Sunday, May 28, 2017

*Đi Cruise! (2)



 Trời hừng sáng tàu vào cảng của Melbourne, ánh đèn khu cảng hãy còn, và thành phố mờ mờ chắc là do sương. Coi vậy mà tàu chuẩn bị cặp bến cũng thật là lâu. Từ lúc vào cho đến khi tàu yên vào vị trí phải mất mấy tiếng đồng hồ, đủ thời gian để chúng tôi đi lên bờ vào thời điểm những quán hàng mở cửa.
Bến cảng và Thành phố Melbourne.

Mọi hành khách lần lượt đi qua “hành lang” (gangway) và cầu thang đi vào chính giữa tàu nơi tầng 4 để đi ra cầu thang rời tàu. Vì đông người nên thời gian khá lâu. Mấy bà thì đi theo vợ chồng Thoa để đi “shop” mua hàng, còn đàn ông chúng tôi thì đi riêng. Rời tàu người ta chỉ đưa ra cái thẻ của tàu và đi ra vào một khu vực để mua một vé đi xe buýt, xe lửa, xe lửa điện (tram) trong ngày với giá mười mấy đô, nhưng tôi thuộc loại người già cho nên chỉ trả 7 đô rưỡi thôi. Cầm vé và bản đồ, lịch trình trong tay, tôi, anh Nhi, anh Bảy Gàng muốn đi xe “tram” ra thành phố cho nên tìm đường ra đón xe “tram”, chứ không ngó ngàng gì đến những chuyến xe buýt con thoi (Shuttle bus) đưa người tới lui ở đây. Đường đi ra trạm “xe tram” khá xa, tuốt ở công viên ngoài kia. Ba người chúng tôi lên xe “tram” để vào thành phố. Tôi dự trù đưa hai ông đến nhà Bưu Điện thành phố thì phải, nơi mà có ga xe điện ngầm để đón chuyến xe “tram” chạy vòng quanh thành phố Melbourne để hai ông tham quan cho biết. Nhưng vì lạ đường nên không định được vị trí mà lại chạy huốt vào giữa thành phố. Còn đang loay hoay tìm lại đường đi nào để đón chuyến xe đó thì anh Bảy Gàng lại muốn đi ăn phở, nên chúng tôi quyết định: Thôi thì đi vào khu Richmond vậy, vì khu Footcray quá xa so với ở đây.
Tôi muốn nói một điều khá lạ là khi chúng tôi chưa rời tàu thì điện thoại di động không hoạt động được, nhưng vào lúc nầy điện thoại hoạt động lại bình thường, không lẽ trên du thuyền người ta đã chặn mọi làn sóng điện thoại của chúng tôi hay là vì trên tàu không có trụ để tiếp vận?
Xe “tram” đến khu Richmond là khu vực gần city nhất mà người Việt định hình những cơ sở buôn bán sớm. Vào những năm giữa 1980 tôi đã theo anh Hải (Bảo Liên) đi lên đây để anh lấy vải và hàng hóa về cho tiệm tạp hóa và tiệm vải của anh. Bây giờ khu nầy có cổng cho khu vực mà người ta đã làm những mô hình nón lá để ở trên cao như đánh dấu một khu vực sinh hoạt có đông người Việt. Vì giờ mở cửa chưa đến nên các tiệm vẫn còn đóng. Ba chúng tôi đi dọc theo con đường để nhìn ngắm cảnh sinh hoạt vào thời điểm nầy. Chỉ hơn mười phút sau các cửa hàng bắt đầu dọn hàng ra và cửa đã mở.
Chúng tôi vào phở “Hiền Vương 2” kêu mỗi người một tô cùng thức uống. Tất nhiên là có những lời bình luận, nhận xét như những cuộc ăn thường tình. Tôi chỉ cười mà không đưa ra ý kiến của mình. Đã đến đây rồi thì tôi cũng muốn biết công ty du lịch “Friendly Travel” của anh Vương Chánh mà tôi đã tham dự vào chuyến đi Âu châu năm 2009 ở đâu vì anh đã dời văn phòng từ North Melbourne về đây từ lâu. Tôi hỏi thì bà chủ tiệm phở Hiền Vương 2 chỉ cũng ở gần đây. Sau khi trả tiền, chúng tôi thả dọc theo đường để đi đến văn phòng du lịch của anh Chánh. Nhưng tìm mãi không gặp. Tôi muốn tìm đến văn phòng để hỏi thăm vài chi tiết về chuyến đi “Canada, Alaska và Honululu” sắp tới vào tháng 5 này. Thôi không gặp thì thôi! Cũng chẳng sao!
