Friday, December 29, 2023

*Những Khung Trời Kỷ Niệm! (25)


Vì trường nằm trong một xã cũng tương đối là hẻo lánh, dù nó không bị ảnh hưởng từ những biến động tình hình ở Thành Phố hay Tỉnh, nhưng nó cũng không thể không ảnh hưởng theo tình trạng mất an ninh của khu vực. Do vậy vào một ngày nọ, tôi vừa đến trường thì gặp ngay To ngồi trên băng đá đầu của hàng điệp Tây phía ngoài cổng. To kêu tôi lại và nói: “Đừng vô”. Tôi không biết chuyện gì thì nó vội nói: “Đừng vô, ở trổng có kẹo đó”! Thì ra trong lớp học có truyền đơn được ngụy trang giống như những cục kẹo dừa, nên tôi dựng xe đạp rồi ngồi trò chuyện với nó, đợi cho lính dân vệ ngoài đồn vào thu hết những viên kẹo đó thì chúng tôi mới vào. Trong giờ ra chơi, Khiêm nói với tôi: “Hồi sáng tao vô sớm lắm, nhưng tao đâu thấy có gì đâu, rồi tao ra ngoài thì một chút lại nghe tụi nó nói có kẹo, không lẽ…”, rồi nó ngưng ngang không nói nữa, làm tôi cũng chẳng biết ra sao? Thôi thì, dù gì thì chuyện cũng êm xuôi rồi, buổi học vẫn được tiếp tục dù hơi trễ một chút. Mấy Thầy Cô ra vẽ có chiều ái ngại vì đây là lần đầu tiên trường xảy ra trường hợp nầy! Nói chung lại tình hình nhiều năm nay vẫn đều đều như vậy, đất nước trong thời buổi chiến tranh mà. Bên nào cũng ra sức tuyên truyền để giành phần “chính nghĩa” về mình. Và sự xung đột trên chiến trường càng ngày càng nhiều và tăng tiến hơn thêm, xui rủi ai thì nấy chịu thôi, chứ biết làm sao hơn. Mọi sự sinh hoạt vẫn tiếp tục sau các biến cố dù là nhỏ hay lớn.

Trong năm nầy tôi lên ở chung với Ông Nội, vì Ông Nội ở chỉ có một mình sau khi chị Nhiếm, con Bác Tư đi may ở ngoài sông phía nhà Cô Ba thuộc Dư Khánh xã Phước Thành gần Tân Ba. Ông Nội thích chơi kiểng như nhiều người già khác cũng như Ông Hai ở bên kia đường. Ngoài kiểng ra, ông lại hay về suối cái ngoài khu nhà cũ ở Phước Lương câu cá lăng để nấu canh chua lá giang, đó là sở thích của ông. Vì ông già cả nên chuyện đi lại của ông không bị ai làm khó dễ dù là lính bên nầy hay người của bên kia bởi ông đi thăm ruộng luôn mà! Tôi cũng phải nhiều lần đạp xe đạp lên chợ Thủ mua cá lòng tong về để ông làm mồi câu cá. Ở với Ông, tôi mới hiểu được vài tâm trạng của người già khi họ trở về già. Ông Nội thường hay ngủ sớm, thường là cỡ chừng 9 giờ là ông đi ngủ rồi, nhưng khoảng 3 giờ sáng là ông đã thức dậy, nấu nước pha trà ngồi uống một mình. Nhưng hồi lâu sau thì ông Bảy kế bên cũng thức dậy sang chơi; sau đó thì ông Hai của tôi ở bên kia đường cũng sang, mấy ông ngồi nói chuyện đời xưa, kể chuyện xưa cũ đâu trong thời còn trẻ mà mấy ông từng chứng kiến. Có hôm có Dưọng Hai Đố nhà kế bên sang nữa. Từ đó tôi mới hiểu người già thường ngủ rất ít, ngủ sớm dậy sớm, ngồi để ôn lại những chuyện trong quá khứ mà họ trải qua. Trong khoảng thời gian nầy, nhà cửa đều dồn vào trong Ấp Chiến Lược, nhưng vòng bao chưa có nên chuyện an ninh cũng chưa là chắc chắn lắm, do đó chuyện cửa nẽo còn cẩn thận hơn. Một hôm, tôi vừa mở cửa sau ra ngoài làm ít công việc, khi trở vào bỗng có một chú du kích nào đó dã lẻn vô nhà hồi nào rồi. Chú ngồi nói chuyện với tôi, chú cho biết theo vai thứ tôi kêu chú bằng chú. Nói chuyện với tôi một chút thì chú cứ đến bên mấy tấm bảng vách che lên thay mấy cánh cửa và thò súng qua khe hở chỉa lên vọng gác của cái tha la (vọng gác xây cao lên, để quan sát được xa) cao trong xã như muốn nhắm bắn lính trên đó. Tôi hoảng hồn năn nỉ chú, nhưng chú không nói gì mà chú cứ mãi làm như vậy nhiều lần. Tôi càng năn nỉ chú nhiều hơn. Cuối cùng chắc thấy không có cơ hội để bắn tỉa được nên chú đành bỏ đi. Từ đó tôi không dám hớ hênh về cửa nẻo nữa, nhất là cánh cửa phía sau. Ngày ấy mà chú chỉ cần bắn vài tiếng súng lên tha la thì có lẽ tôi sẽ bị bắt, bị tra tấn và đi tù, không còn là một đứa học trò nữa và chẳng biết tương lai mình sẽ thế nào.

