Saturday, September 26, 2020

*Đám Giỗ!

 

Lúc nhỏ mỗi lần nghe nói “đi ăn đám giỗ” tôi mừng lắm. Vì thời con nít mình “ham ăn”, mà đám giỗ thì có rất nhiều món ăn nên đứa nhỏ nào lớn lên cũng đều khoái: Có cả thịt, cá, nhất là các loại bánh từ bánh cúng, bánh cấp, bánh tét, bánh da lợn, bánh qui, bánh ít, đến nhiều thứ nữa mà tôi không nhớ hết. Điều ngộ hơn là đứa nào cũng ham ăn bánh, do vậy mà đám giỗ là sự mong chờ của đàn con nít chúng tôi! Nhưng, song song vào đó tôi lại cũng sợ đám giỗ khi mà phải “khoanh tay thưa” nhiều người mỗi khi đến hoặc đi về. Tôi sợ vì có nhiều người mà mình không biết kêu vai thứ như thế nào để xưng hô cho đúng; rồi lại mình đứng khoanh tay ở dưới thấp (vì còn nhỏ, thấp bé) trong khi họ mắc nói chuyện ở bên trên, cứ trình thưa hoài mà họ không nghe, đến khi có ai đó báo cho biết thì họ mới nhìn xuống khi ấy bổn phận mình mới được gọi là xong xuôi!

Tôi nhớ lại thì ở nhà Bà Ngoại trong một năm có nhiều đám giỗ, lúc đó tôi chẳng biết là đám giỗ của ai và thực ra cũng không nghe má nói là đám giỗ của người nào nữa. Cứ mỗi lần đám giỗ là má hay mua đồ hay thịt cá gì đó kêu tôi đi xe đạp chở về trên Bà Ngoại trước một ngày. Trên nhà Bà Ngoại khi đó đã có nhiều người từ mấy dì, hay chị con của dì, cậu về trước phụ giúp gói, làm bánh hay nấu nướng thật là nhộn nhịp. Có vài lần má không bận rộn trong việc buôn bán, tôi cũng đang nghỉ hè, má dẫn tôi về nhà Ngoại để phụ lo chuyện đám giỗ. Trong khi các bà đang làm công việc nấu nướng, làm bánh; thì mấy cậu hay đàn ông lo quét dọn sạch sẽ từ bàn thờ đến việc lau chùi chân đèn, mấy khai đựng trái cây, lo bình bông chuẩn bị cho ngày sau. Đám giỗ sao mà bận rộn đến thế! Không biết đám giỗ thế nào mà những chén, dĩa, tô, tộ, đủa, muỗng thật là nhiều, Bà Ngoại phải cất chung vào một cái “chạng” tức là khung củi nhỏ để đựng riêng chúng ra mà chỉ khi nào dám giỗ mới lấy ra sử dụng. Xong rồi thì rửa sạch sẽ chất vào trong đó để khi tới đám giỗ khác thì lại lấy ra xài.

Khi còn nhỏ tôi chỉ biết đám giỗ là cúng kiến những người đã chết từ trước, và trong đám giỗ ấy tôi sẽ được ăn nhiều thức ăn nhất là nhiều loại bánh, có loại tôi thích, có loại không thích. Tôi không thích bánh ít, nhưng lại thích bánh gói là loại bánh bằng bột gạo trộn đường, hình vuông dẹp được gói trong lá chuối, chính giữa là một viên nhân đậu xanh ăn rất ngon, ngọt với đường khạp (đường đựng trong cái khạp nho nhỏ cỡ khoảng chừng mười mấy, 20 lít nước). Với đám giỗ bọn con nít chúng tôi gồm con mấy cậu, mấy dì được dịp kéo về, tụ tập để chơi đùa, giỡn với nhau cho đã. Sau khi cúng xong thì chúng tôi được quay quần bên các chiếc “đệm” (đan bằng lát cọng dẹp cỡ mỗi chiều khoảng hai và ba thước), đệm khác với chiếu, chiếu lót trên giường để ngủ, trên ván để ngồi, còn đệm lót dưới đất để phơi đậu lúa, hay ngồi có khi để ngủ tạm nếu quá đông người) mà ăn đồ ăn được dọn riêng cho bọn con nít. Về sau bọn con trai chúng tôi bắt đầu trưởng thành sau thời kỳ “trổ mã” hay gọi là “nhổ giò” tức là bước qua thời kỳ “tập tành của thanh niên” thì được người lớn cho lên ngồi trên bộ ván bên phía đàn ông, hoặc đôi lúc được các ông Trưởng lão cho ngồi vào vị trí của bàn chính giữa với các ông, nhưng chỉ phía ngoài thôi, còn vị trí phía trong gần bàn thờ Tổ Tiên là của các ông ấy. Đó gọi là “quan niệm” tôn ti trật tự trong một xã hội Việt Nam ngày xưa. Còn bọn con gái khi thành thiếu nữ thì chỉ được ngồi trên bộ ván phía trái, chứ không bao giờ được ngồi ở bàn chính giữa như bọn con trai của chúng tôi. Ấy gọi là “Trọng nam khinh nữ” vậy!