Chúng tôi lại đón xe “tram” trở ra thành phố, vừa đi không xa tôi lại nhìn thấy bảng hiệu của công ty “Friendly Travel” của anh Chánh, lúc nãy chúng tôi có đến chỗ đó, nhưng vì cửa đóng và dơ dáy giống như một nơi bỏ hoang nên tôi không để ý. Tôi tự nghĩ: “Không lẽ công ty của anh Chánh dời đi nơi khác?”, thôi để khi về đến nhà sẽ gọi điện thoại hỏi sau!
Xe “tram” đưa ba chúng tôi về đến công viên Port Melbourne cũng đã là 1 giờ rưỡi, tức còn dư giờ chán! Tuy nhiên như vậy vẫn tốt hơn, chứ nếu đi lang thang mà lên tàu trễ giờ mới là vấn đề lớn. Lòng vòng bên ngoài thêm chừng tiếng đồng hồ sau chúng tôi mới trở lên tàu. Vẫn là trình diện cái thẻ đi tàu vì nó là cái chính yếu ở trên tàu: Thẻ ấy xác định danh tính của mình, nó cũng là chìa khóa cửa phòng, đồng thời lại thay thế cái “credit card” khi mua hàng, chi phí ở trên tàu. Thật là tiện dụng, nhưng chắc cũng “lắm phiền hà” khi bị mất vì thế mà nhiều người luôn đeo nó trên một sợi dây choàng qua cổ như một nhân viên làm việc trong một cơ quan quan trọng. Chúng tôi cũng phải đi qua sự kiểm soát cá nhân, hành lý qua máy thăm dò, quan sát giống như đi vào một phi trường. Xong xuôi, chúng tôi rã nhau về phòng nhưng không quên hẹn trên nhà ăn buffet “all you can eat”.
Ngồi ăn bên cạnh cửa kính, chúng tôi vừa ôn lại chuyện biển, chuyện vượt biên gay go của ngày nào, chuyện vượt qua các khó khăn trên đất khách, quê người. Đến nay mọi việc như là “ổn định” thì mình cũng “đã là già”. Thế hệ chúng tôi là thế hệ đầu tiên “phải bỏ nước ra đi” mà “tha phương” tìm đất sống chỉ vì “Một chủ nghĩa tốt đẹp” mà “chẳng tốt đẹp một chút nào”. Nói như vậy có người sẽ cho rằng: “Chúng tôi là những kẻ Bi quan cách mạng, nhưng cách mạng đến bao giờ mới tạo được “Thiên Đường hạ giới” trong một “Thế giới Đại Đồng” hay chỉ là một ảo tưởng mông lung để cho nước lớn lợi dụng nước nhỏ biến thế giới nầy trở thành lệ thuộc dưới quyền cai trị của họ. Ôi! Cuộc đời cũng lắm phong ba!
Theo ấn định là đúng 4 giờ mọi người phải lên đủ trên tàu, sau đó tàu sẽ chuẩn bị rời bến vào lúc 6 giờ để làm cuộc hành trình trở về Port Adelaide. Đến giờ xuất hành, tôi cứ tưởng tàu tự vận hành để ra khỏi bến chứ không ngờ lại cần đến hai tàu nhỏ xíu nhưng máy rất mạnh kéo ra ở hai đầu: Một chiếc trước, một chiếc sau mà người ta gọi là “tàu hoa tiêu”. Không biết Tuấn chồng Thoa có dữ liệu từ đâu mà cho biết, mấy tàu đó kéo như vậy ăn một lần khoảng 7,000 đô. Như vậy thì mắc quá. Trên tàu người làm đã nhiều, chi phí rất lớn; thức ăn, nhà hàng phủ phê, lại thêm các phương tiện giải trí khác thì làm sao có lời. Ba chúng tôi cứ mãi thắc mắc, nhưng chỉ thắc mắc mà chơi, như để thoả mãn trí tò mò của mình, chứ chưa được nghe sự giải thích thỏa đáng nào.
Tàu hoa tiêu đang kéo Du thuyền ra bến.

