Thursday, November 23, 2017

*Thơ Ngông.



*Khoe Khoang.

Lại thích khoe khoang chẳng kể người
Ta xưa quyền chức dễ như chơi,
Đi ra đã có người chào đón
Tiền bạc vun lên, tối mịch trời...

Mệnh phụ chỉ ngồi trên ghế kỷ
Sai người giúp việc chạy lăng xăng,
Hô lên vài tiếng hàng, hàng lớp
Gia thế ngày xưa, ai sánh bằng.

Thôi biết đi rồi, quá "xếp" ơi!
Ta xưa: "Thầy bói ở cung Trời"
Những người làm lớn thường "ghê..(sợ)" vợ
Thì dẫu thế nào... cũng vậy thôi!

Đồ Ngông,
14-04-02.

 

*Đâm Thọc.  

Thói "Đâm bị thóc, thọc bị gạo"
Đã là câu nói có từ lâu
Để dành cho đứa chuyên gây xấu,
Những đứa "vô liêm" hại bạn hiền...

Thọt qua, thọt lại bằng ngôn ngữ
Khích bác vài câu chẳng tiếc lời,
Ton hót, nâng bi hầu xách động
Để người xung đột hắn coi chơi...!

Hắn ghét người: Vì tâm địa hẹp,
Hoặc ganh người: Do tánh xấu xa
Nói qua, nói lại người xào xáo,
"Đòn xóc hai đầu" chính hắn ta!

Đồ Ngông,
14-0-02.

 

*Giả Nghĩa. 

Giả nghĩa cũng phường đạo đức giả
Giả thương người, giúp đỡ người thôi
Nuông chìu, săn đón người "ghê" lắm!
Nhưng rõ, thì ra lợi dụng người.

Kẻ giả nghĩa ra chiều ngọt dịu,
Cách hành vi, đối xử không lường
Lại khôn khéo, khó nhìn ra được
Khi vỡ rồi, ta quá thảm thương!

"Kẻ cố ý ngồi rình trong bụi,
Kẻ vô tình lủi thủi mà đi"
Cổ nhân đã nói từ lâu lắm!
Giả nghĩa, ngày nay chẳng thiếu gì.

"Dạ sói, lòng lang" ôi, chúng nó!
Tay lần cây kéo, giết sau lưng
Ngọt ngon, miệng vẫn lời êm dịu
Nhân thế, người gian khó đoán chừng!

Đồ Ngông,
15-04-02.

 

*Thơ Ngông

Ngồi buồn sắp chữ lại thành thơ
Ta gọi thơ ngông, chửi cuộc đời
Moi móc kiếp người bao cái xấu,
Rao cho thiên hạ xúm coi chơi!

Ta ngông, ta thích làm thơ ngông,
Ở cõi đời nầy: Cảnh trống không
Thấy đó, nhưng rồi đà mất đó,
Đi về hai cõi "có" và "không"!

Lắm kẻ tranh giành "đá" lẫn nhau
Tiền tài, danh vọng, sướng hay sầu..?
Bao nhiêu mánh lới lừa nhau mãi,
Lôi cuốn cùng nhau ở cuộc chơi..!

Đồ Ngông,
19-04-02.

 

*Nhỏ Thành To.

"Chuột nhỏ" bây giờ đã "hóa voi"
Lung nhung, lúc nhúc lại thêm dòi
Hôm qua, vết lở giờ ung thối,
Bữa nọ, đứt tay có mủ rồi.
Chưa nổi, "tu thân" sao tới "quốc",
Cam bề, "gia đạo" nói chi "bình".
Anh về nghĩ lại xem sao nhỉ?
Chuyện nhỏ ra to, "Sự" khó thành.

Đồ Ngông.



*Khi Hoa Anh Đào Nở. (9)