Rồi dần dà theo mức độ trưởng thành của mình, tôi cũng tham gia vào những ngày đám giỗ một cách tích cực, nếu có rảnh cũng về trước phụ giúp cậu để lo chuyện cúng kiến; cũng soạn chén dĩa, tô tộ, đủa muỗng đem ra ngoài cái chạng để mấy dì hay chị lo rửa sạch, phơi khô trước khi múc đồ đem lên cúng; và cũng lo phụ trang hoàng bàn thờ Tổ Tiên. Lúc đó tôi mới hiểu được cách bày trí trong gian nhà gọi là “Ba gian hai chái”, đặc biệt của vùng thôn quê Việt Nam theo tập tục riêng của dân tộc. Như đã có lần tôi trình bày trong bài “Nhà Ba Gian Hai Chái” mà trong phần “Tào lao Thế sự I” tôi đã diễn tả những nhận xét của tôi về cách thức ấy rồi! Do nơi sự cân đối, hài hoà, thế vững chắc và để đủ không gian, nhà thôn quê đã được cất thành ba gian với những hàng cột chống đỡ căn nhà, nên nó đã thành “ba gian”, và hai chái hai bên để che chắn cho vách tường bằng gạch đất không bị nước mưa làm cho thấm ướt, đổ ngã. Rồi để có nhà xe, chuồng trâu bò thì người ta lại cất thêm hai bên là chuồng cùng nhà kho; hoặc ở phía sau hay bên hông thêm căn nhà nhỏ để làm khu nấu ăn cho khỏi phải khói bụi than bám vào nhà chính nên mới có nhà trên nhà dưới. Đó là thành hình khu nhà nông thôn đặc biệt của quê mình. Còn về bên trong ngôi nhà từ khi tôi lớn biết phụ giúp, tham gia vào cúng kiến thì mới thấy cách bày trí gần như thống nhất trong tập tục ngày xưa. Ngay căn giữa là một tủ thờ đơn giản hay cầu kỳ, hoặc đẹp đẽ với cẩn ốc xa cừ tùy theo mức độ tài chánh của gia đình. Trên tủ thờ ở giữa là bộ lư đồng sáng chói, có lư hương, hai bên là hai chưn đèn cũng bằng đồng hay gỗ quý, rồi có “đông bình, tây quả” tức là hướng đông có bình bông, phía tây có dĩa chân cao để chưng trái cây vào ngày cúng. Phía sau tủ thờ là cái bàn thờ để bày trí đồ cúng lên cúng trong ngày đám giỗ. Kế đó là cái vách tường bằng gỗ hay xây gạch về sau nầy treo bãng đề “Tổ Tiên” hay “Tổ Đường” cho biết đó là nơi thờ cúng Tổ Tiên. Phía trước tủ thờ là cái bàn dài dành cho bô lão, người lớn đàn ông ngồi nói chuyện hay bày đồ cúng cho người đã mất trong ngày giỗ của họ. Lúc xưa để che cái bàn nầy khỏi phải trơ trẽn thì phía trong và phía ngoài lại có thêm mấy cái bàn nhỏ chân cao hơn che chắn nó thêm phần kín đáo, long trọng.

Ở hai gian bên thì kê hai bộ ván để người trong nhà hay khi có khách làm chỗ ngủ. Giữa bộ ván và vách ngăn gần giữa căn nhà có bàn thờ cũng được đốt hương, đèn, bày cúng trong ngày đám giỗ. Lúc nhỏ tôi chỉ biết là cúng cả hai bên đó, nhưng không hiểu là cúng cho ai và thế nào; đến khi hiểu được thì bên phải của bàn thờ Tổ Tiên là để cúng cho những người thuộc phái đàn ông đã mất dù lớn hay nhỏ. Còn bên trái là cho những người nữ. Nói cho đúng hơn là bàn thờ nơi gian nhà chính giữa là chỗ cúng cho Tổ Tiên, Ông Bà; bên phải là cho đàn ông quá cố thuộc cấp nhỏ, bên trái là cho giới nữ. Chính vì thế mà khi bày trí đồ cúng người ta thường hay hỏi người lớn của gia tộc là “Bao nhiêu mâm”? “Mâm” có nghĩa “một bộ đầy đủ các món nấu nướng bày ra cúng” thì là một mâm. Lúc đầu tôi không hiểu rõ, sau nhiều lần chiêm nghiệm tôi mới thật sự biết: Tại sao trước khi dọn ra cúng thì chúng tôi phải đem tất cả các món nấu nướng đựng trong chén, dĩa, tô, tộ xếp từng hàng ngang cho đủ số và hàng dọc theo các món. Sau đó thì mới đem đến nơi cúng chẳng hạn ở bàn thờ Tổ Tiên là 2 mâm; ở bàn nơi bô lão 2 mâm; 1 mâm cho đất đai, bên bộ ván dành riêng cho đàn ông là 3 mâm (cho 3 người thuộc nam đã chết), và bên bộ ván nữ là 4 mâm (cho 4 người nữ đã chết), như vậy vị chi là 12 mâm tất cả. Cũng từ đó tôi hiểu được rằng vì sao số tô tộ, chén dĩa, muỗng đủa để cúng kiến ở nhà Bà Ngoại nhiều mà phải đựng trong một cái chạng lớn như vậy! Cúng cho người đã khuất nhất là với ông bà thì phải kính cẩn, trịnh trọng cho nên dù là trên bàn hay trên bộ ván thì phải có những chiếc chiếu dành riêng cho cúng kiến được trải lên trước khi sắp xếp các món đồ cúng lên trên đó. Người đứng ra cúng thường là đàn ông phải mặc áo dài khăn đóng, có khi là Bà Ngoại tôi trong chiếc áo dài đen của bà “lên đèn” (đốt đèn cháy lên), thắp nhang khấn vái vong linh, cầu vong linh về “hưởng thượng và phù hộ cho con cháu”, rồi tới hàng con, mới đến cháu chắt lạy!

Khi còn nhỏ tôi chỉ nghĩ đến đám giỗ là được ăn đồ ăn, ăn bánh ngoài ra chẳng biết gì về sự cúng kiến trong đám giỗ, nhưng đến khi hiểu ra thì nó là cả một triết lý sống của người dân dù là thôn quê hay thành thị. Rồi càng lớn hơn tôi lại hiểu thêm rằng: Chính đám giỗ tụ tập con cháu trở về chung nhau thường xuyên khiến tình thân, dòng họ được kết nối lâu dài hơn trong nhiều thế hệ. Nếu người nào đó có trí nhớ, thích tò mò tìm hiểu hay được cha mẹ giải thích cặn kẽ về bà con, dòng họ như thế nào thì người ta sẽ có thể giải thích hay cho biết rõ với nhau về gia phả của một gia tộc. Đó cũng là một nét hay!