Tàu rời bến có sự yễm trợ đi theo của một chiếc tàu hoa tiêu, nhưng cũng không xa lắm thì chiếc hoa tiêu quay trở về bến. Tàu ra khơi càng lúc càng xa, đại dương càng trở nên mông mênh. Càng về khuya con tàu bị lắc lư hơi nhiều, những cánh cửa cứ kêu kèn kẹt. Lần nầy tôi đổi phiên với anh Bảy Gàng nằm giường trên cao. Theo chiều lắc lư tôi cứ tưởng chừng như xương sống của mình dài ra, thu lại theo chiều lắc của tàu. Tôi nghĩ chắc là gió to lắm, gió thổi tạt vào thân tàu mới làm cho tàu lắc nhiều hơn là do sóng biển, vì chiếc tàu nầy tuy không hẳn là quá lớn, nhưng với sức nặng hiện hữu của nó cũng đủ cho nó đứng vững vàng trên vùng nước của đại dương. Vợ tôi và chị Bảy Gàng chịu đựng không thấu với cái bệnh gọi là “say sóng”, đành nằm yên lặng mà chịu đựng!
Đến sáng, hai bà đờ đẫn chẳng đi ăn sáng được, còn chúng tôi đi lấy thức ăn mà phải chuẩn bị tư thế “bám víu” vào cạnh bàn hay thành vách nào đó. Ngồi nhìn vào sóng đại dương cuồn cuộn tôi lại nhớ đến sự sống mong manh ngày nào còn lênh đênh trên biển cả. Ngày ấy ngồi trên boong tàu cây nhỏ bé thấy sóng vươn cao như một nóc nhà rồi lúc thì đưa tàu lên đầu sóng, lúc lại ngụp xuống vùng trũng sâu. Nhìn sóng biển thoi thóp như cái bụng của người sắp chết mà nhiều suy nghĩ mông lung. Nay ngồi trên cao nhìn sóng biển bên dưới đang cuồng nộ với con tàu sắt lớn lao, nặng ký trong cảnh lắc lư!
Về đến phòng thì anh chị Nhi đến cùng nhau tâm sự, nhưng ý kiến chung của mấy bà là: Nếu biết như thế nầy thì mua vé máy bay đi về sướng hơn! Nhưng nào ai biết được chữ “ngờ”, thế nên bây giờ đành nằm chịu trận! Quả thật từ Adelaide đi lên Melbourne nếu đi máy bay chỉ hơn tiếng đồng hồ, còn đường bộ xe buýt thì khoảng 9 tiếng cộng với một tiếng nghỉ hai chặng giữa đường, vị chi là 10 tiếng, nhưng với chiếc du thuyền nầy phải đi đường vòng trên biển đành phải mất khoảng 36 giờ đồng hồ cho mỗi lượt. Do đó cả ngày hôm nay chúng tôi vẫn phải lênh đênh trên đại dương và đến sáng ngày mai tàu mới cập bến.
Theo ý kiến chị Nhi tôi và anh Nhi đi lên nhà hàng lấy thức ăn cho vợ tôi và chị bảy Gàng. Khi mang thức ăn vào trong thang máy mấy bà Úc cười và kháo nhau: Chồng mầy có làm như vậy cho mầy không?
Nằm chịu trận hoài thì cũng chán, chiều mọi người đi lên lấy thức ăn và ngồi nhìn ra biển để giải khuây, và cũng chẳng tha thiết gì với những giải trí ở trên tàu. Không biết làm gì tôi lấy điện thoại di động chụp vài tấm hình hoàng hôn trên đại dương để làm kỷ niệm của những ngày xa xưa khoảng 34 năm về trước. Tàu vẫn lắc, cửa vẫn kẽo kẹt vào ban đêm nhưng mức độ có giảm đi, mọi người cứ mong đến sáng để tàu vào bến, hoàn thành một chuyến đi.
Trời chiều trên đại dương.

