Friday, November 25, 2022

*Khung Trời Kỷ Niệm! (12)

 

Sĩ số lớp khoảng chừng 60 trong đó đám từ Tân Khánh cũng được mười mấy người như Nguyễn Ngọc Thạch, tôi, Trần Tấn Lực, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Thị Kim Phụng, anh Nguyễn Văn Năm, chị Nguyễn Thị Thay, chị Mướp, Phạm Văn Chi, Phan Văn Son, anh Sợi, Tộ. Đa số đến từ Trường Tiểu Học Tân Ba như chị Nguyễn thị Thu Hồng, chị Bạc, Thêm, chị Hoa, Bằng, Huỳnh Như Ý, chị Út, Mã Thị Kim Huệ con Thầy Mã Sấm; còn bên trai là Nguyễn Ngọc Báu, Đỗ Hữu Tài, Nguyễn Ngọc Thành, Trí. Bên Tân Hạnh có Mai Văn Hổ, Đặng Văn Sính, Phan Thị Lai. Ở tại Tân Uyên có Trương Văn Bưu, Huỳnh Văn Siêng, Tô Công Tâm, hai chị Huỳnh Thi Hoa, Huỳnh Thị Hường. Phía bên cù lao 6 xã có anh Nguyễn Văn Thông, chị Sương, Phú Thị Thơm. Và một số lớn tôi không biết quê ở đâu như Chị Phán, Chị Phúc, Nguyễn Văn Vàng, Tống Văn Hỏ, Lý Hoài Đường, anh Ni, anh Đi, Thành, Nguyễn Văn Công, anh Nước, Tân Hòa Tân Tịch có anh em Đoàn Văn Thành, Đoàn Văn Huệ; ngay cả anh chàng người Bắc có tên là Ngô Hạnh Thi khi dự thi ngồi chung với mấy cô con gái và một người nữ đặc biệt từ Sài Gòn lên là chị Mỹ Duyên. Riêng tôi thì kỳ nầy lép vế do vì khai sanh mà lên bậc Trung học tôi đã trở thành Thạch B chứ không phải là Thạch A như thời Tiểu học. Thôi thì tại vì mình nhỏ hơn nên đành chịu thiệt vậy! Mỗi ngày chúng tôi lần lượt từ các phương hướng đến trường, người thì đi bộ, người qua đò, người đi xe đạp, nhưng nhóm nữ Tân Ba lên đến trường bằng một chuyến xe lam mà Thầy Tổng Giám Thị là trưởng nhóm, trông thú vị ra phết! Còn Long, Phụng, Thạch, tôi thì lon ton xách tập đến trường bằng đi bộ vì trường không xa lắm! Ở đây, bọn Tân Khánh chúng tôi có gặp lại Thầy Khuê, là Thầy ngày trước có về trường Tân Khánh cùng với các Thầy Viễn, Thầy Liệu, Thầy Di ca hát cùng nhau trong thời Thầy Hòa, Thầy Trọng. Không biết Thầy về đây tự lúc nào và Thầy đang phụ trách lớp Nhứt. Từng buổi sáng sớm thấy Thầy đã tập parafix được dựng lên trong cái Học Đường viên của Trường Tiểu Học Uyên Hưng. Thầy tập rất hay, Thầy quăng mình quay tròn lên xuống cái xà ngang ấy chứ không riêng là chỉ rúc lên, thả xuống. Thầy mướn chỗ trọ ở phía sau dãy lớp học dài của Trường Tiểu học, nên cũng gần. Có lúc chúng tôi hỏi Thầy nhưng chắc Thầy không nhớ, Thầy hỏi, chúng tôi nói học trò trường Tân Phước Khánh, nhưng Thầy cũng không biết mấy vì Thầy chẳng có dạy chúng tôi.

