thầy Lê Tấn Lộc tức là vị Hiệu trưởng của trường Trung học Trịnh Hoài Đức –Bình Dương trước kia, cái trường Trung học Công lập mà tôi mơ ước được vào từ thời còn nhỏ và tôi chỉ được về học tại trường ấy vào niên học 1965-1966 ở lớp Đệ Nhất A2, để rồi năm 1973 đến 1975 tôi về dạy Sử Địa cho mấy lớp nhỏ thuộc cấp Trung học Đệ nhất Cấp ở đó. Sang niên học 1975-1976 tôi về Trường cấp 2 An Thạnh được tách ra từ trường mẹ Trịnh Hoài Đức, để rồi năm sau tôi phải chuyển về Trường Phổ thông Cơ sở Bình Chuẩn. Thầy Lê Tấn Lộc tốt nghiệp Ban Triết và về dạy Triết trước khi lên làm Hiệu Trưởng. Khi tôi về dạy ở trường Trịnh Hoài Đức thì Thầy đã được chuyển sang Biên Hòa làm Trưởng Khu Học Chánh thì phải, và Thầy Nguyễn Văn Phúc lên làm Chánh Sở Sở Học Chánh của Tỉnh Bình Dương còn Thầy Nguyễn Văn Hộ lên làm Hiệu Trưởng.
Một điều khác cũng nên biết, đó là Thầy Lê Tấn Lộc là anh của nhà văn Kiệt Tấn là một nhà văn cũng có tiếng tăm trên văn đàn Việt Nam lúc trước. Trong các bài Thầy đưa cho tờ Việt Luận đăng có lần Thầy giới thiệu về Trang Web của Cựu Học Sinh Trịnh Hoài Đức được thành lập ở bên Mỹ do Cựu Học Sinh Từ Minh Tâm gầy dựng. Tôi cố gắng đi tìm Trang Web theo địa chỉ thì tìm thấy không khó khăn gì, và tôi liên lạc được với Từ Minh Tâm lần đầu tiên vào ngày 08/07/2009. Sau nhiều lần đắn đo, cuối cùng tôi quyết định đóng góp vào trang Web cho vui. Nói như vậy, quý vị thấy là tôi cũng “ham vui”, chứ không là “ăn thiệt”. Với bài đó tôi thú nhận thiệt tình về ước mơ và tình cảm của mình, ấy là bài “Cho Tôi Góp Một Bàn Tay”.
Từ đó tôi thường xuyên gởi bài đóng góp vào Trang nhà như là chia sẻ cùng các bạn đồng môn về mọi thứ, nhất là các bài viết của tôi đã có từ trước hoặc những bài thơ trong suốt thời kỳ tôi đã “làm được” khi can thiệp vào cuộc bút chiến “bẩn thỉu” của hai nhóm người trên đất khách. Loạt thơ Đồ Ngông ấy tôi gởi về nhờ Từ Minh Tâm chọn và đưa lên để bạn bè đọc giải trí, đồng thời biết đâu có thêm vài kinh nghiệm cuộc sống cho con cháu của họ để đối phó với cuộc đời về sau. Tôi gởi khá nhiều vừa cũ có, vừa mới có mà lại ở dạng font chữ cũ mèm, khiến Từ Minh Tâm phải vất vả sửa chữa. Thấy vậy tôi phải gởi email hỏi để Tâm chỉ cách tôi sửa chữa trước khi gởi, để Tâm được dễ dàng hơn. Và sau cùng vì Tâm thấy tôi gởi liên tục, bài vở lại tương đối là “dồi dào” nên Tâm đã mở cho tôi một cái “blog” riêng. Đó chính là cái blog đang hiện hành. Thế là tôi được thừa hưởng từ công trình của Từ Minh Tâm. Mọi trở ngại tôi đều được sự hướng dẫn của Tâm để đi đến chỗ tôi biết cách tự “Post” bài cũng như đưa hình ảnh vào trong bài vở của mình. Từ trong các bài viết ấy tôi đã liên lạc lại được với nhiều người thân cũng như bạn bè, nhất là Thầy Lý Văn Trọng người Thầy dạy học vào thời Lớp Nhì của Trường Tiểu Học Tân Phước Khánh mà bọn học trò chúng tôi rất quý mến qua bài “Tân Khánh: Quê hương thời tôi lớn” và bài “Tình Thầy Trò: Hơn 50 năm tìm lại”. Người em gái trọ học chung ngày nào của tôi qua bài “Cho tôi một lời tạ ơn”, hay là bài “Ông bạn của tôi”. Ngoài ra nhân đó tôi cũng được thêm nhiều bạn mới. Thật đây cũng là một trò chơi vui vẻ và thích thú hơn nhiều với biết bao là kỷ niệm được ôn lại để thỏa mãn tuổi già khi người ta nói “Già thường hay sống về kỷ niệm”!
