Sunday, October 28, 2018

*Quê Người! (21)


Ở trong trại Tiếp Cư dù chưa lâu, nhưng chưa có gì để làm khiến mình thấy thời gian dài ra, và tôi lại càng nghĩ miên man về gia đình, vợ con: Chắc giờ nầy họ phải chịu nhiều cay đắng đối xử của những người có quyền thế và chủ trương, chính sách của chính quyền một khi gia đình bị xếp vào thành phần có người “phản quốc” vì đi “vượt biên”. Sau mấy năm đi dạy tiếp tục trong chế độ mới, tôi không còn lạ gì với những chính sách ấy. Nhất là trong niên khóa đầu tiên khi tôi phải dạy Sử Địa lớp 9, có nhiều vấn đề tôi không thể hiểu được về “Lý thuyết” nên đã phải cố gắng tìm hiểu, đọc sách về chính trị thật nhiều, và ráng vận dụng kiến thức vốn có về xã hội để hiểu được phần nào kết cấu chế độ mới. Với mỗi lần làm lại lý lịch là mỗi lần nhắc nhở “giai cấp” của mình ở đâu và sự ảnh hưởng đến con cái như thế nào thì tôi lại càng buồn hơn. Bây giờ ở đây, tôi chưa làm được gì cho họ, mà chính bản thân lại càng phải phấn đấu, học hỏi gấp nhiều lần, dù chẳng ai bắt buộc mình cả.
Trời vào Thu thời tiết trở lạnh khá nhiều, những quần áo xin ở Hội ICRA hôm trước không đủ ấm, tôi lại rủ Thông, Kim đi Hội lần nữa để kiếm thêm quần áo ấm cũ để mặc. Ba đứa thả lần ra cổng đi về hướng Hội. Những quần áo cũ lớp thì treo ở trên, nhưng đa số lại bỏ ngổn ngang ở dưới nền thảm. Trong lúc chúng tôi đang lựa tìm kiếm và thử cái nào mặc vừa, thì có một Bà đi vào, bà than phiền ỏm tỏi. Té ra người ta đi lựa quần áo, rồi vung vãi, khiến Bà ta phải luôn xếp lại cho ngăn nắp, nên phải có nhiều bực bội. Bà ấy chỉ làm thiện nguyện ở đây thôi. Cuối cùng chúng tôi cũng tìm được cho mình mỗi đứa vài cái để mặc.
Mọi thủ tục giấy tờ cá nhân của chúng tôi như nhập cư, xã hội, sức khỏe, y tế, ngân hàng đã cơ bản hoàn tất, kể cả vé được đi xe buýt miễn phí nữa. Không ngờ chính phủ lại lo cho người dân chu đáo đến vậy. Cái lạ là những nhân viên thi hành công việc lúc nào cũng vui vẻ, thân thiện, giúp đỡ chứ không quạu quọ, hoạnh họe, làm khó khăn như ở bên mình. Họ tận tình lắm, xong công việc họ lại cám ơn mình khiến mình cũng không thể nào không cám ơn lại họ. Việt Nam mình chắc phải nhiều năm học hỏi mới theo kịp người ta.
Lúc còn bên trại Tị Nạn Sungai Bési có vài người bạn nhận được thư của bạn bè đi định cư trước ở Úc, thư viết họ kể là tha hồ đi xe buýt, mà không phải trả tiền, đi vòng vòng khắp nơi. Bây giờ tôi mới biết, nhưng vì quá e ngại nên không thể lên ngồi trên xe buýt để đi tìm hiểu vì nhiều lẽ: Vừa ngôn ngữ, vì màu da, sắc tộc và nhất là phong trào kỳ thị đang dâng lên. Mình là dân tha phương, ăn nhờ ở đậu, lại mới đến nhà người thì cái gì cẩn thận là hơn. Mình dễ nổi bật trong môi trường đa số là người da trắng. Trong số người tị nạn vẫn có người từ Ba Lan, Tân Cương, Liên Xô, Trung Đông, hay vài xứ khác ở châu Âu, nhưng họ không lạc lỏng vì họ là người da trắng. Tôi vốn đã là nhút nhát cho nên càng bị nhút nhát hơn lên dù bên tôi có nhiều đồng hương, cùng hoàn cảnh. Cũng may tôi đến đây gặp Trọng, chị Yến khiến tôi có phần yên tâm.
Những lớp học Anh Văn trong trại đang dần vào cuối học kỳ nên chúng tôi chưa được tham dự mà chỉ đợi chờ vào học kỳ mới. Trại có nơi sinh hoạt có thể đến đó xem truyền hình, chơi bida. Có nơi huấn luyện võ Thái Cực Đạo do người Việt hướng dẫn. Thỉnh thoảng tôi đến Câu Lạc Bộ chơi vào ban đêm như là giải trí, hay đến người quen nói chuyện chơi. Bác Phương, Bác Vỹ còn thích khám phá nên hai Bác đã kéo nhau đi bộ xuống phía gọi là Port Adelaide, hoặc đi tuốt ra ngoài Chợ Biển.
Mỗi ngày cứ đều đều nhịp độ, hết đi ăn sáng, lại đến ăn trưa, rồi đến ăn chiều. Thành thì năng hoạt động, nên hay đi đây đi đó, lòng vòng tìm người quen nhất là xem những người mới tới có ai quen không, rồi ngồi nói chuyện. Riêng tôi thì lo xem lại mấy từ ngữ Tiếng Anh, viết thư cho gia đình, nhưng chưa biết bao giờ nó mới tới. Viết thư sao mà khó quá, phải tốn rất nhiều ngày để hoàn tất, và xem rất kỹ để tránh sự kiểm duyệt ở Việt Nam mà họ có thể ghép tội đến với vợ con của mình. Tại sao trong xứ Cộng Sản người dân phải bị kiểm soát và e dè nhiều thứ như vậy? Xây dựng con đường theo Chủ Nghĩa tốt đẹp, ưu việt là phải như vậy sao? Tôi không thể hiểu được!
