Tuesday, January 17, 2017

*Quê Người! (15)




Chiều hôm đó, tôi lại gặp một anh bạn cùng còn ở trong trại tiếp cư với chúng tôi tại căng-tin anh cho biết là hôm chủ nhật vừa rồi người ta đã đổi giờ. Tôi ngạc nhiên về vấn đề nầy và hỏi anh bạn: Vì sao? Anh bạn cũng chưa tường tận nên chỉ nói người ta kêu vặn đồng hồ thụt lại một giờ. Như vậy đổi giờ chỉ là vặn lại đồng hồ mà thôi. Ở nơi đây tôi gặp lại Lê Nguyên Tịnh người bạn đã cùng một chuyến tàu vượt biển với tôi ngày nào và cùng nhau tát nước khi nước biển tràn vào trong khoang tàu. Tịnh đến trước tôi một tháng và đang chờ vào lớp Tiếng Anh cho người mới tới. Tịnh vẫn còn ở trong trại Pennington nầy mà chưa dời ra ngoài. Ngoài Tịnh, còn có Lê Văn Hiệp, Trần Thanh Sơn là những người đi cùng một chuyến tàu vượt biển với tôi đến định cư tại Adelaide nầy, nhưng Hiệp và Sơn đã theo bạn bè ra mướn nhà ở bên ngoài. Tôi chưa gặp lại họ!
Ăn chiều xong, tôi và Thành trở về phòng của mình. Sau đó không lâu thì Bác Vỹ rủ chúng tôi sang phòng mấy bác chơi vì có anh bạn từ ngoài vào thăm. Anh bạn nầy làm ở hãng xe hơi Holden của Úc cũng gần đây. Hôm nay vào ngày cuối tuần nên rỗi rảnh anh vào trung tâm tiếp cư nầy để tìm coi có ai quen mới tới không cũng như để thăm hỏi nhau như tình người đồng hương. Trước thì thăm hỏi tình hình sức khoẻ, sau thì về hoàn cảnh, tư tưởng. Anh thì đã đến đây được khoảng vài năm trước. Anh kể những năm anh đến đây người Úc thương người tị nạn mình lắm, cuối tuần người ta thường hay đến đây để uỷ lạo, giúp đỡ, thậm chí người ta lại chỡ mình đi chơi đây đó; còn hãng xưởng thì có hãng đến hỏi mình có muốn làm không chứ không như những lúc gần đây người ta trở nên kỳ thị và tỏ ra “ghét” mình, nhất là phong trào bày Á Châu của ông giáo sư sử học Blainy nào đó. Anh cũng cho biết là ở đây có một băng thanh niên “tóc dài” nổi tiếng là quậy và có những lúc đụng độ với băng “mô tô, lòi tói” của Úc, từ khi băng tóc dài nầy đâm chết người Úc ở bãi biển Glenelg thì phong trào kỳ thị và sợ người mình càng nhiều. Anh bạn cũng cho biết là có một võ sư nổi tiếng đỡ đầu cho nhóm nầy! Mấy anh, mấy bác cũng nên cẩn thận vào ngày Thứ Năm khi mình lãnh tiền của xã hội cấp cho, băng nầy cũng thường hay tới để hỏi tiền lắm! Cuộc tâm tình khá lâu; Bác Vỹ, Bác Phương có nhiều câu hỏi thực tế để tìm hiểu đời sống nơi đất lạ quê người. Còn tôi chỉ nghe thôi chứ không biết mình sẽ phải làm gì trong giai đoạn nầy! Nghĩ lại mình còn nhiều vấn đề phải lo!
Sáng Chúa Nhật, sau khi ăn sáng ở căng-tin, tôi và Thành về phòng không bao lâu thì Trọng đã chỡ chị Yến đến rủ chúng tôi đi chơi. Trọng đưa cho tôi vài gói thuốc Winfield đỏ để hút. Phải nói tình cờ anh em tôi lại gặp Trọng, chị Yến trên đất khách quê người làm cho chúng tôi cảm thấy ấm lòng và rút ngắn thời gian cho nhiều vấn đề mà lý ra chúng tôi cần thời gian rất lâu mới học hỏi được. Trọng chỡ chúng tôi đến một chợ “secondhand” khác được mở vào ngày Chúa Nhật. Ngày Chúa Nhật đầu tiên trên quê người sao