Thursday, September 10, 2020

* Quê Người! (35)

 

Thế là, trong những giờ rỗi rảnh tôi thường lấy xe của Thành ra phía sân cỏ sau nhà mà tập nổ, tắt máy; đạp ămbada, vô số, trả số, đạp thắng nguội tức là trong lúc không nổ máy cho nhuần nhuyễn, đến khi tay chân không còn bị lướng vướng mới thôi, vì những điều kiện đó là tiên quyết. Giống như ngày xưa khi mới bắt đầu học lái xe gắn máy tôi đã dùng phương pháp ấy để học. Huynh, Trí đến chơi nói mình tập xe số tay thì có phần vất vả hơn xe tự động nhiều, nhưng nó có thuận lợi về sau là nếu mình phải đi làm trên núi thì xe mạnh và bền, không yếu nhanh như xe tự động. Với xe tự động vì không phải bận rộn chuyện ămbada, đạp thắng, sang số nên việc tập sẽ có nhiều đơn giản. Tôi ráng tập không lâu thì đã có thể điều khiển xe chạy tới hoặc lui lại tương đối không gặp trở ngại nào. Có lẽ do tôi thường xuyên nổ máy xe khiến ông chủ nhà của chúng tôi ở phía sau nghe lạ nên ông nhìn qua thấy và ông khuyến khích: Ừ! Thì mầy cứ tập đi, cỏ có chết cũng không sao, tao sẽ cho nước mầy tưới để cho nó lên, tao có một “bore” (giếng đóng) ở phía sau nhà. Từ đó tôi mạnh dạn hơn trong việc tập lái bằng xe của Thành mà không phải đụng đến xe Trọng, tuy vậy khi đi ra ngoài tập lái trên đường thì vẫn là xe của Trọng.

Lớp học Tiếng Anh đã đi vào kết thúc, chị Hương và Bác Vỹ, bác Phương cùng nhiều người đồng ý tổ chức tiệc mãn khóa ở nhà chị gần nhà tôi đang ở. Ngày chia tay chúng tôi hùn tiền lại mua một bộ đồ trà lưu niệm cho Thầy Paul. Sau khóa học nầy trung tâm Pennington không còn lớp chính thức ở đó nữa, nếu ai muốn học tiếp thì phải ra ngoài Trung Tâm Rundle Mall của Thành phố Adelaide. Riêng tôi thì chưa tính là học thêm hay không vì nhu cầu về tiền bạc mới là chuyện chính yếu. Tôi cũng cần có tiền cho mình lẫn cho gia đình nữa, mà về năng khiếu ngôn ngữ mình đã không có, thì học nhiều chắc tiến bộ chẳng được bao nhiêu, nên tôi lưỡng lự trong con đường học để làm thông dịch. Trong ngày tiệc tôi hỏi Thầy Paul tại sao Tiểu bang Nam Úc nầy được gọi là Tiểu bang Lễ Hội (Festival State) thì Thầy cho biết là mỗi tiểu bang tự chọn một Danh hiệu tiêu biểu đặt cho Tiểu bang của mình như: Tiểu Bang New South Wales là Tiểu bang đầu tiên họ lấy là Premier State; còn Victoria là Garden State; Nam Úc chắc có nhiều Lễ Hội, và người già thích về đây sống nhiều do không gian yên tĩnh, không náo nhiệt, nên họ chọn là Festival State; giống như Queenland đã chọn là Sunshine State bởi nơi đó nhiều nắng ấm. Từ những giải thích ấy tôi lại nhớ về Cô Giang là cô nàng mà tôi đã gặp bên trại Tị nạn Sungai Besi (cô cùng chung list về Adelaide với tôi và sau mấy ngày làm làm thủ tục giấy tờ xong thì cô đã chuyển về Sydney với người thân) đã nói lúc trước: “Mấy ông về Adelaide giống như đi vào viện dưỡng lão”. Thì ra bây giờ tôi mới hiểu rõ điều cô nói là vì lý do như vậy, giống như có vài người đã so sánh Sydney tương tự Sài Gòn, còn Adelaide như là Thành phố Cần Thơ của Việt Nam. Chứ từ ngày đến Thành Phố Adelaide nầy tôi đâu thấy nó có toàn là người già, nó đâu “quê mùa” đâu. Đối với người dân ở trong quê, làng xã như tôi từ trước thì Adelaide nầy là Thành phố quá đi chứ, có thể là nó không náo nhiệt, năng động giống những Thành Phố đông dân khác như ở Sydney hay Melbourne. Và tôi cũng đã nghe nói ở những thành phố đông dân đó, nhiều người Việt mình lo chạy theo cuộc sống, việc làm nên con cái đã vướng vào nhiều tệ nạn, khiến cho các bậc cha mẹ phải đau đầu, vì thế có nhiều người đã phải chuyển về Thành Phố Adelaide nầy để sinh sống. Điều nầy khiến cho tôi phải có nhiều suy tư, trong khi Trọng lại muốn sau nầy nó sẽ lên Thành Phố Sydney và Thành thì lại muốn đến Melbourne, tôi nghĩ có lẽ tôi phải chọn Thành phố nầy mãi khi vợ con đến rồi sẽ tính sau.

