Saturday, June 28, 2014

*Quê Hương 1: Ta Còn Có Một Quê Hương!

(Post lại bài từ tháng 5/2011)


Bạn trẻ ơi!
Có một anh bạn, một lần đã nói với tôi: "Ông có nghĩ con cháu mình sau nầy khổ hơn mình không?". Lúc ấy, tôi ngạc nhiên nói với anh: "Giỡn! sao lại khổ hơn mình anh? Sau nầy tụi nó đã quen với phong tục xứ nầy nầy, tiếng Anh cũng không trở ngại nầy, học trong trường ra tụi nó kiếm việc làm dễ dàng nầy, thì tụi nó đâu phải vất vả, lần mò hay ráng làm lo cho thân mình và lo cho gia đình hoặc người thân ở Việt nam đâu?". Anh bạn tôi cười, nói tiếp: "Tụi nó không như mình, vậy mà nó khổ; ông thử nghĩ nó quen phong tục hoặc sống theo phong tục xứ nầy, nói tiếng Anh trôi chảy, tiếng Việt không rành, lại là công dân, dân xứ nầy. Nếu có ai hỏi nó: "Nó là người gì?". Nó bảo nó là người Úc, thì nó lại cũng không là người Úc vì da nó vẫn vàng, mũi nó vẫn tẹt, tóc vẫn đen. Nếu nó bảo nó là người Việt thì tiếng Việt nó không rành, những gì cuả Việt nam nó lại không biết, thì nó lại chẳng khổ hơn mình sao?". Tôi chịu thua, và hai anh em phá ra cười, rồi tiếp tục chuyện "tào lao thế sự"!
Điều của anh bạn tôi nêu ra, quả thật là một vấn đề "khổ" cho thế hệ sau, dù ít hay nhiều.
Sau đấy vài năm, trong một khoá học nghề, tôi lại gặp một người bạn trẻ. Người bạn trẻ nầy nói tiếng Anh tương đối đúng theo giọng Úc, chứng tỏ em đã nhiều năm "sống giống như là Úc". Một ngày nọ, khi em ngồi nói chuyện với tôi, tự dưng em hỏi: "Anh thấy em nói tiếng Việt như thế nào?". Tôi ngạc nhiên hỏi em: "Tại sao em hỏi vậy?". Em kể: Lúc qua đây còn nhỏ lắm, gia đình ông bà Úc nhận em làm con nuôi, bao năm em toàn tiếp xúc với người Úc, sống như Úc; em chỉ mới học nói và tiếp xúc với người Việt chỉ hai năm nay thôi. Anh thấy em nói tiếng Việt ra sao? Tôi lại ngạc nhiên hơn vì hai lẽ: Một -không lẽ tiếng Việt rất dễ học, dễ sử dụng. Hai -hay là khả năng học tiếng Việt của người bạn trẻ của tôi rất giỏi. Hai năm em học sử dụng trở lại tiếng Việt giống như một người Việt bình thường thì quả là vượt bực! Tôi đáp: "À! Tiếng Việt của Mỹ -tên người bạn trẻ của tôi- anh thấy đâu có gì trở ngại, em nói giống như một người bình thường thôi! Chứ khi em nói, em thấy thế nào, khó khăn lắm không?". "Em thấy cũng không khó lắm, nhưng có nhiều lúc em nói mà em sợ người ta không hiểu". Tôi cười: "Như vậy là em giỏi quá rồi, chỉ hai năm mà em nói được như vậy quả là em có một khả năng về ngôn ngữ lớn". Em hỏi: "Thiệt không anh?". Tôi cười: "Anh nói thiệt, anh không xạo với em đâu?".
Từ đó tôi có một ý niệm lạc quan và "mừng dùm" cho những người bạn trẻ. Họ sẽ không còn "khổ" nữa trên một đất nước thứ hai, hoặc trên đất nước của người dù họ được sinh ra trên đó: Vì họ vẫn là da vàng, mũi tẹt!
Hôm nay tôi muốn nhắc lại với em rằng: Ta còn có một quê hương. Làm con người mà không có nguồn gốc, hoặc không có một quê hương xuất xứ thật là buồn, buồn lắm!..Nếu em không tin tôi, em hãy nhìn vào người Do thái. Sau khi họ bị mất nước, họ đi lang thang sang Ai cập và rồi tứ tán khắp nơi. Nhưng họ có được một niềm tin từ câu chuyện thần thoại và câu chuyện ấy đã biến thành tôn giáo của họ: Vì họ là giống dân được Đức Giê-Hô-Va tạo ra để cai quản loài người, cho nên họ luôn giữ niềm hãnh diện ấy. Đến đâu họ cũng cố gắng lo làm, gắng học và sống gần gũi lẫn nhau. Họ bảo tồn nòi giống và tôn giáo của họ. Họ có những