Thời gian trôi nhanh. Tàu cập bến con cháu đưa xe ra rước. Về đến nhà tôi mở truyền hình ra xem. Thì hỡi ôi, trong chuyến đi du thuyền đầu tiên của chúng tôi đã bị ảnh hưởng cơn bão Debbie là cơn bão rất mạnh đang tàn phá và làm ngập lụt nhiều nơi mà mấy nơi nặng nhất là vùng Logan village của Tiểu bang Queenland, cùng Lismore thuộc Tiểu bang New South Wales và đang đe dọa vùng Rockhampton của Queenland. Có người nói cho tôi biết là sức gió của cơn bão ấy có lúc đến 240 cây số giờ tức là cơn bão rất mạnh.
À! Thì ra thế! Du thuyền chúng tôi đi lắc lư là do vậy, nhưng dù gì cũng khiến cho mấy bà ngại ngần khi chọn cho cách “Đi du thuyền”. Vợ tôi lại càng lo hơn khi nghĩ đến chuyến đi “Du thuyền ở Alaska” sắp tới đây. Mấy đứa con cứ trấn an: “Mẹ đừng lo ở đó ít bão và tàu lớn hơn, sẽ không sao đâu”. Dù vậy, chúng tôi cũng phải rút kinh nghiệm và chuẩn bị đối phó thật sẵn sàng để không phải tái diễn cảnh “bèo nhèo say sóng” lần thứ hai!

Nguyên Thảo,
29/05/2017.

              

*Tháng Bảy!



*Tháng Bảy Vu Lan:

Tháng Bảy Vu Lan ngày của Mẹ
Mà bao năm tháng bẵng quên đi
Đến nay sực nhớ thì mẹ đã
Đã quá già nua, yếu hẳn rồi!

Một chiều nhạt nắng, nhìn lên tóc
Tóc trắng vương vương bóng áng mây
Dưới đất, trên trời cùng một sắc
Nương che gương mặt đã hao gầy.

Con ngồi bên mẹ, lòng hối lỗi
Muốn nói lên lời: "Hỡi, Mẹ ơi!
Bây giờ mới nhớ tình thương Mẹ
Mẹ đã cho con cả cuộc đời!"

Đồ Ngông,
11-07-04.



 


*Tháng Bảy Siêu Hồn.

"Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân"     (ca dao)
Cũng nhờ Tăng, Chúng lo nhau tụng
Nguyện độ Cô hồn các đẳng siêu
Không làm ma quỷ luôn vất vưởng
Gây rối cho người ở thế gian.
Đức Phật chỉ đường mau cứu giúp
Cùng nhau họp mặt tụng cầu an
Mong cho hồn phách người lỡ bước
Biết nẻo quay về thế giới yên!

Đồ Ngông,

11-07-04.

 


*Tháng Bảy Mưa Ngâu:

Tháng Bảy mưa Ngâu khóc sụt sùi
Mắt nàng Chức Nữ lệ tuôn rơi.
Thương chàng cô độc tròn năm chẵn,
Tủi thiếp lẽ mình năm trọn y
Ô Thước bắt cầu đầu chịu sói
Sông Ngân ngăn trở cách đôi bờ
Trời đày bởi thiếp không canh cửi
Chàng để trâu ăn cả lúa trời.

Đồ Ngông,
11-07-04.

 


*Tháng Bảy Nhân Gian:  

Tháng Bảy nhân gian mùa "chó động..."
Đực, cái ngoài đường "nhảy tùm lum"
Giữa sá, giữa đường coi chướng mắt
Mấy bà "mắc cỡ" vội đi nhanh!

Một cặp trước nhà đang "vướng mắc"
Xung quanh, một lũ lại ầm vang
Ông bực xách cây xua đuổi mãi
Đánh nhiểu, chúng lại sủa càng hăng.

Bà bực mắng rằng: "Đồ lũ chó!
Xấu hổ không? Sao lại giữa đường
Lại lũ chó hùa thêm nhốn nháo,
Tạt nước cho mầy, biết tay tao!"

Nói đoạn bà bưng thau nước lớn
Tạt ào vào lũ chó hung hăng
Cả đám hoảng lên lo nhảy thoát
Cái, đực "quên vui" chạy mất hồn!

Đồ Ngông,
11-07-04.




