Tuesday, December 12, 2017

*Khi Hoa Anh Đào Nở. (11)



Chúng tôi được “free day” ngay ngày Chủ Nhật, cho nên tha hồ ngủ để bù lại những ngày tranh thủ, vội vàng với giờ giấc di chuyển trong các cuộc đi. Dù là nói vậy, chứ vợ chồng tôi vẫn thức dậy từ sớm vì đã quen giấc, nhưng chỉ nằm “nướng” thêm thôi. Chẳng có gì phải vội vàng hôm nay!
Mở màn cửa sổ, ánh nắng mặt trời đã lên trên các tòa cao ốc, mà đường phố vẫn chìm trong bóng râm của sáng sớm và Thành phố chợt vừa thức dậy trong một ngày mới. Tôi thích thú lấy máy quay cái cảnh Thành phố đầy cao ốc trong buổi hừng đông. Sau đó thì có phone cùng rủ nhau đi ăn sáng, và đoàn lại gặp nhau ở phòng ăn điểm tâm. Từng nhóm lại làm kế hoạch riêng cho ngày hôm nay. Nhưng ở nơi lạ hoắc như thế nầy thì biết đi đâu bây giờ! Và hỏi ai đây? Jennifer thì bữa nay chẳng đến, vì cô cũng được “free day” luôn! Lửng chửng lừng chừng rồi cũng phải bàn tính thôi, không lẽ lại về phòng ăn mì gói và ngủ cho đã!
Khách sạn Tokyo Dome nầy nằm trong phạm vi của khu phức hợp giải trí Tokyo Dome City và kế bên sân vận động, lại gần với 3 ga tàu  và tàu điện ngầm có thể đi đến nhiều địa điểm du lịch rất thuận tiện. Nhưng theo ý kiến chung thì đa số muốn hôm nay đi đến các chợ để tìm mua vài chút đồ để làm kỷ niệm. Thế là cả nhóm lại tìm đường đi ra ngoài theo bản đồ. Nhưng chưa đến giờ mở cửa, nên dù rất nhiều cửa hàng ở đây mà chúng tôi phải đi ra đường kiếm trạm xe buýt để đi. Theo mấy bậc thang đi xuống phía dưới thì gió lạnh, mạnh mẽ thổi đến khiến nhiều người thối chí, bèn trở lên dự tính đi về khách sạn. Đi lên nửa chừng thì lạc mất mấy bà chỉ còn Anh chị Đệ, tôi và anh Nhi. Ngồi đợi hồi lâu chẳng thấy mấy người ấy đâu, tôi và anh Nhi quay lại kiếm nhưng họ đâu mất cả rồi! Đợi thêm hồi lâu, chẳng thấy ai đến cả, chúng tôi phải lần về khách sạn rồi sẽ tính sau. Bây giờ các gian hàng bắt đầu mở cửa và đoàn người nối đuôi nhau xếp hàng thật là dài ở ngoài để vào trong Dome. Tôi và anh Nhi cứ thắc mắc, hôm nay trong đó có cái gì mà người ta xếp hàng để mua vé càng ngày càng đông như vậy. Càng lúc hàng càng được nối dài thêm ra. Về đến phòng tiếp tân chúng tôi ngồi bàn tính hồi lâu, anh Đệ đến quầy tiếp tân nói chuyện với mấy người nhân viên để hỏi thăm tin tức và nhờ họ chỉ chợ ở đâu. Cuối cùng, có nhân viên biết tiếng Hoa anh Đệ hỏi chuyện dễ dàng và anh ta chỉ đường đi. Tuy nhiên khu đó khá xa nên chúng tôi đón xe Taxi để đi. Tài xế Taxi không biết tiếng Anh nên anh nhân viên khách sạn phải nói dùm địa điểm.
Thế rồi bốn chúng tôi (anh chị Đệ, anh Nhi và tôi) đến khu vực “Shopping” nào đó mà chúng tôi cũng chẳng biết vì không biết địa chỉ và cũng chẳng định hướng được nơi nào. Cứ theo dòng người đi vào “shopping” thôi. Thì ra nơi đây là trung tâm mua bán các hàng hiệu và sang trọng, nhưng dù gì chúng tôi cũng chỉ muốn đi để tham quan sự tình! Cái muốn của chúng tôi là đến khu vực thương mại của giới bình dân để xem người ta buôn bán ra sao, nhưng bây giờ thì đã lộn rồi. Không xem được chỗ của “đại chúng” thì mình xem nơi của giới thượng lưu vậy! Sự mua bán trong những năm