Tất cả những bài thơ trong thời kỳ “mở đầu” đó tức là giai đoạn tôi “sắp chữ thành thơ” đều được tôi gởi đến cho Trang Nhà, vì tôi nghĩ đó là những tài liệu quý báu cho một đời người. Lúc trước khi tôi quyết lòng can thiệp vào “cuộc chiến” trên báo chí thì bắt buộc tôi phải có một cái hướng riêng của mình, vì tôi đã chẳng tham gia vào bất cứ hội đoàn, cũng như tôi chưa từng đến với một tổ chức nào, hoặc chẳng hề biết một ai có giữ chức vụ hay tiếng tăm nho nhỏ nào trong cộng đồng cả. Tôi can thiệp là chỉ lấy cái “uy tín” mà tôi tạo được từ những bài viết qua bút hiệu “Nguyên Thảo” mà thôi! Thân danh hay liệt của “Nguyên Thảo” được đưa vào trong cuộc chiến. Thế nhưng, khi qua 3 bài viết trực diện can thiệp, ai ngờ “Đồ Ngông” trở thành một hiện tượng “Quả thật là ngông”! Rồi ngày qua ngày người ta cứ nhớ tôi là Đồ Ngông hay có người ngại hơn gọi tôi là Ông Đồ, hơn là Nguyên Thảo.
Những bài thơ ấy tại sao tôi gọi là những “kinh nghiệm trong cuộc sống” vì khi tôi bắt đầu làm thơ để can thiệp thì tất nhiên người ta cũng sẽ chửi tôi nhiều ít; nhưng tôi phải tìm cách làm thơ hay viết “chuyện tào lao thế sự” (hoặc nôm na là “chuyện tào lao”) thì tôi phải biết cách né tránh chửi trực diện với họ, do đó tôi biến cách các tư tưởng ấy thành một cách chung chung qua các nết xấu của con người. Từ cách quảng diễn xa gần như vậy mà nhiều người cho là tôi “viết quá yếu”! Thực tế lúc đó, tôi không cần những lời khen hay chê, mà tôi chỉ cần người dân hiểu được sự phân tích của tôi để “chửi” những kẻ gây rối trong cộng đồng, phá sự yên ổn cuộc sống của người mình trên một quê hương đất khách mà mình trú ngụ, để họ tự ý thức mà giảm căng thẳng hay bớt cường độ đi mà thôi!
