Monday, July 30, 2018

*Đường Đến Băng Hà! (11)


Theo lịch trình thì sáng nay du thuyền đến Sitka, và chúng tôi sẽ được đưa đi thăm viếng Thành phố nầy vài tiếng đồng hồ. Trong tờ tài liệu và hành trình của du thuyền mà phòng chúng tôi nhận được hằng ngày cho biết là suốt đêm tàu sẽ đi về hướng Bắc, dọc theo bờ biển của đảo Chichagof, đi qua vịnh Sitka Sound để vào Thành phố nhỏ lịch sử Sitka.
Sitka là Thành phố nằm trên đảo Baranof tức là đảo phía nam của quần đảo Alexander với số dân là 9,895 người, là cộng đồng lớn thứ năm của Tiểu bang Alaska trên một diện tích là 7,434 cây số vuông. Nơi đây là đất sinh sống của người Tlingit từ hơn 10,000 năm trước. Nhưng đến năm 1799, Alexander Baranov và người Nga đến định cư ở Old Sitka. rồi năm 1802 người Tlingit vùng lên phá hủy nơi nầy và giết nhiều người Nga. Hai năm sau Baranov quay trở lại với lực lượng hùng hậu cùng chiến hạm tấn công người Tlingit gần sông Indian, khiến người Tlingit phải đầu hàng và rút đi. Từ đó người Nga định cư thường xuyên ở đây với tên gọi là Novo-Arkhangelsk mà Arkhangelsk là thành phố lớn nhất nơi Baranov được sinh ra.
Sitka còn là nơi đánh dấu sự kiện lịch sử chuyển nhượng Tiểu bang Alaska từ Nga sang Mỹ qua cuộc buôn bán với giá $7.2 million theo trị giá thời bấy giờ, với buổi lễ vào ngày 18 tháng 10 năm 1867 tại Castle Hill. Cho nên nơi nầy được xem là một National Historic Landmark, mà cũng là một National Park nhỏ nhất của cả Tiểu bang Alaska.
Sitka trước kia được xem là Thủ Đô của Alaska trong thời gian từ năm 1867 đến năm 1884 và sau đó thì trở thành khu vực và đến năm 1906 thì thủ đô được Thành lập ở Juneau cho đến ngày nay.
Đó là những tài liệu tổng quát về Sitka, còn chúng tôi thì đang trên du thuyền tiến thẳng về Sitka dù là ban đêm hay ngày. Thật ra thì chúng tôi cũng chẳng biết du thuyền chạy với vận tốc là bao nhiêu Miles hay cây số, và khoảng cách nơi nầy đến nơi kia là bao nhiêu. Không hiểu, những người có trách nhiệm trên tàu không cho chúng tôi biết hay người ta muốn tạo cho chúng tôi sự ngạc nhiên, thích thú khi mà những ngày cuối cùng người ta mới phát cho chúng tôi tờ lịch trình với số liệu đáng ghi nhớ gọi là “Log Of The Cruise”, trong đó từ Vancouver đến Sitka là 723 miles tính theo khoảng cách của hàng hải (Nautical Miles) mà 1 Nautical Mile bằng 1,852 m, tàu chạy với vận tốc là 15,3 Knots. Và trong đó, người ta cũng cho chúng tôi biết là đã đi qua những nơi nào và cần có sự hướng dẫn của người khác (pilotage) như: Vào sáng sớm lúc 5:42 phút du thuyền đi vào Blackney Passage và ra khỏi nơi nầy vào lúc 6 giờ. Rồi sau đó là Pine Island và đến Old Sitka Dock vào lúc 9:57 giờ.
Từ khoảng 9 giờ sáng sau khi chúng tôi đã ăn sáng ở Horizon Court thì trời cũng đã sáng rõ, du thuyền đi vào vùng biển của Sitka nên nhiều người đã lên boong tàu đứng nhìn, ngắm cảnh, chúng tôi cũng vậy với tính tò mò muốn biết đồng thời nhìn xem cảnh đẹp xung quanh. Những đảo với các ngọn núi đóng tuyết ở trên đầu hiện lên đẹp như tranh mà ở trên xứ Úc khó tìm được nếu không đi về đảo Tasmania hoặc lên những núi tuyết ở Victoria hoặc là New South Wales.
Vung bien Sitka voi nui Edgecumbe.

