Tuesday, December 12, 2017

*Đường Đến Băng Hà. (7)



Tôi và anh Thới vẫn thức dậy từ lúc 6 giờ và đến 7 giờ 15 thì hẹn anh chị Hiệp cùng quý bà đi ăn sáng, mặc dù “morning call” là lúc 7 giờ 30. Và đến 9 giờ 30 cả đoàn lên xe buýt để bắt đầu cho chuyến “City Tour” trước khi rời Vancouver gần tuần lễ để đi lên vùng “Băng hà” của Alaska. Chính vì vậy mà tôi muốn nhấn mạnh đến “Sông Băng” trong tựa đề “Đường Đến Băng Hà” cho chuyến đi nầy.
Cuộc hành trình bắt đầu là chợ Granville, chúng tôi đến đó không bao lâu sau vì không xa lắm. Mọi người được tự do đi vào chợ và chỉ cần nhớ giờ giấc và địa điểm tập hợp lại thôi.
Granville Market là ngôi chợ trong nhà lồng tức là chợ ở trong kiến trúc được che mái và các cửa được kín để tránh những thời tiết nóng lạnh. Theo người ta ước tính có khoảng 275 doanh nghiệp hành nghề tại đây, trong đó có 50 doanh nghiệp thường trực; còn lại phần lớn là những người bán từng ngày trên những quầy hàng cùng những người bán hàng hóa tự làm hay các hàng hóa nghệ thuật mà họ làm ra. Do đó từ các gian hàng hoa cho đến bánh mì, trái cây, tranh ảnh, hàng thủ công, bánh mứt và đồ ăn uống. Tôi cũng thích quay cái cảnh sinh hoạt trong chợ nầy để làm kỷ niệm. Khi tôi chú ý quay cách người ta đổ bánh gọi là “crêpes” thì bà khách hàng người Tây hỏi tôi: “Mầy muốn học làm hả?”. Tôi chỉ cười mà không trả lời. Chắc bả thấy tôi đội cái mũ ấm của đội banh “Port Adelaide” ở Nam Úc nên bả lại hỏi: “Mầy từ Nam Úc tới à!”, tôi gật đầu và bả cho biết bả ở vùng phía Nam của Adelaide gần Đại học Flinder. Mẫu đối thoại ngắn được thành hình: Bả là người sanh đẻ ở Vancouver nầy nhưng có chồng về Nam Úc và nay bả về thăm gia đình. Bả lại hỏi tôi đi với ai và dự định đi ở đâu trong thời gian bao lâu. Rồi bả dẫn con gái đi và tôi cứ lang thang từ chỗ nầy sang chỗ khác để dòm, để ngó, để quay phim. Kể ra cũng vui vì gặp “đồng hương” trên xứ người dù đó là sắc dân nào!
Trước kia vùng Granville Island là khu công nghiệp gồm các xưởng đúc gang thép, lò sát sinh và nhà máy cưa, nhưng từ những năm 1970 với sự phát triển đô thị nên chợ Granville đã thành hình và buôn bán nhiều thứ hàng hóa nhất là chợ nông sản tươi của những nhà nông trồng trọt đem đến, hoặc những hàng thủ công do chính người bán sản xuất từ hàng tiêu dùng như xà bông, phó mát, mật ong… đến những hàng nghệ thuật như khung hình, tranh ảnh, túi xách… Đi vòng trong chợ một hồi, bọn chúng tôi bảy người kéo nhau ra ngoài nhìn tàu thuyền, sông nước và cùng nhau chụp một bôi hình làm kỷ niệm. Thời tiết hôm nay có mưa bay bay, trời nhiều mây và khá lạnh, cho nên hình chắc là thiếu sáng, không rõ lắm! Nhưng cũng không sao, về rồi chỉnh lại cho khá hơn. Do trời mưa, hơi lạnh nên các hàng quán bên ngoài thưa khách, và người lai vãng cũng không nhiều. Gần đến giờ lên xe, chúng tôi phải thả lần ra phía trước và đi ra ngoài.
Đoàn về khu Chinatown. Đây là khu buôn bán sầm uất của người Hoa định cư ở Vancouver. Dọc theo khu vực có những trụ cao màu đỏ treo hình con Panda và tượng con rồng vàng như để đánh dấu cho du khách biết. Vincent đưa chúng tôi đến cổng Chinatown và xem ngôi nhà hẹp mà bề ngang của nó chỉ khoảng chừng 1.7m còn tồn tại đến ngày nay ở ngay góc đường. Tất nhiên là những cơ sở doanh nghiệp hay buôn bán ở đây đều có đề bảng bằng chữ Tàu vì nó là khu phố Tàu mà!
Chinatown nầy là khu phố Tàu lớn thứ ba của vùng Bắc Mỹ, nó được thành hình và mở rộng nhanh chóng sau khi đường sắt xuyên lục địa của Canada hoàn thành vì những người Hoa (khoảng 17,000) nhập cư lao động từ những năm cuối 1800 để xây dựng đường sắt đã ở lại và làm việc trong các ngành nghề khác cùng xây dựng thành một cộng đồng quanh các khu nhà họ đã sống. Và khoảng cuối những năm 1980 làn sóng nhập cư khác của người Hoa từ Đài Loan và Hồng Kông đã tạo nên một khu mới gọi là “Golden Village” ở khu Richmond nâng số người Hoa ở Vancouver lên khoảng 300,000 vào những năm giữa 1990.
Sau đó, Vincent đưa đoàn về Gastown xem cái đồng hồ hơi nước ở góc đường Cambie và Water Street.
Dong ho hoi nuoc.

Đây cũng là một nơi thu hút du khách đến thăm miền Vancouver của Canada. Chúng tôi đến đó vào khoảng 11 giờ 50 cho nên phải đứng chờ. Đến hơn 11 giờ 58 phút thì đồng hồ mới khởi phun khói và đến đúng 12 giờ thì khói phun lên thổi vào những ống bằng đồng phía trên tạo nên những âm thanh thích thú, cả ba lần tức là 12 tiếng, rồi sau đó phói phun vào ống chính giữa giống như âm thanh xe lửa hơi nước ngày xưa bắt đầu chuyển bánh vậy.
Đồng hồ nầy là chiếc đồng hồ hơi nước đầu tiên của nhà chế tạo đồng hồ Raymond Saunders được làm vào năm 1977 với mục đích để trưng bày giờ giấc với bốn mặt bốn bên và báo phút cứ mỗi 15 phút và ống chính giữa để báo giờ. Nó được vận hành do một máy hơi nước và những môtơ điện. Xong, chúng tôi được những giây phút thoải mái trong tiệm bán quần áo và đồ lưu niệm ở góc đường bên kia: Shop Delané. Tôi cần mua thêm một áo ấm khoát ngoài! Xem ra cũng đẹp mà giá tương đối, lại cũng là một kỷ niệm đối với Canada.
Từ giả Gastown chúng tôi lại về khu vực khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông năm 2010 ở gần bờ vịnh để biết nơi đã xảy ra sự kiện lớn, và chiêm ngưỡng những công trình xây dựng quanh kiến trúc đuốc Thế Vận. Kế đó là hình tượng con cá voi “Osca”. Dưới kia là vịnh với những bãi bến của những chiếc “thủy phi cơ” phục vụ cho du khách muốn nhìn Thành phố Vancouver từ trên cao.
Thanh Pho North Vancouver.

Ở đó chụp hình, tham quan đến 1 giờ thì Vincent đưa chúng tôi về Công viên Stanley (Stanley Park). Khu vực đầu tiên mà chúng tôi đổ vào đó là vườn Totem. Nơi nầy người ta trưng bày những thân cây được khắc đẽo những hình tượng thú, chim hoặc người được sơn màu sặc sỡ nối tiếp lên nhau theo chiều cao. Mỗi trụ có chiều cao khác nhau. Đó là nét đặc điểm của người da đỏ bản địa cũng mang tính chất “Thần linh” của họ.
Cong Vien Totem Poles.

Công viên nầy được xem là khu bảo tồn xanh tươi của Thành phố Vancouver, chiếm diện tích khoảng 400 mẫu. Ban đầu là căn cứ của Hải quân Hoàng Gia được chính phủ Anh trao trả cho Thành phố năm 1888 được đặt theo tên của Bá tước Staley of Preston, Thủ Hiến của Canada vào thời điểm công viên được khai trương. Công viên được bao quanh bởi vịnh Vancouver Habour và vịnh English. Bao quanh công viên là con đường Seawall dài 22km, người ta có thể đi xe đạp, đi bộ, chạy bộ cho các hoạt động thể dục hoặc tới công viên nầy nhằm mục đích tham quan, giải trí hoặc nghỉ ngơi, du ngoạn.
Tôi thả ra phía sau vườn Totem để ngắm nhìn ra bờ vịnh để thấy cây cầu Lions Gate Bridge ở phía đàng xa kia, rồi quay cảnh West và North Vancouver.
Lên xe giã từ Công viên Stanley đoàn băng qua cầu Lions Gate sang bờ bên kia là vùng West Vancouver để đi đến cầu treo Capilano.

Nguyên Thảo,
12/11/2017.



*Khi Hoa Anh Đào Nở. (11)



