Saturday, March 25, 2017

*Tay Sai.




*Ngỡ là...!  (Ngụ ngôn)

Ngỡ là không phải chó hùa,
Đâu ngờ bầy chó lại ùa chạy ra
Con nầy cắn, chó kia la
Om sòm một lũ nhào vô một người.
Thảm thương! Cho đám chó hùa!
Dù sao cũng chó một bầy xưa nay!...

Đồ Ngông,
27-01-04.

 


*Mài Sừng... (ngụ ngôn)

Con trâu kia đứng cạnh bờ,
Lui cui mài bén cái sừng chờ mai
Chém người lủng ruột, đau thay!
Nghinh người áo trắng, ghét ai sáng màu.
Nhưng mà thiên hạ có câu:
"Mài sừng cho lắm, loài trâu vẫn là!"

Đồ Ngông,
10-02-04.


 

*Tay Sai.   

Cái thuở tay sai đã "quá" rồi!
Bây giờ tớ muốn được an ngơi,
Cớ sao cứ muốn "chồm" lên tớ
Bắt tớ thi hành chuyện mãi thôi!

Áo xưa tớ bỏ từ lâu lắm!
Cung cách giờ đây tớ lại người,
Bạn bè thân thiết ta tìm đến
Vui vẻ cùng nhau khoảnh khắc thôi!

Thời ấy đến giờ lại quá xa,
Tóc xanh nay đã bạc trên đầu
Cái mơ, cái mộng còn đâu nữa,
Cái thuở tay sai đã "quá" rồi!

Đồ Ngông,
23-05-03.


 

*Thời Hung Hăng.

Một thuở hung hăng đã đi rồi!
Tớ ngồi uống nước nhớ lại chơi
Hung hăng chẳng được thêm gì nhỉ,
Chỉ khổ người, mình có thế thôi!

Thuở trước bất bình bao ức hiếp
Gian ngoa, lừa đảo, cố chèn người
Tớ quyết xen vào ăn thua đủ,
Chuyện mình cho tới tận nơi đâu.

Cũng có một thời không oanh liệt
Nhưng không hổ thẹn kiếp con người
Nghĩ lại ê chề thân trí thức,
Không xây, mà lại phá cho hôi.

Hung hăng cho lắm chẳng được gì,
Mà thêm cho chúng dễ khinh khi
Đưa mặt mày mo thiên hạ ngắm
Hung hăng cho lắm..! Chẳng được gì!

Đồ Ngông,
14-05-03.


 

*Mài Sừng  (2).    

Thiên hạ, nhân gian đã có câu:
"Mài sừng cho lắm cũng là trâu",
Cũng là tôi tớ người sai khiến
Cũng kẻ gia nô thuở bạc đầu.

Không bạc, không tiền vâng lệnh chủ
Lên đèo, xuống biển, đạp gai chông
Đem thân lót gạch cho người bước
Mà lại nghênh ngang thỏa ước mong.

Cứ ngỡ rằng ta là vũ trụ
Đem tài góp sức chuyển xoay đời
Giấc mơ chưa khỏi, chui vào mộng
"Cho lắm! Mài sừng cũng vẫn trâu"!

Đồ Ngông, 

26-05-03.



Tuesday, March 14, 2017

*Lòng Vòng Trên "Bắc Úc". (5)



Vào căng-tin sắp hàng để lấy thức ăn thì cũng hơi trễ, cho nên chúng tôi đành phải vội vàng. Thế mà vẫn còn chưa kịp. Đã quá 2 giờ trưa nên hướng dẫn viên kiêm tài xế lại ngõ ý nhanh kết thúc để cho kịp giờ. Thế là chúng tôi đành phải thu gọn nên không thể uống trọn vẹn một ly cà phê sau khi ăn. Xe buýt đưa mọi người vòng trở ra khoảng hơn 40 cây số để vào khu vực gọi là Anbangbang mà nơi đây có vùng núi đá Noulangie hay Burrungkuy (theo tiếng gọi của người Thổ dân) là nơi ở của người bản địa từ hàng ngàn năm trước.
Hình vẽ khoảng 4,000 năm
Hình thần thoại qua tranh.
Núi Noulangie

