Thursday, September 10, 2020

*Sang Đức. (3)


Máy bay vào yên vị trí, đồng hồ chỉ đúng giờ mà lịch trình đã ấn định; nhưng chúng tôi còn phải trải qua thủ tục nhập cảnh từ nước Nga vào lãnh thổ Liên Minh Châu Âu để bắt đầu cho cuộc đi tới các nước còn lại. Hôm nay được đến vùng mà lúc nhỏ tôi đã đọc nhiều tin tức về nó qua sự “đọc ké" các tờ báo của nhà Cậu Ba Hưng, nhà sát vách với nhà ba má tôi. Nói đến đây khiến tôi nhớ đến chuyện từng bị thi rớt trong vài cuộc thi từ học bỗng ở lớp 3 đến lớp Đệ Thất của trường Trung học Trịnh Hoài Đức cũng vì những bài luận tương đối được xem là “lạc đề” do ảnh hưởng “hơi hướng” từ các tờ báo ấy, mặc dù Thầy Cô rất tin tưởng vào việc học của tôi. Có lẽ do vậy nên ngày nay tôi lại “được dịp viết” về những chuyện tào lao chăng? Tôi viết lan man nhiều vấn đề “không được định hướng”, chỉ là “buông lung” theo các đề tài “đụng đâu viết đấy” nhằm mua vui cho chính mình cùng độc giả!

Phi trường Schonefeld.


Đường từ trong phi trường ra đến ngoài chỗ đậu xe buýt khá xa, nên chuyện di chuyển các vali hành lý khá vất vả. Trong lúc đợi tài xế chất hành lý vào khoang xe, tôi lấy máy chụp và quay vài hình ảnh về phi trường nầy để làm kỷ niệm “Flughafen Berlin – Schonefeld”. Đoàn di chuyển đi vào lúc 11 giờ, như vậy qua các thủ tục chúng tôi chỉ tốn hơn 1 tiếng đồng hồ, được xem là gọn và nhanh. Bernard và Jennifer dẫn đoàn làm tôi cảm thấy như thiếu thốn một cái gì đó. À! Thì ra thiếu một người thứ ba như đã từng ở Moscow hay Saint Peterburg. Xe qua những con đường có bảng hướng dẫn bằng các mẫu tự Latin xem dễ chịu hơn là những mẫu tự Nga lúc trước (mà tôi chẳng đọc được gì lại càng thấy tối tăm mặt mày) mặc dù với chữ Đức tôi cũng chẳng biết được chữ nào! Cái khung cảnh bên ngoài thôn quê hay trên đường đi nầy cũng không khác lắm với bên Nga, chỉ có điều là thiếu các cây bạch dương. Xe dần đi vào trong Thành phố mà Bernard giới thiệu đây là khu thuộc Đông Đức hay là đã vào vùng Đông Bá linh trước kia. Tôi cố tìm sự khác biệt nhưng chỉ thấy một sự êm ả, hơi vắng lặng một chút thôi hay là bây giờ hãy còn sớm đối với Thành phố nầy! Đặc biệt là những đèn giao thông có hình dáng người đi ở đèn xanh và người đứng lại ở đèn đỏ. Bernard cho biết đó là cái đặc biệt của vùng Đông Bá Linh, cứ nhìn vào đèn lưu thông ấy thì sẽ biết đâu là Đông và đâu là Tây Bá Linh trước kia. Mặc dù sau nhiều năm đã xóa bỏ ranh giới và thống nhất, người ta vẫn giữ lại như là những chứng tích cùng kỷ niệm của một thời ở Thủ đô nầy. Xe đi qua chiếc cầu mà trên sông phía tay trái có tượng mấy người bằng kim loại được dựng ở đó trông lạ mắt và Bernard cho biết là tượng Molecule Man. Vừa khỏi cầu xe quẹo trái, rồi đi một đoạn khá xa qua một số vách tường cao trên đó có các tranh vẽ của những họa sĩ đường phố. Tôi không thấy các tranh ấy đẹp mà có vẽ “dơ dáy, mất thẩm mỹ” hơn là tài nghệ của họ. Chắc quan niệm của tôi quá hẹp hòi, cổ lỗ khi tôi thấy các nét vẽ nguệch ngoạc, những chữ không ra gì được tay nghề tập sự, bậy bạ trên các nét đẹp đẽ, tinh khôi ở các công trình mà người ta cố làm đẹp cho công chúng chiêm ngưỡng. Còn những họa sĩ lão luyện sao không tạo thành tích gì cho chính mình mà phải mượn cái vách nhà, vách phố, hàng rào, hay những công trình công cộng mà “phóng uế” lên đó. Hiện tượng hay phong trào đó không phải chỉ có ở những đất nước kém cỏi mà cũng phát triển mạnh ở các quốc gia được gọi là phát triển: Không biết đó là nghệ thuật hay là sự phá phách của tuổi trẻ trong thời gian phát triển với một năng lực bùng nổ trong một cơ thể đang bừng dậy! Xe đậu vào một khoảng đường ngắn và kế bên người ta đang xây dựng một công trình gì đó và bên kia là văn phòng của hãng xe BMW. Bernard cho biết là sẽ dẫn chúng tôi tham quan East Side Gallery nằm trên đường Muhlenstrasse. Thì ra các đoạn tường có hình vẽ lại chính là các đoạn của bức tường Bá Linh còn giữ lại như là chứng tích bảo tàng của một thời ngăn cách của Thủ đô nầy qua hai chế độ Tự Do và Cộng Sản. Bây giờ khoảng 12 giờ trưa. Du khách đến đây cũng nhiều, người ta chú ý đến vách tường hơn là những hình vẽ. Bức tường bằng bê tông cao chắc hơn 3 thước, bề dầy khoảng gang tay, đoạn nầy nằm cạnh bờ sông mà bên bờ bên kia là Tây Bá Linh ngày trước, nếu tôi nhớ không lầm thì bức tường nầy trước kia được gọi là “Bức tường ô nhục” của Thành phố Bá Linh! Tất nhiên du khách đến đây là để ngắm nhìn, xem xét, chụp hình cái công trình lẫn suy ngẫm về cái thời đã qua của Đông Đức và Đông Bá Linh. Theo bảng chi tiết ghi nhớ thì bức tường được dựng lên từ năm 1961 và coi như “sụp đổ” vào tháng tháng 11 năm 1989 để chấm dứt vai trò của nó trong lịch sử và đánh dấu nước Đức thống nhất sau đó, tương đối gọi là hòa bình chứ không bằng chiến tranh “tàn khốc”, và khác hơn nữa là nước Đức trở thành nước “Tự Do” chứ không phải là “Cộng Sản” như ở Việt Nam! Còn một nước thứ ba chia đôi mãi đến tận ngày nay chưa đi tới đâu đó là nước Triều Tiên (tên cũ ngày xưa là Cao Ly) mà phía Nam gọi là Đại Hàn và phía Bắc được gọi là Bắc Triều Tiên!