Mặt biển buổi sáng sớm phẳng lặng, im lìm thật là hiền từ, dễ thương in hình các ngọn núi, cùng các khu rừng rất rõ khiến chúng tôi ngắm nhìn một cách chăm chú, mà quên đi cái lạnh bên ngoài. Nói thế chứ hồi lâu cũng lạnh quá, khiến chúng tôi phải tìm nơi ẩn hoặc núp sau những tấm kính để tránh gió dù gió vẫn còn nhè nhẹ. Quả thật cảnh đẹp quá, tôi tha hồ ghi hình vào máy quay, thỉnh thoảng nhờ anh Thới chụp dùm vài bôi hình, rồi hai đứa đứng dựa vào lan can tàu vừa ngắm cảnh vừa tán dóc chuyện đời.
Rồi thì du thuyền cũng cặp vào cảng yên lành, sau hồi lâu các nhóm lần lượt rời tàu, xuống đất. Chúng tôi phải đi lên phía dãy nhà ở trên kia, chừng hơn 100m. Thì ra nơi đây là gian hàng bán đồ ăn uống lẫn hàng lưu niệm cho du khách. Nhưng chúng tôi chưa có thì giờ để xem qua vì còn phải đi ra phía sau đón xe buýt để xe đưa vào trung tâm của thành phố Sitka, mà chỉ vội lấy tờ báo quảng cáo Sitka kỷ niệm 150 năm được trao về cho nước Mỹ.

Du thuyen nhin tu Khu ban do luu niem.
Xe buýt đổ chúng tôi xuống trạm nơi có trụ cờ mà 150 năm trước cờ Mỹ được kéo lên ở đây. Và đây có phải là Castle Hill? Là nơi được đánh dấu Lịch sử quốc gia. Sau khi vệ sinh nhóm chúng tôi cùng kéo nhau đi dạo.
Khu Castle Hill.
 Tuy nhiên cảnh sông, núi, ụ thuyền tàu đẹp quá nên lại lẩn quẩn với chụp hình hoặc làm duyên, làm dáng. Rồi kéo nhau đi vào trung tâm thành phố. Đa số cũng là những dịch vụ buôn bán cho khách du lịch là chính. Những gian hàng bán đồ lưu niệm, ăn uống. Nổi bật là hình ảnh, tượng các chú gấu đang ngậm con cá hoặc là các Totem poles.
Canh nui, nuoc o Sitka.

Mặc dù trong tài liệu của du thuyền có giới thiệu đến các nơi hoặc các hoạt động tại Sitka, nhưng mọi người đâu có nhiều thì giờ để tham gia; mà họ chỉ đi nhìn, quan sát, hay ngắm nghía các món đồ trưng bày ở các tiệm bán hàng, quà để rồi mua chút đồ để làm kỷ niệm rằng: “Mình đã đến nơi nầy”! Nếu có đói thì kéo vào quán nào đó gọi là lót dạ.
Không biết Sitka rộng lớn bao nhiêu nhưng nơi nầy đã có thời gian dài được lấy làm thủ đô của Tiểu bang Alaska từ 18/10/1867 đến năm 1906, và sau đó nhường vị trí lại cho Juneau. Nổi bật nhất của Sitka là Thánh Đường Saint Michael’s của Đạo Chính Thống Nga được xây dựng vào năm 1848, là nhà thờ đầu tiên kiểu Nga xây dựng trên Bắc Mỹ có cách kiến trúc với mái vòm hình củ hành. Chúng tôi không đến gần đó để quan sát mà chỉ thấy nó từ đàng xa. Nhà thờ hiện tại là được xây dựng lại sau trận hỏa hoạn thiêu rụi nhà thờ cũ vào năm 1966. Ở Sitka tôi vào tiệm để mua một thẻ nhớ để sử dụng cho việc quay phim, phòng hờ thẻ cũ hết nửa chừng.