Nhưng chuyện trước mắt là tôi phải cố gắng tập lái xe cái đã, vì ở xứ nầy phương tiện đi lại không phải là chiếc xe đạp hay gắn máy, mà là một chiếc xe hơi. Với xe hơi thì phải tốn nhiều thứ tiền: Vừa xe, vừa xăng, bảo hiểm, thuế đường, bão trì, sửa xe… Cho nên tôi ráng với sự giúp đỡ của Trọng.

Trong khoảng thời gian nầy Trọng cũng đang rỗi rảnh vì công việc làm trên núi đã hết, nên Trọng tập cho tôi lái xe thường xuyên hơn. Còn Thành thì phải đợi cuối tuần vì nó bận đi làm hãng tiện gần City. Cái khó của tập lái xe là “de cọc”. Điều nầy khiến cho tôi phải về nhà tập de nhiều hơn ở sân sau nhà bằng xe của Thành. Tôi de đến đỗi cỏ trên sân chết khá nhiều. Một hôm ông chủ nhà qua chơi thấy như vậy ông cười và kéo dây từ giếng nước của ông qua tưới, nhưng khi tay bị ướt và tôi lại quẹt qua miệng thì nước mặn như là nước biển, thế là đành ngưng không tưới nữa.

Lần nọ sau lần tập lái, Trọng nói: “Tao thấy mầy thi lấy bằng được rồi, thôi để tao chở mầy đi ‘book’ ngày thi luôn”. Tôi chần chờ: “Tao nghĩ để từ từ thêm vài ngày nữa”, nhưng Trọng nói tới đó là vừa, thế là tôi phải nghe theo Trọng. Trọng nghĩ là nó đang rảnh có thể giúp tôi nhanh hơn để sau đó tới thằng Thành. Tới ngày, Trọng đưa tôi đến chỗ đăng bộ xe để thi. Cũng may tôi đã vượt qua được kỳ khảo thí đó, nắm trong tay bằng tạm đợi chờ bằng chính thức gởi về, tôi cảm thấy mình qua được một cửa ải khác ở trên quê người! Bây giờ tôi phải dần dần sắm một chiếc xe, từ nay tôi tạm sử dụng xe của thằng Thành. Một mai nó lấy bằng P xong thì tôi trả xe lại cho nó! Và trong thời gian nầy tôi không còn dự khóa học Anh Văn toàn thời nữa, mà chỉ ghi học ở một lớp đêm ở đằng The Parks Community. Lớp chỉ hai đêm trong tuần. Thế là từ nay chúng tôi gồm Bác Vỹ, Bác Phương, Kim, Liêm, Phương, Huệ, chú Nhiệm, Mẫn, Tú Lâm mỗi người mỗi ngã để mình tự lo cho cuộc sống, ít khi gặp lại nhau! Kể cả những người chung list học Anh Văn lớp bên kia là lớp của Thành. Rồi Thành cũng book thi bằng P và đã đậu, nhưng khi đi làm nó vẫn còn muốn đi xe đạp nên tôi chưa gấp gáp để mua xe, vì thế tôi cố gắng gom góp mua thêm vài món đồ để gởi về cho gia đình cùng đợt với Trọng, chị Yến lẫn Thành. Thành gởi về cho ba má, còn tôi gởi về cho vợ con. Hi vọng với chút quà ấy giúp cho gia đình đỡ túng bấn trong hoàn cảnh kinh tế ngặt nghèo trong thời Xã Hội Chủ Nghĩa.

Từ ngày có được bằng P, tôi và Thành tương đối rộng đường hơn, khi muốn đi đâu thì không phải tốn nhiều thời gian để đón xe buýt hay Trọng chỡ đi, không bị lệ thuộc vào thời tiết nóng hay lạnh. Theo những người tới trước thì thường khi có người quen nên họ thường rủ nhau chơi “hụi” nói theo tiếng miền Nam hoặc “họ” theo ngôn ngữ miền Bắc mỗi tháng 100 đô hay là 200, nhằm góp vốn để khi nào cần thì người ta “hốt” mà mua xe tương đối khá hơn để đi làm. Trọng có nêu ý kiến nhưng tôi chưa có ý định vì mình còn cần chi vài vấn đề cần thiết và nhất là gấp rút chi cho gia đình trong thời gian đầu khá vững vàng rồi sẽ tính sau.