Tuy nhiên, bên cạnh đó có các điều khiến cho tôi có nhiều suy nghĩ vào những khi tôi được chứng kiến, hoặc trầm ngâm về vài vấn đề trong nhiều đám giỗ đã xảy ra từ trong dòng họ, hay ở một vài gia tộc nào đó. Đám giỗ là cơ hội họp mặt những người thân trong dòng họ, cùng nhau tụ tập về để lo cúng kiến, đồng thời tâm tình sau những ngày bươn chải cho cuộc sống cá nhân và gia đình; bên cạnh những nét đẹp về văn hóa, phong tục ấy thì cũng có vài chuyện bất hòa xảy ra. Trong cuộc sống thì không tránh khỏi những điều không vừa ý nhau, đôi khi các điều ấy lâu ngày không được giải tỏa trở thành những mâu thuẫn, gút mắt của cuộc đời, nên thường sau cái đám giỗ khi ngồi cùng nhau tâm tình thì các điểm mâu thuẫn được nêu lên. Từ chỗ “không ai nhường hay nhịn ai” lẫn “không ai thấy mình sai” cho nên hậu đám giỗ thường có những cuộc “cãi lộn” giải bày các tức tối, ấm ức của mình mà càng lúc càng trở nên gay gắt để rồi lần sau có người nầy mà không có người kia. Điều ấy dù không là thường xuyên hay thường có của mọi đám giỗ, nhưng nó cũng là điều khiến cho người khác phải lưu tâm, rút kinh nghiệm để có thể giữ được hòa khí trong dòng họ.

Ngày tôi có gia đình thì tôi lại chứng kiến thêm một điều khác nữa. Vì vốn dĩ gia đình ba mẹ vợ tôi phải là nơi cúng chính trong họ cho nên có rất nhiều đám giỗ trong năm. Cứ tính trung bình gần như tháng nào cũng có đám giỗ cả lớn lẫn nhỏ. Nghĩ mà thương cho hai ông bà: Tuổi thì tương đối cao, công việc kiếm ra tiền lại vất vả, mà đám giỗ thì liên miên cho nên tôi nghĩ tiền kiếm ra vừa gom góp được chút ít thì đã tới đám giỗ rồi; như vậy làm sao mà có dư để góp vốn cho công việc làm ăn, làm sao mà giàu có được. Ôi! đành phải chịu nghèo khó mãi thôi sao? Thế rồi tôi lại có ý nghĩ hơi ngông: Tại sao người xưa không nghĩ đến chuyện chỉ cần hai đám giỗ trong năm, giỗ đầu cho những ai chết nửa năm trước, giỗ sau dành cho những người chết ở thời gian nửa năm sau, như vậy làm cho người lãnh nhiệm vụ cúng kiến sẽ được “dễ thở” hơn nhiều! Nhưng tập tục đã thành nề nếp thì khó mà thay đổi!

Trong vấn đề đám giỗ tôi lại thấy thêm một vấn đề khác nữa, nó không là vấn đề quan trọng trong ngày xưa, nhưng thời nay lại là chuyện mà chúng ta cần lưu ý. Ngày trước xe cộ ít nên đám giỗ dù thường kéo theo nhậu nhẹt, say sưa chút ít nên dù ai đó có quá say vẫn thoải mái đi về không sợ xảy ra tai nạn chết người. Nhưng ngày nay xe máy khá nhiều, nên có nhiều người đi dự đám giỗ xa, trên đường về chẳng về được đến nhà dù là lỗi ở mình hay ở người. Cá nhân tôi cũng mất vài người bạn từ những nguyên nhân như vậy. Có một lần tôi ngồi chung với mấy người bạn, anh nầy nói chuyện chiều nay tao phải đi đám giỗ, anh kia lại nói tao phải đi đám tân gia và ngày mai lại phải đi đám cưới, vợ tao phải đi đám đầy tháng. Tôi nghe mà lạnh người vì ở Việt Nam người quen đầu làng cuối xóm rất nhiều; bà con nội ngoại hai bên: Bên ba lẫn mẹ, bên chồng lẫn bên vợ không là ít, chưa kể láng giềng hàng xóm mà đám thì “hàng khối đám” từ đám giỗ, đám tân gia, đầy tháng, ăn mừng, đám cưới, nay lại có thêm đám sinh nhật nữa thì có lẽ thời gian “đi đám” chiếm mất cả mọi thời gian của đàn ông rồi, làm sao lấy đâu có thời gian để đi làm kiếm tiền trang trải cho cuộc sống. Tôi mới đùa: Sao tao nghe tụi bây nói toàn là chuyện đi đám nầy đám kia, vậy thì mấy bà phải làm sao? Thằng em chú bác họ với tôi nhanh nhẩu: Thì mấy bà cũng được hai đám: Đám con với đám ruộng! Cả đám chúng tôi cười ồ! Nhưng đó cũng là sự chua chát của một cơ chế xã hội cố hữu của mình, nhất là bây giờ người ta đi đám giỗ cũng đi tiền giống như cho tiền ở một cái đám cưới. Vậy thử hỏi tiền đâu để có dư để người dân trở nên giàu có! Thế cho nên, tôi đành chịu thua!

 

Đồ Ngông,

26/09/2020.

 

 

 


Saturday, September 12, 2020

*Sao Không?