gương thành công ở nhiều nước. Nhưng cũng chính vì lẽ đó mà tai họa đã đến với họ trong thời Đệ nhị Thế chiến. Lòng khao khát được thành lập trở lại một quốc gia của họ được sự hổ trợ của hai cường quốc Anh, Mỹ vào tháng 5/1948, thế là quốc gia Israel được thành hình. Tôi không nhớ rõ, tôi đã đọc trong một quyển truyện tiểu thuyết dịch sang tiếng Việt nào của ngoại quốc -hình như quyển "Một thời để yêu và một thời để chết" thì phải- trong đó kể lại các hoạt động thành công về kinh tế, trí thức của người Do thái trên phương diện thương mại, hãng xưởng, ngân hàng,...ở Đức. Rồi Hitler khuấy động tinh thần dân tộc, bắt người Do thái vào những trại tập trung và tàn sát hàng loạt đến việc thành lập Israel. Họ được trở về vùng đất cũ cùng việc người Do thái tiến vào vùng đất Palestine và đuổi người Palestine ra khỏi nơi đó. Điều ấy giúp cho tôi hiểu được vì sao có Mặt trận giải phóng Palestine và đưa đến nhóm khủng bố hiện nay. Em ạ! người Do thái lẫn người Palestine đều muốn có một quốc gia của chính mình. Họ bỏ ra biết bao nhiêu mạng sống, bao nhiêu xương máu cũng vì quốc gia ấy. Thế mà ta có một quê hương, không lẽ ta lại quên sao em?
Em bạn trẻ ơi!
Dân tộc ta là một dân tộc tha thiết với quê hương, rất là tha thiết với xóm làng, với tổ tiên; vì thế mà trong ngôn ngữ của ta mới có từ "quê cha đất tổ", "mồ mã ông bà, tổ tiên". Mỗi nhà đều có bàn thờ ông bà, cửu huyền thất tổ ở gian nhà chính và ở chỗ trang trọng nhất. Ít ai muốn xa rời cái nơi yêu dấu ấy để tha phương cầu thực, ngay ở vào cái thời điểm chiến tranh ác liệt nhất. Nhưng sau 1975, đã có hàng triệu người ra đi. Trong đó có em, có tôi và cả mọi người đồng hương quanh em với tính cách những người tị nạn. Tôi ngạc nhiên lắm, em ạ!.. Ở các nước khác chiến tranh không dữ dội như ở Việt nam ngày trước, người ta lại có người "tị nạn chiến tranh", nhưng ở Việt nam thì lại không có tị nạn chiến tranh trong suốt cuộc chiến. Thế mà sau khi chiến tranh chấm dứt lại có người "Tị nạn", điều ấy cũng khiến cho tôi suy nghĩ khá nhiều!
Nhưng, Em bạn trẻ ơi! Có bao giờ em nghĩ đến một ngày nào đó, quê hương mình sẽ bị mất, dân tộc mình sẽ bị làm nô lệ không? Điều ấy khó, nhưng có chắc là không xảy ra không?
Chắc đôi lần em có nghe quân đội Cộng sản Việt nam chiếm đóng ở Kampuchia, vì tôi không phải là người làm quân sự hay chính trị nên tôi không hiểu rõ lắm, nhưng có điều qua các sự kiện tôi cũng có thể biết được rằng: Cộng sản Kampuchia là chư hầu, tay sai của Cộng sản Trung quốc. Ngay từ năm 1975, Cộng sản Kampuchia được sự giúp đỡ tận tình của Trung quốc đã áp dụng chính sách tàn bạo đưa đến cái chết của hàng triệu người Kampuchia, đồng thời chúng tấn công dọc theo biên giới Việt nam. Em có thử tưởng tượng họ đốt các đồng lúa, tấn công vào làng mạc, đốt nhà, giết người, xé xác trẻ thơ... không? Thế rồi Cộng sản Việt nam đã giúp người Kampuchia lật đổ chính quyền Polpot và đóng quân trên đó. Trận chiến miền nam được giải quyết. Lấy cớ gì Trung quốc đã tấn công biên giới Bắc Việt nam. "Dạy một bài học" ư? Đó chỉ là một luận điệu che đậy sự bành trướng của Trung quốc mà thôi! Tôi còn nhớ lúc tôi còn nhỏ, tôi có đọc báo vào khoảng năm 1959 Trung quốc đưa quân vào Tây Tạng, khiến Đức Đạt Lai Lạt Ma và dân Tây Tạng vượt Hi Mã Lạp Sơn tị nạn ở Ấn độ mãi đến bây giờ. Sự đấu tranh bất bạo động của Đức Đạt Lai Lạt Ma và dân Tây Tạng chỉ là "những tiếng nói chơi vơi giữa hư không" mà thôi!
