Thursday, August 18, 2022

*Giá Trị Của Một Nền Giáo Dục!

 

Nói đến giáo dục khiến ta nghĩ ngay đến chuyện dạy cho những đứa con nít những kiến thức, đạo đức hay những kinh nghiệm mà người lớn, người đi trước truyền đạt lại cho chúng, để chúng thu thập hầu trở thành con người tốt, có kiến thức và kinh nghiệm sống trong tương lai, nhằm giúp chúng sống có ích cho xã hội, đất nước lẫn mọi người chung quanh. Từ khái niệm đơn giản ấy mà từng quốc gia có nền giáo dục riêng, luôn kiện toàn nhằm dẫn dắt cho thế hệ trẻ trong đất nước của họ thành những nhân tài, phục vụ cho xã hội ở mai sau. Do vậy, mỗi nơi có đường hướng giáo dục, thích hợp với phong tục, tập quán lẫn đạo đức của vùng đó. Nhưng đôi khi người ta cần học hỏi, gom góp những cái hay của nhiều nơi để nhằm đạt đến phương cách có kết quả tốt nhất. Vì thế mà nội dung, phương cách giáo dục luôn được trao đổi, học tập, áp dụng sao cho có thành quả.

Vào những thời xa xưa, giáo dục do từng cá nhân có kiến thức, học vấn từ người trước rồi truyền đạt lại cho từng nhóm học trò đi theo học với mình. Nó cũng mang theo cái tư tưởng, quan niệm, truy cứu của ông thầy. Và tùy theo từng ông thầy mà học trò có trình độ cao hay thấp, sâu rộng hay hạn hẹp, nhất là quan niệm đối với cuộc sống, hay nhân loại như thế nào. Ngay cả tùy vào cái cách thức giáo dục của ông thầy mà có sự nghiêm khắc hay dễ dãi đối với học trò. Do đó mà từng lớp học trò luôn mang tư tưởng của thầy lan truyền và được phổ biến từ Tây sang Đông như: Ở Tây Phương thì có những học trò của Héraclite, Pythagore, Socrate…Còn ở Đông Phương thì có nhiều bậc Tư tưởng, nhất là về Tôn Giáo từ Bà La Môn, Phật giáo đến Lão Tử, Khổng Tử, Jésus Christ, Mohammed…Rồi quan niệm giáo dục qua thời gian cũng theo từng ông thầy mà có nhiều thay đổi.

Sau, do nhu cầu học hỏi rất cần thiết cho những trẻ con càng ngày càng đông, nền giáo dục được thành hình qua cuộc tổ chức của từng quốc gia. Phương pháp truyền thụ chưa được thống nhất. có nơi lấy sự bắt buộc, ép trẻ con bằng hình phạt, có nơi dễ dãi hơn, có nơi bắt học trò phải học nằm lòng những gì cần truyền thụ. Đến khi nhà giáo dục Jean Jacques Rousseau của Pháp nghĩ ra phương pháp giáo dục mới thì sự giáo dục có nhiều thay đổi ở từng quốc gia cho đến ngày nay, ngoài sự giáo dục theo truyền thống của các Tôn Giáo: Đó là những nền giáo dục phổ thông!

Sự giáo dục từ trong các Kinh Viện được phổ quát hóa ra bên ngoài dân chúng, các trường học được phát triển nhanh chóng cho thế hệ trẻ con về sau. Những kiến thức của nhân loại được tuyển chọn đưa vào chương trình với những bộ môn, đề mục, chủ đề để nhằm nâng cao kiến thức cho từng thế hệ, và nó luôn cập nhật để theo sát với các khám phá mới theo thời đại. Và từ đó, những người lãnh đạo, cầm quyền của chính phủ, viên chức nhà nước cũng được tuyển chọn theo tiêu chuẩn kiến thức mà họ đã đạt được: Giả sử như một nhà giáo trong giai đoạn đầu cần người biết chữ nhiều dạy cho người biết ít, rồi tiến đến có trình độ cấp hai dạy cho trẻ nhỏ, thế rồi đến cấp ba dạy cùng trình độ ấy. Và đến cuối cùng phải có bằng ở bậc Đại học hoặc là trên cho trình độ nhất định. Đó là sự nâng cấp ngày càng tăng tiến để nâng cao trình độ quản lý, như là trình độ của dân trí hầu đạt đến một xã hội tiến bộ. Song song vào đó, người ta còn nhằm mục đích đào tạo những thế hệ công dân sống có đạo đức, tình nghĩa, ý thức xã giao, đối xử với mọi người chung quanh trong xã hội; hoặc giúp người dân hiều được cái quyền lợi, ý thức bổn phận đối với đất nước của mình trong mọi hoàn cảnh, dù đó là trong việc giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ môi trường…tức là những vấn đề nhỏ nhặt cho đến chuyện to tát như bảo vệ Tổ Quốc, Tình Yêu Nước.. vì thế mà các môn Đức Dục lẫn Công Dân Giáo Dục được ra đời!