Tôi dậy từ sớm, nhưng mặt trời cũng đã sáng hẳn lên. Vạch màn cửa sổ của phòng từ lầu 10, nhìn ra chung quanh, nhà san sát theo sườn núi. Ngọn núi tuốt trên kia, nhưng nhà cửa cũng đua nhau, thấy thật là choáng ngợp, cái cảnh nầy sao giống với cái cảnh ở Đài Trung của Đài Loan mà một lần tôi cũng có dịp đi qua. Nhưng ở Đài Trung thoáng hơn nhiều!
Đây là Thành phố Atami là Thành phố tương đối lớn, với hơn 37,000 dân trên một diện tích khoảng gần 62 cây số vuông nằm dựa sườn núi lửa mà một phần bị chìm xuống theo “hiện tượng caldera” ở ven bờ của vịnh Sagami, cho nên vì phòng tôi ngó vào núi nên “thấy nhà ôi là nhà”! Chứ phía bên kia là ngó ra biển thì chẳng đến đỗi nào! Vì nơi đây có dòng nước nóng của đại dương đi qua nên khí hậu được ấm: Nóng ẩm vào mùa hè; mùa đông thì ngắn hơn.
Atami là Thành phố du lịch với nhiều suối nước nóng có từ Thế kỷ thứ 8 trước Dương lịch. Năm 1923 ảnh hưởng trận động đất ở Great Kanto, nên Atami bị sóng thần cao gần 11 m nhấn chìm và làm chết đuối khoảng 300 người. Thành phố ngày nay được xây dựng từ tháng 4/1937 cùng mở rộng qua làng Taga kế bên nên rộng hơn; đồng thời từ năm 1950 khi Chính phủ Nhật công bố Atami là Thành phố Du lịch và Văn hóa thì nó phát triển nhanh chóng về khách sạn và khu nghỉ dưỡng.
Trong phòng ngủ, mà tôi nghĩ là chắc phòng nào cũng vậy, đều được trang trí khoảng không gian sàn có vài chiếc chiếu được đan đát tỉ mỉ, đẹp trên sàn, giữa là bàn con, nhỏ; hai bên là hai chiếc gối ngồi có tấm dựa lưng. Trên bàn có hai cái tách trong cái khay và một đồ gạt tàn thuốc. Lúc đầu tôi chỉ nghĩ họ trang trí thế thôi, nhưng sau nghĩ lại: Hay là họ cho mình mặc đồ Kimono và ngồi ở đó để uống nước trà, hai vợ chồng đối ẩm theo kiểu Nhật chăng? Thế là với sự tò mò, ngộ nghĩnh vợ chồng tôi làm một cuộc đối ẩm theo kiểu Nhật, quỳ trên gối hai tay nâng chén trà để “cụng tách”. Nhưng ai chụp hình đây nên phải nhờ đến chị Cỏn và chị Tám Quít ở phòng kế bên. Chụp qua rồi chụp lại cho đến giờ phải đem đồ xuống và trả phòng để cho nhân viên khách sạn có thì giờ kiểm kê.
Do sự trả phòng sớm nên du khách của các đoàn tập trung ở “lobby” (phòng tiếp tân) rất đông, có nhóm sửa soạn đi mà đoàn đến cũng nhiều cho nên thật là choáng ngợp dù không gian khá rộng. Đúng 7 giờ đoàn đi ăn sáng và đến 8 giờ rưỡi lên xe khởi hành đi sang Yokohama và Tokyo. Đường đi bây giờ phần lớn là chạy theo dọc biển và có nhiều phố xá, dân cư đông đúc, thỉnh thoảng có vài nơi núi non, tuy nhiên theo dọc đường tôi thấy những cây lớn cũng được cắt bớt tạo dáng giống như là những cây cảnh. Không lẽ người Nhật lại kỳ công đến thế sao? Ở Osaka, nhất là Kyoto tôi đã lấy làm lạ về những cây bóng mát dọc đường trơ trụi không có bao nhiêu cành nhỏ, chứng tỏ chúng được cắt xén gọn gàng để mùa Xuân năm sau lá mọc lại đẹp hơn và bây giờ tôi lại thêm ngạc nhiên với những cây ở dọc đường nơi nầy. Còn phía phải thì song song với bờ biển cho nên người ta dễ nhìn thấy từng nơi có nhiều người đang tập lướt sóng hoặc bơi trên những ván lướt với mái chèo. Có lẽ ở vịnh Sagami nầy có nhiều trung tâm dạy người ta lướt sóng.
Đến 10 giờ 30 thì xe buýt vào bến ở Kamakura và chúng tôi được Jennifer hướng dẫn đi viếng Đền Thần Đạo ở đây là Đền Tsurugaoka Hachiman-gu. Thì ra con đường mà xe vừa đi qua lúc nãy có cổng Torii lớn chắn một phần giữa đường để rồi người ta làm con đường đi bộ ngay chính giữa và hai bên đường đó trồng rất nhiều cây Anh Đào dài suốt vào trong, đến một cổng Torii khác. Còn xe hơi thì chạy dọc theo hai bên đường đi bộ đó, một bên ra và một bên vào len vào hai dãy phố. Bến xe nằm bên hông khuôn viên rộng lớn của Đền, nên chúng tôi phải đi bộ vào cổng Torii nhỏ và đến Đền bằng cửa hông. Con đường hông nầy người ta đang sửa sang lại nên phần đường qua lại có giới hạn. Vừa cuối con đường thì Jennifer hối thúc chúng tôi đi nhanh lên vì đang có một cái đám cưới ở phía trước. Ừ thì, đang có một cái đám cưới thực, đám cưới làm theo nghi thức lễ truyền thống của dân Nhật. Tôi ngạc nhiên không lẽ có sự trùng hợp may mắn, hay là người ta tổ chức một cái đám cưới như thế nầy để du khách thấy và hiểu phong tục của Nhật. Nhưng dù là thật hay giả đám cưới nầy cũng cung cấp cho người ta nhất là khách du lịch tận mắt một nét văn hóa của người Nhật như thế nào.
Co dau, chu re va le cuoi.

Khi tôi đến thì đoàn cô dâu chú rễ từ bên ngoài kéo lên đài nhỏ ở giữa đường rồi và cô dâu, mặc đồ trắng với vành mũ cao lên che đầu và chú rễ thì mặc áo khoác đen rộng ngồi ở bàn chính giữa phòng lễ mặt hướng về Đền Chính ở trên cao kia, và bên trái là hai Thầy tế lễ đội mũ dãy có dây đeo xuống càm kiểu của người Nhật và bên phải là người thân hay gia đình gì đó. Và ngoài phòng là ba người trống kèn mặc áo màu xanh nhạt. Thầy lễ mặc áo vàng đọc điều gì mà những người khác đều cuối đầu cung kính giống như là họ đang cầu nguyện với Thần linh. Rồi đến phần tế lễ của Thầy lễ mặc áo trắng bên ngoài nhưng màu tím và vàng ở bên trong hành lễ.
Cuộc tổ chức đám cưới chắc còn lâu nên tôi không có kiên nhẫn theo dõi cho hết và dù có hết cũng chẳng hiểu được nhiều. Cho nên biết đại khái thế là đủ lắm rồi! Vả lại, tôi cũng chẳng có thời giờ nhiều đành bỏ cuộc mà theo dòng người để lên Đền thờ chính ở trên cao kia. Đền thờ nào cũng vậy có hình thức hành lễ tương đối giống nhau chỉ khác đi Đền lớn hay nhỏ mà thôi. Tôi quay vài khúc phim, đi một vòng xem có gì lạ không rồi trở xuống, đến gần cổng ra thì gặp anh Nhi, hai anh em dẫn nhau ra phía trước chỗ cổng Torii thứ nhì nối với đoạn đường mà người ta biến thành đường đi bộ với hai hàng cây Anh Đào, đứng nhìn chung quanh, chụp vài bôi hình cho nhau. Xong dẫn nhau về và thả lần ra xe. Xe trở lại đường đi bộ và ra ngoài để đi ăn trưa. Đã gần 12 giờ rồi còn gì! Kỳ nầy ăn trưa ở nhà hàng trên lầu dù không gian có hơi chật chội.
Hoa Anh Dao
Trai non Anh Dao.

Kamakura nầy là một Thành phố biển, du lịch cách Tokyo chừng 50 km, có số dân khoảng 180 ngàn người sống trên một diện tích chừng 40 cây số vuông, là nơi có nhiều Đền thờ Thần Đạo và chùa. Phía Nam là bãi biển của vịnh Sagami, còn các mặt khác đều là vùng núi đồi. Nó được xem là Thành phố từ tháng 11 năm 1939. Vùng đất nầy được coi như là nơi đã khai sinh ra triều đại Mạc Phủ Kamakura đầu tiên ở Nhật với chính quyền nằm trong tay của các võ sĩ samurai. Ngôi đền Thần Đạo Tsurugaoka Hachimangu mà chúng tôi vừa tham quan là nơi mà các cặp uyên ương chọn làm nơi cử hành hôn lễ theo truyền thống Nhật Bản, cho nên tôi đã có dịp chứng kiến, cũng là một điều may dù mình chẳng thật hiểu là bao nhiêu!
Sau khi ăn trưa, xe đưa đoàn chúng tôi đến khu vực chùa Kotoku-in. Băng qua đường và đi vào khuôn viên khá rộng còn nhiều cây Anh Đào đầy bông. Những cánh Anh Đào bay lả tả theo gió nên thơ, làm tôi nhớ đến những “lá me bay” trên đường Hồng Thập Tự, Trần Quý Cáp vào những năm tôi lang thang đi học ở dưới Sàigòn. Ôi! Trí óc con người sao lắm liên tưởng và nhớ về kỷ niệm đến thế! Hay chắc tại mình già rồi chăng? Tượng Phật A-Di-Đà bằng đồng to lớn đang ngồi tham thiền giữa không gian ngoài trời mặc cho nắng gió với màu xanh của “ten (rỉ) đồng” thật là oai nghi, trầm lắng như nhắc nhở mọi người nhớ suy ngẫm về “cái” cuộc đời nầy!
Tuong Dai Phat.