Em bạn trẻ ơi! Trong những ngày gần đây báo chí, dư luận đã đề cập vấn đề mất đất, và mất một số vùng biển của Việt nam về cho Trung quốc chứng tỏ chính sách bành trướng của Trung quốc là thế của một kẻ mạnh, của một nước lớn muốn gậm nhấm các nước nhỏ chung quanh mà Việt nam là đối tượng chính yếu, vì Trung Quốc chỉ coi Việt nam là một tỉnh của Trung quốc. Thế thì các em sẽ làm gì? Hoặc là chấp nhận một sự mất nước và làm nô lệ? Hoặc là chuẩn bị một cái gì cho đất nước!
Điều dĩ nhiên, một khi Trung quốc đã có ý đồ thôn tính thì Trung quốc không để cho Việt nam được mạnh, hoặc là họ sẽ dùng sách lược phá hoại về kinh tế, chính quyền kể cả các cách kềm chế về quân sự lẫn ngoại giao để Việt nam phải cúi đầu khuất phục hoặc tự xin sáp nhập vào lãnh thổ Trung quốc.
Nếu một mai Trung quốc tiến hành âm mưu đó, Em sẽ làm gì? Em chấp nhận mất nước ư? Người Do thái được lập quốc trở lại là một "cơ hội ngàn năm một thuở", cho nên một số họ trở về quê hương hay "vùng đất Hứa" yêu dấu của họ để xây dựng lại đất nước bằng tất cả tài năng, của cải và lòng nhiệt thành. Họ quyết bảo vệ đất nước với bất cứ hình thức nào. Và những người Do thái còn lại ở bên ngoài, họ yễm trợ tài chánh cho quê hương khi cần thiết: Họ là những nhà tư bản ở Mỹ, Gia nã đại hay các nước khác. Vì thế họ đủ khả năng chiến đấu chống lại nguyên một khối Ả rập to lớn vào những năm đầu lập quốc và em thấy hiện nay cứ mỗi lần có biến động khủng bố hay chiến tranh, người Do thái phản ứng rất mạnh bạo cùng không nhân nhượng. Đó là chuyện của người và quốc gia Do thái. Còn ta thì thế nào? Một khi đất nước cần, ta không thể đem thân thể gầy gò ốm yếu, hay những "ống chích", hay những gói "bạch phiến, cần sa" hoặc những "lá bài, con súc sắc" hay các "chai rượu" mà giúp đất nước được, mà phải với tất cả khả năng, tài chánh của mình. Theo suốt chiều dài lịch sử, Trung quốc đã chẳng tha cho đất nước chúng ta những thời gian dài nào. Dù là phong kiến, dù là chế độ Cộng sản, Trung quốc vẫn là "bọn bành trướng Phương Bắc". "Tôn trọng lãnh thổ của nhau" chỉ là một câu nói ngoại giao thôi! Tại sao "Trung quốc dạy Việt nam một bài học"? Bài học ấy với nửa triệu quân đánh dọc biên giới, tàn phá và tàn sát tất cả. Bài học mà giống như thật ư? Và Trung quốc lấy tư cách gì để dạy cho Việt nam: Đó chẳng qua là luận điệu của một "kẻ cả", một "quan thầy"! Nếu trong cuộc chiến tranh ấy, Trung quốc không bị chiến bại, Trung quốc tấn công như chẻ tre và chiếm cả Việt nam, liệu Trung quốc có chịu nhả miếng mồi ra chưa? Em hãy nhìn vào xứ Tây Tạng em sẽ thấy, khoảng 50 năm Tây Tạng vẫn thuộc Tàu, khoảng 50 năm Đức Đạt Lai Lạt Ma và dân Tây Tạng vẫn lưu vong, khoảng 50 năm quốc tế cũng chẳng làm được gì; Đôi khi Mỹ cùng Thế giới phải còn sợ sệt, nhượng bộ Trung quốc nữa cơ mà..! Hãy học gương của người Do thái đi em ạ! Trong nước là những gương chiến đấu kiên cường, quyết lòng bảo vệ đất mước. Ở ngoài là hậu phương vững chắc. Người Do thái ở nước ngoài thường là những nhân tài, thương nhân tư bản, họ có nguồn tài chánh lớn và sẵn sàng cho đất nước khi cần. Còn em thì em sẽ tính sao? Các em nên bắt đầu ngay bây giờ vẫn chưa là muộn. Vì đất nước, vì dân tộc, vì sự nghiệp của chính ta, và sự đóng góp cho xã hội đất nước nầy: Hãy Tiến lên! Tiến lên! Và Tiến lên đi em nhé!


