Sunday, September 25, 2022

*Khung Trời Kỷ Niệm! (8)

 

Các lớp học vẫn cùng nhau còn ở Trường Cây Gòn, bây giờ có 2 lớp Tư và có thêm Cô Tốt. Lớp Nhứt học ở căn bìa phía trên. Chuyện không ngờ xảy đến cho tôi trong khoảng thời gian nầy làm cho tôi có nhiều bồi hồi về sau. Vốn là chuyện nối tiếp với chuyện ăn cháo trên bàn ăn cuối năm lớp Nhì năm rồi, từ khi câu nói của chị Liêu Tuyết được các bạn lưu ý mà tới lúc nầy mới sinh ra cớ sự. Trong vài tuần đầu rất bình lặng. Đùng một cái tôi đang chơi với mấy bạn trong giờ ra chơi, bỗng dưng vài bạn lại đến gần bắt lấy tôi lôi đi, tôi vùng vẫy nhưng không thoát ra được. Họ lôi tôi đến chỗ, chỗ nào bạn biết không? Đến chỗ mà các chị nữ cũng đang lôi Băng Tâm, rồi đẩy hai đứa chúng tôi lại với nhau. Hai đứa chạy ra thì hai nhóm lại cố bắt chúng tôi lại gần nhau. Mà ngày nào cũng như ngày nấy, khiến quần áo xốc xếch, mồ hôi nhuễ nhại họ cũng chẳng chịu tha. Cứ thế mà hết giờ ra chơi, đến khi tới giờ học thì thôi. Quả là tôi và Băng Tâm trở thành vật chơi của hai nhóm nam và nữ trong lớp. Riết rồi tôi trở nên sợ sệt, cứ ra chơi là tôi đi tiểu xong không dám tới sân trước, chỉ ở sân sau chơi với một hai bạn vốn trầm tính. Thế mà họ cũng đi kiếm bắt tôi lôi về sân trước, tiếp diễn cái màn trước kia. Cuối cùng tôi đành chịu thua, họ bắt thế nào đành chịu, không đủ sức kháng cự và trở thành trái banh để họ làm trò vui trong suốt những giờ ra chơi. Không biết chuyện xảy ra trong bao lâu, thì bỗng dưng một ngày nọ, đang trong lớp học chị Liêu Tuyết đưa cho tôi một vật gì đó, tôi cầm và hỏi chị: “Cái gì vậy?”. Chị không trả lời mà chỉ nói: “Băng Tâm đưa”. Mở nắp ra, bên trong là vật gì tôi không biết mà nó màu đỏ hụt sâu ở dưới. Tôi không biết làm sao đẩy nó lên để xem vật gì, nhưng cũng hiếu kỳ lấy móng tay móc một miếng trao cho hai thằng bạn kế bên để coi chơi. Xong đưa lại cho chị Tuyết. Thêm một ngày kia, trước khi vào học tôi quay kẹo kéo trúng được cái kiếng soi mặt nhỏ, liền để phía trưóc trên bàn học chơi thì ở bàn trên Băng Tâm lại lấy cái kiếng soi gương lớn cũng để trên bàn. Tôi thầm nghĩ: “Tâm dạn quá! Trong giờ học mà dám làm như vậy?”. Tự dưng từ những việc ấy khiến mình có một sự trìu mến nho nhỏ nào đó nẩy nở trong lòng. Sau đó không lâu ba gian phòng học được xây trên khu đất mới trên sân banh đã hoàn thành. Lớp chúng tôi được dời lên trên đó cùng với lớp Tư của Thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Văn Tâm ở kế bên. Từ khi lên trên trường mới, tôi thoát được tình trạng bắt cóc của bạn bè vì sân trường tương đối bao la, và cùng xúm nhau lo học hành để chuẩn bị cho mùa thi cuối năm. Vả lại lớp Tư của Thầy Tâm Hiệu Trưởng kế bên lớp tôi. Chắc nhờ đó mà các bạn không dám bắt tôi và Băng Tâm lại gần nhau nữa. Nhưng rồi tự dưng tim của thằng bé tôi trở nên hồi hộp hơn khi gặp Tâm, không biết đó có phải là tình yêu đầu đời của tôi không? Nhưng từ lúc ấy chúng tôi không hề nói chuyện với nhau và gặp nhau thì lẫn tránh, cả đến 4, 5 năm sau cũng thế, cho đến một ngày nàng thoát ly!