Có điều thêm nữa là tôi phải nghĩ ra nhiều đề tài, nhiều cách để người trong cuộc hay độc giả có thể hiểu, biết; nhưng tôi cũng phải chen vào các bài khác dịu dàng hơn như không là dính dáng gì cả, để họ không đổ cơn thịnh nộ lên tôi. Trong chiều hướng đó tôi cứ đi cho đến lúc gặp Nguyễn Nhi và Phạm Ngọc Thanh trên tập san Né, lúc ấy tôi có vẽ hơi rõ ràng hơn một chút, nhưng không là quá khích hay là “có mang tính chất chửi lộn”. Và ngoài thơ cũng như văn xuôi về “Chuyện Tào Lao” tôi cũng còn sáng tác thêm những bài mà tôi đã có vài nhận xét trong cuộc đời như là những kinh nghiệm sống được ghi lại để mọi người đọc vui chơi như: Nhà ba gian hai chái, Chuyện cờ bạc, Trang Chu và Hồ Điệp... chẳng hạn. Khi tàn cuộc các bài “Tào lao Thế Sự” ấy cũng được khoảng 62 bài với chừng 220 trang đánh máy trên vi tính. Và sau nầy tôi nối tiếp với loạt bài “Tào lao Thế Sự” khác đó là “Tào lao Thế Sự 2” đến nay cũng đã là 59 bài. Lần nầy tôi viết ngăn ngắn hơn để cho người đọc không ngán và cảm thấy mệt mỏi. Với tất cả những bài đó tôi vận dụng mọi hiểu biết, kiến thức, quan sát của mình rồi đúc kết thành những bài để độc giả coi chơi và giải trí, giết thì giờ nhàn rỗi. Tôi muốn làm công việc đó là vì từ nhỏ tôi cũng đã từng bị ăn hiếp, áp bức nên có “hận thù” xã hội, và vào thời ấy đã có lần tôi ước mơ: “Nếu sau nầy tôi mà có viết văn được tôi sẽ phanh phui mọi thủ đoạn, tật xấu, mọi cái bỉ ổi của loài người để thiên hạ coi chơi” như đã có lần tôi dí dỏm bằng bốn câu thơ:
Ngồi buồn sắp chữ lại thành thơ
Ta gọi thơ ngông chửi cuộc đời
Moi móc thói đời bao cái xấu
Đem rao thiên hạ xúm coi chơi!
Không ngờ rồi đến một ngày tôi lại cầm viết mà viết văn, thêm cả làm thơ nữa thiệt; vì vậy cái điều mong ước ảo huyền ngày xưa ấy của tôi vô hình chung lại thành. Tôi cam đoan chắc chắn với quý vị những bài ấy không hề làm thất vọng quý vị sau những giây phút thoải mái cười vui cùng giọng thơ, lời văn của Đồ Ngông mà có người đã hỏi tôi rằng: “Anh muốn làm một Tú Xương thứ hai đó chăng”? Mặc dù tôi đã trả lời: “Tôi không dám, vì tôi không phải là một nhà thơ”!
Mọi bài thơ mà tôi đã viết nên vào thời kỳ đó đều đi sát vào thực tế và tâm tính của con người, vì chúng được dựa vào cái thực tế biểu hiện của những con người đầy cái xấu; nhưng tôi phải mở rộng ra như là chuyện hay tâm tính chung của con người, chứ không dám vạch ra cái xấu của những cá nhân đó, để tránh đi những tai vạ mà mình lỡ đụng chạm vào tự ái của người khác. Cho nên tôi không thấy chúng có nhiều sai sót khi ta tìm ở đó nhiều điều mà chúng ta cần học hỏi và rút kinh nghiệm.