thấy tương đối là vắng lặng, trên đường phố xe chạy không nhiều, người vãng lai cũng ít. Nó không giống quê mình, ở quê mình ngày Chúa Nhật nghỉ ngơi người ta ra đường, ngồi ở các quán uống cà phê đấu láo, ăn nhậu xì xèo, mặc dù sau “Ngày Giải Phóng” mọi gia đình và đất nước đã lâm vào cảnh nghèo và khốn cùng hơn trong thời gian chiến tranh rất nhiều. Tôi ngạc nhiên hỏi Trọng. Trọng cho biết là cuối tuần, từ chiều Thứ Sáu là dân Úc đã lái xe ra ngoài vùng thôn quê hay vùng biển để chơi, câu cá, tới chiều Chúa Nhật họ mới trở về để sáng Thứ Hai bắt đầu đi làm trở lại, bắt đầu cho một tuần mới. Tôi lại nói: “Đây là xứ sở của Thiên Chúa Giáo tao tưởng ngày Thứ Bảy, Chúa Nhật các nhà thờ sẽ vang rân cho những người đi lễ, nhưng không ngờ vắng lặng như thế nầy, thật là khác xa với khung cảnh ở Việt Nam”! Xe đến chợ secondhand, Trọng trả tiền vào cổng rồi tìm chỗ đậu xe. Chúng tôi cùng nhau đi rảo các gian hàng. Các gian hàng kế tiếp nhau thành một dọc dài, có gian bày trên tấm bạt trải trên mặt đất, có gian thì có bàn, có gian thì có che nắng có gian không, nhưng đa số là đồ cũ cho nên người ta gọi chúng là “secondhand”. Dù là chợ bán đồ cũ nhưng các gian hàng bán cũng rất là đông kéo hàng chục dãy kế tiếp nhau trong cái rạp chiếu bóng ngoài trời nầy giống như cảnh ngày hôm qua nơi mà tôi đã gặp Trọng, nhưng lớn hơn nhiều!  Đi coi chơi cho biết chứ tôi không có mua gì. Trọng hỏi tôi muốn mua gì không, cứ mua đi nó có tiền đây nè, nhưng tôi chưa biết mình có gì cần phải mua, thôi thì từ từ vậy! Hôm nay trời tương đối nắng ấm nên người đi chợ khá đông. Chị Yến nói có những ngày mưa chợ rất vắng, người ta đi chợ nầy như là giải trí, còn những người cần mua vài thứ cần dùng, họ thường đến rất sớm để vào cửa và rảo các gian hàng để tìm mua như những thứ mà người đã xách ra cửa khi chúng tôi vừa đến mà chúng tôi đã thấy. Đi chợ nầy cũng có nhiều cái vui vui.
Trưa về tôi và Thành lại ăn cơm với Trọng và chị Yến, rồi Trọng đưa chúng tôi về phòng ở Pennington để chiều chúng tôi sẽ ăn chiều ở căng-tin. Khi chia tay Trọng còn cho biết, tối sẽ đến rước tới nhà người quen coi phim.
Sau khi ở căng-tin về phòng, tôi lo chuẩn bị viết thư về nhà để vợ tôi phải chuẩn bị mọi thứ giấy tờ gởi qua để tôi có chứng từ làm hồ sơ bảo lãnh theo kinh nghiệm Trọng đã làm. Mỗi lần viết thư, tôi lại có nhiều cảm xúc lẫn suy nghĩ nên viết được một bức thư thật là lâu có khi phải cần đến vài ngày, nhưng lần nầy tôi phải cố gắng viết xong sớm để Trọng gởi dùm về gia đình mà lo những giấy tờ cần thiết. Đây là bức thư đầu tiên báo về gia đình là tôi và Thành đã đặt chân lên đất Úc Đại Lợi để định cư và chọn nơi nầy làm quê hương. Thế là “Cuộc hành trình vượt biên” cùa hai anh em tôi đã hoàn tất và chúng tôi phải đi vào giai đoạn khác. Cái giai đoạn sau nầy mới thật là quan trọng: Vừa lo bão lảnh gia đình, vừa lo ổn định cuộc sống và thích ứng với hoàn cảnh nơi mà cuộc sống hoàn toàn xa lạ ở đất khách quê người!