Chúng tôi được “free day” ngay ngày Chủ Nhật, cho nên tha hồ ngủ để bù lại những ngày tranh thủ, vội vàng với giờ giấc di chuyển trong các cuộc đi. Dù là nói vậy, chứ vợ chồng tôi vẫn thức dậy từ sớm vì đã quen giấc, nhưng chỉ nằm “nướng” thêm thôi. Chẳng có gì phải vội vàng hôm nay!
Mở màn cửa sổ, ánh nắng mặt trời đã lên trên các tòa cao ốc, mà đường phố vẫn chìm trong bóng râm của sáng sớm và Thành phố chợt vừa thức dậy trong một ngày mới. Tôi thích thú lấy máy quay cái cảnh Thành phố đầy cao ốc trong buổi hừng đông. Sau đó thì có phone cùng rủ nhau đi ăn sáng, và đoàn lại gặp nhau ở phòng ăn điểm tâm. Từng nhóm lại làm kế hoạch riêng cho ngày hôm nay. Nhưng ở nơi lạ hoắc như thế nầy thì biết đi đâu bây giờ! Và hỏi ai đây? Jennifer thì bữa nay chẳng đến, vì cô cũng được “free day” luôn! Lửng chửng lừng chừng rồi cũng phải bàn tính thôi, không lẽ lại về phòng ăn mì gói và ngủ cho đã!
Khách sạn Tokyo Dome nầy nằm trong phạm vi của khu phức hợp giải trí Tokyo Dome City và kế bên sân vận động, lại gần với 3 ga tàu  và tàu điện ngầm có thể đi đến nhiều địa điểm du lịch rất thuận tiện. Nhưng theo ý kiến chung thì đa số muốn hôm nay đi đến các chợ để tìm mua vài chút đồ để làm kỷ niệm. Thế là cả nhóm lại tìm đường đi ra ngoài theo bản đồ. Nhưng chưa đến giờ mở cửa, nên dù rất nhiều cửa hàng ở đây mà chúng tôi phải đi ra đường kiếm trạm xe buýt để đi. Theo mấy bậc thang đi xuống phía dưới thì gió lạnh, mạnh mẽ thổi đến khiến nhiều người thối chí, bèn trở lên dự tính đi về khách sạn. Đi lên nửa chừng thì lạc mất mấy bà chỉ còn Anh chị Đệ, tôi và anh Nhi. Ngồi đợi hồi lâu chẳng thấy mấy người ấy đâu, tôi và anh Nhi quay lại kiếm nhưng họ đâu mất cả rồi! Đợi thêm hồi lâu, chẳng thấy ai đến cả, chúng tôi phải lần về khách sạn rồi sẽ tính sau. Bây giờ các gian hàng bắt đầu mở cửa và đoàn người nối đuôi nhau xếp hàng thật là dài ở ngoài để vào trong Dome. Tôi và anh Nhi cứ thắc mắc, hôm nay trong đó có cái gì mà người ta xếp hàng để mua vé càng ngày càng đông như vậy. Càng lúc hàng càng được nối dài thêm ra. Về đến phòng tiếp tân chúng tôi ngồi bàn tính hồi lâu, anh Đệ đến quầy tiếp tân nói chuyện với mấy người nhân viên để hỏi thăm tin tức và nhờ họ chỉ chợ ở đâu. Cuối cùng, có nhân viên biết tiếng Hoa anh Đệ hỏi chuyện dễ dàng và anh ta chỉ đường đi. Tuy nhiên khu đó khá xa nên chúng tôi đón xe Taxi để đi. Tài xế Taxi không biết tiếng Anh nên anh nhân viên khách sạn phải nói dùm địa điểm.
Thế rồi bốn chúng tôi (anh chị Đệ, anh Nhi và tôi) đến khu vực “Shopping” nào đó mà chúng tôi cũng chẳng biết vì không biết địa chỉ và cũng chẳng định hướng được nơi nào. Cứ theo dòng người đi vào “shopping” thôi. Thì ra nơi đây là trung tâm mua bán các hàng hiệu và sang trọng, nhưng dù gì chúng tôi cũng chỉ muốn đi để tham quan sự tình! Cái muốn của chúng tôi là đến khu vực thương mại của giới bình dân để xem người ta buôn bán ra sao, nhưng bây giờ thì đã lộn rồi. Không xem được chỗ của “đại chúng” thì mình xem nơi của giới thượng lưu vậy! Sự mua bán trong những năm sau nầy, sau các thời gian khủng hoảng kinh tế trên thế giới thì chắc nơi nào buôn bán cũng gặp nhiều khó khăn giống như nhau. Hàng quán không nhiều khách, chi phí cửa hàng mắc thì nhiều cửa hàng phải đành đóng cửa! Cái khủng hoảng kinh tế cũng do nơi nhiều nền kinh tế trở nên phát triển và sản xuất ra nhiều hàng hóa nên không có thị trường để tiêu thụ, nên nhiều nước khuyến khích dân chúng sử dụng hàng hóa nội địa kể cả xe gắn máy và xe hơi sản xuất trong nước. Tuy nhiên sự cạnh tranh giữa các quốc gia về giá cả, mẫu mã đã làm nhiều nơi điêu đứng.
Tôi nhớ lại những năm 90 của thế kỷ trước, khi hàng may từ Trung Quốc nhập vào xứ Úc đã làm cho ngành may mặc trên xứ Úc tàn lụi và nhân công ngành nầy phải nghỉ hoặc chuyển sang nghề khác; sự kiện ấy kéo theo ngành ủi, kinh doanh máy may, dụng cụ cũng họa lây. Dần các ngành kỹ nghệ khác cũng dần đổ vào đầu tư ở Trung Quốc vì nơi đây có nhân công rẻ và là một thị trường lớn. Tôi lại nhớ đến hãng Coca Cola khi bắt đầu đầu tư ở Trung Quốc thì người ta kể rằng: Chỉ cần mỗi người Trung Quốc uống một lon Coca mỗi năm, thì một năm hãng cũng bán được trên một tỉ lon, thị trường ấy hấp dẫn các nhà tư bản đến để đầu tư. Điều ấy không chỉ riêng xứ Úc mà cả Mỹ, Đức, Châu Âu cũng vậy; nền kinh tế của Trung Quốc bắt đầu phát triển vượt bực để trở thành nền kinh tế thứ hai trên thế giới, và rồi với tham vọng “bá chủ” nên sự phát triển về quân sự được thúc đẩy mạnh. Cho nên những biến chuyển trên thế giới ngày nay, nhất là ở Biển Đông sẽ là một điều tất yếu. Việt Nam có đứng vững hay không chắc là điều phải nói là khó khăn, nhất là sau mấy mươi năm kinh tế bị “bóp nghẹt” khựng lại của những thời xưa cũ, bao cấp; và với kiểu “làm, rồi sai, rồi sửa” để rồi “nới lỏng” cho người ta thở. Mấy mươi năm “lãng phí " đó, thế giới bên ngoài đã đi đến tận nơi đâu đâu rồi! Mà ta vẫn còn mơ tưởng đến một xã hội “siêu việt”!
Chúng tôi lòng vòng trong trung tâm cả gần hai tiếng đồng hồ, nhưng anh chị Đệ chỉ mua được chút ít đồ. Còn tôi và anh Nhi không có mấy bà đi theo ở đây nên chẳng biết gì để mua mà chỉ là “just looking”. Rồi thả dọc theo mấy đường phố gần đây, cái lạ là không thấy có thùng rác công cộng mà đường phố vẫn sạch sẽ, ai ngờ đâu rằng người Nhật không xả rác mà rác được bỏ vào trong túi hoặc bịch đem theo để đem về bỏ rác trong thùng rác ở nhà. Điều nầy chắc chắn dân Nhật được giáo dục rất kỹ lưỡng trong trường học từ thuở ấu thơ. Trông người ta lại ngẫm đến ta!
Chúng tôi chỉ đi thêm một vài đoạn đường thì thấy “cũng vậy thôi”, cho nên thôi đành quay trở lại để đón taxi đi về. Trong lúc đó, có một đoàn xe màu đen không biết là của lực lượng nào có cờ Nhật, phát loa vang rân, chạy trên đường phố giống như trong “tình trạng báo động” của thời kỳ chiến tranh, coi cũng có khí thế lắm! Lâu lắm rồi tôi mới được nghe giống như vầy!
Điều lạ là taxi ngừng cho khách lên ở góc đường chứ không tắp vào lề như ta thường thấy. Chiếc taxi đưa chúng tôi về khách sạn với số tiền mắc hơn bận đi chút ít, chắc họ quay lại với đoạn đường vòng hơn.
Đến hơn nửa buổi chiều thì mấy bà mới về: Thì ra, chúng tôi lạc nhau do mấy bà gặp một người đàn ông Nhật tốt bụng, biết tiếng Anh, hướng dẫn mấy bà đi đến trạm xe điện để chỉ mấy bà đi đến khu chợ bình dân như mấy bà muốn. Anh ta rất tốt, dẫn vào chỉ cách mua vé còn dặn dò đi cách mấy trạm thì xuống và đi hướng nào, theo đường số mấy. Rồi anh ta từ giã để đi, thế nhưng không xa anh ta lại quay lại dặn dò thêm một lần nữa. Thế là mấy bà đã đạt được điều mình muốn, còn nhóm chúng tôi thì không, nhưng ít ra học được vài điều khác lạ trên xứ người!
Nghĩ ra mình già cũng dở, đoàn đã để chúng tôi ở tại cái trung tâm giải trí phức hợp Tokyo Dome City Attractions nầy với bao nhiêu là cửa hàng ăn uống, vui chơi giải trí kể cả các spa, onsen thư giãn, những trò vui chơi cảm giác mạnh như “roller coaster” hay vòng quay lên cao “Ferris Wheel”, thế mà chúng tôi lại không tận hưởng mà lại tìm đi đâu đâu. Cái sân vận động Tokyo Dome là cái nơi lừng danh mà chúng tôi lại chẳng tha thiết.
Tokyo Dome là một sân vận động của vùng Bunkyo, Tokyo được xây dựng từ 16/04/1985 cho đến 17/03/1988 mới được khánh thành nó có đến 4, 5 chục ngàn chỗ ngồi. Sân có tên “The Big Egg” hay còn gọi là “Tokyo Big Egg” với nóc là mái vòm có cấu trúc là chất đàn hồi, đệm không khí được nâng lên với áp lực nhỏ từ bên trong của sân vận động. Nơi đây là sân nhà của Đội Bóng Chày Yomiuri Giants, còn là nơi được tổ chức các buổi Hoà Nhạc, Bóng chày, Chơi banh kiểu Mỹ, Đô Vật, hay Đấu Võ Kickboxing.
Đã vậy, sân nầy cũng đã từng đón những ca sĩ lừng danh của thế giới cho những buổi trình diễn của họ ở đây như Mariah Carey, Janet Jackson, Bon Jovi, Kylie Minogue, Britney Spears, Madonna, Taylor Swift, Michael Jackson, Celine Dion… Cùng những ban nhạc tiếng tăm của Nhật cũng như các nước khác như L’Arc-en-ciel, U2, Guns N’ Roses, The Rolling Stones,… đã trình diễn dưới mái vòm của vận động trường.
Đã thế, vùng chung quanh nầy được gọi là Tokyo Dome City có 6 khu: LaQua zone, Viking zone, Geopolis zone, MagicQuest, Splash Garden và Parachute zone. Chúng có những trò chơi mạnh mẽ, có trò chơi nhẹ nhàng như bowling, roller skate; Có suối nước nóng, có onsen mà nguồn nước từ độ sâu 1,700m của lòng đất, có roller coaster (xe chạy trên đường sắt trên cao), có bánh xe quay lớn (Ferris wheel).
Bên kia cái vận động trường “nhà vòm” lại là khu vườn Koishikawa Korakuen có quá trình lịch sử từ những năm đầu của Thời Kỳ Edo là năm 1629 do lãnh chúa Yorifusa Mito xây dựng. Tên tiếng Hán của khu vườn là Hậu lạc Viên theo triết lý: “Lo trước cái lo của thiên hạ và vui sau cái vui của thiên hạ”. Vườn nầy có diện tích là 160,000m2 trồng khoảng 4,000 chủng loại thực vật và lôi cuốn được rất nhiều du khách hàng năm nhất là về mùa Thu và mùa Xuân với Hoa Anh Đào.
Thế là cả bọn chúng tôi giống như những con chuột đã rơi vào hủ nếp, thế mà từ chối hủ nếp để đi tìm những thức ăn nào đó ở chốn xa xôi! Thật là tiếc nuối quá chừng! Nhưng ít ra chúng tôi cũng biết được nhiều điều ở trên đất Nhật cùng sự hiếu khách, giúp đỡ tận tình của con người nơi xứ nầy!

Nguyên Thảo,
12/10/2017.


*Xin Hỏi.



*Cuộc Đời Vui.

Vui sao đời không hận
Những việc phải ta làm
Lìa xa các việc ác
Từ bỏ những gian, tham.

Lòng có nhiều hoan hỷ
Thân thấy được khinh an
Lại nhiều cảm thọ lạc
Rồi tâm thường định, an.

Đồ Ngông,
05-09-07.

 

*Xin Hỏi.

Xin hỏi ông rằng: "Sao thế ông?
Càng, ngoe đâu hết lại mình ông
Thuở xưa lẫm lẫm ngàn tôi tớ
Lúc nọ vang vang vạn tiểu đồng
Thanh thế lẫy lừng ra mấy cõi
Hồng danh xứng đáng vững như đồng
Bởi ai xui khiến đành như thế?
Càng rụng, ngoe rơi, lại hóa ngông".

Đồ Ngông,
07-09-07.

 


*Thảnh Thơi.

Dạo chơi trên cỏ thảnh thơi
Mây bay ta cũng gởi lời hỏi thăm.
Đôi chim trong bụi thì thầm
Ta nghe rúc rích hàng trăm gọi mời,
Đường vui trong nắng rong chơi
Lâng lâng đối cảnh nhạc lời vô ưu.

Đồ Ngông,
07-09-07.

 


*Chuyện Quỷ Dạ Xoa.

Có con quỷ Dạ Xoa
Vô cùng xấu xí
Chọn trên tòa bỏ trống
Để ngồi cao.
Mọi người nhôn nhao
Trở nên sân hận.
Quỷ được vui mừng
Vì mỗi lúc
Càng thêm xinh xắn.
Người giận lắm,
Quỷ lại đẹp thêm ra!

Người người lấy làm lạ
Tại đâu
Mà như thế?
Trời Đế Thích
Lặng im cung kính
Những ba lần
Đành chấp tay xưng
Quỷ Dạ xoa hoàn hình như cũ.
Cũng vội vàng
Hình biến đi xa!

Nỗi sân hận
Nuôi dần nết xấu
Trong đời này
Nhân thế
Vẫn nhiều người chưa thể nhận ra
Cho nên trần tục mới gọi là!

Đồ Ngông,
08-09-07.


Sunday, December 3, 2017

*Khi Hoa Anh Đào Nở. (10)



Ở đây, tôi cũng được quan sát cách pha, rót và mời trà với khách của những cô thiếu nữ, bà người Nhật trong bộ đồ Kimono truyền thống ở một gian nhà khách bên hông phải của tượng Phật. Chẳng lẽ đây là cuộc biểu diễn hay là một show gì đó để giới thiệu về một nét văn hóa của nước Nhật: Nghệ thuật uống trà hay còn gọi là Trà Đạo chăng? Không biết trà có ngon không chứ tôi thấy quả thật là cầu kỳ, cầu kỳ như cái chào của nhân viên trên xe lửa tốc hành Shinkansen mà tôi đã thấy.
Ở nơi đây, tôi được biết chính xác trái Anh Đào còn nhỏ xíu đã thành hình, và cũng giải mã được cái mà tôi gọi là ảo giác trên đường khi gần đến hồ Yamanakako bữa chiều hôm trước mà hôm sau đi qua đó tôi lại thấy hình như có màu ửng đỏ. Thì ra ở loại cây ấy có thể giống như cây nầy nó vừa bung chồi thì có những cánh đỏ nở ra, nên cây có cái vẻ màu đỏ mà tôi đã tưởng như mơ!
Lên xe, giã từ Tượng Đại Phật, chùa Kotoku-in kể cả Kamakura để chúng tôi đi: Đi về Yokohama, và bây giờ đã gần 2 giờ chiều.
Qua những đường phố đông đúc, các khu nhà cửa sầm uất, đoàn đến Yokohama khoảng 2 giờ 50, xe đỗ khách xuống gần công viên để từ đó Jennifer hướng dẫn chúng tôi đến với khu Chinatown ở đây.
Được biết Yokohama là một trong những cảng biển lớn, sầm uất của Nhật cùng với các cảng biển khác là Osaka, Kobe, Nagoya. Tên Hán Việt của nó là Hoành Tân Thị, rộng trên một diện tích khoảng 437 km2 và số dân trên 3.7 triệu người. Khởi đầu từ một làng chài của những năm 1853-54, do áp lực của Phó Đề Đốc Matthew C. Perry thuộc Hải quân Hoa Kỳ buộc Mạc Phủ phải bỏ chính sách “Bế quan tỏa cảng” và mở cửa một số hải cảng cho thương buôn ngoại quốc đến buôn bán, nên từ 2 tháng 6 năm 1859 Yokohama trở nên một khu cảng sầm uất như ngày hôm nay.
Bước qua cổng Chinatown, chúng tôi đi vào khu vực buôn bán của người Tàu ở đây. Ở Nhật cũng có nhiều khu Chinatown, nhưng khu nầy được coi là lớn nhất với hơn 2,000 cư dân. Khu được đánh dấu bằng 7 cái cổng lớn ở chung quanh với hơn 500 cơ sở thương mại và trên 300 tiệm ăn. Du khách có thể tha hồ mà lựa chọn và ăn uống.
Nhiệm vụ của Jennifer là hướng dẫn chúng tôi đến đây để rồi sau đó chỉ nói giờ giấc tập họp để lên xe buýt và đi về khách sạn, rồi thì để chúng tôi được tự do, nhưng chỉ yêu cầu là “đừng quên giờ giấc lên xe buýt”.
Đường phố ở đây đông người, len lỏi qua các khu buôn bán, cửa hàng, chỉ mấy bà là còn đi chung với nhau vì họ cần đi chung để xem thứ gì có thể mua được. Chứ mấy ông đi lang thang nhưng cũng dễ lạc nhau vì dòng người xen lẫn. Tôi đi vào cửa hàng bán đồ lưu niệm và lặt vặt, tính tìm mua vài bức tranh lụa, kiểu vẽ đặc trưng, đậm nét Nhật chứ không phải theo kiểu “thủy mặc” của Tàu để làm kỷ niệm, nhưng tìm mãi cũng chẳng biết ở đâu. Chủ thì không hiểu nhiều tiếng Anh, khách thì chẳng biết tiếng Tàu hay tiếng Nhật, mà giải thích thì cũng còn nhiều giới hạn. Ngôn ngữ quốc tế “tay quơ” không đủ để diễn tả cho cả khách lẫn chủ để hiểu nhau, nên đành cố đi tìm. Tìm mãi cũng chẳng thấy đâu nên đành thôi. Đi lòng vòng, dòm ngó nơi chốn đông người, rồi lại dòm vào cái đồng hồ. Đi thì đi, nhưng cứ mãi nôn nao “sợ trễ chuyến đò”. Cuối cùng đưa máy quay quay một số đường phố của khu phố Tàu, rồi đi ra gần chỗ “hẹn hò” và thả rong nơi công viên bến tàu, vừa được hít thở không khí dịu mát của biển khơi mà không phải nơm nớp lo sợ “trễ giờ”.
Công viên nầy có tên là Công viên Yamashita, nó được xây dựng từ sau trận động đất Kanto đã tàn phá nặng nề Thành phố Yokohama vào năm 1923. Ta có thể ngồi trên băng đá nhìn “ông đi qua, bà đi lại” hay ngắm nhìn bông hoa nở vào mùa Xuân, thưởng thức hoa Anh Đào. Lặng nhìn lá cây khô rơi rụng, đua nhau chạy theo chiều gió, hoặc quan sát ngọn hải đăng cao 106 m được xây dựng vào năm 1959 để kỷ niệm 100 năm của cảng. Và ta cũng có thể theo dòng người ra sát bờ để nhìn những du thuyền đang đỗ bến gần đó, cùng nhìn chiếc tàu lịch sử Hikawa Maru đang neo tại đó như là một bảo tàng từ năm 1960 sau 30 năm hoạt động đã đi từ Yokohama đến Vancouver của Canada.
Vợ chồng tôi chụp hình ở hồ phun nước có tượng đài “The guardian of water”, tượng người đàn bà cầm bình nước mà Thành phố San Diego đã tặng cho Thành Phố Yokohama như tình kết nghĩa vào năm 1960, trong khi chờ đợi mọi người tập trung và lên xe buýt.
Cap nha tho vo chong: Nguyen Nhi, Tu Thi Thu Trang va Tuong dai "The guardian of Water"
 