Theo tài liệu thì tượng Phật A-Di-Đà của chùa Kotoku-in theo phái Tịnh Độ Tông Nhật nầy là tượng Phật lớn hàng thứ ba trên đất Nhật sau các tượng Phật ở Katsuyama và Nara. Tượng được tạo vào năm 1252 bằng đồng với chiều cao 13.4 m, nặng khoảng 121 tấn (có mặt 2.35m, mắt 1.00m, tai 1.90m, miệng 0.82m) được đặt trong một chánh điện rộng lớn. Tuy nhiên, chánh điện ấy nhiều lần bị hư hại do bão vào năm 1334, gió mạnh năm 1369 nhưng đều được dựng lại, để rồi sau cơn sóng thần năm 1498 chánh điện bị hư hoàn toàn và tượng Phật trở thành lộ thiên cho đến ngày nay. Trận động đất mạnh năm 1923 làm cho bệ đỡ bị hư và sửa lại sau đó vào năm 1925. Và đến năm 1960-61 người ta chống đỡ cho cổ tượng Phật có thể chịu đựng sức nặng của cái đầu và làm cho tượng có thể chuyển động trên bệ để chống với độ rung lắc của những chấn động do các cuộc động đất mạnh xảy ra mà không làm thiệt hại cho tượng.
Dấu vết của chánh điện là những tảng đá chịu chân cột còn lại trên vị trí của nó chung quanh tượng.

Nguyên Thảo,
24/09/2017.



Sunday, November 12, 2017

*Kẻ Hiếp Nàng Thơ.



*Người Chỉ Trích.

Còn có khối người hay chỉ trích
Om sòm, la lối rất hăng say
Sách động, kêu bè chuyên khuấy thối
Bất kể rằng đêm, cả lẫn ngày.

Cũng có những người ưa khích bác
Lấy trò phá rối để làm vui
Khi cần đến họ, đều đi tránh
Nếu có ai làm, lại nhảy ra.

Phê bình, đối lập như hăng máu
Giương cựa, phùng mang sắp độ gà
Tới phiên, họ lủi đi đâu mất
Tìm mãi không ra, mới gọi là...

Thế gian lắm kẻ không làm nổi
Người khác làm cho, đứng chửi dòn
Nghĩ lại thân mình như giẽ rách
Chê người chê tệ chẳng chừa trôn...

Đồ Ngông,
11-04-02.

 

*Gã A Dua.

Trong đời thêm gã thích a dua
Cứ thể làm như đám chó hùa
Tiếng sủa vang lên thì gấu ó
Không hề biết ngọt hoặc hay chua.

Tủi thân "Cây sậy biết suy nghĩ",
Nhưng thế "cái đầu", "óc" để đâu?
Cái sống, chưa ra thành cái sống
Bản năng chẳng khác chó ưa hùa!

Thôi về nhắn lại gã a dua
Cứ bỏ, quăng đi cái tánh hùa
Chịu khó nhìn xem, phân phải trái
Đào sâu, nhận định ngọt hay chua?

Đồ Ngông,
12-04-02.

 

*Kẻ Hiếp Nàng Thơ!

(Người ta ví thơ là một hình thức tươi đẹp để trang trải tâm tình thơ mộng, trong những thể loại có vần có điệu, thanh âm êm dịu, nhẹ nhàng. Thơ có người con gái tha thướt, mỹ miều, duyên dáng làm "Tổ" gọi là "Nàng Thơ". Nhưng đối với những người chửi lộn bằng thơ, thì ngôn từ đầy sân hận, thù hằn, cay cú nên Đồ Ngông tôi mới có bài nầy.)

Nàng Thơ than thở, dáng u sầu,
Mắt ướt hoen mi, nhìn mãi đâu?
Yên lặng, chơi vơi, mà chẳng nói
Te tua, lem luốt,... áo quần đâu?

Nàng bảo rằng nàng bị hiếp dâm
Đám người hung bạo đến âm thầm
Ngôn từ, chữ nghĩa như dao mổ
Hăm dọa, bắt nàng để hiếp dâm...

Cái nhóm hung tàn đi hạ nhục
Hết người, sao lại đến nàng Thơ?
Văn chương, ý tưởng đầy thù hận.
Hoen úa nàng Thơ tự bấy giờ.

Uổng công ăn học bấy lâu nay
Văn thơ, chữ nghĩa khó nghe thay
Đem ra hiếp đáp người như thế
Hiếp cả nàng Thơ đến thế này!

Đồ Ngông,
13-04-02.



*Đường Đến Băng Hà. (6)