Có những nền Giáo Dục được gọi là Khai Phóng là sự cởi mở, không bị gò bó trong những chủ đề hạn hẹp, o ép học sinh đi vào những kiến thức mà người ta chỉ cho biết, hay là chỉ được học trong phạm vi nào đó thôi; mà học trò được học nhiều kiến thức của nhân loại dù ít hay nhiều tùy theo giai đoạn còn tuổi nhỏ hoặc lớn, để từ đó người học có cái nhìn khái quát hoặc sâu sắc về những gì mà nhân loại đã đạt được cũng như trải qua, và những kiến thức ấy luôn được cập nhật theo từng thời gian nào đó mà người soạn chương trình ấn định trong 3, hay là 5 năm. Có những nơi người ta bắt học trò, người học chỉ được học những cái gì “chỉ là của mình” để học trò không biết đến cái khác mà có sự so sánh, nhất là trong các Tôn Giáo. Sự “què quặt” kiến thức khiến cho người học, học trò trở nên bị “thui chột”, “què quặt” theo luôn, mà không biết mình là những con người “thiển cận”! Thế cho nên, từ ngàn xưa Lão Tử, một Triết Gia Đông Phương có một câu nói khiến cho ta ngày nay nghiền ngẫm: “Làm thầy thuốc sai lầm chỉ hại có một người; Làm chính trị sai lầm thì hại cho một nước; Làm giáo dục sai lầm sẽ hại cho cả muôn đời”! Tại sao thế? Vì giáo dục sai lầm sẽ đào tạo thế hệ ngu dốt nầy, rồi thế hệ ngu dốt đó đào tạo ra những thế hệ ngu dốt kế tiếp, cứ thế mà kéo dài ra. Ấy chẳng là “hại cho cả muôn đời” đó sao?

 

Đồ Ngông,

18/08/2022.

 

 


Sunday, August 14, 2022

*Khung Trời Kỷ Niệm! (6)

 

Rồi mùa hè cũng qua đi! Chúng tôi quay trở lại trường học. Sau ba tháng Hè sân trường ít được người quét dọn, bây giờ nó được chăm sóc gọn gàng như thay áo cho một năm học mới. Tiếng trống lại vang lên mỗi khi vào học lẫn tan trường. Năm nay có Thầy mới. Thầy Lý Văn Trọng từ Lái Thiêu lên. Tướng Thầy dong dỏng cao, thường đến trường bằng chiếc xe gắn máy không phải là các chiếc mô-bi-lết mà chúng tôi thường thấy, mà là chiếc hiệu Beta máy Sachs thì phải. Thầy đạo mạo, chững chạc nên chúng tôi có phần lo. Nhưng rồi, cũng không lo lắm vì số học trò vào lớp khá đông, nó không phải sĩ số của chúng tôi ở đây không, mà còn tập hợp từ Vĩnh Trường, Tân Hiệp, Tân Hóa đến nữa. Ở Vĩnh Trường có Lê Văn Năm, Tôn, Na; Tân Hiệp có Lực, Bạn; Tân Hóa là đông nhứt: Nguyễn Văn Năm, Phấn, Son, Huệ, Sợi, Thạch, Gõ, Ru, Đoàn văn Em, Miên, Tộ, Cờ, Tướng, Ngộ, Rờn. Bên nữ có Khởi, Mới, Thay, Mướp, Kiều. Sở dĩ như vậy là vì các nơi ấy không có nhiều học sinh để mở lớp Nhì. Như vậy mấy xã mới có một trường Tiểu Học. Từ đây trường Tân Phước Khánh được gọi là Trường Tiểu Học Tân Phước Khánh mà lớp Nhì chúng tôi là lớp đầu đàn, và Trưởng trường được gọi là Hiệu Trưởng. Tôi không nhớ rõ là Thầy Nguyễn Văn Tâm từ ngoài Búng về làm Hiệu Trưởng vào lúc nào, nhưng chắc là hơi trễ chứ không phải đầu năm. Do vì trong lớp có hai Nguyễn Ngọc Thạch, và căn cứ vào ngày tháng năm sinh thì tôi lớn hơn, nên Thầy đặt à Thạch A, Thạch kia là Thạch B.