Nguyên Thảo,
22-3-02.

Wednesday, June 11, 2014

*Viết Về Mùa Thu.



Mùa Thu đã về lại trên xứ Úc nầy rồi hay nói một tiếng thơ mộng hơn là “Trời đã vào Thu”. Từ khi tôi lang thang trên xứ người tôi mới biết được mùa Thu, còn trước kia tôi chỉ tưởng tượng mùa Thu qua thơ ca hay mơ mộng mùa thu qua những ca khúc mà những nhạc sĩ đã dạo những nốt nhạc qua những cảm nhận của họ. Ôi mùa thu sao mà đẹp vậy! Mùa thu cho tình yêu, mùa thu cho những giây phút kỷ niệm cuộc đời. Mùa thu thật sự đi vào tâm hồn non nớt của tôi khi mà tôi bắt đầu học đoạn văn “Tôi đi học” của Thanh Tịnh: “Hàng năm, cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc…”, để rồi tôi lại thích thú mơ tưởng hơn khi học đoạn văn của Anatole France trong chương trình học tiếng Pháp mà tôi cố gắng viết lại như là một kỷ niệm (chứ chắc nó không đúng rồi) “Je vais vous dire ce que me rappelle tous les ans. Les premiers dinners à la lamp et les fueilles qui jaunissent dans les arbres…”. Ôi mùa thu đầy cảnh tượng và có những tiếng thì thầm của trời đất làm cho lòng con người rung động để tạo thành những tiếng ca, âm điệu khiến cho đời có những xao động nhẹ nhàng lẫn đáng yêu. Từ những xao động ấy, tôi đã cố tạo một mùa thu cho chính mình vào những ngày đi học, mùa thu của tôi cũng có những hình dáng của mây, khí trời lành lạnh, cũng có sương mù, cũng có những hình bóng của sự đáng yêu mặc dù trên xứ sở miền Đông Nam Bộ chỉ có hai mùa mưa nắng. Mùa thu của tôi cũng vào những ngày đi học hay của các buổi tựu trường. Cứ vào tháng 9 hàng năm, trường học ở xứ mình bắt đầu cho một năm học mới ấy là ngày “Khai trường” hay là “Buổi tựu trường”, tôi chỉ nhớ mang máng lúc ấy trời quả thật có nhiều mây giăng giăng, khí trời hơi lành lạnh, trời ít mưa hơn và có những ngày có sương mù là đà trên mặt đất. Để rồi sau đó nhiều năm, tôi tận hưởng mùa thu của tôi trên đường đi học nhất là thời gian mà tôi và bạn bè cùng đi lên học trên Tân Uyên qua cánh đồng Phước Lộc, băng qua Khánh Vân ra ngã ba Bình Chánh để về Tân Uyên.

Mùa thu ấy cũng thật là “quyến rũ”, thu có mây trời bàng bạc gây nên một bầu trời xam xám chứ tôi không dám coi là “xám xịt” như người ta đã bảo, chúng như gần gũi với con người đang sinh hoạt trên mặt đất, tạo nên một cảnh hơi buồn buồn của một cảnh tượng chia ly; những cơn gió lành lạnh nhè nhẹ có cái tên hay hay là “heo may” (Ai đã đặt cho nó cái tên là “heo may” nhỉ?). Cơn gió ấy lung lay nhè nhẹ những bông lúa đang trổ đòng đòng, tức là những bông lúa chưa có hạt, chúng còn vươn thẳng lên, hé miệng trong sương sớm mà người ta gọi là “ngậm sương” để làm hạt. Những cơn gió ấy cũng khiến mặt nước hơi xao động khiến tôi lại thấy bóng dáng “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo, một chiếc thuyền câu bé tẻo teo…” (Thơ Nguyễn Khuyến). Không ngờ chính những cơn gió như vậy làm mặt nước của cái vũng lăn tăn như chạy về phía sau khiến cho người bạn lớn con của tôi tưởng là cầu chạy mà không dám đi qua nữa. Những bóng dáng các bà gánh gánh đi chợ hay những người cưỡi xe đạp quanh co theo những đường bờ trơn ươn ướt vì sương hay vì mưa bay bay của những cơn mưa bụi cuối mùa.

Mùa thu của tôi gắn liền với quê hương tôi, nó thật là dân giả và đầy những hình bóng của người dân quê trên cánh đồng lúa thân yêu. Và để rồi về sau nầy, mỗi lần khi thấy mùa thu về trên những cánh đồng tôi lại nhớ về những cảnh mà tôi ghi nhận được của ngày xưa như những kỷ niệm không hề nhạt phai.

Càng lớn hơn, khi tôi bắt đầu biết đọc sách, tìm hiểu hay học những bài thơ có về mùa thu càng khiến hình ảnh mùa thu trong tôi lại càng được thêu dệt thêm. Có lẽ bài thơ của Bà Tương Phố có phần da diết nhất:

Trời thu ảm đạm một màu,

Gió thu hiu hắt cho sầu lòng em

Trăng thu bóng ngã bên thềm

Tình thu ai để riêng em bẽ bàng.

Và rồi mùa thu trong tôi lại được mơ mộng theo những vần thơ của Lưu Trọng Lư, của Nguyên Sa với “Mùa Thu Paris”, sự mơ mộng về mùa thu của tôi đã vươn quá xa, xa hơn mong ước của tôi nhiều! Tôi đã tưởng tượng mùa thu trên đất Bắc của Nguyễn Khuyến; mùa thu trong rừng của Lưu Trọng Lư để đi xa hơn mùa thu của trời đất Paris, rồi sau đó lại ráng ôm ấp mùa thu quyến rũ, thu vàng và cũng lại nhìn những mùa thu đi. Thế là tôi lại về níu lấy những đồn điền cao su trong mùa rụng lá.

Đến khi ra xứ người tôi lại thấy và nhận được hương mùa thu, tôi cũng nếm được vị của thu, tôi cũng đã từng đi trong mùa thu và thấy được mùa thu rơi. Người ta đã thi vị mùa thu, nào là “chớm thu” khi mùa thu bắt đầu; nào là “chính thu” hay giữa mùa thu và “cuối thu” hoặc “tàn thu” để kể về giai đoạn cuối mùa và bắt đầu sang Đông.