Như mọi ngày, chúng tôi được báo thức từ lúc 6 giờ; nhưng tôi và anh Thới hồi nào cũng thức trước giờ để uống cà phê, đấu láo với nhau vì lâu ngày chúng tôi mới có dịp cùng nhau như thế nầy. Không nhớ là tôi đã nói về trường hợp tôi và anh Thới ở chung phòng với nhau chưa, nhưng thôi thì nói lại vậy: Vì cô Hi, em vợ tôi, chỉ có một mình mà chị Thới lại là bạn thân nên trong chuyến đi nầy vợ tôi, chị Thới, Hi quyết định cùng nhau chung phòng. Còn tôi và anh Thới được “free” ở chung với nhau để tâm sự chuyện đời xưa!
Dù là uống cà phê, nhưng tôi và anh Thới cũng không quên đi ăn sáng, mình đã trả tiền rồi mà! Không thì mất quyền lợi sao? Ăn xong, về phòng chấn chỉnh lại mọi thứ và hành lý đem xuống để chất lên xe, đoàn sẽ khởi hành đi vào lúc 8 giờ! Trong chuyến đi chuyện của tôi lo và chuẩn bị kỹ hơn nhất là cái máy quay phim và xạc pin cho điện thoại đầy đủ. Bây giờ chụp hình bằng điện thoại di động tiện hơn nên máy chụp hình tôi đem theo mà không mấy lần sử dụng. Xe rời Salmon Arm từ lúc còn sớm nên sương hơi lành lạnh, trời mù mù, trên đường chẳng mấy chiếc xe chạy. Ra khỏi thị trấn, cảnh thôn quê hiện ra. Rừng núi, đồng cỏ ôm lấy những khu nhà còn mê ngủ. Cái cảnh thanh bình, vắng lặng, nhưng ít ra tầm mắt được phóng nhìn không đơn điệu như trên xứ của con Kangaroo. Cây cối có nhiều loại để thay đổi chứ không là những cây cùng loại khuynh diệp nơi nào cũng giống nhau. Nhưng kiểu địa hình nầy vào mùa đông hay những ngày lạnh đầy mây hoặc mưa thì chắc buồn ơi là buồn!
Màu xanh tươi mát cùng đồng cỏ mênh mông. Có lẽ đất chỉ mới hồi sinh đây thôi, sau một mùa đông giá lạnh, đầy tuyết trắng xóa. Tôi chỉ tưởng tượng và nghĩ vậy thôi, chứ trên đất Úc có mấy nơi có tuyết, đừng nói chi là tuyết phủ cả mấy tháng mùa đông, mọi cảnh vật chìm trong giấc ngủ gọi là “đông miên”; cho nên tôi chẳng biết như thế nào, và chỉ đoán mò mà không thực tế!
Xe đi theo con đường 97B từ Salmon Arm ra để nối với đường 97A tức là Highway từ Sicamous đi Vernon, để rồi từ Vernon là đường 97 tức là Onkanagan Highway đi đến Kelowna. Đoạn đường dài chừng 110.5 km. Nhìn xa bên phải là hồ Onkanagan, và đường chạy trên độ cao hay sườn đồi nên nhìn phong cảnh thật là đẹp! Thỉnh thoảng thấy vài khu vực có nhiều nhà nilông, nhưng không biết họ trồng gì trong đó.
Hồ Onkanagan là hồ lớn, rộng và sâu. Chiều dài của nó khoảng 135km, chiều rộng từ 4 đến 5km, với điện tích chừng 348km2. Độ sâu của nó trung bình là 100m, ở bìa hồ chừng 10m và chỗ sâu nhất là 232m. Lượng nước đổ vào hồ từ những vùng Mission, Vernon, Trout, Penticton, Kelowna, Peacheland, Equesis và Powers Creeks; và nước đổ ra sông Onkanagan rồi đổ về sông Columbia.
Đến khoảng 9 giờ 30 chúng tôi đến khu vực của vùng đất trồng nhiều đào lông và cherry. Ở đây nhà cửa khá đông đúc. Theo lịch trình sáng nay đoàn sẽ ghé qua vườn nho và thử rượu ở hãng rượu Summerhill Pyramid, vì vậy xe vừa vào cổng đã thấy một mô hình Kim tự tháp được trưng bày ở đó.
Theo tài liệu thì Summerhill Pyramid Winery được thành lập từ năm 1986 do gia đình Cipes làm chủ. Nó được chứng nhận là vườn nho canh tác theo kiểu “Organic”, tức là không dùng đến chất hóa học để bón phân hay sử dụng thuốc trừ sâu bằng hóa chất. Thôi thì mình cũng cứ nghĩ là như vậy!
Cái văn phòng, nơi bán rượu nầy có cảnh trí khá khang trang và đẹp. Đứng ở đây nhìn xuống phía dưới hồ kia cảnh trí rất nên thơ và cảnh quang, bày trí ở đây chứng tỏ nó là nơi thường được du khách đến thăm viếng, cho nên hôm nay chúng tôi đứng nơi đây cũng không có gì là lạ!
Trời có mây mù, mưa lâm râm, nhưng biểu tượng chai rượu được trang trí bên ngoài đang nghiêng rót rượu vào ly giống như thật cũng hấp dẫn nhiều người lên đứng chụp hình với cảnh hồ nước hơi là lạ.
Chai ruou va ho nuoc.

Tôi bắt chước làm một bôi hình cho vợ tôi trong khi chờ đợi được vào bên trong để thử rượu. Quầy bán rượu, cho khách thử rượu thì dài nhưng nhiều người, đông quá nên đành xếp hàng dài dọc theo bàn, cả bu quanh ở hai đầu để được thử loại rượu gọi là “ice wine”. Mỗi người được một cái ly rót vào chút ít rượu để thử mùi vị “ice wine” của rượu nổi tiếng ở Canada nầy, nó đã góp phần cho Summerhill Pyramid Cellar đoạt được nhiều huy chương của Canada kể cả của Anh và Pháp. Đa số những nhân viên ở đây là người Hoa nói tiếng Phổ Thông nên tôi không biết là chủ cũ vẫn còn làm chủ hay đã sang nhượng lại cho người Trung Quốc mất rồi.
Nghe quang cao ve "Ice Wine"

 Tôi định cư ở vùng đất Nam Úc, nơi cũng có nhiều vườn nho và hãng rượu; nên cũng vài lần đến hãng rượu để được nếm mùi rượu. Lúc đầu chúng tôi cứ tưởng đi thử rượu giống như những người chuyên môn làm rượu đã thử. Nhưng không, thử rượu của chúng ta chẳng qua là đến quầy bán rượu của hãng, vì có nhiều thứ rượu nên không biết thứ nào mà mua, nên ta cần nếm thử mùi vị để ta thấy thích thì mua loại mà ta thích. Thử rượu ở đây cũng là vậy! Nhưng ta từ phương xa nên chỉ cần thử đến loại đặc biệt “ice wine” thôi. Mà cũng chưa chắc là bao nhiêu người mua vì chuyến đi cũng hãy còn dài, và hành lý cũng còn lỉnh kỉnh khá nhiều. Do vậy đa số thử để cho biết cái mùi của “ice wine”.
Thu ruou.