Hình vẽ chuyện Thần thoại

Trước khi đi vào khu vực, hướng dẫn viên tập họp, giải thích cho chúng tôi hiểu sơ qua về nơi nầy tại chỗ trưng bày các thông tin về những gì sẽ xem, quan sát, đồng thời yêu cầu giữ đúng những gì luật lệ quy định ở đây. Với đoạn đường đi không xa mấy thì đến nơi có những hình vẽ được vẽ trên vách đá. Người ta làm con đường bằng ván gỗ đóng ghép vào nhau đi vòng qua những hình vẽ để du khách có thể tham quan, quan sát các hình vẽ được dễ dàng hơn. Những máy ảnh, quay phim, điện thoại di động được sử dụng để chụp những “bôi” hình lưu niệm lia lịa. Hình vẽ con Kangaroo trên vách đá được cho là quan trọng nhất vì theo sự đo tính của các nhà khoa học và khảo cổ thì nó đã khoảng 4 ngàn năm tuổi, nên nó được bão tồn và gìn giữ cẩn thận. Rồi nối theo là những bức vẽ của những thời gian sau nữa để diễn tả thần thoại mà người dân ở đây đã tưởng tượng ra, đồng thời với những hình ảnh tương đối mới của thời kỳ gần đây khi mà người Âu đã đến, làm nên một nét chính về lịch sử và nghệ thuật của người bản địa.
Hình vẽ ở thời kỳ sau.

 Vì thế nơi nầy cũng là một nét chính để thành hình vùng Công viên Quốc gia Kakadu của Úc mà thế giới (thông qua Tở chức UNESCO) cũng đã công nhận.
Xem những hình ảnh nầy khiến tôi lại nghĩ về những thời gian còn bé bỏng của mình. Thuở ấy chúng tôi là một bầy con nít hay tụ tập đi từ đầu làng cuối xóm khi thì bắt dế, khi thì đi bắt cá lia thia, hay tát cá hay vào những vùng rừng chồi để hái trái giấy, cò ke, trái sim, mù cua hoặc táo gai để ăn. Xong rồi đi tắm, đến vài nơi mát mẻ nghỉ ngơi. Ngồi buồn chẳng biết làm gì, nên kiếm gì đó để vẽ bậy lên đất cát, vách đá, hay lấy đất nắn đồ chơi. Rồi tôi lại liên tưởng những hình ảnh nầy cũng là những hình ảnh của các sinh hoạt giống như vậy. Cái quý của chúng bây giờ là trong hàng trăm, hay cả ngàn năm vẫn còn tồn tại để đánh dấu một sự sinh hoạt, suy nghĩ của một vài bộ tộc nào đó trong quá trình lịch sử. Và ngày nay chúng tôi lại được đi “coi” và “suy nghĩ” về quá trình của vài bộ tộc ở nơi cái gọi là địa phương nầy!
Hình vẽ thời kỳ sau nữa.
Chúng tôi hoàn tất một cuộc tìm hiểu, nghiên cứu nhỏ, tất nhiên trong đầu óc của mỗi người chắc chắn sẽ có vài dư âm, suy nghĩ của mình về những điều mình đã thấy về những hình vẽ đó khi mà người hướng dẫn viên kêu gọi trở ra xe. Đoạn đường đi của vòng khảo sát nầy vào khoảng 1 cây số rưỡi, nhưng đã cho chúng tôi hiểu cái giá trị của nó vì sao người ta lại muốn bão tồn!
Đúng 4 giờ chiều xe lăn bánh để trở về. Đoạn đường về cũng còn là khá xa gần 200 km rồi còn gì. Trên đường xe còn đổ vài người ở những khách sạn khác như ở khách sạn gần sân bay Jabiru, và khách sạn cá sấu (vì hình dáng khách sạn nầy thiết kế theo hình dáng của con cá sấu và cũng là tên của nó) do các vị khách nầy ngày mai còn đi đến những nơi khác.
Xe chạy đến khu vực gần với cổng vào của Công viên Quốc gia thì mọi hành khách phải sang xe vì xe của anh Ben nầy ở lại và anh Dan sẽ chở chúng tôi về Thành phố Darwin. Đoạn đường dần chìm vào trong bóng tối. Ngồi nhìn qua của sổ xe tôi được dịp nhìn cảnh hoàng hôn qua vùng rừng và đồng rộng mênh mông. Màu đỏ khi mặt trời lặn sao tươi và hấp dẫn đến thế nầy! Nó khiến tôi cứ thỉnh thoảng để máy lên quay ghi lại hình ảnh ấy trong vài giây đồng hồ.
Đường dài lại không có nhiều xe nên nó trở nên vắng lặng hơn. Từ chuyến đi ngày hôm qua cho đến hôm nay khiến tôi nghe mệt mỏi nhưng không thể ngủ được chút nào, thôi thì ráng nhướng mắt lên để nhìn lại cảnh hai bên đường vào ban đêm. Chúng tôi về đến khách sạn vào khoảng chin giờ, sớm hơn ngày hôm qua nhưng lo tắm rửa, nghỉ ngơi cho nên đành ăn mì gói rồi đi ngủ. Đêm nay chúng tôi không phải vội vàng dậy sớm nữa vì ngày mai chúng tôi sẽ đi tham quan vòng quanh vài địa điểm đặc biệt của Thành phố Darwin nầy!
Được một đêm ngủ ngon, không phải vội vàng thức sớm nữa, trong người nghe tương đối thoải mái. Đến 8 giờ rưỡi chúng tôi đều hẹn nhau ở phòng tiếp tân của khách sạn để 8 giờ 45 xe buýt đến đưa chúng tôi đi một vòng tham quan vài địa điểm gọi là tiêu biểu của Thành phố Darwin. Xe đến đúng hẹn, trên xe đã có nhiều khách du lịch khác, đa số cũng là người già. Xe vòng trở lại đường Knuckey để chạy ra hướng biển tức là công viên War Memorial rồi tài xế kiêm hướng dẫn viên thuyết minh về nơi nầy, đồng thời xe chạy qua các tòa nhà Quốc Hội, Thư viện; Nhà Chính Phủ, The Old Town Hall, Christ Church Cathedral, ngân hàng ngày xưa để tài xế nói sơ qua về những nơi di tích lịch sử ấy cùng nói đến sự tàn phá của cơn bão Tracy vào ngày trước Christmas năm 1974. Sau đó thì xe đưa chúng tôi đến WWII Oil Storage Tunnel.
Oil Storage Tunnel.