Cái hương thu, gió sao lành lạnh, nhè nhẹ, khí trời hơi ẩm ướt, có nhiều mây bay bay. Có cái khác giữa mùa thu của tôi với mùa thu thực tế bên ngoài là mùa thu của tôi bắt đầu cuối mùa mưa ở miền Đông Nam bộ nên mưa ít đi, có nhiều sương, gió cũng hay hay. Còn mùa thu thực tế là sau những ngày nắng cháy, oi bức của mùa hè, mùa hè qua đi, những cơn gió lạnh từ vùng cực của trái đất ảnh hưởng tràn về làm cho khí trời hơi lành lạnh, lượng hơi nước dôi ra trong từng phân khối không khí tạo thành sương mù trên mặt đất hay trên trời khiến bầu trời có nhiều mây bàng bạc trôi. Mùa thu ẩm ướt, gió nhẹ bay bay tôi cảm thấy lạnh và bắt đầu phải mặc thêm các lớp áo dầy hơn. Có những ngày gió to thổi bay những lá vàng óng, vàng cam, đỏ hay các màu đặc biệt của chúng bay tán loạn trong không gian mà những nhà khoa học giải thích là do nơi lá có những sắc tố “chlorophyll” (xanh lá cây), “xanthophyll” (màu vàng), “carotin” (màu củ cải càrốt), “anthocyanin” (màu đỏ sáng). Tôi đặt chân lên xứ người vào những ngày đầu mùa thu nên vừa hưởng được dư âm của mùa hạ và thưởng thức được cái cảnh và hương vị “trời vào thu” (chớm thu). Rồi đến mùa thu và những mùa thu sau tôi được nhìn cánh đồng nho vàng lá trong mùa thu ẩm ướt, đi dưới những hàng cây lê có lá đỏ, lá trở màu và lá rụng theo từng cơn gió hoặc nhìn vào những cây lá đỏ ửng ở hai bên đường, hoặc đi vào giữa hai hàng phong lá rơi nhè nhẹ và nghe tiếng lá khua xào xạc như một chàng thi nhân đang thẩn thờ đi tìm thi hứng. Quả thật mùa thu có những điều khiến người ta dễ nhớ và cảm thấy dễ chịu hơn đối với một mùa hè oi bức, ngột ngạt khó thở. Có những mùa thu mưa muộn, lá vẫn còn xanh trong thời gian dài, thế mà khi có vài cơn mưa lớn ướt thấm đất lại khiến các hàng cây lá dài dọc hai bên bờ của một đường nước lại đồng loạt lá ửng vàng để rồi chúng theo từng cơn gió mà rơi rụng trên mặt đất. Đi trong rừng thu, đạp chân trên những lá rụng khô cũng là điều kỳ thú khiến cho tôi liên tưởng đến bài hát “Mùa thu cho em” của Ngô Thụy Miên:

“Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ, em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương. Và em có nghe khi mùa thu tới, mang ái ân mang tình yêu tới. Em có nghe nghe hồn thu nói mình yêu nhau nhé!....”.

Mùa thu có nhiều mây bàng bạc nhưng trăng tháng tám thường lại tròn sáng trong bầu trời trong khiến người ta lại cảm hứng cho một Tết tháng Tám mùa thu cho trẻ con và cũng là dịp “thưởng nguyệt” mà làm thơ cho những thi nhân bên những ly rượu tìm thi hứng.

Mùa thu quả thật là một mùa của trời đất đã đem đến thật nhiều kỷ niệm cho con người và cuộc đời, cùng những khung cảnh có nhiều màu sắc mà làm cho người ta khó có thể quên dù đó là những chứng tích buồn hoặc nên thơ. Hương mùa thu thấm nhập vào từng thớ thịt con người như những cơn gió nhè nhẹ, hoặc cái lành lạnh của khí hậu bên ngoài và luôn cả cái bầu trời xám xịt lẫn mưa bay bay; cho nên mùa thu từng là mùa mà từng được các nhạc sĩ và thi nhân thường có trong các sáng tác của mình cũng không có gì là lạ cả!

 

Nguyên Thảo,

13/05/2014.

*Lòng Kiêu Hãnh!


*Chuyện Tào Lao 2.          (tt)



“Kiêu” trong tự điển có nghĩa là vạm vỡ, lực lưỡng, tráng kiện, kiêu ngạo, kiêu căng; nhưng kiêu hãnh đây có nghĩa của hai từ ngữ “kiêu căng” và “hãnh diện” ghép trở lại. Hãnh diện là lên mặt. Như vậy chúng ta có thể hiểu hay hình dung đại khái kiêu hãnh là thái độ của những con người muốn chường mặt ra để chứng tỏ là “ta đây” khi họ hơn những người khác về vài điều gì đó, hoặc họ đạt những thành công nào mà sau cuộc chiến đấu họ đạt được với một thái độ tương đối gọi là “hách dịch” không được khiêm tốn cho lắm.