Với những tháng ở trên trường mới, lớp chúng tôi có thêm mấy người mới từ Ngã Ba Nhà Thơ vào học. Hai anh em của Tân và Thời được cha mẹ chở tới. Anh em mặc quần soọc, mặc áo sơ mi trắng ngắn tay, mang giày săn-đan, tóc chảy gọn gang, mặt mài sáng sủa, lại trắng trẻo đẹp trai. Không biết các bạn thế nào chứ tôi thấy thì thích lắm, chẳng biết phải con nhà giàu không mà nhìn thì có vẻ thuộc con nhà quý phái. Không lâu có anh Thủy cũng đẹp trai không kém, anh hơi lớn tuổi, người cao, nói năng chững chạc, chúng tôi mến lắm. Nhưng vì anh lớn nên ngồi ở bàn chót, phía trong mà không biết cô có chú ý anh điều gì không, hay là tình cờ khi giảng bài cô hướng tầm nhìn về phía sau. Bạn bè cứ kháo nhau là cô hay nhìn xuống anh Thủy, thế rồi mấy bạn ngồi ở phía sau cứ ghẹo anh Thủy hoài: “Ê Thủy, cô ngó mầy kìa!”. Lâu ngày khiến anh mắc cỡ quá, đành thôi học. Không biết anh nghỉ ở đây mà có đi học chỗ khác hay là nghỉ luôn. Quả thật là ác! Rồi có một hôm có tin đồn cô Ngọc mất cây viết gì đó mà có giá trị hơn ngàn đồng khiến cô khóc quá chừng!

Hàng ngồi: Hờ,(x),Kiều, Khởi, Mới, Băng Tâm, Phượng, Cô Vũ Thị Hồng Ngọc, Trung, Ru,Tôn, Thạch B, Bạn, Tân

,Lực, Em, (x). (Đứng1): Thoại Hoa, Tâm, Tuyết, Mây, Thay, Mướp, Tướng, Nghĩa, Năm Lê, Gắt, Năm Nguyễn, Cờ, Đức, Tộ, Sơn, Gõ. (Đứng 2): Thạch A, Huệ, Mon, Sợi, Mười, Tự, (x), Tùng, Huynh, Gia, Son, (x), Chi, Sương. (Hai bạn phía sau) Thủy, Tư. (x) là không nhớ rõ tên, có thể là Ten, Ớt, Em Úng.


Và rồi tình hình an ninh bắt đầu có triệu chứng không được bình ổn, như báo hiệu trước những cái khó khăn xảy đến sau nầy. Vào một tối kia trên rạp hát cận hàng rào của đồn đã có vụ ám sát bắn chết ông Một Chồi, tức là Thiếu Úy Chồi người Trưởng đồn ở đây. Ông đi ra rạp hát chơi, khi trở vô vừa đến ngỏ vào đồn thì bị người nào đó đến gần nổ súng và chạy biến mất. Từ đó người đi coi hát cũng trở nên dè dặt và gánh hát cũng sợ ít về hơn. Và sau không lâu thêm hai vụ bắn chết người nữa, báo hiệu cho tình hình an ninh thêm nhiều rắc rối.