           Các Thầy: (Đứng) Thầy Trọng, Thầy Tâm, Thầy Hòa.

                             (Ngồi) Thầy Thơ.

Thầy Trọng có năng khiếu về đàn Măng-đô-lin và hát cho nên Thầy thường hay dạy nhiều bài hát, mà khoảng thời gian nầy người ta gọi là nhạc cải cách, nhất là trong giờ Hoạt Động Thanh Niên cùng với môn thể dục, tập đi quân hành một, hai, ba; hoặc chơi thể thao, thể dục. Lúc nào học ra học, lúc nào chơi ra chơi, thật thoải mái vì thế mà chúng tôi rất thích học với Thầy, cho nên ít khi có trò nào bi phạt. Trong khi đó thì Cô Thọ dạy lớp Tư lại có khiếu về hát và tập cho học trò của cô các bài múa, nên đôi khi Thầy Trọng giúp đàn cho học sinh bên đó hát và múa. Rồi, người ta thường hay nói: “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, mà học trò quỷ quái thiệt, mỗi lần mà Thầy Trọng lên trễ thì Cô Thọ đứng nhìn về phía trên đường, mấy đứa kháo nhỏ nhau: “Cô Thọ trông Thầy mình tới kìa”! Xong nhìn nhau cười chứ không dám nói gì hết!

Có lần Trường tổ chức đi “Du Ngoạn Vũng Tàu, Long Hải” mỗi đứa phải đóng một số tiền. Nhưng trong đó có mấy phần đặc biệt được đặc ân đi “không” (không phải đóng tiền) qua sự bình bầu thì Trung được ân huệ ấy còn Chi thì không được nên Chi đã khóc. Sự hơn nhau chỉ có một lá phiếu mà thôi! Và cũng năm đó, Thầy Hòa hướng dẫn đội banh của Trường Tân Phước Khánh ra đá với đội banh của Trường Phú Hòa trên xã Phú Hòa, nhưng bị thất bại thảm hại, ôm về tới năm, sáu trái. Trong năm có hai trường hợp mà học trò phải bỏ học vì chết: Một là Phấn anh của Son, nghe tụi nó kể lại, thì khi đi chăn bò vào ngày cuối tuần, anh ấy trèo lên cây gì ở gần miễu nhỏ nào đó lại khắc tên anh như là một vị thần của miễu nên về nóng sốt rồi mất. Còn Na trên Vĩnh Trường vì đi cưa võ bom để lấy ngù đồng (bộ phận đầu đạn làm bằng đồng) để bán, thì bị bom nổ mà chết. Nói đến phần nầy, có lẽ tôi phải nói về cái sân bay đường lên An Mỹ hay lên chợ Thủ Dầu Một một chút.

