Lời
Tâm Tình:
Những
bài viết nầy là hồi ức mà người viết đã trải qua trong nhiều năm tháng cùng với
các bạn bè, Thầy Cô ở mấy ngôi trường theo học như: Trường Tiểu Học Tân Phước
Khánh, Trường Trung Học Công Lập Phước Thành (là Tiền thân của Trường Trung Học
Phổ Thông Huỳnh Văn Nghệ hiện nay ở Tân Uyên – Bình Dương). Nay viết nhằm ôn lại
một dĩ vãng xa xưa, vui vẻ với bằng hữu; mặc dù có nhiều người mất cũng như người
còn. Nhưng cái mục đích chính của người viết là nhấn mạnh đến “cái hoàn cảnh” sự
sinh ra, thành lập của từng ngôi trường để thế hệ sau có thể biết một phần nào
về lai lịch của nó, vì người viết và bạn bè cùng lớp hay Thầy Cô đã là những chứng
nhân đầu tiên gắn kết với nó, theo nó trong vài năm dù chẳng quá ngắn, cũng như
chẳng quá dài! Đôi lời kính cẩn! Xin trân trọng đa tạ!
Nguyên Thảo
Sau khi ổn định xong xuôi, “Mấy Ông Ba” căn dặn chúng tôi
nhớ cái cách ăn ở cũng như những gì cần làm để không phải làm phiền đến gia đình
của Bà Út nhiều, vì do Bà thương đám học trò mà cưu mang chúng tôi ở trọ, không
lấy một đồng nào. Mọi việc tương đối được tốt mấy Ông cám ơn Bà Út và không quên
căn dặn thêm lần nữa trước khi ra về. Để tiển đưa, bọn chúng tôi cùng dắt xe đạp
đi bộ ra chợ Tân Uyên để mấy Ông đón xe đò từ Tân Uyên đi Tân Khánh, Bình Dương
mà về. Trước khi lên xe các Ông lại còn căn dặn thêm một lần nữa về cách ăn ở nơi
nhà Bà Út. Cuộc tiển đưa sao mà buồn lạ! Son nhái lại cái câu mà đã được nghe bạn
bè nói về bài gì đó trong sách Giáo Khoa Thư: “Ôi! Cái cuộc chia ly sao mà buồn
thế”! Khi về đến nhà Bà Út thì lại tới giờ lo chuẩn bị nấu cơm, ăn uống, nghỉ
ngơi. Chúng tôi hùn gạo để nấu, thức ăn thì đem theo riêng.
Về bếp thì sử dụng bếp của Bà Út, và củi trong lúc nầy mượn tạm của Bà để vài
ngày sau mua rồi trả lại. Đêm đến, trong ngày đầu nầy không có gì để làm, và chúng
tôi kê ghế bố sát nhau, giăng mùng để ngủ. Tất nhiên hơi lạ nhà khiến khó ngủ,
nhưng không biết trong lòng nghe như thế nào ấy mà nước mắt lại chảy ra, còn Phụng
và Thạch thì cứ thút thít. Và sau cùng thì chúng tôi cũng chìm vào giấc ngủ. Sáng
thức dậy, trời trên nầy có vẽ lạnh hơn dưới nhà, không biết có phải vì gần sông
hay gần rừng hoặc cánh đồng lúa mênh mông phía sau mà sinh ra cái lạnh như vậy?
Do trường không xa lắm nên sau khi vệ sinh cá nhân xong, Phụng thì vô áo dài, còn
ba thằng trai chúng tôi thì quần áo trắng, giày ba-ta trắng theo quy định đồng phục
hôm nay để đi đến trường làm lễ.
Nơi làm lễ là tại
Trường Tiểu Học Uyên Hưng, bước qua cổng là sân trường ở khoảng giữa sân có một
hàng cây có tán xòe thẳng ra mà lại thành nhiều tầng, tán to ở dưới và những tán
nhỏ ở trên. Người ta nói đó là cây bàng. Đây là lần đầu tiên tôi biết cây bàng và
tên nầy tôi lại cũng nghe là lần đầu tiên nữa. Đúng là cái cây lạ hoắc đối với
tôi nhưng cái tên của nó khó quên vì những tàng lá của nó giống như cái mặt bàn!