Cuối năm, trong cuộc thi xếp hạng, thì lại có cái thông báo đặc biệt là những ai từ hạng nhất đến thứ hạng 32 không phải thi lại bằng Tiểu học, còn từ hạng 33 trở lên thì phải thi. Xui cho Thạch B. Nó ngay hạng 33 thành ra nó không được miễn thi. Còn tôi khi trưòng đòi nộp giấy “Lên Án Thế Vì Khai Sanh” để làm hồ sơ dự thi thì ba tôi đã khai như cũ tức là năm 1949, chứ không phải là năm 1948 khiến tôi gặp rắc rối. Tôi tưởng mình sẽ mất đi phần miễn thi Tiểu Học, đồng thời sẽ không được thi tuyển vào lớp Đệ Thất Trường Công Trịnh Hoài Đức.  Tôi lo lắm, vì ngày xin nhập học mấy năm trước tôi đã sửa năm sanh trong giấy Khai Sanh mà tôi không có nói với ba, và không có báo với xã nên đã xảy ra tình trạng nầy. Mà nếu tôi không sửa thì giờ nầy tôi chỉ học ở lớp Nhì chứ đâu phải là Lớp Nhất!

Sở dĩ Khai sanh được gọi là “Lên Án Thế Vì Khai Sanh” là vì chúng tôi sanh ra trong thời chiến tranh, lúc đó vì muốn hủy các hồ sơ, giấy tờ trong các làng xã, nên kháng chiến đốt phá các trụ sở ở làng, hay là do tai nạn chến tranh mà làng xã bị hư hại, cháy thành phần lớn sổ bộ hộ tịch không còn, vì thế khi đi học, không có giấy tờ nên phải xin giấy khai sanh tạm gọi là Thay Vì Khai sanh, đợi chờ đưa ra tòa án trên Tỉnh, khai trước ông Chánh Án để được chính thức nên gọi là “Lên Án Thế Vì Khai Sanh”. Thông thường, bậc cha mẹ nghĩ rằng khai tuổi đúng thì trẻ con đã lớn mà học lớp lớn sợ con học không nổi, vì vậy thường khai thấp tuổi xuống một tuổi, cộng với tuổi ta (là tuổi mới sanh ra đã tính một tuổi) một tuổi nữa là hai tuổi, còn ngày thì có người quên, có người nhớ, nhưng vì những người làm chứng trước tòa đa số lớn tuổi nên không thể nhớ nhiều vì vậy khi phải “Lên Án” một lần hai ba đứa con, cho nên ngày sanh cũng biến hóa làm sao cho người làm chứng dễ nhớ. Do đó, ngày tháng năm sanh các khai sanh của bọn chúng tôi thời đó ít có đứa nào đúng theo tuổi thật của mình. Không những tôi đã gặp trường hợp như vậy, mà còn thêm chuyện tôi sửa năm sanh khi bắt đầu ghi tên nhập học. Giờ tôi phải chịu hậu quả! Sự cách biệt trong giấy khai sanh của tôi là giữa năm 1948 và 1949, nhưng chỉ có 9 ngày thôi vì so cuối năm 1948 với 9 tháng Giêng thì chỉ có 9 ngày nên cuối cùng tôi được miễn và phải làm một cái đơn “Xin Miễn Tuổi”. Thật hú hồn! Xém chút nữa tôi phải ở lại học thêm một năm nữa! Nhưng rồi năm đó với kỳ thi vào lớp Đệ Thất Trường Trung Học Công lập Trịnh Hoài Đức tôi bị rớt, luôn cả ngoài danh sách dự khuyết. Đậu thực thụ có Nghĩa, Cờ, và tôi không nhớ được có còn ai nữa không. Hai lần tôi học cũng không tệ, nhưng khi thì bị rớt nên tôi nghĩ về sau không nên học giỏi nữa, tôi chỉ làm cho Thầy Cô thất vọng mà mình cũng ê chề!