Sự kiêu hãnh đầy dẫy trong thế giới con người từ một đứa bé làm thành công hay đánh bại nhiều đứa trẻ cùng lứa tuổi mà được người lớn khen ngợi rồi hắn đi với hai tay khuỳnh ra, ngực ưỡn để chứng tỏ mình hơn người hay ta đây là giỏi. Một người xuất thân nghèo nàn từ xưa, nay nhân được một cơ hội hoặc khả năng thiên phú nào đó được phát triển và giàu có, hắn cũng có thể có sự kiêu hãnh và tỏ ra “ta đây”, nếu hắn không có sự khiêm tốn trong suy nghĩ. Một đoàn quân chiến thắng được kẻ địch mạnh hơn mình rất nhiều cũng có nhiều kiêu hãnh vì mình đã làm được những điều mà nhiều người khác không làm được. Do đó trong “binh pháp” ngày xưa đề cập đến câu “thắng không kiêu, bại không nản” để rèn luyện ý chí và thái độ sống cho chính mình và người khác. Một người con gái đẹp cũng có thể có sự kiêu hãnh trong thái độ của mình vì mình đẹp hơn người. Một đứa con nhà giàu vẫn có cung cách xem thường người nghèo hơn mình. Một dân tộc cũng có thể kiêu hãnh vì dân tộc của mình là một dân tộc được “Chúa chọn” chẳng hạn, hay dân tộc của mình là một “giống dân thượng đẳng”, hoặc “của một đất nước rộng lớn và hùng mạnh”, “có một nền văn minh riêng biệt” hay “có những đặc điểm hơn người”…v..v…

Sự kiêu hãnh và những thái độ đều muốn chứng tỏ cho người ta thấy sự hơn người của mình về vài phương diện nào đó; song song vào thái độ, người kiêu hãnh thường đi quá đà để bước sang sự kiêu căng hợm hĩnh vì sự hãnh diện của mình trở nên quá lố; thái độ không nhún nhường, khinh thường người khác. Điều ấy trong lịch sử của nước ta trong thời vua Lê, chúa Trịnh, chúng ta thường được nghe kể đến nạn kiêu binh, binh lính của một người được nhiều uy quyền, chúng ỷ lại vào quyền thế và được giữ những sự quan trọng nên đã lạm dụng quyền hành làm cho người ta phải nể sợ và chúng dùng điều ấy để uy hiếp người khác và làm những điều theo ý thích của chúng bất chấp đến luật pháp.

Làm con người ai cũng có khuynh hướng tiến đến với cái uy quyền cao nhất để được làm những điều mà mình thích không bị bó buộc vào những giới hạn hay pháp chế nào cả. Điều ấy không riêng gì cá nhân mà ngay cả đến một quốc gia hùng mạnh cũng sử dụng đến uy thế của mình để uy hiếp những nước yếu thế hơn hay các nước nhỏ, và dân chúng nước ấy cũng trở nên kiêu hãnh và thường có thái độ hung hăng, khinh thường người dân của nước khác. Họ luôn dùng sức mạnh và sự to lớn để ra uy, trấn áp những nước nhỏ hơn nhằm thực hiện được những mưu đồ mà họ mong muốn đạt được.

Thế giới luôn đi đến tình trạng bất ổn vì sự kiêu căng, hợm hĩnh của những chính quyền các nước lớn, mạnh khác và sự phản kháng của các nước nhỏ vì bị chèn ép, lấn áp và phải tìm đủ mọi cách để tồn tại mà ngày nay Trung Quốc làm một ví dụ cho cả thế giới: Trên vấn đề biên giới Trung Quốc đều xung đột với các nước chung quanh như Nga, Ấn Độ, Việt Nam, Phi Luật Tân, Nhật Bản; tinh thần thì sự kiêu hãnh về dân tộc, nước lớn, phát triển về sức mạnh theo chiều hướng hiện đại; thái độ, lập luận thì kiêu căng…tất không thể là sự trỗi dậy hòa bình được!

Lòng kiêu hãnh thường được biểu lộ khi người ta đạt được những thành công không thể ngờ. Tuy nhiên sự hãnh diện ấy dễ đi đến thái quá mà khiến cho người khác không thể ưa được, hoặc khiến người khác khó chịu để đến nỗi họ phải tìm những cách, biện pháp ngăn ngừa, chống lại hay phá phách cho bỏ ghét. Đôi khi nhiều thế lực kết hợp chống lại, kiềm chế chỉ vì lòng kiêu hãnh của mình thể hiện một cách “không thể chịu được” vậy!

 

Đồ Ngông,

25/04/2014.



Tuesday, June 3, 2014

*Hồn Bách Việt.


*Thơ Nguyên Thảo.          (tt)



Dân Bách Việt từ nam sông Dương Tử

Qua ngàn năm tan tác, nước không còn

Dân tộc đó trở thành dân tộc khác

Có bao giờ ta nhìn lại nước non!

 

Lòng tự nhủ, bây giờ không màu áo

 Khoát lên người, quên hết cả cha ông

Tâm tư ấy chẳng còn đâu áo não

Hận tiêu rồi, đâu biết chuyện quốc vong!

 

Hồn Bách Việt lang thang người cô lữ

Không nơi nương, như mượn xác của người

Đời hóa kiếp, hồn ngàn năm trở lạnh

Lạnh trong hồn, ngàn năm nữa không nguôi!