Ben thuyen Sitka.
Sau gần hai tiếng đồng hồ đi rong chơi trên đường phố, cửa tiệm ở Sitka và nhìn vào đời sống sinh hoạt của địa phương, tôi cũng mua được cái thẻ nhớ để quay phim và bộ áo mưa để gọi là làm kỷ niệm, rồi chúng tôi lại thả lần ra trạm xe buýt và đón xe trở về bến tàu. Dọc đường tôi mới nhìn và qua sát kỹ ngọn núi tương tự như núi Phú Sĩ của Nhật, theo tài liệu hướng dẫn thì đó là ngọn núi Edgecumbe nằm trên đảo Kruzof của Sitka, nó cũng là một núi lửa ngưng hoạt động cao 976 m. Nhìn trên hình thể thì nó cũng dễ coi, nổi bật, có gần phân nửa trên đầy tuyết nhưng dáng vẻ không cân đối và ngay đỉnh hơi lệch, không đều, Vì vậy dù khá giống nhưng cái nét vẫn không đẹp như núi Phú Sĩ của Nhật.
Xuống xe, chúng tôi vẫn lòng vòng trong khu bán đồ lưu niệm để xem “cho đã con mắt” chứ giá tương đối mắc, với những bộ đồ lông mà chắc trên xứ Úc không cần thiết như ở Alaska nầy. Đến 1 giờ 40 nhóm kéo nhau xuống tàu. Khi lên phải làm thủ tục trình giấy, những đồ đạc được đưa qua máy để kiểm tra. Trước khi về phòng nghỉ ngơi, chúng tôi phải ghé qua Horizon Court để làm một bữa ăn trưa. Đi du thuyền cho tôi một kinh nghiệm là giờ giấc tham quan trên bộ không nhiều vì khi xuống tàu đã tốn tương đối khá nhiều thời gian, rồi cần phải trở về tàu sớm do sợ phải bị trễ giờ mà đến cỡ từ 4, hay 6 giờ là tàu nhổ neo, mình phải có trên tàu. Còn chuyện “book tour” thì tôi chưa biết vì trong chuyến đi nầy tôi chưa từng làm. Nhưng đi tàu thì sướng mấy điều là giá tương đối rẽ, ăn ngon, phủ phê và ngủ bao nhiêu cũng được: Lý tưởng cho việc an dưỡng, nghỉ ngơi hay người ta nói tắt lại là “nghỉ dưỡng”!
Đến 6 giờ rưởi chiều thì tàu nhổ neo, ra khơi trở lại, để rồi đêm đó “tàu cứ đi và chúng tôi cứ ngủ” sau bữa ăn tối ở nhà hàng Botticelli.
Tất nhiên trong phòng chỉ có anh Thới và tôi cho nên trong chuyến đi nầy, tôi và anh tha hồ nói chuyện ngày xưa và cũng có rất nhiều chuyện đời để nói. Nói đã, khi cơn buồn ngủ đến, chúng tôi mới tắt đèn đi ngủ.
Sáng ngày mai, du thuyền sẽ đưa chúng tôi đến khu vực băng hà mà ở đó là nơi có nhiều lưỡi băng hà đổ ra. Như vậy, chúng tôi cũng đang trên đường “Đến Băng Hà”, mà Quý vị cũng đừng nghĩ chúng tôi là những vị Vua Chúa, Nữ Hoàng đang trên đường đi đến “Tiêu Tùng” (Băng Hà) để chấm dứt cuộc đời.
Chiều ngày, những người phục vụ phòng cho khu vực phòng ngủ của chúng tôi cũng đã phân phát cho từng phòng những tài liệu sinh hoạt trong ngày, cùng tài liệu, bản đồ về Glacier Bay National Park nầy với những chi tiết khái quát để du khách có thể mường tượng hiểu băng hà ở đây như thế nào!

Nguyên Thảo,
31/07/2018.



Sunday, July 29, 2018

*Quê Người. (18)


