Mùa Thu đã về lại trên xứ Úc nầy rồi hay nói một tiếng thơ mộng
hơn là “Trời đã vào Thu”. Từ khi tôi lang thang trên xứ người tôi mới biết được
mùa Thu, còn trước kia tôi chỉ tưởng tượng mùa Thu qua thơ ca hay mơ mộng mùa
thu qua những ca khúc mà những nhạc sĩ đã dạo những nốt nhạc qua những cảm nhận
của họ. Ôi mùa thu sao mà đẹp vậy! Mùa thu cho tình yêu, mùa thu cho những giây
phút kỷ niệm cuộc đời. Mùa thu thật sự đi vào tâm hồn non nớt của tôi khi mà tôi
bắt đầu học đoạn văn “Tôi đi học” của Thanh Tịnh: “Hàng năm, cứ vào cuối thu lá
ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc…”, để rồi tôi lại
thích thú mơ tưởng hơn khi học đoạn văn của Anatole France trong chương trình học
tiếng Pháp mà tôi cố gắng viết lại như là một kỷ niệm (chứ chắc nó không đúng rồi)
“Je vais vous dire ce que me rappelle tous les ans. Les premiers dinners à la
lamp et les fueilles qui jaunissent dans les arbres…”. Ôi mùa thu đầy cảnh tượng
và có những tiếng thì thầm của trời đất làm cho lòng con người rung động để tạo
thành những tiếng ca, âm điệu khiến cho đời có những xao động nhẹ nhàng lẫn đáng
yêu. Từ những xao động ấy, tôi đã cố tạo một mùa thu cho chính mình vào những
ngày đi học, mùa thu của tôi cũng có những hình dáng của mây, khí trời lành lạnh,
cũng có sương mù, cũng có những hình bóng của sự đáng yêu mặc dù trên xứ sở miền
Đông Nam Bộ chỉ có hai mùa mưa nắng. Mùa thu của tôi cũng vào những ngày đi học
hay của các buổi tựu trường. Cứ vào tháng 9 hàng năm, trường học ở xứ mình bắt
đầu cho một năm học mới ấy là ngày “Khai trường” hay là “Buổi tựu trường”, tôi
chỉ nhớ mang máng lúc ấy trời quả thật có nhiều mây giăng giăng, khí trời hơi lành
lạnh, trời ít mưa hơn và có những ngày có sương mù là đà trên mặt đất. Để rồi
sau đó nhiều năm, tôi tận hưởng mùa thu của tôi trên đường đi học nhất là thời
gian mà tôi và bạn bè cùng đi lên học trên Tân Uyên qua cánh đồng Phước Lộc, băng
qua Khánh Vân ra ngã ba Bình Chánh để về Tân Uyên.
Mùa thu ấy cũng thật là “quyến rũ”, thu có mây trời bàng bạc
gây nên một bầu trời xam xám chứ tôi không dám coi là “xám xịt” như người ta đã
bảo, chúng như gần gũi với con người đang sinh hoạt trên mặt đất, tạo nên một cảnh
hơi buồn buồn của một cảnh tượng chia ly; những cơn gió lành lạnh nhè nhẹ có cái
tên hay hay là “heo may” (Ai đã đặt cho nó cái tên là “heo may” nhỉ?). Cơn gió ấy
lung lay nhè nhẹ những bông lúa đang trổ đòng đòng, tức là những bông lúa chưa
có hạt, chúng còn vươn thẳng lên, hé miệng trong sương sớm mà người ta gọi là
“ngậm sương” để làm hạt. Những cơn gió ấy cũng khiến mặt nước hơi xao động khiến
tôi lại thấy bóng dáng “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo, một chiếc thuyền câu bé
tẻo teo…” (Thơ Nguyễn Khuyến). Không ngờ chính những cơn gió như vậy làm mặt nước
của cái vũng lăn tăn như chạy về phía sau khiến cho người bạn lớn con của tôi
tưởng là cầu chạy mà không dám đi qua nữa. Những bóng dáng các bà gánh gánh đi
chợ hay những người cưỡi xe đạp quanh co theo những đường bờ trơn ươn ướt vì sương
hay vì mưa bay bay của những cơn mưa bụi cuối mùa.
Mùa thu của tôi gắn liền với quê hương tôi, nó thật là dân giả
và đầy những hình bóng của người dân quê trên cánh đồng lúa thân yêu. Và để rồi
về sau nầy, mỗi lần khi thấy mùa thu về trên những cánh đồng tôi lại nhớ về những
cảnh mà tôi ghi nhận được của ngày xưa như những kỷ niệm không hề nhạt phai.
Càng lớn hơn, khi tôi bắt đầu biết đọc sách, tìm hiểu hay học
những bài thơ có về mùa thu càng khiến hình ảnh mùa thu trong tôi lại càng được
thêu dệt thêm. Có lẽ bài thơ của Bà Tương Phố có phần da diết nhất:
Trời thu ảm đạm một màu,
Gió thu hiu hắt cho sầu lòng em
Trăng thu bóng ngã bên thềm
Tình thu ai để riêng em bẽ bàng.