 

Sao không ngẫm nghĩ lại mình

Vì đâu thiên hạ khiếp kinh hãi hùng

Lánh xa như thể cùi phung

Thế mà cứ tưởng ta thương mọi người

Đâu rồi những nụ cười tươi

Nét buồn héo hắt, tìm đường trốn xa

Bao năm cũng lại bỏ nhà

Đến nay vẫn có, người ra bên ngoài

Trăm phương nghìn cách cao bay

Để bầy cú vọ xé tan mảnh đời

Thế nào? Có biết ai ơi!

 

Đồ Ngông,

13/09/2020.

 

 

 


Thursday, September 10, 2020

*Sang Đức. (3)


Máy bay vào yên vị trí, đồng hồ chỉ đúng giờ mà lịch trình đã ấn định; nhưng chúng tôi còn phải trải qua thủ tục nhập cảnh từ nước Nga vào lãnh thổ Liên Minh Châu Âu để bắt đầu cho cuộc đi tới các nước còn lại. Hôm nay được đến vùng mà lúc nhỏ tôi đã đọc nhiều tin tức về nó qua sự “đọc ké" các tờ báo của nhà Cậu Ba Hưng, nhà sát vách với nhà ba má tôi. Nói đến đây khiến tôi nhớ đến chuyện từng bị thi rớt trong vài cuộc thi từ học bỗng ở lớp 3 đến lớp Đệ Thất của trường Trung học Trịnh Hoài Đức cũng vì những bài luận tương đối được xem là “lạc đề” do ảnh hưởng “hơi hướng” từ các tờ báo ấy, mặc dù Thầy Cô rất tin tưởng vào việc học của tôi. Có lẽ do vậy nên ngày nay tôi lại “được dịp viết” về những chuyện tào lao chăng? Tôi viết lan man nhiều vấn đề “không được định hướng”, chỉ là “buông lung” theo các đề tài “đụng đâu viết đấy” nhằm mua vui cho chính mình cùng độc giả!

Phi trường Schonefeld.


Đường từ trong phi trường ra đến ngoài chỗ đậu xe buýt khá xa, nên chuyện di chuyển các vali hành lý khá vất vả. Trong lúc đợi tài xế chất hành lý vào khoang xe, tôi lấy máy chụp và quay vài hình ảnh về phi trường nầy để làm kỷ niệm “Flughafen Berlin – Schonefeld”. Đoàn di chuyển đi vào lúc 11 giờ, như vậy qua các thủ tục chúng tôi chỉ tốn hơn 1 tiếng đồng hồ, được xem là gọn và nhanh. Bernard và Jennifer dẫn đoàn làm tôi cảm thấy như thiếu thốn một cái gì đó. À! Thì ra thiếu một người thứ ba như đã từng ở Moscow hay Saint Peterburg. Xe qua những con đường có bảng hướng dẫn bằng các mẫu tự Latin xem dễ chịu hơn là những mẫu tự Nga lúc trước (mà tôi chẳng đọc được gì lại càng thấy tối tăm mặt mày) mặc dù với chữ Đức tôi cũng chẳng biết được chữ nào! Cái khung cảnh bên ngoài thôn quê hay trên đường đi nầy cũng không khác lắm với bên Nga, chỉ có điều là thiếu các cây bạch dương. Xe dần đi vào trong Thành phố mà Bernard giới thiệu đây là khu thuộc Đông Đức hay là đã vào vùng Đông Bá linh trước kia. Tôi cố tìm sự khác biệt nhưng chỉ thấy một sự êm ả, hơi vắng lặng một chút thôi hay là bây giờ hãy còn sớm đối với Thành phố nầy! Đặc biệt là những đèn giao thông có hình dáng người đi ở đèn xanh và người đứng lại ở đèn đỏ. Bernard cho biết đó là cái đặc biệt của vùng Đông Bá Linh, cứ nhìn vào đèn lưu thông ấy thì sẽ biết đâu là Đông và đâu là Tây Bá Linh trước kia. Mặc dù sau nhiều năm đã xóa bỏ ranh giới và thống nhất, người ta vẫn giữ lại như là những chứng tích cùng kỷ niệm của một thời ở Thủ đô nầy. Xe đi qua chiếc cầu mà trên sông phía tay trái có tượng mấy người bằng kim loại được dựng ở đó trông lạ mắt và Bernard cho biết là tượng Molecule Man. Vừa khỏi cầu xe quẹo trái, rồi đi một đoạn khá xa qua một số vách tường cao trên đó có các tranh vẽ của những họa sĩ đường phố. Tôi không thấy các tranh ấy đẹp mà có vẽ “dơ dáy, mất thẩm mỹ” hơn là tài nghệ của họ. Chắc quan niệm của tôi quá hẹp hòi, cổ lỗ khi tôi thấy các nét vẽ nguệch ngoạc, những chữ không ra gì được tay nghề tập sự, bậy bạ trên các nét đẹp đẽ, tinh khôi ở các công trình mà người ta cố làm đẹp cho công chúng chiêm ngưỡng. Còn những họa sĩ lão luyện sao không tạo thành tích gì cho chính mình mà phải mượn cái vách nhà, vách phố, hàng rào, hay những công trình công cộng mà “phóng uế” lên đó. Hiện tượng hay phong trào đó không phải chỉ có ở những đất nước kém cỏi mà cũng phát triển mạnh ở các quốc gia được gọi là phát triển: Không biết đó là nghệ thuật hay là sự phá phách của tuổi trẻ trong thời gian phát triển với một năng lực bùng nổ trong một cơ thể đang bừng dậy! Xe đậu vào một khoảng đường ngắn và kế bên người ta đang xây dựng một công trình gì đó và bên kia là văn phòng của hãng xe BMW. Bernard cho biết là sẽ dẫn chúng tôi tham quan East Side Gallery nằm trên đường Muhlenstrasse. Thì ra các đoạn tường có hình vẽ lại chính là các đoạn của bức tường Bá Linh còn giữ lại như là chứng tích bảo tàng của một thời ngăn cách của Thủ đô nầy qua hai chế độ Tự Do và Cộng Sản. Bây giờ khoảng 12 giờ trưa. Du khách đến đây cũng nhiều, người ta chú ý đến vách tường hơn là những hình vẽ. Bức tường bằng bê tông cao chắc hơn 3 thước, bề dầy khoảng gang tay, đoạn nầy nằm cạnh bờ sông mà bên bờ bên kia là Tây Bá Linh ngày trước, nếu tôi nhớ không lầm thì bức tường nầy trước kia được gọi là “Bức tường ô nhục” của Thành phố Bá Linh! Tất nhiên du khách đến đây là để ngắm nhìn, xem xét, chụp hình cái công trình lẫn suy ngẫm về cái thời đã qua của Đông Đức và Đông Bá Linh. Theo bảng chi tiết ghi nhớ thì bức tường được dựng lên từ năm 1961 và coi như “sụp đổ” vào tháng tháng 11 năm 1989 để chấm dứt vai trò của nó trong lịch sử và đánh dấu nước Đức thống nhất sau đó, tương đối gọi là hòa bình chứ không bằng chiến tranh “tàn khốc”, và khác hơn nữa là nước Đức trở thành nước “Tự Do” chứ không phải là “Cộng Sản” như ở Việt Nam! Còn một nước thứ ba chia đôi mãi đến tận ngày nay chưa đi tới đâu đó là nước Triều Tiên (tên cũ ngày xưa là Cao Ly) mà phía Nam gọi là Đại Hàn và phía Bắc được gọi là Bắc Triều Tiên!