Đến giờ quy định nhiều vị khách qui tụ lại, khách đứng từ cổng vào. Thấy những
người khách lớn tuổi đứng hẳn một bên phía trái, và bên phải một ít người và rồi
bọn học trò chúng tôi đứng xếp hàng tiếp theo, cùng để cân bằng hai bên cho đội
hình được đẹp mắt. Ở phía trước một phòng học được kê cái bàn trang trí khá đẹp,
nhưng để trên hành lang chứ không phải ở trong phòng học. Sau lúc chào đón quan
khách và phái đoàn xong, thì chúng tôi và nhiều quan khách đứng thành những đội
ngũ trước phòng để làm lễ. Hôm nay được gọi là “Lễ Thành Lập Trường Trung Học
Trần Quốc Tuấn của Tỉnh Phước Thành” và cũng là ngày khai giảng năm học của lớp
học đầu tiên. Theo được sự giới thiệu thì Thầy Hiệu Trưởng là người từ Bộ Giáo
Dục đảm trách, vì tôi nghe không rõ nên chỉ biết là tên Chiểu, không chắc là Đặng
Duy Chiểu hay là Đặng Xuân Chiểu gì đó. Và người phụ trách điều hành chính là
Thầy Tổng Giám Thị Mã Sấm, cùng hai Thầy dạy là Trần Văn Khánh và Tạ Kim Anh.
Quan khách Ngày Khai Giảng tại Trường Tiểu Học Uyên Hưng. |
Cuộc Lễ kết thúc
đám học trò chúng tôi vào lớp ổn định chỗ ngồi, để được nghe lời giáo huấn từ
Thầy Hiệu Trưởng. Thầy cho biết ý nghĩa lấy tên trường cho đến cái huy hiệu mà Thầy
đã chọn cho Trường với cái hình ảnh “ba cây chụm lại nên hòn núi cao” nhưng vì
chúng tôi còn nhỏ giống như những mụt măng đang sức lớn, thay vì 3 cây Thầy đã
chọn là 3 mụt măng thể hiện trên huy hiệu. Mụt măng lớn ở giữa và hai mụt nhỏ
hai bên mà chúng tôi sẽ mua huy hiệu đó trong thời gian sau với giá tiền chi phí
đặt làm và bảng tên Trường thêu trên áo. Sau lời khuyên cố gắng chăm học để trở
thành người có ích cho đất nước dân tộc, và làm rạng rỡ cho Trường trong tương
lai; rồi Thầy và phái đoàn từ giã trở về Bộ ở Sài Gòn. Kế đó là lớp được điều hành
do hai Thầy Trần Văn Khánh và Tạ Kim Anh phân chia các môn học, theo thời khóa
biểu mà chúng tôi được ghi chép. Thầy Khánh thì lãnh dạy các môn Kim Văn, Cổ Văn,
Sử, Địa; Thầy Anh dạy Toán, Vật Lý, Hóa Học, và Pháp Văn là nghề của Thầy Tổng
Giám Thị Mã Sấm. Bàn làm việc của Thầy được đặt phía bên ngoài của hành lang lớp
học. Như vậy, Trường Trung học đầu tiên của chúng tôi là một phòng học mượn của
Trường Tiểu Học Uyên Hưng, mà Văn Phòng là một cái bàn bên ngoài hành lang! Khởi
điểm của Trường lại trễ hơn các nơi khác khá nhiều. Nếu tôi nhớ không lầm cỡ vào
giữa Tháng 11 năm 1959 (vì thời ấy còn quá nhỏ lẫn mình không chú ý về nó mà chỉ
biết mình được lên học trên bậc Trung Học ở một Trường Công lập, thế thôi!). Xong,
chúng tôi được ra về chuẩn bị cho ngày mai bắt đầu cho một ngày học tập và cũng
là khởi đầu cho một năm học ở một ngôi trường mới tinh.
Lớp học đầu tiên với hai Thầy: Tạ Kim Anh (bên trái) và Trần Văn Khánh (bên phải) |
Giống như những
trường Trung Học Công Lập của các Tỉnh khác, đa số học sinh là từ khắp nơi trong
Tỉnh thi về, nhưng trường nầy còn thiếu học sinh ở nhiều nơi khác nhất là thuộc
vùng trên như Phú Giáo, Phước Hòa, Chánh Lưu, Nhà Đỏ, Bố Mua, Bố Lá, và ở các vùng
thuộc quận Hiếu Liêm vì quá xa. Thực sự nghe nói đến quận Hiếu Liêm tôi cũng chẳng
biết nó ở nơi đâu mà chỉ thấy người ta chỉ về hướng đó thôi. Tỉnh Phước Thành là
một Tỉnh mới được thành lập bao gồm 3 quận Tân Uyên, Hiếu Liêm và Phú Giáo, phạm
vi của nó gần như bao trọn vùng Chiến khu D của thời kháng chiến chống Pháp mà ông
Tỉnh Trưởng là Thiếu Tá Nguyễn Minh Mẫn. Chính vì là một Tỉnh mới thành lập nên
Trường Trung Học Công Lập Trần Quốc Tuấn của Tỉnh mới bị “sinh sau đẻ muộn” mà
lớp chúng tôi là lớp đầu đàn: Chỉ có một lớp, hai Thầy, một Tổng Giám Thị với một
phòng học mượn tạm cùng chiếc bàn dùng làm văn phòng ở ngoài hành lang! Hai Thầy
gồm Thầy Trần Văn Khánh là người Nam, còn Thầy Tạ Kim Anh là người Bắc. Điều hành
Trường là Thầy Tổng Giám Thị “Mã Sấm”, nói là Tổng Giám Thị chứ thực sự là chỉ
có một mình Ông!