Xe đến đúng giờ, theo Jennifer thì ở Nhật người ta rất trân quý đến giờ giấc, thường không phải trễ nải, hay chậm chạp kiểu “để người khác đợi”, hoặc “lề mề, lễ mễ” của người mình hầu chứng tỏ “ta là người quan trọng”! Ý thức của người Nhật rất cao, có lẽ họ đã được huấn luyện từ nhỏ và từ trong trường học, cho nên trên đường ta không thấy thùng rác công cộng nào mà đường phố vẫn được sạch sẽ, khiến tôi nhớ đến kỳ thế vận hội túc cầu ở Nam Mỹ những người khách Nhật lượm rác chung quanh chỗ mình rồi bỏ vào túi rác đem theo khi vận động trường tan hàng; hoặc chuyện đứa bé nhận được quà người khác cho trong lúc nó đang sắp hàng để nhận quà, nó không cất riêng cho mình mà lại đem lên bỏ vào phần quà chung chờ phân phát như bao nhiêu người khác trong thảm họa kép sóng thần lẫn nhà máy điện nguyên tử rò rỉ ở Fukushima.
Xe chuyển sang Tokyo vào lúc 4 giờ và chừng 50 phút sau, xe dừng lại và mọi người đến tham quan Rainbow Bridge. Xuống xe, Jennifer hướng dẫn đoàn băng qua một ngõ xuống công viên nhìn qua cầu, ngang qua một tượng “Nữ Thần tự Do” được đặt ở đây: Vì rằng: Từ tháng 4/1998 đến Tháng 5/1998 nhân kỷ niệm “The French year in Japan” tượng Nữ Thần tự Do của nước Pháp ở đảo “Ile aux cygnes” thuộc Paris (Pháp) được đem đến dựng ở Odaiba, Tokyo. Vì tính phổ biến tinh thần của tượng nên năm 2000 bản sao tượng đó được dựng lên tại vị trí trưng bày trước, tức là vị trí mà chúng tôi đang chiêm ngưỡng của công viên nầy.
Tuong "Nu Than Tu Do"

Bên kia là Rainbow Bridge. Cầu nầy thuộc loại cầu dây giăng nối Tokyo với khu cảng Odaiba dài 798m, rộng 46m, cao 126m cho những tháp, và phần đường là 52m, được xây dựng từ năm 1987 và hoàn thành vào năm 1993. Cầu có hai tầng: Phần trên là đường tốc hành nối bến phà Shibaura với khu Odaiba ở Minato, phần dưới là cho xe điện và các phương tiện giao thông khác, kể cả khách bộ hành đi ngắm cảnh. Cầu được trang bị ánh sáng bằng năng lượng mặt trời. Điện được tích lũy ban ngày và chiếu sáng vào ban đêm với ba màu trắng, đỏ và xanh lá cây cùng màu xanh dương trên các trụ đỡ. Sự pha trộn màu do ánh sáng cùng sự phản chiếu từ mặt nước nên màu sắc trở nên kỳ ảo của màu cầu vồng và từ đó có tên là Cầu Cầu Vồng.
Cau "Rainbow Bridge" phia sau.

Chúng tôi tham quan ở đó cho đến 5 giờ 25 thì ra xe để đi ăn chiều ở nhà hàng Tàu Long Nguyên cách đó chừng 20 phút chạy xe. Rồi lại ra xe về khách sạn, khách sạn mà chúng tôi sẽ trú ngụ trong hai đêm là Tokyo Dome Hotel. Nhưng ngày mai là ngày tự do, tự mình kiếm chỗ đi cũng như là tự kiếm chỗ ăn hay nói theo tiếng Anh là “Free Day”! Tôi ở tuốt trên lầu 19 nên tầm mắt cũng phóng được ra xa chút ít đối với Thành phố Tokyo nầy!

Nguyên Thảo,
24/09/2017.




*Tham Nhũng.


*Khoác Lác.

Khoác lác, ba hoa, miệng chích chòe
Cố tình lớn tiếng mọi người nghe
Rằng ta có thế, ta quan trọng
Có lủ người sai, có bạc kè.

"Thân thế giàu sang từ tấm bé
Trời sanh khi nhỏ đã ra tài
Đến đâu bạn cũng yêu, người quý..."
Khoác lác, ba hoa, dễ "mấy tay..!"

Ở tận xứ người ai có biết,
Về thân, về thế kẻ khoe tài.
Quyền cao, chức trọng..., cùng thây kệ
Chỉ thấy miệng mồm..., cũng biết ngay!

Đồ Ngông,
20-4-02.

 

*Nổ!  (1)    

Thế gian cứ gọi: Rằng là nổ
Khoác lác, khoe khoang như điếu đổ
Đại bác, bom mìn "theo chẳng kịp"
Đại liên, kho đạn "còn cây số"
Trên trời, dưới đất "ôm trong bụng"
Thiên hạ, nhân gian "đầy một hố"
Phước đức nhà anh, tên "miệng cả"
Để đời nhân thế rằng "Ơi,..nổ!"

 

*Nổ!   (2)

Tiếng nổ vang vang cỡ hắn ta,
Om sòm, rộn rã tự ngoài xa
Bụi bay, văng miểng đầy hàng xóm
Âm hưởng ngân vang khắp mọi nhà.
Chú chó bên ngoài đang hạo hực,
Chị gà chập chững lại bay xa.
Mong cho tiếng nổ còn vang dội,
Thay pháo đầu xuân tới tận nhà...

Đồ Ngông,
22-04-02.

 

*Tham Nhũng.

Mối đục cây nào cũng sẽ tiêu
Nhà xinh cách mấy cũng hư, xiêu
Dân nghèo, luôn mãi dân nghèo khổ
Đất nước hoang tàn, cảnh quạnh hiu.

Cứ ngỡ đem tài ra giúp nước
Kinh luân ba túi chuyển xoay thời
Dân giàu, nước mạnh nam nhi chí
Thỏa ước bình sanh, xứng cuộc đời.

Cũng lủ ăn mày, thân mối mọt
Cũng phường không đáy, túi thâm sâu
Vét vơ không biết bao giờ đủ
Cũng lủ "hầm cầu", giống "bọ sâu"...

Đồ Ngông,
25-04-02.

 

*Thóc Mách.

Khi tôi còn bé nhỏ
Tôi làm một điều sai
Đứa bạn liền đi "méc"
Bạn thóc mách đi rồi!

Khi ra đời làm việc
Tôi bất mãn "xếp" tôi
Có người đi báo "xếp"
Thóc mách lại tới thôi!

Có người đi lén vợ
Gặp phải bạn không hiền
Bao nhiêu điều nói hết
Thóc mách đến khuôn viên!

Tôi bị cha mẹ đánh
Bị "xếp" chửi một hồi
Vợ đần chồng tới tấp
Cũng tại thóc mách thôi!

Đồ Ngông,
25-04-02.





Thursday, November 23, 2017

*Thơ Ngông.



*Khoe Khoang.

Lại thích khoe khoang chẳng kể người
Ta xưa quyền chức dễ như chơi,
Đi ra đã có người chào đón
Tiền bạc vun lên, tối mịch trời...

Mệnh phụ chỉ ngồi trên ghế kỷ
Sai người giúp việc chạy lăng xăng,
Hô lên vài tiếng hàng, hàng lớp
Gia thế ngày xưa, ai sánh bằng.

Thôi biết đi rồi, quá "xếp" ơi!
Ta xưa: "Thầy bói ở cung Trời"
Những người làm lớn thường "ghê..(sợ)" vợ
Thì dẫu thế nào... cũng vậy thôi!

Đồ Ngông,
14-04-02.

 

*Đâm Thọc.  

Thói "Đâm bị thóc, thọc bị gạo"
Đã là câu nói có từ lâu
Để dành cho đứa chuyên gây xấu,
Những đứa "vô liêm" hại bạn hiền...

Thọt qua, thọt lại bằng ngôn ngữ
Khích bác vài câu chẳng tiếc lời,
Ton hót, nâng bi hầu xách động
Để người xung đột hắn coi chơi...!

Hắn ghét người: Vì tâm địa hẹp,
Hoặc ganh người: Do tánh xấu xa
Nói qua, nói lại người xào xáo,
"Đòn xóc hai đầu" chính hắn ta!

Đồ Ngông,
14-0-02.

 

*Giả Nghĩa. 

Giả nghĩa cũng phường đạo đức giả
Giả thương người, giúp đỡ người thôi
Nuông chìu, săn đón người "ghê" lắm!
Nhưng rõ, thì ra lợi dụng người.

Kẻ giả nghĩa ra chiều ngọt dịu,
Cách hành vi, đối xử không lường
Lại khôn khéo, khó nhìn ra được
Khi vỡ rồi, ta quá thảm thương!

"Kẻ cố ý ngồi rình trong bụi,
Kẻ vô tình lủi thủi mà đi"
Cổ nhân đã nói từ lâu lắm!
Giả nghĩa, ngày nay chẳng thiếu gì.

"Dạ sói, lòng lang" ôi, chúng nó!
Tay lần cây kéo, giết sau lưng
Ngọt ngon, miệng vẫn lời êm dịu
Nhân thế, người gian khó đoán chừng!

Đồ Ngông,
15-04-02.

 

*Thơ Ngông

Ngồi buồn sắp chữ lại thành thơ
Ta gọi thơ ngông, chửi cuộc đời
Moi móc kiếp người bao cái xấu,
Rao cho thiên hạ xúm coi chơi!

Ta ngông, ta thích làm thơ ngông,
Ở cõi đời nầy: Cảnh trống không
Thấy đó, nhưng rồi đà mất đó,
Đi về hai cõi "có" và "không"!

Lắm kẻ tranh giành "đá" lẫn nhau
Tiền tài, danh vọng, sướng hay sầu..?
Bao nhiêu mánh lới lừa nhau mãi,
Lôi cuốn cùng nhau ở cuộc chơi..!

Đồ Ngông,
19-04-02.

 

*Nhỏ Thành To.

"Chuột nhỏ" bây giờ đã "hóa voi"
Lung nhung, lúc nhúc lại thêm dòi
Hôm qua, vết lở giờ ung thối,
Bữa nọ, đứt tay có mủ rồi.
Chưa nổi, "tu thân" sao tới "quốc",
Cam bề, "gia đạo" nói chi "bình".
Anh về nghĩ lại xem sao nhỉ?
Chuyện nhỏ ra to, "Sự" khó thành.

Đồ Ngông.



*Khi Hoa Anh Đào Nở. (9)



Tôi dậy từ sớm, nhưng mặt trời cũng đã sáng hẳn lên. Vạch màn cửa sổ của phòng từ lầu 10, nhìn ra chung quanh, nhà san sát theo sườn núi. Ngọn núi tuốt trên kia, nhưng nhà cửa cũng đua nhau, thấy thật là choáng ngợp, cái cảnh nầy sao giống với cái cảnh ở Đài Trung của Đài Loan mà một lần tôi cũng có dịp đi qua. Nhưng ở Đài Trung thoáng hơn nhiều!
Đây là Thành phố Atami là Thành phố tương đối lớn, với hơn 37,000 dân trên một diện tích khoảng gần 62 cây số vuông nằm dựa sườn núi lửa mà một phần bị chìm xuống theo “hiện tượng caldera” ở ven bờ của vịnh Sagami, cho nên vì phòng tôi ngó vào núi nên “thấy nhà ôi là nhà”! Chứ phía bên kia là ngó ra biển thì chẳng đến đỗi nào! Vì nơi đây có dòng nước nóng của đại dương đi qua nên khí hậu được ấm: Nóng ẩm vào mùa hè; mùa đông thì ngắn hơn.
Atami là Thành phố du lịch với nhiều suối nước nóng có từ Thế kỷ thứ 8 trước Dương lịch. Năm 1923 ảnh hưởng trận động đất ở Great Kanto, nên Atami bị sóng thần cao gần 11 m nhấn chìm và làm chết đuối khoảng 300 người. Thành phố ngày nay được xây dựng từ tháng 4/1937 cùng mở rộng qua làng Taga kế bên nên rộng hơn; đồng thời từ năm 1950 khi Chính phủ Nhật công bố Atami là Thành phố Du lịch và Văn hóa thì nó phát triển nhanh chóng về khách sạn và khu nghỉ dưỡng.
Trong phòng ngủ, mà tôi nghĩ là chắc phòng nào cũng vậy, đều được trang trí khoảng không gian sàn có vài chiếc chiếu được đan đát tỉ mỉ, đẹp trên sàn, giữa là bàn con, nhỏ; hai bên là hai chiếc gối ngồi có tấm dựa lưng. Trên bàn có hai cái tách trong cái khay và một đồ gạt tàn thuốc. Lúc đầu tôi chỉ nghĩ họ trang trí thế thôi, nhưng sau nghĩ lại: Hay là họ cho mình mặc đồ Kimono và ngồi ở đó để uống nước trà, hai vợ chồng đối ẩm theo kiểu Nhật chăng? Thế là với sự tò mò, ngộ nghĩnh vợ chồng tôi làm một cuộc đối ẩm theo kiểu Nhật, quỳ trên gối hai tay nâng chén trà để “cụng tách”. Nhưng ai chụp hình đây nên phải nhờ đến chị Cỏn và chị Tám Quít ở phòng kế bên. Chụp qua rồi chụp lại cho đến giờ phải đem đồ xuống và trả phòng để cho nhân viên khách sạn có thì giờ kiểm kê.
Do sự trả phòng sớm nên du khách của các đoàn tập trung ở “lobby” (phòng tiếp tân) rất đông, có nhóm sửa soạn đi mà đoàn đến cũng nhiều cho nên thật là choáng ngợp dù không gian khá rộng. Đúng 7 giờ đoàn đi ăn sáng và đến 8 giờ rưỡi lên xe khởi hành đi sang Yokohama và Tokyo. Đường đi bây giờ phần lớn là chạy theo dọc biển và có nhiều phố xá, dân cư đông đúc, thỉnh thoảng có vài nơi núi non, tuy nhiên theo dọc đường tôi thấy những cây lớn cũng được cắt bớt tạo dáng giống như là những cây cảnh. Không lẽ người Nhật lại kỳ công đến thế sao? Ở Osaka, nhất là Kyoto tôi đã lấy làm lạ về những cây bóng mát dọc đường trơ trụi không có bao nhiêu cành nhỏ, chứng tỏ chúng được cắt xén gọn gàng để mùa Xuân năm sau lá mọc lại đẹp hơn và bây giờ tôi lại thêm ngạc nhiên với những cây ở dọc đường nơi nầy. Còn phía phải thì song song với bờ biển cho nên người ta dễ nhìn thấy từng nơi có nhiều người đang tập lướt sóng hoặc bơi trên những ván lướt với mái chèo. Có lẽ ở vịnh Sagami nầy có nhiều trung tâm dạy người ta lướt sóng.
Đến 10 giờ 30 thì xe buýt vào bến ở Kamakura và chúng tôi được Jennifer hướng dẫn đi viếng Đền Thần Đạo ở đây là Đền Tsurugaoka Hachiman-gu. Thì ra con đường mà xe vừa đi qua lúc nãy có cổng Torii lớn chắn một phần giữa đường để rồi người ta làm con đường đi bộ ngay chính giữa và hai bên đường đó trồng rất nhiều cây Anh Đào dài suốt vào trong, đến một cổng Torii khác. Còn xe hơi thì chạy dọc theo hai bên đường đi bộ đó, một bên ra và một bên vào len vào hai dãy phố. Bến xe nằm bên hông khuôn viên rộng lớn của Đền, nên chúng tôi phải đi bộ vào cổng Torii nhỏ và đến Đền bằng cửa hông. Con đường hông nầy người ta đang sửa sang lại nên phần đường qua lại có giới hạn. Vừa cuối con đường thì Jennifer hối thúc chúng tôi đi nhanh lên vì đang có một cái đám cưới ở phía trước. Ừ thì, đang có một cái đám cưới thực, đám cưới làm theo nghi thức lễ truyền thống của dân Nhật. Tôi ngạc nhiên không lẽ có sự trùng hợp may mắn, hay là người ta tổ chức một cái đám cưới như thế nầy để du khách thấy và hiểu phong tục của Nhật. Nhưng dù là thật hay giả đám cưới nầy cũng cung cấp cho người ta nhất là khách du lịch tận mắt một nét văn hóa của người Nhật như thế nào.
Co dau, chu re va le cuoi.