Chúng tôi đến tại cửa vào của đường hầm số 5 và 6 vào lúc 9 giờ 45, vừa khi đó có một đoàn nhà sư Phật giáo hình như của Tích Lan thì phải đi từ trong hầm ra chứng tỏ họ đã hoàn thành cuộc thăm viếng. Tại đây đoàn chúng tôi được người thủ quản đường hầm thuyết minh về các đường hầm chứa dầu nầy, nhưng vì tiếng Anh “quá giỏi” cho nên tôi không thể hiểu được nhiều. Tôi chỉ biết ngay trong cuộc oanh tạc đầu tiên của máy bay Nhật đã phá hủy 7 trong 11 bồn chứa xăng dầu của hải quân Úc được thiết lập từ năm 1924 ở Stokes Hill, cho nên bên Bộ Chiến Tranh quyết định làm các đường hầm để chứa dầu. Từ tháng 4/1943 George Fisher bổ nhiệm người tiến hành xây dựng 11 đường hầm chứa dầu trong bí mật với số nhân công là 400 người, kinh phí dự trù là 220,000 bảng Anh và sức chứa là 20,000 tấn dầu. Trong thời gian oanh tạc máy bay Nhật đã không kích Darwin cả thảy là 64 lần. Khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt vào năm 1945 thì 6 đường hầm được hoàn tất. Mỗi đường hầm có chiều dài thay đổi nhưng chiều rộng là 4m5 và có chiều cao là 5m4.
 Chúng tôi lần lượt vào đường hầm bên cạnh đường ống thật lớn, chiếm gần phân nửa đường đi. Cuối đường nầy lại đến một khúc quanh co có bộ phận máy móc hình như hệ thống bơm thì phải, rồi đi vào đường hầm dài hơn, ở đây phải trang bị hệ thống đèn để du khách có thể nhìn thấy, bên cạnh đó trên vách còn treo những bức tranh vừa của Nhật, vừa của Úc để có tính cách trang trí cho vui mắt, đồng thời cũng có vài nét về lịch sử của thời kỳ chiến tranh. Tôi cố gắng đi hết đường hầm để xem cuối đường hầm là cái gì thì ra cuối đường hầm là ngõ thông ra ngoài. Tôi đưa máy quay phim, thu gần cái cửa đường hầm ấy vì khu vực nầy không được vào. Xong ngó trở lại thì thấy vắng tanh không còn ai nên tôi cứ ngỡ là trễ giờ nên lật đật chạy trở ra. Nhưng không trễ vì người trong đoàn vẫn loay hoay chung quanh phía trước, người thì đứng nhìn cảnh vật xung quanh, người thì đang tìm để mua đồ lưu niệm.
Đến 10 giờ 20, xe đưa chúng tôi rời Thành phố Darwin và chạy theo đường Stuart Highway để đến Australian Aviation Heritage Centre ở vùng Winnellie. Xe qua vùng sân rộng rồi vòng qua một khúc quanh có trưng bày phần đuôi của một chiếc máy bay cùng một trái bom bên cạnh, và xe đi vào chỗ đậu.
Phần đuôi máy bay và trái bom.