Tôi mạnh dạn gởi bài liên tục đến Trang nhà CHS Trịnh Hoài Đức do Từ Minh Tâm thiết lập cũng như điều hành, thì tôi chỉ nghĩ: Vì mình cũng là một cựu học sinh nên xin đóng góp cho vui, hai nữa là đem tất cả mọi kinh nghiệm mình thu thập được trong đời sống riêng tư và trong một cộng đồng để gọi là chia sẻ các kinh nghiệm sống cùng các bạn đồng môn trong cùng một trường khi xưa, thế thôi! Và khi viết các bài ấy, tôi muốn ghi lại những kỷ niệm theo cùng thời gian nào đó cho nên tôi thường ghi ngày tháng ở phía dưới các bài, chứ tôi cũng không hề để ý là làm được bao nhiêu bài; nhưng có vài bạn nhìn thấy và ngạc nhiên về sự sáng tác của tôi. Thực ra, đó chỉ là phần thơ chứ còn các bài viết về văn xuôi, cũng như nghiên cứu về Đạo Phật cùng các bài viết nhận xét về vài tôn giáo trong tinh thần đi tìm chân lý, thực chất của vấn đề, phân tích thì hãy còn nhiều hơn. Nhưng chung quy chỉ là trong vòng 10 năm từ năm 2000 đến 2010 có lẽ là thời gian để tôi cho ra đời nhiều bài nhất trên một số lĩnh vực ngoài công việc chính của tôi là nghề nông. Do vậy, có lần một đứa cháu ngạc nhiên hỏi tôi: “Công việc farm của chú bận rộn như vậy, sao chú có thì giờ để viết”? Tôi cười thay cho câu trả lời, mà thực ra tôi cũng không biết trả lời như thế nào để cho cháu hiểu. Cái viết của tôi trong lúc đó gần như là mọi ý tưởng đã có sẵn từ trong kho trí não, và tôi chỉ cần dành thì giờ để sắp xếp viết ra mà thôi. Đôi lúc tôi mường tượng tất cả những sự việc trong đời sống của tôi từ nhỏ đến lớn đều là những chi tiết có ích để bây giờ tôi chỉ cần kết hợp lại thành bài và chẳng có chi tiết nào trong cuộc đời đã xảy ra mà không có nguyên nhân của nó. Nhiều lúc tôi lại nghĩ tôi viết được ngày hôm nay lại cũng chẳng là do chính khả năng của tôi mà do cái “tâm” (chữ “Tâm” trong Đạo Phật) thực hiện hay thể hiện ra mà thôi vì như đã nhiều lần tôi đã trình bày cùng Quý vị là cái viết của tôi chỉ thực sự xảy ra từ sau cái hiện tượng mà tôi đã kể rõ ràng trong bài “Sự Huyền Nhiệm Của Tâm Linh”. Tôi chỉ làm theo những gì mà do “Sự Thôi Thúc Của Cái Huyền Nhiệm” ấy, hay đúng hơn là của cái gọi là “Phật Tánh” ở trong tôi!

Nguyên Thảo,
08/08/2016.



Sunday, August 7, 2016

*Quê Người. (12)



Lòng vòng trong khu vực chờ đợi để nhìn ngắm quan sát nhưng cũng chỉ là quanh các khu hàng quán ở cái hành lang mà khách qua lại, chứ không dám đi xa vì “lạ nước lạ cái”; nếu đi lạc thì là cả một vấn đề. Gần đến giờ lên máy bay chúng tôi tập trung ở những hàng ghế ngồi chờ đợi, có một vài người Úc hỏi và anh Nhiệm trả lời với họ. Họ khá thân thiện, hỏi han nên chúng tôi cũng mừng và đỡ lo hơn vì chúng tôi sẽ đến định cư trên đất Úc vào ngày hôm sau, và với tình cảm như vầy thì không đến đỗi nào.