An ninh chung sau những vụ ám sát chết người thì càng ngày càng bất ổn hơn, không phải ở xã của tôi không mà còn ở nhiều nơi. Rồi một đêm có tiếng loa kêu đồng bào đánh thùng thiếc, gõ mõ lên. Lúc đầu người ta cũng đánh lên rùm trời, nhưng rồi có vài tiếng súng nổ, người ta hoảng hồn không đánh nữa và kiếm chỗ chun trốn, những người nào còn hầm thì chun hầm. Và lâu sau tiếp theo là tiếng chó sủa cũng bị lưu ý, bị tai họa nên dân chúng đành giết chó, không nuôi nữa và đời sống bắt đầu trở lại lo lắng cho một cuộc chiến tranh khác tiếp theo.


Nguyên Thảo,

26/09/2022.




Saturday, September 24, 2022

*Mạng Xã Hội Và Tôi!

 

Nếu chúng ta nói rằng: “Mạng xã hội là một mạng lưới phức tạp của biết bao con người để diễn đạt mọi chuyện trên thế gian nầy” thì cũng chẳng sai. Nhiều người rất thích mạng xã hội vì nó mang đến sự gần gũi cho nhiều người thân thiết, hay thông tin, hoặc sự liên lạc cần thiết, kết nối những sở thích cùng nhau…Hay đối với những người trong thương trường có được một môi trường làm ăn, để quảng cáo những sản phẩm mình có được cho người xem hay mua theo sở thích; hoặc là nơi để mình đưa lên ý kiến, bình phẩm mà mình muốn nói cho một vấn đề nào đó. Theo cái nhìn cạn cợt của tôi thì như thế đó, chứ thật ra thì tôi rất ít khi tham gia vào. Có một lần đến nhà đứa cháu gái, thấy nó dùng đến facebook thì tôi cũng thích lắm, thấy nó liên lạc với bạn bè, đưa hình ảnh đi chơi, hay hình ảnh con cái thấy cũng vui vui. Nó thấy tôi có vẽ khá thích thú nên nó hỏi muốn không, nó làm dùm cho một cái. Tôi đồng ý. Thế nhưng trong ngày hôm sau trong email của tôi quá chừng người kết nối để kết bạn. Tôi thấy trong email của mình nhiều quá, trở thành một cái gì hỗn độn nên đành xóa đi, nhiều lúc phải delete liền tay mới hết. Thế rồi tôi không tha thiết với nó nữa, đành để cho nó nằm yên ở đó. Rồi sau nhiều năm, nhân một chuyến đi chơi, thăm viếng bà con, gặp một người cũng nói chuyện về kết bạn trên facebook rồi gởi cho nhau về vấn đề tâm linh mà họ thích, tôi lại có ý muốn dùng trang xã hội nầy để chia sẻ chuyện mà tôi biết, nhưng rồi lại ngập ngừng, nửa muốn nửa lại không! Đến một ngày nọ, có anh bạn muốn liên lạc cùng tôi về chuyện của một anh bạn khác, nhưng liên lạc không được đành gọi qua viber theo ý kiến của ông anh họ của tôi. Từ đó thấy mình cần phải dùng đến messenger của facebook để sự liên lạc dễ dàng hơn, mà muốn dùng messenger thì phải qua facebook, thế là tôi lại dùng đến facebook, rồi lại phải kết thân với những người thân quen mà mình khó lòng từ chối. Xong giai đoạn đó, tôi cũng viết vài câu chuyện ngắn để post lên cho có với người ta. Nhưng rồi mình mới thấy cái mình đưa lên thật là lạc lỏng giữa chợ đời. Sở thích của mình về già không giống ai, nên đành khựng lại. Trong khi đó thì người ta đưa lên đủ thứ từ chia sẻ về các hình ảnh du lịch nơi nầy, nơi kia; những cảnh đẹp, cảnh sum họp, ăn uống; cảnh hoa lá cành, các mẫu tóc, cà vạt kể cả các doanh nhân buôn bán quảng cáo đủ thứ hàng, mẫu mã…Nói chung mọi thứ cũng đều có thể có ích tạo ra vui vẻ, nhận biết…cho ngươi xem, nhưng cũng có những hình ảnh nhậu nhẹt quay không chuyên nghiệp khiến đầu óc mình cũng lúc lắc hoặc là lắc lư theo. Tôi chóng mặt quá đành lướt qua các hình ảnh ấy!