Khi tôi đến thì đoàn cô dâu chú rễ từ bên ngoài kéo lên đài nhỏ ở giữa đường rồi và cô dâu, mặc đồ trắng với vành mũ cao lên che đầu và chú rễ thì mặc áo khoác đen rộng ngồi ở bàn chính giữa phòng lễ mặt hướng về Đền Chính ở trên cao kia, và bên trái là hai Thầy tế lễ đội mũ dãy có dây đeo xuống càm kiểu của người Nhật và bên phải là người thân hay gia đình gì đó. Và ngoài phòng là ba người trống kèn mặc áo màu xanh nhạt. Thầy lễ mặc áo vàng đọc điều gì mà những người khác đều cuối đầu cung kính giống như là họ đang cầu nguyện với Thần linh. Rồi đến phần tế lễ của Thầy lễ mặc áo trắng bên ngoài nhưng màu tím và vàng ở bên trong hành lễ.
Cuộc tổ chức đám cưới chắc còn lâu nên tôi không có kiên nhẫn theo dõi cho hết và dù có hết cũng chẳng hiểu được nhiều. Cho nên biết đại khái thế là đủ lắm rồi! Vả lại, tôi cũng chẳng có thời giờ nhiều đành bỏ cuộc mà theo dòng người để lên Đền thờ chính ở trên cao kia. Đền thờ nào cũng vậy có hình thức hành lễ tương đối giống nhau chỉ khác đi Đền lớn hay nhỏ mà thôi. Tôi quay vài khúc phim, đi một vòng xem có gì lạ không rồi trở xuống, đến gần cổng ra thì gặp anh Nhi, hai anh em dẫn nhau ra phía trước chỗ cổng Torii thứ nhì nối với đoạn đường mà người ta biến thành đường đi bộ với hai hàng cây Anh Đào, đứng nhìn chung quanh, chụp vài bôi hình cho nhau. Xong dẫn nhau về và thả lần ra xe. Xe trở lại đường đi bộ và ra ngoài để đi ăn trưa. Đã gần 12 giờ rồi còn gì! Kỳ nầy ăn trưa ở nhà hàng trên lầu dù không gian có hơi chật chội.
Hoa Anh Dao
Trai non Anh Dao.

Kamakura nầy là một Thành phố biển, du lịch cách Tokyo chừng 50 km, có số dân khoảng 180 ngàn người sống trên một diện tích chừng 40 cây số vuông, là nơi có nhiều Đền thờ Thần Đạo và chùa. Phía Nam là bãi biển của vịnh Sagami, còn các mặt khác đều là vùng núi đồi. Nó được xem là Thành phố từ tháng 11 năm 1939. Vùng đất nầy được coi như là nơi đã khai sinh ra triều đại Mạc Phủ Kamakura đầu tiên ở Nhật với chính quyền nằm trong tay của các võ sĩ samurai. Ngôi đền Thần Đạo Tsurugaoka Hachimangu mà chúng tôi vừa tham quan là nơi mà các cặp uyên ương chọn làm nơi cử hành hôn lễ theo truyền thống Nhật Bản, cho nên tôi đã có dịp chứng kiến, cũng là một điều may dù mình chẳng thật hiểu là bao nhiêu!
Sau khi ăn trưa, xe đưa đoàn chúng tôi đến khu vực chùa Kotoku-in. Băng qua đường và đi vào khuôn viên khá rộng còn nhiều cây Anh Đào đầy bông. Những cánh Anh Đào bay lả tả theo gió nên thơ, làm tôi nhớ đến những “lá me bay” trên đường Hồng Thập Tự, Trần Quý Cáp vào những năm tôi lang thang đi học ở dưới Sàigòn. Ôi! Trí óc con người sao lắm liên tưởng và nhớ về kỷ niệm đến thế! Hay chắc tại mình già rồi chăng? Tượng Phật A-Di-Đà bằng đồng to lớn đang ngồi tham thiền giữa không gian ngoài trời mặc cho nắng gió với màu xanh của “ten (rỉ) đồng” thật là oai nghi, trầm lắng như nhắc nhở mọi người nhớ suy ngẫm về “cái” cuộc đời nầy!
Tuong Dai Phat.

Theo tài liệu thì tượng Phật A-Di-Đà của chùa Kotoku-in theo phái Tịnh Độ Tông Nhật nầy là tượng Phật lớn hàng thứ ba trên đất Nhật sau các tượng Phật ở Katsuyama và Nara. Tượng được tạo vào năm 1252 bằng đồng với chiều cao 13.4 m, nặng khoảng 121 tấn (có mặt 2.35m, mắt 1.00m, tai 1.90m, miệng 0.82m) được đặt trong một chánh điện rộng lớn. Tuy nhiên, chánh điện ấy nhiều lần bị hư hại do bão vào năm 1334, gió mạnh năm 1369 nhưng đều được dựng lại, để rồi sau cơn sóng thần năm 1498 chánh điện bị hư hoàn toàn và tượng Phật trở thành lộ thiên cho đến ngày nay. Trận động đất mạnh năm 1923 làm cho bệ đỡ bị hư và sửa lại sau đó vào năm 1925. Và đến năm 1960-61 người ta chống đỡ cho cổ tượng Phật có thể chịu đựng sức nặng của cái đầu và làm cho tượng có thể chuyển động trên bệ để chống với độ rung lắc của những chấn động do các cuộc động đất mạnh xảy ra mà không làm thiệt hại cho tượng.
Dấu vết của chánh điện là những tảng đá chịu chân cột còn lại trên vị trí của nó chung quanh tượng.

Nguyên Thảo,
24/09/2017.



Sunday, November 12, 2017

*Kẻ Hiếp Nàng Thơ.



*Người Chỉ Trích.

Còn có khối người hay chỉ trích
Om sòm, la lối rất hăng say
Sách động, kêu bè chuyên khuấy thối
Bất kể rằng đêm, cả lẫn ngày.

Cũng có những người ưa khích bác
Lấy trò phá rối để làm vui
Khi cần đến họ, đều đi tránh
Nếu có ai làm, lại nhảy ra.

Phê bình, đối lập như hăng máu
Giương cựa, phùng mang sắp độ gà
Tới phiên, họ lủi đi đâu mất
Tìm mãi không ra, mới gọi là...

Thế gian lắm kẻ không làm nổi
Người khác làm cho, đứng chửi dòn
Nghĩ lại thân mình như giẽ rách
Chê người chê tệ chẳng chừa trôn...

Đồ Ngông,
11-04-02.

 

*Gã A Dua.

Trong đời thêm gã thích a dua
Cứ thể làm như đám chó hùa
Tiếng sủa vang lên thì gấu ó
Không hề biết ngọt hoặc hay chua.

Tủi thân "Cây sậy biết suy nghĩ",
Nhưng thế "cái đầu", "óc" để đâu?
Cái sống, chưa ra thành cái sống
Bản năng chẳng khác chó ưa hùa!

Thôi về nhắn lại gã a dua
Cứ bỏ, quăng đi cái tánh hùa
Chịu khó nhìn xem, phân phải trái
Đào sâu, nhận định ngọt hay chua?

Đồ Ngông,
12-04-02.

 

*Kẻ Hiếp Nàng Thơ!

(Người ta ví thơ là một hình thức tươi đẹp để trang trải tâm tình thơ mộng, trong những thể loại có vần có điệu, thanh âm êm dịu, nhẹ nhàng. Thơ có người con gái tha thướt, mỹ miều, duyên dáng làm "Tổ" gọi là "Nàng Thơ". Nhưng đối với những người chửi lộn bằng thơ, thì ngôn từ đầy sân hận, thù hằn, cay cú nên Đồ Ngông tôi mới có bài nầy.)

Nàng Thơ than thở, dáng u sầu,
Mắt ướt hoen mi, nhìn mãi đâu?
Yên lặng, chơi vơi, mà chẳng nói
Te tua, lem luốt,... áo quần đâu?

Nàng bảo rằng nàng bị hiếp dâm
Đám người hung bạo đến âm thầm
Ngôn từ, chữ nghĩa như dao mổ
Hăm dọa, bắt nàng để hiếp dâm...

Cái nhóm hung tàn đi hạ nhục
Hết người, sao lại đến nàng Thơ?
Văn chương, ý tưởng đầy thù hận.
Hoen úa nàng Thơ tự bấy giờ.

Uổng công ăn học bấy lâu nay
Văn thơ, chữ nghĩa khó nghe thay
Đem ra hiếp đáp người như thế
Hiếp cả nàng Thơ đến thế này!

Đồ Ngông,
13-04-02.



*Đường Đến Băng Hà. (6)


Như mọi ngày, chúng tôi được báo thức từ lúc 6 giờ; nhưng tôi và anh Thới hồi nào cũng thức trước giờ để uống cà phê, đấu láo với nhau vì lâu ngày chúng tôi mới có dịp cùng nhau như thế nầy. Không nhớ là tôi đã nói về trường hợp tôi và anh Thới ở chung phòng với nhau chưa, nhưng thôi thì nói lại vậy: Vì cô Hi, em vợ tôi, chỉ có một mình mà chị Thới lại là bạn thân nên trong chuyến đi nầy vợ tôi, chị Thới, Hi quyết định cùng nhau chung phòng. Còn tôi và anh Thới được “free” ở chung với nhau để tâm sự chuyện đời xưa!
Dù là uống cà phê, nhưng tôi và anh Thới cũng không quên đi ăn sáng, mình đã trả tiền rồi mà! Không thì mất quyền lợi sao? Ăn xong, về phòng chấn chỉnh lại mọi thứ và hành lý đem xuống để chất lên xe, đoàn sẽ khởi hành đi vào lúc 8 giờ! Trong chuyến đi chuyện của tôi lo và chuẩn bị kỹ hơn nhất là cái máy quay phim và xạc pin cho điện thoại đầy đủ. Bây giờ chụp hình bằng điện thoại di động tiện hơn nên máy chụp hình tôi đem theo mà không mấy lần sử dụng. Xe rời Salmon Arm từ lúc còn sớm nên sương hơi lành lạnh, trời mù mù, trên đường chẳng mấy chiếc xe chạy. Ra khỏi thị trấn, cảnh thôn quê hiện ra. Rừng núi, đồng cỏ ôm lấy những khu nhà còn mê ngủ. Cái cảnh thanh bình, vắng lặng, nhưng ít ra tầm mắt được phóng nhìn không đơn điệu như trên xứ của con Kangaroo. Cây cối có nhiều loại để thay đổi chứ không là những cây cùng loại khuynh diệp nơi nào cũng giống nhau. Nhưng kiểu địa hình nầy vào mùa đông hay những ngày lạnh đầy mây hoặc mưa thì chắc buồn ơi là buồn!
Màu xanh tươi mát cùng đồng cỏ mênh mông. Có lẽ đất chỉ mới hồi sinh đây thôi, sau một mùa đông giá lạnh, đầy tuyết trắng xóa. Tôi chỉ tưởng tượng và nghĩ vậy thôi, chứ trên đất Úc có mấy nơi có tuyết, đừng nói chi là tuyết phủ cả mấy tháng mùa đông, mọi cảnh vật chìm trong giấc ngủ gọi là “đông miên”; cho nên tôi chẳng biết như thế nào, và chỉ đoán mò mà không thực tế!
Xe đi theo con đường 97B từ Salmon Arm ra để nối với đường 97A tức là Highway từ Sicamous đi Vernon, để rồi từ Vernon là đường 97 tức là Onkanagan Highway đi đến Kelowna. Đoạn đường dài chừng 110.5 km. Nhìn xa bên phải là hồ Onkanagan, và đường chạy trên độ cao hay sườn đồi nên nhìn phong cảnh thật là đẹp! Thỉnh thoảng thấy vài khu vực có nhiều nhà nilông, nhưng không biết họ trồng gì trong đó.
Hồ Onkanagan là hồ lớn, rộng và sâu. Chiều dài của nó khoảng 135km, chiều rộng từ 4 đến 5km, với điện tích chừng 348km2. Độ sâu của nó trung bình là 100m, ở bìa hồ chừng 10m và chỗ sâu nhất là 232m. Lượng nước đổ vào hồ từ những vùng Mission, Vernon, Trout, Penticton, Kelowna, Peacheland, Equesis và Powers Creeks; và nước đổ ra sông Onkanagan rồi đổ về sông Columbia.
Đến khoảng 9 giờ 30 chúng tôi đến khu vực của vùng đất trồng nhiều đào lông và cherry. Ở đây nhà cửa khá đông đúc. Theo lịch trình sáng nay đoàn sẽ ghé qua vườn nho và thử rượu ở hãng rượu Summerhill Pyramid, vì vậy xe vừa vào cổng đã thấy một mô hình Kim tự tháp được trưng bày ở đó.
Theo tài liệu thì Summerhill Pyramid Winery được thành lập từ năm 1986 do gia đình Cipes làm chủ. Nó được chứng nhận là vườn nho canh tác theo kiểu “Organic”, tức là không dùng đến chất hóa học để bón phân hay sử dụng thuốc trừ sâu bằng hóa chất. Thôi thì mình cũng cứ nghĩ là như vậy!
Cái văn phòng, nơi bán rượu nầy có cảnh trí khá khang trang và đẹp. Đứng ở đây nhìn xuống phía dưới hồ kia cảnh trí rất nên thơ và cảnh quang, bày trí ở đây chứng tỏ nó là nơi thường được du khách đến thăm viếng, cho nên hôm nay chúng tôi đứng nơi đây cũng không có gì là lạ!
Trời có mây mù, mưa lâm râm, nhưng biểu tượng chai rượu được trang trí bên ngoài đang nghiêng rót rượu vào ly giống như thật cũng hấp dẫn nhiều người lên đứng chụp hình với cảnh hồ nước hơi là lạ.
Chai ruou va ho nuoc.