Chuyến bay khởi hành vào lúc gần 11 giờ đêm, tôi ngồi kế bên Thông. Thông là người ở Thành Phố thuộc khu Bàn Cờ, nơi đó ngày xưa khi còn học ở trường Sư Phạm tôi có ở khu vực ấy gần năm. Thông cũng đi vượt biên một mình bỏ lại một vợ hai con còn nhỏ. Phía dưới những đèn đường, khu phố của Thành phố Singapore sáng trưng tạo nên một khung cảnh nên thơ, rực rỡ vào ban đêm. Có lẽ bây giờ Thành Phố Sài Gòn, Gia Định đã thua xa mặc dù nó được mang tên là Hồ Chí Minh. Gần năm nay tôi chỉ thấy được những khu vực quanh nơi mình ở, chỉ có ngày nay mới được ra ngoài để nhìn thấy các cảnh ở phi trường cũng như thoáng nhìn Thành phố Kuala Lumpur hay Singapore qua cửa sổ nhỏ bé của máy bay. Không thua làm sao được khi mà mọi hoạt động trong xã hội từ kinh tế cho đến giao thông phải đình chỉ để tái cơ cấu, tổ chức theo một cơ chế của một chế độ mới được gọi là chế độ Cộng Sản. Cơ cấu ấy hoàn toàn xa lạ, o ép người dân từ bỏ mọi quyền tự do riêng tư của mình mà phải theo chỉ thị của nhà nước. Ruộng phải vào Hợp Tác Xã Nông Nghiệp; hàng quán vào Hợp Tác Xã Thương Nghiệp; các nhà máy, phương tiện giao thông bị ngưng hoạt động vì thiếu nhiên liệu, tài nguyên cung cấp… Mọi sinh hoạt xã hội gần như đình trệ, đứng lại để tái tổ chức các cơ cấu. Những cơ cấu ấy gặp phải sự bất đồng tình, không hợp tác của người dân; lại thêm những người lãnh đạo thiếu khả năng, hay không biết lãnh đạo thế nào mà chỉ lần mò học tập. Cho nên xã hội đã đầy dẫy thương đau, thiếu thốn mọi thứ nhu cầu thiết yếu. Nạn buôn lậu, lo lót viên chức để thoát qua được sự kiểm soát hoặc làm lơ cho,… Bắt đầu cho những sự lo lót, hối lộ; hay thái độ sách nhiễu, gây phiền hà, khó khăn của người thừa hành để làm tiền về sau nầy. Để chống lại nạn đói nhiều người đã sinh ra trộm cắp thực phẩm hay những vật có thể bán được tiền để mua thực phẩm cung ứng cho gia đình; để rồi phát sinh trộm cắp và cướp giật về sau trở thành phổ biến. Tất cả người dân vừa xa lạ với chế độ, vừa lâm vào cảnh túng quẫn, cùng cực rồi lại sinh ra buồn đời, chán nản nên tình trạng nhậu nhẹt càng nhiều hơn. Họ “say sưa để quên đời”, và sau khi say thì nhiều hành vi lười biếng, bỉ ổi, tội phạm lại càng tăng lên vượt bậc. Trong khi đó cơ cấu chính quyền vận hành khi được khi không, năm nay thế này, năm sau phải thay đổi, nó luôn mãi là “loay hoay” với “làm” và “sửa” càng làm cho dân chúng chỉ hoài sức, tốn công mà chẳng tiến được bao nhiêu. Một lý tưởng Thiên Đàng cho con người trên thế gian của Marx đã gặp bước “Khởi đầu nan”. Nhiều người am hiểu, người ta đoán rằng “Kiểu nầy Thiên Đàng Cộng Sản chỉ là mơ tưởng mà thôi, vì thực tế đã làm cho người ta sợ quá chừng rồi, nội mục đích đầu tiên “Cơm no, áo ấm” đã chẳng xong thì lấy đâu “Ăn ngon, mặc đẹp” để tiến lên “Có làm có hưởng, không làm không hưởng” của thời “Xã Hội chủ Nghĩa” và “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” vào thời Cộng Sản. Và chủ nghĩa Cộng sản đã chưa tiến được tới đâu thì Liên Xô và Trung Quốc đã tranh giành ảnh hưởng với nhau và Trung Quốc lại mở chiến tranh “Dạy cho Việt Nam một bài học” đầy đau thương. Vậy thì “Thiên Đường Đại Đồng” của Chủ nghĩa Cộng Sản cũng chỉ là những Thiên Đường mơ tưởng như Thiên Đường trong đức tin của tôn giáo chứ chưa hề được chứng thực. Ôi quả thật thế giới nầy đầy thương đau!