Rồi nhìn lại cái “You Tube” trong những năm đầu tôi rất thích để tìm về những chủ đề mà trong you tube có để xem, hay tham khảo hoặc học hỏi những điều mà người ta biết và đưa lên, hoặc nghe tin tức hàng ngày hay những chuyện ly kỳ, mình tò mò muốn biết. Tôi không biết bên người làm You Tube được trả tiền quảng cáo từ hồi nào, nhưng về sao có nhiều vấn đề tôi tò mò với chủ đề hay lời tựa đưa ra, thì thấy nội dung chẳng ăn nhập gì về chủ đề ấy. Điều đó tôi đã lấy làm lạ, thì một ngày nọ nhân xem về chuyện một Sư Thầy thuyết giảng, trong đó Thầy có nhắc đến chuyện từ ngày You Tube trả tiền quảng cáo cho người làm You Tube, thì nhiều chuyện trong đời xảy ra. Từ đó, tôi nhìn thấy quả thật là như vậy, cái tựa người ta nêu lên là để tạo nên một cái “sôi động, nóng bỏng” chẳng qua là đánh vào sự hiếu kỳ để khán giả tò mò chun vào coi nhằm kiếm “view” của người xem mà lãnh tiền quảng cáo của You Tube. Không những vậy có những trang mạng chuyên ăn cắp của người khác để đưa vào của mình, thế mà số lượng người coi của họ lại nhiều hơn là của người chính chủ. Rồi có trang mạng nay tung tin người nổi tiếng nầy chết, mai lại tung tin người khác chết nhất là người trong giới ca sĩ, họ chỉ nhằm câu view để kiếm tiền chứ chẳng có người nào mà họ đề cập đến, chết cả. Thật là “vô lương tâm”! Không biết trong giới làm You Tube của ngoại quốc có như vậy hay không, chứ tôi thấy trường hợp đó có khá nhiều trong giới của người Việt. Không lẽ người mình lại ham tiền mà “tán tận lương tri” như vậy sao? Người mình không có óc sáng tạo hay dùng những thủ đoạn ma mãnh để kiếm sống? Hay chỉ chuyên nghề ăn cắp của người khác mà không tự tạo nên của mình ư? Tôi thấy người mình bây giờ có văn hóa khác với ngày xưa quá xa!

Rồi lại đến gần đây có thêm một sự kiện “cái bà Đại Gia” nào đó cũng lên mạng để “bày đặt” livestream, tôi nghe bà ấy cũng gây một ảnh hưởng rất lớn và ngôn ngữ hãy còn dễ nghe, rồi càng ngày càng “hỗn hào” hơn, càng khuấy động, gây náo loạn trong dân chúng nhất là “đấu tố” trong giới nghệ sĩ. Lúc đầu tôi chẳng thèm nghe, nhưng sau nghe người ta nói đến khá nhiều, tôi lại tò mò vào nghe thử đôi lần, nhất là sau khi chuyện bà ấy chữi người chết không thương tiếc. Vỡ lẽ ra, Bà ta vì “hận thù” ông Thầy Lang nào đó mà muốn lôi kéo những người có liên hệ nhằm tố khổ ông thầy lang chỉ qua vì “căm hận một tình yêu” và mất đi một số tiền quá lớn. Người ta không làm theo ý bà thì bà lại tố khổ đến người ta. Rồi tới thêm đổ trút cơn giận dữ lên đầu những người bình phẩm với những lời nặng nề, thô tục. Đôi khi lôi cuốn tới vài sự kiện của quốc gia, thế mà chẳng có ai can ngăn, hay ngăn cản. Dư luận trong dân chúng bị cuốn hút vào sự phân hóa, nghi kỵ vì người ủng hộ phe nầy hay chống báng phe kia. Ôi! mạng xã hội tồi tệ đến thế sao? Nó cũng là nơi để người ta trút những cơn “thịnh nộ” vào cho dân chúng nghe; hay phổ biến những lời thô tục nhất để cho khán giả “thưởng thức”, để cho trẻ con “học tập”? Tôi ngán ngẫm mà không mấy mê mạng xã hội nữa!