Đến ngày Thứ Năm, tôi lại được tới phiên mình đi khám sức khỏe tổng quát với Bác sĩ Lê Công Phước ở trong phòng Y Tế của Trại. Ông từ ngoài đi vào khám chứ không phải phòng mạch của ông ở trong nầy. Nghe nói ông là một trong vài Bác sĩ người Việt hiếm hoi được xét cho hành nghề ở Nam Úc. Tôi vốn là người yếu đuối, sức khỏe không tốt, nên khi gặp ông tôi đã khai nhiều về tình hình sức khỏe cũng như bệnh hoạn khiến Ông buột miệng “Ở đây không có nói nhiều mà chỉ làm nhiều thôi!” làm tôi hết hứng thú để kể lể cho đến hết cuộc khám. Nhưng cũng từ câu nói đó, tôi mới để ý về cách làm việc nơi quê người.
Vào buổi chiều ngày Thứ Sáu, sau khi ăn xong, Liêm, Kim và tôi đi đến phòng điện thoại dự tính gọi điện thoại cho Ông Bà LaWood để hỏi thăm. Về chuyện điện thoại thì tôi thật là dốt, vả lại tiếng Anh tôi lại không rành nên nhờ Liêm điện hỏi thăm luôn dùm, giống như Liêm đã làm thông dịch khi tạm ngụ qua đêm ở nhà hai Ông Bà lúc ở Kadina.
Về đến phòng thì lại được tin từ Anh Ba Nguyên đến thông báo cùng Bác Phương, Bác Vỹ tối nay ở nhà của anh Sáu Sâu gần đây có anh Nhu, đại diện cho Cộng Đồng người Việt ở Nam Úc muốn tiếp xúc, nói chuyện với những người mới tới.
Gần tới giờ Bác Phương cùng bác Vỹ sang rủ tôi, Thành cùng đi đến nhà của anh Sáu Sâu. Nhà không xa chỉ bước ra ngoài cổng thì đã tới rồi. Tất cả cũng được mười mấy người. Anh Nhu dáng người mập mạp, tươi cười chào đón, xã giao giới thiệu anh là Đại Diện cho Cộng Đồng người Việt tự do ở đây chào mừng những người mới tới. Vì bận rộn công việc nên Anh có cuộc tiếp xúc hơi trễ. Rồi Anh tâm tình về cuộc sống và vài kinh nghiệm để động viên tinh thần cho chúng tôi trên xứ người. Sau đó thì gia đình anh Sáu Sâu có nước trà, bánh ngọt để là đãi khách. Anh Nhu cho biết Anh đang làm cho ngân hàng Tiểu bang là State Bank, nếu sau nầy có cần gì thì đến gặp Anh. Cuối cùng anh phân phát cho mỗi người một bản đồ Nam Úc với nhiều thông tin về các nơi, hay sự kiện quan trọng của tiểu bang trên đó. Nhìn sơ qua tôi thấy hàng chữ: “South Autralia” và hàng chữ nhỏ ở dưới là “The Festival State”. Tự dưng tôi có ý nghĩ liên kết với điều gì đó mà Cô Giang đã “chọc quê” tôi khi còn ở bên trại Sungai Bési là “Mấy ông mà đến Nam Úc giống như đi vào Viện dưỡng lão”. Tuy nhiên, về sau tôi cũng sẽ cố gắng tìm hiểu xem tại sao người ta lại quan niệm như vậy. Tánh tôi có điều lạ là hay thắc mắc, tìm cho ra lẽ; cho nên đầu óc tôi không được thoải mái, lắm ưu tư buồn phiền. Nhưng nó lại là bản chất, khó mà từ bỏ. Không biết đến bao giờ tôi sẽ tìm được sự an nhiên trong tâm hồn. Cũng như trong hiện tại dù chưa làm được gì hoặc lo cho mình chưa tròn, tôi vẫn nghĩ về gia đình con cái, cùng bao nhiêu hậu quả mà họ đành phải cam chịu, hay bị o ép. Không ngờ trên con đường dựng xây một chủ nghĩa tốt đẹp, con người lại bị khốn khổ đến như thế!
Sáng ngày thứ bảy trong buổi ăn sáng Thành dẫn tôi đến bàn của anh chị Kỳ. Chúng tôi cùng ngồi ăn, nhắc lại chuyện ngày xưa. Quả đúng là anh Kỳ của nhà Bác Bảy, chị Liêng Hương, Ngọc Em. Tôi chỉ gặp Anh có một lần vào những ngày đám cưới của Văn, Ngọc Em. Anh về trên Dầu Tiếng với vợ con, nhưng anh vẫn kín đáo ít đi ra ngoài. Xong đám cưới rồi, lâu lắm chẳng gặp nhau cho đến bây giờ: Trong tình cờ chúng tôi lại hội ngộ ở đây. Anh chị qua trước tôi khoảng tháng, từ bên trại Thái Lan. Cuộc tâm tình, hỏi han nhau khá lâu, cho đến khi trong phòng căng-tin thưa bớt người mới từ giả nhau đi. Về đến sân lại họp bạn ở đó, mấy người ở gần quay quần nhau nói chuyện, đùa với những con hải âu. Hải âu ở đây dạn thật, mình chỉ cần cầm đưa miếng bánh mì lên là nó bay đến há mỏ xớt miếng bánh mì mất rồi, còn các con khác la lên rền trời, trông thật là vui. Chim chóc xứ nầy không phải sợ hải, bắn giết như ở xứ mình nên nó thật là dạn, ngay cả những con cu có mồng cũng thường hay lân la dọc theo đường bên cạnh hàng rào của trung tâm. Khi chúng tôi tan hàng sửa soạn vào phòng thì có một anh cầm túi xách ni lông đi ngang qua. Thành vội kêu: “Thầy Hùng”. Anh ấy chợt dừng lại và hỏi chuyện. Thì ra, đó là thầy Hùng ngày trước, sau 30 Tháng Tư 75, thầy từ trong đội ngũ sinh viên được điều động ra dạy học, có về Trường Trung Học Châu Thành xã Tân Phước Khánh. Thầy dạy lớp của Thành nên nó nhớ, và Thầy trò lại gặp nhau. Cũng hỏi chuyện đến đây hồi nào, tình hình vượt biên ra sao, rồi lại từ giả. Trong cuộc đời có lắm những sự tình cờ, khiến mình không thể không ngạc nhiên!