Thực sự tôi chẳng biết đích xác về cái lai lịch sân bay ấy, nhưng nghe người lớn kể lại sân bay là do Tây nó làm, không biết là tư nhân hay của công, nhưng nó có liên hệ đến Sở cao su “Con Rồng”. Sở nầy không nhỏ bao vòng Bình Chuẩn qua Hòa Thạnh chạy dọc theo rìa Bình Thoại, Phú Hữu, chạy vào Phú Trung, Phú Chánh về Tân An, Vĩnh Trường; cái khu vực ấy là cánh đồng Gò Bèo hay Bàu Bèo hoặc Bà Bèo gì đó mà người dân không nói rõ ràng, chính xác. Ngày tôi lớn lên, lúc mới hiểu biết chút ít thì khu cao su bên phía Hòa Thạnh và bên Bình Thoại hãy còn. Trên đường từ Vĩnh Trường băng qua An Mỹ lác đác cây cao su, và trên cánh đồng dài vô Phú Chánh cũng vậy. Sau dân chúng phá hết lấy cây chụm lửa và khai đất đai thành ruộng gò trồng lúa vào mùa mưa, hoa màu vào mùa nắng (phải đào giếng, dùng cần vọt cất nước lên tưới). Thì qua sự suy đoán của tôi sân bay ấy có thể do chủ Sở Con Rồng tạo nên, để máy bay lên xuống cho công việc của họ hay đem tiền phát lương cho công nhân khi đến kỳ tiền. Sau đến thời Nhật chiếm thì lại trưng dụng sân bay đó, không biết làm gì nhưng ba tôi nói là tụi Nhật bắt người ta lên “làm xâu” (làm công tác mà không trả tiền) trên đó. Cuối những năm chiến tranh và thời gian sau hòa bình được làm nơi cho lính nhảy dù luyện tập. Lúc đó, lính nhảy dù cứ cuối tuần là họ nhảy, khiến bọn con nít tụi tui hoặc là ra khoảng trống nhìn lên trên đó xem có bao nhiêu cây dù; hoặc cỡi xe đạp chạy nhanh lên Bình Hòa gần sân bay nhìn cho rõ, có lúc những cây dù không mở, trực thăng cứu thương phải chở đi gấp, mà chúng tôi gọi loại trực thăng đó là “óc nóc xương” vì hình thù giống con cá nòng nọc mà khoảng đuôi của nó chỉ là khung sắt. Sau thời gian đó thì cánh đồng Gò Bèo được làm nơi máy bay cánh quạt loại thả bom “skyraider” tập oanh tạc. Người ta kéo các xác xe hư đến để làm mục tiêu cho máy bay thực tập dội bom. Thuở đó dân hai bên xã Vĩnh Trường, Phú Hữu hay đi gom sắt vụn để bán, nhất là những “ngù đồng” (bằng đồng” bán rất có giá). Có lúc họ giành giựt và đánh nhau. Có người cưa hay đục bom lép để tháo ngù đồng ra lấy, chẳng may nó nổ thì đành chịu “tan thây”! Na chết trong trường hợp như vậy!

 Từ ngày về Tân Khánh tôi dần có bạn bè vừa là bạn học, vừa là bạn hàng xóm khá nhiều. Thỉnh thoảng lại kết nhóm đi chơi, dong ruổi từ đầu trên xóm dưới. Tất nhiên tôi không phải là đầu nhóm vì tôi quá nhỏ, không có tài năng lãnh đạo nên cũng chỉ là “tà lọt” thôi. Người bày cho chúng tôi chơi hay cầm đầu là anh Mười lớn con của ông Ba Chặng và anh Vân, anh của Trung con của Dì Ba chị của Mười lớn (Mười lớn tức là anh Nguyễn Văn Là nổi tiếng về đàn, chơi thể thao ở Bình Dương sau nầy). Với sự hướng dẫn của anh Mười và Vân chúng tôi thường kết đàn đi bắt cá lia thia ở dưới ruộng, đi tắm suối, chơi chọi nhau trên cánh đồng ở gần cầu đúc hay đi hái trái trâm dọc theo các đường nước, đắp ụ tát nước bắt cá hoặc đi bắt dế khắp các cánh đồng từ đồng Hóa Nhựt lên tận gò Vĩnh Trường, tắm lội ở hầm đất trên Bình Hòa cùng đi vào rừng Cây Chàm hái trái giấy, trái táo gai, trái sim, có khi ra tận xóm Phước Lộc, gò mã bịt bùng, gò mã Đông. Thời đó đi chơi rất vui, nhất là trong ba tháng Hè, không phải lo sợ gì cả. Đi chơi đã, về mạch chợ tắm cho bớt nóng, xong có thể đi vào lò chén xin hay ăn cắp đất sét về nắn những đồ chơi hay các món mà phải làm thủ công. Thường thì tập trung ở nền nhà tô cao của ông Ba tức ba của Mười lớn và Mười nhỏ.

Không những vậy, hai anh ấy còn bắt chước mấy ông lớn lập ra gánh hát, làm bầu gánh cho mấy kép nhí chúng tôi tập hát theo các vở tuồng được in, bán ra bằng những tập sách nhỏ. Hai anh bắt chước theo ông Kanh Hòa, người đàn hát hay ở Tân Khánh, đã lập ra đoàn cải lương và họ đang tập tuồng để lưu diễn mà tôi có biết mấy tài tử như chú Nhùm, vợ chồng Ông Cù cùng ông Síp Pha, và một số người khác. 


Nguyên Thảo,

15/08/2022.