“Ice wine” là loại rượu khai vị, nó không phải là nho được thu hoạch vào đúng thời điểm thu hoạch, mà nho nầy còn được neo trên cây cho đến thời tiết lạnh hơn nữa khi mà nước trong nho bị đông lại trong khi chất đường của nho thì không, nó thường là sau Tết Dương Lịch. Nho nầy được neo trên cây trong thời tiết đông lạnh để độ ngọt được đậm đặc hơn có khi qua đến hai đợt lạnh, như vậy nó dễ bị thất thoát do chim chóc ăn mất, đồng thời phải thu hoạch vào sáng sớm mùa đông để nho còn trong tình trạng đông cứng. Do đó sản lượng rượu cũng ít hơn có khi chỉ bằng 1/5 so với sự thu hoạch bình thường mà tiền nhân công phải trả xứng đáng với công cán họ bỏ ra trong việc thu hoạch nhanh vào sáng sớm băng giá, nên “ice wine” mà người ta gọi theo tiếng Hán Việt là “Băng Tửu” thường có giá cao.
Có câu chuyện kể là: Một chủ vườn nho ở Đức bận công chuyện đi xa nên không thu hoạch nho đúng lúc vào năm 1794. Khi trở về có thể vì tiếc rẻ nên ông đành thu hoạch nho của mình vào thời điểm mùa đông băng giá và đem đi ép làm rượu. Sự vô tình đó đã khiến cho rượu của ông trở nên ngọt, ngon hơn và có tên là rượu “mùa Đông” (Winter wine), mà người Đức gọi là “Eiswein”. Mãi đến năm 1962 thì “ice wine” được tung ra thị trường như một sản phẩm thương mại phổ biến ở Âu Châu.
Năm 1972 thì “Ice wine” được sản xuất ở Onkanagan Valley nầy do người di dân Đức Walter Hainle làm ra được 40 lít, nhưng rượu nầy không đủ tiêu chuẩn vì thu hoạch sớm và không có băng giá. Rồi năm 1978 ông làm một lần nữa cũng không bán ra thị trường. Nên đến năm 1984 “Ice wine” đầu tiên được đưa ra thị trường bán ở miền Đông Canada là sản phẩm của người di dân gốc Áo là Karl Kaiser ở vùng Ontario.
Hôm nay chúng tôi được đứng ở đây tại Estate của Summerhill Pyramid Winery để thưởng thức món rượu “Băng Tửu” ở vùng Onkanagan nơi được coi là “Make The Best Canadian Ice Wine”. Nhiều người muốn mua nhưng lưỡng lự vì chuyến đi còn dài ngày mà sự mang theo có nhiều phức tạp, vì vậy chỉ có vài người mua thôi. Cũng tiếc cho hãng Summerhill!
Sau một giờ nơi hãng rượu, đoàn lại lên xe vào lúc 10 giờ 40 để đi ra bờ hồ tại Thành phố Kelowna, nơi công viên có tượng con Ogopogo huyền thoại. Đường đi không xa lắm khoảng chừng trên 10 phút đồng hồ xuống đồi thì chúng tôi đã đến công viên Kerry Park nhìn ra bến du thuyền và nơi cho mướn những chiếc thuyền dạo chơi trên mặt hồ. Nơi nầy được gọi là Downtown Marina Kelowna.
Hinh tuong Ogopogo.

Cảnh sông hồ, cây cối có nhiều thú vị, lại thêm đường phố nhộn nhịp ở một bên. Mọi người lại thêm một khoảng thời gian để chụp hình kỷ niệm cho một chuyến đi xa. Cuối công viên nầy là nối với một công viên lớn của Thành phố có một tượng hình hai cánh buồm cũng là nơi để chụp ảnh đẹp và nhất là hình tượng con Ogopogo. Tượng nầy người ta gọi là quái vật (monster), nhưng nó lại giống với hình tượng con rồng đơn giản mà phương đông của mình hay nói đến. Ở công viên nầy có điều làm cho người ta thích thú là cái “toilet gia đình”. Hai vợ chồng đều có thể sử dụng cùng lúc, một bàn ngồi ở trong và người đứng ở ngoài.
Kelowna là Thành phố lớn thứ ba của Tỉnh British Columbia với số dân khoảng 195,000 dân nằm hai bên bờ hồ trong thung lũng Onkanagan cao 344m so với mặt nước biển. Người ta tính khoảng 9,000 năm trước đã có người đến đây, nhưng người Âu đầu tiên đến định cư ở đây để truyền đạo là ông Cha thuộc Thiên Chúa Giáo La Mã là Charles M. Pandosy, người Pháp. Kelowna là tên chính thức từ tháng 5/1905. Khi thành phố kỷ niệm 100 năm thì cầu mới William R. Bennett với năm làn xe chạy được xây dựng và hoàn thành vào năm 2008.
Không biết quái vật Ogopogo có thật hay không, nhưng trên đường khi đến đây, Hướng dẫn viên Vincent có đề cập đến những thông tin đã có và chiếu phim tài liệu truy tầm quái vật nầy cho chúng tôi xem. Lúc ấy tôi cũng chẳng quan tâm lắm. Khi vào Thành phố Kelowna, lại đến công viên Kerry Park và Cô Liên (Dẫn đoàn) kêu tôi đứng bên cạnh để chụp hình dùm tôi với hình tượng Ogopogo; thì trong đầu óc tôi lại nghĩ miên man về con rồng của văn hóa Trung Hoa có ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam. Không lẽ đây là hình ảnh sơ khai của con rồng mà về sau người ta thêm thắc những nét đẹp đẽ, thêu dệt để con rồng trở thành một con vật trong 4 loài thuộc Tứ Linh: “Long, Lân, Qui, Phụng” để rồi Rồng là biểu tượng cho Thiên Tử, Hoàng Đế, Hoàng tộc; còn trong dân gian Rồng hiện ra hút nước, làm trời mưa. Quái vật nầy cũng tạo được một quá trình huyền thoại mà tài liệu đã ghi lại như sau:
Vào Thế kỷ 19 người dân bản địa nhìn thấy nó giống như một loài rắn biển dài khoảng 12 đến 15m mà người ta nghĩ như một vị thần ở hồ, rồi hiến tế để cầu mong sự bình yên. Nhưng vào năm 1926 rất nhiều người trên 30 chiếc xe hơi ở bãi Okanagan Mission đều cho rằng mình đã thấy cùng một việc. Năm 1968 đoạn phim của Art Folden cho thấy có làn nước liên hệ tới sinh vật nầy. Năm 1978 truyền hình vào cuộc với loạt phim “In Search of”. Và năm 1990 Canada phát hành con tem về Ogopogo; 1996 X-files có đoạn phim đề cập đến Ogopogo. Đến năm 2005 National Geographic có một phần về “quái vật” trong “Is It Real: Monster of the Deep”, và huyền thoại về con vật nầy còn tiếp tục được đề cập đến nhiều lần nữa trong những năm sau đó. Và chắc chắn sẽ được nhắc tới dài dài về sau nầy như các mục tiêu khám phá cũng như là  “quảng bá” cho Kelowna và vùng hồ Onkanagan nầy để thu hút du khách và kẻ hiếu kỳ vậy!
Sau đó, mọi người lên xe từ giã chốn nầy để băng qua cầu về phần phía Tây của Thành phố và nương theo đường 97C mà tiến về Meritt. Đường đi dần lên cao, không biết có phải đường lên đỉnh cao của dãy núi hay không mà dọc đường nầy còn rất nhiều tuyết bao phủ trắng từ trong rừng cây cho đến ngoài cánh đồng. Thỉnh thoảng hình như xe đi qua những luồng mây với mờ sương và ẩm ướt. Ngồi trong xe tôi cứ mãi mê nhìn ra ngoài với nhiều suy nghĩ: Đẹp thì có đẹp, nhưng mà buồn quá! Về mùa Đông chắc là sự giao thông có nhiều trắc trở, đời sống sinh hoạt gặp có nhiều khó khăn!
Đến 1 giờ xe tới Meritt và chúng tôi ăn trưa ở một nhà hàng Nhật, nhà hàng nầy tương đối lớn và đông khách. Để rồi sau đó, xe chạy xuôi về Vancouver trên Highway 5 với đoạn đường khoảng chừng 270km. Về đến khách sạn Hyatt vào lúc 5 giờ 30. Sau khi nhận phòng và ổn định, chúng tôi lại phải tập họp lại vào lúc 6 giờ 15 để đi ăn tối ở nhà hàng Kirin cách khách sạn hai con đường.