Còn hai Thầy Trần Văn Khánh và Tạ Kim Anh lên đây thì ở trọ nhà Bác Tô Văn Trên, tức là ba của Tô Công Tâm, Tô Công Tước. Được biết gia đình Bác là người thân của nhà văn Bình Nguyên Lộc. Tôi không rành chuyện đó, nhưng nhớ lúc trước khi các Tỉnh tổ chức bầu cử Dân Biểu Quốc Hội, Bác có ra ứng cử cùng với Ông Thái Mạnh Tiến, nhưng trong kỳ đó Thái Mạnh Tiến đắc cử. Thấy Bác thường hay lái chiếc xe Traction màu đen chạy về hướng Biên Hòa hay Sài Gòn gì đó mỗi tuần và nhà máy đèn cung cấp điện cho toàn quận là do Bác làm chủ. Nhà Bác có trồng loại hoa giống như trái tim về sau tôi mới biết tên nó là “Tigôn” như trong bài thơ “Hai sắc hoa Tigôn” và giàn trái gì đó khá lạ, bông nhìn đẹp lắm mà người ta gọi là dưa Tây. Hai Thầy ở đây cũng siêng năng tạo ra sân vũ cầu để bọn học trò chúng tôi cùng làm cùng chơi, ai thích thì có thể đến tập luyện chơi với mấy Thầy nếu đông quá thì ai thua ra để người khác thay vào. Tôi và Thạch, Long thỉnh thoảng tham gia vào khi Phụng muốn đến nhà chị Hoa, chị Hường chơi vì nhà hai chị chỉ đối diện với nhà của Bác Tô Văn Trên.

Nhà Bà Út đối diện với sân banh thuộc ấp Gò Đậu của xã Uyên Hưng. Sân banh là khoảng đất bằng cao hơn phía trước được san bằng để đá banh, hay chạy đua, điền kinh còn phía trước gần đường được tráng xi-măng giống như là sân để chơi bóng rổ hay bóng chuyền. Kế đó là khu rừng tre mà chiều nào cò cũng về đậu đầy trên những cành cây để ngủ cùng với màu trắng và tiếng kêu thật vui tai. Sau đó là con đường vòng chạy bọc sau khu trại lính để đi về hướng mà người ta nói là Tân Hòa, Tân Tịch. Còn về đầu trên của sân banh là nhà của Chú Tư, Ông Bà Năm kéo dài lên tới Cầu Ông Hụ rồi lưa thưa dần cho gần tới dốc Bà Nghĩa. Phía bên ruộng thì từng nhà cũng dài như thế từ trong chạy ra qua nhà Bà Út đi tới nhà Bảo Sanh Song Long, rồi đến nghĩa địa. Kế đó còn vài nhà nữa thì đến ruộng. Theo cách nhìn của tôi thì con đường từ Tân Ba lên lúc trước có lẽ chạy dài theo sông lên tới các vùng trên băng qua Tân Hòa, Tân Tịch, tới gần Chi Cảnh Sát Quốc Gia có con đường chạy lên Phú Giáo gọi là Tỉnh lộ 16, nhưng người ta làm khúc đường cong khác nối từ chỗ nhà Thương Tân Uyên qua khu rừng tre băng qua ruộng, rồi mở đường mới vòng qua trại lính để đến khu Tân Hòa, Tân Tịch. Và khúc đường cũ, tức khúc đường trước Trường Tiểu học Uyên Hưng, Trụ sở Quận băng qua Chi Cảnh Sát bị đóng lại, làm nơi nghỉ ngơi hay các chiến xa sau cuộc hành quân về đậu, trước khi đi tiếp cho một cuộc hành quân mới. Thuở đó bên hàng rào trường nhiều đoàn quân về đóng, nghỉ ngơi, nấu ăn rất đông vui, từng đợt rồi từng đợt. Lúc đầu, trong những đoàn quân ấy có nhiều người lính Nùng (tức người Nùng ở biên giới Việt-Hoa đi lính được đưa vào trong Nam theo Hiệp Định Genève năm 1954). Mấy ông ấy nấu ăn rất nhiều nước mắm hay muối, bọn học trò chúng tôi hỏi mấy ông nói đùa: “Ăn như vậy cho chắc da chắc thịt, đạn bắn không lủng”. Và trước khi đi hành quân mấy ông đốt nhang nhiều lắm, từng bó từng bó cột trên đầu súng, khói bay mịt mù. Chắc do mở khúc đường như vậy mà khu phía trước trường học lại là vũng nước hình tam giác rất to, không có trồng trọt. Còn khúc đường cong thì cao lên cỡ gần 2 mét. Tại bìa đường ở góc vũng trước trường học có cây gì lá rất to mà bông thì lại giống bông bằng lăng cũng màu tim tím, đo đỏ. Tôi nói với mấy bạn: “Cây gì kỳ vậy?”. Có đứa biết nó nói: “Đó là cây giá tị, người ta nói cây đó để làm báng súng, nó nhẹ mà bền lắm!”. Thế là từ ngày lên Tân Uyên nầy tôi biết được hai thứ cây: Cây bàng, cây gíá tị, rồi hoa ti-gôn lẫn một loại dưa tây; nhưng chưa đâu tôi lại còn thấy “hoa phù dung” sớm nở tối tàn nữa cơ! Cây hoa phù dung ấy được trồng ở bên hàng rào bên hông của nhà Bảo sanh Song Long, thực vậy bông nó cánh mỏng, dáng đẹp, sáng nở và màu sắc rực rỡ theo giờ giấc nhưng đến chiều tối đã tàn. Và cây ngâu có trái võ cứng, bên trong ruột mềm the the, mật như keo mà người ta nói ăn trái đó chữa được bệnh nhức đầu đông mà bên nhà Bà Tư, kế nhà Bà Út, có trồng một cây. Rồi thêm trái keo của những cây keo được trồng làm hàng rào lẫn trái me ngọt của nhà Chú Tư phía trước. Còn bên hông sân banh cho tới suối là rừng thưa và là nghĩa địa. Hơi xuống dưới một chút nữa là một vườn xoài khá tốt tươi dọc theo bờ suối có dòng nước mát lạnh.


