Thursday, June 24, 2021

* "Chẳng Ai Chịu Cha Ăn Cướp"!

 

Đó là câu “Tục ngữ” trong Văn học Việt Nam, hay nói đúng hơn là trong “Kho tàng Văn Chương Bình Dân” của người dân Việt. Trải qua nhiều chìm nổi, lặn lội với cuộc sống thực tế, người đời đúc kết được điều kinh nghiệm ấy bằng vài chữ để lưu truyền lại cho đời sau. Và cùng theo bao năm lớn lên, lang thang đó đây Đồ Ngông tôi cũng chiêm nghiệm được sự chính xác của câu ấy để rồi lại càng thán phục cổ nhân nhiều hơn. Nhất là sau thời gian đất nước thống nhất, với sự tổ chức, tái cơ cấu xã hội theo cách mới làm cho dân chúng lâm vào nhiều khó khăn, thiếu thốn và phải tìm phương cách sống cho chính mình, gia đình; nhiều người trở nên lì lợm, sinh ra trộm cướp. Cái điều oái oăm lại là người bắt trộm cắp giao cho chính quyền địa phương xử phạt thì lại phải lo cơm nước cho những tội phạm ấy, vì chính quyền không có tiêu chuẩn cơm gạo để nuôi. Thế là người dân đành bất lực với trộm cướp; vả lại khi bắt họ thì họ phi tang, quăng vật chứng rồi chối bỏ, mà luật thì đòi hỏi phải chứng minh, cho nên toàn xã hội cũng như chính quyền nuôi dưỡng cho tội phạm! Điều ấy đã khiến cho các lề thói đạo đức trở nên lỗi thời! Nền tảng xưa có cơ thay đổi trong một sớm một chiều!

Đồ Ngông tôi không nói ngoa đâu, cũng như không là đặt chuyện. Đó là những bước đầu biến chuyển cho đến tình trạng hiện nay gọi là “vô phương cứu chữa”! Đến khi lọt được ra ngoài được tiếp xúc với những người trong cùng chế độ với mình ở các xứ khác, thì lại thấy tâm tính của họ cũng chẳng khác với nhóm mình là bao nhiêu, mặc dù họ đều là dân tứ xứ khác địa phương, phong tục và tập quán! Từ người Ba Lan, Liên Xô đến Ukraine, Tân Cương, Trung Quốc đều có những tâm tính khá giống nhau khác xa với người gốc Anh hay địa phương. Cái kiểu giành giựt, ích kỷ, chỉ thấy có mình phảng phất nặng mùi, chẳng khác gì nhau với những người xuất thân cùng một chế độ được coi là “tốt nhất” trong thiên hạ trong thời hiện đại! Rồi lại nhìn và so sánh nơi mà mình được cho định cư: Ôi! Sao người ta đâu có cần vận động, tuyên truyền, hô hào cho một cái xã hội tối ưu, thế mà người ta đạt được rất nhiều thành quả mà những người lãnh đạo “cổ hủ” kia từng mơ ước! Nhìn vào những người già an nhàn, không lo lắng cho mình về vật chất cũng như tinh thần, nhìn vào những đứa trẻ con được nuôi nấng đầy đủ, chăm sóc, đi đến trường không tốn tiền (nếu đừng đi vào các trường tư thục), sinh viên được cho mượn tiền đi học, nhất là những người cô đơn phải nuôi con hay người tàn tật, sao họ được ưu đãi đến thế. Tôi lại nhớ đến câu thơ của Tố Hữu: “Sữa để em thơ, lụa tặng già” mà mủi lòng! Đâu phải cung cấp hàng theo tiêu chuẩn, người nhận đâu phải cầm giấy tờ đến nơi phân phát để được ban phát. Họ được cung cấp tiền để muốn mua gì thì mua, trẻ con được mua nhiều thứ chẳng riêng gì sữa; người già muốn mua bao nhiêu lụa lại chẳng được. Té ra xã hội của người ta đã biến đổi quá xa so với những gì mà các người dẫn đường cố gắng để đi tới. Vượt chông gai bao năm để rồi đoàn người cứ lẩn quẩn trong đấu tranh nội bộ, chống hết tiêu cực nầy đến tiêu cực khác, sửa sai lầm liên miên mà chưa hề khắc phục được. Tổ chức của mình càng ngày càng tệ hơn thôi. Đúng là con người không vượt qua ba điều mà Đức Phật đã chỉ rõ: Lòng Tham. rồi đến Sân Hận và Si Mê. Chỉ nội trong cái Lòng Tham thôi biết bao nhiêu cuộc tham nhũng, hạch sách, đòi hỏi, lũng đoạn tiền bạc của người dân, kết cấu với người bên ngoài để làm tiêu tan, hao mòn đất nước. Từ một tổ chức được cho là cống hiến, thanh liêm trở nên một bầy đàn cấu kết, bao che cùng nhau phá hoại, làm giàu trên sức lao động của biết bao người. Thế nhưng chẳng ai chịu cha ăn cướp bao giờ!