 

Nguyên Thảo,

19/05/2014.

*Trường Học.


*Tào Lao Thế Sự 2!




“Ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắc lẽo gập ghình khó đi

Khó đi mẹ dắt con đi

Con đi trường học, mẹ đi trường đời!”

Những câu ru con nầy đã từng trên đôi môi của nhiều bà mẹ để ru con ngủ, nhưng nó cũng diễn tả cho chúng ta thấy sự quan trọng của cái điều gọi là cần học hỏi cho con người trong suốt cuộc đời. Thuở nhỏ thì đi vào trường học để được thầy cô chỉ giáo cùng với bạn bè, nhưng với người lớn tuổi thì còn phải học nhiều hơn nữa nhất là những ứng xử trong đời sống đa dạng về nhiều mặt, tốt lẫn xấu của xã hội.

Nói đến trường học đó là một công trình về tinh thần, tri thức vĩ đại của con người. Không phải một ngày một buổi mà ở nhiều quốc gia sản sinh ra trường học được. Nó được kết hợp qua nhiều yếu tố về vật chất (cơ sở trường học), tinh thần (nội dung, sách vở), nhu cầu (cần đào tạo những người tài giỏi) và nhất là những người chuyển giao kiến thức (thầy cô) đến đại đa số những người cần nhu cầu nhận (học trò) trong cùng thực hiện một yêu cầu “tri thức” cho tất cả mọi người. Nói như vậy chúng ta cũng không thể quên những nhà chuyên môn đã hoạch định những chương trình, cấu kết mọi tri thức để tạo thành các sách giáo khoa để thầy cô diễn giảng “dạy” cho học sinh “học”: Đó là những người đầu ngành trong ngành giáo dục theo những phương pháp sư phạm được chọn lọc để đạt được mục đích cao nhất, tức là thành quả tối ưu.

Nền giáo dục được thiết lập để đào tạo những con người có chất lượng tài giỏi cho những thế hệ kế tiếp để đưa xã hội từng nơi, từng quốc gia luôn tiến lên để phục vụ lại cho xã hội, quốc gia và loài người được tốt đẹp hơn. Những nhân tài trên thế giới đều kinh qua giai đoạn ở trường học, không nhiều thì ít để làm chất xúc tác họ phát triển những khả năng riêng tư tiềm ẩn trong con người của họ. Một người dốt dù có tài năng đến đâu cũng không thể phát huy cao nhất về thiên tài của mình. Cho nên giáo dục là nền tảng cho học sinh đạt được đỉnh điểm khả năng mà mình đã có.

Ngay cả đến những người thầy giáo cũng đều phải trải qua những khóa học hoặc những lớp chuyên nghiệp để học về những cách thức truyền đạt đến cho học trò của mình trên phương pháp nào đó để đạt được tối ưu, cùng phải hiểu về tâm, sinh lý của từng lứa tuổi và cũng phải có những trình độ nhất định cho những cấp dạy. Nhất là những thầy cô giáo cũng từng truyền cho nhau cái câu: “Làm đĩ chín phương, chừa một phương để lấy chồng”, tức là “sống như thế nào thì sống nhưng ở nơi mình đi dạy ít ra cũng gương mẫu, mẫu mực cho nghề giáo, không thể buông thả được”. Nhưng trong xã hội của ta, nghề giáo vốn đã được kính trọng tự ngày xưa từ thời nền Nho học được ông Khổng Tử đặt nền tảng “Quân, Sư, Phụ”, nên vị trí ông thầy có vị trí trên cha mẹ, dưới các vị vua vì thế mà sự “Tôn Sư Trọng Đạo” luôn được đề cao. “Nhứt tự vi sư, bán tự vi sư”, dạy một chữ là thầy, dạy nửa chữ cũng là thầy; hay “Muốn sang thì bắt cầu kiều, muốn cho hay chữ thì yêu mến thầy”, và “Không thầy đố mầy làm nên” đều có ý nói đến công lao của những thầy cô giáo đứng trên bục giảng để truyền thụ lại kiến thức cho học sinh tức những thế hệ về sau qua trung gian của sách vở, những tài liệu tri thức của nhân loại.

Đó chỉ là những kiến thức cơ bản, được kết tinh và đúc kết để đem đến cho học sinh trong trường học và từ sau đó tùy theo khả năng của từng người mà học sinh sẽ phát triển theo chiều thiên tư của chúng khi ra ngoài đời.

Vai trò ở trường học đều quan trọng cho những thế hệ sau của một đất nước.

Trường học là nơi mà người ta nhằm mục đích “trồng người”: “Vì lợi ích mười năm, ta trồng cây; vì lợi ích trăm năm ta trồng người”. Đào tạo thế hệ tương lai không thể một ngày một buổi mà thời gian vài chục năm, nửa thế kỷ, có khi đến thế kỷ sau mới thấy được kết quả của nó. Nhìn thế hệ thanh niên ngày nay sống như thế nào, ta có thể định hình được nền giáo dục tốt xấu trong hiện tại hay của vài chục năm trước. Nói như vậy có nghĩa là ta có thể chiêm nghiệm kết quả của một nền giáo dục đã ảnh hưởng, thể hiện rõ trên những lứa thanh niên hiện tại: Tư cách, thái độ, ý thức, cách hành xử, tri thức, lối sống…là ta có thể hiểu được cách giáo dục của một chính phủ, hay chế độ nào đó.