Thursday, May 4, 2017

* Đi Cruise. (1)




Được tin anh chị Chín Thôi cho hay là có chuyến Cruise đi lên Melbourne và trở về Adelaide trong bốn ngày với giá đang “save” rẻ khoảng hai trăm cho mỗi người. Anh chị Bảy Gàng vội cho chúng tôi hay cùng rủ anh chị Nhi để làm một chuyến. Thực ra chỉ có vợ chồng tôi chưa đi Cruise thôi chứ anh chị Bảy Gàng cùng với anh chị Nhi đã đi một lần với Cruise P&O từ trên Sydney, họ đi trong chuyến đó đã đi sang Vanuatu và New Caledonia thì phải, nên họ rất thích và thường hay ca ngợi về chuyện đi cruise. Vài tháng nữa vợ chồng tôi cũng sẽ có một chuyến đi Cruise trong chuyến hành trình sắp tới vào tháng đầu tháng 5, nên tôi cũng muốn làm một chuyến ngắn nầy để làm quen với thể thức trên cruise xem như thế nào mặc dù công việc trong khoảng thời gian nầy khá là bận rộn. Vì phòng đòi hỏi tới bốn người một phòng cho nên cần thêm hai người nữa nên Cô Hi (em vợ tôi) chị Thới cũng tham dự vào chuyến đi. Đến ngày hẹn chúng tôi cùng đón xe hoặc gia đình đưa ra Outer Habour để lên chiếc Cruise của công ty P&O. Khi vào cổng trước khi đi vào cruise, chúng tôi phải giao hành lý cho nhân viến để họ đem lên phòng cho mình chứ mình không phải đem, tất nhiên là hành lý ấy phải được gắn bảng đề tên, số phòng đầy đủ kể cả số điện thoại di động của mình. Trước khi vào cầu thang để lên Cruise mọi người đi qua phòng kiểm soát vé và ở đây phát cho mỗi người một cái thẻ để sử dụng trên tàu. Xong chúng tôi lần lượt qua hành lang di chuyển vào tàu bằng một cầu thang bắt ngang qua. Trình thẻ lên tàu cho nhân viên kiểm soát đứng bên đầu cầu thang, chúng tôi lại đi qua một máy kiểm soát hành lý và người giống như ở phi trường. Rồi từ đó kiếm tầng nào có phòng ngủ của mình bằng đi thang máy hay cầu thang và tìm cái số của phòng. Xong, dùng cái thẻ ấy để mở cửa phòng vì cái thẻ ấy cũng là chìa khóa để mở, cho nên mỗi người đều có cái thẻ riêng có tên họ, chuyến hành trình lẫn thời gian từ ngày nào (27/03/2017) đến ngày nào (31/03/2017). Đây là chuyến cruise của hãng P&O có tên là Pacific Eden khởi hành từ Port Adelaide lên Port Melbourne.
Theo lời anh chị Bảy Gàng, cũng như anh chị Nhi thì chiếc Cruise nầy nhỏ hơn chiếc kỳ trước mà các anh chị đã đi. Tôi đùa: “Đây là máy bay nội địa tất nhiên là nhỏ hơn máy bay đi quốc tế rồi, vì đây là chiếc Cruise đi trong nước chứ không phải là chiếc đi nước ngoài. Nhưng tôi thấy từ giờ phút nầy mình giống như ở tù: Đố ai dám đi ra khỏi tàu”. Đi làm sao được, đi ra khỏi tàu chỉ có xuống biển thôi, vậy thì ai dám đi!
Đại dương mênh mông.

Vợ chồng tôi ở chung một phòng với anh chị Bảy Gàng, ở phía trong tàu chứ không có cửa sổ để nhìn ra ban-công (balcon) nên được rẻ hơn. Phòng trang trí giống như phòng ở trong một khách sạn, nhưng chỉ nhỏ hơn mà thôi và giường cho bốn người thì ba giường kê vừa khoảng không gian ngoài cái bàn và tủ quần áo, nhưng riêng một giường được chồng lên trên. Một người phải ngủ trên đó. Tôi và anh Bảy sẽ thay phiên nhau trong vài ngày. Anh chị Nhi và hai đứa cháu ngoại ngủ ở phòng khác của tầng 4. Tôi không để ý rõ là bao nhiêu tầng có phòng ngủ, nhưng những tầng có phòng ngủ thì các phòng ngủ được đặt dọc theo tàu, hai dãy đâu mặt nhau, đường đi ở giữa mà tiếng Anh gọi là “gangway”, phân nửa tàu bên trái nơi có phòng của chúng tôi mang số chẵn, hai dãy phòng đâu mặt ở nửa bên phải tàu mang số lẽ. Tất cả có lẽ là 11 tầng vì khi đi thang máy lên tầng ăn gọi là “Pantry” thì nó ở tầng 11 (deck 11).
Dãy hành lang (gangway)