Máy bay dần bỏ, rời xa ánh đèn của Thành phố Singapore, trong lòng tôi vừa mừng vừa bồi hồi lo lắng: Không biết mình sẽ thế nào khi đến xứ người. Hôm nay tôi mới là con người “thoát cảnh tù” (vì trong trại tị nạn mọi người bị coi là những người bị giam giữ, tù nhân do xâm nhập lãnh thổ nước sở tại bất hợp pháp) và được phép định cư trên xứ Úc-Đại-Lợi. Chúng tôi đang trên đường đến xứ Úc bằng chuyến bay của hãng Hàng không Qantas. Đoàn chúng tôi khoảng gần 40 người, ngồi ở phía sau cùng của máy bay. Khi máy bay đã lên cao, giữ độ thăng bằng chúng tôi được cho một buổi ăn. Lúc ấy vừa không biết để chọn món ăn, lại món ăn cũng là xa lạ nên cứ nhìn người ta mà tập tành, bắt chước hoặc “làm đại” dù trúng hay trật. Thôi thì cứ cho chúng “cái nào cũng vào đấy” là xong. Thông có vẽ rành hơn vì Thông vốn ở Thành phố. Thông đi vượt biên mà chuẩn bị sẵn sàng các giấy tờ để bảo lãnh vợ con. Nghe Thông kể tôi mới thấy mình thật là “dở”, chẳng biết thứ gì! Mình dở cũng phải vì mình vốn là dân nhà quê, sau 75 mình lại không mấy khi đi lên thành phố hoặc là đi đó đây, cứ mãi lo chạy lo cho đời sống gia đình được đỡ hơn, ngoài giờ đến lớp. Mọi giáo viên thời ấy đều chật vật cả, có người phải lo đời sống mà không bận tâm đến lớp nhiều. Có một ông cán bộ nói với tôi một câu thật đau lòng: “Nói xin lỗi với thầy giáo nhe, chứ trong xã hội có bất cứ nghề gì là đều có thành phần nghề giáo của mấy ông”. Nghe mà buồn chứ không thể biện minh vì quả thật trên thực tế là như vậy. Lương không đủ sống thì người ta phải làm bất cứ nghề gì kể cả nghề làm điếm. Dĩ nhiên chẳng ai trong nghề giáo đều muốn như thế cả, chỉ tại vì thời cuộc thúc đẩy mà thôi! Người ta đi buôn lậu, làm ruộng, chạy xe ôm, đi kinh tế mới miễn làm sao bảo toàn sự sống cho gia đình, bản thân nên họ chẳng từ nghề gì cả. Một xã hội tất bật làm mà chẳng kiếm được bao nhiêu tiền, người ta trở nên tắc trách, không đếm xỉa vào việc công chỉ lo vào việc riêng tư. Sự vô cảm, lường gạt, ích kỷ, tranh giành, liều lĩnh, chán đời, nhậu nhẹt, tham lam, tiêu cực đã được dịp phát lên như diều gặp gió. Nhưng những điều ấy vẫn không bằng cuộc “Đấu tranh giai cấp”. Những thành phần thuộc giai cấp bị lật đổ, hay những thành phần thuộc chế độ cũ phải được đánh bằng “bạo lực cách mạng” cho đến khi không thể ngóc đầu lên nỗi, không còn đủ sức để làm một cuộc đổi thay. Đó là một cuộc chế ngự để kẻ thù phải “Đầu hàng giai cấp”! Tôi rất buồn khi nghĩ về tương lai của các con tôi!
Thông kể cho tôi nghe về những kinh nghiệm mà Thông đã được nghe, để khi vượt biên mà chuẩn bị đầy đủ hầu nhanh chóng bảo lãnh vợ con. Còn riêng tôi thì bây giờ tôi chỉ biết tới đâu thì tính tới đó, chứ không thể nào làm khác hơn. Tôi chỉ tưởng tượng đến những khó khăn mà vợ con tôi phải chịu từ vật chất lẫn tinh thần mà chế độ nầy đối xử, cũng như bao nhiêu thành phần khác đã được đối xử từng xảy ra thế thôi!