Nguyên Thảo,
28/10/2018.



Wednesday, October 10, 2018

*Chiếc Vỏ Chai!



*Nói Dễ Hơn Làm!

Có những triết lý
Bám sát vào cuộc sống con người
Dựa theo đó, tạo nên đường tốt đẹp
Để đi lên
Xóa bỏ những bất công, áp bức
Mọi con người ai cũng như ai.
Rồi cùng nhau đóng góp
Đem tất cả sức lẫn tài
Tạo nên nhiều vật chất.
Một xã hội dư thừa
Thì không còn đau khổ
Thế giới tiến đến một Thiên Đường!

Nhưng đời không phải dễ
Cũng chẳng một, hai ngày
Cũng chẳng là vũ lực, cùng áp bức
Cũng chẳng là quan điểm, với hận thù
Mà thứ ấy chỉ là
Phương cách để người: “Yên lặng, chịu đựng,
Để trở nên Vô cảm, Chai lì
Rồi “mặc xác” cho những kẻ bề trên!”

Họ trở về sống với bản năng,
Không màng đạo đức
Không cần thiết đường đi hay lý tưởng.
Sống, sống…Chỉ làm sao để sống
Thế cho nên tệ nạn tất xảy ra
Ôi! Một xã hội tan hoang vì “Lạc bước”!

Đồ Ngông,
11/11/2018.



*Chiếc Vỏ Chai!

Nhìn qua ánh sáng
Chiếc vỏ chai trở nên xinh đẹp
Lóng lánh muôn màu như thế giới Thần Tiên
Người ta ước mơ
Và tạo điều hiện thực
Để mọi người hưởng được chốn Thiên Đường.

Họ chui rúc vào trong đó
Xa lìa thế gian và xã hội
Dẫn đoàn người lủ khủ
Rồi cùng nhau lam lụ
Vạch bước kiếm con đường
Kiếm mãi chẳng thấy đâu
Đường lên, xa hun hút…!
Đói khổ,
Lừa đảo
Tham ô
Giành giựt
Cướp nhau
Đời gian nan như “Thực Chất” của con người
Kính Vạn Hoa là ảo tưởng xinh tươi
Họ vẫn tưởng
Con đường chưa đi tới
Mà chẳng nhìn lại
Người theo mình đã “Chết lặng” tự bao giờ
Vì đau khổ, thiếu ăn, bệnh tật
Không còn hơi để thở hay than
Dù Lý Tưởng có là “Hư” hay Thực”!

Đồ Ngông,
11/11/2018.