Bức tường Bá Linh.

Bức tường Bá Linh.

Thế rồi đang trong lúc tôi còn ôn về những ký ức của thời bé thơ thì xe đã ngừng lại bên lề đường và chúng tôi phải xuống xe đi bộ, nhìn lại đồng hồ thì đã là hơn 12 giờ 30. Chúng tôi đi ăn trưa ở một nhà hàng Tàu (Ming Dynastie) trong khu vực nầy mà đoàn người đã đi ngang qua tòa Đại Sứ Trung Quốc ở một góc đường.

Sau khoảng một tiếng đồng hồ ăn trưa đoàn quay trở lại xe để tiếp tục cuộc hành trình trong ngày, lúc nầy chúng tôi có thêm sự hướng dẫn của một Bà phụ lực với Bernard để đưa chúng tôi đi. Xe di chuyển vòng trong Thành phố và bà Hướng Dẫn thuyết minh những nơi mà chúng tôi đi qua như St.Nicolas’ Church, Nhà thờ lớn Berlin (Berliner Dom), Tháp Truyền Hình cao 368 m có nhà hàng xoay ở độ 207 m, City Hall, Berlin Palace, Đại Học Humbold… Đến khoảng 2 giờ 30 thì chúng tôi lại được xuống xe để đi tham quan ở một nơi khác. Thì ra tôi đã hiểu rồi, không như ngày trước trong một tour Tây Âu khi đoàn vừa tới phi trường Hòa lan thì có người hướng dẫn đã đón từ ngay phi trường cùng xe buýt để đoàn nhập ngay vào tour với sự hướng dẫn lẫn thuyết minh của anh chàng dẫn tour người Singapore làm việc cho công ty cũng người Hoa ở Luôn Đôn trong suốt chuyến. Lần nầy, có thay đổi như tôi đã thấy, Bernard đón đoàn chúng tôi từ phi trường Domodedovo ở Nga, nhưng sau đó thì có người Hướng Dẫn Viên địa phương phụ giúp Bernard để đưa đoàn đi tham quan các nơi cũng như thuyết minh cho chúng tôi những gì của địa phương hay Thành phố mà chúng tôi nên biết, mặc dù chúng tôi không hiểu nhiều do vấn đề ngôn ngữ yếu kém của mình lẫn lo nhìn, quan sát, quay phim, chụp hình hay lơ đãng chẳng chú tâm. Tất nhiên người Hướng Dẫn lần nầy là người Đức, giỏi Tiếng Anh để có thể giải thích, giới thiệu những gì cho du khách biết. Có lẽ Bà làm cho một hãng du lịch nào đó ở Thành phố Berlin nầy mà công ty của anh Chánh lẫn công ty của Bernard ăn chịu với nhau.