Chuyện đời ai cũng vậy, với kết quả tốt thì người ta giành về mình, những gì xấu xa hay bất lợi thì đổ về cho người khác, mặc dù do chính mình gây ra từ vô tình hay cố ý. Đó là điều mà người đời gọi là vô ý thức và thiếu trách nhiệm! Nhất là khi mà người làm ra tránh né để bảo tồn vị thế và quyền năng của mình, nếu không là được bao che thêm do từ người phía trên.

Đó là sự chối bỏ các hành động còn tương đối gọi là nhẹ nhàng, còn có những chuyện dữ dội hơn là người ta giống như kẻ cướp, cướp hay chiếm đoạt, áp bức mà cứ cho mình như là người nhân đạo giúp người. Người ta trở nên dối trá, giở những thủ đoạn nhằm chiếm lấy sự chiến thắng.

Từ lúc nhỏ, Đồ Ngông tôi từng chứng kiến, đôi khi cũng đã là nạn nhân của những đứa trẻ nhỏ bị mấy thằng lớn hơn bày đánh. Chúng luôn đổ thừa cho kẻ yếu, nhỏ hơn là khêu khích, trêu chọc nên chúng mới đánh. Bạn có tin điều ấy không? Tưởng các chuyện ấy chỉ xảy ra trong thời con nít, nhưng đến khi lớn lên thì không phải vậy. Từ những chuyện được viết ra trong truyện Tàu của các triều đại mà mình đã đọc, cho đến thực tế ngoài đời cũng không khác gì xa lắm! Chuyện các nước lớn khuấy động nước nhỏ chư hầu của mình để tìm cớ đánh nước nhỏ khác đã xảy ra giống như trong truyện. Chắc người Việt mình không lạ với chuyện của Kampuchia tàn phá, giết chóc ở biên giới phía Nam, để rồi Việt Nam tiến sang Kampuchia diệt nhóm Polpot, và Tàu lấy cớ “Dạy cho môt bài học”, và “Do nước nhỏ ăn hiếp nước lớn” mà đánh Việt Nam. Đúng là vừa “ăn cướp vừa la làng”!

Chuyện không phải dừng ở lại những trường hợp như vậy, mà còn tiến xa hơn nữa; nhất là trong thời hiện đại khi mà một nước lớn hùng mạnh lại muốn chiến thắng trên mọi lĩnh vực để trở thành “bá chủ võ lâm” như trong các truyện kiếm hiệp của Tàu, thì người ta lại càng tinh vi hơn. Chính vì vậy mà họ không từ bỏ mọi thủ đoạn, hình thức để giành được chiến thắng; thực hiện mưu đồ. Trong lịch sử chứng minh “Muốn thắng được địch thì phải hiểu rõ kẻ địch theo binh pháp Tôn Tử: “Biết địch, biết ta trăm trận trăm thắng” cho nên mọi phương thức thu thập tình hình của giặc là cần thiết bằng mọi thủ đoạn từ tình báo, giao hảo thân thiện, lợi dụng sơ hở, cài người vào mọi phương diện du lịch, ký giả, nghiên cứu văn hóa, doanh nhân thương mại, du học sinh…Nói chung là trên bất cứ hình thức nào đều cũng có thể thu thập tin tức được cùng với mua chuộc, hối lộ người địa phương cộng tác với họ. Nhưng nếu đổ bể thì họ đều chối bỏ giống như họ không từng làm: “Ai chịu cha ăn cướp bao giờ”!

Tùy theo tình hình thuận lợi hay không mà họ có kế hoạch tiến hành; “lùi một bước để tiến hai ba bước” khi tình hình trở nên khó khan; nhưng chung cuộc vẫn không chùn bước, chờ thời cơ đến. Để chiến thắng trong cuộc chiến tranh và đại cuộc họ sẽ nghiên cứu đến những thứ tối ưu trong hiện thời từ vũ khí, quân sự, nhân lực đến kỹ thuật, khoa học lẫn y học. Người ta có thể nghiên cứu đến “chiến tranh vi trùng” để tàn phá đối phương. Nếu một mai rủi ro thì họ chỉ đổ thừa vào thiên nhiên và hủy mọi bằng chứng, chối bỏ mọi sự kiện mặc dù chuyện xảy ra bắt đầu kế bên, hay ngay tại những phòng nghiên cứu về sinh học. Ai chịu cha ăn cướp bao giờ!

Đôi khi người ta lại gian lận trong những cuộc bầu cử để tạo nên ưu thế cho đảng phái của mình trên cương vị lãnh đạo, nhưng bao giờ họ cũng cho rằng là mình công bằng, minh bạch, chính đáng và luôn cản trở mọi hình thức kiểm tra lại. Thế thì: Tại sao? Chẳng qua: “Chẳng ai chịu cha ăn cướp bao giờ” và luôn để giành phần thắng về mình!

 

Đồ Ngông,

24/06/2021.