Tôi bắt chước làm một bôi hình cho vợ tôi trong khi chờ đợi được vào bên trong để thử rượu. Quầy bán rượu, cho khách thử rượu thì dài nhưng nhiều người, đông quá nên đành xếp hàng dài dọc theo bàn, cả bu quanh ở hai đầu để được thử loại rượu gọi là “ice wine”. Mỗi người được một cái ly rót vào chút ít rượu để thử mùi vị “ice wine” của rượu nổi tiếng ở Canada nầy, nó đã góp phần cho Summerhill Pyramid Cellar đoạt được nhiều huy chương của Canada kể cả của Anh và Pháp. Đa số những nhân viên ở đây là người Hoa nói tiếng Phổ Thông nên tôi không biết là chủ cũ vẫn còn làm chủ hay đã sang nhượng lại cho người Trung Quốc mất rồi.
Nghe quang cao ve "Ice Wine"

 Tôi định cư ở vùng đất Nam Úc, nơi cũng có nhiều vườn nho và hãng rượu; nên cũng vài lần đến hãng rượu để được nếm mùi rượu. Lúc đầu chúng tôi cứ tưởng đi thử rượu giống như những người chuyên môn làm rượu đã thử. Nhưng không, thử rượu của chúng ta chẳng qua là đến quầy bán rượu của hãng, vì có nhiều thứ rượu nên không biết thứ nào mà mua, nên ta cần nếm thử mùi vị để ta thấy thích thì mua loại mà ta thích. Thử rượu ở đây cũng là vậy! Nhưng ta từ phương xa nên chỉ cần thử đến loại đặc biệt “ice wine” thôi. Mà cũng chưa chắc là bao nhiêu người mua vì chuyến đi cũng hãy còn dài, và hành lý cũng còn lỉnh kỉnh khá nhiều. Do vậy đa số thử để cho biết cái mùi của “ice wine”.
Thu ruou.

“Ice wine” là loại rượu khai vị, nó không phải là nho được thu hoạch vào đúng thời điểm thu hoạch, mà nho nầy còn được neo trên cây cho đến thời tiết lạnh hơn nữa khi mà nước trong nho bị đông lại trong khi chất đường của nho thì không, nó thường là sau Tết Dương Lịch. Nho nầy được neo trên cây trong thời tiết đông lạnh để độ ngọt được đậm đặc hơn có khi qua đến hai đợt lạnh, như vậy nó dễ bị thất thoát do chim chóc ăn mất, đồng thời phải thu hoạch vào sáng sớm mùa đông để nho còn trong tình trạng đông cứng. Do đó sản lượng rượu cũng ít hơn có khi chỉ bằng 1/5 so với sự thu hoạch bình thường mà tiền nhân công phải trả xứng đáng với công cán họ bỏ ra trong việc thu hoạch nhanh vào sáng sớm băng giá, nên “ice wine” mà người ta gọi theo tiếng Hán Việt là “Băng Tửu” thường có giá cao.
Có câu chuyện kể là: Một chủ vườn nho ở Đức bận công chuyện đi xa nên không thu hoạch nho đúng lúc vào năm 1794. Khi trở về có thể vì tiếc rẻ nên ông đành thu hoạch nho của mình vào thời điểm mùa đông băng giá và đem đi ép làm rượu. Sự vô tình đó đã khiến cho rượu của ông trở nên ngọt, ngon hơn và có tên là rượu “mùa Đông” (Winter wine), mà người Đức gọi là “Eiswein”. Mãi đến năm 1962 thì “ice wine” được tung ra thị trường như một sản phẩm thương mại phổ biến ở Âu Châu.
Năm 1972 thì “Ice wine” được sản xuất ở Onkanagan Valley nầy do người di dân Đức Walter Hainle làm ra được 40 lít, nhưng rượu nầy không đủ tiêu chuẩn vì thu hoạch sớm và không có băng giá. Rồi năm 1978 ông làm một lần nữa cũng không bán ra thị trường. Nên đến năm 1984 “Ice wine” đầu tiên được đưa ra thị trường bán ở miền Đông Canada là sản phẩm của người di dân gốc Áo là Karl Kaiser ở vùng Ontario.
Hôm nay chúng tôi được đứng ở đây tại Estate của Summerhill Pyramid Winery để thưởng thức món rượu “Băng Tửu” ở vùng Onkanagan nơi được coi là “Make The Best Canadian Ice Wine”. Nhiều người muốn mua nhưng lưỡng lự vì chuyến đi còn dài ngày mà sự mang theo có nhiều phức tạp, vì vậy chỉ có vài người mua thôi. Cũng tiếc cho hãng Summerhill!
Sau một giờ nơi hãng rượu, đoàn lại lên xe vào lúc 10 giờ 40 để đi ra bờ hồ tại Thành phố Kelowna, nơi công viên có tượng con Ogopogo huyền thoại. Đường đi không xa lắm khoảng chừng trên 10 phút đồng hồ xuống đồi thì chúng tôi đã đến công viên Kerry Park nhìn ra bến du thuyền và nơi cho mướn những chiếc thuyền dạo chơi trên mặt hồ. Nơi nầy được gọi là Downtown Marina Kelowna.
Hinh tuong Ogopogo.

Cảnh sông hồ, cây cối có nhiều thú vị, lại thêm đường phố nhộn nhịp ở một bên. Mọi người lại thêm một khoảng thời gian để chụp hình kỷ niệm cho một chuyến đi xa. Cuối công viên nầy là nối với một công viên lớn của Thành phố có một tượng hình hai cánh buồm cũng là nơi để chụp ảnh đẹp và nhất là hình tượng con Ogopogo. Tượng nầy người ta gọi là quái vật (monster), nhưng nó lại giống với hình tượng con rồng đơn giản mà phương đông của mình hay nói đến. Ở công viên nầy có điều làm cho người ta thích thú là cái “toilet gia đình”. Hai vợ chồng đều có thể sử dụng cùng lúc, một bàn ngồi ở trong và người đứng ở ngoài.
Kelowna là Thành phố lớn thứ ba của Tỉnh British Columbia với số dân khoảng 195,000 dân nằm hai bên bờ hồ trong thung lũng Onkanagan cao 344m so với mặt nước biển. Người ta tính khoảng 9,000 năm trước đã có người đến đây, nhưng người Âu đầu tiên đến định cư ở đây để truyền đạo là ông Cha thuộc Thiên Chúa Giáo La Mã là Charles M. Pandosy, người Pháp. Kelowna là tên chính thức từ tháng 5/1905. Khi thành phố kỷ niệm 100 năm thì cầu mới William R. Bennett với năm làn xe chạy được xây dựng và hoàn thành vào năm 2008.
Không biết quái vật Ogopogo có thật hay không, nhưng trên đường khi đến đây, Hướng dẫn viên Vincent có đề cập đến những thông tin đã có và chiếu phim tài liệu truy tầm quái vật nầy cho chúng tôi xem. Lúc ấy tôi cũng chẳng quan tâm lắm. Khi vào Thành phố Kelowna, lại đến công viên Kerry Park và Cô Liên (Dẫn đoàn) kêu tôi đứng bên cạnh để chụp hình dùm tôi với hình tượng Ogopogo; thì trong đầu óc tôi lại nghĩ miên man về con rồng của văn hóa Trung Hoa có ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam. Không lẽ đây là hình ảnh sơ khai của con rồng mà về sau người ta thêm thắc những nét đẹp đẽ, thêu dệt để con rồng trở thành một con vật trong 4 loài thuộc Tứ Linh: “Long, Lân, Qui, Phụng” để rồi Rồng là biểu tượng cho Thiên Tử, Hoàng Đế, Hoàng tộc; còn trong dân gian Rồng hiện ra hút nước, làm trời mưa. Quái vật nầy cũng tạo được một quá trình huyền thoại mà tài liệu đã ghi lại như sau:
Vào Thế kỷ 19 người dân bản địa nhìn thấy nó giống như một loài rắn biển dài khoảng 12 đến 15m mà người ta nghĩ như một vị thần ở hồ, rồi hiến tế để cầu mong sự bình yên. Nhưng vào năm 1926 rất nhiều người trên 30 chiếc xe hơi ở bãi Okanagan Mission đều cho rằng mình đã thấy cùng một việc. Năm 1968 đoạn phim của Art Folden cho thấy có làn nước liên hệ tới sinh vật nầy. Năm 1978 truyền hình vào cuộc với loạt phim “In Search of”. Và năm 1990 Canada phát hành con tem về Ogopogo; 1996 X-files có đoạn phim đề cập đến Ogopogo. Đến năm 2005 National Geographic có một phần về “quái vật” trong “Is It Real: Monster of the Deep”, và huyền thoại về con vật nầy còn tiếp tục được đề cập đến nhiều lần nữa trong những năm sau đó. Và chắc chắn sẽ được nhắc tới dài dài về sau nầy như các mục tiêu khám phá cũng như là  “quảng bá” cho Kelowna và vùng hồ Onkanagan nầy để thu hút du khách và kẻ hiếu kỳ vậy!
Sau đó, mọi người lên xe từ giã chốn nầy để băng qua cầu về phần phía Tây của Thành phố và nương theo đường 97C mà tiến về Meritt. Đường đi dần lên cao, không biết có phải đường lên đỉnh cao của dãy núi hay không mà dọc đường nầy còn rất nhiều tuyết bao phủ trắng từ trong rừng cây cho đến ngoài cánh đồng. Thỉnh thoảng hình như xe đi qua những luồng mây với mờ sương và ẩm ướt. Ngồi trong xe tôi cứ mãi mê nhìn ra ngoài với nhiều suy nghĩ: Đẹp thì có đẹp, nhưng mà buồn quá! Về mùa Đông chắc là sự giao thông có nhiều trắc trở, đời sống sinh hoạt gặp có nhiều khó khăn!
Đến 1 giờ xe tới Meritt và chúng tôi ăn trưa ở một nhà hàng Nhật, nhà hàng nầy tương đối lớn và đông khách. Để rồi sau đó, xe chạy xuôi về Vancouver trên Highway 5 với đoạn đường khoảng chừng 270km. Về đến khách sạn Hyatt vào lúc 5 giờ 30. Sau khi nhận phòng và ổn định, chúng tôi lại phải tập họp lại vào lúc 6 giờ 15 để đi ăn tối ở nhà hàng Kirin cách khách sạn hai con đường.

Nguyên Thảo,
01/10/2017.



Wednesday, November 8, 2017

*Bài Thơ Say.


*Kẻ Gây Rối.

Thiếu chi những kẻ chuyên gây rối
Cứ quậy, cứ la, cứ khuấy thối
Hôm nọ phanh ra chuyện nhỏ nầy,
Mai kia khui nút hầm cầu thối.
Bà con ê mặt đã từ lâu
Sắc tộc đau buồn sáng đến tối.
Ăn nói làm sao với bạn Tây?
Dứt đi..! Xin bỏ đừng gây rối.

Đồ Ngông,
01-04-02.




*Người Tâng Bốc.

Lại có những người không biết mình
Thường hay tâng bốc chẳng sợ khinh,
Đến đâu cũng vậy, luôn o bế
Cấp lớn, bề trên, lẫn hạ mình.

Mọi người khó chịu đâm ra chán
Nhìn thấy tức cười: "Vậy thế a!"
Thôi đi nơi khác: Trông gay mắt
Tâng bốc thân hèn "nhất thế gia"!

Tâng bốc cũng thành một thói quen
Đôi khi nó lại trở nên ghiền
Không tâng, không bốc: Như còn thiếu
Tâng bốc bà con lại thấy phiền.

Tâng bốc, vô tình phá đám đông
Nhiều người mãi riết lại thành không.
Còn ta với chủ, ta tâng bốc
Chủ khoái cười to,... cảnh trống không...!

Đồ Ngông,
02-04-02.

 

*Bài Thơ Say.

Ta say túy lúy... quả ta say,
Say quá... cho nên đỏ mặt mày
Ta nói... nhưng mà,... ta chẳng nói
Nói gì...? Ta có nhớ hay... hay!

Ta say, ta chửi mày hay ta?
Ta chửi ai kìa...? Chắc chửi ta
Ta chửi thằng say, say hết biết
Ta là người thật,..  hay là ma?

Chân mặt, sao mày xiên cẳng trái?
Mày yên... sao chẳng để ta yên?
Lải nhải nói hoài... Ôi,... chán quá!
Im đi...! Ta cảm thấy là phiền!

Rượu ơi! Còn hết, sao không nói?
Ta đợi mày lâu,.. chẳng tiếng nào?
Khinh quá... Ta buồn ghê lắm đó!
Thôi mày,.. mày chẳng mến ta sao?

Ta chẳng có say, ai nói say?
Lang thang, lếch thếch cũng do mày
Cả ngày ta nhớ,... Ta không biết?
Lẩn thẩn, lơ thơ "Tỉnh với say"...!

Đồ Ngông,
07-04-02.

 

*Gã Lì.

Thế gian sợ nhất gã ù lì
Như câm, như điếc, chẳng làm chi
Chỉ biết có mình: Ông tự ý
Xeo cạy thế nào cũng giữ y!

Trời sinh ra đứa lì như thế!
Chỉ vô tích sự, hại thêm đời
Không biết mọi người, không tập thể
Chỉ mình, có một, một mình thôi!

Thì ra, cũng lại gã ù lì
Đưa mặt mày mo chẳng sợ chi
Quậy nát, quậy tan theo ý muốn
Mọi người như bỏ... Đúng ơi! Lì!

Nói với thằng lì: Nói với cây
Thà về đầu gối lại càng hay
Tiếp xúc nó chi cho thêm mệt
Bỏ đi! Mặc nó, đứa ù lì.

Cô lập nó ra, đừng nói tới
Coi rằng nó có cũng như không
Thằng lì đã chết rồi trong đám
Lì có hay không, chẳng bận lòng...!

Đồ Ngông,
10-04-02.





*Khi Hoa Anh Đào Nở. (8)


Hồ nằm giữa các phần của núi Hakone về bờ phía Bắc, Mikuni về phía Nam cho nên đi trên hồ mà nhìn hai bên đều là vùng đồi núi khá cao, phong cảnh nên thơ nhưng lại thấy mình trở nên nhỏ bé. Điều làm cho tôi thấy lạ nhất là tại sao trên sườn núi không biết là những cây gì mà trổ bông đầy trên đó, nhưng khi tôi “zoom” ống kính máy quay lại để nhìn cho rõ hơn thì không phải là bông. Vậy là cái gì nhỉ? Tôi cứ thắc mắc cái màu bạc bạc trên núi. Màu sắc ấy đầy dẫy xen với một ít “lủm” màu xanh của cây thông hay tùng bách gì đó. Chính vì vậy mà tôi sử dụng đến máy quay hơi nhiều, chứ không phải do cảnh quan đẹp của hai bên bờ. Khi đến những khu vực có nhà ở, thì có những táng Anh Đào đầy bông, màu bông cũng khá tiệp với màu trắng bạc ấy thì tôi mới biết chắc đó không phải là những rừng núi hoa Anh Đào. Vậy thì là gì? Tôi phải tìm cho ra lẽ mới được!
Đến gần cuối bờ, hai bên nhiều nhà cửa và dân cư, phía bên nây có vẻ sung túc hơn bên kia nhiều, ở đây có công viên lớn, khách sạn. Du thuyền cập bến, vào bờ nhưng mọi người đều có vẻ nuối tiếc và lưu luyến nên quay lại đứng chụp hình với bóng dáng chiếc tàu mà mình đã được đưa qua hồ như là những kỷ niệm. Đồng thời với phía sau xa xa là núi Phú Sĩ hiện lên trong bầu trời trong xanh, chỉ một chút thôi với phần đỉnh đầy tuyết trắng chứ phần thân đã bị ngọn núi bên hồ che khuất đi rồi! Thế là chúng tôi đã hoàn thành du ngoạn trên hồ Ashi trong khoảng gần nửa tiếng đồng hồ.
Phu Si Son.