Với khoản tiền nhỏ đầu tiên nầy, tôi phải nghĩ đến những gì cần thiết phải mua: Mua cái sô để giặt đồ, xà bông, bàn chải đánh răng, kem và khăn tắm. Tôi đến phòng Tịnh hỏi nơi nào để mua, Tịnh cũng tính đi mua vài món đồ nên Tịnh sẽ dẫn tôi, Thành đến cái siêu thị gần đây. Chúng tôi băng qua vài con đường đi gần cây số thì đến siêu thị. Dọc đường Tịnh cũng chỉ tôi cái Bưu Điện để bỏ thư, cái Ngân hàng để rút tiền, nơi nầy là tiệm thực phẩm Á châu của người Việt và nơi đó là tiệm bán quần áo cũ. Tịnh nói mình cần biết để khi nào cần cái gì thì mình kiếm cho dễ. Tôi lại nghĩ mình còn phải từng bước học hỏi và chú ý thật nhiều giống như một đứa trẻ thơ mới vừa biết đi: Vừa học hỏi lại vừa nhìn đời, cái gì cũng mới lạ đối với nó. Rốt cuộc tôi cũng mua được những món đồ cần thiết cùng với cái gương, kéo cắt tỉa tóc và cái dao lam để có thể tự cắt hoặc bạn bè giúp dùm giống như thời kỳ đang ở trại tị nạn.
Vừa về đến phòng tiếp cư thì được tin: Ngày mai tại dãy phòng có nhân viên di trú làm việc sẽ có buổi học đời sống mới cho những người đi Kadina do nhân viên người Việt thuộc Sở Di Trú phụ trách. Nghỉ ngơi trong chốc lát thì lại đến giờ ăn trưa.
Trưa nay tôi lại ngồi ăn với Kim. Kim là người tôi quen từ lúc ở trại Sungai Bési, qua Úc cũng cùng chuyến bay (hay cùng List). Kim là người Bắc, nhà ở Tam Hiệp gần Hố Nai, Biên Hòa. Tôi nói chuyện với Kim hồi lâu thì Kim rủ tôi đi đến chùa Việt Nam chơi, vì người ta chỉ Việt Nam có cái chùa gần đây. Tôi với Kim, hai đứa theo sự chỉ dẫn cũng mày mò tìm được cái chùa. Trên bảng thì để tên “Chùa Pháp Hoa”, nhưng hai đứa cứ nhìn nhau: “Biết phải cái chùa đây không, sao giống cái nhà quá vậy?”. Thế rồi hai đứa cứ đứng ngần ngừ trước cửa mà không dám bước vào. Hồi lâu có ông đẩy cửa bước ra hỏi : “Mấy cháu đi chùa hả?”, chúng tôi trả lời thì ông ấy bảo: “Ừ! Thì mấy cháu cứ vô, Ông Phật ngồi ở trỏng đó, vô lễ Phật đi”. Vừa thấy lạ lùng, lại vừa nghe nói vậy thì hai đứa lại càng cảm thấy lạ hơn. Rồi cuối cùng chúng tôi không vào nữa mà quay trở về trại tiếp cư để nghỉ ngơi. Tôi lấy tập vở ghi chép những từ ngữ tiếng Anh từ khi còn ở Sungai Bési coi lại, nhớ được chữ nào hay chữ nấy, chứ học để nhớ nhiều thì tôi đã mất khả năng trí nhớ từ năm còn học lớp Đệ Nhất sau những biến cố do những người lính “hùm xám” của địa phương mang lại. Còn Thành sau khi ăn ở căng-tin thì nó đã đi dạo đến giờ vẫn chưa về. Xem không biết bao lâu thì lại ngủ quên cho đến khi Thành kêu tôi dậy để lên căng-tin ăn bữa chiều.
Ăn xong, tôi trở về phòng để hoàn tất thư gởi về cho gia đình, cùng với ba má tôi, nhằm gởi đi sớm chừng nào hay chừng nấy. Tôi cần có giấy tờ để lo thủ tục bảo lãnh cho gia đình. Mỗi ngày qua đi là mỗi ngày tôi lại bị đè nặng về trách nhiệm với vợ và các con; tôi thừa biết họ đang bị nhiều áp lực trong cuộc sống vì lý do lý lịch và thuộc thành phần mà nhà nước đánh giá. Các điều ấy tôi đã nhận thức được rất rõ từ khi còn đi dạy trong những năm đầu tiên sau ngày “đất nước giải phóng cũng như thống nhất”! Trời chiều nay trở lạnh, tôi mở sưởi để sưởi ấm căn phòng nhỏ và lên giường ngủ sớm. Thành về lúc nào tôi không hay!
Sau bữa ăn sáng, chúng tôi là những người qua Úc cùng chuyến bay, hay nói cách khác là chung một “list” (danh sách) lại kéo nhau lên phòng của nhân viên Sở Di Trú làm việc đợi chờ để đến 9 giờ rưởi có người nói chuyện. Giờ đã đến, nhân viên Sở Di Trú là người Việt, ông tự giới thiệu là Nguyễn Văn Y và chuyện hôm nay ông muốn nói là đôi nét về cách thức giao thiệp với người Úc trong các cuộc tiếp xúc. Ông còn nói thêm: “Đúng ra là ‘lớp đời sống mới’ chưa được bắt đầu, tuy nhiên vì đoàn được Hội Nhà Thờ trên Kadina mời thăm viếng vào ngày mai nên ông phải nói với đoàn về những điều cần biết khi giao tiếp”. Từ giây phút đó, anh Y đã cho chúng tôi những kiến thức căn bản, những điều cần tránh và những điều cần làm khi giao thiệp với những người Úc. Ngồi nghe mà tôi cứ suy nghĩ về “anh Y” nầy, không lẽ anh là người mà tôi đã từng gặp vào những ngày cùng nhau công tác trong trại tiếp cư cho người tị nạn Bình Long, Phước Long, Dầu Tiếng ở Gò Đậu trong thời kỳ chiến tranh ác liệt của năm 1972, mà người ta còn gọi là “Mùa Hè Đỏ Lửa”, “đúng là anh ấy” hay là anh Y nào khác đây? Chẳng lẽ tên lại trùng tên! Tôi nhớ đến anh Y của năm ấy vì tên anh chỉ là một chữ Y. Thôi thì cứ coi như là “tên đã trùng tên”!