Nguyên Thảo,

26/11/2022.





Thursday, November 17, 2022

*Khung Trời Kỷ Niệm! (11)


Lời Tâm Tình:

Những bài viết nầy là hồi ức mà người viết đã trải qua trong nhiều năm tháng cùng với các bạn bè, Thầy Cô ở mấy ngôi trường theo học như: Trường Tiểu Học Tân Phước Khánh, Trường Trung Học Công Lập Phước Thành (là Tiền thân của Trường Trung Học Phổ Thông Huỳnh Văn Nghệ hiện nay ở Tân Uyên – Bình Dương). Nay viết nhằm ôn lại một dĩ vãng xa xưa, vui vẻ với bằng hữu; mặc dù có nhiều người mất cũng như người còn. Nhưng cái mục đích chính của người viết là nhấn mạnh đến “cái hoàn cảnh” sự sinh ra, thành lập của từng ngôi trường để thế hệ sau có thể biết một phần nào về lai lịch của nó, vì người viết và bạn bè cùng lớp hay Thầy Cô đã là những chứng nhân đầu tiên gắn kết với nó, theo nó trong vài năm dù chẳng quá ngắn, cũng như chẳng quá dài! Đôi lời kính cẩn! Xin trân trọng đa tạ!

Nguyên Thảo


 