Nguyên Thảo,
01/10/2017.



Wednesday, November 8, 2017

*Bài Thơ Say.


*Kẻ Gây Rối.

Thiếu chi những kẻ chuyên gây rối
Cứ quậy, cứ la, cứ khuấy thối
Hôm nọ phanh ra chuyện nhỏ nầy,
Mai kia khui nút hầm cầu thối.
Bà con ê mặt đã từ lâu
Sắc tộc đau buồn sáng đến tối.
Ăn nói làm sao với bạn Tây?
Dứt đi..! Xin bỏ đừng gây rối.

Đồ Ngông,
01-04-02.




*Người Tâng Bốc.

Lại có những người không biết mình
Thường hay tâng bốc chẳng sợ khinh,
Đến đâu cũng vậy, luôn o bế
Cấp lớn, bề trên, lẫn hạ mình.

Mọi người khó chịu đâm ra chán
Nhìn thấy tức cười: "Vậy thế a!"
Thôi đi nơi khác: Trông gay mắt
Tâng bốc thân hèn "nhất thế gia"!

Tâng bốc cũng thành một thói quen
Đôi khi nó lại trở nên ghiền
Không tâng, không bốc: Như còn thiếu
Tâng bốc bà con lại thấy phiền.

Tâng bốc, vô tình phá đám đông
Nhiều người mãi riết lại thành không.
Còn ta với chủ, ta tâng bốc
Chủ khoái cười to,... cảnh trống không...!

Đồ Ngông,
02-04-02.

 

*Bài Thơ Say.

Ta say túy lúy... quả ta say,
Say quá... cho nên đỏ mặt mày
Ta nói... nhưng mà,... ta chẳng nói
Nói gì...? Ta có nhớ hay... hay!

Ta say, ta chửi mày hay ta?
Ta chửi ai kìa...? Chắc chửi ta
Ta chửi thằng say, say hết biết
Ta là người thật,..  hay là ma?

Chân mặt, sao mày xiên cẳng trái?
Mày yên... sao chẳng để ta yên?
Lải nhải nói hoài... Ôi,... chán quá!
Im đi...! Ta cảm thấy là phiền!

Rượu ơi! Còn hết, sao không nói?
Ta đợi mày lâu,.. chẳng tiếng nào?
Khinh quá... Ta buồn ghê lắm đó!
Thôi mày,.. mày chẳng mến ta sao?

Ta chẳng có say, ai nói say?
Lang thang, lếch thếch cũng do mày
Cả ngày ta nhớ,... Ta không biết?
Lẩn thẩn, lơ thơ "Tỉnh với say"...!

Đồ Ngông,
07-04-02.

 

*Gã Lì.

Thế gian sợ nhất gã ù lì
Như câm, như điếc, chẳng làm chi
Chỉ biết có mình: Ông tự ý
Xeo cạy thế nào cũng giữ y!

Trời sinh ra đứa lì như thế!
Chỉ vô tích sự, hại thêm đời
Không biết mọi người, không tập thể
Chỉ mình, có một, một mình thôi!

Thì ra, cũng lại gã ù lì
Đưa mặt mày mo chẳng sợ chi
Quậy nát, quậy tan theo ý muốn
Mọi người như bỏ... Đúng ơi! Lì!

Nói với thằng lì: Nói với cây
Thà về đầu gối lại càng hay
Tiếp xúc nó chi cho thêm mệt
Bỏ đi! Mặc nó, đứa ù lì.

Cô lập nó ra, đừng nói tới
Coi rằng nó có cũng như không
Thằng lì đã chết rồi trong đám
Lì có hay không, chẳng bận lòng...!

Đồ Ngông,
10-04-02.





*Khi Hoa Anh Đào Nở. (8)


Hồ nằm giữa các phần của núi Hakone về bờ phía Bắc, Mikuni về phía Nam cho nên đi trên hồ mà nhìn hai bên đều là vùng đồi núi khá cao, phong cảnh nên thơ nhưng lại thấy mình trở nên nhỏ bé. Điều làm cho tôi thấy lạ nhất là tại sao trên sườn núi không biết là những cây gì mà trổ bông đầy trên đó, nhưng khi tôi “zoom” ống kính máy quay lại để nhìn cho rõ hơn thì không phải là bông. Vậy là cái gì nhỉ? Tôi cứ thắc mắc cái màu bạc bạc trên núi. Màu sắc ấy đầy dẫy xen với một ít “lủm” màu xanh của cây thông hay tùng bách gì đó. Chính vì vậy mà tôi sử dụng đến máy quay hơi nhiều, chứ không phải do cảnh quan đẹp của hai bên bờ. Khi đến những khu vực có nhà ở, thì có những táng Anh Đào đầy bông, màu bông cũng khá tiệp với màu trắng bạc ấy thì tôi mới biết chắc đó không phải là những rừng núi hoa Anh Đào. Vậy thì là gì? Tôi phải tìm cho ra lẽ mới được!
Đến gần cuối bờ, hai bên nhiều nhà cửa và dân cư, phía bên nây có vẻ sung túc hơn bên kia nhiều, ở đây có công viên lớn, khách sạn. Du thuyền cập bến, vào bờ nhưng mọi người đều có vẻ nuối tiếc và lưu luyến nên quay lại đứng chụp hình với bóng dáng chiếc tàu mà mình đã được đưa qua hồ như là những kỷ niệm. Đồng thời với phía sau xa xa là núi Phú Sĩ hiện lên trong bầu trời trong xanh, chỉ một chút thôi với phần đỉnh đầy tuyết trắng chứ phần thân đã bị ngọn núi bên hồ che khuất đi rồi! Thế là chúng tôi đã hoàn thành du ngoạn trên hồ Ashi trong khoảng gần nửa tiếng đồng hồ.
Phu Si Son.