Và rồi mùa thu trong tôi lại được mơ mộng theo những vần thơ
của Lưu Trọng Lư, của Nguyên Sa với “Mùa Thu Paris”, sự mơ mộng về mùa thu của
tôi đã vươn quá xa, xa hơn mong ước của tôi nhiều! Tôi đã tưởng tượng mùa thu
trên đất Bắc của Nguyễn Khuyến; mùa thu trong rừng của Lưu Trọng Lư để đi xa hơn
mùa thu của trời đất Paris, rồi sau đó lại ráng ôm ấp mùa thu quyến rũ, thu vàng
và cũng lại nhìn những mùa thu đi. Thế là tôi lại về níu lấy những đồn điền cao
su trong mùa rụng lá.
Đến khi ra xứ người tôi lại thấy và nhận được hương mùa thu,
tôi cũng nếm được vị của thu, tôi cũng đã từng đi trong mùa thu và thấy được mùa
thu rơi. Người ta đã thi vị mùa thu, nào là “chớm thu” khi mùa thu bắt đầu; nào
là “chính thu” hay giữa mùa thu và “cuối thu” hoặc “tàn thu” để kể về giai đoạn
cuối mùa và bắt đầu sang Đông.
Cái hương thu, gió sao lành lạnh, nhè nhẹ, khí trời hơi ẩm ướt,
có nhiều mây bay bay. Có cái khác giữa mùa thu của tôi với mùa thu thực tế bên
ngoài là mùa thu của tôi bắt đầu cuối mùa mưa ở miền Đông Nam bộ nên mưa ít đi,
có nhiều sương, gió cũng hay hay. Còn mùa thu thực tế là sau những ngày nắng cháy,
oi bức của mùa hè, mùa hè qua đi, những cơn gió lạnh từ vùng cực của trái đất ảnh
hưởng tràn về làm cho khí trời hơi lành lạnh, lượng hơi nước dôi ra trong từng
phân khối không khí tạo thành sương mù trên mặt đất hay trên trời khiến bầu trời
có nhiều mây bàng bạc trôi. Mùa thu ẩm ướt, gió nhẹ bay bay tôi cảm thấy lạnh và
bắt đầu phải mặc thêm các lớp áo dầy hơn. Có những ngày gió to thổi bay những lá
vàng óng, vàng cam, đỏ hay các màu đặc biệt của chúng bay tán loạn trong không
gian mà những nhà khoa học giải thích là do nơi lá có những sắc tố
“chlorophyll” (xanh lá cây), “xanthophyll” (màu vàng), “carotin” (màu củ cải càrốt),
“anthocyanin” (màu đỏ sáng). Tôi đặt chân lên xứ người vào những ngày đầu mùa
thu nên vừa hưởng được dư âm của mùa hạ và thưởng thức được cái cảnh và hương vị
“trời vào thu” (chớm thu). Rồi đến mùa thu và những mùa thu sau tôi được nhìn cánh
đồng nho vàng lá trong mùa thu ẩm ướt, đi dưới những hàng cây lê có lá đỏ, lá
trở màu và lá rụng theo từng cơn gió hoặc nhìn vào những cây lá đỏ ửng ở hai bên
đường, hoặc đi vào giữa hai hàng phong lá rơi nhè nhẹ và nghe tiếng lá khua xào
xạc như một chàng thi nhân đang thẩn thờ đi tìm thi hứng. Quả thật mùa thu có
những điều khiến người ta dễ nhớ và cảm thấy dễ chịu hơn đối với một mùa hè oi
bức, ngột ngạt khó thở. Có những mùa thu mưa muộn, lá vẫn còn xanh trong thời
gian dài, thế mà khi có vài cơn mưa lớn ướt thấm đất lại khiến các hàng cây lá
dài dọc hai bên bờ của một đường nước lại đồng loạt lá ửng vàng để rồi chúng
theo từng cơn gió mà rơi rụng trên mặt đất. Đi trong rừng thu, đạp chân trên những
lá rụng khô cũng là điều kỳ thú khiến cho tôi liên tưởng đến bài hát “Mùa thu
cho em” của Ngô Thụy Miên:
“Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ, em có nghe nai vàng hát
khúc yêu đương. Và em có nghe khi mùa thu tới, mang ái ân mang tình yêu tới. Em
có nghe nghe hồn thu nói mình yêu nhau nhé!....”.
Mùa thu có nhiều mây bàng bạc nhưng trăng tháng tám thường lại
tròn sáng trong bầu trời trong khiến người ta lại cảm hứng cho một Tết tháng Tám
mùa thu cho trẻ con và cũng là dịp “thưởng nguyệt” mà làm thơ cho những thi nhân
bên những ly rượu tìm thi hứng.
Mùa thu quả thật là một mùa của trời đất đã đem đến thật nhiều
kỷ niệm cho con người và cuộc đời, cùng những khung cảnh có nhiều màu sắc mà làm
cho người ta khó có thể quên dù đó là những chứng tích buồn hoặc nên thơ. Hương
mùa thu thấm nhập vào từng thớ thịt con người như những cơn gió nhè nhẹ, hoặc cái
lành lạnh của khí hậu bên ngoài và luôn cả cái bầu trời xám xịt lẫn mưa bay
bay; cho nên mùa thu từng là mùa mà từng được các nhạc sĩ và thi nhân thường có
trong các sáng tác của mình cũng không có gì là lạ cả!
Nguyên Thảo,
13/05/2014.
Mùa thu quả thật là một mùa của trời đất đã đem đến thật nhiều kỷ niệm cho con người và cuộc đời, cùng những khung cảnh có mùa sắc mà làm cho người ta khó có thể quên dù đó là những chứng tích buồn hoặc nên thơ .
ReplyDelete............................
thép hòa phát | thép hộp mạ kẽm