Xe buýt đưa chúng tôi đến đền Thần Đạo gần đây, gọi là Hakone Shrine hay là Hakone Gongen của Thị trấn Hakone nầy. Theo sử liệu thì đền Hakone được tạo dựng từ năm 757 dưới thời Emperor Kosho ở đỉnh của núi Komagatake và được dời đến đây từ năm 1667.
Qua cổng Torii to lớn màu đỏ, chúng tôi đi vào con đưòng có hai hàng cây to lớn trồng đối xứng hai bên và theo những lớp bậc thềm trên cao phía trước để lên đến đền thờ. Khuôn viên đền nầy tương đối khá rộng. Phía hàng rào bên trái có khung treo đầy những giấy lời nguyện, mong ước của người hành hương. Rồi chính giữa là cổng vào đến chính. Ở nơi đây có nhiều người đến cầu nguyện. Tôi thấy có người đến liệng vài đồng tiền vào khoảng trong, rồi vỗ tay vài tiếng, xong họ rung dây thừng treo trước mặt, lại chấp tay và lâm râm cầu nguyện như xin Thần linh cái gì đó. Tất nhiên trước khi đến đây người ta đã phải rửa mặt, tay cho sạch sẽ ở hồ nước phía trước gọi là thủ tục với Thần linh ấy mà! Tôi nghĩ không lẽ người ta “vỗ tay” hoặc “rung dây” để Thần linh chú ý mà ngó tới để họ chứng cho lời cầu nguyện của mình hay chăng? Quả là mỗi dân tộc có cách suy nghĩ và cách hành xử riêng. Cũng là ngộ thật!
Khi xuống, đi giữa hai hàng cây cổ thụ, tôi thấy gốc nó to quá làm tôi ngạc nhiên mà phải nhìn lên, nó cao và suông, lúc đó tôi mới nhớ đến mấy cây cột dựng trên thềm cao của cổng đi vào của ngôi chùa Todaiji ở Nara mà ngày đầu ở Nhật chúng tôi đã viếng thăm. Không lẽ những cột ấy cũng là loại cây nầy. Đây là thông hay tùng? Tôi không biết ai để giải thích cho mình!
Đoàn lại lên xe buýt để đi đường vòng trở lại nơi xuống tàu lúc nãy. Đường luồn trong những tán cây màu trắng bạc không có lá, vài cây lá vừa chớm bung ra hơi xanh xanh. Thì ra, cái màu trắng bạc mà tôi cứ mãi thắc mắc lúc trên tàu qua hồ lại là màu của những cây nầy, chúng không phải là màu bông Anh Đào, cũng chẳng là màu cỏ trơ trụi mà là màu của cành cây của rừng cây ngút ngàn phủ trùm trên những núi nầy. Tôi không thắc mắc nữa. Xe theo đường dọc hồ có lúc lên lúc xuống ngoằn ngoèo để trở lại đường khi đi vào hồ.
Xe trở về đường cũ để đi ăn trưa. Trên đoạn đường lưng chừng núi nầy có một khoảng trống từ đó chụp hình hay quay phim núi Phú Sĩ rất đẹp, nhưng xe không dừng ở đó nên tôi chuẩn bị sẵn máy để thừa cơ hội nhưng khi vừa thấy thì đã không kịp rồi. Trong nắng tốt chói chang, những cây Anh Đào dại đầy bông trắng, rực sáng khiến tôi thoáng chốc bỗng nhớ quê mình vào dịp Tết mà bông “bù xít” nở đầy!
Xe bắt đầu xuống triền dốc, nơi nầy sao núi Phú Sĩ đẹp thế kia mà xe thì không dừng, và dưới kia là Thành phố. Xe đi qua các đường và sau cùng dừng lại nơi mà đứng ở đó có thể thấy rõ ràng cái chân của núi Phú Sĩ. Đây là rìa Thành phố Gotemba, là Thành phố khá lớn với gần 90,000 dân, và chúng tôi sẽ ăn trưa ở nhà hàng Nhật BBQ tại đây. Bây giờ đã là 1 giờ 30. Ở nhà hàng nầy có bảng đề chữ Việt về nước uống nhắc nhở khách hàng. Như vậy là khách du lịch Việt đến đây đã từ lâu, có thể bên trong lẫn bên ngoài nước, cũng do nơi cái thói quen của dân mình mà ra. Thuở xưa ông bà mình đã nói “con mắt to hơn cái bao tử” cũng đúng, lại thêm mình sợ hết và không đủ để rồi phung phí, và lại phung phí cả trên xứ người, nên người ta nhắc nhở cũng là phải thôi! Còn tự ái hay không là chuyện của mình! Ăn xong chúng tôi ra xe, tôi lại quên quay một đoạn phim hay chụp hình núi Phú Sĩ ở đây và nghĩ sẽ lên công viên trên đồi kia rồi lấy hình luôn, nó sẽ đẹp hơn. Đó là Fujibussharitoheiwa Park với rất nhiều cây Anh Đào còn nhiều bông và có cảnh chùa trên đồi cao. Nhưng cái gì cũng vậy, thời cơ không biết đến lúc nào. Vừa xuống xe trên công viên mọi người cố gắng tìm góc cạnh để chụp hình hay quay phim, mà rồi dịp may chẳng đến. Thời tiết ở đây thì tốt, nhưng ngọn núi Phú Sĩ lại bị mây kéo đến che mờ và từ đó luôn đầy mây nên người ta không thể chụp hình với dáng núi được nữa rồi. Có người nói: “Bầy trâu đang ăn trên núi”. Thế là vỡ kế hoạch, nên người ta đành chụp hình với những cảnh đẹp của chùa ở đây hoặc với những cành Anh Đào còn đầy bông.
May tren Nui Phu Si.

Đến 4 giờ, chúng tôi lại lên xe buýt khởi hành sang Atami. Từ Gotemba xe chạy về hướng Nagaizumi, và Numazu để sang Atami. Ánh nắng chiều xuống dần trên những ngọn núi dọc đường đi. Tôi ngồi nhìn cảnh mù mù bên ngoài chìm đắm trong cảnh mây khiến lòng mình nhớ nhớ đâu đâu. Mà lại lạ là cảnh núi trên đường đi nầy không là màu xanh của rừng cây dù đậm hay nhạt nhưng thỉnh thoảng lại có những khoảng trắng của các loại cây gì đó khiến trên sườn núi giống như da của loài trăn, rồi tôi lại nghĩ nếu tôi là người Nhật ở nơi nầy mà xa xứ thì tôi sẽ nhớ cố hương không biết là ngần nào! Nhưng cũng may là tôi chẳng sanh ra ở nơi nầy, mà tôi chỉ là du khách thôi, và có lẽ: “Chắc là du khách chỉ một lần”! Qua nhiều thành phố đông đúc và sầm uất, xe bắt đầu lên núi rồi đổ đèo. Đèo khá quanh co và độ xuống càng lúc càng nhiều và cuối cùng xe cũng đã đến nơi vào lúc 5 giờ 30 để lấy hành lý và nhận phòng ở khách sạn Atami New Fujiya Hotel.
Theo lời Jennifer dặn dò, sau khi ổn định và tắm rửa xong chúng tôi sẽ mặc đồ Kimono, mang dép của khách sạn cung cấp rồi tập họp ở phòng đợi vào lúc 7 giờ để đi ăn. Đêm nay chúng tôi sẽ có buổi ăn “hoành tráng” và tha hồ uống rượu hay bia do khách sạn cung cấp. Khi xuống “lobby” vì còn phải đợi các toán khác nên sẵn quần áo kiểu Nhật mọi người tha hồ chụp hình riêng hoặc chung cho thỏa mãn. Khách của khách sạn nầy khá đông, rất nhiều đoàn đến đây trú ngụ dù qua đêm như chúng tôi hay đôi ngày của vài đoàn khác. Nhà ăn thật lớn có nhiều khu, nhiều dãy bàn nhưng vẫn đầy người. Thức ăn vẫn theo kiểu “buffet” hay “all you can eat”, nhưng rượu bia thì ai muốn uống gì thì uống, không có hạn chế. Tôi cũng uống vài ly với anh Nhi, nhưng lại không để ý đến rượu “Sake” đặc sản của Nhật thì Phong, chồng Hường, đem đến cho tôi và anh Nhi một phần bình để uống thử. Thiếu chút nữa “đi Nhật mà chẳng biết mùi vị của rượu sake như thế nào, dở thiệt”! Thôi cám ơn cháu Phong nhiều nhe!
Một phần nghe mình lâng lâng, một phần lại mệt, thế là tôi đành bỏ cuộc đi tắm “onsen” với anh Đệ. Thế là ai cũng tính đến đây tắm truồng trong suối nước nóng ở khách sạn, nhưng hỏi ra thì cũng chẳng có ông nào, vì khách sạn khôn quá chừng cho uống rượu “đã đời” trước khi đi tắm nên nhiều người đã say, xong rồi lại làm biếng. Viết chơi cho vui, chứ đi tắm hay không do mình thích hay không thôi. Riêng tôi tại lưng mình có đeo “cục làm biếng” nên chẳng thèm trách “là bởi tại nơi đâu”?

Nguyên Thảo,
17/09/2017.



*Ai Đã Hơn Ai.



*Nếu Có Kiếp Sau.   

Nếu có kiếp sau, tớ xin đi học
Trở thành trí thức, chuyên ngồi tán dóc,
Xui người đấm đá, tớ thọc bánh xe
Người chẳng thèm nghe, tớ làm đòn xóc.

Nếu có kiếp sau, tớ thề moi móc
Loạn xóm rối làng, bình an trốc gốc,
Tớ cười hỉ hả, thiên hạ chao dao
Thây kệ đứa nào, thế còn chưa độc!

Nếu có kiếp sau, tớ làm thủ linh
Lập hết nhóm nầy, tớ gầy nhóm khác,
Bày ra lớp lớp, chửi lộn coi chơi
Khoái tỉ cuộc đời, gia nô hàng khối.

Nếu có kiếp sau, tớ làm ác quỷ
Gây rối cuộc đời, đóng vai nặng ký,
Quậy sóng đất bằng, đổi trắng thay đen
Giết chết mặt trời, thành nhân chi mỹ.

Đồ Ngông,
27-01-04.


 

*Ai Đã Hơn Ai.    

Chắc hẳn rằng ai đã hơn ai
Khoe chi tài giỏi, vội tưởng tài
Chê người, moi móc, luôn khuấy đục
Ai dè, chưa chắc đã hơn ai!

Nhân cách con người mới hơn ai
Học cao chưa hẳn đã là tài
Đức độ hơn người, đời mới quý
Giúp nhân, cứu thế mới là hay!

Học đã bao nhiêu, cứ tưởng tài
Tâm người chưa quá lòng bàn tay
Cứ ngỡ ta là tâm vũ trụ
Ai dè, chưa chắc đã hơn ai!

Đồ Ngông,
27-01-04.



*Bắt Chước!      
          
Bắt chước người, ta chửi....chửi cuộc đời   (không phải chửi người)
Ta nay hứng chí viết văn chơi,
Làm thơ moi móc đời nhiều xấu
Rồi chửi, rồi la đở hận đời!

Ta tiếc xưa kia học lỡ làng
Ngày nay ngu dốt làm dân gian,
Câu thơ, chữ nghĩa không sâu sắc
Chửi chẳng bằng ai, tức bẽ bàng!.

Phải trước ra đời đi "bán cá"
Học đòi sách vở của "hàng tôm",
Ngày nay võ miệng tha hồ chửi
Cho đám người gian "tịt" cái mồm.

Đồ Ngông,
9-4-02.



*Ta Cũng Là Ta.

"Chuyện nhỏ thành to" đến nữa rồi,
Lôi nhau đấm đá mãi chưa thôi
Văn chương, chữ nghĩa buông câu móc
Ý tưởng, ngôn từ lại khuấy hôi,
"Tiên mẹ" năm mươi lên chót núi
"Rồng cha" năm chục xuống chân đồi.
Cũng vì Tiên Tổ chia phe ấy,
Con cháu đời sau "nghịch" mãi thôi!

"Tức khí" làm gì chuyện đã qua
Bỏ đi ta lấy "nghĩa" làm hòa
Anh vào gặp mặt, ta chào hỏi
Bạn đến vui cười, bạn với ta.
Sung sướng bên nhau ôn kỹ niệm,
Hân hoan ngồi lại một đôi quà.
Rồng cha, Tiên mẹ lầm chia nhóm
Gạt bỏ cho rồi,... "Ta cũng Ta"...!

Đồ Ngông.








Wednesday, October 25, 2017

*Khi Hoa Anh Đào Nở. (7)