Rời Hội Trường, về phòng Bác Vỹ kêu qua phòng Bác và Bác Phương uống trà, nói chuyện chơi. Chuyện chung quanh vẫn là kế hoạch tới sẽ làm gì? Lo làm thủ tục bảo lãnh, chứ chưa nói đến chuyện gởi quà về gia đình để cứu nguy trong hoàn cảnh “nguy khốn” về kinh tế hiện thời, trong cái nền kinh tế èo uột của đất nước của chế độ “Quốc Doanh” và “Bao Cấp”. Nói thì nói, bàn thì bàn, tính thì cứ tính, chứ chưa có điều kiện nào để thực hiện cả. Chúng tôi hiện tại giống như những loài “lột xác”, với thân thể “mềm nhũn” không thể làm được gì cả, mọi thứ đều phải từ từ học hỏi, cái gì cũng xa lạ, ngôn ngữ cũng không đủ để diễn tả một thứ gì nhỏ nhoi thì làm sao nói đến những gì to lớn hơn. Nhiều thứ ưu tư mà chúng tôi cần phải đối phó lẫn vượt qua! Tôi chợt nhớ mình phải gởi thư về cho gia đình nên nói với hai Bác cần phải đi. Vừa ra cửa thì gặp Tịnh, nói chuyện với nhau Tịnh cho biết cần đi Bưu Điện và mua ít đồ. Tôi muốn đi cùng với Tịnh.
Có lẽ gần trung tâm tiếp cư nên thường xuyên có người Việt vì vậy Bưu Điện có nhân viên Việt Nam khiến việc gởi thư của tôi tương đối dễ dàng hơn. Gởi được thư tôi nghe lòng mình nhẹ nhỏm dù cái thư đến gia đình còn theo đoạn đường dài: Vì tôi gởi về Việt Nam nên thư sẽ chậm chạp chẳng biết đến khi nào nó về đến Sài Gòn ở địa chỉ nhà Cô Ba Thưa (chị Cô Cậu với Ba tôi), rồi từ Cô Ba Thưa để về đến gia đình tôi. Nó cũng là một chặng đường đầy cam go!
Trở về đến phòng, tôi cần nghỉ ngơi và lấy những tài liệu học tiếng Anh gom góp được từ bên đảo và trại Sungai Bési xem qua để nhớ được chữ nào hay chữ nấy, vì theo những người đi trước cho biết là sách hay tự điển ở nước thứ ba khá hiếm hoi, rất khó tìm. Thoáng chốc lại đến bữa ăn chiều.
Lên căng-tin những người trong “list” chúng tôi thường bàn đến chuyến đi ngày mai, cần chuẩn bị những gì, nhưng chúng tôi đâu có gì đâu để chuẩn bị, chỉ ngoài quần áo thôi. Nhưng chuyện đi ngày mai không phải là đi từ sáng sớm mà đến khoảng quá trưa mới khởi hành. Như vậy là chúng tôi còn ăn ở căng-tin được bữa ăn trưa.
Tối nay lại có người đến thăm Bác Vỹ, Bác Phương. Hai Bác lại rủ tôi sang chơi, nói chuyện cùng nhau và uống trà. Có lẽ do nơi những người này ngày xưa có ở trong quân đội, nên họ gọi Bác Vỹ là Trung Tá. Bác Vỹ tươi cười: “Thôi! chuyện đó lâu rồi! Bỏ đi! Bây giờ sang đến đây thì tớ cũng bao nhiêu người khác thôi, lãnh trợ cấp, cũng là người tị nạn như nhau. Cứ kêu tôi là anh Vỹ được rồi”! Hai ông ấy lúc đầu hơi ngại, nhưng rồi sau đó cũng theo lời Bác Vỹ, họ gọi Bác Vỹ là anh chứ không còn xưng hô theo kiểu quân đội ngày xưa nữa. Điều ấy làm tôi càng nễ phục Bác Vỹ hơn nữa, ngoài tính điềm đạm, từ tốn vốn có của Bác. Chuyện, tâm tình nhau cho đến khoảng 10 giờ tối thì hai người kia tạ từ. Thực ra tôi chỉ ngồi nghe họ nói chuyện với nhau, chứ tôi chẳng biết gì để nói hay hỏi. Bác Vỹ, Bác Phương hỏi khách về cách sống, cách sinh hoạt ở nơi nầy ra sao, và mình cần chuẩn bị những gì để thích ứng với xã hội, và tình hình người Việt tị nạn của mình thế nào; tức là những vấn đề “muốn biết” và cần tìm hiểu về đời sống trên xứ người mà nó đã vốn rất xa lạ với nếp sống, lẫn sinh hoạt trên quê nhà, hay kể cả ở vài nếp sống của vùng Đông Nam Á.
Sáng rồi, tôi, Thành, Bác Vỹ cùng Bác Phương lại lục tục kéo nhau lên căng-tin để cùng mọi người ăn bữa sáng. Lúc đầu ăn những món ăn của Tây mình còn háo hức, ăn mãi rồi cũng ngán, nhất là món “Jam” (mứt), nó trở nên ngọt quá. Món bánh mì nướng lại khô khan. Thế là kiếm món khác để thay đổi, nhưng rồi lại lòng vòng cũng bao nhiêu đó; giống như cuộc sống hiện tại ở trong trại tiếp cư chẳng có gì để làm ngoài ăn uống, ngủ, đi long nhong. Ừ, mà chiều nay chúng tôi lại có dịp đi xa hơn.
Trong bữa ăn trưa, có người cho hay đoàn chúng tôi sẽ khởi hành vào lúc 2 giờ chiều do cô Tây làm việc ở dưới Cộng Đồng sẽ đưa đi, hình như tên cô là Philippa thì phải. Đúng 2 giờ chuyến xe buýt đến mà người lái là một người phụ nữ. Chúng tôi cứ trầm trồ, cô ấy giỏi quá lái được cả xe buýt lớn nữa! Có người biết giải thích rằng: “Vì đi và ở lại qua đêm, nên cô ấy phải lái đưa đoàn đi, chứ mướn xe có tài xế khá bất tiện, nhưng cố ấy lái cũng giỏi lắm”! Mọi người thán phục vì cô ấy là một người đàn bà mà lại lái xe lớn Thán phục do theo kiểu cách nhìn hay quan niệm ở xứ mình đó mà!