Có lẽ chính vì vậy mà tôi đã trở nên “vô cảm” không thiết tha đến những thông tin “nóng bỏng” trên you tube nữa, mà đôi khi nghi ngờ những tin ấy là có xác đáng hay không? Không giống như ngày xưa, mỗi lần khi cần đến you tube. Còn riêng với facebook tôi thấy ngoài các quảng cáo buôn bán, các mẹo giúp nhau để giải quyết khó khăn trong nhiều vấn đề, các tin tức, thông tin thì một phần khác được đưa lên từ sự khoe mẽ với cá nhân của chính mình, nên tôi lại ngập ngừng, và mãi trong cái trạng thái ngập ngừng, đành dậm chân tại chỗ. Âu đó, cũng tại là cái tật, và cái nhìn phiến diện của tôi!

 

Đồ Ngông,

25/09/2022.

 

 


Monday, September 5, 2022

*Khung Trời Kỷ Niệm! (7)

 

Phải nói bọn học trò chúng tôi có một năm học vui tươi và đáng giá, mà người học trò phát triển năng khiếu ca hát hơn hết là Nguyễn Văn Trung. Trung ca khá hay, nhưng thỉnh thoảng hay bị khan giọng, Trung chỉ cho bọn tôi là lấy trái chanh nướng ăn thì sẽ hết. Với những bài hát do Thầy dạy nầy mà về sau giúp tôi hát để ru cho em ngủ cùng với những câu ru mà tôi đã học lóm từ má và chị Bảy Lót, chị giữ em bên nhà Cậu Ba Hưng. Năm đó, có buổi văn nghệ Tết khá vui. Rồi sau các Thầy ở trường khác thường xuyên ghé trường tạo nên cái không khí đầm ấm thân thiện, cùng bắt giọng thử tài chúng tôi hát. Tiếp theo trong tình thân ái đó là các trường cùng nhau tổ chức một buổi cắm trại chung trong Hóa Nhựt. Ngày cắm trại chúng tôi phải đem gạo, nồi nêu, củi, góp tiền mua thức ăn để lo việc nấu nướng tập thể. Sắp hàng ở trường rồi kéo nhau đi bộ, qua hai cái cầu, lên dốc dài, đi tới cây chai quẹo về xóm Hóa Nhựt gần đồng ruộng và cắm trại ở trong vườn của các nhà trong xóm. Khi vào nấu nướng gần xong, trên nền nhà có con dán cánh chạy ngang làm cho mấy đứa con gái sợ, tôi vội vàng chạy theo lấy chân dậm chết con dán. Không may ruột của nó văng trúng người ta. Mấy người đó chửi quá chừng! Đúng là “tai bay họa gởi”, thôi thì mình làm thinh mà chịu trận vậy! Ai biểu mình “tài lanh”! Tết năm đó, sau khi vài anh chị lớn đã xuống nhà Thầy chúc Tết về cho hay, tôi và Tư (Tư gà) cũng đón xe đò xuống Lái Thiêu thăm Thầy. Xuống xe nửa chừng đường, rồi chúng tôi dò theo số nhà để lần đến nhà Thầy. Nhưng khi vào nhà, cửa đó không phải là cửa trước mà là cửa sau. Cửa trước quay ra chợ, bên nầy là một dãy phố, và bên kia cũng lại là một dãy phố khác. Thăm, chúc Tết Thầy và gia đình xong tôi và Tư Đón xe trở về nhà. Lớp học cứ sôi nổi như vậy kéo đến gần cuối năm, màn chuẩn bị cho việc phát thưởng và văn nghệ Tết mới là hấp dẫn. Ngoài giờ học lớp bên nây, Thầy còn “dợt” (dượt) lại các màn hợp ca, đơn ca có tiếng đàn Măng-đô-lin; bên kia Cô Thọ chăm chú cho các màn vũ của lớp Cô ấy. Tôi còn nhớ Tộ có ca mấy câu vọng cổ ở dưới bàn trong vở kịch “Ra-dô không đèn” nhằm lừa gạt ông nông dân lên Thành phố nhìn các tòa nhà cao muốn “trật ót” để bán cái ra-dô dỏm. Một buổi phát thưởng cuối năm rất sôi động và thành công! Cũng trong thời gian nầy, tôi dính vào một sự việc mà rất “ăn sâu” vào tâm trí khiến tôi không thể nào mà không nhớ. Vốn là sau buổi lễ chúng tôi được ăn uống với các thức ăn và nồi cháo. Tật tôi thường hay mắc cỡ, mà lại hay cười, nên trong bữa ăn có nhiều cái khiến tôi cười, không ngờ bên băng ngồi của nữ bên kia, không biết Băng Tâm cười cái gì, khi chị Liêu Tuyết thấy thì chị la lên: “Hai đứa tụi bây làm cái gì mà nhìn nhau cười hoài vậy!”, khiến cả đám lặng thinh nhìn hai đứa chúng tôi. Tưởng chuyện như vậy rồi thôi, vì ngày mai đã vào nghỉ Hè ba tháng thì không có gì là đáng nói, nhưng không? Có những chuyện xảy ra về sau!