Bức tường Bá Linh.

Bức tường Bá Linh.

Thế rồi đang trong lúc tôi còn ôn về những ký ức của thời bé thơ thì xe đã ngừng lại bên lề đường và chúng tôi phải xuống xe đi bộ, nhìn lại đồng hồ thì đã là hơn 12 giờ 30. Chúng tôi đi ăn trưa ở một nhà hàng Tàu (Ming Dynastie) trong khu vực nầy mà đoàn người đã đi ngang qua tòa Đại Sứ Trung Quốc ở một góc đường.

Sau khoảng một tiếng đồng hồ ăn trưa đoàn quay trở lại xe để tiếp tục cuộc hành trình trong ngày, lúc nầy chúng tôi có thêm sự hướng dẫn của một Bà phụ lực với Bernard để đưa chúng tôi đi. Xe di chuyển vòng trong Thành phố và bà Hướng Dẫn thuyết minh những nơi mà chúng tôi đi qua như St.Nicolas’ Church, Nhà thờ lớn Berlin (Berliner Dom), Tháp Truyền Hình cao 368 m có nhà hàng xoay ở độ 207 m, City Hall, Berlin Palace, Đại Học Humbold… Đến khoảng 2 giờ 30 thì chúng tôi lại được xuống xe để đi tham quan ở một nơi khác. Thì ra tôi đã hiểu rồi, không như ngày trước trong một tour Tây Âu khi đoàn vừa tới phi trường Hòa lan thì có người hướng dẫn đã đón từ ngay phi trường cùng xe buýt để đoàn nhập ngay vào tour với sự hướng dẫn lẫn thuyết minh của anh chàng dẫn tour người Singapore làm việc cho công ty cũng người Hoa ở Luôn Đôn trong suốt chuyến. Lần nầy, có thay đổi như tôi đã thấy, Bernard đón đoàn chúng tôi từ phi trường Domodedovo ở Nga, nhưng sau đó thì có người Hướng Dẫn Viên địa phương phụ giúp Bernard để đưa đoàn đi tham quan các nơi cũng như thuyết minh cho chúng tôi những gì của địa phương hay Thành phố mà chúng tôi nên biết, mặc dù chúng tôi không hiểu nhiều do vấn đề ngôn ngữ yếu kém của mình lẫn lo nhìn, quan sát, quay phim, chụp hình hay lơ đãng chẳng chú tâm. Tất nhiên người Hướng Dẫn lần nầy là người Đức, giỏi Tiếng Anh để có thể giải thích, giới thiệu những gì cho du khách biết. Có lẽ Bà làm cho một hãng du lịch nào đó ở Thành phố Berlin nầy mà công ty của anh Chánh lẫn công ty của Bernard ăn chịu với nhau.

Bà đưa chúng tôi xuống một đường hầm, đi vào một phòng trong đó có màn ảnh và mở màn ảnh để giới thiệu những thông tin trong lịch sử qua đoạn vidéo về bức tường được gọi là “ô nhục” nầy. Đến nay tôi mới thấy được rõ ràng về những hình ảnh, chứ trong quá khứ dù tôi cũng được đọc chút ít trên báo chí hay nghe người lớn “bàn tán” về nó khá nhiều. Đại khái nước Đức bị chia đôi sau Thế Chiến Thứ Hai với sự sụp đổ của Hitler và chế độ Phát Xít thành Đông Đức và Tây Đức, nhưng Thủ Đô cũng lại chia đôi nhưng Tây Bá Linh lại nằm hẳn trong phần Đông Đức. Nó được giao thương với Tây Đức qua giao lộ trên đất liền băng qua lãnh thổ Đông Đức, nên có nhiều rắc rối xảy ra. Nga và Chính quyền Đông Đức nhiều lúc lại chặn tuyến đường bộ, cô lập Tây Bá Linh khiến Mỹ, Anh và Pháp lập cầu không vận để tiếp tế cho phần Tây Bá Linh. Và vì do sự kiểm soát hà khắc của chế độ, người dân Đông Đức cùng đào thoát với dân Đông Bá Linh để tìm một sự sống thoải mái hơn ở phần phía Tây. Theo tài liệu thì có khoảng 2 triệu 6 rời bỏ khu vực và khoảng 5,000 người vượt bức tường trong đó có chừng 86 đến 200 người đã chết! Điều nầy khiến tôi lại nhớ về thân phận của chúng tôi cũng như người dân của nhiều nước khác mà chúng tôi đã gặp nhau trên xứ lạ quê người như Ba lan, Nga, Tân Cương, Tàu, Lào, Kampuchia, kể cả vài quốc gia ở Trung Mỹ.