Sau khi ổn định xong xuôi, “Mấy Ông Ba” căn dặn chúng tôi nhớ cái cách ăn ở cũng như những gì cần làm để không phải làm phiền đến gia đình của Bà Út nhiều, vì do Bà thương đám học trò mà cưu mang chúng tôi ở trọ, không lấy một đồng nào. Mọi việc tương đối được tốt mấy Ông cám ơn Bà Út và không quên căn dặn thêm lần nữa trước khi ra về. Để tiển đưa, bọn chúng tôi cùng dắt xe đạp đi bộ ra chợ Tân Uyên để mấy Ông đón xe đò từ Tân Uyên đi Tân Khánh, Bình Dương mà về. Trước khi lên xe các Ông lại còn căn dặn thêm một lần nữa về cách ăn ở nơi nhà Bà Út. Cuộc tiển đưa sao mà buồn lạ! Son nhái lại cái câu mà đã được nghe bạn bè nói về bài gì đó trong sách Giáo Khoa Thư: “Ôi! Cái cuộc chia ly sao mà buồn thế”! Khi về đến nhà Bà Út thì lại tới giờ lo chuẩn bị nấu cơm, ăn uống, nghỉ ngơi. Chúng tôi hùn gạo để nấu, thức ăn thì đem theo riêng. Về bếp thì sử dụng bếp của Bà Út, và củi trong lúc nầy mượn tạm của Bà để vài ngày sau mua rồi trả lại. Đêm đến, trong ngày đầu nầy không có gì để làm, và chúng tôi kê ghế bố sát nhau, giăng mùng để ngủ. Tất nhiên hơi lạ nhà khiến khó ngủ, nhưng không biết trong lòng nghe như thế nào ấy mà nước mắt lại chảy ra, còn Phụng và Thạch thì cứ thút thít. Và sau cùng thì chúng tôi cũng chìm vào giấc ngủ. Sáng thức dậy, trời trên nầy có vẽ lạnh hơn dưới nhà, không biết có phải vì gần sông hay gần rừng hoặc cánh đồng lúa mênh mông phía sau mà sinh ra cái lạnh như vậy? Do trường không xa lắm nên sau khi vệ sinh cá nhân xong, Phụng thì vô áo dài, còn ba thằng trai chúng tôi thì quần áo trắng, giày ba-ta trắng theo quy định đồng phục hôm nay để đi đến trường làm lễ.

Nơi làm lễ là tại Trường Tiểu Học Uyên Hưng, bước qua cổng là sân trường ở khoảng giữa sân có một hàng cây có tán xòe thẳng ra mà lại thành nhiều tầng, tán to ở dưới và những tán nhỏ ở trên. Người ta nói đó là cây bàng. Đây là lần đầu tiên tôi biết cây bàng và tên nầy tôi lại cũng nghe là lần đầu tiên nữa. Đúng là cái cây lạ hoắc đối với tôi nhưng cái tên của nó khó quên vì những tàng lá của nó giống như cái mặt bàn! Đến giờ quy định nhiều vị khách qui tụ lại, khách đứng từ cổng vào. Thấy những người khách lớn tuổi đứng hẳn một bên phía trái, và bên phải một ít người và rồi bọn học trò chúng tôi đứng xếp hàng tiếp theo, cùng để cân bằng hai bên cho đội hình được đẹp mắt. Ở phía trước một phòng học được kê cái bàn trang trí khá đẹp, nhưng để trên hành lang chứ không phải ở trong phòng học. Sau lúc chào đón quan khách và phái đoàn xong, thì chúng tôi và nhiều quan khách đứng thành những đội ngũ trước phòng để làm lễ. Hôm nay được gọi là “Lễ Thành Lập Trường Trung Học Trần Quốc Tuấn của Tỉnh Phước Thành” và cũng là ngày khai giảng năm học của lớp học đầu tiên. Theo được sự giới thiệu thì Thầy Hiệu Trưởng là người từ Bộ Giáo Dục đảm trách, vì tôi nghe không rõ nên chỉ biết là tên Chiểu, không chắc là Đặng Duy Chiểu hay là Đặng Xuân Chiểu gì đó. Và người phụ trách điều hành chính là Thầy Tổng Giám Thị Mã Sấm, cùng hai Thầy dạy là Trần Văn Khánh và Tạ Kim Anh.

Quan khách Ngày Khai Giảng tại Trường Tiểu Học Uyên Hưng.