Ngày trước có một nhân viên ở xã đã nói với chúng tôi: Muốn biết xã đó như thế nào, cứ đến “cầu tiêu” (nhà xí) của trường học thì sẽ hiểu được ít nhiều! Điều đó hơi quá đáng, tuy nhiên nghĩ lại cũng có phần ta cần suy nghĩ, vì trường học ở xã là nơi đào tạo con người cho xã đó. Giáo dục không tốt tất đào tạo ra những con người không thể tốt được. Sự suy đồi không thể đổ thừa cho hoàn cảnh không không được, mà phải nhìn vào thực tế của tình trạng xã hội và nhất là sự giáo dục thế hệ sau, vì đó là nơi trồng người, mà trường học là “vườn ương cây” để sản xuất ra những loại cây có chất lượng trong tương lai. Trên không nghiêm hạ tắc loạn, trên không gương mẫu không thể trách kẻ ở dưới, những con người làm giáo dục tồi tệ không thể trách những đứa học trò. Bức tranh quá tệ tại vì họa sĩ tồi chứ không phải là do ở bức tranh, bức tranh chỉ là sản phẩm của họa sĩ mà thôi. Kết quả đó giống như những người lãnh đạo: Đất nước xấu hay tốt, giàu có hay nghèo nàn, sung sướng hay đói khổ, hỗn loạn hay trật tự là do sự lãnh đạo của những nhà lãnh đạo ấy thực hiện đường lối tốt hay xấu! Lãnh đạo làm cho đất nước nghèo nàn thì dân chúng phải sống với những bản năng để sống còn, tất lấy vặt, cướp giựt, hôi của, lừa đảo, mánh mun, hối lộ, làm tiền, trộm cắp thậm chí đến giết người cướp của.. không thể tránh khỏi giống như câu mà dân gian đã tuyền tụng “bần cùng sanh đạo tặc, không đi ăn cắp vặt, lấy c.. họ ăn”. Nước Nhật làm tốt công tác giáo dục từ lâu nên hình ảnh đứa bé được cho quà riêng cứu đói trong nạn sóng thần, nhưng đứa trẻ đã đem gói quà ấy bỏ vào thùng những quà được phân phát và trở về vị trí trong hàng của mình để đợi tới phiên được nhận quà. Có lẽ dân tộc các nước khác còn lâu mới được như vậy! Dân Nhật có được sự tự trọng, có ý thức, biết thể hiện được tinh thần dân tộc của mình đối với thế giới, và người Nhật đã đẩy mạnh những nghệ thuật khác lên vị trí cao nhất của nghệ thuật như võ thuật trở thành võ đạo, uống trà thành trà đạo, thiền thành một nét riêng gọi là “Zen”, cắm hoa thành nghệ thuật (nghệ thuật cắm hoa), giấy xếp thành đồ chơi…Do đó nước Nhật dù trong hoàn cảnh bất hạnh vì động đất, sóng thần triền miên lại không có tài nguyên để phát triển thế mà nước Nhật đã là một nước hùng mạnh, đúng là đáng nễ!

Sự giáo dục rất quan trọng cho một đất nước, vì đó là nơi ươm mầm cho những mầm non để sau nầy chúng phục vụ cho cá nhân, gia đình, đất nước và xã hội. Đất nước thịnh hay không là do những thế hệ sau đúng là trồng cây mười năm ta có thể sử dụng, trồng người sẽ đến trăm năm sau. Nhưng có một điều ta cần suy nghĩ khá nhiều là: Vì sau nhân tài của ta không thể phát triển ngay trên quê hương mình. Yếu tố nào đã làm nhân tài mai một? Chẳng lẽ một khung mẫu nào đó o ép nhân tài không tự phát triển được mà phải mai một vì khung mẫu ấy hay sao?

Sự thành bại của một nền giáo dục, sự hưng thịnh hay tiêu vong của một đất nước, một dân tộc được ngẫng cao đầu hay ô nhục đều do nơi kết quả đào tạo từ nền giáo dục mà ra, giáo dục không đào tạo được nhân tài, người không tài không đức mà lãnh đạo thì tất đất nước không thể vươn lên, mà

Trường học là nơi thể hiện sự giáo dục ấy.

Lão tử đã nói: “Làm thầy thuốc mà sai lầm, chỉ hại có một mạng người. Làm chính trị sai lầm chỉ hại có một nước. Làm giáo dục mà sai lầm, thì hại đến cả muôn đời!”

Bài học đó cần cho chúng ta suy nghiệm rất nhiều, nhất là những người có trách nhiệm và lãnh đạo. Tưởng rằng đơn giản, nhưng thật nó chẳng giản đơn!

 

Đồ Ngông,

16/04/2014.