sau nầy, sau các thời gian khủng hoảng kinh tế trên thế giới thì chắc nơi nào buôn bán cũng gặp nhiều khó khăn giống như nhau. Hàng quán không nhiều khách, chi phí cửa hàng mắc thì nhiều cửa hàng phải đành đóng cửa! Cái khủng hoảng kinh tế cũng do nơi nhiều nền kinh tế trở nên phát triển và sản xuất ra nhiều hàng hóa nên không có thị trường để tiêu thụ, nên nhiều nước khuyến khích dân chúng sử dụng hàng hóa nội địa kể cả xe gắn máy và xe hơi sản xuất trong nước. Tuy nhiên sự cạnh tranh giữa các quốc gia về giá cả, mẫu mã đã làm nhiều nơi điêu đứng.
Tôi nhớ lại những năm 90 của thế kỷ trước, khi hàng may từ Trung Quốc nhập vào xứ Úc đã làm cho ngành may mặc trên xứ Úc tàn lụi và nhân công ngành nầy phải nghỉ hoặc chuyển sang nghề khác; sự kiện ấy kéo theo ngành ủi, kinh doanh máy may, dụng cụ cũng họa lây. Dần các ngành kỹ nghệ khác cũng dần đổ vào đầu tư ở Trung Quốc vì nơi đây có nhân công rẻ và là một thị trường lớn. Tôi lại nhớ đến hãng Coca Cola khi bắt đầu đầu tư ở Trung Quốc thì người ta kể rằng: Chỉ cần mỗi người Trung Quốc uống một lon Coca mỗi năm, thì một năm hãng cũng bán được trên một tỉ lon, thị trường ấy hấp dẫn các nhà tư bản đến để đầu tư. Điều ấy không chỉ riêng xứ Úc mà cả Mỹ, Đức, Châu Âu cũng vậy; nền kinh tế của Trung Quốc bắt đầu phát triển vượt bực để trở thành nền kinh tế thứ hai trên thế giới, và rồi với tham vọng “bá chủ” nên sự phát triển về quân sự được thúc đẩy mạnh. Cho nên những biến chuyển trên thế giới ngày nay, nhất là ở Biển Đông sẽ là một điều tất yếu. Việt Nam có đứng vững hay không chắc là điều phải nói là khó khăn, nhất là sau mấy mươi năm kinh tế bị “bóp nghẹt” khựng lại của những thời xưa cũ, bao cấp; và với kiểu “làm, rồi sai, rồi sửa” để rồi “nới lỏng” cho người ta thở. Mấy mươi năm “lãng phí " đó, thế giới bên ngoài đã đi đến tận nơi đâu đâu rồi! Mà ta vẫn còn mơ tưởng đến một xã hội “siêu việt”!
Chúng tôi lòng vòng trong trung tâm cả gần hai tiếng đồng hồ, nhưng anh chị Đệ chỉ mua được chút ít đồ. Còn tôi và anh Nhi không có mấy bà đi theo ở đây nên chẳng biết gì để mua mà chỉ là “just looking”. Rồi thả dọc theo mấy đường phố gần đây, cái lạ là không thấy có thùng rác công cộng mà đường phố vẫn sạch sẽ, ai ngờ đâu rằng người Nhật không xả rác mà rác được bỏ vào trong túi hoặc bịch đem theo để đem về bỏ rác trong thùng rác ở nhà. Điều nầy chắc chắn dân Nhật được giáo dục rất kỹ lưỡng trong trường học từ thuở ấu thơ. Trông người ta lại ngẫm đến ta!
Chúng tôi chỉ đi thêm một vài đoạn đường thì thấy “cũng vậy thôi”, cho nên thôi đành quay trở lại để đón taxi đi về. Trong lúc đó, có một đoàn xe màu đen không biết là của lực lượng nào có cờ Nhật, phát loa vang rân, chạy trên đường phố giống như trong “tình trạng báo động” của thời kỳ chiến tranh, coi cũng có khí thế lắm! Lâu lắm rồi tôi mới được nghe giống như vầy!
Điều lạ là taxi ngừng cho khách lên ở góc đường chứ không tắp vào lề như ta thường thấy. Chiếc taxi đưa chúng tôi về khách sạn với số tiền mắc hơn bận đi chút ít, chắc họ quay lại với đoạn đường vòng hơn.