Brandenburg Tor.


Sau khi khái quát về hình ảnh của video, Bà hướng dẫn đoàn đi lên đường hầm qua các bậc thềm. Khoảng trống phía trước là quảng trường rộng, phía xa kia là cái cổng tượng trưng cho Thành Phố Berlin có tên là Brandenburg Tor. Đứng ở quảng trường nầy tôi lại hình dung về hình ảnh của quân đội Hitler rầm rộ trong các cuốn phim tài liệu được làm về Chế độ của ông ta cùng trận Đệ Nhị Thế Chiến. Chúng tôi được ha hồ quan sát, chụp hình, quay phim nơi đây khoảng 15 phút. Một điều thú vị là trong khoảnh khắc nầy lại có một người đàn ông trần truồng đứng khoe mình trên một khung cao gần cổng. Tôi cũng từng thấy những bức điêu khắc khỏa thân lộ thiên được trưng bày vài nơi vừa của đàn bà lẫn đàn ông để làm cảnh đẹp, hay nghệ thuật cho địa phương, nhưng hôm nay là hình ảnh sống động của một con người. Ở xứ Tây người ta thoải mái, không bị gò bó, họ thích làm những gì họ muốn. Cũng may hình ảnh ấy không được vào hình ảnh đẹp lưu niệm của bọn chúng tôi, nhưng trong clip vidéo thì tất nhiên là hẳn có rồi!

Sau gần nửa tiếng đồng hồ, đoàn chúng tôi lại lần lượt kéo nhau lên xe buýt trở lại để tiếp tục cuộc hành trình trong city của Thành Phố Berlin như là một chuyến “City Tour”.

 

Nguyên Thảo,

06/09/2020.

 

 

  


* Quê Người! (35)

 

Thế là, trong những giờ rỗi rảnh tôi thường lấy xe của Thành ra phía sân cỏ sau nhà mà tập nổ, tắt máy; đạp ămbada, vô số, trả số, đạp thắng nguội tức là trong lúc không nổ máy cho nhuần nhuyễn, đến khi tay chân không còn bị lướng vướng mới thôi, vì những điều kiện đó là tiên quyết. Giống như ngày xưa khi mới bắt đầu học lái xe gắn máy tôi đã dùng phương pháp ấy để học. Huynh, Trí đến chơi nói mình tập xe số tay thì có phần vất vả hơn xe tự động nhiều, nhưng nó có thuận lợi về sau là nếu mình phải đi làm trên núi thì xe mạnh và bền, không yếu nhanh như xe tự động. Với xe tự động vì không phải bận rộn chuyện ămbada, đạp thắng, sang số nên việc tập sẽ có nhiều đơn giản. Tôi ráng tập không lâu thì đã có thể điều khiển xe chạy tới hoặc lui lại tương đối không gặp trở ngại nào. Có lẽ do tôi thường xuyên nổ máy xe khiến ông chủ nhà của chúng tôi ở phía sau nghe lạ nên ông nhìn qua thấy và ông khuyến khích: Ừ! Thì mầy cứ tập đi, cỏ có chết cũng không sao, tao sẽ cho nước mầy tưới để cho nó lên, tao có một “bore” (giếng đóng) ở phía sau nhà. Từ đó tôi mạnh dạn hơn trong việc tập lái bằng xe của Thành mà không phải đụng đến xe Trọng, tuy vậy khi đi ra ngoài tập lái trên đường thì vẫn là xe của Trọng.

Lớp học Tiếng Anh đã đi vào kết thúc, chị Hương và Bác Vỹ, bác Phương cùng nhiều người đồng ý tổ chức tiệc mãn khóa ở nhà chị gần nhà tôi đang ở. Ngày chia tay chúng tôi hùn tiền lại mua một bộ đồ trà lưu niệm cho Thầy Paul. Sau khóa học nầy trung tâm Pennington không còn lớp chính thức ở đó nữa, nếu ai muốn học tiếp thì phải ra ngoài Trung Tâm Rundle Mall của Thành phố Adelaide. Riêng tôi thì chưa tính là học thêm hay không vì nhu cầu về tiền bạc mới là chuyện chính yếu. Tôi cũng cần có tiền cho mình lẫn cho gia đình nữa, mà về năng khiếu ngôn ngữ mình đã không có, thì học nhiều chắc tiến bộ chẳng được bao nhiêu, nên tôi lưỡng lự trong con đường học để làm thông dịch. Trong ngày tiệc tôi hỏi Thầy Paul tại sao Tiểu bang Nam Úc nầy được gọi là Tiểu bang Lễ Hội (Festival State) thì Thầy cho biết là mỗi tiểu bang tự chọn một Danh hiệu tiêu biểu đặt cho Tiểu bang của mình như: Tiểu Bang New South Wales là Tiểu bang đầu tiên họ lấy là Premier State; còn Victoria là Garden State; Nam Úc chắc có nhiều Lễ Hội, và người già thích về đây sống nhiều do không gian yên tĩnh, không náo nhiệt, nên họ chọn là Festival State; giống như Queenland đã chọn là Sunshine State bởi nơi đó nhiều nắng ấm. Từ những giải thích ấy tôi lại nhớ về Cô Giang là cô nàng mà tôi đã gặp bên trại Tị nạn Sungai Besi (cô cùng chung list về Adelaide với tôi và sau mấy ngày làm làm thủ tục giấy tờ xong thì cô đã chuyển về Sydney với người thân) đã nói lúc trước: “Mấy ông về Adelaide giống như đi vào viện dưỡng lão”. Thì ra bây giờ tôi mới hiểu rõ điều cô nói là vì lý do như vậy, giống như có vài người đã so sánh Sydney tương tự Sài Gòn, còn Adelaide như là Thành phố Cần Thơ của Việt Nam. Chứ từ ngày đến Thành Phố Adelaide nầy tôi đâu thấy nó có toàn là người già, nó đâu “quê mùa” đâu. Đối với người dân ở trong quê, làng xã như tôi từ trước thì Adelaide nầy là Thành phố quá đi chứ, có thể là nó không náo nhiệt, năng động giống những Thành Phố đông dân khác như ở Sydney hay Melbourne. Và tôi cũng đã nghe nói ở những thành phố đông dân đó, nhiều người Việt mình lo chạy theo cuộc sống, việc làm nên con cái đã vướng vào nhiều tệ nạn, khiến cho các bậc cha mẹ phải đau đầu, vì thế có nhiều người đã phải chuyển về Thành Phố Adelaide nầy để sinh sống. Điều nầy khiến cho tôi phải có nhiều suy tư, trong khi Trọng lại muốn sau nầy nó sẽ lên Thành Phố Sydney và Thành thì lại muốn đến Melbourne, tôi nghĩ có lẽ tôi phải chọn Thành phố nầy mãi khi vợ con đến rồi sẽ tính sau.

