Nếu chúng ta nói rằng: “Mạng xã hội là một mạng lưới
phức tạp của biết bao con người để diễn đạt mọi chuyện trên thế gian nầy” thì cũng
chẳng sai. Nhiều người rất thích mạng xã hội vì nó mang đến sự gần gũi cho nhiều
người thân thiết, hay thông tin, hoặc sự liên lạc cần thiết, kết nối những sở
thích cùng nhau…Hay đối với những người trong thương trường có được một môi trường
làm ăn, để quảng cáo những sản phẩm mình có được cho người xem hay mua theo sở
thích; hoặc là nơi để mình đưa lên ý kiến, bình phẩm mà mình muốn nói cho một vấn
đề nào đó. Theo cái nhìn cạn cợt của tôi thì như thế đó, chứ thật ra thì tôi rất
ít khi tham gia vào. Có một lần đến nhà đứa cháu gái, thấy nó dùng đến facebook
thì tôi cũng thích lắm, thấy nó liên lạc với bạn bè, đưa hình ảnh đi chơi, hay
hình ảnh con cái thấy cũng vui vui. Nó thấy tôi có vẽ khá thích thú nên nó hỏi
muốn không, nó làm dùm cho một cái. Tôi đồng ý. Thế nhưng trong ngày hôm sau
trong email của tôi quá chừng người kết nối để kết bạn. Tôi thấy trong email của
mình nhiều quá, trở thành một cái gì hỗn độn nên đành xóa đi, nhiều lúc phải
delete liền tay mới hết. Thế rồi tôi không tha thiết với nó nữa, đành để cho nó
nằm yên ở đó. Rồi sau nhiều năm, nhân một chuyến đi chơi, thăm viếng bà con, gặp
một người cũng nói chuyện về kết bạn trên facebook rồi gởi cho nhau về vấn đề tâm
linh mà họ thích, tôi lại có ý muốn dùng trang xã hội nầy để chia sẻ chuyện mà
tôi biết, nhưng rồi lại ngập ngừng, nửa muốn nửa lại không! Đến một ngày nọ, có
anh bạn muốn liên lạc cùng tôi về chuyện của một anh bạn khác, nhưng liên lạc
không được đành gọi qua viber theo ý kiến của ông anh họ của tôi. Từ đó thấy mình
cần phải dùng đến messenger của facebook để sự liên lạc dễ dàng hơn, mà muốn dùng
messenger thì phải qua facebook, thế là tôi lại dùng đến facebook, rồi lại phải
kết thân với những người thân quen mà mình khó lòng từ chối. Xong giai đoạn đó,
tôi cũng viết vài câu chuyện ngắn để post lên cho có với người ta. Nhưng rồi mình
mới thấy cái mình đưa lên thật là lạc lỏng giữa chợ đời. Sở thích của mình về
già không giống ai, nên đành khựng lại. Trong khi đó thì người ta đưa lên đủ thứ
từ chia sẻ về các hình ảnh du lịch nơi nầy, nơi kia; những cảnh đẹp, cảnh sum họp,
ăn uống; cảnh hoa lá cành, các mẫu tóc, cà vạt kể cả các doanh nhân buôn bán quảng
cáo đủ thứ hàng, mẫu mã…Nói chung mọi thứ cũng đều có thể có ích tạo ra vui vẻ,
nhận biết…cho ngươi xem, nhưng cũng có những hình ảnh nhậu nhẹt quay không chuyên
nghiệp khiến đầu óc mình cũng lúc lắc hoặc là lắc lư theo. Tôi chóng mặt quá đành
lướt qua các hình ảnh ấy!