Cuộc Lễ kết thúc đám học trò chúng tôi vào lớp ổn định chỗ ngồi, để được nghe lời giáo huấn từ Thầy Hiệu Trưởng. Thầy cho biết ý nghĩa lấy tên trường cho đến cái huy hiệu mà Thầy đã chọn cho Trường với cái hình ảnh “ba cây chụm lại nên hòn núi cao” nhưng vì chúng tôi còn nhỏ giống như những mụt măng đang sức lớn, thay vì 3 cây Thầy đã chọn là 3 mụt măng thể hiện trên huy hiệu. Mụt măng lớn ở giữa và hai mụt nhỏ hai bên mà chúng tôi sẽ mua huy hiệu đó trong thời gian sau với giá tiền chi phí đặt làm và bảng tên Trường thêu trên áo. Sau lời khuyên cố gắng chăm học để trở thành người có ích cho đất nước dân tộc, và làm rạng rỡ cho Trường trong tương lai; rồi Thầy và phái đoàn từ giã trở về Bộ ở Sài Gòn. Kế đó là lớp được điều hành do hai Thầy Trần Văn Khánh và Tạ Kim Anh phân chia các môn học, theo thời khóa biểu mà chúng tôi được ghi chép. Thầy Khánh thì lãnh dạy các môn Kim Văn, Cổ Văn, Sử, Địa; Thầy Anh dạy Toán, Vật Lý, Hóa Học, và Pháp Văn là nghề của Thầy Tổng Giám Thị Mã Sấm. Bàn làm việc của Thầy được đặt phía bên ngoài của hành lang lớp học. Như vậy, Trường Trung học đầu tiên của chúng tôi là một phòng học mượn của Trường Tiểu Học Uyên Hưng, mà Văn Phòng là một cái bàn bên ngoài hành lang! Khởi điểm của Trường lại trễ hơn các nơi khác khá nhiều. Nếu tôi nhớ không lầm cỡ vào giữa Tháng 11 năm 1959 (vì thời ấy còn quá nhỏ lẫn mình không chú ý về nó mà chỉ biết mình được lên học trên bậc Trung Học ở một Trường Công lập, thế thôi!). Xong, chúng tôi được ra về chuẩn bị cho ngày mai bắt đầu cho một ngày học tập và cũng là khởi đầu cho một năm học ở một ngôi trường mới tinh.

Lớp học đầu tiên với hai Thầy: Tạ Kim Anh (bên trái) và Trần Văn Khánh (bên phải)


Giống như những trường Trung Học Công Lập của các Tỉnh khác, đa số học sinh là từ khắp nơi trong Tỉnh thi về, nhưng trường nầy còn thiếu học sinh ở nhiều nơi khác nhất là thuộc vùng trên như Phú Giáo, Phước Hòa, Chánh Lưu, Nhà Đỏ, Bố Mua, Bố Lá, và ở các vùng thuộc quận Hiếu Liêm vì quá xa. Thực sự nghe nói đến quận Hiếu Liêm tôi cũng chẳng biết nó ở nơi đâu mà chỉ thấy người ta chỉ về hướng đó thôi. Tỉnh Phước Thành là một Tỉnh mới được thành lập bao gồm 3 quận Tân Uyên, Hiếu Liêm và Phú Giáo, phạm vi của nó gần như bao trọn vùng Chiến khu D của thời kháng chiến chống Pháp mà ông Tỉnh Trưởng là Thiếu Tá Nguyễn Minh Mẫn. Chính vì là một Tỉnh mới thành lập nên Trường Trung Học Công Lập Trần Quốc Tuấn của Tỉnh mới bị “sinh sau đẻ muộn” mà lớp chúng tôi là lớp đầu đàn: Chỉ có một lớp, hai Thầy, một Tổng Giám Thị với một phòng học mượn tạm cùng chiếc bàn dùng làm văn phòng ở ngoài hành lang! Hai Thầy gồm Thầy Trần Văn Khánh là người Nam, còn Thầy Tạ Kim Anh là người Bắc. Điều hành Trường là Thầy Tổng Giám Thị “Mã Sấm”, nói là Tổng Giám Thị chứ thực sự là chỉ có một mình Ông!