Đường đi học thì trống trải tương đối an ninh, nhưng vào một buổi sáng nọ khi đến đầu dốc vườn Bà Đôn kế sân bay có một nhóm người du kích đón mọi học sinh đi đến đứng lại và giao cho mỗi đứa hoặc là cờ xanh, đỏ với sao vàng hoặc tờ truyền đơn, nhưng tất cả vừa ra khỏi khu vực đến sân bay đều bỏ hết không dám mang theo trong mình, khéo mà mang họa vào thân. Làm học trò trong một đất nước chiến tranh thường phải trải qua hoàn cảnh như vậy mà mình không thể nào tránh được, nhất là hai phe đang quyết liệt để tranh hơn thua, bắn giết lẫn nhau. Và rồi theo cái tình hình không ổn định ở Sài Gòn thì tình hình chiến sự, hoạt động của bên trong cũng tăng dần theo. Vào một đêm nọ có tiếng nổ lớn, rồi sau đó có tiếng kèn cùng súng nổ lên dữ dội, tôi với Ông Nội chun xuống hầm núp đạn, bom. Sáng ra mới biết là bên trong đã tấn công vào đồn, có một nhóm khói còn tỏa lên. Cái tha la bị bắn thủng một lổ lớn ở chỗ lỗ châu mai khoảng giữa chừng. Coi như là đồn đã bị phá tình hình an ninh ở xã bây giờ coi như là không được ổn định. Tùy mỗi gia đình mà người ta quyết định đi đâu và như thế nào. Từ đây có nhiều gia đình bỏ sang Biên Hòa, ở những vùng yên ổn; hay họ dời lên trên Bình Dương, khai phá vùng đất dọc hai bên đường từ gần Ngã Ba Cây Sao Quỳ trở xuống gần Nhà Thương mà cất nhà để cuộc sống được bình yên hơn. Tuy vậy họ vẫn đi về trong Tân Khánh. Còn riêng gia đình tôi thì ba má quyết định gia đình đi ra Phú Lợi lên ở tạm trên nhà của Dì Dượng Năm một thời gian rồi tính sau. Thế là từ đó tôi đi học từ xã Phú Hòa băng lên Phú Thuận, rồi lên Phú Hữu mới vô An Mỹ tương đối gần hơn nhiều. Tôi thường đi với anh Hạnh con Dì Năm. Trên đoạn đường nầy tôi thích nhất là đoạn đường mà Ông Trai làm từ Ngã Ba đi vô trường, nó rộng thênh thang, mà hai bên trồng toàn là cây sao vừa có bóng mát, vừa nghe tiếng lao xao của lá khua nhau mỗi khi gió thoảng qua, Nó thơ mộng làm sao, mặc dù chưa được tráng nhựa, mà chỉ là con đường đất đỏ. Những buổi trưa ở lại trường để chiều học tiếp thêm mấy giờ, chúng tôi tập hợp ra ngoài nền đình cao so với đất bằng cả mấy thước mà Ông Trai đã cho ủi đất từ phía ngoài vào để sau nầy cất Đình; vì ở đó có nhiều cây sao lẫn dầu có nhiều bóng mát, mà lại rộng rãi nữa tha hồ nằm hay ngồi nghỉ hoặc nói chuyện to tiếng vẫn không phiền hà đến hàng xóm.