Có chuyện khá tức cười là chuyện đi hớt tóc. Từ ngày ở trên đảo đa số thường không có tiền nên người ta thường giúp nhau để cắt tóc coi cho được, chỉ cần một cái dao lam và cái lược là người ta có thể xén tóc dùm cho nhau. Lúc đó tôi may mắn được ở chung với vợ chồng Anh Thành, chị Dung ngày xưa họ ở Sài Gòn làm cho tiệm Thanh Thảo nào đó thương tình mà cắt dùm đôi lần dù tôi không dám nhờ. Rồi tôi rời đảo trước họ khi sang Besi thì trở lại con đường xưa là mấy đứa giúp nhau bằng cái dao lam, thì sang đến cái xứ Úc nầy vì không rành chuyện gì cả nên tự mình mua dao lam và cái kẹp có bán sẵn ở siêu thị về mà tự cắt qua cái gương. Tất nhiên là chỗ nhiều chỗ ít không giống ai, thế mà cũng chẳng có ai chê. Cứ thế mà làm! Đến một hôm Trọng chở chị Yến đi uốn tóc ở đằng tiệm ông Xuân nào đó, thấy người ta hớt tóc cho nam cũng được, Trọng rủ tôi đi. Hớt xong hai đứa về nhìn nhau cứ cười! Cũng may là tóc của tôi dù nhiều, mau ra; nhưng càng lớn thì nó ra chậm lại nên không cần mười bữa nửa tháng phải hớt giống như thời còn con nít. Không ngờ ở Việt Nam cái nghề hớt tóc không kiếm được nhiều tiền, vậy mà ở xứ người làm nghề hớt tóc tương đối gọi là khá giả và nhàn nhã nữa! Thực là “tréo cẳng ngỗng”! Cũng vậy ở xứ mình rau muống, ổi, xoài, … muối mắm thì rẽ, nhưng sang xứ nầy thì chúng lại mắc; còn táo, lê, nho thì rẽ. Nói chung những sản phẩm nhiệt đới trở nên mắc mỏ và sản phẩm vùng ôn đới thì rẽ. Điều ngộ nhất là người Việt của mình: Ở trong nước thì thích tìm đồ ngoại để xài, nhưng khi ra ngoài nầy thì lại tìm hàng trong nước. Không biết đó là sở thích, lập dị hay do “lòng yêu nước”, hoặc là tinh thần “hướng ngoại”? Tôi cũng không đoán ra được, thôi đành chịu thua!

Ngày nọ, tôi đi đến nhà bạn chơi vừa về Trọng cho hay là dưới Port Adelaide Community gởi thư báo là tuần tới sẽ đi học khoá “fork lift” vì khóa có đủ người, và nó cũng cho hay là sáng nay nó đã đi nộp đơn xin việc trên hãng xe hơi Holden rồi, vì theo ý nó làm trên núi công việc chỉ theo mùa như trong thời gian nầy không có bao nhiêu công việc, làm bữa có bữa không, không có bao nhiêu tiền, thôi thì đi kiếm công việc ổn định hơn!

Một tuần qua mau thật! Thoáng chốc thì đã tới ngày đi học fork lift. Trước tiên Trọng chỡ tôi xuống văn phòng Trung tâm Cộng Đồng Port Adelaide, tất cả học viên đều tập trung ở đó, gồm có 8 người với 5 người từ các sắc dân khác và Trọng, tôi với Hòa. Hòa có quen với Trọng. Sau khi nhân viên văn phòng giới thiệu Thầy dạy và bàn giao học viên xong thì Thầy dẫn chúng tôi đi tới một kho hàng ở bến tàu gần đó với hai chiếc fork lift. Thầy hướng dẫn hai đội, mỗi đội gồm 4 người luân phiên sử dụng một chiếc fork lift. Tất nhiên trong đội Trọng, tôi, Hòa thì Trọng là người chủ yếu vì khá Tiếng Anh, Trọng giải thích lại những gì mà tôi, Hòa không hiểu rõ. Đó là cái cách mà chúng tôi làm trên đất khách quê người. Trừ những trường hợp tiếp xúc cá nhân thì phải cố gắng nghe và hiểu khi tiếp xúc với người Úc hay sắc dân khác bằng Tiếng Anh, còn những trường hợp đi đông thì ráng cùng nhau nghe để hiểu, mỗi người nghe một ít, ai hiểu được nhiều thì giải thích lại cho người hiểu ít để làm đúng công việc được giao. Chuyện học ngoại ngữ không dễ dàng gì, trong một câu chỉ không hiểu được một chữ cũng khiến cho mình khó có thể hiểu được toàn nghĩa của nó, mà tôi lại không có trí nhớ tốt, không có khiếu thì việc học lại càng khó khăn hơn. Qua một ngày, chúng tôi cũng tạm gọi là hiểu về cơ bản cách điều khiển một chiếc fork lift. Sang ngày thứ hai thực hành nhiều hơn: Chạy tới, chạy lui, cách tới để lấy hàng, nâng lên, để xuống sao cho an toàn. Xong ngày về nhà Trọng nhận thư báo của hãng xe Holden nhận đi làm, kêu lên hãng để làm thủ tục và nhận đồ chuẩn bị đi làm. Thế là trong toán 4 người bây giờ chỉ còn 3. Hòa chở tôi đi trong những ngày còn lại. Vào ngày chót nhằm ngày thứ sáu, Thầy đưa cho Hòa và tôi những câu hỏi kêu chúng tôi về nhà làm và trong tuần sau lúc nào đem nộp cũng được. Trọng cũng bắt đầu đi làm vào tuần sau với nhiệm vụ là thợ sơn ở phân xưởng sơn cho xe của hãng Holden.

 

Nguyên Thảo,

16/08/2020.

 

 

 


No comments:

Post a Comment