Xe buýt đưa chúng tôi đến đền Thần Đạo gần đây, gọi là Hakone Shrine hay là Hakone Gongen của Thị trấn Hakone nầy. Theo sử liệu thì đền Hakone được tạo dựng từ năm 757 dưới thời Emperor Kosho ở đỉnh của núi Komagatake và được dời đến đây từ năm 1667.
Qua cổng Torii to lớn màu đỏ, chúng tôi đi vào con đưòng có hai hàng cây to lớn trồng đối xứng hai bên và theo những lớp bậc thềm trên cao phía trước để lên đến đền thờ. Khuôn viên đền nầy tương đối khá rộng. Phía hàng rào bên trái có khung treo đầy những giấy lời nguyện, mong ước của người hành hương. Rồi chính giữa là cổng vào đến chính. Ở nơi đây có nhiều người đến cầu nguyện. Tôi thấy có người đến liệng vài đồng tiền vào khoảng trong, rồi vỗ tay vài tiếng, xong họ rung dây thừng treo trước mặt, lại chấp tay và lâm râm cầu nguyện như xin Thần linh cái gì đó. Tất nhiên trước khi đến đây người ta đã phải rửa mặt, tay cho sạch sẽ ở hồ nước phía trước gọi là thủ tục với Thần linh ấy mà! Tôi nghĩ không lẽ người ta “vỗ tay” hoặc “rung dây” để Thần linh chú ý mà ngó tới để họ chứng cho lời cầu nguyện của mình hay chăng? Quả là mỗi dân tộc có cách suy nghĩ và cách hành xử riêng. Cũng là ngộ thật!
Khi xuống, đi giữa hai hàng cây cổ thụ, tôi thấy gốc nó to quá làm tôi ngạc nhiên mà phải nhìn lên, nó cao và suông, lúc đó tôi mới nhớ đến mấy cây cột dựng trên thềm cao của cổng đi vào của ngôi chùa Todaiji ở Nara mà ngày đầu ở Nhật chúng tôi đã viếng thăm. Không lẽ những cột ấy cũng là loại cây nầy. Đây là thông hay tùng? Tôi không biết ai để giải thích cho mình!
Đoàn lại lên xe buýt để đi đường vòng trở lại nơi xuống tàu lúc nãy. Đường luồn trong những tán cây màu trắng bạc không có lá, vài cây lá vừa chớm bung ra hơi xanh xanh. Thì ra, cái màu trắng bạc mà tôi cứ mãi thắc mắc lúc trên tàu qua hồ lại là màu của những cây nầy, chúng không phải là màu bông Anh Đào, cũng chẳng là màu cỏ trơ trụi mà là màu của cành cây của rừng cây ngút ngàn phủ trùm trên những núi nầy. Tôi không thắc mắc nữa. Xe theo đường dọc hồ có lúc lên lúc xuống ngoằn ngoèo để trở lại đường khi đi vào hồ.
Xe trở về đường cũ để đi ăn trưa. Trên đoạn đường lưng chừng núi nầy có một khoảng trống từ đó chụp hình hay quay phim núi Phú Sĩ rất đẹp, nhưng xe không dừng ở đó nên tôi chuẩn bị sẵn máy để thừa cơ hội nhưng khi vừa thấy thì đã không kịp rồi. Trong nắng tốt chói chang, những cây Anh Đào dại đầy bông trắng, rực sáng khiến tôi thoáng chốc bỗng nhớ quê mình vào dịp Tết mà bông “bù xít” nở đầy!
Xe bắt đầu xuống triền dốc, nơi nầy sao núi Phú Sĩ đẹp thế kia mà xe thì không dừng, và dưới kia là Thành phố. Xe đi qua các đường và sau cùng dừng lại nơi mà đứng ở đó có thể thấy rõ ràng cái chân của núi Phú Sĩ. Đây là rìa Thành phố Gotemba, là Thành phố khá lớn với gần 90,000 dân, và chúng tôi sẽ ăn trưa ở nhà hàng Nhật BBQ tại đây. Bây giờ đã là 1 giờ 30. Ở nhà hàng nầy có bảng đề chữ Việt về nước uống nhắc nhở khách hàng. Như vậy là khách du lịch Việt đến đây đã từ lâu, có thể bên trong lẫn bên ngoài nước, cũng do nơi cái thói quen của dân mình mà ra. Thuở xưa ông bà mình đã nói “con mắt to hơn cái bao tử” cũng đúng, lại thêm mình sợ hết và không đủ để rồi phung phí, và lại phung phí cả trên xứ người, nên người ta nhắc nhở cũng là phải thôi! Còn tự ái hay không là chuyện của mình! Ăn xong chúng tôi ra xe, tôi lại quên quay một đoạn phim hay chụp hình núi Phú Sĩ ở đây và nghĩ sẽ lên công viên trên đồi kia rồi lấy hình luôn, nó sẽ đẹp hơn. Đó là Fujibussharitoheiwa Park với rất nhiều cây Anh Đào còn nhiều bông và có cảnh chùa trên đồi cao. Nhưng cái gì cũng vậy, thời cơ không biết đến lúc nào. Vừa xuống xe trên công viên mọi người cố gắng tìm góc cạnh để chụp hình hay quay phim, mà rồi dịp may chẳng đến. Thời tiết ở đây thì tốt, nhưng ngọn núi Phú Sĩ lại bị mây kéo đến che mờ và từ đó luôn đầy mây nên người ta không thể chụp hình với dáng núi được nữa rồi. Có người nói: “Bầy trâu đang ăn trên núi”. Thế là vỡ kế hoạch, nên người ta đành chụp hình với những cảnh đẹp của chùa ở đây hoặc với những cành Anh Đào còn đầy bông.
May tren Nui Phu Si.