Tôi nhìn ra cửa sổ máy bay, chỉ là một màn đêm đen tối vì đang vào nửa khuya, tôi không biết đâu là đâu. Sau bữa ăn, mọi người đều có vẽ chìm vào trong giấc ngủ, tôi cũng buồn ngủ nhưng lại ngủ không được, vì đầu óc hãy còn lẩn quẩn với những toan tính mù mờ. Rồi tôi cũng chợp mắt không biết tự lúc nào đến khi nghe những tiếng lục đục và đèn khá sáng, thì ra tiếp viên chuẩn bị cho buổi ăn sáng. Những chiếc xe được chế tạo gọn gàng xuyên vào giữa hai hàng ghế, tuy nhỏ nhưng chứa được nhiều thật. Đồ ăn được phân phát qua từng khai. Chúng tôi cũng làm theo suy nghĩ của mình hoặc bắt chước cách của người khác để cách ăn được hợp lý hơn. Đúng là lần mò mà học tập. Cái gì trong lần đầu cũng đều là phải học tập và mày mò!
Ở đường chân trời ánh sáng dần sáng lên, hơi ửng đỏ. Những đám mây ở tuốt dưới kia hiện ra, chắc là máy bay bay cao lắm. Máy bay hạ lần độ cao, tôi nhìn qua cửa sổ thấy những ô rộng lớn nghĩ là những cánh đồng và những con đường nho nhỏ có những “con kiến” (ô tô) đang bò lần lần tới và thỉnh thoảng có những khoảng màu xanh nước biển, chắc là mấy cái hồ trong đất liền. Người ta phát thanh cái gì đó, chúng tôi không hiểu hết nhưng thấy nhiều người gài dây thắt ở bụng lại thì chúng tôi cũng làm như vậy. Tôi nghe hơi ù tai, dường như máy bay hạ thấp dần, rồi máy bay lại nghiêng cánh, dưới kia là những khu nhà hiện rõ ra. Trên đường phố xe chạy lớn dần. Máy bay đảo qua tôi thấy cái thành phố có khu vực đồi cao, rồi máy bay xuống thấp hơn. Cuối cùng tiếng bánh xe chạm vào đường băng và máy bay thắng gấp, chậm lại rồi chạy từ từ vào bãi đậu và dừng hẳn.
Tiếng lách cách của âm thanh mở khóa dây choàng qua bụng, những người có hành lý đứng dậy lấy hành lý; còn chúng tôi đâu có gì để lấy. Chúng tôi đến đất nầy chỉ có giấy tờ của Cao Ủy Tị Nạn cấp cho cùng với giấy Thông Hành mà phái đoàn Úc đã cấp. Tôi và Thành được cấp riêng mỗi người một cái nên không có gì để vướng bận. Trời bên ngoài mưa lâm râm, mây mù mù, tôi nghĩ về thân phận mình mà buồn buồn. Nhưng trong lòng thì được một nỗi vui vì từ ngày hôm này tôi có thể làm được chút gì cho vợ con tôi để bớt đi nguy khốn từ tình hình khó khăn do các tổ chức của chế độ tạo ra lẫn chính sách đối xử nghiệt ngã.
Tôi bước theo đoàn người rời máy bay để vào khu vực kiểm soát của hải quan. Dù tiếng Anh tôi không có nhiều nhưng cũng đủ cho mình hiểu loáng thoáng ý nghĩa của nó. Họ có vẽ lịch sự, gần gũi không hống hách quan lại như ở quê mình. Họ nhã nhặn, không quát tháo hay lớn tiếng. Đó là cái nhìn mà tôi đã thấy được khi “đặt bước chân đầu tiên” lên xứ người!

Nguyên Thảo,
01/08/2016.



*Anh Biết!

*Thơ Nguyên Thảo. (tt)

Anh biết rằng anh: Yêu em rồi!
Vì sao anh nhớ mãi không nguôi
Mây trời bảng lảng lòng vô cớ
Nỗi buồn vương vấn vẫn không thôi!

Theo gió, tâm tư với gió reo
Ngàn cây lay động, lòng cheo leo
Vươn lên, vươn với khung trời nhỏ
Hụt hẫng niềm mơ gió đưa vèo!

Mơ thấy rằng em lại đến đây
Bàn tay dan díu cùng bàn tay
Làn da, hơi ấm nương nhau chút
Anh sẽ khẽ rằng: Yêu lắm thay!

Nguyên Thảo,
05/08/2016.