Tình hình an
ninh trong năm nầy không giống như những năm trước. Có lẽ trong vài năm đầu của
hòa bình là tương đối bình lặng hơn nên bọn trẻ nhỏ chúng tôi được thong dong,
thoải mái chơi đùa nhất là những đêm trăng sáng cùng những ngày long nhong khắp
nơi, hay có các đêm ở rạp hát để vui đùa. Thế rồi với sự khuấy động chút ít của
Đảng Cướp “Rừng Xanh” do hai ông Bời, Liễu mà nhiều đêm bọn trẻ hơi lo sợ, rồi tới
các vụ ám sát đã chấm dứt những đêm chơi tới khuya, và từ ngày gõ thùng thiết
khiến chúng tôi càng lo lắng. Đến nay tình hình càng ngày càng tăng tiến sôi động,
nhất là về ban đêm! Tình hình ấy không phải chỉ ở làng, xã mà lan đều tới các nơi
khác.
Thường ngày chúng
tôi cùng nhau đi bộ tới trường. Học trò ở trường Trung học có khác: Phải áo trắng
quần tây xanh, bỏ áo vô quần, thắt dây nịt, giày bata trắng. Riêng ngày Thứ Hai
phải là áo trắng, quần trắng. Vì chung với Trường Tiểu Học nên chúng tôi chào cờ
theo Tổ chức của Trường Tiểu Học tức là sau bài “Quốc Ca” là tới bài “Suy Tôn
Ngô Tổng Thống”. Phần đó do Lớp Năm của Trường Tiểu Học phụ trách. Công nhận Phụng
hay thiệt, chỉ vài ngày sau Phụng đã thân thiết với chị Mỹ Duyên và hai chị Huỳnh
Thị Hoa, Huỳnh Thị Hường trong khi tôi và Thạch vẫn còn ngơ ngơ, ngáo ngáo. Sự
nhớ nhà của chúng tôi vơi dần theo các bài học cùng từng ngày. Tuy nhiên mấy ngày
sau, Son không ở trọ nhà Bà Út nữa mà cưỡi xe đạp đi về mỗi ngày với các anh khác
như Sợi, Năm, Tộ, Huệ, Lực. Thắm thoát thì đến hết tuần, vào ngày Thứ Bảy tôi lấy
xe đạp đi học, khi học xong bèn cưỡi xe đạp theo mấy anh ấy về nhà. Chiếc xe đạp
ba sắm cho tôi là chiếc có sườn đàn bà, nhưng khung sườn không đi xéo xuống như
các chiếc thông thường khác, mà nó lại hơi cong xuống nữa cho nên ngồi trên yên
thì chân không tới bàn đạp dù yên đã hạ thấp hết mức, mà ngồi xuống để đạp thì
nó lại khó khăn, hai đầu gối phải banh ra ngoài mới đạp được. Nhưng dù thế nào
cũng phải cưỡi tới nơi tới chốn. Rồi đến sáng Thứ Hai theo đoàn trở lên Tân Uyên.
Nói như vậy tức là tôi chỉ ở trọ nhà Bà Út trong những ngày đi học, cuối tuần về
nhà, đầu tuần lại lên. Mỗi tối chúng tôi chong đèn ngồi học bên cái bàn dài đặt
giữa nhà của Bà Út, nhưng vì vào ban đêm sợ gây phiền cho mọi người trong nhà,
nên cuối cùng theo ý kiến của Long, chiều chúng tôi ăn cơm sớm hơn và lo học bài
trước khi trời tối trừ khi nào cần thiết lắm mới tiếp tới ban đêm. Khi nào rảnh
hơn thì giúp Bà Út làm những công việc quanh nhà hay việc gì cần, hoặc xách nước
đổ vào lu. Giếng chỉ ở phía sau vườn, không có gì là khó khăn cả. Thỉnh thoảng chúng
tôi kéo đến nhà hai chị Hoa, Hường ở đường xuống bờ sông gần trường chơi. Ba hai
chị là Thầy Giáo Mẹo dạy ở Trường Uyên Hưng. Hai chị đẹp mà lại hiền từ, rất dễ
mến; hoặc có lúc Phụng xuống chơi với chị Mỹ Duyên ở nhà bán thuốc tây của anh
chị ấy, thì ra đó là lý do chị Mỹ Duyên từ Sài Gòn lên đến tận Tân Uyên nầy để
thi. Thường khi đi chơi như thế nầy thì chúng tôi về sớm chứ không ở đến tối vì
ngại tình hình an ninh.
Nguyên Thảo,
17/11/2022.
No comments:
Post a Comment