Nhưng chuyện trước mắt là tôi phải cố gắng tập lái xe cái đã, vì ở xứ nầy phương tiện đi lại không phải là chiếc xe đạp hay gắn máy, mà là một chiếc xe hơi. Với xe hơi thì phải tốn nhiều thứ tiền: Vừa xe, vừa xăng, bảo hiểm, thuế đường, bão trì, sửa xe… Cho nên tôi ráng với sự giúp đỡ của Trọng.

Trong khoảng thời gian nầy Trọng cũng đang rỗi rảnh vì công việc làm trên núi đã hết, nên Trọng tập cho tôi lái xe thường xuyên hơn. Còn Thành thì phải đợi cuối tuần vì nó bận đi làm hãng tiện gần City. Cái khó của tập lái xe là “de cọc”. Điều nầy khiến cho tôi phải về nhà tập de nhiều hơn ở sân sau nhà bằng xe của Thành. Tôi de đến đỗi cỏ trên sân chết khá nhiều. Một hôm ông chủ nhà qua chơi thấy như vậy ông cười và kéo dây từ giếng nước của ông qua tưới, nhưng khi tay bị ướt và tôi lại quẹt qua miệng thì nước mặn như là nước biển, thế là đành ngưng không tưới nữa.

Lần nọ sau lần tập lái, Trọng nói: “Tao thấy mầy thi lấy bằng được rồi, thôi để tao chở mầy đi ‘book’ ngày thi luôn”. Tôi chần chờ: “Tao nghĩ để từ từ thêm vài ngày nữa”, nhưng Trọng nói tới đó là vừa, thế là tôi phải nghe theo Trọng. Trọng nghĩ là nó đang rảnh có thể giúp tôi nhanh hơn để sau đó tới thằng Thành. Tới ngày, Trọng đưa tôi đến chỗ đăng bộ xe để thi. Cũng may tôi đã vượt qua được kỳ khảo thí đó, nắm trong tay bằng tạm đợi chờ bằng chính thức gởi về, tôi cảm thấy mình qua được một cửa ải khác ở trên quê người! Bây giờ tôi phải dần dần sắm một chiếc xe, từ nay tôi tạm sử dụng xe của thằng Thành. Một mai nó lấy bằng P xong thì tôi trả xe lại cho nó! Và trong thời gian nầy tôi không còn dự khóa học Anh Văn toàn thời nữa, mà chỉ ghi học ở một lớp đêm ở đằng The Parks Community. Lớp chỉ hai đêm trong tuần. Thế là từ nay chúng tôi gồm Bác Vỹ, Bác Phương, Kim, Liêm, Phương, Huệ, chú Nhiệm, Mẫn, Tú Lâm mỗi người mỗi ngã để mình tự lo cho cuộc sống, ít khi gặp lại nhau! Kể cả những người chung list học Anh Văn lớp bên kia là lớp của Thành. Rồi Thành cũng book thi bằng P và đã đậu, nhưng khi đi làm nó vẫn còn muốn đi xe đạp nên tôi chưa gấp gáp để mua xe, vì thế tôi cố gắng gom góp mua thêm vài món đồ để gởi về cho gia đình cùng đợt với Trọng, chị Yến lẫn Thành. Thành gởi về cho ba má, còn tôi gởi về cho vợ con. Hi vọng với chút quà ấy giúp cho gia đình đỡ túng bấn trong hoàn cảnh kinh tế ngặt nghèo trong thời Xã Hội Chủ Nghĩa.

Từ ngày có được bằng P, tôi và Thành tương đối rộng đường hơn, khi muốn đi đâu thì không phải tốn nhiều thời gian để đón xe buýt hay Trọng chỡ đi, không bị lệ thuộc vào thời tiết nóng hay lạnh. Theo những người tới trước thì thường khi có người quen nên họ thường rủ nhau chơi “hụi” nói theo tiếng miền Nam hoặc “họ” theo ngôn ngữ miền Bắc mỗi tháng 100 đô hay là 200, nhằm góp vốn để khi nào cần thì người ta “hốt” mà mua xe tương đối khá hơn để đi làm. Trọng có nêu ý kiến nhưng tôi chưa có ý định vì mình còn cần chi vài vấn đề cần thiết và nhất là gấp rút chi cho gia đình trong thời gian đầu khá vững vàng rồi sẽ tính sau.