Tôi viết bức thư chưa được bao nhiêu thì Bác Vỹ, Bác Phương đã báo tới giờ đi ăn chiều. Chúng tôi lại lục tục kéo nhau lên căng-tin xếp hàng để lấy thức ăn. Những ý nghĩ, nhận xét mới lạ được trao đổi với nhau ở đây; cùng những lo lắng, dự định trong tương lai được phát thảo mặc dù nó chưa đủ nhân tố để thành hình vì chúng tôi chỉ ở trên đất người mới được có vài ngày.
Ăn xong, tôi có dịp gặp lại Cô Giang và cô báo là ngày mai sẽ đi lên Sydney với bà con và ở luôn trên đó, cô chúc tôi được cuộc sống an lành, tôi cũng chúc cô sẽ được nhiều may mắn trong cuộc sống mới. Tôi cũng không quên hỏi vì sao cô bảo là “Đàn ông ở đây giống như là vô viện dưỡng lão”. Cô chỉ cười mà không trả lời! Điều ấy khiến tôi lại càng tò mò cái Thành phố Adelaide và Tiểu bang Nam Úc nầy nhiều hơn nữa! Nhưng có một điều tôi khá an tâm trong suy nghĩ vì cô Giang cũng như là chúng tôi thôi, chỉ nghe người ta nói chứ chưa hề từng trải, kiểm nghiệm chốn nầy nên những điều cô nói chỉ là nhắc lại nhận xét không đúng hẳn của người đi trước mà thôi!
Chiều vừa nhá nhem tối, Trọng đã đến rước tôi và Thành đi chơi. Tôi giới thiệu Trọng với Bác Vỹ, Bác Phương. Bác Vỹ nói: “Chú mày được may mắn rồi đấy nhé, lại gặp được người thân!”. Trọng, chị Yến đưa tôi và Thành đến nhà Huynh cũng không xa với trung tâm tiếp cư Pennington là bao nhiêu. Ở đây cũng có vài người nữa, đó là những người qua cùng chuyến bay với Trọng, Yến như gia đình của Huynh, anh Hiệp với hai đứa con; Mai, Trí. Họ cũng đến từ Sungai Bési vào tháng 7/1983, tức là trước tôi và Thành khoảng 8 tháng. Tối nay Huynh cho mọi người coi phim cao-bồi.
Trọng đã bàn tính với vợ chồng Huynh để tối nay vừa xem phim cùng ăn cháo coi như là đãi tôi và Thành trong bữa họp mặt tối nay. Cũng như bao nhiêu người đi trước, Huynh và Trọng cũng nhanh chóng được người ta rủ đi làm “farm”, tức là đi làm công cho các nông trại ở trên núi như táo, lê, dâu hoặc hái cải. Huynh thích coi phim nên đã bỏ tiền ra mua đầu máy chiếu phim, tức là máy hát băng video, thường cuối tuần nhằm ngày nghỉ ngơi nên xúm nhau coi phim. Tôi bắt đầu biết được vài người bạn cùng “list” (cùng chuyến bay từ trại tị nạn qua) với Trọng ở trong đêm nầy!
Huynh đi vượt biên với vợ và có hai con mướn nhà nầy và cho anh Sa cũng là người cùng quê ở Trà Vinh chia phòng để cho nhẹ tiền. Công việc nông thì không đều tùy theo mùa và công việc nhiều ít, nhất là trong thời gian nầy công việc cũng bắt đầu ít lại rồi vì thời tiết trở lạnh để vào Thu.
Khoảng hơn 10 giờ, phim hết, tiệc tàn và mọi người cũng tan hàng để ra về. Trọng đưa tôi, Thành về Pennington. Tôi cứ thao thức, khó ngủ, thế mà ở dãy phòng nối đàng sau có tiếng mở cassette (máy hát băng) tiếng quá lớn, tôi đành phải chịu lạnh mà đến nhờ mấy cô ấy vặn nhỏ lại. Mấy cô ấy không vừa ý, nhưng họ cũng chỉnh lại âm thanh. Người mình luôn là như thế, chỉ thích làm những gì mình thích mà không để ý đến người khác! Tôi trở về phòng nghe lành lạnh đành mở sưởi lên. Thành vẫn chưa ngủ còn lo soạn chút ít đồ.