Theo số liệu mà tôi tra cứu theo điều mới thắc mắc thì được biết chiếc tàu Pacific Eden nầy có sức chứa hành khách là 1,260 người, chia 9 tầng chắc là không kể đến Thủy thủ đoàn và những người phục vụ trên đó, chỉ nói đến “guests” thôi. Tàu có chiều dài là 219 mét, trọng tải 55,820 tấn vận tốc tối đa là 20 knots đăng ký ở UK (Anh quốc).
Theo giờ quy định thì đến 4 giờ chiều tàu mới khởi hành, tuy nhiên hành khách phải đến sớm trước từ 2 giờ để làm thủ tục và nhập tàu. Đến 3 giờ 15 chúng tôi lại được gọi lên ban-công mang theo áo phao để thực tập ứng xử khi cần cấp cứu. Tôi thuộc đội 12 (Lifeboat 12). Đứng đợi khá lâu, chắc đợi mọi người lên đầy đủ và đúng giờ mới được hướng dẫn. Sự hướng dẫn chẳng là bao lâu, xong thì mọi người tản hàng ra về trở về phòng của mình. Đúng 4 giờ tàu rời bến ra khơi.
Tôi đứng trên boong cao để nhìn trở vào bến cũng như thấy toàn vùng của khu Outer Harbor của Port Adelaide, quả là đẹp thật. Tàu càng lúc càng đi xa, trời chiều mặt trời xuống dần khiến tôi lại hồi tưởng trên chiếc tàu cây nhỏ bé lênh đênh trên biển của những ngày “phải bỏ nước ra đi”. Tôi, anh Nhi ngồi trong phòng ăn, nhìn ra biển mà nhắc lại chuyện xưa, còn mấy bà thì đi lấy thức ăn ngồi ở chỗ khác.
Biển tương đối bình yên với tàu lớn như thế nầy, với sức nặng và lớn nên sóng biển cũng chẳng lay động nó là bao nhiêu, nhưng đến đêm thì tàu càng lúc càng chao mạnh hơn, các cửa tủ rung động và kêu tiếng kẽo kẹt, tôi hơi ngạc nhiên chắc tàu đi về hướng nam, nên thường đi vào vùng gió mạnh của khu vực đông nam Nam Úc khi chiều gió từ Nam Cực thổi về. Tàu lắc lư khiến vài người chịu không nổi nên đành phải “ói” vì “say sóng” trong đó có vợ tôi. Trong suốt đêm cũng nhiều khó ngủ, đến sáng hôm sau tình trạng cũng chẳng tốt hơn mấy, ngồi trên “pantry” ăn nhìn xuống biển thấy sóng không cao lắm, nhưng cũng làm cho tàu đủ chao đảo. Tôi lại nghĩ chắc mình nhìn từ trên cao quá nên thấy sóng nhỏ, còn ngày xưa mình đi tàu nhỏ quá thấp nên thấy sóng trở nên cao và mới thấy cái nguy hiểm của nó. Nhưng tôi lại có một cái suy nghĩ khác nữa vì thân tàu lớn nên bị ảnh hưởng của gió to mà lắc lư nhiều. Tàu lênh đênh trên biển cả ngày hôm sau. Đến chiều anh Bảy Gàng hỏi người phục vụ ở nhà hàng “Pantry”, chừng nào tàu đến và đến nơi nào ở Melbourne? Tàu sẽ đến vào sáng hôm sau và cập ở Port Melbourne. Nhìn vùng nước mênh mông trên biển, những hình ảnh ngày xưa lại hiện về, nhất là khi tôi phát hiện ra nước biển theo từng cơn sóng tràn qua khe hở để rót vào khoang tàu cây nhỏ bé. Thoa con anh chị Nhi cho biết chiều nay “book” ăn ở nhà hàng Angelo. Tôi hỏi: “Tại sao mình biết?”, Thoa mới nói nó để giấy trong phòng cho mình để mình biết chỗ nào để ăn, ngày nay ở chỗ nào có chương trình gì? Lúc đó tôi mới chú ý đến điều đó, chứ từ hồi xuống tàu đến bây giờ tôi không hề để ý đến những miếng giấy ấy vì điều đơn giản là không đủ tiếng Anh để hiểu.
Trên tàu có mấy nhà hàng như “Plantation”, “Angelo”, “Dragon Lady”, “Waterfront”, nhưng chúng tôi thường đến nhà hàng Pantry cho những bữa ăn của mình. Ngoài Pantry, Plantation, và Waterfront là những nhà hàng mà cước phí đã tính luôn trong tiền vé. Tuy nhiên, Thoa cho biết những nhà hàng Ý “Angelo” và “Dragon Lady” cũng khỏi phải trả tiền, nhưng những người Tây họ biết nên đã “book” từ sớm thành ra không còn chỗ nữa. Đúng là dân dốt như chúng tôi nên chỉ làm những điều “đơn giản nhất” để không sợ bị sai.
Bình minh trên biển cả.