Có được một đêm ngủ mê vì phải trải qua ban ngày khá mệt, nhưng sáng tôi vẫn dậy sớm chắc một phần mình già nên ngủ không nhiều, hai là do quen giấc. Thức dậy từ lúc 5 giờ, tôi đến cửa sổ vén màn qua bên thì bên ngoài đã sáng, nhưng trời có vẻ lạnh vì sương đọng ướt trên kính cửa sổ. Mặt hồ phẳng lặng, yên tĩnh. Tôi lại lấy máy ra quay một chút.
Hôm nay phá thông lệ, thường thì người ta đi ăn sáng trước rồi mới trả phòng, nhưng ngày này chúng tôi lại phải đem hành lý xuống và trả chìa khoá phòng trước rồi mới đi ăn sáng. Có lẽ khách sạn muốn kiểm phòng kỹ hơn trong thời gian chúng tôi đi ăn sáng chăng? Nhiều người cho rằng: Đây là khách sạn cũ, nhưng mới tân trang lại và lấy tên mới tức là tên “Sun Plaza Hotel” mà theo tiếng Nhật (hay là Hán Nhật?) đọc theo âm Hán Việt thì là “Phú Sĩ Sơn Trung Hồ” cho nên nó còn nhiều cái cũ chứ không phải là khách sạn mới xây.
Giờ chúng tôi lên xe khởi hành đi là lúc 8 giờ, nên sau khi ăn sáng hãy còn chút thì giờ, mọi người thả ra bờ hồ ngắm cảnh. Mặt hồ phẳng lặng trong xanh, màu trắng của nhà cửa, du thuyền, các phương tiện cho mướn để du khách rong chơi trên hồ nổi bật lên lẫn với màu xanh của cây cối ở trên bờ. Nắng đã lên, nhìn xéo về phía sau, núi Phú Sĩ như sáng lên do màu tuyết phản chiếu trở nên thật đẹp. Ngày xưa khi chưa đến đây cứ nói đến Nhật Bản là người ta nghĩ ngay đến núi Phú Sĩ và Hoa Anh Đào trước tiên; rồi từ đó tôi cũng theo người ta, xem hình ảnh và tưởng tượng, phát họa trong đầu óc mình một khung cảnh ảo. Nay đến đây tôi mới nghiệm được cái nét đẹp của nó. Trên góc cạnh nầy nó đẹp, rạng rỡ thật qua ánh nắng mặt trời ban sáng, nhưng tôi nghĩ chúng tôi chưa nhìn được cái nét đẹp trọn vẹn của nó, vì chúng tôi đang đứng trên đường phố, vừa bị rừng cây, phố phường che chắn, vừa không nhỉn được bao quát. Nếu chúng tôi đang ở giữa hồ, hay bên kia bờ nhìn qua thì có lẽ núi Phú Sĩ sẽ đẹp hơn. Nói đến góc cạnh thì bao nhiêu người Nhật lẫn du khách nước ngoài đã đưa lên mạng hay các sản phẩm văn hóa rất nhiều. Còn tôi, tôi thấy ở núi Phú Sĩ một hình dáng cân đối, hai sườn thoai thoải vừa tầm, đỉnh không nhọn mà trải bằng một khoảng khá rộng vì nó là miệng của núi lửa. Hình dáng đẹp ấy khó kiếm trong thiên nhiên lắm, mà nó lại có độ cao khiến tuyết có thể phủ từ trên xuống gần phân nửa, cũng lại là một sự cân đối khác. Rồi núi Phú Sĩ bắt đầu cho một dãy núi thấp theo sau, nên nó nổi bật lên trên bầu trời xanh với một hình dáng thật là đẹp! Vì vậy nó hấp dẫn, lôi cuốn du khách kể cả trong và ngoài nước Nhật không có gì là lạ. Tất nhiên với cái đẹp và sự hung hãn của một núi lửa thì nó cũng được thêu dệt những mẫu thần thoại để đính kèm, giống như bao nhiêu dân tộc khác trên thế giới đã làm!
Hồ mà chúng tôi đang đứng là hồ Yamanakako. Ở vòng chân núi Phú Sĩ có 5 hồ: Hồ Yamanaka nầy với hồ Kawaguchi, Saiko, Shoji và Motosu. Hồ Yamanaka là hồ lớn nhất nhưng lại phát triển thứ nhì sau hồ Kawaguchi, còn các hồ Saiko, Shoji, Motosu là ba hồ nhỏ. Nơi đây tập trung của làng Yamanakako thuộc quận Yamanashi với số dân hơn 5 ngàn người có nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng và hoạt động vui chơi nhất là về mùa hè!
Đúng 8 giờ xe đã hoàn tất việc chất hành lý và đoàn khởi hành đi đến làng cỗ Oshino Hakkai không xa đây lắm. Len lỏi qua những rừng cây lẫn xóm, xe đến làng vào khoảng 8 giờ 40. Đường xe không rộng, nhà cửa thì cất theo kiểu chẳng là xưa. Có những khoảng đất đã được cày xới nhưng chưa trồng trọt, nó có màu đen nâu chắc là mầu mỡ giống như ở các vùng có núi lửa khác. Các nhà ở đây trồng nhiều bông và tạo cây cảnh dù những cây đó đã là rất lớn. Điều ấy mới thấy cái công phu của họ.
Xuống xe, đoàn đi theo sự dẫn đường của Jennifer dọc theo dãy đường tráng xi măng dẫn vào xóm. Băng qua cái cầu nhỏ, bên cạnh dòng nước, nhìn sang bên núi Phú Sĩ hiện lên cái hình dáng đẹp của nó ở xa xa. Cái hàng rào bên mương được làm “giả cây” để làm cho cảnh vật có vẻ thiên nhiên, chứ chắc nó là bêtông cốt sắt để giữ an toàn cho người đi đường khỏi phải lọt xuống đường nước, mà cũng khỏi phải thay thường xuyên do mục nát. Có cây tùng hay thông gì đó thân khá lớn, nhưng do nhiều thân nhỏ kết hợp chứ không phải là một thân trông cũng là ngộ nghĩnh hiếm có. Bên đường có cây Anh Đào đang đầy bông. Chắc do người dân sợ du khách không biết nó là cây Anh Đào, hoặc nó chính là cây Anh Đào “chính hiệu” nên họ viết mấy chữ “Sakura” lên bảng và treo lên đó. Tôi lấy làm lạ và quay luôn một đoạn phim và chụp vài bức hình về nó.
Cay Hoa Anh Dao. (Click vao hinh de xem hinh lon)

Qua đoạn đường ấy thì đến khu khang trang, sạch sẽ, cảnh trí thoáng nhưng đầy người. Thì ra đây là khu chính của làng cỗ nầy. Đây là hồ chính Wakuike cùng với 7 hồ khác trong khu vực mà người ta cho biết nước của nó là do tuyết từ trên núi tan rồi ngấm qua các lớp đất đá mà ngầm xuống đây, cho nên nó được xem là tinh khiết và là “của báu” thiên nhiên của Nhật từ năm 1985. Nước hồ rất trong có nhiều cá chép hay cá coi nhởn nhơ cùng rong nghiêng ngã làm dáng để cho người ta chụp hình. Đây là kiểu dáng của mấy nhà cổ khá đặc biệt, có guồng quay nước, lợp mái bằng rạ hay cỏ rất nhuyễn và được cắt xén khá đẹp. Bên cạnh là khu bán đồ lưu niệm. Người ta thi nhau chọn vị trí để chụp những bôi hình với khu nhà cổ, hồ nước, có các cây Anh Đào đầy bông phía sau cùng hình ảnh núi Phú Sĩ xa xa, như vậy là đủ bộ tiêu biểu cho một chuyến đi Nhật.
Lang co Oshino Hakkai.

Tất nhiên là tôi không thể để máy chụp hình hay máy quay phim được yên nghỉ vì chúng cũng đi du lịch với tôi mà. Phải quay và phải chụp để làm thành những kỷ niệm và viết cho mọi người xem chơi! Phần mua đồ là phần của vợ tôi, vả lại tôi cũng chẳng biết phải mua gì, nên chỉ biết xách và tìm những góc cạnh nào lạ và khả dĩ coi được để ghi lại hình, thế thôi!
Người ta thường nói nơi đây là “làng cổ nằm dưới chân núi Phú Sĩ”, chắc không sai nếu tính từ vùng đồng bằng để bắt đầu lên cao, chứ đối với tôi vùng nầy vẫn còn hơi xa thì nó chưa phải là “làng cổ ở dưới chân núi”. Tuy là vậy, nhưng ở chỗ nầy mới có được những hình ảnh đẹp về núi Phú Sĩ, còn ở gần quá thì chắc là không thể đẹp rồi! Không biết các nước khác cứ giành hoa Anh Đào là của mình như thế nào, chứ dân Nhật có Hoa Anh Đào, rồi họ trồng thành những công viên đẹp đẽ, trồng ở hai bên những đường nước, kênh rạch, sông ngòi để rồi khi mùa “Xuân sang có Hoa Anh Đào” cùng nhau tới ngắm với lễ hội “ngắm hoa” vui Xuân. Quả là một dân tộc có tâm hồn lãng mạn, yêu thiên nhiên và tâm hồn nghệ sĩ; mà tôi là một kẻ tình si, ăn có theo tâm hồn của họ như “mấy ngày hôm nay”!
Dù có thích hay không nơi này, thì chúng tôi cũng phải đến giờ từ giã, quà kỷ niệm thì đã có mấy bà, còn mấy ông chỉ mua được “quà đấu láo”, tán dóc với nhau thôi! Sau một giờ đồng hồ nhìn ngắm, quan sát, chúng tôi lại ra xe để đi đến một hồ khác trên núi mà người ta nói đó là một miệng núi lửa ngưng hoạt động từ lâu đầy nước. Đó là hồ Ashi, ở núi Hakone.
Từ Oshino Hakkai xe trở lại đường cũ đi trở ra xa lộ mà ngày hôm qua chúng tôi đã đi vào. Đến đoạn đường mà rừng cây trơ trụi lá, tôi lại ngạc nhiên nghĩ rằng: Không lẽ mắt mình bị bịnh rồi chăng? Tại sao ngày hôm qua thấy cây màu xám trắng mà bữa nay dường như nó có màu hơi đo đỏ? Tôi cứ dụi mắt xem mắt mình như thế nào, nhưng rồi cũng không khác. Tôi cho chắc là ảo tưởng, nên không thèm để ý đến nó nữa! Đường đi trở về cho tôi nhiều để ý hơn vì lúc nầy tôi không cầm máy quay nhiều nữa, có thì giờ nhìn ngắm cho thỏa mãn. Xe đi qua một thành phố mà núi Phú Sĩ thật gần, nổi lên một hình ảnh đẹp, nhưng tôi không kịp mở máy để quay, rồi xe lần lên núi qua những đường quanh co, chạy luồn trong rừng và đường đèo. Đâu cũng có nhiều cây Anh Đào nở rộ kể cả dọc theo đường núi, chắc đó là những cây Anh Đào dại. Ruộng đồng thì bây giờ chưa được canh tác nhiều chắc thời tiết chưa thuận tiên vì vừa qua mùa Đông.
Xe đến hồ Ashi, đoàn chúng tôi đi về bên cruise để đi tàu sang bờ bên kia gọi là Hakone Sightseeing Cruise chứ không phải đi về cổng Togendai. Mỗi người được một vé để xuống tàu. Tàu theo kiểu tàu buồm. Đứng trên tàu mà ngó sang hai bên bờ có nhiều lý thú, nhưng gió nhiều. Dù không khí trong lành do gió lạnh khiến tôi nhiều lần chạy vào, rồi lại phải chạy ra ngoài để nhìn, để quay. Có mấy khi lại đến đây!
Du thuyen tren ho Ashi.

Hồ nầy là Hồ Hakone hay còn gọi là Ashinoko, nó là một hồ do miệng núi lửa tạo thành bởi do sự sụp xuống của phần núi khi dung nham đã tràn ra ngoài theo hiện tượng mà người ta gọi là hiện tượng “Caldera”. Đây là cảnh quan du lịch của vùng Hakone và núi lửa nầy là núi lửa Hakone. Du thuyền đi trên mặt hồ từ hướng Tây Bắc xuôi về Đông Nam. Theo số liệu hồ có độ sâu từ 15 đến 43.5 m và chiều dài khoảng chừng 7 cây số, được tạo lập từ 200,000 năm trước khi núi lửa Hakone hoạt động. Du thuyền nầy có kiểu cách của một tàu buồm thuộc loại tàu cướp biển. Làm dáng như vậy để có hình thức lạ hấp dẫn du lịch chứ tàu nào cũng chạy bằng máy cũng đưa người “sang sông”, không quên “sang hồ” mới đúng! Tàu đi khoảng giữa hai bờ, mọi người đứng nhìn ngắm cảnh quan, nhưng khi nào gió lạnh quá thì chạy vào bên trong, để rồi lâu sau lại chạy ra. Do cặp mắt của mình thích ngó nên ngành du lịch mới được phát triển và mình phải cố gắng kiếm tiền mà đi du lịch. Nghĩ cuộc đời cũng có nhiều “cái lạ” và “lý thú”!

Nguyên Thảo
26/10/2017.



*Đùa Với Quan Ngài.


*Bôi Mặt.      

Có một thuở, ta là bạn hữu!
Dù không thân, chắc cũng không xa,
Gặp nhau vui vẻ, lòng khoan khoái
Chuyện kể vui cười, "tếu" hả hê!

"Tự phương xa" ấy (!), ta bôi mặt
Giương cựa cùng nhau đá "thả giàn"
Rướm máu, rụng lông chơi "chết bỏ"
Từng ngày, sang tháng lại qua năm!

"Vì ai?", ta là người "bôi mặt"!
Sừng sỏ, nghênh ngang, chẳng kể gì
Cứ đá! Rồi ra cùng bạn hữu,
Tàn rồi! Rách nát chẳng ra chi!

Đồ Ngông,
22-05-03.

 

*20 chữ tặng bạn.       

Tôi có mấy ông bạn,
Ông nào cũng chẳng vừa
"Vì người!" mà đấm đá,
Tới giờ chẳng chịu thôi!

Đồ Ngông.

 

*Bài Học Ngụ Ngôn.    

Nhớ thuở ngày xưa lúc tới trường
Lu trẻ đã học
Những lời ngụ ngôn cho tuổi nhỏ:
"Gà nhà bôi mặt đá nhau".
"Bớ lủ gà bây tệ lắm thôi!
"Nỡ nào đưa mặt để người bôi
"Mới vừa khắng khít thương nhau đó
"Nay đã hung hăng cắn mổ rồi..."
Thế mà,
Những lời ngụ ngôn ấy
Đến nay đã mấy mươi năm
Lủ trẻ hoá ra già,
Nhưng chắc già
thành ra lú lẩn,
Hung hăng vì đã bị người bôi
Đá nhau la chí choé
Chửi nhau chẳng tiếc lời
Nơi quê người
Xứ xa
Mà giống như bọn hàng tôm, hàng cá
Không nghĩ tới đồng bào,
Chẳng nghĩ đến đời sau
Làm điều "vô liêm sĩ"
Không đáng sống ở đời
Mà chỉ,
Tạo thêm
Cho dân tộc nhiều nhơ nhuốt.
Thế mà họ vẫn huênh hoang
Như bầy sói
Giỏi tru giữa rừng
Trong đêm vắng...!

Đồ Ngông,
14-10-03.

 


*Đùa với Quan Ngài.     

Quan Ngài thân trí thức,
Đồ tôi lủ dân đen
Quan Ngài cao chót vót
Đồ tôi mắt đầy ghèn!

Hôm qua Ngài "địt"  (đánh rắm) thúi
Đồ tôi chẳng dám than,
Không lẽ khen thơm quá!
Sợ Ngài nói: "Chơi khăm!"

Đọc thơ văn Ngài chửi
Đồ tôi bỗng giật mình
"Lúc nhỏ ai đi học
Cũng phải vậy thế sao?"

Học không phải giúp đời
Học không để nên thân
Học mai sau mà chửi
Chửi có văn, có vần...!

Học để làm người giỏi
Được vinh thân phì da
Ai giành, thì mình chửi
Cho họ tởn tới già!

Học để gây thế lực,
Giữ vững ngôi vị mình
"Bành ra" thêm uy thế
Cho người sợ khiếp kinh!

Đồ tôi thân ngu dốt
Như vịt tắm trong mưa,
Sấm vang cùng biển động
Sá chi thân điếc mù.

Quan Ngài thân trí thức
Đồ tôi lủ dân đen
Quan Ngài thơm như cứt,
Đồ tôi thúi như phân.

Quan Ngài thơm như cứt,
Đồ tôi thúi như phân
Đôi ta chẳng cùng vần
Nhưng đều là một thứ!...

Đồ Ngông,
29-12-03.