Từ ngày chuyện mấy anh bên Trường Tư tấn công vào Thầy Giám Thị Nguyễn Văn Phụng thì trong các giờ Giảng Văn thầy Hiệu Trưởng cho chúng tôi học bài “Dĩ Hòa Vi Quý” của nhà thơ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm hơi nhiều vì trong lớp Đệ Tam nầy có học về thơ của nhà thơ ấy trong các giờ Cổ Văn. Thầy cho biết Thầy dạy tạm để đợi chờ một Thầy khác về và sẽ dạy môn Giảng Văn cho chúng tôi (đó là Thầy Trần Quốc Vị). Gần đến Tết Thầy Trần Văn Ngà dạy Anh Văn, Sinh Ngữ hai phụ trách về Khối Báo Chí phát động viết bài nộp về để Thầy tuyển chọn in vào tập san Tất Niên Tết của Trường. Tôi cũng nổi hứng viết một câu chuyện, nhưng câu chuyện ấy chẳng được thành công chút nào vì ý tưởng của mình hãy còn quá non nớt, còn thơ thì chưa biết làm! Công nhận Thầy Ngà có khiếu về thơ văn, Thầy thuộc rất nhiều thơ và Thầy thường đọc hay ngâm cho chúng tôi nghe sau những giờ rỗi rảnh làm cho chúng tôi trở nên ghiền và say mê dù mình chẳng có khiếu chút nào! Trong chương trình Văn Nghệ có nhóm hợp ca lại được Thầy Bé Tám từ dưới Trường Trịnh Hoài Đức lên luyện tập cho đám hợp xướng đó, chứ không phải là Cô Đức. Năm nầy cũng định hướng cho tôi phải chọn ban A thay vì chọn ban B là ban mình thích và thích hợp hơn, nhưng không thể làm khác được do điều kiện khó khăn của gia đình ảnh hưởng đến quyết định sau cùng. Thế là chỉ có Huệ là đi Ban B còn tôi, Son, To cùng Ban A, tức Ban lấy môn Vạn Vật là chính mà trí nhớ tôi tương đối là yếu kém từ xưa tới giờ, nên có khá nhiều trở ngại. Thời gian ngắn sau thì có Thầy Trần Quốc Vị về thay thế môn Giảng Văn của Thầy Hiệu Trưởng. Thầy Vị có vẽ thích về hướng Triết lý khiến chúng tôi cũng ảnh hưởng ít nhiều. Đường đi học từ Phú Lợi về An Mỹ ngắn và vui hơn mà lại đông học trò, tấp nập khiến mình khó cảm thấy mệt nhọc dù trong những buổi Hè nắng cháy; nhưng thời gian nầy vẫn là tạm thôi vì chúng tôi vẫn đợi chờ trong quê yên ổn hơn để trở về. Không nơi nào thoải mái, đáng yêu bằng quê hương và nhà của mình.

 

Nguyên Thảo,

30/12/2023.