Đêm đến không khí tương đối yên tĩnh hơn, tàu không còn lắc lư nhiều nữa. Tôi cứ trông trời sáng để được đến bến thay đổi không khí, sinh hoạt trong một khoảng thời gian ngắn nào đó xem sao!



Nguyên Thảo,
05/05/2017.













* Chính Chị, Chính Em!




*Tớ Nghĩ...   

Tớ nghĩ rằng ông bỏ hết đi...!
Đem tài, đem trí giúp cho đời
Viết điều nhân thế cần lưu ý
Kể chuyện con người phải chú tâm.
Mở rộng tấm lòng ra đại chúng
Vươn cao trí tuệ tới nhân quần.
Đừng đem trói rọ "tâm" mình nữa
Cống hiến cuộc đời những nỗi vui!

Đồ Ngông,
29-06-04.


 

*Phê Phán.    

Lúc vào trường đi học
Khi còn bé tí teo
Thầy cô thường có dạy
Cùng dán lên bảng giấy
Treo ở các vách tường:

"Ngày nay học tập,
Ngày mai giúp đời".
Trong ký ức vẫn còn y như vậy!
Nhưng, tại xứ người
Đám trẻ ấy hung hăng, đầu bạc
Chẳng tạo được ích gì
Chỉ biết dùng cái điều đi học
Để chửi lộn, giành hơn thua
Hầu thỏa mãn những gì căm tức.
Thế cũng khoe cái tài lãnh đạo,
Thế cũng gọi là chính trị tài ba.
Ôi! Cảm thấy buồn cho nhân thế,
Cùng nhục nhã tới ông cha...
Chẳng biết đến bao giờ
Sắc tộc mới vui bên nhau ở xứ người xa lạ!

Đồ Ngông,
09-07-04.


 

*Chính Chị, Chính Em!   

Chính chị, chính em nghĩ tức cười
Dân thường, trí thức giỡn nhau chơi
Thượng hô, hạ ủng ầm vang cả
Nhưng chẳng nào ai biết được gì!

Chính trị đường ngay, ôm lối thẳng
Sách phương ngàn kế giúp nhân dân
Mưu cầu hạnh phúc đời êm ấm
Bỏ lúc đói nghèo lẫn khổ đau.

Chính chị, chính em dùng thủ đoạn
Gán người, chụp mũ chiếm hơn thua
Quậy tan, phá nát bung hầm thối
Chính chị, chính em nghĩ tức cười!

Đồ Ngông,
09-07-04.


 

*Mối Đã Ăn Rồi...!   

Thôi thế là thôi đã kẹt rồi!
Bây giờ mối đục nát tiêu thôi.
Cái nhà thuở trước tanh bành cả
Mối thợ, mối càng ở khắp nơi!

Rui kèo, mè cột lẫn đòn tay
Cũng bởi vì đâu, cũng tại mày!
Nhà lá, nhà tranh, dinh thự đẹp
Mối bò lổn ngổn chẳng kiêng ai.

Rước mối cũng do đám tụi mày
Mối từ chỗ khác cũng qua đây.
Chun qua "ăn có", không chừa chỗ,
Lũ mối tràn lan cũng tại mày!

Đồ Ngông,
09-07-04.