Saturday, November 13, 2021

*Nạn Kiêu Binh!


Trong lịch sử nước nhà được ghi lại thì có lẽ thời kỳ chống quân Nguyên đời Trần là thời kỳ được coi là dân chủ nhất. Dù ta không có nhiều bằng chứng nhưng qua Hội Nghị Diên Hồng cũng cho ta thấy các vị bô lão được hỏi ý kiến “Nên hòa hay nên chiến?”. Còn thời kỳ người dân khổ nhất chắc phải kể đến triều “Vua Lê, Chúa Trịnh”! Hai thế lực đè nặng lên cổ của người dân, người dân bị cả hai gọng kềm bóp ngang cổ họng. Người ta gọi với cụm từ “Một cổ hai tròng” có thể là đúng hơn. Thế lực của Vua Lê hiếp đáp người dân cũng được, mà thế lực Chúa Trịnh bức hại người dân cũng xong. Biết đâu từ thời kỳ ấy, người dân ở miền Bắc nước ta phải khôn ngoan, khéo léo tránh né, luồn lách để được sinh tồn, bảo toàn mạng sống. Thế rồi sau thời kỳ ấy nước ta lại trở về với phong cách theo thời phong kiến xa xưa. Mãi đến thời Tây Sơn bị vua Nhà Nguyễn trả thù thì chỉ có những người trong triều đại trước phải bị truy sát. Gia đình người khổ nạn phải thay tên đổi họ, tha phương mà trốn, có khi đi đến những nơi “khỉ ho cò gáy” hay “thâm sơn, cùng cốc” để giữ lấy mạng sống cá nhân, gia đình, dòng họ, nếu không muốn bị “tru di tam tộc”!

Thế lực nào cũng vậy, khi được phất cờ lên thì oai phong lẫm lẫm, người người đi ưỡn ngực, “nhìn trời bằng vung”, có quyền sinh sát trong tay. Nhất là cái lực lượng được cho nhiều quyền uy nhất. Họ không những ra oai với kẻ thù mà sẵn sàng ra oai với dân chúng, nếu không thì có ai đâu biết họ có quyền! Hách xì xằng mà lị! Thì lực lượng được gọi là “kiêu binh” trong thời kỳ Chúa Trịnh cũng không qua những thái độ hành vi ấy!

Sang qua thời kỳ Pháp thuộc, không biết tụi “mắt xanh, mũi lõ” tổ chức như thế nào mà nghe đến hai danh từ “Công An” thì người dân sợ xanh mặt. Ai mà bị công an bắt hay bị dẫn về đồn công an là dân chúng đã lo lắng dùm rồi. Đã vậy lại thêm những ông “Cò nón đỏ” hay “Cò hiến binh” gì đó nhiều quyền uy ra phết, làm cho người ta té “tè”! Cho nên về sau, chế độ kế tiếp khéo léo đổi lực lượng công an sang thành cảnh sát để cho nhẹ nhàng hơn, nhưng người ta cũng ơn ớn với “Không có đánh cho có, có đánh cho khai, khai đánh cho tởn”. Thiên hạ đồn như thế đó, không biết là có thật hay không, hay miệng đời vốn đã là lắm chuyện!

Nhưng ở thời kỳ nào cũng vậy, nhóm hay lực lượng nào được giao cho nhiều uy quyền, quyền lực thì dễ sinh ra “làm quá lố”, vượt khỏi tư cách mà họ có, vì họ là con cưng của thời kỳ ấy mà! Họ có quyền sinh sát trong tay, họ có đủ thẩm quyền. Nếu họ sai lầm mà loại ra, dần dần sẽ hết người đi lấy ai mà thi hành để bảo vệ cho quyền năng, cấp trên đây. Do vậy, ta cũng có thể hiểu vì sao thời Chúa Trịnh lại có lực lượng “Kiêu binh”! Làm người dân thì chỉ chấp nhận và lẫn tránh mà thôi! Ai bảo làm dân chi nên đành ráng chịu!

 

Đồ Ngông,

14/11/2021.

 

 

 

Thursday, November 11, 2021

*Câu Chuyện Nhà Giáo!

 

Những nhà giáo kháo nhau:

Nghề mình vốn bạc bẽo

Xã hội giờ coi thường

Không giống như ngày xưa!

 

Lương bỗng chẳng bao nhiêu

Còn giữ thêm đạo đức

Dù làm đĩ chín phương

Phải chừa phương lấy chồng!

 

Đến đâu cũng van nài

Thân phận giống mồ côi

Lắm khi nghe khổ ải

Đôi lúc muốn “tháo giày”!

 

Thôi cuộc đời muối dưa

Âm thầm những ngày thừa

Dù rằng chẳng ai biết

Như người đi trong mưa!

 

Đồ Ngông,

11/11/2021.