Rồi nhìn lại cái “You Tube” trong những năm đầu tôi
rất thích để tìm về những chủ đề mà trong you tube có để xem, hay tham khảo hoặc
học hỏi những điều mà người ta biết và đưa lên, hoặc nghe tin tức hàng ngày hay
những chuyện ly kỳ, mình tò mò muốn biết. Tôi không biết bên người làm You Tube
được trả tiền quảng cáo từ hồi nào, nhưng về sao có nhiều vấn đề tôi tò mò với
chủ đề hay lời tựa đưa ra, thì thấy nội dung chẳng ăn nhập gì về chủ đề ấy. Điều
đó tôi đã lấy làm lạ, thì một ngày nọ nhân xem về chuyện một Sư Thầy thuyết giảng,
trong đó Thầy có nhắc đến chuyện từ ngày You Tube trả tiền quảng cáo cho người
làm You Tube, thì nhiều chuyện trong đời xảy ra. Từ đó, tôi nhìn thấy quả thật
là như vậy, cái tựa người ta nêu lên là để tạo nên một cái “sôi động, nóng bỏng”
chẳng qua là đánh vào sự hiếu kỳ để khán giả tò mò chun vào coi nhằm kiếm “view”
của người xem mà lãnh tiền quảng cáo của You Tube. Không những vậy có những
trang mạng chuyên ăn cắp của người khác để đưa vào của mình, thế mà số lượng người
coi của họ lại nhiều hơn là của người chính chủ. Rồi có trang mạng nay tung tin
người nổi tiếng nầy chết, mai lại tung tin người khác chết nhất là người trong
giới ca sĩ, họ chỉ nhằm câu view để kiếm tiền chứ chẳng có người nào mà họ đề cập
đến, chết cả. Thật là “vô lương tâm”! Không biết trong giới làm You Tube của
ngoại quốc có như vậy hay không, chứ tôi thấy trường hợp đó có khá nhiều trong
giới của người Việt. Không lẽ người mình lại ham tiền mà “tán tận lương tri” như
vậy sao? Người mình không có óc sáng tạo hay dùng những thủ đoạn ma mãnh để kiếm
sống? Hay chỉ chuyên nghề ăn cắp của người khác mà không tự tạo nên của mình ư?
Tôi thấy người mình bây giờ có văn hóa khác với ngày xưa quá xa!
Rồi lại đến gần đây có thêm một sự kiện “cái bà Đại
Gia” nào đó cũng lên mạng để “bày đặt” livestream, tôi nghe bà ấy cũng gây một ảnh
hưởng rất lớn và ngôn ngữ hãy còn dễ nghe, rồi càng ngày càng “hỗn hào” hơn, càng
khuấy động, gây náo loạn trong dân chúng nhất là “đấu tố” trong giới nghệ sĩ. Lúc
đầu tôi chẳng thèm nghe, nhưng sau nghe người ta nói đến khá nhiều, tôi lại tò
mò vào nghe thử đôi lần, nhất là sau khi chuyện bà ấy chữi người chết không thương
tiếc. Vỡ lẽ ra, Bà ta vì “hận thù” ông Thầy Lang nào đó mà muốn lôi kéo những
người có liên hệ nhằm tố khổ ông thầy lang chỉ qua vì “căm hận một tình yêu” và
mất đi một số tiền quá lớn. Người ta không làm theo ý bà thì bà lại tố khổ đến
người ta. Rồi tới thêm đổ trút cơn giận dữ lên đầu những người bình phẩm với những
lời nặng nề, thô tục. Đôi khi lôi cuốn tới vài sự kiện của quốc gia, thế mà chẳng
có ai can ngăn, hay ngăn cản. Dư luận trong dân chúng bị cuốn hút vào sự phân hóa,
nghi kỵ vì người ủng hộ phe nầy hay chống báng phe kia. Ôi! mạng xã hội tồi tệ đến
thế sao? Nó cũng là nơi để người ta trút những cơn “thịnh nộ” vào cho dân chúng
nghe; hay phổ biến những lời thô tục nhất để cho khán giả “thưởng thức”, để cho
trẻ con “học tập”? Tôi ngán ngẫm mà không mấy mê mạng xã hội nữa!
Có lẽ chính vì vậy mà tôi đã trở nên “vô cảm” không
thiết tha đến những thông tin “nóng bỏng” trên you tube nữa, mà đôi khi nghi ngờ
những tin ấy là có xác đáng hay không? Không giống như ngày xưa, mỗi lần khi cần
đến you tube. Còn riêng với facebook tôi thấy ngoài các quảng cáo buôn bán, các
mẹo giúp nhau để giải quyết khó khăn trong nhiều vấn đề, các tin tức, thông tin
thì một phần khác được đưa lên từ sự khoe mẽ với cá nhân của chính mình, nên tôi
lại ngập ngừng, và mãi trong cái trạng thái ngập ngừng, đành dậm chân tại chỗ. Âu
đó, cũng tại là cái tật, và cái nhìn phiến diện của tôi!
Đồ Ngông,
25/09/2022.
No comments:
Post a Comment