Cũng trong năm nầy, ở những vùng phụ cận có vài vụ cướp, ngay cả Tân Khánh cũng có một vụ, cướp ở một tiệm bán cây để cất nhà. Người ta nói bọn cướp tra khảo, đòi chủ nhà phải đưa tiền ra không họ sẽ đóng đinh một tấc vào lỗ tai. Không biết bọn cướp nào đến, nhưng người ta kháo nhau là nhóm cướp đó phát xuất từ bên rừng Khánh Vân. Nhóm cướp là hai anh em ông Bời và ông Liễu lãnh đạo có tên là Đảng Cướp “Rừng Xanh”. Có người nói mấy ông đó là những tay “anh hùng hảo hán” như mấy vị anh hùng “Lương Sơn Bạc” trong truyện Tàu “Thủy Hử” mà họ tiêm nhiễm truyện ấy rồi làm theo. Có người nói thẳng thừng “Mấy ông ấy là dân du côn”! Người ta đồn là họ “ăn cướp của nhà giàu, chia cho nhà nghèo”, nhưng làm sao chứng minh được điều đó! Tiếng tăm của họ vang danh một vùng, khiến quan đầu Tỉnh treo giải thưởng về tiền lẫn chức quan. Người lãnh giải thưởng ấy chính là người cận vệ của Ông Bời; thừa lúc ông ngủ trưa trên võng, anh ta đã bắn chết rồi ra đầu thú lãnh giải. Không biết anh ta được chức quan hai, quan ba gì đó. Nhưng về sau anh chết vì tai nạn xe “díp” đụng vô trụ điện gần ngã ba Cây Sao Quỳ. Có người lập miễu thờ để cầu mong không có tai nạn thêm ở đó. Thế rồi qua thời cuộc, Chợ Đình thiết lập kế bên và ngã Ba Cây Sao Quỳ nay là Ngã Tư Cây Sao Quỳ. Sau đó không lâu, Ông Liễu cũng chết và Đảng Cướp Rừng Xanh tan rã. Mãi sau 75 có phim “Ván bài lật ngữa” hình như có nhắc đến Đảng Cướp ấy!