Bà đưa chúng tôi xuống một đường hầm, đi vào một phòng trong đó có màn ảnh và mở màn ảnh để giới thiệu những thông tin trong lịch sử qua đoạn vidéo về bức tường được gọi là “ô nhục” nầy. Đến nay tôi mới thấy được rõ ràng về những hình ảnh, chứ trong quá khứ dù tôi cũng được đọc chút ít trên báo chí hay nghe người lớn “bàn tán” về nó khá nhiều. Đại khái nước Đức bị chia đôi sau Thế Chiến Thứ Hai với sự sụp đổ của Hitler và chế độ Phát Xít thành Đông Đức và Tây Đức, nhưng Thủ Đô cũng lại chia đôi nhưng Tây Bá Linh lại nằm hẳn trong phần Đông Đức. Nó được giao thương với Tây Đức qua giao lộ trên đất liền băng qua lãnh thổ Đông Đức, nên có nhiều rắc rối xảy ra. Nga và Chính quyền Đông Đức nhiều lúc lại chặn tuyến đường bộ, cô lập Tây Bá Linh khiến Mỹ, Anh và Pháp lập cầu không vận để tiếp tế cho phần Tây Bá Linh. Và vì do sự kiểm soát hà khắc của chế độ, người dân Đông Đức cùng đào thoát với dân Đông Bá Linh để tìm một sự sống thoải mái hơn ở phần phía Tây. Theo tài liệu thì có khoảng 2 triệu 6 rời bỏ khu vực và khoảng 5,000 người vượt bức tường trong đó có chừng 86 đến 200 người đã chết! Điều nầy khiến tôi lại nhớ về thân phận của chúng tôi cũng như người dân của nhiều nước khác mà chúng tôi đã gặp nhau trên xứ lạ quê người như Ba lan, Nga, Tân Cương, Tàu, Lào, Kampuchia, kể cả vài quốc gia ở Trung Mỹ.

Brandenburg Tor.


Sau khi khái quát về hình ảnh của video, Bà hướng dẫn đoàn đi lên đường hầm qua các bậc thềm. Khoảng trống phía trước là quảng trường rộng, phía xa kia là cái cổng tượng trưng cho Thành Phố Berlin có tên là Brandenburg Tor. Đứng ở quảng trường nầy tôi lại hình dung về hình ảnh của quân đội Hitler rầm rộ trong các cuốn phim tài liệu được làm về Chế độ của ông ta cùng trận Đệ Nhị Thế Chiến. Chúng tôi được ha hồ quan sát, chụp hình, quay phim nơi đây khoảng 15 phút. Một điều thú vị là trong khoảnh khắc nầy lại có một người đàn ông trần truồng đứng khoe mình trên một khung cao gần cổng. Tôi cũng từng thấy những bức điêu khắc khỏa thân lộ thiên được trưng bày vài nơi vừa của đàn bà lẫn đàn ông để làm cảnh đẹp, hay nghệ thuật cho địa phương, nhưng hôm nay là hình ảnh sống động của một con người. Ở xứ Tây người ta thoải mái, không bị gò bó, họ thích làm những gì họ muốn. Cũng may hình ảnh ấy không được vào hình ảnh đẹp lưu niệm của bọn chúng tôi, nhưng trong clip vidéo thì tất nhiên là hẳn có rồi!

Sau gần nửa tiếng đồng hồ, đoàn chúng tôi lại lần lượt kéo nhau lên xe buýt trở lại để tiếp tục cuộc hành trình trong city của Thành Phố Berlin như là một chuyến “City Tour”.

 

Nguyên Thảo,

06/09/2020.

 

 

  


No comments:

Post a Comment