Chúng tôi vào cửa. Ngay cạnh cửa vào tôi lại thấy được vài hình ảnh quen thuộc mà tôi đã mất nó tự lâu rồi, từ cuối năm 2001. Đó là hình ảnh của một hãng hàng không bị phá sản “Ansett”, vì nó là kỷ niệm của vợ chồng tôi cùng ba tôi trong chuyến du hành sang Mỹ, Âu Châu để ba tôi gặp lại người thân (em chú bác, chị cô cậu ruột), còn tôi được gặp bạn bè, anh chị họ, và vợ tôi gặp đứa em út theo gia đình chồng ở Salt Lake City thuộc Tiểu bang Utah ở Mỹ. Ở trong bảo tàng nầy trưng bày nhiều loại máy bay nhỏ, lớn, cũ, du lịch, thể thao đều có kể cả vài động cơ máy bay của Nhật cũng có, nhất là những hình ảnh về các loại máy bay đã dự vào cuộc không kích Darwin trong thời Đệ Nhị Thế Chiến. Bảo tàng nầy được mở ra từ năm 1990 để tiếp nối bảo tàng trước đã bị tàn phá trong cơn bão Tracy vào năm 1974.
B.52 rải thảm bom


Máy bay B.52
 
Trong bảo tàng có trưng bày chiếc máy bay thả “bom thảm” (tức nhiều trái bom cùng lúc) là máy bay B52 mà khi tôi còn trong tuổi thanh niên đã từng nghe âm thanh của từng loạt bom ấy nổ và kéo thật dài khiến những mái tôn của nhà rung nhịp dập dồn theo chấn động. Ở đây có cả loại trực thăng cobra hình con cá dẹp, lẫn máy bay phản lực cánh xếp F111 mà ngoài Bắc lúc ấy gọi là máy bay “cánh cụp cánh xoè”. Đây là một trong hai bảo tàng được trưng bày thường xuyên máy bay B52 (ngoài Hoa Kỳ) được mướn từ Không Lực Mỹ. Chúng tôi rời viện bảo tàng vào lúc 11 giờ 10.

Nguyên Thảo,
03/07/2017.



*Thuộc Hàng Nào Đây?

 

 *Chán Ngán.        

"Thế sự thăng trầm quân mạc vấn
Yên ba thâm xứ hữu ngư châu..." (1)
Người xưa chán ngán từ lâu
Người nay chán ngán, lắc đầu chua cay!
Quê cha sanh bậc anh tài
Tìm đường vượt biển, mà hay tranh giành.
Cấp bằng, quan chức, mề đay
Ngôn từ, chữ nghĩa thẳng tay chẳng chùn
Chỉ thương cái đám dân hèn,
Đã "ngu" mà lại "cu đen", thật buồn!

Đồ Ngông,
07-02-04.

(1) Thơ Cao Bá Quát

 


*Thuộc Hàng Nào Đây?     

Dân ta có quá chục ngàn,
Vài người mà khuấy cả làng chơi vơi.
Dân ta cố ráng nín hơi,
Vài người mà đã trống kèn rình rang.
Bước đi giữa xóm, giữa làng,
Người người đứng ngó: "Thuộc hàng nào đây?"

Đồ Ngông,
07-02 -04.

 


*Chõ mỏ.       

Ông ở từ đâu chõ mỏ vào,
Hay ông phường lũ thuộc rêu rao?
Sơn đông mãi võ làm tôi tớ,
Hát thuật cò mồi phận nối dao.
Gia đạo, ông còn chưa sửa được,
Tu thân, mi chẳng biết ra sao?
Thế mà ông lại hay khua mõ
Không biết từ đâu chõ mỏ vào?

Đồ Ngông,
05-03-04.

 


*Lời Tạ Lỗi!    

Tôi là một tên già
Đứng ra nhận tội cùng lũ trẻ:
"Nếu mai nầy
Trên đất nước xứ xa
Có xảy ra điều chi không hay cho sắc tộc
Lỗi cũng tại lũ già,
Bi hay tranh giành, chửi bới thối tha
Tôi tạ tội vì không làm tròn nhiệm vụ".
Tôi muốn nói lên lời tự thú
Để mai nầy "gần đất, trời xa"
Tôi không phải ăn năn, hổ thẹn.

Lỗi không phải tại tôi,
Không phải: "Tại tôi mọi đàng!"
Mà vì
Do "Tâm" người ích kỷ,
Nhỏ nhoi, sân hận, oán thù
Trời không ban cho họ!

Con xin cầu ơn trên,
Ban cho họ sự sáng suốt, lìa khỏi u mê
Để họ trở lại con người thực tế:
"Họ biết có cộng đồng,
Còn biết có cả chục ngàn thân quen".
Để cùng nhau sung sướng
Và sát vai nhau hỉ hả!
Con chỉ cầu
Và cầu mong được điều như vậy!
Và chỉ mong
Một điều ấy mà thôi!

Đồ Ngông,
05-03-04.





Ghi chú: Đây là những bài thơ cũ mà Đồ Ngông đã sáng tác từ lâu và gởi về Trang Nhà 
CHS Trịnh Hoài Đức, nay Đồ Ngông muốn đem về blog để cho trọn vẹn, và độc giả 
xem chơi; nhất là để hiểu những sự biến chuyển trong Cộng đồng của mình ở nơi xa xứ
trong các thời gian đầu!