Sau ba tháng Hè ở nhà, kẻ thì đi rong chơi, đứa thì giúp gia đình thoải mái không phải lo “canh” tới giờ đi học, rồi lại đến ngày sửa soạn sách vở, sắm quần áo chuẩn bị cho một năm học tiếp theo. Ở trong quê, học trò nào một năm được hai bộ quần áo là quý rồi! Tại sao lại là hai nhỉ? Một bộ vô và một bộ ra đó mà, tức là một bộ giặt, một bộ bận, tiền đâu mà sắm cho nhiều! Có không ít đứa chỉ có một bộ, đôi khi lại phải vá lên vá xuống để xài được lâu dài, vì thế mà chúng mới cần đến trường công, chứ trường tư lâu dài lấy tiền đâu mà đóng học phí. Thế mới biết học trò trường công giỏi hơn trường tư là vì chúng phải trải qua một cuộc thi tuyển gắt gao!

Ngày tựu trường rất vui vẻ, vì sau ba tháng rất có nhiều chuyện để nói hoặc kể cho nhau nghe, nhất là thân xác lớn hơn nhiều, trông đứa nào cũng trưởng thành thêm một chút. Thầy Trọng vẫn theo lớp Nhứt của tụi tui được vài tuần lễ, thì bỗng nhiên một ngày Thầy đành nói lời tâm tình từ giã. Thầy cho biết là Thầy sẽ đi vào quân đội. Mến Thầy lắm, nhiều chị đã khóc, bên đám con trai thì ngậm ngùi, thút thít. Nhưng Thầy quyết định đi thì làm sao? Vắng vài ngày thì có mấy giáo viên mới lại về có cô Nga dạy bên Lớp Nhì, còn phụ trách lớp chúng tôi là cô Vũ Thị Hồng Ngọc. Cô Ngọc người đẹp rất có duyên, nhanh nhẹn, nhưng lại nói khó nghe quá, hay là bọn chúng tôi chưa quen vì Cô là người Bắc. Mà thật đúng vậy, đây là lần đầu tiên bọn chúng tôi học với một người từ Bắc vào Nam, nghe chưa quen. Sau nhiều ngày cố gắng lắm mới bắt kịp và hiểu cô nói cái gì. Nhất là trong giờ chính tả vừa qua, không mấy đứa viết đúng, nội cái tựa bài thôi đã cùng nhau ngơ ngác. Cái tựa bài là “Cách định bệnh”, khi cô đọc tụi tôi thầm nhìn nhau ngơ ngác “Cái gì vậy mậy?”, “Cách định bạch” hay “cách định bệnh”. Và khi trao nhau bắt lỗi và chấm điểm thì chỉ có vài đứa 7,8,9 lỗi, còn bao nhiêu đều trên 10 lỗi cả. Đó là điều đáng nhớ trong đời học sinh của chúng tôi! Nhưng đến lúc quen với giọng đọc của cô rồi thì viết chính tả với cô là điều dễ dàng nhất.

Ở đây tôi muốn nhắc lại cái kỷ niệm thân thiết, cái tình cảm quý mến đối với Thầy Trọng nữa: Mặc dù Thầy đã xa trường và đi vào quân đội, nhưng sự lưu luyến của chúng tôi còn vương vấn với Thầy, khiến Thầy quay lại thăm trường lần nữa. Vốn là trong những học sinh viết thư thăm Thầy trong thời gian đầu đi lính, có thư của chị Khởi là xuất sắc và làm cho Thầy cảm động. Thế nên một ngày Thầy nghỉ phép về thăm trường đã vào lớp nhờ một bạn đọc lên lá thư chị ấy gởi, cho toàn lớp nghe. Thư chị viết hay và cảm động quá! Lần đó cho mãi về sau nầy không mấy ai được gặp Thầy, cho đến thời gian 50 năm sau mới liên lạc lại. Ôi! Nửa Thế kỷ trôi đi! Thầy trò đều vương tóc bạc! Nhưng những cái tình cảm vẫn còn mãi đọng trong tim mỗi người!


Nguyên Thảo,

06/09/2022.