Nguyên Thảo,
22/07/2018.



Monday, July 23, 2018

*Đứng Chựng!


Tôi đứng chựng mười năm
Mười năm tôi đứng chựng
Tôi bước ra khỏi dòng chảy của con người,
Trèo lên đỉnh cao mà đứng
Đứng nhìn thiên hạ cứ mãi qua đi!
Tôi tưởng tôi lên đỉnh cao là hơn cả
Và nghĩ rằng: Ta giống một thiên thần
Vị thiên thần với tất cả quyền năng
Điều khiển cái xã hội xô bồ, xô bộn dưới kia
Trở thành cái trật tự đầy ổn định
Và công bằng, tiến bộ, giống hẳn một Thiên Đường!
Nhưng chuyện đời
Không lạ!
Nói một đàng, nhưng chuyện làm lại chẳng xong
Lý thuyết là mơ, thực hành là thực
Chưa kể chi là chuyện ân oán, hận thù
Sự bực tức tạo nên điều phản ứng.
Mọi rối rắm lại xảy ra
Tôi tối tăm mặt mũi
Luôn tìm đường giải quyết cho xong
Nhưng càng áp bức lại càng thêm nội loạn
Càng chuyên quyền thì lại khiến kiêu căng
Tôi đối tôi mệt mỏi cả rồi
Tôi bước xuống để cho lòng thơi thả
Nhưng tôi lại vào vòng cuốn chơi vơi
Vì tôi đã lâm vào nơi lạc hậu
Người thời tôi đâu mất tự lâu rồi
Tôi lủi thủi, đi phía sau cùng buồn tủi!

Đồ Ngông,
22/07/2018.