Thursday, October 5, 2017

*Khi Hoa Anh Đào Nở. (6)


Theo kế hoạch thì sáng này chúng tôi sẽ bắt đầu di chuyển về Phú Sĩ Sơn. Sau khi ăn sáng xong, trong thời gian đợi xe buýt tôi và anh Nhi thả dọc ra ngoài thì đường phố nơi nầy không có vẻ của một thành phố, nó ít xe và đường len lỏi dưới những tàng cây xanh tươi vào mùa Xuân, thật là yên tịnh và mát mẻ. Nhưng, Jennifer cho biết là chúng tôi không đi thẳng về Phú Sĩ mà lại sang Kyoto đón xe lửa tốc hành, và xe chở hành lý sẽ đến vào lúc 8 giờ 30 để đưa hành lý đi trước.
Thế là chiều ngày hôm qua chúng tôi từ Kyoto chuyển đến Kobe nầy chỉ để tham quan một Thành phố được xây dựng lại từ sự tàn phá nặng nề do động đất, cùng ăn tối và ngủ ở khách sạn; để rồi sáng nay lại vượt chặng đường gần 75 cây số quay trở lại Kyoto, cũng là kỳ công thật! Nhưng nhờ vậy mà chúng tôi lại biết thêm những điều mới lạ, không biết đó có phải là dụng ý của tour du lịch hay không, nhưng trong lịch trình thì chúng tôi ngủ tại khách sạn Ariston ở Kobe nầy cho rẻ hơn?
Xe chở hành lý đi rồi thì đến 8 giờ 30 chúng tôi lên xe buýt để quay về Kyoto. Xe về đến Maruyama Park vào lúc 10 giờ, mọi người sẽ tham quan ở đây cho đến 11 giờ. Vào thời điểm nầy các cây anh đào đã không còn nhiều bông và lá xen vào mơn mởn, nhưng một khung cảnh rất đẹp và tươi mát bên bờ hồ với chiếc cầu bắt ngang. Công viên được coi là công viên cổ xưa nhất của Kyoto, nó thành lập từ năm 1886 và là nơi ngắm hoa anh đào nổi tiếng vào mùa Xuân với khoảng 800 cây anh đào, nhất là loại hoa anh đào rũ “Gion Shidare Zakura” mà tại trung tâm công viên có cây cổ thụ thuộc loại nầy nên càng hấp dẫn nhiều người dành cho những tấm hình để làm kỷ niệm.
Hồ và cầu trong công viên Maruyama.

Tại đây rất đông người có nhiều đoàn mặc đồng phục, không biết có phải là những đoàn sinh viên không mà lứa tuổi của họ vào khoảng đó đến tham quan. Lại có đoàn mà người ta mặc Kimono đang đi ra khá đông, nhưng những người nầy trò chuyện nhau bằng tiếng Nhật chứ không phải là tiếng Trung, như vậy họ không là du khách Trung Quốc hiếu kỳ.
Vì tôi thích quay phim để ghi lại hình ảnh cho nên tôi đi len lỏi theo các con đường tương đối là nhanh vội để ghi lại những góc cạnh theo thời gian cho phép. Đi theo con đường lần lên đồi qua những hàng tre thì lên đến ngôi đền và có cả chùa nữa. Ở đó tôi và anh Ba Quang thấy không cần thiết để đi xa hơn, một phần cũng sợ lạc đoàn và trễ giờ giấc nên đành quay trở xuống theo một hướng khác. Con đường xuống dốc nầy rất rộng lát gạch vuông, hai bên như khu vườn cây đầy bóng mát, bên trong có vài kiến trúc kiểu Nhật riêng biệt làm cho du khách cảm thấy thích thú. Cuối đường đó nối lại con đường về trung tâm chính. Xuống đến đó thấy những người trong đoàn đang ngồi nghỉ ở công viên nhỏ với những cây anh đào nhiều cánh màu hồng đậm và họ đang tìm góc cạnh để chụp hình. Tôi và anh Ba Quang lại thả dọc về hướng phía dưới.
Qua cổng Torii lớn màu cam, càng đi sâu hơn thì lại đến khu kiến trúc sao có vẻ là chùa hơn là đền của Thần Đạo. Lại bước sang phía phải qua một cổng Torii khác khá lớn nhưng bên trong là một khu vườn, cho nên chúng tôi trở ra. Không biết dọc bên trái con đường người ta muốn trưng bày những mô hình trang trí của một đền thờ Thần Đạo, hay chúng là những đền thờ nhỏ; nhưng chúng có khuôn khổ giống như các mô hình nhỏ, mỗi căn có cách bố trí khác nhau; xem qua đó du khách có thể hình dung được phía trước cùng bên trong của một đền thờ Thần Đạo được xếp đặt ra sao.
Trở lại những ghế cây bên cạnh một công viên nhỏ với những cây anh đào hồng tôi chụp vài bôi hình cho vợ tôi cùng những người bạn trong lúc chờ đợi mọi người tập trung lại để xe đưa đi ăn trưa.
Rời công viên vào lúc 11 giờ và ở đây tôi mới thấy có vài cây anh đào chắc trổ sớm cho nên bây giờ đầy lá xanh lớn và có cả trái nữa, như vậy trong chuyến đi nầy tôi đã thưởng thức được đầy đủ hoa, lá, cành, trái của Anh đào, chứ không hẳn là hoa không, chỉ thiếu một cái là không chứng kiến được “Hội” ngắm hoa thôi! Nhưng chẳng có sao, bao nhiêu đó cũng là quý lắm rồi!
Xe đưa về một nhà hàng có lầu mà Jennifer cho biết là nơi đây vào ban đêm có những nàng Geisha phục vụ cho khách hàng, cho nên có những phòng trải chiếu và không bày biện nhiều. Nhưng chúng tôi có phòng với những dãy bàn dài mà nhân số của đoàn chiếm luôn hai dãy.
Xong bữa ăn cũng đã là 12 giờ 20, xe buýt lại đưa chúng tôi về nhà ga để đón xe lửa tốc hành Shinkansen đi Phú Sĩ Sơn. Giã từ xe buýt, đoàn vội vã đi theo sự hướng dẫn của Jennifer, băng qua đường, dọc theo hành lang để về trung tâm nhà ga. Jennifer vào văn phòng lấy vé, nhưng chuyến xe của chúng tôi hãy còn lâu cho nên Jennifer lại đưa chúng tôi về cửa Bắc để nhìn cái kiến trúc hiện đại của nhà ga nầy.
Nhà ga xe lửa đầu tiên của Kyoto được thành lập vào năm 1877. Và nhà ga hiện nay là nhà ga thứ tư được hoàn thành vào năm 1997 có cấu trúc hiện đại mà phần vòm cao nhất lên đến 70m. Những khung sắt màu kim loại được lắp ráp thành mái vòm trên cao làm cho mái trở nên rắn rỏi, hùng mạnh vươn lên che chở cho các tiệm bán và du khách ở phía dưới trong một không gian tương đối rộng lớn chừng 238,000 m2. Có những bậc thang đi lên trên cao chia thành nhiều cấp (người ta tính có đến 171 bậc) rộng lớn ở giữa để cho những người thích đi bộ, hoặc cho những sự kiện được tổ chức vào cuối tuần. Tuy vậy, vẫn có thang cuốn chiều lên và chiều xuống cho những ai cảm thấy cần thiết như bọn già tụi tôi chẳng hạn. Qua những bậc thang cuốn, cuối cùng chúng tôi cũng lên đến tầng bằng để nhìn ngắm khắp thành phố Kyoto.  Tầng bằng là một không gian như sân thượng để mọi người lên đây ngắm cảnh ra xung quanh và chụp hình, quay phim toàn cảnh Thành phố. Nó cũng được trang trí bằng những sân cỏ, bồn bông trồng tre để làm dịu mắt cho du khách và được đặt tên là “Happy Terrace”. Lên đây đứng nhìn ra bên ngoài cũng được, mà nhìn xuống phía dưới bên trong xem người qua lại cũng được. Nhưng tôi lại có cái thú nhìn phía dưới bên ngoài để thấy những cặp đường ray xe lửa và xe chạy trên đường phố, tuy nhiên bị lớp kính dầy cùng những trụ bê-tông chống giữ, an toàn che chắn và nhuộm màu nên hình ảnh không trung thực cho lắm!
Sau đó thì Jennifer lại hướng dẫn đoàn đi qua một dãy tiệm mì “udon” đang đông khách để đi vào con đường gọi là “Skywalk” len lỏi trong những khung sườn trên cao mà chúng tôi có thể quan sát bên ngoài qua những lớp kính dầy. Đường đi nầy nối từ đầu Đông sang đầu Tây của kiến trúc. Khoảng giữa có những nơi để du khách ngừng lại quan sát ra bên ngoài. Mọi người thích nhất là chụp hình ở nơi nhìn ra Tháp Kyoto, nó rõ ràng không bị vướng vào cảnh quan nào.
Tháp Kyoto.

Qua đầu phía Tây chúng tôi thả lần xuống dưới để đi về trạm xe lửa vì cũng sắp gần tới giờ. Qua cổng soát vé đoàn đến trạm để đón chuyến xe lửa tốc hành Shinkansen đi Tokyo. Chuyến nầy có tên là Kodama 662 nó sẽ đến vào lúc 1 giờ 59 chạy đến Tokyo và ngừng ở tất cả các trạm và đây là xe lửa không hút thuốc. Ai hút thuốc thì ráng nhịn!
Chúng tôi nhanh nhẹn bước vào toa và Jennifer phải kiểm soát lại để rủi có ai rớt lại thì sao. Nhưng tất cả đều đủ. Toa xe rất sạch sẽ, một bên 3 ghế và một bên hai ghế, ngồi rất thoải mái, đường giữa rộng hơn là trên máy bay. Xe bắt đầu ra ngoại ô, càng lúc nó chạy càng nhanh, mọi thứ gần như trốn chạy về phía sau. Tôi mãi mê đưa máy ra ngoài quay những cảnh ở thôn quê, nhà cửa có lúc chập chờn, nhưng xe chạy khá êm.
Theo tài liệu thì Shinkansen là hệ thống đường sắt cao tốc của Nhật được thiết lập từ năm 1964, xe lửa chạy với tốc độ 210 km/giờ, sau nầy dần phát triển nối các thành phố lớn và chạy với vận tốc lên đến 300 km/giờ.
Cách phục vụ trên xe lửa như thế nào thì tôi không rõ, tuy nhiên cứ mỗi lần cửa toa mở ra thì lại thấy nhân viên không biết là an ninh hay giữ chức vụ gì lại cúi đầu chào trước khi bước vào, và hình như sau khi bước ra anh ta cũng quay lại nghiêm cẩn để cúi chào lần nữa thì phải vì tôi không nhớ rõ lắm. Tôi có nói với vợ tôi người Nhật quá lễ phép nên trở nên cầu kỳ. Điều ấy chắc là không đúng lắm! Dọc theo các ga tôi nhìn hình như nhiều người Nhật có chiều cao không cao lắm, hay là tại mình nhìn xa; thì tôi lại nhớ đến những người già cỡ ba tôi kêu lính Nhật trong thời Nhật chiếm đóng ở Việt Nam là “Nhật lùn”, hay là thuở ấy họ lùn thiệt và tôi lại nghĩ đến những người lính ấy mà mang súng trường kiểu “Mousqueton” (?) mà dân gian gọi là “mút cà thòn” thì chắc là chấm đất mất!
Mãi lo suy tưởng chuyện tào lao thì xe lửa ngừng lại ga, mọi người xuống theo lời của Jennifer. Đây là ga Shin Fuji chứ không phải chúng tôi sẽ đến Tokyo, vậy là lại được đi xe buýt tiếp tục cho chuyến hành trình. Lúc đó là 4 giờ 30.
Xe rời Thành phố, tôi lại càng chú ý hơn vào vùng thôn quê của Nhật để tìm xem những khác biệt đối với vùng thôn quê quê mình (Việt Nam chứ không phải là Úc Đại Lợi). Tất nhiên là với sự tiến bộ và nhiều năm trong hòa bình vùng thôn quê của quê mình làm sao bằng quê người. Hơn nữa với mấy mươi năm sau hòa bình người ta đã đi đến tận đâu còn đất nước mình vẫn loay hoay “làm và sửa” cho đến tận bây giờ. Nghĩ lại ông Marx mà ổng sống lại chắc ổng phải lắc đầu với hàng hậu bối đang thực hiện điều ổng mơ ước và tạo ra, không khéo ổng lại khóc nức nở cũng không chừng!

Thôn quê ở Nhật.

Xứ Nhật được xem là xứ dân quá đông đúc tức là lâm vào nạn “nhân mãn” từ lâu, lại là xứ nhiều núi mà không ít động đất thiên tai, thế mà chính phủ và dân Nhật đã tận dụng địa hình để phát triển quốc gia và kinh tế. Xe đã chạy qua nhiều cánh đồng, trong đó có những vườn trà mà tôi đã nhìn thấy và ghi lại, những khu nhà ở trên triền núi, hay những nhà máy gần với khu dân cư nhưng đường sá vẫn khang trang, rộng rãi, thuận lợi cho cơ sở hạ tầng. Người ta trồng trọt ở những vùng thung lũng hay những nơi đất bằng.
Vườn Trà.

Theo đường hay những đường phố thường xuất hiện nhiều cây Anh đào, quả thật người Nhật tha thiết với nó quá, cho nên nơi nào cũng thấy dù khoảng thời gian nầy có loại đang đầy bông, cũng có loại với tàng lá xanh mà bông vẫn còn lưa thưa. Bởi vậy, người ta coi Nhật là xứ sở của Hoa Anh Đào cũng không có gì lạ! Xe đang tiến lên con đường dọc theo núi để đi về vùng hồ Yamanakako. Tối nay chúng tôi sẽ ngủ ở khách sạn Yamanakako Sun Plaza Hotel. Ở hai bên đường có nhiều đoạn cây trơ trụi, vươn cành và chưa ra lá nào khiến tôi nhớ đến vài khu rừng chồi lưa thưa ở miền Đông quê tôi vào mùa khô và cũng lại nhớ đến câu thơ của cụ Nguyễn Du trong Truyện Kiều “Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san” mà nghe lòng có phần tê tái!
Xe chạy đến cái hồ và chạy dọc theo đó, rồi chậm lại, tôi cố nhìn xem chuyện gì phía trước. Nhưng không, xe đi vào chỗ đậu rồi ngừng hẳn. Chúng tôi lại xuống xe. À! Thì ra xe đến khách sạn rồi! Thế là chúng tôi đã vượt 63 km từ Shin Fuji (Tân Phú Sĩ) để đến nơi nầy vào lúc 6 giờ chiều. Hành lý đến tự bao giờ được xếp vào trong một góc chờ chúng tôi đến nhận sau khi đã nhận phòng. Jennifer cho biết chúng tôi sẽ mặc những bộ đồ để sẵn ở trên giường, xong rồi tập họp ở dưới phòng đợi.
Tưởng gì, té ra ở khách sạn người ta muốn mình học theo kiểu Nhật, mặc bộ đồ của Nhật, mang dép xuống đây để ăn tối, đồng thời xúm nhau chụp hình lưu niệm với nhau. Đồ đàn ông thì có thắt lưng xanh còn của nữ thì thắt lưng đỏ, nhưng người ta để trong phòng tôi lộn rồi nên dây thắt lưng của tôi lại màu đỏ còn của chị Cỏn ở phòng kế bên thì lại màu xanh. Thôi thì mình làm đàn bà đỡ vậy! Thế mà vợ chồng tôi cũng ráng chụp nhiều bôi hình với anh chị Nhi, Đệ và Bảy Gàng. Nhìn lại hình mới thấy mình thật là “khờ khạo” biết bao nhiêu! Già rồi mà vẫn còn “dở tính”!

Nguyên Thảo,
06/09/2017.