Có chuyện khá tức cười là chuyện đi hớt tóc. Từ ngày ở trên đảo đa số thường không có tiền nên người ta thường giúp nhau để cắt tóc coi cho được, chỉ cần một cái dao lam và cái lược là người ta có thể xén tóc dùm cho nhau. Lúc đó tôi may mắn được ở chung với vợ chồng Anh Thành, chị Dung ngày xưa họ ở Sài Gòn làm cho tiệm Thanh Thảo nào đó thương tình mà cắt dùm đôi lần dù tôi không dám nhờ. Rồi tôi rời đảo trước họ khi sang Besi thì trở lại con đường xưa là mấy đứa giúp nhau bằng cái dao lam, thì sang đến cái xứ Úc nầy vì không rành chuyện gì cả nên tự mình mua dao lam và cái kẹp có bán sẵn ở siêu thị về mà tự cắt qua cái gương. Tất nhiên là chỗ nhiều chỗ ít không giống ai, thế mà cũng chẳng có ai chê. Cứ thế mà làm! Đến một hôm Trọng chở chị Yến đi uốn tóc ở đằng tiệm ông Xuân nào đó, thấy người ta hớt tóc cho nam cũng được, Trọng rủ tôi đi. Hớt xong hai đứa về nhìn nhau cứ cười! Cũng may là tóc của tôi dù nhiều, mau ra; nhưng càng lớn thì nó ra chậm lại nên không cần mười bữa nửa tháng phải hớt giống như thời còn con nít. Không ngờ ở Việt Nam cái nghề hớt tóc không kiếm được nhiều tiền, vậy mà ở xứ người làm nghề hớt tóc tương đối gọi là khá giả và nhàn nhã nữa! Thực là “tréo cẳng ngỗng”! Cũng vậy ở xứ mình rau muống, ổi, xoài, … muối mắm thì rẽ, nhưng sang xứ nầy thì chúng lại mắc; còn táo, lê, nho thì rẽ. Nói chung những sản phẩm nhiệt đới trở nên mắc mỏ và sản phẩm vùng ôn đới thì rẽ. Điều ngộ nhất là người Việt của mình: Ở trong nước thì thích tìm đồ ngoại để xài, nhưng khi ra ngoài nầy thì lại tìm hàng trong nước. Không biết đó là sở thích, lập dị hay do “lòng yêu nước”, hoặc là tinh thần “hướng ngoại”? Tôi cũng không đoán ra được, thôi đành chịu thua!

Ngày nọ, tôi đi đến nhà bạn chơi vừa về Trọng cho hay là dưới Port Adelaide Community gởi thư báo là tuần tới sẽ đi học khoá “fork lift” vì khóa có đủ người, và nó cũng cho hay là sáng nay nó đã đi nộp đơn xin việc trên hãng xe hơi Holden rồi, vì theo ý nó làm trên núi công việc chỉ theo mùa như trong thời gian nầy không có bao nhiêu công việc, làm bữa có bữa không, không có bao nhiêu tiền, thôi thì đi kiếm công việc ổn định hơn!

Một tuần qua mau thật! Thoáng chốc thì đã tới ngày đi học fork lift. Trước tiên Trọng chỡ tôi xuống văn phòng Trung tâm Cộng Đồng Port Adelaide, tất cả học viên đều tập trung ở đó, gồm có 8 người với 5 người từ các sắc dân khác và Trọng, tôi với Hòa. Hòa có quen với Trọng. Sau khi nhân viên văn phòng giới thiệu Thầy dạy và bàn giao học viên xong thì Thầy dẫn chúng tôi đi tới một kho hàng ở bến tàu gần đó với hai chiếc fork lift. Thầy hướng dẫn hai đội, mỗi đội gồm 4 người luân phiên sử dụng một chiếc fork lift. Tất nhiên trong đội Trọng, tôi, Hòa thì Trọng là người chủ yếu vì khá Tiếng Anh, Trọng giải thích lại những gì mà tôi, Hòa không hiểu rõ. Đó là cái cách mà chúng tôi làm trên đất khách quê người. Trừ những trường hợp tiếp xúc cá nhân thì phải cố gắng nghe và hiểu khi tiếp xúc với người Úc hay sắc dân khác bằng Tiếng Anh, còn những trường hợp đi đông thì ráng cùng nhau nghe để hiểu, mỗi người nghe một ít, ai hiểu được nhiều thì giải thích lại cho người hiểu ít để làm đúng công việc được giao. Chuyện học ngoại ngữ không dễ dàng gì, trong một câu chỉ không hiểu được một chữ cũng khiến cho mình khó có thể hiểu được toàn nghĩa của nó, mà tôi lại không có trí nhớ tốt, không có khiếu thì việc học lại càng khó khăn hơn. Qua một ngày, chúng tôi cũng tạm gọi là hiểu về cơ bản cách điều khiển một chiếc fork lift. Sang ngày thứ hai thực hành nhiều hơn: Chạy tới, chạy lui, cách tới để lấy hàng, nâng lên, để xuống sao cho an toàn. Xong ngày về nhà Trọng nhận thư báo của hãng xe Holden nhận đi làm, kêu lên hãng để làm thủ tục và nhận đồ chuẩn bị đi làm. Thế là trong toán 4 người bây giờ chỉ còn 3. Hòa chở tôi đi trong những ngày còn lại. Vào ngày chót nhằm ngày thứ sáu, Thầy đưa cho Hòa và tôi những câu hỏi kêu chúng tôi về nhà làm và trong tuần sau lúc nào đem nộp cũng được. Trọng cũng bắt đầu đi làm vào tuần sau với nhiệm vụ là thợ sơn ở phân xưởng sơn cho xe của hãng Holden.

 

Nguyên Thảo,

16/08/2020.