Đến 4 giờ, chúng tôi lại lên xe buýt khởi hành sang Atami. Từ Gotemba xe chạy về hướng Nagaizumi, và Numazu để sang Atami. Ánh nắng chiều xuống dần trên những ngọn núi dọc đường đi. Tôi ngồi nhìn cảnh mù mù bên ngoài chìm đắm trong cảnh mây khiến lòng mình nhớ nhớ đâu đâu. Mà lại lạ là cảnh núi trên đường đi nầy không là màu xanh của rừng cây dù đậm hay nhạt nhưng thỉnh thoảng lại có những khoảng trắng của các loại cây gì đó khiến trên sườn núi giống như da của loài trăn, rồi tôi lại nghĩ nếu tôi là người Nhật ở nơi nầy mà xa xứ thì tôi sẽ nhớ cố hương không biết là ngần nào! Nhưng cũng may là tôi chẳng sanh ra ở nơi nầy, mà tôi chỉ là du khách thôi, và có lẽ: “Chắc là du khách chỉ một lần”! Qua nhiều thành phố đông đúc và sầm uất, xe bắt đầu lên núi rồi đổ đèo. Đèo khá quanh co và độ xuống càng lúc càng nhiều và cuối cùng xe cũng đã đến nơi vào lúc 5 giờ 30 để lấy hành lý và nhận phòng ở khách sạn Atami New Fujiya Hotel.
Theo lời Jennifer dặn dò, sau khi ổn định và tắm rửa xong chúng tôi sẽ mặc đồ Kimono, mang dép của khách sạn cung cấp rồi tập họp ở phòng đợi vào lúc 7 giờ để đi ăn. Đêm nay chúng tôi sẽ có buổi ăn “hoành tráng” và tha hồ uống rượu hay bia do khách sạn cung cấp. Khi xuống “lobby” vì còn phải đợi các toán khác nên sẵn quần áo kiểu Nhật mọi người tha hồ chụp hình riêng hoặc chung cho thỏa mãn. Khách của khách sạn nầy khá đông, rất nhiều đoàn đến đây trú ngụ dù qua đêm như chúng tôi hay đôi ngày của vài đoàn khác. Nhà ăn thật lớn có nhiều khu, nhiều dãy bàn nhưng vẫn đầy người. Thức ăn vẫn theo kiểu “buffet” hay “all you can eat”, nhưng rượu bia thì ai muốn uống gì thì uống, không có hạn chế. Tôi cũng uống vài ly với anh Nhi, nhưng lại không để ý đến rượu “Sake” đặc sản của Nhật thì Phong, chồng Hường, đem đến cho tôi và anh Nhi một phần bình để uống thử. Thiếu chút nữa “đi Nhật mà chẳng biết mùi vị của rượu sake như thế nào, dở thiệt”! Thôi cám ơn cháu Phong nhiều nhe!
Một phần nghe mình lâng lâng, một phần lại mệt, thế là tôi đành bỏ cuộc đi tắm “onsen” với anh Đệ. Thế là ai cũng tính đến đây tắm truồng trong suối nước nóng ở khách sạn, nhưng hỏi ra thì cũng chẳng có ông nào, vì khách sạn khôn quá chừng cho uống rượu “đã đời” trước khi đi tắm nên nhiều người đã say, xong rồi lại làm biếng. Viết chơi cho vui, chứ đi tắm hay không do mình thích hay không thôi. Riêng tôi tại lưng mình có đeo “cục làm biếng” nên chẳng thèm trách “là bởi tại nơi đâu”?

Nguyên Thảo,
17/09/2017.



*Ai Đã Hơn Ai.



*Nếu Có Kiếp Sau.   

Nếu có kiếp sau, tớ xin đi học
Trở thành trí thức, chuyên ngồi tán dóc,
Xui người đấm đá, tớ thọc bánh xe
Người chẳng thèm nghe, tớ làm đòn xóc.

Nếu có kiếp sau, tớ thề moi móc
Loạn xóm rối làng, bình an trốc gốc,
Tớ cười hỉ hả, thiên hạ chao dao
Thây kệ đứa nào, thế còn chưa độc!

Nếu có kiếp sau, tớ làm thủ linh
Lập hết nhóm nầy, tớ gầy nhóm khác,
Bày ra lớp lớp, chửi lộn coi chơi
Khoái tỉ cuộc đời, gia nô hàng khối.

Nếu có kiếp sau, tớ làm ác quỷ
Gây rối cuộc đời, đóng vai nặng ký,
Quậy sóng đất bằng, đổi trắng thay đen
Giết chết mặt trời, thành nhân chi mỹ.

Đồ Ngông,
27-01-04.


 

*Ai Đã Hơn Ai.    

Chắc hẳn rằng ai đã hơn ai
Khoe chi tài giỏi, vội tưởng tài
Chê người, moi móc, luôn khuấy đục
Ai dè, chưa chắc đã hơn ai!

Nhân cách con người mới hơn ai
Học cao chưa hẳn đã là tài
Đức độ hơn người, đời mới quý
Giúp nhân, cứu thế mới là hay!

Học đã bao nhiêu, cứ tưởng tài
Tâm người chưa quá lòng bàn tay
Cứ ngỡ ta là tâm vũ trụ
Ai dè, chưa chắc đã hơn ai!

Đồ Ngông,
27-01-04.



*Bắt Chước!      
          
Bắt chước người, ta chửi....chửi cuộc đời   (không phải chửi người)
Ta nay hứng chí viết văn chơi,
Làm thơ moi móc đời nhiều xấu
Rồi chửi, rồi la đở hận đời!

Ta tiếc xưa kia học lỡ làng
Ngày nay ngu dốt làm dân gian,
Câu thơ, chữ nghĩa không sâu sắc
Chửi chẳng bằng ai, tức bẽ bàng!.

Phải trước ra đời đi "bán cá"
Học đòi sách vở của "hàng tôm",
Ngày nay võ miệng tha hồ chửi
Cho đám người gian "tịt" cái mồm.

Đồ Ngông,
9-4-02.



*Ta Cũng Là Ta.

"Chuyện nhỏ thành to" đến nữa rồi,
Lôi nhau đấm đá mãi chưa thôi
Văn chương, chữ nghĩa buông câu móc
Ý tưởng, ngôn từ lại khuấy hôi,
"Tiên mẹ" năm mươi lên chót núi
"Rồng cha" năm chục xuống chân đồi.
Cũng vì Tiên Tổ chia phe ấy,
Con cháu đời sau "nghịch" mãi thôi!

"Tức khí" làm gì chuyện đã qua
Bỏ đi ta lấy "nghĩa" làm hòa
Anh vào gặp mặt, ta chào hỏi
Bạn đến vui cười, bạn với ta.
Sung sướng bên nhau ôn kỹ niệm,
Hân hoan ngồi lại một đôi quà.
Rồng cha, Tiên mẹ lầm chia nhóm
Gạt bỏ cho rồi,... "Ta cũng Ta"...!

Đồ Ngông.