Nguyên Thảo,
12/01/2017.



*Bài Ca Buồn!

* Thơ Đồ Ngông!



*Lời Ca Vô Vọng!
Trong chiến tranh tàn khốc
Có nhạc sĩ da vàng
Ngồi hát trên đổ nát
Lại tiếng gào vang vang:

"Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ
để lại cho con
gia tài của mẹ
Là nước Việt buồn!..."  
       (Nhạc Trịnh Công Sơn)

Chiến tranh nơi nầy qua
Chiến tranh vùng khác đến
Đoàn người đi khập khểnh
Hối hả bỏ cửa nhà!

Bàn tay nào dắt mẹ
Bàn tay nào cho con
Vượt qua đồi qua núi
Cố níu lấy sống còn!

Những lời ca vô vọng
Không ngăn nổi hận thù
Những nỗi hờn thiên thu
Cứ bừng lên đột cháy!...

Đồ Ngông,
07-08-06.

 

*Vì Đâu?

Chẳng Chúa, chẳng Trời khởi chiến tranh
Cùng nhau lấy máu để tranh giành
Gây bao tang tóc cho dân chúng
Phá nát đời êm, giết mộng lành.

Đâu phải Trời, cũng chẳng Chúa tôi,
Ai gây chinh chiến khổ cho đời
Con người vốn khổ, càng thêm khổ
Cũng lại do người hận mãi thôi!

"Nhất tướng công thành, vạn cốt khô!"
Bao nhiêu người lính đến bên mồ
Bao nhiêu mạng sống đời dân giả
Thoáng chốc đi về cõi hư vô!

Chẳng Chúa, chẳng Trời tạo chiến tranh
Loài người che đậy, lẫn nhân danh
Tự do, dân tộc, cùng Tổ quốc
Cũng chỉ là do ở "tranh giành"!

Đồ Ngông,
07-08-06.

 

*Bài Ca Buồn.

Có những chàng nhạc sĩ
Đang hát bài ca buồn
Trên hoang tàn đổ nát
Cho cuộc đời thân thương.

Đàn Guy-ta trầm trầm
Dưới trời mưa lâm râm
Trên trời mây màu xám
Trong nỗi đau âm thầm!

Trời sanh ra chiến tranh
Hay bởi dạ con người?
Đã bao nhiêu tàn phá
Với bao người chơi vơi!

Chiến tranh đi và đến
Đem lại những xe tang
Máu xương và nước mắt
Lớp lớp nối hàng hàng.

Nhân loại đầy đau thương
Trong kiếp sống bình thường
Lại con người thêm sức
Khổ trở thành đại dương!

Đồ Ngông,
 05-08-06.