Tình hình an ninh trong năm nầy không giống như những năm trước. Có lẽ trong vài năm đầu của hòa bình là tương đối bình lặng hơn nên bọn trẻ nhỏ chúng tôi được thong dong, thoải mái chơi đùa nhất là những đêm trăng sáng cùng những ngày long nhong khắp nơi, hay có các đêm ở rạp hát để vui đùa. Thế rồi với sự khuấy động chút ít của Đảng Cướp “Rừng Xanh” do hai ông Bời, Liễu mà nhiều đêm bọn trẻ hơi lo sợ, rồi tới các vụ ám sát đã chấm dứt những đêm chơi tới khuya, và từ ngày gõ thùng thiết khiến chúng tôi càng lo lắng. Đến nay tình hình càng ngày càng tăng tiến sôi động, nhất là về ban đêm! Tình hình ấy không phải chỉ ở làng, xã mà lan đều tới các nơi khác.

Thường ngày chúng tôi cùng nhau đi bộ tới trường. Học trò ở trường Trung học có khác: Phải áo trắng quần tây xanh, bỏ áo vô quần, thắt dây nịt, giày bata trắng. Riêng ngày Thứ Hai phải là áo trắng, quần trắng. Vì chung với Trường Tiểu Học nên chúng tôi chào cờ theo Tổ chức của Trường Tiểu Học tức là sau bài “Quốc Ca” là tới bài “Suy Tôn Ngô Tổng Thống”. Phần đó do Lớp Năm của Trường Tiểu Học phụ trách. Công nhận Phụng hay thiệt, chỉ vài ngày sau Phụng đã thân thiết với chị Mỹ Duyên và hai chị Huỳnh Thị Hoa, Huỳnh Thị Hường trong khi tôi và Thạch vẫn còn ngơ ngơ, ngáo ngáo. Sự nhớ nhà của chúng tôi vơi dần theo các bài học cùng từng ngày. Tuy nhiên mấy ngày sau, Son không ở trọ nhà Bà Út nữa mà cưỡi xe đạp đi về mỗi ngày với các anh khác như Sợi, Năm, Tộ, Huệ, Lực. Thắm thoát thì đến hết tuần, vào ngày Thứ Bảy tôi lấy xe đạp đi học, khi học xong bèn cưỡi xe đạp theo mấy anh ấy về nhà. Chiếc xe đạp ba sắm cho tôi là chiếc có sườn đàn bà, nhưng khung sườn không đi xéo xuống như các chiếc thông thường khác, mà nó lại hơi cong xuống nữa cho nên ngồi trên yên thì chân không tới bàn đạp dù yên đã hạ thấp hết mức, mà ngồi xuống để đạp thì nó lại khó khăn, hai đầu gối phải banh ra ngoài mới đạp được. Nhưng dù thế nào cũng phải cưỡi tới nơi tới chốn. Rồi đến sáng Thứ Hai theo đoàn trở lên Tân Uyên. Nói như vậy tức là tôi chỉ ở trọ nhà Bà Út trong những ngày đi học, cuối tuần về nhà, đầu tuần lại lên. Mỗi tối chúng tôi chong đèn ngồi học bên cái bàn dài đặt giữa nhà của Bà Út, nhưng vì vào ban đêm sợ gây phiền cho mọi người trong nhà, nên cuối cùng theo ý kiến của Long, chiều chúng tôi ăn cơm sớm hơn và lo học bài trước khi trời tối trừ khi nào cần thiết lắm mới tiếp tới ban đêm. Khi nào rảnh hơn thì giúp Bà Út làm những công việc quanh nhà hay việc gì cần, hoặc xách nước đổ vào lu. Giếng chỉ ở phía sau vườn, không có gì là khó khăn cả. Thỉnh thoảng chúng tôi kéo đến nhà hai chị Hoa, Hường ở đường xuống bờ sông gần trường chơi. Ba hai chị là Thầy Giáo Mẹo dạy ở Trường Uyên Hưng. Hai chị đẹp mà lại hiền từ, rất dễ mến; hoặc có lúc Phụng xuống chơi với chị Mỹ Duyên ở nhà bán thuốc tây của anh chị ấy, thì ra đó là lý do chị Mỹ Duyên từ Sài Gòn lên đến tận Tân Uyên nầy để thi. Thường khi đi chơi như thế nầy thì chúng tôi về sớm chứ không ở đến tối vì ngại tình hình an ninh.


Nguyên Thảo,

17/11/2022.