Đến hơn nửa buổi chiều thì mấy bà mới về: Thì ra, chúng tôi lạc nhau do mấy bà gặp một người đàn ông Nhật tốt bụng, biết tiếng Anh, hướng dẫn mấy bà đi đến trạm xe điện để chỉ mấy bà đi đến khu chợ bình dân như mấy bà muốn. Anh ta rất tốt, dẫn vào chỉ cách mua vé còn dặn dò đi cách mấy trạm thì xuống và đi hướng nào, theo đường số mấy. Rồi anh ta từ giã để đi, thế nhưng không xa anh ta lại quay lại dặn dò thêm một lần nữa. Thế là mấy bà đã đạt được điều mình muốn, còn nhóm chúng tôi thì không, nhưng ít ra học được vài điều khác lạ trên xứ người!
Nghĩ ra mình già cũng dở, đoàn đã để chúng tôi ở tại cái trung tâm giải trí phức hợp Tokyo Dome City Attractions nầy với bao nhiêu là cửa hàng ăn uống, vui chơi giải trí kể cả các spa, onsen thư giãn, những trò vui chơi cảm giác mạnh như “roller coaster” hay vòng quay lên cao “Ferris Wheel”, thế mà chúng tôi lại không tận hưởng mà lại tìm đi đâu đâu. Cái sân vận động Tokyo Dome là cái nơi lừng danh mà chúng tôi lại chẳng tha thiết.
Tokyo Dome là một sân vận động của vùng Bunkyo, Tokyo được xây dựng từ 16/04/1985 cho đến 17/03/1988 mới được khánh thành nó có đến 4, 5 chục ngàn chỗ ngồi. Sân có tên “The Big Egg” hay còn gọi là “Tokyo Big Egg” với nóc là mái vòm có cấu trúc là chất đàn hồi, đệm không khí được nâng lên với áp lực nhỏ từ bên trong của sân vận động. Nơi đây là sân nhà của Đội Bóng Chày Yomiuri Giants, còn là nơi được tổ chức các buổi Hoà Nhạc, Bóng chày, Chơi banh kiểu Mỹ, Đô Vật, hay Đấu Võ Kickboxing.
Đã vậy, sân nầy cũng đã từng đón những ca sĩ lừng danh của thế giới cho những buổi trình diễn của họ ở đây như Mariah Carey, Janet Jackson, Bon Jovi, Kylie Minogue, Britney Spears, Madonna, Taylor Swift, Michael Jackson, Celine Dion… Cùng những ban nhạc tiếng tăm của Nhật cũng như các nước khác như L’Arc-en-ciel, U2, Guns N’ Roses, The Rolling Stones,… đã trình diễn dưới mái vòm của vận động trường.
Đã thế, vùng chung quanh nầy được gọi là Tokyo Dome City có 6 khu: LaQua zone, Viking zone, Geopolis zone, MagicQuest, Splash Garden và Parachute zone. Chúng có những trò chơi mạnh mẽ, có trò chơi nhẹ nhàng như bowling, roller skate; Có suối nước nóng, có onsen mà nguồn nước từ độ sâu 1,700m của lòng đất, có roller coaster (xe chạy trên đường sắt trên cao), có bánh xe quay lớn (Ferris wheel).
Bên kia cái vận động trường “nhà vòm” lại là khu vườn Koishikawa Korakuen có quá trình lịch sử từ những năm đầu của Thời Kỳ Edo là năm 1629 do lãnh chúa Yorifusa Mito xây dựng. Tên tiếng Hán của khu vườn là Hậu lạc Viên theo triết lý: “Lo trước cái lo của thiên hạ và vui sau cái vui của thiên hạ”. Vườn nầy có diện tích là 160,000m2 trồng khoảng 4,000 chủng loại thực vật và lôi cuốn được rất nhiều du khách hàng năm nhất là về mùa Thu và mùa Xuân với Hoa Anh Đào.
Thế là cả bọn chúng tôi giống như những con chuột đã rơi vào hủ nếp, thế mà từ chối hủ nếp để đi tìm những thức ăn nào đó ở chốn xa xôi! Thật là tiếc nuối quá chừng! Nhưng ít ra chúng tôi cũng biết được nhiều điều ở trên đất Nhật cùng sự hiếu khách, giúp đỡ tận tình của con người nơi xứ nầy!

Nguyên Thảo,
12/10/2017.


No comments:

Post a Comment